30/6/11

Tiếng nói từ trái tim


A20 Lê Hoàng Ân

Kính thưa quý vị,

Như tôi đã trình bày trong một bài viết trước, tôi không phải là nhà văn, tôi chẳng phải là cái gì cả, nhưng chỉ vì tôi cần nói ra những gì tôi cảm nghĩ, vì không nói ra được thì trái tim tôi sẽ nổ vỡ mất nếu cố giữ kín trong lòng, nên tôi cần viết ra những gì tôi muốn viết.

Chúng tôi làm giấy tờ để ra đi theo diện ODP (làm chui từ năm 1984 và gửi qua Bangkok vì lúc đó chưa có bang giao chính thức giữa cộng sản Việt Nam và thế giới tự do), với những đóng góp về giấy tờ cũng như tiền bạc của thân nhân chúng tôi đã qua Mỹ từ trước, vì đó là quyền lợi của chúng tôi theo hồ sơ bảo lãnh ODP do các thân nhân chúng tôi đảm trách, nhưng sau đó qua những lời thỉnh nguyện của bà Khúc Minh Thơ đại diện những gia đình có thân nhân bị tù đầy trong guồng máy cộng sản đã trình bày hoàn cảnh này lên Tổng Thống Ronald Reagan và được Tổng Thống chấp nhận để chính Tổng Thống ra lệnh cho ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert L. Funseth trao đổi với nhà cầm quyền cộng sản để thả và cho chúng tôi ra đi qua Mỹ. Vì vậy hồ sơ gia đình tôi được chuyển từ ODP sang HO. Chúng tôi đã tới Mỹ vào ngày 06 tháng 07 năm 1992. Nếu không có bà Khúc Minh Thơ thì không bao giờ gia đình chúng tôi qua được Mỹ theo chương trình HO, (cao lắm thì theo chương trình ODP mà thôi) và như vậy sẽ phải chờ lâu hơn. Do đó gia đình chúng tôi luôn luôn mang ơn bà Khúc Minh Thơ và những người trong hội “Gia Đình những Tù Nhân Chính Trị” đã trực tiếp hay gián tiếp giúp gia đình chúng tôi.

Cộng Sản Tàu,“Cá nằm trên thớt”




Cộng Sản Tàu,“Cá nằm trên thớt”
 
                                                                                    Vũ Trọng Khải/Úc Châu
                                                                                  28/6/2011
 
Khi nói CS/Tàu như “cá nằm trên thớt”,  người ta nghĩ ngay đến việc CS/Tàu sẽ bị “banh xác” trong một cuộc chiến, dưới một dạng thức nào đó có, thể xẩy ra trong tương lai không xa !
 
 Ý tưởng “Hiểm họa da vàng” ám chỉ sự bành trướng của Tàu, đã có trong ý nghĩ Hoa Kỳ và Tây Phương từ thập niên 50.
 
Nước Tàu phải suy yếu, phải bị chia năm sẻ bẩy như thời Lục Quốc.
Đó chính là mục đích phải theo đuổi của Hoa Kỳ để triệt tiệu “Họa Da Vàng”

mửa máu


hắn chết khi máu trào ra lần cuối
trên bục nằm loang lỗ lạnh buốt xương
quần áo rách bươm phơi dãy xương sườn
manh chiếu nát tặng lại người sống sót

hắn chết giữa mùa đông, trời Phú Khánh
Trường Sơn thở dài rước một sinh linh
hai năm mửa máu hắn cố dọn mình
khi nằm xuống cỏ rừng che nấm mộ

Trại Trừng Giới - ba ngàn người cùng khổ
đang gối đầu với cái chết vì lao
thức dậy, chưa đứng lên máu đã trào
lũ vi khuẩn rủ nhau bay vào gió

thằng úp mặt vào tường ho ra máu
thằng nín hơi cố giữ mạng qua ngày
nhà giam kín bưng nằm xuống sát vai
thần chết đêm đêm về khoe lưỡi hái

Trại Trừng Giới và những cơn sợ hãi
trên thân tù - từng da ngựa bọc thây
cuộc chiến cuối – trời ơi ! đau như vậy
Trường Sơn đành lòng đứng sửng không hay

hắn chết, úp mặt nằm trên vũng máu
giọt máu ngày nào từng bón núi sông
hắn chết không phải vào giữa đêm đông
mà vĩnh biệt khi gà rừng gáy sáng

Trại Trừng Giới những oan hồn lảng vảng
hát nghêu ngao bài hát ứa máu tươi
dãy biệt giam xiềng xích hả hê cười
đám chúa ngục khúc khắc ho từng tiếng


nguyễn thanh-khiết

(viết cho những A20 mửa máu quay về
Nguyễn Hạnh, Phạm văn Hải, Trương văn Tám, Vũ văn Lộ...
và vĩnh biệt những A20 đã mửa máu ra đi)
1983-1986





(Nguồn: Viết Từ Địa Ngục Blog)


CHÚT SUY TƯ



Tống Phước Hiến

 I. Trong tù:

Bọn si điên, say men vai chủ mới
Ngùn ngụt kiêu căng, thăm thẳm hận thù.
Trước mắt ngơm – người là kẻ câm mù,
Nên mặc sức, tung đường gươm ác quỷ.

Bao cơ cực, chôn mình vào mộng mị,
Bao ước mơ, cay đắng dấu trong hồn,
Nơi lao nhục, người đành lấp trí nhân,
Dấu giòng lệ, nuôi sâu niềm thống hận.

Mũi súng đen, lời roi phun nọc bẩn,
Xúng xính cười, bái phục những hoang mê
Tâm thác loạn, hừng hực lửa hả hê,
Bầy ác thú cuồng say cơn thịnh nộ.

Người chưa chết, đã trở thành cổ mộ,
Nên quay về thinh lặng với hư vô,
Nghe lệ đá nâng đôi giọt thẫn thờ,
Cùng cây cỏ thấm chín tầng địa ngục


II. Về nhà:

Ta xót sa, xoa gót em nức nẻ,
Bàn tay nhung nay sạn sỏi hờn oan,
Lệ chảy ngược, bầm tím máu hân hoan
Lòng chân thật đành đào sâu chôn dấu

Con ta đó đuổi nhanh thời thơ ấu,
Mắt lạc loài trắng đục những niềm mơ,
Đời trôi qua dăm mộng ước hững hờ,
Da chai đá, roi đời chờ chực đón.

Bảy năm trời đã trở thành phân bón,
Lửa quê hương trăn trở suốt thâu canh
Nuôi ý chí trổ hoa lá đâm cành,
Hoa và đá bắt tay cùng bụi chuối.


III. Tỵ Nạn

Ta ra đi, xa miếu đền xưa cũ,
Xa con sông, ngọn núi lũy tre làng
Và cũng xa bao man rợ hung tàn,
Nhưng gần lắm những oan hồn đã khuất.

Hãy gom lại những hồn ma u uất,
Cùng chúng tôi xô ngã những điêu linh,
Hãy trổi dậy những thao thức trở mình
Mà một thuở thấm tim gan phế phủ.

Đời không trôi trên lối mòn ủ rũ,
Lời đao ta búa lớn lẫn u hoài,
Giòng lịch sử theo vận nước trải dài,
Hãy bước tiếp như Tiền nhân đã bước

Dấu chỉ đường vẫn mãi là phía trước
Hãy khắc ghi những hung hãn bạo tàn
Hỡi bờ cây bụi cỏ vạn lời than
Hãy gom lại thành triều dâng sóng dậy.

               Tống Phước Hiến



CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ



CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ

VIỆT NAM CỘNG HOÀ



                                                                                                    Bài viết của Ý Cơ
         (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)

(viết cho ngày 19 tháng 6)


Đã có quá nhiều những áng văn, thơ, nhạc ca ngợi những chiến công, những hy sinh, trong trách nhiệm Bảo-Quốc An-Dân của người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Cũng không thiếu những áng thơ, văn, nhất là những ca khúc, nói lên tình cảm đầy ân nghĩa của người hậu phương đối với người Quân Nhân ngoài tiền tuyến, những áng văn chương ấy, cùng với hình ảnh người Quân Nhân QL/VNCH cũng sẽ bất tử trong lòng người dân Miền Nam, đã một thời được hưởng những Tự Do, những Hạnh Phúc thực sự, được đem lại từ chính những hy sinh cao quý này.
Rồi cũng có rất nhiều những tác phẩm văn chương, những ca khúc nói lên nỗi mong chờ ngày đêm của người Mẹ già, của người Chinh Phụ, của Người Tình hướng về người Chiến Sĩ đang ngày đêm đối diện tử thần ngoài tiền tuyến.
Nhưng có lẽ, còn quá ít những áng văn hay ca khúc, nói lên sự thiệt thòi, nếu không muốn nói là bất hạnh, của những đứa con thơ dại trong gia đình mà người Cha là Chiến Sĩ QL/VNCH để lại nơi hậu phương, trong những trại gia binh hay trong những huyện lỵ nhỏ gần nơi người Chiến Sĩ đồn trú. Mà nơi đó, những phương tiện sinh hoạt hầu như rất khiêm nhường cho cuộc sống cần có của trẻ thơ .
 Những nhu cầu vật chất thiếu thốn ấy rồi cũng qua đi theo ngày tháng, nhưng những thiệt thòi, mất mát trong đời sống tình cảm, chắc chắn không bao giờ phai nhạt trong ký ức những người con có Cha, nhưng phải sống những tháng ngày như côi cút !!!
Trong đám trẻ thơ ấy, có tôi, là những đứa trẻ có Cha … Nhưng ….
Hai mươi năm Cha tôi trong quân ngũ.
Cũng có được những năm tháng theo chân Ông qua nhiều vùng đất nước, qua nhiều trại gia binh, tôi cũng dần dần làm quen  với những chiếc giường gỗ, những chiếc bàn học đóng tạm từ những mảnh gỗ thùng đạn, hay từ những thùng quân trang, quân dụng khác ….
Tất cả chỉ có thế, những đồ dùng cho gia đình người lính chiến nơi trại gia binh chỉ có thế !!!
Nó đơn giản đến không thể đơn giản hơn được nữa.
Cho dù những tiện nghi vật chất có thiếu thốn như thế, nhưng vẫn là những ngày hạnh phúc của đời tôi, vì tôi, vẫn hằng ngày được gặp người Cha thân yêu của mình, vẫn được ngồi học trong lòng Ông, vẫn được Ông chỉ dậy làm toán cộng trừ, hay tập viết những bài luận văn ngắn ….
Thời gian hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu !!!
Đã đến tuổi vào trung học, cần nơi ở cố định để việc học không gián đoạn khi phải theo chân Ông, hết từ đơn vị này, đến nơi đóng quân khác.
Tôi trở về Saigon cùng Anh Chị …
Các em tôi cùng Bà Kế Mẫu theo Ông về Quân Trường Dục Mỹ.
Tôi mất Mẹ khi mới lên hai, có ba Anh Em, tôi là Út.
Hết Tang Mẹ tôi, vì thương đàn con còn nhỏ, Cha tôi, Ông quyết định tục huyền với một thiếu nữ khác, nay là Kế Mẫu của tôi. Không biết là tôi may mắn hay được Mẹ tôi phò trợ, để tôi có được bà Kế Mẫu tốt bụng như thế, Bà đã chăm sóc con riêng của chồng như con ruột của Bà ngay khi Bà còn là một thiếu nữ.
Năm ấy, Cha tôi chưa cho chúng tôi có thêm đứa em nào sau khi tục huyền, Ông đã vội lên đường nhập học Trường Võ Bị Liên Quân Đalat, năm 1953.
Nay trở về sống ở Saigon, nghĩa là phải sống xa Cha tôi … Nghĩa là lại trở về như những ngày đầu chập chững đến trường không có Cha bên cạnh, không  được Cha tìm chọn cho ngôi trường như ý Ông …không được Cha nắm tay dẫn đến trường trong ngày đầu nhập học như những trẻ thơ khác cùng trang lứa, bàn tay nhỏ bé của tôi, nằm gọn trong bàn tay người Chú Út trong ngày đầu tiên đến trường khi còn ở miền Bắc !!!
Trên đường, một mình trở về Saigon sống cùng Anh Chị, tôi, một đứa trẻ mất Mẹ từ khi mới hai tuổi, nay lại phải xa Cha lần thứ hai.
Trên đoạn đường từ Nha Trang về Saigon ngày ấy, tôi không cười mà cũng chẳng khóc, thân mình như ngây dại, không cảm giác …
Giờ đây nghĩ lại vẫn cảm thương cho chính mình và những bạn bè cùng trang lứa có Cha là Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Bốn năm sống cùng Anh Chị, học ở Saigon, mỗi năm chúng tôi chỉ được sống bên Ông chừng mươi ngày phép …
Sau khi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng là lúc Ông chuyển về Pleiku, nơi đây có trường cho tôi theo học chương trình Đệ Nhị Cấp, Cha tôi muốn được chăm sóc con gái của Ông, và Ông cũng hiểu rằng tôi cần có Ông kề bên, Ông đã về Saigon đón tôi lên nơi đóng quân mới của Ông, Tỉnh lỵ Pleiku.
Pleiku, trong căn nhà gỗ ven Thị Xã, tôi đã thấm thía cái lạnh vùng cao nguyên đất đỏ, đã khổ sở chạy theo chiếc nón lá khi có cơn lốc xoáy, cuốn lên cao… bụi đỏ cả chiếc ái dài trắng đồng phục của trường tôi theo học.
Trong bốn năm sống xa Ông, tôi hằng mong được sống bên Ông như những ngày thơ ấu, nhưng nay đã là một nữ sinh đệ nhị cấp, đã có bạn bè khăng khít bên nhau suốt bốn năm chung một mái trường, mang về Pleiku một khung trời nhớ thương bằng hữu, Pleiku vốn đã buồn, lại buồn hơn … Thôi đành …
Được sống bên Cha thì đành xa các bạn !!!
Những thiệt thòi bất hạnh như thế của người con Lính Chiến tưởng như đã hết ?
Không !!!
Những thiệt thòi,
Những bất hạnh ấy,
Vẫn còn theo mãi trong cuộc sống !!!
Sau này, khi cả gia đình chúng tôi về Saigon chung sống, riêng Cha tôi, khi Dục Mỹ, khi Chu Lai …hết nơi này đến nơi khác … những địa danh quá xa lạ với tôi.
Chị Em tôi được Cha nuôi dưỡng bằng những cánh thư xa nhà, bằng tiền lương hàng tháng Ông gởi qua bưu điện….
Chúng tôi đã khôn lớn, mạnh mẽ, sung sướng hưởng thụ những gì Ông dành cho, mà khi đó, tôi chưa một lần hiểu rằng, đó là những hy sinh lớn lao của Ông, khi Ông đã phải đè nén những cám dỗ, những dục vọng thường tình của cuộc sống để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cho tương lai chúng tôi.
Những lần Ông được về phép chừng mươi, mười lăm ngày, những ngày ấy là những ngày hội, không chỉ riêng cho gia đình chúng tôi, mà cho cả xóm nơi tôi sinh sống, vì cả xóm này chỉ có Ông là một Quân Nhân.
Trong bộ Quân Phục mầu olive, Ông, cao lớn hiện ra nơi đầu ngõ, Cha tôi đấy … Ông vừa từ tiền đồn, nơi Ông đóng quân trở về Thủ Đô Saigon hoa lệ thăm vợ con.
Cha tôi, một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, một người hùng, một thần tượng của tôi … có ai nỡ cười khi tôi nghĩ về Cha mình như thế, con hãnh diện về Cha, hay Cha Mẹ khen con cũng chỉ là những tình cảm thương yêu vốn sẵn có của người đời.
Tiếng chào hỏi, hàn huyên, cùng những tiếng gọi ơi ới của đám trẻ trong xóm …. tin Cha tôi về phép đã tràn vào cửa, trước khi căn nhà thân yêu được đón dấu chân Ông.
Chị Em chúng tôi, chẳng đứa nào kịp mang guốc dép, đã ùa cả ra đầu con hẻm, nơi Cha tôi còn đang bị cầm chân bởi những lời thăm hỏi của bà con lối xóm.
Đứa thì giành mang những vật nặng, các em nhỏ của tôi, đứa cầm tay, đứa kéo áo, đứa ôm chân … Kế Mẫu tôi, nét mặt rạng rỡ đứng trong hiên nhà nhìn theo sự mừng rỡ của đàn con … chắc hẳn, đó cũng là niềm vui Bà đang mong đợi. Câu chuyện thăm hỏi của chòm xóm cũng sớm gián đọan vì thế, để trả lại sự đoàn tụ cho gia đình chúng tôi.
Chỉ những ngày như hôm nay, Cha tôi về phép, là ngày hội của gia đình… Kế Mẫu tôi chăm lo chợ búa, làm những món ăn Ông ưa thích để bù đắp cho những ngày hành quân gian nan, cũng để bõ cho công Bà những ngày tháng nhớ thương Ông … trong chờ đợi âu lo…..
Bữa cơm ngày đầu hội ngộ ấy, hạnh phúc xiết bao, Cha tôi không ăn nhiều, chỉ ngồi nhìn mọi người đang mừng vui khi có Ông về, Ông gắp hết những món ăn ngon cho các con, niềm vui bên vợ con, hạnh phúc trong lòng Ông là những hào quang tỏa sáng cả căn nhà, rạng rỡ khuôn mặt chúng tôi.
Những ngày sau đó, Ông đưa chúng tôi đi xem Ciné, đi sở thú, buổi tối thì ra sông Saigon ăn kem, tất cả những gì chúng tôi mong ước, chỉ đơn sơ như thế, hầu như đều được Cha tôi mang đến cho chúng tôi trong những ngày Ông được về phép.
Những lúc chị em tôi đi học, Ông ở nhà, tự sửa sang lại căn nhà cho được nhiều ánh sáng hơn, được tiện nghi hơn đôi chút. Khi chúng tôi về học, Ông vội ngưng mọi công việc để quây quần cùng chúng tôi.
Những giây phút đó ….. Thật hạnh phúc vô cùng.
Những ai đó may mắn không phải sống xa Cha, xa Mẹ, chắc khó có thể hiểu được niềm hạnh phúc này của những người con Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày hội nào rồi cũng tàn, có hợp thì cũng phải có tan !!!
Những ngày phép của Cha tôi sao qua mau quá, tôi muốn níu lại, tôi muốn đánh đổi tất cả những gì mình có, để chỉ mong xin thêm vài ngày nữa được sống bên Ông ….
Nhưng không được nữa rồi …..
Ngày mai Ông phải lên đường trở về đơn vị.
Ông không bao giờ trễ phép, dù ở vào địa vị của Ông, muốn có thêm vài ngày nữa, tôi nghĩ, cũng không phải là khó.
Nhưng, chưa bao giờ Ông phạm lỗi như thế và chắc chắn tôn chỉ cả đời binh nghiệp của Ông là thượng tôn kỷ luật.
Đêm ấy, chúng tôi đi ngủ trễ, mong kéo dài thêm những giây phút bên Ông … Nhưng ngày mai Ông phải đi sớm, cần giữ gìn sức khoẻ, nên chúng tôi cũng đành để Ông nghỉ ngơi.
Nằm trên giường, trằn trọc mãi không ngủ, tôi lén nhìn, theo dõi Ông thu xếp hành trang … nước mắt … buồn… lăn trên gò má mà không hay !!!
Tôi biết, Ông không phải ra sân bay từ sớm, nhưng Ông đã chọn giờ đi sớm như thế, để không phải nhìn những giọt nước mắt của các con Ông … Tội cho Ông phải chờ chuyến bay trong nhiều giờ ….
Sáng Ông đi, Tôi dậy từ sớm, nằm trong màn theo dõi bóng dáng Ông qua lại thu xếp hành trang, nghe Ông to nhỏ dặn dò Bà Kế Mẫu. Tôi muốn choàng dậy ôm chặt lấy Ông, nhưng còn chần chừ chưa dám vì như thế sợ cũng làm Ông buồn trong cảnh chia tay hôm nay, nước mắt vẫn lăn dài trên gò má tôi …. Đến khi Ông xách hành trang lên đường, ra tới cửa, nén lòng không được, tôi không tự kìm hãm được mình … tung màn … chạy theo ra hiên ngoài, ôm chặt cổ Ông, hôn lên má Ông … nước mắt tôi nhoè nhoẹt cả khuôn mặt hai Cha Con.
Hôm nay, tôi cảm nhận được Cha tôi đã già hơn nhiều so với lần về phép trước đây !!!
Tháng ngày qua đi, cuộc sống trải dài nhiều năm tháng, có Cha nuôi dưỡng, có Cha để được thương yêu dậy dỗ, có Cha để ngóng trông ….
Khi còn trẻ, tôi nghe các Cụ nói “ Có con mới biết lòng Cha Mẹ ”
Làm sao tôi hiểu thấu đáo câu nói ý nhị này … Mãi đến khi lập gia đình, có con, chăm nom con đến khôn lớn … Tôi đã thấm thía ý nghĩa sâu sa lời các Cụ.
Phụ Mẫu càng trường thọ, ta càng tích lũy được dồi dào ký ức.
Khi Phụ Mẫu quá vãng, gia tài vĩ đại của ký ức vẫn là hạnh phúc khi nhớ về Mẹ, Cha.
Ký ức ấy luôn là phương thuốc nhiệm mầu vực ta dậy trước những vấp ngã, trước những thất bại khổ đau trong cuộc sống …
Ký ức ấy là vốn quý trong cuộc sống lưu vong này.
Ngày Cha tôi qua đời, khi sắp xếp lại ngăn tủ của Ông, nhìn thấy chiếc mền vải dù, Ông đã dùng nhiều năm trong quân ngũ, tôi lặng lẽ xếp gọn chiếc mền vào vali của mình.
Có một ai đã hãnh diện vì được Cha Mẹ để lại cho một gia tài đồ sộ, cả đời ăn tiêu không hết.
Riêng tôi, hôm nay vẫn hãnh diện để khoe rằng, gia tài Ông để lại cho tôi là “ chiếc mền vải dù ” …Tôi đã mang theo làm hành trang sinh sống nơi xứ người.
Mười bẩy năm sau ngày giải ngũ, Ông đã bỏ tôi về một thế giới khác, nơi đó có Mẹ tôi đón chờ !!!
Đã nhiều năm rồi, mỗi khi thấy một người mặc Quân Phục, hình ảnh Cha tôi lại hiện về trong bộ Quân Phục thẳng nếp, chân mang giầy bốt, đầu đội mũ bê rê nâu, đôi mắt sáng nghiêm nghị … nhưng như đang cười với tôi !!!
Trong hàng quân của Quân Lực VNCH, giữa những Tướng Lãnh tài năng và đức độ, giữa những bạn đồng đội Anh Dũng của Cha tôi và ngay cả giữa những Chiến Hữu thuộc cấp của Ông … đối với tôi … Cha tôi luôn là người oai phong nhất, mặc Quân Phục đẹp nhất … là người luôn sống gương mẫu với Tín Niệm TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM.
Tôi hãnh diện mà khoe như thế, như khi tôi khoe chiếc mền vải dù là gia tài vô giá mà Cha tôi đã để lại cho tôi.
Tôi cũng hãnh diện để khoe rằng :
“ Tôi là con gái một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ” thuộc binh chủng Biệt Động Quân. Ông là một trong hàng trăm ngàn Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã góp sức, dâng công để bảo vệ TỰ DO cho miền Nam Việt Nam hơn hai mươi năm, trước khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm !!!
Là con của những Chiến Sĩ Quân Lực VNCH, phải gánh chịu những thiệt thòi, những bất hạnh phải xa Cha hay mất Cha của chúng ta …. SẼ … không còn là những thiệt thòi, những mất mát, những bất hạnh … NẾU … chúng ta hiểu rằng chúng ta đã cùng Cha, Anh chúng ta đóng góp cho những ngày miền Nam được TỰ DO ….
Chúng ta, những người con của Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải được quyền hãnh diện như thế ./.

Ý Cơ.
Một ngày Quân Lực nhớ Cha.
6/2011



Mưa trên trại thù


như những bóng ma chập chờn bên núi
đám tù lết về trại dưới chiều mưa
Trường Sơn trùng trùng, ngày qua ngắn ngủi
đời tù lụn dần theo sáng theo trưa

đêm mưa rớt từng cơn ngoài láng trại
chỗ nằm đau trên bệ đá lạnh căm
những giấc mơ của một thời quan ải
nuôi từng ngày với nỗi đợi âm thầm

gió núi thấm trên thân tù rách rưới
lát khoai khô không bẻ gãy hận xưa
tù nghiến răng trong từng mỗi nụ cười
mười năm oằn oại mối thù chưa rửa

mùa mưa xuống từng ngày trên trại giặc
mưa rớt buồn, mưa rớt giữa Trường Sơn
tù lắng nghe sấm gầm trong khuya khoắc
cái nhớ thành xưa ruột thắt từng cơn

mưa dỗ tù hiên ngang đi vào mộng
áo giang hồ mưa lấm, tiếc mà đau
tù nhắm mắt rơi vào muôn tưởng vọng
mùa mưa xuống trại thù - không qua mau


 nguyễn thanh-khiết
A20 mùa mưa


(Nguồn: Viết Từ Địa Ngục Blog)


* Yên Ly diễn ngâm:







HOA CỎ VÀNG TRÊN XE CẢI TIẾN



HOA CỎ VÀNG TRÊN XE CẢI TIẾN
A-20 XUÂN PHƯỚC.
                           
                                                                                                           Ý Cơ/ Úc Châu
                                                                                                             (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)
               

     Đã mấy tuần lễ qua, thành phố nơi tôi ở, mây đen vần vũ đầy trời, mưa không ngớt hạt, cây cối, thảm cỏ sũng nước, tiếng mưa đêm rả rích lê thê, như những giọt lệ khóc thương người Bạn của gia đình đã đi về nơi rất xa …. Ngàn thu vĩnh viễn không gặp lại.

     Cũng khóc thương cho gia đình Bạn, vì nỗi vắng Anh đã để lại cho vợ con, thân nhân một khoảng trống đau thương quá lớn lao !!!

     Sự ra đi đột ngột của người Bạn thân đã khiến cho ký ức của tôi ngập tràn hình ảnh xưa cũ của hơn 40 năm quen biết nhau.
     Thời gian gần đây nhất, tháng 7 năm vừa qua (2010), tôi vẫn còn thấy hiển hiện những hình ảnh của Anh trong những ngày nắng ấm Cali khi chúng tôi ở bên Anh.
     Hình ảnh ấy, Anh với đôi mắt sáng, tinh anh, khẽ nở nụ cười, tay đẩy chiếc xe lăn làm điểm tựa khi di chuyển… Anh thong thả tưới những chậu cây mà người vợ thân yêu đã trồng thật nhiều, để Anh có cơ hội đi quanh nhà vừa vận động thân thể, vừa có niềm vui giúp vợ chăm sóc những chậu cây, để Chị và các Cháu - ba cô con gái ngoan và giỏi của anh – có được những bông hoa rực rỡ quanh nhà, những bông hoa rực rỡ như nụ cười của Anh luôn giành cho Vợ Con và Bằng Hữu.
      Anh yêu mọi người !!!
     Với thời gian quen biết nhau, có lẽ thời gian thân thiết nhất lại là thời gian Anh và chồng tôi bị tù đầy chung từ Biên Hoà, Chí Hoà, Hàm Tân (Z.30C) rồi A-20 Xuân Phước… có mười năm bên nhau !!!
     Mười năm trong chốn lao tù, nơi đã vắt kiệt sức lực, nơi cướp đi tuổi trẻ của những chàng trai hào khí chất ngất, nơi phẩm giá con người bị chà đạp để thử thách … ý chí vẫn vươn cao.
     Nhưng giữa chốn đầy đọa khốn cùng đó, các Anh đã có những ân tình của bằng hữu cùng cảnh ngộ, đã có những chia sẻ thân thương.
     Những hình ảnh của bằng hữu, những cảnh đời của từng khuôn mặt, bây giờ đã là những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức mỗi chúng ta.
     Nói đến kỷ niệm, là nói đến quá khứ.
     Những hình ảnh trong quá khứ được mời gọi trở về, đôi khi đã cho ta nhiều cảm xúc, khi ngọt ngào, khi đắng cay chua xót.
     Đôi khi, bất ngờ trong một khoảnh khắc, cuộc đời đã cho ta những phút giây hạnh phúc, mà những giây phút ấy không bao giờ ta tìm lại được nữa, trong đời …
     Đôi khi, cũng bất ngờ trong một khoảnh khắc, cuộc đời đã cho ta những phút giây khiến lòng ta quặn đau mỗi khi nhớ đến.
     Ôi ! Tại sao có quá nhiều hình ảnh chúng ta phải quên đi, phải chôn sâu, nhưng sao nó vẫn còn đó, hằn sâu trong tim trong óc chúng ta !
     Nhưng cũng cám ơn đời, may mà còn có những hình ảnh khi nhớ lại, chúng ta vẫn thấy xao xuyến, ấm lòng và muốn đem khoe cùng ai đó….
     Tôi cũng có những hình ảnh đẹp muốn khoe cùng Anh Chị !!!

     “ Tôi và người Em Gái của Anh làm bạn đường, trên những chuyến xe đò, trên những toa xe lửa, hay ngồi chờ tầu đêm trên những sân ga heo hút để theo chân các Anh đến tận chốn lao tù … từng trại ….từng trại …. Các Anh đi qua !!!
     Chúng tôi đã có một hành trình mười năm (hay hơn nữa) tìm kiếm, thăm nom… Trên đường chúng tôi đi đã gặp biết bao Bà Mẹ, Bà Chị, Bà Vợ hay các Cô Em cùng cảnh ngộ để được chia sẻ, nâng đỡ nhau thật thân tình, mà tôi nghĩ, có lẽ, các Anh ở trong ấy cũng vậy !!!
     Trên dặm đường dài ngược xuôi, qua vô số những hình ảnh sinh động của cuộc sống lướt trên khung cửa toa xe, tôi đã giữ riêng cho mình một số hình ảnh đặc biệt, mỗi khi nhớ lại, lòng vẫn tràn ngập cảm xúc như sự việc mới vừa xẩy ra.
     Hôm nay, ký ức tôi tràn ngập hình ảnh xưa cũ, qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy những đóa hoa cỏ mầu vàng chung quanh nhà thăm nuôi trại A-20 Xuân Phước.
     Vào một buổi chiều hè năm 1980, sau khi gặp thân nhân, Chị Em tôi được một cán bộ trại cho biết, khoảng 4 giờ chiều sẽ có xe của trại đi qua ga Chí Thạnh, chúng tôi có thể theo xe ra ga.
     Trong thời gian chờ xe, ngồi trong nhà thăm nuôi, khí hậu quá nóng nực, tôi xách chiếc thùng nhôm để làm chỗ ngồi nơi sân trước nhà thăm nuôi, hóng gió dưới một tàn cây, chờ giờ quá giang xe….
     Nhìn vào cổng trại, chỉ thấy được những mái nhà san sát… không hiểu, đó là những căn nhà giam giữ các Anh hay là nơi ở của những người cai tù !!!
     Trời về chiều, nắng vẫn còn như đổ lửa !!!
     Bên kia đường, đối diện nơi tôi ngồi, một đoàn người đang lao động, dường như đang xây cất gì đó …
    Tôi muốn sang thăm hỏi các Anh, nhưng e ngại các Anh bị quy trách vi phạm kỷ luật… nên đành!!!
    Lòng tôi muốn các Anh biết, tôi cũng là thân nhân của các Anh, là Cháu, là Chị là Em của các Anh !!!
    Làm sao đây ?
    Nhìn quanh mình, những hoa cỏ mầu vàng nhiều quá…
    Một thoáng nghĩ …
   Tôi vội vã hái những bông hoa cỏ… kết thành một bó…
   Băng ngang đường, gần đến chỗ chiếc xe “cải tiến”, thấy người canh gác không để ý …
   Tôi đặt bó hoa vào xe rồi tất tả trở về chỗ mình ngồi ….
   Với bó hoa cỏ vàng ấy, tôi muốn gởi lời chào thăm, một lời thương cảm… một lời an ủi… và nhiều hơn nữa… nhiều hơn cả những gì tôi có thể thốt nên lời… Mong sao các Anh trong đoàn người tù khổ sai ấy hiểu được lòng tôi… mà… không chê bai tôi người lãng mạng, vì các Anh đang nhọc nhằn, thiếu thốn trăm điều, còn tôi thì… hoa với hoè !!! …
     Không lâu sau đó, đoàn người, hàng một đi giữa đường về trại… có hai cán bộ cai tù theo sau…
     Đoàn người, các Anh đến gần chỗ tôi ngồi, tôi ngước mắt nhìn từng khuôn mặt thân thương dù chưa một lần gặp gỡ …
     Người đi đầu tiên, trên mũ Anh có cài đoá hoa cỏ mầu vàng, một lời nói khẽ thoảng đến với tôi :
   “Chúc sức khỏe !”…
    Tôi không biết mình đã hái bao nhiêu đoá hoa cỏ mầu vàng ấy…
    Tôi cũng không đếm được đoàn người đi trước mặt tôi có bao nhiêu ?
    Mắt tôi đã nhòa lệ khi nhìn thấy những đoá hoa cỏ mầu vàng được gắn trên mũ, trên vành tai, trên “lon gô” và ngay cả trên xe cải tiến của các Anh…
    Mắt đã nhoà lệ, nhưng tai vẫn văng vẳng nghe người nói:
-         Chúc sức khỏe,
-         Chúc về bình an
-         Gởi lời thăm gia đình
-         ………………

     Nhiều lăm… nhiều lắm…
    Mỗi Anh cho tôi một lời…
    Đủ để tôi hiểu các Anh đã đón nhận lời thăm hỏi và an ủi của tôi, không chê tôi là người lãng mạng…
      Những đoá hoa cỏ mầu vàng hôm ấy, có lẽ còn đáng giá hơn nhiều thứ mà các Anh  đang cần, tôi tự an ủi mình như thế.
     Đoàn người lầm lũi xa dần, vào chốn lao tù, nơi ấy có chồng tôi… có cả người Bạn vừa nằm xuống dưới khung trời Cali nắng ấm !!!
    Các Anh bỏ lại tôi cô đơn bên vệ đường, với hàng lệ còn tuôn rơi trong một chiều nhạt nắng nơi núi rừng Xuân Phước.
Đoàn người ấy ! Các Anh ấy giờ nơi đâu ?
Ai còn ? Ai mất ?
Các Anh có còn nhớ những đoá hoa cỏ vàng năm xưa, tôi gởi đến các Anh với đầy lòng yêu thương ?

Ý Cơ/ Úc Châu
27/5/2011




NGÀY THÁNG ĐÓ …



 NHIỀU LÚC ngồi nghĩ lẩm ca lẩm cẩm không chừng mà lại đúng để tự an ủi mình rằng có lẽ kiếp trước mình cũng là tay sát thủ “độc cước đại hiệp”chăng? Với cú đá sát thủ chắc chết nhiều người lắm nên kiếp này mới bị cùm chân gần bẩy năm trời mà lại cùm 2 chân nên kiếp trước chắc là mình đá song phi nên bây giờ bị cùm 2 chân banh ra, cứ nằm ngửa chờ chờ chứ không nằm nghiêng được. Lúc đó ngoài giấc mơ chiến thắng mình còn mơ ước nhỏ nhoi là được ngủ nghiêng một giấc, đơn giản thế thôi. Vậy mà giấc mơ đó 7 năm sau khi ra khỏi xà lim mới thành hiện thực …: “ Bẩy năm mơ giấc ngủ nghiêng, hết đêm lại sáng xích xiềng chân tay..! Ừ xích thì xích, xiềng thì xiềng có chết thằng Tây nào đâu mà sợ. Máu anh hùng lại nổi lên  thách thức ngạo nghễ:

              Chân cùm tay xích đầu sao xích,
                Xích sẽ có ngày xích phải tung ..!
                Tư tưởng tinh thần làm sao xích,
                              A ha .. A ha ..!
               Xích sẽ đến ngày xích phải tung ..!

20/6/11

Trại Trừng Giới, nơi đày ải nhiều chiến sĩ VNCH



Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER - Sau ngày 30-4-1975 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dựng lên hàng ngàn trại tù rải rác khắp Nam, Trung, Bắc để giam giữ, đày ải các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH. Một trong những trại tù khét tiếng nhất có tên gọi là Trại Trừng Giới A.20 nằm trong thung lũng Kỳ Lộ, Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6-2011, hai chiến hữu Nhan Hữu Hậu (sĩ quan cấp Tá QL/VNCH) và chiến hữu Tống Phước Hiến (sĩ quan cấp Úy, Cảnh Sát Quốc Gia) đã đến tòa soạn nhật báo Viễn Đông để kể lại giai đoạn hai ông và các bạn tù A.20ø phải chịu đựng nhục hình như thế nào tại trại Trừng Giới A.20.

5/6/11

Khi Thơ Lên Tiếng



1.
Em hỏi tôi khi nào hạnh phúc?
biết trả lời sao khi chung quanh ô nhục?
biết nói sao khi những gì chân thực
đều nín thinh như tĩnh vật ngoan hiền
những tấm họa nào màu sắc đảo điên
những đoạn nhạc âm thanh nhạt thếch
người lương thiện trở nên ngờ nghệch
đứng bâng khuâng giữa cõi oán hờn

Người cầm bút
không cần biết thiệt hơn
Vũ khí chính là Thơ: lên tiếng
là việc làm biểu hiện
của vô vàn sắc mực đấu tranh

ÐK:

Ngọn bút thiêng vượt qua bao trở ngại
đồng hành cùng lịch sử yêu thương
Em yêu dấu ơi, từ khổ đau
Thơ Tôi Lên Tiếng
Thơ Chúng Ta Lên Tiếng:
Cứu Quê Hương!


2.
Em có thể yêu tôi
bởi vần điệu trong lành
bởi bề ngoài đỏm dáng
bởi kịch diễn
bởi những điều thế nhân nhàm chán
bởi ngôn từ ngọt lịm đường hương
nhưng em ơi
điều duy nhất phải hiểu nhau hơn
là bản chất
là tận cùng dưới đáy tim dũng cảm


Người cầm bút
đứng giữa vùng ánh sáng
viết nên hoa, nắng, trăng, sao
viết nên đời mới
gửi trao cho Dân Tộc con Người.


Phan Lạc Giang Ðông


3/6/11

Cô gái nhỏ hấp hối


Tặng cô gái nhỏ cả làng bỏ rơi
trong nạn đói Thanh Hóa 1988.

Cô gái nhỏ trơ trọi
trong căn nhà vắng tanh
gia đình đã đi hết
bỏ cô nằm một mình
Trong làng không chó sủa
chim chóc cũng chẳng về
dưới ao không tăm cá
im lặng thật thảm thê.
Làng cô cũng vắng ngắt
người người kéo nhau đi
để tìm ăn tìm sống
quê hương chẳng còn gì.
Trong cơn mê hoảng loạn
Cô rên rỉ van lơn
Ông Táo trong bếp lạnh
cho cô một bát cơm
trời hỡi trời hãy thương
cô bé đang hấp hối
hãy cho cô được thấy
mặt mẹ cô dịu dàng
để cô sẽ khỏi chết
làm ma đói lang thang.

DUY LAM
A20 Nguyễn Kim Tuấn