Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Trọng Khải phu nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Trọng Khải phu nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

14/6/12

TRONG SƯƠNG MÙ XUÂN PHƯỚC !




                                                                                          Ý Cơ
(A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)

Viết cho ngày Hội Ngộ A-20 kỳ hai (1/7/2012)

                                                                        lũ chúng ta, cứ bù đầu chật vật
                                                                   sống sót nên đành kiếm nhau hụt hơi
                                                                    để tiếc, để thương, để nhắc một thời
                                                                 cắn răng nén nhục mười năm xiềng xích
                                                              (NTK “Rót cho người xa xứ”. 29/5/2012)


          Mấy tháng vừa qua, với những emails, với những hẹn hò qua điện thoại viễn liên, hay các buổi gặp mặt thăm viếng, bàn tính, rủ nhau đi tham dự Ngày Hội Ngộ kỳ 2/ A. 20 của chồng tôi và các bạn, những cựu tù nhân chính trị của trại giam A. 20 Xuân Phước khi xưa, đã làm xao động nhiều cảm xúc trong tôi, gợi nhớ về thời gian đi thăm nuôi chồng tù tại khu trại này.

 Trôi theo dòng lịch sử của đất nước, biến cố tháng 4 năm 1975, các anh đã từ mọi miền đất nước bị đưa đẩy gặp nhau trong không gian âm u của núi rừng Phú Khánh, nơi có một trại tù mệnh danh “TRẠI TRỪNG GIỚI” với nhiều phân trại khác nhau, nằm sâu trong thung lũng Xuân Phước, nơi đó  sau này được mang tên: “Thung Lũng Tử Thần !”

 Với chế độ hà khắc, dã man của trại, đã biến các anh thành những bóng ma xanh xao, khô héo.

       Một xã hội thu nhỏ…
       Một TRƯỜNG ĐỜI siết chặt….     

4/12/11

Địa danh của tôi


Ý Cơ ( A20 Vũ Trọng Khải
phu nhân )

Khi còn ở lứa tuổi học trò, trong giờ học môn địa lý, ngồi nắn nót vẽ bản đồ quê hương, hay được thầy chỉ cho xem, vị trí các quốc gia trên qủa địa cầu nho nhỏ, vào lúc đó, mình ao ước, sẽ có ngày được du lịch đến một quốc gia nào khác.

Nhưng bây giờ, vào lứa tuổi không còn trẻ, nghĩ lại, không nơi nào đẹp hơn quê hương mình.

Cuộc đời mỗi người, từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ai trong chúng ta có hai tờ giấy quan trọng. Để chứng minh cho sự hiện hữu của ta trong cuộc đời này, là giấy khai sinh, trên đó ghi rõ địa danh nơi ta chào đời, và tờ giấy thứ hai, giấy khai tử, trên đó cũng ghi rõ địa danh lúc lìa trần.

30/6/11

CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ



CHA TÔI, NGƯỜI CHIẾN SĨ

VIỆT NAM CỘNG HOÀ



                                                                                                    Bài viết của Ý Cơ
         (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)

(viết cho ngày 19 tháng 6)


Đã có quá nhiều những áng văn, thơ, nhạc ca ngợi những chiến công, những hy sinh, trong trách nhiệm Bảo-Quốc An-Dân của người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Cũng không thiếu những áng thơ, văn, nhất là những ca khúc, nói lên tình cảm đầy ân nghĩa của người hậu phương đối với người Quân Nhân ngoài tiền tuyến, những áng văn chương ấy, cùng với hình ảnh người Quân Nhân QL/VNCH cũng sẽ bất tử trong lòng người dân Miền Nam, đã một thời được hưởng những Tự Do, những Hạnh Phúc thực sự, được đem lại từ chính những hy sinh cao quý này.
Rồi cũng có rất nhiều những tác phẩm văn chương, những ca khúc nói lên nỗi mong chờ ngày đêm của người Mẹ già, của người Chinh Phụ, của Người Tình hướng về người Chiến Sĩ đang ngày đêm đối diện tử thần ngoài tiền tuyến.
Nhưng có lẽ, còn quá ít những áng văn hay ca khúc, nói lên sự thiệt thòi, nếu không muốn nói là bất hạnh, của những đứa con thơ dại trong gia đình mà người Cha là Chiến Sĩ QL/VNCH để lại nơi hậu phương, trong những trại gia binh hay trong những huyện lỵ nhỏ gần nơi người Chiến Sĩ đồn trú. Mà nơi đó, những phương tiện sinh hoạt hầu như rất khiêm nhường cho cuộc sống cần có của trẻ thơ .
 Những nhu cầu vật chất thiếu thốn ấy rồi cũng qua đi theo ngày tháng, nhưng những thiệt thòi, mất mát trong đời sống tình cảm, chắc chắn không bao giờ phai nhạt trong ký ức những người con có Cha, nhưng phải sống những tháng ngày như côi cút !!!
Trong đám trẻ thơ ấy, có tôi, là những đứa trẻ có Cha … Nhưng ….
Hai mươi năm Cha tôi trong quân ngũ.
Cũng có được những năm tháng theo chân Ông qua nhiều vùng đất nước, qua nhiều trại gia binh, tôi cũng dần dần làm quen  với những chiếc giường gỗ, những chiếc bàn học đóng tạm từ những mảnh gỗ thùng đạn, hay từ những thùng quân trang, quân dụng khác ….
Tất cả chỉ có thế, những đồ dùng cho gia đình người lính chiến nơi trại gia binh chỉ có thế !!!
Nó đơn giản đến không thể đơn giản hơn được nữa.
Cho dù những tiện nghi vật chất có thiếu thốn như thế, nhưng vẫn là những ngày hạnh phúc của đời tôi, vì tôi, vẫn hằng ngày được gặp người Cha thân yêu của mình, vẫn được ngồi học trong lòng Ông, vẫn được Ông chỉ dậy làm toán cộng trừ, hay tập viết những bài luận văn ngắn ….
Thời gian hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu !!!
Đã đến tuổi vào trung học, cần nơi ở cố định để việc học không gián đoạn khi phải theo chân Ông, hết từ đơn vị này, đến nơi đóng quân khác.
Tôi trở về Saigon cùng Anh Chị …
Các em tôi cùng Bà Kế Mẫu theo Ông về Quân Trường Dục Mỹ.
Tôi mất Mẹ khi mới lên hai, có ba Anh Em, tôi là Út.
Hết Tang Mẹ tôi, vì thương đàn con còn nhỏ, Cha tôi, Ông quyết định tục huyền với một thiếu nữ khác, nay là Kế Mẫu của tôi. Không biết là tôi may mắn hay được Mẹ tôi phò trợ, để tôi có được bà Kế Mẫu tốt bụng như thế, Bà đã chăm sóc con riêng của chồng như con ruột của Bà ngay khi Bà còn là một thiếu nữ.
Năm ấy, Cha tôi chưa cho chúng tôi có thêm đứa em nào sau khi tục huyền, Ông đã vội lên đường nhập học Trường Võ Bị Liên Quân Đalat, năm 1953.
Nay trở về sống ở Saigon, nghĩa là phải sống xa Cha tôi … Nghĩa là lại trở về như những ngày đầu chập chững đến trường không có Cha bên cạnh, không  được Cha tìm chọn cho ngôi trường như ý Ông …không được Cha nắm tay dẫn đến trường trong ngày đầu nhập học như những trẻ thơ khác cùng trang lứa, bàn tay nhỏ bé của tôi, nằm gọn trong bàn tay người Chú Út trong ngày đầu tiên đến trường khi còn ở miền Bắc !!!
Trên đường, một mình trở về Saigon sống cùng Anh Chị, tôi, một đứa trẻ mất Mẹ từ khi mới hai tuổi, nay lại phải xa Cha lần thứ hai.
Trên đoạn đường từ Nha Trang về Saigon ngày ấy, tôi không cười mà cũng chẳng khóc, thân mình như ngây dại, không cảm giác …
Giờ đây nghĩ lại vẫn cảm thương cho chính mình và những bạn bè cùng trang lứa có Cha là Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Bốn năm sống cùng Anh Chị, học ở Saigon, mỗi năm chúng tôi chỉ được sống bên Ông chừng mươi ngày phép …
Sau khi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng là lúc Ông chuyển về Pleiku, nơi đây có trường cho tôi theo học chương trình Đệ Nhị Cấp, Cha tôi muốn được chăm sóc con gái của Ông, và Ông cũng hiểu rằng tôi cần có Ông kề bên, Ông đã về Saigon đón tôi lên nơi đóng quân mới của Ông, Tỉnh lỵ Pleiku.
Pleiku, trong căn nhà gỗ ven Thị Xã, tôi đã thấm thía cái lạnh vùng cao nguyên đất đỏ, đã khổ sở chạy theo chiếc nón lá khi có cơn lốc xoáy, cuốn lên cao… bụi đỏ cả chiếc ái dài trắng đồng phục của trường tôi theo học.
Trong bốn năm sống xa Ông, tôi hằng mong được sống bên Ông như những ngày thơ ấu, nhưng nay đã là một nữ sinh đệ nhị cấp, đã có bạn bè khăng khít bên nhau suốt bốn năm chung một mái trường, mang về Pleiku một khung trời nhớ thương bằng hữu, Pleiku vốn đã buồn, lại buồn hơn … Thôi đành …
Được sống bên Cha thì đành xa các bạn !!!
Những thiệt thòi bất hạnh như thế của người con Lính Chiến tưởng như đã hết ?
Không !!!
Những thiệt thòi,
Những bất hạnh ấy,
Vẫn còn theo mãi trong cuộc sống !!!
Sau này, khi cả gia đình chúng tôi về Saigon chung sống, riêng Cha tôi, khi Dục Mỹ, khi Chu Lai …hết nơi này đến nơi khác … những địa danh quá xa lạ với tôi.
Chị Em tôi được Cha nuôi dưỡng bằng những cánh thư xa nhà, bằng tiền lương hàng tháng Ông gởi qua bưu điện….
Chúng tôi đã khôn lớn, mạnh mẽ, sung sướng hưởng thụ những gì Ông dành cho, mà khi đó, tôi chưa một lần hiểu rằng, đó là những hy sinh lớn lao của Ông, khi Ông đã phải đè nén những cám dỗ, những dục vọng thường tình của cuộc sống để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cho tương lai chúng tôi.
Những lần Ông được về phép chừng mươi, mười lăm ngày, những ngày ấy là những ngày hội, không chỉ riêng cho gia đình chúng tôi, mà cho cả xóm nơi tôi sinh sống, vì cả xóm này chỉ có Ông là một Quân Nhân.
Trong bộ Quân Phục mầu olive, Ông, cao lớn hiện ra nơi đầu ngõ, Cha tôi đấy … Ông vừa từ tiền đồn, nơi Ông đóng quân trở về Thủ Đô Saigon hoa lệ thăm vợ con.
Cha tôi, một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, một người hùng, một thần tượng của tôi … có ai nỡ cười khi tôi nghĩ về Cha mình như thế, con hãnh diện về Cha, hay Cha Mẹ khen con cũng chỉ là những tình cảm thương yêu vốn sẵn có của người đời.
Tiếng chào hỏi, hàn huyên, cùng những tiếng gọi ơi ới của đám trẻ trong xóm …. tin Cha tôi về phép đã tràn vào cửa, trước khi căn nhà thân yêu được đón dấu chân Ông.
Chị Em chúng tôi, chẳng đứa nào kịp mang guốc dép, đã ùa cả ra đầu con hẻm, nơi Cha tôi còn đang bị cầm chân bởi những lời thăm hỏi của bà con lối xóm.
Đứa thì giành mang những vật nặng, các em nhỏ của tôi, đứa cầm tay, đứa kéo áo, đứa ôm chân … Kế Mẫu tôi, nét mặt rạng rỡ đứng trong hiên nhà nhìn theo sự mừng rỡ của đàn con … chắc hẳn, đó cũng là niềm vui Bà đang mong đợi. Câu chuyện thăm hỏi của chòm xóm cũng sớm gián đọan vì thế, để trả lại sự đoàn tụ cho gia đình chúng tôi.
Chỉ những ngày như hôm nay, Cha tôi về phép, là ngày hội của gia đình… Kế Mẫu tôi chăm lo chợ búa, làm những món ăn Ông ưa thích để bù đắp cho những ngày hành quân gian nan, cũng để bõ cho công Bà những ngày tháng nhớ thương Ông … trong chờ đợi âu lo…..
Bữa cơm ngày đầu hội ngộ ấy, hạnh phúc xiết bao, Cha tôi không ăn nhiều, chỉ ngồi nhìn mọi người đang mừng vui khi có Ông về, Ông gắp hết những món ăn ngon cho các con, niềm vui bên vợ con, hạnh phúc trong lòng Ông là những hào quang tỏa sáng cả căn nhà, rạng rỡ khuôn mặt chúng tôi.
Những ngày sau đó, Ông đưa chúng tôi đi xem Ciné, đi sở thú, buổi tối thì ra sông Saigon ăn kem, tất cả những gì chúng tôi mong ước, chỉ đơn sơ như thế, hầu như đều được Cha tôi mang đến cho chúng tôi trong những ngày Ông được về phép.
Những lúc chị em tôi đi học, Ông ở nhà, tự sửa sang lại căn nhà cho được nhiều ánh sáng hơn, được tiện nghi hơn đôi chút. Khi chúng tôi về học, Ông vội ngưng mọi công việc để quây quần cùng chúng tôi.
Những giây phút đó ….. Thật hạnh phúc vô cùng.
Những ai đó may mắn không phải sống xa Cha, xa Mẹ, chắc khó có thể hiểu được niềm hạnh phúc này của những người con Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày hội nào rồi cũng tàn, có hợp thì cũng phải có tan !!!
Những ngày phép của Cha tôi sao qua mau quá, tôi muốn níu lại, tôi muốn đánh đổi tất cả những gì mình có, để chỉ mong xin thêm vài ngày nữa được sống bên Ông ….
Nhưng không được nữa rồi …..
Ngày mai Ông phải lên đường trở về đơn vị.
Ông không bao giờ trễ phép, dù ở vào địa vị của Ông, muốn có thêm vài ngày nữa, tôi nghĩ, cũng không phải là khó.
Nhưng, chưa bao giờ Ông phạm lỗi như thế và chắc chắn tôn chỉ cả đời binh nghiệp của Ông là thượng tôn kỷ luật.
Đêm ấy, chúng tôi đi ngủ trễ, mong kéo dài thêm những giây phút bên Ông … Nhưng ngày mai Ông phải đi sớm, cần giữ gìn sức khoẻ, nên chúng tôi cũng đành để Ông nghỉ ngơi.
Nằm trên giường, trằn trọc mãi không ngủ, tôi lén nhìn, theo dõi Ông thu xếp hành trang … nước mắt … buồn… lăn trên gò má mà không hay !!!
Tôi biết, Ông không phải ra sân bay từ sớm, nhưng Ông đã chọn giờ đi sớm như thế, để không phải nhìn những giọt nước mắt của các con Ông … Tội cho Ông phải chờ chuyến bay trong nhiều giờ ….
Sáng Ông đi, Tôi dậy từ sớm, nằm trong màn theo dõi bóng dáng Ông qua lại thu xếp hành trang, nghe Ông to nhỏ dặn dò Bà Kế Mẫu. Tôi muốn choàng dậy ôm chặt lấy Ông, nhưng còn chần chừ chưa dám vì như thế sợ cũng làm Ông buồn trong cảnh chia tay hôm nay, nước mắt vẫn lăn dài trên gò má tôi …. Đến khi Ông xách hành trang lên đường, ra tới cửa, nén lòng không được, tôi không tự kìm hãm được mình … tung màn … chạy theo ra hiên ngoài, ôm chặt cổ Ông, hôn lên má Ông … nước mắt tôi nhoè nhoẹt cả khuôn mặt hai Cha Con.
Hôm nay, tôi cảm nhận được Cha tôi đã già hơn nhiều so với lần về phép trước đây !!!
Tháng ngày qua đi, cuộc sống trải dài nhiều năm tháng, có Cha nuôi dưỡng, có Cha để được thương yêu dậy dỗ, có Cha để ngóng trông ….
Khi còn trẻ, tôi nghe các Cụ nói “ Có con mới biết lòng Cha Mẹ ”
Làm sao tôi hiểu thấu đáo câu nói ý nhị này … Mãi đến khi lập gia đình, có con, chăm nom con đến khôn lớn … Tôi đã thấm thía ý nghĩa sâu sa lời các Cụ.
Phụ Mẫu càng trường thọ, ta càng tích lũy được dồi dào ký ức.
Khi Phụ Mẫu quá vãng, gia tài vĩ đại của ký ức vẫn là hạnh phúc khi nhớ về Mẹ, Cha.
Ký ức ấy luôn là phương thuốc nhiệm mầu vực ta dậy trước những vấp ngã, trước những thất bại khổ đau trong cuộc sống …
Ký ức ấy là vốn quý trong cuộc sống lưu vong này.
Ngày Cha tôi qua đời, khi sắp xếp lại ngăn tủ của Ông, nhìn thấy chiếc mền vải dù, Ông đã dùng nhiều năm trong quân ngũ, tôi lặng lẽ xếp gọn chiếc mền vào vali của mình.
Có một ai đã hãnh diện vì được Cha Mẹ để lại cho một gia tài đồ sộ, cả đời ăn tiêu không hết.
Riêng tôi, hôm nay vẫn hãnh diện để khoe rằng, gia tài Ông để lại cho tôi là “ chiếc mền vải dù ” …Tôi đã mang theo làm hành trang sinh sống nơi xứ người.
Mười bẩy năm sau ngày giải ngũ, Ông đã bỏ tôi về một thế giới khác, nơi đó có Mẹ tôi đón chờ !!!
Đã nhiều năm rồi, mỗi khi thấy một người mặc Quân Phục, hình ảnh Cha tôi lại hiện về trong bộ Quân Phục thẳng nếp, chân mang giầy bốt, đầu đội mũ bê rê nâu, đôi mắt sáng nghiêm nghị … nhưng như đang cười với tôi !!!
Trong hàng quân của Quân Lực VNCH, giữa những Tướng Lãnh tài năng và đức độ, giữa những bạn đồng đội Anh Dũng của Cha tôi và ngay cả giữa những Chiến Hữu thuộc cấp của Ông … đối với tôi … Cha tôi luôn là người oai phong nhất, mặc Quân Phục đẹp nhất … là người luôn sống gương mẫu với Tín Niệm TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM.
Tôi hãnh diện mà khoe như thế, như khi tôi khoe chiếc mền vải dù là gia tài vô giá mà Cha tôi đã để lại cho tôi.
Tôi cũng hãnh diện để khoe rằng :
“ Tôi là con gái một Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ” thuộc binh chủng Biệt Động Quân. Ông là một trong hàng trăm ngàn Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã góp sức, dâng công để bảo vệ TỰ DO cho miền Nam Việt Nam hơn hai mươi năm, trước khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm !!!
Là con của những Chiến Sĩ Quân Lực VNCH, phải gánh chịu những thiệt thòi, những bất hạnh phải xa Cha hay mất Cha của chúng ta …. SẼ … không còn là những thiệt thòi, những mất mát, những bất hạnh … NẾU … chúng ta hiểu rằng chúng ta đã cùng Cha, Anh chúng ta đóng góp cho những ngày miền Nam được TỰ DO ….
Chúng ta, những người con của Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải được quyền hãnh diện như thế ./.

Ý Cơ.
Một ngày Quân Lực nhớ Cha.
6/2011



HOA CỎ VÀNG TRÊN XE CẢI TIẾN



HOA CỎ VÀNG TRÊN XE CẢI TIẾN
A-20 XUÂN PHƯỚC.
                           
                                                                                                           Ý Cơ/ Úc Châu
                                                                                                             (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)
               

     Đã mấy tuần lễ qua, thành phố nơi tôi ở, mây đen vần vũ đầy trời, mưa không ngớt hạt, cây cối, thảm cỏ sũng nước, tiếng mưa đêm rả rích lê thê, như những giọt lệ khóc thương người Bạn của gia đình đã đi về nơi rất xa …. Ngàn thu vĩnh viễn không gặp lại.

     Cũng khóc thương cho gia đình Bạn, vì nỗi vắng Anh đã để lại cho vợ con, thân nhân một khoảng trống đau thương quá lớn lao !!!

     Sự ra đi đột ngột của người Bạn thân đã khiến cho ký ức của tôi ngập tràn hình ảnh xưa cũ của hơn 40 năm quen biết nhau.
     Thời gian gần đây nhất, tháng 7 năm vừa qua (2010), tôi vẫn còn thấy hiển hiện những hình ảnh của Anh trong những ngày nắng ấm Cali khi chúng tôi ở bên Anh.
     Hình ảnh ấy, Anh với đôi mắt sáng, tinh anh, khẽ nở nụ cười, tay đẩy chiếc xe lăn làm điểm tựa khi di chuyển… Anh thong thả tưới những chậu cây mà người vợ thân yêu đã trồng thật nhiều, để Anh có cơ hội đi quanh nhà vừa vận động thân thể, vừa có niềm vui giúp vợ chăm sóc những chậu cây, để Chị và các Cháu - ba cô con gái ngoan và giỏi của anh – có được những bông hoa rực rỡ quanh nhà, những bông hoa rực rỡ như nụ cười của Anh luôn giành cho Vợ Con và Bằng Hữu.
      Anh yêu mọi người !!!
     Với thời gian quen biết nhau, có lẽ thời gian thân thiết nhất lại là thời gian Anh và chồng tôi bị tù đầy chung từ Biên Hoà, Chí Hoà, Hàm Tân (Z.30C) rồi A-20 Xuân Phước… có mười năm bên nhau !!!
     Mười năm trong chốn lao tù, nơi đã vắt kiệt sức lực, nơi cướp đi tuổi trẻ của những chàng trai hào khí chất ngất, nơi phẩm giá con người bị chà đạp để thử thách … ý chí vẫn vươn cao.
     Nhưng giữa chốn đầy đọa khốn cùng đó, các Anh đã có những ân tình của bằng hữu cùng cảnh ngộ, đã có những chia sẻ thân thương.
     Những hình ảnh của bằng hữu, những cảnh đời của từng khuôn mặt, bây giờ đã là những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức mỗi chúng ta.
     Nói đến kỷ niệm, là nói đến quá khứ.
     Những hình ảnh trong quá khứ được mời gọi trở về, đôi khi đã cho ta nhiều cảm xúc, khi ngọt ngào, khi đắng cay chua xót.
     Đôi khi, bất ngờ trong một khoảnh khắc, cuộc đời đã cho ta những phút giây hạnh phúc, mà những giây phút ấy không bao giờ ta tìm lại được nữa, trong đời …
     Đôi khi, cũng bất ngờ trong một khoảnh khắc, cuộc đời đã cho ta những phút giây khiến lòng ta quặn đau mỗi khi nhớ đến.
     Ôi ! Tại sao có quá nhiều hình ảnh chúng ta phải quên đi, phải chôn sâu, nhưng sao nó vẫn còn đó, hằn sâu trong tim trong óc chúng ta !
     Nhưng cũng cám ơn đời, may mà còn có những hình ảnh khi nhớ lại, chúng ta vẫn thấy xao xuyến, ấm lòng và muốn đem khoe cùng ai đó….
     Tôi cũng có những hình ảnh đẹp muốn khoe cùng Anh Chị !!!

     “ Tôi và người Em Gái của Anh làm bạn đường, trên những chuyến xe đò, trên những toa xe lửa, hay ngồi chờ tầu đêm trên những sân ga heo hút để theo chân các Anh đến tận chốn lao tù … từng trại ….từng trại …. Các Anh đi qua !!!
     Chúng tôi đã có một hành trình mười năm (hay hơn nữa) tìm kiếm, thăm nom… Trên đường chúng tôi đi đã gặp biết bao Bà Mẹ, Bà Chị, Bà Vợ hay các Cô Em cùng cảnh ngộ để được chia sẻ, nâng đỡ nhau thật thân tình, mà tôi nghĩ, có lẽ, các Anh ở trong ấy cũng vậy !!!
     Trên dặm đường dài ngược xuôi, qua vô số những hình ảnh sinh động của cuộc sống lướt trên khung cửa toa xe, tôi đã giữ riêng cho mình một số hình ảnh đặc biệt, mỗi khi nhớ lại, lòng vẫn tràn ngập cảm xúc như sự việc mới vừa xẩy ra.
     Hôm nay, ký ức tôi tràn ngập hình ảnh xưa cũ, qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy những đóa hoa cỏ mầu vàng chung quanh nhà thăm nuôi trại A-20 Xuân Phước.
     Vào một buổi chiều hè năm 1980, sau khi gặp thân nhân, Chị Em tôi được một cán bộ trại cho biết, khoảng 4 giờ chiều sẽ có xe của trại đi qua ga Chí Thạnh, chúng tôi có thể theo xe ra ga.
     Trong thời gian chờ xe, ngồi trong nhà thăm nuôi, khí hậu quá nóng nực, tôi xách chiếc thùng nhôm để làm chỗ ngồi nơi sân trước nhà thăm nuôi, hóng gió dưới một tàn cây, chờ giờ quá giang xe….
     Nhìn vào cổng trại, chỉ thấy được những mái nhà san sát… không hiểu, đó là những căn nhà giam giữ các Anh hay là nơi ở của những người cai tù !!!
     Trời về chiều, nắng vẫn còn như đổ lửa !!!
     Bên kia đường, đối diện nơi tôi ngồi, một đoàn người đang lao động, dường như đang xây cất gì đó …
    Tôi muốn sang thăm hỏi các Anh, nhưng e ngại các Anh bị quy trách vi phạm kỷ luật… nên đành!!!
    Lòng tôi muốn các Anh biết, tôi cũng là thân nhân của các Anh, là Cháu, là Chị là Em của các Anh !!!
    Làm sao đây ?
    Nhìn quanh mình, những hoa cỏ mầu vàng nhiều quá…
    Một thoáng nghĩ …
   Tôi vội vã hái những bông hoa cỏ… kết thành một bó…
   Băng ngang đường, gần đến chỗ chiếc xe “cải tiến”, thấy người canh gác không để ý …
   Tôi đặt bó hoa vào xe rồi tất tả trở về chỗ mình ngồi ….
   Với bó hoa cỏ vàng ấy, tôi muốn gởi lời chào thăm, một lời thương cảm… một lời an ủi… và nhiều hơn nữa… nhiều hơn cả những gì tôi có thể thốt nên lời… Mong sao các Anh trong đoàn người tù khổ sai ấy hiểu được lòng tôi… mà… không chê bai tôi người lãng mạng, vì các Anh đang nhọc nhằn, thiếu thốn trăm điều, còn tôi thì… hoa với hoè !!! …
     Không lâu sau đó, đoàn người, hàng một đi giữa đường về trại… có hai cán bộ cai tù theo sau…
     Đoàn người, các Anh đến gần chỗ tôi ngồi, tôi ngước mắt nhìn từng khuôn mặt thân thương dù chưa một lần gặp gỡ …
     Người đi đầu tiên, trên mũ Anh có cài đoá hoa cỏ mầu vàng, một lời nói khẽ thoảng đến với tôi :
   “Chúc sức khỏe !”…
    Tôi không biết mình đã hái bao nhiêu đoá hoa cỏ mầu vàng ấy…
    Tôi cũng không đếm được đoàn người đi trước mặt tôi có bao nhiêu ?
    Mắt tôi đã nhòa lệ khi nhìn thấy những đoá hoa cỏ mầu vàng được gắn trên mũ, trên vành tai, trên “lon gô” và ngay cả trên xe cải tiến của các Anh…
    Mắt đã nhoà lệ, nhưng tai vẫn văng vẳng nghe người nói:
-         Chúc sức khỏe,
-         Chúc về bình an
-         Gởi lời thăm gia đình
-         ………………

     Nhiều lăm… nhiều lắm…
    Mỗi Anh cho tôi một lời…
    Đủ để tôi hiểu các Anh đã đón nhận lời thăm hỏi và an ủi của tôi, không chê tôi là người lãng mạng…
      Những đoá hoa cỏ mầu vàng hôm ấy, có lẽ còn đáng giá hơn nhiều thứ mà các Anh  đang cần, tôi tự an ủi mình như thế.
     Đoàn người lầm lũi xa dần, vào chốn lao tù, nơi ấy có chồng tôi… có cả người Bạn vừa nằm xuống dưới khung trời Cali nắng ấm !!!
    Các Anh bỏ lại tôi cô đơn bên vệ đường, với hàng lệ còn tuôn rơi trong một chiều nhạt nắng nơi núi rừng Xuân Phước.
Đoàn người ấy ! Các Anh ấy giờ nơi đâu ?
Ai còn ? Ai mất ?
Các Anh có còn nhớ những đoá hoa cỏ vàng năm xưa, tôi gởi đến các Anh với đầy lòng yêu thương ?

Ý Cơ/ Úc Châu
27/5/2011




6/5/11

Mẫu Tự M



                                                                                                                 Ý Cơ

Dường như có một chút gì huyền bí, khó giải thích, khi mẫu tự M đã được nhiều dân tộc có ngôn ngữ khác nhau, dùng làm mẫu tự đầu tiên trong tiếng gọi Mẹ đầu đời, chỉ xin đơn cử, trong Anh ngữ, danh từ Mẹ là Mother, trong Pháp ngữ, danh từ Mẹ là Mère, trong danh từ Hán Việt là Mẫu thân .. .. và chắc chắn còn nhiều nữa, xin hẹn vào một dịp khác, Ý Cơ sẽ tra tìm thêm, để làm một thống kê gởi đến quý vị.

Nói đến tình Mẹ cho con, tình cảm thiêng liêng và vô tận đó, đã làm rung động tâm hồn biết bao nhà văn, nhà thơ đã cho ta biết bao áng văn tuyệt diệu, biết bao nhạc sĩ đã cho ta những khúc nhạc êm đềm, tha thiết như tình Mẹ, cũng không thể quên các họa sĩ, điêu khác gia, hay nhiếp ảnh gia, đã cống hiến cho đời những danh tác, ca ngợi tình thương yêu của Mẹ cho con.

Chỉ với một hình ảnh Mẹ ngồi cho con bú, mớm cơm cho con, khi con mới lọt lòng, đã là đề tài cho biết bao tác phẩm trong mọi lãnh vực văn chương, nghệ thuật.

Có phải chăng, tình cảm đầu đời mà ta được đón nhận, ngay khi, ta chỉ là một vật thể nhỏ nhoi trong bụng Mẹ, là tình yêu thương Mẹ giành cho ta. Mẹ yêu thương, đùm bọc, che chở không điều kiện, không mong cầu ta đáp trả công ơn, tình thương yêu này đã ban cho ta đến tận hơi thở cuối cùng đời Mẹ.

Khi biết có ta trong đời, dù mới chỉ là một dấu báo, Mẹ Cha đã mừng vui khôn xiết, dù Mẹ cũng biết rằng những ngày sắp tới, khi cưu mang ta, Mẹ sẽ có những đổi thay về sinh lý trong cuộc sống thường nhật, Mẹ sẽ khó ngủ hơn, Mẹ sẽ bị khó chịu, thậm chí bị hành hạ thân xác, khi có một hương vị dị ứng, dù đã quen như cơm canh, sẽ có nhiều dị ứng, hành thân xác Mẹ, khi cưu mang ta trong bụng. Nhưng, ăn không được Mẹ cũng phải ăn, ngủ không được Mẹ cũng phải cố dỗ giấc, chỉ vì ta, phải, chỉ vì ta, Mẹ lo lắng trăm bề, có lẽ, hơn lúc nào hết, từ ngày có ta , Mẹ phải tự chăm lo sức khỏe, vì Mẹ biết, chính Mẹ, và chỉ có Mẹ, là nguồn dưỡng nuôi duy nhất cho vật thể nhỏ nhoi này.

Không chỉ có thế, Mẹ đã phải lo toan mọi điều vì ta, ngay cả khi đi đứng, nằm ngồi, Mẹ phải cẩn thận từng cử chỉ, từng động tác, chỉ để  mong cầu cho ta được êm ấm trong lòng Mẹ, rồi nữa, cũng tùy khả năng, Mẹ toan tính mua sắm những gì cần thiết cho ta, khi ta chào đời, ngày đó, ngày mà Mẹ Cha  mừng vui đón ta vào đời, cũng là ngày Mẹ phải chịu nhiều đớn đau và hiểm nguy. Để có ta trong đời, Mẹ đã phải chịu những cơn đau banh da xẻ thịt hàng giờ, có khi cả ngày trời, cơn đau tưởng như không sao chịu nổi, nhưng Mẹ, chỉ có Mẹ mới chịu nổi, vì ta, để ta chào đời được vuông tròn.

Dường như cơn đau chưa dứt, mắt Mẹ đã nhòa lệ, không phải vì cơn đau còn hành Mẹ, Mẹ đã quên đau rồi, Mẹ nhỏ lệ mừng vui vì có ta, trên môi Mẹ đã nở nụ cười đẹp nhất và hiền từ nhất trong đời Mẹ. Khi thấy ta trong hiện thực, Mẹ đã quên đau, quên mệt, để Mẹ có thể ẵm bồng, để Mẹ có thể nâng nưu chiều chuộng và để Mẹ có thể trao tặng cho ta tình thương yêu vô bờ bến.

Từ đây, tình yêu thương của Mẹ ban cho ta, đã theo ta từng bước trong đời. Mẹ giắt tay ta ngày đầu đến trường, Mẹ nắm tay ta, giúp ta tập viết những nét chữ đầu tiên, để tạo dựng những tri thức cho mai sau, từ khi ta còn thơ ấu.

Mai này lớn khôn, Mẹ luôn là người mừng vui trước nhất, về những thành công của ta, và Mẹ cũng là người đầu tiên đến bên an ủi khi ta gặp những khó khăn hay thất bại trong đời. Mẹ không chỉ quan tâm đến những chuyện lớn lao như thế, mà Mẹ còn cảm thấy sót sa khi ta bị nắng mưa giữa đường, Mẹ lo âu khi trời đã về đêm mà ta chưa về đến nhà.. .. Mẹ lo nhiều lắm, đứng ngồi chẳng yên, vì Mẹ luôn nghĩ rằng, ta chỉ được bình yên khi ở bên Mẹ, để Mẹ che chở mọi bề gió lạnh cho ta.

Tình thương yêu chăm sóc vẫn không ngưng ở đấy, ngay cả khi ta đã xây dựng cho riêng mình một mái ấm gia đình. Mẹ đã mừng vui sắm sửa mọi thứ thích ứng cho ta trong ngày vui, Mẹ mừng cho hạnh phúc ta, nhưng Mẹ vẫn là người đầu tiên nhỏ lệ khi hạnh phúc ta không bền.

Mẹ vui vì ta, Mẹ buồn vì ta, Mẹ chịu mọi khó khăn cơ cực vì ta, tất cả những trạng huống tình cảm đó, đều phát xuất từ tình Mẹ cho con.

Những ngày còn ở quê nhà, ta không có ngày riêng biệt để nhớ ơn Mẹ như ngày Mother’s day, nhưng chữ hiếu luôn là một nét lớn trong đời mỗi chúng ta.

Dù không có một ngày riêng biệt, nhưng, những khi giỗ tết, ta đã chúc thọ Mẹ Cha, hay nhắc nhở công ơn sinh dưỡng của Mẹ, khi thắp ba nén hương thơm trước ban thờ, ta đứng đó, trước di ảnh của Mẹ để nhớ về Mẹ ngày xưa, và hầu như chúng ta luôn có lời cầu xin Mẹ linh thiêng phò hộ, ban phước cho con cháu. Thế đó, ngay cả khi Mẹ đã quá vãng, ta vẫn mong cầu một sự che chở từ Mẹ, Mẹ đã ra đi, nhưng tình yêu thương của Mẹ vẫn còn đọng mãi trong lòng ta, lời cầu xin ấy, hẳn đã không phát xuất từ sự yếu đuối của tâm hồn, ta đã cầu xin Mẹ chăm sóc cho ta từ tấm bé, vì ta, chính ta, là một phần thân xác của Mẹ đang còn lưu lại trên thế gian này.

Những gì tôi viết được ra đây về tình Mẹ, chính là những ước mong của đời tôi, và cũng chính vì tôi đã là Mẹ.

Phưóc hạnh thay cho những ai còn Mẹ, để được Mẹ chăm lo từ tấm bé, và cũng hạnh phúc biết bao cho những ai đang còn Mẹ để được tròn đời hiếu thảo.

Nhưng những phước hạnh ấy, quá xa vời với tôi, nếu có thể vượt thời gian để trở về thời sơ sinh bên Mẹ, tôi sẽ chấp nhận mọi gian khổ đánh đổi lấy cuộc hành trình về bên Mẹ. Mẹ tôi không còn nữa, khi tôi tròn hai tuổi, những bước đi đầu đời, tôi không nắm bắt được tay Mẹ, để làm sao một đứa trẻ mới chập chững biết đi như tôi lúc đó, có thể lưu giữ được hình ảnh Mẹ trong tâm tưởng, để từ đó có thể hình thành những ý niệm về Mẹ. Không, tôi không hề có được ý niệm gì về Mẹ tôi, thay vào đó, tôi được chăm sóc bởi tình yêu thương của Bà Nội, của Cha tôi và của một người chị mới mười tuổi và một người anh tám tuổi.

 Được sáu tuổi, đứng xa, nhìn bà kế mẫu, ẵm bồng, chăm sóc những đứa em cùng cha khác Mẹ, tôi bắt đầu thèm có Mẹ. Tôi bắt đầu ý thức từ đó, tôi thường tự hỏi, tại sao tôi phải mong mỏi, thèm khát những điều mà ai trên đời này cũng có, trừ tôi, từ đó tôi  thấy mình bơ vơ, lạc lõng , lặng lẽ nhìn ngắm những gì minh thèm muốn trong tình Mẹ, không có được, tôi đành câm nín trong bơ vơ.

Bạn bè tôi, cùng trang lứa, được hưởng trọng vẹn tình yêu thương của Mẹ, được Mẹ chăm lo đủ điều. Tôi thèm khát, tôi tủi thân, và, nỗi thèm khát đó, tủi thân đó, vẫn đeo đuổi tôi đến tận bây giờ, khi tôi đã gần kề tuổi sáu mươi, và có lẽ sẽ còn theo tôi đến tận cuối đời.

 Đến ngày giỗ Mẹ tôi, nhìn di ảnh của Bà trên bàn thờ, như có chút gì xa lạ, dù đã được biết người trong di ảnh là Mẹ tôi. Bây giờ, sau nhiều năm giỗ Mẹ, tôi đã thân quen với hình ảnh Mẹ tôi, nhưng vẫn không bù đắp  được những gì tôi thèm khát, ngay cả ước mơ được chăm sóc cho Mẹ, tôi cũng không có được.

Có một hình ảnh mãi theo tôi trong nhiều năm qua, một lần, vào tiệm phở, nhìn sang bàn bên cạnh, tôi thấy, một chị bằng tuổi tôi, ngồi ăn cùng với Mẹ, tóc cụ đã bạc phơ, người không khoẻ lắm, khi hai tô phở được đem ra, chị đã gắp những miếng thịt trong tô của Mẹ, bỏ sang tô của mình, có lẽ cụ không ăn được, rồi chị đã dùng đủa xắn những sợi bánh phở cho ngắn lại để cụ dễ ăn hơn, chị ngồi nhìn cụ ăn, xem chừng nếu thấy khó, chị sẽ giúp cụ, nhưng cụ ăn uống khá dễ dàng, thấy thế, chị mới bắt đầu ăn tô phở của mình, nhưng vừa ăn chị vừa chăm sóc cho cụ.
Chị đã được chăm sóc Mẹ, như ngày xưa Mẹ đã chăm sóc cho chị như thế.

Nhìn hình ảnh ấy rồi, tôi không ăn nổi tô phở của mình, tôi đã khóc và thèm cho mình những giây phút đầm ấm như thế, quý chị sẽ cho tôi là người quá nhậy cảm, nhưng đó là sự thật của sự thèm khát tình mẫu tử, một người, mồ côi Mẹ quá sớm như tôi, nhìn những hình ảnh tự nhiên, bình thường đối với bao người chung quanh, nhưng tôi đã thèm khát biết bao năm nay, để cho đến cuối đời, tôi biết mình vẫn còn thèm khát như thế.

Tôi lập gia đình năm 21 tuổi, ngày tôi vu quy, Cha tôi đã rơi nước mắt, khi lạy bàn thờ có hình Mẹ tôi, bức hình Mẹ tôi chụp năm 24 tuổi, Cha tôi đã yêu thương và chăm sóc cưng chiều tôi đủ điều, nhưng Ông biết, Ông không thể bù đắp cho tôi về sự thiếu vắng bóng hình Mẹ tôi trong đời này.

Trong đời sống gia đình, có lúc buồn giận, tôi hỏi chồng tôi qua nước mắt, rằng, có phải anh đã đàn áp tôi vì tôi mồ côi Mẹ. Tôi biết chồng tôi không như thế, nhưng khi cảm nhận nỗi bơ vơ ta thường về ẩn trú trong lòng Mẹ.

Thưa quý chị, tôi đã làm mẹ 32 năm, các cháu đã khôn lớn và đã thành gia thất, tôi được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của các cháu. Trong ngày Mother’s Day và ngày sinh nhật tôi luôn được nhận những niềm vui mang đến từ các cháu, đó là khi tôi làm mẹ.

Nhưng tôi đã không được thể hiện tình tôi giành cho Mẹ, thật đau khổ và tủi thân vô cùng, vì tôi không được như quý chị, tôi chưa bao giờ được mua một đồng quà cho Mẹ, nói gì đến việc đưa Mẹ đi ăn những món Mẹ thích, làm sao sắp được những chuyến đi chơi cho Mẹ .

Tôi không biết được mầu tóc của Mẹ tôi, thì làm sao nhớ được mùi hương tóc của Bà. Sau những ngày mang nặng đẻ đau, Mẹ tôi chỉ được ẵm bồng tôi, hát ru tôi ngủ được một năm thì Bà qua đời, biến cố ấy, không chỉ tội nghiệp cho riêng tôi như hiện nay, mà phải hiểu là đã tội nghiệp cho cả hai Mẹ con tôi.

Các chị thân mến, hãy nâng đỡ thân thể Mẹ càng ngày càng già yếu, hãy nhớ lại những ngày dài Mẹ cực nhọc, Mẹ đã trải qua khi nuôi nấng ta, nay là lúc ta phải đảy xa cho Mẹ những ưu phiền lo lắng, và đem về cho Mẹ những thanh nhàn êm ấm lúc tuổi già.

 Tôi xin chúc phúc cho những ai đang còn Mẹ để tôi được gởi tặng những bông hồng đỏ thắm.

  Riêng tôi, xin nhận đóa hồng trắng từ thơ ấu đến tận cuối đời ./.

Ý Cơ
(A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)




19/4/11

CHỈ CÒN NHAU !!!



Quán Lá trân trọng giới thiệu một tản văn của A20 Vũ Trọng Khải Phu Nhân, một cây viết từng "oai trấn giang hồ" ở Úc Châu mà bấy lâu nay A20 Vũ Trọng Khải dấu kỹ tài hoa "Bề Trên" của anh.
Chị Ý Cơ đã viết bằng tất cả cảm xúc của mình khi chị từng cùng phu quân sinh hoạt trong gia đình A20, từ khi Quán Lá cất chòi dựng nghiệp.
Và bài viết này khởi đi từ mất mát của gia đình A20 khi con đại bàng A20 Đoàn Bá Phụ đã bay đi không về nữa.




CHỈ CÒN NHAU !!!
( viết cho những A-20 )
                                                                                                                 Ý CƠ / ÚC CHÂU
                                                                                                                 18/4/2011


Những hình ảnh ghi lại quá khứ đau thương, đảo ngược cuộc sống của người dân Miền Nam Việt Nam trước tháng 4 – 1975, vẫn hằn sâu trong từng rãnh nhớ chúng ta, dù đã qua rồi 36 năm !
Những biến cố kinh hoàng đó, quá sâu đậm, nên tất cả người Việt còn hiện diện trên khắp địa cầu này đều có tâm trạng giống nhau, vào những tháng đầu năm, sau Tết dương lịch cho đến ngày 30 tháng 4.
Một phóng viên người Pháp đã viết cuốn sách với tựa đề
“ CRUEL AVRIL 1975/ LA CHUTE DE SAIGON.”
Đó là OLIVIER TODD.
Đã được giáo sư Phạm Kim Vinh chuyển dịch Việt ngữ với tưa đề :
“ THÁNG 4 ĐEN.”
Tác gỉa  dùng chữ CRUEL … từ âm hưởng cho đến ngữ nghĩa … tạm đủ để diễn tả nỗi thảm khốc của một tháng 4 nghiệt ngã.
Với dịch gỉa, GS/ Phạm Kim Vinh, cho trình bầy trên bìa sách “ THÁNG TƯ ĐEN.” .. chữ ĐEN, được viết hoa đậm nét bên cạnh hai chữ “ THÁNG 4.”  màu đỏ tươi ,giống như màu máu, đã cho người cầm cuốn sách trên tay hình dung được một mầu tang tóc, màu của đau thương tột cùng … MẦU BIỂU TƯỢNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN.
Sự kiện bắt đầu từ tháng 1 năm 1975, khi những trái hỏa tiễn được chế tạo từ Liên Sô, từ Trung Cộng hay Đông Âu, đã xoáy nát một vài nơi tại Biên Hoà …..
Và rồi, vào ngày 10 tháng 3, người dân miền Cao Nguyên, run rẩy, kinh hoang dưới làn đạn đại liên bắn chéo cánh sẻ …. Run rẩy, kinh hoang dưới làn pháo cối  ……
Trộn trong biển khói đen mịt mù, trong ánh lửa bừng  sáng từ nòng súng đại liên là những tiếng rên la xé lòng !
Những hoả tiễn ấy, những viên đạn súng cối ấy, những tràng đại liên bắn chéo cánh sẻ ấy, được dội lên đầu, lên thân xác người dân Cao Nguyên, được gởi đi từ những bàn tay người cộng sản !!!
Một lần nữa, hãy đào xới những rãnh sâu còn hằn trong tim óc mỗi chúng ta, hãy lật ra những trang sách viết về nỗi đau thương khôn siết ….nhất là ….hãy mở toang cánh cửa quá khứ để nhìn cho rõ những hình ảnh bi thảm không thể nào quên.

Anh ở đâu ? nơi nào nơi tuyền đầu Phước Long, Buôn Mê Thuật …. Hay đang trên đường di tản dọc tỉnh lộ 7 từ Cao Nguyên đổ về Duyên Hải , từ Huế vào Đà Nẵng …
Trong làn sóng người di tản từ Lâm Đồng,Tuyên Đức/ Đalạt đổ xuống Phan Rang Anh đã mang tâm trạng nào theo cùng  hành trang di tản nhỏ nhoi trên vai Anh.

Giữa biển người di tản trên quốc lộ I, Anh có thấy một chiếc xe vespa, vứt ngã bên đường ? nó đã từng chở cả một gia đình đang cuống cuồng chạy xa cõi chết, nhưng cuối cùng,  gia đình tang thương đó, cũng mỗi người một nơi, thân xác văng vãi trên đường. Con đường đó, con đường Anh từng đi qua, nay được mang tên “ ĐẠI LỘ KINH HOÀNG !”

Rồi những năm tháng sau,
Trên những con đường các Anh đã đi qua, chuyển từ trại tù này đến trại tù khác, nó có thể đã là con đường mà người dân miền Nam đã đi qua trong “CUỘC BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN ” ngày nào.
Anh có nhớ những giọt mồ hôi chảy dài từ trán xuống làm cay mắt Anh trong những ngày nóng đổ lửa khi vác những cành củi khô hay khi phải đào những giao thông hào quanh trại tù, để ngăn cản chính mình muốn đào thoát tìm tự do !!!
Anh còn nhớ những đêm núi rừng lạnh buốt thấu sương … thao thức, hay chập chờn trong giấc ngủ mà vẫn nhớ về gia đình, nhớ người thân yêu, đôi khi thậm chí nhớ cả bà con lối xóm … cũng có thể Anh đã mê thiếp gọi tên Em trong giấc ngủ sau một ngày khổ sai nhọc nhằn !!!
Anh có còn nhớ chăng,
Những buổi sáng thức dậy theo tiếng kẻng, với thân xác còn trong cơn mộng mị
(có Anh kể lại và gọi đó là “ TIẾNG KẺNG GỌI HỒN.” ) .
Những buổi chiều thất thểu trở về trên thân xác rã rời, trên vai chiếc khăn như đã nặng hơn lên khi thấm đẫm mổ hôi nhọc nhằn tủi nhục.

Anh có nhớ chăng ?
Những giây phút mong chờ, háo hức khi nhận được thư nhà hẹn ra thăm.
Cảm xúc ngập tràn khi được nhìn rõ mặt nhau, siết chặt tay nhau … tham lam nuốt trọn hình ảnh người thân yêu cho thoả những ngày thương nhớ… Cũng không quên trao nhau những nụ hôn vội vã khi chia tay…

Nó cứ trải dài như thế trên những năm tháng tù đầy.
Anh đã bao lần đếm được những khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc khi nhớ đến tình cảm nồng ấm của người thân … của Em…. vẫn theo Anh từng bước chân trong những tháng ngày xa vắng.
Cũng chính nhờ những tình cảm này, là nguồn vốn quí giá giữ vững tâm hồn và ý chí các Anh trong ngục tù.
Nó, cái tình cảm quí giá đó, đã đè bẹp những thiếu thốn vật chất mà Anh phải chịu đựng, dù rằng ngày về đoàn tụ với gia đình vẫn còn mờ xa…..

Trong nỗi đau thương chung của cả Dân Tộc, mỗi chúng ta có một định phận, là một nét chấm rất nhỏ trên bản đồ Việt Nam tả tơi, đau thương.

Khi Anh ngược xuôi trên đường di tản,
Chị, trong cùng hoàn cảnh, đang ngồi ôm con, lo âu nhìn lên những đốm lửa, những vầng khói đen ngùn ngụt của trận pháo kích vào thành phố, Chị giật mình, dang rộng vòng tay ôm siết những  con thơ, như gà Mẹ sải cánh che cho đàn con trước lũ diều hâu hung ác.

Chị đã đi suốt những con đường dài chông gai của rừng núi, dẫn đến những trại tù bó chân Anh … Tay xách nách mang những món ăn đạm bạc nhưng được chắt chiu, gởi gắm thương yêu .
Ngược xuôi trên những chuyến tàu đêm, tàu chợ, nhẩy lên tàu, đeo theo tàu, có Chị đã bị chấn thương đôi chân son nhỏ, ngày nào được Anh nâng niu sắm cho đôi giầy, đôi guốc…mà ngày nay, mỗi khi tiết trời thay đổi đôi chân son ấy lại bị hành đau nhức …
 Chị vẫn thất thểu bền lòng theo Anh trên bước đường chuyển trại.

Đã có được bao lần chúng ta mở toang cánh cửa quá khứ, dù nhớ lại niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau … những kỷ niệm đáng nhớ hay cần quên, vẫn là gia tài quí báu của mỗi chúng ta. Hãy chia cho nhau để thấy rằng cuộc đời với đầy  ái, ố, sầu, bi … này, chúng ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, những người đang sống trên chính Quê Hương mình không tự do.

Hôm nay đây, xuôi theo dòng chảy cuộc đời, trong con sóng, khi cuồng nộ, khi đong đưa vỗ về … dù gì đi nữa, chúng ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác !!!
Xin hãy nâng niu những giây phút có được bên nhau.
Xin hãy vuốt nhẹ mái tóc người bạn đời chung thuỷ, dù đã ngả mầu.
Hãy ôm vai những đứa con đã trưởng thành để các cháu thấy được cuộc sống ngập tràn  tình yêu thương của cha mẹ, và ôm siết đàn cháu ngây thơ, đó là những khối vàng sáng chói long lanh vô giá đã cho ta hạnh phúc từng giây.
Xin pha một ấm trà ngon để mời người bạn gần kề bên ta,
Xin bấm nút con số của máy điện thoại để chúng ta được nghe tiếng nói của nhau, tuy xa ngàn dặm nhưng lại quá gần như trong gang tấc bên nhau.
Xin bấm máy computer để còn biết tin nhau. Để không nuối tiếc khi ai đó lià xa  ta về nơi cuối dòng sông định mệnh. ……
Xin mượn câu thơ sau của nhà thơ Hư Vô tại Sydney :
Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau.”
      
Ý CƠ / ÚC CHÂU
Sydney, 18/4/2011
Viết vào đêm không ngủ,
Khi được tin Anh Đoàn Bá Phụ
Chia tay chúng ta.