8/6/14

Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời



A20 Phạm Đức Nhì

(Xin gởi đến hương hồn anh Vũ Ánh
như một nén nhang tiễn biệt.
Và đến chị Yến Tuyết
như một lời chia buồn muộn màng)

Một Tâm Hồn Trẻ Trung Sôi Nổi

Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi – thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại - bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép. Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra. Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù "ngờ ngợ có cái gì không ổn" cũng không làm chi được. Sau buổi họp, mấy bạn trẻ như Tú Cường, Nguyễn Hữu Hồng... đến bắt tay tôi tỏ vẻ đồng cảm và ngưỡng mộ một hành động nhanh trí và can đảm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì phản ứng liền. Đám trẻ của chúng tôi là như vậy. Tôi bắt tay các bạn một cách vui vẻ rất... bình thường. Riêng anh Ánh, lúc ấy đã gần 40, vẻ mặt trí thức, chững chạc đến vỗ vai, bắt tay tôi đã là... đặc biệt rồi. Anh lại còn ôm chặt tôi ra vẻ rất quý mến: "Tôi tưởng cậu hát nhạc của tụi nó nên đã muốn chửi thề trong miệng, nhưng khi nghe câu hát đầu tiên tôi khoái quá, hát muốn khàn cả cổ". Tôi với anh quen nhau, gần gũi nhau ngay từ hôm ấy. Sau này ra hải ngoai anh còn viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Của Nguyễn Đức Quang Trong Nhà Tù Cộng Sản kể lại sự kiện này. Tôi có cảm tưởng ở cái tuổi của anh lúc ấy, đối với một sự việc bình thường như vậy, thái độ "nóng máu muốn chửi thề" của anh, thật giống bọn trẻ chúng tôi: Rất Trẻ Trung Và Sôi Nổi.