10/8/14

Người chết lo cho người sống

  
A20 Vũ Hùng Cương thư cho tôi, chỉ vắn tắt một câu “đây là email của phu nhân Vũ Ánh”. Một câu nhắn gãy gọn nhưng nó chứa biết bao nhiêu điều để nói, để làm.
Tôi thư cho chị Yến Tuyết, vợ anh Vũ Ánh, người chị dâu tôi chưa bao giờ biết mặt. Hai chị em bắt tay vào việc thực hiện tâm huyết của người đã ra đi.

Khi còn sống anh chú bảo chị hãy xuất bản quyển Thung Lũng Tử Thần gây quỹ giúp cho các cựu binh A20 còn ở lại Việt Nam, đó là tâm nguyện cuối cùng của anh ấy


24/7/14

Điệu nhạc Nam Ai


khúc nam ai 1

Biết đến bao giờ được về trên bến  ấy
vỗ mái chèo con khua bóng  núi Ngự bình
hát tiếng người xưa
cuộn nhàu chăn chiếu
cho quên hết những lối buồn sạn đạo

cho đêm dài ủ kín điệu tình ca
chèo thôn nữ dập dình sông trắng bạc
ta sẽ hát khúc cuồng ca lã chã
giọt rượu buồn vương tiếng nước khôn khuây
sông dẫu vắng vẫn gào lên núi rộng
mảnh tình riêng xao xác bóng sơn hà .

… còn lại gì sau năm dài hiu hắt
khúc tù ca tan tác đóa xuân xanh
bốn mươi năm vời trông tường thủy mặc
lạnh lời ca rợn khúc hát cô hồn.

Ta còn gì giữa đời ta lật bật
mộng về đâu dan díu lối mơ xưa
đâu phế tích
đâu tàn hoang cõi tạm
đâu ngọc ngà
đâu sương khói phôi pha.

A20 Phạm Văn Thành 
nhớ Nguyễn Thành .
14.7.2014

***

khúc nam ai 2

Em đã quên mùa thu 
mang theo cơn bão ối đỏ bầu trời
Em đã quên mùa  đông
những tháng năm lạnh đầy muôn lối tuyết ?

Mùa xuân hôm qua
mùa xuân hôm nay
sao thấy thiếu những điều thật lạ
những điều mà tiềm thức xa xôi
cả em anh chưa bao giờ biết nói,

Miếng cà muối sổi !
Bát canh cua đồng !
Thúng bún bên đường !
Hàng hiên nhà ai cơn mưa chiều vội vã,

Con ong bầu ú nụ
bay lượn trên giàn mướp im lìm…
Côị mít nhà ai
 lăn tăn chùm dái chát sượng sùng xanh ngắt…
  
Mùa xuân như là đấy
mơ hồ diệu vợi
gần gũi !
xa xôi !
như thoảng tiếng gà trưa
ba mươi năm rồi không còn nghe thấy nữa !

Gặp em giữa chặng đường mơ non nước
vòng tay gầy ôm xiết một mộng mơ
tình trong vắt nở thơm mùi cỏ dại
phút tương phùng đồng đội đến rồi đi !

Mùa thu, em ơi rồi sẽ qua
và mùa xuân thắm sẽ về trên bến nước
những mùa đông tuyết mù tịch mịch
sẽ không còn lạnh giá nữa em ơi,


cuộc hành trình dẫu còn hay sẽ mất
thì thân ta nào có nghĩa gì
một bông hoa mướp rực vàng 
vặt cho tôi nhé
những ngày gặp nhau.

 A20 Phạm Văn Thành
Lagny 23.7.2014
  
***

Khúc nam ai 3

Rồi sẽ qua những tháng ngày buồn thảm
Mặt trời lên khua con nước êm đềm
Thuyền vỗ sóng dập dình  đêm trăng tịnh
chảy về xa heo hút chuyện tình già

Em sẽ hát khúc ru hời ngọt lịm
nhặt vầng trăng xô sóng vỡ trên tay
tôi sẽ hát bản trường ca lịch sử
vung mái chèo đập nhịp tráng bi ca !

Ô ! Giòng sông 
như chảy tràn lên thổn thức
vực nông sâu khua xiết giấc cô liêu
đâu như tiếng cùm xiềng !
làm rổn rảng đáy thuyền chao năm tháng !

Ðàn lên đi em ơi !
cho quên hết những đêm trăng vàng úa !
hát nữa đi em
lời ru thì thầm của ngày xưa mẹ hát

cho dù ta đã bạc đầu
cho dù năm tháng chẳng còn bao lâu
cho dù  trăng sáng sông sâu
cuộc vui vầy lớn
vắng ta đi về.

A20 Phạm Văn Thành
          Paris 23.7.14



22/7/14

Chương Trình Chiêu Hồi Của Việt Nam Cộng Hòa




BS. A20 Hồ Văn Châm


Chương trình Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa được xây dựng và tiến hành trên nền tảng chính sách Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chủ trương lấy tình thương xóa bỏ hận thù, chân thành mở rộng vòng tay đón tiếp những anh chị em ruột thịt chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản, lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tưởng là phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc. Tất cả các cán binh cộng sản ra hồi chánh, bất kể quá trình hoạt động bản thân trong hàng ngũ cộng sản như thế nào, nếu ý thức sự lầm lạc trong quá khứ, và nhiệt tình phục vụ lý tưởng tự do dân chủ, đều được phục hồi đầy đủ quyền công dân và hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng dân tộc.





14/7/14

Câu chuyện cùm thứ hai: Long, Thành, Hòa


 A20 tháng Chín 1993. 


Từ đường ngoài cổng thăm nuôi, đi qua dãy nhà cơ quan, bước qua cổng trại giam sẽ thấy ngay bên tay mặt là hai dãy nhà của khu A. Ðó là nhà 1A và 2A. Nhà 1A và 2A nối với nhau bằng một khu nhà cầu xây bệ cao chừng 80cm. Mỗi nhà cầu có bốn bệ ngồi, ngăn cách nhau bằng những bức tường lửng cao chừng 70cm. Hai nhà là 8 bệ cầu. Giữa 8 bệ cầu có một tường bê tông xây bít để ngăn cách riêng biệt cho hai nhà. Mỗi bệ cầu có một lỗ thông 18/20cm để phân lọt xuống một cái thùng sắt đã để sẵn, có lối thông ra phía tường sau của hai nhà buồng. Mỗi sáng, tù trực sinh sẽ khênh các thùng phân ra ngoài các đội để hoặc cho cá ăn, hoặc tưới cho các luống rau muống.

Khu nhà buồng 1A và 2A có tường cao 2,50m chung quanh. Trên đầu tường là hàng rào kẽm gai, giăng mắc nhiều làn dây điện nối với nhà máy phát điện độc lập của trại. Kiến tạo cũng y như vậy với khu nhà 3A, 4A. Ðây được coi là các khu nhà giam nhốt những tù trọng án.

13/7/14

Câu chuyện cùm thứ nhất, Trương Văn Sương.


Anh em Fulro đem vào trại cho tôi một con chó. Đây là một con chó loại chó cỏ, mình như con sóc với bốn chân thẳng thanh thoát. Con chó trắng, lông ngắn mịn, đầu mặt cân đối bốn chân móng trắng ngà và đầu vàng, trên lưng vá một đám lông vàng cháy, không lẫn một sợi đen nào. Nhìn con chó trong tay Y Rưới, đang đứng bên cửa nhà bếp chờ tôi ra, tôi sững người, miệng lẩm nhẩm “bạch khuyển hoàng đầu thân bối nguyệt”, một trong đệ nhất phúc khuyển tướng pháp ! Sao lại có cảnh oái oăm thế này. Y Rưới cười cười bẽn lẽn nhìn tôi:

-          Ngoải kêu em đem dô biếu anh cho anh đỡ buồn !

Tôi bần thần đỡ con chó, cởi sợi dây gồi chắc Rưới đã bện công phu. Y Rưới la lên:

-          Nó chạy mất giờ anh.


BÀI THƠ LƯỠI VÀ RĂNG

       
Lưỡi răng tỉ sánh đức so tài
Hưởng trọn béo, chua, mặn, ngọt ,cay
Răng cứng tôi em vâng lệnh bảo
Lưỡi mềm anh, chủ đủ quyền oai
Hai hàm tương sát bao lần diệt
Lưỡi giữa hòa nhân thọ, dẻo, dai
So sánh hai đàng đều rõ lý
Răng thì thua lưỡi đức hơn tài


Thích Thiện Minh

12/7/14

BÀI THƠ CON CUA


Ở đời có mấy kẻ đi ngang
Ỷ lớn béo to có một càng
Ló mắt chẳng phân người phải quấy
Quờ càng chẳng lựa kẻ ngay gian
Thả mình theo nước hềm không ruột
Lột vỏ già đời chẳng thấy gan
Gặp lúc tối trời thì kể chắc
Nghe hơi biến động rút vào hang

Thích Thiện Minh



                        

8/6/14

Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời



A20 Phạm Đức Nhì

(Xin gởi đến hương hồn anh Vũ Ánh
như một nén nhang tiễn biệt.
Và đến chị Yến Tuyết
như một lời chia buồn muộn màng)

Một Tâm Hồn Trẻ Trung Sôi Nổi

Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi – thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại - bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép. Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra. Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù "ngờ ngợ có cái gì không ổn" cũng không làm chi được. Sau buổi họp, mấy bạn trẻ như Tú Cường, Nguyễn Hữu Hồng... đến bắt tay tôi tỏ vẻ đồng cảm và ngưỡng mộ một hành động nhanh trí và can đảm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì phản ứng liền. Đám trẻ của chúng tôi là như vậy. Tôi bắt tay các bạn một cách vui vẻ rất... bình thường. Riêng anh Ánh, lúc ấy đã gần 40, vẻ mặt trí thức, chững chạc đến vỗ vai, bắt tay tôi đã là... đặc biệt rồi. Anh lại còn ôm chặt tôi ra vẻ rất quý mến: "Tôi tưởng cậu hát nhạc của tụi nó nên đã muốn chửi thề trong miệng, nhưng khi nghe câu hát đầu tiên tôi khoái quá, hát muốn khàn cả cổ". Tôi với anh quen nhau, gần gũi nhau ngay từ hôm ấy. Sau này ra hải ngoai anh còn viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Của Nguyễn Đức Quang Trong Nhà Tù Cộng Sản kể lại sự kiện này. Tôi có cảm tưởng ở cái tuổi của anh lúc ấy, đối với một sự việc bình thường như vậy, thái độ "nóng máu muốn chửi thề" của anh, thật giống bọn trẻ chúng tôi: Rất Trẻ Trung Và Sôi Nổi.


19/5/14

Ngày 18-05-2014




Bên nhà thờ là mặt nạ, dùi cui
trước tượng mẹ công an ghìm tay súng
Sài-Gòn 18 tháng 5 đầy hận tủi
đã cạn cùng cho ý thức bao dung
nối giáo giặc tra tấn người yêu nước
đem bạo quyền trấn áp tiếng dân than
toàn dân xuống đường chống quân xâm lược
chính quyền còng tay, đánh đập dã man
còn đâu thuở cha ông từng khổ nạn
dựng một non sông lừng lẫy bao đời
đất nước còn nhưng mất nửa giang san
pháo giặc đã vượt đường qua biên giới
biển mất, thành sắp tan ôi trời hỡi !
đảng cầm quyền chỉ trấn lột toàn dân
Việt Nam tôi vô phương rồi người ơi
quân là đám côn đồ sao lâm trận?
Việt Nam tôi sắp mất rồi người ơi !
Việt Nam tôi sẽ mất hỡi người ơi !
A20 Nguyễn Di Ngữ

18/5/14

Tháng 5 - ngày chủ nhật


Bạn có thấy không một bầy lang sói
cắn xé đồng bào ruột thịt đáng thương
khi biển đông giặc chễm chệ dựng dàn khoan
phía biên giới trùng trùng quân xâm lược
giữa Sài Gòn - một ngày chủ nhật
mặt nạ dùi cui, hàng rào - một lũ công an
đám giết người đứng chật lối dọc ngang
thẳng tay đàn áp dân yêu nước
Sài Gòn dưới mặt trời chói chang
có vết sẹo tháng 5
gạch dấu đau trong lòng dân Việt

ngày chủ nhật không còn nước mắt
để khóc cho đất nước lầm than
mẹ Việt Nam đã nuôi nhầm một đám con hoang
kéo nhau dẫm lên xác người cùng giống
Ôi Sài Gòn, bên nhà thờ Đức Mẹ!
một ngày chủ nhật - tháng 5
áo vàng, áo xanh 
áo bán nước, áo hại dân
dưới cờ máu, làm Việt Nam thêm chảy máu

A20 Nguyễn Di Ngữ
ngày 18-05-2014


1/5/14

CUỐI CÙNG...


           Gởi Út-Khiết

Tháng Tư giặc xua quân đánh chiếm
đốt ruộng vườn nhà cửa xác xơ
trung-đoàn giặc tràn qua thôn Chín
xác mẹ già xen lẫn trẻ thơ.

Tao dắt tiểu-đoàn qua suối Chết
đuổi giặc chạy dài tận sân bay
địch đón tao một trung-đoàn pháo
xé tiểu-đoàn rách nát làm hai.

Trước mặt tao trung-đoàn Quyết-Thắng
sau lưng tao trung-đoàn Sông-Mao
xác bạn, xác thù... thây chất đống
thịt da tan tành trong binh đao.

Dắt tàn quân băng rừng vượt chốt
nghe ông Minh ra lệnh đầu hàng
giữa núi đồi... tao ôm mặt khóc
non nước mình ai quấn khăn tang !

---------------

Khi nào mầy về thăm Võ-Đắt
hãy thắp giùm tao một nén nhang
mầy muốn cắm nơi nào cũng được
nơi nào cũng phủ một màu tang.

A20 Lê Phi Ô
30/04/năm thứ 39





30/4/14

Trên bức tường đá đen


TƯỞNG NIỆM
Ngày 30 tháng Tư 1975

những vần thơ viết trên bức tường đá ngục
là thông điệp người lính bại vong
gửi đến thời gian phía trước cho Em

tháng sáu bảy lăm
chàng sĩ quan trẻ Biệt động
theo Cha Hiệu xứ đạo Biên hòa
vào rừng lập mật khu chống Cộng
bị bắt đưa về trại giam Chí hòa
nhốt vào xà lim tử tội

cuối năm bẩy tám
tôi bị xiềng cách ly
đối diện phòng Anh
những ngày dài như trăm năm
bỗng một sáng tinh mơ
vẳng nghe tiếng hát buồn day dứt
“em đến thăm anh trời mưa gió
đường xa lạnh lùng”
tôi bàng hoàng đau đớn
một chiều mưa nào
nơi hạnh phúc cố quên
người vợ trẻ.hai đứa con thơ
thành phố biển
chỉ một vách tù
mà muôn trùng tội nghiệp

ngày lại ngày.tôi ngóng chờ
tiếng hát buồn thảm vọng từ đáy ngục
nỗi hào khí khốn cùng
ngọn dao đâm phế tạng
thời gian đi lở lói vết thương sâu

thế rồi một hôm
tiếng hát kia vụt tắt
người sĩ quan bị mang ra trường bắn
tôi ngồi lặng im ứa nước mắt

chua xót nhìn quanh
trong bóng tối lờ nhờ chốn biệt giam
những hình tượng Phật Chúa
vẽ ngoằn ngoèo trên Bức Tường Đá Đen
cùng tuổi tên chín Anh Hùng tận tuyệt
tuần tự lên máy chém
Họ là Ai.lịch sử bỏ quên
chốn cô hồn khuất lấp

tôi cô đơn hãi hùng trong xà lim ma quái
rờn rợn sống lưng
những nhát chém vô hình phụp xuống
người chiến sĩ phục quốc Trần Việt Sơn
hồ trường.đứt bóng

chàng bỏ lại người vợ trẻ
nơi đồng ruộng Long Xuyên
từng nét chữ vô vọng nhoẹt nhòe vệt máu
Anh yêu Em
vĩnh biệt
không một ai được biết
tôi rùng mình sởn gáy
khí lạnh đùn quanh
một bóng một mình.tôi nhìn tôi sợ hãi

ôi người bạn không quen
chiều sông Dịch còn vang vang gươm dáo
mối thù kia còn đeo đẳng kiếp người

chân tay tôi bị xích bị xiềng
nghe tiếng sáo mơ hồ gió thoảng
tôi kéo lê dây xích
trong đau thương tột cùng
vói bàn tay sờ soạn bức tường dày
đọc tên từng người
giọt nước mắt cay
những đứa con yêu.Tổ Quốc đoạn đành

A20 Cái Trọng Ty

17/4/14

Hoài Niệm


39 năm trôi qua
Tôi vẫn đời viễn xứ
Sống cuộc sống tha phương
Nơi đất khách quê người
Nhưng lòng vẫn ghi nhớ
Những kỷ niệm ngày xưa
Nhớ những ngày cắp sách
Ngồi trên ghế giảng đường
Với bao nhiêu ước vọng
Một tương lai sáng tươi

Nhưng mùa hè đỏ lửa
Khi giặc cộng tràn về
Tàn phá quê hương tôi
Gây bao cảnh đau thương
Cho dân lành vô tội
Nên bút nghiên sách vở
Đành tạm gác sang bên
Theo tiếng gọi quân trường
Sống đời trai thời loạn
Và sau ngày mãn khoá
Mỗi đứa về một nơi
Thằng Nhảy Dù, Biệt Động
Đứa Địa Phương, sư đoàn
Thằng Thủy Quân Lục Chiến
Kẻ chắp cánh trên cao
Thằng bạn bè sông nước ...
Ngày đêm trên chiến địa
Mặt đối mặt quân thù
Sống chết tựa như tơ
Vì hai chữ tự do
Xả thân cho lý tưởng

Tháng tư ngày ba mươi
Đang chiến đấu cộng thù
Lệnh truyền buông vũ khí
Uất hận trong nghẹn ngào
Rời bỏ mảnh chiến y
Còn vương mùi chiến trận
Trở thành tên hàng binh
Sống cuộc đời nhục nhã
Với kiếp sống lao tù
Tôi vẫn luôn nhớ đến
Những thằng bạn cùng thời
Đồng chung trong cảnh ngộ
Trong kiếp sống tù đày
Nhưng không hề khuất phục
Trước loài thú thành người
Cùng tìm đường vượt trại
Chấp nhận mọi hy sinh
Bỏ xác trong rừng sâu
Hay dập bầm thân thể
Trong gông cùm hầm tối
Vẫn bền gan chịu đựng
Không một lời oán than
Nhớ đến những bạn tù
Đêm giáng sinh bẩy tám (78)
Trong tay không tấc sắt
Mặc cộng thù vây kín
Súng đạn nổ qua đầu
Năm K cùng cất hát
Một bài ca đấu tranh
Cho tự do con người
Nhớ những ngày gian khổ
Trong thung lũng tử thần
Khi cộng thù hiểm ác
Hành hạ bạn thân thương
Nên cùng nhau sát cánh
Đấu tranh với giặc thù
Với tinh thần bất khuất
Lính Việt Nam Cộng Hoà
Ngẩng cao đầu nhìn thẳng
Loài cộng thù gian manh
Nhớ những lúc biệt giam
Chia xẻ từng thìa cơm
Giúp nhau từng giọt nước
Để cùng nhau vượt qua
Những chặng đường gian khổ
Hun đúc chí căm thù
Chờ đến ngày phục hận
Đánh đuổi loài cộng nô
Mang lại ngày tươi sáng
Cho quê hương Việt Nam.

Kính hương hồn: Cao Hữu Hoàng, Nguyễn mậu Nội, Châu hoàng Lộc, Nguyễn thanh Sơn, Nguyễn văn Liêm, Hùng (sư tử)… đã bỏ mình khi vượt ngục
Tặng bạn tù Suối Máu, A20 Xuân Phước trong những ngày đấu tranh.

A20 Trương Mạnh Hùng
15-4-2014

24/3/14

Lễ an táng nhà báo Vũ Ánh


Buổi tiễn đưa nhà báo Vũ Ánh tại nhà quàn Peek Family Funeral, Westminster, CA.
Chiều Chủ Nhật 23-3-2014. 







(Nguồn: www.nguoi-viet.com/)

20/3/14

Thư viết cho chồng






1975-1992

Anh, “Dựa lưng nỗi chết”*
Vẫn còn giữ nụ cười.
Em, trôi giòng đời bạc
Nước mắt lúc đầy vơi.
Hồn bạt ngàn gió núi,
Tình ngỡ tan mù sương...
Trong mộng ảo và thực,
Em nhìn Anh , rưng rưng.
Trên còn đường ta đi
Mùa xuân qua rất chậm
Thôi không còn chia ly
Dù muộn màng số phận.

1992-2014
Anh, tấm lòng bao dung
Em, cảm ơn hạnh phúc
Những niềm đau lắng xuống
Trong khu vườn tình yêu.
Từ quá khứ nghiệt ngã
Anh bước ra nhẹ nhàng
Viết và yêu chữ nghĩa
Đến hơi thở cuối cùng.
Đêm mùa xuân trăng sáng
Em nhớ nụ cười anh
Tha thứ và ấm áp
Ôm mãi hoài đời em.

Yến Tuyết
(A20 Vũ Văn Ánh phu nhân)




* Đề tài 1 cuốn sách của Phan Nhật Nam.





15/3/14

Vĩnh biệt Vũ Ánh




Anh từng hứa về thăm trại cũ
lên đồi vĩnh biệt đốt một nén nhang
sao đành đi lúc chiều chưa tàn
mà khăn gói vẫn đầy nguyên kiếp nạn

Nhớ xưa
dưới cái nóng hạ Lào cháy khô thung lũng
cùm chữ U máu mủ ứa cổ chân
anh hiên ngang gõ sắt mà ca
trên xiềng xích đọc vang bài Bắc Tiến

Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
bây giờ
tờ Hợp Đoàn để lại cho ai?

Vũ Ánh ơi!
trên sàn tù lạnh lẽo
áo lính sờn vai 
hơi thuốc thổi bay qua đồi vĩnh biệt
anh khóc cho thằng nằm lại bơ vơ
đã lỡ không được chết dưới cờ
lủi thủi như anh - lên đường ra trận
mười ba năm - nằm gai nếm mật
bây giờ - thôi đã trắng tay thua

Tiễn anh đi 
      - mười ba năm tù
          - sáu năm biệt giam
      - ba lát khoai khô
                         - cõng mấy hạt cơm gạo mốc
một thời lẫm liệt
trước gông cùm kìm kẹp
còn ai ngồi nhắc, có ai thương ?

Vũ Ánh ơi!
con tằm già chết ở cuối đường tơ
Chí Hoà, T 20, Z30A, A20
những trại thù anh từng qua
lổn ngổn sau lưng 
vẫn còn đây bầy xiềng xích 
ôi! Trường Sơn có nghe chăng
giữa khuya đau lòng tiếng anh than
chí cả năm xưa - theo tới ngày tàn
trong thiên hạ ai chia bùi xẻ ngọt?

Và lớp lớp người đi - người đi trước
nợ nần gom đầy - chỉ một anh mang
lũ bọ dòi rút rỉa tan hoang
anh vẫn lồm cồm
một thân đứng dậy
mà thôi 
hãy quên đi những gì không đáng nhớ
cầm trên tay thanh kiếm gãy năm nào
về lại đây - trở lại đèo cao
đồi vĩnh biệt bạn bè vẫn đợi
cứ múa bút
                                           - cho ngày đang tới
                                           - cho Trường Sơn rung lá như xưa
                                           - cho Trà Bương lúc mưa là mưa
                                           - cho bút pháp đi vào thiên cổ
nhớ mà chi
một lần qua sông Dịch
lưỡi gươm cùn bỏ lại dưới trăng tan

Vũ Ánh ơi!
bài thơ xưa gởi anh ngày bóng xế
còn trên tay dù đã ố vàng
cứ cầm như - như một nén nhang
tiễn anh đi - dù xa ngàn dặm

A20 nguyễn thanh khiết
15-03-2014





Trả lời thư Vũ Ánh


đọc thư anh thằng em buồn thúi ruột
cũng muốn xẻ chia như thuở tù đày
biết anh một thời lừng lẫy, đắng cay
bị cùm mút chỉ, sống còn vì bạn

đại ca – anh là thằng ưa gánh nạn
nên suốt đời bị trù dập thẳng tay
tưởng ra đi đã vứt nợ trần ai
cái nghiệp dĩ trói anh thêm lần nữa

đọc thư anh – trả lời như đã hứa
tội cho anh làm kỷ niệm tháng tư
chỉ với khoai mì, muối ớt, khư khư
thì chắc chắn chẳng ma nào tới dự

lần đầu tiên mười lăm thằng – quá dữ
lần thứ hai chỉ vỏn vẹn còn ba
lần tới nầy sẽ không một bóng ma
kéo ghế ngồi với anh cùng mặc niệm

đại ca ơi! phải chi anh ra quán
café Bolsa – mấy em phục vụ ở truồng
hoặc ở nhà hàng, cờ quạt bốn phương
may ra bạn bè ngày xưa xúm lại

cái thói xứ người mồm loa mép giải
ngày tan hàng đã vất mẹ nước non
mấy mươi năm cứ chửi rủa, om sòm
rủ về nước mặt xanh như tàu lá

súng đạn quăng bừa đạp nhau chạy trốn
miệng la làng vì chống cộng mà đi
đại ca – anh nhắc chi, làm mẹ gì ?
cái đám đó bây giờ đông như kiến

cám ơn anh đã một lời thành thực
biết thẹn mình, vì đã lỡ buông tay
còn tưởng nhớ mười năm hơn ăn khoai
trong lúc nhiều thằng cố tình quên nó

nhục theo anh gần bốn mươi năm dài
mà có kẻ cứ vinh danh hoài mới chết
thôi đại ca, anh tuổi già mỏi mệt
đã một đời, hãy để đám đàn em

nguyễn thanh khiết
03-2011




Thung lũng tử thần - Phần 1


A20 Vũ Ánh


LTG - Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng cũ: đàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.


Ðặt tên cho một lòng chảo

Cái tên này được các tù cải tạo vốn là những sĩ quan quân đội và các cấp chỉ huy trong công chức VNCH từ trưởng phòng trở lên và tù chính trị án nặng kể cả tử hình đặt cho một cái lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước thuộc quận Ðồng Xuân thuộc tỉnh Phú Khánh (tên gọi mới của tỉnh Phú Yên), nơi có trại cải tạo A-20. Từ ga xe lửa La Hai trên Quốc Lộ 1 muốn vào đến lòng chảo này phải vượt qua 60 cây số đường rừng, tức là phải vượt qua trạm cuối cùng nơi có một trại Lực Lượng Ðặc Biệt cũ thời chiến tranh cách A-20 khoảng 10 cây số, vượt qua một vòng đai gồm khu kinh tế mới và một vòng đai gồm gia đình công an và dân làng do Việt Cộng kiểm soát thời chiến tranh. Từ ga xe lửa La Hai vào đến trại, thân nhân các tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối vào mùa mưa, trong đó nguy hiểm nhất là suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ và chảy xiết. Về vị trí thì theo nhiều tù cải tạo rành về địa thế cho biết trại A-20 nằm trong một khu rừng già bên cạnh con đường mòn mới mà người Cộng sản gọi là Trường Sơn Tây bên này dãy Trường Sơn.


Thung lũng tử thần - Phần 2



A20 Vũ Ánh


Tờ Hợp Ðoàn ra đời trong bí mật ở A-20 Xuân Phước trong hoàn cảnh nào?

Chọn lựa ở xã hội bên ngoài sau khi người tù cải tạo được thả ra từ sau những cánh cổng nhà tù đã là một khó khăn huống hồ là những chọn lựa trong tù, nghĩa là trong một môi trường không thể có chọn lựa. Nhưng nếu bảo ở sau cánh cổng nhà tù, người tù không còn lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận thì không đúng. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy chắc chắn sẽ là một quyết định khó khăn giữa hai thái độ: hoặc là thà chết để đứng thẳng lưng, hai là cứ cong lưng để sống. Tôi có thể nêu ra một điển hình mà chắc bạn nào từng sống ở cái địa ngục A-20 Xuân Phước trong thời kỳ từ 1979 cho đến 1984 chưa quên. Ðó là khi trưởng trại giam Thân Yên, người mà hôm “đón tiếp” chúng tôi khi chúng tôi bị giải giao đến trại đã ngồi vỗ tay rất hăng hái khi PÐN cựu sĩ quan Chính Huấn quân lực VNCH điều khiển anh em hát ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Ðức Quang, đã ra lệnh thành lập đội Văn Thể, tức Văn Nghệ và Thể Thao tại Phân trại E. 

Thung lũng tử thần - Phần 3



A20 Vũ Ánh


Cái giá của những ngộ nhận!

Khi đã bị đẩy vào sau cánh cổng nhà tù cộng sản, chỉ có một số rất nhỏ ở một trại từ đầu cho đến cuối mùa, còn phần đông đều bị chuyển trại cứ khoảng một đến hai năm một lần đi các trại khác, ngoại trừ tù cải tạo bị “tuyển lựa” lên các trại A-20, A-30 và A-10. Khi phải đi qua nhiều trại cải tạo như vậy, các bạn tù khi gặp lại nhau ở trại mới thường hay hỏi thăm nhau tình hình sinh sống ở các trại khác. Có người nói trại này sống “thoải mái” hay “dễ thở” hơn, trại nọ “khắt khe, thù hận” nặng hơn vì các cán bộ quản trại đều là từ quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh hay Ðồng Hới. Nhưng theo tôi, khi đã bị buộc phải sống trong các trại cải tạo thì chẳng có trại nào dễ thở hơn trại nào. Dễ thở, thoải mái hay không là tự mình. Anh sợ sệt đủ thứ kỷ luật khắt khe mà cai tù đặt ra thì ở trại cải tạo nào cũng nghẹt thở cả. Còn nếu anh tự cho anh là người tự do thì trại nào cũng dễ thở cả!


Thung lũng tử thần - Phần 4


A20 Vũ Ánh


Tết Nguyên Ðán 1984 đánh dấu sự thay đổi chế độ lao tù tại Việt Nam?

Tết Nguyên Ðán năm 1984, chúng tôi lại trải qua một cuộc “xóa bài làm lại” trong khu biệt giam của Phân trại E thuộc A-20 Xuân Phước, nghĩa là phải thay đổi chỗ ở sau một màn tất cả lần lượt “bị” lùa ra giếng nước ngay bên cạnh ao thả cá rô phi sau khu biệt giam. Trời Tháng Giêng ở thung lũng tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại. Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời. Chân tay anh em chúng tôi gần như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số 5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam. Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai.