21/12/13

Trả lại sự thật cho chiến sử VNCH


Một Chiến Công Bị Quên Lãng


A20 Đỗ Văn Phúc



Trận tử thủ An Lộc được xem là một trong ba trận đánh lừng danh nhất trong quân sử Việt Nam Cộng Hoà vào mùa hè năm 1972, mà sau này được nhà văn Dù Phan Nhật Nam đặt tên là “Mùa Hè Đỏ Lửa”.

Bốn mươi mốt năm về trước, đúng vào 7 tháng 4, 1972, Cộng quân đã tung ba sư đoàn bộ binh (5, 7, và 9) cùng thiết giáp ồ ạt tấn công vào thị trấn bé nhỏ An Lộc, nơi đang là tỉnh lị của tỉnh Bình Long, chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng một trăm cây số. Mục tiêu tối hậu của Cộng Sản Hà Nội là chiếm bằng được An Lộc để làm thủ đô cho cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu chính trị của Hà Nội là tạo một uy thế cho đám bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng để có tiếng nói tại Hội Nghị Paris.

Nhưng sau ba tháng bao vây tấn công một thị trấn nhỏ bé có diện tích chỉ khoảng 4 cây số vuông, sử dụng đến hàng chục ngàn binh sĩ, hàng trăm xe tăng tối tân, bắn hàng trăm ngàn viên đại pháo, hoả tiễn, Cộng Quân đã chuốc lấy thảm bại và rút lui sau khi để lại trên 10000 xác chết cộng với khoảng 25 ngàn khác bị thương.
Trận tử thủ được xem là chấm dứt vào ngày 7 tháng 7, 1972 khi các đơn vị tăng viện của Quân Lực VNCH tiến vào An Lộc, bắt tay với các đơn vị phòng thủ và tiếng súng địch đã ngưng hẳn.

Đã có nhiều bài viết về trận An Lộc với nhiều chi tiết và nêu danh các quân nhân anh hùng đã tham gia trận đánh. Gần đây, Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh cho ra mắt cuốn sách Chiến Thắng An Lộc 1972 dày 418 trang vớí nhiều sử liệu đáng giá.
Nhưng không rõ lý do gì, trong hơn 400 trang giấy, một trong những người anh hùng có công đầu trong trận đánh đã bị bỏ quên, hoặc chỉ được nhắc qua một cách mờ nhạt trong vài câu như chỉ là một trong những chiến binh có mặt, tham gia trận chiến. Trong các trang 181-183, Phần 1, Chương 11 ghi công trận các vị chỉ huy từ các Tướng Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Hưng, đến các Đại Tá Lê Quang Lưỡng (Nhảy Dù), Trần Văn Nhật (TQLC), Mạch Văn Trường (Trung Đoàn 8 BB), Lý Đức Quân (Trung Đoàn 9 BB), Nguyễn Văn Biếc (BĐQ), Phan Văn Huấn (Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù), tuyệt đối không có một câu nào cho Đại Tá Lê Nguyên Vỹ. Chỉ đến gần cuối, ở trang 188, mới thấy ghi qua loa như sau:


28/11/13

Tự Do và Tôi


Tiếng hát A20 Vũ Trọng Khải trên sân khấu Úc Châu với nhạc phẩm "Tự Do và Tôi" của Hà Thúc Sinh.




23/11/13

Quán xưa một bóng ta về


Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trong Quán Lá
đếm tuổi tên kẻ rách áo đi xa
khấn vong linh người chết xác thành ma
thần hồn tụ lại nhắc thời chinh chiến

Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trong quán vắng
tình bao năm sót lại mấy tờ thư
hận một thời cùm kẹp giữ khư khư
đợi ai? chờ ai? thăm lom, mai một

Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trơ ra đó
tóc phai màu cặm cụi tiếc ngày xanh
mấy mươi năm cùng trôi dạt đã đành
gặp lại chỉ dăm hôm đành đưa tiễn

Thở dài mà chi ! trần gian ơi hỡi !
thân thế tả tơi sông núi hoang tàn
cùng gánh gồng thuở nước mất nhà tan
cùng tắm máu xương một thời tù ngục

Hận mà chi ! bầy đàn bay bốn hướng
còn lại quán này mái dột tường xiêu
trời đổ bóng nghiêng ngày đã xế chiều
đêm sẽ xuống soi lên tàn phai cũ

Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trong Quán Lá
đau theo từng tiếng tắc lưỡi thạch sùng
biết bao năm kéo dài phút lâm chung
có lẽ đã tới giờ chôn quá khứ

Lặng lẽ ta ngồi, nhớ thương đủ thứ
với nỗi buồn đeo bám mấy mươi năm
ôi ! quán xưa một thuở tình còn thắm
chiều đã xuống đầy - Quán Lá lạnh căm

nguyễn thanh khiết
13-11-2013
(viết cho những A20 đã nằm xuống)




18/11/13

NÉN NHANG CHO MỘT ANH HÙNG


A20 Phạm Đức Nhì

(Luật sư Trần Danh San, người đọc Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng tại Vương Cung Thánh Đường năm 1977, đã ra đi.)
  
Giữa Trần Danh SanVũ Văn Ánh, do vị trí chỗ nằm ở nhà 3 lúc mới đến phân trại E, A20 Xuân Phước, tôi gần và thân Vũ Văn Ánh hơn. Với Vũ Văn Ánh, tôi có thể đặt câu hỏi trực tiếp về những điều mình muốn biết và được anh trả lời đầy đủ, cặn kẽ. Với Trần Danh San, tôi phải rình những lúc anh trò chuyện với mọi người để len lén đến ngồi nghe ké. Nguyễn Hữu Hồng, một sĩ quan trẻ và cũng hay ngồi nghe ké như tôi, có lần phát biểu: “Tay này đúng là trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, cái con mẹ gì hắn cũng biết. Đáng nể thật.” Nhờ những lần nghe ké như vậy sự hiểu biết của tôi được mở mang rất nhiều.

“THÁC LÀ THỂ PHÁCH, CÒN LÀ TINH ANH”





Luật sư Trần Danh San đã ra đi, nhưng thanh danh luật sư Trần Danh San  đời đời lưu lại trong lịch sử.

*Luật sư Trần Danh San, người đầu tiên viết nên bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền” của những người Việt Nam khốn cùng.” (The Declaration of Human Rights of Disgraceful Vietnameses).

15/11/13

Long Rồng


A20 tháng 9, 1993 

Bên bờ giếng hai người đàn ông mặc quần xa lỏn chụm đầu vào nhau. Bốn cái đầu gối lồi lên hai bên bả vai. Con mèo nằm nhe răng, mặc cho bốn bàn tay vò vọc, nhổ từng nắm lông. Nó đã chết từ đêm hôm qua, ngay dưới vuông cửa trực của người tù gác đêm Đào Đăng Nhẫn.

Gã tù Việt kiều tay cầm đóa hoa vạn thọ, ngô nghê bước sát lại gần hai người tù đang nhổ lông con mèo. Con mèo bé tí, vừa bằng cổ tay người tù khổ sai ! Cả ba rơi vào những giây thời gian im lặng khó diễn tả ! Một tay chỉ huy giang hồ khét tiếng. Một tay thơ phú dạt dào và một tên lưu vong quay về từ bên kia quả đất sau mười năm lang bạt. Ba người đàn ông trọng án cùng nhìn vào một con mèo trắng ởn đã chết đang bị vặt lông. Con mèo bé bỏng, gầy guộc, cái đầu chỉ nhỉnh hơn quả chanh.

13/11/13

Bài điếu văn cho Trần Danh San một A-20 vừa ra đi vĩnh viễn!


A20 Vũ Ánh


San thân,


Dù đã đoán trước được ngày giờ này đến với bạn sẽ không xa cái ngày ở tôi và Vũ Hùng Cương đến thăm và ở lại tán gẫu với bạn cả buổi sáng tại bệnh viện. Buổi sáng hôm đó, tôi đã nghe bạn nói với người bác sĩ điều trị: “Dù muốn dù không tôi cũng sẽ ra đi, đừng lo lắng thái quá cho tôi”. Trần Danh San là như thế ! Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng không phải chỉ ở vào thời điểm bạn đã nằm trên giường bệnh vì ung thư phổi mà ngay từ thời gian luôn luôn chúng ta phải đối mặt trực diện với kẻ thù từ những năm đầu của biến cố 30-4-1975. Tôi nhớ cái ngày chúng tháo cùm mở cửa xà lim để chuyển chúng ta vào khu chuồng cọp “sang trọng” hơn ở trại B, đôi cổ chân của bạn sưng lên như chân voi, cái dấu cùm 16 lún xuống thành hai cái vòng. Chúng ta đã kiệt sức và phải bám vào nhau để lết ra gốc hàng dừa phía sau khu biệt giam chờ lên xe để chuyển trại. (Khu biệt giam hay khu chuồng cọp phân trại B của A-20 Xuân Phước sang trọng hơn chỉ là mới hơn rộng hơn về bệ nằm nhưng chế độ ăn uống thì tệ hại hơn, nước uống được cấp phát dồi dào hơn nhưng nước muối mặn hơn nên dễ bị phù hơn. Tôi và Trần Danh San bị phù rất nặng đến mức cứ ngủ thiếp đi khi đang nói chuyện. Nếu ở ngoài các bạn bè tâm phục không liều chết tổ chức cho một người liều chết leo qua bức tường cao 4 thước có kẽm gai trước họng thượng liên của vọng gác tiếp tế thuốc vitamin B-1 cho chúng ta, chắc chúng ta cũng không thể sống nổi)

Gởi người cố cựu


như cơn lốc từ trong quá khứ
hốt bụi - tung mù cõi trần ai
rồi bay đi biết mấy năm dài
giờ rớt xuống buồn hiu một cõi

rong chơi một dạo thôi đã đủ
bàn tay nắm lại - bàn tay không
chốn xưa, chuyện cũ giờ như mộng
người đi, rửa sạch nợ tang bồng

hồn về thung lũng thăm trại cũ
đừng đau lòng qua đỉnh núi cao
bạn bè nằm đó thời rách áo
chốn ấy ngày xưa một chiến hào

người đi ! ừ cứ đi như thể
đã cạn một vò rượu tiễn đưa
từ phương Nam theo gió theo mưa
lời vĩnh biệt gởi người cố cựu

nguyễn thanh khiết
12-11-2013

để vĩnh biệt A20 Trần Danh San


Độc Thoại...


Tim bị nghẽn khiến cho mầy gục xuống,
Trong cơn mê bỗng thấy bóng thiên đường.
Ngàn tiên nữ phất phơ màu xiêm áo,
Khúc nghê thường dìu dặt múa đêm sương.

Chợt một thoáng khi đầu còn tỉnh táo,
Mầy đưa tay sờ soạn vịn sô-fa.
Gượng đứng lên thân xác lão lính già,
Do sức mạnh của hồn thiên sông núi.

Bao nhiêu năm sống nhọc nhằn quá đỗi,
Đói khát, tù đày, lao động “vinh quang”.
Nhiều năm trường ăn độn bắp, khoai lang,
Mầy vẫn sống vẫn mơ về sông núi.

Rồi một đêm trong mịt mùng bão nổi,
Lặng lẽ xuống thuyền rời bỏ quê hương.
Mầy ra đi bỏ lại chốn thiên đường,
Nơi thống trị của một bầy quái thú.

Nơi đất lạ vẫn hướng về quê cũ,
Nhớ súng gươm, bạn hữu, chiến trường xưa.
Nhớ những lần đuổi giặc suốt chiều mưa,
Và đêm đến vang pháo gầm xung kích.

Trúng đạn A.K, B.40 mầy không chết,
Thì sá gì chuyện bị nghẹt cơ tim.
Mầy tin đi ! Thượng Đế rất công bình,
Chỉ bách hại phường buôn dân bán nước.

Nếu như mầy Trời ban cho điều ước,
Thì ước gì trong cuộc sống nổi trôi ?
Tao đoán mầy mong muốn đơn giản thôi,
Nguyện: sẽ chết để quê hương được sống !

A20 Lê phi Ô
viết sau ngày từ bệnh viện Bascom. SJ trở về (04/11/13).
Được giải phẩu để chửa “nghẽn mạch máu cơ tim”.  LPO



12/11/13

Trần Danh San, tiếng hò khoan đã tắt…


Phan Nhật Nam

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, ngày lực lượng Nhảy Dù thực hiện cuộc binh biến báo hiệu cơn sóng gió của chiến cuộc và chính cuộc Miền Nam. Cũng là ngày gã thiếu niên 17 tuổi hiểu rõ nỗi đau và sự chết có thật dâng lên ngập ngập trong thân, trong lòng…
Cảm giác, phản ứng nôn nao sinh tâm lý làm nghẹn đường thở, rì rầm âm động nơi trái tim với câu hỏi… Mẹ bây giờ ở đâu? Mẹ sống, chết ra làm sao? Em đang nơi nào? Làm sao để sống? Ngày 11 tháng 11 năm nay, 2013, Lễ Cựu Chiến Binh ở Mỹ, người lính của chiến tranh xa nặng lòng, mệt nhọc, buông xuôi.. Chứng kiến Người Bạn ra đi sau những ngày, giờ chạm dần vào cánh cửa vô hình hiển hiện của sự chết. Trần Danh San ra đi thanh thản sau khi đã sống đủ một đời kiệt liệt.

11/11/13

Thăm đời ngày xuống tối


Người vẫn nói vẫn cười môi méo mó
người vẫn thở dài, nhắc thuở cùm gông
đầu đội vai mang năm tháng mòn trông
giờ tàn như rẫy nương mùa thiếu nước

ta ghé thăm người, nhìn người khó nhọc
một nụ cười bạt mạng của ngày xưa
tội tụi mình - vừa hết nắng đến mưa
tới tới, lui lui tuổi già rượt đuổi

thôi yên cương, vó ngựa còn chi nữa
người cứ về vườn đón gió hái trăng
cầm lại cây đàn bụi bám nhện giăng
phổ được chăng ?  khúc cho đời bóng xế.

mai mốt ta trở về  thăm Dak Lak
tới Dak Song - chiều ngồi xuống bên hồ
nghe tiếng đàn dưới dãy núi nhấp nhô
ngọn gió đầu đông lùa về bụi đỏ

ta ghé người, thăm một đời tù ngục
đã nhốt mình trên núi mấy mươi năm
giờ chỉ còn một nửa của tối tăm
đang còng lưng gánh những ngày bệnh hoạn

ta ghé thăm người trời vừa xuống tối
băng qua hành lang bệnh viện trắng phau
một lời chào - ngày mai có còn nhau ?
trong cái tuổi của già nua, ly biệt

ta ghé thăm người - thăm đời nghiệt ngã !

nguyễn thanh khiết
10-11-2013

         đêm ghé anh Trung (lai) ở BV 115



Luật Sư Trần Danh San, người đọc Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1977 tại Sài Gòn, qua đời




LS Trần Danh San – Người đọc “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng” trước nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn ngày 23-4-1977 đã qua đời

Sau sự kiện giới trí thức Tiệp Khắc ban hành Hiến chương 77 chống lại nhà cầm quyền Cộng sản Tiệp Khắc, LS Trần Danh San đã cùng với LS Luật Sư Triệu Bá Thiệp viết và công khai đọc bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Cùng” trước nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn ngày 23-4-1977.

14/8/13

NÓ....!


Chuyện kể về một người Lính VNCH trước và sau 30 tháng 04 năm 1975.
  
A20 Lê Phi Ô
                                      ----------------------------

   Tôi biết Nó từ khi hai đứa còn cắp sách đến trường ở bậc Tiểu Học, rồi cả hai chúng tôi cùng vào năm Đệ Thất trường Trung Học công lập Phan-Bội-Châu, Phan-Thiết.

   Quê Nó tận ngoài xứ Huế xa xôi, Mẹ nó... một cụ bà khoảng tuổi 50, sở dĩ tôi gọi là cụ bà vì với tuổi tác của một đứa trẻ hơn 10 tuổi như tôi, thì người lớn cỡ tuổi 50 đối với chúng tôi phải gọi là Bà. Bà cụ dáng vóc nhỏ nhắn, khi ra đường lúc nào cũng mặc chiếc áo dài, đôi khi người ta thấy Bà đeo một chiếc vòng nơi cổ theo như cách phục sức của hầu hết đàn bà xứ Huế. Bà có tài về gia chánh, Bà nấu những món ăn xứ Huế ngon tuyệt, nghe nói Ông Ngoại nó khi xưa làm Quan ở Triều Đình nên con cháu, nhất là con gái phải đi học về nữ công gia chánh. Ba nó lớn hơn Mẹ nó một con giáp, Ông cụ là một nhà Nho và là bạn rất thân với Cụ Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu. Năm 1945, Ông Hồ-chí-Minh mời Ba nó làm cố vấn cho Việt Minh ở Liên-khu 5 (Quảng-Nam, Quảng Ngãi, Bình-Định và Phú-Yên), Ông cụ không thích cộng-sản nên từ chối khéo. Khuyến dụ không được, bọn chúng bắt cóc Ông đưa vào vùng "kháng chiến". Mãi cho đến khi Ông lâm trọng bệnh bọn chúng mới cho Ông về Đà-Nẵng để chữa trị... và Ông đã tìm cách trốn vào Sài-Gòn, Ông sống với nghề viết Báo và dạy kèm chữ Nho (môn Cổ Ngữ) cho những người chuẩn bị thi Cử Nhân. Thời Pháp thuộc, ở Sài-Gòn có một tờ Nhật Báo "Thần Chung", tên nầy do Ông đặt ra.


19/7/13

Cám ơn người... tuổi trẻ



Xin cám ơn những người trẻ hôm nay
đã đứng lên vươn cao cờ tranh đấu
đã hiên ngang trên đôi chân rướm máu
đạp xích xiềng cứu chuộc một nước Nam 

Xin cám ơn những tâm hồn cao cả
đang dựng cho đời mái ấm tự do
vươn những bàn tay như một bến đò
rước sông núi bước qua ngày giông bão

Xin cám ơn những hùng ca rót xuống
tưới mát quê hương mấy thuở khô cằn
cám ơn người đang rửa sạch tối tăm
thắp ngọn nến sáng soi trời nước Việt

Xin cám ơn những lời thơ thép chảy
thổi bay ngục tù kìm kẹp hôm nay
xin cám ơn tuổi trẻ của tương lai
đang gánh vác thay tuổi già bóng xế

A20 nguyễn di ngữ
7-2013


18/7/13

Tuổi trẻ hôm nay

                     
Hãy đứng lên mà nhìn rừng còi cọc
hãy đứng lên nghe biển khóc nhớ bờ
hãy bước trên xiềng xích khạc thành thơ
hãy dụi mắt ngó sơn hà nghiêng ngửa

Người đừng đợi trời Đông về thắp lửa
người đừng chờ gió Tây dậy phong ba
máu xương, cõi bờ dựng thuở ông cha
giờ sắp tan tành dưới chân xâm lược

Lớp đàn anh mỏi mòn bao năm trước
đã hụt hơi theo người trẻ hôm nay
một màu cờ khư khư giữ trên tay
cột gãy thành tan, còn chi mong đợi

Mặc kẻ sống quơ quào theo danh lợi
mặc bọn điên khùng nguyền rủa lẫn nhau
chiếu bạc này bất kể kẻ thấp cao 
ván quyết định chỉ dành cho tuổi trẻ

Ngại gì lửa binh, chân trần nứt nẻ
ngại chi hung tàn kìm kẹp hôm nay
cùng đứng lên mới có được ngày mai 
mất nước ! chúng ta một đời nô lệ.

A20 Nguyễn Di Ngữ
07-2013

 


17/7/13

thời gian không đi qua.



Chục năm rồi ngày đêm là lẫn lộn
khi nhắm mắt trời bừng lên sáng lạn 
đêm mịt mù trừng mắt đợi ngày lên 
mưa nắng có qua 
sao đã lạt như bài kinh vô thức.

Cuộc đời đem tháng ngày bứt rứt
xâu chuỗi vào nhau thành tràng hạt
cho ta phiêu bồng trong mộng tưởng
về một ngày rất đẹp sẽ diễn ra 

Về một ngày đồng hoa thơm rực rỡ
những đàn chim rủ nhau về từ muôn hướng
hót tiếng tình ca dạt dào
bên những lũy tre làng đàn trẻ đùa nô cười khúc khích

Đến bao giờ đừng là mơ mà thực
nếp áo em thơ in tình người chan chứa 
đôi mắt mẹ hiền nhân ái đàn con lạ 
bốn nẻo quay về mồ tổ thơm khói hương 

… có những ngườ lính xưa tìm nhau bắn giết
biết ngậm ngùi ca khúc đoàn viên 
của nghìn xưa máu mủ lập ấp khai hoang
xây dựng nên nước Việt trải trăm đời cay đắng chống quân xâm lấn

Có những người vợ 
cả đời không biết đến mùi đàn ông 
có những người vợ 
tảo tần mưa nắng khốn nhục nuôi chồng tù tội hết sạch tuổi xuân

Sẽ nhìn nhau thân mật và gần gũi 
cùng nhau đốt lên ngọn lửa ấm 
đốt đi manh chiến bào thù hận vô lý của ngày xưa 
thuở bắc nam say cuồng điều miêu mỵ.

Chục năm rồi ngày đêm là lẫn lộn
nơi tôi sinh là ngày
nơi tôi sống là đêm 
quê hương là mây bay ngàn dặm thẳm
thắt thẻo trông mong một lối về còn mù xa tít tắp.

A20 Phạm Văn Thanh
Paris 17.7.13


13/7/13

Biệt thự thời thượng cổ - 3


*Phân trại E, Thung Lũng Tử Thần.


Nó là cái trung tâm canh giữ những sự nổi dậy trong trại A20, Đồng Xuân, Phú Khánh mang Hòm Thư 1870.
Chung quanh bốn phía là hào sâu, với những cuộn thép gai cao 3m, bốn góc là tháp canh, luôn có những mũi súng hướng vào sân trại.

Phía đông của nó là cổng phân trại, một căn nhà nho nhỏ xây bên ngoài làm nhà cho cai ngục phụ trách phân trại này, khi hắn đi vào hay ra, tiếng kêu vang của xâu chìa khoá trên tay hắn như âm thanh của bầy quỉ đói.

Nằm cách ngôi nhà không quá 20m là ao cá, cái ao chứa đầy mồ hôi tù nhân thời khai trại. Ao cá đối diện căn nhà cai ngục. Đi qua cổng là lối trải sỏi có nhà y tế, cách một cái sân rộng làm nơi tập hợp, đối diện nó là bếp trại, qua khỏi bếp trại người ta thấy một tường cao ngăn dãy biệt giam, nơi gông cùm khua rổn rảng. Tiếp nối sân tập hợp là nhà văn hoá, cất bằng gỗ, theo hình bát quái, qua khỏi đó, bên trái là dãy nhà tập thể ngăn nhiều khu, bên phải là một hội trường sức chứa 1500 người. Toàn bộ cái phân trại như một công viên, dưới bóng dừa Phú Yên cao ngất ngưỡng. Dưới những bóng mát đó là máu, nước mắt, là những ý thức đấu tranh từng giờ.

8/7/13

A20 - NGƯỜI TÙ SƠN BIA.



A20 Phạm Văn Thành

 1994

Từ cổng chính lớn của trại A20 đi xuyên qua khoảng sân chung sẽ tới một ô sân vuông được đắp đất be gạch cao chừng 40cm. Khu sân ấy có hòn non bộ với bể nước cùng nhiều cây cảnh gọt tỉa công phu. Qua vuông sân ấy sẽ tới khu nhà được gọi là Văn hóa. Đầu nhà văn hóa sát với đường đi và ô sân cây cảnh là một gian nhà được một tù thuê lại, làm thành căng-tin. Căn-tin ở đây đa phần là “bán chịu”, ghi sổ và khi thân nhân tù thăm nuôi sẽ trả. Đương nhiên giá cũng khác đi. Tuy nhiên, không phải là quá quắt như nhũng căn-tin của các trại phía Bắc, nơi con người ta bóc lột nhau hình như không còn biết ngượng.

Dãy nhà văn hóa buổi trưa thường rất vắng lặng. Đầu dẫy phía trong cùng sát với một ao cá là một căn phòng rộng cỡ chừng 60 mét vuông. Đó là nơi trực thường xuyên của một người tù được sĩ quan tư tưởng chọn lựa để làm các công việc phụ tá sổ sách cho ban tư tưởng. Sơn là người tù đặc biệt ấy.


7/7/13

Biệt thự thời thượng cổ - 2


 
*Thung Lũng Tử Thần mùa lũ tới.

Tháng mười, mưa là mưa. Trận bão qua và chấm dứt sau một tuần gầm thét rung rinh trời đất, đá núi Trường Sơn đổ ầm ầm phá nát độc đạo từ La Hai vào cái thung lũng chết tiệt đang giam cầm hơn 5000 tù nhân của chế độ.

Trại Trừng Giới A20 bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, chung quanh nó giờ chỉ toàn là nước, nước trắng xóa bao hết một vùng phía đông. Sau lưng dãy trại giam mang tên phân trại A, B, C, D, E và trại Hốc Kè là núi và núi. Nó là rặng Trường Sơn Tây ngút mắt đầy chết chóc và bí hiểm.

Tháng mười năm 1981, thung lũng này không còn phương tiện ra vào, mọi thứ dậm chân tại chỗ và những tù nhân bệnh tật, đói, rét cũng dậm châm tại chỗ, run cầm cập trong cái lạnh dã man của miền Trung mùa mưa bão.

Khi con tàu Việt Nam Thương Tín, dưới sự chỉ huy của hạm phó Thiếu Tá Hải Quân Mai Văn Trị về tới VN, sau khi họ đã cặp bến bờ tự do tại đảo Guam. Chuyến qui cố hương này làm một số trong họ bị đày đến đây dưới danh gọi “tù vượt biên”. Chính họ đã xây dựng cái trại này, chính họ đã mở thêm những phân trại từ những năm 1979. Người ta cũng còn nhớ rõ Thiếu Tá Trị cho tới tháng tư năm 1977 vẫn còn ở trại T20 (thành Gia Định), chỉ có điều ông không có mặt ở đây để cùng những thuyền nhân của ông xây dựng trại.

6/7/13

Đứng lên đi !



Gông xiềng đỏ khua vang bầu trời Việt
đứng lên đi !
tuổi trẻ hôm nay
dù máu đổ xương tan
sát vai ta đứng dậy
trong lớp lớp ngục tù đây đó
hồn oan sông núi đợi từng giây
đừng ngồi chờ gió đông, gió tây
giang san này chỉ trong tầm tay Việt
tiền nhân bao đời là những trang anh kiệt
từng phơi thây để giữ vẹn cơ đồ
lũ tay sai chễm chệ ở thành đô
biến nước Nam thành gia nô Hán tộc
đứng lên đi !
tuổi trẻ Việt Nam
can đảm trên chông gai mà tiến
nước mất, nhà tan bao nhiêu chinh chiến
qua lửa binh ta còn lại những gì
một bọn cường hào thống trị ngu si
khom lưng triều cống dần dà sông núi
dân lầm than kêu vang trời đất
người trọ tha phương – tổ quốc không còn
bao nhiêu thế hệ nữa đầy tai ương
dưới gông cùm của bầy quỉ đỏ
đứng lên đi !
tuổi trẻ Việt Nam
phá xích xiềng – đi cứu trăm họ
sứ mạng này là tuổi trẻ hôm nay
đứng dậy đi – đừng ngồi khoanh tay
đừng đánh mất danh thơm người nước Việt
đứng lên đi !
ngục tù nào nhốt được trái tim chung
đứng lên đi !
dù không là hào kiệt
ta đáp đền nợ nước hôm nay

A20 Nguyễn Di Ngữ
06-2013