16/7/10

Về nhà báo Nguyễn Tú vừa qua đời




Vũ Ánh / VietHerald
(07/14/2010)


Dường như mỗi khi nghe tin một nhà báo ở vào thế hệ tôi ra đi, tôi vẫn cảm thấy mất đi một điều gì đó trong đời. Và khi đã ở vào tuổi 70 như tôi, mất mát ấy càng lớn lao hơn. Phải chăng những nhà báo ấy, có khi suốt trong cuộc chiến cũ chưa bao giờ tôi nói chuyện hay uống với nhau một ly cà phê, đều là những mắt xích từng một thời tiếp tay nhau tạo nên một đời sống báo chí đầy mầu sắc tại miền Nam Việt Nam, dù rằng nhà cầm quyền, trong rất nhiều trường hợp, không thích chúng tôi như thế. Nhưng chính đời sống ấy đã tạo cho lớp người viết báo trẻ chúng tôi, vào giai đoạn đó, cũng như sau này, niềm say mê báo chí, rất khó bỏ, rất khó về hưu cho dù đã luống tuổi như bây giờ.

Vì thế, khi nghe tin nhà báo Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận trước 30 tháng 4, 1975 qua đời ngày 11 tháng 7, 2010 ở tuổi 86, tôi không ngạc nhiên lắm. Chỉ đến khi về tới nhà báo tin cho nhà tôi, người đã đọc và ngưỡng mộ thiên phóng sự “Ngày Chủ Nhật buồn” của ông tường thuật cuộc triệt thoái gây tổn thất nặng nề cho quân và dân Cao Nguyên Trung Phần mà nay vẫn còn gây tranh luận, tôi mới nhận ra khoảng trống trong lòng mình mênh mông quá. Nhà tôi nói: “Tội nghiệp bác Tú.” Yến Tuyết là lớp phóng viên ra trường vào những năm cuối của cuộc chiến, chưa một lần gặp nhà báo Nguyễn Tú nhưng lại là độc giả những ký sự của ông về cuộc chiến.

Nhưng cá nhân tôi có cái duyên được gặp ông thường xuyên từ những ngày đầu ba lô, nón sắt tập tễnh bước vào những vùng khói lửa để khởi sự vai trò tường thuật tại mặt trận cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia từ những năm giữa của thập 1960. Hình ảnh mà tôi còn giữ cho tới bây giờ về nhà báo Nguyễn Tú vẫn là một người đàn ông cao, rắn rỏi, tóc đã muối tiêu, hơi hói, tuổi ngoài 40, lúc nào cũng bộ đồ 4 túi mà giới nhà báo lúc đó thường mặc may bằng vải worsted mầu kaki, trên đầu thường có chiếc nón vải đi rừng mầu ngụy trang của biệt kích, chân mang giầy MAP, loại giày saut của quân đội Mỹ, cổ đeo thẻ báo chí do Nghiệp Ðoàn Ký Giả Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (MAC-V) cấp, thần hộ mệnh khi chúng tôi muốn di chuyển bằng phương tiện hàng không quân sự của Hoa Kỳ hay sử dụng điện thoại quân sự (đường giây Delta) của họ.

Ông bao giờ cũng rất lanh lẹ trong công việc nhờ vào quyết định đứt khoát: bất kể tình trạng của mặt trận nặng nhẹ như thế nào, việc đầu tiên là phải được trực thăng vận vào ngay trận địa, rồi sau đó tính sau.

Do đi chung nhiều lần với nhau, tôi học được ở ông tính quyết định dứt khoát và yếu tố này giúp chúng tôi thường đến mặt trận trước những phóng viên ngoại quốc.

Thời làm phóng viên của chúng tôi, chính quyền Vùng I Chiến Thuật không đủ phương tiện để giúp đỡ nơi ăn chốn ở mà ở khách sạn thời đó rất đắt thường hay phải ngủ nhờ hậu cứ của các đơn vị quân đội VNCH hay Hoa Kỳ. May mắn, vào cuối năm 1965, chính phủ Hoa Kỳ thiết lập một Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí ngay sau Viện Bảo Tàng Chàm ở Ðà Nẵng, nơi các phóng viên từ Sài Gòn ra thường tập trung ở thành phố này trước khi đi những nơi khác. Ăn ở tại Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí Mỹ ở Ðà Nẵng rất rẻ vì chi trả theo kiểu không có thuế như quân đội Mỹ nên những năm cuối của thập niên 1960 với điều kiện có thẻ báo chí MAC-V, tôi hay gặp ông Tú tại đây. Dù vậy chúng tôi vẫn có cách nhìn khác nhau về cuộc chiến và những phương thức làm việc khác nhau ở mặt trận.

Ðối với những đồng nghiệp Việt Nam, dường như chưa khi nào ông có những lời lẽ giận dữ. Nhưng đối với hàng ngũ phóng viên Mỹ và Úc, ông có thái độ ngay khi trao đổi với họ về những bài viết mà họ đăng tải mà ông thấy rằng có nhiều ngộ nhận. Một lần, khi ông, tôi và nhà báo Olivier Todd chờ đợi trực thăng để được không vận vào mặt trận Thường Ðức lần thứ nhất đầu năm 1969, không biết ông đã đọc được bài báo nào của Todd viết thiên về Hà Nội, nhưng tôi thấy ông nổi giận, không to tiếng, nhưng mặt ông đỏ lên nói với Olivier Todd: “Dù tôi biết ông hay viết những bài báo bênh vực bọn đỏ, ông có thể viện lý do tự do báo chí để biện minh cho suy nghĩ thiên vị của ông. Nhưng theo tôi, cuộc chiến đang diễn ra ở miền Nam. Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi phải tự vệ, ông thấy không? Chúng ta sắp sửa vào một mặt trận và sẽ được nói chuyện với những tù binh thuộc một sư đoàn CSBV xâm nhập vào ngả Thường Ðức. Tôi mong ông cho biết ý kiến sau khi chúng ta làm xong nhiệm vụ. Chúng tôi bị xâm lăng. Ông chỉ có thể qui kết cho quân đội Mỹ vai trò giống như CSBV, nhưng rõ ràng chúng tôi không xâm lăng ai, ngược lại chúng tôi tự vệ chính đáng. Mà tự vệ là cần thiết. Nước Úc cũng sẽ phải tự vệ nếu bị xâm lăng phải không?”

Nhà báo Nguyễn Tú ít khi ký tên ông trên những bản tin thông thường mà ông làm hàng ngày mà chỉ ký tên vào những phóng sự dài đăng tải nhiều kỳ. Nhưng ông rất nổi tiếng vì những bài viết liên quân đến trận Mậu Thân năm 1968 tại mặt trận chung quanh Sài Gòn. Ký sự chiến trường cuối cùng trong cuộc đời làm báo của ông có tên là “Ngày Chủ Nhật buồn” đăng trên nhật báo Chính Luận hồi tháng 3, 1975, trong đó ông mô tả thảm kịch của cuộc triệt thoái Cao Nguyên Trung Phần, thiên ký sự đẫm nước mắt của một biến chuyển quân sự đánh dấu một tiến trình dẫn đến sự sụp đổ của VNCH.

Những năm sau 30 tháng 4, 1975, khi gặp lại ông trong trại tù cải tạo A-20 ở Xuân Phước, một trại trừng giới, ông cho tôi biết: “‘Ngày Chủ Nhật buồn’ là bài báo tạ từ độc giả, một ngày kết thúc cuộc đời làm báo của tôi.” Thực ra, nhà báo Nguyễn Tú sống độc thân cho tới khi chết. Là người quảng giao, quen biết nhiều, ông có thừa cơ hội để có một chỗ ngồi trên những chuyến bay quân sự rời Việt Nam vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Vào tối ngày 27 tháng 4, 1975, ông còn điện thoại cho tôi ở Ðài Phát Thanh Sài Gòn hỏi xem tôi có muốn rời khỏi Sài Gòn không ông có thể giúp đỡ. Nhưng cuối cùng, thấy nhân viên làm việc với tôi tại đài lúc ấy còn đầy đủ, tôi không thể bỏ đi. Nhà báo Nguyễn Tú cũng bị kẹt và bị đẩy vào trong nhà tù Cộng Sản cũng chỉ vì có những suy nghĩ “không đành” đối với một số đồng nghiệp của Chính Luận. Trong trại tù A-20, tôi hỏi ông rõ hơn thì được ông trả lời: “Ði lúc anh em họ ở lại thì hèn quá.” Nhưng trong suốt cuộc sống lao tù, chưa lúc nào tôi thấy ông ân hận về chuyện ở lại này.

Trong tù ông sống lặng lẽ, ít nói, không tranh luận với các bạn tù khác về bất cứ vấn đề gì. Ông chỉ liên lạc với một vài người trong đó có tôi vì tình đồng nghiệp và vì cũng ở số phận “con bà phước,” nghĩa là chúng tôi đều cắt đứt liên hệ với gia đình, không thư từ, không thăm gặp, mục đích là tránh không để cho bọn an ninh trại giam dùng việc thăm gặp nhận quà của gia đình là một thứ ân huệ, áp lực để buộc chúng tôi phải khai gian cho những đối tượng mà chúng muốn trả thù. Thứ đến, gia đình khỏi áy náy vì không có đủ tiền để mua sắm quà thăm nuôi. Khi chấp nhận như thế, chúng tôi không còn gì để mất và sống thoải mái. Buồn buồn gây chuyện để vào “chuồng cọp” nghỉ ngơi.

Ngày tôi kết thúc 5 năm chuồng cọp cũng là ngày nhà báo Nguyễn Tú “lâm nạn.” Tết năm 1985, những người tù nào sắp chuyển trại về Z-30A đều bị dồn vào trại B của A-20. Khi chuyển vào trong trại này, tôi vẫn ở trong tình trạng biệt giam mãi đến gần Tết mới được “tạm tha.” Cũng cái Tết năm đó, anh chàng thiếu tá công an trưởng trại này bày đặt buộc các tù nhân phải làm báo tường. Dĩ nhiên, một vài niên trưởng của tôi cũng phải gồng mình để kêu gọi anh em đóng góp bài vở. Không có lời đáp lại, nên mấy ổng phải tự biên tự diễn.

Sáng mồng một Tết, ông Tú rủ tôi lên xem “mấy ổng viết gì.” Ông vừa mới đọc xong bài của một “bò lục” (đại tá, nay định cư ở Texas, tôi xin được phép giấu tên) là đội trưởng của một đội lao động khác, ông phán: “Không biết ai gắn lon cho lão này để hắn làm nhục anh em như thế chứ?” Không may cho ông, tác giả bài báo lại đứng sau lưng mà chúng tôi không biết. Ông ta không nói gì, nhưng ngày mồng 5 tết là chúng tôi được lệnh sau giờ lao động và giờ cơm chiều là phải tập họp mổ xẻ về “trường hợp anh Tú.”

Ngoại trừ những anh “ăng ten,” những anh cò mồi, những anh đã mệt mỏi vì những năm dài bị lưu đầy lên tiếng cáo buộc nhà báo Nguyễn Tú một cách chiếu lệ, hầu như đa số người trong đội không ai nói gì. Trong vòng một tuần lễ liên tiếp, mỗi ngày từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm, sau một ngày lao động mệt mỏi và đói, chúng tôi lại phải “ngồi đồng” như vậy. Thấy anh em mệt mỏi gần như kiệt sức, nhà báo Nguyễn Tú gọi anh đội trưởng vào cầu tiêu và nói: “Tôi biết các anh em đã quá mệt, thôi để tôi nhận tội vào cùm vậy, cho anh em họ có giờ nghỉ ngơi.”

Dĩ nhiên, sau đó ông Nguyễn Tú khăn gói quả mướp vào chuồng cọp, bị cùm 2 chân, bớt khẩu phần ăn vốn mèo ăn chưa no. Vậy mà 4 tháng sau, khi được thả ra, mặt ông vẫn tươi rói. Chỉ có điều ông phải chống nạng thay vì chống gậy như trước khi vào chuồng cọp.

Nhà báo Nguyễn Tú được thả một năm sau khi tôi cùng một số anh em khác bị chuyển trại về Z-30A Xuân Lộc. Khi ra tù vào năm 1988, tôi mò đến địa chỉ mà ông ghi cho tôi khi còn trong tù và lúc đó mới biết ông vừa đi Ðồ Sơn rồi vượt biển sang Hồng Kông.

Năm 1992, tôi gặp lại nhà báo Nguyễn Tú tại nhà của Lê Thiệp, một cựu phóng viên của nhật báo Chính Luận, và chúng tôi lập lại mối liên lạc cho đến thời gian gần đây khi sức khỏe của ông cạn dần. Ðầu năm nay, ông gọi điện thoại cho tôi và nói đã viết một bài báo liên quan đến cái chết của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát ở Chí Hòa.

Tôi hỏi: “Bố cầm bút lại?” Ông cười: “Không, bố viết vì điều cần phải viết. ‘Ngày Chủ Nhật buồn’ vẫn là bài báo cuối cùng của bố. Tất cả những bài khác nếu có chỉ là 'út thêm' mà thôi.”

Rồi ông lại cười sảng khoái. (Thời chiến tranh tôi gọi ông là anh và xưng em. Thời tù tôi gọi ông là bố và xưng con). (V.A.)


(nguồn: www.vietherald.com)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét