29/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 11



Chương Mười Một


Đối với tù ở trại cải tạo lao động thì giờ qua nhanh lắm, quần quật suốt ngày ngoài đồng, buổi tối còn phải ngồi sinh hoạt hai giờ trước khi ngủ, chương trình đều đặn ngày nào cũng giống như ngày nào, cuối tuần chỉ trông mong được nghỉ trọn ngày chủ nhật mà không được vì cứ hai tuần một lần, buổi sáng chủ nhật làm lao động xã hội chủ nghĩa. Chỉ có những ngày mưa là được nghỉ, nhưng miền đông mưa ít, mà chỉ có mưa ban đêm, hoặc mưa ngoài giờ hành chính.

Trông mong một ngày nghỉ, trông mong một ngày mưa, người tù chỉ mong đợi chừng đó, còn thì ngoài tầm tay. Biết quên càng khỏe, còn dễ sống. Nếu cứ ân hận, tiếc nuối, bực tức chỉ thêm khổ thân. Mới hơn 30 tuổi nhiều người tóc đã bạc, trán đã hằn ngang những nếp nhăn. Gặp gia đình cũng lại đếm thời gian ở nếp nhăn trên khóe mắt vợ. Gạt hết tất cả để an tâm mà sống chờ ngày về, dặn dò nhau và dặn chính mình, nhưng đâu phải ai cũng làm được, hoặc là lúc nào cũng quên được. Cứ mỗi lần gặp gia đình là thêm bao đêm không ngủ được. Thời gian qua mau quá, vợ đã khắc khoải mỏi mòn trông chờ - con lớn lên không có người dạy dỗ. Giá như chết được thì đã giải quyết hết mọi chuyện cho người chết lẫn người sống; chết chỉ làm cho người thân buồn khổ một lần, rồi thời gian làm họ quên đi. Chết thì 3 năm vợ đã mãn tang, có thể lập gia đình khác mà không sợ bị dị nghị. Người tù không chết, vẫn sống mà lại không có ngày về, người tù như người đã chết mà chưa chôn, nên mọi việc cứ dùng dằng không giải quyết. Trở thành gánh nặng cho gia đình. Vợ phải chờ đợi, con cái, người thân phải trông mong... Không nỡ dứt tình, một người khổ kéo theo hàng chục người đau khổ - ân hận biết bao, sao không chiến đấu đến phút cuối cùng rồi chết, chết là hết. Tại sao đã không dám chết mà không chạy ra ngoại quốc. Chạy là hèn nhưng còn giúp được cho kinh tế gia đình. Ray rứt từ ngày đầu tiên vào tù, cứ xoáy đi xoáy lại trong đầu làm cho cằn cỗi đi, sự hành hạ đó còn khổ hơn là sự hành hạ thân thể, sự sỉ nhục của bọn cán bộ.


Tết đến càng nhớ càng thương và càng thấy mỗi ngày mỗi xa. Năm Mậu Ngọ tháng chạp thiếu, trại nghỉ từ ngày 29 để chuẩn bị Tết Kỷ Mùi. Sáng sớm Thượng Tọa Trí Không đến gặp tôi, Thượng Tọa nói với tôi là có cuộc họp để “anh em ngồi lại với nhau”. “Chúng ta ngồi lại với nhau” hay “anh em ngồi lại với nhau” cũng là nhóm từ ngữ được dùng quá nhiều trong giới chính trị, cứ kêu gọi ngồi với nhau mà không bao giờ đoàn kết được vì người nào cũng muốn người khác đoàn kết sau lưng mình, nếu không đạt được mục đích đó thì tách riêng. Có rất nhiều buổi tiệc tổ chức để anh em ngồi với nhau, nhưng ngồi cãi nhau, để chỉ trích người vắng mặt hay để nói suông rồi sau đó ai về nhà nấy không ai làm gì hết. Trong tù, dù bị kiểm soát thật chặt nhưng anh em vẫn có thể “ngồi lại với nhau”, nghĩa là cũng giống như bao lần khác ngồi lại để nói cho vui thôi.

Người ta thường phê phán người Việt Nam không đoàn kết, hoặc là người Việt Nam có truyền thống chia rẽ. Người ta kêu gọi đoàn kết vì ai cũng biết đoàn kết là sức mạnh.

Thực tế người Việt Nam có truyền thống đoàn kết. Chỉ có âm mưu chia rẽ của những người cầm quyền và những người làm chính trị. Dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất từ Bắc tới Nam và gần như thuần nhất vĩ đại đa số là dân Việt và nói cùng tiếng nói, có nhiều sắc dân khác và ngôn ngữ khác nhưng là thiểu số. Một người dân từ miền Bắc hay miền Trung dễ dàng di cư đến sinh cơ lập nghiệp tại miền Nam và được ngay sự giúp đỡ của dân địa phương để an cư lập nghiệp xây dựng gia đình với người hôn phối tại địa phương đó. Thời Pháp thuộc, người Pháp phân chia 3 miền Nam, Bắc, Trung với ba thể chế chính trị và hành chánh khác nhau, nhưng người Việt Nam vẫn sống thống nhất; người dân miền Nam luôn luôn ủng hộ và che chở cho những người yêu nước từ Bắc và Trung vào hoạt động tại miền Nam và ngược lại. Chính Cộng sản cũng đã đưa cán bộ từ miền Bắc vào Nam tổ chức Đảng và mặt trận chống Pháp và đã được dân miền Nam ủng hộ.

Dân Việt Nam không chia rẽ, nhưng các chính quyền nỗ lực phân chia để mưu cầu lợi ích của triều đình hoặc phe nhóm:

- Từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh - Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn, chế ra nhiều sự khác biệt trong phong tục tập quán miền Nam so với miền Bắc vì lúc đó, miền Nam của chúa Nguyễn là vùng mới khai phá còn thua kém miền Bắc nhiều. Đào Duy Từ tạo sự phân cách hai bên vì nhu cầu tồn tại của đàng trong.

- Vua Gia Long thống nhất đất nước, nhưng chính sách cai trị chủ trương chia rẽ, phân biệt đối xử. Triều đình nhà Nguyễn nâng đỡ dân Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên vì là đất tổ của nhà Nguyễn cũng như nâng đỡ người miền Nam vì là đất phục nghiệp và quê ngoại của các vị vua (nhà Nguyễn có tập tục là hoàng hậu người miền Nam ở các tỉnh Gia Định - Gò Công). Ngược lại, nhà Nguyễn kỳ thị miền Bắc vì là đất của Vua Lê Chúa Trịnh; sĩ phu miền Bắc còn hoài Lê. Nhà Nguyễn chèn ép dân chúng các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú vì dân Nam Ngãi Bình Phú là dân của Tây Sơn, chính sách nhà Nguyễn trả thù Tây Sơn rất thâm độc, đa số quan lại và lính tinh nhuệ của Tây Sơn là dân Nam Ngãi Bình Phú, do đó suốt triều đình nhà Nguyễn mở mang học hành rất ít ở các tỉnh này để kềm hãm dân địa phương luôn luôn thua kém các tỉnh miền Bắc đèo Hải Vân.

Thời Pháp thuộc, ngoài lý do lịch sử, các hòa ước với triều đình nhà Nguyễn chia ba miền Nam, Bắc, Trung với ba chế độ thuộc địa, giám hộ và bảo hộ thì ngay trong phần đất miền Trung bảo hộ chính quyền Pháp cũng theo chính sách nhà Nguyễn kỳ thị các tỉnh miền Nam Hải Vân và họ tiếp tục nhận chìm dân chúng vùng này trong sự thất học. Trong khi Huế có trường học Quốc Học, Đồng Khánh, Vinh có trường College de Vinh thì các tỉnh miền Nam đèo Hải Vân chỉ có các lớp sơ học và mỗi tỉnh lị chỉ có một trường tiểu học.

Khi đất nước phân chia Nam Bắc ở vĩ tuyến 17, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục nâng đỡ người Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên sống ở miền Nam vĩ tuyến 17, họ nắm mọi chức vụ then chốt và người dân các tỉnh miền Nam Hải Vân thì bị nghi ngờ. Sự nghi ngờ đó đẩy dân các tỉnh miền Nam đèo Hải Vân vào thế chống lại chính quyền. Liên khu 5 trở thành vùng kháng chiến mạnh mẽ nhất. Cũng từ đó thành ra vùng có nhiều ảnh hưởng của Cộng sản nhất miền Nam vĩ tuyến 17. Dĩ nhiên trong các chính sách phân biệt, triều đình nào cũng dùng một ít người ở địa phương bị kỳ thị để che lấp âm mưu của mình. Đến thời Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu thì sự phân chia do ảnh hưởng trầm trọng các thời khác để lại: phân chia địa phương, phân chia tôn giáo, đảng phái, xuất thân các trường học khác nhau... và để thủ lợi, Nguyễn Văn Thiệu đẩy mạnh sự chia rẽ đó làm các tôn giáo, đảng phái phân chia đến độ như mảnh vụn.

- Cộng sản cũng chủ trương chia rẽ dân chúng trong đường lối đấu tranh giai cấp. Chỉ có đảng viên và gia đình mới được hưởng các quyền lợi. Tuyệt đại dân chúng thì bị đàn áp bóc lột.

Các chính quyền nhắm chia rẽ dân chúng để dễ cai trị. Sau thời kỳ đảo chánh Ngô Đình Diệm, sinh hoạt chính trị miền Nam chịu hậu quả của chính sách phân chia và hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt để lại. Các tổ chức chính trị luôn luôn bị đánh phá, bắt bớ nên không có hoạt động công khai, càng ngày càng bị già cỗi tiêu hao. Khi có dịp sinh hoạt trở lại, họ không có tầm cỡ toàn quốc nên phải dựa vào những ưu điểm nhất thời như tôn giáo, địa phương. Ví như Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến được thành lập với cốt lõi là Đại Việt xứ bộ Nam Kỳ, và Phong Trào Phục Hưng miền Nam hậu thân của Hội Liên Trường. Hội Liên Trường và Phong Trào Phục Hưng Miền Nam là phản ứng nhất thời của các chính trị gia người Nam khi thấy chính quyền hầu như hoàn toàn do người miền Bắc điều khiển và người miền Nam bị gạt ra khỏi các chức vụ then chốt, dưới thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.

Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến lợi dụng ưu thế địa phương phát triển nhanh chóng tại miền Nam, nhưng bắt đầu khựng lại không ra khỏi tỉnh Phan Thiết. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy rất cố gắng ra tận đại học Huế để dạy học và tổ chức tỉnh đảng bộ Thừa Thiên gồm một vài người ít ỏi không uy tín và không phát triển được, vì người miền Trung thấy rõ đặc tính phân ly trong Phong Trào Phục Hưng Miền Nam tiền thân của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Tóm lại sự chia rẽ mà người ta gọi là tập quán của người Việt là không đúng. Dân tộc Việt Nam thống nhất và đoàn kết - chỉ có chia rẽ từ các hoạt động chính trị và của những người làm chính trị. Cũng như các người cầm quyền chủ trương chia rẽ dân chúng để cai trị và thủ lợi.

Muốn chấm dứt tình trạng chia rẽ đó là nhiệm vụ của người làm chính trị. Họ phải ý thức trước hết giai đoạn lịch sử phân chia đã qua, và họ cũng thấy bao nhiêu chính quyền và chính trị gia chủ trương dùng các ưu thế tạm thời về địa phương, tôn giáo cuối cùng bị bế tắc; cũng như thuật chính trị hay thủ đoạn chính trị chỉ nhất thời - và người dân càng ngày càng tiến bộ, càng khó lừa bịp như trước. Con đường chính trị rõ ràng trước mắt sau thời đại của Cộng sản phải là dân chủ tự do, người dân sẽ được tự do chọn lựa bằng lá phiếu của mình, tuy không hoàn hảo nhưng chắc chắn là tốt hơn là các chế độ độc tài. Những hình thức chủ trương phân ly địa phương chia rẽ đều hoàn toàn lỗi thời. Việc trước mắt để đoàn kết tức là nên chấm dứt sự chỉ trích bôi nhọ chụp mũ lẫn nhau. Vì người dân sẽ là một trọng tài đúng đắn, hãy nên làm việc và giá trị của việc làm, của sự đóng góp cho quốc gia, của bản lãnh và tài năng sẽ được nhận định rõ. Đất nước là của toàn dân, việc nước là việc chung, đất nước cần sự đóng góp của nhiều người không phải của riêng ai và không nên sợ không có chỗ đứng chỉ sợ không có đủ sức để đảm trách công việc. Chỉ có thực tế công việc làm sẽ giải quyết rất nhiều bế tắc vì sự chia rẽ, cũng như tư thế của các người làm chính trị. Sự đào thải một cách tự nhiên qua công việc, sẽ hình thành nên những người lãnh đạo. Thời đại ngày nay người ta không thể chờ đợi một bậc vĩ nhân từ trên trời sai xuống. Quần chúng sẽ lựa chọn người lãnh đạo. Con đường dân chủ không thể không tới, dân chúng đã trưởng thành, không còn điều gì có thể che dấu sự phán xét của dân chúng ở thời đại này.

Đêm giao thừa sau khi nhận thùng nước chè cho cả đội và một điếu thuốc lá tiêu chuẩn cho mỗi người tù, trong phòng từng nhóm ngồi lại với nhau uống nước, hút thuốc; giở bánh mứt gia đình gửi lên ngồi nói chuyện cho đỡ nhớ nhà. Rồi anh em cất tiếng hát, lúc đầu còn sợ, còn ngại. Nhưng cái không khí là lạ của đêm giao thừa làm mọi người quên sợ; anh em bắt đầu hát nhạc vàng khởi đầu từ nhạc tiền chiến. Khi nghe nhà bên cạnh có người hát bản “Đường Xưa Lối Cũ”, tôi nhớ Ali Hùng ở trại Phan Đăng Lưu, mỗi lần Hùng hát bản nhạc này thì giọng nghẹn ngào vì nhớ mẹ. Tôi bùi ngùi kể lại thời gian ở Phan Đăng Lưu, hôm Ali Hùng bị dẫn đi hành quyết; Hùng rất bình tĩnh đưa tay chào chúng tôi ở phòng tập thể. Ali Hùng là người tù thuộc tổ chức nhà thờ Vinh Sơn. Anh em tù tập họp lại từng nhóm ca hát. Lúc đầu thì nhạc tiền chiến, chuyển qua nhạc tình yêu rồi ai đó bắt đầu hát nhạc chính huấn. Phòng này hát, rồi các phòng khác cũng hát. Anh em hát cả nhạc đấu tranh.

Ngày Mồng Một Tết, trại thật vui, anh em đi chúc Tết nhau, rồi tụm lại từng nhóm để hát nhạc vàng, hát nhạc chính huấn, nhạc XDNT, nhạc Trịnh Công Sơn; nhớ bài nào hát bài nấy, rồi nhiều nhóm gặp nhau “nối vòng tay lớn” ra cả ngoài sân.

Đó là sinh hoạt của đám đông bộc phát, không có tổ chức, sự duy trì tương đối dễ khi đã có một số anh em có ý thức tham gia. Họ chỉ có nhiệm vụ “châm lửa” khi thấy không khí loãng đi. Anh em đội văn nghệ hóa trang đi chúc Tết các nhà được anh em hoan hô. Long thương phế binh có sáng kiến hay. Anh nhờ tôi mượn son phấn và y phục của đội văn nghệ để trình diễn một hoạt cảnh cảm động bản “Ngày Trở Về” của Phạm Duy, mẹ Việt Nam đón đứa con thương phế binh trở về, sau đó hoạt cảnh Mẹ Việt Nam được đưa đi chúc Tết tất cả các nhà trong trại. Từ đó gần như mọi người đều say với tiếng hát. Người ta kéo nhau đi từng đoàn, từng nhóm tiếp tục ca, và rồi không ai còn kiểm soát nữa, tự ý anh em cứ có ai bắt lời ca là có người ca theo và có nhiều nơi anh em đã hát quốc ca. Khi bài Quốc Ca Việt Nam cất lên, mọi người đều đứng im phăng phắc, cảm động, nhiều người đã khóc. Bọn công an một phần vì đi vắng, những tên còn lại xách súng chạy bên ngoài hàng rào, chĩa súng và đe dọa bắt anh em giải tán, nhưng đám đông cứ mặc, chẳng ai nghe.

Chiều xuống, trước khi vào nhà, một cuộc gặp mặt chớp nhoáng với các “trưởng nhóm”, chúng tôi quyết định tiếp tục hát trong mỗi nhà nhưng phải thật cẩn thận, vẫn giữ cho được tính chất bộc phát của đám đông, phải tác động một cách tự nhiên và tế nhị không có người chủ động và không có tính tổ chức.

Lê Phước Thọ, một Thiếu úy Cảnh sát thông báo với tôi rằng một số đông anh em sĩ quan cảnh sát sẽ hát quốc ca tại hội trường trong buổi lễ đầu năm vào sáng Mồng Hai. Theo kế hoạch là họ sẽ hát lúc người quản ca bắt nhịp hát bài “Ngày Vui Đại Thắng” khi tên trại trưởng khai mạc buổi lễ, Thọ hỏi tôi liệu có phát động cả hội trường được không, tôi nghĩ sẽ được, nếu có một nhóm anh em bắt giọng trước. Tôi thảo luận với những anh “trưởng nhóm” khác và phối trí anh em chủ lực tản ra len lỏi vào tất cả các đội, để khi giọng hát bắt lên thì tất cả đám đông nơi đâu cũng có tiếng hát để cán bộ không thể kiểm soát được.

Dự tính không thành, khi người quản ca bắt tiếng hát bài “Ngày Vui Đại Thắng” , Thọ và số anh em bạn bè của anh không ai dám bắt qua bài quốc ca. Nhiệt tâm của anh em làm đến đâu cũng tốt, không thể đòi hỏi họ làm quá khả năng.

Dù thất bại không hát được bản quốc ca của VNCH tại hội trường nhưng bản “Ngày Vui Đại Thắng” chỉ có quản ca và ban văn nghệ ca, anh em tù chỉ có vài người ca theo lẻ tẻ rồi im. Chính trị viên trại Thượng úy Vinh khai mạc buổi lễ, sau bài diễn văn dài dòng về chính sách khoan hồng và những hứa hẹn cứu xét thả tù trong năm tới. Vinh đã nói: “Trong đêm giao thừa và ngày hôm qua, tôi đã nghe các anh ca hát mừng xuân thật là vui. Đáng lẽ trại có bổn phận phải lo cho các anh, nhưng chúng tôi không thể làm hết được mọi chuyện, các anh ca hát để đỡ nhớ nhà, tôi khuyến khích việc đó. Các anh nên tiếp tục.” Anh em tù hoan hô, trở về trại họ tiếp tục ca.

Để bù vào sự thất bại tại hội trường. Thọ và Linh tổ chức họp mặt ở phòng 4 để chào cờ và hát quốc ca.

Buổi họp mặt ở nhà 4 thành công, anh em dự rất đông và mở đầu Thọ và Linh đã đứng ra điều khiển chào cờ hát quốc ca. Anh em đã tìm được gần 10 vỏ chai bia quân tiếp vụ cũ, khi hát quốc ca các anh xếp hàng giơ vỏ chai có in hình quốc kỳ VNCH lên. Như vậy cũng đã quá tốt trong hoàn cảnh một trại tù.

Mọi người đều phấn khởi và tham gia tích cực ca hát.

Tối mồng Hai chương trình văn nghệ mừng Xuân. Đại úy Phát trưởng ban nhạc, đã không chơi các bản “Nhạc Cách Mạng”, anh đệm và hòa tấu theo hòa âm của miền Nam không theo hòa âm của miền Bắc rất khó nghe. Những bản nhạc bị bỏ quên được anh Phát làm sống lại với tiếng kèn Saxo thật điêu luyện. Người nghe càng hoan hô, các nhạc công trên sân khấu càng hứng khởi biểu diễn - các anh đã chơi một đêm văn nghệ đầy cảm hứng như ngoài đời trước 1975.

Triệu Bá Thiệp nói với tôi là nên dấn thêm nữa vào hôm sau nhưng tôi suy nghĩ mãi về lời tên Thượng úy Vinh, hắn khuyến khích nhạc vàng? Thực không? Tôi bàn với Phố nên lặn đi để tránh tai mắt của ăng ten, vả lại đã đến lúc đám đông bộc phát và nhiều anh em trước kia dè dặt đã tham gia tích cực.

Tối Mùng Hai sau buổi văn nghệ, anh em mệt mỏi đều nghỉ, chỉ có một vài nhà anh em tiếp tục hát trong đó có đội 10 của Nguyễn Hữu Trí làm đội trưởng là hát nhiều nhất vì các đêm trước Trí đã kềm chế không cho đội hát, và chuyện đã đến là tụi cán bộ đã mở cửa ập vào đội 10 bắt Trí và một vài người đem đi giam ở nhà kỷ luật.

Ngày Mồng Ba, trại trở lại yên tĩnh, anh em đã xao xuyến nhiều. Nhóm trẻ quyết định làm tới, họ vạch kế hoạch đấu tranh đòi thả người bị bắt, với lý do cán bộ Vinh chính thức khuyến khích hát để đỡ nhớ nhà. Chương trình phân công để làm trong buổi xuất trại đầu năm ngày Mồng 4:

- Đội 10 viết biểu ngữ đòi thả người bị bắt.

- Đội 4 là đội xuất trại đầu sẽ không đi lao động. Huề sẽ đứng lên ngay đầu hàng để thực hiện kế hoạch. Tôi liên lạc với các anh đứng đầu tổ chức phản động, yêu cầu họ thông báo các thành viên của họ hưởng ứng không xuất trại.

Đúng 6 giờ 30 sáng xuất trại. Khi trực trại gọi đến đội 4, Huề đứng lên ngay trước hàng hô mấy tiếng thật to: “Không đi, không đi, không đi”. Tức thì anh em thuộc đội 10 ngồi hàng đầu rút ra một cuộn giấy thành một biểu ngữ: “Yêu cầu ban giám thị thả những người bị bắt.”

Việc xảy ra thật bất ngờ cho cán bộ, trung đội trưởng võ trang ra lệnh trung đội võ trang bao quanh vòng rào chĩa súng vào trong. Trực trại tiếp tục gọi đội 4. Huề vẫn đứng thẳng dõng dạc la lên: “không đi, không đi, không đi, yêu cầu thả người bị bắt.” Bọn cán bộ súng ống túa ra đầy cả sân ngoài trung tâm, trung đội võ trang Hà Lớn vào lôi Huề ra khỏi hàng, đội 4 anh em giằng lại, nhiều tiếng hô: “Không được đánh người, không được đánh người”, rồi cả sân tập họp cũng hô lên như vậy. Lớn thả Huề ra, lúc đó phân trại trưởng Vinh xuất hiện, hắn nói: “Tối hôm qua, tôi đã ra lệnh bắt một số anh em ở đội 10, vì các anh đó đã hát ồn ào trong khi cả trại cần ngủ để đảm bảo sức khỏe sau hai ngày tự do ca hát. Tôi hứa sẽ cứu xét trường hợp đó. Trong trại có những tên xấu lợi dụng gây rối loạn sẽ bị nghiêm trị, còn những người vô tình bị xúi giục sẽ được khoan hồng. Các anh phải xuất trại đi lao động đầu năm, hôm nay xuất trại lấy ngày tốt, tôi đã nhất trí với các đồng chí quản giáo, các anh chỉ làm một giờ rồi đi tắm giặt, bốn ngày nghỉ Tết của các anh đã không có nước tắm.”

Tên Vinh khôn ngoan tách ra hai thành phần, xúi giục và vô tình - anh em làm theo sự sôi nổi của đám đông nhưng đều sợ - Hắn lại nhắc chuyện đi tắm, sau bốn ngày Tết, ở trong trại không có nước tắm là đòn cuối cùng đánh vào nhu cầu thiết yếu hàng ngày, chắc chắn đám đông sẽ ngã.

Nói xong Vinh đọc lệnh bắt giam anh Trần Danh San, Nguyễn Văn Hoàng (tức Thượng Tọa Trí Không) và Huề, và gọi chung tất cả những ai có dự phiên họp sáng ngày 29 phải lên trình diện. Vinh cầm sổ gọi đội 23 xuất trại trước, hắn đã biết rõ tình hình tù ở trại. Đội 23 là đội do Nghĩa làm đội trưởng,

Nghĩa đã tích cực trấn áp nên đội rất ngoan ngoãn. Lần lượt các đội xuất trại.
Suốt cả tháng Giêng, hầu như ngày nào cũng có người bị bắt nhốt xà lim, an ninh ra tại hiện trường bắt trói tay bằng dây thừng dẫn về trại, tình hình rất đe dọa căng thẳng. Nhưng rồi nhiều người cũng được thả ra sau khi làm kiểm điểm hứa không tái phạm, chỉ còn lại hai anh San và Hoàng và những người quan hệ thân thiết với hai anh là bị nhốt lâu ngày như Tân, Biên, Duyên, Tòng, Thành, Bằng, Huề, Dục.
Ngày 7-2-1978, chúng tôi được chính thức thông báo là quân đội Việt Cộng đã giúp “những người Khmer yêu nước” lật đổ chính quyền “diệt chủng Pol Pot”. Người thông báo là Trung tá Thích, trưởng trại, hắn mới đi phép về. Khi thông báo tin này, hắn đã phân tích sự căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh mà hắn gọi là tên “Bành Trướng Trung Quốc”. Mười ngày sau, chúng tôi được thông báo tiếp về chiến tranh Việt - Trung bùng nổ ở sáu tỉnh biên giới. Tin tức làm cho không khí đe dọa ở trại sau vụ náo loạn Tết trở nên loãng đi. Cả cán bộ và tù đều chờ đợi những diễn biến quan trọng xảy ra, dĩ nhiên là mỗi bên đều chờ đợi khác nhau. Anh em tù phấn khởi vì mong mỏi tình hình sẽ biến chuyển, dù không ai biết là sẽ biến chuyển ra sao. Trung Cộng là kẻ thù của Bắc Việt, vẫn là một kẻ đáng sợ. Nhưng dù sao có diễn biến, rồi ra thế nào thì ra. Việt Cộng tồn tại thì công việc lao động mỗi ngày ở trại tù sẽ giết dần giết mòn mọi người. Hầu hết các đội tù bị bắt được chuyển vào khu nhà gạch mới xây, có tường rào kín hơn ở khu B. Được ở khu nhà gạch mới sạch sẽ khang trang hơn, như tên trực trại Phong giải thích: “Các anh là người có tội với Đảng và nhà nước mà được Đảng và nhà nước quan tâm cho ở nhà xây sạch sẽ, mát mẻ đã nói lên chính sách khoan hồng ưu việt của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy. Chúng tôi là “con em của kẻ chiến thắng” mà chúng tôi còn phải hy sinh phương tiện tốt cho các anh, các anh thấy đó, cán bộ chúng tôi vẫn phải ở nhà gỗ.” Cán bộ Cộng sản lớn nhỏ, tên nào cũng giống nhau, có dịp là nhắc tới Đảng, tới Bác Hồ như một lời kinh. Lời kinh đó chúng biết là không thuyết phục gì đối với những người chúng nói với, nhưng có giá trị bảo vệ cái vị trí và con đường tiến thân của chúng. Sự giải thích dù có vô lý cũng mặc, cứ giải thích cho có. Giai đoạn đầu của cuộc cách mạng chống Pháp, dân chúng còn yêu kháng chiến, còn tin vào sự lãnh đạo của Việt Minh, còn tin Bác Hồ, sự giải thích thế nào cũng được tin; rồi thành thói quen, nhưng bây giời niềm tin không còn nữa, sự giải thích của cán bộ Cộng Sản trở thành trơ trẽn, chúng vẫn cứ làm. Điều này không còn là ưu điểm trong chính sách tuyên truyền nữa mà trở thành một khuyết điểm trầm trọng mà chế độ Cộng sản không sửa được hoặc chẳng còn cấp nào muốn sửa.

Không phải chỉ tên Phong trực trại mở miệng lếu láo tù được ở nhà xây là đãi ngộ hơn cán bộ ở nhà gỗ mà chính tên trưởng trại Trung-tá Thích cũng đã giải thích như một minh chứng hùng hồn của chính sách khoan hồn nhân vụ cán bộ bắn chết một người vượt trại. Có hai người tù nhân đêm tối cạy cửa ra, băng qua rào trốn. Một người thoát vào rừng, một người rủi ro bị vướng áo vào cọc rào treo tòn ten. Từ trạm gác, tên võ trang đã bắn 13 phát mới trúng, giết chết người tù bất hạnh đó. Hôm sau chúng tôi được nghỉ lao động, lên hội trường nghe giảng về chính sách khoan hồng. Sau một hồi huyên thuyên nhàm chán, Thích cụ thể giải thích là “Đêm qua cán bộ đã thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo, khi cán bộ phát hiện tù trốn trại, cán bộ đã bắn 12 phát cảnh cáo, nhưng cải tạo viên vẫn ngoan cố không quay lại (vì bị treo tòn ten trên cọc) nên đến phát thứ 13 đành phải bắn chết...”

Phân trại A bị cấm nấu ăn, chỉ được thực phẩm ăn ngay và hạn chế cân lượng, mỗi người được nhận nhiều hay ít tùy theo thái độ cải tạo. Cán bộ quản giáo, cán bộ giáo dục và cán bộ an ninh sẽ đánh giá mức độ chấp hành cải tạo.

Chúng đã biết rõ thành phần tù bị bắt là những người chủ động gây ra những “lộn xộn” trong trại nên chúng đưa vào khu nhà mới để siết chặt hơn và biện pháp hữu hiệu nhất đối với Cộng sản là thắt chặt bao tử. Làm việc nặng nhọc và hạn chế phần ăn kể cả phần chính của gia đình mang đến để nuôi tù.

Ở trong tù sống chung với một đội trẻ tuổi ô hợp có nhiều điều tế nhị. Những người trẻ tuổi thường có lý tưởng, nóng nảy và quá khích. Họ hay đòi hỏi ở những thế hệ đàn anh có thái độ mà họ cho là “coi được” trong đời sống hàng ngày từ cung cách đối với bạn tù cũng như đối với bọn cai tù. Những người trẻ tuổi họ cũng rất nhạy bén để nhanh chóng nhìn ra thực chất - nếu ai đánh lừa họ thì chỉ trong thời gian ngắn, còn sống lâu ngày trong môi trường vừa đói khổ, đầy thử thách, sự đóng kịch không được lâu. Mỗi khi họ thất vọng về một người nào, họ thường có thái độ dứt khoát và tàn nhẫn từ lời ăn tiếng nói cho đến cách đối xử. Từ đó ở trong tù thường có những hiện tượng sĩ quan trẻ tuổi cấp nhỏ khinh thường những sĩ quan cấp cao về những thái độ mà họ cho là hèn nhát; người trẻ tuổi khinh người lớn mà họ cho là không còn đáng được cho họ kính trọng. Sự đòi hỏi của thế hệ trẻ dù có hơi khó khăn, nhưng cũng rất hợp lý. Do đó, muốn bảo vệ một chút gì còn sót lại của một con người tự trọng, với thời gian lâu dài trong nhà tù là cả một sự đấu tranh không nhỏ và không ngừng đối với bản thân người tù, để có thể tạo cho những người tù trẻ tuổi một chút tin tưởng nào đó ở lời nói của mình để có thể chia sẻ với nhau một vài ý nghĩ giữa hai thế hệ.

Gần đến ngày 30-4-1979, anh em nhà bếp thông báo là bữa ăn có phần thịt được tổ chức vào ngày 30-4 thay vì 1-5 như những năm trước. Tiêu chuẩn ăn thịt vào ngày lễ ở trong tù thật quan trọng - vì mỗi năm chỉ có 4 lần được tiêu chuẩn đó. Dịp Tết được 3 bữa ăn, một bữa chiều 30, bữa trưa Mồng Một và bữa trưa Mồng 3. Dịp lễ Quốc Tế Lao Động 1/5 và sinh nhật Hồ Chí Minh 19/5 ăn lễ vào buổi trưa 1/5. Lễ 2/9 ăn vào trưa và dịp tổng kết thành tích cuối năm thường là đầu tháng Giêng năm sau. Một năm 4 dịp được ăn cơm trắng có thịt; những buổi ăn khác là ăn cơm độn và nước muối.

Anh em thắc mắc không biết trại có hậu ý gì mà đổi ngày ăn lễ từ 1/5 ra 30/4. Những chuyện rất nhỏ ở trong trại khi được nhắc tới cũng thành ra một luồng dư luận bàn tán. Qua trao đổi anh em quyết định không cần biết trại vô tình hay cố ý đổi ngày ăn lễ, nhưng đã chú ý bàn tán thì cũng cần một cái gì đáp ứng.

Cuộc vận động thành công. Buổi trưa hôm đó, các đội đều trả lại phần thịt chỉ nhận cơm trắng với nước mắm. Đối với cán bộ đó là chuyện bất ngờ, nên ngay hôm 1/5, thay vì nghỉ lễ chúng tôi lại được lên hội trường để nghe đe dọa là sẽ nghiêm trị các phần tử sách động. Khi được hỏi lý do tại sao “cải tạo viên” không nhận phần thịt. Anh Thanh, một sĩ quan trẻ trong nhóm Vườn Đào mới chuyển về đã thẳng thắn phát biểu: “30-4 là ngày chiến bại của chúng tôi, cán bộ ăn mừng chiến thắng, nhưng chúng tôi không thể ăn mừng chiến bại.” Sau đó Thanh bị đem cùm trong xà lim kỷ luật.

Sau thời gian học tập chính trị, anh em sĩ quan mới chuyển về được tham gia một buổi đóng phim trình diễn nhân phái đoàn báo chí của ba Đảng Cộng sản Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp đến thăm trại. Tuy là đón phái đoàn báo chí của các “Đảng Cộng sản anh em”, trại cũng tổ chức trình diễn rất ngoạn mục.

Toàn trại được nghỉ lao động, mỗi người tù được phát khẩu phần ăn một cục bột. Quản giáo cùng hai cảnh vệ dẫn đội vào trong rừng làm công tác lao động chờ đến khi có kẻng báo thì dẫn đội về.

Nhà bếp mang về 4 con lợn đã làm sẵn, hai con móc treo trên giá, một con được chặt thịt dang dở, và một con đã chặt xong bỏ vào chảo nấu. Số 400 tù trại Vườn Đào được tuyển chọn còn 200 người trẻ và khỏe mạnh, một số đưa lên nằm trạm xá, tại mỗi giường bệnh bày một phích nước sôi, một hộp sữa đã đục sẵn và một hộp sữa còn nguyên, một bao thuốc lá đã mở. Trước khi đưa lên nằm đã được dặn dò kỹ là không ai được quyền động đến những đồ vật quí giá đó. Số còn lại chia ra ở các nhà, mỗi nhà hơn 10 người, người thì quét tước, người khác ngồi đánh cờ tướng. Đến bữa cơm, những người diễn viên này ngồi vào bàn ăn khẩu phần 4 người ăn cơm trắng với rau và thịt hai món kho và luộc.

Các diễn viên đã được học tập trước và đã được răn đe rằng họ phải hạn chế sự phát biểu, và nếu được hỏi đến phải phát biểu theo đúng chính sách, để tránh sự phiền toái không có lợi cho bản thân. Anh em dù bị răn đe, phải đóng tuồng nhưng khi được hỏi trả lời rất hay. Bác sĩ Quí được hỏi, nếu được thả ra sẽ làm gì, anh đáp là sẽ đem gia đình đi kinh tế mới. Được hỏi là sao không tiếp tục hành nghề bác sĩ, anh trả lời đi kinh tế mới là chính sách của nhà nước đối với tù cải tạo.

Nhà bếp được hỏi là mỗi ngày ăn mấy bữa, anh em trả lời là tù ăn sáu bữa cơm với thịt, được hỏi là tại sao được ăn nhiều như vậy, thì anh em trả lời là cán bộ dặn trả lời như vậy. Những lối trả lời theo cách chống đối tiêu cực, trả lời mà người hỏi không thể tin được, hoặc câu trả lời nói lên được tính cưỡng chế mà Cộng sản có biết cũng không trừng phạt được. Thêm vào đó, anh em tìm mọi cách dùng than và gạch viết 3 chữ SOS ở mọi nơi có thể viết được. Có ký giả đã dùng máy quay phim để quay chữ SOS đó. Dĩ nhiên, cũng không có giá trị gì nhiều, nhưng làm cách gì tỏ sự chống đối được càng nhiều càng tốt.

Một số anh em bị kỷ luật ra không được về đội cũ, biên chế về các đội vượt biên ở Chí Hòa chuyển lên. Anh em đến nơi nào phổ biến tinh thần chống đối đến nơi đó, kỷ luật không làm cho anh em chùn mà càng làm cho tinh thần chống đối cao hơn. Đúng là càng có áp bức càng có đấu tranh. Trong hoàn cảnh đó, theo yêu cầu, anh em phải tập trung cố viết tài liệu lý luận một lần nữa để chuyển cho các anh em phổ biến cho người tù mới đến.

Lê Phước Thọ làm ở nhà bếp đã lập được một hệ thống tiếp tế thức ăn và thuốc men cho anh em bị kỷ luật qua các anh trật tự có nhiệm vụ đưa cơm. Từ đó chúng tôi có thể chuyển những thức thiết yếu như đường, thuốc rê, thuốc bổ như Vitamine B1 và C cho anh em bị kỷ luật để anh em có thể chịu đựng dài ngày sự đày ải trong địa ngục trần gian. Thọ cũng lập được đường dây chuyển những bài viết đến khu B cho Định ở đội văn nghệ. Chúng tôi nhận được báo chí từ khu B sang. Khu B thuộc sĩ quan trình diện chưa xảy ra việc gì đáng nghi ngờ về chính trị trừ những vụ trốn trại. Giám thị trại cấm khu A nhận báo từ gia đình đưa lên dù đó là Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản.

Đã có nhiều anh em chết vì bị cùm đến kiệt sức trong các nhà kiên giam kỷ luật, những cái chết đó cũng góp thêm sức sống, góp thêm sức ấm cho ngọn lửa đấu tranh của những người còn sống.

Hớn vẫn liên lạc với tôi để dự trù một cuộc đào thoát; ở trong tù tôi gặp nhiều người thanh niên có nhiều tài năng. Hớn là một trong những người đó. Hớn là một Thượng sĩ Biệt Kích còn trẻ tuổi, có thể hướng dẫn đi đường rừng qua Thái Lan - mọi chuẩn bị đang tiến hành thì Hớn bị kỷ luật dịp Tết và khi được thả ra lại, đưa về biên chế tù vượt biên. Hớn muốn được về khu tù chính trị của chúng tôi để anh em cùng tính chuyện đào thoát. Một hôm anh đã cố tình cãi lại Thượng úy Hưởng để bị nhốt kỷ luật. Trong khi ở kỷ luật, Hớn đã mở được còng để ra khỏi xà lim và mở luôn hai xà lim khác để dẫn Lân và Thành cùng trốn. Hớn có khả năng mở được nhiều loại khóa với một que thép luôn luôn được dấu trong người. Việc trốn trại của Hớn làm cho bọn Cộng sản thêm tức bực nên chúng buộc chúng tôi phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhiều người bị cắt không cho gặp gia đình trong nhiều tháng liên tiếp.

Trong tù đã có nhiều anh em can đảm hơn, đấu tranh trực tiếp với cán bộ, luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, thà bị chết, thà bị giam cùm trong xà lim kỷ luật, như trường hợp anh Điệp, dứt khoát chống đối không chịu lao động. Nguyễn Đức Điệp đến trại tháng 5/1978 trong đợt tù chuyển từ trại giam Long Xuyên đến. Hầu hết số tù nhân hơn 500 người này là những chiến sĩ trước thuộc các tiểu đoàn Địa Phương Quân Giáo phái, các Trung Đội Nghĩa Quân hoặc Nhân Dân Tự Vệ sau khi tan hàng họ không chịu nộp vũ khí, kéo nhau vào các vùng núi Thất Sơn hoặc đồng bằng biên giới để chiến đấu thành từng nhóm. Khi bị bắt, họ bị ghép tội tàn quân, những người cầm đầu là sĩ quan QLVNCH, hoặc chức sắc thuộc Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo hoặc đã bị tử hình, hoặc xử án từ hai mươi năm đến chung thân còn bị giam ở các đề lao Long Xuyên, Châu Đốc hoặc Chí Hòa. Những chiến sĩ cấp dưới đồng loạt bị kêu án tập trung cải tạo. Anh Điệp là một người Thiên Chúa Giáo trong tổ chức Phục Quốc Long Xuyên, liên hệ trong đường dây phục quốc từ Saigon đến các tỉnh miền Tây mà trung tâm là vùng Cái Sắn.
  
Từ ngày bị bắt anh Điệp không bao giờ nhận tội; lời khai duy nhất của anh là “không thể sống dưới chế độ Cộng sản, không chấp nhận chế độ đó, vì Cộng sản chỉ làm khổ dân.” Điệp sinh tại Nghệ An, gia đình cha mẹ là nạn nhân trong cuộc đấu tố về cải cách ruộng đất. Điệp một mình vượt tuyến vào Nam năm 1955 lúc chưa được 20 tuổi.

Học dang dở trường Mỹ Thuật Gia Định, mưu sinh luân lạc đến lập gia đình ở Long Xuyên hành nghề điêu khắc.

Thái độ chống Cộng công khai và dứt khoát của Điệp khiến anh nhiều lần bị đánh đập tàn nhẫn. Từ một người khỏe mạnh, chỉ hơn một năm bị giam ở Long Xuyên anh đã bị lao phổi. Đi trại lao động cải tạo địa phương, Điệp không chịu lao động, bị đánh, bị giam xà lim Điệp vẫn không hề thay đổi. Đánh đập giam cùm mãi chán, Điệp lại bị chuyển trại về thị xã Long Xuyên rồi chuyển ra Xuân Lộc. Tại đây, vẫn không chịu lao động, vẫn chỉ một lời khai không chấp nhận chế độ Cộng sản, Điệp lại bị đánh, bị cùm. Khi bệnh lao nặng, Điệp về đội già yếu bịnh tật, Điệp có thì giờ để khắc tượng gỗ, bằng những dụng cụ thật thô sơ làm từ cái đinh hay cọng thép. Điệp đã khắc cho anh em nhiều tượng Chúa Jesus Christ hay tượng Phật. Một hôm tên trực trại bắt gặp Điệp mang một tượng đức Chúa Jésus và cây thánh giá lớn cả tấc, hắn bảo Điệp vất bỏ, anh không chịu, hắn giật, anh giữ lại, nhất định bảo vệ tượng không thả ra, bị nhiều tên cán bộ xúm vào đánh, Điệp bị ngã xuống đất hai tay vẫn bảo vệ tượng. Nhìn Điệp bị đánh hộc ra cả chén máu, chúng tôi đau xót lắm nhưng chỉ biết nhìn nhau mà không biết làm gì được. Thật hổ thẹn, có những lúc thấy mình thật hèn. Đêm đến chỉ biết nằm khóc cho bạn. Hình ảnh Điệp nằm quằn quại ôm tượng Chúa Jésus miệng bê bết máu ám ảnh mãi trong tôi không bao giờ quên được.

Một buổi sáng chúa nhật lao động xã hội chủ nghĩa, chuyển gỗ từ rừng về trại để làm củi đốt. Những cây gỗ bị sử dụng thật phí phạm, xài phí tài nguyên trong khi đất nước và mọi người nghèo đói là một đặc tính của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hai hay bốn người khiêng chuyển một cây gỗ tùy lớn nhỏ. Đội trưởng và cán bộ đứng kiểm soát rải rác trên đường. Khi chuyển xong hai đợt, chúng tôi đi trở lại địa điểm tập trung thì tên quản giáo gọi tôi ra khỏi hàng, chỉ tôi ngồi xuống bên lề, hắn hỏi:

- Trong chuyến chuyển gỗ trước, anh biết trong đội có người nói gì không?

Câu hỏi thật bất ngờ, khó trả lời vì trong khi khiêng gỗ di chuyển tù nói chuyện, đùa giỡn với nhau là chuyện bình thường làm sao để ý biết ai nói gì. Nghĩ vậy nên tôi trả lời rất tự nhiên và thật tình:

- Báo cáo cán bộ, đang lúc lao động anh em nói chuyện cười đùa với nhau, tôi đâu có để ý để biết ai nói gì.

Tên quản giáo nhìn tôi cười gằn, nói:

- Nói cười cho vui thì tôi hỏi anh làm gì, trong đội có người xúi giục chống đối lao động, anh có biết là ai không?

Tôi thấy hắn bắt đầu chuyển cuộc nói chuyện qua ý chụp mũ nên tôi dè dặt hơn:

- Báo cáo, tôi không nghe ai nói gì có tính cách chống đối sách động.

Hắn “hừ” nhẹ một tiếng, rồi nói:

- Anh thực sự không biết hả, anh lúc nào cũng nói không biết nhưng có người nói là anh biết nhiều.

Tôi đáp:

- Đó là ý của họ, tôi chỉ biết làm lao động và chấp hành.

- Nói chuyện để đo lường ý thức tự giác của anh, vừa rồi anh nói: “Không có hắn thì nghỉ”, anh nói vậy có phải là xúi giục chống đối lao động không? Anh đã trây lười lao động mà còn xúi giục chống đối lao động. Tôi biết trong đội những người kia nghe anh nhiều hơn là đội trưởng.

Hắn gán tôi vào tội chống đối lao động, tôi hơi ngạc nhiên, vì thường ngày tên quản giáo này không bao giờ kiếm chuyện để khó dễ với tù. Khi lao động tôi vẫn giữ ở mức độ vừa sức, không làm nhiều lắm nhưng cũng không làm ít. Đã đi tù, đến trại lao động, bắt buộc phải làm không tránh né được, mình tránh né thì bạn phải làm, không khác đi được. Tôi vẫn quan niệm như vậy, nhưng không làm nhiều quá vì làm nhiều quá sức là dại. Thời kỳ đầu nhiều người tù vẫn tin là làm lao động nhiều để được cứu xét cho về sớm. Đã qua 3 năm tù rồi thì không còn mấy ai tin ở điều đó nữa. Nếu lao động quá sức là một cực hình, nhưng giữ được mức vừa phải, cũng có lợi cho việc duy trì sức khỏe chịu đựng lâu dài, không làm lao động cũng hủy hoại thể xác.

- Báo cáo cán bộ, tôi không trây lười lao động, từ ngày cán bộ làm quản giáo đội, cán bộ chưa hề chỉ trích tôi về kết quả lao động, còn chuyện xúi giục thì tôi nghĩ trong tù này không có ai xúi giục được ai cả, người tù nào cũng trưởng thành và họ có ý thức việc làm của họ.

Hắn có vẻ lúng túng vì câu trả lời đúng sự thực của tôi nên tôi càng tin vào sự suy luận của tôi là chúng đang tìm cách nhốt tôi để dằn mặt vì những sự kiện liên tiếp xảy ra trong trại tù, mà tôi thuộc thành phần bị nghi ngờ mà an ninh chưa có chứng cớ cụ thể. Công an làm việc có bài bản, muốn bắt giam kỷ luật phải có bằng cớ, nếu không có thì phải tạo ra cớ để bắt. Tù nằm trong tay muốn làm gì thì làm, không phải chúng e ngại gì, không nhốt khi chưa có cớ, không phải chúng sợ hay thương người tù, nhưng đó là công việc của chúng nó; mỗi sự việc chúng còn phải báo cáo với cấp trên để lập thành tích, phải tạo sự việc có bài bản, thì sự khám phá hay triệt hạ của chúng mới có công lao để tiến thân, cá nhân hay tập thể mới được tuyên dương thành tích. Trong khi tôi đang nghĩ ngợi, tên quản giáo lấy giấy viết ra, tôi trả lời cho hắn ghi xong phần lý lịch, ngày bị bắt, ngày vào trại xong, đến khi nghe bị ghép tội xúi giục chống đối lao động, tôi nói:

- Cán bộ muốn nhốt tôi là quyền của cán bộ, còn tôi không xúi giục ai cả, tôi không ký biên bản.

Hắn giận dữ:

- Anh nói cán bộ muốn nhốt ai thì nhốt là anh xuyên tạc chính sách của Đảng và nhà nước. Đảng chỉ muốn giáo dục các anh, không phải đảng muốn trừng trị, nếu đảng trừng trị thì các anh đều đáng tội chết. Chính sách các anh đã học rồi. Đảng không bắt lầm, không xử phạt oan, đã bị bắt là có tội với Đảng với nhân dân, anh hiểu chưa? Anh nói “không có hắn thì nghỉ” tức là không có tôi kiểm soát thì cả đội ngưng lao động có phải là xúi giục không?

- Tôi nói lúc nào, có ai nghe thấy, cán bộ không ở đó thì làm sao cán bộ biết được?

- Dĩ nhiên không có tôi anh mới dám nói. Các anh bỏ gỗ ở sau nhà cán bộ võ trang, anh nói, cán bộ võ trang trong phòng nghe thấy.

- Cán bộ võ trang ở trong phòng, nếu có ai nói, cán bộ nghe làm sao cán bộ biết tôi nói mà không phải người khác?

Đuối lý vì câu hỏi của tôi, hắn đứng dậy và nói:

- Tôi hỏi anh chứ không phải anh hỏi tôi, anh không ký biên bản thì theo tôi về phòng an ninh giải quyết.

Vừa đi tôi vừa đoán chắc đây là một vụ xếp đặt từ phòng an ninh để lấy cớ nhốt tôi mà tên cán bộ quản giáo thực hiện màn kịch dở, không đầu đuôi, không tìm được một bằng cớ gì buộc tội tôi cho dù đã làm việc với hầu hết những đội viên trong đội mong tìm được lời tố cáo. Tôi quyết định là cho dù bị nhốt bao lâu cũng không nhận bất cứ tội gì bị gán cho. Vào phòng an ninh, tội gặp Long, trưởng ban an ninh, tên cán bộ nổi tiếng ác, hắn có cặp mắt nhỏ ti hí và bộ răng vàng lúc nào cũng chìa ra hai môi tím ngắt trên khuôn mặt quắt queo, da tái vàng vì bệnh sốt rét.
Long chỉ tôi ngồi vào chiếc ghế vuông đặt trong góc phòng cách xa bàn giấy. Cách thức này để đàn áp tinh thần người bị hỏi. Dưới cặp mắt soi mói và khoảng không gian như vậy, con người sẽ cảm thấy nhỏ bé hơn và lúng túng hơn là được ngồi vào ghế trước mép bàn như thường lệ. Tôi cố trấn tĩnh để ngồi thật ngay ngắn và giữ thoải mái để không tỏ ra sợ và cũng không sai phạm gì để bị bắt bẻ. Công an thường buộc người bị hỏi ngồi thật ngay, hai chân buông thõng, hai tay đặt ngay ngắn trên hai đầu gối, chờ nghe từng câu hỏi. Nếu ngồi khác đi hoặc có cử chỉ bằng tay khi trả lời sẽ bị bắt bẻ, nhiều khi là cớ để bị đập bàn chửi bới.

Nhìn tôi từ đầu đến chân như kiểu con thú muốn vờn mồi làm cho con mồi sợ hãi trước khi vồ cắn, Long chậm rãi hỏi:

- Mày làm gì trong tổ chức của thằng Trần Danh San. Tụi mày chuyên xúi giục chống phá trong trại.

Biết hắn hỏi chuyện trong trại nhưng tôi đánh trống lảng:

- Báo cáo, tôi bị bắt trước anh San và không có liên hệ gì với tổ chức nhân quyền của anh San.

- Mày đừng giả vờ, tao muốn hỏi mày về những hành động của chúng mày chống đối trong trại.

- Báo cáo, tôi không hề phạm nội qui, tôi không chống đối, và không biết gì về hành động chống đối trong trại.

- Những chuyện sờ sờ ra từ Tết đến bây giờ mà mày bảo mày không biết.

- Báo cáo, những chuyện gì trong trại xảy ra mọi người đều thấy, tôi cũng như mọi người, tôi có thấy, còn do đâu và ai làm thì tôi không biết. Tôi không bao giờ muốn biết đến việc làm của người khác.

- Mày đã học nội qui chưa, cải tạo phải phát giác những âm mưu chống phá và thành thật khai báo.

- Báo cáo, tôi đã thành thật khai báo những gì về cá nhân tôi, còn chuyện của người khác, tôi chưa làm được, xin cán bộ thông cảm, tôi không có thói quen nhìn vào đời sống kẻ khác.

- Mày đã xúi giục đội nghỉ làm lúc không có cán bộ quản giáo mà mày vẫn chối là không xúi giục, mày hèn lắm, đã làm mà không dám nhận.

Ngay lúc đó tên trực trại Hoạt bước vào, hắn đặt lên bàn hai tượng Phật nhỏ. Tôi chợt thấy lạnh người. Trong khi tôi bị hỏi cung. Hoạt đã xét tư trang của tôi, hắn đã tìm ra hai tượng Phật bằng gỗ mà Nguyễn Đức Điệp đã khắc cho tôi. Tôi dự định khi nhà lên thăm nuôi sẽ gửi về cho hai đứa con làm quà, gởi về cho mấy đứa con một niềm tin vào Phật. Tôi đi tù lúc con tôi còn nhỏ, tôi không dạy dỗ gì được chúng. Tôi sợ nền giáo dục của Cộng sản và xã hội Cộng sản sẽ làm cho con tôi trở thành những con người độc ác ti tiện, tôi muốn con tôi tin vào lòng từ bi, bác ái của giáo lý nhà Phật để chúng vẫn còn là một con người Việt Nam, không bị nhuộm đỏ. Với dụng cụ thô sơ làm bằng những chiếc đinh, Điệp đã khắc rất đẹp, rất sống. Mỗi ngày khi rảnh rỗi, tôi vẫn đưa hai tượng Phật ra để ngắm nét hiền lành từ bi của Phật để giúp củng cố thêm niềm tin. Tôi quí hai tượng gỗ đó vì giá trị tinh thần của nó và vì tình bạn quí mới có với Điệp và sự khâm phục của tôi dành cho sự can đảm của Điệp. Tôi đang suy nghĩ miên man, khi tên Long đang cầm hai pho tượng trong lòng bàn tay. Hắn ném mạnh hai pho tượng xuống đất rồi nhìn tôi cười gằn, hắn nói:

- Chúng mày cấu kết với nhau để chống đối, mày, thằng San kết với thằng Điệp. Thế là mày hết chối cãi nhé. Mày âm mưu gì với thằng Điệp?

Hắn vừa nói vừa bước ra khỏi bàn, tiến về phía chỗ tôi ngồi. Thấy hắn hỏi nhưng không chờ câu trả lời của tôi, tôi biết là hắn sắp đánh tôi nhưng tôi không biết cách gì đối phó chỉ ngồi chịu trận, cố nhìn về hai tượng Phật đang nằm dưới chân của tên Hoạt. Long lôi ngực áo tôi đứng dậy, hắn tát vào mặt tôi, tôi đỡ nhưng không được, sau đó, cả Long và Hoạt cùng đánh tôi. Tôi thu người để chịu đòn, tôi nhìn hai tượng Phật bị giẫm gãy, thấy uất hận và thấy mình hèn, tôi nhớ hôm Điệp bị đánh, anh đã ôm lấy tượng Chúa. Tôi nhoài người đến định chộp lấy hai tượng Phật. Nhưng Hoạt đã đá tôi thối lui trong khi Long dùng chân giẫm gãy nát tượng và đá ra ngoài khung cửa. Tôi đã thua kém Điệp. Tôi không bảo vệ được tượng - tôi hèn quá. Tôi chỉ cố gắng nuốt uất hận cùng với máu mồm máu mũi bị đánh giập ra.

Tôi gặp Thọ trong xà lim. Thọ nói cho tôi biết khi đưa tài liệu cho Định, bị bắt, anh đã nhanh tay bỏ vào miệng nhai, sau đó khai là tờ giấy viết bản Thu Vàng, từ đó anh không bị hỏi cung lại. Chúng tôi ước tính là chúng đã tin lời khai của Thọ và hy vọng là Thọ sắp được ra.

Bị nhốt kỷ luật thường có biên bản và quyết định thời hạn nhất định, mỗi lịnh phạt là hai tuần lễ, nếu gia hạn thì sau hạn hai tuần có quyết định khác. Theo thủ tục lịnh phạt được đọc trước sân tập họp vào mỗi buổi sáng trước khi xuất trại lao động. Trường hợp không có đọc lịnh phạt bị nhốt thời gian lâu dài, không biết thả ra lúc nào.

Kiểm điểm lại với Thọ thì hệ thống chuyển đường và thuốc tây cho anh em trong xà lim có làm việc tốt, tuy chuyển không đầy đủ những gì chúng tôi đã giao, nhưng việc làm đó của các anh đi đưa cơm cũng đáng được mang ơn .

Được làm nhà bếp và đi đưa cơm kỷ luật là đã được tín nhiệm của trực trại, ở trong tư thế đó mà các anh vẫn giúp đỡ nhận quà chuyển vào trong xà lim là một hành động đáng quí. Một cục đường, một viên thuốc hay chỉ một điếu thuốc lá được chuyển đến cho người nằm trong kỷ luật quí hơn bên ngoài cả trăm lần.

Khu kỷ luật trại Xuân Lộc có 4 nhà, mỗi nhà bên trong chia làm 4 phòng, mỗi phòng có 3 bệ gỗ để nằm. Người bị kỷ luật bị còng 1 hay 2 chân tùy mức độ nặng nhẹ, khi còng hai chân cũng tùy mức độ mà bị còng chéo hay còng thẳng, còng chéo cả hai chân là mức độ nặng nhất. Vòng sắt đánh thành hình chữ U bó sát vào ống chân có hai khoen ở cuối còng để xuyên một cây sắt từ ngoài tường, qua các trụ ciment xây cạnh mỗi bệ nằm, nên khi bị còng, chân của phạm nhân bị giơ cao hơn mặt bệ nằm gần hai tấc. Cuối cùng đầu cây sắt xuyên qua tường ở bên trong và cái khóa giữ cây xuyên qua đó. Bên ngoài đầu cuối của thanh xuyên đánh vòng sắt tròn đường kính khoảng hai tấc. Ban đêm, cứ mỗi giờ đổi gác, những tên cán bộ võ trang điểm danh xà lim bằng cách đạp vào vòng tròn này. Người bị còng chân bị nghiến giữa vòng sắt chữ U và thanh sắt xuyên đau điếng phải hô đáp có. Nếu không, sẽ bị đá cái thứ hai. Do đó, cứ đêm tối, tù xà lim phải chờ điểm danh lắc còng. Một đôi khi có tên võ trang ác độc cầm vòng sắt lay nhiều lần, bên trong chân bị siết đau đến tận óc, chảy cả nước mắt, nước mũi. Thời gian đầu, chân còn mập bị còng siết, ai cũng một lần bị sưng ống chân thành mụn lở thành cái sẹo to tướng.

Từ ngày Hớn giở nóc xà lim trốn trại, trần nhà đã bị đổ mạt cưa che kín, nên ngay ban ngày ánh sáng lờ mờ chỉ lọt vào qua khe cửa và khe hở những tấm gỗ đóng chèn khung cửa sổ, cái khung hở bằng bàn tay nơi cửa sổ cũng đóng kín chỉ mở vào ban đêm, để cán bộ tuần tra thỉnh thoảng rọi đèn pin vào. Cái khung mở vào ban đêm đó rất tai hại vì đàn muỗi từ rừng bay vào, muỗi nhiều quá nên cứ bám khắp cả mặt mũi tay chân tha hồ đốt, đập cũng không hết. Ở xà lim, khổ nhất là ban đêm, vừa muỗi, vừa lạnh, vừa bị đá còng không thể nào ngủ được.

Tôi ở xà lim một tuần thì Thọ được thả ra. Thọ gởi vào cho tôi một cục đường. Hệ thống gởi quà vào xà lim chỉ có tôi và Thọ liên lạc được với người bạn đưa cơm. Trong tuần lễ ở chung, tôi đã dặn dò Thọ những điều cần thiết chuẩn bị khi được ra, thông báo cho những anh em thân thiết được biết mà an tâm, tôi chỉ bị nhốt vì chúng nghi ngờ, không có yếu tố chính xác. Thọ cho anh em bên ngoài biết để tiếp tục, tùy hoàn cảnh làm được cái gì thì làm. Hệ thống an ninh của trại rất kém, chúng không nắm được gì cụ thể. Chúng chỉ biết được hoạt động trong tù một cách lờ mờ qua báo cáo của an ten tức là những người tù hèn hạ làm tay sai. Sống lâu với nhau, những tên tay sai cũng bị anh em nhận diện xa lánh nên cũng không lượm được tin tức. Do đó, an ninh còn có cách khác là làm bài toán trừ. Chúng nghi ngờ ai hay thành phần nào thì cứ đổi đội, đổi phân trại, khi cá nhân hay số người bị tình nghi được đổi đi, nếu đội và trại yên tĩnh thì bao nhiêu tội lỗi đổ lên đầu những người bị tình nghi đó. Phương pháp làm việc đó tắc trách nhưng cũng hữu hiệu, vì tù cũng còn e sợ, thiếu tổ chức lãnh đạo nên khi có người bị bắt là hầu hết những người khác đều thu lại sợ sệt, lắng tạm yên nên bao nhiêu tội lỗi, nghi vấn đều đổ lên những người bị bắt nhốt kỷ luật, dĩ nhiên nhiều khi cũng nhốt đúng người, nhưng trong đó cũng có người bị tình nghi oan. Số an ten làm việc, không sưu tầm tin tức báo cáo chính xác mà cũng chỉ dựa trên tình cảm thương ghét, giận hờn, thù oán mà báo cáo, vừa lập công vừa trả thù hay mượn tay cán bộ để triệt hạ nhau.

Chúng tôi luôn luôn cố gắng duy trì đối kháng liên tục một phần cũng để cho an ninh không kết luận chính xác ai là người hướng dẫn tổ chức đối kháng, làm cho những lần bộc phát đối kháng trở thành những hành động của đám đông, tự phát.
Năm 1979, tiêu chuẩn ăn có lúc đã bị độn đến 90%, mỗi tuần chỉ có hai bữa cơm còn thì ăn ngô, bo bo và khoai mì khô. Trong các thứ độn, ngô được xem là quí nhất, bo bo ăn vào không tiêu, ăn vào thế nào là bài tiết ra nguyên cả hột như thế đó. Về sau, tù mới sáng kiến ra phần ăn trước dành lại nghiền dập rồi bỏ vào cái lon nhôm đựng sữa Guigoz ra bãi gửi nấu lại. Khoai mì khô thì rất thê thảm, vừa nặng vừa mục, nên tiêu chuẩn ăn còn lại rất ít. Cái lon nhôm hiệu sữa bột Guigoz được gọi vắn tắt là cái Gô, là bạn đồng hành thân thiết của tù, người tù nào cũng kè kè bên mình một cái, vừa đựng nước uống ra bãi, vừa dùng để nấu canh tại bãi lao động. Những loại rau cỏ dại ăn được tìm thấy ngay hiện trường, lén nhổ cho vào gô rồi nhờ nhà bếp nấu. Nấu chín xong để bụi cát lắng xuống phần dưới, ăn phần rau cũng đỡ cái bao tử rỗng một lúc. Hôm nào bắt được con cóc, con nhái thì “canh có người lái”, tù gọi là Protéin; con gì cũng quí vì có chất thịt, chất protéin bổ dưỡng; tù có câu: “con gì nhúc nhích là ăn được”, “rau gì không chết thì ăn”, rau cỏ không có tên, ăn được là may mắn, nếu cần đặt cho một cái tên trước rồi ăn sau, do đó cây cỏ ngoài những loại rau dại thông thường như dền, sam, tàu bay, cải trời, chua lẻ, trong tù còn có rau bột ngọt, rau cà ri, và củ gì ăn được nếu chưa có cái tên đều gọi là sâm, sâm đại hành, sâm nam, sâm gòn, sâm tím v.v... Nằm xà lim lắng nghe tiếng kẻng để biết thì giờ, từ sáng đến tối đi ngủ 13 lần tiếng kẻng; biết lúc anh em thức dậy, tập họp, xuất trại, lao động, giải lao, vào lao, thu dụng cụ... Sinh hoạt buổi tối, đi ngủ. Tiêu chuẩn kỷ luật mỗi tháng còn 9 kg lương thực ăn với nước muối, 9 kg mỗi tháng, mỗi ngày chia hai bữa hai chén nhỏ xíu. Cơm mới bỏ vào miệng chưa kịp nhai cái lưỡi đã đưa cơm vào cổ. Đến bữa ăn phải kềm hãm cố nhai cho thật kỹ, vừa để cho đỡ buồn, cho qua thời giờ có việc làm, khi nhai thức ăn, vừa phải nhai kỹ để thức ăn ít ỏi và quí báu được tiêu thật hết, khỏi phí phạm, giúp cơ thể bòn từng chút bổ dưỡng để thân xác chịu đựng cho con người được sống, nhai thật kỹ để chất thải ra thật ít, 5,7 ngày mới đại tiện một lần, vì đại, tiểu tiện đều vào cái thùng đại liên để ngay bên cạnh bục nằm, đến lúc đầy tràn trật tự mới đổ đi, nên suốt ngày đêm phải nằm bên cạnh cái của nợ khai thúi đó.

Hôm nào ăn ngô là tốt nhất, bốc từng hạt ngô vừa nhai vừa đếm, mỗi hạt ngô nhai thành 50 hay 100 lần thật kỹ, nhai kỹ hơn cả kiểu ăn Ozawa gạo lức muối mè. Nhai nhiều lần không nuốt thì hạt ngô cũng biến vào cổ lúc nào không hay. Lại tiếp tục nhai đến hạt khác. Thường thường mỗi bữa ăn từ hơn 250 đến 260 hạt, lần nhiều nhất được 267 hạt và có lần ít chỉ được 187 hạt. Nhận được của Thọ một lần đường thì người đưa cơm bị thay thế.

Người đưa cơm mới bây giờ tôi nhìn mặt quen, mãi mấy ngày mới nhớ nhận ra anh là Cải, trung úy cảnh sát, trước làm tùy phái cho văn phòng đại tá Huỳnh Ngọc Diệp, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vụ. Tôi nhớ mãi anh này vì trong đời tù ít gặp ai được như Cải, con người thật độc ác và phục vụ cho quan thầy thật đắc lực. Tiêu chuẩn nước cho xà lim mỗi ngày một ca bị Cải rút xuống còn hơn 1/2 ca, tôi nhớ rất rõ lời nói của anh với tên trực trại Hoạt: “Xin cán bộ bớt nước tụi nó xuống, cho nhiều tụi nó uống đái ra nhiều quá không đổ cầu kịp”. Một ca nước để dùng đủ thứ cho một ngày mà anh Cải gọi là nhiều, còn đề nghị bớt xuống. Chế độ tù đã khắc nghiệt, bọn cai tù đã độc ác mà không nghĩ cách rút bớt nước, mà anh Cải cũng là một người tù nỡ đề nghị bớt nước. Còn 1/2 ca nước cho mỗi ngày thì chỉ còn để uống, không còn khoản rửa hai con mắt kèm nhèm vào buổi sáng và rửa hậu môn khi đi đại tiện. Tốt nhất là bất cứ hoàn cảnh nào cũng chấp nhận và biến nó thành hữu ích để mà sống, vì sự sống và cái chết đối với những người tù bị cùm trong xà lim lâu ngày nó gần gũi nhau, chỉ cách nhau là cái hơi thở, tắt hơi thở là chết, còn thân xác khi đã ở xà lim trên ba tháng rồi còn gì nữa ngoài bộ xương bọc da. Nằm nắn bóp thân thể hằng này, sờ rõ những khoản lồi lõm trên đầu, trên mặt, ở cổ tay, cổ chăn, khuỷu tay, đầu gối, chỗ nào cũng lòi ra, hai cái mông đã teo hết thịt, xương mông lồi ra chạm vào bệ nằm đau điếng khi chuyển trở mình.
Mỗi ngày tôi vẫn cố đứng vài lần để tập thể dục, để phụ cùng cách xoa bóp để hy vọng cho hai chân khỏi bị tê liệt, để ngồi ngay ngắn điều tức hơi thở để cái phổi cho chắc chắn ngăn chận sự gậm nhấm của vi trùng lao, và để xoa bóp hai bên thận để cho thận được khỏe. Đó là những kinh nghiệm mà anh em tù đã dạy cho tôi từ khi mới vào nằm xà lim, mỗi người dạy thêm cho một kinh nghiệm, xoa bóp là một phương pháp chữa bệnh và đề phòng bệnh rất tốt. Ở trong tù bị kỷ luật cùm trong xà lim lâu ngày thường bị các chứng rụng răng, mù mắt, ho lao, bại liệt cả hai chân, suy gan, bao tử và suy thận; nói chung là bị suy tất cả bộ phận trong cơ thể nếu không bị kiệt sức đến chết.
Bộ áo quần mỏng manh trên người không đủ chống trả cái lạnh tấn công từ trong ra ngoài và từ mọi phía, trước hết từ cái bao tử trống rỗng lúc nào cũng nôn nao và nóng: có đói và lạnh mới hiểu được thế nào là “lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da”. Đói quá, nằm không được. Khi nằm bao tử trải rộng nó càng cồn cào, càng nóng. Từ đói đến lạnh từ trong tủy sống lạnh ra, lúc nào cũng cố kềm để khỏi run lên vì run lên rồi hai hàm lại chạm nhau cầm cập rồi cả người lên cơn rét run muốn dừng lại không được. Chỉ muốn xỉu. Lạnh phát ra từ cái bệ nằm càng về đêm cái bệ càng tiết ra hơi lạnh. Ban đêm chỉ có ngồi lên mới chịu đựng nổi.

Thành ra ở xà lim phải cố gắng tập giấc ngủ ban ngày. Còn ban đêm phải thức đối phó với lạnh, với đàn muỗi rừng đói máu, bám vào đốt khắp cả mặt mũi tay chân ngứa ngáy khó chịu. Muỗi rừng rất độc, vết ngứa cào xước thành ghẻ có mủ. Trong đêm tối thanh vắng tiếng muỗi vo ve bên tai nghe rất rõ, hòa với tiếng dế ri rỉ, nỉ non làm thành bản nhạc đêm buồn vời vợi. Bên ngoài thỉnh thoảng tiếng mang tác đâu đó, con chim heo đi ăn đêm bay qua kêu ùng ục, trong tiếng gió xua những tàn cây rừng ào ào. Người ngồi lắng nghe tưởng như thấy được những tàng cây lao xao ngã rạp về một phía, đứng dựng lên rồi ngả sang phía khác. Bóng đêm dày đặc như trùm hết cả trong phòng xà lim, chỉ có tưởng tượng, dùng sức tưởng tượng để cho đầu óc làm việc, để cho có ánh sáng lóe lên trong óc, để đầu óc khỏi mù lòa vì đôi mắt không còn nhìn thấy gì trong bóng đêm dày đặc.

Lê Phước Thọ dặn dò tôi cách thức dùng hai bàn tay che cái mặt, đôi cánh tay che thân thể và khom xuống mỗi khi bị tên Hoạt trực trại vào đánh. Hoạt là tên trực trại rất ác, cứ mỗi buổi chiều đi uống rượu về mặt mày đỏ gay là vào mở xà lim ra đánh người bị giam kỷ luật. Có khi hắn còn dẫn thêm vệ binh nữa để hai tên cùng đánh. Thọ bảo tôi phải cắn răng chịu, đừng phản ứng đỡ, gạt, vì càng đỡ gạt chúng càng đánh nhiều hơn. Ở xà lim bị đánh cũng không la được, la không có ai nghe thấy, anh em tập thể ở xa quá, giờ vào phòng rồi ai nấy đều bận rộn với những chuyện lỉnh kỉnh, không ai còn quan tâm đến những người bị cùm cách biệt trong các xà lim kín ở góc cuối trại. Các bạn nằm xà lim bên cạnh có nghe bạn bị đánh cũng không ai làm gì được. Chỉ có chịu đựng. Cách duy nhất mà người tù phải làm là chịu đựng. Lần đầu tôi vừa bị đánh vừa bị chửi là ngoan cố, sách động. Tôi cố gắng chịu những cái thoi, cái đánh cái tát vào người cố không để trúng mặt và ngực. Lúc đó mới thấy rõ được sự hèn hạ của những cán bộ Cộng sản. Những người tuổi trẻ nhưng trong lòng đầy thù hận, sự thù hận mà Đảng và Bác của họ dạy cho họ, hận thù những người họ không quen biết, vì thù giai cấp. Người miền Nam đối với họ là kẻ thù, nên khi họ đánh, tất cả những hận thù họ học được đều phát ra bằng sức mạnh ở cánh tay họ một cách không thương tiếc, không ngượng ngùng. Chỉ có nền giáo dục hận thù của Cộng sản mới tạo nên con người đê tiện. Những người thanh niên sung sướng hả hê khi đánh đập một người bị còng hai chân không còn khả năng và quyền tự vệ.

Tôi cảm thấy thật nhục nhã khi phải cong người lại để cho những cái thoi cái đấm nó vào lưng mà không vào ngực. Sau những lần bị đánh thấy hận thù chồng chất, có lúc ước ao có quyền lực thì đem thằng Hoạt ra lột da đầu mới hả giận.

Nhưng nhiều lần bị đánh rồi cũng thấy quen, thấy không cần phải cong người để né, tôi cứ thẳng người cho hắn đánh và cố gắng mở to đôi mắt nhìn thẳng vào hắn. Nhìn khuôn mặt đỏ gay, đôi môi mỏng dính và con mắt nẩy lửa của hắn tôi bỗng thấy mình lớn hơn, và thương hại cho hắn.  

Quả tình hắn là nạn nhân của một đường lối giáo dục, hắn đánh tôi là thực hành những điều người ta dạy cho hắn. Giữa tôi và hắn không có hận thù cá nhân. Tôi thật thương cho người tuổi trẻ này; tôi thầm nghĩ tha thứ cho hắn. Hắn chỉ là nạn nhân của một chính sách biến người thành thú mà thôi.

Tôi vẫn không chịu ký biên bản kết tội xúi giục chống lao động, nên tiếp tục bị giam không được hỏi han đến. Bị giam trong xà lim như trong đáy tầng địa ngục. Nằm nghe tiếng kẻng lao động, tiếng người nói chuyện xôn xao bên ngoài, thấy đi lao động cũng còn sướng, đôi lúc thèm được đi lao động cho thoải mái hơn. Chợt thấy như vậy là sự thỏa hiệp mau chóng với hoàn cảnh, con người nhiều khi chỉ muốn được cái thật gần, ở tù muốn được ra ngoài, ở trong xà lim thấy ở ngoài lao động sướng hơn, muốn được lao động mà không nghĩ thêm nữa. Tôi chống lại sự ước muốn thật gần đó của tôi, tôi không ký biên bản. Vả lại tôi vẫn giữ lấy sự suy đoán về cách làm việc của công an, rằng nếu tôi ký biên bản là giúp cho bọn an ninh hoàn tất một vụ án, hoàn thành một công lao của chúng để báo cáo thành tích, để thăng cấp. Tôi phải chịu đựng. Không dễ gì tự hại mình để giúp bọn đê tiện có cơ hội thành công. Không ký biên bản thỉnh thoảng được kêu đi “làm việc”. Một buổi xả còng đi lên để được hỏi cung, trả lời dấm dớ ba câu, nghe những lời “giáo dục” ngọt ngào về chính sách khoan hồng nhân đạo, hoặc là nhìn thấy bộ mặt giận dữ đập bàn chửi mắng, để rồi có thể được uống một ly nước trà hay được hút một điếu thuốc lá. Đó cũng là cách giải trí của chúng tôi, những người tù bị giam nhiều lần ở xà lim.

Không phải lúc nào mình cùng nghĩ đúng, không phải lúc nào sự suy tính cũng trôi chảy. Tôi bị thêm một hình phạt, cúp phần muối trong bữa ăn. Bữa ăn của tù thường xuyên là cơm hoặc ngô, bo bo, khoai mì với muối, ăn muối mãi ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác nên thấy muối muốn sợ, cảm tưởng chát ở miệng và khô đắng ở cuống cổ. Chỉ có khi bị cúp muối, phải ăn nhạt mới thấy khó nuốt, bữa nào ăn ngô còn đỡ vì ngô nhai nhuyễn có vị ngọt, ăn khoai mì lát không có muối thì khổ hơn. Nằm mãi xà lim, kiểm lại thân thể và những nhu cầu đòi hỏi, tôi tưởng mỡ với đường là quan trọng; nhưng khi thèm muối mới thấy muối còn quan trọng hơn cả đường mỡ. Không có muối con người cứ mỏi mệt dần dần, mỏi từ thớ thịt đến từng khớp xương. Tôi vẫn cố gắng nhiều hơn để mỗi ngày xoa bóp từng bộ phận cơ thể, nhờ hai bàn tay hoạt động để làm cho các phần cơ thể khác được hoạt động đều, nhưng rồi cả cánh tay và bàn tay cũng mỏi nhừ ra không muốn làm việc vì thiếu muối. Mỗi ngày chân bị cùm tôi vẫn cố gắng ngồi tư thế thẳng mình để điều tức hơi thở và tập các thế Yoga, tập Yoga mỗi sáng thức dậy trở thành thói quen, nên hôm nào mệt mỏi hay ở nơi lạ không tiện tập là thấy khó chịu. Ở xà lim có thì giờ tôi tập thật đều và tập cả trước giờ ngủ, trước khi ngồi tĩnh tâm. Nhưng từ ngày thiếu muối có nhiều hôm tôi đã đầu hàng, trí óc bảo ngồi dậy mà thân thể mỏi nhừ không muốn ngồi lên. Tôi phải cố gắng và trách móc bản thân của tôi. Tôi biết đó là thử thách của tôi trước sự sống và sự chết. Nếu tôi còn gắng gượng duy trì được sự tập và xoa bóp, điều hơi thở mỗi ngày, tôi có thể kéo dài sự sống, nếu tôi đầu hàng nằm bẹp dí xuống, chắc chắn tôi sẽ mau chết hơn. Tôi phải sống thật đàng hoàng trong tù, để cho đến ngày về với một thân thể khỏe mạnh, một tinh thần vững chắc và một tâm hồn trong sáng, đó là mục tiêu của tôi phải phấn đấu với chính tôi. Ngày 2-9 là một lễ lớn, tù được nghỉ lao động, nằm nghe tiếng anh em nói chuyện ngoài sân râm ran và tiếng loa phóng thanh trên hội trường chuẩn bị làm lễ. Lễ lạt quan trọng gì không cần biết, đối với tù quan trọng là được nghỉ lao động và được ăn no.

Ăn một bữa cơm trắng có thịt và nghỉ lao động một ngày, bù lại phải ngồi nghe tên trưởng trại lải nhải về chính sách nhân đạo, về sự giàu có tiền rừng bạc biển của đất nước. Nói dở, nói dai, nói dài, nói dóc là nghề của Cộng sản. Cán bộ Cộng sản cứ nói, tù cứ nghe, nhưng nghe tai này ra tai kia, không có gì để lại trong óc thì không còn bực tức nữa. Kể từ sau khi chiếm miền Nam, cán bộ Cộng sản chỉ kể lại toàn chuyện láu cá vặt và họ hãnh diện vì những chuyện đó. Họ kể chuyện tại hội nghị Paris mỗi lần Lê Đức Thọ gặp Kissinger, Thọ luôn bước lên trên một bậc cấp mới chìa tay ra bắt để tỏ ra mình ở vị trí cao hơn, họ kể chuyện phái đoàn nông nghiệp Hà Nội đi thăm Nhật Bản, được Nhật Bản dẫn đi thăm cánh đồng lúa năng suất cao. Trưởng phái đoàn Việt Cộng giả bộ lỡ chân bước xuống ruộng để cho giày vấy bùn, đem bùn về Hà Nội nghiên cứu phẩm chất phân bón của Nhật... nhiều nữa, toàn chuyện mánh mung, toàn chuyện khôn vặt, láu cá. Tạo niềm kiêu hãnh, tạo niềm tin vào lãnh đạo. Dân miền Bắc bị dồn trong bóng tối, kiến thức hẹp hòi, tác phong làng xã mới còn có thể hãnh diện vì những hành động vừa mặc cảm vừa nhà quê đó. Dân miền Nam trình độ nhận thức cao, không ai tin những điều cán bộ Cộng sản nói ra.

Viện dẫn sử học để ngụy chứng vai trò lịch sử yêu nước giải phóng dân tộc, để che dấu con đường đưa đất nước vào vòng nô lệ cho khối đệ tam quốc tế. Người Cộng sản đã thúc đẩy niềm tự hào quá đáng của người Việt Nam về đất nước anh hùng với tài nguyên tiền rừng bạc bể, cái nôi văn minh của nhân loại và đỉnh cao của trí tuệ loài người.

Dân tộc Việt Nam có rất nhiều điểm đáng tự hào, đáng cho con cháu hãnh diện, ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước.

Niềm tự hào là sức sống mãnh liệt của dân tộc, là sự tồn tại của dân Việt trong lịch sử chống lại âm mưu thôn tính và đồng hóa của Hán tộc phương Bắc. Lịch sử Việt Nam ghi lại bao nhiêu chiến công hiển hách của tiền nhân trong cuộc chiến đấu tự vệ, bẻ gãy tất cả các cuộc tấn công của Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Thanh, đánh đuổi bao lần chính quyền thuộc địa để tồn tại, trong khi có rất nhiều dân tộc bị người Hán đồng hóa thành một nước Trung Hoa to lớn ngày nay.

Sau khi thắng những cuộc chiến tự vệ, tổ tiên ta đã áp dụng chính sách ngoại giao khôn khéo, nêu cao tính hiếu hòa và nhân bản của người Việt Nam. Chiến thắng nhưng không kiêu căng, cầu hòa và xưng thần với nước lớn Trung Quốc, triều cống để giữ độc lập. Học đạo Khổng, du nhập định chế chính trị và ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc nhưng xây dựng một lối sống riêng.

Trong khi xã hội Trung Hoa là một xã hội phong kiến gia tộc, thì Việt Nam xây dựng một xã hội tương đối dân chủ trên nền tảng gia đình và xã thôn. Trong đó con người bình đẳng và không có giai cấp.

Từ thế kỷ thứ 10 nhà Lý đã ban hành đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ, đó là đạo luật giải phóng con người sớm nhất thế giới. Trong khi ở Trung Quốc chế độ nô lệ vẫn duy trì cho đến khi có cách mạng vô sản. Sự phân biệt đối xử sắc dân vẫn còn tồn tại trên thế giới văn minh ngày nay. Mỗi dân tộc đều có những niềm tin và tự hào riêng về dân tộc mình, nhưng không nên tự hào một cách quá đáng. Đất nước Việt Nam tươi đẹp, có đủ tài nguyên nếu được khai thác đúng mức và quản lý đúng đắn có thể nuôi sống một dân số trung bình đủ sung túc, nhưng không phải tài nguyên của nước ta vô hạn. So với những nước được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam chúng ta thua kém hơn nhiều. Chúng ta lại chưa thăm dò, thống kê để chắc chắn được đất nước chúng ta có được những nguồn tài nguyên cụ thể như thế nào để lập kế hoạch khả thi xây dựng đất nước. Trên một kiến thức phổ thông về địa lý kinh tế, chúng ta biết là nước ta có đồng bằng lưu vực sông Hồng Hà và đồng bằng sông Cửu Long có thể đủ nuôi sống dân chúng, và nếu phát triển đúng mức kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, gạo có thể dư dùng xuất cảng, chúng ta có những cánh rừng chưa khai thác, và một bờ biển dài hơn 2200 km có thể phát triển ngư nghiệp và hy vọng thềm lục địa có dầu lửa; miền Trung và thượng du Bắc Việt, cũng như dọc dãy Trường Sơn miền Trung hy vọng có mỏ khoáng sản nhưng chỉ mới tìm và khai thác được những mỏ trữ lượng ít và phẩm chất kém. Đó là những điều mà hầu hết đa số người Việt đã biết và có thể chỉ có như vậy. Trong khi dân số Việt Nam đã cao, với diện tích hơn 300 ngàn kílô mét vuông, chúng ta có hơn 70 triệu dân, mật độ dân số đã cao hơn Trung Hoa là nước đông dân nhất thế giới. Trong khi đó các hệ thống hạ tầng cơ sở về kinh tế chưa có, hệ thống giao thông còn nhiều trở ngại, trình độ kỹ thuật không cao và tích lũy tư bản không có. Trong những điều kiện như vậy bất cứ ai cũng thấy nhiều khó khăn để lập kế hoạch phát triển kinh tế, nếu chỉ nhằm mục đích đem lại đủ cơm no áo ấm, chưa nói đến hoài bão phát triển kỹ nghệ. Chính quyền Cộng sản không nhìn vào thực tế những khó khăn đó, ngược lại họ chỉ tiếp tục đánh lừa dân chúng bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch, về chính trị họ cho là Việt Nam là một “cường quốc chính trị”, về quân sự thì tự hào là đã đánh thắng liên tiếp các đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ và bành trướng Trung Quốc, về kinh tế thì nước Việt Nam tiền rừng bạc bể. Toàn là những điều giả dối, muốn tiếp tục ru ngủ dân chúng và cán bộ binh sĩ của họp trong tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc để tiếp tục kêu gọi dân chúng hy sinh và chịu đựng đói khổ, để dân chúng không nhìn thấy sự bất lực của họ.

Nhưng những khẩu hiệu rỗng tuếch để tuyên truyền, lòng tự hào quá đáng về dân tộc và “đảng quang vinh” sau ngày 30-4-1975 chỉ còn một số ít người tin hay là chỉ tin vì nhiệm vụ và quyền lợi, đó là một số trong những đảng viên của họ, còn dân chúng miền Nam trình độ hiểu biết đã cao, nhờ nhiều năm được tự do tìm hiểu qua hệ thống truyền thông phổ quát nhanh chóng của thế giới và dân chúng miền Bắc đã bừng tỉnh sau ngày giao lưu với miền Nam. Một lầm lẫn to lớn của những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, là họ đánh giá tình trạng dân chúng quá thấp, họ tưởng là họ vẫn còn bịt mắt được toàn dân, nên tiếp tục tuyên truyền dối trá và dùng xảo thuật để cai trị, họ không lường được sự tiến bộ của người dân Việt Nam về trình độ nhận thức đã tiến quá xa trong 30 năm chinh chiến, nhận thức của người dân đã bỏ xa những lãnh tụ lạc hậu. Không còn thời kỳ bịp bợm được nữa - Bất cứ người làm chính trị nào không nhất thiết là những lãnh tụ Cộng sản hiện tại, nếu tiếp tục dùng xảo thuật đánh lừa dân chúng sẽ bị đào thải.

Ngày nay người dân Việt Nam đại đa số đã hiểu là họ không thể tìm ra một nhà lãnh đạo thần thánh, một đấng minh quân khác thường từ cách sinh ra cho đến cách sống hàng ngày, có tài năng siêu quần, xuất quỷ nhập thần. Đại đa số người dân đã hiểu người lãnh đạo chính trị cũng chỉ là một người bình thường có lòng yêu nước, thương người, biết xúc động vì cái khổ của người dân, và biết dung hòa quyền lợi của mình cho quyền lợi chung, một người có trình độ hiểu biết, khả năng phối hợp công tác và giải quyết công việc, biết kết hợp được đội ngũ trí thức đông đảo để duyệt lại các ưu khuyết điểm của một dân tộc đã bị điêu linh sau gần một trăm năm lệ thuộc và gần nửa thế kỷ bị tàn phá vì chiến tranh và tàn phá vì lý thuyết ngoại lai, duyệt lại những tiềm năng của đất nước một cách thực tế và tương đối chính xác để lập kế hoạch cụ thể đưa đất nước tiến dần từng bước từ nghèo đói đến tiến bộ. Người lãnh đạo biết sử dụng lòng yêu nước chân thật động viên toàn dân, để mọi người trên dưới cùng hiểu thế đứng và vị trí của dân tộc trong cộng đồng thế giới hiện tại. Không cần phải kích động lòng yêu nước cực đoan, sự tự hào quá đáng, không tưởng về tiềm năng đất nước, người dân Việt Nam xứng đáng tồn tại, chúng ta không phải là cái nôi của văn minh nhân loại, cũng không phải là nơi phát xuất các trào lưu tư tưởng của loài người. Chúng ta trải qua một môi trường thử thách, dân tộc Việt Nam đã chịu đựng và tồn tại trong môi trường thử thách của sự xung đột của các dòng lịch sử và các trào lưu tư tưởng và văn hóa Việt Nam được hình thành trong tinh thần hội nhập. Trong hơn 30 năm làm chiến trường cho cuộc chiến ý thức hệ giữa Cộng sản và Tư bản, từ đó từ bỏ những sự thái quá của mình và Cộng sản cũng sẽ tàn rụi. Cộng sản thường dùng thuật ngữ “thời kỳ sau Việt Nam” để nói lên sự chiến thắng của họ và Breznev đã kiêu căng thách đố “ai thắng ai”, nhưng họ không ngờ là tư tưởng Cộng sản không thể phát triển được ở miền Nam Việt Nam dù họ đã chiến thắng về quân sự, nên thời kỳ sau Việt Nam phải hiểu là thời kỳ suy thoái của Cộng sản. Không một người chính trị gia Việt Nam nào làm được chuyện đó, không một lực lượng chính trị hay tôn giáo nào làm chuyện đó, nhưng toàn dân Việt Nam đã làm, sức sống và sự sống Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã làm nên chuyện đó, một cách tự nhiên. Bạo lực, tà thuyết rồi sẽ đi qua và Việt Nam vẫn tồn tại, đó là niềm tin của mọi người dân Việt Nam. Sức sống tiềm tàng và mãnh liệt đó đã giải thích được sự tồn tại của dân tộc Việt Nam sau 1000 năm lệ thuộc Trung Hoa, thì ngày nay sự tồn tại của dân tộc Việt Nam sau sự xâm lăng của Cộng sản quốc tế là điều tin tưởng được.

Ngày lễ Quốc Khánh được hai em Tiều và Tài ở hai xà lim gần tôi nhắc từ mấy ngày trước. Tiều và Tài trong nhóm 18 người ở đội 4 đánh cán bộ cướp súng đào thoát cuối năm ngoái, họ lần lượt bị bắt trở lại hoặc bị bắn chết trên đường đào thoát. Hùng và Tí đã bị cắt gân chân, di chuyển về Chí Hòa để truy tố tội chủ mưu. Châu Pâu đã được ra khỏi xà lim tháng trước vì bị liệt cả hai chân sau thời gian bị cùm. Tiều mới bị bắt cách đây 4 tháng, là người bị bắt cuối cùng. Bốn tháng bị giam không có được một chút chất béo. Tiều thèm thịt, nên suốt ngày chỉ gọi Tài để hỏi về bữa ăn lễ 30-4, bữa cơm có thịt. Tài đã xác nhận là lễ ăn cơm trắng với thịt. Tiều vẫn cứ hỏi mãi, để cho chắc chắn, củng cố sự hy vọng của em. Suốt ngày nằm một mình trong xà lim buồn không có gì để nói, không biết suy nghĩ gì, nên trí óc cứ bị quanh quẩn trong sự thèm muốn của một thể xác ốm đói từ lâu.
Nhắc tới thịt tôi cũng rỏ nước miếng, nuốt liền mấy lần nước miếng vẫn ứa ra đầy mồm. Tôi đang thèm mọi thứ, đã 38 ngày ăn lạt, không có tí muối, người đã rã rượi, mỏi nhừ, chỉ cần một muỗng nước muối đã là hạnh phúc lắm đừng nói đến đường hay một miếng thịt, nhất là miếng mỡ heo.

Cố xua đi sự thèm muốn và ý nghĩ về những món ăn đó vẫn không xua đi được, quanh quẩn lại vẫn cứ nghĩ đến và mong đợi giờ cơm, bên kia thì Tiều nó cứ nhắc cứ hỏi mãi, tôi có muốn quên cũng không quên nổi. Muốn ngồi lên để tập trung tư tưởng, ngồi lên một lúc thì đầu óc loạn, khắp người mỏi rã rời tôi phải nằm xuống. Tôi không biết tình trạng này tôi có thể chịu được bao lâu nữa, nếu kéo dài thêm thời gian nữa không biết ra sao, tôi chết? Tôi liệt? Tôi mù? không biết việc gì sẽ xảy đến; không biết bao giờ mới chấm dứt hình phạt ăn không có muối, thả ra thì không hy vọng, nếu thả tù đã thả trước ngày lễ. Tôi chỉ còn mong hai bữa ăn ngày lễ này, cơm nhiều một tí, có phần thịt buổi trưa và phần nước mắm pha mỡ vào buổi chiều.

Bị cùm giam xà lim phải dùng mọi nghị lực để chịu đựng, nếu không chịu đựng thì kiệt lực mà chết. Chịu đựng cho đến ngày được thả ra sẽ hồi phục, sẽ được anh em giúp đỡ bồi dưỡng trước khi được gia đình tiếp tế thăm nuôi trở lại. Chết và Sống đối với người tù kỷ luật tính hàng ngày, hàng giờ. Một món thức ăn vô cùng quan trọng, có thể kéo dài thêm sự sống một thời gian ngắn, không chừng trong thời gian đó lại được thả ra, lúc đó thì lại sống trở lại, giá trị miếng thịt, cục đường nó ngang với sự sống trong hoàn cảnh này.

Cuộc đấu bóng chuyền đã kết thúc, tôi biết rất rõ vì nghe tiếng dội của bóng rơi, cũng may là thân thể rũ liệt nhưng trí óc vẫn còn sáng. Anh em chắc đã về nhà chuẩn bị bữa cơm trưa. Xà lim chúng tôi sắp được phát cơm. Tiếng chân bước của anh Cải tôi nghe rất rõ. Anh Cải đến ngồi trước cửa xà lim tôi, qua khe hở cánh cửa tôi nhìn thấy Cải có vẻ sốt ruột mong mở cửa để làm xong công tác. Những ngày lễ có ăn uống, những tên trực trại hay mở xà lim trễ, có khi chúng mải ăn nhậu quên mở cửa, làm mất cả bữa ăn của tù bị giam trong xà lim. Một bữa cơm có thịt vào ngày lễ đối với người tù nào cũng quan trọng. Cứ mãi lẩn quẩn nghĩ đến miếng thịt vừa béo, vừa mặn, vừa ngọt, đủ thứ mùi vị, dù chỉ là thịt heo kho với muối, tôi nuốt nước miếng ừng ực, đầu óc không kềm chế được cái bao tử cồn cào réo gọi các hạch nước miếng. Đã lâu quá không được chất béo, chất ngọt, chất mặn, các tế bào cứ muốn nổi loạn. Phần cơm thịt đã ở trước mắt chỉ chờ mở cửa.

Cải đã ngồi hàng giờ trước cửa, nhiều lần anh đi ra đi vào nôn nóng; anh không biết trong xà lim chúng tôi cũng nôn nóng không ít, từ lúc có người bên ngoài Tiều không dám gọi nên khu xà lim vắng ngắt, và toàn trại cũng thật vắng, mọi người đã ăn xong đi nghỉ trưa.

Tiếng trực trại đi vào, tôi thở dài thoải mái vì sự chờ đợi đã đến, khi phần cơm được anh Cải đưa vào, tôi tưởng mình hoa mắt, cố trấn tĩnh để nhìn lại, trên ca cơm còn cái vết màu nâu cơm dính thịt kho, phần thịt không còn nữa. Ngồi chờ đợi mở của anh Cải đã ăn hết phần thịt tiêu chuẩn lễ của tôi.

Khi các xà lim được phát đủ và tiếng chân của người đưa cơm đã ra ngoài xa, thì tiếng Tiều lại vọng lên, em hỏi Tài có thịt hay không. Tài đáp không có, em hỏi qua tôi, tôi cũng đáp không có, tôi nói với Tiều có lẽ nhà bếp làm không kịp, khuyên Tiều nên chờ buổi chiều. Tôi ngồi ăn thật chậm, bữa ăn đã bị Cải ăn mất phần thịt nhưng đối với tôi lúc đó cũng ngon như một đại tiệc, một phần cơm đầy hơn nửa ca, gấp ba tiêu chuẩn ngày thường, có nước mắm mặn và có mùi mỡ phảng phất. Cái mũi tôi phân biệt có mùi mắm và mùi hơi mỡ và cái lưỡi của tôi giúp tôi thưởng thức trọn vẹn cái ngon của nước mắm và hơi mỡ thơm béo lờ mờ trên đầu lưỡi. Kể từ hôm đó tôi được phát muối trở lại.

Sáng ngày 4-9 tôi được gọi ra làm việc; lúc mở còng tôi vội vàng đứng lên, chưa đứng thẳng người tôi đã khụy xuống vì chân đứng không vững, hai đầu gối nhũn ra, liếc nhìn tên cán bộ Hoạt sợ hắn lấy cớ chửi, nhưng tôi hơi ngạc nhiên, không thấy hắn khó chịu, hắn sai Cải đỡ tôi dậy, dìu tôi ra ngoài, hắn bảo tôi ngồi xuống một lúc cho đỡ tê, sau đó bảo tôi làm động tác đứng lên ngồi xuống một lúc cho quen rồi mới bảo tôi theo hắn đi ra văn phòng trại. Đối với Hoạt như vậy được xem là đã quá tử tế với tù kỷ luật.

Tôi ngạc nhiên lần này tôi gặp Thích, trại trưởng, hắn chỉ tôi ngồi xuống ghế, xong hỏi han sức khỏe của tôi. Hỏi han sức khỏe tù và thăm tin tức gia đình tù là việc làm công thức của những tên cai tù cao cấp, lúc nào cũng đóng vai trò hiền lành dễ thương để thi hành chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và nhà nước. Bọn này làm như chúng không biết là chúng tôi đang đói, không biết là chúng tôi thường hay bị chửi bới đánh đập tàn nhẫn, không biết chúng tôi bị hành hạ ngày đêm ở khu xà lim và làm cho cổ chân tôi đã bị cây xuyên và chiếc vòng nghiến trợt da làm độc, từ làm độc sưng tấy lên, nở mủ thành mụn, rồi lành lại thành vết sẹo mà không hề được một viên thuốc.

Những tên giám thị cao cấp như phân trại trưởng, chính trị viên, trại trưởng chỉ đóng vai người hiền, còn ác độc thì bọn giám thị cấp dưới làm - một đồng một bóng đóng trò. Tôi rất yếu nhưng phải trả lời với Thích là tôi khỏe mạnh, trả lời đau yếu cũng vô ích, nó cũng không tốt gì cho tôi hơn lúc đó, tôi đã hiểu nhiều rồi. Sau đó là một màn độc thoại của Thích cho tôi nghe:

- Sao anh không nhận thức được thực tế, chống đối làm gì và vào trong tù anh còn chống đối, anh phải biết chính quyền bù nhìn của ngụy với triệu lính, hai trăm ngàn cảnh sát và hơn 500 ngàn lính Mỹ và chư hầu mà cách mạng và nhân dân cũng đánh tan. Bây giờ hệ thống chính quyền cách mạng đã vững chắc từ dưới lên trên, tai mắt của nhân dân ở khắp mọi nơi, hành động chống đối bị triệt tiêu từ trong trứng nước. Toàn dân đã an cư lạc nghiệp và đứng về phía cách mạng rồi, không còn có một thế lực đế quốc nào có thể xoay đổi tình thế, sau khi tên đế quốc đầu sỏ là Hoa Kỳ đã bị đánh tan tành... là nhân viên ngụy quyền anh cũng phải biết chính sách cải tạo của chúng tôi nhân đạo hơn chế độ tù của ngụy quyền các anh chứ? Anh có biết thằng Đại tá Hải và thằng Trung tá Vệ, giám đốc nhà giam Chí Hòa và trại tù Côn Đảo không, chính hai thằng đó đã xác nhận chính sách cải tạo nhân đạo của cách mạng là ưu điểm của chúng tôi khi so sánh trại cải tạo với nhà tù của các anh... chúng tôi đã thành công trong chính sách cải tạo. 70% cải tạo viên chấp hành chính sách, họ sẽ lần lượt được xét tha khỏi trại, 20% lừng khừng dễ bị xúi giục manh động, còn 10% thì không cải tạo được, còn tiếp tục chống đối, số này sẽ bị nghiêm trị, đảng sẽ kiên trì với họ, 10% này trong đó có anh... anh nói anh không chống đối, chúng tôi biết hết, anh thấy tôi đã biên chế các đội theo thành phần tuổi tác. Số người trên 50 tuổi biết nói mà không dám làm, chúng tôi không sợ, thành phần dưới 30 tuổi không biết suy nghĩ, manh động nghe theo sự xúi giục, chúng tôi cũng không sợ, chỉ có thành phần từ 30 đến 50 tuổi của các anh vừa biết suy nghĩ vừa dám làm là thành phần chúng tôi cần giam giữ lâu dài... Trại này không thuận lợi cho anh cải tạo, chúng tôi sẽ đưa anh đến một trại khác, nơi đó có đủ điều kiện cải tạo hơn, trước khi anh đi tôi thành thật khuyên anh, không làm gì được đâu, anh nên yên thân đi.

Ngồi nghe Thích nói chuyện, tôi hiểu được thêm về cách làm việc của công an và quan niệm của Cộng sản về người tù, không những nhốt tù vì sự vi phạm, vì giai cấp, vì trình độ học vấn, mà còn vì tuổi tác nữa. Thảo nào có những vị Đại tá hay Tổng trưởng đã được tha mà sĩ quan cấp Úy vẫn còn bị giam giữ. Nghe Thích nói cũng có ích cho tôi và lời khuyên của hắn cũng có vẻ thành thật dù trong đó hàm ẩn sự tự kiêu, thái độ của kẻ tiểu nhân đắc chí; tôi không thấy cần phải nói gì nhiều hơn vì Thích đã nói rõ là tôi sẽ được chuyển trại. Tôi nói trước khi được thả ra khỏi phòng về trại để chuẩn bị di chuyển:

- Cám ơn Trung tá về lời khuyên nên yên thân, lần đầu tiên tôi được nghe một lời nói thành thật.

Tôi biết Thích không bằng lòng lời nói của tôi, cần gì, sẽ chuyển trại và kinh nghiệm cho biết chuyển trại thì càng khổ hơn, vả lại Thích đã nói rất rõ, hắn ghép tôi vào thành phần không cải tạo được để đưa đến một trại có điều kiện cải tạo hơn, ngây thơ lắm chắc cũng biết là điều kiện sẽ gay go hơn trại Xuân Lộc này.

(còn tiếp)


*Mời đọc những phần trước:

 Tựa;  Phần mở đầu;  Chương 1;  Chương 2;  Chương 3; Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7; Chương 8; Chương 9; Chương 10

 

 

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét