4/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 13




Chương Mười Ba

Dùng biện pháp phân biệt thức ăn tùy thành tích cải tạo, hạn chế nhận quà và thăm gặp gia đình để buộc tù nhân trại E tăng năng suất không thành công. Đem các đội tù Việt Nam Thương Tín, tù hình sự từ các phân trại A, B, C đến đào ao để phát động cuộc thi đua, tù nhân trại E vẫn tiếp tục giữ vững thái độ. Ra đến bãi lao động anh em đồng lòng làm thật chậm, năng suất dưới mức chỉ tiêu ấn định, thà bị phạt cả đội về trễ hay làm thêm buổi sáng chủ nhật.

Anh em toàn trại không ai chỉ huy ai, nhưng sống đồng lòng, vì cùng có kinh nghiệm, cố gắng duy trì các hành động tập thể, không chống đối cá nhân để riêng rẽ bị kỷ luật.


Trại trưởng Thân Yên cho chuyển Trung tá BĐQ Dương Đức Mai từ phân trại B làm trưởng ban trật tự để làm công tác đưa trại đi lên. Trung tá Mai, người sĩ quan QLVNCH khởi đầu binh nghiệp từ năm 1943 đi lính cho quân đội Pháp. Trở thành Thiếu úy Nhảy Dù Pháp từ 1951, luôn luôn hãnh diện với quá khứ đã từng chỉ huy những sĩ quan Nhảy Dù trẻ tuổi hơn, sau này đã là tướng lãnh. Đơn vị cuối cùng của Trung tá Mai là Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân đóng tại Ban Mê Thuột. Vào tù Trung tá Mai sớm đầu hàng, trở thành một tay sai đắc lực. Chính ông ta đã hãnh diện điều đó, ông tự hào là đã sắp xếp trại tù A-30 (Củng Sơn) vào trật tự nề nếp. Thành tích đó được giới thiệu khi ông chuyển qua trại A-20 Xuân Phước. Ông Mai đã đem kỷ luật quân trường vào đời sống nhà tù. Trước khi đi lao động, mỗi người phải xếp mền gối thật vuông vức như lúc học ở trường huấn luyện. Đi tập họp phải xếp hàng từ nhà ra đến bãi, hai bên đường luôn luôn có trật tự thi đua kiểm soát.

Cá nhân nào vi phạm việc xếp mền gối hay trật tự lúc di chuyển phải bị đánh điểm xanh, bị ba điểm xanh trong một tháng đương nhiên bị xếp hạng cải tạo kém và hạ mức ăn xuống 12kg. Đội có nhiều người không giữ trật tự di chuyển, buổi trưa lên hội trường học nội quy và tập cơ bản thao diễn đi đứng cho thuần thục.

Nhưng mặc dù các biện pháp của trại và mọi cố gắng của những người tù cải tạo tốt như Dương Đức Mai, Phạm Quốc Bảo, Đoàn Đô, Phan Gi On, Nguyễn Văn Lịch, Lê Quang Minh, tù phân trại E vẫn ù lì không tăng năng suất, không báo cáo, không đấu tranh. Các buổi học tập mỗi đêm vẫn phát biểu theo đúng “bài bản và sách vở” rồi thôi. Kết quả thu hoạch năm đó ba mẫu ruộng được 700kg thóc, đậu cua chỉ bằng nửa dự tính và đậu phộng không đủ số giống phát ra vì khi thâu hoạch anh em bỏ lại hoa màu cho người dân đi mót nhặt. Thấy tình thế căng thẳng, tinh thần đoàn kết chống đối của phân trại E cao, Thân Yên cho mở đợt học tập viết lý lịch nguyên cả tháng, đồng thời thi hành hai biện pháp cùng một lúc, thứ nhất quyết định cho nhận quà thăm nuôi đầy đủ, biện pháp thứ hai ngược lại cho bắt giam một loạt hơn 30 người không cần vi phạm cụ thể. Xà lim khu E không đủ chỗ giam, nhiều anh em bị đưa vào xà lim các khu B và C. Những người bị giam đều hơn một lần bị kỷ luật nên cùm một hay hai chân không đáng ngại lắm và chúng tôi cũng có kinh nghiệm là tiêu chuẩn ăn 9kg một tháng với nước muối chúng tôi có thể chịu đựng hơn 5 tháng mà không bị chết, được trở ra rồi dần dà sẽ hồi phục trở lại. Nhưng lần này, tiêu chuẩn cơm không phải 9kg như thường lệ mà mỗi bữa chỉ được phát 2 muỗng cơm, đổ vào thật nhiều nước muối đồng thời hạn chế nước uống mỗi bữa chỉ còn một vá.

Mỗi lần phát cơm, hai trực trại Thái và Luật lấy muỗng đong lường từng muỗng cơm và lấy vá lường từng vá nước. Nhất là Luật, mỗi lần múc xong vá nước muối hắn chậm rãi đưa lên ngang tầm mắt nhìn rồi trịnh trọng đổ vào phần cơm, làm đều đặn mỗi ngày như là một trò chơi thích thú của hắn. Chúng tôi gạn nước muối ra, rồi đái vào, dùng nước tiểu rửa cơm cho bớt mặn. Nhưng chỉ vài ngày sau là nước tiểu cũng cạn khô không đái ra được nữa. Đói đã là điều dễ sợ nhưng khát thì khủng khiếp, cổ cứng lại và nước miếng dẻo lại như ngậm keo. Những hôm trời mưa nghe tiếng mưa kêu rào rào trên mái, tưởng tượng như thấy những giọt nước mát đang tràn ngập ra từ mái nhà xuống đất, đầu óc càng căng thẳng, người muốn căng lên, muốn vỡ ra, môi khô lại và cổ cứng nghẹn vì thèm nước, mỗi tế bào trong người như rộn ràng lên đòi nước. Nước tràn bên ngoài mà trong xà lim chúng tôi không có lấy một giọt, vẫn phải nhận một vá mỗi ngày do hai tên trực trại Thái và Luật đong cho.

Nguyễn Tú Cường đi làm việc có một sáng kiến uống thật nhiều nước rồi về đái cho Vũ Hùng Cương uống. Phương thức này phổ biến ra cho mọi người, nhưng bọn công an lại rất ít gọi chúng tôi ra hỏi cung vì đây là một lần giam kỷ luật để trấn áp, chúng cũng biết là chúng tôi không khai và không có điều gì để khai cả. Không nhận tội sách động chống đối mà an ninh gán cho. Phải nằm chịu đựng cả đói lẫn khát, tất cả chúng tôi kiệt lực nhanh chóng. Chỉ qua một tháng là ai nấy chỉ còn da bọc xương, cái đầu giống hệt như cái sọ người chết, hai hốc mắt trũng sâu xuống, dường như không còn một chút thịt nào.

Tôi nằm cùng phòng với Lâm, người Phật Giáo, ngoan đạo, mỗi ngày anh cầu nguyện Quan Thế Âm Bồ Tát. Tôi thấy sau những lần ngồi cầu nguyện, Lâm trở nên thoải mái và tự tin. Tôi cũng thuộc gia đình thờ Phật, nhưng từ nhỏ tôi không đi chùa và không có đức tin; tôi chỉ ngồi tập theo kiểu Yoga và điều tức hơi thở để duy trì sức khỏe. Tự nhiên tôi thấy trong hoàn cảnh gần kề cái chết này một niềm tin thật cần thiết, tôi không biết anh Lâm cầu nguyện, anh có hy vọng và thấy một điều gì không; nhưng với tôi, tôi chỉ thấy một khoảng không trống rỗng và nếu chết có lẽ chỉ là một bóng đen úp xuống. Thời gian đầu chúng tôi vẫn cố duy trì tập thể dục để giữ sức khỏe. Một cái chân bị còng chúng tôi vẫn khập khiễng đứng lên để làm một vài động tác cho thân thể có hoạt động cùng với sự xoa bóp. Bụng đói nên thân thể rã rời nhiều lúc không muốn ngồi lên, phải tranh đấu ngay với thân thể mình, không cử động thân thể, nằm bẹp dí chúng tôi sẽ mau chết hơn, nhưng đầu óc muốn ngồi dậy mà thân thể như bất tuân, rã rời từng khớp xương, mỗi thớ thịt. Khoảng sau một tháng thì hầu như không ai còn có thể đứng lên để làm cử động được dù chỉ để đánh hai bàn tay về sau theo thế anh em gọi là dịch cân kinh. Rồi những người chịu đựng không nổi phải ngất xỉu. Họ được cho về đội. Lần giam kỷ luật này để trấn áp và dằn mặt cả trại, thúc đẩy lao động có năng suất hơn.

Gần Tết Canh Tuất tất cả đều được thả ra, thời gian kỷ luật lần này chưa tới hai tháng, nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe trầm trọng hơn những lần khác. Bên ngoài anh em đã có người được gia đình lên thăm, nhiều người đã nhịn bớt phần khoai mì để giúp chúng tôi bồi dưỡng lấy lại sức. Sau đợt trấn áp đó sự chống đối lắng xuống.

Cứ mỗi lần đông đến càng nhiều mối lo, trước hết sự đi lại của thân nhân khó khăn, quà gửi bưu phẩm cũng không nhận được. Trại cho gia đình lên thăm hai tháng một lần, nhưng không mấy gia đình đủ tiền nong và rảnh rang để đi thăm đúng hẹn, thường là 3 tháng hay 4 tháng một lần cho những gia đình còn khả năng thăm nuôi đều đặn. Mùa đông miền Trung bão lụt, từ ngã ba Chí Thạnh từ quốc lộ 1 vào trại là đường núi nhưng phải qua sông La Hai và nhiều con suối. Suối miền Trung mùa khô, chỉ trơ toàn đá, nhưng đến mùa đông thì nước lũ như thác, các cầu cống thường trôi sụp.

Mùa đông cái lạnh của núi rừng, sương lam chướng khí xông ra ngùn ngụt phủ màu trắng tang thương trên trại cải tạo. Lạnh cắt da thịt, lạnh từ xương tủy lạnh ra cộng thêm với những cơn gió lùa qua những cửa sổ vào ban đêm phải mở toang ra để bên ngoài cán bộ tuần tra kiểm soát bên trong. Trại vẫn sợ người tù túm tụm bàn tán chống đối, cho dù người tù có muốn được yên thân nhưng kẻ quản lý vẫn không muốn để yên. Quân đội đông như kiến, du kích dầy đặc, công an vũ trang đến tận răng, Cộng sản vẫn không yên tâm, chúng vẫn sợ sự chống đối, dù sự chống đối chỉ biểu lộ qua lời than trong nhà tù, trong hơi thuốc lào chống lạnh. Cán bộ tuần tra, trật tự thi đua kiểm soát giấc ngủ chưa đủ, chúng còn buộc người tù phải thay phiên nhau gác, mỗi người mỗi đêm gác một giờ. Không có đồng hồ, tù nhân bàn giao giờ gác bằng cách ước lượng thời gian, trong bóng tối mò chân bạn đồng cảnh để bàn giao giờ gác. Trong cảnh khổ đó, càng thêm mâu thuẫn, người đứng đắn kéo dài thêm giờ gác trước khi bàn giao, thiểu số giảo hoạt mới nhận gác năm mười phút đã gọi người hạ phiên. Người tù có ý thức ngoài chống đói, chống lạnh, còn phải tranh đấu với bản thân mình để khỏi vì những hoàn cảnh đó mà bất hòa mâu thuẫn với bạn bè. Mọi điều xấu đều được cố tình sắp đặt để người tù càng đói khổ càng cấu xé nhau. Mùa đông năm 1980 sau một năm chịu đựng, những người tù bệnh tật lần lượt chết, khởi đầu là các anh Lương Thiện, Quách Văn Trung, Trần Văn Sáng, Lê Văn Kéo, Phan Văn Cải, Bùi Nguyên Nghĩa. Cái chết của người tù có thể để lại tiếc thương cho thân nhân, nhưng là một giải thoát, giải thoát cho bản thân người tù khỏi kiếp đọa đầy và cũng giải thoát cho gia đình người tù một trách nhiệm, một bổn phận. Tù còn sống là gánh nặng cho gia đình, bỏ thì không đành mà gánh vác thì không kham nổi. Mỗi năm số người chết càng đông hơn, vì càng ngày sức lực càng kiệt, tuổi càng già sức chịu đựng càng suy giảm; tù hình sự chết càng nhiều vì hầu hết đều không được gia đình thăm nuôi. Có ngày chết hai, ba người, toán trật tự đi chôn có lúc phải bỏ xác lên một chiếc xe cải tiến để đẩy. Người chết được cuốn lại trong chiếc mền của họ, không có gỗ để đóng hòm. Những cái chết không hương khói đầu tiên còn làm cho người tù thương cảm chạnh nghĩ thân phận mình, không biết nằm xuống lúc nào. Người bệnh chết, người khỏe ngã bệnh, bệnh lao phổi lan tràn nhanh chóng. Lúc đầu chỉ ở những người bị đánh đập nhiều, hay những người bị giam cầm kỷ luật, rồi đến những người do thiếu ăn. Đến năm 1981 chỉ riêng phân hạt E có hơn 100 người mắc bệnh lao phổi. Còn nhiều người khác bị bệnh bao tử và bệnh gan do chất độc từ khoai mì H-34 tàn phá. Trại phải cho tập trung số hơn trăm người mắc bệnh lao ở cách ly trong một nhà để bớt truyền nhiễm. Trại lại không có thuốc, tính trên mỗi người tù được cấp mỗi tháng là $0.4. Mỗi tháng trạm y tế chỉ mua trên khoảng 50 lọ Streptpmycine nên những ngươi bịnh nặng ho ra máu mỗi kỳ nhận thuốc được chích nửa lọ. Bác sĩ Trần Quí Nhiếp nghĩ ra cách chích thuốc trực tiếp vào huyệt phế du để hy vọng thuốc tác dụng hiệu quả hơn.

Thuốc sử dụng hàng ngày là thuốc viên xuyên tâm liên, bệnh gì cũng được cấp phát mỗi lần hai viên xuyên tâm liên. Nếu không có thuốc gia đình gửi lên thì đành phải khắc phục. Khắc phục là tiếng đầu môi để giải quyết những khó khăn trong chế độ xã hội chủ nghĩa, anh em tù gọi là KP-mycine, nếu không khắc phục nổi thì nhận chiếc mền, hay may mắn lúc nào gỗ thừa thì được 6 tấm gỗ thơ sơ đóng thành chiếc hòm. Số người chết mỗi ngày một nhiều hơn. Khu nghĩa địa trên ngọn đồi nằm giữa hai khu A và B không còn chỗ chôn. Khu A phải lập thêm nghĩa địa mới trên đường đi Hốc Kè.

Đến năm 1982, một số lớn tù nhân trình diện đã được cho về, đa số là tù đến từ trại Suối Máu kể cả sĩ quan cấp tá. Sĩ quan trình diện từ các trại Z-30, Z-30D chỉ về lẻ tẻ và những người bị bắt chưa ai được tha. Nhiều đợt tù có án từ các tỉnh chuyển đến, chiếm đa số trong trại, cả khu A tù Việt Nam Thương Tín về hết đã phá ra xây dựng lại nhà gạch nhập vào khu E biến thành trại A. Dù hoạt động chưa có thành tích, tổ chức không sâu rộng, nhưng tinh thần chống đối của người dân mỗi lúc càng cao, những năm đầu thành phần phục quốc chỉ ở Saigon và những khu công giáo ngoại ô thành phố, bây giờ các đợt tù mới được đưa đến từ các tỉnh miền Trung, và miền Đông, thành phần dân chúng thuần túy. Những tổ chức đối kháng ở miền Trung đều có võ trang, hoạt động cụ thể nên họ bị ra tòa lãnh án. Phong trào đối kháng không bị tiêu diệt mà lại gia tăng, người đối kháng không dính dáng đến chế độ cũ. Phạm Văn Đồng có lần tuyên bố với ký giả ngoại quốc là “những người chống đối là những người trước kia bóc lột dân chúng, những người ngồi mát ăn bát vàng, ngại lao động, ngại gian khổ, bị mất quyền lợi nên điên cuồng chống lại chính quyền cách mạng”, không biết Phạm Văn Đồng phải trả lời thế nào nếu có ký giả ngoại quốc nào am hiểu tình hình Việt Nam, hỏi rằng y nghĩ thế nào khi người nông dân Việt Nam, những người không có quyền lợi dính dáng đến chế độ cũ, những người trước kia có cảm tình với VC hoặc có giúp đỡ VC nay đứng lên cầm súng chống lại chính quyền Cộng sản? Có phải chăng chế độ Cộng sản không còn lý do tồn tại nữa?

Trại Xuân Phước là nơi tập trung thành phần chống đối của các trại cải tạo miền Nam, cũng là nơi tập trung của các người lãnh đạo các tổ chức phản động ở khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam, Nghĩa Bình chuyển vào, từ cao nguyên Ban Mê Thuột đến và cả những người ở tận Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ.

Về phần các sĩ quan trình diện, là những sĩ quan trẻ tinh thần chống đối cao, nhưng họ chưa quen nhìn các vấn đề chính trị, họ chỉ mơ tưởng một ngày trở lại hoàn cảnh huy hoàng ngày trước, ở trong tù họ giữ danh dự, không làm lao động tích cực. Sau giờ sinh hoạt, giải trí bằng cách kể chuyện kiếm hiệp, hút thuốc lào, chờ đợi “tin hấp dẫn” (hot news).

Trao đổi ý kiến với Trần Danh San và Vũ Văn Ánh, chúng tôi đồng ý với nhau cần phổ biến rộng rãi hơn những hiểu biết ít ỏi về chế độ Cộng sản, về những vấn đề trọng đại của thế giới, để cùng nhau có những cái nhìn xa hơn và sẵn sàng chấp nhận một thời gian tù đày lâu dài, có một niềm tin là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ. Theo cách thức chúng tôi làm tập Rèn Luyện ở trại Xuân Lộc, tập Hợp Đoàn được hình thành. Hợp Đoàn là tên của Vũ Văn Ánh đặt, anh San phụ trách viết bài về dân tộc và nhân bản, nhân quyền dựa trên lý thuyết Duy Dân của Lý Đông A, vì San là một đảng viên Duy Dân. Tôi viết những đề tài về các thực tế chính trị thế giới và Việt Nam, phân tích lý thuyết Bốn Thế Giới của Brezinski xem đó là sách lược mới của Mỹ, và thuyết Ba Thế Giới của Đặng Tiểu Bình để đưa đến kết luận là tình hình thế giới sẽ có nhiều thay đổi. Những sự thay đổi hoàn toàn bất lợi cho chế độ Cộng sản. Điều này tạo niềm tin cho anh em, xóa bỏ đi trong đầu óc họ ý niệm là chế độ Cộng sản không bị đánh bại. Cái ý kiến tiêu cực rằng là “một quốc gia đã bị Cộng sản hóa không bao giờ xoay ngược lại” làm cho nhiều người cạn suy nghĩ muốn cam phận, vì thực tế cho đến thời gian đó, khối Cộng sản đang bành trướng mà chưa bị đẩy lui.

Dựa trên những hiện tượng chính trị như hội nghị các đảng Cộng Sản Đông Âu lần thứ 22 trong đó Tito cổ động sự đòi hỏi độc lập cho các đảng Cộng Sản Đông Âu, kết quả là Cộng sản Rumania tách xa quĩ đạo Liên Sô, cộng tác với Anh Mỹ, được hưởng tối huệ quốc. Sự việc Rumania bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong khi các nước CS khác đòi công nhận chính quyền Hunsen; sự việc Đức Giáo Hoàng Jean Paul II là Đức Hồng Y người Ba Lan duy nhất được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài lại là một cựu tù nhân của Cộng sản Ba Lan; sự việc Brezinski là người gốc Ba Lan di cư trốn chế độ Cộng sản; sự việc báo chí Cộng sản luôn luôn chỉ trích đài phát thanh Âu Châu Tự Do, cho rằng đài đó cổ động phong trào nổi dậy ở Đông Âu. Sự việc nhà bác học Amelik người Nga tiên đoán chế độ Cộng sản sụp đổ trong thập niên 80 sau chiến tranh không thể tránh được giữa Liên Sô và Trung Quốc. Dựa trên những tài liệu ít ỏi đó, tôi viết những bài nhận định rằng chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ từ sự đấu tranh của các nước Đông Âu, khởi đầu đòi độc lập thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc Nga. Tôi phân tích sự hình thành Liên Bang Sô Viết là một quốc gia Nga La Tư và thuộc địa, do đó nó sẽ không bền vững khi thực tế các nước Cộng Hòa khác trong Liên Bang Sô Viết sau khi được phát triển tiến bộ sẽ đòi độc lập và không chịu sự cai trị của người Nga trên đất nước của họ, đưa đến kết luận là Liên Sô sẽ làm vỡ khẩu hiệu vô sản thế giới đoàn kết của Karl Marx. Lúc tôi viết những bài trên tôi không nệ vào kiến thức hẹp hòi, bài viết không có giá trị như bài khảo cứu, nhưng trong phạm vi tờ báo chui trong nhà tù, thì cũng tạm ổn vì nhằm thuyết phục anh em đọc để họ có ý nghĩ là chế độ Cộng sản không vững bền được. Tờ Hợp Đoàn thứ hai có bài viết về Đông Âu của tôi được phổ biến thì may mắn đọc báo Nhân Dân cho thấy Ba Lan sôi động, Công Đoàn Đoàn Kết được thành lập đấu tranh đòi dân chủ như có sự thỏa hiệp của các lãnh tụ đảng Cộng Sản Ba Lan là hai Tổng Bí Thư Kania và Gireh về việc dân chúng Ba Lan đòi triệt hạ nghĩa trang quân đội Hồng Quân Liên Sô chết tại Ba Lan trong Đệ Nhị Thế Chiến. Báo Nhân Dân cũng loan tin các trường học ở Ba Lan dạy lịch sử Ba Lan rằng Liên Sô là một quân đội chiếm đóng Ba Lan và là thủ phạm giết chết hàng chục ngàn sĩ quan của Ba Lan. Sửa đổi lại sử chứng, vì trước đây Liên Sô đổ tội cho Đức Quốc Xã làm công việc tàn ác đó. Tôi nhớ lại năm 1973, tiếp phái đoàn ICCS, kiểm soát đình chiến tại cửa khẩu Hội An, một Đại-tá Hải Quân đã nói với tôi rằng: “Thông cảm trường hợp Việt Nam, vì nước Ba Lan của chúng tôi cũng đang bị ngoại nhân chiếm đóng.”

Trường hợp Ba Lan có thể xem như một phong trào Quốc gia đòi độc lập dân tộc, chống lại sự chiếm đóng của Đế quốc Liên Sô; Cộng sản có dùng từ ngữ đẹp thế nào thì tinh thần quốc tế vô sản, hay nghĩa vụ quốc tế thực chất chỉ vẫn là trường hợp một quốc gia mạnh chiếm đóng và khai thác một quốc gia nhỏ. Như vậy, khi Liên Sô còn duy trì được sự đô hộ trên các nước Đông Âu thì khối Cộng sản đệ tam còn, một khi Liên Sô suy yếu, các phong trào quốc gia sẽ nổi lên tại Đông Âu và khối Đệ tam quốc tế tan vỡ. Sự dàn xếp của các cường quốc tại hội nghị Postdam và Yalta công nhận quyền chiếm đóng của Liên Sô tại Đông Âu, rõ ràng các nước Đông Âu bị áp đặt chế độ Cộng sản. Không gì vô lý và là một hành động phản quốc của những người lãnh đạo gia nhập Đệ tam quốc tế. Vì điểm cốt yếu của Hiến Chương Đệ Tam Quốc Tế là chủ trương chuyên chính vô sản thực hiện đấu tranh giai cấp và công nhận Mạc Tư Khoa là trung tâm Cộng sản. Liên Sô lãnh đạo khối Đệ Tam Quốc Tế. Từ điểm này rõ ràng Hồ Chí Minh là một tội đồ phản quốc; ông ta đi đến Âu châu để tìm đường cứu nước, thời điểm đó có thể ông ta là người yêu nước, gặp thời ở Âu châu phong trào thực dân còn mạnh, ông không thể đấu tranh tại bản quốc để đòi độc lập cho đất nước, điều đó không trách ông được, cũng như bao nhiêu nhà ái quốc khác đã gặp phải sự khó khăn đó. Khi gặp thuyết Cộng sản và ông tin vào đường lối Cộng sản có thể giải phóng dân tộc thì có thể là lầm lẫn, nhưng khi gia nhập Đệ Tam Quốc Tế, công nhận Liên Sô là đất thánh, làm đảng viên tiên phong về phương Đông truyền bá thuyết Cộng sản và xây dựng đạo quân tiền phương thôn tính đất nước, biến đất nước thành một bàn đạp của Cộng Sản Quốc Tế tiến về Đông Nam Á, Hồ Chí Minh là một người phản quốc. Sau này ông chết đi, đám đệ tử Lê Duẩn, Trường Chinh lại vỗ ngực làm “mũi tên nhọn” của khối Xã Hội Chủ Nghĩa, nhai đi nhai lại lời thách thức “ai thắng ai” của Breznev là một hành động nô lệ cực kỳ thô bỉ. Từ Castro ở Cuba, Lê Duẩn ở Hà Nội đến một tên cán bộ hạng bét quản lý trại tù đọc diễn văn cũng lặp lại khẩu hiệu đó với vẻ vênh vang tự đắc. Các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam tự hào quá đáng, xem mình là cường quốc chính trị, mà không biết rằng Liên Sô đang lúng túng với cái sân sau là Đông Âu đang rục rịch đứng lên.

Trong cuộc tranh chấp ý thức hệ, thế giới đang giằng co trong cuộc chiến tranh lạnh, những điểm nóng chỉ là một bộ phận nhỏ trong toàn cuộc chiến đó. Việt Nam không may mắn, bị lãnh đạo bởi những tay sai ngoại nhân vỗ ngực tự nhận là tiền đồn của thế giới tự do hay mũi tên nhọn của xã hội chủ nghĩa. Người lãnh đạo thực tâm yêu nước, phải khéo léo lợi dụng được sự tranh chấp quốc tế để độc lập, lèo lái tổ quốc tránh chiến tranh, đằng này tự nguyện làm tên lính xung kích, làm sao dân tộc Việt Nam không đau khổ triền miên. Việt Cộng chuyên sử dụng sử liệu giả để ngụy chứng tính yêu nước của Đảng Cộng Sản, và kích thích lòng yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, nhưng bọn lãnh đạo là những người xuất thân ngu dốt nên không nắm vững con đường xây dựng bảo vệ đất nước của tiền nhân. Các triều đại Việt Nam xưa kia sau khi thắng ngoại xâm phương Bắc rồi cầu hòa, cầu hòa để tránh can qua, cho dù có thắng cũng đổ nát điêu tàn vì Việt Nam luôn luôn phải chiến đấu tự vệ trên đất nước. Các triều đại ngày xưa cầu hòa, triều cống nhưng không lệ thuộc. Trái lại, ngày nay từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn tình nguyện làm tay sai cho Liên Sô, đem dân tộc nô lệ từ tư tưởng đến chính trị, mọi hình thức đều rập khuôn, mọi kế hoạch đều được Liên Sô duyệt, cứ mỗi lần sắp đại hội Đảng, các Đảng Cộng Sản phải chờ Liên Sô đại hội rồi mới soạn thảo chương trình đại hội đem qua Liên Sô duyệt xét trước. Mỗi năm, tên bí thư phụ trách về tư tưởng, tuyên huấn phải họp ở Mạc Tư Khoa để nghe Soulov Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Sô được xem là lý thuyết gia ban hành các chỉ thị. Hiến pháp Liên Sô lại ghi rõ là Đảng Cộng Sản chủ trương phân công lao động quốc tế. Một hình thức bóc lột rất thâm độc về kinh tế của Liên Sô đối với các chư hầu. Trong tinh thần đó, các nước chư hầu Liên Sô chỉ làm công tác gia công kỹ nghệ cho mẫu quốc. Điều này chính các kinh tế gia khối Commecon đưa ra chỉ trích và đòi hỏi Liên Sô để họ tự do hoạch định chính sách phát triển cho phù hợp với tiềm năng kinh tế của họ. Chỉ có những tên lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam xem Liên Sô là thiên đường. Sau khi chiếm miền Nam thống nhất đất nước, Cộng Sản Việt Nam tình nguyện đứng hẳn với Liên Sô trong khi các nước cộng sản khác đang tìm cách tách rời. Mâu thuẫn Liên Sô - Trung Cộng, cuộc vận động độc lập của các nước Âu châu chia rẽ khối cộng sản và sẽ làm cho cộng sản tan vỡ.

Tin tức tình hình Ba Lan làm cho anh em đọc Hợp Đoàn càng phấn khởi hơn và Phạm Đức Nhì đã viết bài “Ngọn Lửa Ba Lan” đóng góp cho chúng tôi đăng ở Hợp Đoàn 3. Cũng trong số Hợp Đoàn này tôi viết bài “Sự Quản Lý Sai Lầm Về Kinh Tế”. Sau tờ Hợp Đoàn 3, Vũ Văn Ánh bị bắt giam vì liên hệ trong vụ Ngô Văn Ly rải truyền đơn. Tôi và Nhì ra số Hợp Đoàn 4, tôi viết bài: “Truyền Thống Dân Chủ ở Việt Nam” chứng minh xã hội Việt Nam không có giai cấp, truyền thống dân chủ có từ thời chế độ quân chủ. Do đó, đấu tranh giai cấp là một đường lối không phù hợp với văn hóa dân tộc. Cuối năm 1981, tôi bị bịnh nặng, Ngọc, Nhì, Nhàn, Dũng và Tú Cường ra Hợp Đoàn 5. Sau đó những mâu thuẫn trong nội bộ anh em trẻ, đồng thời nhóm khác trong trại noi theo Hợp Đoàn ra nhiều tờ báo chuyền tay, nên tôi bàn với anh em tạm nghỉ, vì theo kinh nghiệm, khi có nhiều người làm cùng một việc dễ đưa đến tranh chấp. Bất cứ một sự tranh chấp nào trong nhà tù đều không có lợi, những mâu thuẫn nhỏ đưa đến những tai hại vô cùng lớn lao. Đúng như tên Hợp Đoàn do anh Vũ Văn Ánh đặt cho tờ báo, Hợp Đoàn thể hiện được phần nào sự đoàn kết, nó không thuộc tổ chức chính trị nào. Ánh, tôi và các em sĩ quan trẻ như Nhì, Ngọc, Cường, Hải... và hai em sinh viên Vũ Văn Dũng và Nguyễn Thanh Nhàn trên lập trường Quốc gia chống Cộng sản. Không ai tham gia một tổ chức chính trị nào, chỉ có anh Trần Danh San, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền, đảng viên Duy Dân, những bài viết của anh trên lập trường chính trị đó, Ánh và tôi đồng ý là tờ Hợp Đoàn sẽ đăng tất cả các bài vở của tất cả các quan điểm chính trị Quốc gia nếu họ đóng góp, dĩ nhiên là trên lập trường chống Cộng. Anh em có thể gửi thơ và nhạc tù ca phổ biến trong Hợp Đoàn, những bài thơ của Nhì và nhạc của Khuất Duy Trác, Phạm Văn Hải, Trần Đắc Thắng được anh em tán thưởng. Trên thực tế những bài nhạc, bài thơ có tác dụng sâu rộng hơn những bài lý luận vì thơ nhạc đi sâu vào tình cảm con người hơn. Hợp Đoàn xem như là một thành công, anh em tiếp nhận đọc rất thận trọng và nghiêm túc. Thực chất nội dung vẫn chưa hẳn là một tờ báo đáng giá gì nhưng vì ở trong tù vừa khó khăn vừa nguy hiểm, mỗi lần Ánh hay Cường viết và lên khuôn tờ báo, những anh em thân thiết đều phải canh chừng và tổ chức đánh cờ chung quanh để tránh sự dòm ngó của an-ten, nên công một người thành công của nhiều người. Anh em đọc củng cố bảo vệ nó như người phát hành, vì nếu đổ bể ra thì tất cả đều bị chịu thiệt hại. Cũng như tờ Rèn Luyện ở Xuân Lộc, tờ Hợp Đoàn tạo sự gắn bó giữa chúng tôi và những người có tham dự vào cuộc chơi nguy hiểm.

Vũ Văn Ánh đến từ trại Hàm Tân Z-30C, nguyên là một công chức cao cấp của Bộ Thông Tin, anh có học báo chí ở Hoa Kỳ và giáo sư ngành truyền thông Đại học Cửu Long, sau tháng 4 năm 1975, anh học tập ba ngày tại cơ sở rồi trốn trình diện. Ánh và số bạn bè như Đại-úy Cảnh sát Vũ Trọng Khải, Trung-úy Dù Đoàn Bá Phụ, Đại-úy An Ninh Quân Đội Nguyễn Đại Thuật, những người trốn học tập. Các anh được móc nối tham gia tổ chức của Bác-sĩ Phan Huy Quát, người móc nối đưa các anh vào bưng vùng Biên Hòa thì bị bắt. Lúc đó mới hay tổ chức đã bị Cộng sản xâm nhập, và người lập bưng ở Tân Uyên và móc nối đưa vào bưng là cán bộ công an, đây là một tổ chức giả mượn danh Bác-sĩ Phan Huy Quát để bắt người, do Sở Công An Thành Phố dựng lên. Ở các trại Ánh sống đứng đắn, trọng danh dự nên được rất nhiều sĩ quan trẻ mến, trong đó có Trần Bửu Ngọc sĩ quan Biệt Kích và Ngô Văn Ly sĩ quan Biệt Động Quân. Ở đâu Ánh cũng là một cá nhân có sức thu hút và thuyết phục. Chính điểm son này, ở trại giam nào anh cũng bị giam cùm trong kỷ luật, Ánh thường chống đối bọn Cộng sản ra mặt. Gặp Ánh tại trại Xuân Phước, Trần Danh San và tôi thuyết phục Ánh bớt chống đối công khai, vì chống đối công khai là tranh chấp với tên cán bộ cấp nhỏ. Những người này quản lý tù, có thẩm quyền đối với tù nhân nhưng thực chất không có gì đáng kể, họ chỉ thi hành một cách máy móc chỉ thị của thượng cấp, họ được dậy lòng căm thù để thi hành các chính sách độc ác của Đảng mà thôi.

Vấn đề Cộng sản cần nghiên cứu từ lý thuyết đến thực tế, trường hợp Cộng Sản Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lịch sử để nhìn nó không có thế đứng trong dân tộc Việt Nam. Từ đó có thể tóm lược một số lý luận cần thiết để chia xẻ với bạn đồng tù. Ánh đã đồng ý với San và tôi, nên tờ Hợp Đoàn được khai sinh như trình bày ở trên. Khuyết điểm duy nhất của Ánh là hợp tác với Ngô văn Ly quá sâu, Ly là người chống Cộng cực đoan và “vô chính phủ”, muốn làm gì thì làm, bất chấp tai họa cho người khác. Ly lại có cái nhìn khắc nghiệt và ác độc với những người không đồng ý kiến với Ly, Ly thường kết tội những người khác là phản bội chiến sĩ, là đầu hàng Cộng sản, sau đó hắn rải truyền đơn ký tên họ để mượn tay Cộng sản triệt hạ. Trường hợp Huỳnh Cự cũng là việc làm của Ngô văn Ly. Lần này y rải truyền đơn, bị bắt, hắn khai Bùi Lượng, Khúc Thừa Văn, Trần Công Linh và Lê Quang Minh là những người đã xúi giục và cộng tác với hắn để hại họ. Những người này đều có mâu thuẫn với nhóm Ly và Ánh từ Hàm Tân. Việc làm của Ly thường xuyên giống nhau từ Z-30C nên an ninh trại phát giác ra ngay. Nhưng bọn Cộng sản không cần biết ai mâu thuẫn ai, nên có duyên cớ là chúng bắt nhốt hết; và sẽ biến thành ra quan trọng để báo cáo lên cấp trên lập công thăng tiến chức vụ. An ninh đã nhốt Ly, Ánh, Đoàn Bá Phụ, Trần Công Linh, Bùi Lượng, Khúc Thừa Văn và Lê Quang Minh. Sau ba tháng Lê Quang Minh đã chết trong xà lim, Bùi Lượng và Khúc Thừa Văn chết hai năm sau đó. Thảm kịch tù hại nhau là một vết nhơ trong hàng ngũ tù nhân chính trị, hại nhau bằng cách làm an-ten báo cáo hay mượn tay địch để giết người bất đồng ý kiến đều là những hành động tàn ác, xuẩn ngốc. Anh em tích cực tham gia các hoạt động chống đối trong trại, nhưng đặc tính là không chịu đựng những thất bại. Sau mỗi lần bị giam thường hay trách cứ, đổ lỗi, nghi ngờ nhau - nên hoạt động này đưa đến sự liên kết cũng có, mà đưa đến chia rẽ hơn cũng có. Sau này Ly lại mâu thuẫn với Ngọc và Ánh, đem tố cáo tờ Hợp Đoàn tại sở Công An Thành Phố khiến tất cả chúng tôi đều bị đưa về Sài Gòn để thụ lý ra tòa. Đời sống trong tù chật hẹp, căng thẳng, con người rất dễ mất bình tĩnh và mâu thuẫn cãi cọ nhau. Chính Cộng sản tạo ra điều kiện đó để triệt hạ người chống đối. Tôi nhớ hôm trình diện ở trường Trưng Vương, một chính trị gia xưng đối lập với chính quyền Thiệu để xin vào học tập trước, tên cán bộ đã nói: “các anh đều là bọn phản động như nhau, heo trắng heo đen đều là heo cả”. Mỗi lần nhớ câu đó tôi đều thấy đau và nhục, nên cố gắng nhịn nhục và chịu đựng những bất công hay hiểu lầm của bạn đồng tù khi tôi thường dùng thì giờ rảnh để đọc nhiều sách Cộng sản.

Bắt đầu bịnh nặng từ tháng 8-1981, tôi thường bị xỉu ngay tại bãi lao động, lúc đầu vài ngày một lần. Cơn choáng xảy ra, đầu óc quay cuồng, nằm ngay trên sạp mà thấy cảm giác như bị hút vào khoảng không vô tận, lưng không thấy chạm sàn nằm và cảm thấy cô đơn. Bác sĩ Nhiếp nói với Biên, bạn thân tôi, là tôi bị loạn tim và có thể chết bất cứ lúc nào. Thoạt đầu nghe mình bịnh nặng có thể chết, tôi buồn vô hạn, uất ức lẫn hối tiếc, nhớ mọi người thân và thương vợ con, càng thấy mình có lỗi; một sai lầm là mất cả cuộc đời, di lụy cho bao nhiêu người. Ý nghĩ càng dày vò tôi từ những ngày đầu sau khi Sài Gòn sụp đổ làm tôi nhức buốt cả đầu. Hôm tối 24 tháng Chạp trời thật lạnh, được lệnh ngủ sớm vì an ninh sợ tín đồ Thiên Chúa Giáo làm lễ Giáng Sinh, ngồi riêng rẽ cầu nguyện cũng bị cấm. Cơn lạnh làm tôi không kềm nổi nên run lên, tôi choáng váng, muốn nghẹt thở, rồi đầu óc lại tỉnh táo, nhớ nhanh tất cả mọi người thân. Tôi bỗng sợ và nghĩ chắc là chết, Khổng Hữu Diệu nằm bên cạnh tôi dặn tôi nếu lên cơn đau cố gắng lay động để anh kêu cấp cứu, nhưng tôi nghĩ nên buông luôn, kêu cứu làm gì, quá lắm thì được cho vài giọt thuốc Long Não, chưa chắc có ích lợi mà lại phiền hà bạn bè. Mỗi lần tôi lên cơn xỉu, bạn bè kêu cấp cứu, cả nhà mất ngủ, tôi làm phiền họ nhiều lần rồi, lần này tôi đinh ninh sẽ chết nên không muốn làm phiền nữa. Đến sáng ra thì mọi người thấy tôi chết cứng rồi, thế cũng xong. Đã nhiều anh em chết như vậy, tối vào mùng nằm ngủ, chết lúc nào không ai hay biết, sáng ra không dậy điểm danh, lúc đó bạn bè mới hay. Nghĩ đến đó tôi không còn hay biết gì nữa.

Trong giấc ngủ tôi thấy khô cổ, khát nước, tôi đến một cái giếng, mực nước cạn gần đáy, khi tôi đưa tay vớt, mực nước dâng tràn lên đến miệng giếng, tôi chợt thức, biết mình vừa nằm mơ, cảm thấy người dễ chịu, hình như có một luồng khí mát chạy khắp người tôi ra đến môi. Lần mơ này khác với những lần mơ trước, tôi vẫn thường nằm mơ thấy khát nước, đến giếng múc nước thì nước cạn, lúc đến sông thì mạch nước rút ra xa hay thấy thác nước trắng xóa đến gần thì là tảng đá trắng. Những lần mơ như vậy thì ngày hôm sau thế nào tôi cũng bị một lần ngất xỉu, lần nằm mơ này ngược lại, nước đang cạn lại đầy; tôi bắt đầu có hy vọng. Từ đó bịnh tôi thuyên giảm tự nhiên không thuốc men. Thân thể con người thật kỳ diệu, và những giấc mơ cũng hay, báo trước tình trạng sức khỏe của tôi, sau lần đó tôi khỏe dần, khoảng cách những lần ngất xỉu cũng giãn ra. Tôi nghĩ là chết rồi lại sống trở lại, thấy con người thật mỏng manh, sự sống và cái chết thật gần gũi và chết chỉ là một bóng đen trùm xuống và không còn biết gì nữa, là hết. Thành công hay thất bại ở đời rồi cũng một lần kết thúc, ân hận tiếc nuối rồi cũng qua đi. Quả thực con người như có mà như không, đúng như lời Phật, giải tỏa được lòng uất ức và sự khắc khoải đúng là một sự giải thoát, từ đó tôi mạnh dần dần và lúc nào cũng vui vẻ, không giận hờn, không oán thù, không tiếc nuối, con người thoải mái và nhẹ nhàng hơn.


Cuối năm 1980 Hà Nội ban hành Hiến pháp. Tôi không hiểu lý do gì một bản Hiến pháp phải đợi thời gian hơn 4 năm mới hoàn thành, trong khi Việt Cộng có thể làm Hiến pháp trong một tháng và biểu quyết trong một ngày. Đối với Cộng sản, Hiến pháp chỉ là một hình thức dân chủ bịp bợm, vì Hiến pháp và luật pháp của nước Cộng sản đâu có nhằm bảo vệ người dân mà chỉ nhằm xác định tính độc tài của Đảng, tự nhận cho Đảng quyền lãnh đạo toàn dân và làm chủ đất nước. Nếu được nhìn thấy một lần cảnh biểu quyết tại Quốc hội của Việt Cộng chiếu trên màn ảnh thời sự, là thấy rõ trò bịp một cách bỉ ổi. Cả Quốc hội họp, khi biểu quyết, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh sau khi đọc xong một khoản, hỏi: “Có đồng chí nào phản đối không?”, thế là thông qua - Quốc hội bù nhìn thì làm sao dám phản đối ý kiến của Chủ tịch là người số 2 trong Chính Trị Bộ.

Bản Hiến pháp có nhiều thay đổi so với Hiến pháp 1959 vì lại phải mô phỏng theo Hiến pháp mới năm 1977 của Liên Sô, một Hội Đồng Nhà Nước được thành lập với một số quyền hạn rộng rãi hơn Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cũ, Thủ Tướng đổi danh xưng là Chủ Tịch Hội Đồng Chính Phủ, một chức Đệ Nhất Phó Thủ Tướng được xác định. Trước kia Việt Cộng có đến 8 Phó thủ tướng quyền hạn như nhau, một Ủy Ban Thường Vụ của Hội Đồng Bộ Trưởng chỉ gồm có Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch và Bộ Trưởng Phủ Chủ Tịch là thư ký; các Bộ trưởng không được họp ở ủy ban này, nói chung sự đổi mới chỉ tăng thêm sự rườm rà. Sự mô phỏng Hiến pháp 1977 của Liên Sô cũng nói lên sự kém cỏi và tinh thần nô lệ của Bộ Chính Trị ở Hà Nội. Trong khi Liên Sô tuyên bố đã thành công trong việc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, nên Hiến pháp 1977 nằm trong bước quá độ từ Xã Hội Chủ Nghĩa lên Cộng Sản Chủ Nghĩa. Trong khi Việt Nam còn trong thời kỳ đầu của xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, theo họ là xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa không qua con đường phát triển Tư Bản Chủ Nghĩa.

Đại hội đảng lần thứ năm được chuẩn bị khá lâu nhưng đình hoãn mãi, vì theo tin tức từ bên ngoài cho biết lý do đình hoãn đại hội vì Lê Duẩn chưa chuẩn bị được đa số đại biểu được bầu vào Ủy Viên Trung Ương thuộc phe cánh của y. Võ Nguyên Giáp từng bị thất sủng từ hồi Hồ chí Minh còn sống, nhờ có tên tuổi trong và ngoài nước biết đến nên vẫn còn được giữ chân Bộ Chính Trị và phụ trách một công tác kém quyền hành là Phó Thủ Tướng đặc trách cách mạng khoa học kỹ thuật. Trước đại hội kỳ 5, Võ Nguyên Giáp lại được nhắc nhở đến nhiều, và đó là mối lo ngại của Lê Duẩn dù Lê Duẩn đã dành nhiều quyền hạn cho Lê Đức Thọ thuộc cánh ông ta trong chức vụ Trưởng Ban Tổ Chức Đảng. Lê Đức Thọ cùng với Lê Duẩn được cử vào miền Nam để lãnh đạo Xứ Ủy Nam Kỳ và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Lê Duẩn là Bí thư Xứ Ủy, thì Lê Đức Thọ là Phó bí thư Xứ Ủy.

Chiến thắng miền Nam năm 1975 củng cố thế mạnh của cánh Xứ Ủy Nam Kỳ, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt cùng với cánh liên khu 5 Võ Chí Công, Chu Huy Mân thành đa số ở Chính Trị Bộ, chiến thắng này lại củng cố thêm thế mạnh cho cá nhân Lê Đức Thọ. Từ năm 1957 Lê Đức Thọ thay thế Lê Duẩn điều khiển bộ phận Đảng Miền Nam, và là người chỉ huy chính thức cuộc nổi dậy của Cộng sản tại miền Nam. Đến khi chiến thắng, Lê Đức Thọ là người ký kết hòa đàm Paris, nhưng cũng là người quyết định cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975. Ở vị trí thứ 5 trong Bộ Chính Trị nhưng là Bí Thư thứ 2 trong Ban Bí Thư, Lê Đức Thọ với nhiệm vụ ủy viên Tổ Chức Đảng, đã trở thành một thế lực lấn lướt cả Lê Duẩn. Lê Đức Thọ có hai em là Đinh Đức Thiện, Bộ trưởng Bộ Dầu Khí (trước đó là Cục trưởng Tổng Cục Hậu Cần) và Mai Chí Thọ, Giám đốc Sở Công An Sài Gòn kiêm Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. Chức vụ Giám đốc Sở Công An, nhưng thế lực của Mai Chí Thọ thật lớn, vì nắm trọn lực lượng Công an Sài Gòn. Thọ đã lập được nhiều công trạng phá vỡ tất cả các tổ chức chống đối tại Sài Gòn, trong đó có rất nhiều tổ chức do y lập ra. Làm việc này Thọ có được hai cái lợi cho cá nhân y, thứ nhất các tổ chức phản động của y lập ra làm mồi bắt được nhiều người yêu nước chống Cộng.

Thứ hai y càng tô vẽ các tổ chức phản động càng quan trọng, công lao của y càng lớn. Thành phố Sài Gòn tuy trên tổ chức hành chánh chính trị đứng sau Hà Nội là thủ đô, nhưng thực tế thế lực chính trị của thành ủy Sài Gòn lớn hơn thành ủy Hà Nội nhiều vì Sài Gòn đảng viên đông tức là số đại biểu tham dự đại hội đông. Kinh tế Sài Gòn bao trùm cả nước, nắm được Sài Gòn là có thế đứng mạnh nhất. Theo tổ chức của Cộng sản, Giám đốc Sở Công An Thành hay Tỉnh là Phó bí thư thứ 2 của thành ủy hay tỉnh ủy đó. Từ lúc Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy, Võ Văn Kiệt Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, Mai Chí Thọ, Giám đốc Sở Công An, là Phó bí thư thứ 2 Thành ủy. Nguyễn Văn Linh trở thành ủy viên chính trị sau đại hội 4, Võ Văn Kiệt ủy viên dự khuyết trở thành Bí thư Thành ủy, Vũ Đình Liệu Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. Mai Chí Thọ vẫn giữ vững thế nắm giữ ngành công an.

Lúc này quản giáo Tích thường tìm dịp nói chuyện với Ánh và tôi. Chú bé này là quản giáo đội 5 chúng tôi từ ngày mới lên trại 1979. Đội 5 là đội quản thúc, hơn một năm chỉ làm lao động trong trại, cuối năm 1980 mới được đi lao động bên ngoài. Tích người Bắc, nổi tiếng ác ôn nhất trong hàng ngũ quản giáo, hắn không bao giờ rời đội, suốt giờ lao động hắn bắc ghế ngồi tại chỗ để trông từng người tù một, chờ dịp tù sơ hở là chửi bới. Bộ mặt kênh kiệu làm cao không bao giờ nói chuyện với tù, điều này đỡ cho chúng tôi vì chúng tôi cũng không muốn nói chuyện với cán bộ. Có những người lăng xăng chuyện vãn với cán bộ trông không giống ai, đa số tù không thích thái độ nịnh bợ đó, nên số này cũng rất ít. Từ khi đi phép về, hắn có vẻ buồn và suy nghĩ và thường bỏ đội đi chơi. Một hôm tôi nghe một màn đối thoại của Tích và bạn hắn:

- “Mầy có biết Sài Gòn hiện đại lắm không? Ngoài đường lúc nào cũng đông người chứ không như ở Xuân Phước của mình đâu. Còn chợ Sài Gòn thì hàng hóa thật là nhiều, thứ gì cũng có chứ không như chợ Đồng Xuân của mình. Mầy biết không, đường nào cũng có hàng quán, mình có tiền thì cái gì cũng có, cũng mua được, không phải xếp hàng. Mầy biết không, tiệm ăn nào cũng sạch sẽ, có cả khăn bàn và khăn tay trắng muốt, không như tiệm ăn ở ngoài Hà Nội đâu... Mầy biết không, gia đình của bà cô tao ở ngã ba Ông Tạ giầu lắm, cô tao theo chồng di cư năm 1954, nhà cô tao đứa nào cũng có đồng hồ, mỗi đứa một cái Honda; mà ở Sài Gòn họ ăn nhiều thế, bữa nào cũng có thịt, trong nhà người nào về lúc nào ăn lúc đó. Cô tao nói, sau giải phóng cô tao không mua bán được nên gia đình cô tao nghèo đi. Nghèo gì, tao vẫn thấy vương giả chán. Cô tao dặn tao đi ra ngoài đừng mặc áo Công an, mặc áo Công an dân họ ghét, mà tao cũng thấy như vậy, mình mặc đồ Công an dân họ khinh lắm.”

Tích thường hỏi chuyện Ánh và tôi về việc học hành, về đại học, có lẽ hắn có xem hồ sơ biết chúng tôi có học đại học. Chú bé có lẽ mê hai chữ đại học và ước mơ đi học ở đại học Công an. Tích nói với tôi hắn học xong lớp 9 thì vào Công an vì cha chết trong chiến trường B (tức chiến trường miền Nam), thảo nào hắn căm thù tù chúng tôi. Lúc đầu chúng tôi không thích nói chuyện, từ khi nghe câu chuyện Tích kể về Sài Gòn cho bạn, Ánh và tôi biết tinh thần thằng bé lung lay, không còn mơ mộng những giáo điều, sáo ngữ. Hắn có thay đổi thái độ với tù, không còn tìm cách chửi bới như trước, nhưng lao động hắn vẫn kiểm chỉ tiêu và luôn luôn bắt đội chúng tôi vượt hơn chỉ tiêu các đội khác. Một hôm ra đến bãi đào ao, hắn cầm thước đo chỉ tiêu cho từng tổ. Tính tham lam vẫn không chừa, mỗi lần hắn đo một thước lại gạch quá thành một thước hai ba phân, để ba thước có thể trở thành 3 thước 1. Tôi chợt nẩy ra ý định.

Tôi nói:

- Cán bộ cho tôi mượn cái thước.

Tích hơi ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi một lúc, nhưng rồi cũng đưa thước cho tôi. Tôi cầm thước đo một thước lùi vào ba phân, đến ba thước thì lùi lại khoảng 2 thước 9, tôi gạch điểm của tôi lùi sau điểm gạch của Tích 2 tấc rồi đưa thước cho hắn. Tích cầm cây thước gõ vào gạch của tôi hỏi:

- Sao lại chỗ này?

Tôi chỉ vào gạch của hắn nói:

- Sao lại chỗ này?

Tích xẵng giọng:

- Có tí xíu mà anh cũng kèo nài.

Tôi trả lời:

- Cán bộ không đổ mồ hôi mà cán bộ cũng kèo nài chúng tôi 3 thước thành 3 thước 1; chúng tôi đổ mồ hôi, 3 thước còn lại 2 thước 9 cán bộ cũng không chịu.

Tôi thấy mắt hắn trợn lên nhìn tôi, nhưng rồi dịu xuống và nói:

- Thôi các anh làm đi.

Tôi biết tôi đã suy đoán đúng, chú bé đã thay đổi nhiều, nếu việc này mà xảy ra trước khi hắn đi phép chắc chắn là sẽ chửi bới tôi một hồi rồi làm biên bản cùm tôi trong phòng kỷ luật. Ngày hôm sau làm lao động một lúc thì Tích tới đội gọi tôi đi theo hắn. Tôi đinh ninh là hắn đem tôi đi nhốt, anh em bạn bè ai cũng nhìn tôi tỏ ra thông cảm, họ cũng quen cái tính của tôi, hay chịu đựng nhưng nhiều lúc hơi bướng, anh em nói tôi nóng sảng.

Lên mặt ao tôi ngạc nhiên không thấy Tích đi về hướng trại mà dẫn tôi vào một bóng cây, chỉ vào gốc cây Tích nói:

- Anh ngồi xuống đi.

Tôi ngồi xuống xong, hắn ngồi lên chiếc ghế (ở trong tù mỗi lần nói chuyện với cán bộ là một điều sỉ nhục, cán bộ ngồi trên ghế còn tù ngồi dưới đất), Tích hỏi tôi:

- Ngày hôm qua anh không sợ tôi kỷ luật anh?

- Cán bộ kỷ luật tôi thì tôi chịu, tôi trả lời.

- Anh biết hồ sơ cải tạo của anh không tốt, anh cứ bướng thế làm sao về được.

Thấy hắn có vẻ dịu giọng, tôi nói:

- Bao giờ nhà nước cho về thì về, ở tù 5 năm rồi riết cũng quen.

- Anh có nhớ Sài Gòn không?

- Nhớ chứ cán bộ, đi xa lâu rồi phải nhớ nhà, nhớ Sài Gòn lắm.

- Anh biết tôi đi Sài Gòn về không, Sài Gòn lúc này vui lắm.

Giả bộ không biết hắn đi Sài Gòn, tôi nói:

- Cán bộ mới đi Sài Gòn à, chắc là vui lắm nhỉ, tôi tưởng cán bộ đi Hà Nội chứ.

Tích bắt đầu kể chuyện:

- Chuyến đi phép này tôi ghé Điện Bàn, quê của anh đó, tôi có bà chị về làm dâu ở làng Phong Thử, anh rể tôi tập kết ra Bắc, anh có nhớ làng Phong Thử không? Làng Phong Thử đi từ ngã ba Điện Bàn từ quốc lộ 1 rẽ lên Đại Lộc. Làng mới xây dựng lại toàn nhà ngói, chị tôi nói trước đây là chiến trường Mỹ ném bom B-52 san bằng, dân làng đi ra thành phố. Sau ngày giải phóng trở về nên ai cũng giàu có, nhà nào cũng có đài tốt (radio). Tôi thấy làng trù phú lắm, người ta làm cả nghề dệt vải. Trước khi đến đó, tôi đã đọc tài liệu về hợp tác xã Điện Quang đứng đầu toàn tỉnh với năng suất 9 tấn. Tôi vừa muốn thăm anh chị vừa muốn xem hợp tác xã gương mẫu.

Tôi có vẻ chán khi nghe Tích tuyên truyền, nhưng bất ngờ hắn tiếp câu chuyện:

- Chị tôi nói bà con nông dân họ than oán lắm.

Thấy Tích ngưng lại tôi hỏi dò:

- Phong Thử gần quốc lộ nhưng trước kia toàn dân theo kháng chiến.

- Đúng đó, toàn dân là cơ sở, dân kinh tài của cách mạng ở thành phố về nên họ không sợ, họ nói tùm lum, chứ dân ngụy các anh có bất mãn cũng đâu dám nói. Tôi về Hà Nội bằng phi cơ, anh đã đi phi cơ lần nào chưa, đi phi cơ nhanh thật. Về Hà Nội mẹ tôi mừng lắm, hai năm rồi tôi mới gặp mẹ, mẹ tôi bán một con lợn được hơn hai ngàn, mẹ cho tôi hai ngàn để mua xe đạp. Tôi muốn có một chiếc xe đạp từ lâu rồi mà chưa có tiền mua. Lúc bé đi học cứ chạy theo sau mấy người đạp xe cho tới trường và nghĩ đến lúc mình có một chiếc xe thì sướng lắm. Nhưng tôi vào đến Sài Gòn tôi may áo quần và tiêu hết, mua xe đạp làm gì, như các anh trước kia nhà cao cửa rộng, xe cộ đủ thứ bây giờ thay đổi rồi cũng hết.

Đang nói chuyện với tôi thì có tên Tiên cán bộ tài xế lái xe chở hàng đi ngang qua, Tích hỏi với:

- Ê Tiên, cậu đi đâu đó, tối nay có chuẩn bị họp chi đoàn không?

- Các cậu họp đi, tớ ra chợ Xuân Phước uống cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, nghe nhạc xập xình (cà phê phin và nghe nhạc vàng). Rồi dẫn con Hà ra bờ suối tìm chỗ nào vắng mà cưa cho nó sướng không cần họp.

Nói xong hắn bỏ đi. Tích có vẻ ngượng với tôi về lối ăn nói thô tục của Tiên về chuyện trai gái. Tiên là tên cán bộ lái xe nên có tiền, luôn luôn tỏ ra ăn chơi và sống trội hơn các cán bộ khác. Tôi thấy nói đến họp nên bắt ý hỏi Tích để dò chơi:

- Hình như sắp có tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc?

- Đấy, họp chi đoàn cơ sở để bầu đại diện về dự Đại hội Huyện, bầu đại diện Huyện đi dự Đại hội Tỉnh. Đại hội Tỉnh bầu đại diện đi dự Đại hội Toàn quốc.

Tôi tiếp tục hỏi tới:

- Theo Hiến pháp có Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước, không biết chuyến này ai làm Chủ tịch?

- Thì ông Trường Chinh chứ ai, ông Nguyễn Hữu Thọ xử lý Chủ tịch nhà nước khi bác Tôn chết, nhưng mới vào Đảng hồi sáu mươi mấy thì sức mấy mà được. Không chừng chuyến này ông Võ Nguyên Giáp làm Tổng bí thư hay Thủ tướng.

Tôi ngạc nhiên vì cách nói của Tích và những điều hắn nói về Võ Nguyên Giáp. Tôi tưởng một cán bộ cấp nhỏ không thể nói chuyện thay đổi Tổng bí thư, càng tò mò hơn nên tôi hỏi tiếp:

- Nghe nói ông Võ Nguyên Giáp bị bịnh nên lâu nay làm Phó Thủ tướng đặc trách khoa học kỹ thuật.

- Uy tín ông Giáp lúc này lên, người ta hay nhắc đến ông Giáp lắm, có thể làm Tổng Bí thư.

- Nhưng Tổng Bí thư bao giờ cũng làm suốt đời mà?

Tích làm vẻ thông thạo trước sự “khờ khạo” của tôi, hắn nói:

- Thì các anh không biết nên nói như vậy. Tổng bí thư cũng do đại hội bầu chứ, thành ra họ phải tranh thủ đại biểu nhất là các ông được bầu vào trung ương. Trung ương Đảng bầu ra Chính trị Bộ và Tổng Bí thư.

Buổi nói chuyện với Tích tôi thấy hữu ích, trước hết xác nhận được một số điểm. Thằng bé quả thực thay đổi nhiều sau chuyến đi phép. Đối với một cán bộ ở chỗ đồng khô cỏ cháy Xuân Phước này cũng như sinh và lớn lên ở Hà Nội thiếu thốn trong chiến tranh, sự phong phú và đời sống thoải mái của Sài Gòn có thể cảm hóa được. Điều này tôi xác nhận rất rõ qua nhiều cán bộ Xuân Phước những năm về sau, như cán bộ Tuyến, cán bộ Hải, cán bộ Uy, cán bộ Cường tên nào cũng về trường công an học vài năm trở ra trại đều thay đổi, trở thành rất dễ tính. Đặc biệt là trường hợp cán bộ Hải, hắn mang lon thượng sĩ nhưng phải làm vệ binh vì hay đánh tù khi hắn làm quản giáo ở đội hình sự. Làm quản chế (vệ binh) tù chính trị Hải thường có nhiều hành động độc ác. Hắn đi quản chế đội nào thì hôm đó tù không được đi tắm và múc nước, kể cả việc làm dơ bẩn như bốc phân. Coi đội làm rẫy hắn buộc tù phải dùng tay bốc phân bón cây, không được dùng xẻng xúc. Phân bón rau là phân người trộn với cát rồi phơi nắng, lần đầu tiên bốc vào phải nôn đến mấy lần, thấy tù nôn thì hắn chửi thậm tệ là quen thói hút máu nhân dân, không biết lao động, ngồi mát ăn bát vàng v.v...

Hải cũng thay đổi sau lần đi học Công an ở Thủ Đức về, lúc nào hắn cũng ngồi thừ ra, và rất dễ dãi, cho đi tắm sớm. Một hôm ngoài bãi lao động, hắn gọi tôi lại đưa tôi đọc một bài báo tường thuật về nữ bác sĩ Phượng ở bệnh viện Từ Dũ (Viện Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em Thành Phố) đem hai đứa bé song sinh dính liền vào nhau qua Nhật để mổ - Hai đứa bé được đặt tên là Nguyễn Việt Đức.

Bài báo ca ngợi thành quả sáng tạo khoa học của nhân dân Nhật Bản và tính nhân đạo của đảng Cộng Sản. Tôi đọc xong thì Hải hỏi tôi:

- Anh suy nghĩ thế nào?

Tôi không biết Hải hỏi với ý gì - nên trả lời chung chung:

- Khoa học tiến bộ quá, dính liền nhau mà mổ được.

Hải hỏi tôi:

- Thật sự anh không nghĩ gì sao?

- Vâng, tôi không nghĩ gì cả, tôi thấy tội nghiệp những đứa trẻ quái thai.

Hải buông một câu nói ngoài tưởng tượng của tôi:

- Bao nhiêu người khỏe mạnh, bao nhiêu nhân tài đem đi nhốt rồi đem cứu một quái thai làm gì?

Tôi chỉ biết nhìn Hải ngạc nhiên, có thể nào khi người ta nhìn ra sự thực thì sự thay đổi lớn vậy sao? Tôi tin là Hải nói thực, với tâm hồn và sự suy nghĩ của hắn, đưa ra một nhận xét rất đúng đắn. Trước khi bảo tôi về đội, Hải nói:

- Đối với tôi anh còn ngại không muốn nói chuyện phải không? Anh dè dặt cũng đúng, giữa anh với tôi vẫn là một khoảng cách.
 

(còn tiếp)


*Mời đọc những phần trước:

 Tựa;  Phần mở đầu;  Chương 1;  Chương 2;  Chương 3; Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7; Chương 8; Chương 9; Chương 10; Chương 11; Chương 12 - Xuân Phước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét