Đã 22 năm rồi bây giờ mới trở lại Saigon và Tây nguyên.
Sau khi đám cưới của Thục Vy diễn ra
thật tốt đẹp vì được bảo vệ bằng tình thương yêu và trân quý của thân hữu và
các bậc trưởng thượng, tôi từ biệt đất Saigon với rất nhiều bịn rịn vì những
tình cảm bạn bè nồng ấm, những cái bắt tay còn lưu luyến, những câu chuyện chưa
kịp nói hết, những khuôn mặt thân thương chưa kịp nhìn trọn, những cuộc hẹn
chưa thành, những ân tình chưa một lần đền đáp…
Rời Saigon lúc 7 giờ tối, sau khi
chiếc xe “trung chuyển” chật vật luồn lách trên những đường phố đông đúc người
để ra đến quốc lộ 1.
Tôi thở phào nhẹ nhõm khi được “xa”
Saigon, vì tôi không thích nghi được với cái sinh hoạt quá náo nhiệt và bất hợp
lý nơi này.
Đường phố Saigon quá nhiều người và
xe cộ chen nhau, nó cũng giống với cuộc sống bon chen tại đây, không khí ngột
ngạt vì khói bụi, những con kênh, những dòng sông chết bốc mùi hôi thối kinh
khủng.
Đi ngang qua dòng sông Thị Nghè tôi
không tin ở mắt mình nữa, chỉ kịp bịt mũi và đi thật mau. Sông Thị Nghè giờ đây
không còn là sông nữa, nó là một cái cống rãnh không che đậy với dòng nước đen
ngòm đặc quánh và mùi hôi thối nồng nặc.
Vậy mà mọi người vẫn đi qua, vẫn
thản nhiên, vẫn nói cười vui vẽ, vẫn ngồi uống cà phê, ăn nhậu ven đường phố
chật hẹp bên sông.
Con người ở đây đã trở nên vô cảm và
vô khứu giác rồi chăng!?.
Saigon cũng như đất nước Việt nam
đang lao như điên như dại vào cái gọi là sự phát triển kinh tế bằng mọi giá, họ
lao về phía trước như một con tàu không được kiểm soát, mở hết tốc lực và bất
chấp hậu quả.
Nếu đảng CSVN vì một lý do nào đó mà
họ nhắm mắt làm liều thì nhân dân VN, nhất là tầng lớp tinh hoa của dân tộc
cũng phải biết ít nhất một lần nhìn lại con đường và hệ quả để lại mà mình đã
đi qua chứ !? Chẳng lẽ cái đất nước này đã trở nên dững dưng hết rồi sao?
Tôi thấy người Saigon và người VN
đang sống với thái độ “mặc kệ nó” vì họ thấy mình không phải là chủ nhân của Saigon,
của đất nước này, người chủ của Saigon của đất nước này là đảng CS và đảng CS
có toàn quyền quyết định…
Một điều đáng tiếc và đáng trách là
người dân Saigon cũng như người dân VN ngày hôm nay không có được mấy người có
ý thức mình là chủ nhân của đất nước, chủ nhân vận mệnh của chính mình, chính
vì không có ý thức đó nên họ cũng không có ý chí để đấu tranh giành lại quyền
làm chủ đất nước từ tay đảng CS, đây chính là bi kịch và là nguyên nhân của sự
tha hóa và trì trệ hiện nay.
Tôi từ biệt Saigon với nhiều tình
cảm lẫn lộn khó giải thích, tôi yêu những người bạn của tôi, yêu con người
Saigon nhưng tôi không yêu cái không khí hiện nay tại Saigon.
Lần này lên Tây nguyên vào ban đêm
nên mất cái cơ hội tuyệt vời là được ngắm cảnh sắc trên đường từ Saigon đến
Buôn Mê Thuột. Nằm trên xe chỉ cảm nhận là con đường lên cao nguyên rất xấu, xe
chao qua ngã lại, lúc chồm lên lúc trụt xuống, cái cảm giác mông lung của người
bị mất phương hướng. Chiếc xe như một cái thùng bít bùng bởi chung quanh là
bóng tối dày đặc. Thỉnh thoảng xe đi qua một xóm làng nào đó, tuy lúc này còn
sớm nhưng trời mưa lất phất nên không một bóng người, ánh đèn sáng từ mấy ngôi
nhà ven đường trông thật lẻ loi gợi buồn, tự nhiên thèm khát cái không khí ấm
áp của gia đình, thèm một ấm trà với không gian quen thuộc trong căn phòng nhỏ,
thèm một buổi tranh luận có khi vui vẻ, sôi nỗi, có khi gay cấn vì bất đồng còn
bỏ ngỏ
Thấy lòng mình hiu quạnh như một lữ
khách trên con đường thiên lý, mà có xa xăm gì đâu chỉ vài trăm cây số, có xa
lạ gì đâu, mình đang trên đường đến nhà con rể, Thục Vy và Hiếu đang ở đó, một
buổi tiệc vui vẻ đang chờ và trong chiếc xe này, trong chuyến đi này có cả
những người thân : Khánh Vy và chồng, hai ông anh ruột và các cháu đi cùng...
Vậy mà không biết vì đâu lại có cái cảm giác miên man buồn của người lữ khách
xa quê ??... Có lẽ ngoài trời đang mưa, cái hiu quạnh của đất trời, bóng đêm và
tâm trạng bất an thấm vào lòng mình chăng?
5 giờ đến ngoại ô Buôn Mê Thuột,
trời đã hửng sáng, từng vạt sương mờ mờ bao phủ núi đồi, bao phủ hàng cây và
dãy phố, người đi lại lác đác. Không vội vàng bon chen như ở Saigon, cũng không
hững hờ chậm rãi có vẽ bất cần của người sắc tộc qua các buôn làng vừa đi qua.
Xe dừng lại cho một vài người khách
xuống, tôi nhìn qua cửa kính, không xa lắm sừng sững một tòa chung cư cao cấp
của Hoàng anh Gia lai. Đây là tài sản đầu tiên mà tôi trông thấy của “Bầu Đức”
trên đất cao nguyên này trong số những sản nghiệp khổng lồ của ông ta trên khắp
nước.
Xe chạy thêm 30 cây số nữa thì dừng
lại. Chúng tôi đặt chân lên đất Tây Nguyên, vùng đất đi vào lịch sử trong cuộc
chiến tranh đẫm máu để bảo vệ tự do của người dân Miền Nam VN, bất chợt tôi nhớ
đến nhà văn Phan Nhật Nam và cuốn sách 'Mùa hè đỏ lửa' nổi tiếng của ông, tôi
đứng nhìn con đường phía trước hun hút sâu và ở xa kia là đồi núi chập chùng.
Núi đồi ở đây thật trù phú và thuận lợi chứ không như núi rừng Quảng Nam nhìn
là muốn ngợp vì quá cao, quá dốc và quá hiểm trở, nó như bỏ tù và đe dọa con
người.
- Ba khỏe không ba? - Tôi nghe tiếng
của Duy từ phía sau và quay lại mỉm cười (chắc là héo hắt sau một đêm không
ngủ).
- Chào con, ba khỏe.
Chúng tôi giao đồ đạc cho Duy và
Hiếu, đi một đoạn đường ngắn nữa là đến nhà Duy, mọi người được đón tiếp trân
trọng và nồng ấm.
Hai ngày ở Tây Nguyên tuy ngắn ngủi
nhưng khó quên vì tình cảm trân quý mà những người thân của Duy như mẹ, dì,
dượng và các anh chị của Duy dành cho chúng tôi.
Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi tôi
nhận được sự đón tiếp ân cần và thân mật của những người bạn mà họ chỉ biết
chúng tôi trên mạng qua những bài viết và “sự kiện” bị công an đàn áp. Tôi
không bao giờ hình dung được là tại vùng đất xa lơ xa lắc này chúng tôi có được
những người đồng cảm, tôi xin dành bài viết này để tạ ơn gia đình Duy và những
người bạn chỉ mới một lần diện kiến .
Sáng 13/09 tôi vội vã rời Tây Nguyên
vì hai ông anh còn có việc phải làm và tôi cũng phải về để chuẩn bị đám cưới
của Khánh Vy và Minh Đức.
9 giờ sáng chiếc xe khách đổ dốc.
Quốc lộ 14 bây giờ chật hẹp quá vì
hai bên đường người ta làm nhà san sát che khuất tầm nhìn.
Cũng giống như bất cứ một thị xã hay
thôn làng nào ở VN việc xây dựng của người dân hoàn toàn tự phát do nhu cầu nên
trông rất bề bộn và nhếch nhác với những kiến trúc lạ hoắt không biết du nhập
từ đâu. Tôi yêu cái vẽ hoang sơ và yên tĩnh của đoạn đường này cách đây 22 năm
hơn.
Xe chạy khá chậm nên tôi có đủ thời
gian để nhận diện những nơi tôi đã đi qua, những khoảng rừng những thung lũng
rực rỡ trong ánh nắng tinh khôi trong vắt đến nhức mắt.
12 giờ trưa đến cây số 110, xe dừng
lại để cho khách nghĩ ngơi và cơm nước tôi bước xuống nhìn quán cơm ven đường
khá bề thế.
Chúng tôi thưởng thức một bửa cơm
trưa khá ngon và khá rẻ như ở Quảng Nam, như để bù lại mấy ngày ở Saigon tôi bị
sốc vì vật giá ở đó.
Nhớ lại buổi sáng đầu tiên có mặt
tại Saigon, nhà thơ Phan Đắc Lữ (người anh đồng hương của tôi) chở tôi đến công
viên 30 tháng 4 để chỉ cho tôi chổ Thục Vy và các cháu nhà tôi bị công an bắt
trong lần biểu tình chống Tàu cộng xâm lược ngày 01/07/2012.
Anh Lữ đưa tôi vào một quán cà phê
gần đó, quán đông khách và tao nhã nhưng giá lại quá đắt: 80 ngàn đồng cho hai
ly cà phê sữa, tôi thấy choáng và nói:
- Lần sau không nên uống cà phê ở
đây vì quá đắt, ở quê mình và khắp nơi trên đất VN này có rất nhiều cụ già đơn
độc sống với tiền trợ cấp 180 ngàn một tháng, họ chỉ có 6 ngàn đồng cho một
ngày, mình không thể uống một ly cà phê bằng 6 ngày trợ cấp của họ.
Anh Lữ cười và nói:
- Vật giá ở đây như vậy đó.
Không khí ở quán ăn cây số 110 bình
dị và thân mật, chúng tôi sẽ rất hài lòng và vui hơn nếu anh tài xế không quá
thô lỗ với hành khách, nhưng thôi ở VN được như thế này là tốt rồi !?
Xe tiếp tục lên đường sau hơn 30
phút nghỉ ngơi, tôi nhìn những khoảng đất trống chạy ven đường nhớ lại cách đây
22 năm trên những khoảng đất trống này người ta đổ xuống hàng ngàn cây gỗ quý
khai thác bừa bãi trên rừng để xuất khẩu với giá rẻ mạt và vô tội vạ, điều này
làm cho rừng Tây Nguyên và cả VN gần như kiệt quệ, một mất mát to lớn không thể
nào phục hồi được trong nhiều thập niên tới.
Tôi nhớ lại chuyến đi cách đây 22
năm, chính ở cây số 110 này có một trạm thu thuế rất nổi tiếng vì sự tàn bạo
của nó, cũng giống như trạm thu thuế Nước Mặn ở địa đầu tỉnh Quảng ngãi mà
người ta gọi chệch đi với sự đắng cay và thù hận là trạm “Nước mắt”.
Ở nơi đây những người dân lương
thiện mang hàng hóa từ đồng bằng lên Cao nguyên để trao đổi và mang hàng hóa từ
Cao nguyên về miền xuôi để cân bằng nhu cầu tự nhiên của hai vùng đất nước,
nhưng họ bị cái gọi là lực lượng Quản lý thị trường và thuế vụ ở đây trấn lột, ăn
cướp trắng tài sản nhỏ nhoi của họ khiến cho nước mắt đã đổ xuống nơi đây tụ
lại thành những lời nguyền rủa đến muôn đời. Chính ở nơi đây rất nhiều gia đình
đã tan nát, nhiều người phải tự tử vì mất hết tài sản của mình .
Tôi rùng mình nhớ lại những ngày
tháng tận cùng man rợ đó của chế độ XHCN này chống lại nền kinh tế tự do và tư
hữu mà họ gọi là nền kinh tế “bóc lột”, để ngày hôm nay bọn cầm quyền lại trở
thành những tên tư bản đỏ vô cùng giàu có với lối sống cực kỳ xa hoa và kệch
cởm, một sự tráo trở vô liêm sỉ đến buồn nôn .
Dọc quốc lộ 14 đến thành phố Pleiku
tôi thấy nhiều cơ sở kinh doanh hoành tráng của “Bầu Đức” và tự hỏi làm sao ông
ta giàu nhanh chóng đến thế? Nếu làm ăn lương thiện mà giàu như vậy là một
“phép màu”, còn nếu không phải là “phép màu” thì đúng là “quỷ thuật” rồi. Ở VN
này làm sao phân biệt được đâu là “phép màu” đâu là “quỷ thuật”, vì đất nước
này không thuộc sở hữu của chúng ta, người dân không làm chủ và quyết định.
Những vụ tai tiếng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như vụ “Bầu Kiên” vừa xảy
ra làm cho chúng ta được quyền nghi vấn, và sự hoài nghi đang bao phủ lên đời
sống người dân VN, làm xã hội trở nên bất an vì thiếu niềm tin vào hiện tại và
đầy bất trắc ở tương lai.
Qua thành phố Pleiku xe rẽ vào quốc
lộ 19 để xuống đồng bằng.
Xe băng băng đổ dốc tài xế phải hãm
bớt tốc độ, xe qua những đoạn đường xấu và những khúc cua gập khủy tay làm cô
bé người sắc tộc ói mửa rất tội nghiệp, cô bé đi Đà Nẵng để nhập học. Tôi nhìn
mẹ cô bé âu yếm con tự nhiên thấy buồn nhức nhối vì hiểu ra một điều: các con
tôi thiếu tình yêu, sự chăm sóc và âu yếm của mẹ, đây là một mất mát quá lớn mà
tôi không bù đắp được, tôi thẫn thờ ngã người ra sau ghế đối diện với nỗi buồn
đang gặm nhấm tôi suốt hơn hai chục năm nay.
Xe xuống hết đèo An Khê thì cảnh sắc
đã thay đổi, ở đây không có cây cà phê hay cao su chỉ bạt ngàn ruộng mía với
những con bò khoang thai gặm cỏ. Một không gia bao la, yên tĩnh và đẹp như
tranh.
Giã từ Tây Nguyên hùng vĩ và giàu có
với tâm trạng không thể nào vui.
Tây Nguyên như một tặng phẩm quý giá
mà thiên nhiên hào phóng đã ban cho chúng ta nhưng bị khai thác một cách tàn
bạo và phiêu lưu vô trách nhiệm, một vùng đất rộng gấp nhiều lần một nước Do
Thái và giàu tài nguyên lại phải đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm bùn đỏ từ việc
khai thác bô xít - một công trình không có mấy giá trị kinh tế nhưng ẩn chứa
những rủi ro chết người, vui làm sao được khi thảm họa đang treo lơ lửng trên
đầu?
Một lần đi xa là một cơ hội để nhìn
thấy vẽ đẹp vô ngần của tổ quốc và càng yêu thêm đất nước này. VN chúng ta đa
dạng về sinh thái và giàu về tài nguyên, từ đồng bằng cò bay thẳng cánh ở Nam
Bộ hay Sông Hồng, từ núi rừng Việt Bắc xanh ngát đến bờ biển cát vàng Miền
Trung, từ núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ đến những hải đảo xa xôi giàu có, cha ông
chúng ta đã để lại một gia sản khổng lồ với vị trí đắc địa vào bậc nhất khu vực
và một dân tộc hào hùng thông minh.
Với những tài sản vô giá đó đất nước
chúng ta lẽ ra phải là một cường quốc ở vùng Đông Á này chứ đâu đến nổi phải
nghèo nàn lạc hậu như hôm nay để những cô gái Việt phải bán thân nơi xứ người
vì cuộc mưu sinh? .
Xin mượn phân tích của Daron
Acemoglu, Giáo sư Kinh tế của Đại học MIT và James Robinson, Giáo sư Khoa học
Chính trị của Đại học Harvard “Sự giàu nghèo, thành công và thất bại của một
quốc gia không phải do yếu tố văn hóa cũng không phải do yếu tố địa lý, khí
hậu, cũng không phải do tài nguyên mà chỉ do một yếu tố duy nhất đó là thể chế
(institution)". (Trích trong bài “Tại sao có nước giàu và nước
nghèo" của Phạm Hoài Nam).
Ngày hôm nay khi trật tự và an ninh
khu vực bị đe dọa và thách thức bởi tham vọng của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán mà
thực lực quốc gia chúng ta lại không đủ mạnh để tự vệ, phải lệ thuộc vào đàn
anh Phương Bắc dẫn đến nguy cơ mất nước nhãn tiền.
Lỗi lầm này thuộc về cả dân tộc
chúng ta, mong rằng dòng giống Lạc Hồng sẽ thức tỉnh để tự cứu mình trước khi
quá muộn.
A20 Huỳnh Ngọc
Tuấn
10-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét