A20 Phạm Văn Thành
Lúp xúp vừa đi vừa chạy băng ngang sân chung của khu 1 và 2, tôi hỏi Trung:
31.10.1994
Phần 1: Ánh lửa giữa đêm trường
Tháng 10-1994
An ninh trại đã chuyển toàn bộ đội 12 từ nhà 4 sang
nhà số 2. Toàn bộ đội nhà bếp từ nhà 3 sang nhà số 1. Trong nhà số 1 có
những cá nhân tiêu biểu là ông Lê Văn
Sơn, thuộc Phật Giáo Hòa Hảo nhiều tuổi nhất, thượng tọa Tuệ Sĩ, tăng
sĩ Nguyễn Hữu Tín và tăng sĩ Lê Hiền. Bên Công giáo có linh mục Nguyễn Hiếu dòng Đồng
Công Thủ Đức.Từ Thái Lan về , lực lượng ông Trần Văn Bá có Trương văn Sương, lực lượng của
ông Hoàng Cơ Minh có Đinh Văn Bé và Đỗ Bạch Thố. Hải ngoại có Lê Hoàn Sơn là người từ Pháp về cùng vụ
án với tôi .
Bên nhà số 2 là toàn bộ đội 12 và đội bệnh cùng đội
Tăm Tre Mành, khoảng 110 người. Sát vách tường phía rìa trại là đội trưởng Ngô Bích (không phải Bích Pilot/ guitarist/Huế)
nằm trên tầng trên, cạnh Ngô Bích là Trần
Nam Phương, sát vách chiếu Trần Nam Phương là tôi và đến Nguyễn Văn Thoại (Nguyễn hay Đinh tôi
nhớ chưa ra được) sát bên Thoại là Trần
Đức Hào. Đây là hai nhân vật đặc biệt tôi sẽ dành thời gian để viết kỹ
lưỡng, hầu mong sẽ giải tỏa được những uẩn khúc cho hai người, cũng là một kinh
nghiệm lớn cho đời tù cộng sản mà chúng ta đã hoặc đang, sẽ phải trải qua.
Nguyên tắc, đây là hai người được giao nhiệm vụ
kèm tôi thật sát ! Cũng là hai nhân vật mà mạng sống trở thành gang tấc trong
thời gian nổ ra cuộc nổi dậy A20 tháng 10-1994.
Trong buồng số 2 chia ra hai thái cực rất rõ rệt. Nhóm
Nguyễn Văn Trung, Hoàng Xuân Chinh, Trần
Minh Tuấn… là nhóm sẵn sàng “nổ tung” bất cứ lúc nào. Trần Nam Phương, Vũ Đình
Thụy và Trương Nhật Tân là những
người cương quyết nhưng rất muốn giữ hòa khí với mọi người, không khuyến
khích xảy ra căng thẳng giữa nhóm quyết chiến với nhóm… chủ hòa.
Tôi cảm thấy hết sức yên tâm vì quyết định tuyệt thực tịnh khẩu khi
nhận thấy các anh tự nhiên hình thành ngay tổ chức “Bảo Vệ Danh Dự Tù Chính
Trị" mà Trương Nhật Tân kèm rất sát Hoàng Xuân Chinh. Đây chính là hai cái
đầu tổ chức, một bên nóng một bên lạnh. Anh Trung lai thì tôi không lo ngại, vì
Trung nóng nhưng luôn quan sát chung quanh, biết tôi phật ý điều gì là anh sửa
ngay. Đây là một người thuộc hàng dũng tướng nhưng đặc biệt, rất biết nhược
điểm “Trương Phi" của mình. Trung với tôi là vai anh mà tôi sẵn sàng tử
chiến nếu ai đó đụng vào anh, ngược lại, anh dành cho tôi một sự nhún nhường
đặc biệt: “mày còn trẻ, lại từng lăn lộn đánh đấm kiểu bất bạo động ở nước
ngoài, ba cái vụ này tụi tao dốt, mày chịu khó đi đầu, tụi tao ắt biết phải
biến chiêu theo…”. Nguyễn Văn Trung
là cựu sĩ quan Biệt Cách Dù trước 1975.
Nhóm chủ hòa đứng đầu bởi luật sư Nguyễn Chuyên và một ông cựu nhà báo họ Phạm. Nhóm này ở tầng
phản dưới, góc trong cùng sát với tu sĩ Mai
Đắc Chương.Trên đầu nằm của nhóm này lại là Nguyễn Văn Trung. Chắc
chắn những bàn luận của nhóm này đã làm Trung “lộn ruột" cực kỳ. Những
khi Trung ngồi trên chiếu, mắt đỏ rực nhìn sang tôi lắc lắc đầu… tôi chỉ còn
biết cười méo xẹo ! Trần Minh Tuấn
thủ ngay cửa ra vào trên phản tầng trên. Vị trí này, dù ở nhà 3 hay nhà 4, nhà
1… Trần Minh Tuấn đều là “trấn thủ sa trường”, và đây chính là
một con cọp đối với những nhân sự ăng-ten. Trần Minh Tuấn có biệt danh là Tuấn điên. Là người còn sót lại
của tờ Hợp Đoàn A20 thời 1980. Tuấn quê Bình Định, là người trẻ nhất
trong tập hợp “sản xuất tiêu thụ Hợp Đoàn", một tờ báo do cánh anh Vũ Ánh thực hiện ngay trong trại A20 !
Trong nhà 2 nói riêng, toàn trại giai đoạn 1994 nói chung, không ai qua được
“tuổi cùm" của Trần Minh Tuấn, Vũ Đình Thụy, Hoàng Xuân Chinh và Nguyễn Văn Trung, Lê văn Thụ . Quá trình cùm kẹp ấy đã nghiễm nhiên biến những
nhân vật này thành những nhân vật huyền thoại của A20, tự nhiên khoác áo hàng
tiên chỉ của “làng tù đại thụ A20 Xuân Phước".
Phía dưới tầng nằm của Tuấn là… ông Phạm Đức Khâm và một số vị của VN Quốc
Dân Đảng, nằm xen kẽ với Michel Muôn,
Moris Đỗ Hườn, nhà báo Phạm Đức Hậu… đây là những người chọn
thái độ "nín thở qua sông". Hầu hết đều đã rất sợ không
khí có mùi tử chiến này. Bên cạnh các vị này là tu sĩ công giáo Nguyễn Thanh Hùng, một trong ba người
còn lại của vụ án linh mục Nguyễn Văn
Vàng. Đây là người mà anh em đã nghi oan rất nặng cho anh. Là người
được coi là “đớn hèn đầu hàng" khi ôm chăn chiếu rời hàng ngũ lúc bị đàn
áp sáng 26/10/1994. Gần 20 năm qua, đây là lần chính thức tôi tiết lộ vai trò
Hàn Tín của vụ tu sĩ đáng kính này. Nhờ ông và hai nhân lực già nua
của phong trào kháng chiến Liên Tôn /LM Nguyễn Văn Vàng mà bản tin sau cùng của
nhóm lãnh đạo hành động cuộc nổi dậy A20 được kịp thời đến với thông tấn
quốc tế, ngay khi đoàn điều tra về các nhà tù VN của LHQ vừa đáp máy
bay xuống phi trường Singapor.
Đào Đăng
Nhẫn vẫn là trực đêm nhà 2 để “rình
rập” anh em. Lý Hổ đã chia ra bên
nhà 1. Người gác đêm thứ hai của nhà 2 là một tù vượt biên còn trẻ,
đây là người không nguy hiểm, cũng là người được sự chỉ dẫn của tôi khá
nhiều trong đời sống tù.
Từ ngày 20-10 tôi không còn được xuất trại theo đội 12
nữa. Hết “làm việc” với trung ương Hà Nội ngoài nhà cơ quan lại phải “mần
việc” với an ninh trại. Đại úy Lâm bên an ninh và một đại úy bên tư tưởng
thay nhau “vần” tôi về các văn bản đã gởi ra ? Ai gởi ? Ai nhận ? Khi nào
? Nội dung ra sao ? Viết lúc nào ? Ai cung cấp thông tin cụ thể ?
Dĩ nhiên tôi chẳng dại gì cung khai anh em mình. Còn
việc nội dung thì…dễ ợt. Muốn tôi viết bao nhiêu bản tôi sẵn sàng viết.
Mớ đầu họ nghĩ ông Phạm Đức Khâm…
cà cho tôi viết. Thực cũng đáng buồn cười, vì bởi sự nghi ngờ này mà ông Khâm…
dính chấu vào với đoàn 10 người đầu tiên bị ra Trại 5 cùng với tôi… bắt tội mất
thêm mấy năm ông phải nhọc lòng kinh hãi.
Sáng 25-10 trại phải xuất hết, thậm chí những anh
em cụt chân hay đau nặng cũng phải cáng ra khỏi trại. Nhà bếp đến ba bốn
người hì hục mài dao. Buổi sáng trước khi các đội xuất trại, bản tin nội
bộ của anh em đã được thông báo đầy đủ “đoàn điều tra về nhà tù VN của LHQ đã
qua đèo Hải Vân từ ngày hôm qua…”. Nghĩa là giờ phút “long tranh hổ đấu” đã sắp
diễn ra ! Vũ Đình Thụy đã vừa
đi vừa lẩm nhẩm bài phát biểu bằng tiếng ăng lê. Cả Trung, cả Chinh đều đã lảm
nhảm những câu “tiếng nước lạ” một cách hết sức tự tin. “Đm, chả tin mấy đứa
thông dịch, anh em phải tự nói mới được”. Nguyễn Văn Trung vừa cột sợi dây luồn
quần vừa lầu bầu. Phạm Anh Dũng đã
“kết tinh" những điều cần phải phát biểu chỉ trong ba phút. Thầy Tuệ Sĩ ậm ừ: “Anh em làm được
đấy…”
Bên các anh em chủ hòa ai cũng ngại chạm mặt với bên
“chủ lửa". Thật tiếc là vài ngày trước đây, anh Võ Đằng Phương đã hết án tù 10 năm, ra về (9 năm tù cải tạo, 10 năm
tù vì thành lập đảng Cộng hòa Đệ Tam trong tù Bình Điền, tổng cộng 19 năm tù).
Trưa, đội về. Không khí phấn chấn rõ rệt. Mùi
thịt thơm bay ngào ngạt. Đội bếp “cày" cật lực. Năm con heo đi theo
Bác trong ngày 25.
Nhưng phần ăn chỉ có… nước là có mùi thịt. Cơm vẫn chỉ
một bát đầy. Rau muống vẫn vứt đống. Thịt lại được bày trong hàng ngàn chiếc đĩa
sứ, đặt từng mâm nghễu nghện chung quanh trong và ngoài nhà bếp. Các màn
mùng của đội tù nhà bếp được trưng dụng để mắc màn che ruồi bảo vệ các mâm
thịt.
Đỗ Bạch Thố đem từ bếp một chậu… tiết canh. Trên mặt chậu có đủ cả
ngò gai và lạc rang cháy cạnh, đều mặt là những miếng gan cắt rất đều, chỉa
những đầu nhọn khiêu khích. Thố bảo:
- Tiết quá trời. Mấy chả
biểu đánh tiết canh cho mấy chả. Tui chơi luôn cả chậu luôn.
Tôi hỏi:
- Lấy chi làm nhân ?
Thố xòe xòe năm đầu ngón tay mấy cái. Anh em
cười hể hả rồi chia khắp mấy bàn chung quanh. Đã quá lâu mới ăn được bát
tiết canh, ai cũng lộ ra vẻ thích thú. Thố vừa ăn vừa nói
với anh em:
- Coi như một cú khao quân.
Biết đâu sau ngày mai, mỗi người đi một phương...
Buổi chiều trại lại “xuất quân”. Khẩu hiệu được
huy động “thực tập chống bão”. Già trẻ đui điếc gì gì cũng đi ráo. Tôi vẫn
không có danh sách xuất trại. Quản giáo vẫn nhắc anh Ngô Bích “Anh Thành phải ở nhà chờ làm việc”. Buồng vắng ngắt chỉ hai người gác đêm và trực sinh. Giáo Đào kín đáo ái ngại những khi tôi đi qua đi lại trước cửa buồng tù.
Đâu chừng 14h30 thì an ninh vào tận chỗ tôi mời đi
làm việc. Cả an ninh lẫn tư tưởng và trực trại cùng một quản chế. Hai người
đeo súng đứng ngoài cửa buồng. Tôi đi ra ngoài trại, xuất cổng đi thẳng ra lối
vẫn quen dẫn ra nhà cơ quan. Tiếng sĩ quan tư tưởng gọi giật tôi
lại:
- Đi lối này anh
Thành.
Ngạc nhiên vì bàn tay chỉ của sĩ quan Luận chỉ về bên
tay mặt. Tay mặt là lối… dẫn vào khu chăn nuôi. Tủm tỉm cười, tôi hỏi:
- Mấy ông dẫn tôi đi chơi hay sao mà dẫn lối này ?
Tất cả không nói, cũng không tỏ vẻ căng thẳng.
Đi chừng 250 mét, bàn tay đại úy Luận chỉ vào cánh cửa
ngôi nhà lô của đội chăn heo ! Tôi thản nhiên bước vào. Bên trong đã có bốn
người súng dài ngồi sẵn. Trên mặt bàn gỗ tạp có ấm trà và mấy chiếc
ly sạch.
Tiếng heo ủn ỉn éc éc bất giác làm tôi bật cười:
- Thế này là thực tập chống
bão ấy à ?
…
- Mấy ông có ai hút thuốc lá
không ?
Hai ba người đều cùng lúc thò tay vào túi. Tôi nhìn cấp
bậc, toàn trung úy đại úy, hầu hết chẳng biết mặt người nào ! Tôi
cầm điếu thuốc Thái lan của người gần nhất, cầm quẹt đốt thuốc rồi
định bụng lê chân ra cửa. Người đứng gần cửa án ngữ ngay:
- Anh đừng đi ra ngoài. Chúng
tôi có nhiệm vụ giữ anh ở đây.
- Tại sao ? Sao lại là ở đây ?
- Chúng tôi chỉ biết phải
giữ anh.
Tôi lắc lắc đầu bảo “khó hiểu nhỉ”, tiện thấy anh ta
nói giọng Hà Nội nên tôi hỏi tiếp:
- Quê anh Hà Nội ?
…
- Hà Nội tháng này chắc
đẹp lắm ?
- Sao lại tháng này ?
- Cuối tháng10, mùa Thu.
Mùa Thu Hà nội thì hẳn phải là đẹp.
- Em chả biết…
Tôi hơi ngạc nhiên, tay này xưng em trong vô thức nhất
thời. Có lẽ bị đụng vào nỗi nhớ nhà của anh ta, xúc cảm quên đi giới tuyến
hận thù đang đằng đằng trước mắt, vì nguyên tắc, sĩ quan cán bộ trại giam
luôn luôn giữ thái độ trịch thượng với tù, đặc biệt là tù chính trị lại từ
hải ngoại về.
5 giờ chiều đi qua.
6 giờ chiều đi qua.
6g45 chiều đi qua. Màn đêm đã buông xuống !
Anh em khác bây giờ ở đâu. Tiếng heo kêu nghe rát cả lỗ tai. Mấy tay bảo vệ đã
cáu, làu bàu:
- Đm, bắn chết mẹ chúng
mày bây giờ, eng éc eng éc ! Điếc cả tai.
Tôi cười cười nói theo:
- Bọn này cứ phải bắn
chúng mới sợ. Mà phải là ba tiếng cơ...
Cả đám chợt nhiên cùng phá ra cười. Ba tiếng là hành
vi bắn báo động, dành cho trường hợp tù vượt ngục. Trại tù mà nghe thấy ba
tiếng súng liền nhau là không khí cực kỳ khẩn trương khẩn cấp. Súng ống
quản giáo quản chế sẽ lập tức tuốt trần, đạn lên nòng. Tù loạng quạng là ăn đạn
vào chân ngay.
Đúng lúc đang cười thì đại úy Luận xuất hiện, bảo tôi
cùng đi vào trại.
Tôi vào cổng vơí ba người đi kèm, súng cầm ngang tay.
Luận đi cuối. Cổng mở vẫn là trung úy Đa. Bước hẳn vào trại, các buồng tù đèn
vàng hắt ra các khung cửa, không khí nhốn nháo vì tất cả các đội chính trị cũng
vừa được dắt về, tất cả chắc chắn đều đã đói meo. Dũng và anh em đợi tôi ở nhà
ăn buồng 1. Cơm hôm nay có vài miếng thịt lợn của trại phát cho mỗi người. Tôi
hỏi Dũng:
- Tụi nó đưa anh đi
đâu ?
- Mãi ngoài kia, chả biết
là cái đéo gì !
Tôi bật cười, quay lại sau lưng thấy thầy Tuệ Sĩ đang đứng nhìn tôi và
Dũng. Tôi hỏi:
- Họ đưa thầy đi
đâu ?
- Nhổ cỏ ! Nhổ miết
rời cả tay.
Thầy vừa nói vừa xòe hai bàn tay đen nhẻm vì nước
cốt của cỏ. Nhìn thầy, gầy trơ hết xương xẩu, chỉ đặc biệt là đôi mắt cực sáng…
chợt dưng thấy lòng nao nao khó tả. Một bậc trượng phu trí thức cao thâm bàng
bạc phải chịu cảnh tù đầy nghiệt ngã, trong khi xã hội đang thi nhau phá sản,
băng hoại dần từng nền tảng đạo đức nhân văn !
Những tiếng kẻng chát chúa vang lên. Tôi và vội miếng
cơm định bụng chạy về bên nhà 2 ngay. Các anh Trung, Chinh, Trương
Tân, Nam Phương… đã nhớn nhác đi tìm tôi. Tiếng Trung:
- Út ơi Út ! ...Kỳ lạ
thằng này, mới nãy thấy nó vào rồi mà.
- Coi chừng gà hóa cuốc
đó cha nội, không thấy nó là hét ầm lên ngay, dứt khoát không vô buồng.
Tiếng Trương Tân. Tôi đang và vội bát cơm đứng hẳn lên. Trung nhìn thấy nói lớn:
- Út nó kìa, thằng mắc dịch
giờ này còn ham ăn.
*
Lúp xúp vừa đi vừa chạy băng ngang sân chung của khu 1 và 2, tôi hỏi Trung:
- Nó đưa đội 12 đi
đâu ?
- Lội
dưới ruộng rau muống !
- Tối vậy bộ nó không
sợ à ?
- Tụi nó tăng cường đông lắm,
toàn lạ mặt. Loạng quạng nổ súng ngay ! Cú này căng à nha...
- Quay sang nhìn vào mặt tôi,
Trung hỏi khẽ:
- Liệu chịu nổi không thằng em
?
- Chắc được !
Tôi vừa nói vừa bật cười. Nam Phương xen vào:
- Sợ cóc gì. Cùng lắm là
6 tháng cùm. Bọn hắn không dám giết Út đâu !
- Đừng coi thường.
Trung lấn vào lời Nam
Phương:
- Tao nghi mấy cha Việt kiều
này lắm ! Hai tuần là tiêu tùng hết ráo, nói chi 6 tháng !
- Để coi ! Biết đâu chừng
chỉ được 1 tuần. Tôi nói leo.
- Không khích tướng đâu
thằng em. Chịu không được thì buông, đừng cố quá, chết không chết mà điên
là hỏng hết ráo…
Trung nói xong thì cũng vào đến cửa nhà 2. Giữa nhà,
tất cả nồi niêu đã được trưng dụng làm đồ chứa nước, đặt ngay ngắn dọc lối
đi chính giữa nhà. Tiếng Trần Minh Tuấn
vẫn đốc thúc anh em tìm thêm bất cứ thứ gì có thể trữ nước. Giọng Bình
Định đã hơi khào khào:
- Anh em hút thuốc ở tầng
trên, dế (*1) dụi luôn ở trển, đừng ném xuống lối đi kẻo vào nước dự
trữ. Nước này là có thể thủ được nguyên tuần rồi.
Tôi leo lên chỗ nằm. Thoại đã ngồi sẵn trên chiếu gần chiếu tôi. Quét một vòng
quanh buồng, nhiều ánh mắt khắp buồng đang theo dõi mọi cử động của tôi.
Có lẽ nhiều ngưòi đã nghĩ là tôi đã bị dẫn đi sang khu cách ly khác.
Thoại nói nhỏ ngay khi tôi ngồi xuống chiếu:
- Ngoải đông lắm ! Ở nơi
khác về. Tăng cường dầy đặc.
- Có thấy dấu hiệu xe cộ
ồn náo gì không ?
- Không, tôi vừa vào trại
thì họ dẫn anh vào... Nhưng không khí thì gay go lắm. Khu gia binh ai cũng chạy
nhốn chạy nháo. Rượu thịt bày ê hề ngoài nhà tiếp tân.
- Có anh em nào của
mình còn ngoài đó không ?
- Đâu chừng bốn năm người.
- Chính trị mình không
hay sao ?
- Hình sự nữa, nhưng tôi
không biết rõ là bao nhiêu. Tụi nó ở bên dãy nhà khác, áo quần bảnh bao.
- Có lẽ đang được học
bài. Cú này chắc chắn mai phái đoàn LHQ sẽ vào và bọn trại sẽ dùng những
người ấy để thay mặt chúng ta…
- Chắc chắn là vậy rồi.
Thoại là tù chính trị án 18 năm, sắp mãn án vì sống
rất khôn ngoan với cánh giám thị, anh em tù chính trị nhiều người không thích
Thoại vì Thoại rất gần với giám thị Trần Ngọc Bôi, thường là Thoại ở đêm ngoài
nhà lô sát với khu hành chính. Tôi thì không coi chuyện “gần giám thị” là
điều gai mắt nên khi Thoại được tập trung gọi vào trại và nằm sát bên tôi,
tôi đã nói thẳng với Thoại “việc ai người đó làm, giám thị siết thì anh cứ làm
theo yêu cầu giám thị. Việc nào thấy nhắm mắt được thì nhắm mắt…”. Nguyên tuần
lễ qua, tôi uống trà và nói chuyện với Thoại rất thân mật, anh em trong nhóm
cứng rắn cũng có vẻ khó chịu. Đến khi chính Thoại, trong đêm thứ ba từ lúc vào
trại nằm sát bên tôi, tuồn cho tôi một con bọ. Con bọ (radio) Tàu bé xíu màu
đen còn nguyên dạng. Tôi cười cười nói không cần dùng. Thoại có vẻ buồn
vì nghĩ rằng tôi không tin Thoại. Tôi xoay xoay cốc trà sứt quai, nhìn về
hướng màn hình tivi dưới cuối buồng, tia nhìn xuyên qua phần vai của Thoại, nói
nhỏ vừa đủ nghe với Thoại và Trần
Đức Hào.
- Chuyện anh em làm. Tới
giờ này chắc hẳn mấy anh đã biết đến 90% là do tôi hứng mũi. Phương tiện
mấy anh có, hoàn cảnh mấy anh cũng có để có thể nắm bắt tình hình tốt hơn tụi
tôi. Việc tổ chức, không có thông tin tốt sao dám làm ? Chết hết
cả đám à ?
Cả Thoại và Trần Đức Hào đều có vẻ xúc động. Tôi hiểu
đây là những giờ phút quan trọng của họ. Họ tỏ thái độ rõ ràng đứng về với anh
em cũng không còn kịp, mà đứng về với phía giám thị thì cầm chắc cái chết và sự
nhục nhã.
- Mỗi người đều có quyền
chọn lựa cho mình những quyết định. Vì quyền lợi gia đình mình, vì lợi ích bản
thân mình. Điều cần là trong từng hoàn cảnh phải có những chọn lựa chính xác
cho hoàn cảnh ấy. Anh em trong trại nói các anh là ăng-ten. Tôi thì tôi không
tin chuyện ấy. Đối phương có quá nhiều ma mãnh để gây hỏa mù, rồi chính trong
sự hỏa mù ấy, các anh bị dồn đẩy vào việc không muốn…
Hào không nói gì, chỉ rơm rớm nước mắt. Tôi chưa bao
giờ nghĩ Hào là ăng-ten. Hào là sĩ quan trốn cải tạo, tham gia hoạt
động đảng phái với một nhánh của Đại Việt ở Quảng Nam, án 20 năm. Có
thể cách ứng xử của Hào là cách ứng xử của một người có máu chính trị, có
quán tính chính trị… để giữ mạng nên nhiều các anh bên gốc quân
đội không nhận ra hoặc không thích. Với tôi, tôi tôn trọng những
quyết định của Thoại và của Hào. Trần Đức Hào tuổi tác là đàn anh của tôi, ít
ra Hào hơn tôi sáu tuổi đầu. Thoại chắc hơn tôi hai hay ba tuổi. Cả Thoại và
Hào, nhân tướng không phát ra sự độc hiểm tàn ác. Giai đoạn này, giám thị bắt Thoại
vào trại lại nằm cạnh tôi, bắt Hào cạnh Thoại và bên tay mặt của tôi là đội
trưởng Ngô Bích. Anh Bích là người cực kỳ khôn khéo để giữ
được mạng trong nhà tù. Cách khôn khéo của anh Bích cũng làm cho
nhiều người cứng rắn khó chịu. Vị trí nằm của tôi chỉ còn lọt có mỗi Trần Nam
Phương là sát cánh. Cách bài trí sắp xếp chỗ nằm như vậy của giám thị, anh em
lại càng nhìn về Thoại với Trần Đức Hào với cái nhìn tóe lửa.
Tôi không nhận bọ của Thoại. Thứ nhất vì bọ của Thoại
ồn. Thính tai và đặc biệt theo dõi, bên ngoài buồng có thể áp sát cửa sổ và
thò súng vào bắt quả tang nếu tôi nằm trong mùng nghe radio (đương nhiên
là phải nằm). Thứ hai, trong buồng đã sắp xếp tinh vi hai con bọ
khác. Cả hai đã được tháo rời, loa đã vứt đi và mỗi phần thu sóng,
phát âm qua một dây nghe tai tách biệt hẳn với nhau. Đúng giờ,
bọ sẽ được chuyển đến những ngươì có khả năng phân tích để nghe. Hoặc chính
giáo Đào vì giáo Đào nghe được tiếng Anh rất tốt. Hoặc Vũ Đình Thụy hoặc Châu
Văn Tới. Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, không dại gì mà tôi để bọ bên tai.
… Buồng số 2 và số 1 đóng cửa rất trễ so với ngày
thường. Buồng tù chật chội, hơi người hầm hập lùa từ sàn dưới lên sàn trên.
Không khí này tôi rất ngại vì nhà 2 này chính là nhà bệnh, tập trung những
người bệnh, rất nhiều bệnh lao về nhà này…
Bỗng đèn điện tắt phụt. Hai người gác đêm lật đật
châm đèn dầu. Người gác đêm hình sự có vẻ cuống cuồng. Tôi vói người xuống ngăn
dưới nói với cậu ta:
- Đừng lo sợ. Không ai
trốn trại đêm nay đâu.
Quản chế chạy rầm rập bên ngoài, lượn cả vòng sau của
khu nhà. Đèn pin quét loang loáng và trên chòi canh lố nhố bốn năm cái đầu.
Không khí thật quái lạ ! Khu cách ly tường cao ba mét sát với tường chính
4 mét của khu nhà trực an ninh, không cách chi quan sát được bối cảnh bên
ngoài. Hơn trăm con người lò dò trong bóng tối. Hai chiếc đèn dầu thay
phiên lượn đi lượn lại giữa nhà.
Chừng gần tiếng sau đèn phụt sáng. Dù chỉ là đèn vàng
leo lét nhưng với hàng trăm con ngươì lúc nhúc, việc có ánh sáng là việc rất
cần thiết.
Không ai có thể hiểu, có thể ngờ được là thời gian cúp
điện vừa qua chính là thời gian đoàn điều tra nhân quyền LHQ vào
trại, được dẫn thẳng xuống hai khu nhà vừa được xây cất xong và bài trí sinh
hoạt ăn uống như một hội nghị công nhân ! Đoàn ghi hình thoải mái, phỏng
vấn đâu bốn năm người vốn đã được chỉ định trong số hàng trăm tù
hình sự đã được chuẩn bị chu đáo. Sau này anh em được biết là tất cả những người được
phỏng vấn đều xác nhận nhân thân “trước đây là tù, nhưng bây giờ là công nhân
cho công trình thủy lợi Đồng Xuân, đời sống hoàn toàn tốt đẹp…”. Tất cả
đều nhận mình là tù có án phản động, nay đã được cảm hóa…
Buổi phỏng vấn còn được làm ở ngoài nhà cơ quan trong
bữa tiệc hậu hĩnh sau một cuộc “vật lộn” muốn trào cả mật xanh mật vàng ra
ngoài của đoàn điều tra quốc tế vốn toàn dân khoa bảng trói gà
không chặt, trưởng thành nơi các xứ sở phương tây nhàn nhã.
Được biết, từ khách sạn công an ở Tuy Hòa, đoàn được
dẫn vào trại với hơn 4 giờ lái xe ! Đi qua toàn những con đường “cắc
cớ” nên khi vào tới trại, các “quan quốc tế” đều hồn bay phách
lạc. Được mời bữa ăn thịnh soạn trong bối cảnh tranh tối tranh sáng ấy thì
còn tâm trí đâu mà… quan với sát !
Ăn xong, thoải mái trà rượu rồi đi trở ngược ra Tuy
Hòa ngay, bất chấp đường xá đêm nguy hiểm. Đường khi vào với đường
khi ra, chênh lệch vốn giờ khá rõ rệt nhưng chẳng biết các ngài “điều tra”... có
nhận ra được điều khác lạ chăng.
Gần 23 giờ, tin tức đến chính xác chỗ tôi nằm:
Đoàn đã vào và đã ra khỏi trại ! Hội ý chớp nhoáng giữa Phạm Dũng, Nam Phương.
Tôi quyết định đánh đến cùng. Sáng sớm ngày mai tôi sẽ đứng giữa sân khu cách
ly và hét các khẩu hiệu nhân quyền. Phương đem quyết định của
tôi đi hỏi ý các nhóm tích cực.
10 phút sau, Nam Phương trở về, báo tất cả các nhóm
tích cực sẽ tỏ thái độ chiến đấu đến cùng. Tôi hô gì anh em hô nấy. Tôi bàn với
Nam Phương, ngày mai, sau khi hô lần thứ nhất, hoặc là họ (an ninh) sẽ đóng cửa
buồng hoặc không. Nếu đóng cửa, ta sẽ hô trong buồng. Nếu không đóng cửa,
sẽ hô ngoài sân, mỗi hai hay ba giờ một lần tự tập trung ngay hàng thẳng
lối giữa sân và hô khẩu hiệu.
Phương đi, 5 phút sau báo tất cả đồng ý. Tôi rời
chỗ nằm, bước xuống giữa nhà yêu cầu vài phút yên lặng. Cả buồng tắt tivi
chìm trong tĩnh lặng hoàn toàn. Tôi chính thức trình bày sự kiện đoàn nhân
quyền đã vào trại khi buồng tắt diện ban nãy, hiện đoàn đã xuất trại. Vì
sự giả dối này xúc phạm đến danh dự tập hợp tù chính trị nên một số anh em
quyết định ngay sáng mai, khi xuất buồng điểm danh, tập thể tù chính trị
sẽ tiến hành biểu tình bằng cách hô các khẩu hiệu “Nhân Quyền Cho VN”, “Tự Do
cho VN” bằng cả ba thứ tiếng. Xin công bố rõ ràng để những anh em
nào xét thấy không cần tham gia thì ngay khi điểm danh xong tự động tách hàng,
tránh sự liên lụy đáng tiếc. Nhóm hành động không khuyến khích sự tham gia của
những anh đã quá nhiều tuổi và bệnh tật…
Toàn buồng rơi vào im lặng, chỉ còn là các tiếng xì
xào của các nhóm. Tiếng Trần Minh Tuấn lại cất lên “Xin nhắc lại là
những sô nước dự trữ, anh em đừng để tàn thuốc (rê) rơi vào. Nước này là nước
chuẩn bị cho những anh em đấu tranh sẵn sàng tử thủ…”
Bên ngoài, nhiều bóng người chạy ngang dọc băng
qua sân phóng ra phía cổng trực trại...
...
(ct)
*1 - dế: tàn thuốc lá.
Phần 2: Tiếng thét nhân quyền A20 !
Nhà 2A chìm trong yên lặng, sự im lặng lạnh người.
Những toán lính quản chế đi tuần bước sát vào cận khung các ô cửa sổ, mũi sung
cà khịa vào cả những chấn song. Hai người gác đêm chốc chốc lại bị gọi báo cáo.
Chòi canh góc trại sát khu cách ly chính trị lầm lì những đốm thuốc lá cháy đỏ
lập lòe.
Bên trong buồng, dãy sô nước dự phòng xếp dọc theo hai
bên lối đi. Những chiếc màn màu cháo lòng ơ thờ lùa nhẹ mỗi khi có những cơn
gió lùa vào buồng. Những tiếng thở dài nối tiếp nhau rải rác khắp hơn trăm
chiếc mùng đang đan chật kín…
Đã hai giờ đêm. Bên cạnh tôi, Trần Nam Phương ngồi tĩnh tọa, màn cột chỉ che phần nhìn xuống lối
đi. Tôi nằm nhắm mắt định thần cố tìm một giấc ngủ ngắn nhưng không cách chi
ngủ được. Anh em không ai thấy ai ngoại trừ những người sát mùng với nhau. Bên
phải tôi là người tù tự giác vừa vào đêm qua từ nhà lô ngoài trại cũng trằn
trọc không ngủ. Tôi nghĩ chắc rất ít người có thể ngủ được.
4 giờ sáng, Trần Nam Phương buông màn nằm xuống phản.
Tay Phương thò sang chiếu tôi, cầm lấy bàn tay tôi đang đặt trên bụng.
Tay Phương gầy gò xương xẩu nắm lấy bàn tay tôi bóp nhè nhẹ. Trong hoàn cảnh
này, lời nói thành vô nghĩa.
5h sáng, có tiếng phì phì thổi những chiếc lò than được
chế tác từ những lon sữa gui-go. Những ấm trà cám đầu tiên của một ngày đã tỏa
hương thơm ngan ngát trong buồng. Màn tu
sĩ Chương đã cuốn xếp gọn gàng. Nguyễn
Văn Trung ngồi lặng lẽ nhìn vào tường, thỉnh thoảng đưa mắt sang bên chiếu
tôi và Nam Phương. Nam Phương gỡ màn của cả Phương lẫn của tôi, xếp lại
ngay ngắn đặt bên đầu nằm của Phương. Bên dãy phản tầng trên phía chính diện lối
vào, Tuấn Bình Định ngồi xếp bằng,
tay cầm điếu thuốc rê với chiếc lon gạt tàn bằng ống sữa bò. Hoàng Xuân Chinh đi đi lại lại ngay
trên phần chiếu của mình, hai tay chắp lại sau đít.
5h30 sáng. Tiếng kẻng báo thức chát chúa vang lên,
đoàn tù lục đục sắp xếp gọn gàng mùng mền chiếu gối, rời chỗ nằm đứng ngay
ngắn chờ xuất buồng điểm danh.
5h40 kẻng điểm danh vừa dứt, hai cánh cổng khu cách ly
được hai người tù tự giác tháo xích đẩy nép hẳn vào đầu vách tường trong. Trung
úy Đa bước vào sau, tay mò mẫm chùm chìa khóa lỉnh kỉnh thõng thượt. Cánh cửa
gỗ lim to đùng của nhà 1A được tháo khoá, tiếng cây thép ngang dài gần ba
thước rít lên những âm thanh khủng bố khi bị kéo tuột qua các lỗ khoen đai sắt.
Tiếng bước chân ào ào xuất buồng. Tiếng điểm danh tuần tự truyền thống kết thúc
bằng tiếng “báo cáo đủ” rất dõng dạc của người tù tự giác. Bước chân ba người
làm công việc điểm danh bước gần về phía nhà 2A, nơi quả mìn đang trong tình
trạng chờ kích nổ ! Tôi quay sang hỏi Trần Nam Phương:
- Có ai nhìn được chòi
canh ban nãy không ?
- Ba bốn cái đầu !
Phương đáp ngắn gọn. Chinh đứng trước mặt tôi,
nói vừa đủ vài anh em nghe được.
- Có chèo (*) lạ bên ngoài
tường ! Lố nhố năm bảy cái mũ thò lên mặt tường. Chắc đứng trên thang...
Chung quanh tôi tự nhiên có mặt Trần Minh Tuấn, Trương Tân, Trần Đức Hào,
Nguyễn Văn Trung, Lê Văn Trung, Lê Ngọc Vàng, Phạm Anh Dũng, Phan Văn Bàn,
Trần Văn Lương và cả Nguyễn Thành
tay chống một cái gậy. Tất cả không ai nói với ai một lời. Mặt người nào cũng
toát ra một khí sắc khác thường. Tôi hiểu, các anh ngại tôi sẽ bị bắt cóc ngay khi
bước chân ra cửa điểm danh. Thái độ này, được hiểu như thái độ một sống một
chết cùng nhau, dù không một người nào đứng ra kêu gọi hay gợi ý.
Tiếng suốt thép kéo cửa rồi tiếng cửa mở. Ánh sáng
tràn vào buồng. Đoàn người lần lượt đi hàng hai bước ra hết giữa sân. Tiếng nhà
trưởng xướng thủ tục điểm danh. Hơn trăm tiếng đếm chấm dứt. Người tù tự giác
vừa báo cáo đủ xong thì tôi cất tiếng nói lớn, quay hẳn người lại nhìn
đoàn tù đang đứng thành hàng bốn.
- Giữ đúng tinh thần đã
tuyên bố lúc 23h đêm hôm qua. Giờ đây cuộc biểu tình chính thức bắt đầu. Đề
nghị những anh em nào cảm thấy không đủ sức hoặc không muốn có những sự ràng
buộc không mong muốn cho mình, yêu cầu rời hàng ngũ !
Hai người tù tự giác đứng chết trân, gần hai trăm con
mắt nhìn chằm chằm vào trung úy Đa và hai người tù tự giác. Trung úy
Đa nói khá lớn, hướng về phía tôi:
- Các anh làm cái gì
vậy ?..
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta, đầu khẽ cúi xuống
rồi hất lên ngay. Đảo mắt nhìn trở lại hàng ngũ anh em mình. Tôi
hỏi lại một lần nữa:
- Còn anh nào muốn rời đội
ngũ xin rời ngay !
Không ai rời !
Ban nãy, ngay sau lời yêu cầu thứ nhất, khoảng
10 người đã tách hàng ngay, đi nhanh vào buồng. Hải ngoại có ông Michele Nguyễn Muôn dẫn đầu theo sau
là ông Moris Đỗ Hườn, ông Phạm Đức Hậu… nội địa có luật sư Nguyễn Chuyên người Nha Trang, ông Phạm Đức Khâm và nhóm vụ án ông Đoàn
Viết Hoạt. Hàng ngũ còn lại khoảng 90 người. Hàng bốn đứng hết sức ngạo nghễ !
Tôi quay hẳn người về phía chòi canh trực trại, dạng chân vung
mạnh tay thét lớn:
- Nhân - Quyền - Cho - Việt - Nam !
Đồng loạt tiếng hô “Nhân Quyền ! Nhân Quyền !
Nhân Quyền !” bật vút lên trời xanh. Tôi hô ba tiếng. Anh em bật lại
chín tiếng ! Khí thế không bút mực nào có thể diễn tả ! Người tôi run lên.
Sống lưng lạnh toát. Trong thân thể rừng rực tỏa nóng như là một vong hồn nào
khác chứ không còn là chính hồn xác tôi làm chủ nữa !
Khi tiếng thét thứ hai vừa xong. Súng AK trên chòi
canh bắt đầu khạc đạn. Nguyễn Ngọc Đăng hô tiếp ngay lời hiệu bằng
tiếng Anh “Fredoom for Viet Nam”.
Ba tiếng đáp Fredom ! Fredom! Fredom ! …như nhổ cả núi rừng yên tĩnh A20
! Từng tràng AK phụ họa theo làm không khí chiến đấu bốc lên đến tận
cùng. Tôi nghe tiếng Lê Thiện Quang
gào to “Không được mất bình tĩnh. Không được vọng động vượt qui ước “! Lời Lê
Thiện Quang vừa dứt là tiếng Phạm Anh
Dũng gào lên bằng tiếng Pháp “Liberté pour Viet Nam” ! Ba tiếng “Liberté !
Liberté ! Lieberté !” đồng điệu cất lên vang dội. 90 cái miệng gồng căng
uất ức nhịp nhàng theo phách hô của Lê Thiện Quang ! Cứ thế, hết tôi hô
xướng đến Đăng rồi đến Dũng rồi lại đến tôi. Đoàn tù hô xướng rầm rập !
Dáng đứng kiêu bạc của đoàn tù trọng án có lẽ cả đời tôi sẽ không bao giờ được
nhìn thấy lại lần thứ hai !
Bất ngờ một bóng người tách ra khỏi hàng, tay cầm cái
chổi cán dài quơ ngang dọc hét câu hét như là “Đả đảo cộng sản” có tiếng hô theo nhưng không đồng xướng. Tôi
không nghe rõ lắm câu hét này, tuy nhiên, đây là vượt qui ước ! Nguyên
tắc thoả thuận của nhóm hành động là chỉ có ba người hô lĩnh xướng là tôi,
Dũng và Đăng. (...Câu hô “đả đảo cộng sản” của ông Trần Văn Lương đã có một thời làm ra tranh cãi giữa một số
người. Giờ đây, câu chuyện đã 20 năm, bản thân tôi cũng không biết phải xác định
thế nào, vì trong anh em có người bảo là có, có người bảo là không ! Trần Nam Phương trong ba lần điện
thoại với tôi năm 2008 đều xác định là có, Trần
Văn Long xác định có, Lê Ngọc
Vàng cũng xác định có. Lê Thiện
Quang trước khi đột tử cũng xác nhận là ông Lương có hô như vậy nhưng anh
em chỉ vài người đáp ứng, không phải vì sợ, mà vì tôn trọng qui ước đã thỏa thuận. Ông Lương (nay ở Cam Ranh, cựu dân biểu
VNCH) thì khi ở trại 5 Thanh hoá với tôi, rất tự hào là đã hô lời hô
như vậy…).
Trở lại những giây phút cả đời không quên. Lúc ấy tôi
như bị “bà nhập”. Nghe tiếng súng. Ngửi mùi thuốc đạn khét lẹt… tôi khùng lên
như một con tinh tinh bị người đời cầm que chọc vào mặt. Tôi vung tay đến muốn
bật cả thân mình lên không trung ! Nhìn các người anh mình, tám chín chục con
người, quần áo vá chằng vá đụp, đồng loạt vung những nắm đấm lên trời xanh, mắt
tóe lửa, cằm cổ bạnh ra như một loài cobra thần thoại trong cơn say kịch
chiến. Đạn bắn cắm xuống sân bùn nhão! Bắn vung ngang lên các
thân cây dừa ! Một tràng đạn bắn rất sát qua đầu… tôi điên lên khi
mặt bị ướt nhẹp bởi một vắt nước bay đắp lên má ! Tưởng là máu các anh,
tôi quay đầu nhìn về bờ tường trại tù nơi có mấy họng súng đang quơ quơ…
Tôi vuốt tay lên mặt, chuẩn bị môt hành đông tử chiến nhưng vị ngọt làm tôi
tỉnh cơn say man dã, nhìn xuống bàn tay mình mới phát hiện ra là nước dừa chứ
không phải máu các anh !
Chúng tôi không còn biết gì nữa, không buồn để ý đến
chuyện cả trung úy Đa lẫn hai người tù tự quản tất bật chạy ngược ra cổng khu,
đóng cổng khu lại cho dù nhà 1A đội bếp chưa ra hết.
Đó là câu chuyện xảy ra vào lúc 5h 55 phút ngày
26-10-1994. Câu chuyện đã đưa đẩy cuộc đời tôi vào với muôn vàn những đắng cay
sau này ! Đắng cay vì sự trả thù của chế độ cuồng sát ! Đắng cay vì chút
danh rỡm phù phiếm mà những người từng một thời đồng cam cộng khổ quay ra
say sưa thóa mạ và nhiệt tình lăng nhục cả anh em gia đình tôi! Phải chăng,
đó là món nợ mà tôi đã phải trả bởi tiền kiếp xa xăm nào đó ! Món nợ tôi
đã không nuốt nổi ! Vì với kẻ thù, tôi có thể vạch ngực ngạo mạn thách đấu với
súng đạn bằng tay không! Nhưng với sự lăng nhục của chính anh em mình nơi đất
khách, thì nó là một nỗi đớn đau cả đời không tiêu tan được !
Anh em chúng tôi, không phải chỉ có một giờ của
thời điểm 5h55 phút sáng 26-10-1994… mà còn suốt ba ngày, sáng trưa chiều tối
đều tập trung và thét hô như vậy ! Bất cần đến những tiếng khóc thảm thiết của
thân nhân ngoài nhà thăm nuôi vọng vào trong đêm vắng. Chúng tôi đã bước
đến vạch sẵn sàng cho một nghi thức tuẫn tiết ! Tự do! Chưa bao giờ chúng tôi
cảm thụ nó ý nghĩa và thiêng liêng đến dường ấy.
Sáng 26-10 cửa buồng giam nhà 2A chật cứng công
an quản giáo, giám thị và đám sơ-vin về từ trung ương. Trên vách tường và
chòi canh là dày đặc công an quản chế. Từng quản giáo phải gọi đích danh
từng tên người tù của đội mình bắt phải xuất buồng. Từng người tù phải trả
lời dứt khoát về thái độ của mình. Suốt gần một giờ căng thẳng, không
ngươi tù nào bước ra khỏi buồng hưởng ứng lời kêu gọi đầu hàng !
Có hai trường hợp đặc biệt cần phải ghi lại trong buổi
sáng lịch sử ấy.
Trường hợp thứ nhất: Giáo sư Nguyễn Văn Bảo (Nha Trang), người lý luận của Cao Trào Nhân
Bản.
Trường hơp thứ hai: Tu sĩ Nguyễn Thanh Hùng (Sài Gòn), người còn lại của lực lượng linh
mục Nguyễn Văn Vàng / Phong Trào Kháng Chiến Liên Tôn.
Hai hình ảnh vô úy đã và sẽ trọn đời ảnh
hưởng lên đời sống còn lại của tôi.
Khi cánh cửa đã đứng chật cứng công an vũ trang, súng
lăm lăm chỉa vào trong buồng, từng người bị xướng tên và bắt phải
rời buồng cố thủ. Từng người từng người. Hết đội này đến đội khác. Thái độ
khủng bố tinh thần như tiếng dùi trống nện vào mặt đá, không âm vang nào
dội lại. Tên giáo sư Bảo được xướng lên đến ba lần, lần nào cũng chỉ nghe vọng
lại âm giọng Bình Định rất khẳng khái:
-
Tôi sống chết với anh em tôi !
Quản giáo Thăng nín tiếng, đại úy Lâm lên tiếng quát
gằn:
- Anh Bảo ! Anh không
biết thân anh ! Anh nghe người khác xúi dại, chết chỉ thiệt thân anh...
Lâm là người gốc Thái Bình. Đây là người đã nhiều lần
trực tiếp tra tấn giáo sư Bảo cực kỳ dã man, từng trói treo dốc ngược đầu
giáo sư Bảo dưới một gốc dừa và bắt anh em tù thường phạm đánh giáo sư Bảo bằng
cây. Có lẽ Lâm nghĩ rằng với giọng của Lâm, sẽ làm cho ông Bảo chao đảo. Nhưng
Lâm đã lầm. Từ trong buồng giam, ông Bảo nói rõ ràng:
- Tôi đã chờ ngày này hơn
10 năm rồi ! Giờ này có chết cũng là chết trong niềm vui sướng ! Đừng í ới gọi
tôi nữa mất công, mất thời giờ !
Cả buồng lặng người, đám cán bộ cũng tiu nghỉu bẽ
bàng, không ai nói thêm câu nào, lục tục chúc mũi súng quay trở ra ngoài khu
vực cách ly.
Trong gần 90 người ấy, duy nhất một bóng người
cao lớn đứng lên khi xướng đến tên mình. Anh dáng cao, da trắng, đeo kính cận. Gần
90 người yên lặng ngồi nhìn bóng người cao lớn ấy cắp chiếc chiếu và hai cái sô
nước của mình chậm rãi rời buồng ! Gần hai trăm con mắt nhìn anh với cái nhìn
khinh bỉ ! Tôi tái dại cả người khi ánh mắt của anh rất nhanh quét lên chỗ
tôi ngồi, vừa cúi xuống cuốn nếp chiếu, vừa như cúi chào tôi. Có lẽ anh đã
nghĩ là lần chào vĩnh biệt !
Tôi đã im lặng giữ bề sau của sự kiện này gần 20
năm ! Vài ba năm trước đây tôi chính thức lên tiếng về vai trò Hàn Tín luồn
trôn giữa chợ của anh. Hai bản báo cáo cuối cùng gởi Cao Ủy Nhân Quyền Liên
Hiệp Quốc và Công Luận Truyền Thông, nếu không có anh chịu cảnh nhục nhã,
rất nhiều phần trăm vụ biểu tình tuyệt thực phản đối chế độ lao tù cộng
sản tàn ác tại A20 của hàng trăm tù chính trị tháng 10/1994 đã bị chìm vào gió
núi Trường Sơn vô tình !
*
Chiều 28-10-1994.
Cuộc biểu tình đã gần hết ngày thứ ba. 17h giám thị Trần
Ngọc Bôi đứng với một đám trung ương ngoài cổng khu cách ly. Tin bên hình sự
cho chúng tôi biết là tăng cường của công an về ngoài trại rất đông. Chính
trung úy Vương Văn Đệ buổi trưa đã đứng trên chòi canh quát lớn: “Các anh ơi !
Chúng nó sẽ giết hết các anh ! Phá trại chạy ra đi ! Tôi yểm trợ…”. Vương Văn
Đệ người Tày Bắc Thái, bị đánh gục bởi đồng đội và đem đi mất tích (*).
17h15 những bóng đồng phục đặc chủng của một đơn vị
hóa học đã bao vây khu nhà cách ly ! Ba bốn người sĩ quan bên quân phạm được
đặt trên xe lăn chuẩn bị đẩy vào sân khu cách ly ! Đám hình sự bị bắt buộc
trang bị dây và gậy để buộc phải xâm nhập… Tất cả tình huống này tôi đã
liên tưởng ngay từ ngày đầu tiên. Sự kéo dài, trì hoãn dằng dai của hai bên… cũng
đã đến lúc phải tháo kíp nổ. Mục tiêu của anh em là nếu đoàn thanh tra nhân
quyền của LHQ còn ở trại hoặc gần trại…thì họ buộc sẽ phải quay lại. Đêm qua,
tin từ con bọ mà Vũ Đình Thụy nghe
được, thì đoàn đã đáp Singaport ! Như vậy, cuộc biểu dương đã có thể chấm dứt.
Thông điệp chiến đấu vì Tự Do của anh em chúng tôi đã có thể để lại với lịch sử
! Anh em trại tù A20/1994 đã vuốt mặt được cho những anh em A20 đã
chết. Vì với tình hình này, A20 chắc chắn sẽ phải xóa sổ tù chính trị !
Chế độ cộng sản sẽ phải phơi bộ mặt dối láo trơ trẽn điếm đàng trước diễn
đàn Liên Hiệp Quốc về điều mà Hồ Thể Lan, phát ngôn nhân Việt Nam cộng sản hằng
năm ra rả trên các phương tiện truyền thông quốc tế: “Việt Nam Không Có Tù
Chính Trị” !
(*) Chèo: tức công an. Đối lập với chống (chống cộng, chống CQ).
***********
Phần 3: Đêm Phi Công
31.10.1994
Trại tù A20
Xuân Phước.
(viết ngày
19.2.2015 Paris)
Cuộc biểu dương thái độ phản đối nhà cầm quyền cộng
sản VN của tù chính trị A20 bước sang ngày thứ ba .
Buổi trưa đã có một cuộc bàn thảo bên nhà 1A trên
chiếu tù nhân chính trị Nguyễn Thành
Trợ. Anh Trợ là án lưu niên, gốc gác liên quan đến nhân sự của một mảng
nhân lực đảng Đại Việt Phú Yên. Năm 1994 anh đã sắp mãn án, là nhân lực đã được
qui chế làm rộng. Nội dung cuộc bàn thảo xoay quanh một chủ đề tế nhị và kín
đáo được cho là là rất quan trọng. Trong chiếu bàn luận có Lê Hoàng Sơn là người về VN tham gia vụ án biểu tình bạo loạn
5-3-1993 tại SàiGòn cùng với tôi. Sơn về từ Hồng Kông, sau tôi 4h bay, cùng đáp
phi trường Tân Sơn nhất. Trần Nam Phương
có mặt trong cuộc thảo luận và ngay sau khi cuộc bàn luận chấm dứt, không
khí trở nên cực kỳ căng thẳng bên nhà 2A. Nội dung cuộc bàn thảo tôi không được
chia sẻ cho đến tận tháng 3 năm 1995, tức là gần 5 tháng sau, khi nhóm 10 người
của A20 bị đưa ra trại 5 Thanh Hóa tháng 11 năm 1994 được sáp lại sống chung
cùng khu cách ly 4A phân trại A Lam Sơn Đầm Đùn Thanh Hóa với nhóm hơn 40
người A20 chuyển trại ra tháng 1 năm 1995 gần những ngày cận Tết.
Đêm đầu tiên gặp lại nhau, tại căn buồng cách ly 4A
Lam Sơn Thanh Hóa,Trần Nam Phương ngồi sát cạnh tôi, cả hai lưng dựa sát vào
tường, cạnh cửa sổ, cách chỗ nằm của thầy Mai
Đắc Chương một chiếu nằm, giọng Quảng Nam của Nam Phương đều đều.
- Nội dung câu chuyện là quyết định cô lập bắt Phạm Thành giao cho giám thị. Lý do được nêu ra là để giữ an toàn mạng sống cho những người tù già yếu, giải tỏa căng thẳng trong trại tù mà chủ yếu là do Phạm Thành gây ra.
- Ai chủ xướng ? Tôi chầm
chậm hỏi Nam Phương.
- Nguyễn Thành Trợ !
- Chiếu bàn luận đông
không ?
- Năm sáu người ! Có
cả Dũng. Anh Dũng đến thì nội dung đã xong.
- Có Lê Hoàn Sơn à ?
- Từ đầu đến cuối !
. Phương đáp dứt khoát.
Tôi bần thần nhìn sang chiếu Michel Muôn đang có Lê Hoàn Sơn ngồi vơí ông Phạm Đức Khâm. Câu chuyện đã xảy ra năm sáu tháng, giờ đoàn người
bị đày ra đất Thanh Hóa chó ăn đá gà ăn sỏi này, âm vang oán trách tôi đã râm
ran trong năm tháng qua giữa một số người chung quanh ông Phạm Đức Khâm mà
Lê Hoàn Sơn là người cận thân nhất. Một cảm giác bẽ bàng ngấm dần vào tâm trí
khi hình dung lại 5 tháng bị cô lập vừa qua trong nhóm 10 người đầu tiên từ A20
ra Bắc, được đối phương xây dựng hình ảnh là nhóm thủ lĩnh cuộc nổi dậy A20
tháng 10-1994 .
Trưa 28/10/1994...
Tu sĩ Nguyễn Hữu Tín lúp xúp leo lên chỗ chiếu tôi
đang ngồi. Chung quanh mọi người gần như đều quan sát. Thầy lúp xúp vì tay cầm
một ly sữa lớn. Khi đã ngồi xếp bằng xong mới cầm một bàn tay tôi,
bắt xòe tay ra và đặt vào tay tôi ly sữa ấm. Thày nói:
- Thầy Tuệ Sĩ bảo
anh phải uống hết ly sữa này !
- Con không uống
đâu thầy !. Tôi đáp nhỏ nhẹ với vị tu sĩ hiền lành đang mang nguyên
bộ đồ nâu đã rất cũ ngồi trước mặt tôi. Thầy nhìn tôi, nửa thương nửa giận,
khuôn mặt thầy đen sạm, đôi bàn tay gầy gò xương xẩu .
- Tôi ăn làm sao nói làm
sao với thầy Tuệ Sĩ ! Thầy đã bảo nhắn với anh rõ ràng rằng “anh tuyên
bố tuyệt thực là tuyên bố với kẻ cầm quyền, anh không tuyên bố vơí chúng tôi.
Chúng tôi cần anh ăn và uống… cuộc đấu tranh này không ngày một ngày hai…”
- Con đã có trù liệu, đã
có tính toán ! Thầy cứ để cho con ứng xử …
Vị tu sĩ lại lật đật bám cột leo xuống sàn dưới, tay
cầm ly sữa còn nguyên, miệng lầu bầu:
- Bướng đâu mà
bướng ! Rồi sức đâu mà hô... sức đâu mà đi mà đứng !
Nhà 2A tự nhiên trở thành vắng bặt những người đã có
qui chế làm rộng đang cũng bị cô lập trong nhà 1A. Trần Minh Tuấn không rời vị trí chỗ nằm trên phản trên, chính diện
với cửa ra vào. Ngay buổi trưa 28-10 Tuấn nói rành rọt giữa nhà:
- Anh em ai ở đúng vị trí
nấy của mình. Bất kỳ người nào không thuộc tập thể ban sáng đã hô khẩu hiệu
nhân quyền đều không được bước vào buồng, đặc biệt là đến gần Phạm Thành…
Tuấn người Bình Định, tù từ 1978 khi mới 20 tuổi, tính
đến 1994 Tuấn đã hơn 15 năm lao lý với nhiều tháng năm cùm. Tuấn tìm quên trong
lao động khổ sai ở đội trọng án 12, ít nói ít cười nhưng khi đã nói thì
thường là có chuyện lớn. Đây là mẫu người hành động, khuôn mặt sạm đen rắn rỏi,
bước chân đi như bước chân mèo chỉ rõ sự tiềm tàng của những thế võ cận chiến
biến ảo vô lường của người dân đất võ.
Ngay sát cửa ra vào tầng dưới là Nguyễn Thành với cái gậy chống làm nạng
mà rất ít khi Thành kè kè bên người. Nguyễn Thành người Huế Lăng Cô, nguyên
sĩ quan cảnh sát quốc gia VNCH, hơn tôi chừng 6 tuổi, không trình diện cải tạo,
lập ổ kháng cự, thất bại năm 1978. Sa lưới, tra tấn đến nát hai phần gân nhượng
nên đi đứng rất khó khăn. Việc NguyễnThành thủ ngay cửa ra vào với cây gậy
trong hoàn cảnh này không khác gì một lời tuyên chiến cảm tử, không khí
trong buồng vì thế lại càng khẩn trương hơn. Vũ Đình Thụy (Phú Yên) và Hoàng
Xuân Chinh, Trần Nam Phương, Trương Nhật Tân (cả ba đều Quảng Nam)
đã rất nhanh thảo quyết thư gởi Giám thị và Bộ Nội Vụ, bản sao gởi công
luận quốc tế. Nam Phương leo lên chỗ tôi ngồi tịnh tọa nói nội dung bản quyết
thư và hỏi hộp thư tầng chót là ở đâu ? Tôi cúi mặt xuống nhìn viền
mép chiếu tù sờn rách, nói vừa đủ cho Nam Phương nghe: “Đào Đăng Nhẫn” !. Phương thảng
thốt nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi im lặng gật đầu như một thái độ xác nhận
lần cuối. Phương leo xuống. Chừng nửa giờ lại leo lên:
- Anh Bàn hỏi lại là có
đúng Út nói ban nãy là Nhẫn gác đêm không ?
Tôi khẽ gật đầu, nhìn thẳng vào môi Trần Nam Phương:
- Em đã trù liệu cẩn thận.
Các anh cứ thế mà làm, không lo ngại !
Phan Văn Bàn nguyên cựu cảnh sát đặc biệt, trước 1975 chịu trách
nhiệm một mảng nhân sự an ninh hỗn hợp quan trọng của vùng cao nguyên Di Linh
Đà Lạt Lâm Đồng. Anh không nằm trong danh sách tù cải tạo được thả sau hạn án 6
năm của trại K4 Long Khánh năm 1982, một mình còn ngồi trơ lại giữa sân trại mênh
mông để cuối cùng xách gối chuyển trại lên cao nguyên Gia Lai Kontum, vài năm
sau ra về tức khắc thành lập ổ kháng cự “Mặt Trận Dân Quân Phục Quốc Nội
Biên” với Trần Cao Hùng (tử hình tại Đồng Nai 1984). Lần bắt ấy anh án
chung thân, nghe dân chúng Long Thành đồn thổi nhiều về vụ án lẫm liệt
này vì trước hội đồng xử án, Trần Cao Hùng ngang nhiên hô “đả đảo cộng sản
…”
Phản ứng của anh Bàn tôi không ngạc nhiên, vì tất cả
các tù chính trị đều “chạy mặt” các vị gác đêm ! Trường hợp anh Đào Đăng Nhẫn (giáo sư Văn Sử Sinh Ngữ
Trung học Võ Tánh Nha Trang) là một trường hợp đặc biệt ngoại lệ, anh ẩn nhẫn
trong vai trò này để thực hiện những bước truyền tin cuối cùng.
Anh Nhẫn sau ra tù, vợ con bảo lãnh sang Boston để
thay tim. Tình hình sức khỏe của anh yếu cực kỳ sau đó nên gia đình yêu
cầu anh em bằng hữu không nhắc cùng anh những sự kiện liên quan đến chính
trị. Một nhà trí thức yêu nước, đấu tranh bằng những dạt dào tình cảm yêu
thương… đã phải vùi mình vào sự yên lặng lạnh lùng của thời gian và thời
cuộc !
Trở lại với không khí khu vực cách ly chính trị A20
Xuân phước ngày 28-10-1994. Nhóm anh Hoàng Xuân Chinh, Trương Nhật Tân, Vũ
Đình Thụy đã viết xong quyết thư, minh bạch xác lập thái độ phản đối nhà cầm
quyền về việc dùng tù hình sự (đã được hứa hẹn khoan hồng giảm án) mạo danh tù
chính trị trước đoàn điều tra nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Thể hiện thái
độ phản đối cụ thể là bất hợp tác với giám thị của toàn bộ nhà 2A. Yêu cầu
một sự đối thoại nghiêm chỉnh của Bộ Nội Vụ về hành vi lường gạt của an ninh
trung ương, dùng ban giám thị A20 làm trung gian cho hành vi lường gạt tập thể
tù chính trị đang có mặt tại trại tù A20. Đi kèm với quyết thư là danh sách
tuyệt thực đợt đầu gồm 13 người. Ba người tuyệt thực vô thời hạn và 10
người tuyệt thực ba ngày (cho đợt đầu). Danh sách 13 người gồm có:
(hình chụp
bản quyết định tuyệt thực 13 người, A20 Quê Mẹ )
Trong danh sách khi biết có tên anh Huỳnh Ngọc Tuấn tôi có hơi băn khoăn,
vì anh Tuấn gần như là người duy nhất thuộc diện tù vì cầm bút. Vóc dáng
thư sinh, nụ cười hiền lành, lại rất gần với ông Phạm Đức Khâm, một chính trị
gia ít ỏi trong tập thể tù vì hành vi chống đối nhà cầm quyền cộng
sản mang đặc thù là màu sắc của một cuộc cách mạng bạo lực giai
đoạn khởi đầu. Thấy tôi nhíu mày khi đọc đến tên anh Huỳnh Ngọc Tuấn, Nam
Phương hiểu ý tôi ngay, anh nói:
- Đừng coi thường Quảng
Nôm tụi tui chớ !
- Có biểu hiện gì về
ông Khâm trong quyết định của Tuấn không ?. Tôi hỏi nhỏ Trần Nam
Phương.
- Không ! Anh thấy
Tuấn hắn hoàn toàn độc lập trong chuyện này !. Phương khẳng định.
Trong danh sách còn có cả Lầu Sĩ Phúc, người của vụ án Dòng Đồng Công. Phúc mẹ Việt cha Mỹ,
sống lăn lóc trong cuộc sống khó khăn sau 1975 tại Thủ Đức Sài Gòn.
Phúc có lòng nhưng chắc chắn sẽ bị kẹt về lý luận khi an ninh đẩy vụ
việc thành một vụ án lớn. Tôi nói với Nam Phương:
- Em giờ tùy thuộc ở các
anh thôi. Các anh quyết sao em theo vậy. Có điều phải cẩn thận với những anh em
quyết chí đứng mũi chịu sào. Tuấn có vẻ thư sinh quá, không biết có chịu
nổi tra tấn khốc liệt dai dẳng không ? Phúc sẽ giới hạn trong lý luận khi
chúng đẩy chuyện của chúng ta thành một vụ án lớn. Điều này mình đã bàn rồi,
chắc chắn chúng sẽ đem ra tòa để vớt vát thể diện nội bộ. Tất cả sẽ ít nhất
cũng tăng án thành chung thân…
- Út không phải lo ! Anh
em đã bàn hết rồi…
Phương vừa nói vừa đặt tay lên đầu gối tôi lay nhè
nhẹ.
Từ lúc đó, tôi chỉ chuyên chú việc giữ sức khỏe vững
vàng bằng cách giữ thật sâu các hơi thở. Tôi không ăn từ ngày 27 nhưng chủ động
được nước uống. Đường dây truyền tin cuối cùng anh Đào Đăng Nhẫn làm rất tốt. Nhóm nhà máy đèn qua Nguyễn Đình Oai đem được những bản tin
cuối cùng từ chiếc bếp lò bé xíu của Đào Đăng Nhẫn và sau cùng là
công trình của ba người còn sót lại của vụ án linh mục Nguyễn Văn Vàng
dòng Chúa Cứu Thế 1978. Ba người này do sự tổ chức của Nguyễn Thanh Hùng băng qua các rừng mía
để truyền thư đến giáo xứ Kỳ Lộ. Từ đó, tin đã đi đến đúng nơi cần đến, gần như
là tự phát một cách rất tình thế.
17h ngày 30-10. Trước tình huống đã quá căng, điều bất
lợi cho sinh mạng các anh tù lưu niên và bệnh tật đã hiện ra rõ ràng. Trần Văn Lương là trực sinh buồng,
Lương và trực sinh của nhà 1A bắt buộc hàng sáng phải khênh những thùng phân
người của hai nhà 1A và 2A ra khỏi khu cách ly, đem ra đổ cho các “ao
cá bác Keo”. Sáng 30 Lương vào trại sau khi đổ phân, đến gần tôi ngay:
- Anh Thành, chúng nó
dùng hóa học !
- Rõ ràng chứ ?. Tôi thì
thào với anh Lương.
- Rõ ràng ! Chắc chắn !
Đừng quên tôi xưa ở căn cứ Cam Ranh làm trong khâu hóa chất…
- Bằng chứng ?
- Các vỏ hộp ! Tôi nhìn
thấy 4 vỏ hộp ném ở góc chòi trực trại, đều có dấu vàng cam và sọ người gạch
chéo, chữ Tàu và chữ Ăng lê !
Ngừng một lúc, Lương nhìn tôi khá lạ lùng:
- Anh với trực trại Đa
thế nào ?
- Ông ta là người đàng
hoàng !. Tôi trả lời anh Lương, biết thế nào cũng đã có một biểu hiện nào đó
của trung úy Đa đối với cá nhân tôi. Đa là người mới vào làm trực trại A20
từ Sơn Tây. Là người thích đọc sách mà tôi thì khá nhiều sách báo do
gia đình gởi vào. Một vài lần trao đổi khiến tôi quí Đa vì Đa không như
những quản giáo hay trực đội, quản chế… khác. Hoàn toàn không có thái độ “xin
đểu” tù nhân dù gia đình Đa rất nghèo, mẹ lại bệnh nặng…
- Đa nói nhắn riêng anh: “Tình
hình đang rất nguy hiểm cho anh em tù chính trị…”
Tôi liên tưởng đến dáng đứng nghiêng nghiêng của Đa
bên chiếc xe đạp cũ. Nhớ lại đôi mắt thảng thốt của Đa khi tên tù hình
sự vì leo hái dừa để bán (phần của Đa) bị trợt chân ngã từ ngọn dừa.
Con mắt ấy là con mắt của người có lòng nhân ái và có trách nhiệm, điều khá
hiếm hoi trong lớp người mang đồng phục màu xanh lá mạ hoặc màu xanh cứt ngựa
đang nắm quyền sinh sát trong xã hội. Tôi hiểu được ẩn ý của Đa qua câu
nói với anh Lương.
17h50 lố nhố ngoài cổng khu là những chiếc xe lăn, năm
bảy người mặc quần áo như phi hành gia lẩn khuất phía sau những chiếc xe lăn.
Đám hình sự chừng ba chục đứa tay cầm dây hoặc cầm gậy, hai người sơ vin cầm
hai cái máy quay phim dạng V8. Hàng tường đối diện khu cách ly lố nhố những
chiếc mũ sắt...
Quản giáo đội 12 là đại úy Thăng, Lâm an ninh thiếu tá,
thiếu tá Luận tư tưởng… cùng với năm sáu quản chế súng dài đi vào sát cửa buồng
2A yêu cầu anh em xuất buồng ra sân đối thoại. Trần Minh Tuấn nói:
- Muốn nói gì thì
vào đây nói !
Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Văn Trung (Trung Lai),
Trần Minh Tuấn, Nguyễn Anh Linh (Sĩ Anh)
tại trại tù 20 Xuân Phước Phú Yên.
Tôi bàn chớp nhoáng với Trần Nam Phương rằng chúng ta
cần xuất buồng. Căng như vậy đã đủ rồi, đoàn điều tra đã rời Việt Nam,
đã đáp xuống Singaport. Tôi sẽ để cho họ bắt đi cùm và các anh cần
phải chịu đựng, đừng vào cùm vì cuộc chơi còn phải tiếp tục bằng một hình
thức khác.
Phương rất nhanh đi nói nội dung với Nguyễn
Văn Trung và Hoàng Xuân Chinh, Phạm Anh Dũng. Bốn người tỏa đi khắp buồng.
Tôi chờ cho tớí lúc Trần Minh Tuấn nhìn sang tôi gật đầu, mới lên tiếng lớn:
- Các ông cứ ra ngoài
cổng cách ly hết. 15 phút nữa chúng tôi sẽ tập trung giữa sân nhà 1.
Bẩy tám người an ninh lùi ra khỏi cửa buồng, ra
hết ngoài cổng khu. Một cái bàn được đưa vào sân, cách cổng khu chừng 20 mét,
đúng tầm các cửa sổ của nhà 1 có thể nhìn ra và nghe được mọi diễn tiến.
Các quản giáo có mặt hầu hết, không ai mang súng. Đám vũ trang đều
đứng hẳn ngoài sân chung hoặc nhô đầu trên các bức tường, đám hình sự và quân
phạm được nhanh chóng tập trung sang sân nhà 3A. Cách bố trí này chứng tỏ sự
bất ngờ của nhóm an ninh trung ương đòi thực hiện đối thoại.
Nhà 2A xếp hàng nghiêm chỉnh, khoan thai đi ra
khỏi buồng nhắm hướng sân nhà 1 trong cùng khu cách ly. Tôi đi gần sau cùng, các
anh bọc kín chung quanh thành hàng 4. Tiếng Trần Đức Hào:
- Không để bất cứ ai chen
vào gần Phạm Thành !
Nguyễn Văn
Trung, Hoàng Xuân Chinh, Trần Nam Phương, Phạm Dũng, Lê Thiện Quang, Phan
văn Bàn, Bùi Thúc Nhu, Nguyễn Ngọc Đăng…
quây tôi vào giữa. Nguyễn Thành vẫn
tay cầm cái gậy chống từng bước vòng ngoài, cách tôi chừng ba người. Trời
đã nhá nhem, mặt Thành chỉ còn nhìn thấy bộ răng trắng mội khi anh đốc thúc anh
em kè sát vào lối tôi đi.
Gần trăm người đã tập trung, ánh điện vàng le lói đã
hắt lên các tàu dừa đang phất phơ quờ quạng. Đoàn tù xếp thành hàng 5. Sĩ
quan Luận văn hóa yêu cầu mọi ngươì ngồi. Anh em ngồi xổm xuống đất (tôi
rất không thích kiểu cách ngồi như thế này, nhưng các anh đã ngồi hết nên
tôi cũng đành đoạn ngồi như các anh). Chừng ba phút thì giám thị Trần Ngọc Bôi
bước vào, bước chân có vẻ đã chuyếnh choáng ! Thoang thoảng có mùi rượu
!..
Ông Bôi đến chống hai tay xuống bàn nói ngay:
- Tôi đã nói với con tôi
rằng, sau này lớn khôn, chọn nghề gì mà làm, đừng đi làm giám thị …
Ông im lặng một chút, mắt mệt mỏi nhìn gần trăm tù
đang ngồi trước mặt ông. Nói tiếp, chậm rãi:
- Các anh đòi nhân quyền!
Có ai lấy mất nhân quyền của các anh đâu ? Các anh vẫn hít ! Các anh vẫn thở !
Các anh vẫn ăn… Chúng tôi nào có cướp giật của các anh đâu... Phải
không nào ?.. Còn Liên Hiệp Quốc ư !..Tây đấy ! Tây đến rồi thì Tây
lại đi... chỉ còn lại chúng tôi với các anh…
Ông ta hất hất cái đầu, đưa tay vuốt mấy cọng tóc lòa
xòa. Tôi biết ông này đang ngà ngà say và đã đổ mồ hôi trán. Giờ này, tiết
thàng 10, trời đã dịu và trại tù đã lên đèn, việc đổ mồ hôi không thể là
do nhiệt độ…
Nói xong, ông ta nhìn thấy Thoại đang ngồi trong nhóm chống đối bèn gọi Thoại tách hàng bước
ra. Thoại đáp không rõ tiếng và vẫn ngồi nguyên vị trí. Ông giám thị Bôi càm
ràm chi đó, đại khái là Thoại là đứa dại dột…
Trong nhóm tù, Hoàng
Xuân Chinh đứng lên, dõng dạc hỏi trung tá giám thị Trần Ngọc Bôi về việc
“thực tập chống bão”. Ông Bôi đáp kiểu cà rửng, đại ý là giám thị thì
có quyền điều động tù đi làm bất cứ việc gì. Tù thì là đã mất quyền công dân
v.v…
Tôi ngồi giữa, các anh vây kín chung quanh. Hướng mắt
vào nhà 1, các ô cửa sổ chật cứng những cái đầu anh em đội bếp và đội lò gạch
cùng những ngươì ngoài nhà lô đã bị gọi hết vào, dầy đặc sau các chấn song.
Ngoái nhìn về nhà 2 tôi thấy hai cánh cửa gỗ lim đã khép lại …
Thấy tình hình đã phải tháo ngòi nổ để bảo toàn tính
mạng những anh đã quá yếu. Tôi nói với các anh chung quanh:
- Em sẽ để chúng đưa đi
cùm và nhiều phần trăm là sẽ không còn gặp các anh nữa. Chúng nghĩ là tách được
em khỏi các anh thì câu chuyện sẽ chấm dứt. Ta tạm thời sẽ làm như
chúng nghĩ. Các anh đừng làm căng nữa. Mục tiêu chúng ta đã đạt được gần
hết rồi. Cái đoàn thanh tra ấy không gặp được chúng ta, cuối cùng lại là điều
may… vì họ gặp được chúng ta, chắc chắn chúng ta đã không vuốt
mặt được cho những A20 đã chết… như hành động của chúng ta ba ngày hôm nay…
Nói một câu dài với các anh xong tôi giơ tay và
đứng lên. Ông Bôi nói khá lớn:
- Mời anh Thành phát
biểu.
Tôi nóí lớn, chậm, cốt
để mọi người cùng nghe rõ, kể cả trong nhà 1A hàng trăm cái đầu đang chen nơi
các ô cửa sổ:
- Thưa ông giám thị. Điều
đầu tiên tôi cần nơi ông một lời hứa danh dự ...
- Được tôi hứa !. Ông ta nhanh nhẩu đáp.
- Thứ nhất. Sự phản đối
của anh em chúng tôi là điều hợp lý. Đặt các ông vào trường hợp chúng tôi, các
ông cũng sẽ phản ứng như vậy…
Trên bàn, ông Bôi đứng im lặng, có ý chờ câu nói tiếp.
Đám trung ương đứng ngoài cổng khu cách ly cũng yên lặng. Tôi nói to:
- Việc của các anh em
chúng tôi phản ứng quyết liệt trong ba ngày qua, tôi là người chịu trách
nhiệm khởi xướng. Tôi sẽ tự tách đội ngũ để chịu sự xử lý của giám thị.
Tuy nhiên tôi cần nơi ông một lời hứa danh dự, đó là không tiến hành tiếp tục
các hành động đàn áp các anh đã tham gia cùng với tôi. Mọi việc được coi như
chấm dứt ở đây.
- Được tôi hứa !. Giám
thị Bôi nói nhanh như sợ tôi đổi ý.
Tôi quay lại nói với các anh chung quanh mình:
- Chào các anh, em đi !
Xin các anh đừng làm dữ nữa. Ta phải bảo toàn mạng sống để còn tiếp tục.
Quay lên phía đầu hàng nơi có bàn giám thị Bôi đang
đứng, chung quanh hai bên tường dày đặc các công an trong tư thế sẵn sàng chiến
đấu. Tôi nói lớn:
- Ban nãy ông giám thị so
sánh chuyện nhân quyền như chuyện ăn ngủ, chuyện thở ra hít vào. Tôi xin
bày tỏ sự phản đối với cách ví von ấy. Vì con trâu, con bò, con gà, con
chó… chúng cũng đều có ăn có ngủ có thở hít…. vậy chúng cũng đang là được hưởng
nhân quyền ư ? Anh em chúng tôi đòi nhân quyền là đòi những giá trị đáng sống
của con người đã được Liên Hiệp Quốc làm thành công ước mà nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa VN là một thành viên cam kết thi hành. Nếu các ông coi nhân quyền của
con người chỉ là sự thở ra hít vào thì đây, để bày tỏ sự phản đối, tôi xin
mời các ông xích lại đôi tay này…
Nói dứt câu tôi lách chân bước ra khỏi hàng 5 đang
ngồi cứng chung quanh, với một lời tha thiết cuối cùng “Xin các anh chịu đựng !
Đừng làm dữ nữa ! Để trận khác…”
Bước ra khỏi anh em mình, tôi thoáng thấy bóng Lê Văn Thụ dợm đứng lên. Nguyễn Văn Trung rồi Nguyễn Ngọc Đăng… hàng ngũ có vẻ nhốn
nháo nhưng tôi không còn quan sát được nữa vì đã bước chếch hẳn lên
đầu hàng, sát chính tâm lối ra vào của nhà bếp nhà 1A. Vị trì này rất sát với
chỗ nằm của trực gác đêm nhà 1 Đào Đăng
Nhẫn. Toàn nhà 1 hàng trăm cái đầu, không một tiếng động ! Tôi đứng hơi dạng
chân, đoàn tù ngồi giữa sân giờ này là bên tay mặt của tôi, chếch phía sau lưng
chừng 6 mét. So thế đứng, tôi đã đứng ngang hàng với giám thị Trần Ngọc Bôi.
Đưa hai tay ra phía trước, hướng vào bốn năm tay công an đang
đứng nhìn vào tôi, tôi bạnh cằm nhìn thẳng mặt bốn người:
- Xin mời !
Cả bốn đứng bất động !
Vài giây nặng nề trôi qua, tay tôi vẫn giơ ra phía
trước nhưng chân đã thu lại không còn thế dạng chân nữa, vì nghĩ mấy
người công an sợ tôi liều mạng đánh đòn chân trong tư thế ngang tàng ấy. Tiếng
giám thị Bôi cất lên rất lớn:
- Còng nó lại !
Mấy tay công an lạ mặt mình đầy ba trắc cùm còng vẫn
đứng yên. Thiếu tá Luận lúc đó mới bước đến gần, với tay lấy bộ còng số tám của
người công an đứng bên cạnh, bấm móc ngàm còng vừa khít hai cổ tay tôi.
Đúng lúc ấy, tiếng Nguyễn Ngọc Đăng
cất lên:
- Đã cùm thì cùm luôn cả
tôi này !
Đăng đứng lên, đưa hai tay ra phía trước đi dần đến
gần tôi.
- Còng luôn nó lại ! Dắt
đi ngay !
Tiếng ông Bôi lại quát lên.
Bốn người công an áp giải tôi và Đăng bước
ra khỏi khu vực cách ly, đoàn tù ngồi đứng nhốn nháo. Tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng
dáng cao lớn của Nguyễn Văn Trung bước
lên đầu hàng, tay như đang phụ họa cho một câu nói nào đó…
Trời bất chợt đổ cơn mưa lất phất !
*
Ra khỏi cổng khu cách ly, bốn tay công an quản chế
cùng với Lâm thiếu tá và Luận kẻ trước người sau áp giải tôi và Đăng đi về
hướng tay trái nhắm nhà văn hóa. Tôi nghĩ rằng họ đưa thẳng tôi vào buồng cùm
sát cạnh nhà bếp nhưng không, họ đưa tôi và Đăng trực chỉ khu nhà văn hóa. Khi
bước chân đi ngang qua dàn mướp bên tay trái và cái hồ thủy tạ bên
tay mặt với nhiều cây kiểng già nua, tôi nhìn Đăng, hỏi:
- Chơi nữa không ?
- Sợ gì !!. Đăng đáp ngay. Tôi giơ cả hai tay đang
bị còng lên đầu hô cật lực “Nhân Quyền cho Việt Nam” Đăng cũng giơ hai tay
còng lên trên trán đáp ba tiếng “Nhân quyền ! Nhân Quyền ! Nhân Quyền” rõ to !
Súng lại khạc đạn ở ba phía chòi canh. Tiếng Lâm thiếu tá gằn giọng không
kiểm soát:
- Địt mẹ ! Đã bảo là
không được bắn nữa !
- Mấy thằng Phú Yên ! .
Tiếng một tay thiếu úy giọng Thanh Hóa cất lên ngay sau tiếng của Lâm...
“À thì ra là chúng mày sợ tiếng súng…” tôi liếc
mắt sang Đăng. Đăng hiều ý, hắn bất ngờ quất luôn bốn câu xanh dờn “Đả - Đảo -
Cộng - Sản”. Tôi khoái nghe tiếng súng bắn trên các chòi canh nên hét đáp cật
lực hai chữ “Đả Đảo”. Hai cái chữ mà tôi rất hay hô khi còn ở Paris trong các
cuộc biểu tình, đến nỗi đã có lần tôi bị cự nự “hô đả đảo cộng sản thì phải rõ
là cộng sản nào! Cộng sản Pháp đâu giống cộng sản VN” ! Khi ấy tôi cũng chẳng vừa, gân cổ vằng lại
“ĐM ! Cộng sản đéo nào cũng như nhau ! Cũng thủ tiêu, cũng điên khùng, cũng dối
láo…”. Giờ đây, trong cơn mưa phùn lất phất, hai tay bị còng, chung quanh là
năm sáu người bên kia chiến tuyến, câu hô đả đảo này mới thực sự làm tôi sảng
khoái.
Tôi và Đăng hô hai lần “đả đảo cộng sản” thì chân bấm
đến thềm nhà văn hóa. Mấy tay thiếu úy và hạ sĩ quan cầm súng dài đi bên
tôi và Đăng mặt thật khó diễn tả. Thù không ra thù, bạn không ra bạn. Một sự im
lặng khó hiểu. Luận cũng vậy. Riêng Lâm thì mặt trắng lên vì tức. Tôi lúc này
chẳng còn gì phải sợ nữa. Anh em nội địa đã không còn bị ràng buộc chặt chẽ với
sự ngổ ngáo của mình nữa. Đăng thì là thứ giang hồ bạt mạng, khi hắn đã chơi
thì không hề suy tính thiệt hơn trong lúc cao trào… nên mặt tôi thản nhiên
nhìn vào mặt Lâm khi Lâm đẩy tôi ngồi xuống ghế trước một cái bàn gỗ:
- Anh nghĩ là chúng tôi
không làm gì được anh hở anh Thành ? Anh đừng quên là án anh còn đến hai linh
sáu mới hết !
Tôi nhếch mép cười cười:
- Ông nghĩ là cái chế độ
này có thể trụ được đến hai linh sáu à ?
- Anh thật là ảo tưởng
điên khùng ! Ai lật đổ được chúng tôi ? Các anh ấy à ?
Vừa hỏi Lâm vừa nhếch mép cười và hai cổ tay bắt
chéo lên nhau ra động tác còng cùm…
Đăng chợt nhiên ôm bụng nôn thốc nôn tháo, nhưng chỉ
ra nước dãi bèm nhẹp. Tôi hiểu đây là đòn vờ của Đăng ! Có lẽ Đăng đã thấy
cần phải tỉnh táo lại khi nghe tiếng suốt cùm va động loảng xoảng từ
khu cùm gần nhà bếp vọng lên (chỉ cách chỗ chúng tôi đang ngồi có chừng
150 mét). Đăng vốn hay vậy. Khi lâm trận, Đăng không hề sợ hãi điều gì,
nhưng khi đã tịnh thì nảy sinh so đo hơn thiệt. Tôi không ngạc nhiên về thái độ
này của Đăng. Đăng không hề hèn, có điều là người tính toán hơn thiệt những lúc
đã xong một “cuộc bể dâu” nào đó. Quá trình điều tra của vụ án tôi và gần một
năm chung đội tù cho tôi hiểu Đăng khá nhiều. Việc Đăng tình nguyện tra
tay vào còng cùng với tôi là do ý mưốn có anh có em, Đăng có quốc tịch Canada
trong khi tôi không có quốc tịch nước ngoài, Đăng nghĩ là Đăng làm như vậy
là một hình thức bảo vệ tôi hữu hiệu…
Ngồi chừng 20 phút. Không khí đã nặng nề khó
khăn vì Lâm rất khó chịu trước thái độ thản nhiên thách thức của cả tôi
lẫn Đăng. Câu chuyện có lúc đã cương lên khi Lâm nhắc lại câu nói của giám thị
Bôi:
- Tây nó đến rồi nó lại
đi. Chỉ có các anh là dại ! Giờ có giết các anh thì ai biết, ai làm gì được
chúng tôi ?
Tôi cà tửng (nhưng không hề ngờ rằng khối kẻ tin cái
sự cà tửng của tôi).
- Ông Lâm. Ông chỉ ngang
ngửa tuổi tôi. Ông là ngươì ít nhiều có học, sao lại đi học lại lời của ông
Bôi. Ông Bôi là lính già lên lão, tiếp cận khoa học thông tin gần như chẳng có
khả năng gì… sao lại học lời của ông ta... Thế giới giờ là thế giới phẳng đâu
phải ai muốn làm gì thì làm. Các ông mắc lừa tụi tôi mà không biết. Giờ là kỷ
nguyên vệ tinh. Con gà chạy trong vườn của ông, muốn nhìn bọn tây nó cũng nhìn
được là gà mái hay gà trống… huống gì bọn tôi hàng mấy trăm con người, các ông
đem dấu dắt, lúp xa lúp xúp như… Việt cộng nằm vùng…
- Anh Thành ăn nói coi
trước coi sau nhá ! Tôi không phải nhịn mãi đâu !
Lâm chắc nhột khi thấy tôi tỉnh queo đem chữ
“Việt cộng nằm vùng” ra cà khịa. Thấy cũng đã hơi quá quắt, tôi lảng
chuyện, quay sang Đăng:
- Nôn chi nôn kinh hoàng
vậy ông Đăng, hai hôm rồi ông nôn vậy, coi chừng bị gì nặng đó…
Đăng hiểu ý tôi ngay, ổng tả oán:
- Kiểu này tiêu
quá ! Mà thôi, đã chơi thì cóc sợ ! Cùng lắm là bỏ thây ở đây …
Làm sao mà tụi an ninh trung ương có thể để Đăng
“ngỏm” ở A20 được ! Chuyện này, thằng binh nhì súng dài bên quản chế cũng
biết, nói gì là Lâm an ninh A20.
Chuyện Đăng bỗng dưng nhảy ra thách thức còng cùm cùng
với tôi chắc chắn đang làm cho đám an ninh trung ương khó xử. Đụng đến những
người mang quốc tịch Mỹ Canada là chuyện chẳng đặng đừng. Việc để tôi và Đăng
ngồi ở nhà văn hóa đến cả tiếng đồng hồ cho tôi biết rằng “chẩn đoán” của mình
không sai.
Có tiếng chó sủa ở khu nhà bếp ! Vậy là có người
lạ với đám chó berger Nga ! Người lạ với đám chó thì chắc chắn là anh em
tù ! Giờ này có anh em tù đến gần khu vực bếp thì chỉ có là đi… cùm !
Tôi dớn dác đứng hẳn lên cố nhìn xuyên qua vườn giềng đang chờn vờn nhiều
tàu dừa la đà trước gió. Giờ đã hơn 8h tối… Không lẽ họ bắt Nguyễn Văn Trung đi
cùm ?! Trời tối, không nhận được hình thù gì dưới cơn mưa lất phất.
Khoảng gần 9h đêm, Lâm được lệnh mang tôi và Đăng vào
buồng cùm. Khu cùm không phải khu cùm lưu cữu gần nhà bếp mà là khu cùm mới, mới
tháng trước Lý Tống khai trương khi vách tường còn thơm mùi vôi, giờ
Tống đã phiêu diêu đâu đó ngoài đất Bắc sau cuộc vượt ngục bất thành. Chân
bước đi về phía nhà cùm mà anh Tống đã khai trương hơn tháng trước đây, lòng
bất giác bồi hồi, thầm tiếc nếu như có anh ở trong đoàn ngũ tù hôm nay, không
biết sự thể sẽ “hoành tráng” đến cỡ nào...
Màn đêm nhập nhoạng những ánh đèn vàng vọt hắt ra từ
những dãy nhà tù lụp xụp, mưa lất phất với những cơn gió làm những tàu dừa đong
đưa qua lại trước khu thềm nhà văn hóa. Thiếu tá Lâm an ninh, trung úy Đa
trực trại và thiếu tá Luận (tư tưởng) bảo đám hạ sĩ quan áp giải đưa tôi và
Đăng sang bên khu cùm mới. Bước ra cửa khu nhà văn hóa, qua gian hàng nhỏ căng
tin mà tôi biết ở trong đó có một hai người tù án vượt biên chắc chắn là
còn thức nghe ngóng. Tôi ban nãy đều nói lớn những nội dung qua lại
với thiếu tá Lâm cũng là có ý để những anh em này nghe được hết ý tưởng của
mình, để nếu xúi quẩy mà có bị thủ tiêu hay ngỏm sảng trong buồng cùm thì anh
em còn lại cũng không đến nỗi tủi hổ khi đã nhận tôi là đồng đội trong cuộc
biểu dương vừa qua .
Hướng đi của những người áp giải dẫn tôi và Đăng về
khu nhà cùm mới, nằm phía đầu nhà hội trường của trại, sát mé bìa trại về phía
đội làm rau trọng án 12. Tôi bước đi, tay vẫn còn còng, loảng xoảng đâu đó
tiếng suốt cùm đóng đập vang ra từ phía sau lưng, khu cùm sát nhà bếp ! Không
biết ai vừa bị đưa vào khu cùm ấy ? Tôi nghĩ nhiều đến Nguyễn Văn Trung. Trung khó mà ngủ bình
thường nơi buồng chung được khi tôi bị đưa vào buồng cùm kỷ luật. Đặt trường
hợp tôi là anh, cũng khó mà không lủi thủi vào nhà cùm…
Mưa lất phất, gió xào xạc, buồng cùm xa xa đã vang lên
những tiếng đóng đập cửa sắt và khua rổn rảng móng cùm. Chắc đám tù tự
giác thi đua đang chọn những móng cùm cho vừa khít với hai thứ cổ chân khá khác
biệt, vì tôi cao mét tám trong khi Đăng khoảng mét sáu lăm. Đăng hơi nhỏ con so
với tôi. Tôi quay sang nhìn Đăng đang đi song song bên trái, hỏi Đăng:
- Làm cái nữa chứ ?
- Sợ gì !. Đăng đáp.
Tôi hét lên rất to ngay khi Đăng dứt lời:
- Tự - Do - Cho - Việt - Nam
!
- Tự Do - Tự
Do - Tự Do !
Đăng gào rất lớn ! Lập tức
những tiếng súng hai phát một vang lên, lần này chỉ có ở phía một chòi canh
phía góc đội 12 nhà 1 B. Tôi hô hai lần thì ngưng lại, có ý chờ khi bị dẫn vào
sát cổng khu cùm sẽ hô lại hai lần nữa. Nhưng tiếng Đăng lại gào lên. Bốn chữ rất
chói tai đối với đám cán bộ:
- ĐẢ ĐẢO CỘNG
SẢN !
Tôi đáp rất lớn giọng bằng cả bốn chữ, bất chấp
là đám súng dài sẽ làm gì mình.
Nhưng tất cả đều im lặng ngoại trừ một tiếng kéo
đạn lên nòng sát phía sau lưng Đăng. Tiếng Luận lên tiếng với đám hạ sĩ
quan:
- Kệ họ !
Tôi và Đăng gào đâu chừng ba lần thì tới cổng khu cùm.
Hai người tù tự giác (một người tên là Thế án vượt biên và một người án
quân phạm, người án quân phạm đã ở trại này từ rất lâu, hình như anh ta tên Đức,
đã trở thành một người tù gián tiếp coi thầy Tuệ Sĩ là thày mình cho cuộc đời
còn lại…).
Đăng được chỉ vào một buồng cùm bên tay trái của cổng
vào. Tôi lại bị dắt về bên tay mặt qua ba cửa buồng thì đứng lại nơi một cửa
buồng đã mở sẵn. Buồng áp chót của dãy cùm 6 buồng.
Mấy người cán binh súng dài đứng xa cửa buồng chừng 4
mét. Tôi được dẫn vào buồng và chỉ ngồi lên một bệ nằm bê tông duy nhất.
Hai người tù thi đua người nhấc cổ chân tôi đặt lên bệ cùm và luồn móng
cùm chữ U vào hai cổ chân, khoen lỗ hướng lên phần trên của xương cổ chân,
người còn lại là Đức (?) loay hoay đâm suốt cùm chui qua trụ thép cuối bệ nằm
để luồn qua bốn vòng cổ của hai chiếc móng cùm vừa được đặt vào cổ chân tôi để
cuối cùng chui tọt ra bên ngoài tường bằng một chiếc lỗ thép. Thao tác không có
gì là thù hằn, nếu không muốn nói là gượng nhẹ. Cả Lâm và Đa đều vào buồng, rọi
đèn pin kiểm soát lần cuối trước khi lách cách khoá đầu cây suốt cùm ở phần tường
bên ngoài. Tiếng đập cửa sắt rất mạnh rồi tiếng xúc xa xắc xắc của chùm
chìa khóalà âm thanh sau cùng chấm dứt nghi thức cùm đầu tiên trong cuộc đời tù
của tôi.
Tiếng bước chân của năm sáu người đi xa dần khỏi khu
cùm. Không gian im ắng đột ngột làm tôi rơi vào cảm giác khó chịu.
Tôi lên tiếng gọi Đăng nhưng không nghe tiếng đáp lại. Gọi to hơn hai ba lần
thì nghe tiếng Đăng như tiếng ễnh ương từ rất xa vọng về, câu được câu chăng.
Ra là cách kiến trúc buồng cùm làm thành rất khó nghe âm thanh bên ngoài, hai
người tù biệt giam cách nhau ba bốn phòng rất khó có thể trao đổi được điều gì
với nhau, dù là gào lên từng chữ rất chậm rãi. Kiến tạo này rất giống với kiến
tạo buồng biệt giam ở B34 (Catinat Cảnh sát Quốc Gia Sài Gòn cũ trên đường Nguyễn
Văn Cừ bây giờ).
Cảm giác bị cùm cứng hai cổ chân bằng móng cùm thép
thật là khó chịu ! Chưa bao giờ tôi bị cảnh này dù đã rất nhiều giờ suy nghĩ và
liên tưởng. Buồng này là buồng Lý Tống khai trương mở màn sau khi thất bại
cú “vượt ngục nguội” vài tháng trước. Anh Tống ngang ngạnh đã nổi tiếng nên khi
cùm ở đây anh la hét ầm ầm, đòi phải có màn vì muỗi nhiều kinh khủng ! Anh la
quá đến nỗi giám thị phải đặc cách để anh có qui chế mắc màn ! Điều hy hữu của
nhà tù A20. Mắc màn, đương nhiên là người khác phải mắc vì anh bị cùm ! Dĩ
nhiên đám cán bộ không đời nào đi vào buồng cùm lúi húi… mắc màn cho một người
tù nên tù tự giác phải làm ! Phải khoan khoan đục đục dán dán rất mất thời giờ
mới có thể mắc được cái màn cho Lý Tống ! Tù cùm kỷ luật nằm dài ngoằng trong
màn với đôi chân bị khóa trong bệ cùm thép man rợ, mồm luôn văng đủ thứ
tiếng đan mạch chửi chế độ… chắc lịch sử nhà tù cộng sản Việt Nam,
chỉ Lý Tống là độc bá thiên hạ quần hùng về câu chuyện cùm quái gở
này! Tôi giờ nằm nơi bệ nằm mà mấy tháng trước anh đã “hành” đám vệ binh quản
giáo và trực trại, hình dung đến thân thể dài ngoẵng của anh mà không khỏi phì
cười. Chịu anh thôi ! Tôi thì không thể làm như anh được… vì quan hệ của anh
với đám cán bộ rất khác với tôi. Anh hở ra là nói móc họng đám quẩn giáo hay
giám thị, trong đầu anh, không hề có quan hệ bình đẳng nhân ái con người
với con người… với tất tần tật những người làm cán bộ ở đây. Có lẽ cuộc chiến
tranh đã làm cho anh dửng dưng với những sự nghiệt ngã và dửng dưng luôn quan
hệ con người với đội ngũ giám thị. Anh dễ thách đố với đám cán bộ và luôn
coi họ dưới mắt mình. Tôi khác anh có lẽ bởi chưa bị lăn mình trong chiến
tranh với tình trạng nhanh tay súng thì sống, chậm tay khạc đạn thì chết. Kẻ
thù định hình rất rõ nét trong suy nghĩ của anh trong khi với tôi là mờ nhạt.
Trong suy nghĩ của mình, tôi coi họ là những nhân viên công lực của
một chế độ man dã. Lỗi là lỗi ở hệ thống, ở chế độ… chứ con người với con
người, tôi không cảm thấy cần phải nhìn đội ngũ giám thị là kẻ thù. Vì với tôi,
họ là con người. Cũng có cha mẹ anh em. Cũng có buồn vui tủi hận, thương yêu
và giận dỗi. Trong suy nghĩ ấy, tôi coi Đa như một đứa em nghĩa trong đời hải
hồ của mình. Tôi buồn khi thấy Đa thiếu thốn mà không dám xin xỏ ai như những
lớp cán bộ khác. Tôi quý Đa ở những lúc như vậy. Với Luận cũng thế. Ở
Luận, tôi không tìm được điều gì để khinh Luận. Thăng cũng vậy, giáo đội Bếp
cũng vậy… Hệ thống đã làm các anh kém cỏi đi, nhưng tư chất, khi có điều kiện
thể hiện, tôi nghĩ các anh đều là những con người cần và tốt cho xã hội.
Riêng Lâm cái nhìn của tôi có khác. Mỗi khi hình dung đến chuyện giáo sư Bảo bị
treo ngược đầu để chịu đòn đánh của đám hình sự dưới sự giám sát chỉ thị của
Lâm, máu nóng trong tôi lập tức như đầy ứ lên.
… Quá khát ! Đã ba ngày tôi không ăn, lại hô gào
ầm ĩ… giờ cái sự mệt mới xâm chiếm và lan tỏa. Buồng không một giọt nước. Tôi
lên tiếng gọi lớn:
- Cho xin ly nước !
Tôi hô đến chục lần mới có tiếng lách cách mở cổng.
Đám vệ binh với Lâm đến sát cửa. Tiếng Lâm hỏi:
- Anh Thành có nguyện vọng gì
?
- Cho xin ly nước ! Trong
buồng không có nước !
Tôi đáp trong khi rất khó chịu vì hai
chữ “nguyện vọng “ của Lâm.
- Anh đã tuyên bố tuyệt
thực thì chúng tôi không có bổn phận cung cấp nước cho anh. Muốn uống, anh phải
làm đơn và tuyên bố dừng tuyệt thực !
- Ah ! Ra là vậy à !
Tuyệt thực không có quyền được uống nước ! Luật này là luật
rừng rồi !
Tôi đáp rồi im lặng. Đứng đợi chừng 1 phút, Lâm
hỏi:
- Giờ anh làm đơn
không ? Tôi đáp cảm ơn rồi im
lìm. Ngoài cửa tiếng giày ba bốn người bước xa dần.
Tôi cố gắng chịu khát bằng cách tập trung các nhịp
thở dẫn vào đan điền rồi tỏa theo mạch đốc vòng lên đầu, hai vòm họng
giao nhau bằng đầu lưỡi để diễn tiến tự trao đổi nước diễn ra trong vòm họng.
Cơn mơ màng ập đến với hình ảnh lềnh khênh của Lý Tống, khi lần đầu tôi bị bắt
dẫn vào B34 năm ngoái, lúc dắt đi qua dãy biệt giam với các vòm cửa
sắt đưa cơm hé mở, thấy tôi cao lớn, quần tù mới coóng cụt lủn làm hở hẳn
ra đôi giày đinh cao cổ… phối hợp với những tin hành lang xì ra từ đám vệ binh
áp giải về một phi vụ bỏ bom bất thành, có người đã tưởng tôi là Lý Tống nên
hai ba ngày sau đó, mỗi khi bị áp giải cung, qua các buồng đều nghe những tiếng
xì xào “Lý Tống”, “Ó Đen Lý Tống sao trắng vậy ta…”. Giờ nằm đây, trên
tấm bệ bê tông cốt thép Lý Tống đã nằm cùm ngay đơ, tôi hình dung lại ngày còn
bé mỗi khi anh tôi mặc đồ bay về từ Nha Trang, lúc ấy tôi cũng đã mơ màng mình
sẽ là một người lính phi công, mặc anh tôi nói móc “… học như mày… chỉ có
phi hành thôi !”. Phi hành ! Mãi sau này tôi mới hiểu anh tôi không
nói đến phi hành phi vụ, mà là phi hành phi… tỏi !
Phạm
Anh Dũng, Lê Hoàn Sơn và Lý Tống cùng các cựu giáo sư Võ Bị Đà Lạt,
tại Lieges
Bỉ 2/1999.
Cái dáng nằm của Lý Tống chắc chắn sẽ phải giống tôi,
không cách chi khác được vì cùng cao lều khều như nhau. Cũng xếp hai chân song
song ở sàn cùm. Cái bệ cùm to đùng lịch kịch. Đầu nằm dĩ nhiên sẽ thấp hơn hai
chân vì chẳng đào đâu ra gối. Hai tay đặt dọc theo thân mình để lót đỡ phần
lưng và mông những khi cái lạnh ngấm buốt lên từ nền đá. Kiểu dáng này sẽ
không khác gì chiếc máy bay đang bay lượn trên một bầu trời đì đùng đạn phòng
không cao xạ.
Tôi thiếp vào giấc mơ hồ với lời ca diễm tuyệt
của Văn Cao thời dâng trào lòng yêu nước kháng Pháp, khi viết ca khúc Không
Quân Việt Nam Hành Khúc:
“…Ta là
đàn chim bay trên cao xanh
Phi hành qua
khói những kinh thành cao
Đôi cánh tung
hoành vượt trên mây xanh
Ta
là tinh cầu bay giữa đêm trăng …
…Đây đó,
hồn nước ôi…” !
A20 Phạm Văn
Thành
Paris 19.2.2015
Giao Thừa Ất Mùi .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét