Chạy một mạch từ Sài-Gòn ra tới Hàm Tân trên chiếc xe gắn
máy, tôi nghe chừng đã mỏi, mới biết ở cái tuổi hơn 60 không dễ dàng cho những
chuyến đi xa. Dù vậy cũng phải đi, đi cho bỏ những ngày trói chân trong thành
phố tù túng, bực bội bởi cái không gian như quá chật, quá hẹp cho cái thú dong
ruỗi của mình.
Hàm Tân, danh gọi không quên. Ba năm tôi ở đó, trại Z30D.
Cho dù bây giờ nó thay tên đổi họ, cho dù nó được xây dựng nguy nga hơn, kiên cố
hơn. Quẹo phải tôi đi thẳng vào cổng trại giam, tất cả thay đổi hoàn toàn, ba
mươi mấy năm chứ ít gì. Dù rằng, vào năm 2006 có lần tôi đu dây theo một thằng
anh em xâm nhập vào trại này với tư cách là thành viên của một công ty mua bán
gỗ, vào trại để thương lượng giá cả cho mấy hecta rừng tràm bông vàng sắp khai
thác do trại này trồng. Lúc đó tôi ngang nhiên bước qua khỏi cái cổng luôn được
chắn ngang lối vào to đùng như trước các dinh thự, khi bước qua cánh cổng này,
tất cả điện thoại cầm tay đều vô dụng. Tôi không nén được kinh ngạc khi nhìn mấy tòa nhà xây đường bệ
theo phong cách, kiểu mẫu của Toà Đô Chính Sài Gòn, nó còn có vẻ lớn hơn và tân
kỳ gấp bội.
Những dãy nhà lá hồi xưa tôi từng ở không còn một dấu vết
nào. Tôi kín đáo quan sát và ghi nhận vào trí nhớ kém cỏi của mình những đổi
thay đó và nhận ra trại tù kiên cố, đẹp đẽ hơn trường học.
Rồi bẳng đi một dạo, ngần đó thời gian mà vào được nơi đây
đã là khó rồi, nếu không có cái bảng ghi hàng chữ “Trại Giam Thủ Đức” to đùng
bên quốc lộ tôi cũng đành chịu chết.
Vả lả mấy câu với tên gác cổng mang quân hàm trung uý, tôi
cù cưa một chút để hắn lơ đi cho tôi chụp một tấm ảnh đứng trước cổng trại làm
kỷ niệm. Thực ra nó có quái gì để lưu giữ, suy cho cùng chỉ làm mình nhói một
chút khi nhìn lại cái nơi mình từng bị giam hãm mấy năm. Z30D! cái trại tù chết
tiệt mà thuở đó tôi đâu chừng 21, 22 tuổi.
Tôi tần ngần khi trở ra quốc lộ. Không biết cái Suối Lạnh
ngày xưa bây giờ ra sao. Ôi con suối mà đám tù chúng tôi phải lấy lon Guigoz
múc từng chút một vào mùa khô, tháng hạn. Lần trước vào đó tôi cũng cố gắng
nhìn xem nhưng hoàn toàn không định vị được con suối, nó chết mất rồi hay nằm
đâu đó dưới lớp bê tông nền móng của hôm nay.
*****
Lại lên đường. Tới Căn cứ 6, tôi gọi cho Lâm Tấn Hoàng, một
thằng anh em cùng đội, cùng nhà và cùng về một ngày với tôi từ Thung Lũng Tử Thần,
trại giam Xuân Phước. Hôm trước vợ hắn bệnh nặng phải vào nhà thương, bọn chúng
tôi cũng một phen lu bu gọi nhau chi viện. Hoàng hỏi:
- Anh đang ở đâu ?
- Trời tao mà biết là chết liền, bên đường là lối vào cái
khu phố văn hoá con mẹ gì đó, phố nào cũng là phố văn hoá. Tao muốn kiếm cái chỗ
mày ở, nó lại không ghi, chỉ ghi ba cái thứ trời ơi.
Tôi nhìn quanh:
- Ờ, tao đang đứng trước cái quán cáfe tên Nguyễn Huệ, đối
diện là tiệm sắt Căn Cứ 6.
- Anh đứng đó đi tui tới liền, nhớ chờ nghen.
Tôi ngồi đợi hắn với ly cafe dở chưa từng thấy, hình như nó
toàn là bắp rang, gạo rang hay đậu nành chi đó. Hai thằng bắt tay nhau, tôi
nghe lòng se lại, Hoàng tả tơi như cái giẽ rách, bộ đồ thợ hồ bám đấy xi măng,
hắn cười toe khoe nguyên hàng tiền đạo trống trơn. Thiệt khổ, bạn bè, anh em tối
mỗi ngày một tàn, rụng xuống thê thảm.
- Mày ra sao rồi? Tôi hỏi hắn, một câu trớt quớt chẳng tình
nghĩa mẹ gì hết, một câu tào lao chết được, nhưng thực ra nó là tất cả nén cứng
ngắt trong cái tào lao đó.
- Anh thấy đó, em ráng tới đâu hay tới đó, vợ em đã khá hơn,
cám ơn các anh em đã giúp em những ngày qua
Nó trả lời y chang điều tôi muốn biết, trả lời một dọc không
chấm phết, và liền lạc như ngày xưa lúc tôi và nó ở chung một đội suốt nhiều
năm trong trại giam khét tiếng A20, Thung Lũng Tử Thần. Y như bài học thuộc
lòng của một thằng tù trước gã cán bộ lấy cung.
- Ờ… ờ vậy thì tốt rồi, tao chỉ sợ mày tiêu rồi chứ. Mà mày
kể chi cái vụ cám ơn đó, trách nhiệm của anh em mình mà, có thằng nào thua, bất
cứ thua vì cái gì, cả đám cũng ghé cái vai cho nó dựa. Mày ổn là tao mừng.
- Mà anh đi đâu lang thang qua đây vậy cha nội?
- À tao ngứa nghề đi giang hồ vậy mà, đi một vòng thăm lom
anh em, biết đâu mai mốt không còn cơ hội nữa.
Dăm ba câu thì trời đã trưa rồi, hai đứa chia tay. Hoàng cứ
cầm tay tôi bịn rịn. Tôi nắm vai nó. Cái thằng nhỏ hơn tôi gần 5 tuổi, mà coi
nó già hơn tôi nhiều, nhiều lắm.
- Khi anh quay lại nhớ gọi em một cái.
- Trời tao có chắc sẽ về ngang đây đâu, ừ nếu có tao sẽ hú
mày đi uống café.
*****
Trời đứng bóng, con đường nóng hừng hực, mặt nhựa như có màn
hơi bốc lên. Tôi thấy mệt, rất mệt, nhưng từ khi chia tay Hoàng tôi phải chạy một
đỗi xa lắm mới tới Tà Cú. Nguyễn Minh Ngọc mới nói với tôi hắn ở vùng này. Biết
bao lần tôi hứa với nó sẽ ra đây thăm nó, vậy mà cho tới hôm nay mới có cơ hội.
Tôi gọi cho Ngọc, hắn chỉ đường rành rẻ. Hắn đó, hắn chống
nạng ra đứng bên lề quốc lộ đón tôi, cặp kính không dấu được nét vui mừng trong
đôi mắt nó. Ngọc nhỏ hơn tôi, nhưng tôi bảo nó cứ mày tao với tôi cho được việc,
vậy mà có khi chuyện trò nhau qua điện thoại thì không sao, gặp mặt nhau lần
nào nó cũng cứ một mực ông, tôi.
Ngọc đưa tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ thấp lè tè, mái tole nóng
hừng hực, hai thằng kéo ghế ngồi ở hiên nhà. Ngọc hỏi lung tung, kỳ kèo bảo tôi
ở lại nhà hắn.
- Thôi tao đi Tà Cú, lên đó một chuyến ngó giang san vùng
này chơi, chiều tao về gọi mày rồi tính.
Mấy cây xoài trong sân nhà Ngọc trĩu trái, đàn gà đang tìm mồi
chung với bầy vịt bầu ở góc sân, hình ảnh rất hiền hoà, mộc mạc, nhìn qua ai
cũng nghĩ như một ân sủng cho đời nó, sau cú nằm ấp 20 năm ở trại A20. Đâu ai
biết bên cạnh đó là sự gượng dậy bao năm rồi, nó vẫn chưa yên. Tưởng đã bỏ mạng
khi bị tai nạn xe, vết thương hoại tử, vợ nó chuẩn bị hậu sự cho nó. Bản năng
sinh tồn của một thằng tù mang án chính trị buộc nó phải sống còn, sau cùng phải
cưa bỏ cái chân, suốt đời còn lại nó phải nương nhờ cái nạng. Ngồi với Ngọc, sờ
lên cái chân cắt cụt tới gối của nó, lòng tôi xót vô cùng.
- Không có cặp nạng ông gởi cho chắc cũng mệt.
Ngọc vừa nói vừa sờ cái nạng bằng nhôm, tôi vổ vai nó:
- Chuyện nhỏ mà, mày nhắc làm chi.
Nhớ ngày xưa, khi còn
ở phân trại E, Trại Trừng Giới, nó ở nhà 2, đội có án, tôi ở nhà 3, loại tập
trung, hai thằng hay gặp nhau ở hàng rào giữa hai nhà. Lúc đó tôi và nó thuộc
đám trẻ trong ngần đó các đàn anh lớn tuổi, chúng tôi gần gũi với nhau qua cái
nhìn, qua trao đổi của tuổi trẻ đầy ẩn ức, nhất là cùng nhìn về một hướng.
Tôi rời trại giam từ 1987, không gặp nó những 30 năm. Đùng một
cái. Ở nhà thờ Thánh Tâm, Biên Hoà nhân đám cưới con trai Quyết một A20 thuộc
loại điếc không sợ súng, tụi tôi gặp lại nhau và câu chuyện của hai thằng sau
đó dòn như pháo tết.
Nhân đám cưới của con
trai, Phạm Văn Quyết đã mời một số cựu binh Trại Trừng Giới, nhưng con số quá
đông hơn 60 mạng đứng chật cái sân giáo đường rộng thênh thang, dĩ nhiên với lượng
người ngần ấy chỉ gật đầu chào nhau, bắt tay một cái là... hết giờ. Cũng vì trận
tụ nghĩa này mà công an đã trân trọng mời từng mạng có mặt lên uống cafe đen loại
dỏm nhất chưa từng thấy, bài ca con cá sống vì nước, “cải tạo tốt, hưởng được
khoan hồng của nhà nước...” lại có cơ hội tuôn ra dài như xe lửa, chúng tôi
nghe nó phát ngán, nên nghe thêm cũng trớt quớt.
Rồi sóng gió chút xíu cũng bay đi, tôi và Ngọc lại gặp nhau
trong ngày giỗ anh Nguyễn Ngọc Đoan. Tôi từ Sài Gòn ra, nó từ Phan Thiết vào,
thêm Võ Hiếu Trinh từ Tây Ninh xuống, Đức Hiền từ Rạch Giá lên. Chúng tôi trôi
nổi khắp nơi cũng liên lạc gặp nhau để có cơ hội ngó mặt nhau một cái. Lần này
tôi ra Phan Thiết, chết bỏ cũng phải hú nhau một tiếng.
Không muốn làm bận bịu anh em mình tôi ra khách sạn nghỉ
qua đêm. Nhưng buổi tối tôi và Ngọc hẹn nhau ra quán cafe, ngồi tới khuya, vẫn
chưa hết chuyện, đúng là chuyện tù dài như đời đi tù.
Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn sáng với nhau, tôi phóng xe
ra Phan Thiết. Ngọc chu đáo gọi hết những anh em trong khu vực, tôi phải nghe từng
thằng dặn dò, nào là tới đây, ở chỗ này, chỗ kia. Trời tui nó coi tôi như trẻ
con, lo từng chút, thiếu điều sợ tôi đi lạc nữa chứ, sau cùng hẹn nhau chiều là
phải gặp.
*****
Phan Thiết ! Biển chiều gió lộng, chúng tôi quây quần bên
ly cafe trong cái quán sát bờ biển, Mười “mổ bụng” cứ sờ nắn tôi, nó nói tôi ốm
hơn lần gặp ở đám cưới của con Quyết, tôi cười cười:
- Tại tao đi giang hồ hoài… nên hết hơi thôi.
An “cầu thủ” thì một điều trầm trầm như ông trùm khu vực, kỳ
kèo bảo tôi phải tới nhà, nó muốn khoe với tôi cái nổ lực hơn hai mươi năm khi
về đời của nó, tôi hứa cho nó an tâm.
Chín “vẹo” ngồi buồn nhìn ra biển, phang một câu:
- Anh em mình mấy chục năm trôi nổi, bây giờ không biết thằng
nào còn mất, như thằng Trinh, mới đó mà đã đi rồi, nay mai trong bàn này không
biết thằng nào đi trước đây.
Mười cười toe tét:
- Anh đi trước đi, có tụi tui lo, nếu không tới đó chẳng còn
thằng nào khiêng ông đâu.
Ngồi lại với nhau chúng tôi luôn có trăm ngàn chuyện để nói,
để hỏi, nhưng cái chung vẫn là hỏi tới thằng này, kẻ kia, anh này, người nọ,
thăm lom nhau, như thứ gì đó mất quá lâu chợt một lúc bất thần nhớ tới từ một
cú va chạm vào trí nhớ rối ren của mình.
Mên hỏi tôi:
- Sao anh không ở bên Đại Dương, cho có tiện nghi hơn?
- Mày điên à, khách sạn bốn sao năm sẹt gì đó, mày chi cha
nó cả hơn triệu bạc cho một cái giường, chỉ nằm vật ra ngủ như chết, tất cả thời
gian dành cho anh em còn không có. Ừ, mà vô đó chi bằng tao chui vô mấy cái ọp ẹp
hơn để dành thêm một chút mua rượu cho anh em uống hay gởi cho thằng này thằng
kia còn khó khăn còn có lý hơn.
Mạnh ngồi đối diện vỗ tay cười:
- Tính hay, nếu biết tính kỷ vậy đâu có nằm ấp tới 10 năm.
- Hoàn cảnh đất nước còn khó khăn mà, thông cảm đi.
Cả đám cười vang
Câu này nghe quen chết mẹ.
( Mười, Khiết, Chín, Mên, Mạnh, An….)
“Cầu thủ” Nguyễn Văn An đứng dậy, tôi nắm tay kéo hắn xuống:
- Cái vụ này bà xã tui lo rồi, ông yên tâm.
Hắn giãy nảy:
- Vậy sao được, vợ chồng anh ra đây, tụi tui phải lo cho anh
chứ.
- Điên quá, anh em có cơ hội ngồi lại là quí rồi, bận tâm ba
cái nghi thức chi cho mệt hả An?
Tắt nắng, chiều dần tối, chúng tôi quyết định kéo nhau
ra bờ sông kiếm một quán cóc ngồi đón gió biển thổi vào, nhìn lũ thuyền
chài neo dậu kín cả một khúc sông Cà Ty. Mấy anh em đổ dăm lon bia với mấy
dĩa nghêu sò nướng, câu chuyện dang dở lại kéo tiếp dài lê thê, cho tới quá
khuya tan hàng, vẫn chưa hết chuyện.
Đặng Văn Mười “thằng Mười giòi” “Mười mổ bụng”, bịn rịn chia
tay tôi. Trong bóng tối mờ mờ, tôi như thấy rõ mồn một, hình ảnh nó trần trụi đứng
ở sân nhà 2, phân trại E của A20, cái tướng với đôi vai gù gù, nhiệt huyết, đầy
hào khí còn nguyên của thời tuổi trẻ. Cái tướng trần trụi với cái quần xà lỏn
màu cháo lòng khuất sau hàng lưới thép ngăn hai nhà. Mới đó mà 30 năm đi qua. Nó vẫn vậy, nụ cười,
cái ngang tàng và tình nghĩa.
Mên và An còn quyến luyến tôi phải xua tay cho tụi nó đi trước.
Hồ Văn Mạnh leo lên ngồi sau xe An, còn cố quay đầu nhìn lại.
Tôi nắm tay Mười:
- Còn ở lại đây, tao sẽ gọi mày đi uống café.
- Ừ nhớ nghen, anh chạy xe về cẩn thận. Nó đứng đó chờ tôi
lái xe đi khuất một ngả ba.
*****
Cuối tháng ba, trời Phan Thiết nóng hừng hực, bao nhiêu gió
từ biển thổi vào tan mất giữa trời nắng chang chang. Tôi chạy xe vào ga Mương
Mán, coi lại cái ga nổi tiếng ngày xưa bây giờ nó ra sao. Nội cái tên Mương
Mán cũng làm mình xao xuyến trong lòng, nó là ký ức một danh gọi trầm trầm, như
vết đau trong quá khứ, hai con chữ ẩn chứa một sức quyến rủ làm bước chân
không thể dừng lại.
Dấu vết xưa mất hút trong từng góc đường, con phố thậm chí
cây cột cây số bên đường. Hai chữ “Mương Mán” duy nhất nằm sót lại ở một nhà
xưởng của ga. Tôi đứng chết điếng trên hai đường sắt. Ôi cái danh gọi Mương Mán
của tôi, của những con người từng lớn lên dưới bầu trời miền Nam không còn nữa,
thay vào đó là một cái tên lãng xẹt chẳng có một ấn tượng nào gọi đến “Ga Bình
Thuận”.
Tôi lầm lủi trở ra quốc lộ. Tôi gọi An, nghe tôi vào ga
Mương Mán, hắn reo lên:
- Anh trở ra đi ghé tui, chạy tới cái bảng có chữ thôn Phú
Phong thì ngừng tui chạy ra đón liền.
An ngừng xe gắn máy ở đầu đường chờ tôi.
Hắn lăng xăng vào nhà, hối vợ con bày trận nấu nướng tôi xua
tay:
- Anh em gặp nhau chỉ nói dăm câu còn không đủ giờ còn bày
ra cái vụ này chi.
Các bà gặp nhau thì bao giờ cũng thế, rù rì kể lể chuyện
gian truân của một đời lỡ dại lấy phải mấy gã tù luôn bị xã hội hôm nay đè đầu
sát ván, may mà An và Ngọc lấy vợ vài năm sau khi quay về đời, chứ nếu không chắc
chắc sẽ có chương thứ nhất, những gian truân khi đi thăm nuôi, những chặng đường
lý ra không để bàn chân người đàn bà bước xuống. Tôi và An để cho các bà tha hồ
kể chuyện đời nhau. Hai thằng ra đứng bên thửa vườn thanh long của An:
- Mùa này đã thua hơn mấy năm trước, anh thấy đó hai vợ chồng
qua biết bao cay đắng từ không có đủ gạo nấu một chén cơm, bò lên, thực sự cũng
không ngờ mình có như hôm nay.
Nó vừa nói vừa xoè hai bàn tay chai cứng, những vết nứt nẻ dọc
ngang, một chứng tỏ cái lam lũ tột bực mà nó đi qua.
An cứ nài nỉ tôi ở lại. Tôi kiên quyết từ chối:
- Tao còn hẹn thằng Mười, thằng Ngọc tao còn chưa gọi cho nó
nữa, mày để tao về Phan Thiết đi, có cơ hội tao hứa sẽ ở cho mày nuôi hết gạo
luôn.
******
Nghe tôi muốn thăm hải đăng Kê Gà. Ngọc lại dặn dò tôi đi
theo đường biển, hắn sẽ đón tôi trước khu du lịch Đồi Sứ
Vậy đó, Ngọc một chân chóng tó dẫn tôi ra Kê Gà, bất chấp đường
xa đi và về hàng 60 cây số. Tới nơi hai anh em ngồi café ngắm dân chài sinh
hoạt trên bến cá, cùng nhau chụp vài tấm hình với ngọn hải đăng cổ
xưa. Tới khi chia tay hắn còn chạy xe chầm chậm ngoái cổ lại nhìn. Thiệt là,
đám bè bạn trời gầm không nhả.
******
Hôm sau tôi rời Phan Thiết vội vàng và đi mãi gần tới Nha
Trang tôi mới gọi cho từng đứa và nói là sẽ ra trại cũ, tụi nó lại một phen dặn
dò trên đường đi làng này, xứ nọ tỉnh kia thằng nào còn trụ ở đó, số liên lạc,
ôi thôi bao nhiêu là chuyện.
Ở lại Nha Trang chỉ một đêm thôi là tôi đã chán, mấy năm trước
tôi còn thường tới đây, khoái đi lang thang trên bãi cát dài ngút mắt, đi đến
rã rời hai chân mà còn tiếc tiếng vỗ về của biển, vẫn còn thèm cái mềm mềm của
cát khi lượn sóng đánh vào bờ rồi bỏ mặc rủ nhau chạy ùa ra khơi, để lại những
cái lỗ tròn vo cho nước rút xuống có vài hạt nước lấp lánh dưới nắng chiều. Cái
đẹp ngàn năm của biển, nhất là Nha Trang vẫn ở mãi trong tôi, mấy năm sau này
thành phố biển đó tiêu tùng, cái đẹp đó trở thành chướng mắt trong phồn vinh ào
ào lấn lên bãi cát, tôi mất luôn cái cảm xúc dạo biển chiều, càng mất thêm khi
thấy những khu du lịch mang hơi hướm nước ngoài cắm dùi ngay trên bãi biển nên
thơ thuộc loại nhất nhì miền Trung này.
Tôi lại lên xe khăn gói hướng về Tuy Hoà. Giữa đường, tới Vạn
Giả tôi gọi cho Lý. Lý từng sống mấy ngày với tôi khi tôi ghé đồn điền của
Trung “lai” ở Daksong. Còn nhớ buổi cơm chiều đầu tiên sau nhiều năm không gặp
lại. Hắn thủ bình rượu tì tì rót cho tôi và Nam “cao”, bắt tôi hết cạn ly này tới
ly khác, tụi tôi uống tới khuya trong hương nồng của hoa café nở rộ và trong
cái lạnh gay gay mùa bấc ở Daksong, giữa khu đồn điền chỉ có tiêu và café của
Trung “lai”. Một Biệt Kích từng lãnh án 20 năm ở trại Xuân Phước, anh mò về đây
cặm cụi hơn 20 năm ở cái thung lũng này, có lần anh nói với tôi, “Tao ở đây mà
yên, ở Sài Gòn chắc tao lại vô lò hấp lần nữa rồi”
Tôi phải ghé thăm hắn. Lý dặn dò và đón tôi tại một quán nước
bên đường, hắn đạp xe đạp kéo tôi vào căn nhà cổ đơn sơ, Lý đã dặn vợ chạy đi
chợ làm cơm. Cái xóm nghèo chơ vơ chung quanh ruộng lúa, những cây lúa giống má
eo xèo lưa thưa trên cánh đồng loang lỗ. Cảnh sống đã nói hết qua cái rổ mà vợ
Lý mới đi chợ về, dăm con cá liệt, bó rau còm cỏi. Tôi cảm động ứa nước mắt,
Lý lấy bình rượu rễ đinh lăng “thập toàn đại bổ” rót cho tôi để bớt đau lưng
trên chuyến về trại cũ còn khá xa.
Bạn bè tù tội một thời với nhau là vậy đó, tình nghĩa là vậy
đó. Khi đưa tôi lên đường hắn còn căn dặn quay về là phải ở lại với hắn, cho hắn
trút bầu tâm sự. Trời đất, cả một cánh đồng mênh mông, tha hồ hét, tha hồ la
cho đỡ bực, tôi nghĩ thấm tôi làm được gì cho Lý đây.
***
Năm 2006 tôi đã ra Phú Yên, đã có cơ hội đi ngang qua La
Hai, năm 2009 tôi lại một lần nữa đi trên con đường này, lần này nữa, lần nào
cũng đều có cái cảm giác nao nao, như người xa xứ lâu ngày trở lại, nhưng nó
có chút căm tức. Thiết lộ không có gì thay đổi nhưng dọc đường thì dân cư sầm uất
hơn. Con đường từ ngã ba Chí Thạnh vào La Hai, hôm nay có nhiều cái khác hơn.
Chợ Chí thạnh được cất lớn hơn, tôi đã ngồi trong quán ven đường nhìn quanh thấy
từng cái thay đổi trong sớm chiều đó.
Phong đón tôi ở ngả ba vào ga La Hai, để nguyên hành lý trên
chiếc xe cà tàng Phong kéo tôi vào quán cafe ngồi, quán là cái mặt bằng nằm
trong sân Bưu Điện La Hai. Dăm ba câu thì tôi đã bảo Phong bằng mọi giá sáng
mai đưa tôi lên “đồi Vĩnh Biệt”, tôi muốn quay lại đó từ lâu lắm rồi, mấy mươi
năm cứ ấm ức trong lòng.
Cái xứ này, trong tình huống vật đổi sao dời này mà không
có người hướng dẫn thì chịu chết biết đường nào mò về trại cũ.
- Anh khỏi lo, có tui là thổ địa ở đây, tui sẽ dẫn anh đi.
Mình sẽ vào luôn mộ anh Be nữa. Phong nhắc anh Be làm tôi nhói đau, người anh
em chung trại chưa từng gặp mặt nhau, nhưng đó là một dấu ấn cho tất cả cựu
binh ở trại giam Xuân Phước này.
Sáng hôm sau Phong đưa tôi đi thật sớm, chưa kịp uống cạn
ly cafe chúng tôi đã vội vàng lên đường.
Gần ba mươi năm trở lại “đồi Vĩnh Biệt”, tôi xót trong lòng,
thêm nữa, những ngôi mộ còn ở đó chỉ là những mộ chí mới sau này, điều đó có
nghĩa là lớp anh em chúng tôi, những người đã chết vào những năm 1980-87 mộ chí
không còn nữa. Phong đưa tôi qua thăm mộ anh Be, tôi lại càng buồn hơn, cái bia
ghi tên họ của anh sai bét, một người hùng lừng lẫy của trại này bị xử bắn tại
trại như thế, mấy mươi năm sau bia mộ lại như thế.
*******
Trên đường về, Phong kéo tôi ghé nhà Phú “lác”, nhà Phú nằm
trên đường vào phân trại A của trại Xuân Phước. Cách nhà thờ Đồng Tre một khoảng
không xa.
Nhà Phú ‘Lác” coi vậy mà dễ thở hơn, nó cất cái quán bán
lung tung thứ, từ cái card điện thoại tới chai nước mắn, nước lọc, thậm chí cây
kim, sợi chỉ, Cái tiệm hàng xén giúp nó sống nhàn nhã hơn đám bè bạn trụ lại ở
La Hai.
Phú bày ra một tiệc trà y chang thời ở trại, chỉ khác cái là
có cái bình trà thay cái lon Guigoz, mấy cái tách sạch bóng mặc dù nhà nó nằm
sát bên đường nhựa xe chạy qua. Phú lấy cây đàn hát cho tôi nghe. Tiếng hát
của Phú làm tôi thật bất ngờ, Trời ! Ở cái đất địa như thế này,
trong hoàn cảnh như thế này mà Phú lác còn nhớ từng lời từng nốt
nhạc của anh em viết thời tù ngục đã cách mấy mươi năm. Tôi lạnh cả
người. Ba thằng chúng tôi theo tiếng đàn lời hát trôi về quá khứ gông
cùm… Đúng là thằng Phú.
******
Nôn nao muốn gặp lại anh em ngày xưa, tôi bảo Phong làm
sao triệu tập anh em một cái rồi tính tiếp.
- Khỏi lo tui réo tụi
nó rồi, ông nghỉ ngơi chút đi chiều tụi mình gặp lại.
La Hai không như thuở chúng tôi tù mọt gông trong trại, phố
xá đông hơn, những tiện nghi trong đời sống cũng đã có mặt ở đây chắc nhiều năm
rồi, bằng chứng là cái khách sạn con con cũng có máy lạnh, nước nóng, linh
tinh. Ở cái xứ khỉ ho cò gáy này được vậy là văn minh lắm rồi.
Trong bóng tối mờ mở của ngọn đèn đường hắt xuống vỉa hè,
chúng tôi kê hai cái bàn nhựa sát lại. Anh Tạm chơi cái nón rộng vành bằng vải
dù, thêm cái áo lính hàng nhái màu nâu Biệt Động Quân, ngồi kế tôi luôn miệng
cười, thằng Phú “lác” thì vẫn ốm tong teo như thiếu ăn lâu ngày, chỉ có Thạch
Vàng là nhe hàm răng rặc ri Campuchia, cười hền hệt.
Tụi tôi ngồi tì tì với bình trà và hằng hà sa số chuyện
cũ cho tới khuya.
******
Là thổ địa ở đây nhiều năm chính Phong còn không rành đường
vào khu này, anh Tạm biết nó rất rõ, anh sống gần khu vực đó, anh có nhiều lần
lên đây thắp nhang, ngồi tỉ tê với người chết trong những trưa buồn ngao du với
mấy con bò đang kiếm cỏ trên đồi trọc.
May mắn bất ngờ, nơi đây mới chính là nơi tôi phải đến.
Sáng hôm sau, tôi gọi Phong thật sớm, hai thằng không kịp uống
cafe chạy một mạch vào nhà Tạm. Từ đây, tôi sẽ lên đồi vĩnh biệt phân trại B.
Nhà Tạm nằm giữa một cánh đồng lúa bạt ngàn, chúng tôi kê
cái bàn ra sân, Tạm chơi mấy bịch net café, nhanh gọn.
- Trời, anh Tạm có căn nhà ngon nghen
Tôi tấm tắc khen khi nhìn căn nhà lợp ngói ba gian.
- Đúng là dân Sài Gòn, ngó vậy mà tưởng bở.
Anh choang thêm:
- Ngó cho kỷ đi, là vách đất đó, không phải tường gạch đâu,
mà nó sắp sập rồi.
Anh kéo tôi và Phong vào nhà, chỉ cho thấy mấy cây kèo gối
trên đầu tường làm bằng đất trộn rơm, chà láng trông như vách tường gạch. đám mối
mọt đục nát đầu kèo và mấy thanh đòn tay bằng gỗ cây rừng, cái mái cong vòng
chính giữa, nó đang đợi một cơn gió lớn là sẵn sàng sập xuống.
- Cha nội, nhà vầy sao ở mùa mưa này? Gần sập mẹ nó rồi.
Vợ Tạm đi chợ về đang lui cui pha trà, chen vào:
- Chừng nào nó sập thì tính chứ biết sao.
Đưa chúng tôi vô coi gian bếp chật hẹp tối thui, anh
Tạm cười hề hề:
- Trời mưa là hai vợ chồng tôi đứng yên một chỗ. Dột
khắp nơi từ trong bếp ra nhà ngoài.
Trời! anh em bè bạn tôi trụ lại cái đất này và thê thảm như
vậy. Trong lòng tôi nãy sinh một kế hoạch. Tôi kéo Tạm ra sân, hối Phong lên đồi
Vĩnh Biệt trước đã. Dĩ nhiên tôi biết mình sẽ phải làm gì với cái mái nhà sắp
đi đời của Tạm dù tôi không nói ra.
“Đồi vĩnh biệt” của
phân trại B, nơi những anh em của tôi bỏ xác giữa Trường Sơn và để lại nắm
xương tàn tại cái trại giam chết tiệt A20, Xuân Phước này. Là ngọn đồi có mồ mả
nhiều nhất của trại Xuân Phước, nơi chôn xác tù nhiều nhất mà tôi biết từ gần
ba mươi năm trước.
Phân trại B nằm cách đồi Vĩnh Biệt không xa. Dù bây giờ nó
đã chìm dưới cái đập thủy nông Hồ Phú Xuân, tôi cũng phải quay lại để nhìn lại
cái nơi từng ở 4 năm từ 1983- 1987. Cái phân trại này là trạm cuối của 10 năm
tù ngục mà tôi đã đi qua.
Hàng dừa đội tôi trồng năm xưa bây giờ cao chót vót, nó là dấu
tích duy nhất tôi nhận ra rõ ràng nhất, trong hằng hà sa số những cái thập thò
trong trí nhớ của tôi khi đặt chân trên mảnh đất tù ngục này.
Một chuyến ra Trung buồn vui lẩn lộn, nhưng trong tôi thật
sự đã mãn nguyện, cái ước mơ ấp ủ gần ba mươi năm nay. Về trại cũ, đặt chân lên
cái nơi từng nhốt kín đời mình hơn 7 năm với những đòn thù còn để sẹo trên da.
A20 Nguyễn Thanh Khiết
Tháng 4-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét