A20 Lê Phi Ô
Anh còn yêu em ngời trong giọt máu,
Anh còn yêu em bờ vai mười sáu.
Cánh môi thơm mềm, nồng nàng hương ấm,
…..Anh còn yêu em ! *
Chiều nay
tôi cho đơn vị dừng quân sớm, dặn dò Sĩ Quan phụ tá kế hoạch đóng quân đêm
xong, tôi chọn một tảng đá bằng phẳng cạnh con suối. Đặt ba-lô xuống, lấy giấy
báo trải trên tảng đá rồi lôi từ ba-lô ra vỏ chai bia tạm dùng làm bình hoa, 2
chiếc ly nhỏ, nhang đèn và một cái dĩa nhỏ cùng một phong bánh và vài trái cam,
quít… như vậy là tôi đã có một bàn thờ dã chiến để cúng, hôm nay là ngày giỗ của
Nhung.
Năm giỗ đầu tiên tôi có về Sài Gòn tham dự ngày giỗ cùng với gia đình Nhung, năm nay là năm thứ hai vì bận hành quân không về được nên chỉ viết thư và gởi quà. Cũng lần giỗ đầu tiên đó tôi gặp lại Hồng Gấm cô em gái út của Nhung, vừa bước vào nhà tôi đã phát hoảng khi Hồng Gấm đến chào tôi, em giống Hồng Nhung của tôi quá, giống đến độ không thể tin được, từ mái tóc gương mặt đến cử chỉ và cả giọng nói, chỉ khác một chút là em trẻ hơn. Tôi ú ớ rồi hỏi:
- H…ồng Gấm
đây…sao ?!
- Dạ, em là
Gấm…anh quên rồi hả !
Cô bé năm nay đã 16 tuổi,
thường thì tuổi nầy còn khờ lắm nhưng Hồng Gấm không như vậy mà lại tỏ ra chững
chạc, đi đứng, ăn nói như một cô gái 18 hoặc 19, cái tuổi mà Hồng Nhung và tôi
ngày mới quen nhau.
Suốt đêm đó tôi
không tài nào ngủ được, bao nhiêu kỷ niệm cũ trở về,
những ngày đau thương tang
tóc đến với gia đình nầy khi Hồng Nhung người yêu của tôi bị VC sát hại, Hồng
Gấm ủ rũ như một tàu lá úa, không ăn không uống em khóc đến sưng cả mắt, suốt
ngày nằm vùi trong phòng. Ngày tôi trở lại đơn vị, Hồng Gấm cố gắng ra chào
tiễn đưa, nhìn em tiều tụy thật đáng thương, thế mà sau một năm em đã trở thành
một cô gái xinh đẹp, dáng vẻ trưởng thành, hoạt bát và nhất là giống cô chị
Hồng Nhung của em cả ngoại hình lẫn giọng nói. Suốt đêm không ngủ, hình
ảnh Hồng Nhung trở về đầy ắp trong tim, trong ký ức pha lẫn với hình ảnh Hồng
Gấm sống động chiều nay. Tôi bước xuống giường bật đèn và nhìn quanh căn phòng…
lặng người hồi lâu, niềm xúc cảm dâng trào trong tôi, căn phòng nầy là của Hồng
nhung trước kia, hình ảnh của Nhung, kiểu cách chưn bày cho phòng con gái vẫn
còn nguyên. Tôi lật vài trang album… rồi lật tiếp toàn là hình ảnh của nàng
thỉnh thoảng có cả hình tôi và Nhung chụp chung nhau. Tôi nhắm mắt lại, hai tay
ôm chặt album ép sát vào ngực gọi thầm… “Nhung ơi !”.
Hôm sau, Hồng
Gấm và tôi lên Nghĩa trang ở Tân Sơn Hòa thăm mộ Nhung. Hai anh em cùng đi
chung chiếc Velo Solex của Gấm, lòng tôi dấy lên một niềm xúc cảm lạ lùng. Gấm
có vẻ vui vì đi chung với tôi, vòng tay em nhẹ nhàng ôm ngang hông tôi, cánh
tay em trắng và rắn chắc của tuổi dậy thì con gái. Cái nét vừa như người lớn
vừa như con nít làm tôi lúng túng khi nói chuyện hoặc khi nhìn thẳng mặt em !
Đến mộ Nhung tôi sắp bánh trái ra cúng, ngồi
cạnh mộ Nàng tất cả mọi thứ quanh tôi đều mờ nhạt, hình ảnh Nhung trong trí tôi
rõ nét như thật, tôi nghe cả giọng nói tiếng cười của em, hình ảnh em nơi tấm
bia mộ như đang thì thầm với tôi những lời yêu thương, tôi cúi xuống thật gần… thật
gần cả mùi thơm từ mái tóc em quyện lấy hồn tôi. Thời gian không gian lắng đọng
hồi lâu… rồi một bàn tay đặt lên vai lay nhẹ và tôi nghe như ai gọi tên tôi làm
tôi chợt tỉnh… tiếng nói lôi tôi trở về với thực tại:
- Anh Phi, bộ… anh
còn thương chị Nhung lắm hả ?!
- Vâng, mãi mãi
và mãi mãi…!
Gấm định nói gì nhưng ngưng
lại… mắt nhìn xa vắng, nét mặt thật buồn. Đột nhiên em nói:
- Thôi… về đi
anh !
- Anh muốn ngồi
lại thêm chút nữa, mai anh đi rồi… biết có ngày nào còn gặp lại ! Thời chiến
chinh đâu ai biết được… ngày mai !
Gấm làm thinh, gật đầu nhưng
mắt em rưng lệ. Cả hai anh em ngồi lặng thinh nghe cả hơi thở lẫn nhau, chiều
xuống thật chậm không gian tím ngắt một màu. Gấm cúi đầu lặng lẽ… không biết em
đang nghĩ gì, đôi vai co rút lại nhỏ bé tội nghiệp. Tôi định nói vài câu vỗ về
nhưng chưa biết nói gì thì Gấm ngước lên nhìn, mắt em mờ hơi sương, nét trẻ thơ
phản phất trên gương mặt, trong sương chiều tôi thấy em đẹp vô ngần !
Tôi ôm hai bờ
vai nhỏ nhắn mềm mại của em, cảm nhận vai em rung nhẹ. Những xúc cảm của em
biểu lộ phần nào bên ngoài tôi hiểu em đang nghĩ gì. Tôi nói nhanh như sợ mình
không có dịp nói:
- Về… đi em !
Gấm chợt bàng hoàng cũng nói
nhanh:
- Dạ, mình về !
Tôi cúi xuống bia mộ hôn lên
di ảnh của Nhung, Gấm cũng làm như vậy… lòng tôi dấy lên một cảm xúc lâng lâng
khó diễn tả bằng lời !
Về đến gần nhà,
cảm thấy đói bụng tôi bảo Gấm ghé Mì Cây Nhãn, Gấm dạ nhỏ. Tôi nói nửa đùa nửa
thật:
- Sao anh bảo gì
em cũng dạ hết vậy !
- Em thích vậy !
Hồng Gấm ơi, em còn bé quá,
phải chi em lớn thêm hơn vài tuổi, phải chi em không phải là em ruột của Hồng
Nhung, phải chi…
Gấm hình như đọc
được ý nghĩ của tôi, mặt đang tươi bỗng tối sầm lại, tôi lái sang chuyện khác
nhưng cũng không biết chuyện gì để nói:
- Gấm ơi, mai
anh đi rồi… không biết bao lâu mới có dịp về lại thăm em và viếng mộ chị Nhung.
Giọng Gấm như thì thầm:
- Sắp đến hè
rồi, em nghỉ học… anh về chơi khoảng một tháng được
không ?
- Nhà binh, anh
đâu được phép đi lâu như vậy, chỉ 4 ngày thôi. Trong trường hợp đặc biệt thì
tối đa một tuần em ạ.
- Em viết thư
cho anh được không ?
- Được, để về
đến nhà anh ghi địa chỉ của anh cho em. Tiền đồn heo hút mà nhận được thư
người… quen còn gì vui mừng hơn !
- Em có địa chỉ
của anh rồi… trong nhật ký của chị Nhung có ghi.
Tôi kêu thầm “chết cha rồi”,
mọi chuyện của tôi và Nhung, Hồng Gấm đọc hết rồi. Hồng Gấm nói xong cũng tái
mặt, biết mình lỡ lời… môi run run lắp bắp “Xin lỗi, em xin lỗi anh” và vì giữa
quán có nhiều người nếu không Gấm đã oà khóc lên rồi !
Tôi không giận mà còn cảm thấy thương em hơn,
em đang trong tuổi dậy thì thường muốn tìm hiểu chuyện người lớn, hơn nữa Hồng
Nhung có lẽ cũng đôi lần tâm sự chuyện tình của mình cùng em gái. Những cử chỉ,
lời nói của Gấm có vẻ hiểu biết hơn người cùng trang lứa… thì ra thế, tình cảm
của Hồng Nhung đối với tôi nàng bộc lộ quá thiết tha trong nhật ký đã làm ảnh
hưởng nhiều đến nội tâm của Hồng Gấm. Tôi cũng tin rằng nhật ký của Hồng Nhung
không viết gì quá đáng nên nàng để khơi khơi trong phòng như vậy, sau khi Nàng
chết Hồng Gấm dọn dẹp bắt gặp và cũng vì tò mò nên lén đọc.
Tôi nhìn vào
chiếc gương gắn trên tường, hình ảnh Hồng Gấm và tôi ngồi ăn trông như cặp tình
nhân, chính xác hơn là hình ảnh Hồng Nhung và tôi, đôi khi tôi không thể phân
biệt giữa Hồng Nhung và Hồng Gấm, ngoại hình cũng như cử chỉ và lời nói đều
giống nhau như của một người… có thể vì thế mà Hồng Gấm đã yêu tôi hoặc gần như
vậy và cũng có thể Gấm bị phản ứng tâm lý vì những lời lẽ nồng cháy của cô chị
Hồng Nhung viết cho tôi trong nhật ký ?
Gấm ơi, em còn nhỏ quá chưa biết cuộc đời là
gì, tuổi em là tuổi măng non, tuổi hái hoa bắt bướm ép vào trang vở. Tình yêu
của em trong trắng ngây thơ như những trang giấy chưa một nét mực, anh yêu chị
Nhung của em và hình như anh cũng yêu em… nhưng anh phải bảo vệ em, tương lai
đang chờ em trước mặt không thể gắn kết với cuộc đời anh, cuộc đời của người
lính chiến nhiều rủi ro, giữa cái chết và sự sống không có lằn ranh. Tình yêu
của em toàn là màu hồng, dễ lầm tưởng như khi người ta nhìn những giọt sương
mai “từ xa nó lóng lánh như hạt kim
cương, nhưng khi đến gần… chỉ là giọt nước mắt”**.
Anh còn yêu em chênh vênh mi buồn, chênh
vênh mi buồn…
Anh còn yêu em nụ hôn sim
tím, áo nhàu qua đêm.
Anh còn yêu em buồm trăng
giương cánh khi biển chiều lên,
Ôi biển chiều lên sóng xa
êm đềm, sóng xa…êm đềm. *
Mỗi người chỉ có
một trái tim, trái tim tôi ngoài tình thương gia đình đã lấp đầy tình yêu Tổ
Quốc và, trong một góc nhỏ nào đó đã đầy ắp hình ảnh Hồng Nhung người tình bạc
số của tôi… nay lại thêm hình ảnh của Hồng Gấm, đôi khi tưởng khó vượt qua sức
chịu đựng của một con người… thế mà tôi đã mang nó đi trên khắp mọi chiến
trường, theo tôi từng giấc ngủ… trong chiêm bao. Nó hiển hiện trong mọi ý nghĩ,
trong tim và trong ký ức, thỉnh thoảng lại cháy bùng lên dữ dội mỗi khi tôi
nhận được thư em, Hồng gấm đều đặn viết thư cho tôi mỗi tháng… bộc lộ tình yêu
thương trong nét chữ học trò. Tình yêu nam nữ một trong những thứ tình yêu mà
người lính cần phải bảo vệ, giúp tôi hiểu rỏ rằng tại sao người lính chúng tôi
lại xem thường cái chết, lăn mình vào lửa đạn để bảo vệ, giữ gìn không giống
như những kẻ khác quên đi cả Tổ Quốc, danh dự để yêu thương một học thuyết một
chủ nghĩa ngoại lai phản lại tình người.
Hồng Gấm ơi, anh
yêu em, muôn đời muôn kiếp yêu em. Nhưng em phải học trước đã, chỉ có trình độ
học thức cao em mới có khả năng tự giúp mình và giúp đời. Anh sẽ chờ em… mãi
mãi chờ em !
A20 Lê Phi Ô
(*) nhạc phẩm “Anh Còn Yêu Em”
của Anh Bằng.
(**) ai đó đã từng nói như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét