30/4/11

Ðòi nhân quyền giữa thành phố cộng sản





Kỷ niệm ngày đọc Tuyên ngôn Nhân quyền ở Sài Gòn năm 1977

Nguyên Huy/Người Việt
 Sunday, April 17, 2011

WESTMINSTER (NV) - Năm 1977, giữa lúc chế độ cộng sản đang cai trị gay gắt và hàng triệu người làm việc cho chế độ VNCH đang bị cầm tù, một nhóm luật sư can đảm cần loa đọc bản “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng” giữa Sài Gòn.
Khi đó là ngày 23 tháng 4 năm 1977. Ðịa điểm lúc đó là phía trước nhà thờ Ðức Bà.
Tối Thứ Sáu, tại Westminster, gần 50 thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền VN tổ chức kỷ niệm ngày Tuyên Bố Nhân Quyền Việt Nam này. Tổ chức buổi kỷ niệm này là các Luật Sư Trần Danh SanTriệu Bá Thiệp, những người 34 năm trước đã khẳng khái, can đảm gióng lên tiếng nói đòi hỏi nhân quyền cho người VN.


Hai Luật Sư Trần Danh San (trái) và Triệu Bá Thiệp 
đang chào mừng thân hữu cựu tù Phan Ðăng Lưu trong buổi kỷ niệm 
ngày ra “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng.”
(Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðó là những tiếng nói tranh đấu cho người VN đầu tiên sau khi chế độ CS đã toàn thắng trên đất nước VN. Những tiếng nói ấy đã bị dập tắt ngay sau khi Luật Sư Trần Danh San vừa mới đọc được hơn một lần bản “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người VN khốn cùng” trước nhà thờ Ðức Bà.
Tuy không có được đám đông khi bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được đọc lên nhưng tiếng vọng đã như những tiếng sấm vang rền trong khắp các tầng lớp dân chúng Saigon và cũng nhanh chóng lan đi khắp nước, vào tận các nhà tù tập trung cải tạo gây hứng khởi và niềm tin cho hàng vạn tù nhân chính trị.
Kể về hành động này, Luật Sư Trần Danh San trong một cuộc phỏng vấn ngắn đã cho Người Việt biết: “Chúng tôi gồm hơn 10 luật sư trước 1975 đang hành nghề tại Huế và Saigon đã hẹn nhau chia làm hai ngả tiến theo hai đường tập trung trước nhà thờ Ðức Bà vào chiều ngày 23 tháng 4. Chúng tôi đã dùng một cái loa phóng thanh qua một máy ghi âm nhỏ để đọc lên bản ‘Tuyên ngôn Nhân quyền của những người VN khốn cùng.’ Ngay lúc đó công an đã ập đến bắt chúng tôi về Tổng Nha Cảnh Sát cũ rồi sau đó giải về Phan Ðăng Lưu.”
Bản Tuyên Bố Nhân Quyền đầu tiên ở VN đã nhân danh những người Việt Nam khốn cùng mới chỉ có 2 năm cộng sản cai trị đất nước. Họ khốn cùng vì họ đã tàn lực vì phải ăn đói và sẽ chết đói, vì không được sống và được suy tưởng như một con người. Nên họ đã phải dùng ngôn ngữ con người để thức tỉnh bọn đao phủ mù quáng và tham tàn là bọn người theo một chủ nghĩa đã lỗi thời và chống lại con người.
Bản tuyên ngôn kêu gọi những người nông dân trên thế giới hãy hướng về VN để thấy người nông dân VN phải lao động cực nhọc suốt ngày với bụng đói vì hoa mầu làm ra mà không được sở hữu.
Bản tuyên ngôn cũng kêu gọi công nhân trên thế giới hãy thấu hiểu đến thân phận công nhân VN đang phải làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm làm thêm ngày nghỉ để dâng lên đảng, lên lãnh tụ CS máu và mồ hôi nước mắt của họ.
Bản tuyên ngôn còn kêu gọi cả những nhà truyền giáo, các khoa học gia, các triết gia, các văn nghệ sĩ, trí thức hãy ngưng tụng kinh, hãy tạm ra khỏi những tháp ngà nghiên cứu, hãy bẻ gãy ngòi bút sáng tác mà hướng về VN, nơi nhà thờ, chùa chiền tự viện đã biến thành các trụ sở hợp tác xã, nơi mà các định luật khoa học bị bóp méo, nơi mà các văn nghệ sĩ trí thức chỉ có mỗi việc làm là tung hô nhà nước, tung hô đảng và lãnh tụ.

Nâng ly chúc mừng nhau trong ngày tái ngộ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bản tuyên bố kêu gọi các lực lượng văn minh trên thế giới hãy đứng dậy, Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được tôn trọng, để con người được bảo vệ...
Luật Sư Triệu Bá Thiệp trong dịp này đã nhắc đến lòng kiên trì, sự can trường và sức chịu đựng của Luật Sư Trần Danh San sau khi đọc Tuyên Ngôn đã bị cộng sản dành cho những đòn thù dã man, tàn khốc nhất trong những nhà tù như Phan Ðăng Lưu. Nhưng Trần Danh San vẫn bất khuất làm sáng lên tinh thần của những trí thức VN chân chính. Ðến nay thì cho dù thân thể đã bị bầm giập vì đòn thù CS, mổ tim đến mấy lần, thông mạch máu chân cũng đến mấy lần nhưng Trần Danh San vẫn đứng vững trên đôi chân với Ủy Ban Nhân Quyền VN để tiếp tục gióng lên tiếng nói của người dân VN trước sự tàn khốc, độc tài của cộng sản VN.
Luat Sư Triệu Bá Thiệp trong dịp này, sau khi kể lại những đòn thù của CS mà Luật Sư Trần Danh San đã phải lãnh nhận, cũng xúc động phát biểu: “Trong nguy hiểm phải sống dưới chế độ cộng sản tôi còn không quản ngại nghe theo tiếng gọi của Trần Danh San, huống chi bây giờ trên đất nước tự do này.”
Tiếp đó nhiều cựu tù Phan Ðăng Lưu cũng lên phát biểu ý kiến về những hành động của anh em trong Nhóm Luật Sư Tuyên Ngôn Nhân Quyền VN và cho rằng, ngay ở trong nước dưới sự kìm kẹp và đàn áp khốc liệt của CSVN mà anh em đã hy sinh dám lên tiếng thì ở hải ngoại này, không vì những dè dặt trước những đánh phá phe nhóm mà chúng ta cứ im lặng mãi.
Sau những lời phát biểu nhắc nhở nhau tinh thần tranh đấu cho nhân quyền VN, buổi kỷ niệm đã được nhiều thân hữu đóng góp phần ca nhạc và mọi người dự một bữa tiệc thân mật trong hào khí “chúng tôi phải tranh đấu vì Ðảng CS Hà Nội buộc chúng tôi phải chấp nhận cái không thể chấp nhận được.”

(Nguồn: www.nguoi-viet.com)


***************





UỶ BAN
NHÂN QUYỀN VIỆT NAM
HỌP MẶT THÂN MẬT
VÀ GẶP GỠ BÁO CHÍ


Litte saigon.-15/4 (Hoàng Phúc/SGT) Sau 34 năm tác giả Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Khổ, công bố vào tối ngày 23 tháng 4 năm 1977 trước Nhà Thờ Đức Bà Saigon, luật sư Trần Danh San và tác giả Công bố Vì Sao Chúng Tôi Tranh Đấu cũng được công bố tối ngày 23 tháng 4 năm 1977 trước Nhà Thờ Đức Bà Saigon, Luật sư Triệu Bá Thiệp. Cả hai Luật sư Trần Danh San và Luật sư Triệu Bá Thiệp vẫn còn sống và đã có một cuộc họp mặt thân mật bạn bè và gặp gỡ Báo chí vào chiều ngày 15 tháng 4 năm 2011 tại Nhà hàng Palace Seafood Restaurant.Cả hai ông sau khi công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyên Của Những Người Việt Nam Khốn Khổ và bản Công Bố Vì Sao Chúng Tôi Tranh Đấu sau đó đã chịu nhiều năm tù đày trong các nhà giam CSVN như Họa sĩ Hồ Thành Đức kể lại với mọi người tối 15 tháng 4 năm 2011 tại Nhà Hàng Palace Seafood Restaurant, Luật sư Trần Danh San khuôn mặt đầy máu sau khi “làm việc” với công an trong nhà giam Phan Đăng Lưu tại Saigon. (Họa sĩ Hồ Thành Đức cũng bị giam trong nhà giam nầy) .

Ngoài hai Luật sư Trần Danh San ,Triệu Bá Thiệp còn có mặt Luật sư Đoàn Thanh Liêm ,Đỗ Đức Hậu và một số Nhân sĩ Trí thức khác thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam do hai Luật sư Trần Danh San đã tuyên đọc lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Khổ do ông soạn thảo và chính thức công bố vào tối 23 tháng 4 năm 1977 trước một số đông đồng bào và tín đồ Công giáo trước Nhà Thờ Đức Bà Saigon sau hai năm tập đoàn CSVN xâm lăng miền Nam chiếm Saigon. Mở đầu Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Khổ như sau: “Chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng, với tàn lực còn lại với tinh thần tàn phế, quyết đấu tranh bằng con đường bất bạo động để kêu gọi lương tâm nhân loại, các lực lượng của Thế Giới Văn minh hãy lắng nghe những lời cầu cứu thảm thiết của những kẻ hấp hối. –Tàn lực vì chúng tôi ăn đói và sẽ đói. –tinh thần tàn phế vì chúng tôi không được sống và suy tưởng như con người. Chúng tôi buộc phải cúi đầu khom lưng hô vạn tuế chủ nghĩa. Một chủ nghĩa đã lỗi thời và chống lại con người…” .

Luật sư Triệu Bá Thiệp không đủ sức khỏe để đọc bản công bố: Tại Sao Chúng Tôi Tranh Đấu do ông soạn thảo và đã công bố tối 23 tháng 4 năm 1977 trước Nhà Thờ Đức Bà Saigon, ông phải nhờ một người thân trong gia đình tuyên đọc. Bản văn mở đầu như sau: “Chúng tôi đấu tranh để trả lại nụ cười cho trẻ thơ. Các cơn đói đã giết nụ cười hồn nhiên của chúng. Các vấn đề phủ phàng hằng ngày đã dập tắt nụ cười ngây thơ của chúng. Chúng phải nói dối để cha mẹ chúng thoát khỏi các cuộc tra tấn của Công an. Chúng tôi đấu tranh để dành lại sự ấm cúng của gia đình. Nay thay vào đấy là những buổi sinh hoạt tập thể căn cứ trên nguyên tắc phê và tự phê để buộc chúng tôi phải lên án nhau. Thực chất của nó là Tòa án Nhân dân thu nhỏ...”.

Một số nhân vật tham dự được ban tổ chức mời phát biểu cảm tưởng như: Chánh án Tòa án Di trú Liên Bang Phan Quang Tuệ, Cựu Thẩm Phán (Nhà thơ Huy Trâm) Nhà báo Lý Kiến Trúc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Cường, Nhà báo Nguyễn Tú A và bà Kiều Loan và Họa sĩ Hồ Thành Đức, tất cả những vị nầy đều nhận xét: Việc làm của hai Luật sư Trần Danh San và Triệu Bá Thiệp là hành động can trường của người trí thức miền Nam biết trước rằng tù đày, đánh đập thậm chí có thể xử bắn thế nhưng họ vẫn làm vì có quá nhiều áp bức mà sức khỏe con người đã vượt quá khả năng chịu đựng. Họa sĩ Hồ Thành Đức kể lại rằng ông chứng kiến cảnh Luật sư Trần Danh San mỗi lần công an gọi đi “Làm việc” sau đó trả lại phòng giam thì mặt đầy máu và bầm tím cho thấy ông đã bị Công an đánh đập tàn nhẫn dã man.

Luật sư Trần Danh San là Luật sư tại hai Tòa án Sơ Thẩm Đà Nẵng và Tòa thượng Thẩm Huế. Ông là con rễ Luật sư Vũ Đăng Dung. Luật sư Triệu Bá Thiệp là Luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon. Cả hai ông đã chịu đựng nhiều năm tù và đã trải qua nhiều nhà giam khắc nghiệt nhất của chế độ trước khi được các tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế can thiệp để nhà cầm quyền CSVN trả tự do. Buổi gặp gỡ thân mật còn có một chương trình Văn nghệ “Bỏ túi” do các Luật sư và thân hữu trình diễn trong đó Chánh án Phan Quan Tuệ với hai nhạc phẩm Pháp được mọi người vỗ tay tán thưởng.



***************



3 - Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam với Tuyên ngôn năm 1977.

Đây là một vụ tranh đấu bất bạo động sớm nhất, với quy mô lớn nhất của giới luật gia tại miền Nam sau năm 1975. Vào ngày 23 tháng Tư năm 1977, trước Nhà thờ Đức Bà Saigon, Luật sư Trần Danh San nhân danh Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam đã đọc bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Cùng”. Liền sau ngay đó, tất cả 17 người ký tên trên Bản Tuyên Ngôn này đã bị bắt giam vào các trại tù. Những người chủ xướng phần đông đều là các luật sư như Thủ lãnh Vũ Đăng Dung, Triệu Bá Thiệp, Nguyễn Hữu Giao, Trần Danh San…

Xin trích dẫn một số đoạn tiêu biểu rất là thê thiết cảm động của Bản Tuyên Ngôn như sau :
“Chúng tôi những người Việt Nam khốn cùng, với tàn lực còn lại, với tinh thần tàn phế, quyết đấu tranh bằng con đường bất bạo động để kêu gọi lương tâm nhân lọai, các lực lượng của thế giới văn minh, hãy lắng nghe những lời cầu cứu thảm thiết của những kẻ hấp hối.
- Tàn lực vì chúng tôi ăn đói và sẽ chết đói.
- Tinh thần tàn phế vì chúng tôi không được sống và suy tưởng như con người.
Chúng tôi buộc phải cúi đầu khom lưng tung hô vạn tuế chủ nghĩa –một chủ nghĩa đã lỗi thời và chống lại con người. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn dùng ngôn ngữ con người để thức tỉnh bọn đao phủ mù quáng và tham tàn. Vì chỉ có con đường bất bạo động mới tránh khỏi các cuộc thảm sát huynh đệ tương tàn và khỏi làm nhơ bẩn tấm lòng trong trắng của những người Việt nam khốn cùng.

Các lực lượng văn minh trên thế giới hãy đứng dậy!
Không còn chờ đợi nữa!
Liên Hiệp Quốc phải can thiệp cấp thời để áp dụng và áp dụng triệt để Bản Quốc Tế Tuyên Ngôn Nhân Quyền đối với những người Việt Nam khốn cùng chiếu theo sự quy định của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”.

Trong số người bị bắt tù liền sau ngày công bố Bản Tuyên Ngôn này, đã có hai người bị chết trong trại giam, đó là kiến trúc sư Nguyễn Văn Điệp và giáo sư Hà Quốc Trung. Các Luật sư Trần Danh San, Nguyễn Hữu Giao, Trần Nhật Tân thì bị tù lâu nhất, đến trên 10 năm. Còn lại, thì bị tù từ 2 năm đến 6 năm.

Chi tiết về vụ này đã được Luật sư Nguyễn Hữu Thống ở San Jose trình bày khá đầy đủ trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong số 390 phát hành vào tháng 5 năm 1992.

Đoàn Thanh Liêm

(trích “Chuyển giao Ngọn lửa Truyền thống.)

(Bài viết để tặng các chiến sĩ tranh đấu nhân quyền ở Việt Nam, và riêng tặng các bạn luật sư Trần Danh San & Triệu Bá Thiệp cùng các chiến hữu trong Ủy Ban Nhân Quyền Việt nam, nhân kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư)

 

 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét