6/5/11

Mẫu Tự M



                                                                                                                 Ý Cơ

Dường như có một chút gì huyền bí, khó giải thích, khi mẫu tự M đã được nhiều dân tộc có ngôn ngữ khác nhau, dùng làm mẫu tự đầu tiên trong tiếng gọi Mẹ đầu đời, chỉ xin đơn cử, trong Anh ngữ, danh từ Mẹ là Mother, trong Pháp ngữ, danh từ Mẹ là Mère, trong danh từ Hán Việt là Mẫu thân .. .. và chắc chắn còn nhiều nữa, xin hẹn vào một dịp khác, Ý Cơ sẽ tra tìm thêm, để làm một thống kê gởi đến quý vị.

Nói đến tình Mẹ cho con, tình cảm thiêng liêng và vô tận đó, đã làm rung động tâm hồn biết bao nhà văn, nhà thơ đã cho ta biết bao áng văn tuyệt diệu, biết bao nhạc sĩ đã cho ta những khúc nhạc êm đềm, tha thiết như tình Mẹ, cũng không thể quên các họa sĩ, điêu khác gia, hay nhiếp ảnh gia, đã cống hiến cho đời những danh tác, ca ngợi tình thương yêu của Mẹ cho con.

Chỉ với một hình ảnh Mẹ ngồi cho con bú, mớm cơm cho con, khi con mới lọt lòng, đã là đề tài cho biết bao tác phẩm trong mọi lãnh vực văn chương, nghệ thuật.

Có phải chăng, tình cảm đầu đời mà ta được đón nhận, ngay khi, ta chỉ là một vật thể nhỏ nhoi trong bụng Mẹ, là tình yêu thương Mẹ giành cho ta. Mẹ yêu thương, đùm bọc, che chở không điều kiện, không mong cầu ta đáp trả công ơn, tình thương yêu này đã ban cho ta đến tận hơi thở cuối cùng đời Mẹ.

Khi biết có ta trong đời, dù mới chỉ là một dấu báo, Mẹ Cha đã mừng vui khôn xiết, dù Mẹ cũng biết rằng những ngày sắp tới, khi cưu mang ta, Mẹ sẽ có những đổi thay về sinh lý trong cuộc sống thường nhật, Mẹ sẽ khó ngủ hơn, Mẹ sẽ bị khó chịu, thậm chí bị hành hạ thân xác, khi có một hương vị dị ứng, dù đã quen như cơm canh, sẽ có nhiều dị ứng, hành thân xác Mẹ, khi cưu mang ta trong bụng. Nhưng, ăn không được Mẹ cũng phải ăn, ngủ không được Mẹ cũng phải cố dỗ giấc, chỉ vì ta, phải, chỉ vì ta, Mẹ lo lắng trăm bề, có lẽ, hơn lúc nào hết, từ ngày có ta , Mẹ phải tự chăm lo sức khỏe, vì Mẹ biết, chính Mẹ, và chỉ có Mẹ, là nguồn dưỡng nuôi duy nhất cho vật thể nhỏ nhoi này.

Không chỉ có thế, Mẹ đã phải lo toan mọi điều vì ta, ngay cả khi đi đứng, nằm ngồi, Mẹ phải cẩn thận từng cử chỉ, từng động tác, chỉ để  mong cầu cho ta được êm ấm trong lòng Mẹ, rồi nữa, cũng tùy khả năng, Mẹ toan tính mua sắm những gì cần thiết cho ta, khi ta chào đời, ngày đó, ngày mà Mẹ Cha  mừng vui đón ta vào đời, cũng là ngày Mẹ phải chịu nhiều đớn đau và hiểm nguy. Để có ta trong đời, Mẹ đã phải chịu những cơn đau banh da xẻ thịt hàng giờ, có khi cả ngày trời, cơn đau tưởng như không sao chịu nổi, nhưng Mẹ, chỉ có Mẹ mới chịu nổi, vì ta, để ta chào đời được vuông tròn.

Dường như cơn đau chưa dứt, mắt Mẹ đã nhòa lệ, không phải vì cơn đau còn hành Mẹ, Mẹ đã quên đau rồi, Mẹ nhỏ lệ mừng vui vì có ta, trên môi Mẹ đã nở nụ cười đẹp nhất và hiền từ nhất trong đời Mẹ. Khi thấy ta trong hiện thực, Mẹ đã quên đau, quên mệt, để Mẹ có thể ẵm bồng, để Mẹ có thể nâng nưu chiều chuộng và để Mẹ có thể trao tặng cho ta tình thương yêu vô bờ bến.

Từ đây, tình yêu thương của Mẹ ban cho ta, đã theo ta từng bước trong đời. Mẹ giắt tay ta ngày đầu đến trường, Mẹ nắm tay ta, giúp ta tập viết những nét chữ đầu tiên, để tạo dựng những tri thức cho mai sau, từ khi ta còn thơ ấu.

Mai này lớn khôn, Mẹ luôn là người mừng vui trước nhất, về những thành công của ta, và Mẹ cũng là người đầu tiên đến bên an ủi khi ta gặp những khó khăn hay thất bại trong đời. Mẹ không chỉ quan tâm đến những chuyện lớn lao như thế, mà Mẹ còn cảm thấy sót sa khi ta bị nắng mưa giữa đường, Mẹ lo âu khi trời đã về đêm mà ta chưa về đến nhà.. .. Mẹ lo nhiều lắm, đứng ngồi chẳng yên, vì Mẹ luôn nghĩ rằng, ta chỉ được bình yên khi ở bên Mẹ, để Mẹ che chở mọi bề gió lạnh cho ta.

Tình thương yêu chăm sóc vẫn không ngưng ở đấy, ngay cả khi ta đã xây dựng cho riêng mình một mái ấm gia đình. Mẹ đã mừng vui sắm sửa mọi thứ thích ứng cho ta trong ngày vui, Mẹ mừng cho hạnh phúc ta, nhưng Mẹ vẫn là người đầu tiên nhỏ lệ khi hạnh phúc ta không bền.

Mẹ vui vì ta, Mẹ buồn vì ta, Mẹ chịu mọi khó khăn cơ cực vì ta, tất cả những trạng huống tình cảm đó, đều phát xuất từ tình Mẹ cho con.

Những ngày còn ở quê nhà, ta không có ngày riêng biệt để nhớ ơn Mẹ như ngày Mother’s day, nhưng chữ hiếu luôn là một nét lớn trong đời mỗi chúng ta.

Dù không có một ngày riêng biệt, nhưng, những khi giỗ tết, ta đã chúc thọ Mẹ Cha, hay nhắc nhở công ơn sinh dưỡng của Mẹ, khi thắp ba nén hương thơm trước ban thờ, ta đứng đó, trước di ảnh của Mẹ để nhớ về Mẹ ngày xưa, và hầu như chúng ta luôn có lời cầu xin Mẹ linh thiêng phò hộ, ban phước cho con cháu. Thế đó, ngay cả khi Mẹ đã quá vãng, ta vẫn mong cầu một sự che chở từ Mẹ, Mẹ đã ra đi, nhưng tình yêu thương của Mẹ vẫn còn đọng mãi trong lòng ta, lời cầu xin ấy, hẳn đã không phát xuất từ sự yếu đuối của tâm hồn, ta đã cầu xin Mẹ chăm sóc cho ta từ tấm bé, vì ta, chính ta, là một phần thân xác của Mẹ đang còn lưu lại trên thế gian này.

Những gì tôi viết được ra đây về tình Mẹ, chính là những ước mong của đời tôi, và cũng chính vì tôi đã là Mẹ.

Phưóc hạnh thay cho những ai còn Mẹ, để được Mẹ chăm lo từ tấm bé, và cũng hạnh phúc biết bao cho những ai đang còn Mẹ để được tròn đời hiếu thảo.

Nhưng những phước hạnh ấy, quá xa vời với tôi, nếu có thể vượt thời gian để trở về thời sơ sinh bên Mẹ, tôi sẽ chấp nhận mọi gian khổ đánh đổi lấy cuộc hành trình về bên Mẹ. Mẹ tôi không còn nữa, khi tôi tròn hai tuổi, những bước đi đầu đời, tôi không nắm bắt được tay Mẹ, để làm sao một đứa trẻ mới chập chững biết đi như tôi lúc đó, có thể lưu giữ được hình ảnh Mẹ trong tâm tưởng, để từ đó có thể hình thành những ý niệm về Mẹ. Không, tôi không hề có được ý niệm gì về Mẹ tôi, thay vào đó, tôi được chăm sóc bởi tình yêu thương của Bà Nội, của Cha tôi và của một người chị mới mười tuổi và một người anh tám tuổi.

 Được sáu tuổi, đứng xa, nhìn bà kế mẫu, ẵm bồng, chăm sóc những đứa em cùng cha khác Mẹ, tôi bắt đầu thèm có Mẹ. Tôi bắt đầu ý thức từ đó, tôi thường tự hỏi, tại sao tôi phải mong mỏi, thèm khát những điều mà ai trên đời này cũng có, trừ tôi, từ đó tôi  thấy mình bơ vơ, lạc lõng , lặng lẽ nhìn ngắm những gì minh thèm muốn trong tình Mẹ, không có được, tôi đành câm nín trong bơ vơ.

Bạn bè tôi, cùng trang lứa, được hưởng trọng vẹn tình yêu thương của Mẹ, được Mẹ chăm lo đủ điều. Tôi thèm khát, tôi tủi thân, và, nỗi thèm khát đó, tủi thân đó, vẫn đeo đuổi tôi đến tận bây giờ, khi tôi đã gần kề tuổi sáu mươi, và có lẽ sẽ còn theo tôi đến tận cuối đời.

 Đến ngày giỗ Mẹ tôi, nhìn di ảnh của Bà trên bàn thờ, như có chút gì xa lạ, dù đã được biết người trong di ảnh là Mẹ tôi. Bây giờ, sau nhiều năm giỗ Mẹ, tôi đã thân quen với hình ảnh Mẹ tôi, nhưng vẫn không bù đắp  được những gì tôi thèm khát, ngay cả ước mơ được chăm sóc cho Mẹ, tôi cũng không có được.

Có một hình ảnh mãi theo tôi trong nhiều năm qua, một lần, vào tiệm phở, nhìn sang bàn bên cạnh, tôi thấy, một chị bằng tuổi tôi, ngồi ăn cùng với Mẹ, tóc cụ đã bạc phơ, người không khoẻ lắm, khi hai tô phở được đem ra, chị đã gắp những miếng thịt trong tô của Mẹ, bỏ sang tô của mình, có lẽ cụ không ăn được, rồi chị đã dùng đủa xắn những sợi bánh phở cho ngắn lại để cụ dễ ăn hơn, chị ngồi nhìn cụ ăn, xem chừng nếu thấy khó, chị sẽ giúp cụ, nhưng cụ ăn uống khá dễ dàng, thấy thế, chị mới bắt đầu ăn tô phở của mình, nhưng vừa ăn chị vừa chăm sóc cho cụ.
Chị đã được chăm sóc Mẹ, như ngày xưa Mẹ đã chăm sóc cho chị như thế.

Nhìn hình ảnh ấy rồi, tôi không ăn nổi tô phở của mình, tôi đã khóc và thèm cho mình những giây phút đầm ấm như thế, quý chị sẽ cho tôi là người quá nhậy cảm, nhưng đó là sự thật của sự thèm khát tình mẫu tử, một người, mồ côi Mẹ quá sớm như tôi, nhìn những hình ảnh tự nhiên, bình thường đối với bao người chung quanh, nhưng tôi đã thèm khát biết bao năm nay, để cho đến cuối đời, tôi biết mình vẫn còn thèm khát như thế.

Tôi lập gia đình năm 21 tuổi, ngày tôi vu quy, Cha tôi đã rơi nước mắt, khi lạy bàn thờ có hình Mẹ tôi, bức hình Mẹ tôi chụp năm 24 tuổi, Cha tôi đã yêu thương và chăm sóc cưng chiều tôi đủ điều, nhưng Ông biết, Ông không thể bù đắp cho tôi về sự thiếu vắng bóng hình Mẹ tôi trong đời này.

Trong đời sống gia đình, có lúc buồn giận, tôi hỏi chồng tôi qua nước mắt, rằng, có phải anh đã đàn áp tôi vì tôi mồ côi Mẹ. Tôi biết chồng tôi không như thế, nhưng khi cảm nhận nỗi bơ vơ ta thường về ẩn trú trong lòng Mẹ.

Thưa quý chị, tôi đã làm mẹ 32 năm, các cháu đã khôn lớn và đã thành gia thất, tôi được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của các cháu. Trong ngày Mother’s Day và ngày sinh nhật tôi luôn được nhận những niềm vui mang đến từ các cháu, đó là khi tôi làm mẹ.

Nhưng tôi đã không được thể hiện tình tôi giành cho Mẹ, thật đau khổ và tủi thân vô cùng, vì tôi không được như quý chị, tôi chưa bao giờ được mua một đồng quà cho Mẹ, nói gì đến việc đưa Mẹ đi ăn những món Mẹ thích, làm sao sắp được những chuyến đi chơi cho Mẹ .

Tôi không biết được mầu tóc của Mẹ tôi, thì làm sao nhớ được mùi hương tóc của Bà. Sau những ngày mang nặng đẻ đau, Mẹ tôi chỉ được ẵm bồng tôi, hát ru tôi ngủ được một năm thì Bà qua đời, biến cố ấy, không chỉ tội nghiệp cho riêng tôi như hiện nay, mà phải hiểu là đã tội nghiệp cho cả hai Mẹ con tôi.

Các chị thân mến, hãy nâng đỡ thân thể Mẹ càng ngày càng già yếu, hãy nhớ lại những ngày dài Mẹ cực nhọc, Mẹ đã trải qua khi nuôi nấng ta, nay là lúc ta phải đảy xa cho Mẹ những ưu phiền lo lắng, và đem về cho Mẹ những thanh nhàn êm ấm lúc tuổi già.

 Tôi xin chúc phúc cho những ai đang còn Mẹ để tôi được gởi tặng những bông hồng đỏ thắm.

  Riêng tôi, xin nhận đóa hồng trắng từ thơ ấu đến tận cuối đời ./.

Ý Cơ
(A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét