Ý Cơ
(A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)
Viết cho ngày Hội Ngộ A-20
kỳ hai (1/7/2012)
lũ chúng ta, cứ bù đầu chật vật
sống sót nên đành kiếm nhau hụt hơi
để tiếc, để thương, để nhắc một thời
cắn răng nén nhục mười năm xiềng xích
sống sót nên đành kiếm nhau hụt hơi
để tiếc, để thương, để nhắc một thời
cắn răng nén nhục mười năm xiềng xích
(NTK “Rót cho người xa xứ”. 29/5/2012)
Mấy tháng vừa qua, với những emails, với những hẹn hò qua điện thoại viễn liên, hay các buổi
gặp mặt thăm viếng, bàn tính, rủ nhau đi tham dự Ngày Hội Ngộ kỳ 2/ A. 20 của
chồng tôi và các bạn, những cựu tù nhân chính trị của trại giam A. 20 Xuân Phước
khi xưa, đã làm xao động nhiều cảm xúc trong tôi, gợi nhớ về thời gian đi thăm
nuôi chồng tù tại khu trại này.
Trôi theo dòng lịch sử của đất
nước, biến cố tháng 4 năm 1975, các anh đã từ mọi miền đất nước bị đưa đẩy gặp
nhau trong không gian âm u của núi rừng Phú Khánh, nơi có một trại tù mệnh danh
“TRẠI TRỪNG GIỚI” với nhiều phân
trại khác nhau, nằm sâu trong thung lũng Xuân Phước, nơi đó sau này được mang tên: “Thung Lũng Tử Thần !”
Với chế độ hà khắc, dã man của
trại, đã biến các anh thành những bóng ma xanh xao, khô héo.
Một xã
hội thu nhỏ…
Một TRƯỜNG
ĐỜI siết chặt….
Siết chặt bao tử với 2 muỗng cơm độn khoai mì, khẩu phần đó có lẽ chỉ đủ dành cho một con chim trong ngày, nhưng đó lại là khẩu phần dành cho các tù nhân chính trị trong những trại giam sau năm 1975.
Sự
thiếu thốn mọi bề, đói triền miên, nhưng các tù nhân còn phải lao động khổ sai,
đã vắt kiệt sức người.
Và có những tháng năm biệt giam trong căn
phòng không ánh sáng, có thể đưa đến tình trạng mù mắt, chân bị cùm dễ trở
thành thương tật mai sau.
Trong hoàn cảnh khốn khó như nhau, các anh
đã luôn bên nhau để hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần cho nhau.
Hay
sẻ chia những viên thuốc, điếu thuốc, tán đường, một chút quà do gia đình giành
dụm gởi đến các anh….
Tất cả những phẩm vật nhỏ nhoi ấy, chỉ là phương tiện để các anh
biểu lộ TẤM CHÂN TÌNH đã nằm sâu
trong tiềm thức mỗi người chúng ta.
Hành động chia sẻ khi thiếu thốn khôn
cùng ấy….
Giấy
mực nào có thể diễn tả rõ vị ngọt bội phần hơn của một tán đường khi chia nhau
trong ngục tù !!!.
Một viên thuốc, chỉ có thể chữa lành phần nào
cho cơn bệnh, nhưng phục hồi rất nhanh tinh thần người đang kiệt sức !!!
Những
vòng khói thuốc nhẹ mong manh, chứa đựng nồng ấm của tình bằng hữu bên nhau….
Đã qua rồi những tháng năm đói khổ tù đày,
Đã
qua rồi những đêm dài tinh thần bị dằn vặt nhiều nỗi đắng cay.
Những
mái đầu xanh khi xưa đã điểm bạc, dù vẫn còn tất bật mưu sinh, nay ở bốn phương
trời, luôn ngóng tin nhau, mong có cơ hội cùng nhau xum họp,
Mong
tìm về ôn nhớ những kỷ niệm một thời bên nhau trong hoàn cảnh cay nghiệt nhất
của một quãng đời .
Làm sao các anh có thể quên ?…
Nỗi khao khát gặp nhau, là động lực mạnh
nhất đã thúc đẩy các cựu tù nhân chính trị từ các nơi xa xôi, phải vượt đại
dương như Pháp, Úc tụ họp về Bắc Cali, Hoa Kỳ…tốn tiền, hao tổn sức khỏe để
được nhìn tận mặt người bạn năm xưa, hay để ôm vai người bạn đã nấu chung LON
GÔ với mình….một thời thiếu thốn…
Trong 7 năm tù của chồng tại trại A.20, tôi
đã đi đi về về nhiều lần trên con đường
mòn dẫn vào trại, lúc bước ngắn, khi bước dài, trong lòng mang nhiều tâm trạng
khác nhau.
Mỗi chuyến đi thăm hay khi rời tay chồng,
tôi thường tự mình tưởng tượng, đóng khung cho mình một hình ảnh, đem cất vào
ngăn ký ức kỷ niệm, lâu lâu nhớ lại, đem ra ngắm nhìn, tưởng nhớ, để quên đi
một vài giây phút của cuộc sống quá nhiều nỗi muộn phiền vây quanh.
Khi xem những hình ảnh trong video clip “ Xuân Phước Ngày Nay” của thầy Hùng,
một cựu tù chính trị, đã trở lại để quay những đoạn phim và gửi lên trang nhà
A.20…
cho các bạn ở xa
được nhìn thấy sự đổi thay nơi chốn khi xưa đã in hằn dấu chân cuả chính mình,
của các anh và của người thân.
Đã gợi nhớ trong ký ức tôi, những hình ảnh của
mỗi chuyến thăm chồng qua từng trại, từng trại… đắng cay !
Trước khi bị chuyển về trại A.20 Xuân
Phước, chồng tôi ở trại Z.30C Hàm Tân lao động khổ sai, sau hai năm bị tù túng
tại khám Chí Hòa.
Tháng 6-1979,khi nhận được thư chồng
từ trại Z.30C Hàm Tân, anh muốn ôm đứa con gái bé nhỏ 4 tuổi của chúng tôi, cháu
bé thiếu cha bên cạnh, từ giây phút chào đời …
Sau
những ngày thu xếp gửi 2 cháu trai, mua
sắm chút quà cho chồng.
Vào một buổi chiều, đến Z.30C. Như
nhiều lần đã đến, trong tâm trạng vui mừng, tôi nắm tay con gái đứng chờ nộp
đơn thăm nuôi, giữa thân nhân các bạn tù của chồng tôi,
Khi nhận tờ đơn từ tay tôi, người công
an áo vàng xem xong đã trả lại tôi ngay và nói rằng:
“ Chồng
chị không được thăm.”
Rồi bảo tôi đứng xa bàn làm việc, để còn giải quyết cho người
đứng sau tôi.
Một câu nói cụn ngủn, như cả một thác
nước xối ướt, thân tôi lạnh cứng !!!
Tôi đi ra, đứng chờ ngoài cửa, đợi
người công an xong việc sẽ hỏi lý do …. nhưng vẫn là câu nói tàn nhẫn ấy, không
một lời giải thích.
Vì đường xá xa xôi, phương tiện giao
thông năm 1979 hạn chế, được thăm hay không tôi cũng phải ở lại trại qua đêm.
Một đêm thức trắng, lòng bồn chồn lo
lắng, khẩn thiết cầu nguyện cho anh qua được kiếp nạn bủa vây, và mong cho trời
mau sáng.
Buổi sáng hôm sau, trong giờ nhận
đơn, khi người công an đứng lên gom những giấy tờ chuẩn bị vào trại, tôi đã thu
hết can đảm, cùng với lòng uất hận, tiến đến trước bàn làm việc của viên công
an, chung quanh tôi còn vài người chưa ra khỏi phòng, tôi đã lớn tiếng nói:
“ Tôi khiếu nại về đơn thăm nuôi, theo như
tôi được biết, chế độ của trại, hàng tháng các trại viên được phép viết thư về
thăm nhà, và được phép gặp gia đình một lần.
Theo thông lệ, được phép của trại, chồng tôi đã viết
thư về căn dặn trong tháng 6 sẽ được thăm, nhớ dắt con gái theo.
Hôm
nay, tôi đã dắt cháu theo, để có một chuyến đi thăm chúng tôi tốn bao nhiêu là
công lao tiền của. Nếu không cho thăm,tại sao trại lại cho chồng tôi viết thư
về nhà để tôi phải vất vả dắt cháu theo.
Tôi
yêu cầu anh chuyển đơn của tôi đến các
cấp lãnh đạo, tôi không biết trong trại chồng tôi ra sao, nhưng tôi theo thường
lệ, khi có thư cuả chồng tôi tức là đã
được trại cho phép thăm gặp.
Nếu
chồng tôi bị bệnh, cho tôi được thăm để lo thuốc thang.
Nếu
chồng tôi đã chết, xin cho tôi ra mộ phần, và nhận lại những vật dụng của chồng.
Tôi không thể trở về khi không biết tình trạng anh ấy ra sao.”
Người công an cùng lứa tuổi với tôi,
đứng nghe tôi nói, không ngắt lời.
Sau
đó, anh cầm tờ đơn của tôi và nói:
“ Tôi sẽ
xin ý kiến của Ban lãnh đạo ”.
Tôi
đứng ngồi không yên, thời gian trôi qua … sao chậm quá…!
Tôi
ngóng nhìn vào phía trong trại, khi nhìn thấy viên công an trở ra, tôi hồi hộp,
muốn nghẹn thở …… sợ phải nghe tin dữ.
Được
anh ta cho biết, tôi có 2 lựa chọn:
1/ Nếu tôi muốn gặp chồng tôi, chồng tôi sẽ không
được nhận quà thăm nuôi.
2/ Tôi sẽ
được gửi hết quà, nếu tôi không gặp mặt chồng!!!!
Không
một giây suy nghĩ,tôi trả lời ngay:
“
Tôi muốn gặp mặt chồng tôi ”.
Tôi muốn tận mắt thấy tình trạng cuả
chồng tôi sau hơn một tháng không gặp .
Sau khi người công an quay vào trại, tôi
lại bồn chồn trông ngóng.
Từ phía trong trại đi ra, một người công
an và chồng tôi đang bước đi chậm chạp…
Tôi
sững sờ…Đó là chồng tôi sao !!!!!!,
Một thây ma được lôi lên từ nấm mồ hoang lạnh.
Anh gầy trơ xương, giống như một khung treo bộ quần áo tù đang mặc, da mặt
trắng bệch không có dấu hiệu còn dòng máu chảy trong người. Bước đi khập khễnh….
Ánh mắt chúng tôi nhìn nhau, ngàn điều muốn
nói….
Tôi cố nuốt ngược những giọt nước mắt, không
cho phép nó chảy ra.
Không
để chồng tôi nhìn thấy, anh sẽ đau lòng, ảnh hưởng đến tinh thần, không tốt cho
cuộc sống đang phải đối diện.
Không
muốn để ngươì công an nhìn thấy giây phút yếu lòng của chúng tôi.
Trong
phòng nhận đơn thăm nuôi, cách xa chỗ ngồi của người công an khoảng 2 thước. Để
tận dụng 10 phút, như một chớp mắt quí gía đó, chúng tôi ngồi bên nhau nói
chuyện gia đình, cha mẹ, anh em, con cái, đặt con gái ngồi trên đùi, anh vuốt
ve khuôn mặt ngây thơ, dặn con thương các anh, thương mẹ…
Qua tấm lưng che của con gái, tôi vội
vàng nắm bàn tay anh, nhìn anh không nói, nhưng đôi tay chúng tôi siết chặt…. xoắn
chặt lấy nhau … thay ngàn lời muốn nói.
Sau chuyến đi thăm trở về, tôi hoàn toàn
dấu kín tình trạng sức khỏe của anh với gia đình. Chuẩn bị tinh thần để nhận
hung tin. Chuẩn bị tinh thần cho một cuộc sống khi không có chồng tôi trên thế
gian này.
Những ngày tháng chờ đợi hung tin của
chồng, cuộc sống như cơn mộng du.
Cuối tháng 9 năm ấy, nhận được thư chồng
bị chuyển về một trại giam xa hơn là A.20 Xuân Phước, tuy biết đoạn đường đi sẽ
gian nan vất vả hơn, nhưng lòng tôi quá đỗi vui mừng vì chồng tôi chưa biến mất
khỏi thế gian này.Tôi vẫn còn có anh, các con tôi chưa trở thành những đứa trẻ
côi cút.
Tôi lại chuẩn bị những chuyến đi, lại được
trải nghiệm nhiều sinh hoạt đời sống, qua tiếng còi tàu, qua sân ga, hay trên
những chuyến xe đò miệt mài trong đêm
tối…
Người
ta thường nói, khi tuổi càng cao thì những chuyện vừa xảy ra sẽ không nhớ rõ, đôi
khi đang đeo kính trên mắt nhưng lại cố đi tìm kính.Vậy mà, hôm nay, chuyện quá
khứ xa xưa như một cuốn phim dài nhiều tập, cứ hiện ra thật rõ, đong đầy cảm xúc.
Khi
nhìn hình ảnh mặt nước mênh mông của
lòng hồ Phú Xuân hiện nay, được thầy Hùng ghi chú :
“
xưa kia là vị trí của 3 phân trại B-C-D.”
Tôi không phân định được các khu trại
này.
Hình
ảnh luôn có trong ký ức tôi, là chuyến thăm chồng đầu tiên tại trại A.20. Khi
đứng nhìn dòng nước chảy của con suối nằm chắn ngang trên con đường dẫn vào
trại, giữa cảnh vật ẩm ướt chung quanh, nước mắt tràn mi, tôi thấy tội nghiệp
cho chồng và các bạn của anh, đã bị cùm chân nơi đây, một vùng sương lam khí
chướng, không hẹn ngày về…
Cuối tháng 9-1979, tôi nhận được thư chồng từ
trại A.20 Xuân Phước.
Sau bao tháng mong chờ, khi cùng nhận
được thư, tôi và Hoa người bạn đường thăm nuôi từ chuyến đi đầu tiên, cô là em
gái của người bạn thân của chồng tôi.
Địa chỉ của trại tù quá xa lạ đối với
chúng tôi, đi và về phải mất vài ngày.
Vào
một buổi chiều đầu tháng 10-1979, qua vài phương tiện giao thông, chúng tôi đã bước
xuống xe lam trước khu chợ La Hai, theo
lời chỉ dẫn men theo phía tay trái qua một đoạn đường lót bằng những tấm vỉ sắt
sân bay, là đến một dòng suối .
Chúng
tôi đã được qua suối trên một chiếc thuyền nhỏ cuả trại, do một anh trại viên
chèo chống, tôi được biết khu vực này vừa trải qua những ngày mưa bão, nên dòng
suối đầy nước, một vài ngày nữa cạn nước thì có thể đi qua dễ dàng.
Khi đến khu nhà thăm nuôi, chúng tôi
được một thân nhân đến trước cho biết, vì không nộp đơn chiều nay, nên chúng
tôi sẽ không được gặp ngay sáng hôm sau.
Có cả một buổi sáng chờ giờ thăm, tôi
và Hoa rủ nhau sẽ đi chợ La Hai để mua thêm ít thức ăn tươi, bởi không biết
trước đường đi ra sao, sợ làm trước thức ăn bị hư….
6 giờ sáng, ngoài trời còn mờ mờ tối, chúng
tôi chuẩn bị đi chợ.
Trong
sương mù lạnh buốt bao phủ vùng đồi núi, cây cỏ ẩm ướt, tôi và Hoa đều mang tâm
trạng hân hoan trong lòng, vì người sắp gặp anh, kẻ gặp chồng, chúng tôi đã
bước những bước dài, nói chuyện nho nhỏ, sợ đánh thức không gian đang say ngủ
của núi rừng.
Bởi mang tên một loài hoa, và một tâm
hồn mẫn cảm, nên khi đi trên con đường mòn, giữa các hàng lau sậy, nhìn thấy
những bông hoa ngũ sắc, những cây cà dại, thật tinh khiết, thấm đẫm sương
đêm.Tôi đã hái những bông hoa xinh tươi đó, cột gọn lại, chiều dài khoảng một
ngón tay.
Bó hoa này tôi sẽ bỏ vào túi quà, để
chúc mừng ngày vợ chồng còn tận mặt nhìn nhau, còn có nhau trong cuộc đời này,
để tiếp thêm ý chí cho nhau mà vượt qua đời sống khắc nghiệt trong lao tù của
anh,và đời sống quay cuồng kiếm ăn nuôi con của tôi…
Lần đầu tiên được đứng giữa khu chợ miền
núi, tôi thích thú mua những thổ sản với gía rẻ hơn Saigon, khi trông thấy một
bé gái khỏang 8 tuổi, bằng tuổi cháu trai đầu lòng của tôi, ngồi ôm một rổ mười
mấy trái thanh long, mỗi trái to nhất khoảng bằng nắm tay,với tư thế ngồi ôm
hai tay bên vành rổ, như sợ rằng nếu không ôm như thế sẽ bị ai đó lấy mất… Tôi
đã trả gấp đôi số tiền cho cháu, nhìn khuôn mặt rạng rỡ, miệng cười tươi, mắt
sáng long lanh, trái tim tôi đau nhói… như nhìn thấy chính con mình !
Một
khoảnh khắc trong đời, tôi đã được nhận ngay một khung hình có đôi mắt trẻ thơ long lanh sáng giữa phông nền mờ nhạt
của buổi chợ trong sương mờ miền núi….
Tâm
hồn tràn ngập tình cảm thương mến, khi nhìn anh bạn tù cố gắng chống cây mái
chèo đẩy thuyền qua suối, trước khi đến bờ bên kia, tôi lấy sẵn 3 trái thanh
long để xuống sàn, xếp gọn 3 trái chụm vào nhau, khuất sau chiếc gỉỏ. Làm qùa
biếu anh.
Nhưng lại không yên tâm, ngồi suy nghĩ cách
tặng quà cho đúng trong hoàn cảnh này: nếu trao tay, thì thấy món quà của mình
nhỏ bé quá, nếu để lại trên sàn thuyền không nói, giống của bố thí, người nhận
sẽ mặc cảm, còn mình sẽ cảm thấy thất lễ …
Tôi, chồng tôi và anh, chúng ta cùng
hoàn cảnh, cùng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, đang chịu đựng khổ nhục của
cuộc đổi đời.
Không
suy nghĩ thêm, tôi lấy bó hoa nhỏ đã hái trên đoạn đường ra chợ, đặt
trên 3 trái thanh long, kín đáo dùng chiếc giỏ che khuất, tôi muốn anh chỉ nhìn
thấy, khi chúng tôi xuống thuyền, khuất xa.
Bó hoa, như một lời chào thăm, một lời
thông cảm, một lời chia sẻ, làm ấm lòng người cho và người nhận.
Sau khi nấu nướng xong, sắp xếp những
gói quà, tôi cũng không quên trang điểm cho mình tươm tất một chút, một chấm má
hồng che khuôn mặt xanh xao, tô vành môi đỏ cho nụ cười bớt khô héo. Làm đẹp
mắt nhau, để làm nhòa hình ảnh nhọc nhằn những ngày sương nắng.
Khi
nhớ về nhau chẳng quá đau lòng .
Trong thời gian chờ đến giờ thăm gặp, chợt
nhớ đến bó hoa đã tặng lại trên thuyền buổi sáng, tôi đi ra sân trước khu nhà
thăm nuôi hái được một bó hoa cỏ màu vàng, hân hoan bỏ vào giỏ quà.
… Nhưng không ngờ niềm hân hoan đó tan biến thật
nhanh.
Cuộc đời nhiều nỗi oái oăm, khi chúng
ta bị rơi vào những hoàn cảnh bất ngờ, không biết phải ứng phó ra sao.
Khi nghe người cán bộ nói:
“chồng chị chưa được phép gặp mặt gia
đình kỳ này, nhưng được nhận 5kg quà, gia
đình hãy chuẩn bị . Nhớ viết thư động viên các anh học tập cho tốt, khi nào
được phép của trại sẽ cho gặp mặt.”
Một người hay nổi nóng, ngang ngạnh
như chồng tôi, sống ngay thẳng, biết lý lẽ, chắc phải đón nhận thêm nhiều điều
đắng cay hơn nữa trong ngục tù.
Đứng trước những gói quà, tôi đã oà khóc, mẹ
con tôi chắt chiu, nâng niu, gói ghém từng gói một, không muốn đem ngược trở về
!!!
Có lẽ chồng tôi sẽ thật sự đã nổi
nóng, khi nhận được 5kg quà và bó hoa cỏ, mà không được nhìn mặt vợ. … Tôi biết tính anh.
Hoa, người bạn đường của tôi, bởi có người anh
trai khí phách ngạo đời, Đòan Bá Phụ, cũng chỉ được gửi cho anh 5kg quà.
Cảm thông hoàn cảnh của chúng tôi, một chị được
thăm thân nhân buổi sáng, đã quyết định ở lại thêm một đêm, để xách giúp những
phần quà phải đem về.
Ôi!
Đẹp quá, tấm chân tình của những người cùng cảnh ngộ…. tôi vẫn thầm nhớ và cảm
ơn chị.
Sau
khi ăn cơm chiều, chúng tôi vội vàng mắc màn trên giường cuả mình, ngồi trong
màn nói chuyện, vì muỗi nhiều quá.
Toàn
bộ khu nhà thăm nuôi hôm đó, chỉ có 3 người phụ nữ chúng tôi, chuyện trò nho
nhỏ, rồi thiếp dần vào giấc ngủ mà dường như những giọt lệ còn lăn trào theo
khoé mắt…
Sương đêm xuống nhiều, tôi thức giấc vì
đầu mũi quá lạnh.
Trong
đêm sâu của núi rừng Xuân Phước, tôi càng thấm thía cơn đói lạnh của chồng tôi
và các bạn anh, càng thấm thía kiếp nạn của vợ chồng tôi, đến bao giờ mới dứt ?
Ba chị em chúng tôi thức giấc sớm, để
không bị lỡ chuyến tàu ngoài ga Chí Thạnh.
Hoa chia đều 2 giỏ xách vừa tay, chị bạn
thì rất đặc biệt, chị đội trên đầu gọn một giỏ, mà đi lại rất nhẹ nhàng, còn
tôi gầy gò, yếu ớt ôm hai tay trước ngực một túi đồ khô.
Chân bước về mà tâm trí còn ở lại….
Xin gửi anh lại cho các bạn, nhờ các
anh chăm sóc lẫn nhau…
Trên
con đường mòn ra trại, tôi đã bước những bước dài mạnh mẽ, tôi còn 3 đứa con
dại ngóng chờ, tôi còn cha mẹ đôi bên để phụng dưỡng, không thể gục ngã trong
lúc này.
Khi ra gần đến suối, chúng tôi nhìn
thấy con thuyền nằm trên bờ cạn, nước dưới suối đã rút, có thể lội qua được. Chuẩn
bị tìm chỗ cao khô ráo để đặt gói quà, xắn quần để lội qua suối, tôi vô tình
nhìn về phía con thuyền, một hình ảnh ngay trong tầm nhìn của tôi, một khoảnh
khắc tôi tưởng tôi bị hoa mắt.
Ngay trên đầu cuả cây cột, để cột mái
chèo, có một bó hoa nhỏ được cột trên đó, vượt lên trên đầu cây cột…..in nhẹ
nét trên nền trời bình minh mờ nhạt trong sương mai của núi rừng.
Người bạn nhận quà đã gửi cho tôi lời
chào thăm, một lời tạm biệt, một lời chúc lành trên đường về…
Bó
hoa nhỏ đã thấm đẫm sương đêm của núi rừng Xuân Phước, nhưng chứa đựng nồng ấm
của TÌNH NHÂN ÁI.
Chị bạn và Hoa đang đi về phía con
suối, thì một anh bạn tù từ trong trại ra tới, anh cho biết hôm nay nước cạn, không
thể chống thuyền, phải lội qua. Khi nhìn thấy tôi lúng túng xách dép, xách túi,
anh đã đỡ túi quà dùm tôi qua suối.
Anh lội nhanh qua bờ, nên phải đứng
chờ tôi để trao lại, chào chia tay .
Chuyến đi thăm chồng lần đầu tiên tại Xuân
Phước, tuy không được gặp anh, nhưng tôi đã đem về được 2 khung hình để làm đầy
thêm ngăn ký ức của mình:
“Đôi
mắt long lanh của em bé bán thanh long, và bó hoa nhỏ trong sương mù Xuân
Phước.”
Xin được mượn hai câu thơ mới viết của Nguyễn Thanh Khiết để nhớ lại
hình ảnh con thuyền nhỏ bên bờ suối cạn, ngày xưa đó….
“Bến cũ
hình như không ai đợi.
Đò xưa thủng đáy bỏ bên bờ …”
(Nguyễn Thanh
Khiết “Ngày mưa nhớ núi”… 5/2012)
Qua rồi những cơn sóng cuồng nộ trên
dòng sông định mệnh, giờ đây chúng tôi đang trôi trên một dòng sông êm ả của
tuổi già, bên ly cà phê, bên tách trà… với dáng vẻ quen thuộc nhiều năm qua ánh
mắt bạn bè, chồng tôi, qua cái pipe cắn ngang miệng, với những vòng khói nhỏ anh
đã vẽ cho tôi xem chân dung của từng khuôn mặt bạn bè, giới thiệu cho tôi những
người bạn đã chia cho anh từng tán đường, điếu thuốc…
Riêng tôi, thường khoe anh những
khung hình tôi nhận được trên những chuyến đi thăm anh. Hình ảnh một con thuyền
nằm trên bờ suối cạn, trên cột chống mái chèo có bó hoa nhỏ trong một sáng
sương mù nơi núi rừng Xuân Phước.
… Khó quên…
Ý Cơ, Úc Châu.
16/6/2012
Viết cho ngày Hội Ngộ A-20 Kỳ hai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét