20/1/11

Lính thiết giáp Hải “bầu”






Vũ Ánh 
(04/24/2010)

Người trong hình là Hải “bầu,” một cựu binh thiết giáp thuộc đơn vị xe tăng M-48 đầu tiên của quân lực VNCH. Khi anh được chuyển đến trại Xuân Phước A-20, một trại tù nằm trong một thung lũng mà chúng tôi tự mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần, tôi nghe các bạn bè gọi anh là “Bầu.” Còn tại sao họ lại gọi anh là “bầu” thì thực tình cho tới nay, tôi cũng không hỏi Hải. Tôi còn không nhớ cả họ của anh nữa dù chỗ anh làm cách tòa soạn tôi không bao xa và tôi có số điện thoại di động của anh. Tôi cứ muốn gọi Hải là Hải “bầu” để giữ mãi được tình thân mật, những kỷ niệm sống, chết bên nhau trong một giai đoạn mà chúng tôi thường gọi đùa là “đỉnh cao của giỡn mặt với tử thần” và để phân biệt với một cựu sĩ quan khác cũng trong số anh em chúng tôi là Hải “cà,” can đảm, trực tính, đàn hát, vẽ, làm thơ rất hay và khi hát không “cà” chút nào cả. Hải “cà” cũng có nhiều bài thơ và vẽ minh họa cho tờ Hợp Ðoàn.

Tại sao bọn tôi lại gọi Xuân Phước là Thung Lũng Tử Thần? Xin thưa, vì đây là một lòng chảo, vào rồi thì khó ra, ngoại trừ ra nằm ngoài “đồi thông” (nghĩa trang tù). Thực ra, trại này nằm trong vùng tiền sơn của quận Ðồng Xuân, thuộc tỉnh Tuy Hòa, nhưng từ phi trường Chóp Chài vào đến Xuân Phước phải đi 60 cây số đường mòn và lội qua 19 con suối lớn nhỏ, đất cát thì cằn cỗi chỉ trồng được khoai mì và bắp đá. Trại tù này trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nhưng giai đoạn đầu của chúng tôi kéo dài 7 năm là kinh hoàng nhất. Ðói, làm việc nặng, ốm đau bệnh gì cũng chỉ xuyên tâm liên, lao tâm, lao lực và bị hành hạ tinh thần, kiệt sức, phù thủng và chết.

Tù cải tạo trong trại này có 4 thành phần: Các sĩ quan cải tạo nổi loạn tại Suối Máu, các sĩ quan cải tạo được chuyển từ các trại miền Bắc sau khi Trung Quốc tấn công 6 tỉnh năm 1979 và khi được chuyển vào các trại trong Nam đã nổi loạn lần thứ hai, các sĩ quan và công chức bị đưa về đây theo phương án 4, nghĩa là phương án “trừng giới vì không thể cải tạo được” và tất cả tù nhân bị kết tội phản động trước tòa án từ 15 năm đến chung thân và tử hình.

Hải “bầu” nằm trong số sĩ quan cải tạo nổi loạn ở Suối Máu, còn tôi nằm trong số sĩ quan và công chức bị lựa đưa về Xuân Phước theo phương án 4 tức là phương án “hết thuốc chữa.” Mục tiêu của trại trừng giới này chỉ là: Dùng mọi phương thức phá vỡ tinh thần của người tù. Bằng phương thức cho ăn thật đói và giới hạn việc trợ giúp của gia đình để lũng đoạn đời sống của các tù nhân, gây nghi kỵ trong các tù nhân bằng hệ thống ăng ten chằng chịt, gây chia rẽ, thúc đẩy cảnh “giậu đổ bìm leo” (sĩ quan cấp dưới xỉ vả sĩ quan cấp trên), thù hận giữa các sĩ quan, công chức cấp cao và sĩ quan, công chức cấp thấp hơn.

Ở các trại khác, khi bị vào xà lim, chuồng cọp hay trại kỷ luật thì chỉ một tuần, nửa tháng, cùng lắm là 3 tháng, nhưng ở Xuân Phước giá chót là một năm và dài nhất là 5 đến 7 năm như trường hợp cá nhân tôi và một số anh em khác. Tuy nhiên, khi vào biệt giam, hay còn gọi là “hộp,” là chuồng cọp, một người tù phải trải qua những giai đoạn “bị đì” sau đây: Cùm hai chân, có khi bị “cùm cánh én” (tay trái luồn qua lưng, tay phải luồn qua vai, rồi cùm hai tay bằng còng số 8-hay còng omega-cách cùm làm người tù đau đớn và khỏe lắm cũng chỉ chịu đựng một tiếng đồng hồ là nôn ra mật xanh, mật vàng rồi ngất đi), rồi đến giai đoạn chỉ bị cùm một chân, sau đó có thể lại bị cùm hai chân nhưng còng chéo nhau, nên chỉ có ngồi và không thể nằm xuống ngủ được, trong trường hợp bị cấm ngủ để điều tra thêm.

Khi đã bị vào chuồng cọp, thực phẩm (khoai mì khô luộc và muối) bị bớt chỉ còn từ 6 đến 9 kí lô một tháng, nghĩa là lượng thực phẩm không làm cho chết đói, nhưng người lúc nào bị mệt lả. Muốn cho người tù bị phù lên, bọn cai tù trại kỷ luật hạ đòn độc thủ: Cho ăn hai muỗng cơm trộn muối và mỗi bữa chỉ có hai muỗng nước. Chúng tôi có thể chỉ ăn một muỗng cơm, nhưng chỉ được uống hai muỗng nước một bữa thì khó lòng chịu đựng được nếu tinh thần không vững. Có bạn đã phải uống nước tiểu vì quá khát. Nhưng lâu dần chúng tôi tìm ra một phương pháp chống lại đòn thù này: Những lần bị gọi đi thẩm cung, tôi xin uống nước và khi uống thì uống thật nhiều để khi trở về biệt giam tiểu ra ca đựng để dành uống vì nước tiểu đầu bao giờ cũng nhạt, dễ uống và đỡ nguy hiểm hơn.

Trong bối cảnh của một trại tù như thế, chúng tôi chẳng còn gì để mất nên khi Hải “bầu” và một số sĩ quan trẻ khác gặp tôi và cùng tính toán những cuộc “vui chơi” chỉ với mục đích: Phá vỡ những âm mưu làm tê liệt sức đề kháng của chúng tôi và cũng phải làm sao cho tên trại trưởng mất ăn mất ngủ và mất chức, tôi đồng ý liền. Ngoài những cuộc hát tù ca, viết khẩu hiệu, treo cờ VNCH trong trại, diệt ăng ten, trị một số những phần tử nối giáo cho giặc, tuyệt thực không đi lao động của những nhóm khác, tôi mở cuộc vận động một số trí thức trong trại như luật sư Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp (Quốc Gia Hành Chánh), PCT( Chính Trị Kinh Doanh), Phạm Ðức Nhì (Sĩ Quan Chính Huấn) cùng các sĩ quan trẻ khác như Hải “bầu,” Hải “cà”, Ngọc “đen,” Khiết “móm” ... để làm một tờ báo chui, lấy tên là Hợp Ðoàn.

Báo chỉ có một bản viết tay giống như cách mà Mao Trạch Ðông làm tờ Truyền Ðăng, trước khi nó trở thành hậu thân của tờ Nhân Dân Nhật Báo sau này. Mục tiêu của tờ báo chỉ là những tin tức từ bên ngoài qua những bài chúng tôi phân tích theo những dữ kiện lấy từ tờ Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, tập san Học Tập, Tuổi Trẻ, Thanh Niên là những tờ báo cung cấp cho chúng tôi những dữ kiện, nhưng được nhìn với cách nhìn của chúng tôi. Trên nguyên tắc, trại vẫn cấm không cho bọn tôi đọc những tờ báo này, nhưng vẫn có cách để thẩm nhập chúng từ ngoài trại vào qua những tù hình sự thuộc diện rộng, tức là diện được gần dân chúng ngoài xã hoặc nhóm tù có án “tư sản mại bản,” những ông thương gia người Việt gốc Hoa nắm vận mệnh của gạo, máy cày, máy đuôi tôm, tầu đánh cá, ngành xuất nhập cảng tại VNCH trước đây như LS, LT, TDN... Tuy án ông nào cũng từ 20 năm đến chung thân nhưng họ được “giảm án” nhiều hay ít là tùy theo số tiền họ lót tay ngay tại Bộ Nội Vụ lớn hay nhỏ. Tôi không biết số tiền đó là bao nhiêu, nhưng cho tới 1983, người nhà đã đem xe đón họ ra về. Với những con người ấy, vài tờ báo hay tin tức “không được loan báo ngoài đời hay trên báo nhà nước thì dễ như trở bàn tay.” Tờ Hợp Ðoàn “ăn khách” là nhờ vào những tin này, nhất là tin đại loại như chính sách nhân quyền mà Tổng Thống Ronald Reagan tung ra năm 1982, tin về tờ Tin Sáng bị đóng cửa, tin về ông Võ Ðại Tôn về nước bị bắt, tin về phong trào Hoàng Cơ Minh, tin về những vụ vượt biển...

Làm một tờ báo chui trong hoàn cảnh an ninh và ăng ten dày đặc như thế, xem ra cũng không khó dù phải bảo đảm được rằng nếu chẳng may, tờ báo bị phát giác thì chỉ một ít người trong nhóm chủ trương bị liên lụy. Chúng tôi không dùng giấy và bút bi mà các tù nhân dùng để viết thư cho gia đình để làm báo mà dùng giấy từ những bao xi măng và mực tím, ngòi viết buộc vào một đũa tre dùng làm quản bút. Nhưng trong trại giam gồm hơn ngàn tù cải tạo bị trừng giới thì liệu họ có dám đọc tờ Hợp Ðoàn không? Do đó, nhiệm vụ phát hành của Hải “bầu” rất khó khăn và phải là người can đảm mới dám làm.

Hải “bầu” trong đời sống hàng ngày trong trại rất trực tính và lúc nào cũng coi trọng việc giữ danh dự của một quân nhân trước bọn cán bộ trại giam và cực lực chống lại những bạn tù nào nhiễm cái chất “giậu đổ bìm leo,” cho dù rằng một số nhỏ sĩ quan đàn anh khi vào trại đã không giữ được sự kính phục của những sĩ quan cấp dưới. Có một vài lần khi đưa báo cho một số “độc giả” nhưng bị phản ứng ngược, Hải “bầu” giận tím mặt, tìm tôi trút sự giận dữ: “ÐM... anh tính coi, nó không giám coi thì nói mẹ nó là không dám coi, còn lý luận nào là báo chưa đưa ra tới ngoài được, mà anh em trong trại đã biết những gì mà tụi mình nói rồi, nào là các anh làm vầy tụi nó bắt được làm anh em trong trại bị ảnh hưởng. Nó còn nói phải đưa được báo ra nước ngoài chứ ở trong này nguy hiểm quá.” Tôi chỉ còn biết khuyên Hải “bầu” rằng phải kiên nhẫn hơn vì ngay cả mấy anh chàng bảo rằng biết hết, nhưng thực sự họ không biết gì cả. Ðã bị đưa lên trại này thì ngày về còn xa lắm và có khi chưa kịp về đã lên đồi nằm dưới ba tấc đất. Cho nên khi “chúng ta đưa tờ Hợp Ðoàn tức là đưa bản án cho họ rồi, họ không dám nhận cũng là phải thôi, trách họ sao được, tự nguyện hết mà.” Tôi nhấn mạnh với Hải: “Bầu à, cậu phải tìm đến mấy anh độc giả này xin lỗi họ đi để tin tức này đừng đến tai thằng Lý ‘lé’ (cán bộ an ninh trại giam). Ðiều cần là chúng ta chỉ phổ biến cho những người dám cầm tờ báo và bảo đảm người ta không mang tờ báo lên cho Lý lé.”

Hải “bầu” biết nghe và anh cùng Ngọc “đen” đã bảo vệ được những độc giả và bảo vệ được tờ báo một cách hữu hiệu. Chúng tôi đã tạo được niềm tin cho những người cần niềm tin để sống và vượt qua khó khăn.

Chúng tôi làm việc với nhau trong tờ Hợp Ðoàn được một năm thì tôi bị đưa vào xà lim vì bọn cán bộ trại giam nghi là chủ chốt những vụ lộn xộn trong trại, chứ bọn chúng chưa biết bọn tôi làm tờ Hợp Ðoàn. Mãi cho đến 5 năm sau, tôi mới được tha khỏi xà lim với tình trạng sức khỏe mà ai cũng nghĩ rằng khó qua khỏi con trăng. Nhưng may mắn thay, tôi và một số bạn khác được chuyển về Z-30A Xuân Lộc theo phương án 5 vì một biến chuyển do cuộc thương lượng chương trình HO giữa Mỹ và Hà Nội. Nhưng đến năm 1987, công an PA-24 đem xe lên Z-30A “đón” đón tôi, Nguyễn Chí ThiệpTrần Danh San về “nghỉ mát” ở trại giam Phan Ðăng Lưu trước chợ Bà Chiểu. Dù sao năm đó, chúng tôi đã ở 12 năm trong tù rồi nên rất tỉnh. Ngày bị thẩm cung đầu tiên, chúng nhá cho tôi thấy Hải “bầu” dù anh đã được thả cách đó hai năm. Ðiều này có nghĩa là Hải “bầu” bị bắt lại vì chuyện gì đó tôi không biết, nhưng đây là cách dằn mặt thường thấy trong các vụ lấy cung từ mà bọn công an điều tra thường dùng.

Khi vào làm việc, viên cán bộ hỏi cung không nói không rằng, đưa cho tôi tờ Hợp Ðoàn. Rồi anh ta nói với tôi: “Ðây là tờ báo bọn các anh định đưa ra nước ngoài.” Vào khoảng thời gian đó, trong số anh em chúng tôi đã có những đồn đại về một sự phản bội nào trong hàng ngũ, nhưng như tôi đã nói nhiều lần, đã “vui chơi” với nhau trong tù thì không bao giờ nghĩ rằng người này hay người kia trong đám là phản bội. Một người trong bọn khi bị bắt, bị đánh đau họ có thể nhận tội thì cũng là chuyện thường thôi, có gì ảnh hưởng đến tình anh em? Họ đi với mình thì chẳng có lợi gì mà ngoài việc phải lãnh cùm kẹp hay đánh đập cũng như có thể chết. Vả chăng trong chốn tù đầy có một tấm huy chương nào xứng đáng với lòng quả cảm của họ? Thành thử trước khi vào cuộc, chúng tôi đã nói với nhau khi bị bắt nếu không chịu đựng được thì phải khai cho những người chủ chốt nhất định và “không để họ bắt thêm người nào nữa.” Ðây là cuộc vui, đừng để cho anh em buồn bã bất cứ điều gì.

Khi gặp lại Hải “bầu” ở Mỹ, tôi mới được biết sau khi được thả về Sài Gòn, lập gia đình và kiếm sống được rồi, anh lại “ngứa nghề” tham dự vào một tổ chức mà theo lời Hải “bầu” kể lại với tôi rằng khi bị thẩm cung, viên sĩ quan công an điều tra nói ngay: “Tổ chức mà anh theo là của chúng tôi đấy.” Tôi đã trải qua hoàn cảnh của Hải “bầu” nên tôi hiểu. Có điều, ông chủ tịch của đảng mà Hải “bầu” theo lại là một bạn đồng tù mà tôi biết từ hồi còn ở Z-30C đã được thả từ năm 1980. Hải “bầu” bị lừa và bị bắt vì chuyện này chứ không phải là bị bắt vì tội là “nhà phát hành” cho tờ Hợp Ðoàn. Nhiều lần bị đánh đau, nhưng không nhận, cho đến khi tôi tình cờ nhờ được người nhắn: “Cứ nhận và đổ hết cho anh.”

Chuyện qua đi đã qua đi 23 năm rồi, tôi chỉ nhắc lại chuyện này như một kỷ niệm khó quên trong đời. Ngoài ra không có ý gì khác. Hôm tôi cùng người bạn sang quán Kang Lạc ngồi ăn, thấy Hải “bầu” lu bu lấy “order” cho thực khách, tôi mừng lắm dù trong trái tim tôi như có ai bóp lại. Tôi biết “bầu” chịu làm lụng vất vả và yên phận là vì hạnh phúc cuối đời của anh. Và như vậy là đúng rồi đó “bầu.” Chúng ta đã trả gần xong nợ với một biến cố lớn lao nhất trong lịch sử của miền Nam, chúng ta cũng cần sự nghỉ ngơi nào đó riêng tư cho mình. Và khi Hải “bầu” giới thiệu tôi với người bạn đời của anh và cậu con trai cũng đang ngồi ăn trong quán, tôi cảm động vô cùng và chỉ còn biết ôm vai người bạn. Tôi nói với Hải: “Ðời sống bây giờ không còn là của cậu nữa mà là của vợ và con.” Hải nắm chặt tay tôi: “Alpha, em hiểu.”

Hôm đến thăm tôi ở tòa soạn nhân ngày nghỉ, anh em gặp lại tâm sự cũng khá lâu. Tôi biết thêm về người bạn đời của Hải và cậu con trai vừa đi học và học giỏi lại vừa làm huấn luyện viên quần vợt cho nhà trường (Bolsa Grande High, nếu tôi không nhớ lầm). Ðời sống của Hải “bầu” như thế là cũng ổn định dù sang đây rất muộn. Khi chia tay, Hải “bầu” hỏi: “Anh thấy em sao?” Tôi nói: “Cậu vẫn còn là người lính, lính thiết giáp.”

(V.A.)



(Nguồn:  http://www.vietherald.com)



Vì Thế Tôi Ra Đi




Bước chân xuống thuyền
coi như ngồi vào chiếu bạc
một còn một mất
tôi đặt cả cuộc đời mình
có thể lát nữa đây tôi sẽ lênh đênh
trên biển cả
hướng về một bến bờ xa lạ
tìm lại cuộc đời
có thể chỉ lát nữa đây thôi
tôi sẽ thấy mình nằm trong ngục tối
chân bị cùm tay bị trói
bắt đầu chuỗi ngày tra tấn tù đày
nhưng tôi tin
            con người có rủi có may
tôi cũng tin
            người ngay trời không nỡ phụ
nên nhìn lại lần cuối
            những đường xưa phố cũ
tôi bước đi
            lòng xao xuyến bồi hồi
ôi tổ quốc bất hạnh của tôi
giải đất hình chữ S
mà trên ấy tôi yêu tha thiết
từng nắm đất ngọn cỏ con nguời
đến những dòng sông lững lờ trôi
bảo sao lúc thuyền ra khơi
            tôi chẳng rơi nước mắt
giá ngay ở đây
      tôi được cầm súng
                  một còn một mất
với quân thù
thì dù ở bên kia trái đất
có phú quý vinh hoa tôi vẫn chối từ 
ngày mai trên nước Mỹ tự do
nếu có ai hỏi
“Cần giúp đỡ gì ?” tôi sẽ nói
“Hãy cho tôi một chỗ đứng trong đoàn quân
tiến về Sài Gòn
bút của tôi chưa mòn
tôi cũng một thời cầm súng
tôi sẽ xông vào chiến trận
với cả hai thứ vũ khí trên tay “ 
trước mắt tôi
      giữa trời Sài Gòn phất phới bay
cờ vàng ba sọc đỏ
có bao người thân
            mặt mày rạng rỡ
đứng đón tôi về
và tôi lại buông súng
            viết tiếp những vần thơ
ngợi ca cuộc sống

Phạm Đức Nhì 





Tiếp Những Bước Chân



Viết nhân ngày giỗ đầu của 7 anh hùng đội 14, trại A 20 Xuân Phước

Bài này được chính tác giả diễn đọc trong 5 buổi văn nghệ tại 5 nhà giam 1, 2, 3, 4, 5
Trại A 20 Xuân Phước nhân dịp tết Canh Thân 1980 (đầu năm 1981)


Hỡi những con người dũng cảm
Hôm nay anh em, bè bạn
Kỷ niệm một năm
Ngày các anh
Đã ghi một điểm son vào trang sử đấu tranh
Trong ngục tù cộng sản

Tập Vẽ



Thuở bé thầy giáo thường khen em
Có hoa tay vẽ nhanh vẽ đẹp
Chỉ cần vài nét
Là có hình người, muông thú, cỏ hoa
Thế mà suốt mấy năm qua
Em luôn bị điểm hai môn vẽ
Chăm chỉ miệt mài tính em vẫn thế
Chứ có đâu biếng nhác ươn hèn

Khóc Thục Vũ




Hoài niệm Vũ Văn Sâm (Thục Vũ)
chết trong trại tù Sơn La, ngày 16-11-1976





                               Chân dung Thục Vũ

Anh Ở Đây_Thục Vũ_ Đoàn Chính



Chiều Nghệ Tĩnh, trời mây ảm đạm
Nghe hung tin xúc cảm, bồi hồi
Thương thay, Thục Vũ lìa đời
Hồn linh thiêng có ngậm cười thiên thu ?
Xót tình bạn giao du từ nhỏ
Thương người về, lệ rỏ, lòng đau
Sâm ơi, ngày ấy xa nhau *
Dặm dài xuôi ngược, con tầu chia xa
Đường đôi ngả, Sơn La, Yên Bái
Đâu có ngờ, mãi mãi biệt ly
Xót thay sống gửi, thác về
Trăng soi lạnh đất, sương che kín trời
Trong tâm thức rụng rời, xao động
Đê mê cuồng gió lộng chơi vơi
Từ đây thôi nhé, Sâm ơi !
Đành thôi vĩnh viễn xa người bạn xưa

........................................... 

Người về cõi hư vô bằn bặt
Tiếng búa đinh gõ nắp quan tài
Nợ non sông, trả hình hài
Bụi trần rũ sạch, mây trời lãng du
Thương nghệ sĩ, mưa thu lã chã 
Khóc chinh nhân, nắng hạ bùi ngùi
Hồi chuông chiêu niệm buông lơi
Trầm hương mờ ảo, ngút trời khói bay
Xa tiền kiếp, đọa đầy cay đắng
Cát bụi bay, lãng đãng về nguồn
Hai hàng bạch lạp chập chờn 
Nửa khuya gió thoảng, anh hồn lung linh
Ôi ! Một kiếp phù sinh lận đận
Chết tha hương, thân phận bọt bèo
Chênh vênh giấc ngủ lưng đồi 
Một vùng huyệt lạnh, trăng soi lạnh lùng ...
Ta thương bạn nửa đời gục ngã
Bao giấc mơ dang dở chưa thành
Sâm ơi, sự nghiệp, công danh
Tình yêu, hoài bão, tan tành khói sương
Từ đây nhé, âm dương biền biệt
Nẻo hương quan, mờ mịt ngàn khơi
Đèo Ban yên giấc đời đời
Mồ hoang lạnh lẽo, ai người khói hương
Hồn phảng phất cầu sương quán gió
Phách vật vờ ngọn cỏ bờ lau
Nỗi niềm tưởng đến mai sau
Chặng đường biệt xứ, khổ đau còn dài
Ta ở lại thương người đi trước
Thắp nén hương lòng, nước mắt rơi
Sâm ơi, khóc bạn lìa đời
Rồi đây nằm xuống, ai người khóc ta? 

Vũ Đức Nghiêm
(Trại Tù Nghệ Tĩnh 6,
Tháng 10-1978)




(* Sâm: Nguyễn Văn Sâm, tên thật của Thục Vũ)







Địa Ngục Có Thật


Tiểu Luận của Nguyễn Quang



TÂM LÝ THẦN KINH CỦA CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM
(ÁN TRÊN MƯỜI NĂM TRONG NHÀ TÙ CỘNG SẢN VIỆT NAM)


LTS: Quán lá A 20 mời anh em vào đây xem nhận định của Nguyễn- Quang về những hội chứng tâm thần của những tù nhân, dưới cái nhìn của một người từng ở trại A 20 đứng trên quan điểm bệnh chứng học


(……Trích đoạn….)

6. Các hội chứng căng trương lực gồm hai dạng đối lập nhau:

- Kích động căn trương lực: Thoạt tiên người bệnh hưng phấn, nói huyên thiên nhưng nội dung không mạch lạc vô nghĩa, tư duy ngắt quãng. Người bệnh có hành động không tự nhiên, xung động, nhiều khi chống đối một cách vô nghĩa.


Cụ thể: Cho họ ăn thì lại quay lưng đi, nhưng khi mang thức ăn đi thì họ lại đòi cầm lấy. Trong trường hợp này đối với các tù nhân gọi là bệnh sĩ diện, họ luôn cố giữ một khoảng cách gọi là giữ nhân cách của người tù chính trị, hay giữ thể diện cho tổ chức, đoàn thể, tôn giáo.v.v… Những con người đã từng vang bóng một thời và nay:


Chiếc lồng nhỏ giam đời bé nhỏ
Cõi ngồi mơ là dấu chấm than

(Thơ Phan Nhự Thức.)

Cụ thể: Người bệnh hay cười vô duyên cớ, có khi mỉm cười mà lại chảy nước mắt. Rất thường gặp ở một số tù nhân, những người này cũng thuộc nhóm dễ xúc cảm trước các tình huống.


Em về chẻ tóc làm đôi
Thay dây mà nối nhịp cầu tri âm
Cho dù tóc trổ hoa râm
Chén đời mật đắng tơ tằm vẫn se

(Hướng Dương Vũ Đình Thụy)

Cụ thể: Người bệnh có hiện tượng ngôn ngữ không liên quan, hành vi kỳ dị như đột nhiên nhảy từ trên giường xuống, nhảy múa quay cuồng, kêu gào, chửi bới, khạc nhổ, phá phách, tấn công vào những người chung quanh.


Tượng đồng tạc bóng cô liêu
Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi

(Tuệ Sĩ)

Cụ thể: người bệnh nhắc đi nhắc lại đơn điệu một câu hay một từ, trả lời không đúng vào đề, hay chứng nhại lời, chứng nhại động tác.


Đường vẫn còn dài, núi vẫn cao
Tháng năm tù ngục buồn ôi chao!

(Thơ Hà Thượng Nhân.)

Cụ thể: với trường hợp nặng, căng trương lực trở nên hỗn độn mãnh liệt, người bệnh vùng vẫy, cào cấu lung tung, tự gây nhiều thành tích, phản động.


Cụ thể: Kích động căng trương lực đôi khi có những cử động nhịp nhàng tựa như múa hát, nhưng là kiểu múa vờn, múa giật. Thường kèm theo chứng không nói như kích động câm.


Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy,
Thịt xương người vung vãi lối anh đi.

(Tuệ Sĩ)

- Sửng sờ căng trương lực: ngưòi bệnh không nói lời nào, không trả lời, không phản ứng với các kích thích đau, cho dù đó là cháy nhà, bom nổ ngay bên cạnh… Họ giữ nguyên tư thế trong một thời gian dài.


Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

(Tô Thùy Yên)

7. Các hội chứng căng trương lực có hai tính chất:


- Căng trương lực tỉnh táo: người bệnh tiếp thu hoàn cảnh chung quanh một cách đầy đủ và nhớ chính xác mọi sự kiện xảy ra trong thời gian đó. Khi kích động thì xung động, khi bất động thì sững sờ phủ định.


Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

(Tô Thùy Yên)

Cụ thể: Tiểu luận này nghiên cứu về các tù nhân lương tâm án trên mười năm, không thể không ghi lại các tù nhân bị tập trung dài hạn có ít nhất ba lần tái tập trung với mỗi một lần thường là ba năm, đã sống những ngày thật hào hùng, bất khuất trong khắp các trại giam trên cả nước mà lúc nào cũng năng động trong sự tỉnh táo. Các tù nhân này đã đứng lên đấu tranh để tìm lại những quyền cơ bản nhất của con người ở những nơi mà hầu như con người chỉ còn cái chết đang chờ đợi mỗi người, con người sinh ra và đi ngược lại giáo điều Mác Lê thời phải chết.


-
Nguyễn Văn Đèn, Hạ sỹ, đấu tranh bất khuất tại trại Xuân Phước.
- Phạm Đức Nhì, sĩ quan, đấu tranh cho quyền lợi của bạn tù đến bại liệt.
- Vũ văn Ánh, ký giả, làm báo đòi quyền con người trong tù, bị kiên giam lâu dài.
- Nguyễn Chí Thiệp, Phó Tỉnh trưởng Quảng Nam, khí khái, bất khuất.
- Trần Danh San, Luật sư, bất khuất.
- Vũ Đức Nghiêm, Nhạc sỹ. Trung tá, bất khuất.
- Lê Trung Phương, Nguyễn văn Hải, Nguyễn Hạnh, Bùi đạt Trung, Nguyễn văn Phước, Vũ mạnh Dũng.- Nhà văn Duy Lam, Ca sỹ Khuất Duy Trác, Tăng Ngọc Hiếu, Phạm Chí Thành, Trần Trọng Minh, Võ Xuân Hỷ, Võ Trịnh Xuân, Cái Trọng Ty, Phùng Văn Triển
- Căng trương lực mê mộng: rối loạn ý thức kiểu mê mộng với nhiều hình ảnh kỳ quái. Khi cơn căng trương lực đã qua họ không còn nhớ điều gì, hoặc chỉ nhớ được từng phần. Hội chứng căng trương lực thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và các bệnh gây tổn thương thực thể não bộ, xơ vữa động mạch máu, u não…

Cụ thể: các tù nhân có tôn giáo kể cả các tu sỹ Thiên Chúa giáo thường hay kể lại những giấc mơ như là “ơn lạ” đối chính mình cũng như các bạn tù.


- Các Tu sỹ Dòng Đồng Công, kể cả Bề trên Trần Đình Thủ nói về điềm lạ và các sự lạ này được truyền tụng trong tù rất nhiều.

- Các Linh mục Dòng Tên cũng như Triều không thấy nói về “sự lạ”.

8. Hội chứng rối loạn trí tuệ, chia làm hai loại:


a. Hội chứng chậm phát triển trí tuệ: các tù nhân khi bị giam giữ đều bị giảm sút về sự phát triển trí tuệ ngoài những phản xạ để đối phó với cai tù, mưu sinh thoát hiểm rất nhanh, đây chỉ là sự quan sát trên cảm nghiệm thường nghiệm, song kiểm nghiệm chung như về tri thức hầu như tù nhân nào cũng bị quên đi rất nhiều.


Long Giao đất đỏ mù trời
Ngày như thiêu đốt, đêm thời lạnh căm
Bốn bên đồi núi bạt ngàn
Giếng sâu thăm thẳm thương thân cát lầm.
(Nguyễn Thiếu Nhẫn)


b. Hội chứng sa sút tâm thần: đó là sự nghèo nàn suy sụp của hoạt động tâm thần, là sự suy giảm các quá trình nhận thức, sự nghèo nàn về cảm giác, sự biến đổi về nhân cách, cùng sự rối loạn về trí nhớ.


Cụ thể: đây là hội chứng rất phổ biến, có thể nói được rằng nó là thành quả của sự tẩy não của những người cộng sản đối với kẻ thù giai cấp: cách ly khỏi xã hội nhiều năm, bỏ cho đói khát cả về tinh thần và vật chất đã khiến các tù nhân lần lượt trở nên khủng hoảng đến rối loạn tâm thần, sự hiểu biết về con người và thế giới bên ngoài bị thu dần lại chỉ còn là những quá khứ và cũng phai dần trong bốn bức tường luôn vây kín. Con người bị giam hãm dần trở nên ít nói và có muốn nói cũng không biết nói với ai, chứng câm dần dần đến gần một cách tự nhiên khiến con người ngày càng trở nên lạnh lùng, vô cảm.


Ta đếm sỏi mòn dưới gót chân
Khắc sâu nghìn dấu tuổi phong trần
Mang theo gánh nặng đời lưu xứ
Máu rỉ vai trần giọt tủi thân

(Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích)

9. Các hội chứng loạn thần kinh:


a. Hội chứng ám ảnh: nỗi ám ảnh về một điều gì đó luôn hiện diện trong tâm thần người bệnh, họ không còn làm việc và sinh sống như bình thường. Nổi bật nhất là khí sắc buồn rầu, mặc cảm bản thân thấp hèn, và trạng thái nghi bệnh.


Cụ thể: nhiều tù nhân trong ánh mắt buồn, khuôn mặt dường như luôn cuối xuống nhất là những lúc sắp xuất hay vào trại, trong mỗi con người như mang một nỗi buồn, sự ám ảnh nào đó về sự xa cách gia đình, về cái chết của bạn tù và rồi sẽ là số phận của chính mình.


Ðẫm nắng chiều rơi trải lối đi
Vàng lên hiu hắt thuở xuân thì
Người đi mang nửa hồn về đất
Em nửa đời tôi khóc biệt ly

(Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích)

b. Hội chứng suy nhược: hay nổi nóng, dễ mất tự chủ vì những chuyện vụn vặt, dễ động lòng, đa sầu đa cảm, mau nước mắt, mau mệt mỏi, trí nhớ kém, thường có giấc ngủ nông cạn với nhiều mộng mị.


Cụ thể: dường như gần hết các tù nhân lâu năm thường mắc chứng này dễ động lòng, dễ xúc động, mau nước mắt, mau mệt mỏi, ngủ ít… song với kẻ thù lại rất kiên định, xem mọi sự nhẹ như tơ hồng, con người trước cái chết vì thật sự rất khó nghĩ đến ngày trở lại đời thường với người tù trọng án, cái chết luôn đối mặt với mỗi người và thật sự khi dấn thân vào con đường đấu tranh cho quyền con người, chống lại những bất công dưới bất cứ một chế độ toàn trị nào đó, những con người có tấm lòng đều ý thức chấp nhận trước cái chết.


Thẫn thờ đứng tựa khung cửa ngục
Nhìn bóng xuân sang mắt lệ tràn

(Thích Quảng Độ.)


* Địa Ngục Có Thật -
Tiểu Luận của Nguyễn Quang



Tháng Tư - Nhớ bạn tù Xuân Phước



Tháng Tư - Nhớ bạn tù Xuân Phước

Tôi đứng bên sông nghe chiều đổ xuống
chiều bên sông trông nắng quái ngậm ngùi
có đàn chim lạ bay sà vào núi
ở lưng trời nghe hốt hoảng tiếng kêu

bạn tù đưa tôi qua sông một đoạn
dòng nước mênh mông chảy xiết đôi bờ
đôi bờ xa quá đoàn tù lưu xứ
đắng cả một trời thuở ấy sa cơ

tôi về A20 bạn ra Xuyên Mộc
anh bạn Hải Quân đến từ đảo Guam
làm gã đưa đò chở tù mạt vận
rách rưới thảm thương thống hận bao lần

tôi.bạn.vào đây lũ người quẩn chí
đánh đấm cùng đường buổi sáng Ba Mươi
sông nước ngậm ngùi chiều qua Phan Rí
aó mão phù hoa thảy lại cho người

tù qua Kỳ Lộ núi rừng hoang vắng
đất dữ mật khu.vượn hú.chim kêu
lội suối về ngang nghe mưa thác đổ
ta gọi hồn ta những xác chim khô

ai kẻ vùi thây một thời oan khốc
đêm giữa núi rừng gió thổi đá khô
dưới ngọn đèn mờ sầu rơi huyệt mộ
trăng núi tàn xám ngoét cuộc phù du

phê điếu thuốc lào thấy trời trái khoái
có con chim lạ hót nửa đêm khuya
bắt cô trói cột nghe buồn rợn gáy
vinh quang một đời lao động thay trâu

như lũ ma rừng đói xanh mửa mật
tuổi thanh xuân vàng ứa máu trên rừng
đào ao nuôi cá ta nuôi mập cá
mưa núi ngậm ngùi .chân đất.phù.sưng


Cái Trọng Ty
Houston-2010



Ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”


Nguyễn Ðức Quang và ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trong các nhà tù Cộng Sản

Trong hàng trăm trại giam từ Bắc vào đến Nam, trại từ A-20 Xuân Phước thuộc tỉnh Phú Yên được những người tù đã từng đi qua nhiều trại cho rằng đây là trại giam hắc ám nhất, dễ phá vỡ tinh thần của người tù cải tạo nhất bằng một chính sách đàn áp tinh thần và bao tử tàn bạo nhất: nó luôn luôn tạo ra cho người tù nỗi ám ảnh của cái chết đến dần dần, từ từ, cái chết không đến ngay nhưng có thể nhìn thấy được. Người tù ở đây thể ý thức được là mỗi ngày các bắp thịt của mình biến dần đi, chỉ cần một cơn bệnh sập đến mà không có thuốc là có thể là ra nằm trên “ngọn đồi vĩnh biệt” (nghĩa trang tù nhân).

Chúng tôi được chuyển tới trại này trong đợt Cục Trại Giam Cộng Sản thi hành phương án 4, tức là phương án đi trừng giới sau khi tuyển lựa và tập trung các thành phần cứng đầu nhất “không thể cải tạo được” từ các trại khác ở miền Nam và miền Bắc để dồn về đây năm 1980 để trừng trị. Chúng tôi bị xiềng bốn người một nhóm. Từ lúc khởi hành vào tờ mờ sáng trên những chiếc molotova nhà binh bít bùng không thấy gì bên ngoài và đến trại vào lúc 5 giờ chiều. Khi những tấm vải bố được vén lên để chúng tôi leo xuống xe thì cũng là chúng tôi đã đến trước cổng trại. Hai dãy nhà gạch mái ngói đỏ au, ao cá vườn dừa và vườn rau xanh với một hội trường lớn khiên cho người tù cảm nhận được một điều gì đó sẽ ghê gớm đang chờ chúng tôi. Bởi vì dưới chế độ cộng sản vào lúc ấy, tù nhân nào được gởi đến một trại đẹp đẽ như thế đều phải trả một cái giá rất đắt, đó là sự hà khắc. Sự bạo hành về tinh thần và thể xác được che giấu dưới những điều đẹp đẽ gần như là thuộc tính của chính sách lao tù Cộng Sản. Ðiều oái oăm là trại A-20 Xuân Phước, một thứ địa ngục trần gian, lại là do nhóm thợ bất đắc dĩ gồm hơn 800 người di tản đến Guam, nhưng sau đó đi chuyền tầu Việt Nam Thương Tín quay trở về, xây dựng lên. Họ tưởng rằng khi quay trở lại quê hương như thế là được miễn cải tạo để góp tay xây dựng quê hương, nhưng sau thời gian bị giam ở Chí Hòa và Nha Trang họ được đưa lên rừng Xuân Phước và xây dựng một trại tù để nhốt chính họ và chúng tôi sau này.

Chỉ đến khi vào tới hội trường chúng tôi mới được tháo xiềng xếp hàng và ngồi xuống để chờ kiểm tra an ninh trước khi chia toán vào buồng giam. Trưởng trại tù Xuân Phước lúc đó là Thượng Tá Thân Yên. Chúng tôi được Thân Yên và một dàn cán bộ “đón tiếp” với một bài chửi rủa và đe dọa: “Ðến đây thì lo cải tạo đi, đừng có mơ tưởng” (mơ tưởng làm loạn và mơ tưởng ngày về như chúng tôi được biết sau này).

Sau khi Thân Yên nói chuyện xong thì đến viên cán bộ an an ninh trại là Lý “lé” người Nghệ An lên diễn đàn. Anh ta trình bày nội qui trại và cuối cùng anh ta nói thẳng: “Các anh đã thấy, các anh là không phải là tù nhân. Nhà nước chỉ tạm giữ các anh để bảo vệ an ninh cho các anh vì nếu để các anh ở ngoài, nhân dân họ đòi nợ màu họ sẽ giết các anh. Các anh thấy không, trại này vườn rau ao cá đàng hoàng. Ðời sẽ rất đáng sống nếu các anh hối lỗi và cải tạo tốt”.

Màn sau cùng trước khi chúng tôi bị kiểm tra là một màn ca hát có tính chất bắt buộc. Viên cán bộ giáo dục lên diễn đàn và anh ta hỏi: “Có anh nào biết hát không, hát vài bài để lên tinh thần. Sao, cải tạo đến năm nay mà không biết hát à”. Cả hội trường im lặng. Anh ta liền đe dọa: “Sao không hát à, chưa an tâm cải tạo. Này không hát là không được với tôi đâu. Không hát nhạc cách mạng tức là chưa an tâm cải tạo”. Lại một vài phút yên lặng, căng thẳng. Bỗng ngồi ở hàng đầu có một người tù đứng lên. Anh còn rất trẻ và xưng tên là Phạm Ðức Nhì. (Sau này tôi được biết Nhì là thiếu úy, sĩ quan chính huấn. Hiện nay nhì định cư ở Galveston, Texas đi học lại, tốt nghiệp đại học nhưng vẫn làm nghề đánh cá, đánh tôm).

Nhì quay xuống chúng tôi và nói: “Nào tôi bắt nhịp để chúng ta hát một bài mừng cán bộ”. Mới nghe, chúng tôi đã chửi thầm trong bụng. Nhì lại nói tiếp: “Chắc các anh biết là ở trại cũ, chúng ta đang được học hát một bản nhạc của Cuba thời cách mạng Che Guavera. Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang đã viết thành lời Việt. Bây giờ chúng tôi hát trước vài câu và bắt nhịp các bạn vừa hát vừa vỗ tay. Lời Việt của bài nhạc có tên rất hay: “Việt Nam Quê Hương (Ta) Ngạo Nghễ ”. Chúng tôi nhìn nhau, nhưng ánh mặt mọi người sáng lên. Nhì thêm chữ “Ta” vào bản “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để cho bọn cán bộ không nghi bởi vì Nhì hiểu rằng, bọn cán bộ Cộng Sản rất thích chữ “ta”, chữ “mình” vào chữ quê hương. Tại những trại trước, phần lớn những đêm tù ca, chúng tôi đều khởi đầu với bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Nhì là sĩ quan chính huấn nên trong những đêm tù ca, anh thường khởi đầu với bài này, sau đó là tù ca và kết thúc bằng bài “Hy Vọng Ðã Vươn Lên”. Nhì bắt đầu:

Ta đi nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang.
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm.
Ðôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.
Ta khua xích kêu vang dậy trước mắt mọi người.
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi.
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi...”
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ - Nguyễn Ðức Quang)

Khi Phạm Ðức Nhì vừa nói: “Nào, một, hai, ba” là lập tức gần một ngàn tù nhân chúng tôi trong hội trường vỗ tay theo nhịp và hát vang lừng. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi thấy một bài đồng ca lại được hát hăng hái, hùng dũng và ngạo nghễ như lúc đó. Chúng tôi thỉnh thoảng liếc nhìn nhau. Có những nụ cười và cũng có nước mắt hoen mi. Mọi người dường như cố gắng hát to và vỗ nhịp thật lớn. Và chúng tôi sang cả phần lời 2, và đến phần này, mọi người như muốn hét to:

“Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhẽ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên...”
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghệ-Nguyễn Ðức Quang)

Sau khi chấm dứt, không nói năng gì Nhì sang luôn bài “Hy Vọng Ðã Vươn Lên”.
Buổi hát tù ca này không làm cho bọn cán bộ trại giam này nghi ngờ, nhưng hơn một năm sau khi Phạm Ðức Nhì vào cùm vì tuyệt thực không ăn để phản đối chế độ lao tù hà khắc ở đây, Lý “lé” đem bài hát này vặn hỏi Nhì có lẽ vì do ăng ten báo cáo. Nhưng buổi tù ca hát ngay trước mặt Ban Ðiều Hành một trại giam khét tiếng tàn ác là một kỷ niệm lớn nhất trong đời tù của chúng tôi.

Nhưng điều mà chúng tôi nhớ nhất là bài học của sự ứng phó nhanh chóng của Nhì đã giúp chúng tôi vượt qua được nhiều cái bẫy và trong cảnh sống hà khắc lúc bấy giờ tôi đã đủ can đảm Ðức Nhì, Ngọc đen, Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp ra được tờ Hợp Ðoàn, một tờ báo lậu trong trại chỉ có một bản viết tay, nhưng thực hiện khá công phu và cũng bí mật được phổ biến khá rộng trong số bạn tù trong trại Xuân Phước.

Chuyện còn dài, nhưng tôi xin tạm dừng vì bài này được viết ra để hỗ trợ cho buổi trình diễn du ca của Nguyễn Ðức Quang sắp tới đây tại báo Người Việt.

Vũ Ánh
10/2004

(Source: http://nguoi-viet.com)


Nỗi đau ngày ba mươi






Nỗi đau ngày ba mươi


Những cơn đợi không lẽ dài hơn nữa
mỗi tháng tư qua thêm chút buồn theo
năm thứ năm đã thấy quá bọt bèo
nói chi là tới lúc này ta vẫn đợi
giặc chuẩn bị ăn mừng ngày thắng lợi
cờ treo đầy như phủ kín trại giam
ta đứt ruột nghe tiếng loa vang vang
buồn như thể chuyện xưa đang dựng dậy

Cuối tháng tư cơ hồ như còn thấy
quân hối hả về, người bỏ xứ đi
giặc chiếm thành thì chẳng nói làm chi
không tiếng súng, mà trói tay đành đoạn
ai cũng mong chấm dứt thời ly loạn
khi máu xương đã đổ quá nhiều rồi
nhưng xuôi tay như vầy thật là tội
cho những người từng cầm súng đấu tranh

Thôi thì đã cùng đường đành một kiếp
không có cơ may để dựng lại cơ đồ
cứ cúi đầu nói đại tiếng hoan hô
để mà thấy ruột gan đau từng đoạn
chút sĩ diện là lặng yên nhìn bầy thú
múa vuốt, nhe nanh, nén nhục qua ngày
tránh được lúc nào coi đó là may
trong chịu đựng phận một người thua trận

~*~ ~*~

Ôi! ba mươi, tháng tư, ngày quốc hận
ta trùm mền giả như sốt từ lâu
nằm rên la cho giống kẻ đau đầu
để khỏi phải tham gia ngày oan nghiệt
ta biết thái độ nầy không tránh khỏi
chống đối trong tù giặc chẳng tha đâu
cùng lắm là cùm, nghĩ mệt ít lâu
còn hơn chường mặt mà sôi máu giận

Tù cùng đường đành chờ trong vô vọng
dù thắng, thua đã thực hết nước cờ
kệ cứ coi như là mình nằm mơ
biết đâu có cơ may mà làm lại
chín năm nay cứ ngày này ta bệnh
cứ ngày này lòng ta rất là đau
thấy cờ giặc là máu nóng đã trào
nói chi phải đứng nghiêm mà chào nó

nguyễn thanh-khiết
A 20 ngày 30-04-1986 

Tháng Tư Bẻ Súng



Bởi tình tụ tán từ muôn kiếp
trăng nửa phần trôi phương lênh đênh
chiều quanh bếp muộn thềm thôn vắng
cuộc rượu đêm tàn vỡ chén xưa
Lương Sơn xa lắc đồi rỉ máu
ta ngựa cuồng quay quắt chiến trường xưa
đồng đội cũ đâu lưng từ nỗi chết
suy gẫm đời chung thân thế phiêu du
biển gầm
núi hú
Quân tàn rã
lịch sử sang sông
bão tố tràn
ráng chiều đỏ quạch
trăng tận tuyệt
thời biển dâu
cung kiếm bóng chiều sương

về đây ngồi ngóng triền sông cũ
chợt thấm vô cùng thương tích xưa

tháng Tư bẻ súng
chàng tự sát
buổi oan khiên tận khốc bạt ngàn lau
bờ bãi vắng chút tình chôn đáy nguyệt
thôn chơ vơ lầm lũi bến đời xa
chiều trở rét môi hôn nào sưởi ấm
môi hôn say thoáng động bóng chiều mưa
xưa gặp anh bên cầu Phan Rí cửa
áo trận mệt nhoài
giạt từ Tuy Phong đến
chàng ưu sầu vô vọng đêm về đâu
vạt nắng đường sâu
chiều liêu xiêu đổ
hồn đi hoang đồng thiếp
trượt bên sông
tiến thoái cuộc cờ
bên bờ tuyệt lộ
cõi điêu linh
vũng xoáy tận cùng suy
thế rồi lực tàn
cuối trời gãy kiếm
thân xác xơ
trận chết
cùng đường
Quân về xuôi
mù mịt chốn phương Nam
mịt mùng chiến trận
mây lửa mông mênh
đứng chênh vênh
biển dựng sóng phù hư
một mùa trăng vỡ
cuộc tình long đong
một thời tan tác lũ
Anh xa xuôi
mồ vô chủ xương tàn dần
Em hiu quạnh
bãi đời xuôi hoá động
Tình cho nhau
lạnh cháy tuổi tràn xuân

tháng Tư bẻ súng
Chàng phiêu giạt
rời Sông Pha cùng đơn vị bơ vơ
chinh chiến tràn qua
bạc tóc tuổi chưa già
Nước mất rừng mưa
ngậm ngùi quê quán cũ
dòng sông Lâu đá tạc vết chàm sâu
tuyến trận điêu ngoa
thân xưa làm Lính
rừng âm u vần vũ tiếng quân xa
khuya Mương Mán
đường qua Ga hiu hắt
đơn vị tàn
sông núi cũng xác xơ
đêm xa phòng tuyến
đêm khuất lấp
chiều xuống rừng mây
chiều lất lây
kiếp lận đận thân sâu đành nuốt hận
nghe giông xa não nuột ngóng chân trời
tháng Tư đêm đen
đồi Chiêm rực lửa
trời sông Lâu trôi cuối mùa xuân
khổ nạn chập chùng
bèo trôi vạn hướng
ngày lê thê đoài đoạn liếp tầng mây
về qua bên sông
gió trầm luân se sắt
gió chiều xoay
đời Lính trận rách bươm

Em trồng một đóa hoa trên đá
vỡ nát tàn phai một cuộc tình
ngày ấy bên sông tàn nắng mật
chiều vàng rớt lại giọt thiên thu

Cái trọng Ty
Trích Thư Quán Bản Thảo
Tập 32 tháng 7-2008


Kính gởi CÁC BẠN đọc để nhớ tháng tư ngày bi thảm


Sàigòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về



Nhạc và lời: Khuất Duy Trác

Tôi đã gặp em bỡ ngỡ tình cờ

Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tối tăm nói với cuộc đời
Sàigòn có vui ? Sài gòn có vui ?
Em ngước nhìn tôi cúi đầu nói nhỏ:
"Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
Thành phố đớn đau vẫn còn nhắn nhủ
Sài gòn chỉ vui khi các anh về"


Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới
Tôi sẽ về quỳ bên thánh giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho tình yêu và cuộc sống
Đem tiếng khóc cười dâng đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài gòn tôi sẽ trở về
Sài Gòn mến yêu ! Người tình dấu yêu ! Tôi sẽ trở về !

(* Bảo Chương: tức ca sĩ Khuất Duy Trác)










Ông bà Duy Trác, Houston, Texas năm 2000



SÀI GÒN CHỈ VUI….

Tôi – CTHàĐông – không giới thiệu nhân vật Duy Trác với quí vị, việc giới thiệu không cần thiết. Mời quí vị đọc Lời Kể của Ca sĩ - Luật sư - Sĩ Quan Biệt Phái - Người Tù Khổ Sai – Người Tị Nạn  Duy Trác về những năm tháng trong Tuổi Trẻ và trong Tuổi Già của ông.
Quí vị vừa đọc bài viết của Duy Trác, Người Ca Sĩ Tài Tử của Sài Gòn thời gian 1965-1970. “ Tài Tử ” tôi dùng đây với nghĩa “ không chuyên nghiệp.” Ca sĩ Duy Trác không lên sân khấu, không lên TiVi, không lên báo nên trước năm 1975 dù nổi danh, Sài Gòn có ít người biết mặt Ca sĩ Duy Trác.

Tôi ở trong số người trước 1975 không được gặp Ca sĩ Duy Trác lần nào. Do đó tôi không được biết dung nhan ông. Nhưng sau 1975 tôi được nằm phơi rốn với ông 4 mùa lá rụng trong Nhà Tù Chí Hoà. Số là năm 1980 chúng tôi đi tù Cộng Sản lần thứ nhất trở về. Qua ông bạn Dương Hùng Cường, tôi được quen biết Luật sự Ca sĩ Duy Trác và ông Sĩ Quan Không Quân Trần Ngọc Tự. Qui luật các nhà Quân Tử Tầu gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”- nôm na là “cùng bọn thì lọn xọn mí nhau” -  làm chúng tôi mấy mạng dân Sài Gòn đi tù CS về tụ lại thành một nhóm gửi những sáng tác – Thơ, Văn, Nhạc, Ảnh – ra nước ngoài.

Người sĩ quan Duy Trác đi tù ngụy quân. Một hôm cùng các ông bạn tù làm khổ sai ven con đường vào Trại Tù, thấy mấy bà vợ tù đi trên đường vào trại thăm chồng, người tù khổ sai  Duy Trác hỏi:

-         Sài Gòn có gì vui không mấy chị?

Một bà trả lời:

-         Sài Gòn chỉ vui khi các anh về.

Cảm khái vì câu trả lời, người tù khổ sai Duy Trác làm bản nhạc “Sài Gòn chỉ vui..” Năm 1982, hay 1983, từ Sài Gòn Duy Trác gửi bản nhạc này sang Paris cho ông bạn Trần Tam Tiệp. Bản nhạc được phổ biến ở hải ngoại, nhạc sĩ - tác giả ký tên dzởm là Ve Sầu. Tháng Năm 1984 bọn P 25, hay PA 25 – nghe nói là bọn Công An VC chuyên về Phản Gián – trong một đêm “tó” hết cả nhóm văn nghệ sĩ Sài Gòn Xưa liên lạc với ông Trung Tá Không Quân Trần Tam Tiệp ở Paris. Nhóm này bị bọn Công An Thành Hồ gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút.

Bọn P 25 tó các ông Dương Hùng Cường, Duy Trác, Trần Ngọc Tự trong một đêm. Ba ông, cùng ông Nhà Văn Doãn Quốc Sĩ, nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hoà 4 năm mới được đưa ra toà. Trong 4 năm tù ấy, ông Dương Hùng Cường chết trong đêm trong một sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Năm 1986 bọn CS định đưa nhóm Biệt Kích Cầm Bút này ra tòa với tội danh “Gián điệp” Khi ấy chúng định xử tử  hình Nhà Văn Doãn Quốc Sĩ – Theo Bộ Luật Hình Sự của VC, người bị kết tội gián điệp bị xử án tối đa là Tử Hình, án tối thiểu là 12 năm Tù – bọn VC đinh xuống tay phang một cái án thật nặng để đe dọa những người khác, loại án “ Sát nhất nhân, vạn nhân cụ ” - Giết một tên làm vạn tên khác sợ - để không còn ai trong nước dám viết bài tố cáo chế độ gửi ra nước ngoài. Nhưng chúng lần chần chưa kịp xử thì nhân dân những quốc gia Đông Âu vùng lên đập phá gông cùm cộng sản. Tượng Lenin, Tượng Stalin bị kéo ra nằm ở những bãi rác, vợ chồng “Đồng chí Sô-sét-cu quí mến” bị nhân dân Lỗ dí súng vào đầu bắn bỏ,  “Đồng chí Na-dzi-bu-la vĩ đại” bị nhân dân Ác-ga-nit-tan lôi ra treo cổ lên cột đèn, bọn Đầu Xỏ Bắc Cộng đái ra máu. Bọn chúng bị bắt buộc phải khặc khừ làm cuộc đổi mới. Trong cáo trạng kết tội nhóm Biệt Kích Cầm Bút, tội danh “Gián điệp” được hủy, thay vào là tội “Tuyên truyền phản cách mạng.” Án tù của tội này tối đa tù 12 năm, tối thiểu tù 2 năm. Ra toà năm 1988, Biệt Kích Duy Trác bị án tù 4 năm, Biệt Kích Trần Ngọc Tự án tù 4 năm.

Biệt Kích Trần Ngọc Tự can tội vác máy hình chụp một lô ảnh Sài Gòn Vỉa Hè những năm 1982, 1983. Trong số có tấm ảnh làm tôi cảm khái là ảnh một thiếu nữ Sài Gòn ngồi trên vỉa hè, sau tấm nylon trên có mấy chồng bát đĩa, cái bàn ủi điện, cái máy sấy tóc, mấy con dao..Nhiếp ảnh gia Biệt Kích Trần Ngọc Tự phụ đề tiếng Việt dưới hình này câu:
Nhìn Em đi anh..!”

Tính từ ngày bị bắt, hai ông Biệt Kích Cầm Bút - Cầm Máy Hình Duy Trác, Trần Ngọc Tự đã nằm phơi rốn trong tù đúng 4 năm, ra toà bị án tù 4 năm, hai ông giã từ tù ngục Chí Hoà, trở về mái nhà xưa.

*
Tôi dịch đại bài Youth:
TRẺ
Tác giả Samuel Ullman – 1840-1925.

Trẻ không phải là một thời của đời sống, mà là một trạng thái tinh thần, Trẻ không phải là má hồng, môi thắm, đầu gối dẻo, mà là một vấn đề của Ý Thức, một kết quả của Tưởng Tượng, là sức mạnh của Cảm Súc, Trẻ là sự tươi mát của Suối Xuân Đời.
Trẻ có nghĩa là sự ngự trị của Can đảm trên tật e ngại vì thèm muốn, ngự trị của Sự Khác Lạ trên tật thích Nhàn nhã. Tình trạng ấy thường đến với người tuổi sáu mươi hơn với người tuổi hai mươi. Không ai già chỉ vì số tuổi. Ta già đi vì ta chối bỏ những Lý tưởng của chúng ta.
Năm tháng có thể làm làn Da ta răn reo, nhưng việc chối bỏ Hứng Khởi làm răn reo Hồn ta.
Lo, sợ, việc tự không tin ở Ta làm Tim ta chùng xuống, làm Thần Thức ta trở về Đất.
Sáu mươi hay mười sáu tuổi, trong tim của mỗi người có sự mời gọi của Kỳ diệu, có sự mong đợi thơ trẻ muốn biết có gì sắp đến, có niềm Vui của Trò Chơi Sống. Trong trung tâm của tim bạn, tim tôi, có một đài vô tuyến, khi nào nó còn nhận những tin Đẹp, Hy vọng, Ca ngợi, Can đảm từ Người và Vũ trụ, khi đó ta trẻ.
Khi những cột thu tín hiệu ngả xuống, khi tinh thần bạn bị phủ bằng tuyết khinh nghi, bằng đá bi quan, đó là lúc bạn già dù khi đó bạn hai mươi tuổi, nhưng khi những cột thu tín hiệu của bạn vẫn dương cao, để bắt những âm ba hỷ lạc, bạn có hy vọng bạn chết trẻ năm bạn tám mươi tuổi.


Và đây là Lời Ca bản nhạc Sài Gòn Chỉ Vui của Nhạc sĩ Ve Sầu Duy Trác:

 Tôi đã gặp em bỡ ngỡ tình cờ
Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tối tăm nhẹ  hỏi cuộc đời:
“ Sài Gòn có vui ? Sài Gòn có vui ? “

Em ngước nhìn tôi, cúi đầu nói nhỏ
“ Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
“Thành phố đớn đau ngày đêm nhắn nhủ:
“ Sài Gòn chỉ vui khi các anh về!”

Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới

Tôi sẽ về quỳ bên Thánh Giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho Tình Yêu và Cuộc Sống
Đem tiếng khóc cười dâng đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài Gòn, tôi sẽ trở về
Sài Gòn mến yêu ! Người tình dấu yêu ! Tôi sẽ trở về !

*

Ôi..! Cảm khái cách gì.

Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới!

Không bao giờ Nhạc sĩ Ve Sầu “ đòi lại được quê hương đã mất..” Ông có về nhưng ông về rồi ông lại đi. Lần này ông tự nguyện làm Cuộc Lưu Đày-Biệt Xứ qua một nước lạ ở tân nửa bên kia trái đất. Chuyện “ Anh về đòi lại quê hương..” chỉ là chuyện trong mơ.

Người Tình Dấu Yêu Sài Gòn rồi có bao giờ Vui không? “
“ Ới Người Tình ơi..!”

Cảm khái cách gì!

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG


(*Nguồn: http://hoanghaithuy.wordpress.com)

Những đòn thù


Xuân Phước, A 20, trại trừng giới
Ai từng qua đây, Ai ngả xuống nơi nầy
Những bia mộ trên đồi hoang là đây
Hãy thắp nén hương ngó về chỗ ấy
Mấy mươi năm qua những ai sống bình yên
Hãy cúi đầu trước những kẻ đã chết, nhưng còn nguyên
Từng chiến đấu âm thầm trong danh dự
Máu, nước mắt xác thân không thể giữ
Và A 20 lịch sử một trại tù
Những bi thương chỉ đơn giản là một đòn thù
Dành cho những kẻ lỡ lầm buông tay súng

nguyễn thanh-khiết
đội 15, phân trại E, A 20
1980