20/1/11

Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp.




Nguyễn Chí Thiệp



Thiên hồi ký Trại Kiên Giam đưa chúng ta trở về với những trang sử đau thương của dân tộc, mở đầu bằng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Ngày mà hàng triệu người phải rời xa đất Mẹ, ngày mở đầu cho một địa ngục cho hàng trăm ngàn chiến sĩ Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa bất khuất. Thiên hồi ký Trại Kiên Giam trình bày tất cả những bi thảm của một trong những trại tù kiên cố của cộng sản được gọi là "cải tạo", và những khổ đau bất hạnh trong một xã hội có nhiều từng địa ngục, được gọi là "thiên đường".

Nguyễn Chí Thiệp sinh năm 1944 tại Quảng Nam, học các trường Phan Chu Trinh Ðà Nẵng và Chu Văn An Sài Gòn. Tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 1965 - 1969, trường Bộ Binh Thủ Ðức 1966, Chính Trị Kinh Doanh Ðà Lạt 1970.

Năm 1975 không trình diện học tập, bị bắt tháng 9 năm 1976 trong khi chuẩn bị vượt biên. Bị giam tại các trại giam Sở Công An Thành Phố, Phan Ðăng Lưu và Chí Hòa. Cải tạo lao động tại các trại Z-30A Long Khánh, A-20 Xuân Phước Phú Yên. Ðược thả tháng 2 năm 1988. Vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai, tháng 5 năm 1988. Cư trú tại Hoa Kỳ từ tháng 10 năm 1989.

Thiên hồi ký Trại Kiên Giam đã được phổ biến trên đài phát thanh Quê Hương, San Jose, California, trong chương trình đọc truyện do Trần Nam phụ trách. Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả và thính giả khắp nơi thiên hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp
.






Trại Kiên Giam
 của Nguyễn Chí Thiệp
 do Trần Nam diễn đọc
Huy Phong thực hiện kỹ thuật

Quý vị có thể tải xuống máy để nghe:



  1    2    3    4    5    6    7    8    9  10
11  12  13  14  15  16  17  18  19  20
21  22  23  24  25  26  27  28  29  30
61  62  63  64  65  66  67  68  69  70
71  72  73  74
 
(
Nguồn: http://freevietnews.com)



****************  





Trại Kiên Giam
Của Nguyễn Chí Thiệp

(Nghe tape cassette do Đài phát thanh tại San José thực hiện)


Phạm Đào Nguyên

Một hôm tình cờ tôi nghe được 14 đoạn ngắn (2 tapes) trong tập hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn chí Thiệp trên net, do anh Trần văn Long gởi email vào các diễn đàn. Tôi gọi điện thoại hỏi các nhà sách tại CA, nhưng không ai có, hoặc không bán, sau cùng tôi tìm được địa chỉ của anh Thiệp. Vì nghe giới thiệu anh là người Quảng nam, tò mò cũng có, và cũng vì nghe 14 đoạn hay quá, nên tôi cố tìm cho được địa chỉ của anh, để hỏi anh nơi bán.

Anh nói, khi viết xong anh đưa quyển hồi ký này cho một số thân hữu, họ đã phát hành tại California năm 1992, chỉ một số lượng nho nhỏ, cho anh em đọc mà thôi.  Một đài phát thanh tại San José đọc truyện và cho vào tape cassett; họ có tặng cho anh mấy bộ, anh còn một bộ và có quyển sách Việt Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự  Do để anh gởi tặng tôi. Tôi có hỏi giá cả nhưng anh nói, có tiền cũng được không cũng không sao, nhưng tôi xin gởi anh 50 đô, chút tiền cước phí. 

Đó là chút hạnh ngộ giữa tôi và anh, một người đồng hương sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Sáu năm đầu đời làm việc, anh về lại Quảng Nam nhận chức từ Phó quận trưởng đến Phó tỉnh trưởng, và khi anh rời QN về bộ Nội vụ, thì tôi mới ra trường trở về Quảng Nam, nên tôi chưa hề biết tên anh. Tôi không có đủ khả năng để viết lời giới thiệu, phê bình hay điểm sách, nhưng với tấm lòng của một người yêu sách, yêu tổ quốc Việt Nam, tôi xin mời qúy vị hãy cùng nghe với chúng tôi Thiên hồi ký Trại Kiên Giam qua giọng đọc của anh Trần Nam, để chia xẻ niềm đau chung của Dân tộc, của Tổ quốc Việt Nam thân yêu sau 24 năm chiến tranh, và 30 năm dài bị đảng Cộng sản độc tài cai trị.

Một quyển hồi ký đặt sắc nhất, hay quá hay qua giọng đọc truyền cảm, làm xúc động lòng người, của xướng ngôn viên Trần Nam, đài VOA.  Giọng đọc của anh Trần Nam đã thu hút, hấp dẫn người nghe một cách đặc biệt, đưa giá trị của quyển sách vào hàng độc đáo nhất, mà tôi chưa một lần từng nghe thấy. Không ai có thể nghe bộ tape này một lần rồi thôi, mà người nghe muốn nghe đi nghe lại hàng trăm lần không biết chán.

“Thiên Hồi ký Traị Kiên Giam, của Nguyễn chí Thiệp do Trần Nam diễn đọc, và Huy Phong thực hiện kỹ thuật. Thiên Hồi ký Trại Kiên Giam đưa chúng ta trở về với những trang sử đau thương cuả dân tộc, mở đầu bằng ngày 30-4 -1975, ngày mà hàng triệu người phải rời xa Đất Mẹ, ngày mở đầu một địa ngục cho hàng trăm ngàn chiến sĩ Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà bất khuất. Thiên Hồi Ký Trại Kiên Giam trình bày tất cả những bi thảm của một trại tù kiên cố nhất, đươc gọi là cải tạo, và một xã hội có nhiều tầng điạ ngục, được gọi là thiên đường. (Trích lời Trần Nam)

Thiên hồi ký Trại Kiên Giam của anh Nguyễn chí Thiệp, gồm 20 chương, được anh Trần Nam diễn đọc vào 12 cuốn tapes, mỗi cuốn dài 60 phút, đã kể lại từ những ngày đầu tiên của 30 tháng 4 năm 1975 ở Sàigòn. Những chuyện rất thật, mà anh là nhân chứng, những việc đã xãy ra tại Sàigòn từ lúc SG mất …đến những ngày anh trốn tập trung, lang thang khắp nơi tìm các tổ chức tàn quân, và rồi bị bắt vào những trại giam, như Phan đăng Lưu, Chí Hoà rồi đến Long Khánh, A20, A30…v…v…Trong 12 năm tù, qua nhiều trại giam, anh đã gặp nhiều từng hạng người, và hàng ngàn những chiến sĩ bất khuất tại đây.

Anh Nguyễn chí Thiệp sinh ra tại Thanh Quýt, Quảng Nam, đã học Phan chu Trinh Đà Nẵng, Chu văn An Sàigòn. Tốt nghiệp Viện Quốc Gia Hành Chánh, Chính Trị Kinh Doanh, và trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh viết chuyện rất thật, rất sống động. Anh viết bằng cả con tim, khối óc, và đã gởi gắm tình yêu quê hương đất nước của anh vào Trại Kiên Giam. Văn anh viết không trau chuốt, mộc mạc, đơn giản dể đọc dể hiểu, anh đã vẽ ra một bức tranh quê hương rất thật, rất đau, bằng ngòi bút tài tình của mình. Đời sống của người dân Việt sau ngày tang tóc nhất của đất nước, ngày 30-4-1975,  ngày lịch sử đau thương của Tổ quốc Việt nam thân yêu.

Anh Nguyễn chí Thiệp là người từng làm việc từ địa phương đến trung ương, anh biết được phần nào những thâm cung bí sử qua các triều đại, về những người liên quan đến giòng họ Nguyễn văn Thiệu, của tướng Đặng văn Quang (trang 147), của Trang sĩ Tấn. Trang sĩ Tấn từ một nhà giáo, đến Thẩm phán rồi Cảnh sát, ông đã vơ vét tài sản của Nam Việt Nam ra sao?  Ông tướng Nguyễn vĩnh Nghi làm gì cho tổ quốc, cho đồng bào VN, trong khi đất nước trong tình trạng lâm nguy?  Một ông tướng có đủ kiến thức, khả năng để đánh giá về tình hình đất nước mình đang tình trạng chiến tranh đến hồi suy vong?

Tôi chỉ đơn cử một vài bộ mặt thật của hai chính thể, hai chế độ ở hai miền Nam Bắc. Với hàng trăm những bản mặt vô liêm sỉ, và ngược lại có hàng ngàn những người lính, những nông dân, những thanh thiếu niên bất khuất trong các trại tù. Hai bộ mặt tương phản mà tác giả đã thấy, đã chứng kiến rất thật trong xã hội Cộng sản và Quốc gia. Tổng trưởng quốc phòng Nguyễn văn Vỹ thế nào? Ông là ai? Phát biểu thế nào về chiến sĩ QLVNCH? Tiếp đến những bộ mặt thật của bọn cộng sản nằm vùng, được tỏ rõ sau năm 1975, những dả man, láo khoét, lừa bịp, thiếu kiến thức, thiếu đạo đức, tàn ác hay ngu đần của bọn lãnh đạo Cộng sản sau 1975.

Những người trí thức miền Nam tiếp tay cho Cộng sản nghĩ gì, làm gì khi Cộng sản xuất hiện? Những người tù bất khuất ấy còn rất trẻ, có người là binh nhì, là nông dân, là những thanh thiếu niên tuổi còn măng sửa; họ đã ung dung chấp nhận những cái án tù từ 20, 30 năm, hay chung thân, mà trước kia họ chưa một lần hưởng ơn mưa móc của chính quyền miền Nam…. Họ kiên cường, bất khuất đầy gan dạ, qua ngòi bút đơn sơ của anh, nhưng làm nhiều người như tôi thót cả ruột gan, thương cho một Việt Nam điêu tàn… thương cho những tấm gương ái quốc, đầy khí tiết dù tuổi đáng độ con cháu chúng ta….

Riêng từ trang 164-172, (hay nghe trong clip số 6 của DVD)  anh Nguyễn chí Thiệp nhận xét rất rõ, rất đúng về các chính đảng chánh trị tại miền Nam, nhất là ở địa phương của anh, Quảng Nam. Những nhận xét có giá trị, đúng từ hoàn cảnh, thực lực, mà tôi mong rằng dù đây là nhận xét của riêng cá nhân anh Thiệp, nhưng rất đúng với những con người của những chính đảng Đại Việt và Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam. Họ phải ghi nhận, học hỏi, và cải thiện guồng máy tổ chức, hầu mới mong phát triển dù trong nước hay ngoài nước.

Trại Kiên Giam là một trong những trại mà sự đối xữ của cộng sản vô cùng gian ác mà các anh ở các trại tù khác chưa hề có. Nơi đây cũng là mồ chôn của các lãnh đạo đảng phái người Quảng Nam, như ông Khúc thừa Văn…và nhiều người khác. Sự đấu tranh giữa sống và chết tùy người tù nhận xét dựa vào cái tâm, hay niềm tin chế độ cộng sản sẽ sụp đổ trong tương lai. Trong đoạn dĩa (clip số 9-10,) anh kể lại sự tranh đấu thể hiện bằng tinh thần vô úy của các tu sĩ của Phật giáo cũng như Công giáo, rất hữu hiệu ở trong tù.

Anh Nguyễn chí Thiệp không ra đi trước 75, vì không muốn nhục vong quốc, nhưng ở lại càng nhục hơn trong kiếp tù  dưới chế độ cộng sản. Hãy nghe lời thiết tha kêu gọi của anh, cùng toàn thể đồng bào Việt Nam khắp nơi, (trang 148-149)

Tôi ước mơ bạn bè của tôi, và cả những người có trách nhiệm làm mất miền Nam sau khi chạy trốn thoát thân, biết kiểm điểm lại tội lỗi của mình, rút ưu khuyết điểm của cuộc chiến đấu vừa qua, gạt bỏ đi những tàn tích cũ, những thói hư tật xấu do hậu quả của lịch sử, một trăm bị nô lệ Pháp để làm lại cuộc chiến đấu mới. Người chiến sĩ không phải một lần thua trận là hết, đã là chiến sĩ thì phải đứng lên chiến đấu sau một lần bị ngã. Phải chiến đấu trở lại. Nếu sau lần ngã rồi nằm im luôn thì không xứng đáng là một chiến sĩ, không xứng đáng là một quân nhân…”

Lời  anh viết ra đây, phải chăng là tiếng Quốc kêu giữa đêm trường. Tiếng kêu đau thương ấy đang tha thiết vang vọng đến từng trái tim của mọi người Việt Nam khắp nơi trong hay ngoài nước, về một Tổ quốc Việt nam thân yêu của chúng ta đang quằn quại dưới sự cai trị tàn  ác của bọn cộng sản. Tiếng kêu thương ấy chờ đợi những bàn tay, những khối óc yêu tổ quốc, yêu đồng bào hãy cùng nhau chung lòng, chung vai gánh vác để có một Việt Nam tự do, dân chủ trong tương lai. 

Sau đây, tôi xin mạn phép trích “Phần Mở Đầu” của thiên Hồi ký Trại Kiên Giam do chính tác giả viết; xin gởi đến qúy vị độc giả và thính giả xa gần….thưởng lãm..

Quyết định không ra đi trước ngày 30-4-75 là một quyết định sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi phải trả một cái giá đắt gồm 16 tháng trốn lánh trong lo âu hồi hộp, 12 năm đày đọa từ nhà tù này đến nhà tù khác, một lần vượt biển và một năm rưỡi tại trại tỵ nạn.

Tôi mất hơn 15 năm, cuối cùng tôi cũng phải tìm đến Mỹ, điều đó tôi có thể làm được trước khi miền Nam bị cộng sản xâm chiếm. Vừa đến nơi một người bạn đã cảnh giác tôi, “Đừng xem nước Mỹ là một thiên đường.” Tôi không hề xem nước Mỹ là một thiên đường- Chỉ ở nước Cộng sản mới có thiên đường, vì ở đó có nhiều tầng địa ngục. Tôi đã ở tận cùng các địa ngục đi ra. Tôi không đi tìm một thiên đường, nhưng tôi đã biết là phải chọn giữa một hoàn cảnh cực kỳ xấu, và một hoàn cảnh ít xấu hơn, chỉ giản dị thế thôi.
 Trong thực tại cuộc sống đã trả lời điểm tranh luận của các nhà triết học là “Vật chất hay tinh thần.” –Vật chất là yếu tố cần thiết để tạo ra cuộc sống, nhưng khi vật chất đầy đủ một cách tương đối thì con người cần nhu cầu cao hơn, là sự thỏa mãn tinh thần. Có thể đó là sự khác nhau giữa con người và con vật. Karl Marx đã đem cả đời để đọc để viết, kiến thức của ông bao gồm cả kho tàng triết học Đức, kinh tế học Ăng Lê,  và xã hội học Pháp, ông đã dùng duy vật biện chứng để truyền bá duy vật sử quan, những khám phá về thặng dư giá trị một thời tưởng như là kinh điển, tất cả đều là những lầm lẫn của bộ óc được xem là phi thường. Con người dùng cái trí, dù cái trí được rèn luyện, được xem là lỗi lạc vẫn bị giới hạn, và khi sự phán đoán dựa trên lý trí nếu càng sai lầm càng tai hại, chỉ có cái Tâm là không giới hạn. Có thể đó là sự khác biệt giữa các tôn giáo và Cộng sản chủ nghĩa. Các tôn giáo dùng tình thương để truyền bá giáo điều. Karl Marx và Lenine muốn lập nên một tôn giáo nhưng tôn giáo dùng hận thù làm động lực chính.
Trong một hướng khác của cuộc sống, ở các trại tù Cộng sản, (gọi là trại lao động cải tạo), người tù cũng chứng minh được giá trị tinh thần vượt trên giá trị về vật chất bằng chính bản thân họ. Không ai tưởng tượng được có những người tù đã sống được đến hơn ba năm trong xà lim tối,  với một chén cơm nhỏ, hay  chén khoai mì và nước muối mỗi ngày. Sống hay chết của những người tù trong xà lim Kiên Giam trại Xuân Phước (A-20) chỉ giải thích được là ai còn niềm tin vào giá trị tinh thần nào đó,  mới có thể kéo dài sự sống, ai mất niềm tin thì chết. Niềm tin đó có thể từ tôn giáo, từ một ý thức chính trị là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ và dân tộc Việt Nam sẽ được phục hưng, hay niềm tin vào sự yêu thương giữa con người và con người. Đó là những bài học đơn giản, thực nghiệm bằng máu và nước mắt để đả phá cái lý luận cốt lõi của triết học Cộng sản, triết học duy vật.
Nay, lý thuyết Cộng sản đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử và chế độ Cộng sản đã sụp đổ. Hệ thống Cộng sản Quốc tế rã ra từng mãnh, và lần lần bị xoá bỏ. Sự sụp đổ của Liên Xô, và các nước Đông Âu dễ dàng và nhanh chóng đến nỗi làm cho người ta phải sửng sốt bàng hoàng, những nhà lãnh đạo các cường quốc nhiều khi còn không giấu được sự lung túng trong việc thay đổi chính sách nogại giao. Thật đơn giản, chế độ cộng sản không bị đánh sụp bằng những đạo quân hùng mạnh, với những vũ khí tối tân từ bên  ngoài, mà bị đánh sụp bằng những cuộc biểu tình của dân chúng tại nước họ trong đó có cả những người từng là đảng viên Cộng sản. Chế độ Cộng sản chỉ còn là ngắc ngoải tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam. Cái đau đớn của người Việt Nam và trớ trêu của lịch sử dân tộc, Việt Nam, chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh ý thức hệ. Người Quốc gia dù chỉ được lãnh đạo một cách lờ mờ, vẫn kéo dài cuộc chiến đấu nghiêng ngữa gần 30 năm, để rồi sau khi người chiến sĩ chống cộng Việt Nam, chiến trường chống cộng cuối cùng sụp đổ, thì kẻ thù chung của nhân loại cũng từ từ hủy diệt trong tan rã.
Ngày 30-4-75, Sàigòn sụp đổ, tôi nghĩ giải pháp đẹp nhất cho người chiến sĩ tự trọng là tự xử không đầu hàng giặc, tôi hèn không đủ can đảm để làm một chiến sĩ tự trọng, nên tôi phải kéo lê tấm thân càng ngày càng tàn tạ từ nhà tù này đến nhà tù khác, mỗi ngày phải nuốt nhục cúi đầu. Giải pháp hào hùng nhất cho ngươòi chiến sĩ kiên cường sau một lần thất bại là tạm lui, ẩn nhẫn chờ thời, trui rèn tài đức để phục hận, tiêu diệt quân thù đem vinh quang về cho tổ quốc. Tôi không đủ bản lãnh đẻ làm một chiến sĩ kiên cường nên khi ra khỏi nhà tù tôi vội vã bỏ nước ra đi.
 Lần ra đi không phải để chạy trốn, không phải tìm cho mình một điều kiện vật chất mà mình thiếu. Mười hai năm tù, thiếu thốn những vật chất tối thiểu, có những lúc thèm ăn một hạt  muối, cục  đường,  một hơi béo. Thèm, từ ngữ diễn tả cảm giác rất sơ đảng gần như hạ tiện của con người; tôi đã từng thèm rất nhiều thứ; nhưng rồi cũng quen, đúng quen, sự thoả hiệp kỳ diệu  với hoàn cảnh, để cho con người tù sống, và giải thích đuợc lý do tại sao con người tù trong chế độ Cộng san có thể sống được trong những điều kiện mà khi kể lại người bình thường rất khó tin, cứ tưởng là người tù khoa trương sự thật.
Thời gian ở tù tôi sống chung với hàng ngàn chiến sĩ bất khuất của hàng trăm tổ chức chính trị và vũ trang chống lại chính quyền Cộng sản sau tháng 4-75. Nhiều lúc phải hổ thẹn trước tư cách của một đứa em nhỏ hay sự bình thản khi nhận lãnh án tù từ 20 năm hay chung thân của một người mà trước kia là nông dân, là công nhân hay là một binh sĩ, những người không từng được hưởng một ân huệ nào của chính quyền VNCH, nếu không nói là chính họ là nạn nhân của những bất công trong chế độ đó. Chính nhờ sự hổ thẹn đó tự thấy mình có lỗi, cũng từ đó tôi tạo được niềm tin, tin vào tương lai của dân tộc Việt Nam tại sao tồn tại được.
Ngoại nhân không ai tìm hiểu hoặc tiếp xúc một thành phần xã hôi nào đó, nhất là thành phần trí thức và thành phần nắm quyền. Họ không hiểu được sức sống của dân tộc Việt Nam là sức mạnh tiềm tàng trong quảng đại dân chúng. Sức mạnh tiềm tàng đó trong điều kiện lịch sử được kết hợp lại thành một lực lượng có lãnh đạo tốt,  thì sẽ đánh đuổi được ngoại xâm và xây dựng đất nước phú cường, ngược lại khi chưa có điều kiên tập hợp thì nó tiềm phục làm sức sống cho dân tộc tồn tại ươm chồi chờ điều kiện trỗi dậy thành rừng gỗ quý. Tôi vội vã ra đi vì tôi nghĩ là trong nước chưa có điều kiện tập hợp. Tôi nghĩ đến những người ra đi trước, làm gì không có chiến sĩ kiên cường khi thất bại tạm lui ẩn nhẫn chờ thời và sức mạnh của lòng yêu nước thiết tha của con người Việt Nam trong những ngưòi Việt Nam hải ngoại. Tôi nghĩ là thời gian gần mười lăm năm xa quá, điều kiện vật chất và gia đình được đầy đủ, tương lai con cái được bảo đảm sáng lạng, mỗi người Việt Nam lưu vong hải ngoại đều xác định được rõ thế nào là tình yêu nước, và ai cũng mơ ước một ngày về xây dựng quê hương,  để tự chứng tỏ mình là một chiến sĩ kiên cường, không phải là kẻ trốn chạy, không tổ quốc.
Bây giờ 1990, viết về nhà tù Cộng sản hay tranh luận lý thuyết Cộng sản quá chậm. Tôi chỉ mong ghi lại đây là những chứng tích một đời đã qua. Bằng lời lẽ thô thiển mộc mạc, ghi lại để nhớ ơn cha mẹ, vợ, chị, các em và những người đã giúp cho tôi có thể sống được và làm kỷ niệm đối với bạn bè, đã cùng sống với nhau những ngày gian khổ. Nhưng một số bạn bè của tôi vẫn còn ở Việt Nam, nên những sự kiện nào và những ai nếu xét thấy sự nêu tên có hại cho họ thì tôi phải ghi lại bằng một tên khác.

Quý vị nào muốn có một bộ tapes, hay DVD cuả cuốn hồi ký bất hủ này, xin hãy liên lạc với:  Nguyễn chí Thiệp theo địa chỉ sau đây: 

Nguyễn chí Thiệp
10735 Fallsbridge Dr. Houston, TX.
Tel: 77065 - (281) 807-6410

Kính giới thiệu cùng tất cả qúy đồng bào và thân hữu xa gần.

Phạm Đào Nguyên


***************


Ðọc "Trại Kiên Giam" của Nguyễn Chí Thiệp

    Sau khi cuốn hồi ký The GULAG Archipelago (Quần Ðảo Ngục Tù) của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn (Nga) được nhà xuất bản Harper & Row (Hoa Kỳ) xuất bản năm 1973, giới văn học cũng như báo chí và truyền thông thế giới mới được biết một phần nào về chế độ lao tù của Cộng sản, đặc biệt là tại Sô Viết. Trong cộng đồng Việt Nam, trước Solzhenitsyn, năm 1969 tác giả Trần Văn Thái đã cho ra mắt cuốn hồi ký Trại Ðầm Ðùn (giải thưởng văn học nghệ thuật 1969 về bộ môn văn), nhưng có rất ít báo chí và truyền thông Việt Nam Cộng Hòa nhắc đến tác phẩm này.

    Tại hải ngoại, sau 30 tháng 4 năm 1975, tập thể người Việt tị nạn mới được hiểu rõ hơn về chế độ lao tù của Cộng sản Việt Nam qua các cuốn hồi ký như: Cùm Ðỏ của Phạm Quốc Bảo (1983), Ðại Học Máu của Hà Thúc Sinh (1985), Thép Ðen của Ðặng Chí Bình (1987), Hà Nội Báo Ðộng Ðỏ của Dương Văn Lợi (1992). Tôi đã đọc hết các quyển hồi ký này bằng một tấm lòng của một người chưa hề bị tù tội bao giờ. Nhưng càng đọc, tôi lại càng cảm thấy như chính mình đang ở trong cái hoàn cảnh nghiệt ngã ấy.

    Cùng năm 1992, tác giả Nguyễn Chí Thiệp cho ra mắt cuốn hồi ký Trại Kiên Giam nhưng tôi chưa có dịp được nhìn thấy tác phẩm, cho mãi tới hôm nay tôi mới có dịp đọc ấn bản tái bản lần thứ hai (10/2000) do văn hữu Ngô Sỹ Hân gửi tặng.

    Tôi đã lần đọc từng trang sách để cảm nhận và chia xẻ với tác giả cùng những bạn tù của ông về những nỗi khổ đau của người ngã ngựa, những tháng năm quằn quại trong lao tù Cộng Sản, những chí hướng quật khởi kiên cường, những mộng ước mai sau về một xã hội hậu Cộng Sản, v.v.. Ðọc suốt tác phẩm, tôi lắng nghe con tim mình thổn thức, xao xuyến và bồi hồi. Cảm nhận nỗi đau đớn của tác giả như chính nỗi đau đớn của mình, của dân tộc mình. Ðọc tác phẩm Trại Kiên Giam để đi tìm một ánh sáng ở cuối đường hầm, để bắt gặp những hào kiệt trong một xã hội tan rã, để gặp lại những đồng chí còn cưu mang hoài bão cho một nước Việt Nam Tự Do, v.v.

    Sau khi gấp sách lại, tâm tình lắng đọng, tôi tạm chia nội dung cuốn hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp thành 6 phần như sau: Bối cảnh Miền Nam sau 30/4/1975, Người Cộng Sản nói về Cộng Sản, Những bài học đắng cay của chính tác giả, Những tháng năm trong lao tù Cộng Sản, Những cái nhìn thiết thực về Cộng sản, và Những mong ước và hoài bão.

I. Bối cảnh Miền Nam sau 30/4/1975

    Ở phần này, tác giả ghi lại từng chi tiết một về bối cảnh sinh hoạt của Miền Nam, nói chung, và Sài-Gòn, nói riêng, sau ngày 30/4/1975, như: sinh kế thường nhật của người dân, cảm nghĩ về chính quyền mới, sự lo lắng cho chính bản thân mình và thận phận mình, các tổ chức chống đối chế độ mới, những cuộc trình diện học tập, v.v.

    Nhờ có óc quan sát tinh tường, sự nhận thức sâu sắc và sự nhận định chính xác, tác giả đã diễn tả sự hiểu biết về Cộng Sản của người dân Miền Nam một cách tổng quát như sau: "Cái hiểu biết quá đơn sơ về Cộng Sản nên đa số chỉ nghĩ là phải khổ và chịu khổ được, chịu ăn mặc xấu xí được là có thể sống yên thân trong chế độ Cộng Sản". (trang 25) Chính sự hiểu biết quá đơn sơ ấy đã xui người dân Miền Nam phải miễn cưởng chấp nhận một cuộc đổi đời bi thảm bằng chính xương máu và nước mắt của mình.

    Nói tóm lại, tâm lý chung của người dân Miền Nam lúc bấy giờ là: "Tâm lý đứng núi nầy trông núi nọ, tình hình chính trị tồi tệ của miền Nam, sự kém hiểu biết về Cộng sản làm nhiều người không còn sợ Cộng sản". (trang 31) Không còn sợ Cộng sản nữa, nhưng họ cũng không biết phải làm gì để diệt trừ chúng, mặc dù "Ða số dân Saigon không chịu mang dép râu đội mũ tai bèo". (trang 26) Bởi vì họ đã nhìn thấy tận mắt hình ảnh của người lính Bắc Việt: "Người lính giải phóng trông ngờ nghệch, lúng túng trước cảnh rộn rịp và to lớn của Saigon, phần lớn họ rất trẻ". (trang 26) Thế mà người dân Miền Nam đã bị Cộng sản đánh lừa một cách đau đớn: "Giờ đây mấy lon gạo cứu đói là lý do buộc họ phải ra khỏi thành phố về quê sản xuất theo chính sách. Họ có cảm tưởng bị đánh lừa". (trang 31) Càng bị đánh lừa thì người dân càng thấm thía nỗi đau: "Người dân nghèo mới vỡ lẽ, cách mạng đem lại vinh quang và công bình cho người nghèo trong tổ chức của họ, còn dân nghèo muôn đời vẫn là người chịu đựng trước tiên những đau khổ, áp bức theo chính sách phải đi ra khỏi thành phố trước cả mấy ông 'ngụy quân', 'ngụy quyền' ". (trang 32)

II. Người Cộng Sản nói về Cộng Sản

    Không ai hiểu rõ Cộng sản bằng chính người Cộng sản. Chính vì thế mà chính quyền VNCH đã có chính sách chiêu hồi và sử dụng những người chiêu hồi ấy vào những công tác tình báo và tâm lý chiến, chẳng hạn như Thượng Tá Tám Hà và nhà văn Xuân Vũ, v.v. Cho tới ngày 30/4/1975 chính tác giả Nguyễn Chí Thiệp, mặc dù là một công chức trung cấp, cũng chưa có cái nhìn rõ rệt về Cộng sản cho nên ông đã quyết định ở lại để rồi sau đó phải nhận lãnh 12 năm tù.

    Sau 30/4/1975, một người chú họ của tác giả từ Hà Nội vào thăm thân nhân ở Ðà Nẵng. Khi thấy Nguyễn Chí Thiệp còn ở lại VN, ông ta ngạc nhiên hỏi: "Tại sao cháu không đi Mỹ? Về đến Ðà Nẵng, gặp chị (mẹ tôi) nói cả gia đình ở lại Saigon. Cháu không đi nước ngoài thật vô lý". (trang 36) Nhờ lần gặp đầu tiên với chú Bình (kỹ sư của Bắc Việt) tác giả mới có dịp tìm hiểu về bộ mặt thật của Cộng sản và dứt khoát chọn một thái độ.

    Chú Bình nói thẳng và nói thật với Nguyễn Chí Thiệp về chính sách trả thù của Cộng sản như sau: "Cháu đừng nghĩ trả thù chỉ là giết chếthọ sẽ không giết nhưng họ sẽ đưa đi các trại tập trung cải tạo không có ngày về". (trang 37)

    Về chủ trương của Cộng sản, chú Bình cho biết: "Ðảng chủ trương phá bỏ luân lý cũ, phá vỡ trật tự xã hội, đưa trẻ con ra ngoài xã hội, nhưng Ðảng lại quá tham lam, họ muốn sử dụng đứa trẻ mà không cưu mang nó, bắt gia đình phải nuôi nó, Ðảng chỉ dạy cho nó hận thù và những phương pháp đấu tranh. Họ phủ nhận tình thương giữa con người với nhau". (trang 38)

    Sau khi nhìn thấy tận mắt cái vết tích của sự phồn vinh của Miền Nam trước 30/4/1975, chú Bình tiết lộ về cách xảo quyệt của hệ thống tuyên truyền của Miền Bắc như sau: "Ở miền Bắc người ta đều hiểu sai về miền Nam, hệ thống tuyên truyền của Hà Nội đã mô tả xã hội miền Nam cực kỳ xấu xa, lạc hậu và nghèo đói". (trang 39)

    Ðể trả lời câu hỏi của Nguyễn Chí Thiệp "Tại sao người ta bất mãn mà không có chống đối tích cực?", chú Bình cho biết: "Không chống đối vì sức đối kháng đã bị tiêu diệt. Nghệ thuật cai trị của Cộng sản là tiêu diệt sức đề kháng của nhân dân. Chính sách công an nhan dân và nhân dân hộ khẩu nhằm thi hành mục tiêu đó". (trang 47)

    Chú Bình căn dặn tác giả:" Ðừng mong đợi tụi nó (CS) làm gì cho đất nước. Chú là đảng viên, chú được đi nhiều nơi, chú có suy nghĩcác khuyết điểm của chế độ Cộng sản là bản chất không phải là hiện tượng, vậy nên nếu có hy sinh cũng vô ích mà thôi". (trang 49)

    Nói tóm lại, "Giai cấp lãnh đạo ở miền Bắc là một triều đình tập hợp chung quanh vị Hoàng đế là lãnh tụ, cấu kết quyền lợi, dua nịnh lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi hiện có và con đường tiến thân". (trang 56)

III. Bài học đắng cay của chính tác giả

    Sau khi được chú Bình giải thích cặn kẽ về Cộng sản, tác giả mới thấy được sự sai lầm trong quyết định ở lại, ông tự thú nhận như sau: "Lúc đó tôi mới biết hết hậu quả của một quyết định sai của tôi. Ở lại, không những tôi bị tù đầy, mà gia đình tôi cũng bị trả thù bằng chính sách phân biệt đối xử. Tôi đã nghĩ một cách sai lầm là nếu tôi có bị hoàn cảnh lịch sử bỏ rơi, thì con em tôi còn nhỏ có thể được lớn lên như là một người Việt Nam bình thường. Tôi bắt đầu thấy chính sách trả thù của Cộng sản còn độc ác hơn là tắm máu". (trang 39)

    Tác giả thố lộ tâm sự: "Những suy nghĩ làm tôi càng ân hận vì quyết định không di tản, cái quyết định ở lại thật ngu xuẩn, chỉ vì nhất thời bức xúc, tức tối những người lãnh đạo đê hèn, bỏ chạy trước địch quân mà không chiến đấu". (trang 131-132)

IV. Những tháng năm trong lao tù Cộng sản

    Tác giả thuật lại cái đói lần đầu tiên trong đời ở trong trại tù Cộng sản: "Tôi đã thèm ăn từ lâu, khởi đầu là thèm đường, rồi thèm mỡ, bây giờ thèm đủ thứ, chén cơm hẩm với nước muối bây giờ quá ngon, không đủ no, ăn vào lưng lửng nhưng ngày nào cũng mong tới giờ cơm, mỗi bữa ăn tôi cố ngồi nhai từng muỗng, nhai thật kỹ, miếng cơm thành ngọt hơn, phải chú ý nhai và kềm để cái lưỡi không cuốn nuốt miếng cơm xuống, lơ đãng một tí là miếng cơm mới đưa vào mồm đã chạy tuột xuống cuống họng một cách tự nhiên và nhanh chóng". (trang 141)

    Chỉ mới bốn tháng nằm tù mà cơn đói đã hành hạ người tù rất là khổ sở: "Kể từ thứ năm tuần đó tôi được nhận quà lần đầu tiên. Ngồi ăn vội vàng những món nhà gửi, chỉ mới bốn tháng ăn cơm với muối mà tôi như con ma đói, cái gì cũng thèm, cũng ăn qua từ ngọt đến mặn, cắn vào miệng chưa kịp nhai đã vội nuốt, ăn bụng đã no mà mắt vẫn thèm, miệng vẫn chảy nước dãi và muốn ăn nữa". (trang 169)

    Về sự thâm độc của Cộng sản, tác giả cho biết: "Cộng sản Việt Nam thâm độc hơn. Chúng giữ kẻ thù của chúng lại để làm nô lệ, làm con vật sản xuất trong các trại tập trung mà chúng không tốn kém gì vì người tù phải tự làm lấy ăn và còn phải nuôi bọn cai tù và đóng góp cho ngân sách nhà nước. (trang 171) Và Cộng sản vắt từ giọt máu của người tù ở trong trại cải tạo. Người tù đem sức ra làm lao động đến kiệt sức và chết ở đó
". (trang 251)

    Tiêu chuẩn khẩu phần cho tù nhân ở trại tù Long Khánh như sau: "Trưa và tối mỗi bữa một chén cơm độn khoai mì với nước muối, nên mới có hơn hai năm cải tạo mà những người trình diện trông đã tiều tụy lắm. Lương thực mỗi ngày cắt dần phần gạo, thời gian đầu ăn toàn cơm nhưng gạo hẩm, sau nửa cơm nửa ngô, rồi ngô được thay bằng khoai mì khô. Mức độ độn tăng dần theo thời gian, 50% độn, rồi 75%, 80%, rồi đến cuối năm 1978 mỗi tuần trại Long Khánh chỉ ăn 2 bữa cơm, 12 bữa ăn còn lại chỉ ăn khoai mì khô". (trang 249)

    Khi tù nhân ra đến trại Xuân Lộc thì khẩu phần lại teo rút đi vì cán bộ hậu cần thông đồng với cán bộ quản giáo nhà bếp để ăn chận số phần ăn của tù. Tác giả viết:  "Chúng tôi được anh em đội nhà bếp thông báo trong lần chở bắp đi đổi khoai mì, cán bộ hậu cần và cán bộ quản giáo nhà bếp thông đồng nhau chở về 10 tấn khoai mì thối của kho thực phẩm huyện Xuân Lộc. Trại sản xuất chính là ngô trắng, ngô dùng ăn độn là phần tự túc của trại cùng với phần tiêu chuẩn gạo của Bộ Nội Vụ. Theo công thức đổi các loại lương thực của nhà nước Việt Cộng đề ra là gạo = 2 ngô = 3 khoai lang = 4 khoai mì tức 1 kg [gạo] đổi 4 kg khoai mì. Như vậy tiêu chuẩn phần ăn là 15 kg gạo cho mỗi người tù trong một tháng; nếu độn 50% thì đáng lẽ phải ăn 7.5 kg gạo + 15 kg ngô hoặc 7.5 kg gạo + 22.5 kg khoai lang hay 30 kg khoai mì (sắn). Nhưng quản lý trại đã ăn gian chỉ cho ăn 7.5 kg gạo + 7.5 kg ngô, hoặc 7.5 kg khoai các loạitức là giảm lược tiêu chuẩn tổng cộng chỉ 15 kg dù ăn loại lương thực nào. Ðó là bước gian lận thứ nhất. Bước thứ hai là chúng đem ngô trắng [do] chúng tôi sản xuất ra kho huyện đổi thành ngô đỏ. Ðến năm 1978 thì mức độ độn càng cao, chúng càng ăn gian qua bước thứ ba là đem ngô đổi khoai mì khô." (trang 266)

    Vì thế nên cách ăn ở trong tù các tù nhân cũng phải ăn có phương pháp: "Hôm nào ăn ngô là tốt nhất, bốc từng hạt ngô vừa nhai vừa đếm, mỗi hạt ngô nhai thành 50 hay 100 lần thật kỹ, nhai kỹ hơn cả kiểu ăn Osawa gạo lức muối mè. Nhai nhiều lần không nuốt thì hạt ngô cũng biến vào cổ lúc nào không hay. Lại tiếp tục nhai đến hạt khác. Thường thường mỗi bữa ăn từ hơn 250 đến 260 hạt, lần nhiều nhất được 267 hạt và có lần ít chỉ được 187 hạt". (trang311)

    Tới năm thứ ba trong tù (1979), tác giả diễn tả thân thể của mình như sau: "Nằm nắn bóp thân thể hàng ngày, sờ rõ những khoản lồi lõm trên đầu, trên mặt, ở cổ tay, cổ chân, khuỷu tay, đầu gối, chỗ nào cũng lòi ra, hai cái mông đã teo hết thịt, xương mông lồi ra chạm vào bệ nằm đau điếng khi chuyển trở mình". (trang 312)

    Miếng ăn ở trong tù là một nhu cầu tối quan trọng, nhất là những người bị nhốt trong xà lim lâu ngày như Nguyễn Chí Thiệp. Tác giả thuật lại như sau: "Nằm mãi xà lim, kiểm lại thân thể và những nhu cầu đòi hỏi, tôi tưởng mỡ với đường là quan trọng; nhưng khi thèm muối mới thấy muối còn quan trọng hơn cả đường mỡ. Không có muối con người cứ mỏi mệt dần dần, mỏi từ thớ thịt đến từng khớp xương. (trang 315) Ông viết tiếp: Nhắc tới thịt tôi cũng rỏ nước miếng, nuốt liền mấy lần nước miếng vẫn ứa ra đầy mồm. Tôi đang thèm mọi thứ, đã 38 ngày ăn lạt, không có tí muối, người đã rã rượi, mỏi nhừ, chỉ cần một muỗng nước muối đã là hạnh phúc lắm đừng nói đến đường hay một miếng thịt, nhất là miếng mỡ heo". (trang 322)

    Tác giả diễn tả giá trị của miếng thịt và cục đường ở trong xà lim như sau: "Chết và Sống đối với người tù kỷ luật tính hàng ngày, hàng giờ. Một món thức ăn vô cùng quan trọng, có thể kéo dài thêm sự sống một thời gian ngắn, không chừng trong thời gian đó lại được thả ra, lúc đó thì lại sống trở lại, giá trị miếng thịt, cục đường nó ngang với sự sống trong hoàn cảnh này". (trang 322)

    Ở trại tù Xuân Lộc tương đối ít khắc nghiệt hơn trại tù Xuân Phước (tức trại Kiên Giam) mà người tù còn bị miếng ăn dằn vật đến như thế, thử tưởng tượng ở trại tù Kiên Giam người tù nhân bị bao tử hành hạ tới bực nào!

V. Những cái nhìn thiết thực về Cộng sản

    Vì ngây thơ về Cộng sản nên tác giả Nguyễn Chí Thiệp đã đổi lấy một bài học bằng12 năm tù, do đó ông mới có cái nhìn thiết thực về Cộng sản: "độc lập dân tộc chỉ là một bước chiến lược. Xây dựng chủ nghĩa xã hội mới là cứu cánh". (trang 45)

    Nhận xét về các lãnh tụ Cộng sản, Nguyễn Chí Thiệp tiết lộ như sau: "Họ làm lãnh tụ cách mạng là biết cách thúc đẩy toàn dân làm cách mạng, còn họ thì hưởng, gia đình họ hưởng; họ quyết tâm giải phóng miền Nam, nhưng ra chiến trường là người khác chết, con em người khác chết. Các lãnh tụ không ai có con phải vào chiến trường B cả, con của họ đi học ngoại quốc. Họ cấu kết nhau thành một tầng lớp thủ lợi riêng tư sống trên xương máu của nhân dân, cấu kết với nhau trong nước chưa đủ để củng cố địa vị, họ còn cấu kết với nước ngoài. Ông Lê Duẩn đem gả con gái cho cháu trai của Breznev bên Liên Sô không phải để giữ chắc cái ghế Tổng Bí Thư là gì". (trang 187)

    Tại sao Cộng sản chủ trương bạo lực, tập trung Dân Chủ và đấu tranh giai cấp? Tác giả Nguyễn Chí Thiệp trả lời như sau: "Ðảng Cộng sản và chủ trương bạo lực là phương tiện để các nhà lãnh đạo củng cố chính quyền độc tài của mình, biến người dân thành một công cụ sản xuất. Tập trung Dân Chủ là một thuật ngữ để biện minh cho tính độc tài, đấu tranh giai cấp là một đường lối để tiêu diệt kẻ đối lập". (trang 260)

    Tác giả than: "Chính sách của Cộng sản đã phi nhân, tàn nhẫn mà tổ chức chính quyền còn làm cho sự tàn nhẫn đó tăng thêm nữa". (trang 265) Ông viết tiếp: "Xã hội Cộng sản, con người chỉ phát triển tính ác. Tóm lại, chế độ Cộng sản được xây dựng trên một lý thuyết sai lầm, dùng hận thù làm một động lực kết hợp và phát triển, khai thác tính ác, tính xấu và tính đố kỵ bần tiện của con người; tổ chức nặng nề và thư lại nên chế độ Cộng sản là một chế độ cực kỳ xấu xa, con người Cộng sản hầu hết là những người độc ác và đê tiện. Dân chúng sống trong chế độ Cộng sản cực kỳ nghèo đói, khổ sở". (trang 272)

    Ðể trả lời câu hỏi Liệu chế độ Cộng sản có thể tồn tại lâu dài tại Việt Nam hay không?, tác giả quả quyết: "chế độ Cộng sản không thể tồn tại lâu dài ở Việt Nam, nó không phải là bất khả thay thế hay bất khả đánh đổ như những người trí thức ở Hội Trí Thức Yêu Nước lý luận". (trang 197) Vì rằng "Nó chỉ tồn tại ở bên ngoài bởi tổ chức và bạo lực áp bức, còn bên trong nó bị chính con người đào tạo ra nó từ khước". (trang 197) Tuy nhiên, tác giả cẩn thận nhắc nhở chúng ta: "Nó sẽ bị đánh đổ, nhưng muốn đánh đổ một chính quyền có sức mạnh bạo lực và có tổ chức chặt chẽ là một vấn đề rất khó khăn và đòi hỏi thời gian, không phải một sớm một chiều mà làm được như nhiều người mong muốn". (trang 197-198)

    Về phương thức chống Cộng sản ở trong nhà tù, tác giả tiết lộ như sau: "Bọn cán bộ Cộng sản được giáo dục hận thù, chúng càng thấy người tù khổ sở, đau đớn chúng càng thích thú. Chỉ có giữ cho tinh thần vững mạnh là một phương thức chống Cộng sản căn bản nhất trong nhà tù. Chịu sự hành hạ mà không tỏ ra khổ sở, vẫn dửng dưng càng làm cho bọn cán bộ Cộng sản tức tối". (trang 230)

    Nhận xét về biện pháp tẩy não của Việt Cộng, tác giả viết: "Không phải chỉ có những bài học tuyên truyền, bằng luận cứ một chiều, bằng những từ ngữ khuôn mẫu để tẩy não người tù; mà bằng cách sống hàng ngày, tạo sự sợ hãi và tuân phục cũng là một biện pháp tẩy não". (trang 254)

VI. Những mong ước và hoài bão

    Ngay cả những lúc nằm trong xà lim, Nguyễn Chí Thiệp vẫn luôn mơ ước có một cuộc chiến đấu mới: "Tôi mơ ước bạn bè của tôi và cả những người có trách nhiệm làm mất miền Nam sau khi chạy trốn thoát thân, biết kiểm điểm lại tội lỗi của mình, rút ưu khuyết điểm của cuộc chiến đấu vừa qua, gạt bỏ đi những tàn tích cũ, những thói hư tật xấu do hậu quả của lịch sử một trăm năm bị nô lệ Pháp để làm lại một cuốc chiến đấu mới. Người chiến sĩ không phải một lần thua trận là hếtđã là chiến sĩ phải đứng lên chiến đấu sau một lần bị ngã. Phải chiến đấu trở lại. Nếu sau lần ngã rồi nằm im luôn thì không xứng đáng là một chiến sĩ, không xứng đáng là một quân nhân". (trang 133)

    Ông cũng mong cả những nhà lãnh đạo Miền Nam và các Tướng lãnh hãy làm lại một cuộc chiến đấu mới: "Tôi mong Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, các Tướng lãnh đã chạy ra ngoại quốc không nằm hưởng những của cải thu gópsống cuộc sống xa hoa ở ngoại quốc. Tôi mong họ tiếp tục tập hợp lại những người đã chạy. Nhận rõ những lỗi lầm của mình với dân với nướcnếu họ không làm được như vậy, họ không xứng đáng mang danh dự là một chiến sĩ. Tôi tin tưởng vào sức sống của dân tộc, vào tinh thần chống Cộng của toàn dân đang biểu lộ rất nồng nhiệt chỉ thời gian ngắn sau khi Cộng sản chiếm hoàn toàn nước Việt Nam, thật nhạy bén khi họ nhận rõ Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là một mô thức cần thiết để xây dựng đất nước, sự từ khước văn hóa Cộng sản ở mọi người dân Việt Nam kể cả những người nông dân trước kia đội gạo nuôi kháng chiến và kể cả tiềm tàng những người đảng viên Cộng sản có tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của dân tộc và đất nước như chú Bình và theo như lời chú Bình, thành phần này không ít trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản, họ chỉ chờ thời cơ là làm một cuộc chiến đấu mới". (trang133-134)

    Bởi vì "Việt cộng chiếm miền Nam không phải đã kết thúc một cuộc chiến tranh, nó chỉ kết thúc một giai đoạn lịch sử và nó khởi đầu một giai đoạn lịch sử mới". (trang 124)

    Tác giả hy vọng: "Tôi hy vọng rất nhiều vào tương lai, luôn luôn tôi có niềm tin là đất nước Việt Nam sẽ có ngày hưng thịnh trở lại, và toàn dân Việt Nam sẽ đứng lên làm một cuộc vận động lịch sử mới cho dân tộc, tất cả hầu như đã sẵn sàng chỉ còn chờ một hiệu lệnh phát khởi. Tôi tin vào sự trưởng thành của dân chúng và trong vận hội mới đó sẽ lọc lựa được những người đủ tài trí, thực tâm đối với con người, xã hội và đất nước thành người lãnh đạo tương lai và sẽ tự động đào thải những thành phần cơ hội, hoạt đầu tham vọng cá nhân". (trang 513)

    Và tác giả luôn vững tin vào một ngày mai chế độ Cộng sản sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn: "Các nước Cộng sản không thể giam hãm mãi con người và tư tưởng của dân chúng sau bức màn sắt. Những nhận thức và hiểu biết mới về con người, làm cho tư duy thuần lý, giáo điều và các cơ cấu chính trị, kinh tế trên hệ tư tưởng đó trở nên lỗi thời. Ðó là nguyên nhân sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng sản. Cộng sàn chỉ còn lại hình thức tổ chức, ở nơi nào dân chúng và chính đảng viên Cộng sản đứng lên đấu tranh xóa bỏ tổ chức thì chế độ Cộng sản sẽ [bị] tiêu diệt hoàn toàn". (trang 526)

    Vì: "Trước kia lòng yêu nước và tình thương con người và lý tưởng công bằng bị Cộng sản tương tranh và họ ở thế hấp dẫn hơn. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn thuận lợi ở những giá trị tinh thần này. Chỉ có những giá trị tinh thần này mới là động lực của toàn dân. Sức mạnh tinh thần cộng thêm phương tiện vật chất và kỹ thuật tổ chức là những yếu tố tất thắng của người quốc gia. Sức mạnh tinh thần đã có; chỉ còn hai yếu tố sau, như vậy, vấn đề chống Cộng ngày hôm nay sớm muộn tùy thuộc vào khả năng kết hợp thành tổ chức và sự huy động phương tiện, phương tiện có thể từ chính của chúng ta có được hay cả sự giúp đỡ của đồng minh". (trang 531)

* * *

    Ðể kết thúc "Lời Nói Ðầu của Dịch Giả" cho bản dịch cuốn hồi ký "Lời Nguyện Cầu" (in năm 1986) của Sergei Kourdakov, nhà văn Nhị Lang đã hạ bút như sau: "Thương tiếc Sergei Kourdakov, tôi quyết truyền bá những giòng chữ viết bằng máu và nước mắt của anh, để gọi là góp công cùng anh trong công cuộc đấu tranh tràng kỳ chống chủ nghĩa mác-xít vô thần và bảo vệ tín ngưỡng. Tôi cũng hy vọng tấm gương phản tỉnh của anh sẽ làm sáng mắt những kẻ nào ở đây, ở khắp thế giới, và ở Việt Nam, đã và đang rắp ranh bán rẻ linh hồn cho bọn quỷ đỏ, để đời đời bị nguyền rủa, bị chà đạp, bị khinh khi, như những thứ vi trùng ghẻ lở, như những đứa sát nhân ghê tởm mà xã hội văn minh không bao giờ dung thứ".

    Vâng, Cộng sản Việt Nam quả đúng là những thứ vi trùng ghẻ lở, những đứa sát nhân ghê tởm mà người Việt Nam không bao giờ dung thứ được.

    Người viết hy vọng cuốn hồi ký của Nguyễn Chí Thiệp và cả những cuốn hồi ký khác sẽ là những tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người Cộng sản Việt Nam mau sớm thức tỉnh mà quay đầu tạ tội với Quốc Dân, lập tức từ bỏ bạo lực, và nhường quyền lãnh đạo đất nước cho những người thực sự yêu nước và có trình độ hiểu biết cao hầu tái lập lại một xã hội công bằng, bác ái và lành mạnh để đất nước sớm vươn mình cùng những nước anh em văn minh tân tiến, hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Tôi cũng hy vọng tác giả cuốn hồi ký "Trại Kiên Giam" luôn luôn giữ được bầu nhiệt huyết và ý chí kiên cường của thuở nằm gai nếm mật để cùng các hào kiệt đứng lên mở một mặt trận mới cho đến ngày thắng lợi của Dân Tộc.

(Ðức Phố, ngày 5 tháng 10 năm 2002)
Vĩnh Liêm


****************







Gương Bất Khuất Trong Tù


Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.
Thời chiến trận, quân lực ta vốn đã sản sinh nhiều gương anh dũng. Thời quốc nạn, những người tù cải tạo cũng không kém phần can trường. Không thiếu gì những gương bất khuất mà chúng ta có bổn phận phải ghi nhớ và nhắc lại để con cháu hãnh diện về cha anh họ.
Mười năm tù, tôi đã chứng kiến nhiều hành vi dũng cảm mà không phải ai cũng có thể biểu lộ trước mũi súng, cùm kẹp của kẻ thù. Họ anh hùng hơn trăm lần những tên cán binh Cộng Sảnngoan cường trong trại giam tù binh của chúng ta.  Vì người Cộng Sảnbị giam giữ trong khi còn chiến tranh tức là còn niềm hy vọng, còn hậu phương của họ, còn công ước Geneve về tù binh bảo vệ. Những người tù cải tạo thì hoàn toàn cô đơn và tuyệt vọng. Cái gì đã giúp họ thắng được sự sợ hãi của cái chết, sự tra tấn, sự đày ải? Đó là lý tưởng, tinh thần quốc gia, là lòng tự trọng và sĩ khí của người lính Việt Nam
Người mà tôi khâm phục nhất không mang cấp bậc tướng, tá, mà là một hạ sĩ tầm thường. Hạ sĩ Nguyễn Văn Đèn dáng người thấp, đậm, da ngăm đen, có buớc đi mạnh, vững. Anh người miền Bắc, tham chiến từ đầu thập niên 1950 trong binh chủng Nhảy Dù. Từ Z30D, anh được chuyển về Xuân Phước cùng một đợt với chúng tôi. Câu nói thường xuyên của Hạ sĩ Đèn là:
- Ngày nào còn Cộng Sản, tôi còn chống.
Anh không những nói với anh em, mà còn dư can đảm để nói trước mặt bọn cán bộ trại giam. Anh vào ra xà lim như người ta đi chợ. Nhưng dù bao đe dọa, đàn áp, anh vẫn không sờn lòng, không thay đổi lập trường, hay ít ra thay đổi thái độ bên ngoài để được tạm yên. Đèn đã có lần phanh áo, ưỡn ngực ra thách thức tên cán bộ:
- Tôi chống Cộng đó, cán bộ muốn bắn thì bắn đi.
Điều đặc biệt là suốt thời gian chúng tôi biết anh, không thấy ai thăm nuôi anh một lần. Anh là con bà Phước thực thụ, nhưng lúc nào anh cũng giữ gìn tư cách, không để miếng ăn làm hạ phẩm giá mình. Tôi từng chứng kiến những lần hiếm hoi trong năm, khi tù được ăn cơm trắng, có cá thịt; anh chẳng bao giờ đứng gần chỗ chia thức ăn để soi mói nhìn vào cái chén của mình, so đo sự chia chác.
Anh Đèn hình như về trước tôi vài năm. Vì đối với trại, miễn đừng làm gì nghiêm trọng như cướp súng, trốn trại, thì dù chống đối đến đâu cũng được về khi đã đáo hạn mà bọn cai tù đã âm thầm tuyên án vào những năm đầu tiên (1975-1976). Điều này cũng áp dụng cho những anh hăng say lao động, làm ăng ten lập công mà tưởng sẽ được về sớm.
Có nhiều anh em dân chính mà tôi không nhớ hết tên họ. Những người mới lớn lên trước khi miền Nam sụp đổ. Họ hoặc còn mài đũng quần trong các lớp học Trung và Đại học, hoặc làm những việc rất khiêm tốn trong guồng máy xã ấp. Nhưng họ lại có những ý chí bất khuất và hành vi dũng cảm không ngờ trong trại giam. Tôi muốn nhắc đến vài tiêu biểu là sinh viên Vũ Mạnh Dũng. Trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành, tư cách; Dũng làm cho chúng tôi thương mến và khâm phục. Sau này Dũng bị liệt bán thân, anh em cựu tù A-20 hải ngoại có quyên góp gửi về nhiều lần cả ngàn đô la cho Dũng tạm sống qua ngày. Nguyễn Văn Phước, biệt danh Phước Chột, vì anh hư một mắt. Gốc gác từ miền quê xa xôi ở đồng ruộng Nam phần, thuộc thành phần Hoà Hảo. Phước thất học, hình như làm nghề chăn vịt và bị bắt vì theo kháng chiến Hoà Hảo sau 1975. Phước làm đủ thứ linh tinh trong trại tù. Bắt trộm vịt, cá của trại để ăn, nhổ rau trộm của bệnh xá. Trong tay Phước khi nào cũng có một cái lon gô. Phước làm thế nào mà câu được cả con vịt rồi lột da, nhét trọn vào lon nấu có khi chưa kịp chín. Có khi Phước bẫy cả đàn chuột kho nấu bay mùi rất hấp dẫn. Nhưng Phước rất thảo ăn và có tình với anh em. Phước đã tận tình săn sóc Phạm Đức Nhì trong hàng tháng trời khi Nhì bị liệt, ăn uống vệ sinh tại chỗ. Đói thì lấy trộm của trại giam, Phước không bao giờ lấy của anh em; và cũng chẳng bán mình làm tay sai cho bọn cai tù. Phước sẵn sàng liều mạng nhảy hàng rào xà lim tiếp tế cho các đồng tù bị biệt giam (việc này xin ghi thêm công lao của Phạm Tuế khoá 2 CTCT đã tiếp tế đường, thuốc lào, giấy bút cho tôi liên tục trong lần cùm đầu tiên cuối năm 1979).
Lâm Sơn Hải cũng là dân chính. Anh là con của cố Thiếu tướng Hoà Hảo Lâm Thành Nguyên. Hải tuy nhỏ tuổi nhưng chững chạc, tư cách đứng đắn. Ít nói nhưng chân tình, rất đáng tin cậy. Mỗi lần Hải được thăm nuôi tiếp tế, Hải chia xẻ cho anh em rất rộng rãi. Lâm Sơn Hải có một đàn em thân tín là Mai Hoà Rết, tuy thất học, nhưng tính khí kiên cường, trung thành và hiền hậu.
Tôi bị chuyển khỏi trại Suối Máu trước khi nổ ra vụ nổi loạn đêm Giáng sinh 1978. Chia cùng một cặp cùm chân trên chiếc Molotova rời Suối Máu lúc sau nửa đêm là anh bạn Trần Hướng Đạo. Trần Hướng Đạo, Phạm Văn Nhựt (Thiếu Úy Biệt Cách Dù) và tôi bị nhốt chung một Conex nhỏ ngay trước cổng trại K-5. Đạo, D., anh Tuấn và tôi bị đưa đi Hàm Tân trong cái đêm “kinh hoàng” cùng tất cả những người đang bị biệt giam của toàn trại Suối Máu.
Đến Hàm Tân, Đạo, D., Tuấn và tôi lại cùng ở chung đội 45 là đội bị lưu ý nhất của Z30C. Sau này D. chuyển hướng vì có người bố tập kết trở về hình như đang làm Trưởng ty Công an Phú Khánh. Ông ta đã đến thăm con sau gần 30 năm xa cách và chắc có hứa hẹn điều gì đó; làm cho D. thay đổi lập trường mà tôi là nạn nhân đầu tiên.
Đến A-20, Đạo gia nhập ngay đám sĩ quan trẻ như Phạm Đức Nhì, Lê Trung Phương, Nguyễn văn Hải (Hải Cà), Hải Bầu, Nguyễn Hạnh, Bùi Đạt Trung thành một nhóm hoạt động chống đối liên tục và tích cực. Nhóm lớn tuổi hơn thì có Vũ Trọng Khải (CSQG), Vũ Ánh (Ký giả), Nguyễn Chí Thiệp (Quốc Gia Hành Chánh), Trần Danh San (Luật sư), Tăng Ngọc Hiếu (Giáo sư biệt phái), Phạm Chí Thành (Con trai Đại tá sử gia Phạm Văn Sơn), Trần Trọng Minh (Không quân), nhà văn Duy Lam, ca sĩ Khuất Duy Trác.  
Nhóm Sĩ quan xuất thân từ cựu Hướng Đạo Huế thì có Võ Xuân Hy, Võ Trịnh Xuân, Cái Trọng Ty[1]. Nhóm tù chính trị tôn giáo thì có Châu Sáng Thế (Hồi giáo), các Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Huy Chương (Vinh Sơn)… Nhiều lắm không thể nhớ ra hết. Những người này là linh hồn của các cuộc đấu tranh trong tù. Họ là những con đại bàng dù sa cơ vẫn không để bị lẫn lộn trong đám gà qué. Những ngày lễ lớn của VNCH, thế nào các anh cũng tổ chức những buổi hát ca nhạc chiến đấu, phát hành nội san, vẽ cờ vàng hay khẩu hiệu chống Cộng trên vách. Vì thế, gần như thông lệ, gần đến các ngày 1-11 (quốc khánh VNCH), 19-6 (ngày Quân Lực), 25-12 (Giáng Sinh)… bọn cai tù lùa các anh vào xà lim nhốt lại cho chắc ăn, phòng trước những biến cố có thể xảy ra. Những lần ruồng bố này, chúng không cần đọc bản án trước trại như những lần khác. Có lần, xà lim trại E chật quá, dù đã cùm bốn người một phòng vẫn không đủ chỗ. Chúng đưa các anh vào tận trong các phân trại B, C để nhốt. Và thời hạn thì vô chừng. Có người một tháng, có người vài ba tháng. Cho đến khi nào bọn cai tù thấy tình hình có vẻ yên ổn, chúng mới thả các anh ra.
Điều cảm động và khích lệ nhất đối với tôi là lần các anh Phùng Văn Triển, Cái Trọng Ty và tôi bị đem vào cùm giữa năm 1980 do việc lãng công phản đối sau vụ hai tên cán bộ quản giáo Quyền và Hoà đánh trọng thương hai anh Ty và Triển trong nhà lô; anh em toàn trại đã không chịu nhận khoai mì sáng hôm sau và đồng thanh la lớn: “No Eat, No Work”. Tiếng la vọng đến tận xà lim như một sự nhắn gửi: ”Có chúng tôi bên các anh đây.” Trại đã phải thả chúng tôi ra vài ngày cho dịu cơn phẫn nộ của tù nhân. Sau đó tìm cách bắt chúng tôi trở lại đem vào biệt giam. Lần này thì cả loạt cũng đến hơn mười người.

So với con số ít ỏi những tên làm ăng ten thì thành phần bất khuất chiếm một đại đa số áp đảo. Thành phần thầm lặng cũng khá nhiều, nhưng họ không làm gì đáng trách ngoại trừ việc giữ im lặng, nín thở qua song. Ngoài ra có một số ít thì biểu lộ “an tâm” cải tạo, hăng say lao động để giữ quyền lợi thăm viếng, được bình bầu khá và xuất sắc để được ăn phần 21, 18 kilo khoai mì khô mỗi tháng. Chính những người thuộc thành phần sau này đã làm cho chỉ tiêu của trại tăng lên gấp ba, gấp năm lần so với thời gian đầu khi chúng tôi mới đến.
Chúng tôi còn nhớ những ngày đầu vào cuối năm 1979, chúng ra lệnh cho mỗi người phải đào 1 mét khối đất mỗi ngày. Anh em chúng tôi chỉ nhẩn nha khoét sâu chừng 2 tấc rồi lấy cớ đói, bệnh không thể làm hơn. Thậm chí chúng tôi còn lợi dụng sự ngu dốt của bọn cán bộ để qua mặt bắng cách đắp một lớp đất mỏng dài 3 mét, rồi bảo chúng nó: ”Một mét khối (1 m3) bằng ba mét thường.” Sau này chỉ tiêu lên đến 7 mét khối, mà vẫn có anh là vượt để được đi tắm suối, được bầu xuất sắc. Từ chỉ tiêu hai hố trồng khoai mì, sau này đã lên đến 45, 50 hố mỗi ngày.
Nguyễn Chí Thiệp có lần đã lớn tiếng với tên cán bộ quản giáo Quyền khi tên này lên án anh em tù gian lận về chỉ tiêu. Anh nói:
- Cán bộ không làm nên nói dễ dàng lắm. Còn chúng tôi, chúng tôi phải so đo tính toán vì đổ bao mồ hôi, công sức.

Lần thứ hai bị cùm ở A-20 vào khoảng giữa năm 1980, khi tôi từ nhà kỷ luật ra, được chuyển qua đội 21 xây dựng (là đội lao động xuất sắc nhất của trại. Đội trưởng là Trung tá BĐQ Lương Văn Ngọ, một người xuề xoà, vô tâm). Hai chân tôi còn rất yếu, chưa đi đứng vững mà đã được giao việc chuyển đất từ dưới độ sâu hơn 2 mét đem lên bờ. Dĩ nhiên cho dù có muốn làm cũng không thể nào làm được. Anh em thương tình xin cho tôi đứng trên bờ cầm cuốc để ban đất. Ấy thế mà khi bình bầu hàng tháng, có một anh trong đội đã phán một câu xanh rờn:
- Anh Phúc chây lười, yếu kém, bóc lột sức lao động của anh em khác.
Tôi trả lời ngay:
- Các anh xuất sắc thì các anh một tô đầy ụ khoai mì, còn tôi chỉ vài lát. Như thế anh chưa vừa lòng ư?
Nhà bếp được lệnh chia khoai mì theo tiêu chuẩn cho từng loại: thau dành cho các anh tích cực (21kg/tháng), một thau dành cho loại khá (18 kg/tháng), thau dành cho trung bình (mười lăm kg/tháng), và thau dành cho loại kém (12 kg/tháng). Trên mỗi thau đều có ghi số lượng người trong phân loại đó. Nhưng có lần, anh em nhà bếp lấy cớ không đủ thau để chia ra từng loại, nên phát chung, và có ghi nhân số từng loại trong đội. Chúng tôi biết thâm ý của nhà bếp là để anh em tù tìm cách chia xẻ đồng đều cho nhau. Nhưng thế nào khi chia khoai mì, cũng có vài anh đứng quanh soi mói nhìn và thắc mắc:
- Anh P. thuộc loại kém, sao chia nhiều thế? gần bằng các anh loại khá?

Hai đội tích cực của Phân trại E là đội Xây dựng, đội Mộc. Có ít nhất là ba phần tư các thành viên trong hai đội đó thuộc loại xuất sắc. Tuy nhiên đa số các anh vẫn luôn tỏ ra thông cảm, che chở cho các anh yếu sức và bị trù dập.
Nhìn chung, nhờ thành phần chống đối bất khuất khi nào cũng đông và đoàn kết, nên dù qua bao giai đoạn căng thẳng, khủng bố, anh em tù nhân vẫn giữ được khí thế làm cho bọn ăng ten phải e dè, bọn trật tự thi đua phải khâm phục và ngay một số cán bộ cũng dần dần bị cảm hoá.

Đỗ Văn Phúc
(Trích “Cuối Tầng Địa Ngục”)


(Source: http://www.michaelpdo.com/XuanPhuoc2.htm)
 

Cuộc rượu tay tư


năm ấy ra trường về phố biển
trời Tuy Hòa màu áo trận buồn hiu
bờ cát vắng dấu giày saut sóng xóa
quán bên đường nhìn xuống biển mù khơi
với Lý đui
Cường dakao
Phong quá tải
bọn chúng về từ chiến địa Kontum
trong quán nhậu một ngày mưa rả rích
chuyện trời ơi
chuyện gái giếc râm rang
những cái chết như mây
những kiểu chết nhẹ hều
quên tuốt luốt những nhọc nhằn lính trận
vui một đêm say mai rồi hãy tính
quên đi hết nếu ngày mai chết đứng
bên góc rừng bóng quạ ngửi mùi tanh
khí trời đậm khét mùi thịt cháy
mùi khói nồng thuốc súng buổi hoàng hôn
kệ chó đời uống thêm Phong cận thị
ông làm sao trông nản thấy mồ
quên mẹ giảng đường xưa đi
người tình đại học
giờ ta học đại chuyện giết nhau
tráng sĩ qua sông
sao còn bịn rịn chuyện ruồi bu
sông Dịch mấy ai đi trở lại
trên sông một chiếc lá vào thu
cạn hết ly này thằng cà chớn
ê Lý đui quái dị
uống đi mày
sao ngồi đực ra đây
ôm hồ rượu đắng
vùi một đêm say rượu đậm sắc màu
nghe trong mưa gió mùi cố quận
tưởng tiếc làm chi
biết sống được đến mai không
tháng chín vào đông
Cường đi biền biệt
Phong về nhà xác hồn theo gió
trên nắp hòm buồn
cờ phủ nến rưng rưng
kính cận chỏng chơ mày bỏ lại
nhìn cứ mủi lòng
tau ngồi đợi trông ai
thân như con thú tìm thương tích
liếm vết thương khô
tưởng niệm chúng mày
những thằng chết trẻ hồn phiêu dạt
đứa khác đu bay
thế sự hà rầm
soi mình một bóng trên đồi đá
ngọn nến võ vàng áo trận phai
màu nắng chiều vàng màu thuở đó
quán nhậu ngày mưa tìm ở đâu
ta về như nắng về xa lạ
thấy cả chiều xưa chén rượu tàn.


Cái Trọng Ty
2009

Duy Trác - Tuổi già của tôi







Năm ngoái, khi sang Houston tôi mới biết gia đình anh chị Duy Trác mất tất cả mười mấy người thân trên biển cả.Nhìn và nghe anh chị và hai cháu trình bầy, yêucầu đại chúng trong pháp hội góp lời cầu nguyện vãng sinh cho hương linh, vì chị Duy Trác và gia đình vẫn còn mơ thấy thân nhân, khó ai cầm được nước mắt. Đây là tâm sự của anh Duy Trác từ dạo ấy, xin mời đọc.- Nhân-Yến.


Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị chính quyền Cộng Sản giam cầm và cấm hát suốt 17 năm, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những băng nhạc nghệ thuật.

Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng: 'Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả,chỉ già đi nhiều thôi.'

Ồ! Tôi đã già đi! Chắc chắn rồi. Nhưng tôi đã không có thì giờ nghĩ đến. Làm sao có thì giờ nghĩ đến khi không biết ngày nào hết cảnh lao tù để về chung sức với vợ nuôi nấng 6 đứa con, 5 đứa cháu và một mẹ già đau yếu. Nhất là nỗi đau mất 3 đứa con và 7 đứa cháu trên biển cả. Nỗi đau quá lớn khiến mẹ đã té ngã và trở thành phế nhân với nửa người bất động.

Trong đời sống của mỗi con người, ai cũng có 3 giai đoạn: tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi già.

Riêng tôi tuổi thơ hầu như không có.Cha mẹ mất sớm, bị những người lớn tuổi trong đại gia đình hành hạ; năm 12 tuổi tôi đã bỏ đi sống một mình.

Tôi còn nhớ, hồi đó ở vùng kháng chiến Việt Bắc tôi thi vào trường Sư Phạm; với học bổng 18 kg gạo, 180 đồng tiền thức ăn, và 1 chai dầu dùng để thắp đèn học đêm. Nghỉ hè, trường không phát học bổng, tôi phải đi hái trà và đạp trà thuê. Cuối ngày lãnh tiền đủ đong được chút gạo, hái rau rừng làm thức ăn. Với đủ mọi hình thức kiếm tiền lương thiện, tôi đã phấn đấu học hành, làm việc với châm ngôn do mình đặt ra: không hận thù những người đã hành hạ mình và phải cố gắng học cho thành tài. Cả hai châm ngôn này, tôi đã thực hiện đầy đủ và chân thành. Bỏ vùng Việt Bắc, trở về Hà Nội rồi di cư vào Nam, tôi đã cố gắng hoàn tất việc học, trở thành luật sư đồng thời lập gia đình năm 1961.

Ngẫm nghĩ lại, tuổi thơ không có, tuổi thanh xuân cũng không được bao nhiêu. Sau khi gia nhập Luật Sư Đoàn được 2 năm và lập gia đình được hơn 1 năm, vào năm 1962 tôi được gọi nhập ngũ. Dĩ nhiên, phục vụ đất nước trong thời chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng của con dân một nước. Nhưng rời bỏ gia đình , bỏ lại vợ và con thơ để làm nghĩa vụ người trai trong 13 năm rưỡi rồi tiếp theo là 11 năm tù đày trong các trại tù Cộng Sản; thì hỡi ôi tuổi thanh xuân của tôi đã mất hút tự bao giờ mà tôi cũng không còn nhớ được nữa.

Ra tù và sang đến Mỹ năm 1992 thì tôi đã ở vào tuổi 56. Các thính giả có bảo là già đi nhiều thì cũng phải thôi. Tiếp tục vật lộn với đời sống để nuôi gia đình nên mối ưu tư về tuổi già, về những chăm sóc cho tuổi già được sống hợp lý, tốt đẹp cũng không phải là điều dễ dàng. André Maurois đã viết: 'Năm, sáu chục năm trời nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn có thể giữ được nguyên vẹn những điểm sung mãn thời trẻ? Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh sáng đã điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Và như vậy già là một tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tính tuổi, cớ sao phải lảng tránh? Có trẻ thì có già, đó là nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già? Trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc.'

Trong thời gian tôi theo học tại trường Luật, có một người bạn đã gửi cho tôi một tấm thiệp giáng sinh trên đó có ghi toàn văn bản dịch của bài thơ “TUỔI TRẺ (YOUTH)” của Samuel Ullman. Lời lẽ bài thơ thật là sâu sắc, đầy tinh thần lạc quan, nó ảnh hưởng sâu sa đến tôi trong mấy chục năm nay.

Mặc dầu nó được viết ra từ năm 1918, lúc tác giả đã 78 tuổi nhưng ý tưởng thật mới mẻ. Xin trích một vài câu tiêu biểu: 'Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt.'

Tướng Douglas Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ này và ông đã cho trưng bày bài thơ ngay tại

phòng làm việc của ông ở Tokyo, khi ông đang là Tư Lệnh Quân Đội Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh. Rồi vào năm 1946, tạp chí Reader's Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến toàn văn bài thơ bất hủ này bằng Nhật ngữ. Nhân dân Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đầy lạc quan, tích cực và năng động của bài thơ không vần này. Cũng từ đó họ đã hăng say dấn thân vào việc tái thiết đất nước, khiến nước Nhật lấy lại được vị thế cường quốc về kinh tế, chính trị cũng như văn hoá như ta thấy ngày nay.

Sau đây là nguyên văn bài thơ:

YOUTH
By Samuel Ullman (1840-1925)


Youth is not a time of life; it is a state of mind; it is not a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees; it is a matter of the will, a quality of the imagination, a vigor of the emotions; it is the freshness of the deep springs of life.

Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease. This offen exists in a man of sixty more than a body of twenty. Nobody grows old merely by a number of years. We grow old by deserting our ideals.

Years may wrinkle the skin, but to give up enthusiasm wrinkles the soul. Worry, fear, selfdistrust
bows the heart and turns the spirit back to dust.

Sixty or sixteen, there is in every human being's heart the lure of wonder, the unfailing child-like appetite of what's next, and the joy of the game of living. In the center of your heart and my heart, there is a wireless station; so long as it receives messages of beauty, hope, cheer, courage and power from men and from the infinite, so long are you young.

When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grow old, even at twenty, but as long as your aerials are up, to catch the waves of optimism, there is hope you may die young at eighty.


Năm 1992 tôi tới Mỹ với một tấm thân tàn vì bệnh hoạn, đói khổ và tù đầy. Nếu không nhờ nền y tế tối tân và siêu việt của quốc gia này, tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Từ bệnh cao huyết áp, tiểu đường, nghẽn mạch máu tim, cao mỡ v.v.., tôi đã phải vào bệnh viện 5 lần, thông tim 4 lần, stroke nhẹ 2 lần. Tôi phải liên tục dùng thuốc trong mười mấy năm nay, tốn kém của nhà nước bao nhiêu tiền của.

Tôi đã cố gắng tập thể dục, ăn uống kiêng cữ, và nhất là tìm một môn luyện tập thân thể theo phương pháp đông phương thích hợp với tuổi già.

Đấy là nguồn gốc cái duyên mà tôi tìm đến với môn Taichi.

Một lần trong một buổi phát thanh của đài VOVN, phỏng vấn các vị lãnh đạo TAEKWONDO thế giới, tôi đã hỏi ngắn gọn về môn Taichi thì nhận được những lời ngợi khen nồng nhiệt và có ý kiến rằng môn tập này mang ý nghiã sử dụng nguyên lý âm dương như một võ công. Muốn có được những lợi lạc của phương pháp Taichi thì cần có ý niệm về khí công. Một trong những điều căn bản cần nắm vững là phải biết thư giãn bản thân. Vì Taichi hầu như chỉ được tập luyện qua những động tác chậm, cho nên ở bất cứ tuổi nào người ta cũng có thể luyện tập một cách dễ dàng.

Một lợi điểm phụ thuộc là có được khả năng tự vệ. Đấy cũng là quan điểm của võ phái Taekwondo. Các tài liệu khoa học theo tạp chí Science Daily gần đây có nêu 2 lợi điểm nổi bật trong việc tập thể dục theo phương pháp Taichi:

- Một là chữa các dạng viêm khớp

- Hai là gia tăng sức đề kháng nơi những người lớn tuổi

1/ Taichi giúp chữa viêm khớp:

Một công trình mới đây của viện nghiên cứu The George Institute International Health cho thấy Taichi có lợi rõ rệt đối với các chứng viêm khớp. Một số các nhà nghiên cứu đang tiến hành một cuộc thử nghiệm để xem phương pháp thể dục đó có hiệu quả gì đối với chứng đau nhức ở phần dưới của lưng hay không.

2/ Taichi giúp gia tăng sức đề kháng ở người lớn tuổi:

Tập thể dục theo Taichi đã được ít nhiều Tây hóa của một môn võ thuật Trung Hoa từ hơn 2000 năm trước với những nét đặc trưng như vận động chậm rãi trong tư thế trầm tư. Phương pháp này có khả năng tăng cường sức đề kháng nơi người cao niên chống các loại vi khuẩn gây nên các chứng nổi mần, nổi ngứa rất khó chiụ trên da, mà thuật ngữ y học tiếng Anh gọi là Shingles, theo như một nghiên cứu mới nhất của Đại học UCLA ở California .

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu mà chỉ là một ông già nhiều bệnh, đi tìm một môn tập có thể giúp mình giải thoát được phần nào những tật bệnh đã hành hạ mình từ bao năm nay. Do một cơ duyên tình cờ, tôi đã đến với hội TỪ BI PHỤNG SỰ. Hội do Thầy HẰNG TRƯỜNG sáng lập với mục đích phục vụ tha nhân về mặt tinh thần và thể lực. Trụ sở chính của hội đặt tại California, nhưng Thầy HẰNG TRƯỜNG đã huấn luyện được hàng trăm huấn luyện viên hiện sinh sống tại nhiều thành phố lớn có đông người Việt cư ngụ. Hội mở ra các lớp tập mang tên CÀN KHÔN THẬP LINH, phối hợp giữa 2 môn Taichi và Yoga. Yoga cũng là một môn tập rất lâu đời cuả người Ấn Độ mà lợi ích to lớn cuả nó thì ai cũng đã biết rõ. Sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa Taichi và Yoga đã khiến những bài tập CÀN KHÔN THẬP LINH trở nên hiệu quả một cách tuyệt hảo. Thế là bao mong ước của tôi về môn Taichi không những đã được đáp ứng mà còn được đáp ứng một cách hoàn mỹ nữa nhờ có thêm Yoga.

Tôi theo tập lớp Càn Khôn Thập Linh này đã được hơn 2 năm và giờ đây những bệnh tật của tôi, không quá lạc quan là đã hết hẳn, nhưng hình như đã nằm yên để cho những ngày già của tôi được an bình.

Ông Bác sĩ người Mỹ ở bệnh viện tim khám bệnh thường xuyên cho tôi 3 tháng 1 lần, nay đã hẹn 1 năm nữa mới phải trở lại. Có lần tái khám, ông ấy mỉm cười nói: 'Chẳng lẽ tôi hẹn ông 2 năm mới khám lại thì kỳ quá!'

Bây giờ các bệnh máu cao, mỡ cao, đường cao đều đã xuống. Hoạt động của tim cũng điều hòa. Có một điều này nữa, tôi không nói dối đâu. Tất cả các bằng hữu, người quen biết hay các fans âm nhạc khi gặp tôi đều có cùng một nhận xét là tôi trẻ ra nhiều, thậm chí còn trẻ hơn ngày tôi mới sang Mỹ năm 1992 nữa.

Tất cả các bạn già cùng tập Càn Khôn Thập Linh với tôi đều có kết quả như tôi, nhiều hay ít mà thôi.

Ngày mới tập, mỗi thế tôi chỉ làm được 5, 7 lần là đã thấy mệt. Nay tôi có thể “múa” được 15, 20, thậm chí 25 lần mà vẫn thấy thoải mái. Thấm nhuần và mở rộng các quán tưởng của mỗi thế tập còn khiến người ta thấy yêu đời, yêu người, mở lòng mình ra vũ trụ, ra thế giới bên ngoài, nhân ái với hết thảy mọi loài nữa.

Qua bài viết này, trước hết tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Thầy Hằng Trường, người đã bỏ bao công sức, bao thời gian, đi đến những vùng rất xa xôi trên đất nước Trung Hoa để tìm tòi, học hỏi mà sáng chế ra những thế tập qua tên gọi của những con vật tượng trưng cho sự nhẫn nại, sự hiền hoà, sự vượt khó v.v…Bài tập CÀN KHÔN THẬP LINH quả đã mang lại sức khỏe, sự tươi vui … cho những người tìm đến nó.

Lời cảm ơn tiếp theo tôi xin gửi đến toàn thể anh chị em Huấn Luyện Viên của hội TỪ BI PHỤNG SỰ đã chia sẻ với chúng tôi những kiến thức quí báu, đã hy sinh thời giờ, ngay cả tiền bạc để mang lại cho chúng tôi những bài tập bổ ích, những phòng tập thoải mái mát mẻ.

Để kết thúc bài viết này tôi xin giới thiệu bài thơ vui, rất vui (do một người bạn gửi cho), dành cho những người tuổi hạc như tôi vậy.

SỬA LẠI GIÂY ĐỜN
Thanh Mai


60 chưa phải là già
60 là tuổi mới qua dậy thì
65 hết tuổi thiếu nhi
70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
90 mới bắt đầu già
Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
100 có lệnh diêm vương
Cứ ở trên ấy yêu đương thỏa lòng
Bao giờ đạn hết lên nòng
Từ từ nằm xuống là xong một đời


Duy Trác
HOUSTON - 7/9/2009

(Source: http://nguoi-viet.com)



 

Bảy Tay Súng Oai Hùng



Một vụ cướp súng công an đào thoát thật ly kỳ xảy ra tại trại tù A.20 Xuân Phước.

Trại tù A.20 Xuân Phước của Việt Cộng toạ lạc tại một địa điểm cách ga xe lửa Lahaye khoảng 15 cây số thuộc tỉnh Phú Yên (Trung phần). Đây chính là nơi mà trong thời chiến tranh trước 1975 VC dùng làm Mật Khu an dưỡng cho các cán binh CS của chúng. Sau khi chiếm được miền Nam tháng Tư 1975, chúng biến nơi này thành trại tù lớn, chia làm hai khu, Khu A và Khu B. Và mỗi Khu còn chia ra thành nhiều Phân trại. Phân trại E giam giữ các anh em Sĩ quan QLVNCH. Bọn VC đã đưa toàn bộ số đàn ông di tản qua Mỹ trở về từ con tàu Việt Nam Thương Tín nhốt tại đây, rồi sau biến các tù nhân này thành những phu hồ để xây dựng những ngôi nhà ở và nhà giam bằng xi măng cốt sắt. Đồng thời chúng áp dụng một quy chế đối xử với tù nhân vô cùng khắt khe. Bọn cai tù tuyên bố rằng, nơi đây chúng sẽ "biến sắt thành bùn", bất cứ tù nhân nào dù ngoan cố tới đâu cũng phải bị khuất phục. Nhưng ngược lại, chúng đã luyện cho các tù nhân trở thành Gang Thép !

Các anh em tù gọi đây là "Trại Kiên Giam".

Ở đây chúng tôi không nói về các sinh hoạt của trại tù, vì đã có 2 quyển sách nói về Trại tù A.20 Xuân Phước rồi. Một, là quyển "Trại Kiên Giam" của nhà văn Nguyễn Chí Thiệp, cựu sinh viên quốc gia hành chánh, hiện ở Texas. Và hai, là quyển "Cuối Tầng Địa Ngục" của nhà văn Đỗ Văn Phúc, cựu đại úy CTCT, hiện cũng ở Texas.

Hôm nay chúng tôi chỉ xin tường thuật lại vụ cướp súng công an rồi đào thoát của 7 cựu Sĩ quan QLVNCH, đó là :

1.- Đại úy Đặng Ly Thông (Trường Anh Ngữ Quân Đội)
2.- Tr/úy Nguyễn Duy Đức (Biệt Động Quân)
3.- Tr/úy Nguyễn Ngọc Bửu (TQLC Khoá 25VBĐL)
4.- Tr/úy Trần Lưu Úy (Phi công F5E)
5.- Tr/uý Nguyễn Hồng Quân (Phóng viên Chiêu Hồi)
6.- Tr/uý Nguyễn Văn Minh (TQLC)
7.- Đại úy Lê Thái Chân (Pháo binh Dù)

Tại trại A-20 Xuân Phước, Phân trại A, các tù nhân được chia ra thành từng đội, mỗi đội có khoảng trên dưới 30 người. Hàng ngày các đội được hướng dẫn đi ra ngoài trại để làm lao động như đào ao nuôi cá, cuốc đất trồng hoa màu, v.v... Mỗi lần dẫn tù từ trại đi "lao động" luôn luôn có 1 quản giáo mang súng ngắn và 2 vệ binh mang súng dài đi kèm.

Nhưng vào ngày 13 tháng 11 năm 1980, đội của các anh em 7 Sĩ quan trên chỉ có một quản giáo và 1 vệ binh đi kèm. Vì đã có chuẩn bị từ trước, cho nên thấy đây là cơ hội tốt. Bởi vậy, thừa lúc giải lao, chỉ có một tên vệ binh đứng gần, một anh bèn dùng xẻng đập vào đầu tên vệ binh lăn ra bất tỉnh. Các anh em cướp súng rồi hè nhau tẩu thoát về phía chân núi. Tên quản giáo ở đàng xa thấy động định chạy lại... thì anh em liền nổ một phát súng chỉ thiên, tên quản giáo hoảng sợ quay đầu hướng về trại chạy thục mạng.

Thực ra, trong toán tổ chức trốn trại lần này chỉ có 6 anh em thôi, không có Đại úy Đặng Ly Thông. Nhưng khi anh em bỏ chạy thì Đại úy Thông chạy theo luôn miệng la ơi ới... đợi tui với ! Những anh em trong đội còn lại thì ngồi yên tại chỗ. Mấy tiếng đồng hồ sau, trong trại mới báo động, bọn công an trong trại kéo ra mở cuộc truy lùng có dẫn theo cả chó, đồng thời đưa những anh em trong đội còn lại trở về trại.
Hơn tuần lễ trôi qua, anh em trong trại rất vui mừng tưởng đâu vụ trốn trại trên đã thành công. Nào hay mấy tuần sau có điện từ Tuy Hoà gọi trại cho người tới nhận diện 6 cái xác chết của tù nhân trốn trại. Một anh tù hình sự đi theo đám công an có nhiệm vụ chôn cất đã kể lại rằng, một toán du kích người Thượng phát hiện có 6 người, một người đang ngồi trên bờ, bên cạnh để 2 khẩu súng, một CKC và một AK, còn 5 người thì đang tắm dưới suối. Toán Du kích này đoán ngay là tù trốn từ trại A.20 Xuân Phước vì chúng đã được báo động từ trước. Lập tức chúng liền nổ súng bất ngờ làm anh em không kịp trở tay.

Toán công an trại tới nhận xác, nhận diện từng người, thấy Đại úy Lê Thái Chân lọt sổ. Nhưng một thời gian sau Đại úy Lê Thái Chân cũng bị bắt trở lại và bị kêu án 18 năm tù. Sau đó Chân được thả ra năm 1995 và qua Mỹ năm 1999, định cư tại thành phố Utica, tiểu bang New York, là một nơi hẻo lánh ít thấy người Việt.

Khi hay tin tới Mỹ, chúng tôi liền liên lạc với anh ngay. Chân bèn kể vắn tắt câu chuyện như sau :

Sau khi chạy được vào chân núi, anh em không dám đi đường lộ mà phải vượt đường rừng, men gần các buôn Thượng để kiếm thực phẩm như đào trộm khoai để mưu sinh. Dọc đường anh em cướp được thêm một khẩu AK của một tên du kích người Thượng tên Ma Lan.

Toán của anh đi hơn 1 tuần lễ thì giáp với biên giới Cam Bốt. Có đêm anh em đứng trên ngọn núi Ban Mê Thuột nhìn qua phía Cam Bốt thấy lửa đỏ trời và tiếng súng đại bác vang rền. Trong thời gian này quân VC tràn qua Cam Bốt. Vì Chân nguyên là Sĩ quan đề-lô pháo binh, anh có nhiệm vụ đi trước thám sát địa hình. Một hôm, anh bỗng nghe có nhiều loạt súng nhỏ nổ, anh quay lại chỗ anh em đợi thì không thấy ai cả. Do đó, anh bị lạc mất anh em, nên không biết chuyện gì đã xẩy ra cho các bạn đồng đội.

Cho đến mấy ngày sau, ngày 18-12-1980 anh chạm trán với một toán bộ đội VC, chúng chận hỏi giấy tờ. Anh chối quanh, chúng làm dữ đòi bắn bỏ. Sau anh đành nhận đại là tìm đường vượt biên. Chúng đưa anh về đồn tạm giam. Qua hôm sau chúng điều tra ra anh trốn trại, nên đánh anh một trận suýt chết, rồi giải giao anh trở về trại Xuân Phước. Tới lúc đó, anh mới được anh em đồng tù thuật lại về cái chết của 6 đồng đội. Tất cả 6 cái xác được chôn chung một cái huyệt, san bằng, không để lại chút dấu vết gì !

Sau khi Chân vắn tắt kể cho nghe câu chuyện, chúng tôi còn muốn biết thêm nhiều chi tiết nữa, nhưng Chân hẹn lại dịp khác. Lần khác gọi lại thì Chân lại bận. Chúng tôi yêu cầu Chân viết ra giấy, hoặc thâu vào băng gởi cho chúng tôi cũng được. Chân đồng ý.

Một mặt chúng tôi viết bài "Bảy Tay Súng Oai Hùng" này gởi cho Chân xem. Chân có đính chính vài chỗ, nhứt là tên họ và cấp bậc của 6 người bạn. Đồng thời kèm theo mấy dòng :

- Anh Sáu,
Chuyện vượt ngục của Em dài dòng và chi tiết nhiều lắm. Thuận tiện Em sẽ thâu băng và nhờ Anh góp ý. OK nhé ! Bây giờ chỉ gởi thêm một ít chi tiết và tùy Anh định liệu.

Nhưng đó là lần liên lạc cuối cùng. Gọi điện thoại không được. Báo gởi đi bị trả về. Không biết bây giờ Chân ở đâu ?

Tin vui : Sau khi bài này được Post lên Net hôm 30-12-2008, anh em Nhảy Dù đã giúp tìm được địa chỉ của Anh CHÂN.

Quang Phục Võ Văn Sáu
12-2008


3/1/11

Bầy chim gãy cánh


Những tiếng súng vang trong chiều rờn rợn
bảy cánh chim đã hút giữa rừng cây
Phú khánh mùa nầy gió thổi mưa bay
tiếng báo động vẫn rền vang vách núi
những cánh chim đầu đàn của quân binh thuở trước
vùng vẫy đi vào huyền sử trại giam
lần đầu tiên giặc thảng thốt, kinh hoàng
từ dựng trại chưa con kiến nào qua lọt
bảy con chim, vượt qua từng giới hạn
một cánh dù làm mũi nhọn chuyến bay
và mưa rơi, mưa trút xuống tơi bời
xoá vết chân của bầy chim đang tìm chỗ đậu

Liên trại bị hành trong cơn cuồng nộ
súng gờm gờm, giặc lùng sục khắp trại giam
bảy cánh chim bay cả đàn như bị bẫy
mặc trời mưa lệnh xét trại tốc hành
giặc không chừa một ngóc ngách, một vết đinh
bới tung toàn trại cố tìm dấu vết
cả đàn như đang buổi cầu kinh
im lặng nguyện cầu cho những cánh chim vừa bay hút
mưa vẫn rơi, đường rừng muôn gai góc
có an toàn cho những cánh thiên di
mưa che không, gió bảo vệ được gì?
Núi trùng trùng, miền trung ma thiêng nước độc
Trường Sơn xưa những ngày tang tóc
hãy rộng vòng tay đón chiến sĩ về nguồn
mẹ Việt-Nam ơi bảy đứa con ngoan
vừa thoát gông cùm trở về bên gối mẹ

Ngày qua đi, ngày nín thở lắng nghe
im lặng mà nghe tóc tang gần lại
ôi Phú Bổn! trên bản đồ chỉ cách một gang tay
trên thực địa đường rừng đi là mấy
tang thương chưa bên bờ suối chảy
súng đạn kẻ vô thần làm gãy sáu cánh bay
con chim cuối một tiền sát quen tay
đã thoát chết khi rời đàn qua biên giới

Tin đau sau cùng đã về tới trại
tất cả nghẹn ngào hét tiếng bi ai
như bị đốn ngả không làm sao vươn dậy
tang thương chưa, nơi nầy không đất sống
bay đi xa tưởng trở lại quê nhà
rồi bây giờ đâu đó giữa rừng xa
nắm xác bỏ lạnh lùng không hương khói
tang thương chưa núi rừng ơi hỡi
hiển linh gì sao giúp giặc bỏ tình xưa
xót xa chưa mẹ Việt-Nam, mẹ Việt-Nam ơi
những con của mẹ với căm thù nầy làm sao trả


nguyễn thanh-khiết
Để tưởng nhớ 7 anh hùng ở A 20
Và cuộc vượt trại ngày…13-11-1980…


Đến Trại Xuân Phước


A20 Nguyễn Liệu

(Trích tặng nhà văn Nguyễn Quang và thi sĩ Nguyễn Thanh Khiết hai người tù lâu năm ở trại tù Xuân Phước ….) 

Nguyễn Liệu

Như thường lệ, khoảng một giờ tập họp đi lao động buổi chiều. Tôi có tên trong danh sách không đi lao động, ở lại để chuyển trại. Tôi vừa buồn vừa mừng. Buồn vì xa anh em đã ở chung từ lâu. Mừng vì may ra gặp nhà tù mới khá hơn, nhất là tránh được các bộ mặt hắc ám dễ ghét của cán bộ Quảng Ngãi. Người buồn như muốn khóc là anh Hoàng Ngọc Uẩn, một công chức người Huế làm việc ở Quảng Ngãi trên hai mươi năm nên tôi quen biết anh từ lâu. Vào tù ở chung lò gạch, sang trại Nghĩa Điền, tôi nằm bên cạnh anh. Anh tuổi đàn anh của tôi, rất hiền lành, tôi chưa bao giờ thấy anh giận ai. Phòng tôi ở khoảng năm chục người. Tất cả đều xúc động khi biết tôi phải đi trại khác. Trong tù, nhất là tù cộng sản, mỗi lần chia tay chúng tôi có cảm tưởng không còn bao giờ gặp nhau nữa, mỗi lần ra đi là vĩnh biệt, nên ai nấy đều bùi ngùi. Anh em góp tiền cho tôi tới một trăm năm chục đồng — lúc ấy một đồng mua được hai nải chuối. Anh em bày cách giấu nhưng cuối cùng tôi vẫn bọc trong túi và hi vọng đến trại mới dễ dãi hơn may ra mang theo được, nhưng khi đến nơi, tôi tuân hành nội qui, nộp cho cán bộ ở trại. Tôi nhớ có anh Trần Ngọc Ảnh người Quảng Ngãi, tuy ở khác phòng nhưng mến tôi nên cho tôi đến hai mươi đồng, nhiều hơn những anh em khác. Lúc ấy, nhất là trong tù, số tiền rất lớn đối với tôi và đã nói lên tình cảm của anh em dành cho tôi.

Đêm Noel trong xà lim số 6


Ngày 29-4-1984, tôi được chuyển sang xà lim số 6 trại A-20 ở chung với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, linh hồn của một vụ nổi dậy do ngài và người em chủ trương năm 1976. Tôi hoàn toàn không hiểu lý do của việc chuyển xà lim cá nhân này. Ðây cũng là ngày mà tôi đánh dấu 3 năm bị cùm hai chân và có giai đoạn cả hai tay trong xà lim số 5. Phải nói là tôi bị gông thì đúng hơn. Nếu quý vị được nhìn thấy những tội phạm của thời phong kiến bị gông như thế nào thì chúng tôi bị gông như thế nấy. Chỉ có khác là nhà tù Cộng sản không gông cổ mà thôi.


Linh Mục Vàng, một nhà giảng đạo lỗi lạc của dòng Chúa Cứu Thế, sau khi bị lên án chung thân khổ sai sau vụ và em ruột ngài là Linh Mục Hiệu bị xử tử, đã bị đưa lưu đầy tại trại A-20 Xuân Phước. Khi tôi đã nằm cùm trong biệt giam trong phòng số 5 được 2 năm thì một hôm Linh Mục Nguyễn Văn Vàng lúc ấy từ trại lao động bị đưa vào xà lim số 6, bên cạnh xà lim tôi bị giam.


Khi còn ở ngoài trại lao động, ngài là đối tượng theo dõi của đám an ninh trại giam, nhất cử nhất động đều không qua mắt được một giàn ăng ten dầy đặc vây quanh vị tu sĩ công giáo này. Bọn an ninh trại nói thẳng ra rằng nếu chúng bắt gặp bất cứ tù nhân nào liên hệ với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, sẽ cùm ngay.


Tôi là một Phật tử, nhưng mối liên hệ với Cha Vàng khá thân thiết và chúng tôi thường đàm đạo với nhau vào mỗi ngày sau giờ cơm chiều trước khi điểm số để vào buồng giam, không chấp lệnh của trại. Có lẽ đây là lý do bọn an ninh trại đưa tôi đi “nghỉ mát” trước và 2 năm sau họ đưa Cha Vàng và một vài anh em nữa vào những chiếc hộp nhỏ ở ngay sau nhà bếp của trại A. Trại tập trung A-20 ở Xuân Phước thường được chúng tôi gọi là trại trừng giới (danh từ có từ thời Pháp thuộc để chỉ những trại có quy chế trừng trị tù nhân khắt khe). Cục Quản Lý Trại Giam của Cộng Sản thì gọi những loại trại này là Trại Kiên Giam. Tại sao chính quyền Cộng Sản gọi những trại được đánh mã số bằng chữ A và tiếp theo là một hàng con số? Thật ra thì rất ít người được biết lý do tại sao lại gọi A-20 là một trại kiên giam nếu không có dịp bị gọi đi thẩm cung nhiều lần trước khi được “gởi” vào những chiếc “hộp” ở Xuân Phước. Sau biến chuyển đánh dấu bằng việc Trung Quốc tấn công 6 tỉnh sát biên giới Việt Trung năm 1979, Cục Trại Giam được lệnh thực hiện một kế hoạch gọi là “Phương Án 4”, nghĩa là thực hiện một kế hoạch tuyển lựa tất cả những thành phần cứng đầu “không thể cải tạo được nữa” để đưa vào những trại A và trại Z. Kế hoạch này là tác phẩm của một viên Ðại Tá về sau này trở thành một tướng lãnh công an tên là Hoàng Thanh (có lẽ là bí danh). Hoàng Thanh đã thẩm cung chúng tôi và rất nhiều tù nhân khác mấy tháng trước khi tôi bị chuyển trại về A-20. Lần sau cùng là vào mùa Thu 1979, khi thẩm cung tôi lần chót, ông ta cười cười nham hiểm nhưng nói huỵch toẹt: “Tôi biết chắc chắn là khi chuyển về trại mới, các anh không còn ngày ra. Cho nên tôi khuyên các anh là tốt nhất nên ngoan ngoãn để hưởng khoan hồng của nhà nước, nói chung là được mang vợ con cách anh lên lập nghiệp ở đây cho gần. Khu vực trại giam sau này sẽ trở thành một đập nước và một thị trấn. Chúng tôi muốn thiết lập một trong những tiểu Siberia . Bây giờ, tôi thấy không còn cần phải giấu diếm gì các anh nữa”.


Trại A-20 lúc đầu (1979) có tới 4 trại được đánh số A, B, C, D, ở cách nhau trên dưới 5 cây số. Trại A được xây hoàn bằng bê tông cốt sắt tường, bệ nằm, vườn rau ao cá dưới những rặng dừa xanh tốt. Nhưng bên trong những dãy nhà gạch, mái ngói đỏ au đó là những phương thức câu thúc thân thể và tinh thần không khác dưới các trại giam ở Siberia dưới thời Stalin mà phần lớn người đọc sách ở Miền Nam Việt trước 1975 đều biết qua cuốn “Quần Ðảo Gulag” của văn hào Solzhenitsin. Tôi sẽ có dịp nói đến chuyện này trong một bài viết khác. Bây giờ tôi quay lại chủ đề của bài viết này.


Những người xây dựng trại Xuân Phước là ai? Cái oái oăm của lịch sử mà chúng tôi gặp phải chính là ở chỗ: Trại tù này lại do chính bàn tay của những người từng được di tản tới Guam trước ngày 30-4-1975, sau đó lại biểu tình đòi trở về lại Việt Nam bằng tầu Việt Nam Thương Tín, tạo dựng lên. Lúc chúng tôi được chuyển trại về đây thì có một số vẫn chưa được trả tự do. Chạy nạn Cộng Sản tới Guam , rồi vì những lý do riêng biệt hầu hết là vì gia đình còn kẹt lại, trong cơn hoang mang và đau khổ tột độ, tình cảm che lấp lý trí và bị kích động, họ đòi quay trở về với lý do xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Nhưng người Cộng Sản thừa hiểu, những người tị nạn này quay trở về chỉ vì có người còn vợ con, có người còn mẹ già không có người săn sóc, có người hoảng loạn bỏ lại vợ mới cưới, người tình đằng sau. Cho nên, Cộng Sản mở một cuộc đón tiếp để quay phim chụp hình và sau đó đẩy tất cả đàn ông vào khu rừng Xuân Phước và bị buộc phải xây dựng nhà tù này để chính quyền Cộng Sản giam giữ chính những đồng đội của mình. Tôi đã có rất nhiều dịp tiếp xúc với họ, nên hiểu được tấm lòng của họ và thấy họ đáng thương quý hơn là đáng trách. Một sĩ quan xưng là quản gia cho tướng Nguyễn Cao Kỳ tâm sự với tôi: “Cậu tính coi, lúc đó vì hoang mang đi gấp không kịp lôi vợ con và bà mẹ già theo. Ðến Guam, cứ nghĩ đến họ, làm sao nuốt nổi miếng cơm chứ. Tôi biết nhiều người không thể thông cảm được lý do tôi trở về, trong đó có thể có cả vợ con tôi nữa, nhưng đành chịu vậy. Cho nên dù bị đẩy vào hoàn cảnh khốn nạn như thế này, tôi vẫn thấy lương tâm yên ổn hơn”.


Tôi không có ý định nói chi tiết về vụ này mà muốn trở lại cái đêm Noel trong xà lim số 6. Xà lim là tiếng dịch theo âm Việt Nam của “cellule” (tiếng Pháp), xuất hiện trong văn chương và báo chí từ thời Pháp thuộc. Thực ra nếu tra tự điển tiếng Anh Việt hay Pháp Việt, chữ cell hay cellule đều có nghĩa là “tế bào”. Trong các trại tù của những quốc gia theo chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa cộng sản, hoặc các quốc gia dân chủ tự do, những “tế bào” vẫn được hiểu là những phòng biệt giam cá nhân để trừng phạt những tù nhân nguy hiểm. Những phòng biệt giam cá nhân này thường được xây dựng theo một tiêu chuẩn giống nhau: Không gian nhỏ hẹp của chúng phải đáp ứng được nhu cầu trừng phạt cả thể xác lẫn tinh thần người tù. Riêng tại các trại cải tạo do người Cộng Sản dựng lên, những phòng biệt giam cá nhân được gọi bằng một nhóm từ “nhà kỷ luật”. Trại A ở A-20 Xuân Phước có một dãy 10 phòng biệt giam cá nhân, mỗi phòng như vậy giống như một cái hộp với bề rộng 3 thước, dài 3 thước, cao 6 thước, xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt sắt, kín mít chỉ có một lỗ tò vò nhỏ ở cánh cửa trước để cho vệ binh kiểm soát tù nhân ở bên trong. Ở phía trong mỗi xà lim cá nhân, có hai bệ nằm song song, cách nhau bằng một khoảng hẹp khoảng nửa thước. Người tù nằm trên bệ quay mặt ra phía cửa hai chân bị cùm chặt bằng một cùm sắt (trong hình), có nhiều trường hợp bị cùm cả hai chân hai tay.


Nhưng cùm như thế nào? Có phải là cùm bằng còng số 8 như ta thấy cảnh sát Mỹ còng tay phạm nhân để giải giao về sở cảnh sát không? Thưa không phải như vậy! Làm gì chúng tôi lại được ưu đãi đó. Loại còng trong những xà lim mà tôi trải qua suốt 5 năm liên tiếp tại A-20 trong rừng Xuân Phước là “cùm Omega”. Tại sao lại gọi loại cùm này bằng cái tên của một hiệu đồng hồ rất nổi tiếng là đồng hồ Omega. Hai cái vòng sắt để khóa hai chân người có hình thù giống y chang logo của đồng hồ Omega (minh họa của Bùi Ánh). Khi bị còng trong xà lim, người tù cải tạo bị đẩy ngồi lên bệ nằm, duỗi thẳng hai chân. Viên cán bộ an ninh trại giam sai một trật tự lấy ra một lô vòng sắt hình ký hiệu omega ra và ướm thử vào cổ chân người tù. Nếu đám an ninh trại giam không có ý định trừng phạt nặng tù nhân cải tạo thì họ ra lệnh cho trật tự lấy hai vòng omega vừa vặn với cổ chân người tù cải tạo. Ngược lại nếu họ muốn trừng phạt nặng và muốn làm nhiễm độc thối chân người tù, họ tra vào cổ chân tù cải trạo hai vòng omega nhỏ hơn vòng cổ chân rồi đóng mạnh xuống. Khi cổ chân người tù lọt vào được chiếc vòng omega, nó đã làm trầy trụa một phần hay nhiều phần cổ chân người tù. Sau đó, họ tra vào bên dưới một cây sắt dài qua những bốn lỗ tròn ở hai vòng omega, một đầu cây sắt ăn sâu vào mặt tường trong, đầu phía ngoài của thanh sắt được xỏ qua một chốt được gắn thật sâu xuống cạnh bên ngoài của bệ nằm. Một cây sắt khác ngắn hơn, một đầu được uốn tròn, đầu kia của cây sắt này được đánh dẹp và khoan một lỗ nhỏ. Khi hai thanh sắt này được khóa chặt với nhau thì một đầu của cây sắt dọc sẽ xuyên qua một lỗ nhỏ tường phía trước, thò ra ngoài ra ngoài một đoạn. Chỉ việc tra một cái khóa vào đầu phía ngoài ấy của thanh sắt dọc là tất cả hệ thống trên sẽ tạo thành một cái cùm thật chặt khó lòng một người tù nào có thể mở khóa vì mấu chốt để tháo cùm là ổ khóa bên ngoài. Phải mở được ổ khóa bên ngoài thì mới mở được cùm.


Có bốn mức cùm dành cho một tù cải tạo khi họ bị biệt giam ở trại Xuân Phước: Mức độ 1: Cùm một chân phải, mức độ 2: Cùm một chân trái, mức độ 3: Cùm hai chân, mức độ 4: Cùm hai chân hai tay. Tôi đã trải qua mức độ 4 trong 8 tháng liên tiếp, sau đó giảm xuống mức độ ba, rồi lại tăng lên mức độ 4 trước khi giảm xuống mức độ 3, 2 rồi 1. Khi còn bị cùm mức độ 4, ngoài hai bữa ăn và ban đêm, tôi được tháo cùm 2 tay, thời gian còn lại lúc nào tôi cũng phải ngồi cong như con tôm luộc vì kiểu cùm độc ác này. Sở dĩ tôi được giảm xuống mức độ 3 rồi trở lại mức độ 4 chỉ vì một sự kiện: Sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế để thả tôi ra. Khi hai thành viên của Hội này là bà Frederick Fuchs (người Bỉ) và ông Pierre Carreaux (cựu chiến binh người Pháp) từ Belgique bay qua Bangkok với một danh sách 14 ký giả, phóng viên bị trả thù bởi chế độ mới tại Việt Nam và đòi đến Hà Nội để được gặp mặt những người này. Chỉ có bà Fuchs là được vào Hà Nội, nhưng bà chỉ được nhận hồ sơ can thiệp và được phép thăm bà mẹ tôi tại Saigon chứ không được đến trại A-20 gặp mặt tôi. Khi bà Fuchs đòi chiếu khán ở Bangkok để vào Hà Nội trùng vào thời điểm tôi được tháo cùm hai tay và thời gian bà Fuchs rời Hà Nội trùng thời gian tôi bị trở lại mức cùm số 4. Trước khi tôi được tháo cùm hưởng ân huệ ở mức độ 2, thì một phái đoàn do Hoàng Thanh hướng dẫn từ Hà Nội vào “thăm” A-20. Ông ta lôi một lô những người tù cải tạo đang nằm trong biệt giam tại trại A cũng như B ở A-20 ra thẩm cung. Tôi được một trong những thẩm vấn viên cho xem bản sao những lá thư can thiệp đòi thả tôi, và 13 ký giả khác trong đó có kèm theo cả những lá thư của bằng hữu và đồng nghiệp với tôi ở Pháp, trong đó có thư của ông Trần Văn Ngô tức ký giả Từ Nguyên, một cựu phóng viên của Việt Tấn Xã thuộc lớp đàn anh chúng tôi. Sau đó anh ta nói thẳng với tôi: “Bọn mày thấy đấy, mấy thằng Tây này kể cả mấy thằng ký giả Việt gian chạy trốn tổ quốc không thể đánh tháo chúng mày được. Khôn hồn thì chịu cải tạo để không bị chết trong cùm. Suốt đời chúng mày sẽ không ra khỏi cái thung lũng này được đâu. Ân Xá Quốc Tế hả, còn khuya bọn nó mới làm gì được chúng tao”. Tôi không trách gì việc can thiệp này mà lại còn vui là đằng khác, bởi vì nó củng cố cho tôi một niềm tin và thấy được tấm lòng hào sảng của bạn bè đồng nghiệp ra được nước ngoài. Tôi thành thật tri ân họ.


Những ngày tiếp theo, tôi bị nâng cùm ở mức độ 4 và bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn bằng một nửa so với các anh em bên ngoài, nghĩa là chỉ còn mỗi bữa ăn 150 grams. Nếu tính chi ly ra thì 150 grams thực phẩm mỗi ngày gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày. Ăn mặn và uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Trong tù mà bị thận thì kể như tàn đời. Cho nên ăn lúc đó trở thành ít quan trọng hơn dù lúc đó chúng tôi đã là lũ ma đói. Cái khát triền miên đã che đi cái đói. Nếu tôi muốn ăn muốn ăn được khẩu phần dành cho người đang bị trừng phạt phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt cái mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì. Tôi không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Tôi nghĩ chỉ có cách nhịn, nhưng càng đói lả đi thì mồ hôi ra như tắm, một tình trạng hết sức nguy hiểm. Cha Vàng thấy tôi lả đi, ngài đập cửa báo cáo nhưng đám cán bộ của nhà kỷ luật im lặng, coi như không có chuyện gì xảy ra. Buổi trưa hôm đó, cha Vàng nẩy ra một ý kiến. Ngài nói: “Anh không thể tránh ăn mãi như thế. Nếu chúa che chở cho mình, phù cũng không chết. Bố tự trách không nghĩ ra việc hy sinh nửa ca nước của bố cho anh. Khoai mì ít ngấm nước muối hơn. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn”. Tôi khước từ: “Bố (trong tù chúng tôi đều gọi tất cả các tu sĩ của các đạo giáo là bố hết) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu”. Ông cười: “Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được”. Tôi chọc ngài cho bớt căng thẳng: “Thế bố đã thử chưa mà khi đi giảng đạo có lúc bố nói về hạnh phúc lứa đôi”. Cả hai chúng tôi đều cười vang. Cha Vàng nói: “Ê này, để bố nói cho anh nghe chuyện này. Bố dù là linh mục thì cũng là người, con tim cũng rung động như mọi người khác, nhiều lúc bố cũng muốn thử. Những lúc như thế mình phải tranh đấu với chính bản thân mình ghê lắm để đừng vượt rào đi ăn tình. Ðiều này cũng cần can đảm mới làm được. Tín đồ kính trọng người tu hành là kính trong sự can đảm ấy, kính trọng sự vượt qua để phụng sự, chứ nếu giống như thường tình thì nói gì nữa”.


Vâng thưa quý vị, giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt. Vào tuần lễ thứ tư của cuộc trừng phạt, như một phép lạ, viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Tù nhân mang cơm cho nhà kỷ luật cũng không phải là Hùng đen mà là Tuấn “sún” ở đội tù hình sự. Thông thường, khi vào phát khẩu phần cho nhà kỷ luật, viên cán bộ trực trại thường mở xà lim có tù nhân “bị gởi” (tù nhân bị ăn chế độ trừng phạt) trước. Nhưng lần này thấy các xà lim được lần lượt mở từ 1 cho đến 9 (số hên?) Xà lim 10 không có “khách”.

Ðến xà lim số 6, cha Vàng đưa hai chiếc bát nhựa và hai ca đựng nước ra trong khi viên cán bộ đích thân mở khóa tay cho tôi. Viên cán bộ này mặc đồ công an không lon lá gì cả nên không biết cấp bậc anh ta. Phát khoai xong, thấy Tuấn “sún” múc một vá nước muối, viên cán bộ nói ngay: “Ít muối thôi, chan đẫm vào, làm sao người ta ăn được”. Ðến phần nước, khi thấy Tuấn “sún” múc đầy cả hai ca, tôi hiểu rằng hôm đó tên cán bộ trực trại có việc gì đó không mở trại kỷ luật được, nên nhờ bạn thay thế. Vì làm thế nên anh chàng này không còn nhớ hoặc không thèm nhớ là trong trại có tù nhân phải ăn khẩu phần dành cho chế độ trừng phạt. Phát xà lim số 9 xong, lại thấy có tiếng chìa khóa mở cửa xà lim số 6 của tôi. Tôi đinh ninh rằng họ quay lại để lấy bớt phần nước nên tôi vội vàng cầm ca nước uống hết. Nhưng không, Tuấn “sún” xách thùng nước đứng ở cửa phòng hỏi: “Có gì đựng thêm nước không”. Tôi nói: “” và đưa ca nước ra. Tuấn “sún” đổ đầy hai ca nước, rồi lại hỏi: “Còn đồ đựng nước khác không?” Cả hai chúng tôi lắc đầu. Viên cán bộ xen vào: “Ðổ vào thau cơm cho họ, chiều hay mai lấy ra”.


Hình phạt dành cho tôi chấm dứt vào đầu tháng 11. Tôi đoán hết lý do này đến lý do khán khiến chúng chấm dứt sự trừng phạt đối với tôi. Nhưng cha Vàng nhận định: “Nếu cần phải giết chúng ta, chúng đã tùng xẻo mình ngay từ lúc đầu. Ðoán làm gì cho mệt…”
Cuối tháng 11, cả hai chúng tôi đều được mở cùm cho ra đi tắm, lần đầu tiên sau 3 năm biệt giam. Khi được mở cùm, tôi đứng lên không nổi vì hai chân dường như cứng lại. Cha Vàng cũng nằm trong tình trạng ấy, nhưng ngài mới bị biệt giam hơn một năm nên còn lết được. Chúng tôi bám lấy nhau theo hướng dẫn của trật tự đi ra ngoài giếng được đào bên cạnh một ao cá ngay sau nhà kỷ luật. Thời tiết tháng 11 ở vùng tiền sơn Tuy Hòa đã lạnh lắm rồi. Tôi còn có được một cái áo lạnh tự may bằng cách phá một chiếc chăn len của một bạn tù cho từ năm 1980. Khi được cho chiếc chăn len này, tôi nghĩ ngay đến chuyện may thành chiếc áo giống như áo trấn thủ. Trò may vá trong các trại tù cũng là một thú tiêu khiển và giết thời giờ. Chúng dùng những cộng sắt để làm kim và chỉ thì bằng những sợi rút ra từ những chiếc áo hay quần may bằng bao cát. Chính ở những trò may vá này, chúng tôi học được một bài học: Cùng thì tắc biến. Trước những trò đàn áp, những mưu chước thô bạo quản thúc con người trong các nhà tù cộng sản, vẫn có rất nhiều người vượt qua được cơn khốn khó do bản năng sống còn của họ rất mạnh. Cứ thử nghĩ một người nếu ăn bất cứ con vật gì mà họ bắt được kể cả rít núi, cỏ kiểng, ăn sống cả loại khoai mì H-34 có nhiều chất độc trên đất Hoa Kỳ này, thì chỉ có nước vào nhà thương sớm. Nhưng thời gian dưới các nhà tù Cộng Sản bệnh không có thuốc, ăn bậy bạ mà các tù nhân cải tạo ít bị hề hấn gì. Tôi nghĩ một cách chủ quan rằng chỉ có phép lạ hay bản năng tự tồn của người khi bị đẩy vào cùng quẫn mạnh, mới giúp cho một người tù sống được và có ngày trở về. Một số bạn tù của tôi sau này hay nói đến chuyện sống vì tinh thần, lúc đầu tôi chỉ coi là chuyện vui, nhưng ngẫm nghĩ lại thấy cũng có phần chí lý. Khi một người tù chấp nhận phần xấu nhất về mình, sẽ bất chấp những đòn thù. Vì một người biết chấp nhận phần xấu nhất về mình trong hoàn cảnh lưu đầy, sẽ chẳng còn gì phải suy nghĩ về hiện tại lẫn tương lai, ngày về. Lúc đó nếu Việt cộng có bắn mình một viên vào ngực, có lẽ điều đó được coi là ân huệ hơn là kéo dài cuộc sống của những người tù theo cách nửa sống, nửa chết như thế. Cho nên, người cộng sản có thể tính được nhiều trò đàn áp, hành hạ con người, nhưng không tính được điều liên quan đến bản năng và tinh thần của con người.


Khi chúng tôi ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim. Còn tắm táp gì trong điều kiện thời tiết này. Thấy Cha Vàng run lên bần bật vì gió lạnh. Ngài lại chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù, nên tôi cởi chiếc áo trấn thủ và nói: “Bố đưa chiếc áo len con, bố mặc chiếc áo của con vào ngay. Bố phong phanh thế, cảm lạnh bây giờ. Bố nhớ rằng ở đây không có thuốc, mặc chiếc áo này của con đi, bố đưa áo len cho con”. Ông nhất định không chịu, nhưng cuối cùng tôi vẫn lột chiếc áo len của cha Vàng ra và mặc chiếc áo trấn thủ mang bằng chăn len hai lớp của tôi, tôi mặc chiếc áo len của ông. Dĩ nhiên chúng tôi chẳng tắm táp gì được cả, ngồi núp vào bức tường che giếng nước để tránh gió. Cha Vàng ít run rẩy hơn. Ngài đứng dậy và vung tay cử động. Tôi làm theo ngài. Tôi có cảm tưởng cứ mỗi lần vung tay cử động theo kiểu Dịch Cân Kinh thì chúng tôi choáng váng có thể chúi về trước, nhưng đồng thời cũng cảm thấy bớt lạnh. Viên cán bộ trực trại dặn chúng tôi: “Các anh tắm thì tắm, không muốn thì thôi. Nếu không thì ngồi đây phơi nắng (ở Xuân Phước, mùa Ðông thường không thấy mặt trời). Cấm không được liên hệ với ai”. Nói xong, anh ta bỏ đi.


Nói thì nói vậy, nhưng các anh em trong nhà bếp đều là anh em sĩ quan cải tạo, nên cũng tìm cách tiếp tế cho chúng tôi vài miếng cơm cháy, mấy tán đường. L.S, một người Việt gốc hoa, một tỷ phú, vua máy cày trước 30-4-1975 bị đẩy lên trại này sau khi lãnh cái án 20 năm tù sau đợt đánh tư sản mại bản lần thứ nhất, đang được cắt cử coi vườn rau cải. Ông ta từ vườn rau đi khơi khơi, không lén lút gì, đến thẳng chỗ chúng tôi, đưa một gói bánh trong đó có ít bánh bisquit lạt và ít đường tán, và thiết thực hơn là khoảng 10 viên thuốc B1. L.S nói: “Ngộ biếu, bánh đường ăn hết ở ngoài này đi, đừng mang vào chúng nó sẽ tịch thu. Thuốc B1 cần cho các nị lắm á. Cứ ăn từ từ, đừng có lo, nhà nước ‘no’ hết ”. Xong ông ta bỏ đi.

Nhóm người Việt gốc Hoa sống trong trại rất đầy đủ, nhưng đối với chúng tôi, lúc nào họ cũng cư xử đàng hoàng. Những tin tức từ bên ngoài được đem vào trại của họ khá chính xác. A-20 là trại trừng giới nhưng quà thăm nuôi hàng tháng của họ chất đầy chỗ nằm. Mỗi lần thăm gặp họ ở với gia đình cả ngày ở ngoài nhà thăm nuôi cũng được, nếu họ muốn. Nhưng ít khi nào họ hành động như vậy. Môi trường ở A-20 là môi trường tế nhị. Những doanh nhân này đầu óc rất thực tế: Có tiền mua tiên cũng được huống chi đám cán bộ trại giam vốn cũng đói rách. Cái giá của việc khơi khơi đến tiếp tế cho chúng tôi ít ra cũng phải trả bằng 6 tháng biệt giam, nếu bị bắt gặp. Nhưng 6 tháng biệt giam chỉ tương đương với 2 cặp lạp xưởng. Ông là người tù duy nhất ở trong trại có thể trả cái giá ấy bằng lạp xưởng hay nửa bao thuốc lá ba số 5 thay vì vào biệt giam. LS biết chắc rằng buổi tối hôm ấy, tên trật tự (bị án chung thân vì tội cướp có súng) sẽ xuống gọi LS ra cửa sổ buồng giam và xin hai ặp lạp xưởng cho cán bộ nấu xôi. Cho nên, LS đi đâu một lúc rồi ông ta trở lại với cái điếu cày, diêm và nói: “Thuốc nào này say lắm, cẩn thận. Ðừng mang diêm vào biệt giam”. Hút xong thuốc lào, chờ cơn “phê” nhạt dần, tôi chợt nẩy ra ý kiến: “Bố ơi mình giấu 2 bi (tiếng lóng của hai điếu) để đêm Noel hút”. Tôi quận nhúm thuốc còn lại cho thật nhỏ vào bao nhựa đựng 10 viên B1 và nhét vào gấu quần. Cái gấu quần là chỗ hôi thối của những người tù 3 năm không được tắm, chắc không có ai muốn sờ đến nên có thể an toàn. Biệt giam là nơi cấm hết mọi thứ kể cả thuốc hút nên chúng tôi phải hành động như vậy. Và quả thật, trước khi mang chúng tôi vào lại xà lim, trật tự Hùng đen chỉ khám sơ sơ. Tôi và Cha Vàng đã thắng.


Nhưng vào đến xà lim, sau khi xỏ chân vào cùm, nghĩ lại tôi mới thấy thất vọng: lửa ở đâu mà hút. Thảo luận mãi, Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Tôi lại chọc vị tu sĩ Công giáo rất hùng biện này: “Bố con mình đang ở thời kỳ đất sét mà bố nghĩ đến phương pháp của thời kỳ đồ đá”. Cha Vàng cười: “Mày chỉ tầm xàm. Ðứng đắn đấy. Ðêm Noel mình sẽ hút thuốc lào, bố có cách rồi”. Sau đó cha Vàng giảng giải cho tôi cách lấy lửa “thời kỳ đồ đá”. Vị tu sĩ nói như giảng đạo: “Này nhé, con có biết rằng nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đồi sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa. Những tia lửa đó rớt xuống đám lá khô dễ bắt lửa và họ thổi cháy thành ngọn lửa”. Chà Vàng nói: “chỉ cần một thanh vỏ tre và áo mục”. Tôi hỏi Cha Vàng: “áo mục thì có sẵn, nhưng thanh vỏ tre?” Cha Vàng cười: “Bố giao nhiệm vụ cho mày nếu bị kêu đi thẩm cung, thế nào trước Noel chúng cũng gọi chúng ta ra tra vấn và khám xà lim, một biện pháp an ninh trước những ngày lễ trọng…” Do kinh nghiệm, cha Vàng nói đúng. Năm ngày trước Noel, trời có nắng, những tia nắng hiếm hoi xuyên qua cửa tò vò vào phòng giam. Ngài vội lấy chiếc áo tù bằng vải thô vá chằng vá đụp, xé hai mảnh nhỏ. Ngài nói: “Ðây là cái áo bố đã giặt rất sạch trước khi vào đây, để làm con cúi lấy lửa khi cần. Xé nó ra phơi cho thật khô. Cuộn lại cho chặt thành một cuộn bằng ngón tay cái. Dùng móng tay đánh tơi một đầu, đánh thật tơi cho đến khi sợi vải ở đầu con cúi xuất hiện một lớp bông. Dùng miếng vỏ tre thật mỏng luồn nó vào cái khe hẹp để gắn quai dép lốp rồi kéo cho đến khi thanh tre nóng bỏng. Hơi nóng của bột tre dính trên mặt bông của con cúi, lửa sẽ ngún và thổi nhè nhẹ vết lửa sẽ loang ra, chỉ cần thổi nhẹ là lửa sẽ bật lên”.


Nghe Cha Vàng nói tôi tưởng là ngài nói chuyện thần thoại. Nhưng do vẫn nghĩ đến phép lạ, nên tôi nghe theo lời ngài. Tôi nghĩ đây là một trò vui và cũng là dịp tự thử thách mình. Ðúng như dự đoán, trước Noel 1984 ba ngày, lần lượt chúng tôi bị kêu ra ngoài thẩm cung và xà lim bị khám xét rất kỹ. Nhưng họ vẫn không phát giác ra được mấy điếu thuốc lào và thuốc B1 tôi giấu trong lai quần. Có lẽ do người hôi thối quá nên, anh cán bộ nào cũng sợ mó vào quần áo tôi. Chỉ còn thanh tre mỏng. Tôi nghĩ ra một kế nên báo cáo cán bộ cho xin một thanh tre mỏng mang vào xà lim để làm đồ cạo lưỡi. Viên cán bộ hỏi tôi: “Lưỡi anh làm sao?” Tôi nói: “Ðóng bợn ba năm rồi không được cạo, nên xin cán bộ”. Anh ta không nghi ngờ gì cả nên gật đầu: “Nhưng tre ở đâu ra?” Tôi nói ngay: “Ở nhà bếp chắc có”. Anh cán bộ gọi trật tự Hùng đen: “Xuống nhà bếp bảo họ cho tôi một vỏ tre cạo lưỡi cho anh này”. Tôi lại gặp may lần nữa. Mấy anh em nhà bếp tưởng làm cây cạo lưỡi cho cán bộ nên họ làm rất kỹ và tôi có một thanh cạo lưỡi bằng vỏ tre khô dài khoảng 2 gang tay.


Sau khi trở lại xà lim, tôi bắt đầu thực tập ngay. Tháo một quai dép lốp ra, tôi luồn thanh tre vào và dùng hai tay kéo cưa. Thấy nóng thật, tôi ra sức kéo mạnh. Cha Vàng vội can: “Kéo từ, thở ra hít vào đều, ít ra cũng một tiếng đồng hồ”. Tôi lại chọc cha Vàng: “Bố ơi, mình dang ở thời kỳ đồ đất mà kéo như thế này, chắc phải ăn 5 phần khoai mì may ra mới bù lại được. Ðồ đất dễ vỡ lắm!” Vị linh mục cười hiền lành: “Thôi đừng có nói nữa, anh nói nhiều xì hơi còn sức đâu mà kéo”.Trong khi tôi đánh vật với chiếc dép và thanh tre, thì Cha Vàng móc trong tay nải lấy hai miếng vải đã phơi khô ra và làm thành một con cúi. Ông chà một đầu con cúi xuống sàn rồi lấy móng tay út lúc đó đã dài như móng tay của mấy bà người Tàu bó chân, khẩy khẩy cả tiếng đồng hồ vào những thớ vải lúc đó đã hơi bung ra. Ðến khi thấy mệt, mồ hôi ra như tắm, tôi nói với Cha Vàng: “Con chịu thua rồi bố ơi, mệt quá”. Cha Vàng khuyến khích: “Ðừng ngừng, tiếp tục để bố thử coi”. Tôi tiếp tục kéo. Bột tre đã văng ra có thể nhìn thấy trên sàn. Khi Cha Vàng lựa thế đưa cúi vào thì tôi gia tăng tốc độ. Cha Vàng reo lên: “Hơi ngún rồi tại, chưa bén than vì anh kéo chưa đủ đô”. Quả thật tôi cũng thấy một chút khói bốc lên. Ngày hôm sau, chúng tôi lại thử, một cuộc chạy đua tiếp sức của hai người. Ðể con cúi vải xuống sàn, tôi và Cha Vàng thay phiên nhau kéo, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” đã đến. Ðầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra, trang sử của mấy ngàn năm trước được lật lại. Cha Vàng tiếp tục thổi nhẹ để nuôi dưỡng ngọn lửa. Và khi đã ngủi thấy mùi khét của vải, ngài thổi hơi mạnh. Ngọn than hồng lan rộng ra hơn và cuối cùng chỉ cần một hơi nhẹ, ngọn lửa bùng lên. Vị tu sĩ nhìn con cúi vải có than hồng giống như một điếu thuốc lá mới được đốt lên, rồi cười vang: “Mình thắng”. Ngài lục trong tay nải một miếng giấy châm vào cúi vải, ngọn lửa lan sang đóm giấy. Xong, cha nắm chặt tay tôi giơ lên cao như một võ sĩ được trọng tài nắm tay giơ cao sau khi đấm địch thủ do ván.


Chúng tôi ngồi nghỉ một lát, sau đó Cha Vàng nói: “Chúng ta đã học xong bài học lúc bố đã ngoài 50, còn con đã 33 tuổi. Nhưng tự bố, bố thấy chúng ta xứng đáng với bài học ấy. Ðó là kiên trì đạt mục tiêu trong hoàn cảnh khó khăn nhất”. Ðúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, chúng tôi đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và ngậm nước. Hút như thế, miệng mình chính là cái điếu, và cũng có tiếng kêu, cũng chếnh choáng say như khi hút bằng điếu cày. Chỉ có điều khác với hút thuốc lào bằng điếu cày: Sau khi hút phải nhổ nước đi. Trong hoàn cảnh tôi và Cha Vàng lúc đó thì hơi tiếc vì chúng tôi thiếu nước uống kinh niên.


Kể từ ngày sống cùng một xà lim với Cha Nguyễn Văn Vàng, tôi học được nhiều điều. Trong suốt thời gian này, ngài giảng cho tôi bộ Tân Ước. Dù tôi là một Phật tử, nhưng nghe một nhà truyền đạo Công giáo chuyên môn giảng kinh, nên bộ Tân Ước đã củng cố những lập luận sau này của tôi rất nhiều. Quan trọng hơn hết, đó chính là kỷ niệm với một tu sĩ mà tôi kính trọng.


Tháng 4-1985, Cha Vàng lâm bệnh vào lúc sức khỏe của ngài đã quá yếu. Có lẽ ngài đã kiệt sức, sốt cao rồi đi vào hôn mê. Tôi đập cửa kêu cấp cứu suốt ngày, nhưng lúc tên trực trại chịu mở cửa để cho một y sĩ vào khám bệnh, thì mọi việc có vẻ quá muộn. Hai viên trụ sinh không đủ khả năng làm Cha Vàng tỉnh lại. Vào đúng lúc cả hai chúng tôi đều cảm nhận được mùa Giáng Sinh đã trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách chúng tôi xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá và u tịch. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng qua đời ngay trong xà lim số 6. Trước đó, dù yếu và bệnh, ngài đã bàn với tôi là làm sao có được bánh thánh lúc ngài làm lễ nửa đêm trong Noel 1985 mà con chiên duy nhất trước ngài lúc đó lại là một Phật tử như tôi. Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.

Vũ Ánh


(Source: http://nguoi-viet.com)




7/8/10

Bảy Tuấn Kiệt Oai Hùng



A20 Nguyễn Tú Cường

Kính Chào Quí Anh Em Cựu Tù A.20 Xuân Phước

Xin vô vàn đa tạ những tình cảm thân thương của quí niên trưởng và anh em A.20 XP đã vẫn còn ưu ái dành cho Nguyễn Tú Cường hôm nay khi vửa mới bước vào diễn đàn. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho Tú Cường quên đi nhiều những nỗi thăng trầm cay đắng, để mà tiếp tục cuộc hành trình hướng về Quê Mẹ với vô vàn gian khó ….!!!
Ước gì ngay bay giờ Tú Cường được ôm cây đàn để tâm tình hết với tất cả quí anh em A.20 XP bằng một ca khúc mang đầy sĩ khí của 7 tay súng oai hùng rằng:


Bảy Tuấn Kiệt Oai Hùng

 Nhạc và lời Trường Giang
(Marietta, GA. Sáng Thứ Bảy 01-07-06)

* Để  tưởng nhớ những người bạn tù ở lại trên đồi Củng Sơn
 Huyện Đồng Xuân - Xã Xuân Phưóc - Tỉnh Phú Khánh VN!
Và cũng để riêng tặng người bạn Đại Úy Mũ Đỏ Lê Thái Chân còn sống trên bến bờ Tự Do !

(Techno 2/4 – A - )

Chập chùng (A) rừng Đồng Xuân (F#m) âm u (A)
Khét tiếng kiên giam (A) là những dấu vết (F#m) trại tù (A)
Vừa vào (F#m) một buổi sáng (A) mùa Thu (E7)
Có Bảy Tuấn Kiệt vượt ngục tù (E7) Cướp súng bắn lại bầy dã thú (A)
Khiến bọn cai tù (F#m) hãi hùng gào rống (E7) lên tru

Bàng hoàng (A) lòng thầm vui (F#m) bên nhau (A)
Khoé mắt lung linh (A) tựa những ánh thép (F#m) nhiệm mầu (A)
Ngày ngày (F#m) nhìn từng bóng (A) nhạn câu (E7)
Kính phục tuấn kiệt chẳng chịu hàng đầu (E7) Bất khuất đứng dậy diệt loài thảo khấu (A)
Bứt bẻ gông xiềng (F#m) lẫy lừng truyền thống (E7) mai sau! (A)

Nay (D) bến bờ Tự Do (A) - vẫn chưa quên lời đã hẹn hò: (F#m)
Dù kiếm gãy (E7) còn đó - Nhưng (D) chí cả (E7) vẫn chờ gió to! (A)
Núi Củng Sơn dễ gì mòn (F#m)  Ngàn năm tuấn mã (E7) mãi còn sắt son! (A)

Nguyễn Tú Cường 2007


*****oooooo*****

 Hiện giờ rừng Đồng Xuân hoang vu
Cố xóa tên xưa là những dấu vết ngục tù
Nào ngờ chuyện buổi sáng mùa Thu
Có Bảy Tuấn Kiệt vượt ngục tù Cướp súng bắn lại loài dã thú
Đã làm giặc thù sững sờ nhận thức ra  ngu!

Chập chùng rừng Đồng Xuân âm u
Khét tiếng kiên giam là những dấu vết trại tù
Vừa vào một buổi sáng mùa Thu
Có Bảy Tuấn Kiệt vượt ngục tù Cướp súng bắn lại bầy dã thú
Khiến bọn cai tù hãi hùng gào rống lên tru

Bàng hoàng lòng thầm vui bên nhau
Khoé mắt lung linh tựa những ánh thép nhiệm mầu
Ngày ngày nhìn từng bóng nhạn câu
Kính phục tuấn kiệt chẳng chịu hàng đầu Bất khuất đứng dậy diệt loài thảo khấu
Bứt bẻ gông xiềng lẫy lừng truyền thống mai sau!

Nay bến bờ Tự Do - vẫn chưa quên lời đã hẹn hò:
Dù kiếm gãy còn đó - Nhưng chí cả vẫn chờ gió to!
Núi Củng Sơn dễ gì mòn. Ngàn năm tuấn mã mãi còn sắt son!

 Hiện giờ rừng Đồng Xuân hoang vu
Cố xóa tên xưa là những dấu vết ngục tù
Nào ngờ chuyện buổi sáng mùa Thu
Có Bảy Tuấn Kiệt vượt ngục tù Cướp súng bắn lại loài dã thú
Đã làm giặc thù sững sờ nhận thức ra  ngu!

A20 Nguyễn Tú Cường