20/1/11

Gương Bất Khuất Trong Tù


Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.
Thời chiến trận, quân lực ta vốn đã sản sinh nhiều gương anh dũng. Thời quốc nạn, những người tù cải tạo cũng không kém phần can trường. Không thiếu gì những gương bất khuất mà chúng ta có bổn phận phải ghi nhớ và nhắc lại để con cháu hãnh diện về cha anh họ.
Mười năm tù, tôi đã chứng kiến nhiều hành vi dũng cảm mà không phải ai cũng có thể biểu lộ trước mũi súng, cùm kẹp của kẻ thù. Họ anh hùng hơn trăm lần những tên cán binh Cộng Sảnngoan cường trong trại giam tù binh của chúng ta.  Vì người Cộng Sảnbị giam giữ trong khi còn chiến tranh tức là còn niềm hy vọng, còn hậu phương của họ, còn công ước Geneve về tù binh bảo vệ. Những người tù cải tạo thì hoàn toàn cô đơn và tuyệt vọng. Cái gì đã giúp họ thắng được sự sợ hãi của cái chết, sự tra tấn, sự đày ải? Đó là lý tưởng, tinh thần quốc gia, là lòng tự trọng và sĩ khí của người lính Việt Nam
Người mà tôi khâm phục nhất không mang cấp bậc tướng, tá, mà là một hạ sĩ tầm thường. Hạ sĩ Nguyễn Văn Đèn dáng người thấp, đậm, da ngăm đen, có buớc đi mạnh, vững. Anh người miền Bắc, tham chiến từ đầu thập niên 1950 trong binh chủng Nhảy Dù. Từ Z30D, anh được chuyển về Xuân Phước cùng một đợt với chúng tôi. Câu nói thường xuyên của Hạ sĩ Đèn là:
- Ngày nào còn Cộng Sản, tôi còn chống.
Anh không những nói với anh em, mà còn dư can đảm để nói trước mặt bọn cán bộ trại giam. Anh vào ra xà lim như người ta đi chợ. Nhưng dù bao đe dọa, đàn áp, anh vẫn không sờn lòng, không thay đổi lập trường, hay ít ra thay đổi thái độ bên ngoài để được tạm yên. Đèn đã có lần phanh áo, ưỡn ngực ra thách thức tên cán bộ:
- Tôi chống Cộng đó, cán bộ muốn bắn thì bắn đi.
Điều đặc biệt là suốt thời gian chúng tôi biết anh, không thấy ai thăm nuôi anh một lần. Anh là con bà Phước thực thụ, nhưng lúc nào anh cũng giữ gìn tư cách, không để miếng ăn làm hạ phẩm giá mình. Tôi từng chứng kiến những lần hiếm hoi trong năm, khi tù được ăn cơm trắng, có cá thịt; anh chẳng bao giờ đứng gần chỗ chia thức ăn để soi mói nhìn vào cái chén của mình, so đo sự chia chác.
Anh Đèn hình như về trước tôi vài năm. Vì đối với trại, miễn đừng làm gì nghiêm trọng như cướp súng, trốn trại, thì dù chống đối đến đâu cũng được về khi đã đáo hạn mà bọn cai tù đã âm thầm tuyên án vào những năm đầu tiên (1975-1976). Điều này cũng áp dụng cho những anh hăng say lao động, làm ăng ten lập công mà tưởng sẽ được về sớm.
Có nhiều anh em dân chính mà tôi không nhớ hết tên họ. Những người mới lớn lên trước khi miền Nam sụp đổ. Họ hoặc còn mài đũng quần trong các lớp học Trung và Đại học, hoặc làm những việc rất khiêm tốn trong guồng máy xã ấp. Nhưng họ lại có những ý chí bất khuất và hành vi dũng cảm không ngờ trong trại giam. Tôi muốn nhắc đến vài tiêu biểu là sinh viên Vũ Mạnh Dũng. Trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành, tư cách; Dũng làm cho chúng tôi thương mến và khâm phục. Sau này Dũng bị liệt bán thân, anh em cựu tù A-20 hải ngoại có quyên góp gửi về nhiều lần cả ngàn đô la cho Dũng tạm sống qua ngày. Nguyễn Văn Phước, biệt danh Phước Chột, vì anh hư một mắt. Gốc gác từ miền quê xa xôi ở đồng ruộng Nam phần, thuộc thành phần Hoà Hảo. Phước thất học, hình như làm nghề chăn vịt và bị bắt vì theo kháng chiến Hoà Hảo sau 1975. Phước làm đủ thứ linh tinh trong trại tù. Bắt trộm vịt, cá của trại để ăn, nhổ rau trộm của bệnh xá. Trong tay Phước khi nào cũng có một cái lon gô. Phước làm thế nào mà câu được cả con vịt rồi lột da, nhét trọn vào lon nấu có khi chưa kịp chín. Có khi Phước bẫy cả đàn chuột kho nấu bay mùi rất hấp dẫn. Nhưng Phước rất thảo ăn và có tình với anh em. Phước đã tận tình săn sóc Phạm Đức Nhì trong hàng tháng trời khi Nhì bị liệt, ăn uống vệ sinh tại chỗ. Đói thì lấy trộm của trại giam, Phước không bao giờ lấy của anh em; và cũng chẳng bán mình làm tay sai cho bọn cai tù. Phước sẵn sàng liều mạng nhảy hàng rào xà lim tiếp tế cho các đồng tù bị biệt giam (việc này xin ghi thêm công lao của Phạm Tuế khoá 2 CTCT đã tiếp tế đường, thuốc lào, giấy bút cho tôi liên tục trong lần cùm đầu tiên cuối năm 1979).
Lâm Sơn Hải cũng là dân chính. Anh là con của cố Thiếu tướng Hoà Hảo Lâm Thành Nguyên. Hải tuy nhỏ tuổi nhưng chững chạc, tư cách đứng đắn. Ít nói nhưng chân tình, rất đáng tin cậy. Mỗi lần Hải được thăm nuôi tiếp tế, Hải chia xẻ cho anh em rất rộng rãi. Lâm Sơn Hải có một đàn em thân tín là Mai Hoà Rết, tuy thất học, nhưng tính khí kiên cường, trung thành và hiền hậu.
Tôi bị chuyển khỏi trại Suối Máu trước khi nổ ra vụ nổi loạn đêm Giáng sinh 1978. Chia cùng một cặp cùm chân trên chiếc Molotova rời Suối Máu lúc sau nửa đêm là anh bạn Trần Hướng Đạo. Trần Hướng Đạo, Phạm Văn Nhựt (Thiếu Úy Biệt Cách Dù) và tôi bị nhốt chung một Conex nhỏ ngay trước cổng trại K-5. Đạo, D., anh Tuấn và tôi bị đưa đi Hàm Tân trong cái đêm “kinh hoàng” cùng tất cả những người đang bị biệt giam của toàn trại Suối Máu.
Đến Hàm Tân, Đạo, D., Tuấn và tôi lại cùng ở chung đội 45 là đội bị lưu ý nhất của Z30C. Sau này D. chuyển hướng vì có người bố tập kết trở về hình như đang làm Trưởng ty Công an Phú Khánh. Ông ta đã đến thăm con sau gần 30 năm xa cách và chắc có hứa hẹn điều gì đó; làm cho D. thay đổi lập trường mà tôi là nạn nhân đầu tiên.
Đến A-20, Đạo gia nhập ngay đám sĩ quan trẻ như Phạm Đức Nhì, Lê Trung Phương, Nguyễn văn Hải (Hải Cà), Hải Bầu, Nguyễn Hạnh, Bùi Đạt Trung thành một nhóm hoạt động chống đối liên tục và tích cực. Nhóm lớn tuổi hơn thì có Vũ Trọng Khải (CSQG), Vũ Ánh (Ký giả), Nguyễn Chí Thiệp (Quốc Gia Hành Chánh), Trần Danh San (Luật sư), Tăng Ngọc Hiếu (Giáo sư biệt phái), Phạm Chí Thành (Con trai Đại tá sử gia Phạm Văn Sơn), Trần Trọng Minh (Không quân), nhà văn Duy Lam, ca sĩ Khuất Duy Trác.  
Nhóm Sĩ quan xuất thân từ cựu Hướng Đạo Huế thì có Võ Xuân Hy, Võ Trịnh Xuân, Cái Trọng Ty[1]. Nhóm tù chính trị tôn giáo thì có Châu Sáng Thế (Hồi giáo), các Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Huy Chương (Vinh Sơn)… Nhiều lắm không thể nhớ ra hết. Những người này là linh hồn của các cuộc đấu tranh trong tù. Họ là những con đại bàng dù sa cơ vẫn không để bị lẫn lộn trong đám gà qué. Những ngày lễ lớn của VNCH, thế nào các anh cũng tổ chức những buổi hát ca nhạc chiến đấu, phát hành nội san, vẽ cờ vàng hay khẩu hiệu chống Cộng trên vách. Vì thế, gần như thông lệ, gần đến các ngày 1-11 (quốc khánh VNCH), 19-6 (ngày Quân Lực), 25-12 (Giáng Sinh)… bọn cai tù lùa các anh vào xà lim nhốt lại cho chắc ăn, phòng trước những biến cố có thể xảy ra. Những lần ruồng bố này, chúng không cần đọc bản án trước trại như những lần khác. Có lần, xà lim trại E chật quá, dù đã cùm bốn người một phòng vẫn không đủ chỗ. Chúng đưa các anh vào tận trong các phân trại B, C để nhốt. Và thời hạn thì vô chừng. Có người một tháng, có người vài ba tháng. Cho đến khi nào bọn cai tù thấy tình hình có vẻ yên ổn, chúng mới thả các anh ra.
Điều cảm động và khích lệ nhất đối với tôi là lần các anh Phùng Văn Triển, Cái Trọng Ty và tôi bị đem vào cùm giữa năm 1980 do việc lãng công phản đối sau vụ hai tên cán bộ quản giáo Quyền và Hoà đánh trọng thương hai anh Ty và Triển trong nhà lô; anh em toàn trại đã không chịu nhận khoai mì sáng hôm sau và đồng thanh la lớn: “No Eat, No Work”. Tiếng la vọng đến tận xà lim như một sự nhắn gửi: ”Có chúng tôi bên các anh đây.” Trại đã phải thả chúng tôi ra vài ngày cho dịu cơn phẫn nộ của tù nhân. Sau đó tìm cách bắt chúng tôi trở lại đem vào biệt giam. Lần này thì cả loạt cũng đến hơn mười người.

So với con số ít ỏi những tên làm ăng ten thì thành phần bất khuất chiếm một đại đa số áp đảo. Thành phần thầm lặng cũng khá nhiều, nhưng họ không làm gì đáng trách ngoại trừ việc giữ im lặng, nín thở qua song. Ngoài ra có một số ít thì biểu lộ “an tâm” cải tạo, hăng say lao động để giữ quyền lợi thăm viếng, được bình bầu khá và xuất sắc để được ăn phần 21, 18 kilo khoai mì khô mỗi tháng. Chính những người thuộc thành phần sau này đã làm cho chỉ tiêu của trại tăng lên gấp ba, gấp năm lần so với thời gian đầu khi chúng tôi mới đến.
Chúng tôi còn nhớ những ngày đầu vào cuối năm 1979, chúng ra lệnh cho mỗi người phải đào 1 mét khối đất mỗi ngày. Anh em chúng tôi chỉ nhẩn nha khoét sâu chừng 2 tấc rồi lấy cớ đói, bệnh không thể làm hơn. Thậm chí chúng tôi còn lợi dụng sự ngu dốt của bọn cán bộ để qua mặt bắng cách đắp một lớp đất mỏng dài 3 mét, rồi bảo chúng nó: ”Một mét khối (1 m3) bằng ba mét thường.” Sau này chỉ tiêu lên đến 7 mét khối, mà vẫn có anh là vượt để được đi tắm suối, được bầu xuất sắc. Từ chỉ tiêu hai hố trồng khoai mì, sau này đã lên đến 45, 50 hố mỗi ngày.
Nguyễn Chí Thiệp có lần đã lớn tiếng với tên cán bộ quản giáo Quyền khi tên này lên án anh em tù gian lận về chỉ tiêu. Anh nói:
- Cán bộ không làm nên nói dễ dàng lắm. Còn chúng tôi, chúng tôi phải so đo tính toán vì đổ bao mồ hôi, công sức.

Lần thứ hai bị cùm ở A-20 vào khoảng giữa năm 1980, khi tôi từ nhà kỷ luật ra, được chuyển qua đội 21 xây dựng (là đội lao động xuất sắc nhất của trại. Đội trưởng là Trung tá BĐQ Lương Văn Ngọ, một người xuề xoà, vô tâm). Hai chân tôi còn rất yếu, chưa đi đứng vững mà đã được giao việc chuyển đất từ dưới độ sâu hơn 2 mét đem lên bờ. Dĩ nhiên cho dù có muốn làm cũng không thể nào làm được. Anh em thương tình xin cho tôi đứng trên bờ cầm cuốc để ban đất. Ấy thế mà khi bình bầu hàng tháng, có một anh trong đội đã phán một câu xanh rờn:
- Anh Phúc chây lười, yếu kém, bóc lột sức lao động của anh em khác.
Tôi trả lời ngay:
- Các anh xuất sắc thì các anh một tô đầy ụ khoai mì, còn tôi chỉ vài lát. Như thế anh chưa vừa lòng ư?
Nhà bếp được lệnh chia khoai mì theo tiêu chuẩn cho từng loại: thau dành cho các anh tích cực (21kg/tháng), một thau dành cho loại khá (18 kg/tháng), thau dành cho trung bình (mười lăm kg/tháng), và thau dành cho loại kém (12 kg/tháng). Trên mỗi thau đều có ghi số lượng người trong phân loại đó. Nhưng có lần, anh em nhà bếp lấy cớ không đủ thau để chia ra từng loại, nên phát chung, và có ghi nhân số từng loại trong đội. Chúng tôi biết thâm ý của nhà bếp là để anh em tù tìm cách chia xẻ đồng đều cho nhau. Nhưng thế nào khi chia khoai mì, cũng có vài anh đứng quanh soi mói nhìn và thắc mắc:
- Anh P. thuộc loại kém, sao chia nhiều thế? gần bằng các anh loại khá?

Hai đội tích cực của Phân trại E là đội Xây dựng, đội Mộc. Có ít nhất là ba phần tư các thành viên trong hai đội đó thuộc loại xuất sắc. Tuy nhiên đa số các anh vẫn luôn tỏ ra thông cảm, che chở cho các anh yếu sức và bị trù dập.
Nhìn chung, nhờ thành phần chống đối bất khuất khi nào cũng đông và đoàn kết, nên dù qua bao giai đoạn căng thẳng, khủng bố, anh em tù nhân vẫn giữ được khí thế làm cho bọn ăng ten phải e dè, bọn trật tự thi đua phải khâm phục và ngay một số cán bộ cũng dần dần bị cảm hoá.

Đỗ Văn Phúc
(Trích “Cuối Tầng Địa Ngục”)


(Source: http://www.michaelpdo.com/XuanPhuoc2.htm)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét