Nguyễn Chí Thiệp
Thiên hồi ký Trại Kiên Giam đưa chúng ta trở về với những trang sử đau thương của dân tộc, mở đầu bằng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Ngày mà hàng triệu người phải rời xa đất Mẹ, ngày mở đầu cho một địa ngục cho hàng trăm ngàn chiến sĩ Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa bất khuất. Thiên hồi ký Trại Kiên Giam trình bày tất cả những bi thảm của một trong những trại tù kiên cố của cộng sản được gọi là "cải tạo", và những khổ đau bất hạnh trong một xã hội có nhiều từng địa ngục, được gọi là "thiên đường".
Nguyễn Chí Thiệp sinh năm 1944 tại Quảng Nam, học các trường Phan Chu Trinh Ðà Nẵng và Chu Văn An Sài Gòn. Tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 1965 - 1969, trường Bộ Binh Thủ Ðức 1966, Chính Trị Kinh Doanh Ðà Lạt 1970.
Năm 1975 không trình diện học tập, bị bắt tháng 9 năm 1976 trong khi chuẩn bị vượt biên. Bị giam tại các trại giam Sở Công An Thành Phố, Phan Ðăng Lưu và Chí Hòa. Cải tạo lao động tại các trại Z-30A Long Khánh, A-20 Xuân Phước Phú Yên. Ðược thả tháng 2 năm 1988. Vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai, tháng 5 năm 1988. Cư trú tại Hoa Kỳ từ tháng 10 năm 1989.
Thiên hồi ký Trại Kiên Giam đã được phổ biến trên đài phát thanh Quê Hương, San Jose, California, trong chương trình đọc truyện do Trần Nam phụ trách. Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả và thính giả khắp nơi thiên hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp.
Năm 1975 không trình diện học tập, bị bắt tháng 9 năm 1976 trong khi chuẩn bị vượt biên. Bị giam tại các trại giam Sở Công An Thành Phố, Phan Ðăng Lưu và Chí Hòa. Cải tạo lao động tại các trại Z-30A Long Khánh, A-20 Xuân Phước Phú Yên. Ðược thả tháng 2 năm 1988. Vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai, tháng 5 năm 1988. Cư trú tại Hoa Kỳ từ tháng 10 năm 1989.
Thiên hồi ký Trại Kiên Giam đã được phổ biến trên đài phát thanh Quê Hương, San Jose, California, trong chương trình đọc truyện do Trần Nam phụ trách. Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả và thính giả khắp nơi thiên hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp.
Trại Kiên Giam
của Nguyễn Chí Thiệp
do Trần Nam diễn đọc
Huy Phong thực hiện kỹ thuật
Quý vị có thể tải xuống máy để nghe:
(Nguồn: http://freevietnews.com)
****************
Trại Kiên Giam
Của Nguyễn Chí Thiệp
(Nghe tape cassette do Đài phát thanh tại San José thực hiện)
Của Nguyễn Chí Thiệp
(Nghe tape cassette do Đài phát thanh tại San José thực hiện)
Phạm Đào Nguyên
Một hôm tình cờ tôi nghe được 14 đoạn ngắn (2 tapes) trong tập hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn chí Thiệp trên net, do anh Trần văn Long gởi email vào các diễn đàn. Tôi gọi điện thoại hỏi các nhà sách tại CA, nhưng không ai có, hoặc không bán, sau cùng tôi tìm được địa chỉ của anh Thiệp. Vì nghe giới thiệu anh là người Quảng nam, tò mò cũng có, và cũng vì nghe 14 đoạn hay quá, nên tôi cố tìm cho được địa chỉ của anh, để hỏi anh nơi bán.
Anh nói, khi viết xong anh đưa quyển hồi ký này cho một số thân hữu, họ đã phát hành tại California năm 1992, chỉ một số lượng nho nhỏ, cho anh em đọc mà thôi. Một đài phát thanh tại San José đọc truyện và cho vào tape cassett; họ có tặng cho anh mấy bộ, anh còn một bộ và có quyển sách Việt Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do để anh gởi tặng tôi. Tôi có hỏi giá cả nhưng anh nói, có tiền cũng được không cũng không sao, nhưng tôi xin gởi anh 50 đô, chút tiền cước phí.
Đó là chút hạnh ngộ giữa tôi và anh, một người đồng hương sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Sáu năm đầu đời làm việc, anh về lại Quảng Nam nhận chức từ Phó quận trưởng đến Phó tỉnh trưởng, và khi anh rời QN về bộ Nội vụ, thì tôi mới ra trường trở về Quảng Nam, nên tôi chưa hề biết tên anh. Tôi không có đủ khả năng để viết lời giới thiệu, phê bình hay điểm sách, nhưng với tấm lòng của một người yêu sách, yêu tổ quốc Việt Nam, tôi xin mời qúy vị hãy cùng nghe với chúng tôi Thiên hồi ký Trại Kiên Giam qua giọng đọc của anh Trần Nam, để chia xẻ niềm đau chung của Dân tộc, của Tổ quốc Việt Nam thân yêu sau 24 năm chiến tranh, và 30 năm dài bị đảng Cộng sản độc tài cai trị.
Một quyển hồi ký đặt sắc nhất, hay quá hay qua giọng đọc truyền cảm, làm xúc động lòng người, của xướng ngôn viên Trần Nam, đài VOA. Giọng đọc của anh Trần Nam đã thu hút, hấp dẫn người nghe một cách đặc biệt, đưa giá trị của quyển sách vào hàng độc đáo nhất, mà tôi chưa một lần từng nghe thấy. Không ai có thể nghe bộ tape này một lần rồi thôi, mà người nghe muốn nghe đi nghe lại hàng trăm lần không biết chán.
“Thiên Hồi ký Traị Kiên Giam, của Nguyễn chí Thiệp do Trần Nam diễn đọc, và Huy Phong thực hiện kỹ thuật. Thiên Hồi ký Trại Kiên Giam đưa chúng ta trở về với những trang sử đau thương cuả dân tộc, mở đầu bằng ngày 30-4 -1975, ngày mà hàng triệu người phải rời xa Đất Mẹ, ngày mở đầu một địa ngục cho hàng trăm ngàn chiến sĩ Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà bất khuất. Thiên Hồi Ký Trại Kiên Giam trình bày tất cả những bi thảm của một trại tù kiên cố nhất, đươc gọi là cải tạo, và một xã hội có nhiều tầng điạ ngục, được gọi là thiên đường. (Trích lời Trần Nam)
Thiên hồi ký Trại Kiên Giam của anh Nguyễn chí Thiệp, gồm 20 chương, được anh Trần Nam diễn đọc vào 12 cuốn tapes, mỗi cuốn dài 60 phút, đã kể lại từ những ngày đầu tiên của 30 tháng 4 năm 1975 ở Sàigòn. Những chuyện rất thật, mà anh là nhân chứng, những việc đã xãy ra tại Sàigòn từ lúc SG mất …đến những ngày anh trốn tập trung, lang thang khắp nơi tìm các tổ chức tàn quân, và rồi bị bắt vào những trại giam, như Phan đăng Lưu, Chí Hoà rồi đến Long Khánh, A20, A30…v…v…Trong 12 năm tù, qua nhiều trại giam, anh đã gặp nhiều từng hạng người, và hàng ngàn những chiến sĩ bất khuất tại đây.
Anh Nguyễn chí Thiệp sinh ra tại Thanh Quýt, Quảng Nam, đã học Phan chu Trinh Đà Nẵng, Chu văn An Sàigòn. Tốt nghiệp Viện Quốc Gia Hành Chánh, Chính Trị Kinh Doanh, và trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh viết chuyện rất thật, rất sống động. Anh viết bằng cả con tim, khối óc, và đã gởi gắm tình yêu quê hương đất nước của anh vào Trại Kiên Giam. Văn anh viết không trau chuốt, mộc mạc, đơn giản dể đọc dể hiểu, anh đã vẽ ra một bức tranh quê hương rất thật, rất đau, bằng ngòi bút tài tình của mình. Đời sống của người dân Việt sau ngày tang tóc nhất của đất nước, ngày 30-4-1975, ngày lịch sử đau thương của Tổ quốc Việt nam thân yêu.
Anh Nguyễn chí Thiệp là người từng làm việc từ địa phương đến trung ương, anh biết được phần nào những thâm cung bí sử qua các triều đại, về những người liên quan đến giòng họ Nguyễn văn Thiệu, của tướng Đặng văn Quang (trang 147), của Trang sĩ Tấn. Trang sĩ Tấn từ một nhà giáo, đến Thẩm phán rồi Cảnh sát, ông đã vơ vét tài sản của Nam Việt Nam ra sao? Ông tướng Nguyễn vĩnh Nghi làm gì cho tổ quốc, cho đồng bào VN, trong khi đất nước trong tình trạng lâm nguy? Một ông tướng có đủ kiến thức, khả năng để đánh giá về tình hình đất nước mình đang tình trạng chiến tranh đến hồi suy vong?
Tôi chỉ đơn cử một vài bộ mặt thật của hai chính thể, hai chế độ ở hai miền Nam Bắc. Với hàng trăm những bản mặt vô liêm sỉ, và ngược lại có hàng ngàn những người lính, những nông dân, những thanh thiếu niên bất khuất trong các trại tù. Hai bộ mặt tương phản mà tác giả đã thấy, đã chứng kiến rất thật trong xã hội Cộng sản và Quốc gia. Tổng trưởng quốc phòng Nguyễn văn Vỹ thế nào? Ông là ai? Phát biểu thế nào về chiến sĩ QLVNCH? Tiếp đến những bộ mặt thật của bọn cộng sản nằm vùng, được tỏ rõ sau năm 1975, những dả man, láo khoét, lừa bịp, thiếu kiến thức, thiếu đạo đức, tàn ác hay ngu đần của bọn lãnh đạo Cộng sản sau 1975.
Những người trí thức miền Nam tiếp tay cho Cộng sản nghĩ gì, làm gì khi Cộng sản xuất hiện? Những người tù bất khuất ấy còn rất trẻ, có người là binh nhì, là nông dân, là những thanh thiếu niên tuổi còn măng sửa; họ đã ung dung chấp nhận những cái án tù từ 20, 30 năm, hay chung thân, mà trước kia họ chưa một lần hưởng ơn mưa móc của chính quyền miền Nam…. Họ kiên cường, bất khuất đầy gan dạ, qua ngòi bút đơn sơ của anh, nhưng làm nhiều người như tôi thót cả ruột gan, thương cho một Việt Nam điêu tàn… thương cho những tấm gương ái quốc, đầy khí tiết dù tuổi đáng độ con cháu chúng ta….
Riêng từ trang 164-172, (hay nghe trong clip số 6 của DVD) anh Nguyễn chí Thiệp nhận xét rất rõ, rất đúng về các chính đảng chánh trị tại miền Nam, nhất là ở địa phương của anh, Quảng Nam. Những nhận xét có giá trị, đúng từ hoàn cảnh, thực lực, mà tôi mong rằng dù đây là nhận xét của riêng cá nhân anh Thiệp, nhưng rất đúng với những con người của những chính đảng Đại Việt và Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam. Họ phải ghi nhận, học hỏi, và cải thiện guồng máy tổ chức, hầu mới mong phát triển dù trong nước hay ngoài nước.
Trại Kiên Giam là một trong những trại mà sự đối xữ của cộng sản vô cùng gian ác mà các anh ở các trại tù khác chưa hề có. Nơi đây cũng là mồ chôn của các lãnh đạo đảng phái người Quảng Nam, như ông Khúc thừa Văn…và nhiều người khác. Sự đấu tranh giữa sống và chết tùy người tù nhận xét dựa vào cái tâm, hay niềm tin chế độ cộng sản sẽ sụp đổ trong tương lai. Trong đoạn dĩa (clip số 9-10,) anh kể lại sự tranh đấu thể hiện bằng tinh thần vô úy của các tu sĩ của Phật giáo cũng như Công giáo, rất hữu hiệu ở trong tù.
Anh Nguyễn chí Thiệp không ra đi trước 75, vì không muốn nhục vong quốc, nhưng ở lại càng nhục hơn trong kiếp tù dưới chế độ cộng sản. Hãy nghe lời thiết tha kêu gọi của anh, cùng toàn thể đồng bào Việt Nam khắp nơi, (trang 148-149)
“Tôi ước mơ bạn bè của tôi, và cả những người có trách nhiệm làm mất miền Nam sau khi chạy trốn thoát thân, biết kiểm điểm lại tội lỗi của mình, rút ưu khuyết điểm của cuộc chiến đấu vừa qua, gạt bỏ đi những tàn tích cũ, những thói hư tật xấu do hậu quả của lịch sử, một trăm bị nô lệ Pháp để làm lại cuộc chiến đấu mới. Người chiến sĩ không phải một lần thua trận là hết, đã là chiến sĩ thì phải đứng lên chiến đấu sau một lần bị ngã. Phải chiến đấu trở lại. Nếu sau lần ngã rồi nằm im luôn thì không xứng đáng là một chiến sĩ, không xứng đáng là một quân nhân…”
Lời anh viết ra đây, phải chăng là tiếng Quốc kêu giữa đêm trường. Tiếng kêu đau thương ấy đang tha thiết vang vọng đến từng trái tim của mọi người Việt Nam khắp nơi trong hay ngoài nước, về một Tổ quốc Việt nam thân yêu của chúng ta đang quằn quại dưới sự cai trị tàn ác của bọn cộng sản. Tiếng kêu thương ấy chờ đợi những bàn tay, những khối óc yêu tổ quốc, yêu đồng bào hãy cùng nhau chung lòng, chung vai gánh vác để có một Việt Nam tự do, dân chủ trong tương lai.
Sau đây, tôi xin mạn phép trích “Phần Mở Đầu” của thiên Hồi ký Trại Kiên Giam do chính tác giả viết; xin gởi đến qúy vị độc giả và thính giả xa gần….thưởng lãm..
Quyết định không ra đi trước ngày 30-4-75 là một quyết định sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi phải trả một cái giá đắt gồm 16 tháng trốn lánh trong lo âu hồi hộp, 12 năm đày đọa từ nhà tù này đến nhà tù khác, một lần vượt biển và một năm rưỡi tại trại tỵ nạn.
Tôi mất hơn 15 năm, cuối cùng tôi cũng phải tìm đến Mỹ, điều đó tôi có thể làm được trước khi miền Nam bị cộng sản xâm chiếm. Vừa đến nơi một người bạn đã cảnh giác tôi, “Đừng xem nước Mỹ là một thiên đường.” Tôi không hề xem nước Mỹ là một thiên đường- Chỉ ở nước Cộng sản mới có thiên đường, vì ở đó có nhiều tầng địa ngục. Tôi đã ở tận cùng các địa ngục đi ra. Tôi không đi tìm một thiên đường, nhưng tôi đã biết là phải chọn giữa một hoàn cảnh cực kỳ xấu, và một hoàn cảnh ít xấu hơn, chỉ giản dị thế thôi.
Trong thực tại cuộc sống đã trả lời điểm tranh luận của các nhà triết học là “Vật chất hay tinh thần.” –Vật chất là yếu tố cần thiết để tạo ra cuộc sống, nhưng khi vật chất đầy đủ một cách tương đối thì con người cần nhu cầu cao hơn, là sự thỏa mãn tinh thần. Có thể đó là sự khác nhau giữa con người và con vật. Karl Marx đã đem cả đời để đọc để viết, kiến thức của ông bao gồm cả kho tàng triết học Đức, kinh tế học Ăng Lê, và xã hội học Pháp, ông đã dùng duy vật biện chứng để truyền bá duy vật sử quan, những khám phá về thặng dư giá trị một thời tưởng như là kinh điển, tất cả đều là những lầm lẫn của bộ óc được xem là phi thường. Con người dùng cái trí, dù cái trí được rèn luyện, được xem là lỗi lạc vẫn bị giới hạn, và khi sự phán đoán dựa trên lý trí nếu càng sai lầm càng tai hại, chỉ có cái Tâm là không giới hạn. Có thể đó là sự khác biệt giữa các tôn giáo và Cộng sản chủ nghĩa. Các tôn giáo dùng tình thương để truyền bá giáo điều. Karl Marx và Lenine muốn lập nên một tôn giáo nhưng tôn giáo dùng hận thù làm động lực chính.
Trong một hướng khác của cuộc sống, ở các trại tù Cộng sản, (gọi là trại lao động cải tạo), người tù cũng chứng minh được giá trị tinh thần vượt trên giá trị về vật chất bằng chính bản thân họ. Không ai tưởng tượng được có những người tù đã sống được đến hơn ba năm trong xà lim tối, với một chén cơm nhỏ, hay chén khoai mì và nước muối mỗi ngày. Sống hay chết của những người tù trong xà lim Kiên Giam trại Xuân Phước (A-20) chỉ giải thích được là ai còn niềm tin vào giá trị tinh thần nào đó, mới có thể kéo dài sự sống, ai mất niềm tin thì chết. Niềm tin đó có thể từ tôn giáo, từ một ý thức chính trị là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ và dân tộc Việt Nam sẽ được phục hưng, hay niềm tin vào sự yêu thương giữa con người và con người. Đó là những bài học đơn giản, thực nghiệm bằng máu và nước mắt để đả phá cái lý luận cốt lõi của triết học Cộng sản, triết học duy vật.
Nay, lý thuyết Cộng sản đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử và chế độ Cộng sản đã sụp đổ. Hệ thống Cộng sản Quốc tế rã ra từng mãnh, và lần lần bị xoá bỏ. Sự sụp đổ của Liên Xô, và các nước Đông Âu dễ dàng và nhanh chóng đến nỗi làm cho người ta phải sửng sốt bàng hoàng, những nhà lãnh đạo các cường quốc nhiều khi còn không giấu được sự lung túng trong việc thay đổi chính sách nogại giao. Thật đơn giản, chế độ cộng sản không bị đánh sụp bằng những đạo quân hùng mạnh, với những vũ khí tối tân từ bên ngoài, mà bị đánh sụp bằng những cuộc biểu tình của dân chúng tại nước họ trong đó có cả những người từng là đảng viên Cộng sản. Chế độ Cộng sản chỉ còn là ngắc ngoải tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam. Cái đau đớn của người Việt Nam và trớ trêu của lịch sử dân tộc, Việt Nam, chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh ý thức hệ. Người Quốc gia dù chỉ được lãnh đạo một cách lờ mờ, vẫn kéo dài cuộc chiến đấu nghiêng ngữa gần 30 năm, để rồi sau khi người chiến sĩ chống cộng Việt Nam, chiến trường chống cộng cuối cùng sụp đổ, thì kẻ thù chung của nhân loại cũng từ từ hủy diệt trong tan rã.
Ngày 30-4-75, Sàigòn sụp đổ, tôi nghĩ giải pháp đẹp nhất cho người chiến sĩ tự trọng là tự xử không đầu hàng giặc, tôi hèn không đủ can đảm để làm một chiến sĩ tự trọng, nên tôi phải kéo lê tấm thân càng ngày càng tàn tạ từ nhà tù này đến nhà tù khác, mỗi ngày phải nuốt nhục cúi đầu. Giải pháp hào hùng nhất cho ngươòi chiến sĩ kiên cường sau một lần thất bại là tạm lui, ẩn nhẫn chờ thời, trui rèn tài đức để phục hận, tiêu diệt quân thù đem vinh quang về cho tổ quốc. Tôi không đủ bản lãnh đẻ làm một chiến sĩ kiên cường nên khi ra khỏi nhà tù tôi vội vã bỏ nước ra đi.
Lần ra đi không phải để chạy trốn, không phải tìm cho mình một điều kiện vật chất mà mình thiếu. Mười hai năm tù, thiếu thốn những vật chất tối thiểu, có những lúc thèm ăn một hạt muối, cục đường, một hơi béo. Thèm, từ ngữ diễn tả cảm giác rất sơ đảng gần như hạ tiện của con người; tôi đã từng thèm rất nhiều thứ; nhưng rồi cũng quen, đúng quen, sự thoả hiệp kỳ diệu với hoàn cảnh, để cho con người tù sống, và giải thích đuợc lý do tại sao con người tù trong chế độ Cộng san có thể sống được trong những điều kiện mà khi kể lại người bình thường rất khó tin, cứ tưởng là người tù khoa trương sự thật.
Thời gian ở tù tôi sống chung với hàng ngàn chiến sĩ bất khuất của hàng trăm tổ chức chính trị và vũ trang chống lại chính quyền Cộng sản sau tháng 4-75. Nhiều lúc phải hổ thẹn trước tư cách của một đứa em nhỏ hay sự bình thản khi nhận lãnh án tù từ 20 năm hay chung thân của một người mà trước kia là nông dân, là công nhân hay là một binh sĩ, những người không từng được hưởng một ân huệ nào của chính quyền VNCH, nếu không nói là chính họ là nạn nhân của những bất công trong chế độ đó. Chính nhờ sự hổ thẹn đó tự thấy mình có lỗi, cũng từ đó tôi tạo được niềm tin, tin vào tương lai của dân tộc Việt Nam tại sao tồn tại được.
Ngoại nhân không ai tìm hiểu hoặc tiếp xúc một thành phần xã hôi nào đó, nhất là thành phần trí thức và thành phần nắm quyền. Họ không hiểu được sức sống của dân tộc Việt Nam là sức mạnh tiềm tàng trong quảng đại dân chúng. Sức mạnh tiềm tàng đó trong điều kiện lịch sử được kết hợp lại thành một lực lượng có lãnh đạo tốt, thì sẽ đánh đuổi được ngoại xâm và xây dựng đất nước phú cường, ngược lại khi chưa có điều kiên tập hợp thì nó tiềm phục làm sức sống cho dân tộc tồn tại ươm chồi chờ điều kiện trỗi dậy thành rừng gỗ quý. Tôi vội vã ra đi vì tôi nghĩ là trong nước chưa có điều kiện tập hợp. Tôi nghĩ đến những người ra đi trước, làm gì không có chiến sĩ kiên cường khi thất bại tạm lui ẩn nhẫn chờ thời và sức mạnh của lòng yêu nước thiết tha của con người Việt Nam trong những ngưòi Việt Nam hải ngoại. Tôi nghĩ là thời gian gần mười lăm năm xa quá, điều kiện vật chất và gia đình được đầy đủ, tương lai con cái được bảo đảm sáng lạng, mỗi người Việt Nam lưu vong hải ngoại đều xác định được rõ thế nào là tình yêu nước, và ai cũng mơ ước một ngày về xây dựng quê hương, để tự chứng tỏ mình là một chiến sĩ kiên cường, không phải là kẻ trốn chạy, không tổ quốc.
Bây giờ 1990, viết về nhà tù Cộng sản hay tranh luận lý thuyết Cộng sản quá chậm. Tôi chỉ mong ghi lại đây là những chứng tích một đời đã qua. Bằng lời lẽ thô thiển mộc mạc, ghi lại để nhớ ơn cha mẹ, vợ, chị, các em và những người đã giúp cho tôi có thể sống được và làm kỷ niệm đối với bạn bè, đã cùng sống với nhau những ngày gian khổ. Nhưng một số bạn bè của tôi vẫn còn ở Việt Nam, nên những sự kiện nào và những ai nếu xét thấy sự nêu tên có hại cho họ thì tôi phải ghi lại bằng một tên khác.
Quý vị nào muốn có một bộ tapes, hay DVD cuả cuốn hồi ký bất hủ này, xin hãy liên lạc với: Nguyễn chí Thiệp theo địa chỉ sau đây:
Nguyễn chí Thiệp
10735 Fallsbridge Dr. Houston, TX.
Tel: 77065 - (281) 807-6410
Email: nguyenchithiep@yahoo.com
Kính giới thiệu cùng tất cả qúy đồng bào và thân hữu xa gần.
Phạm Đào Nguyên
Phạm Đào Nguyên
***************
Ðọc "Trại Kiên Giam" của Nguyễn Chí Thiệp
Sau khi cuốn hồi ký The GULAG Archipelago (Quần Ðảo Ngục Tù) của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn (Nga) được nhà xuất bản Harper & Row (Hoa Kỳ) xuất bản năm 1973, giới văn học cũng như báo chí và truyền thông thế giới mới được biết một phần nào về chế độ lao tù của Cộng sản, đặc biệt là tại Sô Viết. Trong cộng đồng Việt Nam, trước Solzhenitsyn, năm 1969 tác giả Trần Văn Thái đã cho ra mắt cuốn hồi ký Trại Ðầm Ðùn (giải thưởng văn học nghệ thuật 1969 về bộ môn văn), nhưng có rất ít báo chí và truyền thông Việt Nam Cộng Hòa nhắc đến tác phẩm này.
Tại hải ngoại, sau 30 tháng 4 năm 1975, tập thể người Việt tị nạn mới được hiểu rõ hơn về chế độ lao tù của Cộng sản Việt Nam qua các cuốn hồi ký như: Cùm Ðỏ của Phạm Quốc Bảo (1983), Ðại Học Máu của Hà Thúc Sinh (1985), Thép Ðen của Ðặng Chí Bình (1987), Hà Nội Báo Ðộng Ðỏ của Dương Văn Lợi (1992). Tôi đã đọc hết các quyển hồi ký này bằng một tấm lòng của một người chưa hề bị tù tội bao giờ. Nhưng càng đọc, tôi lại càng cảm thấy như chính mình đang ở trong cái hoàn cảnh nghiệt ngã ấy.
Cùng năm 1992, tác giả Nguyễn Chí Thiệp cho ra mắt cuốn hồi ký Trại Kiên Giam nhưng tôi chưa có dịp được nhìn thấy tác phẩm, cho mãi tới hôm nay tôi mới có dịp đọc ấn bản tái bản lần thứ hai (10/2000) do văn hữu Ngô Sỹ Hân gửi tặng.
Tôi đã lần đọc từng trang sách để cảm nhận và chia xẻ với tác giả cùng những bạn tù của ông về những nỗi khổ đau của người ngã ngựa, những tháng năm quằn quại trong lao tù Cộng Sản, những chí hướng quật khởi kiên cường, những mộng ước mai sau về một xã hội hậu Cộng Sản, v.v.. Ðọc suốt tác phẩm, tôi lắng nghe con tim mình thổn thức, xao xuyến và bồi hồi. Cảm nhận nỗi đau đớn của tác giả như chính nỗi đau đớn của mình, của dân tộc mình. Ðọc tác phẩm Trại Kiên Giam để đi tìm một ánh sáng ở cuối đường hầm, để bắt gặp những hào kiệt trong một xã hội tan rã, để gặp lại những đồng chí còn cưu mang hoài bão cho một nước Việt Nam Tự Do, v.v.
Sau khi gấp sách lại, tâm tình lắng đọng, tôi tạm chia nội dung cuốn hồi ký Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp thành 6 phần như sau: Bối cảnh Miền Nam sau 30/4/1975, Người Cộng Sản nói về Cộng Sản, Những bài học đắng cay của chính tác giả, Những tháng năm trong lao tù Cộng Sản, Những cái nhìn thiết thực về Cộng sản, và Những mong ước và hoài bão.
I. Bối cảnh Miền Nam sau 30/4/1975
Ở phần này, tác giả ghi lại từng chi tiết một về bối cảnh sinh hoạt của Miền Nam, nói chung, và Sài-Gòn, nói riêng, sau ngày 30/4/1975, như: sinh kế thường nhật của người dân, cảm nghĩ về chính quyền mới, sự lo lắng cho chính bản thân mình và thận phận mình, các tổ chức chống đối chế độ mới, những cuộc trình diện học tập, v.v.
Nhờ có óc quan sát tinh tường, sự nhận thức sâu sắc và sự nhận định chính xác, tác giả đã diễn tả sự hiểu biết về Cộng Sản của người dân Miền Nam một cách tổng quát như sau: "Cái hiểu biết quá đơn sơ về Cộng Sản nên đa số chỉ nghĩ là phải khổ và chịu khổ được, chịu ăn mặc xấu xí được là có thể sống yên thân trong chế độ Cộng Sản". (trang 25) Chính sự hiểu biết quá đơn sơ ấy đã xui người dân Miền Nam phải miễn cưởng chấp nhận một cuộc đổi đời bi thảm bằng chính xương máu và nước mắt của mình.
Nói tóm lại, tâm lý chung của người dân Miền Nam lúc bấy giờ là: "Tâm lý đứng núi nầy trông núi nọ, tình hình chính trị tồi tệ của miền Nam, sự kém hiểu biết về Cộng sản làm nhiều người không còn sợ Cộng sản". (trang 31) Không còn sợ Cộng sản nữa, nhưng họ cũng không biết phải làm gì để diệt trừ chúng, mặc dù "Ða số dân Saigon không chịu mang dép râu đội mũ tai bèo". (trang 26) Bởi vì họ đã nhìn thấy tận mắt hình ảnh của người lính Bắc Việt: "Người lính giải phóng trông ngờ nghệch, lúng túng trước cảnh rộn rịp và to lớn của Saigon, phần lớn họ rất trẻ". (trang 26) Thế mà người dân Miền Nam đã bị Cộng sản đánh lừa một cách đau đớn: "Giờ đây mấy lon gạo cứu đói là lý do buộc họ phải ra khỏi thành phố về quê sản xuất theo chính sách. Họ có cảm tưởng bị đánh lừa". (trang 31) Càng bị đánh lừa thì người dân càng thấm thía nỗi đau: "Người dân nghèo mới vỡ lẽ, cách mạng đem lại vinh quang và công bình cho người nghèo trong tổ chức của họ, còn dân nghèo muôn đời vẫn là người chịu đựng trước tiên những đau khổ, áp bức theo chính sách phải đi ra khỏi thành phố trước cả mấy ông 'ngụy quân', 'ngụy quyền' ". (trang 32)
II. Người Cộng Sản nói về Cộng Sản
Không ai hiểu rõ Cộng sản bằng chính người Cộng sản. Chính vì thế mà chính quyền VNCH đã có chính sách chiêu hồi và sử dụng những người chiêu hồi ấy vào những công tác tình báo và tâm lý chiến, chẳng hạn như Thượng Tá Tám Hà và nhà văn Xuân Vũ, v.v. Cho tới ngày 30/4/1975 chính tác giả Nguyễn Chí Thiệp, mặc dù là một công chức trung cấp, cũng chưa có cái nhìn rõ rệt về Cộng sản cho nên ông đã quyết định ở lại để rồi sau đó phải nhận lãnh 12 năm tù.
Sau 30/4/1975, một người chú họ của tác giả từ Hà Nội vào thăm thân nhân ở Ðà Nẵng. Khi thấy Nguyễn Chí Thiệp còn ở lại VN, ông ta ngạc nhiên hỏi: "Tại sao cháu không đi Mỹ? Về đến Ðà Nẵng, gặp chị (mẹ tôi) nói cả gia đình ở lại Saigon. Cháu không đi nước ngoài thật vô lý". (trang 36) Nhờ lần gặp đầu tiên với chú Bình (kỹ sư của Bắc Việt) tác giả mới có dịp tìm hiểu về bộ mặt thật của Cộng sản và dứt khoát chọn một thái độ.
Chú Bình nói thẳng và nói thật với Nguyễn Chí Thiệp về chính sách trả thù của Cộng sản như sau: "Cháu đừng nghĩ trả thù chỉ là giết chếthọ sẽ không giết nhưng họ sẽ đưa đi các trại tập trung cải tạo không có ngày về". (trang 37)
Về chủ trương của Cộng sản, chú Bình cho biết: "Ðảng chủ trương phá bỏ luân lý cũ, phá vỡ trật tự xã hội, đưa trẻ con ra ngoài xã hội, nhưng Ðảng lại quá tham lam, họ muốn sử dụng đứa trẻ mà không cưu mang nó, bắt gia đình phải nuôi nó, Ðảng chỉ dạy cho nó hận thù và những phương pháp đấu tranh. Họ phủ nhận tình thương giữa con người với nhau". (trang 38)
Sau khi nhìn thấy tận mắt cái vết tích của sự phồn vinh của Miền Nam trước 30/4/1975, chú Bình tiết lộ về cách xảo quyệt của hệ thống tuyên truyền của Miền Bắc như sau: "Ở miền Bắc người ta đều hiểu sai về miền Nam, hệ thống tuyên truyền của Hà Nội đã mô tả xã hội miền Nam cực kỳ xấu xa, lạc hậu và nghèo đói". (trang 39)
Ðể trả lời câu hỏi của Nguyễn Chí Thiệp "Tại sao người ta bất mãn mà không có chống đối tích cực?", chú Bình cho biết: "Không chống đối vì sức đối kháng đã bị tiêu diệt. Nghệ thuật cai trị của Cộng sản là tiêu diệt sức đề kháng của nhân dân. Chính sách công an nhan dân và nhân dân hộ khẩu nhằm thi hành mục tiêu đó". (trang 47)
Chú Bình căn dặn tác giả:" Ðừng mong đợi tụi nó (CS) làm gì cho đất nước. Chú là đảng viên, chú được đi nhiều nơi, chú có suy nghĩcác khuyết điểm của chế độ Cộng sản là bản chất không phải là hiện tượng, vậy nên nếu có hy sinh cũng vô ích mà thôi". (trang 49)
Nói tóm lại, "Giai cấp lãnh đạo ở miền Bắc là một triều đình tập hợp chung quanh vị Hoàng đế là lãnh tụ, cấu kết quyền lợi, dua nịnh lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi hiện có và con đường tiến thân". (trang 56)
III. Bài học đắng cay của chính tác giả
Sau khi được chú Bình giải thích cặn kẽ về Cộng sản, tác giả mới thấy được sự sai lầm trong quyết định ở lại, ông tự thú nhận như sau: "Lúc đó tôi mới biết hết hậu quả của một quyết định sai của tôi. Ở lại, không những tôi bị tù đầy, mà gia đình tôi cũng bị trả thù bằng chính sách phân biệt đối xử. Tôi đã nghĩ một cách sai lầm là nếu tôi có bị hoàn cảnh lịch sử bỏ rơi, thì con em tôi còn nhỏ có thể được lớn lên như là một người Việt Nam bình thường. Tôi bắt đầu thấy chính sách trả thù của Cộng sản còn độc ác hơn là tắm máu". (trang 39)
Tác giả thố lộ tâm sự: "Những suy nghĩ làm tôi càng ân hận vì quyết định không di tản, cái quyết định ở lại thật ngu xuẩn, chỉ vì nhất thời bức xúc, tức tối những người lãnh đạo đê hèn, bỏ chạy trước địch quân mà không chiến đấu". (trang 131-132)
IV. Những tháng năm trong lao tù Cộng sản
Tác giả thuật lại cái đói lần đầu tiên trong đời ở trong trại tù Cộng sản: "Tôi đã thèm ăn từ lâu, khởi đầu là thèm đường, rồi thèm mỡ, bây giờ thèm đủ thứ, chén cơm hẩm với nước muối bây giờ quá ngon, không đủ no, ăn vào lưng lửng nhưng ngày nào cũng mong tới giờ cơm, mỗi bữa ăn tôi cố ngồi nhai từng muỗng, nhai thật kỹ, miếng cơm thành ngọt hơn, phải chú ý nhai và kềm để cái lưỡi không cuốn nuốt miếng cơm xuống, lơ đãng một tí là miếng cơm mới đưa vào mồm đã chạy tuột xuống cuống họng một cách tự nhiên và nhanh chóng". (trang 141)
Chỉ mới bốn tháng nằm tù mà cơn đói đã hành hạ người tù rất là khổ sở: "Kể từ thứ năm tuần đó tôi được nhận quà lần đầu tiên. Ngồi ăn vội vàng những món nhà gửi, chỉ mới bốn tháng ăn cơm với muối mà tôi như con ma đói, cái gì cũng thèm, cũng ăn qua từ ngọt đến mặn, cắn vào miệng chưa kịp nhai đã vội nuốt, ăn bụng đã no mà mắt vẫn thèm, miệng vẫn chảy nước dãi và muốn ăn nữa". (trang 169)
Về sự thâm độc của Cộng sản, tác giả cho biết: "Cộng sản Việt Nam thâm độc hơn. Chúng giữ kẻ thù của chúng lại để làm nô lệ, làm con vật sản xuất trong các trại tập trung mà chúng không tốn kém gì vì người tù phải tự làm lấy ăn và còn phải nuôi bọn cai tù và đóng góp cho ngân sách nhà nước. (trang 171) Và Cộng sản vắt từ giọt máu của người tù ở trong trại cải tạo. Người tù đem sức ra làm lao động đến kiệt sức và chết ở đó". (trang 251)
Tiêu chuẩn khẩu phần cho tù nhân ở trại tù Long Khánh như sau: "Trưa và tối mỗi bữa một chén cơm độn khoai mì với nước muối, nên mới có hơn hai năm cải tạo mà những người trình diện trông đã tiều tụy lắm. Lương thực mỗi ngày cắt dần phần gạo, thời gian đầu ăn toàn cơm nhưng gạo hẩm, sau nửa cơm nửa ngô, rồi ngô được thay bằng khoai mì khô. Mức độ độn tăng dần theo thời gian, 50% độn, rồi 75%, 80%, rồi đến cuối năm 1978 mỗi tuần trại Long Khánh chỉ ăn 2 bữa cơm, 12 bữa ăn còn lại chỉ ăn khoai mì khô". (trang 249)
Khi tù nhân ra đến trại Xuân Lộc thì khẩu phần lại teo rút đi vì cán bộ hậu cần thông đồng với cán bộ quản giáo nhà bếp để ăn chận số phần ăn của tù. Tác giả viết: "Chúng tôi được anh em đội nhà bếp thông báo trong lần chở bắp đi đổi khoai mì, cán bộ hậu cần và cán bộ quản giáo nhà bếp thông đồng nhau chở về 10 tấn khoai mì thối của kho thực phẩm huyện Xuân Lộc. Trại sản xuất chính là ngô trắng, ngô dùng ăn độn là phần tự túc của trại cùng với phần tiêu chuẩn gạo của Bộ Nội Vụ. Theo công thức đổi các loại lương thực của nhà nước Việt Cộng đề ra là gạo = 2 ngô = 3 khoai lang = 4 khoai mì tức 1 kg [gạo] đổi 4 kg khoai mì. Như vậy tiêu chuẩn phần ăn là 15 kg gạo cho mỗi người tù trong một tháng; nếu độn 50% thì đáng lẽ phải ăn 7.5 kg gạo + 15 kg ngô hoặc 7.5 kg gạo + 22.5 kg khoai lang hay 30 kg khoai mì (sắn). Nhưng quản lý trại đã ăn gian chỉ cho ăn 7.5 kg gạo + 7.5 kg ngô, hoặc 7.5 kg khoai các loạitức là giảm lược tiêu chuẩn tổng cộng chỉ 15 kg dù ăn loại lương thực nào. Ðó là bước gian lận thứ nhất. Bước thứ hai là chúng đem ngô trắng [do] chúng tôi sản xuất ra kho huyện đổi thành ngô đỏ. Ðến năm 1978 thì mức độ độn càng cao, chúng càng ăn gian qua bước thứ ba là đem ngô đổi khoai mì khô." (trang 266)
Vì thế nên cách ăn ở trong tù các tù nhân cũng phải ăn có phương pháp: "Hôm nào ăn ngô là tốt nhất, bốc từng hạt ngô vừa nhai vừa đếm, mỗi hạt ngô nhai thành 50 hay 100 lần thật kỹ, nhai kỹ hơn cả kiểu ăn Osawa gạo lức muối mè. Nhai nhiều lần không nuốt thì hạt ngô cũng biến vào cổ lúc nào không hay. Lại tiếp tục nhai đến hạt khác. Thường thường mỗi bữa ăn từ hơn 250 đến 260 hạt, lần nhiều nhất được 267 hạt và có lần ít chỉ được 187 hạt". (trang311)
Tới năm thứ ba trong tù (1979), tác giả diễn tả thân thể của mình như sau: "Nằm nắn bóp thân thể hàng ngày, sờ rõ những khoản lồi lõm trên đầu, trên mặt, ở cổ tay, cổ chân, khuỷu tay, đầu gối, chỗ nào cũng lòi ra, hai cái mông đã teo hết thịt, xương mông lồi ra chạm vào bệ nằm đau điếng khi chuyển trở mình". (trang 312)
Miếng ăn ở trong tù là một nhu cầu tối quan trọng, nhất là những người bị nhốt trong xà lim lâu ngày như Nguyễn Chí Thiệp. Tác giả thuật lại như sau: "Nằm mãi xà lim, kiểm lại thân thể và những nhu cầu đòi hỏi, tôi tưởng mỡ với đường là quan trọng; nhưng khi thèm muối mới thấy muối còn quan trọng hơn cả đường mỡ. Không có muối con người cứ mỏi mệt dần dần, mỏi từ thớ thịt đến từng khớp xương. (trang 315) Ông viết tiếp: Nhắc tới thịt tôi cũng rỏ nước miếng, nuốt liền mấy lần nước miếng vẫn ứa ra đầy mồm. Tôi đang thèm mọi thứ, đã 38 ngày ăn lạt, không có tí muối, người đã rã rượi, mỏi nhừ, chỉ cần một muỗng nước muối đã là hạnh phúc lắm đừng nói đến đường hay một miếng thịt, nhất là miếng mỡ heo". (trang 322)
Tác giả diễn tả giá trị của miếng thịt và cục đường ở trong xà lim như sau: "Chết và Sống đối với người tù kỷ luật tính hàng ngày, hàng giờ. Một món thức ăn vô cùng quan trọng, có thể kéo dài thêm sự sống một thời gian ngắn, không chừng trong thời gian đó lại được thả ra, lúc đó thì lại sống trở lại, giá trị miếng thịt, cục đường nó ngang với sự sống trong hoàn cảnh này". (trang 322)
Ở trại tù Xuân Lộc tương đối ít khắc nghiệt hơn trại tù Xuân Phước (tức trại Kiên Giam) mà người tù còn bị miếng ăn dằn vật đến như thế, thử tưởng tượng ở trại tù Kiên Giam người tù nhân bị bao tử hành hạ tới bực nào!
V. Những cái nhìn thiết thực về Cộng sản
Vì ngây thơ về Cộng sản nên tác giả Nguyễn Chí Thiệp đã đổi lấy một bài học bằng12 năm tù, do đó ông mới có cái nhìn thiết thực về Cộng sản: "độc lập dân tộc chỉ là một bước chiến lược. Xây dựng chủ nghĩa xã hội mới là cứu cánh". (trang 45)
Nhận xét về các lãnh tụ Cộng sản, Nguyễn Chí Thiệp tiết lộ như sau: "Họ làm lãnh tụ cách mạng là biết cách thúc đẩy toàn dân làm cách mạng, còn họ thì hưởng, gia đình họ hưởng; họ quyết tâm giải phóng miền Nam, nhưng ra chiến trường là người khác chết, con em người khác chết. Các lãnh tụ không ai có con phải vào chiến trường B cả, con của họ đi học ngoại quốc. Họ cấu kết nhau thành một tầng lớp thủ lợi riêng tư sống trên xương máu của nhân dân, cấu kết với nhau trong nước chưa đủ để củng cố địa vị, họ còn cấu kết với nước ngoài. Ông Lê Duẩn đem gả con gái cho cháu trai của Breznev bên Liên Sô không phải để giữ chắc cái ghế Tổng Bí Thư là gì". (trang 187)
Tại sao Cộng sản chủ trương bạo lực, tập trung Dân Chủ và đấu tranh giai cấp? Tác giả Nguyễn Chí Thiệp trả lời như sau: "Ðảng Cộng sản và chủ trương bạo lực là phương tiện để các nhà lãnh đạo củng cố chính quyền độc tài của mình, biến người dân thành một công cụ sản xuất. Tập trung Dân Chủ là một thuật ngữ để biện minh cho tính độc tài, đấu tranh giai cấp là một đường lối để tiêu diệt kẻ đối lập". (trang 260)
Tác giả than: "Chính sách của Cộng sản đã phi nhân, tàn nhẫn mà tổ chức chính quyền còn làm cho sự tàn nhẫn đó tăng thêm nữa". (trang 265) Ông viết tiếp: "Xã hội Cộng sản, con người chỉ phát triển tính ác. Tóm lại, chế độ Cộng sản được xây dựng trên một lý thuyết sai lầm, dùng hận thù làm một động lực kết hợp và phát triển, khai thác tính ác, tính xấu và tính đố kỵ bần tiện của con người; tổ chức nặng nề và thư lại nên chế độ Cộng sản là một chế độ cực kỳ xấu xa, con người Cộng sản hầu hết là những người độc ác và đê tiện. Dân chúng sống trong chế độ Cộng sản cực kỳ nghèo đói, khổ sở". (trang 272)
Ðể trả lời câu hỏi Liệu chế độ Cộng sản có thể tồn tại lâu dài tại Việt Nam hay không?, tác giả quả quyết: "chế độ Cộng sản không thể tồn tại lâu dài ở Việt Nam, nó không phải là bất khả thay thế hay bất khả đánh đổ như những người trí thức ở Hội Trí Thức Yêu Nước lý luận". (trang 197) Vì rằng "Nó chỉ tồn tại ở bên ngoài bởi tổ chức và bạo lực áp bức, còn bên trong nó bị chính con người đào tạo ra nó từ khước". (trang 197) Tuy nhiên, tác giả cẩn thận nhắc nhở chúng ta: "Nó sẽ bị đánh đổ, nhưng muốn đánh đổ một chính quyền có sức mạnh bạo lực và có tổ chức chặt chẽ là một vấn đề rất khó khăn và đòi hỏi thời gian, không phải một sớm một chiều mà làm được như nhiều người mong muốn". (trang 197-198)
Về phương thức chống Cộng sản ở trong nhà tù, tác giả tiết lộ như sau: "Bọn cán bộ Cộng sản được giáo dục hận thù, chúng càng thấy người tù khổ sở, đau đớn chúng càng thích thú. Chỉ có giữ cho tinh thần vững mạnh là một phương thức chống Cộng sản căn bản nhất trong nhà tù. Chịu sự hành hạ mà không tỏ ra khổ sở, vẫn dửng dưng càng làm cho bọn cán bộ Cộng sản tức tối". (trang 230)
Nhận xét về biện pháp tẩy não của Việt Cộng, tác giả viết: "Không phải chỉ có những bài học tuyên truyền, bằng luận cứ một chiều, bằng những từ ngữ khuôn mẫu để tẩy não người tù; mà bằng cách sống hàng ngày, tạo sự sợ hãi và tuân phục cũng là một biện pháp tẩy não". (trang 254)
VI. Những mong ước và hoài bão
Ngay cả những lúc nằm trong xà lim, Nguyễn Chí Thiệp vẫn luôn mơ ước có một cuộc chiến đấu mới: "Tôi mơ ước bạn bè của tôi và cả những người có trách nhiệm làm mất miền Nam sau khi chạy trốn thoát thân, biết kiểm điểm lại tội lỗi của mình, rút ưu khuyết điểm của cuộc chiến đấu vừa qua, gạt bỏ đi những tàn tích cũ, những thói hư tật xấu do hậu quả của lịch sử một trăm năm bị nô lệ Pháp để làm lại một cuốc chiến đấu mới. Người chiến sĩ không phải một lần thua trận là hếtđã là chiến sĩ phải đứng lên chiến đấu sau một lần bị ngã. Phải chiến đấu trở lại. Nếu sau lần ngã rồi nằm im luôn thì không xứng đáng là một chiến sĩ, không xứng đáng là một quân nhân". (trang 133)
Ông cũng mong cả những nhà lãnh đạo Miền Nam và các Tướng lãnh hãy làm lại một cuộc chiến đấu mới: "Tôi mong Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, các Tướng lãnh đã chạy ra ngoại quốc không nằm hưởng những của cải thu gópsống cuộc sống xa hoa ở ngoại quốc. Tôi mong họ tiếp tục tập hợp lại những người đã chạy. Nhận rõ những lỗi lầm của mình với dân với nướcnếu họ không làm được như vậy, họ không xứng đáng mang danh dự là một chiến sĩ. Tôi tin tưởng vào sức sống của dân tộc, vào tinh thần chống Cộng của toàn dân đang biểu lộ rất nồng nhiệt chỉ thời gian ngắn sau khi Cộng sản chiếm hoàn toàn nước Việt Nam, thật nhạy bén khi họ nhận rõ Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là một mô thức cần thiết để xây dựng đất nước, sự từ khước văn hóa Cộng sản ở mọi người dân Việt Nam kể cả những người nông dân trước kia đội gạo nuôi kháng chiến và kể cả tiềm tàng những người đảng viên Cộng sản có tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của dân tộc và đất nước như chú Bình và theo như lời chú Bình, thành phần này không ít trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản, họ chỉ chờ thời cơ là làm một cuộc chiến đấu mới". (trang133-134)
Bởi vì "Việt cộng chiếm miền Nam không phải đã kết thúc một cuộc chiến tranh, nó chỉ kết thúc một giai đoạn lịch sử và nó khởi đầu một giai đoạn lịch sử mới". (trang 124)
Tác giả hy vọng: "Tôi hy vọng rất nhiều vào tương lai, luôn luôn tôi có niềm tin là đất nước Việt Nam sẽ có ngày hưng thịnh trở lại, và toàn dân Việt Nam sẽ đứng lên làm một cuộc vận động lịch sử mới cho dân tộc, tất cả hầu như đã sẵn sàng chỉ còn chờ một hiệu lệnh phát khởi. Tôi tin vào sự trưởng thành của dân chúng và trong vận hội mới đó sẽ lọc lựa được những người đủ tài trí, thực tâm đối với con người, xã hội và đất nước thành người lãnh đạo tương lai và sẽ tự động đào thải những thành phần cơ hội, hoạt đầu tham vọng cá nhân". (trang 513)
Và tác giả luôn vững tin vào một ngày mai chế độ Cộng sản sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn: "Các nước Cộng sản không thể giam hãm mãi con người và tư tưởng của dân chúng sau bức màn sắt. Những nhận thức và hiểu biết mới về con người, làm cho tư duy thuần lý, giáo điều và các cơ cấu chính trị, kinh tế trên hệ tư tưởng đó trở nên lỗi thời. Ðó là nguyên nhân sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng sản. Cộng sàn chỉ còn lại hình thức tổ chức, ở nơi nào dân chúng và chính đảng viên Cộng sản đứng lên đấu tranh xóa bỏ tổ chức thì chế độ Cộng sản sẽ [bị] tiêu diệt hoàn toàn". (trang 526)
Vì: "Trước kia lòng yêu nước và tình thương con người và lý tưởng công bằng bị Cộng sản tương tranh và họ ở thế hấp dẫn hơn. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn thuận lợi ở những giá trị tinh thần này. Chỉ có những giá trị tinh thần này mới là động lực của toàn dân. Sức mạnh tinh thần cộng thêm phương tiện vật chất và kỹ thuật tổ chức là những yếu tố tất thắng của người quốc gia. Sức mạnh tinh thần đã có; chỉ còn hai yếu tố sau, như vậy, vấn đề chống Cộng ngày hôm nay sớm muộn tùy thuộc vào khả năng kết hợp thành tổ chức và sự huy động phương tiện, phương tiện có thể từ chính của chúng ta có được hay cả sự giúp đỡ của đồng minh". (trang 531)
* * *
Ðể kết thúc "Lời Nói Ðầu của Dịch Giả" cho bản dịch cuốn hồi ký "Lời Nguyện Cầu" (in năm 1986) của Sergei Kourdakov, nhà văn Nhị Lang đã hạ bút như sau: "Thương tiếc Sergei Kourdakov, tôi quyết truyền bá những giòng chữ viết bằng máu và nước mắt của anh, để gọi là góp công cùng anh trong công cuộc đấu tranh tràng kỳ chống chủ nghĩa mác-xít vô thần và bảo vệ tín ngưỡng. Tôi cũng hy vọng tấm gương phản tỉnh của anh sẽ làm sáng mắt những kẻ nào ở đây, ở khắp thế giới, và ở Việt Nam, đã và đang rắp ranh bán rẻ linh hồn cho bọn quỷ đỏ, để đời đời bị nguyền rủa, bị chà đạp, bị khinh khi, như những thứ vi trùng ghẻ lở, như những đứa sát nhân ghê tởm mà xã hội văn minh không bao giờ dung thứ".
Vâng, Cộng sản Việt Nam quả đúng là những thứ vi trùng ghẻ lở, những đứa sát nhân ghê tởm mà người Việt Nam không bao giờ dung thứ được.
Người viết hy vọng cuốn hồi ký của Nguyễn Chí Thiệp và cả những cuốn hồi ký khác sẽ là những tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người Cộng sản Việt Nam mau sớm thức tỉnh mà quay đầu tạ tội với Quốc Dân, lập tức từ bỏ bạo lực, và nhường quyền lãnh đạo đất nước cho những người thực sự yêu nước và có trình độ hiểu biết cao hầu tái lập lại một xã hội công bằng, bác ái và lành mạnh để đất nước sớm vươn mình cùng những nước anh em văn minh tân tiến, hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Tôi cũng hy vọng tác giả cuốn hồi ký "Trại Kiên Giam" luôn luôn giữ được bầu nhiệt huyết và ý chí kiên cường của thuở nằm gai nếm mật để cùng các hào kiệt đứng lên mở một mặt trận mới cho đến ngày thắng lợi của Dân Tộc.
(Ðức Phố, ngày 5 tháng 10 năm 2002)
Vĩnh Liêm
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét