28/12/15

Vì Chúng Ta Là Người Việt Nam


                                                     A20 Tống Phước Hiến

     - Tưởng Niệm trận Hải Chiến Hoàng Sa
                 giữa Hải Quân VNCH và Hải quân Tàu cộng cướp nước VN
    - Nhân đọc bài viết của cán binh cộng sản Bắc Việt viết về nỗi lòng của họ đã tham gia trận cưỡng chiếm VNCH

                                                               



                                                        Tổ Quốc chỉ là một,
                   Đừng lấy địa lý… núi sông...
                   vạch làn ranh ngăn cản,
                   phân chia da thịt, máu xương.

20/8/15

Giờ lâm trận



Đã đến lúc người câm lên tiếng nói
đã tới hồi người điếc phải lắng nghe
kể cả người đui thậm chí người què
cùng đứng dậy đập tan bầy cộng sản

Khom lưng cúi là ngàn năm khổ nạn
cõng kẻ thù trên xương máu cha ông
từ Bắc vô Nam máu đã ngập đồng
cửa nát nhà tan - sống đời sâu bọ

Vũ khí ta là tự do chính nghĩa
sắc như gươm đao chặt đứt xích xiềng
đừng đợi chờ trước cơ đồ ngả nghiêng
đứng dậy, hoặc cam tâm làm nô lệ

Đã tới lúc vươn mình như Phù Đổng
đã tới giờ cắm cọc Bạch Đằng Giang
dân ta ơi!  mất rồi ải Nam Quan
sẽ mất hết dưới tay bầy bán nước

Dù hơi cuối, dù phải lê từng bước
để cháu con không thẹn mặt Việt Nam
trên đường cùng - dù sức tàn, lực cạn
phải một lần đi trả nợ nước non

Nguyễn Di Ngữ
tháng 08-2015

21/6/15

Xuân Lưu Đày !


Tân Trương / Vũ Bình Nam
(Quảng Nam/20 năm khổ sai /cấm cố).


Xuân Ất Hợi lưu đày ra đất Bắc
Ta nhớ ngày đánh giặc của Quang Trung
Nhưng hôm nay không binh dũng tướng hùng
Không vó ngựa vẫy vùng thanh kiếm thép

Ta về đây không rượu nồng đón tết
Không hoa đèn cờ xí rước quân vương
Hai tay còng siết chặt một tình thương
Ta ôm trọn nỗi đoạn trường vong quốc

Căng mắt giận vẫn nghe lòng lạnh buốt
Nén căm hờn cho máu hận về tim
Hỡi anh linh của nòi giổng Rồng Tiên
Có hiểu được nỗi niềm cho hậu thế

Kinh thành đó sao bao đời hoang phế
Lũ sói lang ô uế trước cung đình
Cánh đào không chúm chím nụ cười xinh
Hay ấp ủ mối tinh chung vạn kỷ

Ta về đây quốc hồn nung chính khí
Nhìn non sông hùng vĩ tự bao đời
Mỗi bước chân là mỗi nắm xương rơi
Mỗi tấc đất là mỗi trời thương nhớ

Tình dân tộc chảy qua từng hơi thở
Ta cúi đầu xin khất nợ tiền nhân
Ai đã từng vị quốc vong thân 
Trên chiến trận mấy lần xông lửa đạn

Rồi hôm nay trước quân thù cộng sản
Tổ quốc còn trao sứ mạng thiêng liêng
Nguyện làm chiến sĩ trung kiên
Ra đi bẻ gãy xích xiềng cộng nô
Văng Lang xây lại cơ đồ
Nhân quyền dân chủ thắm cờ tự do  .

Việt Nam 20/6/2015
A20 Tân Trương/Vũ Bình Nam 
(tặng Tango, Ngọc Vàng và các CH lưu đày ra bắc năm1994)


19/6/15

Án Cải Tạo!


A20 Đỗ Văn Phúc

Ðúng là ở Xuân Phước không thấy ngày về:

Ðến đây thì ở lại đây,
Ðến khi bén rễ xanh cây, chửa về.

Vài vị linh mục trong nhóm Vinh Sơn, ra toà nhận án 5 năm. Thời gian trôi qua, hết hạn 5 năm, chờ hoài không thấy kêu lên làm thủ tục trả tự do, các vị mới hỏi và được trả lời:

– Tội các anh lớn lắm, đáng ra phải ra toà nhận thêm án, nhưng cách mạng khoan hồng chuyển qua tập trung cải tạo, khi nào xét thấy tiến bộ sẽ cho về.

Không Nơi Ẩn Nấp


A20 Đỗ Văn Phúc


Ở các trại khác còn nghe chuyện tù trốn thoát chứ tại Xuân Phước thì con kiến cũng không ra lọt. Ðể phòng ngừa tù trốn trại, bọn cán bộ cấm ngặt gia đình tiếp tế các thực phẩm khô. Những đội tù gồm quân nhân chế độ cũ chỉ được lao động quanh quẩn gần trại; bao quanh là các đội hình sự. Khi xuất trại, dù mưa hay nắng, anh em phải đi chân đất. Mùa hè, cơn nắng miền trung nung cháy con đường đất, bước chân đi như dẫm lên than hồng. Mùa mưa, đường sá ngập bùn lầy lội, trong lúc bọn cán bộ ngồi trong căn nhà lô, ăn uống lu bù, thì anh em tù vẫn phải làm việc. 

18/6/15

Mưu Sinh Trong Trại Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Khó mà nói cho thật hết hay thật rõ ràng để cho mọi người thấy được những đày ải, khổ nhục mà những người tù nhân phải chịu đựng nhiều năm trong các trại tù cải tạo sau khi miền Nam bị Bắc Việt chiếm đoạt. Những người bị giam giữ này lại không phải là thành phần hình sự, can án cướp của giết người; mà là hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức từng phục vụ trong chính quyền Cộng hoà Việt Nam đối kháng với Cộng Sản miền Bắc. Họ được Cộng Sản gọi bằng mỹ danh là “các trại viên học tập cải tạo”, nhưng thực ra là “các tù khổ sai vô hạn định” mà chủ trương cải tạo chỉ là một sự trả thù dã man của những người thắng thế đối với kẻ bại trận.

Tù Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Trong căn phòng tối mịt mù này, tôi không còn ý thức rõ rệt về thời gian. Tôi chẳng nhớ đã bị đưa vào cùm nơi đây bao nhiêu ngày rồi. Dễ cũng đến hơn hai tháng chứ không ít đâu. Những người tù thay phiên nhau vào ra ở phòng hai bên đã nhiều bận mà tôi thì vẫn cứ trụ trì trên chiếc bệ xi măng lạnh cóng này; với hai cổ chân xích cứng vào thanh sắt 12 li bằng hai chiếc cùm xoắn oan nghiệt.

Mỗi ngày, tên cai tù cùng một tên trật tự vào đưa cơm một lần. Theo thông lệ là phần ăn trưa. Có lúc chúng đem vào khoảng 9 giờ sáng, khi nhà bếp vừa ra chảo bánh khoai mì đầu tiên. Có khi mãi đến giờ lao động buổi chiều mới nghe tiếng dép lẹp kẹp của chúng. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ chờ đợi, chỉ để nhận khi thì vài lát khoai mì luộc, khi thì một góc chiếc bánh cũng bằng bột khoai mì chỉ nhỏ bằng phần tư bao thuốc lá. Chẳng phải vì đói mà chúng tôi mong sớm đến bữa ăn đâu. Chẳng qua là muốn cho ngày tháng qua mau kẻo nằm mãi trong xà lim cũng buồn chán và kiệt sức quá đỗi.

Tết Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc


Người ta bảo rằng: “Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại”. Tôi ở tù gần mười năm, từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 2 năm 1985, tổng cộng ba nghìn bốn trăm sáu mươi lăm ngày, nhân lên một nghìn, vị chi là ba triệu bốn trăm năm. Nếu bỏ đi con số lẻ chẳng thèm tính, thì tôi đã sống lâu hơn cụ Bành Tổ bên Tàu. Ðó là nhờ “lượng khoan hồng nhân đạo của Ðảng và nhà nước Việt Nam Cộng Sản anh hùng, đỉnh cao nhất của trí tuệ loài người, lương tâm nhân loại, vân vân và vân vân.” Cũng nhờ ân điển vời vợi đó, anh em chúng tôi được hưởng trọn bao nhiêu cái tết tù cô đơn, đói khát tưởng ở tận cùng vực sâu của nhân loại, con người dù cơ hàn đến đâu cũng không mường tượng nổi.

Những Khuôn Mặt Đáng Nhớ



A20 Đỗ Văn Phúc

Không thể không nhắc đến những người đặc biệt trong trại ít nhiều đã để lại trong lòng anh em tù nhân, những ấn tượng đặc biệt..

Sư huynh Phạm Quang Hồng, thuộc dòng Đa Minh (?), bị án 20 năm khổ sai vì tội tham gia lực lượng chống đối. Sư huynh còn trẻ, cao ráo, khôi ngô. Tuy cuộc sống trong tù khổ ải, anh vẫn luôn tỏ vẻ vui tươi vì anh cũng là Hướng đạo sinh nên tuân theo điều luật “gặp khó khăn vẫn vui tươi.” Qua anh, tôi học được rất nhiều điều. Anh dạy cho tôi hát các bài hát trong các phim The Inn of the Sixth Happiness, The Sound of Music, và các bản Thánh Ca… Tôi không nghe các tác giả nhắc đến Sư huynh trong các hồi ký. Hiện nay, Sư Huynh đã là Linh Mục Chánh Xứ tại một Giáo Xứ ở Perth, Tây Úc.

17/6/15

Hạt Vàng Trong Bãi Bùn Đen


A20 Đỗ Văn Phúc

Có lẽ vì thù ghét Cộng Sản quá, nên chúng ta chỉ nhìn thấy những xấu xa của họ, coi tất cả cán bộ Cộng Sản đều hung ác, thâm hiểm và dốt nát, ngờ nghệch. Nhưng thực tế, đôi khi trong chặng đường khổ nạn, chúng tôi cũng tìm thấy đó đây những tấm lòng nhân hậu, chưa biến chất bởi sự giáo dục đồi trụy của chủ nghĩa Cộng Sản vô luân, vô nhân. 

Cán bộ Ngà coi đội 13 chúng tôi rất lâu. Câu nói thường xuyên của anh là:

– Các anh cải tạo lâu dài, làm vừa vừa để còn sức khỏe mà về với gia đình.

Anh không bao giờ đặt ra chỉ tiêu cho đội hay cá nhân các đội viên. Trong lúc đội làm việc, thì anh chạy ngược chạy xuôi kiếm khi thì mớ khoai, khi mớ sắn đem về cho đội nấu ăn tại chỗ. Trong một thời gian dài, không có anh nào trong đội bị làm khó dễ hay la mắng nặng lời.

No Eat, No Work


A20 Đỗ Văn Phúc

Phùng Văn Triển vốn dân từ Bộ binh chuyển qua Không quân. Cái Trọng Ty là sĩ quan An ninh Quân đội. Cả hai anh đều thuộc loại bất khuất, khí tiết. Hôm đó, hai anh gánh chung một cần xé gạo từ kho về nhà bếp cán bộ trại. Trên đường, họ cố làm vung vãi đổ xuống đường rất nhiều. Việc phá hủy hoa màu, tài sản trại cũng là một biểu hiện của sự chống đối. Việc này, không may, lại lọt vào mắt tên cán bộ quản giáo đội tên Quyền.

Khi đội ra lao động bên ngoài phiá Tây Bắc của trại. Cán bộ Quyền gọi hai anh vào nhà lô của đội. Nơi đây đã có sẵn cán bộ Hoà, quản giáo đội của tôi – đang lao động gần đó – và ba tên công an bảo vệ. Vừa bước qua cánh cửa tre, Quyền và Hoà xông vào đánh anh Triển tới tấp. Anh Ty thấy vậy, định chạy ra, thì ba tên võ trang chĩa súng ra ngăn lại. Ty đã la hét thật lớn để các đội lao động quanh đó có thể nghe được:

– Cán bộ đánh anh em chúng tôi là sai. Không được quyền đánh tù.

16/6/15

Gương Bất Khuất Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.


Hung Thần Trong Trại Giam


A20 Đỗ Văn Phúc

Về tên trưởng trại Lê Đồng Vũ (Xú danh Lê Văn Nhừ)

Chuyện là như thế này. Tên phân trại trưởng là Lê Ðồng Vũ, người miền núi Thanh Hoá có lẽ thuộc sắc dân Mường. Khuôn mặt y bèn bẹt vô tri vô giác, trên đó có đôi mắt lèm nhèm và cái miệng mỏng dính, thâm sì trông vô cùng nham hiểm. Chúng tôi đặt tên nó là Lê Văn Nhừ. Nó đúng thuộc con cháu ba đời của Chí Phèo, tượng trưng cho loại người hạ đẳng của xã hội, mang đầy mặc cảm thân phận đớn hèn, nên khi có chút quyền thế là ra tay sinh sát thậm tệ với đồng bào đồng loại. Tên này ít nói, vô học đến nỗi đọc lại lời trong trang sách cũng sai bét sai be. Có lần nó đọc đoạn viết về phát triển nhà ở bên Liên sô. Thay vì: “năm nay, có 10000 căn hộ đủ tiện nghi được đưa vào sử dụng,” nó đọc thành “có 10000 cán bộ đầy đủ tiện nghi…” Cũng có lần, vì không biết ngừng đúng nơi dấu chấm câu, nó đã đọc một đoạn văn như sau: “Nhân dân ta, sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân loại.” thành: “nhân rân ta sau khi chiến thắng, đế quốc Mỹ đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân noại.”

Hai Muỗng Cơm, Hai Muỗng Nước


A20 Đỗ Văn Phúc

Mấy ngày sau khi tôi bị cùm, trại kiếm đủ cớ để đưa vào biệt giam thêm khoảng chục anh. Chẳng bao lâu sau đó, các phòng biệt giam chật ních người. Vì sắp đến lễ Giáng sinh, chúng lựa những người có thành tích đấu tranh cho vào giam trước đề phòng chuyện không hay xảy ra. Thế là chúng tôi, bốn người nằm một phòng, hai người trên một bệ chia nhau thanh sắt cùm. Chúng tôi bắt đầu gửi tín hiệu thăm hỏi nhau và tôi được biết bên ngoài cũng đang vô cùng căng thẳng. Nhất cử nhất động đều có ăng ten theo dõi và báo cáo. Vì thế các anh khuyên tôi nên ứng xử thật khéo léo để tránh bị gán thêm tội.

14/6/15

Những Ngày Cùm Biệt Giam


A20 Đỗ Văn Phúc


Khi nghe tiếng khoá lách cách bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Dù sắp phải đối phó với những màn ép cung mà một lời nói sơ suất có thể mang lại những hậu quả phiền toái; hoặc có thể xảy ra màn tra tấn đánh đập như từng xảy ra khi chúng tôi bị gán tội sách động đòi yêu sách hồi còn ở trại K5 Suối Máu. Tuy nhiên, công tâm mà nói, ở Xuân Phước hơn sáu năm, anh em tù nhân có thể bị khủng bố nghiêm trọng về tinh thần, nhưng cảnh tra tấn thì không dã man bằng ở trại Kà Tum, hay các trại miền đồng bằng Cửu Long, nơi bọn du kích, địa phương Việt Cộng quản lý trong những năm đầu. Chúng tôi vẫn coi thường những màn hỏi cung của bọn công an vì trình độ học thức, lý luận chúng rất kém cỏi. Vấn đề là phải làm sao để không hớ hênh khai báo gì mà có thể liên lụy cho các bạn mình hay để chúng chụp thêm tội. Dù có nhận tội hay không thì thời gian bị cùm cũng chẳng thay đổi gì. Đơn giản là nếu không nhận tội, thì chúng cho là ngoan cố; mà có nhận đại cho xong, thì chúng nó đoán sẽ còn nhiều điều cần truy cứu thêm. Nên trong cả hai trường hợp, chúng sẽ biệt giam cho đến khi nào gần quỵ gục thì mới thả ra.