19/6/15

Án Cải Tạo!


A20 Đỗ Văn Phúc

Ðúng là ở Xuân Phước không thấy ngày về:

Ðến đây thì ở lại đây,
Ðến khi bén rễ xanh cây, chửa về.

Vài vị linh mục trong nhóm Vinh Sơn, ra toà nhận án 5 năm. Thời gian trôi qua, hết hạn 5 năm, chờ hoài không thấy kêu lên làm thủ tục trả tự do, các vị mới hỏi và được trả lời:

– Tội các anh lớn lắm, đáng ra phải ra toà nhận thêm án, nhưng cách mạng khoan hồng chuyển qua tập trung cải tạo, khi nào xét thấy tiến bộ sẽ cho về.

Thế đấy, cái luật pháp xã hội chủ nghĩa là thế đấy. Trên một tờ báo Nhân Dân (năm 1983, không nhớ ngày), khi trả lời một câu hỏi về sự khác nhau giữa án tù và tập trung cải tạo, chúng đã giải thích rằng: “Án tập trung cải tạo dành cho những tội mà xét ra chưa đáng phải cho ra toà,” (có nghĩa là nhẹ lắm?), chúng liệt kê một số tội như “Làm gián điệp, âm mưu chống đối, lũng đoạn kinh tế…” (giải thích thế này thì có trời mà hiểu!). Một thanh niên tên là Nguyễn Văn Phước, bị bắt tháng 5-1975 vì tội ngủ qua đêm trong nhà người quen, khi công an đến xét hộ khẩu không có tên. Chú bị án tập trung cải tạo 3 năm, mãi cho đến năm 1985 mới được tha về. Những thanh niên tù hình sự miền Bắc khi vào tù cải tạo đều gây thêm án giết người để được ra toà lãnh án 5, 10 năm để còn hy vọng có ngày về hơn là chịu án tập trung cải tạo.

Xã hội chủ nghĩa không có luật pháp. Cộng Sản Trung hoa cướp lục địa năm 1949, mãi đến năm 1972 mới có bộ hình luật. Cộng Sản Việt Nam nắm quyền từ năm 1945, đến 1982 mới cho ra đời bản dự thảo hình luật. Khi chưa có luật, chúng lên tiếng chỉ trích rằng luật pháp là công cụ của bọn tư bản để áp chế nhân dân. Khi sắp có luật, cũng cái mồm nham nhở của chúng lên án quan thầy cũ là Trung cộng (khi đó là kẻ thù không đội trời chung) đã xử oan ức cho hàng triệu người vì không có luật trong hàng chục năm dài, trong đó hàng trăm ngàn người bị giết oan! Lật lọng, lẻo mép vốn là bản chất của Cộng Sản.

Trong những năm đầu thập niên 80, một số cán bộ sau khi ở trong Nam lâu ngày, tiếp xúc được với dân Nam đã phần nào có cái nhìn khác đối với chúng tôi. Họ cảm phục chúng tôi về trình độ, tư cách nên cư xử mềm mỏng hơn. Có cán bộ như anh Ngà, anh Hoa chẳng bao giờ để cho chúng tôi làm việc quá sức. Các anh hàng ngày chạy ngược chạy xuôi kiếm cho chúng tôi giỏ khoai lang, nồi rau muống. Họ muốn trò chuyện và học hỏi nơi chúng tôi. Cán bộ Lương, trong lúc nói chuyện quá trớn, tôi đề cập đến vấn đề giai cấp; anh đã chép miệng thở dài: “giai cấp nghèo khổ vẫn muôn đời nghèo khổ, chỉ có giai cấp lãnh đạo là sướng thôi.”

Một chuyện đáng nói về một người mà đa số anh em đã quá dè chừng và nghi ngờ. Cựu trung tá Việt cộng Huỳnh Cự, sau khi ra hồi chánh với chế độ cộng hoà, đã được cử làm phụ tá bộ Chiêu hồi. Anh ở tù cùng trại, cùng nhà với tôi. Oái oăm thay, tên Thân Như Yên, trưởng trại, trước đây là thuộc cấp của Cự. Một hôm nhân đứng gần, tôi nghe tên Yên nói với anh Cự:

– Từ ngày anh ra theo giặc, bọn chúng tôi khốn đốn vì anh…

Câu nói này như một bản án nặng nề đè lên cuộc sống tù vô vọng của Cự. Chúng nó cho anh làm đội trưởng, nhà trưởng vì đoán rằng anh sẽ ra sức lập công-tội anh là tội chết mà. Anh chỉ tích cực trong lao động, và những mặt nổi, như sinh hoạt, học tập. Còn báo cáo thầm kín thì không có ai biết được. Lúc mới quen anh, tôi ưa nói chuyện và ít khi cảnh giác. Có lần tôi nói về Hồ chí Minh nhiều điều. Anh khẽ nói vào tai tôi:

– Cẩn thận cái miệng, cái mồm; nói gì khác thì cũng còn đường sống, chứ đụng vào lãnh tụ, chúng nó đập chết.

Tôi điếng người, mấy tuần lễ như ngồi trên lửa, chờ chúng gọi ra làm việc. Nhưng thời gian qua khá lâu không thấy gì xảy ra. Tôi biết anh Cự cũng thâm thù Cộng Sản,và anh không khi nào hại người cùng chiến tuyến mà anh đã lựa chọn. Anh hiểu Cộng Sản, nên biết chọn cho mình cách cư xử đúng mực nhất để sống qua ngày.

Sáu năm ở trại tù Xuân Phước, thấy anh em lần lượt ra về. Ðó là nhờ các phong trào đấu tranh của các hội đoàn, các chính phủ bên trời Tây. Tôi tập cho mình quên đi ngày tháng, thờ ơ với việc đi, ở, hay về. Ba năm sau cùng tôi không tỏ ra mặt chống đối bên ngoài hung hăng như trước nữa, và cũng chẳng thấy nôn nóng mỗi khi sắp đến ngày có đợt tha tù. Qua thư nhà, tôi biết mẹ tôi nhờ chiếc tủ lạnh, hàng ngày bán nước đá cho bà con lối xóm; vợ tôi thì bán gạo đong từng lít vớt vát qua ngày. Con cái thì lớn dần trong sự ngược đãi. Có ưu tư về gia đình cũng chẳng giúp giải quyết được gì. Bao nhiêu bà vợ, vì vô vọng, vì hoàn cảnh cần nơi nương tựa đã đành gạt lệ sang ngang. Tôi còn hạnh phúc biết có người vợ vẫn ngày đêm ngóng chồng; như mẹ tôi thủa xa xưa, một lòng thờ chồng nuôi con khôn lớn. So với cảnh tù không án phạt, cái án tử hình e nhẹ nhàng thơ thới hơn nhiều; vì chết một lần thôi là xong nợ đời. Tù cải tạo cứ dai dẳng nhìn gia đình tan vỡ, nhìn thân xác tiêu hao, ý chí bị bào mòn, đau đớn lắm.

Nói sao cho hết bao đau thương cùng cực mà Cộng Sản đã đổ lên cuộc sống chúng ta. Bao gia đình vĩnh viễn không còn thấy mặt người thân mà khi ra đi còn hẹn sẽ về sau mười lăm ngày cải tạo! Thân phụ tôi bị Việt Minh (tiền thân của Việt Cộng) bắt đi năm 1948 khi tôi vừa lên hai. Người bị đưa ra Thanh hoá, giam ở trại Lý Bá Sơ cho đến 1954 được thả ra theo quy định của Hiệp định Geneve. Nhưng người không về được đến nhà. Cộng Sản đã tổ chức đón đường thủ tiêu ngay tại Vinh những người Quốc gia mà họ e sợ về sau này. Sống trong trại tù của những năm cuối thế kỷ 20 đã khắc nghiệt như thế, thực lòng tôi không thể hình dung nổi cái dã man và cùng cực mà các cụ phải trải qua trong trại Lý Bá Sơ, Ðầm Ðùn ba mươi năm trước đó. Nếu có một địa ngục như lời các tôn giáo thường răn đe, thì chắc hẳn địa ngục đó cũng không sánh được với cái địa ngục mà Cộng Sản đã dành cho người quốc gia và những ai không theo họ.

Mỗi năm trôi qua, tâm hồn chai lì thêm một tí. Vì chẳng hy vọng ngày về, nên dại gì mà lo lắng, ưu tư. Cứ coi như vô vi, sáng chui ra, chiều chui vào cái chuồng chật ních nhốt hàng trăm người, đủ thứ bệnh truyền nhiễm. Ơn trời cho ai nấy sống, cũng ơn trời kêu ai nấy dạ. Có nghe tin đồn sẽ có đợt về ngày Tết, lòng tôi cũng trơ đi, không mảy may suy nghĩ đến. Cho đến ngày Tết 1985, nghe đến tên mình, ngồi giữa hội trường, tôi cũng chẳng vui, chẳng thấy mừng, lạ thật!

Đối với tôi, ra khỏi trại Xuân Phước chẳng qua là một sự di chuyển từ nhà tù nhỏ đến một nhà tù lớn hơn mà thôi. Nhưng được một điều là ở cái nhà tù lớn này, chúng tôi được gần gủi với gia đình để cùng nhau chia xẻ những ngày còn lại trong sự ngược đãi và hận thù.

Nguyễn Tuân, trong cuốn “Hà Nội Ta Ðánh Mỹ Giỏi” kể lể chi tiết về khẩu phần ăn ngày Tết của Hà Nội dành cho tù binh Hoa Kỳ. Với cái bánh chưng, vài miếng thịt, ông đã dành nguyên một phần mười cuốn sách để ca ngợi lòng nhân đạo của bọn Cộng Sản khi cho tù ăn uống như thế. Tội nghiệp cho cái xã hội bần cùng, miếng cơm không ra gì cũng trở thành một thứ ân sủng quý báu và được nêu ra như một hành vi cao cả!

Giờ đây, hơn hai mươi năm sau ngày ra tù, gần mười tám năm trên miền đất tự do, hưởng thụ dủ thứ ngon vật lạ, hưởng thụ đủ thứ tự do, làm người với đầy đủ ý nghĩa, tôi vẫn lấy làm lạ sao con người có thể phải chịu đựng phi lý sự đối xử tàn tệ, dã man. Càng thương hơn, thông cảm sâu sắc với những nỗi bất hạnh của bạn bè, chiến hữu và đồng bào còn kẹt ở nơi tận cùng địa ngục đó.

Ngày nay đây, hỡi các bạn từng chia xẻ niềm đau thương tủi nhục trong vòng lao lý; hỡi những ai đang sống trong phồn hoa, sung mãn, quý vị nhân danh nhân quyền, tự do, xin hãy hướng lòng về những đồng chí, những đồng bào đang quằn quại trong các ngục tù Cộng Sản vì sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ, dân sinh, xin hãy làm một điều gì đó, dù nhỏ nhặt đến đâu, ngõ hầu rút ngắn lại các chế độ phi nhân, giải phóng con người, trả lại cho họ quyền sống xứng đáng lúc cả nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 tràn đầy hạnh phúc, thịnh vượng.

A20 Đỗ Văn Phúc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét