16/6/15

Hai Muỗng Cơm, Hai Muỗng Nước


A20 Đỗ Văn Phúc

Mấy ngày sau khi tôi bị cùm, trại kiếm đủ cớ để đưa vào biệt giam thêm khoảng chục anh. Chẳng bao lâu sau đó, các phòng biệt giam chật ních người. Vì sắp đến lễ Giáng sinh, chúng lựa những người có thành tích đấu tranh cho vào giam trước đề phòng chuyện không hay xảy ra. Thế là chúng tôi, bốn người nằm một phòng, hai người trên một bệ chia nhau thanh sắt cùm. Chúng tôi bắt đầu gửi tín hiệu thăm hỏi nhau và tôi được biết bên ngoài cũng đang vô cùng căng thẳng. Nhất cử nhất động đều có ăng ten theo dõi và báo cáo. Vì thế các anh khuyên tôi nên ứng xử thật khéo léo để tránh bị gán thêm tội.

Mỗi ngày trong xà lim, chúng cho ăn một lần vào khoảng xế trưa. Mỗi bữa ăn là hai lát khoai mì chan ngập trong nước muối thật mặn và chừng hai muỗng nước uống. Cơn khát hành hạ chúng tôi đến điên người. Ðói, khát, lạnh (vì đang là mùa đông) làm cho tôi kiệt sức rất nhanh. Chiếc cùm quá chật làm rách thịt ở nhượng chân, làm độc; tôi dùng nước muối thoa lên hàng ngày. Lâu dần, chân teo lại, có thể xoay sở được. Các anh nằm bên các xà lim cạnh bày ra ca hát, đọc thơ cho lên tinh thần. Cũng có lúc tôi nhận được tiếp tế do những anh gan lì nhất nhảy hàng rào biệt giam chuồi vào khe cửa những miếng đường tán, chút thuốc lào. Ðây là công lao của Phạm Tuế, khoá đàn em của tôi và các bạn trẻ Nguyễn Tú Cường, Phạm Ðức Nhì… còn may mắn chưa bị “tó”. Chúng tôi giải quyết cơn khát bằng cách khi một người bị kêu ra làm việc, cố gắng uống thật nhiều nước và nhúng ướt áo quần, để khi về phòng vắt ra cho anh em khác uống. Có khi chúng tôi phải uống nước tiểu, nhưng tình trạng thiếu nước làm cho nước tiểu cũng quánh lại và gắt vô cùng, tưởng như uống máu của chính mình.

Cơn lạnh của vùng núi rừng miền trung thật khủng khiếp. Sàn xi măng thì ẩm, trên người chẳng có gì che. Suốt ngày đêm chỉ gắng ngồi thu người, ôm gối run cằm cặp. Tôi kiệt đến mức xuất tinh và tiểu tiện mà không kiểm soát được, cũng không cảm giác được. Hình như ai ở xà lim lâu ngày cũng có thể trở thành nhà triết học. Nằm buồn, khó ngủ, thời gian thì như dừng lại. Tâm trí bắt đầu làm việc. Trước hết là ôn chuyện quá khứ, bạn bè, yêu đương; những kỷ niệm vui buồn đời lính, những ngày tháng gian khổ hiểm nguy nhưng hào hùng. Hết chuyện để suy nghĩ, tôi bắt đầu nhìn chòng chọc vào vách tường, cố hình dung ra những hình ảnh kỳ ảo như khi ta nhìn đám mây vân cẩu. Một con thằn lằn chậm chậm bò ra, chạy đuổi bắt những chú muỗi no máu. Thế là thằn lằn trở thành bạn đường để tôi trao gửi tâm sự. Trời ơi, ước chi có tập giấy và cây bút để tôi ghi lại cả trăm ngàn trang tư tưởng. Có lúc quay về nghĩ đến đấng tối cao, lúc thì cầu nguyện, lúc thì than trách. Tôi nhớ cựu đại tá Trung hoa Quốc dân đảng Lý Thành Cầu (năm đó đã gần 80) dạy tôi một câu: “ Na ở chuy, wò mẵn sơ kuo cha rẩn.” (dù bất cứ đâu, ta cũng là một người quốc gia), hoặc “Thien cung mỉ dậu dằn xinh, cầy tha mẫn sẳng cung ma.” (Trời không có mắt để cho chúng nó thành công sao?). Chúa trời ôi, nếu đây là con roi điện để Chúa trừng phạt dân Nam, thì hoá ra bọn Cộng Sản này là tay sai của Chúa sao? Cũng có lúc nghĩ rằng Chúa thử thách chúng ta, và ngày mai đây sẽ đền bù xứng đáng cho những ai vượt cơn khổ ải. Tôi đã làm được hai câu thơ, nhặt cây đinh khắc lên vách nhà giam:

Ðời có gian lao mới rạng danh hào kiệt,
Tù không đày đọa sao rõ mặt anh hùng

Sau cùng, gần đến ngày tết, chúng lần lượt thả chúng tôi ra. Lại nói chuyện “khoan hồng cho ra ăn tết, phải thực tâm cải tạo tốt để được sớm tha về.” Tôi vịn hàng rào, lê bộ xương khô từng bước về phòng giam, và thấy quang cảnh hoàn toàn khác lạ. Bước qua khung cửa phòng, thấy một sự im lặng đáng sợ. Khác với trước đây, mỗi lần có người ra khỏi xà lim là anh em kéo đến săn sóc, kẻ điếu thuốc, nguời viên đường. Lần này chỉ thấy những đôi mắt lén lút trao gửi chút ái ngại, thương cảm. Tôi nhìn thấy một nhúm thuốc lào của ai đó để dưới tấm chăn. Ðến chiều, khi anh em từ lao động về đông đủ, không có cảnh ồn ào như trước kia, mà ai nấy lặng lẽ về chỗ mình, lãnh phần ăn, buông màn nằm im thít. Tôi được chuyển qua đội tù chính trị và được thu xếp chỗ nằm bên người đội trưởng Trần Ph., bên trái là Nguyễn Văn Ch., tổ trưởng. Hai người này là thành phần tù gọi là chính trị nhưng thuộc loại được trại tin dùng. Thế là chim bị tách đàn, trói buộc trong cái lồng vô hình nhưng rất chặt chẽ.

A20 Đỗ Văn Phúc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét