18/3/11

TẠ ƠN MẸ


Quán Lá cũng xin giới thiệu cây viết Nguyễn Thụy Giáng Sinh là ái nữ của A20 Nguyễn Văn Học. Để chúng ta thấy rằng A20 “hổ phụ sinh hổ tử”.


TẠ ƠN MẸ


Vài dòng tâm sự với các bạn đồng trang lứa, về những người Mẹ của chúng ta.

Nguyễn Thụy Giáng Sinh.



        Năm nay tôi vừa tròn ba chục tuổi, sống ở Mỹ gần mười ba năm, đã có chồng và một con, về công việc học hành cũng như làm ăn sau ngày ra trường. Tôi cảm thấy không có gì phải phàn nàn cuộc đời cả - Tôi biết, sở dĩ cuộc đời tôi được mọi chuyện tốt đẹp như ngày hôm nay, ngoài sự an bài của Thượng Đế, còn có sự tài bồi, lo lắng của cha mẹ, nhưng đặc biệt hơn hết là của Mẹ - Tôi chỉ dùng một tiếng Mẹ, mà không dùng mẹ tôi, vì e rằng các anh chị cho là tôi giành hết mẹ chăng - Tôi có tới sáu anh chị em, và người nào trong chúng tôi, cũng đều có những ý nghĩ, tình cảm riêng thật đậm đà đối với Mẹ - Điều này chắc hẳn anh chị em chúng tôi cũng giống các anh chị mà thôi - Riêng tôi cảm nhận được tình mẹ đối với tôi thật bao la, bát ngát, có thể nói hầu như lúc nào cũng bao trùm hết cuộc đời tôi, khi thì bàng bạc như sương khói, lúc lại nồng nàn, ấm áp như nắng xuân. Từ khi có trí khôn, tôi chỉ biết có Mẹ, và duy nhất chỉ một mình mẹ - Mọi chuyện tôi đều trông cậy, phó thác nơi Mẹ, từ khi còn ẵm ngửa, đến lúc hiểu biết và cả khi đã khôn lớn.


       Như tên gọi của tôi, quý anh chị hẳn cũng đoán biết tôi sinh vào ngày lễ Giáng Sinh và năm sinh của tôi là 1974 - Tính đến ngày nước mất, nhà tan, tôi mới ra đời được đúng 4 tháng, 5 ngày .......

       Xa bố từ những ngày ấy, chỉ với đôi tay và tấm lòng của Mẹ nuôi nấng, dậy dỗ, dẫn dắt chúng tôi, làm sao mà anh chị em chúng tôi không thường nhắc tới mẹ, hơn nhắc tới bố.  Sự sống của anh chị em chúng tôi gắn liền với bàn tay mẹ, những yêu thương, ngọt bùi hàng ngày được mẹ âu yếm vỗ về, những ủi an, săn sóc khi đau ốm bệnh hoạn - Tất nhiên, việc chúng tôi gần gũi với mẹ là chuyện thường tình - Gia đình, giòng họ và ngay cả xã hội nữa, cũng phải công nhận việc đó là vô cùng chính đáng, chứ chẳng phải bên trọng, bên khinh, chỉ biết có mẹ mà quên bố.

       Ngày nay, trong an vui tinh thần, dư thừa vật chất, nhiều khi nhìn mẹ vẫn cặm cụi lo từng bữa ăn, chăm từng đứa cháu, rồi so sánh cuộc đời của mẹ với anh chị em chúng tôi hiện tại. Tôi bỗng giật mình và hết lòng khâm phục khả năng chịu đựng, tinh thần vững mạnh, nhất là tình yêu của mẹ giành cho bố và anh chị em chúng tôi, không có gì so sánh nổi - Nhờ những sức mạnh trong nguồn an ủi tinh thần đó, mà mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để gia đình chúng tôi có được ngày hôm nay - Không giật mình sao được, khi năm nay tôi ba chục tuổi, hai vợ chồng cùng tốt nghiệp đại học, cùng có công việc làm khá, chỉ mới có một đứa con, vậy mà đôi khi, nghĩ đến lúc có những đứa con kế tiếp, chúng tôi vẫn cảm thấy trách nhiệm của mình cũng có vẻ ...nằng nặng.  Trong khi ba mươi năm về trước, mẹ tôi mới có 28 tuổi, phải lo cho năm đứa con. Người lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 4 tháng 5 ngày tuổi là tôi, cùng một ông chồng bị tù không biết ngày ra - Gia tài, tiền bạc của một sĩ quan tác chiến như bố tôi, cũng giống mọi người, chẳng có gì đáng giá.  Đã vậy bọn cầm quyền cộng sản có để cho các bà được yên thân mà chịu khổ, chịu cực, lam lũ để lo cho chồng, cho con đâu!  Chúng hành hạ, bắt ne, bắt nét đủ điều - Trắng trợn hơn nữa, chúng còn dụ dỗ, khuyến khích, răn đe v...v... những bà vợ trẻ nên căm thù chính chồng con mình, rồi "thoát ly" gia đình đi theo chúng, để chồng con, kẻ ở trong tù, người ở lại nhà mà ...đền tội với "nhân dân".  Đấy, gánh của mẹ tôi và các bà mẹ trẻ có chồng là Quân, Cán, Chính VNCH vào thời điểm đó là như vậy đấy - Nó không phải là nặng nề, mà phải gọi là khủng khiếp!

       Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, dã man, tàn bạo như vậy, người mẹ yêu dấu của chúng tôi, và ngàn ngàn, vạn vạn các bà Mẹ khác, vẫn vững vàng - Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy sợ cho mẹ trong thời điểm đó, nhưng lại rất hãnh diện vì các bà mẹ của chúng ta đã nhẫn nhục chịu đựng, âm thầm hóa giải, để rồi giành phần thắng - Từ nuôi nấng con cái về thể xác, đến giáo dục chúng về tinh thần - phải giải độc cho đầu óc non nớt của lớp con cái, để chúng không vướng vào những điều vô luân, bất hiếu, bất nghĩa mà bọn cầm quyền muốn nhồi nhét vào đầu óc lũ trẻ ngây thơ là chúng tôi lúc đó.

       Chắc chắn các mẹ đã thành công trên phương diện giáo dục từ khi đó, vì tôi vẫn còn nhớ mang máng rằng, hai người anh tôi đã cùng lũ bạn hàng xóm, đem ảnh "bác hồ kính yêu" ra làm bia để tập bắn dàn thung ......làm cả nhà xanh mặt. Đây là hai ông anh của tôi, ngày xập tiệm mới có 10 và 8 tuổi , nhưng cũng đã tận lực đem sức trẻ con của mình phụ với mẹ lo việc sinh sống cho gia đình - Cánh tay đắc lực của mẹ mà bị công an "hỏi thăm" thì thật khổ cho mẹ - Nhưng may mắn, không có gì xảy ra, một phần có lẽ dân chúng cũng căm thù, nên cho rằng lũ trẻ có làm như vậy cũng là... chính đáng, một phần vì gia đình chúng tôi sống trong một xứ đạo di cư ngày trước, nên tình cảm và lòng bác ái của những người đồng đạo đã che chở lẫn cho nhau.

       Những đứa con là chúng tôi, tuy làm mẹ phải vất vả, cực nhọc, nhưng là máu huyết bố mẹ, được hình thành bởi tình yêu của bố mẹ, nên trong hoàn cảnh nào cũng vẫn được chiều chuộng nâng niu.  Nhất là khi xa bố, tình cảm của mẹ giành cho anh chị em chúng tôi thật nồng nàn vì trong đó, mẹ muốn kèm theo luôn tình thương của bố, bù đắp cho chúng tôi - Có những chuyện mà đến bây giờ nhắc lại, lòng tôi vẫn còn xao xuyến, kỷ niệm thời thơ ấu trở về, làm nước mắt rưng rưng - Những khó khăn trong đời sống làm ai cũng nơm nớp lo sợ cho ngày mai. Nhưng với mẹ, chúng tôi là tất cả, bất cứ đứa nào trong anh chị em chúng tôi, cũng được mẹ chăm chút chu đáo. Riêng tôi, lúc đó là út, nên không những mẹ, mà toàn thể gia đình nội ngoại, đều có vẻ ưu ái hơn - Cho đến bây giờ, các anh chị tôi vẫn nhắc lại câu chuyện liên quan đến tôi khi còn nhỏ - Tôi bị đau nặng, liệt giường, tưởng rằng khó qua khỏi, thuốc men thời buổi đó đã là khó khăn, nhưng kiếm được tiền để mua thuốc càng khó hơn - Gia tài của sáu mẹ con và hai bà nội, ngoại (bà ngoại này là cô ruột của mẹ, có một mình, nên từ lâu sống với gia đình tôi) chỉ còn hai "phuy" lúa để sống đến mùa gặt tới. Nhưng mẹ đã bán đi, không ngần ngại, để lấy tiền chạy thuốc cho tôi, trước con mắt ngơ ngác của người chị dâu, kèm theo một câu hỏi:"Thím bán đi rồi lấy gì mà ăn ?" -  Mẹ tôi trả lời: "với em, con cái là tất cả, chuyện đến đâu tính đến đó" - Mẹ thường không muốn nhắc hay than vãn những chuyện buồn, khổ, vì sợ ảnh hưởng đến chúng tôi, còn những kỷ niệm vui vui, thỉnh thoảng cũng nhắc tới - Chẳng hạn câu chuyện tôi được đi thăm bố, nhiều lần kể lại với các anh chị em, mẹ vẫn cười một cách sảng khoái: "Mẹ bảo em lại chào bố đi!  Em lạ, nên cứ ngần ngại mãi, cuối cùng em đến trước mặt bố, khoanh tay cúi đầu nói: cháu chào bố ạ !" -  Hoặc câu chuyện tôi "phản đối nhà cầm quyền cộng sản", nhưng lại hành mẹ phải lo thêm, thuở đó người người ăn độn, nhà nhà ăn độn, riêng tôi thì không - Tôi nhiều lần vừa khóc vừa hét lớn: "con không ăn độn, con không ăn bo bo" và thà nhịn đói chứ không chịu ăn những thứ đó - Cuối cùng mẹ và các anh chị thấy tội nghiệp quá, phải hy sinh, cho tôi được ăn cơm trắng cùng với bà nội. Điểm đặc biệt của mẹ tôi, là cho dù có thiếu thốn thế nào đi chăng nữa, anh chị em chúng tôi vẫn luôn luôn được mẹ cho ăn mặc sạch sẽ và đi đâu về, mẹ cũng có quà cho anh chị em chúng tôi, khi thì chút bánh, kẹo, bánh dầy giò chả, lúc lại một bình nhựa đựng xá xị, mẹ mua ở cửa hàng quốc doanh, khui ra đổ vào bình đem về cho chúng tôi.

       Chịu cực, chịu khổ chừng năm sáu năm, gia đình chúng tôi "hồi tỉnh" vì thỉnh thoảng mẹ nhận được quà của ông bà ngoại (ông bà của mẹ, tôi phải gọi bằng cố) từ Mỹ gửi về - Mấy anh chị tôi nhìn thùng quà mà thẫn thờ, không phải tiếc vì phải bán đi. Nhưng mấy anh ấy thắc mắc, vì nhớ lại, mẹ đã từ chối cơ hội vượt biên cùng ông bà cố và gia đình bên ngoại, hồi mấy năm trước, chỉ vì mẹ không muốn để bố ở lại một mình trong tù. Mãi sau này tôi mới hiểu rõ câu chuyện - Ngày 30-4-75, gia đình bên ngoại có hai tàu đánh cá, đồng loạt ra khơi.  Chiếc tàu có ông cố và mấy người cháu được tàu Mỹ vớt. Tàu có bà cố thì lại sợ sóng gió, quay về lại - Ông cố sang đến đảo Guam, không thấy gia đình, nên trở về VN bằng tàu Thương Tín. Thấy ông cố già quá, nên bọn VC chỉ nhốt khoảng 4 tháng rồi thả - Khi bố ở trong tù, nghe mẹ báo tin ông cố về, bố đoán chắc thế nào ông cũng đi nữa, nên bảo mẹ đưa các con đi theo ông vượt biên, tìm tự do và tương lai cho các con.   Nhưng vì thương bố, muốn ở lại đồng cam, cộng khổ và lo cho bố, nên mẹ quyết định ở lại là như thế!

       Mỗi khi nhắc đến cảnh tù tội của bố, mẹ buồn lắm, nhưng không bao giờ mẹ kể cho chúng tôi nghe.  Mẹ chỉ nói với chúng tôi: "Các con phải ngoan và cầu nguyện nhiều cho bố, bố và các bạn tù của bố khổ lắm" Chúng tôi thấy mẹ xầm xì, to nhỏ kể với các bà, các bác, rồi ai nấy buồn thiu, mẹ và mấy bà thì xụt xùi lau nước mắt - Khi đã lớn tôi mới được nghe kể những cảnh các người tù bị hành hạ thể xác, lao động khổ sai mà khoai sắn cũng không có mà ăn, bị đày đọa bất kể ngày đêm, ai chẳng may đau ốm, chỉ trông vào phần số, chứ không mong gì được chữa chạy - Đầu óc non nớt của tôi lúc đó, chưa nghĩ ra được, đó là sách lược của nhà cầm quyền CS, muốn giết lần, giết mòn những người đã sống trong chế độ tự do của miền Nam trước đây, mà chỉ thắc mắc rằng, tại sao trên đời này lại có những người độc ác như thế, đấy là tính ác độc của loài vật chứ không phải loài người.

       Biết bố và các bạn bị đối xử tàn ác như vậy, mẹ lo lắm và luôn luôn giành mọi ưu tiên cho bố, từ ký đường đến viên thuốc, hễ có tiền là mẹ cứ sắm sẵn để dành, chờ khi đi thăm nuôi - Chuyện thăm nuôi của gia đình tôi cũng có nhiều kỷ niệm khó quên. Trước khi thăm cả hai, ba tháng, mẹ thường tính toán xem sẽ cho đứa nào đi - hai người anh lớn của tôi chỉ được thăm mỗi một lần đầu, còn những năm về sau, không bao giờ có tên trong "danh sách", vì phải ở nhà lo công việc. Người chị kế tôi bao giờ cũng được 'đề cử' đầu tiên, tôi là thứ hai và chị lớn ưu tiên ba - Vậy mà lần nào cũng thế, khi nhận được giấy cho phép thăm, mẹ ngồi bàn soạn với hai bà: "con út còn nhỏ quá, đi bộ nhiều không được, con kế hay bị say xe, rồi lại nằm vạ, nằm vật ai lo cho nó - Thôi ! cho con lớn đi, lúc phải đi bộ, nó có thể tự đi được, rồi lại mang giúp đồ cho mẹ nữa",  Vậy là tôi và chị kế lần nào cũng bị lọt sổ, bà chị lớn "trúng tuyển" - Sau này mỗi khi nghe hứa cho đi thăm bố, chúng tôi không nôn nóng nữa, chị em bảo nhau: "Chừng nào gặp bố mới chắc là được đi"- Có một lần thăm, mẹ tôi còn nhắc hoài đến bây giờ, nhắc mà buồn lắm ! ....Hồi đó, có người được về, đến nhà báo tin bố ở trong tù bị đau nhiều, thỉnh thoảng bị xỉu vì tim đập không đều, mẹ hoảng quá, đang tính toán tom góp tiền bạc để đi thăm thì ông bà ngoại gọi xuống ...cho tiền.  Yên tâm được vấn đề tiền bạc mẹ lại lo không biết đến nơi bị giam, bố còn sống hay chết, nếu chẳng may bố không còn thì mẹ phải xoay sở làm sao - Mẹ xin ông bà ngoại cho cậu Út đi theo, đồng thời mẹ cũng lo mọi phí tổn mời bác, anh của bố cùng đi, để yểm trợ tinh thần - chuyến đi có đủ hai bên nội, ngoại và cũng vẫn là bà chị lớn của tôi được tháp tùng - Hơn tuần sau trở về mọi người đều vui vẻ, vì bố vẫn còn sống, dù rất yếu. Sở dĩ chuyến đi đó bây giờ còn được nhắc đến và buồn nhiều, vì không còn trọn vẹn. Trong số những người đi thăm hồi đó, cậu Út của tôi đã qua đời năm ngoái ở tuổi 43. Mẹ tôi rất tội nghiệp cho cậu, mất khi còn trẻ .Tình cảm của mẹ tôi là như vậy, luôn ân cần, chu đáo với tất cả thân thuộc, bằng hữu.

       Sau chuyến thăm này, bà chị lớn của tôi không còn vui vẻ như bình thường, mà lúc nào nét mặt cũng buồn buồn. Chị kể với chúng tôi, bằng một giọng rất xót xa: "Yến Phương thấy ba, bốn ông tù quàng giây vào vai, kéo cầy thay trâu, một ông "lái" cái cầy đi ở đằng sau - chắc bố nhà mình cũng phải làm như vậy nhỉ?".

       Ôi! Thảm thương cho các vị cha, bác của tôi, những tù nhân của chế độ cộng sản - Khốn khổ cho cả dân Việt của tôi, phải sống dưới chế độ cộng sản - Đau đớn biết bao cho tổ tiên khi nhìn thấy cảnh một số con dân của các ngài, vì bán linh hồn cho loài quỷ đỏ mà hành hạ, chà đạp, giết hại đồng bào.

       Viết đến đây, tôi không thể nào không nói ra một vài suy nghĩ của cá nhân tôi.  Đó là: Chúng ta chẳng may gặp phải giai đoạn đen tối nhất của đất nước, những kẻ gây nên thảm trạng này là người Việt, và nạn nhân lại chính là toàn dân Việt, đã bị đày đọa đến tận cùng của sự dã man, đê tiện và bị tước đoạt mọi quyền tự do của con người.  Mỗi người, mỗi cách, ai ai cũng ít nhiều là nạn nhân của bọn cộng sản cả - Xin đừng quên - xin đừng quên - Và cũng xin thưa với các vị tiền bối, đã từng nhiều lần lên tiếng chê trách những người còn nhắc đến tội ác cộng sản, còn chống cộng sản, là những người không thức thời, không biết quên quá khứ, không có lòng xây dựng đất nước, chỉ nhắc lại những điều xưa cũ, nhàm chán v...v....

       Vâng!  Quý vị nói sao cũng được.  Nhưng có những việc cần phải nhớ, cần phải nhắc, những điều đáng phải "truyền tử, lưu tôn" chứ không phải nhắc sơ sài đâu - Đó là những tội ác của bọn cộng sản và những công ơn của các chiến sĩ VNCH, mà trong đó chính quý vị cũng đã từng thụ hưởng - Riêng với tôi, hôm nay, tôi chỉ muốn nhắc đến công ơn của những người vợ, người mẹ đã kinh qua giai đoạn khủng khiếp nhất trong lịch sử Việt Nam - Những bà mẹ của chúng tôi không đao to, búa lớn - không cầu kỳ, hoa mỹ - không giả nghĩa, giả nhân - Các mẹ một lòng chân chất cùng chồng, cùng con, âm thầm, nhẫn nhục mà không hèn kém, không bợ đỡ kẻ thù.

       Mẹ ơi! con - chúng con xin tạ ơn mẹ - tạ ơn các mẹ, những bà mẹ Việt Nam kiên cường, không khuất phục trước bạo lực - Tuy các mẹ không lập những chiến công hiển hách như Bà Trưng, Bà Triệu, nhưng giòng máu Trưng, Triệu không hề thiếu trong huyết quản các Mẹ - Chúng con hãnh diện đã được mẹ cưu mang, hãnh diện được làm con của Mẹ - Vậy mà cho đến bây giờ, cũng có khi chúng con vẫn làm mẹ phải buồn lòng - Xin tạ lỗi cùng mẹ - Ngày tháng chồng chất, bố mẹ ngày càng già, chúng con càng trưởng thành, sự suy nghĩ cũng chín chắn hơn - Chúng con xin hứa với bố mẹ, dù bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con sẽ chỉ là nguồn vui cho bố mẹ - Xin Chúa ban cho bố mẹ luôn an bình, trường thọ.

Kỷ niệm Sinh nhật thứ 30 của Cún - Noel 2004
Nguyễn Thụy Giáng Sinh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét