A20 Vũ Ánh
Tôi không phải là người đầu tiên được Hải bầu báo tin cho biết người bạn đời của anh đã ra người thiên cổ ở tuổi 60. Cái tật ít nghe lời nhắn trên cell khiến tôi chùng xuống vì ân hận khi vào sáng tinh mơ, Phạm Đức Nhì ở Galveston gọi cho tôi báo hung tin. Tôi không gọi cho Hải bầu, vì tôi biết trong giờ phút ấy, những lời an ủi chẳng có tác dụng gì giữa cái mất mát to lớn của người bạn tù thân thiết của mình. Hải làm ở gần tòa soạn tôi, thỉnh thoảng anh em gặp nhau để bàn về chuyện tổ chức gặp mặt vào Tháng Bẩy này. Tôi biết hoàn cảnh của Hải bầu rất khó khăn, tôi lại không giầu có gì, nhưng không hiểu sao vào giây phút khẩn cấp ấy tôi nghĩ những anh em nào đã chia nhau từng miếng khoai hà, từng chén canh đại dương, canh giây thép gai, mắm đã có giòi trong những bữa cơm tù, từng nhìn thấy cảnh một bi thuốc lào mà bốn năm đứa chuyền tay nhau kéo, từng vá cho nhau những miếng vá trên các bộ quân phục đã bắt đầu mục rách… có thể giúp tìm ra một giải pháp.
Đọc thư của Út Khiết viết từ Việt Nam mà nước mắt tôi cứ tuôn ra. Anh em ngày xưa đói khổ như thế, một viên thuốc kiết lỵ là một thỏi vàng mà chúng ta còn dám cho những đồng đội không may của mình trong tù, chúng ta dù thân thể như những cái xác ve biết đi thời người Do Thái bị Đức Quốc Xã lưu đày trước khi vào lò thiêu xác, mà mắt chúng ta còn rực lửa, tay còn nắm chặt những cán quốc và nói thẳng với mấy tên súng dài súng ngắn khi quản giáo nhất định đòi “Quách” Tĩnh (Đại úy Tĩnh) phải quì xuống để chúng đánh: “Cán bộ đánh bạn tôi, chúng tôi sẽ bổ những cái quốc này lên đầu cán bộ cho dù chúng tôi phải hy sinh”. Chính những đôi mắt rực lửa đó đã làm cho tên quản giáo chùn bước thì lẽ nào ngày nay chúng ta lại lặng lẽ đứng nhìn bạn mình, đồng đội mình chìm đắm trong những khó khăn để đến nỗi không thể cử hành tang lễ cho người bạn đời của anh một cách đàng hoàng? Chị là người đã dám “lãnh” Hải bầu trong giai đoạn Bầu khốn cùng nhất, chịu đựng cái tính “xe tăng” của Hải một thời gian dài sau lần bị bắt thứ hai ở Saigon năm 1987. Vâng “cậu” chơi bạo nhưng vợ lại phải khăn gói đi thăm tù cải tạo. Sau khi định cư muộn màng ở Hoa Kỳ, chị lại chịu đựng, chia sẻ cuộc sống vất vả khó khăn của chồng trong khi mầm bệnh đang tàn phá dần cơ thể của mình.
Tôi thảo thư gởi các đồng đội từng chia sẻ với tôi trong bao gian lao ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước về chuyện giúp Hải “bầu”. Tội nghiệp Út Khiết, cậu em nhỏ tuổi nhất trong số chúng tôi còn sinh sống ở Việt Nam cứ bấn loạn lên. Khiết gởi thư kêu gào đi khắp nơi từ Úc Châu, Pháp cho đến các ông anh, bạn bè với Khiết từng qua cổng trại A-20 đang ở Hoa Kỳ. Nó gõ kẻng, báo động, bấm chuông. Nhờ Út Khiết, dù chúng tôi chưa hề bao giờ tập họp thành một hội đoàn tương trợ, Phạm Kim Minh ở San Jose cũng đã trở thành chính tinh thần tương trợ của tất cả những anh em nào ở A-20 còn giữ lại tấm lòng với nhau, còn nghĩ tới những năm tháng đen tối ở cái thung lũng của thần chết cách biệt hẳn với xã hội chung quanh và bên ngoài. Phạm Kim Minh trở thành “văn phòng trung ương” cho chiến dịch tương trợ Hải “bầu”. Hải bị kiệt quệ hoàn toàn về tài chánh sau thời gian dài vợ bị bệnh nên cần huy động tiền bằng phương tiện nhanh nhất để chi phí cho tang lễ, Minh đã là “ngân hàng ứng trước” cho những bạn chưa kịp gởi. Từ Úc châu, Khải đứng ra làm đầu tầu và chỉ trong chưa đầy 2 ngày, tương trợ đã đến tay Hải bầu.
Dù vậy, mãi cho đến khi Tám “chùa” đại diện anh em Bắc California mang cái bị từ San Jose xuống gặp nhau ở Chùa Bát Nhã, anh em mới hết căng thẳng. Chùa Bát Nhã đã mở rộng cánh cửa đối với gia đình Hải bầu, vị trụ trì, các ni, sư , anh em Gia Đình Phật Tử trong chùa đều hết sức tận tình. Rồi những đồng nghiệp của Hải, chủ nhân và nhân viên cơ sở nơi Hải bầu làm việc cũng hết sức chia sẻ với anh những khó khăn. A-20 Nguyễn Đại Thuật mãi bên Tây cũng đã bảo cậu con nuôi của anh, cháu Hải đến giúp đỡ Hải “bầu”. Cháu đã tận tình túc trực ngày đêm để Hải bầu nhờ công việc.
Còn về phần các bạn A-20 Xuân Phước, thực tình tôi không còn tìm nổi một chữ nào nữa để mô tả cảm hứng, niềm tin của tôi vào tình đồng đội trong chốn lao tù Cộng Sản mà chúng ta đã từng biểu lộ cách đây gần 40 năm rồi mà vẫn còn giữ được. Nó vẫn như thế, keo sơn, nhân ái, dựa lưng vào nhau mà chiến đấu trong một cuộc chiến khác. Tôi cho rằng anh em chúng ta chắc không ai quên được Bùi Đạt Trung cựu sĩ quan Biệt Động Quân, cái anh chàng vào những lúc đói khổ nhất trong A-20 vẫn điển trai, nghênh ngang, đối đáp “chỉa” mấy chèo vàng tỉnh bơ, nhiều lúc tưởng chúng nó bắn “chàng” rồi. Trung “điên” hả? Đúng. Nhiều lúc tưởng nó điên thật nhưng anh em hãnh diện vì cái điên của hắn, cái điên bảo toàn được nhân cách. Tôi cho rằng, trong hoàn ảnh đặc biệt của A-20 giữ được nhân cách là chiến thắng, phải không các bạn? Nhưng các bạn không thể ngờ được, nếu bạn nào từng đọc những e-mail “cần phải đề phòng người khác coi mình” và những e-mail tếu của Trung sẽ thấy lần này Trung “điên” không “điên”. Trung viết một bài rất hay, cảm động và đầy ý nghĩa đã được post lên trại trừng giới. Các bạn cần phải coi. Trung “điên” đã cho mọi người chúng ta thấy một cái mẫu mực về tinh thần tương trợ mà các cựu tù cải tạo A-20 nêu cao trong suốt thời gian lưu đầy. Tôi nghĩ bài viết của Trung “điên” là một thông điệp đầy đủ mà anh em chúng ta muốn gởi cho nhau và mỗi người cũng cần đọc.
Lễ hỏa táng vợ Hải bầu như thế là được coi như tốt đẹp. Các anh em ở Nam Cali như Tám chùa, Hai néo, Giang Văn Hai, Đại “gấu”, Trình “mễ”, Vũ Lộ, Hải “cà”, Tống Phước Hiến+ vợ, Nguyễn Văn Học+vợ, Vũ Ánh+vợ, anh cả Nhan Hữu Hậu…đã mạn phép đại diện cho các anh em cựu tù cải tạo A-20 ở Úc, Pháp, Việt Nam, “4 Vùng Chiến Thuật” (các tiểu bang) ở Hoa Kỳ viếng thăm và tiễn đưa vợ Hải “bầu”. Trước đó một ngày, vào buổi chiều chị Bình có chở Đoàn Bá Phụ đến chùa Bát Nhã để viếng linh cữu vợ Hải bầu, nhưng Phụ đi đứng khó khăn lắm rồi nên chỉ có chị Bình vào. Hải bầu ra xe chào Đoàn Bá Phụ và nói chuyện ở ngoài xe. Theo như lời Hải “bầu”, sức khỏe Đoàn Bá Phụ xuống thấp lắm.
Thật ra, đám tang nào cũng là một điều buồn cho tang chủ, nhưng anh em A-20 đã được một “benefit” từ chị Phú. Chị nằm xuống rồi mà vẫn còn giúp cho anh em chúng tôi gặp lại nhau trong tang lễ, gặp lại nhau trong chiến dịch tương trợ, nhắc nhở nhau duy trì tinh thần đồng đội bất diệt của 40 năm trước. Riêng Nam Cali được thêm một benefit khác, đó là sau tang lễ, vợ chồng Vũ Lộ mời tất cả mọi người đến nhà anh vào buổi tối thưởng thức món giả cầy chính hiệu kiểu Bắc Kỳ do vợ anh chế biến. Ngoài ra còn gà đi bộ luộc, nghêu xào xúc bánh tráng và cháo gà.
Trong bữa ăn, Đại “gấu đã “than phiền” Trung “điên” đã viết Đại “gấu” có khuôn mặt “ngầu” nhưng là “ngầu pín”. Anh cười và nói: “Nó viết ngầu là được rồi, lại còn thêm chữ pín vô làm gì”. Mọi người cười rộ lên. (VA)
A20 Vũ Ánh
A20 Vũ Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét