18/7/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 3



Chương Ba

Chính sách học tập cải tạo ban hành cho binh sĩ và nhân viên chính quyền từ Chủ sự trở xuống là ba ngày, tổ chức ngay tại mỗi Phường, sau bài học học viên viết lý lịch, làm thu hoạch được cấp giấy chứng nhận học tập đóng dấu chữ ký của Cao Đăng Chiếm, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ đặc trách miền Nam.

Nhiều người thở phào như trút được gánh nặng nghìn cân. Nhân viên, binh sĩ học tập xong thoải mái đã đành. Sĩ quan và các cấp chỉ huy cũng cảm thấy nhẹ gánh. “Cách mạng” đối với lính như vậy thì sĩ quan có thể cần học tập nhiều hơn, gấp 10 lần cũng không sao.

Do đó, khi thông báo học tập 1 tháng cho cấp chỉ huy từ Giám đốc trở lên đối với nhân viên trung ương và từ Phó quận trưởng, Trưởng ty các cấp chỉ huy địa phương, quân nhân từ cấp Tá trở lên, mọi người đều đi trình diện đông đủ. Sau đợt cấp Tá 1 tháng, tiếp theo sĩ quan cấp Úy, thời gian học tập là 10 ngày.

Thật là nhịp nhàng, hợp lý; Lính 3 ngày, Úy 10 ngày, Tá và Tướng 1 tháng. Thật là “nhân đạo đúng chính sách hòa hợp hòa giải, theo qui định của Hiệp Định Paris không trả thù”.




Người đi trình diện học tập ở các trường học, mang theo ít vật dụng tối cần thiết và số tiền ăn một tháng là 13 ngàn đồng. Mọi chi tiết đều thật hợp lý hợp tình. Có anh em sợ 13 ngàn không đủ vì theo vật giá hồi đó, nhưng theo thời buổi cách mạng ăn uống phải kham khổ. Vợ thương chồng bảo đem thêm tiền lỡ có cần chi thêm, chồng gạt đi, cần phải tiện tặn nuôi con, đã hơn một tháng không có lương.

Thông báo qui định ngày trình diện là 14-15-16 tháng 6. Tôi đã có ý định không đi trình diện nhưng tôi chưa nói ý định của tôi với gia đình.

Sáng dậy chuẩn bị áo quần, ít lương thực cần thiết chào cả nhà ra đi. Ba tôi tiễn tôi ra đến cửa - ông đứng không vững, phải tựa người vào cửa sắt. Vợ tôi đi theo tiễn ra đến địa điểm trình diện.

Lề đường Phan Thanh Giản hai bên trước trường Gia Long đều đông người, cả người đi trình diện lẫn thân nhân đi tiễn. Ai nấy đều không quan tâm tới nhau nên chỉ đưa tay chào lấy lệ. Khoảng 8 giờ một người bộ đội trong trường bước ra - bảo xuống địa điểm trường Trưng Vương. Địa điểm Trưng Vương đã làm việc khi tôi tới nơi. Người bộ đội đứng tuổi ngồi sau bàn đặt trên lề đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phía sở thú. Tấm bảng đen để bên cạnh trên ghi các chi tiết ấn định thành phần đi học tập từ Phó Quận trưởng đến Tổng Thống, Ty trưởng đến Bộ trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ các cấp. Vòng kẽm gai kéo giăng ngang đường qua đến bờ rào trụ sở Hội Đồng Bình Định Phát Triển Trung Ương cũ. Một người lính Việt Cộng trẻ cầm khẩu AK ngồi trên ghế đẩu nhìn bâng quơ, không dấu được vẻ lúng túng trước đám đông. Những người đi trình diện sắp hàng kéo dài đến cuối ngã ba Thống Nhất-Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuần tự từng người một, bước đến khai qua chức vụ để vào học tập. Thân nhân họ đứng hai bên đường. Kẻ tiễn người đi đều lo âu, họ nhìn nhau hơn là nói chuyện. Nhiều cặp vợ chồng trẻ quyến luyến tay trong tay đứng bên lề, người chồng chưa dứt khoát ngồi xếp vào hàng.

Tôi xách túi áo quần đến ngồi dựa vào gốc me ngay cổng vào Sở Thú, vợ tôi đứng liền bên cạnh. Trời tháng 6 Saigon vẫn âm u, hơn 9 giờ sáng hơi gió còn lành lạnh, tôi có cảm tưởng từ 30-4-1975 trời buồn không có hôm nào trong sáng.

Không khí yên lặng nên nghe rõ mồn một lời đối đáp tại bàn đăng ký vào trường.

- Anh làm chức vụ gì?

- Dạ tôi là Giám đốc.

- Đi vào.

- Anh làm gì?

- Dạ tôi là Dân biểu.

- Đi vào.

- Anh làm gì?

- Tôi là Tổng trưởng.

- Tổng trưởng là gì? Có như Chánh tổng không, anh không thuộc diện học tập.

Ngần ngừ một lúc, người trình diện như nhớ ra điều gì quan trọng.

- Dạ Tổng trưởng như là Bộ trưởng ạ.

- Như Bộ trưởng à, anh làm lớn thế, đi vào.

- Anh làm gì?

- Dạ Tổng thư ký.

- Tổng thư ký à, nhìn vào bảng thông cáo, Tổng thư ký không thuộc diện học tập - đi về.

- Dạ Tổng thư ký cũng là chức vụ chỉ huy ạ.

- Anh chỉ huy hả, anh chỉ huy bao nhiêu thư ký?

- Dạ ở Bộ tôi hơn 1.000 thư ký, tôi chỉ huy cả nhiều Giám đốc nữa.

- Vậy đi vào; lẩm bẩm sao Tổng thư ký không có trong thông cáo nhỉ?

- Anh làm gì?

- Dạ Chánh sự vụ.

- Chánh cái gì hả? Không thuộc diện học tập.

- Dạ trước kia tôi có làm Quận trưởng và Phó Tỉnh trưởng.

- Quận trưởng à, thì vào.

- Anh làm gì?

- Phó Thị trưởng.

- Phó Thị trưởng là gì? Không thuộc diện học tập.

Sợ mất cơ hội người trình diện nói nhanh:

- Dạ tôi cũng đã làm Phó Quận trưởng trước khi làm Phó Thị trưởng ạ.

- Phó Quận hả, vào.

Người được vào lách nhanh qua cửa, chân nhảy tung tăng cho kịp người đi trước và như sợ không được nhận vào học.

Một chiếc xe đậu lại bên lề trái đường Thống Nhất. Một người trung niên cao dong dỏng bước xuống xe, nhìn quanh thấy bạn, ông ta đưa cuốn sách trên tay nói lớn với bạn: “Bây giờ moa học món này là hợp thời”. Người bạn của ông bắt tay cười héo hắt, không vui. Tôi nhìn lại đó là ông Phạm Minh Dưỡng, Thứ trưởng Bộ Kinh Tế đặc trách Công Kỹ Nghệ và cuốn sách trong tay ông là cuốn chữ Hán, tôi đọc được là “Quốc Ngữ Hội Thoại”. Ông Dưỡng học tiếng Bắc Kinh, trước kia ông học ở Pháp, có vợ đầm, chắc Pháp và Anh Văn đã giỏi, và cũng đã qua rồi cái thời Pháp và Mỹ ảnh hưởng ở Việt Nam, bây giờ ông thấy học tiếng Bắc Kinh là hợp thời. Đúng là người trí thức biết lo xa. Thật chua xót, thân phận nước nhược tiểu, người trí thức thức thời là người biết nắm thời cơ, cơ hội tốt đẹp nhất là những đường dây ảnh hưởng của cường quốc. Đau thật.

Việc trình diện và nhận người tiếp tục:

- Anh làm gì?

- Dạ tôi Quốc vụ khanh.

- Quốc vụ khanh là gì?

- Dạ Quốc vụ khanh như là Tổng trưởng.

- Anh vào đi. Ngụy quyền các anh nhiều chức vụ rắc rối quá.

Tôi thấy ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng phái đoàn hòa đàm La Celle Saint Cloud, mới được bổ chức vụ Quốc vụ khanh trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn và mới được Tổng Thống Trần Văn Hương triệu hồi để tham khảo.

Tôi nói với vợ tôi: “Em trông ông Nguyễn Xuân Phong mới ở Paris về mà đi học tập, anh đâu có oan gì”. Vợ tôi không đáp lại câu nói của tôi. Tôi biết nàng đang buồn và thầm trách tôi không quyết định ra đi trước 30-4-1975. Từ khi tôi nói với nàng tôi học tập ít ra là 5 năm mới có thể về, 5 năm thời gian suy đoán tôi cho là lâu lắm và nghĩ có thể chịu đựng được. Vợ tôi nghe và khóc, từ đó nàng không nói gì. Tối hôm qua khi nói đến 5 năm, thằng con trai tôi 7 tuổi đã ôm chầm lấy tôi mà khóc: “Ba đi học tập 5 năm hả ba?” Tôi thấy ruột quặn đau ...

Một chiếc xe nhà đỗ lại, bốn năm người bước xuống, tôi nhìn ra là những Dân biểu có tiếng thuộc khối Độc Lập - những Dân biểu mà trước đây tôi rất tôn trọng; là nhân viên chính quyền nhưng tôi ghét các Dân biểu gia nô, biểu gì nghe nấy, biểu quyết lấy tiền; tôi thích những Dân biểu đối lập đúng đắn, vì có đối lập mới có dân chủ, nhưng phần lớn những người đối lập cũng không có tư cách gì hơn những gia nô, họ chống đối bừa bãi, cũng chỉ là gia nô cho một khuynh hướng chính trị khác, hoặc tôn giáo để mong kiếm phiếu bầu vào kỳ sau.

Nhưng bốn người Dân biểu đối lập trước mặt tôi là những người đối lập đúng đắn. Ông Tr. V. T. hướng dẫn bốn người đến bàn trình diện, ông nói:

- Chúng tôi là những Dân biểu đối lập chính quyền Thiệu, chúng tôi xin vào học tập trước.

Giọng nói người sĩ quan Việt Cộng rất rõ:

- Anh đối lập hả, miền Nam không thằng nào đối lập với thằng Thiệu bằng thằng Kỳ, mà thằng Kỳ đâu có yêu nước. Các anh tranh quyền với nhau, heo trắng, heo đen cũng là heo thôi.

Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, tôi như chợt nóng lên rồi lạnh đi vì xấu hổ. Vừa buồn cho những người mình kính trọng mà có lời nói hớ hênh để thằng Việt Cộng mất dạy nó xỉ vả.

Một toán người đi bộ thành hàng từ hướng Thống Nhất đi lại. Tôi nhìn ra vài người bạn làm Bộ Xã Hội cũ.

- Chúng tôi là nhân viên Bộ Xã Hội, có giấy của bà Bộ trưởng Dương Quỳnh Hoa giới thiệu xin vào học tập trước.

Người bộ đội nhận giấy kiểm điểm nhân số và mọi người tuần tự đi vào.

Tôi buột miệng:

- Đ.M. đi tù mà cũng tranh giành, xin xỏ, ưu tiên.

Anh bạn ngồi trong hàng ngước lên nhìn tôi không nói. Tôi ngượng vì tính nóng và lời chửi tục của mình.

Mọi người tiếp tục đi vào. Mặt trời đã ngang đỉnh đầu, tôi thấy buồn ngủ, dặn vợ tôi trông túi, tôi ngủ một tí. Tôi kéo sập chiếc nón trên đầu xuống thấp để che ánh sáng, dựa lưng vào gốc me nhắm mắt ngủ. Trước khi tôi ngủ, tôi chợt ao ước tất cả chỉ là giấc mộng, giấc mộng Nam Kha. Đúng, tôi cũng làm việc đúng 10 năm như thời gian của điển tích, tại sao đây không phải là giấc mộng, ngủ dậy thấy mình vẫn là học sinh thời trung học, khoảng thời gian vui sướng nhất trong đời tôi là thời gian tôi học trung học ở trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng.

Tôi tỉnh giấc khoảng sau 15 phút ngủ. Tất cả là thực, không phải là mộng. Nhìn lại Ngô Đình Nhung và Phạm Bá Thắng, hai người bạn cũ đã vào trong trường Trưng Vương. Tôi đứng lên nói với vợ tôi đi về. Vợ tôi trố mắt ngạc nhiên nhưng không nói gì.

Đi bộ ra ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hùng Vương, tôi dặn vợ tôi về nhà như là tôi đã đi học tập rồi - nói với ba tôi biết là tôi không đi. Tôi dặn nàng ngày mai lên nhà người em họ tôi khu Trương Minh Giảng để tôi sắp xếp việc nhà.

Tổ chức học tập xem như hợp lý, thời gian 3 ngày, 10 ngày, 30 ngày tùy theo cấp bậc, thực ra cũng là chỉ đánh lừa được một số người. Trong tình trạng hoang mang nửa tin nửa ngờ, người ta thường sợ những bất hạnh không dám nghĩ tới, cố tin vào những giải pháp ít xấu hơn cho mình. Sự việc Việt Cộng di chuyển ngay những người trình diện ra khỏi các trường học làm cho gia đình có thân nhân rúng động, người ta cũng đoán được là phải đi cải tạo lâu dài. Những người ở miền Bắc vào đã cho thân nhân của họ biết là sĩ quan từ cấp Tá trở lên khó hy vọng ngày về.

Nhưng rồi thông cáo 10 ngày học tập các sĩ quan cấp Úy cũng đi trình diện, dù không tin, mọi người không biết mình làm gì khác lúc đó.

Sau khi đã tập trung các cấp chỉ huy của chính quyền và quân đội, các ban tiếp quản các bộ phủ tổ chức học tập ngắn ngày cho tất cả nhân viên cấp dưới.

Sau nhiều lần bác khước, tôi cũng được nhận vào lớp học tập ở Bộ Nội Vụ nhờ chứng minh cái nghị định cuối cùng bổ nhiệm tôi là chuyên viên đặc nhiệm, tức là không có chỉ huy ai. Tôi phải có một cái giấy chứng nhận học tập cải tạo để có thể thay đổi chỗ ở và đi lại, vì tất cả giấy tờ của tôi đều bị thu giữ sau khi trình diện lần đầu tiên ngày 4-5-1975.

Đề tài vẫn là “Đế Quốc Mỹ và bè lũ tay sai gồm bọn tư sản mại bản, bọn phong kiến áp bức, bọn quan liêu quân phiệt là kẻ thù của dân tộc ta”.

Thuyết trình viên là bộ đội người miền Nam tập kết, trạc 50 tuổi, hắn giới thiệu cấp bậc Thượng tá, thành viên phái đoàn quân sự của Mặt Trận Giải Phóng trong ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên ở Camp Davis.

Trước khi vào bàn, hắn dài dòng về những phiên họp mà hắn có dự tại trại Davis, lời lẽ, điệu bộ, vẻ mặt hiu hiu biểu lộ sự đắc chí tự hào. Nội dung đề tài viết sẵn không thay đổi, cũng đầy các khẩu hiệu thời đại Hồ Chí Minh anh hùng, đỉnh cao trí tuệ loài người, cái nôi văn minh nhân loại... Chỉ có thêm là hắn kể một anh dân Cuba nào đó ước mơ ngủ dậy trở thành người Việt Nam. Rồi đến màn khóc “Bác Hồ”, hắn khóc tức tưởi, sụt sịt cả nước mắt lẫn nước mũi. Người nghe hơn một lần nhìn thấy cảnh đó nên không ai xúc động.

Khóc xong hắn kể lại hôm ướp xác “Bác Hồ”. Hắn nói: “Trong hội trường Ba Đình nơi quàn xác Bác ai cũng khóc, đồng chí Lê Duẩn khóc, đồng chí Trường Chinh khóc, đồng chí Phạm Văn Đồng khóc... tất cả các đồng chí lãnh đạo đều khóc, chúng tôi đại diện các đơn vị về dự đám táng ai cũng khóc. Bên ngoài dân chúng Hà Nội và các tỉnh đứng dài đến 3km5, tất cả đều khóc. Thủ tục ướp xác phải mổ bụng Bác, mà không ai làm được, các bác sĩ khi cầm dao mổ thì khóc rất lâu rồi xin chịu tội, thà nhận khuyết điểm chứ không ai nỡ cầm dao đâm vào thi thể Bác. Đồng chí Lê Duẩn phải động viên từng đồng chí bác sĩ, nói đó là nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, nhưng các bác sĩ đều khóc và không làm được. Mãi đến đồng chí bác sĩ thứ 139 mới lấy hết can đảm đâm một dao vào bụng Bác, lưỡi dao mổ vừa xuyên qua bụng thì đồng chí bác sĩ đó ngất xỉu luôn vì xúc động và cảm thấy mình có tội với Bác...”. Kể xong hắn khóc một hồi nữa mới vào đề tài.
Hai ngày sau khi thảo luận từng nhóm, sau đó mỗi học viên phải trình bày tội lỗi của mình cũng như tố cáo tội ác của Mỹ và bè lũ tay sai, ngày thứ ba viết lý lịch, kiểm điểm nhận tội với nhân dân và cách mạng.

Tự nhận đứng trong hàng ngũ “ngụy quyền” làm việc tích cực là có lỗi với cách mạng và nhân dân, phát biểu xong tôi cảm thấy quá xấu hổ, nhưng không làm gì khác hơn được.

Nhận tờ giấy chứng nhận cải tạo ba ngày tạm thời yên thân lo chuyển chỗ ở. Qua mười ngày học tập sĩ quan cấp Úy không ai về, mà gia đình không biết thân nhân bị giam ở đâu. Saigon như phủ khăn tang, không những gia đình có người đi cải tạo buồn mà người dân bình thường không can hệ đến chính quyền cũ cũng buồn. Các chị có chồng đi học tập kéo nhau đến các trường để nghe ngóng, trường sở vắng tanh, chỉ một người bộ đội lăm lăm khẩu AK sau vòng kẽm gai. Đâu đâu cũng nghe bàn tán xù xì với nhau - kẻ nói đưa tù đi Côn Sơn, người nói đưa ra Hà Nội, rừng Trường Sơn, tất cả chỉ là đoán mò vì trong tháng đầu chưa có ai nhận được thư của thân nhân gởi về. Các chị hẹn nhau ở chợ Bến Thành kéo đi biểu tình đòi thân nhân, các chị kéo đến Ủy Ban Quân Quản đóng ở Tòa Đô Chính cũ, mới ra khỏi chợ tới trước rạp Vĩnh Lợi đã bị xe xịt nước giải tán, mấy chị dẫn đầu bị bắt lên xe công an đưa đi mất dạng.

Ngày 20 tháng 7 năm 1975, giáo dân Bùi Phát kéo ra đường biểu tình đòi thi hành Hiệp Định Paris bị đàn áp bằng B.40, nhiều người bị bắn chết. Mặt nổi dân Saigon chỉ nhóm lên những phản ứng như vậy rồi tắt, nhưng bên trong âm thầm nhiều hình thức chống đối bắt đầu hình thành. Tiêu cực là những tin đồn đãi, sấm ký; tích cực bằng hình thức ám sát cán bộ, bộ đội lẻ tẻ. Khởi đầu những trường hợp bắt bớ, nhiều nhà tù mới dựng lên vì các trại giam cũ không còn chỗ nhốt người.

Mẹ Việt Nam suốt đời thương xót mong ngóng những đứa con đi xa - Cụ Lợi là người Huế, đã ngoài 80 tuổi, trước năm 1975 cụ sống với gia đình người con trai là Đại-tá Biệt Động Quân với những cháu nội cũng là những sĩ quan cấp Úy, ngưòi con cả của cụ là một giám đốc cảnh sát. Ai cũng bảo cụ sướng, con cháu thàng công hạnh phúc một nhà, nhưng cụ vẫn buồn, vẫn như ngóng trông một hình ảnh nào đó, càng về già cái chết gần kề, cụ càng buồn. Ngày “giải phóng” cụ lanh lợi hoạt bát trở lại, cụ ra vào ngóng trông, cái ngóng trông bồn chồn, không như sự mong ngóng bâng quơ như trước. Rồi mọi người trong cư xá mới biết nguyên do,  hai người con trai của cụ từ miền Bắc vào tiếp thu Saigon, một người là Cục Trưởng, một người là Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn. Ai cũng bảo cụ Lợi có phước, thời buổi nào cũng có con làm lớn trong chánh quyền.

Nỗi vui không bao lâu thì cụ buồn trở lại, lần này cụ buồn rũ rượi, hai con và ba đứa cháu của cụ đi trình diện học tập, cụ nghe nói họ đi 10 ngày hoặc một tháng sẽ trở về, một tháng trôi qua, con cháu cả thẩy 5 người không ai về. Không phải lần đầu xa con nhưng lần này cụ linh cảm điều gì hay là cụ nghĩ cụ đã quá già già, e rằng ngày nằm xuống không đủ mặt con cháu.

Cụ nhắc nhở hai người con cách mạng làm bảo lãnh cho anh cho cháu, con trai cụ cứ ậm ờ hứa hẹn.

Qua một tháng theo thông cáo, con cháu cụ không ai về, cụ vừa buồn vừa tức, thời buổi chi con người gian dối, làm vua làm quan cha mẹ dân, cần phải giữ chữ tín để dân tin cậy, đằng này chỉ lừa gạt. Đời cụ hơn 80 tuổi, đã sống trải qua nhiều thời kỳ đổi thay của lịch sử cũng như trong gia đình cụ. Cụ Lợi ông trước làm đến lãnh binh, cụ ông mất sớm để lại cho cụ 4 người con trai lúc cụ chưa đến 30 tuổi. Một bàn tay tảo tần với vài mẫu ruộng Vua ban và một cái vườn trồng cây ăn trái trong nội thành Huế, cụ đã ở vậy nuôi con - đứa nào cũng thành danh, nói không phụ, một phần nhờ người con cả đã sớm thi đậu đi làm để phụ giúp cụ nuôi dạy các em . Cụ không được đi học nhưng cụ dạy các con những điều cụ đã được dạy: Trung hiếu, tiết, nghĩa, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, những điều gia giáo cụ nhớ đến đâu nói đến đó để rèn dạy các con.

Gặp người con Thiếu tướng về thăm, cụ hỏi: “Sao con không lãnh hai anh con về để mẹ trông, không biết mẹ chết hôm mai thế nào đây, thời gian hứa hẹn một tháng qua rồi, chính quyền gì mà lạ, cái chính quyền mà dối dân e không có bền đâu”.

Dường như mỗi lần bị mẹ hối thúc là người con thiếu tướng bực mình, hôm nay mẹ lại nói cá lời có vẻ “phản động”, anh Thiếu tướng tức giận nói:

  - Hai anh và tụi nhỏ đều có nợ máu, họ phải học tập lâu dài cho hết tội rồi mới lãnh được.

Cụ Lợi nghe nói nợ máu nợ mủ, cụ hơi giận nói:

 -  Anh nói gì nợ máu, chúng nó đi lính thì phải đánh nhau, như anh phải đánh nhau mới lên quan lên tướng - chúng nó có giết người cướp của đâu mà anh nói nợ máu.

-         Nợ máu với nhân dân, với cách mạng, mẹ có biết là vì quan hệ với tụi ác ôn đó mà tôi chậm vào đảng, chậm thăng chức hay không?

-         À thì ra anh sợ mất công danh, ai nợ máu với ác ôn, không có nợ máu ác ôn ai giúp tôi nuôi anh ăn học.

-         Mẹ đẻ tôi ra, mẹ phải nuôi, mà mẹ có muốn đẻ tôi ra đâu, cha mẹ hưởng khoái lạc rồi đẻ ra tôi ra, cha mẹ có ý thức đẻ tôi ra đâu.

-         Thôi anh đi đi, anh đi khuất mắt tôi, tôi tưởng người không học mới ăn nói như anh, ai ngờ anh nói thế.

-         Bà đuổi tôi, bà có chết tôi cũng không về đâu, tôi không khóc đâu.

Lúc đó người con cục trưởng mới nói vào:

-         Sao chú nói thế, rồi thì mẹ sẽ hiểu, học tập cải tạo lâu dài anh em mình không bảo lãnh được, Sao chú nói mẹ chết chú không khóc. Hồi Bác Hồ chết, chú khóc những bảy ngày, nhiều nhất đơn vị, ai cũng khen chú có hiếu với Bác, từ đó đường công danh của chú rộng mở hơn.

-         Thì anh cũng khóc đến năm ngày.

Người con Thiếu tướng trả lời.

Cụ Lợi không nghe hai người con đối đáp, vì tai cụ ù lên, mắt cụ nhòa - nhưng hàng xóm nghe thấy hết cuộc cãi nhau của mẹ con cụ - người trong cư xá mới biết đượn thêm là ở ngoài Bắc khóc Bác Hồ là để thăng quan.

Cụ Lợi nằm bệnh chỉ nửa tháng qua đời, cuộc đời cụ lúc nào cũng trông ngóng những đứa con ở xa, cụ trông con suốt cả đời, nhưng lần này cụ Lợi ngã gục hẳn vì cụ quá già, quá mỏi mòn không còn đủ sức để chờ những đứa con cải tạo trở về.

Hôm đám cụ, bà con lối xóm đi thật đông, không có người con mang quân hàm Thiếu tướng Việt Cộng, lần này anh giữ đúng lời hứa, mẹ chết anh không về khóc.


(còn tiếp)


*Mời xem

1. Tựa

2. Phần mở đầu

3. Chương 1

4. Chương 2




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét