Chương
Bốn
Có giấy chứng nhận
học tập ba ngày, tôi cần phải tránh xa Saigon một thời gian, nhất là tránh sự
truy tìm của Công An Liên Khu 5 vào Sài Gòn bắt những người thuộc đảng phái
chính trị và nhân viên chính quyền cũ. Toán Công An Liên Khu 5 đóng ở nhà số
101 đường Trần Quốc Toản (tức Nguyễn Đình Chiểu cũ). Chúng đã bắt rất nhiều
người, có người chúng nhốt vào con-nết, chở về tới Đà Nẵng thì ngất xỉu.
Tôi lên vùng Đức
Lập tỉnh Quảng Đức, nơi đó một người bạn tôi có ông bố là dân Pháp làm quản lý
cho một đồn điền cà phê. Ở Đức Lập tôi còn mục đích dò đường để nếu có thể sẽ
vượt biên giới bằng đường bộ qua Thái Lan.
Tôi cố thích nghi hoàn
cảnh để làm quen với lao động chân tay và cũng để làm quen với dân chúng quanh
vùng. Tình hình dân chúng rất thuận lợi, vì dọc theo quốc lộ 13, từ Đức Lập đi
Ban Mê Thuột hầu hết là dân Thiên Chúa Giáo di cư. Đồng bào cho biết dọc biên
giới quân đội Bắc Việt đóng dày đặc, 5 sư đoàn quân Bắc Việt được đóng trên vùng
cao nguyên, từ Kontum đến Quảng Đức, chúng đóng cả hai biên giới Việt Lào và
Việt Miên. Chúng lập ra nông trường sản xuất.
Nhiều toán vượt biên bằng đường bộ bị bắt, từ đó ở những tỉnh cao
nguyên, công an Cộng Sản thường kiểm soát khách sạn, nhà ngủ đỡ ở bến xe, dân
Saigon lên là chúng bắt nếu không chứng minh được việc đi lại có lý do chính
đáng. Người nào có mang những loại thực phẩm như cơm xấy, lương khô Trung Quốc,
thuốc ngừa rét, bản đồ, địa bàn là đủ chứng cớ để kết tội vượt biên. Chỉ ở được
non một tháng, chúng tôi phải quay về Saigon. Đồn điền cà phê bị quốc hữu hóa,
tôi bị công an xã gọi làm lý lịch, chúng nghi là sĩ quan trốn học tập cải tạo,
giấy học tập 3 ngày không đủ sức thuyết phục bọn chúng tin là tôi học tập đủ.
Về Sài Gòn tôi tìm
đường xuống miền Tây. Người quen giới thiệu cho tôi đi thẳng về vùng đất của
Việt Cộng cũ, xã Minh Long, Chương Thiện. Minh Long nằm ở địa đầu U Minh
Thượng, cửa ngõ ra cánh đồng Phong Dinh Rạch Giá. Vùng này trước đây, quân đội
Việt Nam Cộng Hòa cũng ít khi hành quân tới, dân chúng là dân bám trụ sống lam
lũ tay súng tay cày. Sau 1975, họ là kẻ chiến thắng, ai nấy đều lo xây dựng lại
nhà cửa, mở thêm ruộng rẫy. Ngoài lúa, họ lập rẫy trồng dứa và khoai, chỉ mấy
tháng sinh hoạt đã ổn định. Rời thôn quê lúc 8 tuổi ra thành phố, nhưng cốt cách nông dân vẫn còn tiềm ẩn trong
tôi, không mấy chốc tôi đã làm các công việc khơi mương đắp bờ với cây cuốc rất
thành thạo, trừ cái dáng dấp thành thị chưa xóa đi được nên đồng bào ai cũng
gọi tôi là ông thầy giáo.
Ruộng bỏ hoang lâu
ngày nên đóng nhiều phèn và đỉa lềnh mặt nước, đặt chân xuống nước một chốc là
đỉa bám lại đầy chân trông thật ghê. Nông thôn miền Tây buồn đơn điệu, ruộng và
kinh rạch nối tiếp nhau. Nông dân hăng say làm việc ngày đêm, len kinh tháo
nước giải phèn, phát cỏ, đắp bờ làm rẫy. Cá, rùa, rắn ngày nào cũng bắt được
thật nhiều, ăn không hết. Cuối năm 1975, mùa lúa đầu tiên đầy hứa hẹn, những
cánh đồng lúa vàng, nặng trĩu nhánh bông. Dân Minh Long chuẩn bị ăn Tết hòa
bình đầu tiên thật lớn.
Biến cố bất ngờ là
mọi sinh hoạt chậm lại, đi đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán rồi chửi thề bất
mãn - xã Minh Long phổ biến chánh sách
nông nghiệp, khởi đầu là mọi gia đình phải kê khai nhân khẩu, phân biệt tuổi
tác rõ ràng và kê khai diện tích canh tác.
Bà con nông dân kéo
đến hỏi mục đích kê khai, mấy chục năm họ đánh giặc giữ đất, nay giặc hết, đất
yên, nông dân ra sức cày cấy làm ăn, làm gì phải khai báo, Xã giải thích đó là
lệnh từ trên huyện, bà con đốc thúc Chủ Tịch Xã là Sáu Lự đưa họ lên huyện, Sáu
Lự cũng kêu trời, anh ta cũng là một nông dân sở tại, làm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân
Dân Xã, nhưng gia đình anh cũng canh tác nhiều mẫu ruộng. Anh cũng không hiểu
chính sách của nhà nước cách mạng.
Rồi các chỉ thị
tiếp theo giải thích rõ thuế nông nghiệp và chánh sách thu mua, lúa thu hoạch
xong phải đóng 70% vào thuế nông nghiệp nhà nước, phần còn lại thì trừ vào phần
ăn của gia đình tính theo tiêu chuẩn người lớn mỗi tháng 15kg gạo, trẻ con
10kg, số còn lại nông dân phải bán cho cán bộ thu mua.
Cán bộ nông nghiệp
về xã giải thích về chính sách thuế khóa, vì đất nước còn nghèo, trước kia miền
Bắc phải cắn hạt gạo làm tư để tiếp tế cho chiến trường miền Nam, nay hòa bình
nhân dân miền Nam phải đóng thuế để giúp miền Bắc xây dựng - ngoài ra còn phải
trả nợ cho Trung Quốc, vì theo lời Bác Hồ dạy, dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước,
Trung Quốc có đề nghị tiếp viện người, nhưng bác Hồ không vay sức người vì nợ
máu xương trả không được, nợ vật chất người Việt Nam trả nổi.
Cán bộ có tốn lời
giải thích cách gì cũng không được nông dân thuận lòng. Những người nông dân trước
kia đội gạo nuôi cách mạng “kháng chiến đánh Mỹ, đánh ngụy” - giờ đây đất nước
thanh bình, họ phải làm chủ ruộng vườn, giản dị như vậy thôi. Có người bắt đầu
so sánh, trước kia vào thời Mỹ-Diệm, quân
cách mạng chưa mạnh, Mỹ-Diệm cũng chỉ thu thuế mỗi mẫu ruộng, mỗi năm ba
giạ lúa - sao bây giờ cách mạng lại thu đến 70% . Có những cuộc cãi vã đôi co
giữa đám cán bộ và nông dân.
Tôi nghĩ đến cái
sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, khi người nông dân họ nghĩ kháng chiến là chống
lại quân ngoại xâm, họ ủng hộ hết mình, nhưng cũng chính những người đó khi họ
thấy chính quyền thi hành chính sách thuế khóa nông nghiệp quá cao là họ chống
đối . Họ cho rằng chính họ là người nuôi cách mạng kháng chiến đến chiến thắng
mà bây giờ họ là người bị phản bội trước tiên. Kết quả chánh sách thuế nông
nghiệp năm đó thất bại, người nông dân chỉ gặt một số thóc lúa đủ chi dụng
trong gia đình, còn bao nhiêu họ bỏ ngoài đồng, nhà nước muốn gặt thì cứ gặt
hái lấy.
Tình trạng bỏ lúa
ngoài đồng xảy ra cho khắp các tỉnh miền Tây năm đó. Mà không riêng gì lúa, các
nông sản khác cũng tương tự như vậy.
Xã không có thầy
dạy trẻ. Sáu Lự đề nghị tôi giúp xã dạy học, tôi bằng lòng, dù tôi không muốn
làm gì cho chính quyền mới, nhưng việc dạy học cho hàng chục đứa trẻ từ 7, 8
tuổi đến 14, 15 tuổi bị mù chữ là điều không thể thoái thác.
Những đứa trẻ 14,
15 tuổi được huấn luyện sử dụng súng ống, lựu đạn mà không em nào biết đọc,
biết viết.
Tôi thấy thương hại
chúng nó, người ta đã nhân danh cách mạng, nhân danh giải phóng để đẩy trẻ em
ra chiến trường, bị thương, cụt chân tay, bị thương khi tham dự chiến đấu cũng
có, bị thương khi huấn luyện cũng có. Tuổi thơ bị cướp mất không được đền bù.
Có thể các em không
ý thức được nỗi bất hạnh đó nên chúng vẫn có hạnh phúc, hạnh phúc hiện ra trong
đôi mắt trong sáng vui tươi của các em, nhưng tôi là người bên ngoài, tôi có
điều kiện để so sánh. Tôi vẫn thấy thương các em, dù tôi đang là kẻ chiến bại,
đang trốn lánh và các em là kẻ chiến thắng.
Sáu Lự, Chủ tịch
UBND xã, người tính bộc trực chất phác, hắn hăng hái trong việc tổ chức lớp
học. Hắn đi du kích từ năm 13 tuổi, năm nay gần 30, thuở nhỏ ao ước được đến
trường, nhưng không bao giờ thực hiện được giấc mơ bình thường đó. Đến nay hắn
muốn cho con hắn và những đứa trẻ trong xã được đi học. Tôi hứa với hắn là tôi
sẽ cố gắng dạy cho các em biết đọc, biết viết hoặc cho đến khi nào xã có giáo
viên chính.
Với sự giúp đỡ của
Sáu Lự, tôi cố hoàn thành được một căn phòng lợp lá dừa, 4mx6m thành một phòng
học, bàn ghế thì làm bằng tre ghép lại, chỉ có tấm bảng đen là xã phải cử người
lên tận huyện mới mua được.
Cuộc đời không trôi
chảy, cuối năm 1975, huyện cử người làm Bí thư xã, Sáu Lự chỉ được làm Xã đội
trưởng du kích.
Ba Trà, Bí thư xã
là cán bộ tập kết, sắp về hưu, y muốn về Minh Long lập vườn rẫy chuẩn bị tuổi
già. Y là cán bộ biết tổ chức, y củng cố lại xã với sự phân công nhiệm vụ rõ
ràng, Ban Bí Thư, Ủy ban Hành Chánh, các Ủy viên, hầu hết đều là người ở huyện
cử xuống, không như thời kỳ Sáu Lự, tất cả làm việc thân mật có tính cách gia
đình.
Năm Hùng là Trưởng
ban Giáo Dục mời tôi lên xã, y hạch hỏi lý lịch xong, hỏi tôi giấy bổ nhiệm làm
giáo viên. Tôi trả lời đây chỉ là lớp học tạm tổ chức, Sáu Lự nhờ tôi dạy tạm
chờ đến khi xã có trường và giáo viên.
Năm Hùng nhìn tôi
thẩm định, khi tôi trả lời xong hắn không nói gì về việc giáo dục mà bất ngờ
hỏi tôi: “Anh chắc là sĩ quan ngụy, sao
anh không đi học tập cải tạo?”.
Tôi đưa giấy chứng nhận học tập cải tạo ba
ngày, trong đó ghi “chuyên viên Bộ Nội Vụ”,
hắn hỏi tôi chuyên viên là gì, tôi đáp là người lo các công việc hành chánh
giấy tờ mà không có chỉ huy người khác. Tôi trả lời qua quít cho xong, nhưng
hắn tiếp tục hỏi tôi giấy hoãn dịch. Thằng này chắc là cán bộ nằm vùng nên rất
rành.
Vài ngày sau tôi bị
mời lên gặp Ba Trà, hắn đưa giấy để tôi viết lý lịch. Hắn giải thích để công an
xác nhận rồi bổ nhiệm tôi làm giáo viên chính thức.
Viết xong lý lịch
tôi suy nghĩ chắc ở không xong. Bọn chúng đã nghi ngờ, thế nào cũng bị mời đến
công an. Tôi nhờ Sáu Lự đưa tôi đến bến xe, ra Rạch Giá để về Saigon.
Trên đường về,
những đồng lúa chín vàng bị bỏ rục ngoài đồng, tôi vừa tiếc vừa thấy khoan
khoái, không có cảm giác ghen tị như ngày mới đến, ngược lại thấy nó gần gũi
thân thương lạ lùng, một hy vọng nhen nhúm trong tôi khi nhìn thấy cái căn
nguyên sự sụp đỗ của địch, khi những đám lúa vàng này và những nông dân chất
phác mộc mạc không đứng về phía Cộng Sản nữa.
Gần Tết Bính Thìn,
Saigon bỗng dưng rét ngọt ngào, buổi sáng muốn ra đường phải mặc áo ấm. Những
gia đình có chồng con đi cải tạo buồn thê thiết, vừa thấy trống vắng, nhớ nhung,
tủi thương, vừa hờn giận, nhiều người trách than cha, chồng mình không di tản.
Những gia đình có thân nhân di tản đã gửi thư, đã đánh điện về, họ đã định cư
ổn định ở Mỹ, Úc, Gia Nã Đại và hứa hẹn ngày đoàn tụ - xa xăm cách trở đại dương
mà còn hy vọng ngày gặp mặt. Trong khi những người ở lại muốn gần gũi gia đình,
muốn được chết cùng gia đình, để chia xẻ vui buồn khổ nhục với thân nhân, thì
một lần ra đi hầu như biền biệt. Chưa ai nhận được thư từ của người cải tạo, vợ
vừa thương vừa giận chồng, con trách móc cha. Trách rồi càng thương hơn. Saigon
rét ngọt ngào như thế này thì ở rừng sâu núi thẳm, nơi xó xỉnh nào đó của trại
tù, không biết người đi học tập làm sao chịu nổi. Có người ra đi chỉ mang theo vài
bộ quần áo mỏng manh, đi vào mùa Hè có ai nghĩ xa để phải mang theo áo lạnh, người
ta nghe đồn học ở thành Ông Năm Hốc Môn, ở Long Giao, ở Katum, Trảng Lớn. Những
người vợ cải tạo rủ nhau bỏ cả những buổi chợ trời kiếm cơm độ nhật để đi tìm,
nhưng đến những địa điểm chỉ đứng ngoài nhìn vào, bên trong những căn cứ quân
sự cũ im lặng như tờ, chỉ có nhiều vòng rào kẽm gai được kéo thêm và những
người lính Việt Cộng cầm AK mặt lạnh lùng. Họ như câm, không người nào trả lời
câu hỏi, chỉ lấy mũi súng xua đuổi người tới gần.
Saigon với nhiều
tin đồn đãi. Tin đồn, một hình thức phát tin, nửa hư nửa thực khi có khi không,
người phát tin không có trách nhiệm về mức độ chính xác . Tin đồn phát xuất từ
chợ trời, Saigon có nhiều chợ trời, nhưng phong phú nhất vẫn là chợ trời Trương
Minh Giảng và chợ trời Hàm Nghi.
Tin đồn có nhiều
loại, có tính cách thần kỳ như mặt trời xoay với đám mây ngũ sắc chung quanh,
giây bí hóa rồng ở Bà Quẹo, trăn lấy vợ ở Long An, heo nói tiếng người ở Thị Nghè,
có tin tức về quân sự như quân đội VNCH đã chiếm lại Ban Mê Thuột, chiếm Hà
Tiên, giật cầu Nha Trang, đổ bộ Bình Tuy, chiếm Trảng Bom, núi Bà Đen, mật khu
Hắc Dịch, mật khu Lòng Tàu với những tên tuổi cũ như Thống tướng Nguyễn Cao Kỳ,
Tướng Ngô Quang Trưởng, Tướng Bùi Thế Lân, Tướng Mã Sanh Nhơn, Tướng Lưu Yểm.
(các Đại tá đều được lên Tướng.)
Tin Bộ trưởng Ngoại
Giao Trần Văn Lắm và Tướng Lê Nguyên Khang về Camp David ở Tân Sơn Nhất họp với
Việt Cộng để bàn chuyện quân Bắc Việt rút lui trả miền Nam lại. Người đưa tin
quả quyết là chính mắt anh ta thấy tướng Lê Nguyên Khang ngồi trên xe chạy từ
Tân Sơn Nhất qua đường Công Lý (nay đổi là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), khi qua đám đông,
Tướng Khang đưa chiếc cặp vẽ hình cờ Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người đạp xe lên Tân
Sơn Nhất xem. Dĩ nhiên không thấy gì khác ngoài quang cảnh buồn hiu hắt của một
phi cảng trước kia nhộn nhịp phi cơ đủ loại lên xuống, lúc này chỉ thỉnh thoảng
mới có một chiếc từ ngoài Bắc đưa quan chức cao cấp vào, phi đạo đã thu bớt lại
vì nhiều nơi đơn vị bộ đội trú đóng đã đào nền bê tông lên để trồng thêm khoai
mì. Cái tinh thần tự túc chiến đấu của người bộ đội trong rừng Trường Sơn, mỗi
khi dừng quân tại đám rừng khoai mì, nhổ củ nấu ăn rồi cắm cây xuống để trồng
lại, hoặc có rãnh thì trồng thêm - kho lương thực vô tận của quân đội Bắc Việt
trong chiến tranh, người Mỹ và Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa không ước
tính được, trước đây người ta không hiểu sao mức dội bom khủng khiếp trên các tuyến
đường xuyên Trường Sơn, quân Bắc Việt xâm nhập vẫn có đủ tiếp vận. Thực tế họ
chỉ tiếp tế súng ống, đạn dược, nhiên liệu tối thiểu để chạy xe, một phần lương
thực, còn nguồn cung cấp lương thực chính họ lấy tại miền Nam qua hệ thống kinh
tài và những cánh đồng khoai mì bạt ngàn dọc đường chuyển quân. Nay tinh thần tự
túc đó đang được áp dụng tại thành phố, các doanh trại, phi trường, đất trống
quanh các công thự, nhà ở đều được xới lên trồng khoai mì. Việc đất nước quan
trọng biến thành việc bếp núc vụn vặt và trở thành một sự phá hoại tài sản quốc
gia. Cái lợi nhỏ nhoi mà cái hại thì quá lớn. Đó là một trong những dấu hiệu
đầu tiên cho những người có quan tâm đến đất nước nhìn thấy được nguồn gốc sự
thất bại trong việc quản lý kinh tế và xã hội của chính quyền Cộng Sản.
Những tin đồn cứ
mãi loan đi làm cho mọi người vừa hoang mang vừa ấp ủ hy vọng. Ngủ, sáng thức
dậy thì có tin mới, người đưa tin bao giờ cũng nói thêm là chính họ nghe từ đài
BBC. Người ta không tin tưởng chính quyền Cộng Sản, nên tin gì ngược lại quyền
lợi chính quyền được chấp nhận một cách dễ dàng. Người ta bắt đầu loan tin
những trận đánh tưởng tượng từ những vùng xa, mỗi nơi đều tưởng tượng ra những
mật khu, những trận địa do các Tướng lãnh chỉ huy hoặc các Đại tá bây giờ được
nâng lên hàng Tướng lãnh, dù những ông Tướng, ông Đại tá ấy đã khăn gói, chen
lấn giành nhau đi trình diện và đang nằm gậm nhấm nỗi buồn của kẻ mất nước tan
nhà trong trại tù.
Người ta nói cho
nhau những tin tức thật là vô lý đến trẻ con cũng không tin được. Hầu như mọi
người ít còn sáng suốt, lười biếng suy nghĩ. Người ta nói với nhau rằng Mỹ sẽ
thả một loại bom và tất cả Việt Cộng đều bị mê, còn người không Cộng Sản vẫn
tỉnh, sau khi đó, cứ việc bắt những đứa ngủ mê trói lại là xong hết.
Những loại tuyên
truyền như vậy, khởi đầu nó có thể có một kết quả làm cho người dân đã chán
ghét chế độ không tin vào chế độ và mong muốn nó mau sụp đổ, nhưng không có
hành động gì cụ thể tiếp theo thì trở thành vô ích, chỉ tổ làm cho cho đầu óc
con người mơ tưởng viễn vông, lười suy nghĩ phân tích, chỉ giết chết thì giờ và
ý chí bằng sự chờ đợi vô vọng.
Trước đây, Việt
Cộng dùng những tuyên truyền như vậy để gây hoang mang trong dân chúng, phá
hoại sự tin tưởng vốn đã mỏng manh của dân chúng vào chính thể Cộng Hòa. Việt
Cộng làm có nhiều kết quả, vì đi theo sự tuyên truyền đó, có những vận động
tranh đấu chính trị ở trong các thành phố và mặt trận quân sự ngoài chiến
trường. Chính quyền Việt Cộng lúc mới chiếm miền Nam tổ chức rất chặt chẽ, cán
bộ còn trung thành với đảng, việc tung tin như vậy trở thành vô ích vì sau đó
không có hành động gì tiếp theo, ngoài ra nó còn có hại vì người dân lúc đầu
thì họ dễ tin, nhưng cứ nghe mãi thật nhàm chán, sau đó nếu ai muốn gây dựng một
lực lượng đối kháng, tổ chức tuyên truyền cũng trở thành trò đùa bỡn. Những vấn
đề chính trị quan trọng cũng bị thành trò diễu cợt thì dân sẽ có thái độ phi
chính trị rất tai hại cho tương lai tổ chức lực lượng chống Cộng Sản xây dựng
lại đất nước.
Tháng 10-1975, có
quyết định đổi tiền. Dân miền Nam không ngạc nhiên. Ai cũng biết một chế độ mới
không ai sử dụng hệ thống tiền bạc chế độ cũ; nhưng người ta không biết sẽ đổi
như thế nào. Rồi người ta cũng ước đoán và truyền nhau những ước đoán của mình:
-
Có thể cách mạng sẽ bỏ không dùng
tiền bạc như kiểu chính quyền Kampuchia.
-
Có thể sẽ bỏ hết tiền cũ phát đồng đều mỗi gia đình một số tiền bằng nhau
như kiểu Tiệp Khắc năm 1948.
-
Có thể sẽ phát tiền dựa vào số nhân khẩu của gia đình.
Rất nhiều sự suy đoán và tin đồn, rồi người ta nghĩ ra nhiều cách đổi
tiền miền Bắc để cất giữ và thị trường giao hoán tiền tệ hai miền ở Đà Nẵng và
Huế trở nên mạnh mẽ.
Ngay từ đầu, Huế, Quảng Trị đã nhập vào Liên khu 4, áp dụng lối sống của
miền Bắc XHCN, sử dụng tiền miền Bắc.
Người ta không giữ tiền nhiều, mua hàng và quý kim tồn trữ, nhưng có trở
ngại là hàng hóa tồn trữ có nguy cơ bị kiểm kê và ghép tội tư sản hay đầu cơ.
Giữ quý kim như vàng sợ bị tội.
Thông báo giới
nghiêm, nhà nước chưa tuyên bố lý do, thì dân đã biết là đổi tiền. Nhiều người
có tiền chạy đôn chạy đáo đi mua hàng hóa, vật giá lên thật nhanh, tiền xem như
giấy lộn.
Nhà nước đổi tiền
theo giá 500 đồng bạc VNCH ăn 1 đồng bạc ngân hàng và tối đa gia đình được đổi
200, số còn lại ký gởi. Ký gởi vào nhà nước cách mạng thì dân cũng hiểu là
không bao giờ được lấy ra. Nếu có lấy thì những tiêu chuẩn khó khăn không ai
làm được. Ký gửi là một từ ngữ đẹp để che giấu cho hành động cưỡng đoạt.
200 đồng bạc cho
mỗi gia đình, phải ngồi sắp hàng cả tuần mới có. Những ngày đầu là đổi cho gia đình
cách mạng, công nhân viên. Và cán bộ cách mạng bắt đầu vố làm ăn khấm khá đầu
tiên. làm ăn công khai, giúp “bà con ruột thịt” miền Nam đổi hộ số tiền quá 100
ngàn tiền cũ ấn định đó. Đổi xong chia theo tiểu chuẩn cán bộ lấy 75%, 80%, 90%
tùy từng vùng từng thời điểm.
Nhiều gia đình tự
tử vì giữ nhiều tiền bạc quá, nay xem như mất hết. Có người ôm cả bao bạc nhạy
từ lầu 3, 4 xuống, xác dập nát mềm nhũn và bạc giấy còn mới tinh bay trong gió
như bươm bướm.
Chợ trời thêm đông
và thêm nhiều chợ mới xuất hiện. Chợ Hàng Xanh, Bà Chiểu, chợ Bà Hạt, chợ Bảy
Hiền. Người dân Saigon, sau lần đổi tiền như đã kiệt, tài sản, kể cả áo quần
cũng đem ra chợ bán. Người miền Bắc vào mua hàng đã đông đúc, bây giờ càng đông
đúc hơn, tư nhân có, tập thể có, các hợp tác xã vào mua đủ mọi máy móc. Sau khi
tháo gỡ các xưởng máy chở về Bắc, lập cơ quan thu mua, chính Phó thủ tướng Đổ
Mười điều động việc thu mua cho nhà nước, người ta mua từ xe Honda, tủ lạnh,
quạt máy, TV, máy lạnh, xe hơi. Trong khi dân không có tiền, nhà nước tung tiền
giấy không bảo chứng ra mua hàng, có khác gì đem giấy đổi hàng. Tiền giấy ngân
hàng đúng là chỉ giá trị hơn giấy lộn, vì mới đổi 1 đồng ăn 500 đồng, giá tô
phở là 2 đồng bạc mới, dân gọi theo tiền cũ là 1000, chỉ một tháng sau giá tô
phở đã lên đến 10 đồng.
Dân nghèo, bạc hạ
giá, hàng hóa lên là đương nhiên. Nạn ngăn sông cấm chợ, nông phẩm các tỉnh miền
Tây cấm chuyên chở lên Sài Gòn - người ta nghĩ là nhà nước cách mạng làm áp lực
để dân phải hồi hương và đi kinh tế mới. Nhưng cũng do nạn sứ quân mỗi tỉnh ban
hành chánh sách riêng của tỉnh họ, vì kinh tế mỗi tỉnh tự túc .
Tỉnh Biên Hòa, Long
Khánh chặt cây ăn trái trồng lúa, Lâm Đồng, Đà Lạt phá vườn rau trồng lúa. Đọc
báo Nhân Dân, tin gia tăng sản xuất tỉnh nào cũng đạt năng xuất cao, vượt chỉ
tiêu.
Tuyến xe miền Tây
toàn dân buôn chui, mỗi người đi mua bán từng 4 hay 5 kg thịt heo, 10 kg gạo,
vài ba ký tôm khô. Trạm kiểm soát Ba Càng, Nha Mân ở hai tỉnh Vĩnh Long và Sa
Đéc tiêu diệt ngành buôn bán lẻ tẻ theo xe đò.
Dân Saigon thiếu
gạo trầm trọng, nhà nước cấp thứ gì ăn thứ đó, gạo hẩm, bo bo, bột mì, mì sợi
cũng không đủ. Người dân miền Tây làm bún, bánh tráng, bánh tét, bánh ú đem lên
Saigon bán - vì những loại thực phẩm nấu chín nhà nước chưa đưa vào qui hoạch.
Bữa cơm của dân Sài Gòn đủ loại, cơm độn mì sợi, độn khoai, độn đậu, nhiều khi
nồi đậu xanh độn một ít cơm. Mua được cái gì nấu ăn cái đó. Không chọn lựa.
Bác Hồ dạy cho cán
bộ đảng viên Cộng Sản phải lo cho dân từ hũ mắm tới lọ cà. Ai cũng nghĩ đó là Bác
nói cái tinh thần hy sinh của cán bộ cho hạnh phúc của dân chúng. Nhưng bây giờ
người miền Nam biết Bác Hồ nói thật - nói với nghĩa đen của nhóm từ ngữ, đúng
là lo hũ mắm, lọ cà, vì thịt cá không có, nếu có thì chỉ dành cho cán bộ đảng
viên, còn dân thì chỉ ăn mắm, ăn cà, mà cũng không được tự lo lấy; vì mắm cà hay bất cứ lương thực, thực phẩm nào cũng đưa
vào qui hoạch nhà nước. Những cửa hàng lương thực, thực phẩm mọc lên ở các cấp
với những bảng hiệu sơn màu đỏ như máu, màu đỏ của cờ cách mạng, màu đỏ biểu
tượng cho tinh thần đấu tranh, màu đỏ qui ước chỉ khối Cộng Sản. Người dân thực
tế họ biết rằng càng nhiều cửa hàng thì càng ít lương thực, sản phẩm nào được
đưa vào qui hoạch, người dân càng khó mua.
Thỉnh thoảng lúc 2
hay 3 giờ sáng, tổ trưởng dùng loa hay đập cửa các hộ gia đình để đi nhận cá
phân phối. Khi mọi người tụ tập đầy đủ, cán bộ phòng lương thực quận bắt đầu
bài học chính trị: “Dưới thời Mỹ-Ngụy
nhân dân ta bị bóc lột tận xương tủy, chúng vơ vét hết của cải của nhân dân ta,
thậm chí đến con cá là thực phẩm tầm thường nhất, nhân dân ta cũng không được
ăn. Ngày nay, nhờ ánh sáng cách mạng, nhờ Bác Hồ muôn vàn kính yêu và đảng Cộng
Sản bách chiến bách thắng với chủ thuyết Marxism vô địch đã đánh đuổi được tên
đế quốc đầu sỏ, tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ với bè lũ ngụy quyền tay sai,
đem lại hòa bình và ấm no cho toàn dân.
Bác Hồ dạy, đảng phải chăm lo từ hũ mắm, lọ cà cho nhân dân, hôm nay phòng
lương thực quận đem cá về phân phối tận tay cho đồng bào… Nhưng trước khi đi
vào thực tế chia chác, tôi cần thống nhất với bà con mình, là cá được đưa qua
nhiều khâu nên có sự hao hụt và phí tổn chuyên chở, cán bộ nhà nước như chúng
tôi là đầy tớ của nhân dân, tức là đầy tớ của bà con đây, nên cán bộ không lấy
tiền công dù phải thức đêm hôm với bà con, nhưng phí tổn chuyên chở, hao hụt
phải tính vào giá thành, nếu bà con thắc mắc ngày mai đề xuất lên quận …”.
Lần đầu tiên nhận
phân phối cá, những con cá lóc bằng cổ tay đứa trẻ sơ sinh, đồng bào chỉ biết
nhìn nhau nhún vai lắc đầu. Nhún vai, lắc đầu là động tác có tính thời đại của
đồng bào miền Nam, một hình thức phản kháng mà không sợ bị bắt.
Sống trong nước
chậm phát triển, sản phẩm tiêu dùng không đầy đủ, dân Việt Nam quá quen với chế
độ phân phối, tùy mỗi giai đoạn chính phủ đặt các loại sản phẩm vào chế độ phân
phối để bảo đảm cho mỗi người dân được mua một số lượng sản phẩm tối thiểu nào
đó, để bảo đảm giá thị trường, tránh đầu cơ hay không lọt vào tay địch, nhưng
các mục tiêu trên thường không đạt được. Chế độ phân phối hàng hóa trở thành
đặc quyền đặc lợi của nhân viên chánh quyền. Người ta không lạ gì chế độ phân
phối gạo ở miền Trung đã sinh ra nhiều vụ tai tiếng lớn, không kể những lạm
dụng cấp cò con. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa có vụ án chở gạo bán ra Bắc của Bộ
trưởng Kinh Tế Trần Văn Mẹo và Ưng Bảo Toàn, có dính tới Ngô Đình Cẩn và Nguyễn
Văn Bửu . Thời Đệ Nhị Cộng Hòa có vụ một Tư Lệnh Quân Đoàn 2 chở gạo bán cho
Việt Cộng ở Pleiku, vụ Tài Mậu ở Quảng Ngãi của Đại tá Lợi, chở gạo bán ở Trà
Bồng. Vụ độc quyền gạo ở các tỉnh Phan Rang, Phan Thiết của bà Huyết cô của
Tổng Thống Thiệu.
Liên hệ đến nông
nghiệp, có vụ độc quyền phân bón của Công ty Phân Bón Cửu Long do anh em cột
chèo của Tổng thống Thiệu chủ trương và chính ông ta bảo trợ. Có độc quyền, có
phân phối là có lạm dụng, dân chúng không hưởng được sự bảo đảm của chánh phủ,
hầu hết sản phẩm mua trên thị trường chợ đen. Về sau, người ta dám can đảm gạt
qua những chỉ trích để chấp nhận kinh tế thị trường, sản phẩm lưu động uyển
chuyển và giá cả được điều chỉnh nhanh chóng qua thị trường cung cầu. Rõ ràng
thị trường kinh tế tự do cạnh tranh cũng có những khuyết điểm nhưng nhìn chung
vẫn tốt hơn chế độ phân phối.
Trong xã hội chủ
nghĩa, nền kinh tế chỉ huy, mọi sản phẩm đều đi vào quy hoạch nhà nước, và
những ước mơ của Hồ Chí Minh, đảng lo từ hũ mắm lọ cà, nên chính quyền can
thiệp thô bạo vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Người ta mơ tưởng đảng hay nhà
nước tập trung tất cả sản phẩm để phân phối thật công bình cho nhân dân, nhưng
đó chỉ là ước mơ. Trước hết đảng và nhà nước cũng chỉ là một tổ chức của con
người, những con người đầy lòng tham và được tuyệt đối quyền hạn. Sự phân phối
theo nhu cầu hay bình quân đều không có cơ sở để định mức. Chế độ phân phối
càng bị thiếu hụt giả tạo làm trầm trọng thêm sự khan hiếm, cộng thêm sự chậm
chạp của hệ thống thư lại gồm nhiều hệ cấp trình báo. Tóm lại, càng nắm quyền
phân phối sản phẩm dân càng thiếu, càng bất công. Hơn ai hết, người dân Việt Nam sống giữa
những biến động xã hội, nhiều lần thay đổi chế độ, người ta càng thấy càng thay
đổi người dân càng khổ hơn trước và càng nói cách mạng thì viên chức chính
quyền càng tham nhũng, lộng hành hơn trước.
Tin tức từ thân
nhân cán bộ Cộng Sản cho biết từ 1975 qua đến đầu 1976 Bộ Công An
đã đưa thêm vào miền Nam 200 ngàn công an để lo về an ninh nội chính. Miền Nam
dày đặc công an. Mỗi tổ dân phố có một Công an Khu vực, một Công an Kinh tế và
một Công an Thuế vụ. Chưa kể hệ thống Công an Nhân dân gồm:
-
Tổ trưởng Dân phố.
-
Tổ trưởng Thanh niên.
-
Tổ trưởng Thiếu nhi
-
Tổ trưởng Phụ nữ.
Mỗi tuần các Tổ trưởng này phải báo cáo tình hình trong tổ theo nhận xét
của họ lên Công an Khu vực và các Ủy viên ngành dọc ở trên phường. Chính sách
Công an Nhân dân nhân, nhân hộ khẩu và phân phối lương thực, thực phẩm là chìa
khóa cai trị nắm vững từng người dân một. Thêm vào hệ thống báo cáo trên, các
chủ tiệm cà phê, tiệm ăn lớn nhỏ đều phải viết báo cáo hàng ngày về số khách
đến ăn uống trong đó phải ghi nhận hai loại khách thường xuyên và khách bất
thường, cũng như khách nào thường xuyên quan hệ với nhau.
Những tiệm cà phê, giải khát đông khách, vì các hàng quán này khách
thường hay ngồi lâu nói chuyện; thì công an quận sẽ thay hẳn chủ quán, họ buộc chủ
quán phải dời đi nơi khác. Quận cử nhân viên như công an đến bán như quán cà
phê Hà Nội ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quán Da Vàng ở Nguyễn Huỳnh Đức, người
bán là nhân viên công an, người giữ xe đạp, thu ngân, dọn bàn, bưng nước đều là
nhân viên công an phụ trách.
Công an mặc thường phục đi kiểm soát thường xuyên, có hai hay ba người tụ
tập. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, công an cũng có quyền tách mỗi cá nhân riêng
biệt rồi đưa giấy bắt họ khai, họ phải khai đã nói với nhau những gì, nếu lời
khai không trùng lấp nhau đều bị bắt vì lý do phản cách mạng. Sự quen biết, bạn
bè đối với dân Saigon bây giờ trở thành cái nạn, nhiều người ở tù vì những quan
hệ sơ sài với những người bị theo dõi, bị bắt. Cách duy nhất để người dân
Saigon tránh phần nào sự bắt bớ là ít ra đường hoặc trước khi nói chuyện với
bạn bè phải đồng ý với nhau trước là mình nói chuyện gì đến khi bị kiểm tra
khai cho thống nhất.
Nhà tù nhiều hơn trường học, mỗi quận đều có những nhà tù mới, nhà nước sử
dụng các khách sạn, cao ốc để nhốt tù - và cả những biệt thự kín đáo mà dân
Saigon không biết - chỉ những người bị giam trong tù mới được biết hầu hết các
nhà tù ở trong Saigon, vì sự chuyển đổi trại tù gặp những người tù ở nhiều nơi.
Đại khái Bộ Nội Vụ có trại giam ở Tổng Nha Cảnh Sát, Quân khu 7 có trại
Tô Hiến Thành, nhà giam của Phòng Nhì ở Tổng Tham Mưu cũ ở đường Ngô Quyền, trại
tù binh cũ ở Ngã Năm Bình Hòa. Sở Công An có trại 168 Trần Hưng Đạo, trại Chí
Hòa, trại Phan Đăng Lưu, trại Đại Lợi. Quận Tân Bình có trại Đại Lợi; Phú Nhuận
có building đường Huỳnh Quang Tiên; Bình Thạnh có bót Hàng Keo; quận 6 có Trại
Tế Bần, quận Nhà Bè có trại Nhà Bè, quận I có trại Mạc Đĩnh Chi; quận 2 có trại
ở đường Trần Hưng Đạo Ty Cảnh Sát quận 2 cũ, quận 3 có trại giam Ty Cảnh Sát cũ
đường Lê Văn Duyệt. Ngoài ra những nhà giam ở các Villa kín cổng cao tường
không xác định được vị trí.
Tháng 11-1975, vụ Phục
Quốc Vinh Sơn bị khám phá. Công an tấn công vào nhà thơ Vinh Sơn ở đường Trần
Quốc Toản, bị kháng cự, 1 công an bị chết. Trong nhà thờ có tổ chức làm bạc giả
và hệ thống phát thanh. Khoảng từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1975 dân chúng
Saigon có thể bắt được một số các buổi phát thanh từ 10g tối. Nhón Phục Quốc
Vinh Sơn dùng hình ảnh Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ để tuyên truyền và triệu tập
quần chúng. Ông Nguyễn Cao Kỳ được họ nâng lên làm Thống tướng hay Thống chế. Lời
kêu gọi dân chúng nổi dây được đọc bằng giọng Bắc nhừ nhựa giống giọng Tướng
Kỳ. Saigon lúc bấy giờ nhiều tin tức đồn đãi về hoạt động của Tướng Kỳ và Tướng
Lân ở núi Bà Đen.
Sau vụ Vinh Sơn,
các khu Công giáo và nhà thờ bị lục soát bắt bớ, Giáo dân và Giáo sĩ bị bắt rất
nhiều không tính được.
Tết Bính Thìn qua
trong buồn tẻ, thiếu thốn và đầy tình thương nhớ cùng luyến tiếc. Người dân Saigon
không thể ngờ chỉ hơn 6 tháng mà đời sống kinh tế của họ xuống thê thảm như
vậy. Hầu như đồ đạt trong nhà đều đã bán hết, có nhiều gia đình phải gỡ cả tôle
và gạch hoa trong nhà đi bán. Nhà cửa ở Saigon không còn giá trị là một tài sản
nữa mà đúng hơn là nơi dung thân ở thế nào cũng được. Tủ, bàn ghế, giường nệm
đều bán sạch. Một căn nhà lợp tôle trong ngõ hẻm đắt giá hơn căn nhà xây ngoài
đường - vì nhà xây không gỡ bán được và có thể bị chiếm bất cứ lúc nào. Sau khi
chiếm nhà các gia đình đi di tản, vượt biên, cán bộ Việt Cộng dòm ngó tới những
căn nhà còn chủ ở lại. Những căn nhà rộng lớn có ddi.a điểm tốt thì chiếm làm
công sở như Phường, Ấp, trạm Y tế. Quận đội, Phường nội. Gia đình bị chiếm nếu
biết điều tuân hành thì được chỉ định một căn nhà xấu hơn để ở, nếu không tuân
theo thì chủ nhà, nhất là người đàn ông, sẽ bị chụp mũ là phản động và bắt đi
học tập. Việt Cộng biết rất rõ người đàn ông là cột trụ của gia đình ở miền
Nam. Cô lập người đàn ông thì gia đình đó sụp đổ.
Trong chế độ Cộng Sản,
nhất là trong giai đoạn họ còn trấn áp để trị an, bất cứ một cán bộ nào ở cấp thấp
nhất như Phường, Tổ đều có thể đề nghị đưa một người dân đi cải tạo. Không cần phải
chứng minh tội trạng của đương sự, vì họ chỉ cần ghi tội danh phả động một cách
tổng quát và khi về đến Công an thì đã có tội, “bị bắt là có tội” vì Đảng không bao giờ sai lầm, đó là lý luận của
những viên chức gọi là Chấp pháp của ngành công an.
Trong khi bắt dễ như
vậy mà thả ra thì rất khó - lệnh tha thường phải do Bộ Nội Vụ hay Thành Ủy, một
trong những lý do tại sao nhà tù Cộng Sản càng lúc càng đông người, ngay cả
trường hợp cơ quan bắt người muốn tha cũng khó - bên diện tù Hình sự, gặp nhiều
em chỉ vì ham chơi phá phách, cha mẹ quen như chế độ cũ đến Phường gửi con nhờ
cải tạo cho con sợ, đến khi đứa bé bị đưa vào trại rồi, chính quyền sở tại cũng
không xin tha được, lúc đó quyền tha đã thuộc cơ quan Quản lý trại giam - nhiều
em đã chết trong tù vì trường hợp này.
Ngày mùng 2 Tết
tiếng nổ long trời từ căn cứ Sóng Thần, tiếng nổ làm dân Saigon tỉnh dậy chạy
ra đường mừng rỡ vì họ nghĩ có biến, có người la lên “quân ta về” trong khi bộ đội, công an, cán bộ cách mạng thì chạy
trốn - nhưng tiếng nổ đơn độc không biết do sự phá hoại của một thành phần đối
kháng hay một tai nạn do bất cẩn. Nhưng qua hiện tượng đó cho thấy chỉ mấy
tháng mà người dân Saigon đã chán cách mạng và họ lại muốn có thay đổi.
Qua sự kiện này
người dân Saigon cũng nhìn thấy tinh thần của cán binh Việt Cộng, nghe tiếng nổ
cán bộ Việt Cộng chạy trốn như chuột, không ai còn ý nghĩ về một quân đội Cộng
Sản lì lợm, kiên cường nữa, và dân Saigon càng thấy những từ ngữ tuyên truyền
của Cộng Sản là láo khóet, có người thấy bộ đội, cán bộ nghe tiếng nổ chạy trốn
tức tối hét lên: “ĐM, tụi nó hèn thế mà mình thua, đau quá”.
Vài tháng sau Tết Bính
Thìn, xẩy ra vụ nổ ở hồ Con rùa đường Duy Tân, vụ nổ đơn độc một lần nữa làm
dân Saigon mừng hụt - nhiều người bị bắt sau đó, đa số liên hệ đến vụ này là
người Thái ở Tùng Nghĩa và người Tày ở Phú Lâm.
Họ dự trù một vụ
đánh úp Sàigòn, hiệu lệnh là tiếng nổ ở hồ Con Rùa, nhưng khi di chuyển nhân sự
và vũ khí họ bị bắt trước.
Chuẩn bị co cuộc
bầu cử Quốc Hội cả nước tháng 4-1976, Việt cộng cho bắt tất cả nhà văn, nhà
báo. Việt Cộng xem nhà văn nhà báo cũng là nhân viên của chính quyền, không
phải là tư nhân như trong thể chế tự do.
Văn nghệ sĩ và nhà
báo bị bắt không sót một người vì trong hàng ngũ này Việt cộng đã có nhiều cán
bộ nằm vùng như Sơn Nam, Vũ Hạnh (nhà văn), Cung Văn, Huỳnh Bá Thành (nhà báo),
Nguyễn Diệu Liên Tâm, nhân viên Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Nguyễn Diệu Liên Tâm là
con một viên chức Bưu điện Đà Nẵng, y thị du học Úc Đại Lợi - vào đảng Cộng
Sản, nằm vùng tại Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Sau năm 1975 là một cán bộ nồng cốt của
ngành công an, vì công an Việt cộng ít có người có đủ tiêu chuẩn như y, trẻ
tuổi, du học ngoại quốc, sinh trưởng ở miền Nam - làm việc trong chánh quyền
Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Diệu Liên Tâm và Huỳnh Bá Thành được kể như hai cán
bộ xuất sắc nhất của Việt cộng trong ngành công an, không phải chỉ ở Sài Gòn mà
cả nước. Hai tên này phá vỡ rất nhiều tổ chức đối kháng và bắt giam nhiều người
nhất, có công nhất trong việc triệt hạ nhà văn nhà báo miền Nam. Giới văn nghệ
sĩ trình diễn được yên thân hơn, nhưng hầu hết phải bỏ nghề vì cấm trình diễn,
nghệ sĩ nào được trình diễn trở lại đều phải qua sự bão lãnh và giới thiệu của
nữ kịch sĩ Kim Cương là cán bộ Cộng Sản nằm vùng trong giới nghệ sĩ miền Nam.
Sau khi đã cô lập sĩ
quan, công chức và những người liên quan đến chế độ cũ cùng những đảng phái,
tôn giáo, Cộng sản đã biết được tinh thần chống đối hay bất hợp tác của dân
chúng miền Nam nên chúng chủ trương dùng bạo lực và nhà tù để trấn áp.
Cán bộ công an mặc
thường phục làm công tác trinh sát hình sự và trinh sát chính trị được rải ra khắp
các thành phố, tỉnh lỵ, thị trấn và nhất là Saigon đầu não của mọi sinh hoạt xã
hội của miền Nam.
Nhân viên trinh sát
chính trị được tuyển dụng trong thành phần sinh viên học sinh tranh đấu, con
cái của các cán bộ Cộng Sản nằm vùng hay tập kết để dễ trà trộn hay xâm nhập.
Đối với cán bộ từ Bắc vào, chúng huấn luyện cách sống miền Nam, kiểu cách ăn
nói, sinh hoạt giống như thanh niên miền Nam, biết nhảy đầm, nghe nhạc, xem
ciné, ngồi quán cà phê. Sau này có dịp ở chung với thành phần đối kháng sau ngày
30-4-75, phần lớn tổ chức của họ bị phá vỡ trong trứng nước là do họ thiếu kinh
nghiệm, kết nạp cán bộ trinh sát chính trị của Việt cộng vào tổ chức, hay bị
theo dõi, khám phá từ những cuộc hẹn hò ở các quán cà phê và quán giải khát.
Ngoài ra Mai Chí
Thọ, Giám Đốc Sở Công An Thành Phố còn cho lập thêm những tổ chức đối kháng ma,
để làm mồi câu những người có tư tưởng chống đối lộ diện. Thọ còn cho cán bộ
treo cờ quốc gia. Tôi được một người dẫn đi xem một tiệm may ở đường Võ Tánh
nối dài, giả làm như lén lút may cờ VNCH. Loan đồn tin thất thiệt, dựng nên hoạt
động giả trá, sau đó cán bộ trinh sát chính trị được tung ra để tuyên truyền
lôi kéo người vào tổ chức Phục Quốc ma. Rồi thì bắt tất cả, người đồng ý tham
dự bị bắt vì tội tham gia tổ chức phản động, người không đồng ý tham gia cũng
bị bắt vì tội không báo cáo. Tội danh lúc bị bắt khác nhau nhưng khi hỏi cung
và kết án thì căn cứ thành phần xã hội, trình độ học vấn và tuổi tác của nạn
nhân mà quyết định cải tạo lâu hay chóng.
Thời gian đầu vượt
biên được kể là tội chính trị và bị xử phạt nặng, có nhiều trường hợp kêu án
chung thân những người cầm đầu tổ chức. Từ cuối năm 1975, dân Saigonn và miền
Nam đã vượt biển ra đi với nhịp độ đáng kể. Lúc đó tổ chức vượt biên rất khó vì
chưa được sự “cộng tác” của công an biên phòng trong dịch vụ bán bãi, và những người
ngư dân hay nông dân còn thử chờ đợi. Người dân bình thường nếu một chính quyền
và xã hội tạm sống được họ không cần phải đối kháng hay chạy trốn.
Nhiều chuyến vượt
biên thành công được kể truyền miệng từ người này đến người khác với sự khâm phục.
Người nào cũng ao ước được ra đi.
Do đó công an Việt
Cộng làm thêm nhiều vụ khám phá các tổ chức vượt biên. Mai Chí Thọ cho nhân
viên đứng ra tổ chức móc nối rồi giả như đưa đi vượt biên, đến Phú Lân hay cầu
Xa Lộ thì chận bắt. Bắt người vượt biên Sở Công An có nhiều lợi cụ thể là tịch
thu vàng, quý kim người vượt biên mang theo, tịch thu nhà cửa, và giam giữ
những người mà chúng cho là có tinh thần chống đối. Tóm lại vì lý luận tư tưởng
là nền tảng điều hướng cho hành động, nên Cộng Sản không những bắt bớ giam cầm
người có hành động phạm pháp, mà còn bắt bớ giam cầm những người chúng đánh giá
có tư tưởng chống đối nên không ngần ngại tổ chức chống đối giả, tổ chức vượt
biên giả để nhằm câu cho dân chúng phạm tội để chúng bắt.
Sống trong tình
trạng căng thẳng bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắt đó là tình trạng tinh thần
của người dân miền Nam trong chế độ Cộng sản.
(còn tiếp)
*Mời xem bài trước:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét