11/2/13

Những ngày đầu nghiệp lính & Tết Mậu Thân




A20 Kiều Công Cự


Thật ra, Trường Võ bị Đà lạt, từ ngày thành lập tại Mang Cá, Huế (1948) cho đến ngày “tan hàng” (30/4/1975), đã huấn luyện được 35 khóa với 31 khóa chính thức và 3 khóa phụ là:

- Khóa 9 (khóa Đống Đa) : 1/9/1953 – 16/3/1954 với 120 SVSQ.
- Khóa 10 (khóa Cương Quyết) : 19/3/1954 – 1/10/1954 với 360 SVSQ.
- Khóa 11 (khóa Vương Xuân Sĩ) : 1/11/1954 – 11/11/1955 với 200 SVSQ

Ba khóa này không cùng ngày khai giảng và mãn khóa với khóa chính với lý do duy nhất là họ được Trường Võ khoa Thủ Đức gởi lên thụ huấn và ở trong qui chế là Sĩ quan trừ bị.

Riêng khóa 22 là chính khóa nhưng lại là một khóa đặc biệt. Đến cuối năm học thứ nhất, khóa 22 được chia làm 2: 173 SVSQ theo học 2 năm (22 A), chương trình như các khóa trước và 92 SVSQ theo học 4 năm (22 B), cũng như các khoá tiếp theo (23, 24…), được huấn luyện theo chương trình của trường Võ Bị West Point (Hoa Kỳ) và khi mãn khóa được cấp phát văn bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng.

Tôi theo học khóa 2 năm.

Sau khi học khóa 32 Rừng-Núi-Sình-Lầy ở Trung tâm huấn luyện BĐQ/Dục Mỹ về, chúng tôi được các binh chủng, (không có Quân chủng), lên thuyết trình tại nhà H và chọn người. Phải “chen chân” lắm, tôi mới được “lọt” vào danh sách 15/73 người được chọn về cái binh chủng mà người ta vẫn “hù” là “sống hùng, sống mạnh nhưng sống không lâu”. Nhằm nhò gì “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Sợ gì, cứ thế mà tiến lên đi Tám !



Mười lăm ngày nghỉ phép ở Sài gòn, tôi rất hạnh phúc được mẹ tôi từ Quảng Nam vào thăm và ở lại cho đến ngày mẹ cầu nguyện cho tôi lên đường bình an.

Chúng tôi hẹn với nhau trình diện đúng ngày, đúng giờ tại Bộ Tư lệnh Lữ đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC), số 15 đường Lê thánh Tôn, quận Nhì, Sài gòn. Quân phục treillis, nón lưỡi trai đồng loạt, chỉ có đôi lon cầu vai màu trắng TQLC, đúng với phong cách “reglo” của các sĩ quan Đà Lạt, đến nỗi vị Trung tá Tham mưu trưởng, nghe nói là nổi tiếng “khó khăn” cũng không chê trách vào đâu được.



Một chiếc GMC đưa chúng tôi lên TTHL/TQLC tại Rừng Cấm thuộc quận Thủ Đức. Một chương trình huấn luyện và thực hành về binh chủng như leo lưới, đổ bộ tàu.. và những loại võ khí mới như M16, M79, M60.. Tại đây chúng tôi được cấp phát 3 bộ đồ “áo hoa sóng biển”. Việc này làm chúng tôi cảm động và hãnh diện. Chúng tôi đã bước qua ngưỡng cửa của một binh chủng mà chúng tôi hằng ao ước được phục vụ với tất cả tâm hồn và sức lực của mình.

Chúng tôi được đưa về lại BTL/LĐ và phòng Tổng quản trị đã phân phối đi các đơn vị:

Tiểu đoàn 1 (Quái điểu): Nguyễn Tri Nam + Nguyễn Định Ninh.

Tiểu đoàn 2 (Trâu điên ): Huỳnh Vinh Quang + Lê Văn Lệ + Kiều Công Cự.

Tiểu đoàn 3 (Sói biển): Giang Văn Nhân + Đào Duy Chàng.

Tiểu đoàn 4 (Kình ngư): Nguyễn Minh Trí + Ngô Hữu Đức + Nguyễn Văn Hào.

Tiểu đoàn 5 (Hắc long): Đoàn Văn Tịnh + Nguyễn Trúc Tuyền + Dương Công Phó.

Tiểu đoàn 6 (Thần ưng cảm tử) : Nguyễn Văn Bài + Võ Văn Xương.

LĐ/TQLC, lúc bấy giờ, chỉ có 6 tiểu đoàn tác chiến và 2 tiểu đoàn pháo binh, được điều động về phương diện chiến thuật bởi 2 Chiến đoàn A và Chiến đoàn B.

Về đơn vị mới:

Chúng tôi chia tay nhau, lên xe. Hậu cứ TĐ2 ở xã Tam Hà, thuộc huyện Thủ Đức, trong một khu doanh trại khá khang trang và rộng rải. Một căn nhà đồ sộ, hai tầng, còn lại từ thời Pháp được dùng làm văn phòng BCH/TĐ; phòng Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn phó ở tầng 1 và tầng 2 dành cho các sĩ quan độc thân. Góc bên phải có dựng một hang đá bằng giấy bồi, chưng đèn kết hoa và có những bức tượng Chúa Hài đồng và các mục tử. Cả Tiểu đoàn đang nghỉ dưỡng quân và sắp tới ngày Giáng Sinh nên không khí có vẻ sôi động và vui tươi. Chúng tôi được ban I /TĐ đưa vào trình diện Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Định, xuất thân khóa 10 phụ. Ông có cặp mắt sáng, giọng Bắc, nói chậm nhưng mà chắc. Cả người ông toát ra một cái vẻ “một sĩ quan của trận mạc”. Tự nhiên tôi thích con người này. Tiểu đoàn phó là đại úy Nguyễn Kim Đễ, khóa 16 Đà Lạt. Khuôn mặt có vẽ dữ dằn như một tay anh chị. Ông là người bắc di cư, có một thời gian là một võ sĩ chuyên nghiệp, nhiều lần lên võ đài. Năm 1972, trong trận chiến dữ dằn nhất tại Quảng Trị, tôi được phục vụ dưới quyền của ông tại TĐ9 (Mãnh hổ) với tư cách là một đại đội trưởng tác chiến và hình như có một lần ông có nói về điều trên mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Và chính ông đã phân phối 3 chúng tôi về các đại đội: Huỳnh Vinh Quang ở ĐĐ1 (Trung úy Tô Văn Cấp), Lê Văn Lệ có người anh ruột là Thiếu úy Lê Văn Thể nên được đưa về ĐĐ3 (Trung úy Trần Văn Thương), còn tôi thì về ĐĐ4 (Trung úy Trần Văn Hợp). Anh Hợp là người chỉ huy của tôi từ ngày đầu và những ngày sau cùng của chiến cuộc; bây giờ anh đã chết trong trại tù VC ở Sơn La (Bắc Việt), còn vợ con anh hiện định cư tại Houston (Texas). Doanh trại ĐĐ4 ở phía tây, trong khu có nhiều cây cao bóng mát, gần ban Quân xa TĐ.

Buổi chiều có cuộc họp tại văn phòng Đại đội. Trung úy Phạm Văn Tiền, khóa 20 ĐL, là Đại đội phó, dân Bình Dương, có vẻ còn nhỏ tuổi hơn tôi. Anh thường đeo đôi kính Rayban màu nâu đen lúc hành quân cũng như lúc dưỡng quân. Cho đến bây giờ anh vẫn còn giữ thói quen này. Anh thông báo cho biết Tiểu đoàn sẽ tham dự hành quân vào ngày ngày mai, ngay bây giờ các Trung đội cho tập họp nhân sự, vào kho lãnh vũ khí, trang bị 2 cấp số đạn và 5 ngày lương khô. Anh Hợp đi họp về cho biết thêm: “Chiến đoàn B/TQLC gồm Tiểu đoàn 1 + Tiểu đoàn 2 + Pháo đội A/TQLC sẽ tăng phái cho Quân đoàn IV”.. Anh giới thiệu tôi với các sĩ quan trong ĐĐ: Thiếu úy Phan Ngọc Viếng (K17 TĐ) Trung đội 41, Thiếu úy Nguyễn Văn Hưởng (K17 TĐ ) Trung đội 43, Chuẩn úy Lưu Văn Phán ( K24 TĐ) Trung đội 44, Thượng sĩ Nguyễn Văn An, Thường vụ ĐĐ; rồi anh chỉ định tôi làm Trung đội trưởng Trung đội 42. Tôi hơi ngạc nhiên, vì theo truyền thống của những đơn vị tổng trừ bị, sĩ quan mới ra trường phải đi thực tập quan sát một thời gian, người ta gọi là O.J.T (on the job training). Trung úy Tiền nhìn tôi cười thông cảm và nói nhỏ: “Yên trí ! Tôi sẽ đi theo ông.” Tôi thầm cảm ơn anh.

Đêm đầu tiên ở đơn vị, tôi cảm thấy khó ngủ nhưng không bất an. Kèn báo thức lúc 3 giờ. Những quân nhân có gia đình ở trại gia binh gần đấy lần lượt kéo nhau vào. Anh Hợp cũng từ Sài gòn mới lên. Mỗi người được lãnh một ổ bánh mì thịt nóng hổi và một ly cà phê đen còn bốc khói. Như thế này thì “sang trọng” quá rồi, có thua gì mấy anh chàng lính Mỹ đâu. Trung đội phó của tôi là một người Miên, cao lêu nghêu, Trung sĩ nhất Châu Sênh, 17 năm lính, đôi mắt đỏ ké và giọng nói vẫn còn mùi rượu. Ông sắp xếp cho tôi một “cao bồi” để mang quần áo và một “tà lọt” mang thức ăn. Tuy nhiên tôi cũng mang một chiếc ba lô nhỏ có đựng một bộ đồ trận, đồ lót, khăn mặt, kem và bàn chải đánh răng, một bao gạo sấy và một hộp thịt ba lát, nhất là một cây thuốc Ruby đỏ. Tôi còn “sung lắm”, định bỏ thêm một phần lương khô nữa nhưng Binh nhất Nguyễn Văn Đây không cho. Hắn đưa cho tôi một ly cà phê đen và nói... uống đi cho tỉnh người Tthiếu úy.. Có lẽ Đây đã thoáng nhìn thấy khuôn mặt hơi lo lắng và băn khoăn của tôi.

Đoàn xe bắt đầu xuất phát. Người điều động di chuyển hôm nay là Đại úy Tiểu đoàn phó. Anh ngồi trên xe jeep có gắn 2 cần câu phía sau. Một xe quân cảnh 202 TQLC đi đầu. Khu Tam Hà như cũng thức dậy cùng đoàn người ra đi. Những người vợ lính ở trong khu gia binh lặng lẽ đứng nhìn theo. Một vài người dân đứng dọc đường vẫy tay chào. Đoàn xe đi qua khu hồ tắm Ngọc Thủy, nhà thờ Tin Lành, qua chợ Thủ Đức rồi nhập vào xa lộ Sài gòn.. Đến ngã ba Hàng Xanh thì quẹo phải, theo đường Chi Lăng về hướng chợ Bà Chiểu. Qua cổng chính của Bộ Tổng tham mưu rồi rẽ vào cổng Phi Long, đoàn xe dừng lại ở đoạn đầu phi đạo.

Khoảng 10 giờ sáng , ĐĐ1 của Quang lên hai chiếc C123 của Không lực Mỹ. ĐĐ của tôi đi vào đợt 2, khoảng nửa giờ sau đó. Nơi đến tôi được trung úy Tiền cho biết là phi trường Vĩnh Long, ở phía nam của bến phà Mỹ Thuận. Tôi nghĩ từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long đâu có xa gì mà phải dùng không vận, chắc quốc lộ 4 không được an ninh trên khoảng đường này.

Chúng tôi tạm đóng quân trong làng Tân Ngãi thuộc quận Châu Thành và sẳn sàng được trực thăng vận vào vùng hành quân ngày mai. Buổi chiều lãnh bản đồ và phóng đồ hành quân. Bãi đổ (landing zone) của các cánh quân là những cánh đồng ngập nước, dọc theo những kinh rạch chằn chịt, những xóm làng thưa thớt, không biết có còn dân hay không ? Tình hình địch được cho biết trong vùng là hai tiểu đoàn 261 và 262 chủ lực miền, từ những căn cứ bên Cambodia vượt biên giới qua Mộc Hóa (Kiến Tường) đang tiến về vùng Giáo Đức, Định Tường, nhằm cắt đứt đoạn giao thông huyết mạch trên quốc lộ 4 và sẳn sàng uy hiếp quận Cai Lậy trong dịp tết Mậu Thân (2/1968) sắp tới.

Hôm sau khoảng 8 giờ sáng, quân cảnh 202/TQLC chận một đoạn đường dài khoảng 1 Km trên quốc lộ 4 dùng làm bãi đáp cho một đoàn 15 trực thăng UH1B từ căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho) bay tới. Cánh B gồm ĐĐ1 và ĐĐ4 do đại úy Đễ điều động được đổ đầu vào vùng hành quân. Bài học “Hành quân trực thăng vận” đã được thực tập tại bãi chiến thuật ở Trường bây giờ có nhiều điều khác xa với thực tế hành quân. Đêm qua tôi đã suy nghĩ đến việc điều động trung đội khi đặt chân xuống bãi đáp. Nhưng những người lính TQLC đã quá quen với những lần chiến trận, với nhiều cuộc đổ bộ trực thăng, nên khi còn cách mặt đất khoảng 2m, họ đã tự động nhảy xuống, tự động dàn hàng ngang tác xạ, tiến vào mục tiêu phía trước. Tôi còn đang đứng tần ngần trong đám ruộng sâu đến thắt lưng thì người mang máy PRC10, hạ sĩ Lê Văn Sung, kéo tôi chạy về phía trước. Cũng may không có pháo kích và tấn công của địch tại bãi đáp nên cả trung đội tiến vào rặng trâm bầu đầy đủ và an toàn. Trung úy Tiền cùng hai người mang máy cũng đang chạy phía sau tôi. Trung đội được lệnh tiến dọc bờ kinh về phía bắc. Cả tiểu đoàn cùng tiến theo bờ kinh Tổng đốc Lộc, ranh giới giữa hai tỉnh Kiến Phong và Định Tường. Sau 3 ngày quần nát trong khu vực nhưng không chạm địch ngoại trừ một vài tên du kích. Buổi sáng 31/12/1967, tiểu đoàn được lệnh chuyển ra bãi đất trống để được trực thăng vận tiếp theo. Tin tức tình báo cho biết là hai tiểu đoàn VC đang ém quân trong vùng đã bị phi cơ quan sát L19 phát hiện.



Cánh B gồm ĐĐ1 và ĐĐ3 đổ xuống phía tây của ấp Mỹ Nghĩa, tiến chiếm bờ tây của kinh Xẽo Triện, mục tiêu A là ngã 3 kinh Rạch Muôn và kinh Cái Thia. ĐĐ1 vừa nhảy xuống đã chạm địch với trung đội 14 của Quang có trung úy ĐĐ phó Nguyễn Quốc Chính (K20 ĐL) đi theo. Anh Chính đội một chiếc nón bo, mang cập lon cầu vai trắng còn mới, lấp lánh bạc. Anh lãnh nguyên một băng AK47 và ngã quị về phía sau; khuôn mặt đầy máu và hai con mắt vẫn còn chớp chớp. Quang vội đở hai vai của anh và bảo một binh sĩ gần đó phụ đưa anh Chính về phía sau nhưng anh Chính đã chết mà không có một lời trối trăn. Anh vừa hứa hôn với cô Lựu; trong một câu chuyện tình thật đẹp mà anh Huỳnh Văn Phú, một nhà văn của TQLC, đã ghi lại trong câu chuyện: Những buổi sáng của Lựu: “Lựu không hề thấy tình yêu của nàng dành cho Chính như một làn khói mỏng nhưng sao nàng lại sợ nó tan biến đi khỏi tâm hồn, ký ức nàng ? Không cùng trở về được khởi điểm của yêu thương thì cũng đừng nên ngoảnh mặt…”. Cũng trong lần đổ quân tiếp theo của ĐĐ3, thiếu úy Lê Văn Thể bị thương vào cánh tay phải, Lê Văn Lệ lên nắm trung đội thế anh mình. Và buổi chiều khi xung phong tiến chiếm bờ kinh Xẽo Triện, Lệ cũng bị thương vào cả hai chân. Hai anh em được tản thương về Tổng y viện Cộng Hòa và gặp Nguyễn văn An, thủ khoa Khóa 22A, thuộc TĐ8 Dù cũng bị thương khá nặng khi đơn vị này tấn công vào hãng dệt Vinatexco (Bà Quẹo), nơi VC đã đặt BCH trung đoàn 271 đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất. Thể phải cưa tay trái, giải ngũ và trở lại nghề dạy học. Còn Lệ sau một thời gian điều trị, được đưa về làm việc tại Hậu cứ TĐ2, sau đó anh ra Hội đồng y khoa và giải ngũ với mức độ tàn phế 70%. An và Lệ cũng như nhiều anh em khác của khóa đã giã từ binh nghiệp trong một thời gian sớm quá. Có lẽ đây là nỗi buồn phiền hay một mặc cảm nào đó mà họ ít khi giao thiệp với anh em cùng khóa. Thôi thì cũng xin tôn trọng những cái riêng tư của bạn bè.

Đêm hưu chiến trên kinh Cái Thia:

Cánh A đổ xuống phía bắc của kinh Cái Thia. BCH/TĐ và ĐĐ2 của đại úy Đinh Xuân Lãm ( K17 ĐL ) đổ xuống ấp Địa Kế, bờ đông của con kinh, còn ĐĐ4 đổ xuống ấp Lợi Thuận, bờ tây của con kinh. Hai cánh quân tiến song song về phía nam.

Trung đội của tôi đi đầu. Vì di chuyển quá nhanh nên khi đến ấp Lợi Trinh, cách mục tiêu B khoảng 500m thì bị VC từ bờ đông con kinh bắn sang làm bị thương mấy người. ĐĐ phải dừng lại đợi ĐĐ2 lên ngang hàng. Đó là bài học đầu tiên của tôi về vấn đề di chuyển; phải có an ninh ở hai cánh và phải di chuyển song song để sẵn sàng yểm trợ cho nhau.

Trời về chiều, cánh B đã chiếm được mục tiêu A và đóng quân đêm tại đây. Cánh A cũng đóng quân tại mục tiêu B. VC đang hiện diện ở khoảng giữa của hai mục tiêu, nơi con kinh Cái Thia đổ nước về hướng đông.



Đến 6 giờ chiều thì lệnh Hưu chiến trong ngày đầu năm Dương lịch (1/1/1968) có hiệu lực nên mọi phi vụ yểm trợ của không quân Mỹ đều ngưng lại, chỉ có pháo đội A/TQLC của đại úy Đoàn Trọng Cảo (K13 ĐL) vẫn còn tiếp tục cho những tiền sát viên điều chỉnh những tác xạ tiên liệu. Phe ta không tin tưởng vào cái lệnh hưu chiến của vẹm. Đúng vậy, khoảng 11 giờ đêm, những đợt pháo kích bằng súng cối 82 và 61 từ hướng bắc, rồi những đợt tấn công bằng B40 và B41 bắn thẳng vào vị trí phòng thủ của ĐĐ2 và ĐĐCH của trung úy Chung Văn Nghiêm. Đặc công VC đội lục bình men theo từ bờ tây của con kinh Cái Thia tấn công thẳng vào BCH/TĐ. Có lúc bọn chúng đã vào cách chiếc võng của cố vấn Mỹ và thiếu tá Định khoảng 4m, 5m. Khi hỏa châu tỏa sáng, trung đội biệt kích của TĐ đã nhận diện ra bọn chúng và bắn hạ gần hết. VC còn tiếp tục mở những đợt tấn công vào vị trí của trung đội 2 thuộc ĐĐ2 của thiếu úy Lưu Bách Việt (K19 TĐ ), bị tấn công nặng nề nhất và có nguy cơ bị chọc thủng. Thiếu tá Định ra lệnh cho trung đội súng cối của TĐ tăng cường. Số thương vong của trung đội lên khá cao và thiếu úy Việt đã hy sinh. Quân ta đã giữ vững tuyến phòng thủ và ĐĐ4 được lệnh đánh từ bắc xuống nam để giải tỏa áp lực. Một đêm bò, trườn, rượt đuổi VC qua những con mương, con rạch, những đám ruộng ngập nước nhưng có lẽ đáng sợ nhất là phải nằm yên tại những điểm phục kích và chờ những con đỉa trâu, đỉa đói đến tấn công. Sau này tôi cũng được nghe kể lại, ngay đêm đó, trung tá Tôn thất Soạn, chiến đoàn trưởng chiến đoàn B, đã điều động TĐ1 của thiếu tá Phan Văn Thắng, tiến dọc theo kinh Cổ Cò và kinh Cùng để chận bắt những tên VC còn sống sót đang tìm cách thoát về phía tây, nhất là tại rạch Mương Đào. Và TĐ 1 báo cáo đã bắt được mấy ghe xuồng chở đầy vũ khí và đạn dược còn mới nguyên trong những bọc giấy nhựa. Xác địch nằm rải rác trên những bờ kinh, con mương, ngay tại hàng rào phòng thủ. Lục soát trên người của những tên đặc công, ngoài những bê ta và lựu đạn chúng đeo ở thắc lưng, trên cổ của chúng có đeo những khăn quàng màu đỏ; có lẽ cấp chỉ huy muốn kích thích những hành động quyết tử hay để dễ bề nhận diện trong đêm tối. Kiểm chứng lại ta thấy lực lượng tấn công là TĐ chủ lực 261 và những trung đội đặc công.

Trưa ngày 1/1/1968, sau khi tải thương những thương binh và tử sĩ, TĐ1 và TĐ2 được lệnh di chuyển lục soát và tập trung trên quốc lộ 4; TĐ1 được một đoàn GMC chở về đóng quân tại xã Bình Phú trên rạch Bà Tồn và TĐ2 được đưa về Cai Lậy để nghỉ ngơi và bổ sung. Thiếu tướng Nguyễn văn Mạnh, tư lệnh Quân đoàn IV và chuẩn tướng Nguyễn Viết Thanh, tư lệnh SĐ7/BB đến xem triển lãm chiến lợi phẩm và gắn huy chương, cấp bậc cho quân nhân các cấp tại BCH/CĐ B đóng tại chi khu Giáo Đức.

Trung úy Trần Văn Hợp được lệnh về trình diện BTL/LĐ/TQLC để theo học khóa “ Basic Marine” ở Quantico, Virginia ; trung úy Vũ Đoàn Dzoan, vừa đi học khóa trên trở về, đang làm ĐĐ phó ĐĐ2, về nhận ĐĐ4.



Sau chiến thắng trên kinh Cái Thia trong đêm hưu chiến, chiến đoàn B vẫn tiếp tục tăng phái cho SĐ7/BB. Vùng hành quân gồm các quận Giáo Đức, Cái Bè, Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường. Không có những đụng độ lớn. Rồi Chiến đoàn ra nghỉ quân dọc theo quốc lộ 4 từ Giáo Đức đến Cai Lậy. Những ngày giáp Tết, BCH/chiến đoàn B và TĐ2 dừng quân ở Cai Lậy, dọc theo hai bên cây cầu đôi và hai đầu sông Ba Rài. TĐ1 đóng ở Bình Phú trên rạch Bà Tồn, cách Cai Lậy khoảng 7 Km về hướng Giáo Đức. Thiếu tướng tư lệnh TQLC Lê nguyên Khang có đến thăm anh em ớ Chiến đoàn và dặn dò mọi người cẩn thận đề phòng những âm mưu tráo trở của VC trong dịp hưu chiến nhân 3 ngày Tết Mậu thân, những ngày lễ tết linh thiêng của Dân tộc.

Hai toán quân cảnh 202 do chuẩn úy Lê văn Nuôi chỉ huy cho đặt hai trạm kiểm soát ở hai đầu quốc lộ để bảo đảm quân số 100% tại đơn vị.

Tại Bình Phú, nhằm hỗ trợ cho cuộc chuyển quân của tiểu đoàn Tây Đô 514, tiểu đoàn chủ lực miền 263 đã lợi dụng những người dân về quê ăn tết và những ghe xuồng tấp nập trên những kinh rạch Bà Tồn, nhộn nhịp buôn bán, VC đã xâm nhập vào các vị trí của các ĐĐ thuộc TĐ1/TQLC. Nhưng âm mưu của chúng đã bị phát giác kịp thời bởi trung úy Tôn Thất Trân ( K20 ĐL ) và thiếu úy Nguyễn Tri Nam ( K22 ĐL ). Trước tiên là một cuộc xô xác bằng tay chân và sau đó là một trận cận chiến đã xảy ra ác liệt. Toàn bộ quân nhân TĐ1 đã được báo động và phản ứng kịp thời. VC đã bỏ chạy, một số nhảy lên những chiếc xuồng, một số nhảy lên những chiếc xe đò đang chạy qua nhưng đa số bị bắt và bị bắn hạ tại chỗ. Nguyễn tri Nam đã bị thương khá nặng trong trận này. Thái độ cảnh giác và sự chiến đấu dũng cảm của niên trưởng Trân và Nam đã gây một ấn tượng hết sức tốt đẹp cho những sĩ quan xuất thân từ trường võ bị. Sau những ngày chữa trị vết thương, Nam được tham dự khóa học Basic Marine ở Mỹ, là người duy nhất của khóa được tham dự khóa này. Khi trở về nước, được thuyên chuyển về TTHL/TQLC ở Thủ Đức cho đến những ngày sau Ngưng bắn 27/1/1973, Nam được đưa về làm Trưởng ban 3/TĐ4 với thiếu tá Nguyễn Đằng Tống. Sau đó được thăng cấp thiếu tá và được chỉ định chức vụ TĐphó /TĐ4. Những người còn sống sót của K22, kể cả 7 sĩ quan K22B về SĐ/TQLC tháng 12/1969, chưa có người nào có cấp bậc và chức vụ này. Những ngày bi thảm sau cùng của Quân đoàn I, trong cuộc triệt thoái của Lữ đoàn 147/TQLC gồm các TĐ 3,4,5,7 và 2PB tại bãi biển Thuận An, Huế, Nam đã bị bắn tử thương cùng với đại úy Tô Thanh Chiêu, trong lúc đi rải quân phòng thủ. Theo lời kể lại của TQLC y sĩ đại úy Phạm Vũ Bằng thì xác của Nam và Chiêu được đưa xuống tàu và chính anh đem hai tử thi này và nhiều quân nhân TQLC khác vào nhà xác của Tổng y viện Duy Tân (Đà Nẵng) trong những ngày biến động 29/3/1975 của Quân đoàn I. Nam đã để lại một người mẹ già và người vợ trẻ Dương thị Xuân Thu tại Sài Gòn. Chị Thu vẫn còn sinh hoạt với những anh em K22 tại quê nhà.
Trận chiến Tết Mậu thân tại Sài Gòn.

Đợt 1 (31/1 – 17/2/1968):

Đêm giao thừa của Tết Mậu Thân (30/1/1968 ) tại Cai Lậy và Bình Phú hoàn toàn yên tĩnh vì Chiến đoàn B/TQLC với 2 tiểu đoàn 1 và 2 đang đóng quân tại đây. Nhưng HCM đã đọc ám hiệu mở đầu “tổng công kích và tổng nổi dậy” bằng lời chúc tết trên đài phát thanh Hà Nội:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà,
Nam bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên toàn thắng ắt về ta.

Đầu tiên, VC đã mở cuộc tấn công đồng loạt vào 5 thị xã thuộc Vùng II chiến thuật: Nha Trang (0giờ30), Darlac (1giờ 30), Kontum (2giờ 00), Qui Nhơn (4 giờ 10) và Pleiku (4 giờ 40), tấn công vào thị xã Hội An (tỉnh lỵ Quảng Nam) lúc 3 giờ 00 và đột nhập vào BTL/ Quân đoàn I lúc 3 giờ 40. Đó là những nơi khai hỏa đầu tiên của mặt trận B3 và quân khu 5 VC.
Khoảng 1 giờ sáng, thiếu tá Đỗ Kỳ, trưởng phòng 3/ LĐ/TQLC đã sử dụng máy ANGRC106 thông báo với trung tá Tôn Thất Soạn tình hình tổng quát và cho biết : “ VC đã vi phạm lệnh hưu chiến và đã tấn công vào một số thị xã và tỉnh lỵ trên toàn quốc.Chiến đoàn B chuẩn bị và sẽ được bốc về Sài Gòn vào ngày mai.”
Lữ đoàn TQLC với cuộc chiến Tết Mậu thân ở Sài gòn:

Chiến đoàn A/TQLC:

Những ngày cuối năm 1967, chiến đoàn A/TQLC (thiếu tá Hoàng tích Thông) cùng với các TĐ3 (thiếu tá Nguyễn Năng Bảo) + TĐ5 (thiếu tá Phạm Nhã) và TĐ 6 (thiếu tá Phạm văn Chung) đang tăng phái cho SĐ22/BB của tướng Nguyễn văn Hiếu, đóng tại núi Bà Di (Qui Nhơn). Chiến đoàn tham dự những cuộc hành quân tại các vùng Bồng Sơn, Phù Cũ, Dương Liễu, Tam Quan giáp ranh với huyện Hoài Ân (Quảng Ngãi). Tình hình tương đối nhẹ, chỉ có những hoạt động của các đơn vị địa phương VC và du kích nên chiến đoàn A cũng được thảnh thơi đôi chút và chuẩn bị ăn Tết Mậu thân ngay tại vị trí đóng quân.

Đúng vào buổi sáng ngày mồng một Tết (31/1/1968), chiến đoàn nhận được lệnh của SĐ 22 cấp tốc di chuyển về Qui Nhơn vì cộng quân đã đột nhập vào thành phố, đánh chiếm đài phát thanh và vài cơ sở lân cận. Khi chiến đoàn về đến gần BTL/SĐ thì được lệnh dừng lại vì một đơn vị của SĐ Mãnh hổ Đại Hàn đang hoạt động ở vùng Phù Cát đã can thiệp và giải tỏa một cách nhanh chóng.

Buổi trưa chiến đoàn được lệnh di chuyển về sân bay Qui Nhơn để được không vận về Sài Gòn. Riêng TĐ6 được lệnh không vận về giải tỏa thành phố Đà lạt đang bị VC đánh chiếm. Nhưng khi đến phi trường quân sự Cam Ly thì bị phòng không địch bắn lên, không đáp được phải bay về Tuy Hòa và tại đây TĐ nhận được lệnh bay về Tân sơn nhất. BCH/Chiến đoàn cùng TĐ3 và TĐ5 cũng được lệnh bay về Sài Gòn.

TĐ6 sau đó được lệnh giải tỏa thị trấn Thủ Đức, TĐ5 xuất phát từ phi trường hướng về ngã tư Bảy Hiền, đường Lý Thường Kiệt, trường Nữ quân nhân và chợ Tân Bình, TĐ3 về đóng quân ở trường tiểu học Hoàng Thụy Năm, di chuyển giải tỏa vùng Lê Văn Duyệt, biệt khu Thủ đô, các đường Nguyễn Thông, Hoàng Đạo và nhà ga Sài Gòn.

Khi tình hình ở Sài Gòn tạm yên, chiến đoàn A gồm các TĐ1+4+5, được không vận tăng cường mặt trận Huế đang đến hồi quyết liệt nhất.

Chiến đoàn B/TQLC:

Buổi chiều ngày mồng 2 Tết (1/2/1968), chiến đoàn B/TQLC đang từ vùng hành quân Cai Lậy, Bình Phú được các chiếc trực thăng chinook CH46 và CH53 của Mỹ đổ xuống sân cờ của Bộ TTM. Thứ tự đổ quân gồm TĐ2, BCH/CĐ và TĐ1 cùng một địa điểm.

Tiểu đoàn 4/TQLC đang nghỉ dưỡng quân tại Hậu cứ (Vũng Tàu), được lệnh gom quân tức tốc di chuyển. Những chiếc C130 của không lực Mỹ mang TĐ4 quần trên bầu trời Sài Gòn vào lúc 9 giờ sáng ngày mồng 2 Tết, nhưng phi công nhận được lệnh đáp xuống phi trường Biên Hòa. Đổ quân rồi chờ đợi tại đây. Rồi lại lên máy bay, lần này đáp xuống phi trường Tân sơn nhất trong bầu không khí chiến tranh. Đảo chánh hay VC tấn công? Chưa có câu trả lời. Đại úy tiểu đoàn trưởng Đỗ Đình Vượng nhận được lệnh giải tỏa cổng xe lửa số 4. Qua khỏi bệnh viện Cơ đốc Phục Lâm, quẹo trái theo đường Võ Di Nguy, VC đang có mặt tại đây. Cái xác của một quân nhân Mỹ vẫn còn. Vì di chuyển quá gấp nên trưởng ban 4/TĐ, đại úy Nguyễn Văn Nhiều chưa kịp mua thực phẩm, cả TĐ … đang đói meo, được bà con vùng Phú Nhuận mang đồ ăn đến tiếp tế.



Sau hai giờ quần thảo với địch trong thành phố, TĐ4 nhận được lệnh rời khu vực, di chuyển qua Trung tâm tiếp huyết, đến Gò Vấp và sát nhập vào chiến đoàn B.

Hôm sau, TĐ1, được tăng phái một chi đội M41, vượt tuyến xuất phát ở phía bắc chi khu và tiến chiếm thành Cổ Loa nơi đặt BCH/pháo binh của QL/VNCH tại Gò Vấp. TĐ1 Củ Chi VC đã tràn vào căn cứ và đã chiếm được 12 khẩu pháo 105 ly còn nguyên vẹn. Nhưng bọn chúng đã không xử dụng được những khẩu pháo này bởi vì trước khi rút khỏi căn cứ những pháo thủ của ta đã mở những bộ phận kích hỏa mang theo. TĐ1 đã chiếm lại với 12 khẩu pháo còn nguyên.

Cũng cách đó một khoảng ngắn, đêm trước, một TĐ thuộc trung đoàn 101 / sư đoàn 7 VC đã tấn công và chiếm được nơi đặt BCH/Thiết giáp. Mục đích của việc chiếm giữ này, theo như huấn thị 16 của trung ương cục miền Nam là sử dụng những chiếc xe này để yểm trợ cho những cuộc tấn công. Nhưng tại đây chúng không tìm thấy một chiếc thiết giáp nào; “bị hố nặng”, chúng lấy làm tức giận và tràn qua khu cư xá sĩ quan kế cận, bắt đầu mở cuộc tàn sát trong đó có gia đình của trung tá Nguyễn Tuấn và vợ là bà Từ thị Như Tùng cùng 7 người con trong đó có các em bé mới 6, 4 và 2 tuổi. Những quân nhân của TĐ4/TQLC sau khi thanh toán mục tiêu và đã không cầm được nước mắt trước cảnh tàn sát dã man của những vật – người này.

Tôi đã đi lang bang quá nhiều ! Bây giờ xin trở về trình diện TĐ2/TQLC.

Thiếu úy Huỳnh Vinh Quang vẫn còn hào hứng kể lại, 42 năm về trước, khi ĐĐ1 đổ đầu xuống sân cờ của bộ TTM, thì anh là người được hân hạnh đứng trên cái ô vuông có sơn màu trắng nơi mà đại tướng Cao Văn Viên đứng đây chủ tọa buổi lễ chào cờ vào ngày thứ hai đầu tuần. Cả TĐ được lệnh đóng quân dọc theo bờ tường thành của bộ TTM, bảo vệ những cao ốc, những căn nhà của các sĩ quan cao cấp. Tôi không biết BCH/TĐ đang đóng ở đâu nhưng trung đội 42 của tôi được ĐĐ trưởng Vũ Đoàn Dzoan giao nhiệm vụ bảo vệ cổng chính của bộ TTM. Chiếc cổng khá đồ sộ, được đúc bằng bê tông cốt sắt mang một dáng vẽ uy nghi và bề thế, biểu tượng cho một nơi quyền lực nhất của Quân lực VNCH.

Mặc dầu những con ngựa kẽm gai đã bít kín bề ngang của chiếc cổng, người ta cũng mang đến cho tôi những thùng mìn claymore để những người lính của trung đội đặt trên những cao điểm, những vị trí tiền sát… Tăng cường cho trung đội còn có những toán an ninh quân đội và những toán quân cảnh. Những anh chàng này bây giờ tỏ ra rất thân thiện, chứ không phải những ngày “lính thủy đánh bộ” về phép ở Sài Gòn bị họ soi mói coi đã bỏ áo vào quần chưa, đã gom ống quần chưa… nhất là cái giấy phép phải xuất trình nghiêm chỉnh, nếu ú ớ là bị hốt ngay về trại Lê Văn Duyệt, biệt khu Thủ đô.



Đêm qua đi an toàn, chỉ có những tiếng súng nổ ở xa và hỏa châu thì thắp sáng cả đêm trên bầu trời Sài Gòn. Buổi sáng, TĐ nhận được lệnh di chuyển và lục soát đến tận cổng số 4 trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Không tham dự vào những mục tiêu như trường Sinh ngữ quân đội, trường Tổng quản trị. .. vì đã có những đơn vị của TĐ8 Dù trách nhiệm. TĐ được lệnh tăng phái cho Tổng nha Cảnh sát trên đường Võ Tánh.

Được biết TĐ508 Long An VC đã xâm nhập vào xứ đạo Bình An và đang tiếp tục tiến vào quận 6. TĐ3 thuộc trung đoàn Đồng Tháp đã xuất hiện ở bến Lê quang Liêm. TĐ 3 Bình Tân đang chiếm vào khu Bà Hạt, Vĩnh Viễn. Bọn chúng thường chiếm những ngôi chùa và những bệnh viện để đặt BCH điều khiển những cuộc tấn công đẫm máu trong thành phố. TĐ đã phân chia trách nhiệm cho các ĐĐ như sau:

- ĐĐ1 (tr/u Tô Văn Cấp): khu vực Trần Nhân Tôn và đường Minh Mạng (quận 10).
- ĐĐ2 (đ/u Trần Kim Đệ): trách nhiệm từ cầu chữ Y ra tới Phú Định.
- ĐĐ3 (tr/u Trần Văn Thương): hãng rượu Bình Tây và bến Lê Quang Liêm.
- ĐĐ4 (tr/u Vũ Đoàn Dzoan): chùa Ấn Quang và khu Nguyễn Duy Dương, Bà hạt.

Trận đánh vào chùa Ấn Quang (mồng 4 Tết : 3/2/1968)

Chùa Ấn Quang nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10. Một ngôi chùa đồ sộ tọa lạc trong ô vuông của 4 con đường Bà Hạt (bắc), Vĩnh Viễn (nam), Nguyễn Duy Dương (tây), sư Vạn Hạnh (Đông); cũng ở phía nam là đại lộ Minh Mạng dẫn đến bồn binh Ngã Sáu Sài Gòn.

Sáng ngày mồng 4 Tết, TĐ2/TQLC tiến vào khu vực Quận 10 và Chợ Lớn để thay thế TĐ 38/BĐQ (thiếu tá Nguyễn Văn Bằng) được chuyển lên khu vực ngã ba Hàng Xanh, cầu Sơn và TĐ33 /BĐQ (đại úy Nguyễn Văn Thiệt có ám danh truyền tin là Tử thần) được gởi tới mặt trận Bình An, quận 7, vừa mới khởi phát.

Chùa Ấn Quang là một ngôi chùa khá nổi tiếng với những vụ xuống đường năm 1963 và 1966, đã được TĐ6 Bình–Tân và TĐ đặc công thành C-10 đặt BCH ở đây. ĐĐ4 được đổ quân xuống tại ngã 6 Sài Gòn, theo 2 đường Minh Mạng và Lý Thái Tổ bao vây 4 mặt của chùa Ấn Quang. Trung đội 42 của tôi chịu trách nhiệm án ngữ tại ngã tư Nguyễn Duy Dương – Bà Hạt và dọc mặt sau của chùa là đường Nguyễn Duy Dương. Trung đội 43 của thiếu úy Lưu văn Phán bố trí theo đường Vĩnh Viễn; trung đội 41 của thiếu úy Phan Ngọc Viếng, không thể tiến sát đến mặt tiền của ngôi chùa vì những ngôi nhà phía trước, chạy dài đến đường Minh Mạng đã bị hỏa tiển từ trực thăng bắn xuống và VC đã nhân cơ hội đó đã đốt khu vực này lên đến khu chợ Thiếc. Khi chúng tôi tới vẫn còn những đám cháy nhỏ và những đám khói bốc lên. Trung đội 41 lãnh nhiệm vụ tấn công thẳng vào chính diện của chùa. VC từ trên lầu cao bắn xuống dữ dội và trung đội 41 phải dạt qua hai bên nhưng vẫn còn để lại xác chết của một binh sĩ. Ta phải dùng hỏa lực từ xa bằng súng không giật SKZ 57 ly và hai cây đại liên 30 bắn khống chế đám VC đang có mặt từ trên cao, để tiếp tục tiến vào. Nhưng kết quả không được như ý. Tình trạng gần như tiến thối lưỡng nan. Nhưng địch cũng biết chắc một điều là TQLC sẽ bám chặt bọn chúng và đang tìm mọi cách để kiểm soát ngôi chùa. Các trung đội bao vây chung quanh cũng được ĐĐ báo động là VC đang tìm cách thoát ra ngoài như một bầy chuột bị động ổ. Lúc bây giờ khoảng 10 giờ sáng, tôi đang đứng trên căn gác của một ngôi nhà gỗ quan sát phía cổng sau; bỗng có một người dắt chiếc xe đạp đang lách qua cánh cửa, hắn nhìn bên trái, bên phải, “mắt láo liên như thằng ăn cướp” rồi định thót lên yên xe, tôi thấy mình bỗng dưng la lên: “ bắt lấy nó”. Hạ sĩ nhất Nguyễn Đức Diệt và hạ sĩ Lê Văn Nhị từ bên trong nhảy ra tóm lấy và đè tên này xuống đường nhựa. Hạ sĩ Nhị kêu lên: “Có súng K54, thiếu úy ơi !”, có cả một phóng đồ hành quân khu vực Sài Gòn, trên cánh tay trái của chiếc áo trong có một cái băng màu đó đề chữ B29. Tôi nghĩ ngay đúng là VC rồi. Phải là cấp chỉ huy mới có K54 và phóng đồ hành quân. Những người lính hỏi thì nó chỉ nói là “liên lạc viên”. Hạ sĩ Sung mang máy đã nhanh nhẩu báo lên ĐĐ và bên kia tôi đã nghe tiếng của trung úy Dzoan: “Trói nó lại và cho người đưa lên đây cho tôi.” Tôi vội vàng thi hành lệnh và coi như công việc của tôi đến đấy là xong. Tôi cũng không kịp hỏi hắn tên gì ? Nhưng có một điều tôi được biết là sau khi áp tải tên này lên ĐĐ thì được lệnh đưa tiếp lên TĐ, cũng bằng những người lính của trung đội 42, và đích thân thiếu tá Ngô Văn Định, áp giải tên này lên cho người trực tiếp chỉ huy trận đánh vào chùa Ấn Quang là chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc CSQG, mà TĐ2 tăng phái.



Tại đây tướng Loan đã dùng cây roulo của ông bắn chết tên đặc công VC. Sau này tôi được biết tên VC đó là một đại úy đặc công có tên là Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp. Một phóng viên ngoại quốc tên Eddie Adams đã chụp được những bức ảnh của sự kiện này. Hắn đã bán những bức ảnh với số tiền lớn. Giới báo chí thiên tả và đám phản chiến ồn ào giận dữ lên án và khai thác một cách tận tình, đúng như lời một ký giả Mỹ đã viết: “The shot not heard’ round the world, but seen’ round the world”. Nhưng cuối cùng vấn đề cũng được nhận ra rõ ràng cũng với những ký giả này: “What never caught up with the impact of the picture was the fact that in the first hours of the Tet offensive before General Loan shot the man, Vietcong had behead a Vietnamese lieutenant colonel Tuan Nguyen and killed his wife and seven children”.

Đúng là những bức hình oan nghiệt đã đưa tướng Loan vào một khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời.

Tôi cũng xin kể thêm một đoạn về trận chiến tại chùa Ấn Quang để kết thúc phần bài viết này. Trung đội 42 được lệnh thay thế trung đội 41, tấn công vào chùa. Tôi đề nghị ĐĐ vẫn tiếp tục khống chế hỏa lực từ trên cao của địch bằng hai khẩu SKZ 75 ly và hai khẩu đại liên 30. Đồng thời tôi thành lập 3 tổ xung phong, mỗi tổ 3 người do hạ sĩ nhất Nguyễn Đức Diệt và trung sĩ Bùi Văn Rơi, còn tôi cũng phụ trách một tổ. Hai tổ từ hai bên bờ tường của chùa bò đến một vị trí an toàn, từ đây liên tục quăng những trái khói màu. Khi đã có một màn khói tương đối che phủ mặt tiền của ngôi chùa, cả 3 tổ vừa tác xạ, vừa xung phong vào cửa chính. Một quang cảnh thật khủng khiếp đã bày ra trên sàn đại điện. Có rất nhiều người chết và bị thương; tiếng rên la nghe thảm thiết vô cùng. Nhưng tại sao họ tập trung quá nhiều ở đây ? Họ thừa biết đám VC đã sử dụng đám người nhẹ dạ để làm tấm bình phong cho bọn chúng (!). Họ là những kẻ đồng lõa hay là những nạn nhân đáng thương? Tôi thật sự không hiểu và cũng không muốn hiểu.

Có nhiều dấu máu dẫn lên lầu. Chắc chắn có nhiều đặc công VC vẫn còn trên những gác chuông phía trước. Tôi gom mọi người vào một góc và tập trung một số nhà sư để đưa chúng tôi lên lầu. Hạ sĩ Sung đưa máy cho tôi và bên kia ĐĐ trưởng cho biết cảnh sát sẽ vào lục soát còn TQLC thì kéo ra. Tôi rất mừng vì không còn đổ máu thêm nữa; cho đến bây giờ trung đội của tôi chưa có thương vong.

Những ngày đầu binh nghiệp của tôi và trận chiến tết Mậu Thân là thế đó.

*

Dĩ nhiên, những giai đoạn của cuộc tổng tấn công của VC vẫn còn nhiều hồi hộp và hấp dẫn, nhưng bài viết này dài quá rồi, xin được hẹn với câu: “Hồi sau sẽ rõ..”
Nhưng tôi vẫn không hiểu: Người Mỹ đã lo sợ gì trong cuộc chiến tranh tại VN ? TT Harry Truman đã cách chức danh tướng Mc Arthur khi ông đề nghị tiêu diệt cái “cộng hòa nhân dân son trẻ” (trung cộng), cái mầm mống CS gây loạn sau này. Cứ nhìn vào bức hình TT Lyndon B. Johnson gục đầu lên chiếc bàn làm việc ở phòng bầu dục sao mà thê thảm quá. Ông còn tuyên bố bỏ cuộc, không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Và tệ hại hơn nữa, ông ra lệnh ngưng mọi cuộc oanh tạc miền bắc để mời gọi VC ngồi vào bàn hội nghị. Chẳng lẽ người Mỹ ngây thơ đến độ không hiểu cái chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” của CS ? Mục đích của một cuộc chiến tranh là chiến thắng. Người Mỹ đã thực sự muốn chiến thắng tại VN hay chưa ? Người Mỹ đã điều khiển cuộc chiến VN từ một nơi rất xa xôi và bằng những người không có một kiến thức về quân sự: Robert M. Namara chỉ là một nhà tài phiệt, Clark Clifford cũng thế ; Henry Kissinger không phải là một người thương thuyết mà chỉ là một tay Do thái chuyên đi đêm và đổi chát. Người Mỹ không chịu tìm hiểu bản chất của cuộc chiến mà chỉ muốn bao thầu, ôm đồm để rồi rút chạy, bỏ cuộc. Tại Iraq, Afghanistan bây giờ cũng thế. Chẳng lẽ người ta quá cao ngạo, quá tự hào là cường quốc số một duy nhất để không một lần nhìn những cái thảm bại của mình và những người mà mình gọi là đồng minh ?

Những người lính VNCH đã đánh thắng trên chiến trường, điều này không thể phủ nhận được, nhưng họ đã bị mất trắng tay tại chính trường và đường phố Mỹ, đúng như lời chân thành của Thống tướng William C. Westmoreland: “Chúng ta không thua tại VN, nhưng chúng ta đã không giữ lời cam kết đối với Quân lực VNCH. Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, chúng tôi chân thành xin lỗi các bạn cựu quân nhân của QL/VNCH vì chúng tôi đã bỏ rơi các Bạn”. (On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the Veterans of the South Vietnamise Army Forces for abandoning you guys).

* * *

Anaheim 29/12/2010
MX Kiều Công Cự

Tài liệu tham khảo:
- Tuyển tập 2/TQLC: Những cây bút Cọp Biển.
- Trận Mậu Thân: Sử gia Đại tá Phạm Văn Sơn.
- Những trận tổng tấn công 1968-1969: Đại tá Hoàng Ngọc Lung
- Một đời xin ghi lại: Kiều Công Cự
- VN: A complete photographic history: Michael Mc Lear & Hal Buell.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét