2/2/13

NỤ CƯỜI CỦA TĂNG NGỌC HIẾU (*)


A20 Phạm Đức Nhì

Lúc mới đến Trại Trừng Giới A20 tôi với anh Tăng Ngọc Hiếu tuy khác đội nhưng cùng ở nhà 3. Cả hai đều ở tầng trên; tôi nằm cách anh 5, 6 người; tuy gần…mà xa. Cả tháng chỉ nhìn nhau chứ không ai nói với ai câu nào. Sau khi điểm danh đóng cửa phòng anh Hiếu ngồi ra mép ngoài tầng trên, chân xếp bằng, mắt đeo kính cận, thả hồn về một cõi xa xăm. Mặt anh lúc nào cũng nghiêm và buồn, lại thêm đôi kính cận dầy cộm nên trông khó đăm đăm. Tôi có cảm tưởng như anh đang bị bệnh táo bón kinh niên. (Sau này mới biết hoàn cảnh gia đình anh thật đáng…lo đến táo bón. Năm 1975 lúc anh đi tù gia cảnh một vợ 6 đứa con, 3 trai, 3 gái; đứa con gái lớn nhất sinh năm 1968, mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới tượng hình còn nằm trong bụng mẹ, mãi đầu năm 1976 mới chào đời)

Lúc ấy trong nhà còn có bộ tứ Ánh, Phụ, Thuật, Khải, rồi luật sư Trần Danh San, Vũ Hùng Cương người nào cũng một bụng kiến thức, lại cởi mở, vui vẻ, sẵn sàng trả lời những câu hỏi đôi khi khờ khạo ngớ ngẩn của tôi nên trên con đường học hỏi, mở mang kiến thức, dù biết anh Hiếu đã từng là giáo sư triết, tôi vẫn tạm gác khuôn mặt khó đăm đăm của anh qua một bên.

Thế rồi Nguyễn Hạnh, Phạm Văn Hải trốn trại bị bắt lại, bị đánh bầm dập tống vô xà lim. Lúc được về đội thì thân tàn ma dại trông thật thảm thương. Ngọc Đen và bà đầm Nguyễn Đại Thuật (cùng một số người khác nữa mà tôi đã quên tên) khởi xướng mỗi người một muỗng cơm giúp hai bạn Hạnh, Hải có thêm chút bổ dưỡng để sớm phục hồi sức khỏe. Sau khi đi vòng quanh rỉ tai thuyết phục và được cái gật đầu đồng thuận của “khổ chủ”, đến giờ lãnh cơm chúng tôi lao vào công việc cứu trợ. Trước đó, khi bàn bạc chúng tôi định chỉ nhắm vào những “khổ chủ” vừa có thăm nuôi ở trại mới, hoặc đã từng có thăm nuôi đều đặn ở trại cũ. Nhưng số người thuộc loại này quá ít nên đành phải mở rộng đến những thành phần khác. Tôi đưa ra ý kiến:

“Mỗi người chỉ được lưng chén cơm, lường được khoảng từ 4 tới 5 muỗng, nếu múc mỗi người một muỗng đầy (20 đến 25% lượng cơm của bữa ăn) sợ là nhiều quá, những người ít thăm nuôi - đặc biệt là những anh em mồ côi- sẽ chịu không nổi.”

Cuối cùng đi đến quyết định: “mỗi người một muỗng lưng.” Trước khi bắt đầu anh Thuật nhắc nhở:

“Mấy ông phải kín đáo một chút. Đừng lộ liễu quá ăng-ten nó để ý báo cáo thì cũng phiền lắm.”

May mắn được Nguyễn Văn Quỳnh (tự Tư Quết) tình nguyện múc cơm, tôi và Ngọc Đen đóng vai “đề lô” chỉ điểm, chén nào của phe ta được phép múc, chén nào của những người mình chưa biết ý, chưa biết thái độ của họ thì thôi. Hôm đó kết quả thật đáng khích lệ; chính những người ít thăm nuôi hoặc mồ côi lại là những người hăng hái, mạnh dạn đẩy chén cơm của họ đến trước mặt Nguyễn Văn Quỳnh. Hạnh, Hải mỗi người mỗi bữa được  một tô cơm đầy để ăn thêm lấy lại sức.

Buổi tối vừa điểm danh vào buồng xong anh Hiếu đến chỗ tôi nằm. Sau vài lời thăm hỏi xã giao anh đi thẳng vào vấn đề:

“Tại sao Quỳnh lại không múc chén cơm của anh Hiếu?” (Anh Hiếu có thói quen xưng là “anh Hiếu” với những người trẻ tuổi hơn anh.) Tôi lại phải giải thích cho anh rõ. Nào là “đây là việc làm trái với nội quy của trại, anh em phải làm kín đáo trong số những người quen biết cũ. Anh Hiếu đối với anh em còn mới quá nên chưa ai dám nói chuyện với anh Hiếu và dĩ nhiên, chưa có lệnh, Quỳnh làm sao dám múc cơm của anh Hiếu được.” Rồi tôi vừa cười vừa nói tiếp:

“Với lại anh Hiếu mặt lúc nào cũng khó đăm đăm như vậy thì bố ai dám hỏi.”

Anh Hiếu tháo cặp kính cận xuống vừa chùi vừa nói một cách rõ ràng dứt khoát như ra lệnh:

“Mai nhớ nói Quỳnh múc cơm của anh Hiếu.”

Trưa hôm sau, lúc chia cơm anh Hiếu đứng xớ rớ gần chén cơm của mình. Khi người chia cơm vét hết hột cơm cuối cùng từ đáy nồi và lên tiếng: “lấy hàng về” thì Quỳnh cũng mang tô và muỗng ra làm nhiệm vụ. Anh Hiếu cầm chén cơm của mình đưa đến trước mặt Quỳnh và môi nở một nụ cười thật tươi chờ đợi. Quỳnh hiểu ý múc một muỗng cơm rồi tiếp tục quay qua những chén cơm khác nằm la liệt trên nền nhà ăn. Ôi! Nụ cười của anh đẹp quá! Trên khuôn mặt khô cằn, hốc hác của anh Hiếu nụ cười như một bông hoa tươi thắm làm sáng cả một góc nhà ăn. Và những lần chia cơm kế tiếp, anh Tăng Ngọc Hiếu – một người có hoàn cảnh gia đình bi đát, có tâm sự trĩu lòng – vẫn nở nụ cười tươi trên môi, cầm chén cơm đưa tới trước mặt Nguyễn Văn Quỳnh chờ đợi.

Trong cuốn truyện Ngày Phán Xử Cuối Cùng của Blaga Dimitơrôva, nhà văn nữ người Bungari, tác giả cũng có chương viết về một nụ cười. Trong một chuyến viếng thăm miền bắc Việt Nam lúc chiến tranh còn khốc liệt bà được nhà thơ Tố Hữu - lúc ấy là Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng - sắp xếp cho đi thăm một ngôi làng vừa bị đánh bom. Khi bà và đám quan chức Việt Nam tháp tùng bước vào một căn nhà đã được chọn trước, họ được một cụ bà da mặt nhăn nheo chào đón bằng một nụ cười. Nụ cười quá đẹp đã làm nữ sĩ người Bungari choáng váng. Bà đã viết một câu (tôi không nhớ nguyên văn) với ý nghĩa: “Tôi đã bay bao nhiêu ngàn cây số đến đây chỉ để thấy một nụ cười.”(**) Bà không biết rằng bà đã bị lừa. Nụ cười của bà cụ ấy là giả tạo, đã được dàn dựng trước. Đàng sau nụ cười của bà cụ là cái gậy của cả một bộ máy “chuyên chính vô sản”, là công an, là tổ dân phố, là mặt trận tổ quốc, là hội phụ nữ, là hội những người cao tuổi, là tem phiếu để mua thực phẩm. Bà cụ không muốn làm khổ chính mình, không muốn làm khổ con cháu nên đã phải đeo cái mặt nạ có nụ cười ấy lên khuôn mặt cằn khô của mình. Nụ cười của Tăng Ngọc Hiếu hoàn toàn khác. Đó là nụ cười của sự tự nguyện chia xẻ, của sự đùm bọc yêu thương. Đó là nụ cười của lòng dũng cảm, đức hy sinh và tình nhân ái.

Giờ đây được sống trên nước Mỹ tự do, của ngon vật lạ ê hề. Do ở sát biển, tôi thỉnh thoảng tặng anh bạn này pound tôm càng, anh hàng xóm kia mấy con cua gạch, chị người quen nọ vài con cá tươi mới từ tàu đem về. (Toàn của thiên hạ cho chứ không phải mua.) Thế mà cũng được tiếng là thảo ăn, biết chia ngọt xẻ bùi với anh em bè bạn. Nhưng làm sao so sánh được với Tăng Ngọc Hiếu lúc ở Trại Trừng Giới A20. Một muỗng cơm lưng lúc ấy giá trị gấp ngàn lần những tôm, cua, cá bây giờ. Bởi muỗng cơm lưng đó là máu của mình, là thịt của mình, là sức sống và có khi là chính sinh mạng của mình.

Nụ cười tươi trên khuôn mặt hốc hác khổ đau của anh Hiếu đã theo tôi đến tận bây giờ. Tôi đã đánh mất hơn 12 năm tuổi thanh niên, tuổi đẹp nhất đời mình trong các trại tù. Gia đình tôi vì thế mà tan nát. Nhưng vớt vát  lại tôi đã học hỏi được rất nhiều điều nơi các bậc đàn anh đầy kiến thức và kinh nghiệm sống; đã nghiên cứu âm nhạc, thơ ca và đã viết được những bài nhạc, bài thơ được khá nhiều người yêu mến. Và mỗi bước tôi đi trên đường đời lâu lâu lại có nụ cười của Tăng Ngọc Hiếu hiện ra, gợi nhớ biết bao kỷ niệm bi thương, hào hùng ở Trại Trừng Giới. Tôi bỗng nhớ tới đoạn nhạc của Nguyễn Văn Thiệp – một thành viên trong cái “văn bút” nho nhỏ mà chúng tôi thành lập ở Phân Trại B:

“Tôi vẫn còn nằm trong tay quân gian tham; sống đọa đày không kêu ca than van; vẫn một lòng yêu em nơi phương xa; tim vẫn chứa chan tình người thiết tha.”

Ra khỏi Trại Trừng Giới mà vẫn còn giữ được trái tim chan chứa tình người là chúng ta đã chiến thắng. Hình như tôi đã từng viết ở đâu đó: Chúng ta “mỗi người một hoàn cảnh riêng, có cách chiến đấu riêng, đã đóng góp vào chiến thắng chung trong trận chiến giữa một bên là sự bạo tàn sắt máu của cộng sản, một bên là những người tù A20 bằng xương bằng thịt.” Và khi nói về cái kho vũ khí đa dạng của người tù A20 bằng xương bằng thịt chống lại đám cai tù cộng sản sắt máu bạo tàn, xin đừng quên Nụ Cười Của Tăng Ngọc Hiếu.

A20 Phạm Đức Nhì

(*) Sinh 1936
ĐHSP SG 63-67
Khóa 8/68 Thủ Đức
Tù 75-84
Biệt Giam nhiều lần, tổng cộng hơn 1 năm
Hiện ở Mỹ

(**) Nguyên văn câu trong sách ” Ngày Phán xử cuối cùng  ” của Blaga Dimtritova như sau ” Tôi đã phải đi từ đầu đến cuối trái đất này để tìm gặp một nụ cười .” ( P 137, bản dịch PHG, NXB TN 2004 ) ( TV&BH)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét