15/3/14

Thung lũng tử thần - Phần 3



A20 Vũ Ánh


Cái giá của những ngộ nhận!

Khi đã bị đẩy vào sau cánh cổng nhà tù cộng sản, chỉ có một số rất nhỏ ở một trại từ đầu cho đến cuối mùa, còn phần đông đều bị chuyển trại cứ khoảng một đến hai năm một lần đi các trại khác, ngoại trừ tù cải tạo bị “tuyển lựa” lên các trại A-20, A-30 và A-10. Khi phải đi qua nhiều trại cải tạo như vậy, các bạn tù khi gặp lại nhau ở trại mới thường hay hỏi thăm nhau tình hình sinh sống ở các trại khác. Có người nói trại này sống “thoải mái” hay “dễ thở” hơn, trại nọ “khắt khe, thù hận” nặng hơn vì các cán bộ quản trại đều là từ quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh hay Ðồng Hới. Nhưng theo tôi, khi đã bị buộc phải sống trong các trại cải tạo thì chẳng có trại nào dễ thở hơn trại nào. Dễ thở, thoải mái hay không là tự mình. Anh sợ sệt đủ thứ kỷ luật khắt khe mà cai tù đặt ra thì ở trại cải tạo nào cũng nghẹt thở cả. Còn nếu anh tự cho anh là người tự do thì trại nào cũng dễ thở cả!



Tôi muốn giải thích điểm này bằng những điều mắt thấy ở những trại lao cải mà tôi đã đi qua. Xương sống của chính sách đối với tù cải tạo trong chế độ Cộng sản là “bóp bao tử” và làm cho người tù lúc nào cũng nuôi hy vọng “cải tạo tốt sẽ được thả.” Ði tù, ăn đói triền miên, đau ốm không có thuốc nên đành phải kêu cứu gia đình lên thăm gặp và tiếp tế cho chồng, con, anh, em. Nhưng nên nhớ rằng, không phải tù cải tạo nào cũng được thăm gặp. Ban quản trại luôn luôn lợi dụng thứ tình cảm thiêng liêng của gia đình tù cải tạo để làm áp lực thậm chí để trói tay chân tù cải tạo bằng sợi dây xích vô hình. Ðòn cắt thăm gặp thường là hữu hiệu và trong những năm đầu tôi từng ngạc nhiên không hiểu tại sao có những bạn đồng tù với tôi bị rúng động thật sự khi họ có tên ra thăm gặp gia đình và nhưng lại trở vào trại ngay với cái vẻ mặt buồn bã thông báo với bạn bè là họ bị cắt thăm gặp 3-6 tháng thậm chí một năm. Nhưng vào những năm tháng sau này thì tôi hiểu. Các bạn đồng tù của tôi phần lớn là những cựu sĩ quan hay công chức còn rất trẻ, ít có người quá 30. Sự thất trận và miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản khiến những người vợ của họ đang ở đô tuổi thanh xuân, tình yêu còn đang nồng cháy, nhiều cặp vợ chồng còn chưa kịp có con. Cho nên, nói gì thì nói, được ra thăm gặp vợ con, dù chỉ 15-30 phút cũng là hạnh phúc lớn đối với họ rồi. Vợ chồng một người bạn tù gặp tôi lại ở Mỹ năm 1993, đi ăn với nhau một bữa cơm ở Little Saigon cũng đã ôn lại chuyện đời tù trong đó có những lần anh bị cắt thăm gặp. Vợ của bạn tôi xác nhận:

Những lần đó em buồn lắm. Anh ấy có thể buồn ít nhưng em thì buồn nhiều. Việc tần tảo nuôi con em không kể số gì. Không nói ra thì anh cũng hiểu rồi. Xã hội mà em đang sống lúc đó có nhiều đổi thay và nhiều cạm bẫy lắm. Quà thăm nuôi thì em cũng chỉ sắm sửa được cho anh ấy trong khiêm tốn thôi, nhưng điều quan trọng là được nhìn thấy anh ấy hàng tháng. Những lần như thế giúp em thêm nghị lực để vượt qua cạm bẫy.”

Tôi đã từng có cơ hội được đọc những câu chuyện của người vợ tù do những nhân chứng viết ra trong một vài cuộc thi viết trên một tờ báo Việt ngữ ở Little Saigon này. Có câu chuyện đọc không thấy xúc động vì hình ảnh người vợ tù cải tạo đã được mô tả thành hình ảnh của những nữ anh thư nước Việt. Nhưng đa số những câu chuyện gây được sự cảm động và phần lớn những bài viết thuộc loại này mô tả những người vợ tù cải tạo bình thường như câu chuyện của vợ bạn tôi. Chúng thường tạo được cảm tình người đọc vì đó là những câu chuyện đời thường, vì chúng không bị vẽ vời thêm hoa lá cành và vì chúng không “bị” mang theo những hình ảnh của Bùi Thị Xuân hay Sương Nguyệt Ánh. Hình ảnh bi hùng tráng nhất của người phụ nữ Việt Nam vào giai đoạn gió bụi sau 30 tháng 4, 1975 là khi những người đàn ông đã vắng bóng trong gia đình, tất cả những người vợ lính, vợ công chức chân yếu tay mềm chưa một lần nào biết buôn bán là gì đã túa xuống đường phố buôn gánh bán bưng hay lao động chân tay để cứu gia đình họ khi mọi thứ trong nhà đã đi ra chợ trời hết. Họ nuôi chồng, cha trong lao tù, nuôi những đàn con còn thơ ấu trong thời gian biền biệt mà không biết than thở cùng ai. Phải nói đó là những anh hùng hơn cả những anh hùng từng một thời vào sinh ra tử huy chương đầy ngực.

Qua nhiều câu chuyện trao đổi khi đi tù về, tôi nhận thấy rằng mộng bình thường của những người vợ tù, mẹ tù là sao cho có thể gặp chồng hay con cái họ hàng tháng hay hàng ba tháng một mà không gặp trở ngại nào. Lòng mong muốn của họ là làm sao chồng, con có thể về sớm để tránh bớt được cảnh khổ trong chốn lao tù và giúp họ thêm một cánh tay vào cuộc tranh sống trong xã hội nghèo đói, bị áp bức và tan nát ấy. Thông minh, khôn khéo, nhẫn nhục, nhìn mục tiêu ở tầm mắt thực dụng gần nhất và đo được những mục tiêu cho tương lai con cái mình chính là những điều đáng kể nhất trong giai đoạn lịch sử đầy gió cát sau 30 tháng 4, 1975.

Có hai điều làm cho tù cải tạo chúng tôi phục nhất ở người phụ nữ Việt Nam vào giai đoạn ấy. Thứ nhất, sống cực nhọc như thế mà họ vẫn dành dụm có khi là vài lượng vàng để cho con cái hay chồng đi tù trở về vượt biên được. Thứ hai là sự cương quyết và đầy nghị lực khi họ vào thăm chồng lần chót trong tù để thông báo quyết định mang con vượt biển. Thực ra, tôi không đủ ngôn ngữ để mô tả phản ứng của các bạn tù của tôi trong trại ở vào hoàn cảnh vừa rồi. Họ xách giỏ quà từ ngoài nhà thăm nuôi vào với nét mặt vui không ra vui và buồn cũng chẳng ra buồn. Bạn bè nhiều khi xúm lại hỏi xem có gì “hồ hởi” không? (Trong trại giam, chúng tôi thường dùng từ ngữ “hồ hởi” để thay cho câu hỏi: “Có hot news không mày” hay “Có biến chuyển gì ở bên ngoài không mày”). Bạn tôi lắc đầu và chìa gói thuốc lào ra mời. Buổi tối, tập trung vài bạn thân nhất trong tù dùng bữa cơm có được chút thịt, cá nó mới chậm rãi báo tin với nhiều ưu tư: “Vợ tao thăm tao lần chót. Nó xách thằng con trai tao vượt biên, không biết có thoát được không hay là lại nuôi cá thôi. Tao lo là lo như vậy, còn bọn mình tù mút chỉ cà tha như thế này thì cũng coi như chết rồi. Vợ tao còn trẻ, dĩ nhiên tới Mỹ được thì nó cũng phải có gia đình khác để nuôi con. Tụi mày cùng tao giúp tao cầu nguyện cho vợ con tao. Nó mà thoát được thì ngày mai tao ra Ðồi Thông cũng vui rồi.”

Một vài bạn tù của tôi “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” (Ghi chú: Tôi mạn phép dùng đầu đề của một tác phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng), nhưng có có bạn trong lần thăm nuôi sau, cầm giỏ quà vào tới trại là nằm vật xuống sàn ngủ khóc nức nở. Những hình ảnh này, chỉ có những ai trải qua những năm tháng trong nhà tù Cộng sản vào giai đoạn đen tối nhất mới thấy được một khía cạnh khác của làn sóng vượt biển. Không một đất nước nào trên thế giới này mà cảnh chia ly giữa vợ chồng, giữa bố mẹ và con cái nếu mà nếu “thành công” thì lại là một điều mừng rỡ đối với những người tù cải tạo chúng tôi vào giai đoạn ấy.

Lồng trong bối cảnh tù đầy này, còn có những khối mầu u ám của những lần thăm nuôi chỉ để bố mẹ khuyến cáo con hay vợ khuyến cáo chồng: “Này nhé, đây có thể là lần thăm chót nếu anh ăn ở trong trại không đàng hoàng đến nỗi tai tiếng bay cả ra bên ngoài. Từ lần sau, em chỉ gởi quà qua bưu điện.” Năm 1990, tôi đến ăn cơm tối nhà một bạn tù được thả từ trại tù Nam Hàn (Bắc phần) trước tôi một năm. Trong câu chuyện vui gia đình, vợ của P.T.Ð nói: “Các anh ở trong tù, cơm bưng nước rót (cơm tù), dù có đói nhưng không phải lo toan đủ thứ như tụi em. Kiếm được gạo ngày hôm nay, nhưng không biết bữa mai ra sao. Tuy nhiên, đói khổ nào tụi em cũng chịu được, nhưng tụi em không thể chịu được nếu bạn bè anh ấy ở tù về chê trách cách sống không đàng hoàng của anh ấy trong trại.” Tôi thông cảm với những ưu tư của người vợ tù cải tạo này, nhưng mặt khác tôi biết rằng trong môi trường tù đày và trong một số trường hợp nhất định, dư luận trong tù cũng không được chính trực. Một người nói, rồi truyền tai nhau trong khi cũng không ai chịu phối kiểm đã biến một người mà nguồn tin loan truyền không thích thành một anh chàng tư cách không ra gì, thậm chí là một anh chàng phản bội làm tay sai cho đám cán bộ trại giam.

Thời còn bị lao cải ở trại Hàm Tân Z-30C, tôi cũng đã từng chứng kiến hoàn cảnh một cựu dân biểu VNCH bị cáo gian chỉ vì người nằm cách ông vài chiếu ghét ông ta. Vốn là người giầu có và là chủ một nhà hàng khách sạn nổi tiếng trước 30 tháng 4, 1975 tại Saigon, nên quà thăm gặp có phần bề thế. Người tố cáo ông cựu dân biểu này viết đơn lên ban quản trại nói rằng ông manh động giúp phương tiện cho tù cải tạo trốn trại sau vụ các cựu sĩ quan M.B.T, K.B.L và N.T.T vượt trại thành công chắc có lẽ cũng muốn người cựu dân biểu này phải là một xì thẩu hào phóng, nhưng thực tế đã ngược lại nên anh ta thất vọng mới đi tố bậy. Trường hợp thứ hai là chuyện của hồi chánh viên Huỳnh Cự. Ông Cự là một trong vài cán bộ chánh trị cao cấp của Cộng sản về hồi chánh và sau đó đã giữ tới chức Tham Nghị trong Bộ Chiêu Hồi VNCH. Sau 30-4-1975, cả Bộ trưởng Hồ Văn Châm lẫn tham nghị của ông là Huỳnh Cự đều vô tù. Vào tù, ông Cự lại giữ công việc đội trưởng. Nhiều anh em vốn ghét hành vi không đàng hoàng của một số người chiêu hồi khác phần đông tập trung trong đội đan lát nên sự ngộ nhận đối với hồi chánh viên Huỳnh Cự Gia tăng. Nhưng chưa một anh em nào từng sống chung trong tù với Huỳnh Cự có thể đưa ra những chứng cớ là Huỳnh Cự lợi dụng chức đội trưởng để hành hạ anh em, báo cáo để anh em bị trừng phạt trong biệt giam. Nhưng tôi và những người khác trong xà lim của khu biệt giam A-20 đã là nhân chứng đêm của Mùa Hè 1982 khi hồi chánh viên Huỳnh Cự bị đưa vào đây. Ðêm đó trời nóng nực, muỗi hành hạ, lại cộng thêm khát nước, có lẽ không ai ngủ được. Trại trưởng Lê Ðồng Vũ và an ninh trại Lý “lé” đích thân giải giao Huỳnh Cự vào. Có tiếng Lý “lé”:

- Mày ra chiêu hồi theo địch phản đảng phải không?

Huỳnh Cự trả lời đặc sệt giọng Quảng:

- Vâng, đúng thế. Nhưng tôi yêu cầu cán bộ không được mày tao với tôi. Luật lệ trại giam là tôi gọi anh là cán bộ và ngược lại cán bộ phải gọi tôi là anh. Tuổi cán bộ chỉ bằng tuổi con trai của tôi thôi.

Lê Ðồng Vũ xen vô giọng nhừa nhựa như một tên say:

- Vào đây là phải cải tạo thôi, không chống lại được đâu. Nhà nước khoan hồng lắm rồi mới không đem anh ra bắn!

Và chúng tôi rất ngạc nhiên, ông Huỳnh Cự trả lời bình thản:

- Lẽ ra đem tôi ra bắn ở cầu Bình Triệu thì mới là khoan hồng. Nhà nước nhốt tôi vào trại cải tạo thì cứ nhốt. Nhưng giữa tôi và cán bộ có những suy nghĩ khác nhau về công và tội với đất nước nên hãy để cho lịch sử phán xét!

Tôi không biết Huỳnh Cự bị đẩy vào chuồng cọp vì lý do gì và ông đã nói những gì với chấp pháp (sĩ quan thẩm cung), nhưng tôi nghĩ người đã dám đối thoại thẳng thừng với viên trại trưởng thâm hiểm và hét ra lửa như Lê Ðồng Vũ ở chốn rừng xanh núi đỏ người ngoài không biết tới này phải là một người có nhân cách và tư cách. Truyền thông theo kiểu tin đồn, dựng đứng, chế biến, thêm thắt không chứng cớ hay cắt xén gán ghép là điều dễ làm và rẻ tiền nhất trong tù. Nhưng nói được một sự thật, bao giờ cũng có cái giá phải trả. Nếu tôi không bị nằm chuồng cọp lâu dài, chắc cũng không thể nào tin là hồi chánh viên Huỳnh Cự lại có thể nói một những câu khảng khái như thế.


Những nhân cách đáng quí!

Có bị vào chuồng cọp một thời gian đủ lâu mới có thể hiểu được thực chất của một số người tù cải tạo như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn. Thời chiến khi còn phải đảm nhận nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường, còn gọi là phóng viên mặt trận, tôi hiểu rất rõ lý do tại sao mà những người lính chiến thường đánh giá những thử thách mà họ phải đương đầu bằng một câu nói: “Có đụng trận thì mới biết ai hay, ai dở và ai hùng, ai hèn.” Vào tù cải tạo, quan điểm này vẫn còn giá trị. Và quả thật, có vào trong tù mới biết trong số anh em ta, không thiếu những kẻ “miệng hùm, gan sứa” và cũng rất nhiều người “miệng sứa, gan hùm.” Chúng tôi dùng động từ “đụng trận” ở trại A-20 Xuân Phước để chỉ việc tạo ra những hành động chống đối chế độ hay chống đối nhà tù và do những điều này mà người tù cải tạo bị trừng phạt bằng hình thức cùm hai chân trong xà lim. Khi vào biệt giam rồi, nghĩa là đụng trận rồi và phải đương đầu với chế độ khắt khe về ăn, uống, bài tiết thì chỉ một vài tháng sau là chúng tôi có thể đánh giá sức chịu đựng của từng người không có gì khó khăn.

N.Ð.Q, một thẩm sát viên CSQG, khi còn ở ngoài trại tập thể là một “vua” về  “hot news” mà tin nào anh đưa ra cũng là những tin động trời cả nghĩa là những tin mà chỉ có là tổng bí thư đang CSVN hay đảng cộng sản Trung Hoa mới biết được mà thôi. Vốn là người đọc sách nhiều và có trí nhớ rất tốt nên trong phòng giam anh là người điểm lại những cuốn sách mà anh đã đọc với một lối kể chuyện khá hấp dẫn. Bị ăng-ten báo cáo, rồi bị gọi đi thẩm cung và sau buổi thẩm cung anh bị dẫn thẳng vào xà lim số 1, nhưng chỉ bị cùm một chân. Trong khoảng nửa năm bị cùm, anh Q. vẫn giữ vai trò kể chuyện cho những tù nhân trong các xà lim khác nghe vào lúc đêm khuya, dù phải nói thật chậm.
Anh có cái tật là hay thông báo với anh em về tình trạng cái cổ chân của anh bị chiếc cùm nhỏ quá làm trầy xát da và bị nhiễm độc. Có một lần anh Q. báo với chúng tôi là chiếc cùm ngày một rộng ra mà thực tế là do chân anh bị teo dần do thiếu ăn và nước uống, cổ chân bị nhỏ đi nhưng anh lại “khôi hài đen” bằng cách nói vòng cùm ở cổ chân mình tự nhiên rộng ra. Khi loan báo tin này vào khoảng nửa khuya nên anh không ngờ tên vệ binh súng dài đi tuần ở ngoài nghe thấy la toáng lên: “A, ghê thật, tụi bay tính phá cùm trốn trại phải không. Chờ đấy, (chửi thề)... ông đi lấy khóa mở cửa để cho mày cái cùm nhỏ hơn.”
Chỉ dọa vậy thôi, chứ chúng tôi biết vào giờ đó, dễ dầu gì có thể yêu cầu trực trại mở cổng khu biệt giam. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi trực trại Luật mở cửa các xà lim điểm số, anh ta sai trật tự choàng thêm một vòng cùm khác ở chân bên trái của Q. và từ sáng hôm đó cho đến một tháng sau anh “thưởng thức” chế độ 2 muỗng cơm, 2 muỗng nước và 2 muỗng nước muối. Nhưng cái đáng quí ở N.Ð.Q là buổi trưa anh bị trại trưởng gọi ra để thẩm cung. Khi bị dẫn trở vào lại biệt giam, trại trưởng hỏi: “Thế anh đã chừa chưa?” Q. hỏi lại: “Chừa gì cán bộ?” “Chừa cái thói bố láo, nói xấu nhà nước,” trại trưởng Lê Ðồng Vũ “phán” như vậy với giọng xấc xược. Q. cũng không vừa, anh chậm rãi giải thích với giọng còn nặng quê hương Bình Ðịnh: “Tôi chỉ báo cho những anh em cùng tình trạng như tôi tin mừng là cổ chân của tôi teo lại vì được tẩm bổ quá đáng chứ có gì mà bảo tôi nói xấu chế độ.” Lê Ðồng Vũ nổi dóa: “Tôi cắt lưỡi anh bây giờ, vào đây mà còn bẻ gậy chống trời. Cứ nằm đấy nghỉ mát, sức anh còn khỏe lắm đấy.” Cái thói mỉa mai của Lê Ðồng Vũ luôn luôn là như thế, nhưng điều mà tôi phục N.Ð.Q là anh nói thẳng: “Ðâu có sao cán bộ, nằm đây thì khỏi phải lao động thôi.” Quả thật không vào biệt giam, không bị thử thách thì cũng khó xét đoán được tư chất của một con người. Biệt giam là cái thế giới đặc biệt, nơi con người bị tước bỏ tất cả mọi thứ một cách dễ dàng kể cả quyền sống. Họa chăng người tù cải tạo chỉ còn giữ lại được nhân cách. Nếu đánh mất nhân cách trong hoàn cảnh này người tù ấy chỉ còn là cái xác chết chưa kịp chôn mà thôi.

Người ở biệt giam số 4 ngay sát xà lim tôi nằm là một tu sĩ Công Giáo còn rất trẻ tên là Nguyễn Luân. Ngài được thụ phong linh mục năm 1973 lúc mới ngoài 30 tuổi. Theo chính lời vị tu sĩ này, đang làm việc đạo tại giáo phận Phan Thiết cho đến một năm sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì ngài bị bắt vì một đơn tố cáo ngài có liên hệ trong vụ nhà thờ Vinh Sơn. Ðầu tiên, vẫn theo lời vị thừa sai trẻ tuổi, chính quyền địa phương không điều tra gì về lời tố cáo trên và đưa ngài vào một trại tù ở Sông Mao, sau đó họ đưa ngài lên biệt giam ở khu biệt giam Phân Trại B của trại A-20. Năm 1980, ngài bị đưa vào xà lim 4 khu biệt giam của Phân Trại E thuộc trại A-20 trước khi tôi bị đẩy vào xà lim số 5.

Trong suốt thời gian hơn 4 năm trong xà lim ở phân trại E, tôi liên lạc với Linh mục Luân hàng ngày. Sức khỏe ngài rất kém vì bị suyễn nặng.

Thuốc suyễn của gia đình gởi vào cho ngài qua đường bưu điện bị giữ lại ở bệnh xá trại. Mỗi lần ngài lên cơn suyễn nghiêm trọng, tôi hoặc một vài anh em khác thường phải đập cửa báo cáo cấp cứu giùm vì ngài không còn sức kêu cứu. Nếu may mắn viên trung úy y sĩ trưởng bệnh xá đi tìm trực trại để mở cửa bệnh xá thì Linh mục Luân còn nhận được thuốc suyễn, nếu không thì ngài đành chịu trận cho tới giờ phát cơm chiều. Nhưng nếu phải kêu cấp vào ban đêm thì vô phương.

Mỗi lần như thế khi cửa biệt giam 4 được mở ra, chúng tôi có thể nghe thấy hơi thở ngài khò khè, nghẹn tắc giống như một con gà bị cắt tiết.

Ðau, nhục, bất lực như nhận chìm chúng tôi trong những cái chuồng nhỏ trong rừng sâu mà thế giới bên ngoài vào lúc đó không hề biết tới. Tôi có cảm tưởng bọn cai tù thích nhìn thấy người tu sĩ trẻ tuổi bị hành hạ vì căn bệnh nan y của ngài và chúng góp thêm vào sự hành hạ của bệnh tật bằng cách giữ lại thuốc của gia đình người tù gởi vào và chỉ cấp nhỏ giọt cho người mang bệnh kinh niên như Linh mục Luân.

Ngoài ra, những căn xà lim ẩm thấp, thiếu vệ sinh như biệt giam ở trại A-20 là những thứ vũ khí dễ lấy đi mạng sống của những người bị bệnh về đường hô hấp. Ấy vậy mà mỗi khi trại trưởng Lê Ðồng Vũ vào kiểm tra khu biệt giam, hắn đã luôn luôn dùng những lời lẽ chế diễu tình hình sức khỏe ngày một tồi tệ nơi ngài. Vũ thường mỉa mai:

Thế nào anh Luân, mọi chuyện giấu diếm của anh đều ổn thỏa cả chứ, nhưng trông anh còn khỏe lắm, phải khỏe thôi anh ạ vì anh còn nằm ở đây lâu đấy !

Những lần như thế, chúng tôi có cảm tưởng rằng Linh mục Luân bỗng như đến từ một thế giới khác. Giọng của ngài không còn thều thào, khàn khàn do đờm và nước dãi lúc nào cũng đầy trong cổ họng. Ngài trả lời gọn gàng, dứt khoát, không giận dữ nhưng cũng không sợ hãi:

Thưa cán bộ, ông nói quá đấy thôi. Nhưng so với các ông và với chế độ này, anh em chúng tôi lúc nào cũng mạnh. Bởi vì nếu chúng tôi không mạnh thì các tất các ông đâu có sợ mà phải nhốt chúng tôi như thế này. Chính các ông mới là người yếu và lúc nào cũng sợ hãi chứ không phải chúng tôi!

Trước con người “mạnh ở cái đầu” như Linh mục Luân, viên trại trưởng Lê Ðồng Vũ chỉ còn cách trừng phạt ngài bằng cách không cho trật tự mang đi đổ cái thùng cầu trong buồng giam đã quá đầy và đã tràn ra ngoài. Vào cuối mùa Hè 1983, Linh mục Nguyễn Luân vướng phải bệnh kiết lỵ. Thuốc của bệnh xá chỉ là xuyên tâm liên hay vỏ măng cụt, lá ổi tất không thể ngăn vị tu sĩ trẻ này bắt đầu đi tiêu ra máu. Tất cả các phòng biệt giam không ai có thuốc ngoại trừ Ð.B.P, một trong những cựu đại đội trưởng Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù. (Anh vào biệt giam sau tôi một năm rưỡi vì bị ăng-ten báo cáo chuẩn bị trốn trại và kích động tù cải tạo nổi loạn, tổ chức hát tù ca). Phụ bị biệt giam ở xà lim 9, một xà lim mà theo lời Linh mục Nguyễn Văn Vàng lúc đó nằm ở xà lim 10 cho biết từ trước đến nay chưa có “khách trọ.” Khi tôi liên lạc thì P. cho biết “thuốc” anh giấu trong hậu môn không hẳn là thuốc mà là những miếng bông nhỏ vo tròn bằng đầu đũa, có tẩm cặn của những chai thuốc streptomycine trị lao phổi mà anh xin được của bệnh xá thời gian trước khi bị biệt giam. Sau này khi gặp nhau lại ở Mỹ, P. nói với tôi: “Mày biết rồi, trước khi vào biệt giam chúng khám người rất kỹ, nắn từng gấu áo. Nhưng tao có một cách giấu tối tân hơn. Ðó là giấu ở trong hậu môn. Mấy viên bông tẩm streptomycine đó tao gói lại bằng bao nhựa chỉ lớn bằng đầu đũa, thấm một chút nước bọt là có thể đưa vào trong hậu môn dễ dàng. Khi đi cầu thì lấy ra, bình thường thì lại nhét vô chẳng chết thằng Tây nào đâu. Khi bị thẩm cung sang đến ngày thứ hai, tao đoán thế nào chúng cũng nhốt mình vào biệt giam nên chuẩn bị trước

Nhưng tại sao Streptomycine lại có thể ngăn được đi tiêu ra máu thì chính chúng tôi cũng không hiểu. Hồi ở trại Hàm Tân Z-30C, Bác sĩ L.T. Dung đã chỉ mánh này và khi đến các trại khác gặp một số bạn đồng tù đã trải qua việc dùng cách nói trên mách bảo lại. Chính tôi cũng đã dùng một vài lần ở Hàm Tân và thấy nó có hiệu quả. Dĩ nhiên, đây là phương thức không được y khoa công nhận, nhưng vào những lúc nguy khốn như thế thì cần gì y khoa công nhận chứ? Làm sao sống sót cái đã, phản ứng phụ hay hậu quả tính sau. Nhưng làm cách nào bạn tôi Ð.B.P. có thể chuyển thuốc cho linh mục Luân được? Từ 4 đến 9 cách nhau tới 5 xà lim, một đoạn đường quá xa!

Ngồi ôm trán, tôi nhớ lại thời gian nằm biệt giam ở khu ED nhà tù Chí Hòa khi bị đưa về từ biệt giam trại B-5 Tân Hiệp, Biên Hòa năm 1976. Thời gian đó tôi chứng kiến được cảnh tiếp tế thuốc lào của một vài người tù hình sự cho một số tù chính trị bị nhốt tại các phòng biệt giam tập thể gồm từng nhóm 2 hay 3 người trong cùng một phòng. Biệt giam ở nhà tù Chí Hòa thì không bị cùm chân ngoại trừ những tù phạm tội giết người. Những thành phần này bị nhốt riêng, và chân luôn luôn được xích với một quả tạ nặng khoảng 500 pounds hoặc những thành phần tù chính trị, tù cải tạo bị “theo dõi đặc biệt.” Kỹ thuật chuyển tiếp tế giữa các phòng biệt giam với nhau không có gì gọi là khó khăn cả. Cái khó khăn duy nhất là cần có vật liệu để làm dụng cụ: một vật gì đó nhỏ nhưng đủ nặng và những sợi dây nhỏ cũng phải bền. Người ở nơi gởi dùng sợi dây đủ dài, một đầu buộc vào vật nặng cùng món hàng muốn gởi đi thật chắc chắn, bởi vì một khi “hàng” tuột khỏi giây văng ra trên hành lang, bọn cai tù kiểm soát cứ hai giờ một lần thấy hàng gởi nằm lăn lóc trên mặt sàn hàng lang sẽ làm toáng lên và truy ra cho bằng được thủ phạm bằng cách đánh đập, tra tấn những thành phần khả nghi, nên có khi cả khu biệt giam bị vạ lây. Ngoài ra, người gởi phải có con mắt ước tính tương đối chính xác để khi thò tay ra cửa tò vò ném món hàng đi thì nó phải đáp xuống ngay trước cửa xà lim nơi nhận trong khi nó vẫn được lối liên với với sợi dây dài từ nơi gởi. Người nhận cũng sẽ dùng một sợi dây tương tự buộc chặt với một vật đủ nặng. Do không bị cùm chân nên người nhận dùng mắt quan sát qua cửa tò vò và có thể định được vị trí món hàng mình muốn nhận. Người nhận sẽ quăng sợi dây sao cho vật nặng ở đầu dây rơi xuống nằm chéo với sợi dây gởi hàng. Anh ta phải khéo léo kéo từ từ để cho hai vật nặng ở hai đầu dây mắc vào nhau và phải kéo vào sát cửa rồi mới kéo nâng lên cửa tò vò. Cách chuyển hàng như vậy không phải dễ thành công, phải làm năm lần bẩy lượt may ra mới đạt mục tiêu.

Cho nên, suốt thời gian hơn một năm nằm biệt giam ở Chí Hòa, hàng ngày tôi chứng kiến và nghe những thuật ngữ pháo binh như: “Hai tràng đạn khói” (hai bi thuốc lào), “Hai tràng đạn nổ” (hai tán đường), “Nhận 5” (biết rồi, sẵn sàng), “Kiểm soát mục tiêu” (thành công hay thất bại để bên gởi kéo dây về hay phải gởi lại). Nhưng cũng có trường hợp đám cai tù lặng lẽ đi rón rén vào hành lang khu biệt giam ngồi rình. Khi người gởi vừa nói “đạn đi” thì tên cai tù nhón ngay món hàng và lần theo sợi dây đến xà lim người nhận và hét tướng lên: “Hai tràng đạn nổ hả, ông sẽ cho mày hai cục đạn 500 kí lô xem mày có đi được không nào.” Thế là sợi dây xích khóa cửa xà lim kêu lên loảng xoảng. Cả người gởi lẫn người nhận bị ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết và hai chân phải mang hai cục sắt nặng 500 kí lô với sợi dây xích ngắn ngủn. Ðó là ở biệt giam Chí Hòa. Còn ở biệt giam A-20 việc tiếp tế “thuốc” kiết lỵ cho Linh mục Luân khó khăn gấp nhiều lần. Tại sao?


Sức mạnh từ niềm tin hay phép lạ?

Trong bài 22, tôi có nhắc tới cách tiếp tế thuốc kiết lỵ cho Linh Mục Nguyễn Luân, một tu sĩ trẻ tuổi bị biệt giam kể từ khi bị bắt và phải đi qua nhiều nhà tù Cộng Sản khác nhau ở miền Nam Việt Nam. Ðiều khó khăn đầu tiên cho việc tiếp tế theo kiểu này là do sức khỏe của ngài đã rất mong manh. Tuy chỉ bị cùm chân phải ở bệ nằm bên phải của xà lim số 4, có nghĩa là nếu còn sức và đầu gối còn chắc ngài có thể lựa thế đứng bằng chân trái và chân phải bị cùm bị xoải ra tối đa và từ thế đứng như thế ngài có thể nhìn ra ngoài qua lỗ tò vò trên cửa biệt giam để ném ra một sợi dây có buộc một vật đủ nặng để kéo “hàng” lên cửa tò vò. Chờ đến đêm, tôi gõ tường để lên tiếng với Linh Mục Luân và đặt danh hiệu truyền tin cho ngài là Lima. Ngài cho biết không thể đứng lên lâu được, tối đa là 5 phút theo ước lượng và đồng thời vị tu sĩ cũng bảo đảm là có thể xe được một sợi dây dài vài thước từ một bao cát bằng nylon đang được sử dụng để nhồi tất cả tư trang vào làm gối sẽ được nối một đầu với một chiếc trong đôi dép Nhật bằng cao su ngài được mang vào biệt giam.

Như vậy nếu bạn tù Ð.B.P. ở xà lim số 9 chuyển cho xà lim số 7 và người từ xà lim 7 chuyển cho tôi, tôi chuyển cho số Lima ở xà lim số 4 là có thể an toàn hơn. Tôi liên lạc với số 9 dễ dàng, nhưng số 7 nhất định không lên tiếng. Nhưng do có lẽ nằm yên nghe câu chuyện liên lạc tương trợ giữa chúng tôi với nhau khá cảm động nên khoảng 5 giờ sáng thì người ở xà lim 7 lên tiếng cho biết có thể giúp đỡ chúng tôi. Anh tự chọn danh hiệu là Non Nước-Hồng Hà-Oanh Liệt cho biết anh là tù hình sự làm việc trong tổ chăn bò và trâu bị đưa vào biệt giam vì liên hệ linh tinh với dân khu kinh tế mới để gởi thư chui ra ngoài cho các bạn đồng tù. Giải quyết xong trạm chuyển tiếp này thì sáng hôm sau tôi cũng phải làm gấp một sợi dây bằng cách xe lại những sợi dây rút ra từ bộ quần áo may bằng bao cát của tôi và nối nó vào một chiếc dép trong đôi dép lốp do tôi tự làm và mang nó từ trại Hàm Tân Z-30C lên.

(Ghi chú: Dép lốp còn gọi là dép râu, một loại dép mà bộ đội Việt cộng hay mang. Năm đầu khi được trại cấp phát loại dép râu nội địa [có loại do Trung Cộng chế tạo], anh em nào cũng vất đi không ai chịu mang. Mà nếu có một bạn tù nào mang chúng thì lập tức sẽ bị chế diễu: Mày coi chừng ra ngoài bị bắn lầm đấy! Ý muốn nói rằng bên ngoài phe ta đang trường kỳ kháng chiến, anh nào đi dép râu ra ngoài họ tưởng mình là bộ đội Cộng Sản thì sẽ lãnh đủ, ráng chịu. Nhưng chỉ bước vào năm thứ ba của đời tù đầy, một số anh em tù cải tạo đã bỏ những tự ái này vì nó không thực tế. Làm lao động ở ngoài nương rẫy trong rừng sâu, không đôi giầy nhà binh nào kể cả giầy map của Mỹ là còn nguyên vẹn. Chúng rách nát cũng như thân thể bị lưu đầy của người tù cải tạo vậy. Nhiều gia đình cũng tiếp tế cho chồng con đủ thứ giầy vải, nhưng nếu chỉ từ 3 đến 6 tháng là cần một đôi khác thì không phải gia đình nào cũng chịu nổi. Cuối cùng dép râu trở nên phổ biến trong số những người tù khổ sai như chúng tôi. Nhà văn Ðỗ Tấn Xuân, một bạn vong niên trong ngành truyền thanh cho tôi hai miếng đế dép râu cũ khi còn ở Z-30C và tôi nhờ các anh em tù hình sự kiếm cho mấy quai dép bằng lốp xe máy cày hay xe tải cho bền. Nó thay thế cho đôi giầy vải bằng bố đen của tôi rách không còn cách nào vá lại.)

Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, trước giờ điểm số biệt giam một giờ, tôi liên lạc với 9, 7 và 4 để xem mọi thứ đã sẵn sàng chưa. Nhưng Ð.B.P. không biết lấy gì để làm vật nặng (chúng tôi gọi đùa là warhead = đầu đạn hạt nhân). Tôi hỏi 9: “Phú Quốc-Hồng Hà có ca đựng nước không? Lấy ra làm tạm warhead vậy, nhưng nhẹ nhàng thôi, bể ca nước là Phú Quốc Hồng Hà nhịn uống luôn đấy”. Chúng tôi quyết định chuyển thuốc cho vị tu sĩ Công Giáo trẻ tuổi này vào sau giờ phát cơm trưa là an toàn, vì giờ trưa, sau khi phát cơm tù là từ trực trại cho đến vệ binh cũng phải kéo nhau lên nhà ăn. Chúng tôi có một giờ đồng hồ để “phóng đầu đạn”. Và như thế, Ð.B.P hay Phú Quốc-Hồng Hà phải uống phần nước ít ỏi của mình ngay sau giờ phát cơm trước khi dùng ca nhựa làm “đầu đạn” chuyển hàng. Phú Quốc-Hồng Hà cho biết không cần bàn cãi về chuyện ấy vì chuyện chuyển thuốc cho Lima không thể chậm trễ. Nói thì dễ, nhưng khi khởi sự thì mới thấy nó khó khăn chừng nào. Phải mất đến hơn 10 lần Phú Quốc-Hồng Hà mới quăng được chiếc ca nhựa có mang theo những viên bông tẩm streptomycine vào ngay trước cửa xà lim 7. Người tù hình sự Non Nước-Hồng Hà-Oanh Liệt tỏ ra rất thông thạo trong việc chuyển hàng trong xà lim nên việc anh lấy hàng lên để chuyển cho tôi không có gì khó khăn và chỉ mất không đầy 2 phút. Tôi nhận hàng từ xà lim 7 chỉ vài phút sau đó. Cái “đầu đạn” của Non Nước-Hồng Hà-Oanh Liệt là một chiếc muỗng đẽo bằng gỗ cẩm lai nên có sức nặng vừa đủ để có thể rơi chính xác trước cửa xà lim 5 của tôi, nhưng nó lại nằm ở quá sát cửa nên khó dùng sợi dây có buộc chiếc dép râu của tôi để trục hàng lên được. Tôi thử vài lần đều thất bại thì chợt nghĩ đến chiếc quai xách của thùng nước tiểu. Việc tháo chiếc quai ra khỏi miệng thùng không có gì khó khăn. Tôi uốn chiếc quai thùng thành cái móc để có thể đưa nó qua khe hở giữa cánh cửa và mặt sàn để kéo hàng vào được. Vấn đề là phải chùng người xuống, đầu gối trái quì xuống mặt sàn và như thế chiếc cùm ở chân phải xiết vào cổ chân có thể khiến tôi rất đau, có thể trầy da và nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình thế đòi hỏi nên tôi cũng phải cố gắng hết sức mới có thể quì bằng đầu gối trái xuống mặt sàn còn chân phải cố chịu đựng cơn đau thấu xương ở mắt cá chân. Trong vòng 30 giây, tôi phải quơ chiếc quai thùng làm sao cho sợi dây gởi hàng của Non Nước-Hồng Hà-Oanh Liệt lọt vào phần uốn cong của chiếc quai và kéo vào ngay vì không thể chịu đau quá nửa phút. May mắn đã đến với tôi vì chỉ hai lần quơ chiếc quai thùng là tôi đã móc vào được sợi dây nối chiếc muỗng gỗ. Kéo vào thấy hơi nặng tôi biết mình đã thành công.

Tiếng chiếc muỗng gỗ chà xuống thềm xi măng nghe như lời reo vui chiến thắng. Nhìn thấy bọc nhựa nhỏ bằng đầu đũa, tôi kéo vào và lấy hàng ra khỏi sợi dây rồi cố hết sức mình đứng dậy nói qua cửa tò vò: “Nhận 5”. Nghỉ một lát, tôi gọi cho Lima để ngài chuẩn bị nhận hàng: “Lima phải cố gắng hết sức, phi vụ không thể kéo dài vì vệ binh có thể đi tuần trở lại”. Lima trả lời bằng cách gõ vào tường 3 tiếng. Lập tức tôi đưa chiếc dép râu có buộc hàng bằng một sợi dây vải bao bố ra ngoài cửa tò vò và ném nhẹ sang cửa xà lim 4. Lima gõ 3 tiếng có nghĩa là ngài đã nhìn thấy hàng. Một lát sau, nghe Lima gõ vào tường 3 tiếng thay cho tiếng “Nhận 5”, tôi kéo chiếc dép về và trên quai dép râu không còn bọc nylon nữa. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi kể từ tuổi mới lớn cho đến giai đoạn tù đầy vào lúc đó có một niềm vui nào lớn hơn là niềm vui tôi có buổi trưa hôm ấy. Buổi tối, khi bóng đêm đen bao trùm trong xà lim, khi các đàn muỗi bắt đầu tấn công chúng tôi, tiếng linh mục Vàng (trong xà lim chúng tôi đặt danh hiệu truyền tin cho ngài là Vẻ Vang-Anh Dũng-Non Nước-Gio Linh, muốn ngắn gọn hơn chúng tôi gọi ngài là Vẻ Vang-Anh Dũng) từ xà lim 10 vang lên: “Các bạn ơi, tôi đã khóc nhiều khi thấy các bạn chia sẻ và tương trợ nhau như vậy. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, tùy theo tôn giáo của mình giúp Lima thêm sức vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo”. Suốt đêm ấy chúng tôi cầu nguyện cho tới 4 giờ sáng. Tôi là Phật tử nhưng lại chỉ thuộc có mấy câu đầu của chú Lăng Nghiêm: “A Na Lệ, Tỳ Xá Ðề, Bệ ra, Bạt xa ra, Ðà rị” và niệm hồng danh Phật A Di Ðà, nhưng cứ như thế, tôi dọc hàng ngàn lần. Một giờ đồng hồ trước khi cửa các xà lim mở để điểm số, định nằm xuống nghỉ lưng thì tôi nghe tiếng Lima vang lên chậm rãi thông báo: “Tôi... tôi... tôi... đã... đã... đã... đánh.... đánh... đánh rắm... rắm... rắm... được... được... được... Còn... hai... hai... hai... viên... viên... viên... nữa... nữa... nữa...”

(Ghi chú: Tôi ghi nguyên văn cách loan báo tin mừng rất mộc mạc của vị tu sĩ trẻ tuổi nhưng đáng kính để cho thấy rõ sự vui mừng như thế nào trước dấu hiệu cho thấy vi trùng kiết kỵ đang bị đẩy lui).

Hai ngày sau đó, Lima đã loan báo không còn đi ra máu và đờm. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi chỉ còn có cách là tin vào một phép lạ đã cứu giúp chúng tôi. Khi được thả ra khỏi nhà tù vào năm 1988, tôi gặp lại một bạn tù vốn là một cựu thiếu tá quân y, anh L.N.A., một bác sĩ giải phẫu phục vụ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa vào đầu thập niên 1990 và trong câu chuyện tôi có hỏi anh về mấy viên bông tẩm nước cặn của streptomycine. Anh cười và giải thích: “Trong đời, tôi chưa từng nghe thấy ai trị kiết lỵ kiểu này. Chỉ còn cách giải thích là lúc bí, bản năng sinh tồn giúp cho chúng ta bấu víu vào tất cả những gì mà mình tin nó là cái phao cứu mạng. Streptomycine chế từ một loại nấm và có thể là nó có một tác dụng nào đó với vi trùng kiết lỵ không chừng. Tôi không nghiên cứu nên không biết được. Vấn đề như các cậu nói, nó đã có tác dụng ít ra cũng đối với một người là vị linh mục trẻ ấy. Nhưng tôi khuyên các cậu là sống ngoài xã hội này rồi, thuốc cũng còn hiếm, nhưng cậu nào dính kiết lỵ thì đừng có tự chữa như thế. Không đủ tiền đi bác sĩ thì chịu khó đến tôi, chẳng tiền bạc gì đâu”.

Giữa năm 1982, tôi lại phải trải qua một thời gian nhục hình khác sau khi có một cuộc hoán chuyển (mà anh em chúng tôi thường gọi là xóa bài làm lại) nhân số trong khu biệt giam. Ðợt hoán chuyển này là đợt lớn nhất so với thời gian khi Linh Mục Nguyễn Luân bị chuyển từ xà lim 7 sang xà lim 4 lúc tôi bị đưa vào xà lim số 5. Tôi lại quay về xà lim 3 cùng với T.D.S. Sau đó, N.Ð.Q. T.C.L. cũng từ 1 và 2 chuyển sang 3 và như thế xà lim 3 phải chứa tới 4 người. Tình trạng dồn phòng và nằm cá hộp như thế này dĩ nhiên tạo khó khăn cho việc đi tiêu, đi tiểu của những người bị cùm cùng bệ nằm nằm nhưng lại bị cùm vào nằm sát tường. Ð.B.P. bị chuyển từ xà lim 9 về xà lim 5 ở chung với bạn tù hình sự từ xà lim 7 chuyển sang. Như thế các xà lim 1, 2, 7, 8, 9 còn trống. Hai linh mục N.Q.M.N.D.C. được chuyển vào bệnh xá trong Phân Trại B. Và đúng như suy nghĩ của tôi, một ngày sau đã có 3 tù cải tạo mới bị đưa vào biệt giam vì những vụ việc khác nhau: Cựu dân biểu vốn là bí thư tỉnh ủy Việt Nam Quốc Dân Ðảng tỉnh Quảng Nam là K.T.V. và một trong những thủ lãnh chính trị trong vụ nhà thờ Vinh Sơn là L.Q.M. Ðến nửa khuya, cựu hồi chánh viên Huỳnh Cự bị đưa vào xà lim 2. Cựu dân biểu K.T.V. nằm xà lim 7 và L.Q.M. vào “trấn” ở xà lim số 1 ngay đầu dãy.

Nếu tù cải tạo không sợ bị báo cáo, ăng-ten hết nghề làm ăn!

Sự thay đổi buồng giam, nhất là hoán đổi các xà lim bao giờ cũng tạo cho những tù nhân biệt giam như chúng tôi nhiều phấn khích. Trước hết, ở một hai năm trong một xà lim cá nhân chắc chắn tạo cho chúng tôi sự nhàm chán và ảnh hưởng đến tâm lý không ít thì nhiều tất phải xảy ra, thường được diễn tả bằng nhóm từ nôm na “cuồng cẳng”. Cho nên chúng tôi coi việc chuyển sang ở chung với bạn tù khác trong một xà lim khác là một chuyến du lịch thay đổi không khí. Ở xà lim khác với một người bạn tù mới tất sẽ có hàng ngàn chuyện để nói với nhau. Và đây là thứ vũ khí giết thời giờ rất hữu hiệu. Nhưng đổi lại đời sống, mối liên hệ thường nhật trong khu biệt giam sẽ bị đảo lộn cho tới khi mọi người đều biết rõ và hiểu những “khuôn mặt mới tới”. Gọi là “khuôn mặt mới tới”, nhưng thực ra thì đó là những khuôn mặt cũ đã từng chia sẻ với nhau những gian nan ở các trại tù khác nhau. Họ mới vì trong suốt mấy năm qua tuy chỉ sống cách nhau có một vườn rau cải, nhưng thế giới biệt giam của chúng tôi đã là một thế giời cách biệt hẳn với bên ngoài.

Trong số cả 3 khuôn mặt mới tới, ngoại trừ cựu dân biểu K.T.V., hồi chánh viên Huỳnh Cự, anh L.Q.M. vẫn là những khuôn mặt mà anh em trong biệt giam cũng như trong nhà giam tập thể bên ngoài thường nghi kỵ, dù sự nghi kỵ ấy chẳng dựa trên một bằng chứng nào rõ rệt cả. M. là đội trưởng một đội lao cải từ trại Hàm Tân Z-30C, lại không thân thiện với anh em, thường thực hiện lệnh lạc của cán bộ quản giáo rất khít khao đến mực nghiêm khắc khiến cho anh em không ưa. Tại Hàm Tân, khi linh mục N.V.B. của nhà thờ Fatima bị đưa vào biệt giam vì thường tổ chức lễ sáng Chủ Nhật cho những bạn đồng tù nào là tín đồ Công Giáo. Mọi người đều đồn là do đội trưởng L.Q.M. báo cáo, nhưng cũng không ai đưa ra được bằng chứng nào chứng tỏ rằng chỉ vì bị L.Q.M. báo cáo mà vị tu sĩ Công Giáo kiên cường của nhà thờ Fatima bị đưa vào biệt giam. Hơn nữa, vị linh mục này làm lễ công khai vào mỗi sáng Chủ Nhật chứ có che giấu gì đâu và ngài chấp nhận những hình phạt, không bao giờ than van. Khi bị đưa lên Thung Lũng Tử Thần cùng với chúng tôi, L.Q.M. không làm đội trưởng nữa mà lại được cử vào chức vụ Thi Ðua-Thống Kê. Ðiều này lại càng khiến cho anh em xây một bức tường cô lập dày chung quanh anh. Một số tù cải tạo vốn là tín đồ Công Giáo đã gọi L.Q.M. là “tên Juda ghê tởm” cũng chỉ vì những ưu quyền mà anh nhận từ đám cán bộ trại giam. Vào suốt thời gian đó và cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng do thái độ và hành động của L.Q.M., anh em có thể không kính trọng anh ấy nữa, nhưng nếu bảo anh là ăng-ten hay Juda thì lời lẽ đó quá đáng. Sự ngộ nhận và dư luận trong trại giam hay trại lao cải thường là vu vơ không thể kiểm chứng được. Hoàn cảnh bị đầy đọa và lòng hận thù đã làm cho những tin đồn không tốt về một người nào đó càng đậm nét thêm mà thực ra đó chỉ là chuyện vẽ rắn thêm chân mà thôi.

Khi sang tới hải ngoại, tôi vẫn nghĩ rằng lòng hoài nghi theo sát cuộc sống của một số người tù cải tạo khi họ ra khỏi trại và trong nhiều trường hợp ra tận hải ngoại. Nhưng cá nhân, tôi cho rằng trong bất cứ trường hợp nào khi nghe một lời đồn như vậy, chúng ta cũng nên thận trọng. Ðành rằng, chỉ người tù nào là nạn nhân của một vụ báo cáo thì may ra mới có thể biết hay đoán biết người nào là tác giả của những mật báo này khiến mình bị lôi thôi. Nhưng trong một số trường hợp chính viên cán bộ thẩm cung đã “nửa kín nửa hở” để cho người bị thẩm cung thấy một vài tờ giấy mà hắn ta gọi là bản tố cáo để đánh lừa đối tượng mà mà anh ta cần điều tra mà thôi. Ở một số trại giam, có khi ban quản trại sử dụng một số người làm ăng-ten công khai, mà khi đã làm mật báo viên mà lại để cho người khác thấy hay nghi ngờ thì công tác đó chỉ có mục đích răn đe để ai trong chúng tôi nếu sợ thì sẽ bớt những hành động chống đối đi mà thôi. Cho nên, tôi cho rằng dư luận cáo buộc người tù này hay người tù kia làm tay sai cho Cộng Sản nhiều khi cũng phải xét lại và tốt nhất nếu không có bằng chứng vững chắc hay không được trình bày với bằng chứng vững chắc thì không nên tin.

Trong suốt thời gian tù dài tù đầy, chưa bao giờ tôi đến một trại mới mà không có những anh em đến lưu ý và điểm danh những một danh sách những khuôn mặt mà tôi cần quan tâm, không nên giao du thân mật. Nhưng qua vài chục lần bị thẩm cung tại các trại lao cải, tôi nhận ra một điều chỉ cần bọn cán bộ giáo dục và an ninh trại thấy bất cứ một người tù nào không thư từ liên lạc gì với gia đình và từ chối bất cứ một điều nào mà trại giam coi là ân huệ cho tù cũng đã đủ để đám cai tù thường xuyên “thăm hỏi” mình rồi và qua một thời gian lâu dài, nếu chúng không hiểu thêm được điều gì ở những đối tượng nghi ngờ thì sự đánh giá và quyết định cuối cùng của bọn an ninh trại là cô lập người tù ấy trong biệt giam lâu dài. Như thế cho chắc ăn, chúng nghĩ là bắt lầm còn hơn để sót. Hơn nữa, ý nghĩ thông thường của người tù cải tạo là khi bị gọi thẩm cung trong trại lao cải là phải do ăng ten báo cáo chứ làm sao chuyện của mình đâu có người nào khác biết được “ngoài nó ra”. Cho nên, bọn an ninh trại giam tìm hiểu qua những đội trưởng để biết trong đội lao động anh em tù cải tạo “ghim” người nào hay thù người nào. Xong, bọn chúng liền kêu những tù nhân cải tạo nào bị anh em không ưa ra làm việc. Nhưng sau buổi làm việc, đối tượng này vẫn sống bình thường không bị nhốt biệt giam, lại còn được ưu đãi về thực phẩm. Thế là chỉ ít lâu sau lời đồn bay đi khắp trại. Ði tới trại nào, đội nào, lời đồn lại càng bị thêm thắt, bị bóp méo thêm và đến người cuối cùng nhận tin này, hình ảnh người tù bị ngộ nhận trở thành một bộ mặt gớm ghiếc.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Tại sao đa số tù cải tạo lại quan trọng hóa vấn đề mật báo viên tức ăng-ten trong số các bạn đồng tù như vậy? Mật báo viên có báo cáo tội tày trời của chúng ta đi nữa thì bất quá cũng chỉ vô chuồng cọp nằm là hết mức. Vậy thì tại sao không gọi mấy anh ăng-ten lại, đưa giấy bút cho họ và bảo: “Chúng mày viết sao cho bọn tao phải vào nhà kỷ luật thì viết chứ nếu viết báo cáo mà chúng tao không vào được nhà kỷ luật thì chúng mày sẽ ăn đòn và chỉ nó nước mang chăn chiếu ra ngoài trại ngủ thì mới an toàn tính mệnh đấy nhé”. Còn sợ ăng ten báo cáo, còn sợ bị ghi điểm xấu vào hồ, còn sợ vì vi phạm kỷ luật trại giam và sẽ tù lâu hơn người khác tức là còn an tâm tin tưởng vào chính sách cải tạo của nhà nước Cộng Sản. Chính phản ứng tâm lý sợ bị ăng-ten báo cáo đã khuyến khích cho nhân số ăng-ten trong một đội lao cải chỉ có tăng chứ không giảm. Tôi có một câu chuyện khá lý thú về vụ trừ khử ăng-ten:

“Sau năm 1985, chúng tôi lại được tuyển lựa để chuyển về một trại gần Saigon hơn, đó là trại Z-30A mà anh em chúng tôi thường gọi là ‘Ðồi Phượng Vỹ’ vì trại này được thiết lập sát một ngọn đồi mà thời gian trước 30-4-1975 là nơi đặt bộ chỉ huy của Trung Ðoàn 54 thuộc Sư Ðoàn 18. Khi về tới Z-30 A, chúng tôi gặp lại tất cả những sĩ quan cao cấp nhất trong quân lực VNCH từ các trại tù miền Bắc tập trung về đây từ cấp thiếu tá đến đại tá từng giữ những trọng trách trong Quân Lực VNCH, rất nhiều tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng sư đoàn, các lữ đoàn trưởng, các tỉnh trưởng, quận trưởng và một cựu tướng lãnh, đó là Thiếu Tướng Lê Văn Tất (từ lực lượng võ trang Cao Ðài chuyển sang QL/VNCH, các ông tướng khác từ Sơn Tây về được tập trung tại Z-30D). Về hàng ngũ chính phủ VNCH ở trại này bao gồm các chánh sự vụ, trưởng ty, giám đốc, tổng giám đốc, phó quận, phó tỉnh trưởng hành chánh, nội an cho đến các tổng trưởng trong nội các Nguyễn Văn Thiệu (các ông Ngô Khắc Tỉnh, Ngô Khắc Tịnh, Hồ Văn Châm). Thế nhưng, cách nhốt tù ở trại này cũng giống như nhiều trại khác: Cục trại giam vẫn đưa một số tù hình sự vào nhốt chung với chúng tôi với nhiệm vụ làm ăng ten công khai, một trò răn đe mà tôi đã trình bày ở các phần trước. Trong số những tù hình sự này có một tên vốn là cựu du đãng đâm thuê chém mướn ở Saigon trước 30-4-1975, đó là Lâm “Chín ngón”. Tay này là tay anh chị “giết người có máu lạnh”, đã bị ngành an ninh VNCH đưa ra tòa kết án chung thân và đầy ra nhà tù Côn Sơn. Sau 30-4-1975, “cách mạng” đưa anh ta trở lại đất liền và khép vào tội “nợ máu với nhân dân” vì thời gian ở Côn Sơn được các giám thị cho ra làm trật tự tại một khu nhốt tù binh Việt Cộng. Khi tiếp chính quyền Cộng Sản tiếp thu Côn Sơn, một số tù binh Việt Cộng nhận ra Lâm “Chín ngón” nên mới khép anh ta vào tội vừa kể.

Chỉ một tháng sau khi được giải giao đến Z-30A và được biên chế vào một trong những đội lao cải gồm những người vừa được chuyển từ A-20 về, Lâm “Chín ngón” đã giở trò cướp bóc ngay. Hắn bắt đầu lấy “xâu” từ những tùa cải tạo có thăm nuôi nhất là đối với những tù nhân gốc tu sĩ Công Giáo. Lúc nào trong người Lâm “Chín ngón” cũng lận một con dao tự chế bằng thép lấy ra từ khung ba lô. Nhà trưởng cũng như đội trưởng báo cáo cán bộ an ninh rất nhiều lần nhưng đám này lờ đi để Lâm “Chín ngón” tha hồ hoành hành. Thấy một anh du đãng nhúng tay vào máu của nhiều bạn đồng tù thời trước nay lại được nhà tù Cộng Sản biến thành tay anh chị sống đế vương bằng quà thăm nuôi mồ hôi nước mắt của gia đình những tù cải tạo, một số sĩ quan trẻ họp lại bàn nhau phải khử Lâm “Chín ngón” và quyết định đưa ra là đã đánh tên này thì phải đánh cho chết luôn. “Sát thủ” được phân công vẫn là những cựu sĩ quan đã từng đánh trọng thương trật tự Quí “đen” ở A-20.

Hôm đó là vào sáng Chủ Nhật, khoảng sau Tết Nguyên Ðán 1986, các sẽ quan trẻ này dùng cây gỗ then cửa 4 phân vuông làm vũ khí. Lâm chín ngón lúc đó đang sửa soạn bữa ăn trưa tại nhà ăn. Những “sát thủ” canh gác tất cả những đường thoát của Lâm “chín ngón”. Người ra đòn đầu tiên, nếu tôi nhớ không lầm là T.C. Anh đập một gậy vào đầu tên cựu du đãng, máu chảy ướt chiếc áo hắn đang mặc. Lâm “Chín ngón” định rút con dao phía sau lưng thì bị đập tiếp một gậy thứ hai. Tên cựu du đãng này đã lảo đảo gần ngã sấp xuống thì dường như do bản năng hắn vụt nhảy qua cửa sổ. Người bạn tù đứng chặn ở cửa sổ đánh một gây thứ ba nhưng do vội vã anh không đánh trúng đầu mà chỉ trúng vai khiến hắn ngã sấp xuống mặt thềm nhà ăn nhưng vùng dậy ngay được và chạy ra cổng khu nhà giam, chạy qua sân banh xuống nhà bếp trại. Trực trại được báo đã gọi bác sĩ và y tá xuống cấp cứu cho Lâm “Chín ngón”. Sau đó, Linh Mục Ðinh Xuân Hải được anh em đề cử ra gặp trực trại đưa tối hậu thư: “Phải chuyển tên này đi trại khác nếu không chúng tôi sẽ nổi loạn và cuối cùng hắn cũng không thoát chết đâu”. Trực trại quyết định đưa Lâm “Chín ngón” vào dưỡng thương trong nhà kỷ luật khoảng một tuần. Sau đó trại trưởng Thích đã quyết định giải giao Lâm Chín ngón về K-3, tức là trại tù hình sự của tỉnh Long Khánh.

Cách đây khá lâu khi vụ Năm Cam bùng nổ, tôi đọc trên tờ Thanh Niên thấy có một tin ngắn cho biết ngày nay, Lâm “Chín ngón” đã trở thành thân tàn ma dại vì bị chính đàn em của Năm Cam trừng phạt bằng acid vì tội mưu phản đàn anh. Hình chụp trên tờ Thanh Niên cho thấy khuôn mặt Lâm “Chín ngón” đã trở thành dị dạng, hai tay bị co rút và ngồi trên xe lăn. Ðây là hình chụp trước khi Lâm “Chín ngón” vào tù lại vì dính dấp với băng đảng Năm Cam.


Nếu các tổ chức nhân quyền quốc tế “can thiệp kiểu trống đánh bỏ dùi”

Trung tuần tháng 4 năm 1982, tôi bị gọi ra thẩm cung. Trực trại Luật cho biết trước lần thẩm cung này do trung ương từ Hà Nội vào nên tôi “phải thành thật khai báo để được tha cùm sớm hơn, được trở về đội tiếp tục lao động và được nhà nước xét tha cho trở về với gia đình.” Luật nói: “Gia đình anh trông mong anh về để giúp họ vì tình hình kinh tế bên ngoài khó khăn lắm đấy. Trại vừa mới được thả một đợt. Tôi khuyên anh là không nên bướng nữa, các anh không làm gì được chúng tôi đâu.” Tôi không buồn trả lời trả vốn gì đối với những tin tức của Luật vì một em ở đội hình sự bị kỷ luật mới bị nhốt vào biệt giam đã cho biết tin này. Tôi nói với Sơn Tây-Anh Dũng-Non nước (T.D.S) khi người bạn tù ở đội hình sự cho biết tin đợt thả tù gây nhiều ngạc nhiên: “Như thế là bên ngoài phải có biến chuyển gì quan trọng, chứ tới A-20 bọn mình trở thành hồ sơ chết rồi.

(Ghi chú: Khi được thả ra khỏi nhà tù cuối 1988, người anh cả của tôi đối chiếu và cho biết: “Chúng nó chuẩn bị để đánh đổi bọn mày với việc tìm kiếm người Mỹ mất tích. Thời gian đó trùng vào lúc đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là ông Funseth khởi sự các cuộc thương lượng với Hà Nội về số phận của những tù cải tạo.” Ông anh cả tôi đang dạy ở trường trung Học Trưng Vương thì bị gọi động viên vào học khóa 16 trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ra trường, phục vụ ở tiểu khu Long Khánh, rồi bị thương phải giải ngũ. Sau Tết Mậu Thân, bị tái ngũ do lệnh tổng động viên và đến phục vụ ở tiểu khu Phước Long đến năm 1971 mới được giải ngũ trở về dạy học lại. Sau 30 tháng 4, 1975, do yêu cầu của ban giám hiệu của chế độ mới, anh tiếp tục dạy vài năm rồi xin nghỉ về nhà sinh sống bằng cách dạy kèm Toán-Lý-Hóa cho con em của những gia đình nào vẫn còn quan tâm đến giáo dục của con cái. Kể từ năm 1984, anh là người mạo hiểm và bí mật liên lạc thư từ với sứ quán Hoa Kỳ ở Thái Lan để xin một loại thư giới thiệu rất quan trọng mà anh em H.O gọi là tờ L.O.I (Letter of Introduction). Anh đã làm thiện nguyện cho hàng trăm người gồm bằng hữu của anh và những người cần sự thông thạo Anh ngữ của anh cả tôi.)

Tôi mới được thả một chân cùm mới cách đó vài ngày nên hai chân vẫn còn “sượng,” mỗi lần bước đi hai đầu gối chân như muốn cứng lại và đau đớn. Lần này thì không cần phải xin nước, tôi cũng được trật tự Của lấy cho một ca nước nóng từ nhà bếp. Một bạn tù làm đội nhà bếp tốt bụng với anh em đã lén bỏ vào ca nước một chút đường. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ đến cái vị ngọt của ca nước nóng có pha đường buổi chuẩn bị “làm việc” cách đây 32 năm. Chất ngọt của đường như đánh thức tất cả những sợi gân và những mạch máu trong cơ thể tôi và đầu óc tôi trở nên sáng suốt hơn. Trực trại ra lệnh cho Của gọi một tù nhân phụ trách hớt tóc. Anh “thợ” hớt tóc này chỉ có một chiếc tông-đơ đã lụt nên nghiến vào tóc khá đau và vài miếng miểng chai để cạo râu. Tuy vậy, tôi cũng vẫn phải chịu trận vì không phải lúc nào một tù nhân cải tạo muốn hớt tóc cạo râu cũng được.

Tôi không hiểu trong số những quí vị vốn gốc H.O ở đây có ông nào đã được thưởng thức lối hớt tóc bằng tông-đơ đã lụt không, chứ tôi thì đã bị mấy lần rồi. Nhưng lần này vì đã hơn một năm chưa được tắm, nên râu tóc mọc ra dài như người rừng, lại bám đất bết vào nhau khiến cho mỗi lần anh “thợ” đẩy chiếc tông-đơ đi một đường từ mang tai lên tới đỉnh đầu, tôi có cảm tưởng như lớp da đầu bị tuột ra từng miếng. Tội nghiệp người bạn tù phục trách hớt tóc thấy tôi đau nên miệng cứ phân bua: “Anh đừng giận em, thật tình em đã xin đổi chiếc tông-đơ này lấy cái mới, nhưng trại chưa cho, thôi anh chịu khó vậy, lần sau em hy vọng có được cái tông-đơ mới.” Hớt tóc (thường là hớt trọc) xong, đến màn cạo râu. Hồi còn ở trại B-5 hay Hàm Tân Z-30C, chúng tôi thường cạo râu cho nhau bằng miểng chai, nhưng phải cạo thật chậm như thể cắt từng sợi râu. Nhưng anh bạn tù này cạo râu bằng miểng chai khá nhanh, nhờ vào chỗ trước khi cạo, anh ta lấy ra miếng xà bông nhỏ, xịt vào đó chút nước cho nổi bọt rồi thoa vào hai mép tôi. Việc cạo râu diễn ra trơn tru, không một miếng da nào bị “ăn.” Người “thợ” giải thích: “Phải đập cả chục vỏ chai không, em mới kiếm được mấy miếng miểng chai tốt này.” Sau đó anh giải thích một thôi một hồi về kỹ thuật đập chai sao cho miểng chai bén như dao cạo. Tôi hỏi: “Thế cậu cạo cho cán bộ bằng miểng chai không?” Anh trả lời, giọng cải lương: “Họ là quan, mình là tù mà, đâu có dám đèo bòng. Em có con dao cạo nhưng họ bảo giữ chỉ để cạo cho họ thôi, mỗi lần cạo em phải hơ vào cồn để diệt trùng. Ð.M... phú quí sinh nghĩa lễ (lẽ ra là lễ nghĩa) có khác.” Xong câu này anh xuống giọng “xề” nói thật nhỏ: “Ð.M... bọn nó ác lắm, ông thầy. Nói thật với ông thầy, tù ra em mua súng. Tụi nó mà lạng quạng mò về thành phố, em bắt gặp là cho ăn kẹo đồng hết cả đám. Ð.M...”

Bất cứ một ông thợ hớt tóc nào dù là hớt tóc dạo cũng đều có cả một kho những câu chuyện khác nhau để nói với khách hàng. Trong tù cũng vậy, những anh chàng được cử nhiệm vào đội lao động tự giác với nhiệm vụ hớt tóc cả cho tù nhân cải tạo lẫn cán bộ trại giam đều phải là người được tin tưởng là “an tâm cải tạo, không có âm mưu trốn trại” và họ đều phải có những bài bản được soạn sẵn để nói chuyện nếu phải hớt tóc cho những bạn đồng tù với mình và một kho chuyện làm quà khác để nói với bọn cán bộ, phần lớn là những câu chuyện trai gái đĩ điếm ở xã hội bên ngoài. Dĩ nhiên, những mong ước của người tù hình sự này chỉ là những mong ước tưởng tượng cho đỡ buồn vì cái án chung thân do cướp có súng của anh biết ngày nào ra. Nhưng tôi vẫn an ủi người bạn tù tội nghiệp: “Rồi sẽ có ngày thôi, nhưng em cẩn thận khi nói chuyện. Với anh thì không sao nhưng nếu với người khác sẵn sàng tâu lên bọn an ninh để lấy điểm chắc chắn chúng sẽ đánh chết em đấy.”

Tôi ngồi chờ ở cổng trại cho tới trước giờ các anh em tù cải tạo lao động từ hiện trường lao động trở về. Cán bộ an ninh kiêm chính ủy trại, Lý “lé” đến nhận tôi từ trực trại Luật. Lại một màn gay cấn giữa hai người công an này khi Lý thiếu một chữ ký của một người nào đó có trách nhiệm cao hơn. Tôi chỉ nghe được những trao đổi “mày tao chi tớ” và một câu dọa của trực trại: “Lãnh rồi thì lo mà giữ, đừng có kiểu không lo được lại cho gọi tao. Mày làm việc đi, ông đi chơi đây.” Nơi tôi bị thẩm cung không phải là cái văn phòng thường lệ cách cổng trại không xa lắm mà là một căn phòng bên cạnh phòng làm việc của trại trưởng Vũ. Có lẽ đây là một phòng họp của ban quản trại. Ở chính giữa phòng có kê một cái bàn bằng gỗ mộc. Tôi thấy có 3 người ngồi sau chiếc bàn, hai nam một nữ đều trang phục cán bộ sơ mi trắng cụt tay bỏ ngoài những chiếc quần mầu olive, chân dép râu. Người ngồi giữa là một thanh niên chừng khoảng 30 tuổi, tóc hớt ngắn đeo kính cận thị từ giới thiệu là cán bộ từ Hà Nội ra, hai người kia là phụ tá của anh ta. Tôi ngồi cách bàn làm việc khoảng 3 thước nên anh yêu cầu tôi nói lớn hơn. Thẩm vấn viên chính hỏi tôi lý lịch và lý do tôi bị đưa vào xà lim cá nhân.

Không bỏ lỡ cơ hội, tôi giở “bựa” ngay:

-         Cán bộ trại trưởng chắc phải cho cán bộ biết lý do, còn tôi tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại bị cùm trong xà lim cá nhân đã 2 năm rồi.

Người công an trẻ tuổi nhỏ nhẹ:

-         Không, ông ấy (Vũ) chỉ cho biết anh bị phạt vì vi phạm kỷ luật trại giam.”
Ngay lúc đó tôi đã nghĩ thầm trong bụng: “Mẹ kiếp... bọn bay cứ đứa nọ đổ cho đứa kia. Như thế thì nói hay không thì cũng vẫn bị cùm như thường. Ðã thế ông nói cho hả dạ.” Và tôi đặt câu hỏi thay vì để cho hắn ta hỏi:

-         Cán bộ xác nhận xem có phải chiến tranh đã chấm dứt cách đây 7 năm rồi phải không. Nếu như vậy hóa ra phía chiến thắng thù dai đến như thế sao, mà cần gì phải thù dai như vậy. Những người tù cải tạo như chúng tôi bây giờ nếu có được thả ra xã hội bên ngoài thì bất quá cũng chỉ tìm cách vượt biển hay đầu hàng hoàn cảnh thôi, ai mà dám chống và nếu có chống thì có bao nhiêu người? Càn bộ cho tôi biết có trường hợp nào các cựu sĩ quan đã từng đi tù cải tạo được thả về đã tham gia vào một mặt trận chống chế độ bị bắt lại không...?

Nghe tôi hỏi như vậy “nàng” cán bộ nữ yêu cầu tôi không được hỏi nữa mà phải trả lời có hay không thì bị anh chàng trẻ tuổi có thể là trưởng toán chặn lại:

-         Cứ để cho anh ấy hỏi. Anh hỏi thì tôi trả lời. Nhà nước chưa thể thả anh ra ngoài xã hội bây giờ được. Dân chúng ở ngoài còn thù các anh. Họ sẽ không để các anh yên nếu đưa các anh ra sống ở xã hội bên ngoài chứ không phải nhà nước thù hận gì các anh đâu. Bây giờ tôi hỏi anh. Anh cho tôi biết Frederik Fuchs là ai? Anh vẫn thường xuyên liên lạc với bà ta và một cựu chiến binh người Pháp tên là Careaux chứ gì?

Từ lâu, tôi đã trải qua quá nhiều cuộc thẩm vấn mà những thẩm vấn viên là những người chỉ biết tra vấn, đe dọa và thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Tôi nói thật là tôi coi thường những thành phần này. Nhưng phải nói rằng trước một thẩm vấn viên trẻ tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ và kiểu hỏi bài bản, rõ ràng có được huấn luyện khiến tôi hơi ngại và tự nhủ phải cẩn thận. Cuối cùng tôi quyết định xin cho tôi uống nước vì tôi đang khát không nói lớn được. Họ thỏa thuận cho tôi uống một ca nước vối rót từ cái ấm đất nung lớn để trên bàn. Xong, tôi nói chậm nhưng rõ ràng và không cần phải chuẩn bị:

-         Ở trại A-20, một con kiến cũng không lọt ra ngoài được và ngược lại. Bảy sĩ quan cướp súng cán bộ trốn trại bị bắn chết 6 người, một người bị bắt lại. Thơ chui, thơ lòn gì gì đi nữa cũng đều bị khám phá và người gởi bị cùm trong khu biệt giam cả đống. Bảy năm nay tôi không liên lạc với gia đình, gia đình tôi cũng không hề biết tôi ở trại nào. Bộ tôi có phép thần thông hay sao mà từ cái xó rừng này tôi lại có thể liên lạc với những người ngoại quốc như thế. Liệu cán bộ có thể cho tôi xem bằng chứng là tôi biết họ và liên lạc với họ không? Liên lạc vào ngày nào, bằng phương tiện gì? Nếu cán bộ trưng ra đủ bằng chứng, tôi cam đoan sẽ ký giấy nhận tội và xin đem ra bắn bỏ ngay!

Người thẩm vấn trẻ tuổi này, mà mãi sau tôi mới được biết tên là Thận, đã rút trong sắc-cốt ra một tập hồ sơ để ra trước mặt anh ta nhưng cũng không cho tôi xem. Hắn nói, vẫn giọng nhỏ nhẹ nhưng lạnh hơn:

-         Tôi nói thẳng ra cho anh biết là gia đình anh đã liên hệ với những người ngoại quốc này tại Saigon. Họ làm việc cho tổ chức Ân Xá Quốc Tế, một tổ chức cực kỳ phản động!

-         Nếu đây là sự thật thì là gia đình tôi chứ không phải tôi. Chính cán bộ đã nói ra điều này đấy nhé. Như vậy tại sao cán bộ không vào thẳng Saigon để hỏi mẹ hay anh tôi mà lại hỏi tôi? Tôi “phang” lại ngay.

Cuộc thẩm vấn thất bại!

Thận, tên viên trưởng toán thẩm cung, im lặng không nói gì. Anh ta mở bao thuốc lá thơm Saigon Giải Phóng rút ra một điếu đưa cho tôi và đồng thời anh ta cũng châm một điếu phà khói rồi cầm ấm nước trà rót vào bốn cái tách đẩy đến trước mặt mỗi người trong phòng rồi nói:

-         Anh uống nước đi, anh phải suy nghĩ xem anh đang ở vị trí nào. Tôi được lệnh vào đây để tìm hiểu chứ không phải vào đây để nghe anh cãi vã với tôi. Tôi hỏi tới đâu anh trả lời tới đó để cho buổi làm việc sớm kết thúc thành công!

Vào thời điểm của thập niên 80, việc chiếm được miền Nam Việt Nam dường như vẫn còn là một thành công chói lòa đối với người Cộng sản, dù ở ngoài đời dân chúng vẫn khoai sắn và rau cháo cho qua ngày. Chế độ khẩu phần suốt sáu bẩy năm qua chỉ khuyến khích thêm nạn buôn lậu trên cả nước. Ngay ở trước sân của Ban Quản Trại là một tấm bảng lớn chạy suốt chiều ngang có viết chữ đỏ trên nền vàng: “Thành công, thành công, đại thành công.” Cho nên, ngay khi nghe Thận nói “để cho buổi làm việc sớm kết thúc thành công,” tôi đã phải cố gắng kềm chế để không cười hộc lên, nhưng vẫn thầm nghĩ: “Mẹ kiếp, có đếch gì mà kết thúc thành công hay thất bại trong một cuộc thẩm cung. Chỉ khi chúng mày có gan đem bắn hết bọn tao thì mới là kết thúc thành công được mà thôi.” Thận lại giở tập hồ sơ xem một hồi rồi hỏi tiếp:

-         Mẹ anh có gặp một người Bỉ tên là Fuchs. Anh nghĩ thế nào về chuyện này?

Tôi đáp lại ngay không cần đắn đo:

- Tôi không biết nên không suy nghĩ gì cả!

- Nhưng nay tôi đã cho anh biết như thế thì anh phải có một vài suy nghĩ nào đó chứ? Thận vặn lại.

Tôi cảm thấy nếu cứ ngồi mà trả lời những câu hỏi của toán thẩm vấn này thì không có lợi cho chính tôi, bởi chiến thuật của họ là cứ hỏi và hỏi thật nhiều câu vớ vẩn, không đâu vào đâu cả rồi chờ tới lúc đối tượng thẩm cung bắt đầu mệt và căng thẳng liền gài vào đó những câu “chết người” thì có thể tôi sẽ lọt ổ “phục kích.” Do đó tôi đánh bài tố:

-         Tôi không hề biết và cán bộ cũng chẳng đưa ra một chứng cớ nào cho thấy mẹ tôi gặp cái bà người Bỉ nào đó cho nên suy nghĩ làm gì cho mất công. Tôi nói thẳng với cán bộ điều này: cán bộ muốn cáo buộc hay nâng quan điểm về tôi và gia đình tôi thì cứ việc làm, tôi không có một khiếu nại nào cả. Cho nên, nếu nhân đạo, cán bộ đưa tôi trở lại xà lim. Còn nếu cán bộ cứ muốn tiếp tục hỏi tôi về những chuyện ở ngoài xã hội mà tôi không biết hay không có liên quan gì tới tôi cả thì buổi làm việc hôm nay không thể kết thúc thành công như cán bộ muốn đâu. Do ở trong ngành truyền thông của chính phủ VNCH khá lâu, tôi không xa lạ gì tới tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Thời VNCH họ cũng đã hoạt động ở miền Nam Việt Nam và họ được tự do đến gặp những người cộng sản như cán bộ lúc đó nằm trong những trại tù binh phiến Cộng ở Phú Quốc và Côn Sơn chứ có gì lạ đâu!

Có lẽ đây là lần đầu tiên, những tay thẩm vấn này phải đối phó với những tù nhân cải tạo chấp nhận phần rủi ro nhất cho mình để đổi lấy sự tự do tranh luận, nên hai người phụ tá của Thận có vẻ “nóng ruột.” Anh chàng có khuôn mặt “lưỡi cày” đấm xuống bàn, mặt đỏ gay:

- Ðừng có bố láo, anh gọi chúng tôi là phiến Cộng hả, như thế mà gọi là an tâm cải tạo!!!

- Tôi an tâm cải tạo chứ, nhưng sự an tâm của tôi có nghĩa là nhà nước muốn nhốt tôi bao lâu thì nhốt, nhốt chán không muốn nhốt nữa thì thả, tôi có khiếu nại đâu. Tôi cũng không mong một ngày về và nếu có phải nằm ở nghĩa trang tù nhân cải tạo thì cũng là bình thường thôi!

Có lẽ thấy không thể tiếp tục cuộc tra vấn nữa, viên trưởng toán thẩm vấn đứng lên, bước ra cửa gọi Lý “lé” đưa tôi trở lại xà lim. Dĩ nhiên, tôi không được trở lại xà lim 5 với T.D.S nữa mà sang nằm một mình ở số 6 với mức cùm hai chân trở lại và lại “hưởng” chế độ 2 muỗng cơm, hai muỗng nước và hai muỗng nước muối mặn chát. Lý “lé” không nói gì cả. Anh ta lặng lẽ khóa cửa phòng biệt giam và ra khỏi khu biệt giam ngay sau đó. Nhưng đến giờ phát cơm chiều và điểm số cho khu biệt giam, trại trưởng Lê Ðồng Vũ xuất hiện. Ðứng trước cửa xà lim, ông ta nhìn tôi với vẻ mặt lạnh tanh và giọng lè nhè thâm hiểm:

-         Anh còn khỏe lắm và gan còn to nên cứ nằm nghỉ ở đây cho đến khi nào hai cái vòng cùm ở chân anh mọt ra thì về nhé! Nằm suy nghĩ đi! Ðừng có vọng tưởng bẻ gậy chống trời không được đâu!

Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu rằng cái giá mà tôi phải trả cho buổi thẩm cung hôm đó lớn hơn bao giờ hết. Lần nhục hình này kéo dài đến 8 tuần lễ, có tuần lễ tôi bị lột áo và bị tra thêm một một cùm số 8 ở hai cổ tay ngược ra đằng sau, chỉ giờ cơm mới được mở ra trong khoảng 10 phút để tôi ăn uống. Trời nhá nhem tối là đàn muỗi đã ùa vào tấn công trong điều kiện “tối ưu” vì tôi không được mặc áo và hai tay bị còng không có cách nào đuổi chúng được. Ðây chính là con dốc cao nhất trong suốt đời tù mà tôi phải leo.

Mười phút để ăn và uống phần nước quá ít nên không thể nào uống theo kiểu dùng muỗng đổ vào chân răng từ từ được vì sau 10 phút tay tôi bị còng lại đằng sau, không còn nâng hay cầm bất cứ vật gì được. Vừa khát, vừa không thể nằm xuống ngủ được, mỗi bữa tôi chỉ dám ăn một lát khoai mặn chát nên sức khỏe sa sút trông thấy. Cứ cách một tuần thì tôi được mở còng tay một tuần. Trong tuần lễ được mở còng tay, phần nước phát cho tôi gia tăng gấp đôi, nước muối chan vào khoai mì lát nhạt hơn. Ðiều này chứng tỏ rằng bọn an ninh ở trại giam này không thể để tôi quá kiệt sức. Nhưng kiểu cứ tuần “đóng,” tuần lại “mở” như vậy thường tạo cho người tù một tâm lý bất an rất dễ dẫn đến sự buông xuôi. Ðể đối phó, tôi vẫn áp dụng phương pháp ngồi yên, thở sâu và để cho đầu trống rỗng không suy nghĩ gì. Phương thức thư giãn này giúp tôi thanh thản hơn, bớt đói và khát hơn. Niềm vui vì tôi đã có thể làm cho một buổi thẩm cung của những thẩm vấn viên từ trung ương không những không thành công mà còn tạo cho tôi cơ hội “xả xú bắp” và sự thanh thản đã giúp tôi củng cố thêm niềm tin để tiếp tục bước qua gian nan những năm sau này.

Khi được thả về năm 1988, biến chuyển đầu tiên mà mẹ tôi thông báo chính là ngày bà Fuchs, một thành viên của Amnesty International (theo lời kể của mẹ tôi) đến Việt Nam để gặp bà và khoảng hơn chục bà mẹ hay vợ của những nhà báo hay truyền thông đang bị nhà cầm quyền lúc đó ở Việt Nam giam giữ. Mẹ tôi đưa cho tôi xem một tấm hình chụp phụ nữ Tây phương có chữ ký và lời đề tặng bà. Cuộc gặp gỡ diễn ra ở Sở Ngoại Vụ. Nội dung cuộc gặp vẫn chỉ là những lời an ủi của bà Fuchs, chứ bà không hứa hẹn gì. Năm 1992, khi tái định cư tại Mỹ theo diện HO, một số bạn bè của tôi ở Pháp và người đàn anh trong nghề là anh T.V.N, một cựu lãnh đạo Việt Tấn Xã định cư ở Paris cho biết Carreaux là một cựu chiến binh Pháp rất quan tâm đến trường hợp của tôi. Anh đã tiếp xúc với Carreaux một thời gian để giúp tìm đầy đủ hồ sơ liên quan đến tôi và Carreaux đã yêu cầu Hà Nội cho tôi gặp ông ta tại trại tù, nhưng bị từ chối. Dường như ông chỉ đến được Bangkok và nhà cầm quyền Việt Nam lúc đó không cấp hộ chiếu nhập cảnh cho ông. Năm 1999, có dịp qua Paris, tôi cũng đã nhờ người tìm ra tung tích Carreaux để ngỏ lời cám ơn ông, nhưng những cố gắng này không thành công vì có thể vào năm đó ông đã qua đời không chừng.
Câu chuyện cảm động này dĩ nhiên rồi chẳng đi đến đâu cả, nhưng ít ra hoàn cảnh của chúng tôi cũng đã bắt đầu được quốc tế để ý đến. Và tôi viết lại chi tiết này không ngoài mục đích để cho những nhà tranh đấu nhân quyền ở trong nước cũng như ở hải ngoại hiện nay đối chiếu và so sánh với chế độ lao tù hiện tại ở Việt Nam. Phải chăng nó đã có nhiều thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử cũng như chính sách đối nội và đối ngoại ở trong nước. Cho đến thập niên 1990 chỉ cần một tổ chức nhân quyền quốc tế nào lên tiếng về một cá nhân đang bị đày ải trong chốn lao tù, lập tức cá nhân ấy bị trừng phạt ngay. Bởi vì vào thập niên đó, chuyện có liên hệ đến các tổ chức nhân quyền có thể bị nhà cầm quyền Việt Nam ghép vào tội danh gián điệp phá hoại đất nước. Như thế, so với tình hình của 23 năm trước đây, những nhà tranh đấu cho nhân và dân quyền tại Việt Nam hiện nay được hoạt động rộng rãi hơn rất nhiều. Giới thanh niên, sinh viên tranh đấu tại Việt Nam còn có thể gặp đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế, các đại diện ngoại giao các sứ quan ngoại quốc ở Hà Nội để trao kiến nghị mà không hề bị bắt. Cùng lắm thì bị công an mời đến để hỏi cung rồi cho về. Gần đây thân nhân của những nhà tranh đấu hiện đang ngồi tù tại Việt Nam đã được du lịch tại Mỹ.

Tôi chưa dám có một nhận định nào về chuyện này cả mà chỉ thầm nghĩ: “Thôi thế cũng xong, ít ra thì các cuộc tranh đấu về nhân quyền cũng có được một kết quả nào đó. Chỉ có điều nếu mà chuyện này diễn ra vào 23 năm trước, thì giá chót dành cho những nhà tranh đấu nhân quyền ở Việt Nam hiện nay cũng phải là án chung thân.

A20 Vũ Ánh

(Còn tiếp)


 (Nguồn: http://nguoi-viet.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét