15/3/14

Thung lũng tử thần - Phần 4


A20 Vũ Ánh


Tết Nguyên Ðán 1984 đánh dấu sự thay đổi chế độ lao tù tại Việt Nam?

Tết Nguyên Ðán năm 1984, chúng tôi lại trải qua một cuộc “xóa bài làm lại” trong khu biệt giam của Phân trại E thuộc A-20 Xuân Phước, nghĩa là phải thay đổi chỗ ở sau một màn tất cả lần lượt “bị” lùa ra giếng nước ngay bên cạnh ao thả cá rô phi sau khu biệt giam. Trời Tháng Giêng ở thung lũng tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại. Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời. Chân tay anh em chúng tôi gần như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số 5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam. Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai.



Linh Mục Vàng đứng lên được nhưng không thể nào bước đi được. Những anh em tù nhân thuộc đội hình sự được cán bộ trực trại đưa vào giúp chúng tôi cọ rửa các xà lim biệt giam, đổ thùng cầu tưởng Linh Mục Vàng giả vờ để trốn tắm, một vài anh em trong số họ đã có lời lẽ thiếu nhã nhặn với ngài. Nhưng ngay lập tức một trong những tù hình sự đứng tuổi có lẽ là đội trưởng liền nạt lại ngay: “ÐM, đứa nào vừa ăn nói du côn đấy, liệu hồn tối nay về đội không còn răng để ăn cháo nghe con. ÐM, người ta bị cùm lâu ngày gân cứng lại thì cũng phải từ từ chứ. Bộ chúng mày tưởng mình là cán bộ chắc, cho hai đứa nào vào dìu ông già ra.” Tôi được tháo cùm sau Linh Mục Vàng, hai đầu gối tê cứng, thân mình xiêu đổ khi đứng lên và cũng được hai tù hình sự dìu ra giếng nước. Một trong hai tù hình sự đứng kéo nước từ giếng lên để xối cho chúng tôi biết ông Vàng là linh mục nên nói: “Cha ngồi xuống dựa vào bức tường chắn cho đỡ lạnh. Anh cũng vậy. Em kéo nước lên sẽ dội ra ngoài để che mắt bọn nó. Cả hai người yếu quá rồi chỉ nên thay quần áo chứ không thôi thì ở dơ không chết mà chết vì cảm lạnh đấy.” Chúng tôi thấy người tù hình sự này nói có lý nên làm theo.

Cả hai chúng tôi ngồi cho đến hết giờ tắm để lại được dìu ra khỏi giếng nước đến ngồi ở bờ hè bên bức tường hông nhà bếp nơi có thùng nước nóng mà tù cải tạo đội nhà bếp xin mang ra để phát cho những tù nhân biệt giam ra tắm. Tôi cho ca nước của mình múc một ca, uống hết một nửa, một nửa đưa cho Linh Mục Vàng. Ngài uống hết rồi múc thêm một nửa ca nữa. Tôi hỏi ngài: “Bố vẫn còn khát hả?” Ngài trả lời: “Uống phòng xa.” Ðộng từ “phòng xa” anh em chúng tôi dùng để chỉ thời kỳ bị nhục hình bằng chính sách 2 muỗng cơm, hai muỗng nước, hai muỗng muối khi chúng tôi bị nhận chìm vào cơn khát của những người đi trong sa mạc nên mỗi khi bị gọi ra “làm việc” phải xin uống cho thật nhiều nước trước lúc bị dẫn trở lại buồng giam rồi đái ra để uống cho đỡ khát.

Từ lần mà tôi bị gọi ra để làm việc với các thẩm vấn viên từ trung ương vào, chúng tôi không còn bị “đì” phần nước như trước nữa, nhưng mỗi bữa ăn cũng chỉ được phát một phần tư ca. Với số lượng nước này, người tù nào vẫn giữ cách nhịn bớt khoai mì để tránh muối thì không đến nỗi khát quá, nhưng nếu người nào không nhịn được và ăn trọn bộ hai phần khoai mì đẫm nước muối cho một ngày thì cũng vẫn khát và sẽ thấy thân thể mỗi ngày sẽ “đẫy đà” hơn, nước da càng ngày càng xanh bóng hơn (nghĩa là phù thũng nặng hơn).

Tuy nhiên, dù gì đi nữa, bị cầm giữ trong không gian của một cái chuồng tối tăm, thiếu vệ sinh, không khí và ăn uống lại thua xa khẩu phần của một con chó như thế, dần dà chúng tôi xuống sức và nếu không may chỉ cần vướng một cơn cúm nhẹ cũng có thể tiêu mạng như thường. Cựu dân biểu K.T.V và tham sự hành chánh L.Q.M bị đưa vào biệt giam muộn hơn tôi nhiều, nhưng chưa đầy 9 tháng sau, một người phải cáng vào bệnh xá trong phân trại B và qua đời tại đó, còn một người chết ngay trong biệt giam. Ở phân trại E, nhiều anh em ít chú ý đến một hiện tượng: phần lớn những anh em tù nhân cải tạo bị bệnh mà phải đưa vào bệnh xá phân trại B, cách phân trại E khoảng từ 5 đến 7 cây số đều chết tại đây chẳng hạn như ông L.K, chủ tịch Tổng Công Ðoàn Tự Do một tổ chức nghiệp đoàn đối lập với Liên Ðoàn Lao Công của ông T.Q.B và khoảng độ ba hay bốn tu sĩ Công Giáo, hai tu sĩ Phật Giáo khác, cựu tổng đốc N.D.G và chánh văn phòng của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm V.V.H.

Nhiều người thắc mắc, ở thung lũng tử thần có bao nhiêu trại giam và phân trại nào là trại chính. Một trong những tù nhân thuộc nhóm người đi chuyến tầu Việt Nam Thương Tín trở về nước sau khi đã di tản đến Guam rồi cho biết khi họ đến đây là đã có phân trại B rồi. Phân trại B là phân trại có một bệnh xá có 10 giường bệnh, 4 bác sĩ quân y của QL/VNCH cũng là tù cải tạo làm việc với một y sĩ Việt Cộng mang cấp thiếu úy (Ghi chú: y sĩ là từ ngữ mà ngành y của Cộng sản dùng để chỉ y tá hay y tá trưởng).  Ngoài ra còn hai phân trại khác nhỏ hơn, đó là C và D ở sâu trong một khu rừng nguyên sinh cách B khoảng 10 cây số được thiết lập bên cạnh một con suối. Tuy nhiên cho đến thập niên 1980 thì các phân trại C và D mà phần lớn tù nhân cải tạo là tù hình sự đều lần lượt bị đóng cửa vì nước độc. Lý do khiến Cục Trại Giam Miền Nam dẹp phân trại C và D đã trở thành các cuộc tranh cãi trong số những anh em tù nhân cải tạo. Người thì cho rằng tình hình an ninh không còn bảo đảm do tàn quân “ngụy” phối hợp với người dân tộc H'mong đang có âm mưu dấy loạn từ trong buôn làng của họ cách trại khoảng 20 cây số đường chim bay. Có người lại còn nhân rộng một hình ảnh trên thực tế không hề có: quân của tướng Ngô Quang Trưởng mở một đường xâm nhập từ Lào vào Việt Nam nằm về phía Ðông Bắc của phân trại D. Ðại loại những “hot news” này lúc đó được tù cải tạo loan truyền chỉ với mục đích giữ vững và an ủi tinh thần anh em. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng đối với những sĩ quan nào không hề chú ý đến khía cạnh thuần lý của tin tức. Còn phần đông những anh em khác đều cho rằng đây là chuyện tầm phào. Ðiều khôi hài là vào lúc ấy chỉ có một số ít người tù chịu khó nêu ra suy nghĩ độc lập của mình: chỉ có người giữ vai trò tổng bí thư đảng Cộng sản mới có thể biết tin trên được, tù nhân cải tạo ở trong cái rọ Xuân Phước kín như bưng làm sao biết được mật tin này và liệu mật tin này có thể là do chính Việt cộng tung ra trong một chiến dịch trăm hoa đua nở khác trong trại tù hay không? Rõ ràng nguồn tin thuộc loại “hot news” thường tỏ ra có nhiều kinh nghiệm trong việc loan truyền. Tâm lý người tù cải tạo lúc nào cũng cần một cái phao để bám vào trong khi những người nào còn tỉnh táo thì không nói ngược lại được vì sợ sẽ bị các bạn đồng tù hỏi: “Bộ mày không muốn Tướng Trưởng mang quân về à?” hay “Bộ mày không muốn có thay đổi hả.” Những câu hỏi xách mé vì những tin tức tưởng tượng này trở thành một cái khiên để những phần tử chống Cộng hoang tưởng trong trại giam vùi đầu trong cát một cách hèn nhát viện cớ “để chờ thời cơ sắp đến” và làm cho sự đoàn kết giữa anh em tù cải tạo với nhau sứt mẻ dần.
Những tác hại nguy hiểm của loại tin tức đại loại như ông tướng này về lập chiến khu tại dãy núi Mây Tầu, Rừng Lá hoặc vùng U Minh Thượng Cà Mâu, tướng kia về Mật khu Dương Minh Châu hay tướng hải quân Hoàng Cơ Minh cùng ông Hoàng Văn Hoan thuộc Bộ Chính Trị đảng CSVN đào tị ra nước ngoài trở về Hoàng Sa lập hạm đội giải phóng Việt Nam đã trở thành những đề tài nóng hổi trong những trại giam. Những cái phao này có đôi lúc được bơm rất căng đã dẫn tới những cuộc cãi lẫy và ẩu đả tuy chỉ là vài cú đấm thôi nó cũng đã tạo ra bối cảnh thảm hại trong hàng ngũ anh em tù cải tạo chúng tôi. Dù những người bị bịt mắt trong thành phần tù nhân cải tạo chỉ là thiểu số, nhưng đa số thầm lặng thì lại không muốn phiền hà đến mình nên vẫn chỉ là đa số thầm lặng. Cho nên, những người tù nào còn tỉnh táo để phán đoán, những người vẫn còn có thể nói với những thiểu số mù quáng này rằng Hoàng Sa đã mất về tay Trung Cộng từ năm 1974 hoặc “Mấy anh mà còn biết được những tin tức loại A1 này, thì bọn Cộng sản chúng nó lại mù hay điếc hết hay sao mà không biết” đã mặc nhiên trở thành “những người tỉnh táo trong cô đơn” và đôi khi còn bị cô lập. (Loại tin A1 là loại tin có đầy đủ yếu tố chính xác 4W+H)

Những thập niên sau này, khi sang định cư ở Mỹ, sống giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam chỉ một năm sau, tôi đã nhận ngay ra một số những chính trị gia hay nhà báo đã mang cái bệnh hoang tưởng từ các trại lao cải ở Việt Nam từ các thập niên trước sang đất Mỹ. Ðiều đáng quan ngại sự hoang tưởng của họ chiếm một vị trí rất trang trọng trong các bài diễn văn dài trước cử tọa mà đa số đều trải qua những kinh nghiệm ở các nhà tù Cộng sản hay ở xã hội bên ngoài tại Việt Nam. Trong khi nhiều người muốn xây dựng một nền văn hóa cộng đồng mang sang từ quê hương gốc thì thiểu số chính trị gia nói trên lại xây dựng một nền chính trị cũng hoang tưởng như các “hot news” trong trại tù và rập khuôn kiểu cai trị của đảng Cộng sản: “Những gì chúng tôi nói ra là chân lý phù hợp với cộng đồng, mấy anh bất đồng chính kiến với chúng tôi có nghĩa là đi ngược lại cộng đồng, là tay sai Cộng sản.” Có một giai đoạn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, phần đông chính trị gia này hay dùng nhóm từ ngữ “bị tẩy não” để chỉ những người không có ý kiến giống họ mà không hề để ý rằng chính họ mới là những thành phần bị Công sản tẩy não. Không bị tẩy não thì không ai lại ngu dại gì mà giữa một đất Mỹ tự do mà lại tự nguyện đưa chân vào cái cùm Ðỏ như vậy.

Sáng 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984, các phân trại thuộc A-20 đều nghỉ lao động. Theo lời những anh em không bị biệt giam lâu dài kể lại sau này thì năm ấy viên trại trưởng Lê Ðồng Vũ cho nới lỏng thăm nuôi, bỏ những giới hạn khắt khe chẳng hạn như “những tù cải tạo bị biệt giam khi được thả ra lại đội lao cải không được nhận quà thăm nuôi hay ra gặp mặt gia đình ít nhất là 6 tháng.” Linh mục Nguyễn Văn Vàng và tôi ngồi dựa lưng vào bức tường nhà bếp cho đỡ lạnh sau khi được một tù hình sự tốt bụng tránh cho việc phải giội nước lên người. Nhìn vườn rau cải chạy từ sau lưng khu biệt giam đến dãy nhà giam 1 và 2 đã ra hoa vàng, nhìn những bạn tù được gọi ra thăm gặp hay thăm gặp rồi xách những giỏ quà từ cổng trại đi vào dưới hàng dừa cũng đã đơm hoa, nghe tiếng lao xao của bạn bè bên những giếng nước đào trước sân mỗi nhà giam, tôi bỗng chạnh lòng nghĩ tới những người thân ruột thịt nhất là mẹ tôi. Từ giữa năm 1976, tôi không còn gặp hay thư từ gì cho bà cụ. Những năm tháng còn bươn chải trên các mặt trận vào những năm trước 1975 để làm sao có thể gởi được về hậu phương một phóng sự truyền thanh “Xuân Tiền Ðồn” cho kịp phát thanh sau thông điệp đầu năm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tính ra chỉ có vài năm ít ỏi tôi được vui tết với gia đình bắt đầu từ sau Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972. Trong những script gởi kèm với cuộn băng ghi âm phóng sự này, tôi thường dùng một đoạn của ca khúc mà cho tới nay tôi đã quên tên của nó, trong đó có hai câu mà tôi thích nhất thường dùng làm nhạc mở đầu và nhạc nền cho phóng sự:

“Ðồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa.”


Lúc bấy giờ, 1984, tuy hoàn cảnh đã đổi thay, nhưng tôi cũng vẫn không quên được hình ảnh của những người lính Ðịa Phương Quân, Nghĩa quân hay những người lính đồn trú tại những căn cứ hỏa lực những ngày trước Tết Nguyên Ðán. Họ quả cảm, nhẫn nại và chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến trong những năm dài, nay lại phải chịu đựng gánh nặng của đời tù đầy gần cả một thập niên (tính cho đến 1984). Những người lính ấy trở thành những tù cải tạo sau khi thua trận đứng lố nhố, lấp ló trong lối đi của vườn rau cài đơm bông. Họ muốn tiếp tế cho chúng tôi nhưng còn ngại đám vệ binh đứng canh chừng để kiểm soát việc bắt cá rô phi từ cái ao đào ngay sau khu biệt giam.




Cầu cho bạo chúa sống lâu?


Cuối cùng, hai người bạn tù trong nhóm bí mật xây dựng tờ Hợp Ðoàn là N. “đen” và H. “bầu” cũng đã liên lạc được với đàn em của họ trong đội tù hình sự để tiếp tế cho chúng tôi mấy tán đường thẻ và một nắm thuốc rê. N. “đen” nhắn cho tôi biết: “Ở nhà thợ đã cố sửa chiếc xe Honda của anh, nhưng nó vẫn không chạy được nên đành để vào kho.” Lời nhắn cho tôi hiểu rằng bên ngoài, các anh em của tôi cố gắng cho tái bản tờ báo nhưng không có điều kiện. Honda nếu viết tắt theo vần Việt ngữ thì có thể viết là HÐ mà HÐ lại là ký hiệu chỉ tờ Hợp Ðoàn chúng tôi thỏa thuận với nhau trước khi tờ báo ra đời. Sau khi chia sẻ thuốc hút và những tán đường với những anh em khác trong biệt giam cũng vừa tắm xong và được ngồi dựa lưng vào bức tường hông nhà bếp đón chút nắng xuân, tôi báo cho T.D.S biết như vậy, có nghĩa tờ báo đã “ngỏm củ tỏi” rồi. S. “lùn” nói: “Như thế cũng xong, chúng ta phải chờ cơ hội khác. Tôi chỉ sợ họ cho tục bản mà làm không khéo bể ra lại thêm nhiều chuyện lôi thôi cho chính họ và chúng ta có thể bị ngộ nhận.”

Viên cán bộ trực trại có lẽ cũng lo vun quén cá nhân cho những ngày xuân nên đã để chúng tôi ngồi ở hông nhà bếp đến gần một giờ trưa mới bị lùa vô lại khu biệt giam, nhưng không bị đẩy vào xà lim ngay, lại còn được phát cơm nước và ngồi ăn ngoài sân. Lần đầu tiên trong gần 4 năm, trời tôi được bưng tô khoai mì lát luộc ngồi ăn mà chân không bị cùm và không phải ngửi cái mùi hôi thối quanh năm bốc ra từ chiếc thùng cầu. Có thể do có tí chất ngọt và khói (thuốc rê) được anh em tiếp tế khi nãy nên mọi người đều cảm thấy người ấm hẳn lên. Những câu chuyện nổ ra như pháo rang. Lại thêm cả “hot news” nữa! T.C.L, một sĩ quan tâm lý chiến binh chủng Biệt Ðộng Quân bắt đầu “bốc.” Anh vẫn cái giọng moa, toa cố hữu: “Ê, mấy toa biết chưa, sắp có biến chuyển lớn bên ngoài, Mỹ đang điều đình để bốc chúng ta. Ronald Reagan đã phải lên tiếng xin lỗi nhân dân miền Nam Việt Nam vì Mỹ đã quay lưng lại với chúng ta tàn nhẫn quá. Trước đây moa không tin chuyện này xảy ra, nhưng bây giờ thì moa tin.” Mọi người vốn biết tính T.C.L hay “nổ bậy” nên chỉ cười, còn Q. “đầu bạc” sĩ quan cảnh sát đã bực dọc kê ngay chiếc tủ đứng tổ bố vào miệng tác giả cái hot news này: “Thôi, nhờ anh tí. Bọn em trăm lạy ngàn lạy anh, chờ Mỹ nó bốc chắc chúng em rục xương ở đây quá. Anh đã nói với em lần thứ hai rồi, lần này là lần thứ ba. Bất quá tam đấy nhé. Anh ở lại chờ Mỹ nó bốc, chúng em về đấy.” Thấy không khí chiều 30 Tết mà như thế là mất vui, tôi quay sang Q. “đầu bạc” can gián: “Thôi, đừng đem hot news vào đây nữa. Chừng nào chúng đưa mình ra bãi đáp mới thảo luận đến tin đó cũng không muộn, hút hết thuốc đi nếu không trước khi vào cùm, chúng nó sẽ tịch thu sạch sành sanh lại còn bị tra khảo mất công lắm còn làm phiền những anh em nào đã tiếp tế cho mình nữa.”

Nghe tới hút thuốc là tự nhiên chuyện hot news cũng chẳng còn “hot” nữa và chúng tôi lại chúi đầu vào mớ thuốc rê còn lại, chia nhau sao cho mỗi người còn có thể hút được một điếu nữa.

Nói tới thuốc thuốc lá, thuốc rê hay thuốc lào trong những trại cải tạo thì cũng chẳng khác gì nói đến chuyện dài nhân dân tự vệ khi xưa. Nhiều người ở ngoài đời thắc mắc đã đi tù, hàng ngày “vã” cơm, nước, chất béo, chất ngọt mà sao vẫn còn chỗ để đa mang như vậy. Thắc mắc này không có gì sai, nhưng người chưa vào tù cải tạo thì chưa thể hiểu tại sao chúng tôi lại cần thuốc hút cũng ngang bằng cần khoai, gạo. Bởi vì thuốc hút trong trại giam có khả năng giúp tù nhân chôn giấu nỗi buồn nhớ vợ, con, gia đình, tạm quên thân phận mà minh phải mang vác. Tôi không liên lạc với gia đình cho nên cái khoản thuốc lào trong trại giam đều là quà biếu của các anh em có liên lạc với gia đình và có thăm gặp, cho nên nếu được anh em tặng một chút nào thì cũng phải dè sẻn. Ðối với một người hút thuốc nặng như tôi trước 30 tháng 4, 1975 thì phải dè sẻn hay nhịn thuốc hút cũng là một cuộc trường chinh với chính mình. Trước 30 tháng 4, 1975, trung bình một ngày tôi hút đến 3 gói thuốc lá Bastos, một loại thuốc lá đen, rất nặng. Tôi chỉ không hút thuốc khi đi ngủ. Vào tù không có thuốc thì phải nhịn. Cũng như bao anh em khác, tôi giữ nguyên tắc là không bao giờ đi xin thuốc ai cả bởi vì trong nhà giam mọi người đều khốn khó, xin thuốc tức là xin tiền. Tôi cũng đã trông thấy một vài bạn đồng tù không đi xin nhưng đi lượm tàn thuốc các anh em khác bỏ ngoài sân về gỡ ra và quấn bằng giấy báo hay cho vào điếu cày để hút. Thực ra đây là hành động lương thiện và không có gì gọi là hạ thấp tư cách của mình, nhưng nó làm cho những bạn đồng tù khác đau lòng. Cứ thử tưởng tượng một sĩ quan từng giữ những chức vụ chỉ huy trong các đơn vị quân đội đã từng đổ máu để vượt qua bao nhiêu khó khăn mà đến khi bị đẩy vào hoàn cảnh khốn lại không thể vượt thoát ra được những thói quen (habit) của mình thì người ta sẽ nghĩ sao về họ?

Nhưng cũng may mắn là số người đi lượm tàn thuốc trong trại giam đếm được trên đầu ngón tay vì thú thực tù cải tạo mà hút thuốc thì tàn thuốc cũng chẳng còn gì nữa mà bòn mót. Thời gian đầu ở trại A-20 Xuân Phước, thuốc lào là món “phụ tùng” hiếm hoi vô cùng. Tất cả các tù cải tạo khi bước chân vào trại này, quà thăm nuôi mang từ các trại khác đến đều bị tịch thu kể cả thuốc âu dược, thuốc lào, thuốc lá, thuốc rê. Bối cảnh ấy giống y hệt thời kỳ đổi tiền hay đánh tư sản mại bản ở ngoài đời sau khi người Cộng sản chiến thắng ở Miền Nam Việt Nam.

Chuyện hút thuốc lá hay thuốc lào trong trại cải tạo không phải là một vấn đề lớn. Nhưng dù cho là như thế đi anh ngay trong những nhà tù sẽ không còn giữ được những hình ảnh đẹp đẽ về một quân nhân tuy đã phải đầu hàng nhưng vẫn giữ được những lề thói đáng trân trọng nữa, nó cũng đã bày ra trước mắt chúng tôi khá nhiều hình ảnh tàn nhẫn mà tôi cho rằng người cộng sản khá thành công trong kế hoạch lũng đoạn đời sống của chúng tôi ngay khi chúng tôi bị đẩy vào trong hoàn cảnh cùng quẫn nhất. Tôi muốn nói tới một thiểu số, rất thiểu số bạn đồng tù với tôi khi họ đã “can đảm” đánh đổi một điếu thuốc lào (trong trại chúng tôi thường dùng từ ngữ “bi thuốc lào” thay vì điếu, một cách thảm kịch hóa việc hút thuốc lào) mà mình có để lấy phần cơm hay nửa phần cơm tùy theo thỏa thuận của người bạn đồng tù khác không thể vượt qua được những đòi hỏi thật phi lý của khói thuốc. Một phần cơm, nói cho đúng là một phần cơm độn trong đó tỷ lệ khoai sắn là tỷ lệ áp đảo phát ra cho một tù nhân đã quá ít rồi. Vậy mà họ đã phải cắt đứt một sự sống của mình để lấy một điếu thuốc mà ảnh hưởng của nó chỉ kéo dài trong 30 giây đồng hồ thì phải nhìn thấy không có sự mù quáng nào bằng. Ðành rằng sự đổi chác này là công bằng và thuận ý với nhau, nhưng không hiểu sao trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi vẫn nghe thấy văng vẳng một lời trách cứ: “Các anh tồi quá một điếu thuốc lào, một hạt cơm, một điếu thuốc cũng không chia sẻ cho nhau được mà phải đổi chác một cách tàn nhẫn như vậy, nói chi đến việc gánh vác việc lớn. Các anh nên nhớ chuyện này chỉ diễn ra giữa một số người với nhau, nhưng nếu đối phương của các anh mà nhìn thấy cảnh này, chúng sẽ tổng quát hóa nó và thiệt hại vẫn về phía các anh. Tình huynh đệ chi binh ở đâu? Phần đông các anh em biểu lộ được tinh thần này, người bỏ quên nó chỉ là thiểu số, nhưng phải nhớ rằng trong hoàn cảnh phải đối đầu trực diện giữa tốt và xấu với kẻ thù, những chuyện lẻ tẻ này rất dễ có tác dụng lớn, lớp đàn em đang sống với các.”

Trong đời tù có biết bao chuyện để nói và môi trường sống trong nhà tù cũng khá phức tạp trong khi chế độ của những người chiến thắng đang tìm mọi cách để khai thác sự phức tạp này. Cho nên, có thể vì tinh thần bảo vệ mầu cờ sắc áo trước kẻ thù, đôi khi trong suy nghĩ của tôi xuất hiện sự khắt khe quá đáng. Vào giai đoạn đó tôi cũng biết như thế, nhưng tôi hiểu rằng mình sẽ không thể chịu đựng được nếu một tên cán bộ Việt cộng nào chỉ vào mặt tôi và xỉ vả: “Các anh bảo chúng tôi tàn nhẫn, nhưng chính cách đối xử với nhau giữa các anh cũng tàn nhẫn không kém.” Ngày nay, những điều tôi trình bày trên những trang giấy này chỉ còn là một ký ức, nhưng đôi lúc điều buồn bã ấy vẫn quay lại. Riêng tôi, ký ức vẫn còn sống động về một thời mà mà đa số anh em đồng đội chúng tôi đã có thể đâu lưng lại với nhau để chống lại kế sách nhằm hạ thấp nhân cách của những người quốc gia chống Cộng khi sa cơ, về một thời mà chúng tôi biết vượt lên trên sự sợ hãi và số phận để sống như những người biết giá trị của tự do và nhân phẩm đến từ đâu.

Từ cái Tết Nguyên Ðán 1984 cho đến tết những ngày trước Tết Nguyên Ðán năm 1985, nhân số trong khu biệt giam giảm dần. Những người bạn tù khá thân với tôi Ð.B.P, N.Ð.Q, T.C.L, H.C cũng đã được tháo cùm cho trở về đội và số tu sĩ Công Giáo được chuyển vào bệnh xá phân trại B không trở lại biệt giam phân trại E nữa. Trong khu giam cầm đặc biệt này chỉ còn lại tôi, T.D.S, cựu dân biểu T.Q.P, hai linh mục Nguyễn Văn VàngNguyễn Luân và một vài tù cải tạo hình sự ra vào biệt giam như cơm bữa tuy rằng thời hạn nằm tối đa của họ chỉ trong vòng 2 hay 3 tuần lễ là cùng. Chúng tôi vẫn liên hệ với nhau, nhưng không khí trong biệt giam buồn hơn vì mất một người kể chuyện sách vở là N.Ð.Q tự Q. “đầu bạc” và anh chàng chuyên tung hot newws vô căn cứ T.C.L. Tiêu chuẩn thực phẩm không thay đổi, nhưng nước uống được phát mỗi bữa rộng rãi hơn chút đỉnh và điều quan trọng là nước muối chan vào khoai mì bớt mặn hơn và tôi được tháo một chân cùm.

Mấy tháng trước tết năm 1984, được chuyển sang ở chung với Linh Mục Vàng tại biệt giam số 6 nên tôi có thời gian nghe vị linh mục này nói chuyện về cuộc đời tu hành của ngài và chứng kiến được sự hùng biện của ngài khi cùng tôi thảo luận về cuốn Tân Ước, cho dù ngài biết tôi là một Phật tử. Tôi được cái may mắn là nghe danh linh mục Vàng trong vụ Vinh Sơn, nhưng cho tới khi được nhốt chung một thời gian với ngài trong biệt giam, tôi hiểu thế là bậc chân tu giữ được phẩm hạnh trước những khốn khó và lập tức tôi có ngay một sự so sánh giữa ngài và những tu sĩ tôi thường gặp trước 30 tháng 4, 1975 cũng như gặp trong nhà tù Cộng sản. Với chúng tôi, trại trưởng Lê Ðồng Vũ vẫn giữ cái lối “hỏi thăm sức khỏe” đầy xách mé mỗi khi ông ta vào để kiểm soát các thành phần ở biệt giam gần như lâu nhất trong lịch sử của trại tính đến cuối năm 1985. Ðầu năm 1985, tôi lại được gọi ra “làm việc,” nhưng lần này nội dung không có gì quan trọng và do Lý “lé” ngồi ghế thẩm vấn. Nội dung cuộc thẩm vấn chỉ mang tính khuyến cáo tôi là phải an tâm và tin tưởng vào chế độ lao tù của nhà nước. Cuộc thẩm vấn kéo dài tới khoảng 40 phút, nhưng anh ta chỉ hỏi đến quá trình thời gian tôi phục vụ trong hệ thống truyền thanh Quốc Gia VNCH và rồi anh ta nói nhiều hơn hỏi. Sau đó, Lý “lé” báo cho biết là tôi và một số người khác sẽ bị chuyển trại vào phân trại B để “cải tạo trong điều kiện thoải mái hơn.” Sau cùng, anh công an này nói với tôi: “Biệt giam ở trại B rộng hơn và sạch hơn.”

Nhưng trong thâm tâm do trải qua những kinh nghiệm thử lửa, tôi nghĩ trong chốn lao tù dưới chế độ Cộng sản tốt nhất nên coi châm ngôn “cầu cho bạo chúa sống lâu” có một giá trị thực tế nhất định nào đó.


“Phi vụ biệt kích” tiếp tế thuốc B-1 cho người bệnh trong biệt giam!

Trước Tết Nguyên Ðán 1985, chúng tôi bị chuyển trại thật, nhưng lần này chỉ phải chuyển đến phân trại B cách phân trại E khoảng từ 5 đến 7 cây số đường mòn, có nghĩa là chúng tôi bị đẩy vào sát chân núi. Trại này không được khang trang như trại ngoài, nhưng theo lời những anh em đã từng ở trại B, “kỷ luật trại ở trong đó tương đối lỏng lẻo” vì viên trại trưởng phân trại chỉ chú ý đến vun quén cá nhân và tư lợi cho gia đình nhiều hơn là công tác. Tuy nhiên, không phải tất cả những anh em tù nhân cải tạo ở bên ngoài khu biệt giam phân trại E đều bị chuyển trại. Trước ngày di chuyển, trại cũng đã có một vụ “lên lớp” chính trị và một ngày được “ăn tươi”. Sau đó một số bị kêu ra làm việc giống như chúng tôi trong biệt giam. (Ghi chú: Lên lớp là từ ngữ được ban quản trại dùng để thay cho học tập chính trị và ăn tươi được các cai tù dùng để chỉ trong ngày lên lớp, các đội lao cải được nghỉ lao động, tắm giặt và mỗi bữa ăn được cấp phát một miếng thịt hay một miếng cá bằng hai đầu ngón tay).

Sáng hôm sau, an ninh phân trại E là Lý “lé” cầm một danh sách lần lượt gọi những người bị chuyển trại ra xếp hàng. Trong biệt giam chúng tôi cũng vậy. Trực trại Luật mở cửa các xà lim đọc tên từng người ngoại trừ Linh Mục Nguyễn Luân. Tôi, Luật Sư T.D.S. và một số anh em ngoài đội lao cải bị lao phổi yếu sức không thể đi bộ thì được cho ngồi xe molotova còn những người khác phải đi bộ. Ðường từ phân trại E vào phân trại B không xa lắm, nhưng đoàn tù nhân chuyển trại lưng ba lô, vai mang túi đựng những thứ lỉnh kỉnh như lon gô để thay cho nồi nấu, bếp “hỏa tốc (Ghi chú: Bếp hỏa tốc đúng ra phải diễn dịch là bếp nấu nhanh vì nấu bằng bếp này nhanh thật. Nhưng thực tế từ ngữ bếp hỏa tốc dùng ở đây để chỉ loại bếp chế tạo từ một lon sắt, nhiên liệu đốt là những bao nhựa đựng thực phẩm. Tù nhân lượm những miếng bao nhựa hay chai nhựa mang về trại rửa sạch, phơi cho khô rồi xếp lại. Khi đốt lửa, những bao nhựa này với tim bằng vải cháy thành ngọn lửa xanh, xông lên mùi khói rất hắc và chắc chắn đó là khói độc rồi. Chất nhựa nylon khi cháy tạo ra một năng lượng có nhiệt độ cao, gô nước nóng hay gô canh tập tàng mau sôi hơn và thời gian tính ra chỉ bằng nửa thời gian nấu bằng củi nên gọi là bếp hỏa tốc), bát đựng thực phẩm, ca đựng nước, muỗng nhựa, chăn mùng, quần áo vá chằng đụp bốc mùi hôi vì phơi không kịp khô, đã phải lếch thếch gần 2 giờ đồng hồ đường mòn mới tới được địa điểm phải tới. Gần 10 năm trời trong chốn lao tù, anh nào người cũng như xác ve, miệng thở dốc. Mấy vệ binh súng dài đi gác tù có lẽ cũng sốt ruột vì tốc độ của rùa này nên miệng luôn luôn thúc giục đoàn tù nhân đi nhanh hơn nhưng không hiệu quả. Trong đoàn, nhiều anh em cũng bực quá trả lời lại: “Sức người cũng có hạn chứ không thể với sức người sỏi đá cũng thành cơm đâu cán bộ ơi.” Bọn tôi được ngồi trên chiếc xe molotova ọp ẹp nhưng cũng phải chạy bằng tốc độ của đoàn tù nhân đi bộ chứ không phải muốn chạy sao thì chạy. Chuyện gì chứ chuyện giải giao tù cải tạo, bọn cán bộ trại giam nào cũng phải “lên kế hoạch” và thi hành theo đúng kế hoạch. Ðã bàn giao số tù nhân thì con số ấy không thể sửa được. Cho nên khi tới nơi, tập họp trước trại mới, các tù nhân phải điểm số ít nhất cũng 4 năm lần vẫn chưa được yên thân.

Di chuyển bằng đường bộ khi chuyển trại mới có thể nhận ra được cách bố trí của lực lượng công an trật tự. Theo ước đoán của một số anh em tù hình sự lao động ở diện rộng (diện rộng= đi lao động tự do, không có vệ binh theo canh gác, chẳng hạn như lấy củi trong rừng, chăn trâu, chăn bò, chèo đò) thì lực lượng bảo vệ trại A-20 có thể lên đến gần 2 tiểu đoàn công an. Hội, một cựu binh thiết giáp của quân đội Cộng Sản Bắc Việt vào tiếp quản Ðà Nẵng và cũng chính tại thành phố này anh ta bị kết án 10 năm tù về tội tham ô được ra làm việc ở diện rộng, giữ chân lái đò để chuyên chở cán bộ cũng như dân chúng quanh vùng và những thân nhân tù nhân đi thăm nuôi con em qua một con suối rộng nước chảy xiết đã cho tôi biết khi anh bị đẩy vào biệt giam số 5 và bị cùm gần 2 tuần lễ: “Em báo cho các anh biết chúng nó đông lắm, đóng chốt vòng trong, vòng ngoài. Anh nói với các anh em là nếu có trốn trại chớ dùng những con đường ra ga La Hai. 


Cách tốt nhất và an toàn nhất là phải vượt qua mấy ngọn núi ở sau lưng trại E và trại B. Dĩ nhiên, leo núi thì khó khăn hơn, nhưng nếu cứ chọn con đường mò ra Quốc Lộ 1 là bị bắt ngay thôi. Các anh cần nhớ là cách kiến thiết trại giam lao cải thường dùng cùng một mô hình: trại phải nằm bên cạnh những con suối lớn, chung quanh trại là nhà cửa của gia đình vợ con cán bộ, sau đó là đến xóm dân và vòng ngoài nhất là những khu kinh tế mới và những bản thượng đa phần là sắc dân H'mông rất trung thành với nhà cầm quyền. Hơn nữa, phải nên nhớ rằng trước khi đưa các anh lên A-20, bọn chúng đã mở chiến dịch học tập cho dân chúng Xuân Phước, những xã kinh tế mới ở Hốc Bò và treo giá 40 kí gạo cho những ai bắt được một tù nhân trốn trại. ÐM... dân ở đây nghèo lõ đ... ra, quanh năm khoai sắn nay được 40 kí gạo mừng chết đi rồi còn gì nữa. Năm 1978, một anh ở phân trại B trốn ra Hốc Bò, dân nó bắt trói lại dẫn về trại để lấy 40 kí gạo. Anh này bị đánh chết ngay ở sân biệt giam. Hai tiểu đoàn công an hiện tại đều là lớp công an mới vào ngành nên mới đỡ hơn chứ bọn cũ khát máu lắm vì toàn dân Nghệ An, phần lớn là Quỳnh Lôi. Một vụ khác là một thằng cũng ở diện rộng như em mê một em gái ở huyện Ðồng Xuân, chàng trốn ra ở với nàng được hai ngày thì bị chính ông bố em dẫn vào trại giao nộp để lấy 40 kí gạo. Bọn chúng mang thằng bạn không may của em ra đồng mía bắt chạy về phía trước và chúng dùng súng trường CKC bắn vào sau lưng như bắn bia. Mà cũng kinh thật, nó bị tới 6 phát đạn mới chịu gục xuống
."

Màn đón nhận tù nhân chuyển vào phân trại B cũng giống như bao nhiều vụ đón nhận ở những trại khác: xếp hàng, điểm số, khám tư trang, đọc nội qui trại và Tám (8) điều lệnh nếp sống văn hóa mới (văn hóa mới=đang ở nếp sống văn hóa cũ ảnh hưởng nặng của văn minh Tây phương nay phải bước vào nếp sống văn hóa mới bị ảnh hưởng nặng của thời kỳ ăn lông ở lỗ) và cuối cùng là trại trưởng phân trại B nói chuyện. Nhưng đặc biệt lần này, hầu như trại trưởng và đội ngũ cán bộ phân trại B đều mặc lễ phục lon lá, mũ mãng chỉnh tề. Hơn nữa, viên trại trưởng lại còn “thắng” vào người bộ trang phục đại lễ, huy chương đầy ngực. Trẻ hơn, và nghe nói từng tốt nghiệp trường đại học công an ở Hà Nội và mới tu nghiệp ở Ba Lan về, trại trưởng phân trại B là người không ưa trại trưởng Lê Ðồng Vũ của phân trại E. Theo lời một vài anh em ở phân trại B thuộc nhóm lao cải gồm những người di chuyến tầu Việt Nam Thương Tín về nước thì viên trại trưởng này gọi Lê Ðồng Vũ là người có trình độ tiểu học và nhờ thân thế cho nên từ hạ sĩ công an mà leo đến đến cấp bậc trung tá chỉ trong vòng hơn mười năm. Chẳng hiểu, các anh em này lấy nguồn tin ở đâu mà biết “lý lịch trích ngang” của viên trại trưởng phân trại B thuộc trại A-20 Xuân Phước kỹ như vậy. (Rất tiếc vì câu chuyện này xảy ra cách đây hơn ba thập niên rồi nên không còn nhớ tên viên trại trưởng phân trại B). Nhưng thực tế trước mắt chúng tôi vào lúc ấy là phân trại B không khang trang bằng phân trại E. Các nhà giam ở đây phần đông đều là nhà tranh, vách đất bên ngoài có tráng xi măng, chỉ có hội trường được xây bằng gạch lợp ngói nằm ở chính giữa và các nhà giam được thiết kế hai bên cánh hội trường, không vườn rau cải hay ao cá và không có những hàng dừa. Trải qua nhiều trại tù trước khi bị đày lên Xuân Phước, chúng tôi đã chiêm nghiệm được một điều: trại không khang trang có nghĩa là “tính địa ngục” ở đó nhẹ hơn.

Sau màn khám tư trang trong đó một vài vật được mô tả là bén nhọn bị tịch thu, các bạn đồng tù với tôi đều được biên chế thành 3 đội, nhưng tất cả những người thuộc dân số biệt giam phân trại E đều bị ngồi lại hội trường chờ lệnh mới. Tôi hiểu số phận của mình và quay sang nói với T.D.S. đang ngồi dựa lưng vào tường gà gật: “Chuẩn bị vào biệt giam lại đấy”. Chỉ một lát sau, một trung sĩ công an vào hội trường kêu tôi đi làm việc. Lần này, nơi làm việc lại chính là phòng treo tấm bảng lớn “Nhà Văn Hóa” dựng ngay một vườn hoa gần hội trường. Gọi là nhà văn hóa cho sang, nhưng bên trong chỉ để một bức tượng bán thân của ông Hồ, hai cái bàn trên vất lỏng chỏng mấy tờ Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, tạp chí Cộng sản, trên tường là những hình ảnh “Ðại Thắng Mùa Xuân”. Một chiếc bàn nhỏ để ngay giữa phòng với hai cái ghế. Buổi làm việc không có gì căng thẳng và cũng vắn tắt trong hỏi và đáp. Viên hạ sĩ quan công an này tự giới thiệu tên mình là Dương, cán bộ an ninh trại. Anh ta còn rất trẻ, chừng khoảng 24, 25 tuổi là cùng. Dương nói với tôi: “Các anh bị ông Vũ gởi nên trại phải thi hành đề xuất này đưa các anh vào lại biệt giam ít lâu.” Nhưng cũng phải tới 5 giờ chiều, chúng tôi gồm T.D.S., tôi và 2 người khác bên có án chính trị mới được đưa vào khu biệt giam của phân trại B, nằm ở góc bên phải của phân trại. Khu này cũng có tất cả 10 phòng nhưng xây cất dựa lưng vào nhau, nghĩa là 5 phòng quay mặt vào trong trại và 5 phòng quay mặt ra ngoài một vòng đai cách bìa rừng bằng những mảnh vườn trồng rau cải và khoai lang. Bức tường xung quanh khu biệt giam cao chỉ khoảng 3 thước phía trên có kéo những hàng dây kẽm gai. Các xà lim trong khu biệt giam chỉ xây bằng gạch thẻ dầy, mái lợp ngói thay vì bê tông cốt sắt như ở phân trại E, trước sau đều có một khoảng sân rộng nhưng không trồng cây. Thiết trí bên trong mỗi xà lim khác hẳn ngoài phân trại E. Xà lim rộng hơn, có hai bệ nằm cũng rộng hơn, mỗi xà lim có một cửa thông hơi ngay dưới chân cùm. Hệ thống cùm cũng không khác ngoài phân trại E, nhưng trong các vòng cùm có vòng số nhỏ hơn vòng cùm nhỏ nhất là số 14. Nghĩa là nếu chân ai mang vừa vòng cùm 14 thì khi bọn an ninh lấy vòng cùm 12 để thay vào thì chúng phải dùng búa để đóng xuống. Trung tá N.K.T. cũng là một nhà văn thuộc thế hệ sau cùng của Tự Lực Văn Ðoàn và là cựu chánh văn phòng cho Tướng Hoàng Xuân Lãm cựu Tư Lệnh Quân Ðoàn I đã bị đóng hai vòng cùm 12 vào chân khiến cho da của hai cổ chân ông bị trầy, bị nhiễm trùng và làm mủ nhưng may mắn ông không bị hoại thư. Ông N.K.T. bị đẩy vào biệt giam khoảng hơn 2 tuần lễ vì bị báo cáo hay “nói tiếng nước ngoài” và “chống cuốc” (nói tiếng nước ngoài=nói hay viết tiếng Anh. Trung tá T. hay làm thơ và ngâm thơ tiếng Anh, khi ra bãi lao động ông không chịu làm, chỉ đứng chống cuốc nói về thơ và lịch sử của Tự Lực Văn Ðoàn).

Cái khác biệt nổi bật nhất trong biệt giam phân trại B là chiếc thùng cầu. Nó to gần gấp hai thùng cầu tại các xà lim phân trại E. Nhưng chỉ khi nước tiểu và phân gần đầy thùng, trật tự mới xin cán bộ cho chúng tôi mang ra đổ ngoài cái hố đào ngay trong khu đất này. Khi nước tiểu và phân đầy thùng thì chiếc thùng trở nên rất nặng so với cơ thể mà bắp thịt đã teo đi từ lâu như tôi hay T.D.S. Thực phẩm ở biệt giam B vẫn chỉ là những lát khoai mì khô luộc, nhưng không bị chan nước muối mặn chát, tiêu chuẩn nước là một ca đầy cho mỗi bữa ăn. Tôi chỉ bị cùm chân phải với vòng cùm 16 nên lỏng le. Với cá nhân tôi vốn là người tù quen thuộc đời sống của chuồng cọp hơn là đời sống của các đội lao cải trong các nhà tù cộng sản, tình trạng biệt giam ở phân trại B không đến nỗi quá “căng” như ngoài phân trại E.

Tuy nhiên, khi còn ở biệt giam phân trại E điều kiện vệ sinh tệ hại như vậy, tôi chưa bao giờ bị tiêu chảy hay kiết lỵ. Nhưng mới chuyển về biệt giam B chưa được một tháng, người tôi tự nhiên “mập” hơn, nước da bóng hơn, nhìn vào cổ cổ chân đã không còn còn thấy mắt cá xương, bấm vào thì da lún xuống cả nửa phút sau mới trở lại bình thường. Như thế là tôi đã bị phù thũng và bệnh có vẻ đã nặng. Tôi nhớ lại hồi đầu thập niên 1980 khi chưa bị biệt giam đã có lần Bác Sĩ Lộc, một bạn đồng tù bị án tới 20 năm vì tội tổ chức một vụ nổi dậy ở Ban Mê Thuột năm 1978 đã nói với tôi về bệnh phù thũng trong tù. Theo anh, phù thũng là một chứng mà hầu như người tù nào ít nhiều cũng vướng phải. Nhưng khi da ống chân đã bóng lên như thoa dầu, bấm vào lún xuống cả phút sau mới trở lại bình thường nghĩa là bệnh nặng rồi, thận đã bắt đầu không làm việc. Cốt lõi chữa trị là phải để tống nước bị giữ trong người ra bằng vitamin B-1. Lấy đâu ra B-1 trong hoàn cảnh cùng quẫn này? Cuối cùng tôi chấp nhận và lờ đi cái chết đang tới gần. Chân tôi nhất là đầu gối và mắt cá chân ngày một sưng to lên như chân voi.

Nhưng may mắn đã đến với tôi như một phép lạ. Một hôm, người mang cơm cho biệt giam là một trong số ít những bạn đồng tù trong nhóm Việt Nam Thương Tín vẫn còn trong trại giam nhân lúc trực trại bỏ ra ngoài đã hỏi tôi: “Anh cần gì không. Ng. đen nhắn”. Tôi nói ngay “Thuốc B-1”. Tôi vẫn còn nhớ là hôm nhắn tin là vào giữa tuần lễ thì buổi trưa Chủ Nhật tôi nhận được hơn chục viên B-1 và cả thuốc kiết lỵ. Không phải do người đưa cơm mang vô mà là do chính Ng. đen cùng P.Ð.N. trong nhóm hợp đoàn tổ chức leo qua tường kẽm gai nhảy vào để tiếp tế thuốc B-1 cho tôi. “Phi vụ” diễn ra nhanh, gọn như xi nê và chỉ kéo dài trong vòng 5 phút nhân lúc tên vệ binh súng dài bỏ chòi gác đi vào trại để giao ca.



Có thể phải đánh đổi bằng cái chết để cứu một người tù cải tạo bị kiên giam?

Tôi đã nhìn thấy người bạn đồng tù L.Q.M chết như thế nào do phù thũng và tôi cũng đã bắt đầu cảm nhận dần dần trạng thái của một người bị phù thũng nặng. Mỗi ngày, những cơn buồn ngủ bất thường đẩy tôi thiếp đi trong sự mệt mỏi đến lả người và khi thức dậy cảm thấy lười biếng không muốn ngồi lên, người lúc nào cũng gây gây lạnh, thấy tưng tức ở bàng quang nhưng không thể nào tiểu nhiều được. Tôi không muốn khai bệnh vì tôi sợ hai điều: một là khai bệnh sẽ làm lộ rõ yếu điểm vì đám quản trại sẽ không chậm chạp trong việc dùng nhu cầu thuốc của tôi để làm áp lực, hai là nếu được cấp thuốc thì cùng lắm cũng chỉ nhận được vài viên xuyên tâm liên, uống vào chẳng có tác dụng gì mà có khi còn tự dẫn mình vào chỗ chết. Chi bằng cứ phó thác mạng sống cho đấng linh thiêng và chấp nhận định mệnh mà chúng tôi vẫn thường đùa cợt nhau bằng một nhóm từ ngữ “trời kêu ai nấy dạ.” Ðể cho lòng thanh thản và giảm đi cảm giác khó chịu của phù thũng, tôi ngồi thiền rồi đứng dậy đánh dịch cân kinh và sau đó ngồi đọc chú Lăng Nghiêm cho tới tờ mờ sáng mới nằm xuống. Sự tập luyện này kéo dài khoảng một tháng thì tôi nhận thấy cơ thể mình có vẻ khá hơn. Trạng thái ngủ như thiếp đi bớt dần và khi lựa thế cùm để có thể đứng lên đánh dịch cân kinh “cải tiến” (vì một chân bị cùm, nhưng nhờ cùm rộng nên có thể lựa thế đứng dậy được), tôi đã thấy mồ hôi rịn ra ở lưng áo và ngày cũng đi tiểu được vài lần. Ðiều đáng mừng nhất cho là khi cúi xuống, tôi không thấy nặng ở mặt nữa. Ðúng vào lúc ấy thì “phi vụ” tiếp tế thuốc diễn ra. Vì sự kiện diễn ra đã lâu quá, hơn 3 thập niên rồi trí óc đã mòn mỏi nên tôi không còn nhớ ngày nhưng còn nhớ được là chuyện xảy ra vào trưa ngày Chủ Nhật, tuần lễ đầu của Tháng Tư năm 1985. Buổi trưa hôm đó, tiêu chuẩn cơm tù của biệt giam hơi đặc biệt. Phần “cơm” không phải là khoai mì lát luộc như thường lệ mà là một cái “bánh bẹp” và nước muối được thay vào bằng một chén nhỏ cà tím nấu với một thứ nước mắm cá mà chúng tôi gọi là “nước mắm mút dòi.”

Xin độc giả cho tôi một ít phút để tôi giải thích rõ hơn về “bánh bẹp” và “nước mắm mút dòi.” Sở dĩ chúng tôi gọi loại bánh làm bằng bột mì rồi đem luộc giống như người Tây phương luộc spaghetti vậy là vì bề dầy của miếng bánh chưa tới một centimetre nên trông rất mỏng nên gọi là “bẹp.” Có anh em bạn tù thì nói rằng bột mì là do Canada viện trợ. Cũng lại có anh em nói rằng đây là bột mì Sơn Ðông của Trung Quốc. Thời gian còn ở trại Hàm Tân Z-30C, anh tổ trưởng tổ cơm trong đội nhà bếp trước 30 Tháng Tư năm 1975 vốn là chuẩn úy biệt phái và là thuộc cấp cũ của tôi tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia cho biết khi đội nhà bếp đi lãnh bột mì ở thị xã Bình Tuy, bột vẫn còn trong bao bên ngoài có ghi rõ là quà tặng của chính phủ Canada. Do không có bột nổi và cũng không ai biết xây dựng lò làm bánh mì nên cuối cùng nhà bếp trại đành phải nhồi bột với nước, đóng bánh rồi cho vào luộc chín thành những miếng bánh diện tích khoảng bàn tay hay có khi nhỉnh hơn một chút. Chúng tôi gọi đó là “bánh bẹp.” Tiêu chuẩn bên ngoài trại lao cải thì mỗi bữa ăn, một tù nhân cải tạo được cấp phát một miếng như thế nặng khoảng 150 grams. Còn tiêu chuẩn trong xà lim biệt giam thì miếng bánh bẹp ấy bị cắt đi một góc. Còn “mắm mút dòi” là một nhóm từ ngữ do anh em làm ở đội nhà bếp trại A-20 Xuân Phước đặt ra để chỉ một loại nước mắm mà tôi nghĩ có lẽ chỉ dùng để phát cho tù nhân cải tạo thời bấy giờ thôi, chứ nếu ngày nay mà đem loại nước mắm này phát cho tù cải tạo hiện nay ở Việt Nam thì chắc chắn các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch hay Phóng Viên Không Biên Giới sẽ có nhiều việc làm tốn nhiều giấy mực hơn. Vì ở nhà tù tại Việt Nam, đến ngay như tù nhân thọ án là Luật Sư Cù Huy Hà Vũ không được gặp vợ thường xuyên hay Luật Sư Lê Quốc Quân không được gặp linh mục và không được mang tài liệu sách báo vào phòng giam nghiên cứu mà cũng đã trở thành vấn đề lớn hiện nay rồi huống chi nếu họ lại còn bị cho ăn mắm mút dòi.

“Mắm mút dòi” thực ra là loại mắm cá của người Tuy Hòa, nhưng khi nước mắm đã được chắt hết thì các trại tù cải tạo thuộc phạm vi tỉnh này mua lại những bã cá mắm đó mang về chứa trong các chum vại ở nhà kho trại, nhưng do bảo quản không kỹ những bã mắm đó hư hại dần trong kho chứa và trong rất nhiều trường hợp ruồi nhặng đã đẻ ấu trùng vào mắm. Anh em nhà bếp cho biết họ phải pha nước vào thùng nước mắm còn nguyên những những ấu trùng đó, đun cho thật sôi, vớt xác chúng ra rồi mới đem phát cho tù cải tạo. Người tù nào sợ thì vứt bỏ, người nào không sợ thì vẫn dùng. Ðang trong tình trạng bị phù thũng nên tôi không hề đụng tới cái món cà tím này dù rất thèm, đành ngồi nhai hết chiếc mánh bẹp rồi nằm ngả lưng một chút.
Ðang mơ màng thì tôi bỗng giật mình nghe tiếng chân chạy rầm rập trên hành lang phía ngoài xà lim, rồi nghe một tiếng “soạt.” Một gói nhỏ bọc ngoài bằng bao nylon nằm ở lối đi giữa hai bệ cùm. Nhặt lên mở ra thấy có 2 tán đường, 12 viên vitamin B1 (trị phù thũng) và 6 viên dầu cá loại nhỏ (thời đó dầu cá viên có kích cỡ chỉ bằng đầu đũa), và một miếng bao nylon. Tôi hiểu ngay bao nylon này là một lời nhắn: phải tiêu thụ hết đường ngay kể từ buổi trưa cho tới giờ điểm số xà lim vào buổi chiều vì khi điểm số cai tù hay khám xà lim, gói thuốc B1 và dầu cá vào bao nylon và nhét vào hậu môn như chúng tôi vẫn thường làm để giấu những mẫu tài liệu dùng thực hiện tờ Hợp Ðoàn.
Từ buổi trưa cho đến giờ điểm số buổi chiều, tôi uống 2 viên vitamin B1 và điều ngạc nhiên là ngay lúc bóng tối phủ kín xà lim cho tới gà gáy sáng hôm sau, tôi đi tiểu khoảng hơn chục lần và có cảm giác dường như bao nhiêu nước tích tụ trong người được xả ra ngoài hết. Nhưng hiệu quả của thuốc chỉ trở nên hoàn hảo sau khi tôi sử dụng hết các viên dầu cá và B1. Chỉ có điều sau khi không còn triệu chứng phù thũng nữa thì lại cảm thấy đói kinh khủng, nhưng do vừa trải qua một kinh nghiệm cho nên tôi luôn luôn dùng tự kỷ ám thị và luyện tập thiền để vượt qua đói khát. Tôi cần nhấn mạnh ở đây rằng điều này thực sự hữu hiệu trong những hoàn cảnh khốn khó nhất. Ðầu thập niên 1990, gặp lại những bạn tù cùng trại tại Saigon ngồi uống nhau ly cà phê bên vệ đường giữa một thành phố bắt đầu hồi sinh, chúng tôi vẫn còn có nhiều tranh cãi về giai đoạn tù đày và tình trạng bị quản chế vì hoàn cảnh đôi khi khác nhau, nhưng có một điểm chung giống nhau. Ðó là, trong tù thực phẩm chính của người tù vẫn là tinh thần bởi chính nó mới giúp chúng tôi kiên nhẫn, chịu đựng bền bỉ vượt qua khó khăn và giữ trọn được nhân cách.

Thời gian sau đó, gặp lại Ng. “đen” khi được biên chế vào đội làm lò gạch thì hóa ra những viên thuốc B1 và dầu cá được đưa vào biệt giam cho tôi cũng như các bạn khác có thể phải đánh đổi bằng chính mạng sống của anh em đồng đội với tôi trong nhóm Hợp Ðoàn: họ phải nghiên cứu phương thức leo qua hàng kẽm gai trên bức tường hông của khu biệt giam giữa các phiên đổi gác tại vọng gác nơi góc khu biệt giam. Bức tường này nằm sát một khu gọi là khu tu sĩ. Sở dĩ chúng tôi gọi là khu tu sĩ vì khu này có một nhà giam duy nhất được ngăn đôi cầm giữ các tu sĩ Công Giáo, Phật Giáo và các chức sắc Cao Ðài, Hòa Hảo, Hồi Giáo của người Chàm ở Ninh Thuận và Châu Ðốc. Chung quanh khu giam giữ các tu sĩ là một bức tường cao khoảng 4 thước và cửa ra vào khu có khóa. Như thế nếu cửa này bị đóng lại thì những người tù khác tại những đội lao cải không nhìn thấy gì ở bên trong tiểu khu tu sĩ và đám quản trại ra một lệnh đặc biệt phạt rất nặng khi bắt gặp một tù nhân cải tạo nào liên hệ với những tu sĩ trong khu chuyên giam này.

Mục tiêu của việc thành lập khu tu sĩ chỉ là để cô lập tất cả những tu sĩ của các tôn giáo với chúng tôi và ngược lại. Ng. “đen”P.Ð.N phải mất một tuần lễ để “điều nghiên” cách leo tường vào khu biệt giam. Họ chú ý đến các phiên đổi gác của vệ binh trên chòi gác và nhận ra phiên đổi gác vào khoảng trưa Chủ Nhật sau giờ các đội lao cải lãnh thực phẩm là kéo dài lâu hơn cả. Hơn nữa giao ca ở các vọng gác trong các trại tù Cộng sản có khi không diễn ra ở dưới chân chòi gác mà ngược lại giao ca được tiến hành ở cổng trại, nơi có một cái bàn làm việc của trực trại. Từ cổng ngoài của trại vào đến khu biệt giam, một vệ binh súng dài phải mất khoảng từ 7 đến 10 phút di chuyển. Một khuyết điểm thứ hai của an ninh trại là vòng kẽm gai trên tường quanh khu biệt giam là vòng đơn và chỉ được móc vào một cái móc bằng đinh đóng cong xuống rồi kéo ra. Cả hai bạn tù chí cốt nhất của tôi chọn một lối tương đối khuất nằm ngay giữa bức tường của khu tu sĩ chạy từ cổng khi biệt giam vào và bức tường của khu biệt giam. Chỉ cần tháo móc giữa vòng thép gai đầu tiên là có thể tạo thành một khoảng trống hẹp leo qua tường để nhảy vào khu biệt giam. Dĩ nhiên, người nhảy vào phải tương đối còn mạnh, cởi trần và mặc quần đùi thật hẹp để tránh vướng víu. Nhưng có một điểm hóc búa nhất trong kế hoạch cần phải giải quyết là liệu các tù nhân tôn giáo có đồng thuận để ủng hộ việc làm này của anh em chúng tôi không? Họ có sợ bị vạ lây mà đi báo cáo với an ninh không? Do đó, cả hai bạn tù của tôi lại phải tham khảo và may mắn là hầu hết các tu sĩ trong khu này đều là những vị từng giữ chức trưởng phòng Tuyên Úy của các quân đoàn hay sư đoàn hoặc từng làm công việc tuyên úy tại những phòng sở phụ trách về Ðức tin cho quân đội VNCH cho nên họ đồng ý cầu nguyện và coi như không biết, không nhìn thấy “phi vụ” nguy hiểm như tôi vừa trình bày. Nó nguy hiểm vì chỉ cần anh vệ binh súng dài nhận ca gác leo lên chòi gác sớm hơn thời gian dự tính từ lúc leo vào và leo ra khỏi khu biệt giam là có thể Ng. “đen” hay P.Ð.N có thể mất mạng do vệ binh từ chòi canh bắn xuống.

Câu chuyện này không phải là một kịch bản trong phim mà là chuyện thật biểu lộ tinh thần đoàn kết và cưu mang nhau ở một trong vài trại tù được liệt vào danh sách những trại tù khắc nghiệt nhất tại Việt Nam thời chưa mở cửa.

Khoảng giữa năm 1985, tôi và một vài người nữa được đọc lệnh tha ra khỏi biệt giam. Có thể quyết định này liên hệ tới một cuộc tổng thanh tra các nhà tù của Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Sản diễn ra chỉ nửa tháng sau đó. Tôi không có bằng chứng cụ thể nào để gắn vụ tổng thanh tra này với kế hoạch “đổi mới tư duy” của chế độ, nhưng trước khi bị biên chế từ đội làm lò gạch sang đội “đặc biệt” phải di chuyển vào ở chung với khu tu sĩ, tôi đã bị gọi ra làm việc với an ninh trại và qua những chi tiết trong câu hỏi của viên sĩ quan công an phụ trách an ninh này tôi hiểu rằng đang có một biến chuyển chính trị nào đó khá quan trọng ở bên ngoài. 

Trên thực tế, một biến chuyển qua trọng đã xẩy ra: cuộc trở mình đổi mới tư duy được thực hiện với một cái nhìn xa hơn của Hà Nội so với đàn anh Liên Xô. Nói cho đúng ra, những nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải chọc thủng nồi nước sôi ở Việt Nam nên tránh được sự sụp đổ như Moscow.  Tuy người Việt ở hải ngoại rất không muốn nghe điều này, nhưng đó là thực tế. Phải công bằng mà nói như vậy. Tôi không biết có phải do ảnh hưởng của việc Hà Nội thỏa thuận chương trình Tìm Kiếm Người Mỹ Mất Tích hay Chương trình nhân đạo đưa những cựu tù nhân cải tạo đi tái định cư ở Hoa Kỳ hay không mà một số anh em chúng tôi được chuyển về một trại gần Saigon hơn, đó là trại Z-30A Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, một trại mà cuộc sống của tù nhân cải tạo tương đối thoải mái hơn so với A-20. Cá nhân tôi, không bao lâu sau khi được gặp mặt mẹ già lần đầu tiên tại trại Z-30A kể từ năm 1977, nhóm chúng tôi gồm T.D.S, N.C.TNg. “đen” lại bị di lý về nhà tù số 4 Phan Ðăng Lưu trước cửa chợ Bà Chiểu năm 1986 để ra tòa vì công an Saigon đã nắm được bằng chứng chúng tôi bí mật cho ra tờ Hợp Ðoàn ở A-20. Nhưng khi hỏi cung xong và có bản cáo trạng đòi án chung thân đối với 4 người chúng tôi và theo kế hoạch nhà cầm quyền dự tính đưa ra xử trước tòa ngay sau vụ xử nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Dương Hùng Cường, nhưng vào giờ chót Viện Kiểm Sát lại quyết định không truy tố nữa mà đưa chúng tôi trở về trại Xuân Lộc tiếp tục cải tạo trong biệt giam vài tháng trước khi được thả cùm và riêng tôi được thả ra khỏi trại cuối năm 1988 khi trại chỉ còn một nhóm nhỏ tù cải tạo án tập trung.
Tuy nhiên, những trại giam mà tôi đi qua, trước hoặc sau trại A-20 Xuân Phước chưa biểu lộ tột cùng tính chất địa ngục trần gian của chúng. Cho nên ở đây tôi chỉ ghi lại những chi tiết về những năm tháng phải sống ở tại thung lũng chết Xuân Phước ấy, nơi tôi trải qua đầy đủ những thử thách và những mưu mô hủy diệt con người như một điểm nhấn trong đời tù của mình. Ngày tôi được gọi tên để chuyển trại về Z-30A Xuân Lộc, người tù thứ 125 qua đời tại bệnh xá phân trại B. Anh là một trong những tù nhân của đội hình sự tại phân trại E được đưa vào bệnh xá để chữa trị lao phổi thời kỳ cuối và vài ngày sau khi chúng tôi đã trở thành nhân số tù nhân cải tạo của Z-30A, thì tù nhân thứ 126 ở A-20 cũng qua đời vì bị bệnh suyễn mà không được cấp thuốc để làm giảm nguy cơ tử vong. Người tù đó là Linh Mục Nguyễn Luân, một tu sĩ trẻ trầm tĩnh nhưng cũng rất cương quyết.

Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi ngồi tính sổ cái giá của cuộc lưu đày mà tôi phải trả. Chỉ biết rằng với cá nhân và gia đình tôi, cái giá đó khá đắt. Nhưng không phải vì thế mà tôi ân hận những việc mình đã làm và mặt khác tôi cũng không hề giữ mãi lòng thù hận những người chiến thắng. Khi đặt chân xuống phi trường San Francisco để bắt đầu một cuộc đời mới muộn màng là lúc tôi quyết định tạm xếp lại những ngày tháng đau thương cũ. Tôi cần bắt tay làm việc ngay trong một đất nước thật sự tự do và dân chủ. Trong rất nhiều lá thư từ Mỹ gởi về Saigon, bạn bè tôi sang trước vẫn cứ hay khuyên nhủ: “Nếu mày có sang đây thì việc đầu tiên là mày phải tập tạm quên đi những ngày nhục nhã và đau đớn mà chúng ta từng phải chịu đựng để bắt đầu ngay công việc của mày. Chúng ta chẳng còn tuổi để mà thực hiện giấc mơ Mỹ, nhưng nếu mày không nghe chúng tao thì không thể tồn tại được ở đất nước này đâu.
Ðược quay trở lại nghề cũ là làm báo và truyền thông trong cộng đồng Mỹ gốc Việt Nam ở quận Cam tự nó đã là một niềm vui và khích lệ đối với một người say mê nghề nghiệp như tôi. Nhưng với 20 năm ngụp lặn trong môi trường báo chí và truyền thông Việt ngữ ở Nam California, những kinh nghiệm trải qua đã cho tôi cả niềm hy vọng lẫn thất vọng. Thất vọng vì trong một thời gian rất dài và dây dưa đến ngày nay, báo chí và truyền thông Việt ngữ ở cái nôi của người tị nạn, nơi tập trung đông nhất những người không sống được với cộng sản phải bỏ nước ra đi, vẫn phải sinh hoạt trong sự sợ hãi một cái bóng ma là lập trường chống Cộng. Nhiều lúc tôi tự hỏi lập trường chống cộng và những người vỗ ngực đồm độp để biểu diễn lập trường ấy có gì mà phải sợ hãi đến thế. Ðến ngay cả mười mấy triệu dân ở Miền Nam Việt Nam đã từng có những hành động thực sự chống cộng, phải hy sinh tài lực, tiền của và trong nhiều trường hợp phải cả tính mạng của mình mà còn chưa ăn ai huống chỉ mới chỉ đứng bên này bờ Thái Bình Dương để biểu diễn lập trường chống những người Cộng sản ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Sống trong một cộng đồng mà lúc nào cũng nghe những lời kêu gọi đoàn kết để chống Cộng nhưng ngược lại lúc nào cũng chỉ nghe thấy, đọc thấy những tranh cãi về một chuyện rất nhỏ nhặt chẳng hạn như con số người đến tham dự một buổi sinh hoạt nào đó, tổ chức này không ngồi chung hay đứng chung với tổ chức kia, không những thế lại còn ngáng chân nhau, chỉ trích nhau thậm tệ, liệu có ai là không thấy ngượng không ? Người nào nếu có đứng ra lập hiệp hội hay tổ chức cộng đồng thì những tổ chức này cũng vẫn chỉ là hiệp hội và chỉ có ảnh hưởng đến đến những người trong hiệp hội đã bầu cho các ông, các bà mà thôi. Cho nên tranh cãi cho lắm vào rồi cũng vẫn huề cả làng, và cuối cùng luật pháp của chính quyền địa phương vẫn là người trọng tài có uy lực nhất. Niềm hy vọng của tôi đặt vào điểm này và tôi tin rằng rồi ra, đồng hương cũng sẽ nhận ra điều đó. Khi ấy, mặc nhiên cộng đồng sẽ không còn xáo trộn, chia rẽ và đồng hương sẽ sống bình yên hơn để vạch ra một sách lược chung làm cho cộng đồng mạnh mẽ và có ảnh hưởng.

Tôi phải thú thực rằng, tôi được định cư ở Hoa Kỳ để làm lại từ đầu vào lúc tuổi đã 51 là một cơ may. Từ ngày đi tù trở về, tôi chưa bao giờ dám mơ đến việc đến được nước Mỹ. Thứ nhất, sống gần bốn năm với nghề lao động chân tay ở Saigon, phải khó khăn lắm tôi mới tự nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình được, làm gì có vàng để nộp cho chủ tầu vượt biển. Thứ hai, sau hơn 13 năm tù trong đó 7 năm nằm biệt giam và phải đối phó với những đòn nhục hình vô nhân đạo nhất, thực tình tôi đã cảm thấy “lạnh cẳng” rồi và luôn luôn tự nhủ lòng mình rằng nếu chúng kè xe honda vào sát chiếc xe đạp hay chiếc xích lô tôi dùng làm phương tiện sinh sống hàng ngày, tôi nhất định phải đương cự bằng mọi giá hoặc là trốn thoát hoặc chết còn hơn lại tiếp tục chết dần mòn trong biệt giam ở một nhà tù nào đó nữa.

Thật may, trong suốt những năm tháng sống ở Saigon trong sự kỳ thị ra mặt của chính quyền địa phương, không có chuyện gì xảy ra cho tôi. Nhà cầm quyền phường từ chối mọi đơn tôi xin di chuyển ra khỏi Saigon để thăm một vài bạn tù sinh sống tại những thành phố khác lấy lý do lệnh quản chế vẫn còn hiệu lực, nhưng họ không tìm cách dồn tôi vào chân tường. Vả lại khi họ thấy một người tù cải tạo mà lúc nào lưng chiếc áo tôi mặc để lao động cũng ướt mồ hôi, có thể anh chàng Vinh “đen” công an phường tôi ở đã chép miệng: “Ồ như thế là cuộc đời thằng này đã chấm dứt vì nó lo miếng ăn hàng ngày cũng đã khốn nạn rồi làm gì mà còn dám manh động nữa.” Một trong những người cậu của tôi, và cũng là một nhà văn khá nổi tiếng trong Hội Nhà Văn ngoài Bắc cũng bị tù 6 năm chỉ vì nhà cầm quyền nghi ông là người theo chủ nghĩa xét lại, có lần gặp tôi tại Mỹ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Hiệp Hội American Joiner đã nói như thế này: “So với cháu, ngày tù của cậu chẳng thấm vào đâu. Nhưng cái khốn nạn nhất không phải là thời gian cậu ở trong tù mà là lúc được thả ra ngoài đời. Việc câu thúc con người của họ (CS) vào thời đó thật kinh hãi. Cái nghề mọn nhất là ngồi lên yên chiếc xích lô để kiếm sống cũng không được phép, chỉ có cách sống duy nhất là ngồi gấp và dán những bìa carton để làm bao bì ngày chỉ đủ tiền ăn cháo.” Nhưng cậu tôi không chỉ nói ra những câu chuyện như vậy với những người thân. Cậu đã viết nó thành chuyện và dĩ nhiên phải xuất bản ở Hoa Kỳ sau khi các sợi dây trói giới văn nghệ miền Bắc đã được nới lỏng do tình hình đã đổi thay. Ðôi lần cậu tôi hỏi xem tôi nghĩ như thế nào sau khi đọc các tác phẩm của cậu, tôi chỉ nói cần phải viết ra, không nên giữ trong lòng làm gì khi có cơ hội. Tôi nhấn mạnh với cậu là đến như tôi cũng không thể ngờ được là đảng của cậu lại đì những cựu đảng viên như cậu đến mức phi nhân như thế, nhất là bà tôi và là mẹ của cậu lại là người từng đem tất cả tài sản vàng bạc cúng vào tuần lễ vàng dành cho cuộc kháng chiến chống thực dân của Việt Minh.

Gần đây, đứa cháu nội của tôi, Catherine Vũ tuy mới 11 tuổi nhưng trong đầu nó đã tràn đầy những thắc mắc về người ông đã từng làm phóng viên thời còn trẻ ở Việt Nam như tôi. Vì ông cháu ở cách xa nhau cả mấy ngàn dậm từ Ðông sang Tây nên tôi cũng có ít dịp nói chuyện với nó. Mỗi lần có dịp đi công việc ở Virginia phải ở lại nhà bố mẹ cháu nên ông cháu mới lại có dịp nói chuyện và nó hỏi tôi khá nhiều về nghề nghiệp của tôi trước đây cũng như hiện tại. Tuy nhiên, nó không dám hỏi tôi về những năm tháng dài tôi bị tù dưới chế độ Cộng sản. Trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ sinh ra và đang lớn lên ở nước Mỹ, chắc Catherine Vũ có thể nghĩ trong đầu nó chắc là tôi phạm một tội hình sự nào đó nên mới bị tù lâu như vậy. Nó không dám hỏi thẳng tôi có thể là sợ chạm vào vết thương của ông nội chăng. Nhưng nó hỏi bố nó. Những câu trả lời của thằng con trai tôi với con gái của nó không thể đầy đủ và nó phải tham khảo nhà tôi. Người bạn đời của tôi cũng là một người tốt nghiệp báo chí ở bậc đại học, có thời gian dài làm phóng viên cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia và biên tập viên tin tức Ðài Phát Thanh Quân Ðội và cũng từng là đặc phái viên của hệ thống có nhiệm vụ tường thuật những hoạt động của Ðệ Nhất Phu Nhân VNCH, bà Nguyễn Văn Thiệu cho nên rất quan tâm đến việc làm sao để cho con cháu biết rõ ngày xưa vợ chồng tôi xuất thân từ đâu và làm việc ra sao. Cho nên, nhà tôi và mấy đứa con nhiều lần thúc giục tôi viết lại hồi ký về những năm hoạt động trong ngành truyền thông VNCH trước 30 tháng 4, 1975 và ở hải ngoại từ năm 1993 tới nay, đồng thời ghi lại quãng đời tù đầy dưới chế độ Cộng sản sau khi mất Miền Nam Việt Nam. Do lười biếng và lại thiếu thời giờ nên tôi cứ khất lần. Nhưng kể từ khi biết những thắc mắc của cháu nội tôi liên quan đến giai đoạn tù đầy của tôi ở Việt Nam, tôi không thể khất hay hứa mãi được. Vì thế trong phần hồi ức Thung Lũng Tử Thần, tôi chỉ ghi lại một số những điểm căn bản về một thế giới riêng của những người tù biệt giam trong cái thế giới chung của nhà tù kiên giam như trại A-20 (có người gọi là trại trừng giới). Ở Việt Nam những trại kiên giam biểu thị bằng mã số A không có bao nhiêu và đếm chưa hết một bàn tay: A-10, A-20 và A-30. 

Nhưng ngày nay những trại này đã trở thành quá khứ. Riêng tại vùng đất mà trại A-20 Xuân Phước tọa lạc nay đã là nơi đặt một nhà máy thủy điện nhỏ cấp vùng. Cách đây khoảng 7 năm, lúc còn sống nhà báo Nguyễn Tú của tờ Chính Luận có gởi cho tôi một bức hình và một video clip thu hình cơ sở điện lực này mà theo lời người giới thiệu trong video là nơi trước đây đặt các nhà giam của Phân trại E thuộc trại A-20 Xuân Phước. Nói tóm lại những hình ảnh và video clip là do một người bạn tù ở trong đội có án chính trị phân trại E, trại A-20 gởi cho ông và ông gởi từ thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia gởi sang cho tôi xem với điều kiện phải gởi trả lại ông một tuần lễ sau. Vết tich quá khứ của trại A-20 nay chỉ còn là một trại giam cấp tỉnh được sử dụng chỉ để nhốt tù hình sự. Vị trí của trại này chính là phân trại B của trại A-20 trước đây.
Ghi lại hồi ức Thung Lũng Tử Thần, tôi chỉ có mục đích duy nhất là để con, cháu tôi, con cháu những bạn đồng tù với tôi cũng như để cho những người nào chưa từng biết, chưa từng trải qua ngày tù nào trong các nhà tù Cộng sản sau biến cố 30 tháng 4, 1975 dùng nó làm một tài liệu tham khảo, đối chiếu và suy nghiệm khi cần thiết sau này. Tôi không có tham vọng được mọi người coi nó như một sử liệu mà chỉ là một tài liệu và khi sử dụng nó cần phải đối chiếu với những tài liệu khác trước khi đi đến kết luận về chế độ lao tù Cộng sản trong giai đoạn từ sau 30 tháng 4, 1975 cho tới giai đoạn mà Việt Nam mở cửa năm 1994. Ðiều bình an nhất trong lòng là tôi còn nhớ và đã ghi lại được nhiều điều mà chính tôi đã trải qua ở Thung Lũng Tử Thần.

A20 Vũ Ánh
(Khởi đăng từ 26-7-2013 đến 21-2-2014)

Hết





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét