A20 nguyễn thanh khiết
V. Thung Lũng Tử Thần
1. Ngược dòng Trà Bương
3. Buồn vui
kiếp đi đày
Đoàn
xe pha đèn, quét một vùng sáng, xoá tan cái yên tỉnh của Rừng Lá. Ra quốc lộ,
quẹo phải về hướng miền Trung, đã có những tiếng xì xào vang lên trong chiếc xe
bít bùng.
- Ra Bắc?
- Ra Trung, trại Củng Sơn?
Những
người tù bắt đầu tiên đoán vận mệnh sắp tới cho mình. Tôi qua rồi chí ít hai
lần dời đổi vậy mà cũng có chút hoang mang.
Quả
thật tôi chẳng thể đoán mình sẽ bị đày về đâu, nhưng căn cứ vào một ngày ăn đi
đường mà tất cả được lãnh trước khi lên xe, thì cũng có thể biết rằng chuyến đi
không quá một ngày, cùng lắm là đêm nay sẽ tới cái nơi phải đến. Dù biết rằng
có suy nghĩ đến điều này cũng vô ích, nhưng rồi cũng phải nghĩ tới. Dựa vào
thành xe cho đỡ mỏi, nhìn những người bạn đồng cảnh như những con cá hộp trong
chuyến xe đêm, thấy thương cho thân tù tội.
Tôi
chợt nhớ một truyện viết về thời Do Thái bị tàn sát, Erich Maria Remarque đã mô tả kiếp đi tù
nghiệt ngã trong “A Time to Love and A Time to Die” những chia ly tức tưởi ngàn
năm không gặp lại, quyển sách đã đọc thời đi học. Rồi “Mùa Hè Đỏ Lửa” của Phan
Nhật Nam viết năm 1972. Lúc đó ba tôi phục vụ ở Phòng 5 Tâm Lý Chiến, nơi có
tất cả sách báo của quân đội như tờ Tiền Phong cùng tất cả những gì có trên
chiếu văn chương của người lính trận, ông thường mang về cho tôi đọc và dĩ
nhiên nó là những quyển sách, báo gối đầu của đơn vị ông.
Thuở
đó đã có những chuyến một đi không quay lại, huống chi bây giờ, trước ngực
chúng tôi là bản án tù của chế độ, chế độ còn thì thiên thu không thể mong ngày
về. Tôi lại nhớ đến những truyện kể về Tây Bá lợi Á, nơi dập dùi những kẻ đối
nghịch với chủ nghĩa cộng sản, mình từng đọc qua. Thế giới đã bao lần chứng
minh rồi, huống hồ là Việt Nam, thứ cộng sản ác hơn tất cả loại cộng sản có mặt
trên trái đất.
Lần
lấy cung sau cùng tay trung tá chấp pháp của sở công an thẳng thừng nói với tôi
khi kết thúc hồ sơ:
- Đúng ra chúng tôi truy tố anh ra toà và
chắc chắn anh sẽ nhận tối thiểu cái án chung thân với việc anh tổ chức chống
cách mạng âm mưu lật đổ chính quyền. Nhưng không thể được, với những tang
chứng, vật chứng của một tập thể đông người, dù anh cố tình quanh co không khai
sự thật. Sở công an quyết định chọn cho anh án “Tập trung cải tạo”. Anh là
người có trình độ, anh đọc sách báo nhiều, chắc anh phải biết về mức án này
trong luật pháp của xã hội chủ nghĩa.
Tôi
đã nhếch môi cười, dù hắn không nói tôi cũng thừa biết và chấp nhận nó đến với
mình một cách thản nhiên.
Tôi
đã nhiều lần tự hỏi và tự xác nhận tôi phải đứng bên ngoài cái xã hội cộng sản
từ những ngày về Mõ Cày, Hậu Nghĩa, hay lên Núi Bà Đen hoặc đội mưa chống xuồng
qua Đồng Bà Chiêu.
Tôi
chợt mong sao đoàn xe như đang đi trên “đại lộ kinh hoàng” hay như đang đi trên
“đường 13 nhuộm máu”. Ầm một cái, tan tành từng mảnh vụn, ầm một cái, những
nhức nhối đè nặng lên những tù nhân đang có mặt trên những chuyến xe chó chết như
vầy, sẽ không còn gì để nói hay nó lăn long lóc xuống một triền dốc nào đó tan
nát là xong.
Chứ
cái kiểu như dăm ba người tán nhau trên xe, mơ mộng sẽ có một đội quân, một lực
lượng tàn binh nào đó, chận đường giải cứu tù. Chuyện khó tin chết mẹ mà cũng
mơ cũng mộng, thói thường cứu rỗi sẽ được kinh cầu khi người ta cạn cùng không
còn gì vịn níu, sự sống còn của tôn giáo chắc là dựa vào cái này.
Mà
cũng lạ một lực lượng sót lại của VNCH đã tan hàng vẫn còn có nhiều người tin
tưởng gần như tuyệt đối, dù bây giờ là năm 1979, đã bốn năm sau ngày miền Nam
bị bức tử. Ngoài cái hoài vọng một màu cờ, ngoài cái tiếc nhớ khôn nguôi một
quân đội miền Nam, sau mấy năm bị cộng sản bắc Việt cai trị bằng những đòn thù
không khoan nhượng. Thêm vào niềm tin đó được nhân rộng từ cái tin tướng Lê
Minh Đảo về khu Hàm Tân cùng một số chiến binh sư đoàn 18; tướng Lý Tòng Bá kéo
sư đoàn TQLC đóng dọc biên giới. Những hot news mà tôi từng nghe từ vài tháng
sau ngày Sài Gòn thất thủ, nó lan đi, lan đi trong đợi chờ mòn mỏi tội nghiệp
cũng những chiến binh từng một thời lửa đạn. Bây giờ vứt chiến bào mang thân
phận tù đày ở Rừng Lá, nơi mà về địa hình với núi non trùng điệp của Trường Sơn
như vầy, niềm tin đó càng được củng cố hơn. Mà suy cho cùng, rất cần thiết có
một cái để tin, để tồn tại. Tôi không tham gia những trao đổi rất chi là chiến
thuật, chiến lược đó.
Còn
nữa, nào là dựa trên bài vè, câu sấm “Mỹ đi rồi Mỹ lại về”, hay “Thân Dậu niên
lai kiến thái bình” hoặc “Núp lưng đảng cộng phục hưng nước nhà”. Những cái
phao trên biển từ chiếc tàu đã chìm cũng được quăng ra, lũ người sắp chết cố bám
vào, bám vào để kiếm cái sống dù biết có một chút gì đó tự dối gạt chính mình,
thà có còn hơn không. Xem ra cái mặt trận tôn giáo cũng chẳng vừa trong cuộc
chiến đấu của người lính.
Ngày
ra cái trại loại lao động, tức là bắt đầu cái án tập trung được tính tới. Mỗi
mốc là 3 năm hết thì ký tiếp. Khởi từ những ngày đầu tiên đó, tôi đã thấy rõ
ràng một hành lang nho nhỏ trong cộng đồng tù mà tôi đang sống, thứ biên giới
chẳng biết có tự bao giờ. Một bên là quân đội trình diện, một bên là tù chính
trị. Hai loại “giai cấp” này là mối đe doạ khiếp đảm cho tình đoàn kết giữa
những người đang cùng phận số tù tội. Ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng không ai
dám nói ra cái tàn nhẫn đó.
Những
hot news đó cũng được hai bên giai cấp tù trong trại nhận định theo kiểu riêng
của mình. Mà thôi, dù sao cũng nên có một miền tin để cầm, dù nó như những cái
bong bóng tự khắc nổ tung, khi thời gian để tồn tại của chính nó không còn.
Trời
chưa sáng, qua khe hở của thành xe, anh em nhận ra từng vùng, từng thành phố
mình đi qua, Phan Thiết, Cà Ná. Mỗi người mang mang một tâm sự, chuyến xe trĩu
nặng tình cảm đó cứ lao đi trong đêm trường.
Bỗng
nhiên xe đoàn xe dừng lại một chỗ trống và vắng bên đường. Ngoài tên vệ binh
trang bị súng dài, còn một cán ngố súng ngắn trên cabin mỗi xe, với cặp mắt cú
vọ quan sát ngược sau thùng xe qua tấm kính có lưới an toàn, còn có một xe áp
tải với cả chục tên lăm lăm họng súng đi sau cùng. Bọn này nhảy xuống xe, túa
ra hai bên súng lăm lăm cầm tay, kéo khoá cơ bẩm lách cách ra vẻ thị uy. Một
tên chỉ huy ra lệnh cho chúng tôi từng cặp một xuống xe đi tiểu ngay bên lề
đường, kèm theo một lệnh giới hạn 10m trong tầm bắn.
Bằng
một tay tuột cái quần tù xuống, tôi kéo dài thời gian để nhìn quanh. Trong ánh
sáng mờ mờ, có những hàng dừa khuất xa rất xa. Ba Ngòi !
Mất
gần nửa tiếng cho cái việc dừng bên đường bất đắc dĩ đó, đoàn xe lại lên đường.
Tôi bị dồn ra phía sau xe sát cái bửng có tấm bạt dầy che tầm mắt, may mắn là
chỗ tôi ngồi có một miếng rách nhỏ đủ để ghé mắt ra quan sát một phần bên phải
con đường.
Xe
đi ngang vùng Cam Ranh làm tôi nhớ, chỗ này “Cây số 9”. Ngày xưa, nói là xưa
chứ chỉ mới chưa đầy chục năm, tôi có thằng bạn học trên tôi một lớp, Phạm Văn
Hoàng hắn là thủy thủ, mỗi lần về phép hắn thường đón tôi ở trường hắn dẫn tôi
đi chơi. Cái thuở tập tành tôi theo hắn nhiều lần bạt mạng. Có khi hắn kéo tôi
về Sài Gòn dung dăng dung dẻ nhân lúc tàu hắn Đại Kỳ (sửa chữa toàn bộ) ở Bạch
Đằng. Những trận đi tá lả đó tôi học từ hắn nhiều thứ của đời sống lang bạt. Về
sau tôi và hắn lại dính với nhau hơn, khi chị tôi trở thành chị dâu của hắn.
Năm
tôi thi tú tài 1, môn chót, vừa bước ra khỏi trường thi, tôi thấy hắn ngồi gác
chân trên xe gắn máy đợi tôi ngoài cổng, chỉ kịp về ngang nhà báo tin là hắn
lôi tôi ra đây. Cam Ranh !
Căn
cứ hải quân ở nơi này lúc chiến tranh là nơi mà quân đồng minh trú đóng với một
khu cảng chiến lược, những chàng GI gần như tràn ngập ở đây. Tôi và Hoàng ở một
căn nhà thuê nằm giữa Cây số 9 với cổng Mỹ Ca.
Ban
ngày hắn tà tà mặc cái áo thuỷ thủ, cái quần Jean màu xanh bạc thếch, đón
chuyến xe lam xuống cổng Mỹ Ca vào căn cứ. Tôi ở nhà lang thang đâu đó, trưa về
nhà trọ một mình với gạo sấy thịt hộp. Tối nào hai thằng cũng ra Cây số 9, khu này
kéo dài gần cây số, hai bên là một dãy các quán Bar, đèn xanh đèn đỏ, cộng với
đủ loại gái móng đỏ, móng xanh. Bọn tôi ăn chơi bạt mạng, những trận uống say
li bì, có khi ngủ đại một hàng hiên nào đó hay tấp vào với mấy em trong quán.
Một
chuyến giang hổ biến tôi thành thằng học trò lưu linh lưu địa, cái kiểu chơi
bất cần thân thể đó kéo hàng tháng trời. Tôi bỏ mặc, quên hết các cái, quên
luôn cái thông báo kết quả kỳ thi, quên tuốt cái thẻ động viên tại chỗ gần tới
ngày hết hạn.
Hoàng
là tay lãng tử và rất chí tình với bè bạn, tôi cũng không biết với đồng lương
thủy thủ hắn lấy đâu ra nhiều tiền thế, nhưng có điều tôi biết qua các đàn anh
trước tôi, trong quân đội Hải Quân coi vậy mà phẻ re, có nhiều cách có tiền
hơn. Kệ, tôi cũng có lần hỏi thì Hoàng gạt ngang:
- Mày lo mẹ gì chừng nào hết tiền, tao đuổi
mày về cùng cái vé xe đò.
- Trời ! tao ra đây ở với mày cả tháng rồi,
kết quả thi còn đéo biết, không khéo phải vào quân trường mang cánh gà quá.
Nhưng
tôi không đợi hắn đuổi, tôi phải về chứ, cú đi này tôi bị chị tôi chửi nhiều
nhất, cũng phải thôi, bà sợ tôi thi rớt đi lính nên ở nhà lặn lội chạy xem
thông báo trúng tuyển. Khi tôi biết kết quả thì ở nhà đã biết trước đó hàng
tháng trời. Coi, tôi bậy bạ hết chỗ nói, ham chơi tới bến như vậy may mà còn
thân thể trở về và cú này Hoàng cũng bị bà chị dâu mắng một trận tơi bời hoa
lá.
Đứt
phim, Hoàng về Tây Ninh, mở một quán cafe tại nhà chờ thời. Cuối cùng thì hắn
cũng theo gia đình đóng một chiếc ghe gỗ, mua bãi vượt biên, trong chuyến đi đó
anh rể tôi mới được thả ra từ trại tù làm thuyền trưởng, dù là dân hải quân thứ
thiệt cũng không thể lên bên kia bờ đại dương. Ghe nhỏ taxi ra ghe lớn thì gãy
mái chèo, chiếc lớn đợi mãi đành nhổ neo bỏ lại. Nghe tin này tôi chỉ biết
cười, đúng là cái số, một sĩ quan Hải Quân chính thống bị biển từ chối.
Qua
đèo Cả, nhìn biển xa xa dưới đường xe ngoằn ngoèo, biển xanh một màu trong
nắng, biển với chút sương mù che một phần tầm nhìn, cái khe hở nhỏ quá không
thấy hết cái hùng vĩ của núi sông. Nhưng khi xe bò lên dốc, gió biển thổi tạt
vào làm vơi đi cái ngột ngạt suốt một đêm dài bó tay, bó chân thêm cây còng
vướng vúi. Chúng tôi trong cái im lặng giữa chiếc xe bít bùng và chỉ nhìn được
bên ngoài khi cái bạt tuột dây, phất phơ sau chấn song sắt vẫn thấy nao nao.
Anh em lại bàn tán.
- Qua đèo Cả là về vùng Tuy Hòa có trại
Củng Sơn A30, qua nữa là chúng nó đưa mình ra Bắc, chứ ngoài trại đó ra không
có trại nào nổi tiếng và lớn.
Vậy
đó, chỗ nào cũng là trại tù mà cũng bàn cho có cái bàn, bàn rồi chút nữa, chiều
hay mai cái nơi đến cũng rõ ràng, cũng trại tù. Hình như trong cái cộng đồng tù
tội, chỉ còn mỗi những chuyện quanh quẩn như vậy để giết thời gian.
Điều
thú vị là những tay kinh nghiệm qua nhiều lần chuyển trại, đã thủ những mảnh
giấy viết sẵn, bắt đầu chuyền tay ra phía ngoài xe để bỏ lại tại một khu chợ,
một tiệm tạp hoá bên đường, một câu ngắn báo tin và dòng chữ nhờ ai đó nhặt
được gởi về theo địa chỉ đã ghi. Biết những lá thư cầu may đó có đến tay thân
nhân không? Cái hy vọng mong manh thấy mà thương.
Mặc
dù với kinh nghiệm cai tù, bọn cộng sản đi theo áp tải đã cảnh giác và ra lệnh
cấm nhưng những lá thư báo đó cũng được thả xuống, thả với sự nguyện cầu của người
tù, báo tin cho người thân về chuyến đi chưa biết sẽ về đâu của mình.
Qua
Tuy Hòa, xe rẻ trái chạy dọc thiết lộ. Trong xe của tôi có những anh trong quân
đội từng hành quân hay trú đóng vùng này. Câu hỏi sau hơn nửa ngày và một đêm
đã có: Trại A20 Đồng Xuân, Phú Khánh !
Đúng
là miền Trung, dọc cái thiết lộ có từ thời Pháp là những đồng ruộng khô cằn,
những đồn trại nằm bơ vơ, sau chiến tranh dấu vết hãy còn đó, con trâu không có
chỗ đứng trên đất đá cằn cỗi của vùng này. La Hai với cái ga xép lẻ loi là
trung tâm của vùng chết chóc, một vùng gần như hết 70% dân là việt cộng, những
mái tranh thấp lè tè dưới nắng, quạnh quẻ nghèo nàn biết bao. Xe chạy dọc con
sông Trà Bương, một bên là đường rầy xe lửa, khắp chung quanh trong tầm mắt
nhìn ngược phía sau xe, tôi đang quan sát thật kỹ nơi dẫn vào chỗ mình phải
đến, cái khó khăn hơn đã lờ mờ ẩn hiện.
Qua
La Hai, thêm một đoạn đường toàn đá, xe nhảy chồm lên thụp xuống, tù trong xe
té nhào nghiêng ngửa. Trên đoạn đường hơn 10 cây số dọc theo triền núi, xe chạy
chậm hơn, chúng tôi đang tiến vào một thung lũng chết giữa Trường Sơn Đông và
Trường Sơn Tây. Nó chính là “Thung Lũng Tử Thần” như danh gọi.
Trại
A20, hay trại Xuân Phước, hoặc Thung Lũng Tử Thần, Trại Kiên Giam, hoặc Trại
Trừng Giới. Gọi cách nào cũng là cái trại kinh hoàng nhất của miền Trung, có lẽ
nó cũng ngang ngửa với trại Cổng Trời hay những trại khét tiếng có chế độ giam
cầm kinh khủng ở Việt Nam. Nó, Trại A20 được đặt dưới sự giám sát và điều khiển
bởi trung ương. Thay mặt cho bộ công an, điều hành chính sách trả thù là những
cán binh cộng sản toàn là gốc Liên Khu 5, loại cán binh có tuổi đảng lâu năm và
một lòng trung thành tuyệt đối. Tất cả họ, dĩ nhiên là thành phần có trình độ
nhận thức kém, dễ dụ hoặc, việc này được nhìn thấy rõ qua những phát biểu của
mấy đời trưởng trại, thường là cấp bậc trung tá, từng câu, từng chữ của bọn họ
cho thấy cái dốt đặc cán mai, như một con vẹt tập nói không hơn.
Trại
có 4 phân trại A, B, C, D. Khi chúng tôi đến, một phân trại thứ 5 được thành
lập để chia mỏng số tù, ngoài ra còn để phân loại một thành phần. Với bọn
chúng, những tù nhân mới đến là loại chống đối chế độ không thể cải tạo được. Nói
như Lê Động Vũ, phân trại trưởng phân trại E, mà anh em đặt tên cho hắn Lê Văn
Nhừ, bởi cái mặt trẹt, đã ngu mà kèm theo giọng nói lè nhè không ra thể thống
chi, hắn thẳng thừng không cần giấu diếm ngay buổi tập họp đầu tiên tại hội
tường:
- Chúng mày đến đây là để bỏ xác ở trại này
Cũng
cần phải nói rõ về cái phân trại E khốn kiếp này. Con tàu Việt nam Thương Tín
quay lại Việt Nam từ Guam, dù trước khi nó khởi hành quay lại đất chết này, đã
có biết bao người, tổ chức khuyên bảo, van xin họ đừng về, nhưng chẳng biết vì
tình yêu quê hương, vì gia đình hay vì cái gì đó, 1600 con người đã đặt chân
lên bờ tự do, họ chọn lựa quay lại. Trung tá Trần Đình Trụ là hạm trưởng, thiếu
tá Mai Văn Trị là một trong các hạm phó đã đưa con tàu cập cảng Vũng Tàu ngày
27-10-1975, sáu tháng sau ngày nó rời Việt Nam trong cơn đại hồng thuỷ, khi
Việt nam Thương Tín bị trúng đạn pháo trên sông Lòng Tàu trong ngày vượt chết,
nhà văn Chu Tử tử thương, người ta đã thủy táng ông trên cửa sông Cần Giờ. Con
tàu tiếp tục sang Subic Bay để sửa chữa, sau đó tới Guam. Những tưởng về Việt
Nam sẽ được an toàn và đoàn tụ gia đình, xuống Vũng Tàu thì họ bị lọc lựa theo
từng thành phần rồi đưa đi giam giữ nhiều nơi. Một số quân nhân từ tàu VNTT bị
giam ở phân trại A và xây dựng phân trại E.
Một
tuần sau, lục đục vào trại là mấy mươi tù nhân từ trại giam Z30C, rồi tiếp theo
là Suối Máu. Nghe đâu trại Suối Máu sau cú nổi dậy của những sĩ quan quân đội
trong dịp giáng sinh 1978. Những chóp bu của lực lượng nổi dậy bị gom về Chí
Hoà rồi chuyển lên đây. Tham dự vào tổng số của phân trại E còn có một số đông
từ Nam Hà và Hà Nam Ninh.
Trung
tá Nguyễn Văn Ngân thẩm phán toà quân sự mặt trận vùng III chiến thuật, người
có chiều cao thấp nhất trong dàn trung tá có mặt trong nhà 3 phát một câu:
- Tụi nó gom về toàn tay thứ dữ từ các trại,
chuyến này tụi nó nhốt anh em mình mút mùa lệ thủy rồi.
Không
sót em nào, những thành phần nổi dậy ở Suối Máu, từ Trần Đình Ngọc Nhảy Dù,
Nguyễn Ngọc Tiên (K23 VBQG), một số rất đông thuộc K25 VBQG, không thiếu ai trong những tay ngoại hạng ở Z30D,
Z30C và bọn chúng cũng không quên mấy ông Tổng Bộ Trưởng, ngoài ra còn có thêm
một số linh mục, giáo sĩ, chức sắc của các tôn giáo.
Trong đó người ta nhìn thấy linh mục Nguyễn
Văn Vàng, thiếu tướng Lê Văn Tất của Cao Đài, chưởng môn Vovinam Lê Sáng, những
thành phần thượng hạng, ngoại hạng của hai nền Cộng Hoà có mặt ở đây. Đại tá Lý
Thành Cầu của Quốc dân đảng, các thượng nghị sĩ và dân biểu Trần Quí Phong,
Huỳnh Thành Vị. Thêm mấy ông cấp trung tá có tiếng một thời Duy Lam Nguyễn Kim
Tuấn, tham mưu trưởng Biệt Cách Dù Vũ Xuân Thông, Nguyễn Văn Hồng…. cùng
một số đại tá, lon lá cỡ thiếu tá trở xuống thì đếm không hết. Toàn những tai
to mặt lớn không hay chưa kịp trốn ra nước ngoài sau biến cố 30-04-75.
Thung
Lũng Tử Thần, nằm giữa hai dãy Trường Sơn, chung quanh là những cao độ chết
chóc. Mùa gió Lào như cái chảo trên lò lửa, cái nóng kinh hoàng đó như nướng cả
trại tù, cây cỏ khô khốc, cái thung lũng như co lại chịu đựng, những người tù
cũng co lại, nhìn thấy chút năng lượng cuối cùng của mình chảy theo những giọt
mồ hôi trên sườn đồi đất đá cằn cỗi.
“Phân
trại E, Đồng Xuân-Phú Khánh, hòm thư 1870” là địa chỉ trên thư tín của trại
này. Phân trại E năm 1980, có vài đội hình sự, đa số là đội lâm sản.
Nhà
1 và 2 là hai nhà chứa đội trọng án, từ 10 năm đến chung thân, là chính trị
phạm bị ra tòa và kết án, trong đó có vài thiếu tá, chục ông đại úy như đại úy
biệt kích lôi hổ Nguyễn Văn Xuân gốc Tây Ninh, trung úy pilot Nguyễn Văn Hương,
Những sĩ quan này toàn là không trình diện, theo các lực lượng nổi dậy sau 75, thậm
chí bên hành chánh có cả Y Nuh Buôn Krông trưởng ty sắc tộc Ban Mê Thuột. Còn
có thêm Tám Trọng, Võ Hiếu Nghĩa của Cao Đài cùng những chức sắc của các mặt
trận và các tổ chức nổi dậy
Nhà
3 gồm 4 đội, 2 đội sĩ quan trình diện, 2 đội vừa dân sự vừa quân đội có án
chính trị, nhưng cùng mẫu số chung là án Tập trung cải tạo.
Nhà
4 cũng 4 đội, 1 đội Văn Nghệ của phân trại, đội này xem ra tạp nhạp nhất, vừa
có cả hình sự, dân sự, quân đội và có án ở chung. Luật sư ca sĩ trung úy Khuất
Duy Trác ở đội 16, thiếu tá Lê Phi Ô của đội văn nghệ ở nhà này. Đây là căn nhà
đặc biệt. Đội 14 là đội đã có 7 anh hùng
cướp súng vượt trại lúc 15g chiều ngày 13-11-1980.
Ngoài
ra có một nhà riêng ngay trên lối vào phân trại, dành giam 17 linh mục, tu sĩ,
anh em thường coi đó là đội hoàng gia theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
2. Đáy địa
ngục
“Trại Kiên Giam” của Nguyễn Chí Thiệp, “Thung Lũng Tử Thần” của Vũ Ánh hay ““Cuối Tầng Địa Ngục” của Đỗ Văn
Phúc đã mô tả tỉ mỉ
về cảnh quan cùng những dã man đàng sau nó đến những vài ngàn trang giấy rồi.
Tất cả bao nhiêu tốn hao và trí nhớ đó chẳng cần phải lập lại thêm lần nữa làm
đau những vết thương cũ. Trại Trừng giới suy cho cùng là tất cả những gì đã
được, đã từng nhắc đến.
Những ngày đầu tiên thành lập phân trại E. Khi anh
em chính trị phạm từ Z30A, Z30C, Z30D và một số quân đội từ Suối Máu sau cú nổi
dậy đêm Giáng Sinh về đây, danh gọi “Trại Trừng Giới” hiện dần chân dung của
nó.
Dĩ nhiên bọn trấn áp ra chiêu đầu tiên chiên xào
trong danh sách có đính kèm hồ sơ cá nhân từng người, nhất là thành phần chủ
chốt từ các cuộc chống đối ở các trại trước.
Tôi thuộc đội 8, ở nhà 3 chung với đội 12 và 20.
Gọi tên sắp hàng theo đội xong, thằng nhóc Nguyễn Lâm Tri an ninh trại đi một
vòng quanh đội 8, hắn chỉ ngay tôi, dế chó nhất, cái mặt trông ngu nhất:
- Anh làm
đội trưởng đội này. Anh tên gì, can tội?
- Tôi,
Nguyễn Thanh Khiết, phản động.
Hắn lườm tôi một cái rồi bước sang hai hàng khác
giở lại cái chiêu chỉ định đội trưởng, hắm làm bộ rẹt rẹt chồng hồ sơ, lôi Phạm
Văn Tường làm đội trưởng 12, Nguyễn Thành Phương làm đội trưởng 20.
Vào nhà xong phân chia chỗ nằm, tôi bèn chạy lại
vấn kế Tăng Xuân Bá, một tay từ Z30C lên và “ông đại sứ” trung tá Vũ Bội Ngọc,
mấy ông tướng này chung với tôi cả chục ngày, dù mới gặp nhưng tướng tá rất khả
tin.
- Làm sao
bây giờ, trời đất tui nhỏ nhất trong anh em, làm đội trưởng hả? Bỏ mẹ rồi.
Tăng Xuân Bá trấn an tôi:
- Cậu
không làm thì thằng khác làm, lỡ gặp thằng trời ơi đất hỡi thì tiêu anh em.
Vũ đại sứ chêm một câu:
- Bề gì
cũng phải có thằng đội trưởng, cậu xem đi, tụi nó chơi chiêu tất cả chính trị
phạm làm đội trưởng, trong khi đội nào cũng hầu hết là anh em quân đội, toàn
thứ máu mặt không, chuyện xãy ra trong nay mai thì ông em của tui biết chuyện
gì rồi đó, cậu xem ra là candidate của tụi tui rồi. Ông lại vuốt tôi bằng tiếng
Tây nữa chứ.
Công tác vĩ đại nhất đầu tiên của toàn phân trại E
là đào ao bác hồ. Mấy thằng thống kê, thiết kế là đám văn hóa của trại, đã cắm
cọc xây mô hình cho cái ao chó chết đó lâu rồi.
Cả trại gồm 12 đội trong đó một số chính trị có án
ở nhà 2 cũng tham gia. Gần 300 con người trên diện tích gần 5.000 m2 của cái
ao, bắt đầu đào cuốc, chuyển đất đắp lên thành ao, tất cả dụng cụ thô sơ bày
trên những đống bùn nhão là cuốc, khiêng, xẻng thấm những giọt mồ hôi tù. Dưới
cái nắng như lửa đốt, thành ao càng ngày càng cao, dưới đáy ao càng ngày càng
sâu, không một chút gió, ba tháng trời đám tù phơi lưng dưới đó. Trên thành ao,
đám cai tù lấy lá dừa che những cái chòi tránh nắng, chúng hét hò chỉ chỏ, súng
đạn lách cách mở khóa an toàn thị uy mỗi khi có một tên tù trong một đội nào đó
vô tình hay cố ý ngất xỉu.
Thê thảm cho đội 8 của tôi, trúng phải thằng quản
giáo Ninh gốc liên khu 5 ác ôn có tiếng của trại. Hắn cứ lải nhải bên tai tôi:
- Anh
Khiết cho đội làm việc đi, khẩn trương lên, ghi đúng năng xuất từng người, từng
tổ, báo cáo cho tôi.
Hoặc:
- Ơ hay
sao anh để đội làm việc làng nhàng thế, chống đối lao động hả ? Kêu anh Tùng
lên gặp tôi.
ĐM nó, có chịu nổi không, thằng cắc ké, tôi hậm hực
đi gọi Nguyễn Thanh Tùng. Tùng là sinh viên Văn Khoa, nó học sau tôi một năm
thì phải, cũng từng ghi vào Luật, từng theo dấu xưa mò lên Phương Lâm, rồi theo
Sinh Viên Á Châu chống cộng, một lực lượng rất đông của các sinh viên sau 1975,
chẳng biết xuất xứ từ đâu, nhưng sau đó lực lượng này bị bắt khá đông, không
chừng nó do tụi việt cộng gài cũng nên. Tùng bị nhốt ở Tân Bình, rồi trôi ra
Z30C và hôm nay nhập vào đội tôi, tôi và hắn cùng một thời nên sau này rất thân
với nhau, vả lại hắn và tôi ở cái trại chó chết này 6 năm, từ E vô B rồi về
cùng một ngày.
Bị bắt buộc làm thằng đội trưởng, một đội gồm 30
nhân mạng hết 75% là đàn anh, đàn chú của mình tôi quả thực khó vô cùng. Nếu
chỉ là thằng tào lao nào đó thì cũng cho là được đi, đàng này tôi là thằng
chống cộng loại nhà nòi, bị ép vào ca này tức chết được. Tôi mang tâm sự thỏ
thẻ với mấy bô lão trong đội, vài bạn trẻ chịu chơi một chút, bọn họ cứ đùn
tôi:
- Kệ mẹ nó
ông cứ thế mà làm, đỡ cho anh em được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.
Vũ đại sứ gật gù:
- Tôi nghĩ
ông em sắp tiêu rồi, nó sẽ lấy bạn tế thần, dằn mặt các đội trưởng khác, dằn
mặt luôn anh em. Nhìn thì biết, cả tháng nay nó hành tụi mình thê thảm, đội thì
đi sớm về trễ nhất trại, thằng Ninh quản giáo cứ kè kè hối thúc, làm bạn phải
đôn đốc anh em theo lệnh nó, bạn làm thì anh em ghét, không làm thì nó chơi bạn
là thiếu trách nhiệm, nói chung đàng nào cũng chết.
Cũng phải, khi đội xuống ao tôi thường đi ngang anh
em nói nhỏ:
- Tui nói
gì thì nói các cha chớ để ý, làm từ từ thôi giữ sức khỏe chờ ngày về.
Vậy là tôi cứ ào ào:
- Làm đi,
không nghe lệnh cán bộ hả, làm đi.
Hình như thằng Ninh cũng thấy rõ tôi thuộc loại nào
tại cái ao khốn nạn này, chắc nó rình tôi kỹ lắm, đến nỗi Lâm Sơn Hải con trai
tướng Lâm Thành Nguyên từng nhắc tôi:
- Coi
chừng nghen Khiết, thằng Ninh bữa nay xuống tới đáy ao canh tụi mình đó.
Hai mai Bùi Đạt Trung của BĐQ, dân K25 VBQGVN,
người đang nhích từng bước khiêng ki đất với luật sư Vũ Hùng Cương nói nhỏ với
tôi:
- Mày coi
chừng thằng Ninh này, tao thấy nó chịu hết nỗi nên đang tìm cớ chơi mày đó.
- Kệ mẹ
nó, còn anh ráng chịu khó chút, anh Cương sức yếu quá e không trụ nỗi. cám ơn
đại ca nghen.
Có khi tôi quan sát, thấy cả đội gần như kiệt sức
trong cái ao chó chết này, nghĩ thương cho thân phận tù đày của mình, một thằng
nhóc nhi vừa ngu vừa dốt, đứng đó chấp tay sau đít thúc giục ra oai với những
con người tuổi đời đáng cha đáng chú nó.
Phải nói là đào ao đó tụi tôi lề mề đếch chịu được,
nếu ai đứng trên cao cũng phải ngứa mắt, tụi tôi giơ cây cuốc lên thì chim đậu,
bổ xuống thì mối xông, đủng đỉnh khiêng cái ki trên đó chừng hai xẻng đất nặng
chưa quá 5 kí, cả hai người khiêng như khiêng thây ma, lê từng chút từ đáy lên
thành ao đổ xuống rồi lừng khừng đi theo triền dốc của thành ao, những bước
chân nối sát nhau như đang diễn tuồng hát bộ, tụi cán càng bực thì nhịp diễn
càng chậm hơn. Thêm nữa ao đào khi có nước, bùn bên này đẩy sang bên kia theo
vạch chia làm mức lao động hàng ngày của mỗi tổ, tụi cán bộ gọi đó là trò “đành
bùn sang ao”.
Tụi tôi muốn làm thế, trong tù lúc nào cũng phải
làm thế, khoái đi ngược bất cứ cái gì chúng bày ra để hành tụi tôi. Nguyễn Tú
Cường dân TQLC là tay tổ chiêu này, thêm sự góp sức của Lê Hữu Ích. Các anh đối
với tôi chí tình như vậy đó, các anh biết tôi đứng giữa hai cái gọng kìm nhưng
lúc nào cũng một lòng với phe ta, nên hết sức lo sợ cho tôi. Mà lo thì được gì.
Một bữa, thằng Ninh kêu ông già Huỳnh Phát Đạt, một
tu sĩ tại gia của Hòa Hảo lên, chửi như tát nước, qui trách tá lả tội trạng,
nào là chây lười lao động, không biết đấu tranh, âm mưu phá hoại kế hoạch lao
động của đảng đã dề ra..vv…vv. Tôi nổi điên, khi bị gọi lên đứng song song anh
Đạt:
- Cán bộ,
anh này tuổi đã cao, sức yếu, không thể làm những việc nặng thế này, vả lại anh
ấy luôn bị đau bao tử, tôi nghĩ anh ấy không có ý đồ gì đâu.
Thằng Ninh biết tôi chống chế giúp anh Đạt, nó nhân
cơ hội ngàn năm một thuở này quay sang tôi đớp một phát:
- Anh là
đội trưởng mà xưng hô với cán bộ vậy hả? Phải “thưa cán bộ” đàng hoàng, lại
không đôn đốc đội viên còn bao che, xách động cả đội chống đối lao động, bộ anh
tưởng chúng tôi không biết thành tích phá hoại của anh ở trại cũ chắc?
Nó đứng giữa ao tuyên bố:
- Cho đội
về, anh Khiết tối nay làm kiểm điểm, ngày mai ở nhà làm việc với cán bộ.
He he ! Vậy là xong, trút nợ, hôm sau tôi tà tà lên
gặp thằng Nguyễn Lâm Tri an ninh. Đúng như các đấng tiên liệu, tụi nó chơi tôi
một phát vì thiếu trách nhiệm, xách động trại viên chống lao động, thậm tệ hơn
là phá hoại kế hoạch sản xuất lao động của trại, tào lao hơn nữa là tội xưng hô
với cán bộ không đúng qui định. Tôi tà tà vô cùm sau khi đã đứng trước toàn
trại nghe lệnh kỷ luật. Và đây là lần đầu tôi bị cùm ở Trại Trừng Giới.
Một tháng sau, tôi ra khỏi biệt giam, bị đưa về đội
13 nhà 3. Trong lúc tôi bị cùm, có thêm một số các anh từ miền bắc về thẳng
trại này, con số tù nhân ở phân trại bây giờ đã sắp sỉ 3000.
****
Trời
mưa tầm tả, mưa như trút hết tất cả nước mà cả bầu trời có được, tích tụ được.
Những hạt nặng đập vào khung kính, vỡ tan, tạo những âm thanh cuồng nộ, thứ âm
thanh ghê rợn theo những tia chớp sáng rực ngoằn ngoèo chạy đến từ một góc
trời. Nước, nước tràn xuống, nước dâng lên, nước ào ào chảy trên đường, cuốn
phăng rác rưởi, nước ầm ầm như muốn nhấn chìm cả thành phố. Một cơn gió đập vào
qua cửa sổ khép nửa làm tôi thấy lạnh. Cơn mưa giữa mùa ở Sài Gòn thật đáng sợ.
Đã
lâu lắm rồi, có hơn mấy mươi năm, tôi vẫn nhớ.
Mùa
mưa và cái lạnh của năm 1981. Cái lạnh dọc xương sống, lan ra lớp xương sườn
khi nằm nghiêng, co quắp trên sàn tù loang lỗ, cái lạnh run cằm cặp, hai hàm
răng đánh vào nhau. Tự dưng hôm nay lại vùng dậy nổi cộm trong đầu, nó phình to
dần như một quái thú, từng góc cạnh của nó đâm tan nát những cố gắng tưởng như
theo tháng ngày đã quên đi. Cái cố quên làm thêm nhớ, nhớ tàn bạo.
Khu
chúng tôi ở là dãy nhà bốn căn có nhiều lớp dây thép gai chắn ngang dọc. Lối
vào khu, khoảng một mét nằm gọn trong hàng thép gai đó. Mưa kéo dài hơn nửa
tháng làm cánh cổng khu làm bằng những đoạn cây rừng bện những mắt thép gai chi
chít, ngã nằm trên đất. Cái cổng bị quên từ hơn nửa tháng dưới những cơn mưa
liên tục hết ngày rồi đêm, hết to rồi nhỏ, mưa tưởng như không bao giờ dứt. Ngồi
co ro trên sàn nhìn qua cửa sổ, cả một trời trắng phau. Trại A20 nằm giữa
Trường Sơn đông và tây, một lòng chảo chết tiệt, hứng hết nước trên trời tuôn
xuống, nước từ hang hóc đổ về, mặt sân trại có khi nước chồm lên rồi rút xuống
theo nhịp mưa.
Hơn
nửa tháng cả trại tê liệt, ngoài hai lần điểm danh trong ngày. Sáng thức dậy,
chiều vào phòng. Chỉ những người có nhiệm vụ trực dầm mưa mang cơm nước từ bếp trại,
chúng tôi co ro trong nhà chống chọi cái lạnh thấu xương. Tất cả những thứ có
thể được đều tận dụng chống rét, cái rét lúc đói quả là dã man, sức người như
rũ liệt, tay chân chẳng còn muốn nhúc nhích. Những tay nghiện thuốc thật là bi
thảm, chúng tôi chia nhau, có khi ba người hút vỏn vẹn một bi thuốc lào, thuốc
lá là thứ quí hiếm trong trại tù nhất là trong rét mướt như thế này. Dưới tận
cùng cái thống khổ của mùa mưa đó là đói. Đói cồn cào gan ruột, đói bủn rủn tay
chân, có lẽ lần đầu tiên tôi mới cảm nhận cái “đói mờ mắt”.
Những
lát sắn khô dự trữ trong kho có lẽ cũng cạn rồi, thứ thức ăn gần như phế thải,
cả heo cũng phải chê đó được cắt lát dầy từ loại khoai mì gốc Ấn Độ H34, để
nguyên cả vỏ phơi khô. Nhà bếp trại rửa sơ qua rồi đem ninh trong chảo lớn, sau
đó mang phân phối xuống từng đội, những lát khoai luộc đó là những lát bầy nhầy
một thứ nhựa màu xám bám chung quanh như lớp keo, lũ ruồi khoái nhất mùi vị này
nên trong trại chúng là những cư dân không mời mà tới từng đàn đen nghẹt. Một
phần ăn là mấy lát khoai đong đếm bằng cái chén nhựa nhỏ cùng với hơn nửa chén
cơm nấu bằng gạo mục. Thỉnh thoảng trong đợt gạo mới nào đó thì khá nhất cũng
chỉ là những hạt cơm vẫn còn mùi mốc, thứ mùi của gạo tồn kho nhiều năm. Thức
ăn là một thau nước muối, thứ muối biển pha nước nấu đó thì tha hồ không cần
chia chác.
Năng
lượng nuôi sống cơ thể tụt xuống kinh hoàng có thể nhận biết rõ ràng sau đợt
mưa, cái lạnh làm tiêu hao năng lượng nhanh chóng và đám tù sụp xuống nhanh
chóng. Dưới những cơn mưa trút nước đó đã có những người ra đi vĩnh viễn. Những
chuyến đi về Đồi Vĩnh Biệt dưới mưa dầm buồn chết được, chuyến đi thê thảm của
một con người da bọc xương, tong teo nằm trong mấy miếng ván hòm cưa cắt vội
vàng. Chỉ một manh chiếu nát, vâng mỗi manh chiếu nát, tất cả những quần áo đã
tặng lại cho bè bạn, những thân tù đang tiếp tục chống chọi cái rét miền Trung.
Một
trăm hai mươi tám con người trong nhà 3 của phân trại E nằm nghe tiếng mưa đêm
dỗ vào giấc ngủ, cái ngủ chỉ là phút giây mắt nhắm, chập chờn trong cái đói,
lạnh và nỗi đau chiến bại của kiếp đi tù. Mưa ầm ầm hay mưa từng giọt, mỗi giọt
là một cơn buốt lạnh chạy tràn thân thể. Cái thân thể tong teo qua nhiều năm lê
từ nhà giam này tới nhà giam khác.
Trại
A20 cũng đâu phải là nơi mà họ dừng lại cuối cùng, cái lạnh này, cái đói đó
cũng đâu phải là giới hạn sau chót, biết đâu được những ngày tới sẽ đói hơn,
lạnh hơn. Bây giờ, nằm đây còn nghe tiếng mưa tàn nhẫn rót xuống đời, có thể
sáng ngày mai không còn thức dậy, lịm dần và ra đi trong cái đói, cái lạnh
không chịu nổi đó. Bản thân họ cũng không biết mình đã chết, chỉ có bè bạn nằm
bên là biết khi chạm vào cái xác cứng đơ đã chết thật tội nghiệp đêm qua. Mà
cũng chưa chắc là bất hạnh, có thể trong cái lịm đi đó, kẻ chết đang trong cơn
mơ với một bàn ăn, có cơm trắng cá tươi hay một món ăn nào đó mà họ thèm đến độ
bọt nước miếng trào ra khi đang chết.
Thấy
tôi co ro trong cái lạnh, Nguyễn Thanh Bình, đại úy người gốc Huế khéo tay có
biệt tài may vá, anh đã cắt từ cái mền màu cứt ngựa, may cho tôi một cái áo
kiểu trấn thủ hai lớp, thêm một cái võng nylon cắt khít khao lót phía trong và
một cái khăn quàng cổ bằng mền len, vải bọc là cái võng đó. Những đường may
bằng tay, cây kim bằng sợi thép gai mài nhỏ đục một cái lỗ xỏ vừa sợi chỉ bằng
bao nylon dệt sợi đựng thức ăn gia súc, cây kéo cắt là con dao làm từ một miếng
sắt. Đồ nghề của anh, của chúng tôi
trong việc may vá quần áo là thế. Thiếu vải, đại úy Lê Hoàng Ân giảng viên
trường Sinh Ngữ Quân Đội tặng một khúc vải bố. Thiếu chỉ, lựa thằng bạn tù nào
đó từng được thăm nuôi mà xin, quà cáp gia đình thường dùng thứ bao này.
Bộ
giáp ra trận của tôi được hoàn tất trong 2 ngày dưới tiếng mưa rơi. Ân tình đó,
nó theo tôi suốt chặng đường còn lại. Cho tới hôm nay, mùi nylon khó chịu của
cái khăn quàng lấm tấm dấu thâm kim, hơi ấm của cái áo trấn thủ vẫn như đâu
đây, mùi cáu bẩn trong nhà giam vẫn như ngày nào, lất phất bay trong mưa. Thứ
tình nặng như nợ núi sông ngày trước còn nguyên đó. Những chiến binh một thời
lẫm liệt sau buổi tan hàng trong Thung Lũng Tử Thần. Kẻ còn, người mất, hay nổi
trôi tận phương trời nào. Đâu ai biết, có một người tuổi trẻ năm xưa, se sợi
tóc bạc, trong lúc xế chiều ngồi nhớ, những bàn tay đã dìu nhau trên gông cùm
thuở đó.
Một
giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, chẳng biết để tiếc, để thương hay chỉ là phút
giây thoáng nhớ tình xưa nghĩa cũ. Tôi là ai, làm gì với những dòng chữ không chở
được hết một đời ly biệt này. Sao vẫn còn trên những bông hoa đã héo úa của
phận người. Ôi! nhớ ơi là nhớ !
Chiều
xuống vội vàng, hơn trăm con người xếp hàng hai bên cửa phòng dọc theo hàng
hiên, mưa bụi hắt vào làm cóng lạnh. Điểm danh vào chuồng, chúng tôi gọi thế,
gã trực trại mặc áo mưa đi với thằng trật tự, tới từng nhà điểm danh và khoá
cửa. Từng cặp một bước vào trong đi qua làn ranh vô hình như đi qua hai thế
giới sống và chết. Cái thực tế, trong ngoài định rõ bằng một bước chân. Vào
chuồng là khoảng thời gian có thể cho riêng mình, một thế nằm, một chỗ ngồi,
tựa lưng vào tường vôi bong tróc cũng có thể mang lại giây phút rất bình yên, la
cà chỗ này sang chỗ khác với những ai hiếu động cũng là một thú vui cho một
ngày tù, nếu không phải bị xếp hàng theo đội để họp tổ, họp nhà.
Câu
“nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” hình như không đúng với thời đi đày của
chúng tôi, bởi vì ai cũng phải quên ngày tháng. Thứ nhất, nó không là 5 hay 3
năm, mà nó là 15, 20 năm hoặc cả đời. Thứ hai, ai mà quỡn để nghĩ tới thời
gian. Có chăng là lúc nào đó, một mình nhớ lung tung, nhớ chuyện xưa, nhớ nhà,
nhớ vợ thương con, giật mình mới biết là mình mang phận tù đày đã lâu lắm.
Một
ngày có 24 tiếng, sáng thức dậy nghe tiếng kẻng là bắt đầu vội vàng đánh răng
qua loa, ăn sáng, đi lao động khổ sai. Tiếng kẻng báo thức đó là âm thanh báo
cho một ngày đương đầu với giặc, đương đầu với đói rét, với trăm thứ nặng nhọc
đè trên cái xác héo mòn, cạn kiệt. Phải luôn trong tình trạng chiến đấu trong
đầu, dự liệu những tình huống bất ngờ xãy ra cho mình từng tích tắc. Chủ trương
của trại giam là tù nhân không có thời gian để suy nghĩ, mà tù nhân thì luôn
nghĩ suy. Nghĩ đến làm cái gì bất lợi, phải phá hoại cái gì đó của giặc nếu có
thể được. Nó không phải do lòng tham mà là một mặt trận luôn luôn diễn ra để
chống đối, để kháng cự lại kẻ thù. Như một tên gác rừng mất hết vũ khí trước
bầy hổ báo, bản thân hắn phải can đảm với hai tay không.
Rất
khó lầm lẫn khi đối diện với một người. Trong cái xã hội thu nhỏ này, nhân
tướng học là công cụ thích hợp để kiểm lại tính chính xác. Cung cách của mỗi cá
nhân trong từng ngày cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc nhận chân một con
người, chưa nói đến cái đạo đức là nét rõ nhất. Càng khốn khó con người càng lộ
rõ bản chất của mình, tiếc thay cái gì cũng phải có thời gian, cái thua thường
hay xảy ra trong thời gian chờ đợi. Trước khi nhận rõ mặt kẻ gian, mình đã thua
trắng tay, thua sạch sành sanh.
Cái
thứ xã hội hổ lốn đó làm người ta luôn trong tư thế thủ, có khi phải “nín thở
qua sông”. Giữ được trong sáng thật không phải là dễ dàng trong tình huống
nghiệt ngã như thế.
Mỗi
người tù phải tự trang bị cho mình một sự hiểu biết cần thiết để sống còn. Cái
chết non thường đến với người trẻ tuổi. Tôi rất trẻ trong cái xã hội thu gọn
này, với số vốn học lóm từ ba tôi, những cuốn sách về tướng học của ông nội tôi
mà tôi may mắn được đọc qua giúp tôi rất nhiều.
Mùa
mưa 1981 ở thung lũng này. Tôi co ro một góc, im lặng quan sát, cố ghi nhận tất
cả những gì tôi cho là đúng, là sai. Gom chúng lại rồi thở dài khi chắc mẫm
rằng mình sinh ra trong một giai đoạn có cái xấu nhiều hơn tốt. Sống chung với
nhiều kẻ đáng khinh hơn những người đáng kính.
Gốc
cây vông già trên đường vào sân trại mất dần lá, lá non được coi là thứ chống
đói, lá già được phơi gió hay nắng, khô một chút đủ có thể bắt lửa được là đem
thay thuốc hút. Những cơn lạnh chết người ở đây, người ta phải làm thế để sống
còn, cái gì có thể bỏ vào mồm để đánh lừa bao tử đều được tận dụng, cây cỏ dại,
cọng rau sam, đọt cỏ kiểng. Phải thành thật cám ơn trời đất còn cho những giống
vô tri này tồn tại để giúp đám tù xác xơ, loài động vật có ý thức trước trăm
ngàn thiếu thốn đó có cái mà ăn, ăn để lừa dối chính mình rằng: Đã có ăn !
Nước
trên ngàn tuôn xuống làm hư nát những con đường trong thung lũng, có đoạn bị
sạt lở lấp ngang một khoảng dài. Trại A20 nằm gọn trong vũng nước mênh mông của
Phú Yên, nó bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Suốt cả tháng trời đơn
độc như vậy. Cái đơn độc đó kéo theo mấy ngàn tù nhân sống dở chết dở.
Có
những đêm không cách gì ngủ được, tôi cố xoay người nằm nghiêng nhìn ra cửa sổ,
he hé tấm bạt nylon chắn gió cố nhìn thật xa. Trường Sơn như những nấm mồ nhấp
nhô dưới trời sấm chớp, xa xa bên kia là Đồi Vĩnh Biệt, gió hú từ góc rừng bọc
sau trại thổi qua hàng rào kẽm gai, những cái lon sữa bò làm thứ bẩy chống vượt
rào rung lên từng tiếng kêu tuyệt vọng. Đêm mưa rừng buồn chết được, tiếng thở
dài khe khẽ của ai đó ở sàn dưới, cũng có người thức với mưa đêm cùng với tôi,
cũng có kẻ trăn trở như tôi trong đêm mưa bão đầy trời. Biết đâu, chốn quê nhà
ở mãi tận chân trời cũng có mưa rơi, cũng có người thân đang sống nhớ đến những
người đang chờ chết.
Thỉnh
thoảng tôi cũng nhớ nhà, nhớ tuổi thơ, nhớ những nơi mình từng qua. Cây cầu,
con suối, nhớ từng khuôn mặt người thân, nhớ chồng sách cũ, cả một trời để nhớ!
Tôi cũng mơ ước nhiều thứ, mơ được đi trên hè phố một chiều mây tạnh, mơ ly
café đen trên tay bốc khói từ một góc quán nào đó, mơ chén cơm gạo mới, chén
nước mắm có vài lát ớt cắt nhỏ thơm mùi cá cơm, thèm chén canh rau tập tàng có
cả lá mồng tơi nấu tôm khô, mơ một bữa ăn đạm bạc. Cơn thèm ăn như vậy có khi
dỗ được giấc ngủ muộn màng, trong tiếng mưa khuya và gió gào như bước chân của
cả dãy Trường Sơn đang tiến qua thung lũng. Ôi tháng mười mưa lũ !
Tại
nhà 3 phân trại E trại A20, tôi nằm tầng trên, bên phải gần sát góc nhà phía
cầu tiêu, ở vị trí này tôi có thể nhìn thấy tất cả trong căn nhà đó, 128 con
người vào thời cao điểm, chen chúc nhau vai gối vai khi nằm xuống.
Trong
trại tù có những cảnh thật sự khó chiu khi nhìn thấy, cái chỗ nằm cũng phải đặt
cây thước chia ra thật đều, nói chung ăn ngủ làm việc thứ chi cũng phải chia,
thậm chí cái không gian ở tù cũng phải chia, chỗ nằm đã đành, đến cái mùng căng
lên cũng phải theo ranh giới. Sát vách tường, trên cũng như dưới đều có một tấm
xi măng rộng 40cm chạy dài suốt căn nhà giam trừ cánh cửa cho tù nhân chứa đồ
cá nhân, chỗ này cũng phải chia ra. Nói tóm lại chúng tôi, mỗi người có một
khối thể tích được tạm gọi là của mình, bề ngang 0,50cm, dài 2m, cao đụng nóc
nhà hay đụng sàn trên, bất cứ thứ gì trong phạm vi này thì người đó phải chịu
trách nhiệm, kể cả cái lưỡi lam cạo râu, một cây kim may của ai đó đã đánh rơi.
Một
hoặc hai tháng thì tụi chèo lại xáo trộn một lần, chuyển nhà, chuyển đội, thậm
chí chuyển phân trại. Chúng cố tạo bất an mọi mặt, chúng làm đủ chiêu trò để
gây bất hòa giữa chúng tôi, chúng giam thành phần chính trị chung đội, chung
phòng với anh em quân đội, cài cắm anten vào từng đội để moi tin tức. Với những
kinh nghiệm của những tù nhân tới trại này, ba cái vặt vãnh đó chúng tôi xem
như trẻ con.
Tuy
nhiên đời đi tù đâu có dễ sống như vậy. Nhà 3 chúng tôi chứa 3 ông Tổng trưởng,
Ngô Khắc Tỉnh giáo dục, Ngô Khắc Tịnh là ông em phụ trách tư pháp, Hồ Văn Châm
dân vận và chiêu hồi, người thứ tư Nay Luette tổng trưởng sắc tộc thì ở phân
trại B.
Nghĩ
mà xem, dàn tổng bộ trưởng là cấp cao gần đụng la phông rồi, vậy đời thường các
ông ấy thể hiện cung cách làm việc của từng cá nhân như thế nào? Biểu hiện
trong tù là tất cả từ nhân cách tới tư tưởng, nó là cây thước cân đo chính xác
nhất của nỗi vinh nhục đời người. Cái gì cũng có thể che dấu, nhưng trong hoàn
cảnh một xã hội thu nhỏ, va chạm nhau 24/24 còn hơn cả vợ chồng thì không thể
dấu được kể cả là cái chi li nhất.
Ông Tỉnh thì đầm thắm, rất chi là từ tốn, ông
không vội vàng, đối xử với mọi người rất bình đẳng, nhưng với đám cán thì dứt
khoát, ông xử đúng vai trò một tổng trưởng, không bao giờ mang ra khoe những
công việc ông từng làm trong hai thời cộng hòa mà ông đã sống. Ông em, Ngô Khắc
Tịnh, nóng tính hơn một chút, nhưng với anh em phe ta thì hòa nhã, với giặc thì
không. Ông Tịnh ít nói có thể do hai chân ông gần như bị liệt, rất yếu, khi di
chuyển ông phải dùng gậy, là người rất được đám anh em trẻ bu theo học hỏi. Duy
có Hồ Văn Châm, nhiều khi cách cư xử của ông ta làm tuổi trẻ chúng tôi bực dọc,
thậm chí có lần trong một buổi họp nhà tôi thẳng thừng chửi ông ta trước cả
trăm con người đến nỗi ông thầy tôi Ngô Khắc Tịnh phải kéo tay tôi ngồi xuống:
- Anh nóng quá, thôi kệ đi dù sao ổng cũng
lớn tuổi rồi.
Tôi
quay lại nẹt luôn ông thầy mình:
- Dù cho là ông Châm lớn tuổi, có phần lú
lẫn, nhưng không thể trước một cán bộ nhóc nhi, bản thân ông là người đứng đầu
một bộ mà phải cung kính sợ hãi đến như vậy. Rồi tôi phang luôn:
- Các bác các chú, các đàn anh phải nhớ tại
trại này, hay bất cứ nhà tù nào, các người trẻ chúng tôi vẫn luôn nhìn về quí
vị, xin quí vị sống làm sao để làm gương cho lớp trẻ chúng tôi. Quí vị có biết
cái tan tành ngày xưa làm cho lũ trẻ tụi tôi khốn khổ thế nào không? Nếu tôi và
những người trẻ có mặt nơi đây đều hèn như vậy, thì chúng ta sẽ ra sao? Đúng ra
chúng tôi đâu phải bước vào tù tội thế này? Đó là trách nhiệm của các anh, đã
để chúng tôi dấn thân dọn dẹp đống đổ nát đó, có hiểu không?
Tôi
dịu giọng xuống:
- Tôi phát biểu xong nếu muốn ghi vào biên
bản buổi họp, xin cứ tự nhiên.
Dĩ
nhiên là cả nhà im re. Vụ này xảy ra là do Hồ Văn Châm trong lúc cả đội xếp
hàng nhập trại, bị một cán bộ nhóc kêu lại dặn dò chi đó. Ông ta, tướng thì đã
lùn, lại khom lưng xuống cúi rạp người như bái tế:
- Dạ dạ… thưa cán bộ tôi nghe, dạ dạ… thưa
cán bộ tôi sẽ làm.
Ông
cứ dạ và cúi đầu miết, làm chúng tôi tức điên lên, sĩ khí của những người tù
từng máu mặt ở các trại giam cũ, nhìn thấy cảnh bị lăng nhục giữa bá quan văn
võ như vậy làm sao chịu thấu. Cho nên, vì thế mà ra cái vụ kiểm điểm trước nhà.
Thói thường thì chúng tôi làm cho qua chuyện, cho có cái gọi là họp hành, nhưng
lần này là mổ Hồ Văn Châm, với tư cách cựu tổng trưởng đã làm nhơ danh VNCH,
làm nhục cơ quan hành chánh cao cấp ngày trước, mấy đàn anh thì tính đại khái dằn
mặt ông thôi, tới phiên tôi có ý kiến ý cò, tôi đi một phát miểng văng tá lả.
Sau
ca này các lão tướng rầy tôi một trận:
- Có đáng không? Lỡ tụi nó đòi ghi biên bản
thì mày chết chắc, cái thân ốm nhom nó biệt giam chừng 6 tháng là tiêu đời.
Tôi
gân cổ cãi lại:
- Mấy đại ca chịu nổi, đám trẻ tụi tôi tức
ói máu mà còn kêu đừng đụng hắn.
- Bởi vậy tụi bây phải nhẫn, bình tỉnh,
thiếu cha gì cơ hội, sao lại giữa lúc họp nhà mà kê tán hắn?
- Ờ hén.
Danh
sách của Trại Trừng Giới có tới chục Đại Tá, từ những bậc lão thành thời Đệ Nhất
Cộng Hòa tới những ông thứ dữ sau này, bậc Trung Tá đâu chừng 20 vị, mỗi người
mỗi vẻ, gồm tất cả quân, binh chủng, dàn Thiếu Tá thì đếm cũng đủ xỉu nói chi
cấp thấp nữa. Tuy nhiên cái quan trọng theo nhận định của hầu hết anh em từ
chính trị phạm hay có án hoặc quân đội tập trung là sĩ khí của một tù nhân đã
mất nước, danh dự một chiến binh từng cầm súng, trách nhiệm một người dân miền
Nam sau ngày tan hàng. Đó là thước đo cho anh em sống còn trong trại giặc. Bởi
thế cho nên tại phân trại E, trại A20 có nhiều ca rớt nước mắt, nhiều ca đau
thấu trời xanh.
Một
chiều chủ nhật cuối đông, sau một ngày thoải mái nằm nhà không có cái vụ lao
động xã hội chủ nghĩa, anh em lang thang trước các nhà, có thể ra sân bóng
chuyền trước hội trường xem đội Văn Hóa Thể Thao (gọi tắt là Văn Thể) đánh
bóng, thường sẽ chia hai đội, một bên là mấy tên cán bộ trại rỗi rảnh, một bên
là trại viên. Góp mặt trên sân là một số tay của nhà 3, Vũ Xuân Thông, Phạm Văn
Tường, Lưu kim Long, nhà 4 là một số anh em đội văn thể. Hôm nay đội tù thiếu
mất hai tay, nên Luật cán bộ trực trại và đội trưởng nhà bếp thay thế. Chuyện đánh
bóng chuyền thì có chi là lạ, có điều hôm nay trại E chứng kiến một cảnh không
chịu nổi khiến có lắm tiếng chửi thề vang lên từ đám khán giả, một loại khán
giả có tuổi tù chí ít cũng 3 năm trở lên và có những người từng một đời chiến
đấu.
Vũ
Xuân Thông là tham mưu trưởng Biệt Cách 81, một binh chủng khét tiếng nhất của
quân đội, ông cũng từng là tài tử phụ trong phim “Người tình không chân dung”,
là một trong những người mà đám tù trẻ kỳ vọng dựa vào tiếng tăm của một binh
chủng kiêu hãnh. Chí ít ra ông cũng là một trong những con chim đầu đàn của
Biệt Cách Dù.
Nếu
cứ nâng bóng pass 2 hay 3 gì đó cho thằng khác đập, hoặc đăng lưới cản bóng
bình thường thì ai nói, đàng này ông trung tá:
- Đập đi cán bộ.
- Banh nè cán bộ.
Một
câu bình thường chết mẹ, có gì đâu?
Nhưng
mà nó có. Qua cái nhìn của đám tù trẻ, ông ta không nên có những câu hạ mình
trước một thằng trực trại như vậy, tư cách là một tham mưu trưởng Biệt Cách,
không cho phép Vũ Xuân Thông có bất kỳ một câu nào, một thái độ nào xâm phạm
tính kiêu hùng của một đơn vị mà ông là sĩ quan tham mưu. Đó là một sự sỉ nhục
không thể tha thứ. Tôi thì không đơn giản như vậy mà quyết liệt hơn, thậm chí
không cho phép ông ta chơi chung với thằng trực trại nữa là khác, bất kỳ một sự
gần gũi nào với đám cán đều không thể chấp nhận. Câu hỏi đặt ra là:
-
Lấy điểm chăng?
Ở
tù, ngay cả lũ chúng tôi trẻ nhất, dế chó nhất, chẳng có một trách nhiệm gì cho
cái ngày sập trời mà tụi tôi còn gìn giữ từng chút, không để mình lạc lòng
trước kẻ thù, thì các vị lớn hơn, địa vị xã hội cao hơn phải biết mình là ai
chứ? Nhưng mà quả thiệt sống trong tù cực kỳ khó. Khó nhất là phải sống thế nào
cho trọn vẹn đúng nhân cách của một người từng phục vụ một chế độ và bị cưỡng
chiếm một cách đau đớn như vậy, cấp càng cao trách nhiệm càng lớn. Hình như có
khi trong cái quá khổ này, họ, một vài người đã quên nó rồi.
Trong
lớp đàn anh của tôi tại trại này, TQLC trung úy Nguyễn Ngọc Bửu là dân K25 Võ
Bị có gốc Thanh Điền Tây Ninh, anh là bạn của chị tôi thời trung học. Vào đây
hai anh em nhận ra nhau, anh coi tôi như em trai, anh ở đội 14 nhà 4, tôi đội
13 nhà 3. Trưa trưa lúc bỏ ngủ chờ đi lao động buổi chiều, tôi và anh hay chạy
sang thăm nhau, kể chuyện quê mình, nhắc những kỷ niệm ngày tôi còn bé xíu chở
chị tôi đi học trường Dân Trí ở cửa số 6 ngoại ô Tòa Thánh và hàng tá chuyện ở
Tây Ninh.
Một
ngày, trước giờ đi làm trưa, anh chạy sang tôi hỏi thăm các cái, tào lao vài
câu rồi bỗng dưng len lén đưa cho tôi một túi vải:
- Em đã coi anh Bửu là anh của em thì phải
nghe anh, giữ cái này và nhớ lời anh dặn, em phải sống còn về với ba má, không
được nóng tính làm bậy.
Tôi
chưng hửng chưa kịp trả lời trả vốn thì kẻng báo đi làm vang lên.
Hai
hôm sau 13-11-1980 khoảng 3g chiều, có tiếng súng báo động, tất cả các đội dụng
cụ lao động bỏ tại chỗ khẩn cấp nhập trại. Đội 14 có 7 người cướp súng, đánh
gục cán bộ trốn trại, đó là thông tin đầu tiên nghe được.
Ông
anh tôi Nguyễn Ngọc Bửu đã âm thầm chôn dấu đồ chơi tại bãi lao động cùng mấy
sĩ quan khác, với kinh nghiệm của một đại đội trưởng của tiểu đoàn 1 TQLC, dân
Võ Bị, anh làm thủ lãnh cuộc vượt trại vô tiền khoáng hậu tại Trại Trừng Giới,
một trại mà trung tá trưởng trại Thân Di Yên đã tuyên bố thẳng thừng “Trại Xuân
Phước là trại một con kiến cũng không thể lọt qua”.
Liên
tục 10 ngày toàn trại án binh bất động, không xuất trại đi làm, khám trại từng
ngóc ngách. May mắn thay cái túi vải của anh Bửu đưa cho tôi, trong đó là một
cái mền nhà binh, một ít thuốc cảm, một ít bột và sữa, một cái muỗng bằng nhôm
có hàng chữ nổi QLVNCH cùng một gà-men nhôm của lính, tất cả không có một chứng
tích nào là của Nguyễn Ngọc Bửu. Tôi đã giữ những di vật của anh cho tới hôm
nay trừ cái mền đã mục rã sau mấy mươi năm.
Ngày
thứ 9 chúng tôi biết tin từ Quí đen (một trật tự có gốc Mỹ da đen), hắn nghe
được từ đám cán bộ, lần theo dấu vết của 7 anh hùng vừa vượt thoát, 6 người
trong số các anh bị bắn chết bên giòng suối tại buôn Ma Hóa, Phú Bổn, sau khi
các anh đã cướp thêm mấy cây súng và giết chết mấy tên du kích trên đường đi. Chỉ
duy nhất một người sống sót và bị bắt là đại úy Lê Thái Chân một tiền sát của
tiểu đoàn pháo binh Nhảy Dù.
Cả
trại chỉ cuối đầu thở dài. Riêng tôi có nhiều đêm ứa nước mắt nhớ anh Bửu âm
thầm một mình trong trại A20. Duy nhất chỉ có Bùi Đạt Trung người cùng khóa 25
với anh là biết quan hệ của tôi với anh Bửu, nghe đâu lúc ở trường Võ Bị hai
ông là cặp bài trùng.
*****
Sau
cú vượt trại thần kỳ này, phân trại E mang về từ phân trại B một hung thần nhằm
trấn áp những mưu đồ và dập tắt những nổi dậy nhất là sau cái tết 1982.
Những
ngày hát tù ca vang vang trong trại vào ba ngày tết. Những người trẻ, đông nhất
là các sĩ quan của khóa 25 Võ Bị, Bùi Đạt Trung, Long (bô), Hùng (chuột), cùng
những tay bán trời không mời thiên lôi, Nguyễn Tú Cường, Trần Kim Hải, Phạm Đức
Nhì, Nguyễn Quang Trình, Vũ Mạnh Dũng (sinh viên Văn Khoa) dưới sự dẫn dắt của
Vũ Trọng Khải, quan ba Cảnh Sát Đà Lạt, kéo qua nhà 4 ráp với Khuất Duy Trác,
bày trận pha trà rước tết theo ban nhạc lưu dân bất đắc dĩ trong tù, chỉ với
cây đàn tự đóng trong trại, tiếp liệu thì có hàng tá trưởng lão, đại úy Nguyễn
Đại Thuật, ông phó tỉnh Quãng Nam Đà Nẵng Nguyễn Chí Thiệp. Trên chiếu âm nhạc
hôm đó có nguyên cặp đại đội trưởng 73 Nhảy Dù, đại úy Đoàn Bá Phụ và người kế
nhiệm anh là đại úy Mai Đức Phi.
Nhà
2 gởi lời mời và trải chiếu sẵn cho ban tù ca, anh em phải thay vệ binh lót
đường từ nhà văn hóa vô tận nhà 4. Sau buổi hát tù ca, thì lần lượt bọn anten
cũng mò ra tất cả nhân vật từ chủ chốt tới ngoại vi lần lượt vào biệt giam nghỉ
dưỡng sức. Dĩ nhiên Khuất Duy Trác không thể né, cú biệt giam này kéo dài lê
thê, vì nó dính tới tờ Hợp Đoàn, một tờ báo chui mà anh em thực hiện, Vũ Văn
Ánh đứng ra nhận trách nhiệm và bị biệt giam từ 6 tháng trước. Nhưng thằng an
ninh trại Lý lé không hài lòng, nó biết tờ báo do rất nhiều người viết trong đó
có cả luật sư Trần Danh San chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, Nguyễn Chí
Thiệp và luật sư Nguyễn Hữu Giao, Vũ Hùng Cương. Lý lé còn nghi dàn sĩ quan trẻ
là mấu chốt luân chuyển tờ báo trong trại tù, thằng các đảng này đã tìm mọi cách
hạ lệnh biệt giam không cần công bố trước trại cùng một lúc 50 người, thành
tích này anh em về sau nghi là có dính dáng đến thiếu úy Ngô Văn Ly, một người
mà trước đó anh em rất e dè khi tiếp xúc.
Từ
Bùi Đạt Trung, Tú Cường, Nguyễn văn Hải (Hải cà) cho tới Trần Bửu Ngọc (Ngọc
đen), Nguyễn Quang Trình (Cô ba) Trần Kim Hải (Hải Bầu), Phạm Chí Thành (con
trai của sử gia quân đội Phạm Văn Sơn) đều nắm ấp. Lúc đó Huỳnh Cự trung tá hồi
chánh cũng từ B ra làm nhà trưởng nhà 3.
Cú
đánh của Lý lé không phải là ngẫu nhiên, những bằng chứng hỏi cung các anh em
cho thấy nó đã chuẩn bị lâu lắm rồi, nhân lúc anh em hát tù ca dịp tết nó dọn
cỗ luôn một thể. Phải nói là vô tình Lý lé, theo chỉ thị của trưởng trại Thân
Di Yên làm nổi danh thêm cái địa ngục vốn có của Trại Trừng Giới. Tụi lưu manh
chơi đúng cách lưu manh của chúng, cao điểm nhất là thằng Lý an ninh nhìn thấy
ai không vừa mắt là tìm cách hốt vô biệt giam không cần biên bản làm việc, nó
chỉ cần nghi là nhốt. Biệt giam khu E không còn chỗ chứa bọn chèo đành gởi ké
vào B, C.
Hung
thần Dương Đức Mai là trung tá liên đoàn trưởng 22 BĐQ, trình diện học tập và
bị giam ở trại C. Chẳng biết nịnh hót, làm anten hay gốc gác thế nào với việt
cộng, Dương Đức Mai được cho làm “Trưởng Ban Thi Đua”, một danh phận trên tù, dưới
cán bộ, quyền hành thì cũng chỉ trong giới hạn một thằng tù, nhưng Mai được
lòng cả ban lãnh đạo trại nhờ vào khả năng chuyện môn của hắn. Khi Mai về phân
trại E nhận chức trưởng ban thi đua, thì tụi tôi mệt với hắn.
“Tôi đến đây để ổn định phân trại này, theo lệnh ban lãnh đạo sẽ không để bất cứ một vi phạm nào xảy ra”.
Dương
Dức Mai đã thẳng thừng tuyên bố như vậy. Mai vẽ ra chiêu họp nhà, sau khi họp
đội vào mỗi thứ sáu hàng tuần, mỗi tối sinh hoạt tổ, rồi sinh hoạt đội, có ghi
biên bản trình cho cán bộ giáo dục phê duyệt đàng hoàng, căn cứ phê bình trong
các cuộc họp đánh giá các mức ăn hằng tháng. Mấy thứ này chẳng mới mẻ gì trại
nào cũng có nhưng chúng tôi chỉ làm chiếu lệ. Khi Mai vác bản mặt hắn về E, thì
lúc sinh hoạt đấu tố, bình bầu, họ Dương có mặt
bên ngoài từng nhà, hắn và bọn an ninh trại rình từng tối.
Việc
quà cáp do người nhà gởi qua bưu biện cũng chính Mai đề nghị. Sau khi phát ra
cho tù nhân có quà, họ kiểm lại số lượng rồi bỏ vào một cái kho chung của phân
trại, cái kho này là kho gạo cũ của bếp trại. Những ngày được phép nấu nướng
theo lịch xen kẽ nhà 1 và 3, hoặc nhà 2 và 4 sẽ theo đó mà lên kho, có Mai thay
mặt cán bộ mở kho cho lấy đồ vừa đủ nấu cho ngày đó, còn dư thì phải bỏ lại
kho, ban thi đua giữ dùm.
“Đ.M coi có
bực không, thằng chó chết cùng là nhà binh một thuở với nhau mà nó đâm anh em
sau lưng không có con mẹ gì gọi là tình chiến hữu, bây giờ vô tù nó phát sinh
cái tình đồng chí, đồng rận với tụi chó đẻ rồi, chắc nó sợ anh em dùng đồ gia
đình gởi cho, tích cóp âm mưu vượt trại. Chính hắn đã dâng nạp chiêu này lên
tụi an ninh trại, chứ từ trước tới lúc hắn về đây làm gì có cái vụ giữ đồ dùm
này. Có ứa gan không?”
Một
ngày tôi và mấy cụ trưởng lão đứng chơi khơi khơi trên sân, lão trung tá hồi
chánh Huỳnh Cự chỉ cho trung tá BĐQ Lương Văn Ngọ xem cái cảnh Dương Đức Mai
đang tấu trình chi đó với thằng Luật trực trại ở góc hội trường, nhìn cái cung
cách khúm núm của Mai bất giác họ Huỳnh phán một câu, làm tôi và anh trung tá
Nguyễn Tấn Thọ cùng vài anh em khác đang đứng phía sau nghe mà đau: “Xét ra
Huỳnh Cự này còn chút ân tình với anh em hơn là Dương Đức Mai”
Có
lần họ Dương theo đám trật tự và trực trại vào xét nhà 3, tôi cố nhích lại nhìn
cho rõ lúc hắn đang lục tung đống xà bần chăn chiếu của tôi ở giữa sân, tôi muốn
coi hai chữ SÁT CỘNG trên tay hắn, vết xăm bây giờ chỉ là dấu của những nét
gạch ngang dọc, hình như phá bằng vôi và lưỡi lam, nghe đâu hắn làm cái này từ
lúc vào C.
***
Bên
cạnh những đáng tiếc khó chấp nhận này thì cũng có những ca cười bò càng khó mà
quên.
Món
ăn bổ dưỡng giúp tù quên đi một thoáng gây phút nào đó cho phận đời nghiệp ngã
là phê thuốc Lào. Phê là cung cách của kiếm sĩ sau khi ve tròn bi thuốc Lào
trên điếu cày, thường làm bằng ống tre hay lồ ô, có khoét một lỗ cách 1/3 tính
từ đáy, làm một cái nõ điếu thường là đá mềm, gỗ, trong cái điếu có một ít
nước, kiếm sĩ dùng một que lửa bằng tre chuốt mỏng ngâm nước rồi phơi khô, thắp
lửa đốt bi thuốc, kê mỏ vào điếu rít một hơi cạn tàu ráo máng, buông cái điếu
ra, kiếm sĩ sẽ chìm trong thú say bất kể sống chết đó. Phê là một trạng thái
không kiểm soát, nó rần rần toàn thân giựt giựt từng cơn, tim thắt lại chìm
trong cảm giác đã đời đó, tùy theo phẩm chất của thuốc nó sẽ phê lâu hay mau.
Thiếu
tá Nguyễn Thái Sang được gia đình thăm nuôi vào đúng lúc anh em cả nhà đang
thiếu thuốc, sau một trận quà cáp cho các đồng môn, anh cắt nửa bánh thuốc lào
888, loại thượng hạng, chia mỗi người một ít. Sáng sớm vừa nghe kẻng báo thức,
ngồi trên tầng trên, Thái Sang nhà ta cẩn thận vê bi thuốc đầu ngày cho vào
điếu cày, đốt đóm kéo một phát, cái điếu chưa kịp rời tay, kiếm sĩ té cái rầm
xuống đất, tay chân co quắp, giựt giựt mấy cái rồi nằm im ra, Anh em xúm lại
người xoa người bóp một hồi sau, thiếu tá nhà ta lờ quờ tỉnh dậy hỏi:
- Bộ tao té xuống hả, sao không trầy trụa gì
hết vậy?
Với
cái lò nấu hỏa tốc và cái lon guigoz, dụng cụ này lúc tôi ở Z30D nó chưa thịnh
hành lắm, khi lên trại A20 thì thấy công cụ này được chế biến và nâng cấp thêm
một bực. Một cái lon thịt hộp lớn vừa phải để bỏ cái lon guigoz vô, đục 4 lỗ xỏ
hai cây kẽm gai ngang qua giữ cho cái lon guigoz không rớt xuống đáy, cắt một
lỗ vuông trên hộp thịt phía dưới 4 cái lỗ, sao cho cách đáy một phân, cách 4
cái lỗ 3 phân, lỗ vuông này chỉ rạch 3
đưởng khoảng 3 phân, phải chừa phần trên, chỉ cần hạ miếng cắt còn dính lại là
lửa sẽ giảm, một vài bao nylon se tròn thật chặt đốt lửa, cho thêm một mảnh giẻ
rách để nylon lâu tàn. Với thiết bị tân kỳ này có thể nấu bất cứ thứ gì kể cả
nấu cơm, chơi chín một con chuột cống nếu hên mà bắt được, rắn rít, ếch nhái
các cái là đồ bỏ.
Trời
tối ánh sáng phát từ cái lò tân kỳ này rất dễ bị phá hiện, phải dùng đồ cá nhân
che chắn lại, chỉ có khói và mùi hỏa tốc bay lên nhẹ nhàng thôi, chuyện này anh
em có biết thì cũng ngó lơ, bởi ai cũng nấu, ai cũng từng chơi kiểu này.
Một
ngày Nguyễn Đại Thuật được thăm nuôi, anh mang cho tôi một ít mì sợi và thịt
kho chống đói, tôi bèn chơi một gô vào lúc sau buổi họp nhà, lu bu nói chuyện
với Nguyễn Thanh Tùng tôi quên phức cái lò hỏa tốc, lửa bén ra bộ đồ trại để
sát cái lò, thế là bốc hỏa. Mai Hòa Rết từ cầu tiêu đi ra ngó lên thấy bèn hét
lớn:
- Khiết ! Cháy
nhà !
Tôi hoảng hồn chơi nguyên ca nước uống dập lửa, thứ nylon
cháy không tắt ngay kêu xèo xèo, còn bốc khói trắng lên nữa chứ. Hú hồn! chung
quanh cái lò toàn là thứ bắt lửa, may mà cha nhà trưởng Huỳnh Cự đi ngủ rồi,
nếu không chắc chắn sẽ bị ra tòa án quân sự mặt trận trong đêm họp nhà lần sau,
dù cha nội này có bao che cỡ nào cũng phải chịu.
Ở
ngoài đời, nghĩa là lúc còn rất trẻ chưa đi tù, tôi nghe nhiều huyền thoại về
những cái khó tin, cho tới khi vào trại A20 tôi mới biết là có thật.
Số
là lúc tôi ở nhà 3 phân trại E, căn nhà này đặc biệt có hai cái giếng nước, một
lớn, một nhỏ, cái nhỏ ít dùng đến. Phùng Văn Triển là một trung úy, ốm nhom, lưng
đi cong cong, anh rất hiền, ăn nói đềm đạm, tôi cũng hay la cà để học lóm từ
anh, tìm hiểu cái công phu có một không hai, lần đầu tôi thấy trong đời. Khả
năng sinh học mà người ta gọi nôm na là nhân điện hay một cái tên gì đó cho khả
năng tuyệt vời này. Công phu đó là thời gian cả chục năm anh ngồi thiền, nghe
đâu anh từng với hai tay mang hai thùng nước, mỗi thùng 20 lít leo lên lầu 4.
Ban đầu tôi bán tin bán nghi, cho tới mùa mưa năm đầu đến Trại Trừng Giới. Anh
em chưa mấy ai được thăm nuôi, đói khát giữa cái lạnh chết người của Thung Lũng
Tử Thần, tôi chơi một cái áo trần thủ, quấn khăn cổ, hai đôi vớ tròng vào nhau,
chơi thêm cái mềm len dầy cui của trại phát vẫn còn run lập cặp. Triển đại ca
làm cả nhà thất kinh hồn vía, anh đang ngồi giữa mưa lạnh, trên thành giếng mà
nước cao gần ngập và hơi nước lạnh bốc lên như sương, anh lấy cái thùng nhựa
múc nước từ giếng xối ào ào lên đầu, mà đâu phải chỉ một thùng nước, Triển sư
phụ làm liền tù tì gần 20 phút, mới tà tà bước vô hàng hiên và để nguyên con với
quần đùi, ở trần trùng trục đếch thèm lấy khăn lau nữa chứ. Sau này anh tâm sự
với tôi, lúc anh ngồi tập vận hành khí lực, anh sơ ý đi một lần ba vòng châu
thiên, tới lúc lên huyệt bách hội nó đứt ngang, một nửa tuột xuống nằm ở luân
xa 3, một nửa nằm nguyên trên luân xa 7, anh
cho tôi đưa tay rờ thử, một cục dài nổi cộm dưới da từ chân tóc ở trán kéo tới
gần sau gáy. Thật dễ sợ ! Rồi anh khuyên tôi nếu có tập ngồi thì nhớ chớ có tham, lấy
anh làm bài học.
Đâu phải chuyện có thế thôi, cái răng hàm của
tôi bị sâu thủng một lỗ to tổ bố, trong trại tù lấy chi mà chữa, thức ăn nhét
vào đau thấu trời, tôi chỉ biết dùng nước muối ngậm triền miên. Pilot Nguyễn
Văn Hương là dân Tây Ninh nghe tôi than đau, bèn đề nghị tôi nhổ cha nó cho
xong, nhưng lấy chi mà bứng cái răng ra, anh Hương lấy cọng thép gai chặt làm
hai khúc, một mài nhọn để cạy, một đập dẹp đầu làm cây rạch nướu, dụng cụ nha
khoa tối tân này được đốt trên lửa để khử trùng. Triển sư phụ hứa sẽ dùng nội
công giúp tôi giảm đau. Một trưa chủ nhật anh Hương mang đồ nghề từ nhà 2 sang
nhà 3 phối hợp với Triển sư phụ, đè tôi xuống, anh Hương lo lấy cái răng ra, anh
Triển cầm hai bàn tay tôi, tôi cảm thấy một luồng khí nóng chạy vào và lan đi,
một lúc sau nó tụ lại vùng mặt, cho tới lúc Pilot Hương lấy cái răng ra, sau
một hồi trầy trật, tôi hoàn toàn không một chút cảm giác đau đớn nào ở hàm răng
của mình, quả là kỳ diệu !
Kể
ra thì có nhiều chuyện trời ơi đất hỡi nghe khó tin chết mẹ. Nhưng những nhân
chứng còn sờ sờ Phùng văn Triển, Phan Thành Lương ở Mỹ, Nguyễn Hữu Trí ở Việt
Nam thì không thể nói dóc được.
Nguyễn
Hữu Trí còn một biệt danh anh em đặt cho là “Trí ghẻ”, không biết khi đi tù anh
từng bị ghẻ ở trại nào, chứ khi gặp và ăn cơm chung anh một mâm ở Trại Trừng
Giới chưa bao giờ tôi thấy anh có ghẻ, anh lớn hơn tôi mấy tuổi, một tay giang
hồ thứ thiệt vùng Cầu Tre. Ở đội 20 có Lai Lương Tinh, một tay cũng thuộc hàng
du đảng có túi của ngày xưa, gốc người Hoa, dân Chợ Lớn chính hiệu con nai. Chẳng
biết hai ông có hiềm khích chi mà thách nhau quyết đấu, dự định là sẽ phân tài
cao thấp trên hội trường lúc vắng khách, chưa tới ngày hẹn thì một buổi trưa
hai ông đụng chạm nhau vì một chuyện vớ vẩn chi đó. Bất thần Lai Lương Tinh
đứng trên sàn trên nhà 3, cầu thần múa hầu quyền lung tung. Trí ghẻ nổi điên,
chấp tay cầu thần bạch hổ, hắn gầm lên một tiếng từ mặt đất bay một phát lên
sàn trên. Một khỉ, một cọp uýnh nhau một trận. Đại ca Phan Thành Lương cũng
thuộc loại võ công thượng thừa, anh em nhất là các đấng Suối Máu rất nể nang,
xăn quần tà lỏn nhào vô can:
- Hai thằng bây, ngon thì ra giữa sân mà
chơi, bể đổ đồ đạc tùm lum.
Trí
ghẻ nhảy xuống bước ra sân, Lai Lương Tinh đuổi theo, bất ngờ Trí quay lại, lúc
này gương mặt của anh khác hoàn toàn, một khuôn mặt không phải là Trí ghẻ nữa,
tiếng gầm gừ phát ra từ cổ họng như hổ như báo, Lai lương Tinh cũng đâu có vừa,
miệng kêu chí chóe, hai tay quần nhau một trận long trời lở đất. Trí ghẻ đá một
phát, Tinh bay luôn xuống cái giếng nhỏ, cả nhà nhào vô ôm Trí lại, nhưng sức
của Trí lúc này quá mạnh, 7, 8 người không làm gì nổi, may sao có một anh chắc
cũng thuộc loại võ thần, đập trên đỉnh đầu Trí một phát, anh ta mới chịu ngã
xuống, Phan Thành Lương nhào xuống kéo tay Lai Lương Tinh lên. Lúc đó Phạm Văn
Tường làm nhà trưởng, lão chấp tay sau đít đi tới đi lui trên hàng hiên:
- Lần đầu mới thấy võ thần của dân chơi miền
Nam, mấy cha coi xong chớ có báo cáo bậy bạ nghen.
Trận đánh võ thần, với tiếng gầm gừ
của hai tay dân chơi thứ thiệt làm nhà 2 và nhà 4 tràn qua xem đông nghẹt. May
mà đó là trưa chủ nhật, nếu không chắc chắn hai ông tướng sẽ vô cùm là cái chắc.
Trần
Hữu Phước (Phước chột) anh ta có tật một bên mắt, ở chung với tôi một đội,
Phước chắc khoảng 30 gì đó, hay lu bu làm mấy chuyện không ra chi, được cái anh
rất chung tình với anh em, chỉ có cái tội là trình độ chăn vịt đẻ của anh nên
bị thằng Ngà quản giáo đội tôi dụ khị, hỏi chận đầu chận đuôi một chập là Phước
đẻ ra một lô vịt con ngay, dù anh không báo cáo mấy chuyện lớn lao gì nhưng mấy
cái nhỏ nhặt cũng làm anh em trong đội bực mình. Chẳng biết anh nói chi với
thằng Ngà, hắn gọi tôi lên nhà lô lúc đội đi làm hỏi tôi đủ thứ. Phước vừa mới
bị thằng Ngà mời lên buổi sáng thì ngay chiều đó tôi bị thằng cán truy hỏi lung
tung từ cá nhân gia đình, nhất là quan hệ với anh em miền Tây. Về trại tôi nổi
điên lên, vào lúc chia cơm chiều, tôi nựng Phước chột một cái ngay giữa sân:
- ĐM ông thưa gì với quản giáo hả?
Phước
chột đổ quạu, hắn chạy vô chỗ nằm rút con dao nhỏ chơi tôi một phát, may mà tôi
né kịp mũi dao sớt ngang cánh mũi đi đứt một đường, ngay lúc đó mấy anh em gốc
Hòa Hảo nhào ra theo kiểu bênh vực gà nhà đòi ăn thua đủ với tôi. Trí ghẻ từ
nhà ăn bước ra sân chống nạnh:
- Thằng nào đụng tới thằng Khiết bước lên
coi.
Cả
đám im re, anh em thấy máu mũi tôi xịt ra ướt cả mặt bèn kéo tôi lên trạm xá, thiếu tá y sĩ Nhảy Dù Trần Quý Nhiếp đang là
trưởng trạm y tế đè tôi xuống, cha nội lấy kim may sống ba mũi, cả tuần sau vết
thương mới lành, cú đấm hết sức đó làm ngón tay áp út của tôi gãy xương kín,
nhưng nó hoàn toàn không đau đớn chi cả. Sau này mỗi lần nắm bàn tay lại, nhìn
vết hõm trên ngón tay tôi vẫn ngùi ngùi nhớ lại cái chuyện bậy bạ của mình
trong thời đi tù và cũng đã hàng triệu lần âm thầm xin lỗi Phước chột, một
người anh em tù mà đúng ra dù có giận cỡ nào mình cũng không nên để có chuyện
đáng tiếc đó xảy ra. Và may mắn hơn anh em dấu nhẹm vụ này tôi và anh Phước
không bị tụi chèo hỏi han chi, chắc tụi nó coi như chuyện va chạm nhỏ trong
trại tù.
Có
lần tôi liên lạc với anh Nhiếp sau mấy mươi năm, nhắc chuyện cũ anh cười ngất:
- Biết vậy hồi đó tao không may lại, để
mày có cái lỗ mũi bị chẻ hai coi cho đã, còn bày đặt trách tao may sống nữa hả?
Thật
ra trong trại làm gì có thuốc tê, mà sao lúc đó tôi lại quên tuốt cha nội Phùng
Văn Triển chứ?
4. Mửa máu
Những
ai đã từng đi tù tại trại A20 chắc hẳn sẽ không quên giai đoạn lao phổi tràn
lan khắp trại. Những chuyến đi đau đến không còn nước mắt để nhỏ xuống cho
người bạn tù vừa chết. Những chuyến đi đơn độc không một ai đưa tiễn giữa mưa
khuya miền Trung, ngoại trừ đội lâm sản cử 4 tên hình sự, bỏ cái quan tài đóng
sơ sài trên xe cải tiến, cùng một manh chiếu nát quấn cái thi thể ốm tong teo,
người chết đi về “Đồi Vĩnh Biệt” sau nhiều tháng ho ra máu.
Từ
đầu năm 1982, lát đác có vài anh em bắt đầu ho khúc khắc, vài anh em chợt thấy
nóng sốt nhè nhẹ vào buổi chiều. Rồi chẳng mấy chốc bệnh lao phổi được nhận
dạng, nó lan đi đến chóng mặt, ban đầu vài chục người trại buộc phải cách ly
những người bệnh lao, nhưng chỉ cách ly ban ngày, những con bệnh không đi lao
động bị nhốt tại trại. Bọn cán bộ chọn nhà 2 của phân trại làm nơi cách ly. Ban
ngày, tất cả con bệnh bị lùa vào đó đóng cửa lại, cho tới khi đội đi làm về thì
cho về đội của mình nhận thức ăn và sinh hoạt bình thường, buổi chiều cũng thế.
Nhưng ban đêm thì đội nào về đội đó, nhà nào về nhà đó. Để chống lại lũ vi
trùng, mỗi nhà ngăn một khúc, thường là phía cuối nhà, dành riêng cho các con
bệnh.
Cái
thứ lao đã hoành hành trại Xuân Phước này rất đáng sợ, thông thường để tới giai
đoạn lao, nói như mấy ông bác sĩ căn bệnh sẽ có dấu hiệu lâm sàng, có những cơn
sốt nhẹ kéo dài nhất là về chiều, rồi dần dà sang ho, đàng này có khi chỉ sốt
nhẹ hai ba hôm thì sau đó, một sáng khạc một cái văng ra cục đờm lợn cợn máu,
vậy là xong coi như tiêu đời.
Nhà
giam thì luôn luôn chật, khoảng không khí có được là bao để hít thở, con bệnh
mỗi lúc mỗi nhiều, những mảnh vải cắt xé làm khăn lau vết máu trên khóe miệng,
chùi đờm rãi của con bệnh, dù có cẩn thận thì cũng nằm trong thùng chứa rác,
thùng chứa phân hay nước tiểu gần như lộ thiên trong cái không gian chật chội
đó mà thôi. Vi trùng lao, dù không thấy, nhưng cả trại hầu như nhận biết được
nó, rùng mình khi thấy người bạn tù ho khan một tiếng bên cạnh, nhưng làm gì
được? Ngủ thì vai kề vai, ăn thì chung một nồi, một thau, ly chén làm sao khử trùng,
làm sao riêng tư cho được trong cái điều kiện như vậy?
Thân
nhân gởi thuốc lên cho bệnh nhân thì lớp bị chận lại, lớp bị ăn cắp trắng trợn,
nhất là vào mùa nước lên, mùa bão lũ miền Trung.
Làm
sao có thể quên, những chuyến quà trong mùa lũ. Trại Đồng Xuân chìm trong nước
hàng tháng trời. Thân nhân không đi thăm được đành gởi quà qua bưu điện, ga La
Hai nhận quà từ xe lửa, nhưng không thể chuyển qua sông Trà Bương, quà cáp phải
đợi khi mưa tạnh, chất hàng đống bên bờ, trại dùng ghe xuồng trung chuyển qua
sông, rồi đưa về các phân trại bằng xe cải tiến, đâu phải là ít, mỗi chuyến đi
nhận quà tại mỗi phân trại E đã lên đến hàng ngàn gói quà. Tính sơ sơ mỗi gói
trọng lượng là 5 kgs, con số lên mấy tấn, cái xe cải tiến cao lắm nhét 50 gói
quà là quá mức. Hàng chục xe thì mới có một tên cán bộ đi kèm, qua một hóc núi,
một khúc quanh là hàng đống quà bay vô bên đường, khuất dưới lùm cây bụi gai,
sau đó chúng nó quay lại lấy làm của riêng thì ai mà biết. Cán bộ giáo dục cùng
đám trật tự thi đua phụ trách việc kiểm quà ghi số lượng đã khùng điên ba trợn
lên rồi, động trời cái nữa thay vì kiểm quà từ trước khi chất lên xe cải tiến,
tụi chó đẻ lại chỉ kiểm khi về tới phân trại. Chúng viện lý do quà để ngay bờ
sông nên phải vội đưa về trại sợ thời tiết ảnh hưởng, mưa bão bất thường không
thể để ướt quà làm hư hao thực phẩm của trại viên. Quà do đám lâm sản hình sự
kéo về, làm sao kiểm soát trên chặng đường hàng chục cây số đó. Thế cho nên sau
mỗi chuyến quà thì chợ La Hai, chợ Đồng Xuân tràn ngập hàng hóa, những thứ hàng
hóa mà xứ khỉ ho cò gáy này nằm mơ cũng không thể có. Đồ hộp mang mác Tây, Mỹ,
thuốc tây thì khỏi nói toàn thứ đắc tiền, một lọ thuốc bổ vài trăm viên có giá
ngang một con bò, thì hỏi sao nó không mất tích cho được. Nói là tù nhân trại
A20 đã từng nuôi béo dân La Hai - Đồng Xuân quả không ngoa.
Thiếu
ăn thiếu mặc, thêm cái lao động vắt kiệt sức, bị dày vò từng ngày bằng nhiều
thứ công cụ, người tù hoàn toàn vô phương kháng cự, cái chết từ từ tới, không
do lao phổi thì cũng tàn tạ từng ngày rồi ra đi.
Anh
Lương Thiện, một giáo sư trung học bị bắt về tội âm mưu lật đổ chính quyền, có
lẽ là người chết vì lao đầu tiên ở phân trại E. Trong số bạn bè, anh em tù tội
tôi từng ở chung còn có một số các sĩ quan đã đặt chân tới Mỹ theo diện HO.
Những Trần Bửu Ngọc (Ngọc đen), Vũ Văn Lộ, Trương Văn Tám (Tám Chùa), Phạm Văn
Hải (Hải cà), Nguyễn Hạnh… là những tù nhân từng bị dính con vi trùng này tại
trại Xuân Phước trong khoảng thời gian đó, họ từng nằm nhà cách ly và từng may
mắn thoát chết vì lao.
Chứng
kiến nhiều cái chết vì lao, thấy mà thương. Cú ho tắt nghẽn phổi làm bệnh nhân
co rúm người ngạt thở, miệng trào máu, hai con mắt trắng dã ngước nhìn bè bạn
chung quanh như van xin, như trăn trối. Thật là đau, cái chết đau chưa từng
thấy của đời đi tù, nó nghẹn ngào làm mình tê dại, nhìn trân trân vào người tù
chỉ còn da bọc xương hai tay nắm lại, như nắm cái kiếp tù để về đất. Trời hỡi
là trời !
Tù
thuộc loại mồ côi, con bà phước như tôi thì lấy đâu ra thuốc chống lao để chữa
bệnh, cái ăn qua ngày còn không có nói chi.
Nhưng
rồi cũng có những cái may đến, bệnh lao chẳng biết làm sao mà nó chấm dứt vào
cuối năm 1985. Nhớ lúc đó có nhiều anh viết thư cho gia đình đến các bệnh viện
xin hay mua những lọ streptomycine đã dùng và còn lại chút cặn đọng ở đáy lọ,
gởi vào để con bệnh pha nước sôi làm thuốc uống.
May
cho tôi bà phước nuôi kỹ nên không vướng cái bệnh này, nhưng có lần trong thời
gian đó tôi bệnh kiết lỵ, bệnh này ở trại không có thuốc chữa, anh Phan Vĩnh Thánh
đưa tôi mấy lọ streptomycine, chỉ còn đọng vài giọt dưới đáy, tôi pha nước uống
vậy mà mấy hôm sau tôi hết bệnh.
Nhắc
tới bệnh trong tù, tôi có một kỷ niệm nhớ hoài. Trại chỉ có mỗi một cây tía tô
làm giống, trồng trong vườn thuốc Nam của phân trại E do bác sĩ Lịch trông coi,
tôi bị cảm mà uống thuốc hoài cả tháng không hết, mấy ông tướng gốc miền Tây
chỉ cho một cách, kiếm cây tía tô ăn vào sẽ khỏi. Vậy là tôi rình rình lúc ban
trưa leo rào, vượt qua hội trường, sang vườn thuốc Nam nhổ nguyên gốc cây tía
tô giống chùi sơ sơ cho hết đất bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Cha nội bác sĩ
và y tá khám phá mất cha cây giống tía tô ngay buổi chiều, chuyện tới tai trực
trại, cán bộ Luật bèn dẫn toàn bộ thi đua, trật tự vào từng nhà lục tung từng
ngóc ngách tìm cho bằng được dấu tích hay tên nào đã bạo gan chơi cây giống tía
tô mà trưởng trại đã khệ nệ mang về từ Đồng Xuân. Tôi tỉnh bơ cười trong bụng:
- Tao nuốt cha nó từ gốc tới ngọn, trước
khi bước qua hàng rào nhà rồi, cho tụi bây kiếm tới lòi con mắt cũng chưa ra.
Vài
hôm sau, mô phật nhờ cây tía tô giống tôi hết cảm.
5. Mưu sinh trong tù
Chế
độ ăn uống ở trại tù thì khỏi phải bàn tới, cũng như các trại khác khoai mì là
món chính, cõng theo vài hạt cơm theo tiêu chuẩn. Trại Xuân Phước trồng khoai
mì H34 giống từ Ấn Độ, thứ khoai độc chưa từng thấy, về sau khi ra tù tra cứu
thứ chó chết này, mới biết H34 có lượng Cyacitric, Cyanua cực cao, cho nên khi
còn ở tù tôi từng thấy với khoảng 2 kg thôi nó có thể làm một người bình thường
ngã gục nếu chỉ luộc lên và ăn khi vừa thu hoạch.
Chúng
tôi ăn theo mức trung bình là 15kg lương thực hàng tháng trong đó tính luôn
khoai mì lát H34 phơi khô để cả vỏ, loại lao động làng nhàng gọi là kém thì còn
13,5kg, loại vô cùm ở biệt giam thì 9kg một tháng. Tay nào hưởng mức ăn 18kgs,
thì chính là từ cái phần của đám ăn 13,5kg đem sang, còn gã nào đặc biệt có mức
ăn 21kg hàng tháng thì đó là từ phần của mấy thằng bị cùm ăn 9kg mà có.
Cuộc
chiến không khoan nhượng trong trại tù thường căn cứ vào cái ăn trong điều kiện
thiếu dã man là thứ chiến tranh nói hoài không hết. Lúc thiếu khoai cả nước ăn
loại bột của Trung Cộng và Liên Xô, tụi chèo cho làm một cái bánh bằng bột này,
vuông vức 1 tấc và dầy 1cm.
Sáng
một cái mà thôi, trưa và chiều 1 cái cùng với nửa chén cơm gạo mục. dĩ nhiên
bột đó là loại quá hạn, cầm miếng bánh khó chọn chỗ nào không có xác con mọt
chết mà cắn, cái bánh lấm tấm đen. Tay nào ăn 13,5kg, nghĩa là lao động kém sẽ
bị mất ¼ cái bánh, ¼ này sẽ có mặt trong phần ăn của tên ăn 18kgs. Vậy cho nên
chúng tôi muốn phá cái khoảng cách mà tụi chèo cố tạo ra, bằng cách mang ¼ đó
kín đáo gởi lại cho mấy tên mất đi, ¾ cái bánh trông như khẩu súng lục. Trao
tay ¼ cái bánh, chúng tôi gọi hành động chia sớt này là “ráp băng đạn”.
Tôi
là con bà phước, là thằng khoái chống lao động, chống nhiều thứ, cho nên nếu
không vô biệt giam thì mỗi bữa ăn bị lãnh phần ít nhất. Đại ca Nguyễn Đại Thuật
(dù khác đội), ông già Tăng Khánh Niên hay trung tá Nguyễn Văn Hồng… thường xuyên
ráp cho băng đạn. Thấy thương những băng đạn thời tù ngục khó mà quên.
Buổi
tối trời chuyển mưa và thường có lũ mối theo ánh đèn néon chui vào nhà, anh em
cứ để một chén nước lưng lưng, con mối nào lỡ dại đáp vào chén nước là tiêu
tùng, mối có thể ăn sống, nếu siêng thì bắt vài con bỏ vào cái muỗng nhôm kê
lên hỏa tốc nướng sơ qua là vừa thơm vừa béo. Nói chung bất cứ con chi trừ con
dòi, con ruồi tôi chưa từng rớ, chứ dế nhủi, thằn lằn, rắn rết, không tha con
nào.
Có
một lần đội cuốc đất trên một sườn đồi sau mấy ngày mưa, tôi thấy mấy đám nấm
dại mọc tràn lan một góc. Với kinh nghiệm học lóm tôi thừa biết nấm nào có màu
rực rỡ chắc chắn là nấm độc, càng ngả sang màu vàng và đỏ càng độc hơn. Mấy tai
nấm ở đây đỏ chóe, nuốt vô có thể tiêu đời trong tích tắc. Nhớ lúc má tôi sinh
con em út, tôi mới 15 tuổi, tôi đi chợ nấu ăn cho cả nhà, nuôi đẻ tôi rành từ
đó. Một ngày tôi hái mớ hoa thiên lý trên giàn trước sân xào cho má tôi ăn,
chừng một tiếng sau bà không thở được, thời chưa có điện nông thôn, tôi đốt đèn
măng xông la làng ỏm tỏi, gần nhà có đại úy Nguyễn Văn Phi, ông là người theo
giáo chủ Phạm Công Tắc trốn sang Miên, cũng là bạn bè của ba tôi, ông trở về
Việt Nam sau khi Phạm Công Tắc chết. Nghe tôi la làng ông ba chân bốn cẳng chạy
sang nhà, hỏi tôi những món mà hồi chiều tôi đã cho má tôi ăn trên giường hậu
sản, nghe tôi kể xong, ông bảo tôi quạt bếp than cháy cho lớn lấy bông thiên lý
đốt cho thành than, quậy trong ly nước mang cho má tôi uống, thật tuyệt vời 5
phút sau bà thở bình thường. Bác Hai Phi giải thích, đó là trúng thực, trúng
độc. Cứ lấy cái món gì đó mà mình nghi là tác nhân đem đốt thành than hòa nước
uống xong là khỏi, ông học chiêu này từ một hòa thượng Miên. Tôi vẫn nhớ bài
học lóm đó, hôm nay tôi quyết chí chơi thằng nấm màu đỏ này, tôi thử tính nửa
lon Guigoz nấm chí ít cũng 100grs vị chi cũng cả ngàn calories, mình mà trúng
độc uống than đã đốt của nó chắc bị hành một trận mất mẹ 500 calories, vậy còn
lời chán. Tôi lấy mấy tai nấm cho vào lon guigoz kê lên bếp lửa nấu nước uống
của đội, khều than ra nướng một tai nấm để riêng. Ông già Nguyễn Văn Nghĩa nấu
nước cho đội rề rề theo hỏi, tôi nói:
- Vụ này ông đừng có chơi, tui mới thử lần
đầu, đó là nấm độc đó nghen, lỡ làm không kịp ông làm ơn bỏ cái than này vô
nước đổ vô miệng tui nghen.
Cha
Nghĩa cứ há hốc ra nhìn. Chờ nấm luộc vừa nguội một chút, tôi nhân lúc nghỉ
giải lao, chơi sạch sành sanh và chiêu liền ngụm nước có hòa chút than đã đốt
sẵn. Tôi ngồi im đợi xem nó ép phê ra sao, ông Nghĩa già cầm cái điếu cày đi
qua đi lại vừa nhìn vừa lo, chắc là gần 10 phút khi thằng quản giáo cho đội đi
làm lại, tôi nghe tăng tăng một chút, hơi nhức đầu, mắt hơi mờ chút, tôi chơi
luôn phần than còn lại chiêu thêm ngụm nước, vừa cuốc đất vừa lắng nghe xem có
chi lạ trong bụng không, cái lăn tăn từ từ dịu xuống rồi im re. Đó là kỷ niệm
ăn bậy trong lúc đói ở trại tù, lẽ tất nhiên trừ ông Nghĩa già tôi dấu chuyện
này không dám nói với ai, sau này tôi quyết chí không ăn nấm nữa có chăng là
nấm hộp mà thôi.
Rồi
có lần tôi dấu con rắn lục nhỏ bằng ngón tay út, nướng chín trong tay áo lúc
đội đi vào cổng trại, thằng Quí đen trật tự hôm nay không xét tù vô trại mà
thằng Trực ra xét thay, thằng này tôi không ưa nó từ khi mới vào trại, thấy cái
tướng lất cất của nó là nổi nóng, nó lại rất ác với anh em, nó mà thấy chỗ nằm
nào có cái lon guigoz cháy nám đen bóng là nó lục tá lả kiếm cho ra cái lò hỏa
tốc, cái này phải những tay từng nấu như vậy mới biết. Khói bám màu đen quanh
lớp ngoài cái lon guigoz rất dễ nhận, trên hỏa tốc nó sẽ đen bóng như bám một
lớp dầu rất khó cạo rửa, trên lửa thường thì không. Tôi đứng trong hàng mà
thằng Trực xăm xăm đi lại bắt tôi giơ hai tay lên mò từ chân tới ngực. Hên một
cái, con rắn được cột bằng sợi dây thun ở cánh tay nó không thấy, tôi qua tuốt và
chễm chệ bỏ con rắn vô nước muối, chờ một chút cho nó ra mỡ, tôi chén bữa cơm
chiều và cười một mình khi nhớ thằng cắc ké Trực xét tôi.
Trại
tù mà có cung cấp rau tươi thì cùng lắm là rau muống trồng tại chỗ, vừa dai vừa
cứng, nhưng còn đỡ hơn loại rau mà muống mà tôi ăn đến phải sợ là thứ rau muống
ngâm muối, mấy tay nhà bếp chặt khúc quăng vô hầm xi măng, đổ muối lên, vài
tháng hay một năm sau, mang ra rửa sơ sơ luộc lên, phát cho mỗi đội nửa thau
nhôm đường kính 25cm, trời hỡi nó mặn đắng và dai nhách, riết rồi không ai dám
lãnh, tụi tôi gọi nó là kẽm gai. Cọng rau cải trong tù cũng rứa, củ cải trắng
sẽ xuất hiện lúc gần tết, thứ cải nhổ trước khi ra củ, trời ạ nó vừa đắng vừa
nồng, vừa dai ăn như giẽ rách. Vì vậy phải kiếm rau dại mà ăn. Đội nào đi làm
ngoài trại, may gặp thằng quản giáo từng bị đói ở Trường Sơn, hay nhà nó thuộc
loại mạt tới nỗi phải ăn rau độn quanh năm, nó mới có chút thông cảm. Gần cuối
buổi làm chiều, nó cho đội “cải thiện”, tay đội trưởng cắt ra hai hoặc ba mạng
đi hái rau dại mọc quanh chỗ đội làm việc, nấu một thùng canh đại dương mang về
phát ra cho anh em ăn chống đói, dĩ nhiên “chỉ tiêu” làm việc của mấy tên đi
cải thiện đội phải làm bù. Rau dại thì thường là rau dền gai, rau sam, chuối
cây chặt ra luộc. Những hàng hiếm không nhiều như tàu bay, đọt rau lang, đọt
rau muống, thứ này để sống, bỏ vào thùng nước uống của đội đóng nắp lại nhập
trại, khi thằng trật tự xét ngoài cổng thì báo là quản giáo cho cả đội.
Mùa
nắng thì tiêu rau cỏ chết hết, nhưng trong trại có loại cỏ kiểng là thứ người
ta trồng làm cảnh hai bên lối đi trong sân, thứ này cũng không sống nỗi với đám
tù đói kinh niên, cứ cắt ngang rồi cho vào lon guigoz luộc lên, nó cũng được kể
là rau tươi vì nó hoàn toàn tươi, mới cắt.
A20 nguyễn thanh khiết
(Còn tiếp) ..>>>>> VI. Bên này vực thẳm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét