15/6/20

Ký ức bỏ quên – Vinh nhục đời người


A20 nguyễn thanh khiết
  



VII. Vinh nhục đời người


1. Ranh giới sống còn


Chiến đấu trong tù là một điều không dễ chút nào, bên cạnh người tù còn có bè bạn, có danh dự có trách nhiệm, nói gì thì nói mấy thứ này không thể quên được. Hàng tá người đã rớt đài trong tù, chỉ trong một tích tắc mềm lòng.

Bạn muốn viết thư về nhà ư, bạn đang bị kỷ luật cấm hết thư từ, vậy bạn phải nghe lời dụ khị của thằng nhóc cán bộ quản giáo hay an ninh. Cứ báo cáo những gì bạn thấy được, biết được chung quanh, nhất là anh A anh C, thái độ thành thật của bạn sẽ được đền đáp. Cán bộ Y hay X đi phép lần này, thư của bạn sẽ được trao tận tay gia đình. Thề có chân dung Hồ chủ tịch cán bộ đây sẽ không nói dối.

Vậy bạn có tin không? Có muốn vợ gởi cho ít thuốc kiết lỵ hay tiêu chảy trong vòng 1 tuần là có không? Cứ thành thật khai báo.

Đang bị cùm mà cán bộ an ninh xuống tận phòng giam, khuyên bạn khai hết những tên đồng lõa, cán bộ sẽ lập tức tháo cùm cho bạn về đội, sẽ không ghi vào hồ sơ tù của bạn, ban khai không?

Ngày mai bạn sẽ ra nhà thăm nuôi hay nhà hạnh phúc hoặc danh gọi con mẹ chi đó là cái chỗ bạn ngồi cách vợ bạn một cái bàn to tổ bố, nắm tay nhau không được chứ đừng nói ôm hôn. Và bây giờ, ngay lúc này vợ bạn đã có mặt ở đó. Bạn có muốn ngày mai bạn sẽ có một ngày một đêm ở chung với vợ trong nhà hạnh phúc không? Ba hay năm năm rồi bạn chưa hôn vợ, nói chi ngày mai vợ bạn sẽ nằm trong vòng tay, bạn muốn làm gì thì làm, muốn không?  Viết báo cáo đi, rồi mai bạn sẽ có 24 tiếng ngủ với vợ.

Chiêu đó, trò này xưa như trái đất rồi, ở trại A20 mấy thứ này không gạt được ai nhất là những anh em trẻ, nhưng nhiều khi nó vẫn có tác dụng.

Tôi nhớ khi ở trại E, lúc đội văn nghệ thành lập. Văn nghệ tại trại E dĩ nhiên toàn đực rựa, những vở diễn có con gái thì làm sao, may thay đã có hai nhận vật chuyên giả gái là Nguyễn Văn Nghiêm, thằng nhóc này cùng quê Tây Ninh với tôi, nó can tội âm mưu lật cha cái chính quyền này, lãnh án 10 niên, thứ hai là Lâm Mỹ Thuận gốc ở Sa Đéc, chắc đâu cũng 12 niên. Giàn trống kèn thì có đủ, Nguyễn Hoàng Phương án đâu chừng hơn 10 năm chuyên đờn vọng cổ, guitar có Vũ Mạnh Dũng dân Văn Khoa lãnh án tập trung, hắn nhỏ hơn tôi một tuổi.

Đội văn nghệ được ưu ái ít nhiều, đầu tiên là không đi lao động cái đã, còn lợi thế ba cái vụ tắm giặt, ăn uống là thứ linh tinh. Có vậy thôi mà cũng ì xèo một dạo.

Số là đội trưởng đội văn nghệ René Nguyễn Viết Hanh (René Móp) hắn bị tai nạn cái đầu bị cắt miếng xương sọ móp vô một miếng, thằng quản giáo đội văn nghệ không ưa cái tật ba xạo của Hanh nó muốn thay đội trưởng. Xét ra toàn phân trại chỉ có hai tay ứng viên sáng giá là luật sư trung úy ca sĩ Khuất Duy Trác đang ở nhà 4. Nhà 3 có trung tá nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, người từng được biết tới qua bài “Gọi người yêu dấu”.

Thằng cán gọi Khuất Duy Trác lên chầu, trung úy luật sư nhà ta chấp tay sau đít, tà tà lên hội trường trình diện buổi chầu thăng cấp. Theo đám anh em trong đội văn nghệ núp sau cánh gà sân khấu nghe lén thì rằng:

Thằng cán:

      - Anh Trác bây giờ cán bộ cho anh làm đội trưởng đội văn nghệ, anh phải ráng làm tốt chức vụ này, đó là cơ sở cho anh mau chóng nhận được khoan hồng của nhà nước, sớm đoàn tụ với gia đình.

Khuất gia lắc đầu lia lịa:

       - Hỏng được đâu cán bộ, tui có biết nhạc nhòi gì đâu mà làm đội trưởng, cái đó tui làm hỏng được đâu, cán bộ tìm ai khác đi.

       - Láo khoét anh là ca sĩ mà anh nói anh không biết nhạc, anh muốn chống đối hả?

Duy Trác gãi đầu làm ra cái vẻ ngu ngu:

       - Cán bộ nghe tui trình bày, tui hát thì cũng được nhưng mà tui chỉ hát nhái thôi tui đâu biết nốt nhạc gì đâu, ai hát sao tui hát vậy, với lại mấy năm nay cổ họng tui bị hư rồi cán bộ thấy không, khi tui nói nó còn khè khè như vầy sao tui làm đội trưởng được, làm sao hát được.

Khuất gia phang thêm cái nữa:

      - Để cho đội văn nghệ tốt hơn, hay hơn phải có một đội trưởng biết rành về âm nhạc như anh đội trưởng hiện nay, tui còn phải học ở anh ấy, làm sao làm đội trưởng cho được.

       - Anh hát không được thì hướng dẫn đội viên trong chức năng đội trưởng.

       - Hỏng được đâu cán bộ, tui bệnh dạ dày kinh niên, bấy lâu nay đau nặng thêm tui xin nghỉ bệnh không đi lao động hoài, làm sao quản được cả một đội văn nghệ, tui không gánh nổi đâu.

Thằng cán hậm hực đuổi cổ Khuất Duy Trác về, anh em xúm lại hỏi han anh chỉ cười:

         - Tui mà biết phải làm sao là chết liền, bất thần nghĩ cách vậy thôi, nhưng chắc không hề chi, tui bề gì cũng không làm, dứt khoát là không.
Thấy chưa ngay cả chức sắc trong hàng ca sĩ. Duy Trác thuộc cái bang hạng gộc còn có cách né, để giữ cho mình trong sáng, chắc anh cũng đã nghĩ, khi làm đội trưởng, nó mà bắt ra làm nhạc trưởng cho bài đồng ca “Như có bác Hồ…” là bỏ mẹ.

Chuyện chưa hết, cái ghế đội trưởng của Hanh René móp đó còn treo lơ lửng, thì trước tết 1982. Trại ra thông báo làm báo tường rồi sáng tác văn nghệ, thơ nhạc đủ thứ. Tin tình báo cho biết qua đợt sáng tác này sẽ bình chọn tài năng, lựa mầm non văn nghệ thay cái ghế của Nguyễn Viết Hanh và bổ sung quân số để thành lập đội Văn Thể, gồm thể thao và văn nghệ.
Tờ báo đã dán trên hội trường, dĩ nhiên anh em cũng phải viết cho có viết, tào lao thiên binh thiên địa cho qua truông.

Phần tôi thì vụ này tôi nín khe, suốt thời gian đi tù tôi chưa hề hở môi là tôi biết ba cái này, cũng như chuyện tôi có mặt ở khóa 3/73 Thủ Đức, ngu sao tự khai mấy cái đó.

Nhưng mà, một nhạc phẩm ra đời vào thời điểm này do chính nhạc sĩ trung tá Vũ Đức Nghiêm sáng tác, nhạc phẩm này được đem lên hội trường là nơi đội văn nghệ tập luyện, cũng cần nói là đích thân nhạc sĩ tập cho toàn đội văn nghệ, để cống hiến vào dịp thành lập đội Văn Thể, bản nhạc được dợt tới, dợt lui muốn nhão nhẹt dù ở nhà 3 cách hội trường 100m nghe lồng lộng đến nỗi bây giờ sau mấy chục năm tôi còn nhớ. Đại khái tựa và lời của nó là:

                                  Đây tiếng nói Trại E

                Đây tiếng nói trại E, cùng cất cao bài ca hát mới
                Kính chúc ban giám thị, hội đồng cán bộ một mùa xuân mới
                Chúc các anh trại viên giành thắng lợi mới…”
                ……
Ôi trời đất ơi, một nhạc sĩ tài hoa, bỗng trong tích tắc té cái rầm trên nỗi vinh nhục thời đi tù, vậy có chịu nổi không chứ.

Ai bắt ép ông phải viết, ai đè ông xuống hay cắm cây viết vô đít ông để ông cho ra đời mấy lời nhạc bưng bô đó, làm nhục những con người có mặt ở trại này.

Kính chúc ban giám thị…”.  Đ.M không bắn nát đầu nó là may, còn chúc với tụng.

Đám trẻ một phen giận sôi máu mắt, nhưng làm gì hơn, sau tết dù không được nâng cấp làm đội trưởng thì Vũ nhạc sĩ cũng được ban giám thị trại chiếu cố “điều” vào đội văn nghệ, rời khỏi đội đi cuốc 14, trong đó có Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn, trung tá văn sĩ, giọt máu cuối của Tự Lực Văn Đoàn, thề chết bỏ không viết vào tờ báo tường một chữ.

Nỗi vinh nhục trong trại tù còn thấy được vào năm 1984 tại phân trị B.
Huỳnh Cự trong đợt di tản theo chiến thuật của từ E trở lại B. Anh là nhà trưởng nhà 4, thật ra tụi chèo ghét anh cay đắng qua hồ sơ đi tù của anh, nhưng không có chó bắt mèo ăn cứt, để Huỳnh Cự coi nhà 4, dù sao cũng dễ tin tưởng hơn đám tù luôn âm mưu lật mẹ cái trại này.

Một ngày đẹp trời xét phòng, xét đồ cá nhân cả trại, thằng quản giáo Nghệ (Nghệ mặt tròn) vào nhà 4 hắn tới chỗ Huỳnh Cự:

     - Anh Cự, bấy lâu nay anh khỏe không, học tập có tiến bộ không, anh làm nhà trưởng, đội trưởng có gì cần đề xuất để cán bộ giải quyết cho không?

Thằng Nghệ mặt tròn đi một đường bi da ba băng, nó ngó Huỳnh Cự bằng nửa con mắt.

     - Báo cáo cán bộ không có gì cả.

     - Không có là sao, anh chưa an tâm cải tạo hả anh Cự?

     - Không cán bộ.

Thằng chó chết gây chuyện:

     - Không cán bộ, nghĩa là không có ai là cán bộ hả anh Cự, trung tá Huỳnh Cự.

Huỳnh Cự đứng ngay cửa ra vào, thằng cán đứng ngoài sân, đội 15 và 16 đang sắp hàng hai chờ mấy thằng trật tự xét đồ, xét nhà. Tôi đứng gần Huỳnh Cự thấy nét mặt anh đanh lại:

      - Cán bộ, tôi là trung tá hồi chánh, hồ sơ của tôi đã khai rõ ràng rồi.

Thằng Nghệ mặt tròn chơi một cú reverse:

     - Anh có biết khi anh đầu hàng địch, anh đã giết biết bao bộ đội, biết bao chiến sĩ con cháu của bác ở khu không?

Tới lúc này có lẽ Huỳnh Cự đã điên lên vì câu xấc xược của nhóc Nghệ, anh bước tới sát mặt hắn gằn giọng:

      - Ngày tôi là trung tá, cán bộ chưa ra đời nữa kìa, tuổi như cán bộ còn phải học nhiều lắm, xin lỗi cán bộ nghe, tôi không có trách nhiệm nói những cái này với cán bộ. Nếu muốn, tôi sẽ trực tiếp với ban lãnh đạo trại hoặc cấp cao hơn.

Cán Nghệ mặt đỏ lên, ngay lúc đó thằng Thám trực trại đi vào, hắn đứng ở ngoài vòng rào nhà, hối thúc tụi trật tự xét đồ nhanh kẻo không lại mưa.

Xém chút nữa là thêm một trận phong ba. Nhưng sau đó Huỳnh Cự cũng phải bị đi làm việc mấy bữa, với lý do chưa thông suốt đường lối học tập của đảng và nhà nước, chắc anh phải viết 1001 tờ kiểm điểm.

Sau cú này anh em càng khoái Huỳnh Cự hơn, vốn dĩ anh đã rất chí tình với anh em quân đội, thương đám nhỏ can đảm đi lấy lại quê hương anh tâm sự:

    - Tui bây biết hôn, anh Cự chưa từng xử tệ với tui bây, dù trong mắt mấy đứa anh vẫn chưa được tụi bây tin trọn vẹn, trong trại anh sống với tụi bây một lòng là anh em, bỏ cha cái cộng sản, quốc gia đừng nói tới, chỉ với tình cùng là tù. Tụi bây từng thấy anh Cự báo cáo ba cái chuyện tụi bây làm chưa? Bộ mấy đứa tưởng anh không biết hả? Nhưng anh Cự hứa che cho tụi bây được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Anh Cự chỉ xin tụi bây, cái gì thì cái, muốn làm gì ra khỏi đây trước đã.

Đó là tâm sự của một trung tá hồi chánh Huỳnh Cự, trước nhà 4 phân trại B năm 1984. Một câu chí tình, và cái hiên ngang của một cựu cộng sản ở tù vì hồi chánh, và hiên ngang trước một cai tù cộng sản.

Kể ra Huỳnh Cự coi tụi cai tù ở trại này không ra chi, đâu phải lần đầu anh đớp chát với tụi nó, mấy đời trực trại toàn là nhóc nhi, đâu có cửa ngồi ngang với Huỳnh Cự, cho dù bây giờ là tù nhân chế độ, với án tập trung cải tạo, anh cũng còn 7 hay 8 thành công lực để đương đầu với bọn tép riu, sanh sau đẻ muộn này.

Trong hàng ngũ cũ, Huỳnh Cự từng là trung tá Trưởng Phòng Quân Huấn của liên khu 5, lúc đó Thân Di Yên là lính của anh. Đến khi anh ra hồi chánh, được chính phủ VNCH giữ cấp bậc trung tá và là cố vấn cho bộ Dân Vận và Chiêu Hồi. Sau ngày 30-04-75 anh trình diện cũng như những sĩ quan khác, nhưng hồ sơ đi tù của anh lại thuộc loại đặc biệt dù anh vẫn mang án tập trung cải tạo. Huỳnh Cự dưới con mắt của cai tù là “phản bội”, là “đầu hàng giặc”. Những ngày tháng đi tù cộng sản anh Cự luôn bị nghi kỵ, anh bị buộc phải đứng giữa làn ranh quốc cộng dưới cả hai chế độ, thật là tội cho anh.

************

Tôi là thằng được xem là nhóc nhi, con bà phước, vừa ngu vừa dốt, cho nên tôi thường lặn sát đáy quần chúng, chỉ biết lâu lâu ngoi lên thở một cái, nhân lúc đó liếc ngang liếc dọc xem cách các đấng tiền bối cư xử trong tù để học hỏi.

Những cảnh lu bu khom lưng xin thằng trật tự cho chạy xuống bếp ké cái guigoz cơm vào bếp trại, mè nheo xin xỏ một thằng nhóc, chỉ là chó săn của đám cán, thấy mà đau. Hình như cái tự hào áo trận giày đinh, một thuở trèo đèo vượt suối, chinh chiến dọc ngang hay quên mình vì nước bay mất mẹ nó trong điều kiện ăn đói mặc rách này rồi, chưa kể đến thân phận đang bị sỉ nhục là tù hay hàng binh. Đau hơn nữa là khi xong việc, tay cầm guigoz cơm nóng hổi, vẻ mặt hân hoan pha chút hãnh diện vì đã được thằng trật tự “cho phép” đi nấu linh tinh trong giờ cấm, có vẻ như đặc ân đó là một thứ chứng tỏ cá nhân mình “sáng chói” hơn những kẻ khác.

Thêm nữa mấy tay có chút của ăn của để, vào tù còn bày đặt kẻ hầu người hạ hay điếu đóm cho mình. Ba cái thứ đó trong tù kể sao hết. Đó là chuyện nhỏ như con thỏ, nhưng xét trên yếu tố đức hạnh hay bèo nhất trên tư cách một sĩ quan của QLVNCH, quả thật đám trẻ tụi tôi khó chịu và khó chịu ra mặt.

Các anh có cấp bậc tàng tàng cỡ trung úy trở xuống, thường thì nghèo là cái vốn. Ở Trại A20 căn bản là thứ trại trừng giới theo đúng nghĩa của nó. Dù vậy, các anh đôi khi cũng bị cái hệ thống “quần dài” đuổi theo, chẳng những sau ngày vất súng mà bị đuổi tới tận nhà tù, một loại nhà tù kiên giam.

Mỗi quan kha khá tài lực sẽ cố kiếm một tên tà lọt cho mình. Trong cái trại giam từ E tới B lấy đâu ra hình sự phạm nhốt chung một đội, đám chính trị án tập trung cải tạo thì bản chất họ có chút sĩ khí, vài ba tên lọt sổ thì có người chiếm hữu rồi, vậy thì còn lại là những con tương cận trong hệ thống, quan đại tá, trung tá thì kiếm một thiếu úy nào đó. Chỉ cần điều kiện hắn phải là dân mồ côi, dễ dạy dễ sai vặt, ngày xưa thay vì mang văn thư cho sếp hoặc chăn mềm chiếu gối cho quan lúc đi hành quân như mấy tay tà lọt cho ông thầy, bây giờ thì đi nấu cho quan lớn guigoz mì, guigoz cơm, quan lớn sẽ trả công bằng một phần ít thức ăn đã nấu, kèm theo dăm bi thuốc Lào, không có lính thì quan lớn đành dùng tới quan bé.

Những điều kể ra chắc chắn sẽ có nhiều người nhột, nhưng không nói thì bực, chỉ tiếc là không thể nêu đích danh tên tuổi những người mà tôi cho là biến chất trong hoàn cảnh. Cũng có nhiều người biết mà phải đành im lặng, có thể vì sợ đám hậu bối sau này sẽ buồn, rất buồn khi biết ông cha mình đã xử sự quá tào lao như vậy.

Tôi nhớ không lầm, về sau này chắc có 20 năm, khi tôi gặp lại và liên lạc một số anh em. Lúc nạp hồ sơ đi diện HO, có người biết tỏng tòng tong một cá nhân nào đó, làm chuyện bậy bạ trong trại tù, hay khai gian hồ sơ… Các anh vẫn im lặng bỏ qua, không phải họ tha thứ mà vì tương lai lũ nhỏ.

Có người từng vượt biên với những cháu con của những kẻ từng gây ân oán, từng làm anten trong trại, họ vẫn im lặng, lũ nhỏ hỏi về ba nó các anh vẫn cứ bảo là ba con tốt, ba con rất tốt với các chú các bác, tính nhân đạo và vị tha của người lính Cộng Hòa vẫn còn trong họ, dù họ từng bị bầm dập trong tù nhiều năm, mà nguyên nhân là chính kẻ đó, thằng đó.

Cái thói giàu bắt nạt nghèo, quan lớn ăn hiếp quan bé xảy ra trong trại là chuyện thường ngày ở huyện. Chỉ tội cho đám nhóc tụi tôi, nhìn thấy những thứ này phải chắc lưỡi hít hà.“Như vậy mà không mất nước mới là lạ”

Những nghịch cảnh đã thượng dẫn, không những gây một phẫn nộ trong hàng ngũ trẻ tuổi mà nó còn ảnh hưởng đến cả cơ đồ tương lai, đối với ai còn một chút tấm lòng trong thời thế đảo điên. Thôi đành mắt nhắm mắt mở để mà tồn tại bên cạnh những ruồi nhặng đang tranh nhau bu trên cái xác mới đem chôn của một nền Cộng Hòa có nhiều bất trắc, dù nó còn được một nhìn môt cách trân trọng và nuối tiếc của dăm người yêu nước.

Thói đời đã vậy, nhưng còn rất nhiều người sống một đời kiêu hãnh giữa muôn ngàn thứ cám dỗ đó. Chung đội với tôi có vài nhân vật làm tôi phải nhớ.

Trương Ấn là dân Võ Bị Khóa 25, bạn bè cùng khóa ở chung với anh đếm không hết, nhưng tôi chưa hề thấy anh nhờ ai bất cứ thứ gì, không nhận quà cáp biếu xén từ bất cứ bè bạn nào, anh sống cô đơn và đầy hãnh diện. Sáu năm ở chung với tôi, anh chính gốc là con bà phước thậm chí anh chưa lần nhận quà của gia đình, hình như chưa hề thư từ cho ai. Các anh cùng trường lớp với anh cho là anh kỳ khôi, không hòa mình với anh em .. Thôi kệ nó.

Có lần tôi hỏi anh:

- Nói thiệt nghen anh Ấn, tôi thấy anh cô đơn quá, trong lúc ngay trong đội mình nhiều anh em cùng khóa với anh, sao anh không gần gũi với các anh ấy chút nào hết vậy?

- Mày nghĩ xem, tao mồ côi, tao sống một cách trọn vẹn là thằng Trương Ấn, vậy không được sao? Mày ngó kỹ đi trong hòan cảnh này tao không giữ được mình trước vật chất thì chúng ta sẽ ra sao?

Anh quơ quào cây cỏ để chống đói thì người ta cho là anh lu bu, mất tư cách làm ảnh hưởng đến màu cờ sắc áo, khi đau anh cắn răng chịu đựng, không than thở với ai, thì bảo là thằng quái đản.

Hồ Hoàng Khánh, một võ sư, một kiếm sĩ Nhật có tầm cỡ, anh cũng như anh Trương Ấn, khép kín và chịu đựng, ít tâm sự cùng ai, đến nỗi cả đội hầu như quên hẳn anh, dù anh vẫn sờ sờ ra đó 24/24 chung nhà, chung đội. Đúng là quái kiệt.

Cùng tuổi với tôi còn có Vũ Văn Chữ, tay này mang án chính trị tập trung, cũng cổ quái hàng 7, 8 túi chớ chẳng vừa, hắn có bệnh viêm mũi nên khẹt khẹt suốt ngày, con bà phước, mức chịu đựng cũng thuộc loài thượng thừa. Tôi và hắn về cùng ngày cùng một chuyến xe, chưa bao giờ tôi thấy hắn có ý kiến ý cò gì, thái độ im lặng như một tượng đất, kể cả sau này anh ruột Chữ một trung úy về trại này dù khác đội nhưng chung một nhà, thái độ của Vũ Văn Chữ cũng thế.

Thêm một ông động trời khác nữa là Đặng Quang Khải hình như thuộc “Lực Lượng Dân Tộc Tự Quyết”, lập dị đúng nghĩa, khoái làm cái gì ngược ngạo, can đảm nhận chịu thử thách bản thân, cắn răng nén nhục và có một ý chí cứng như thép. Tôi may mắn được sống trong cái xã hội thu gọn này đúng là cơ hội để suy gẫm tình người, tình đời.

Những ngày trong các trại tù, tôi thường lân la tìm đến các anh em trong quân đội học thêm chút ít kinh nghiệm cho đời mình. Thật không như niềm tin và mong muốn có chút gì đó làm tôi chán nản
- Bộ cậu tưởng đi lính là đánh dấm sao hả?
Ba mai Cao Hữu Vốn của Sư Đoàn 9 bộ binh nói với tôi lúc ở Z30D.
- Mày nhìn xem tổng số một Sư Đoàn tác chiến dù ở bất kỳ chiến trường nào, miền Tây hay miền Trung. Trong đó bao nhiêu trung đoàn, mỗi trung đoàn có bao tiểu đoàn, rồi xuống đại đội, thường là cấp số tác chiến tiêu chuẩn. Nghĩ đi có bao nhiêu phòng ban, mỗi cấp đơn vị như vậy đều có chung hệ thống như nhau, những phòng ban đó có bao nhiêu người? Vậy con số tác chiến thật sự là bao nhiêu?
- Thì cứ xem như là văn phòng các ban đủ cỡ thì chỉ chiếm 1/3 quân số, còn lại là dân tác chiến
- Sai, thực sự con số tác chiến chỉ có 1/3. Tao nói mày nghe. Trong một đơn vị tác chiến, những hạ sĩ quan mới là chủ lực, lính là vũ khí thật sự.
- Gì kỳ vậy cha nội?
- Này nhé, lấy đại đội làm chuẩn. Thằng đại đội trưởng như tao hiếm khi trực tiếp tham dự trận đánh, thường là đại đội phó, mà đại đội phó có đụng trận thì dàn trung đội phải ủi trước. Thằng trung đội trưởng thường là chuẩn úy mới ra trường hay thiếu úy, cũng sữa hoặc vừa dứt sữa, xua quân đi thì tiểu đội 1, 2, 3 gì đó đi đầu. Hạ sĩ quan và binh sĩ mới thật sự là cày tan nát đời hoa, chứ quan thì mày thấy đó, người ta nói “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, câu này áp dụng cho cả đơn vị cấp đại đội. Thôi đi thằng em ơi! lính VNCH đánh giặc theo hệ thống quân giai. Tao nè, ba mai là trên cổ áo, tao làm chết bao nhiêu lính biết không? Ý là tao có tướng không sát quân đó nghen.
Cao Hữu Vốn chơi một bi thuốc Lào, chiêu ngụm nước khề khà:
- Bây giờ nhìn hết căn nhà 4 này xem có bao nhiêu sĩ quan, có bao thằng tác chiến, xong rồi hén, càng tò mò mày càng nản. Ngắn và gọn với mày 1 triệu quân là tính từ cao xuống thấp, kiếm 300 ngàn thằng cầm súng là đỏ con mắt rồi, còn lại là câu này làm nhiều người nhột “lính mà đéo phải lính”. Còn nữa nghen, lon lá, huy chương hả, thứ thiệt thì ít, thứ lèo thì nhiều.
Tôi cũng định hỏi anh nhiều thứ, nhưng chưa có cơ hội thì tụi tôi bị đày lên A20, dù chung một nhà nhưng hoàn cảnh ở trại này không cho chúng tôi có dịp tà tà nói chuyện nhà binh.
Tôi là thằng khoái nhà binh nhà biếc này nhưng tiếc một nỗi, ngày tôi bị đẻ ra, ông nội tôi chơi một lá tử vi, phán một câu lạnh xương sống “thằng này Vũ Khúc hãm địa ngộ Tuần, không nên dính líu tới quan trường, số không trận mạc”. Coi có chết không, có lẽ câu này theo ám cả đời tôi như một lời nguyền, thiệt là bực bội.
Thật ra hồi trẻ, rất trẻ, ý là tôi chừng 17, 18 tuổi chi đó tôi khoái đọc sách có dính dáng tới chiến tranh, sử ký. Vô tù những ngày mưa miền Trung, tối tối tù thường có màn kể chuyện, chuyện chưởng, truyện tình, chuyện giang hồ các cái. Thằng ngồi kể thì các đấng nghe cũng phải biết điều trà nước, điếu đóm, được coi là lấy lễ đối với nhau. Tôi cũng có lần ngồi giữa đàn tràng kể “Bố Già” theo bản dịch của Ngọc Thứ Lang, dĩ nhiên là quên đầu quên đuôi gọi là cho có tụ, có người đóm điếu dâng lễ.
Một hôm tôi rù rì với mấy tay nằm kế, trong đó có “ông đại sứ” trung tá Vũ Bội Ngọc, Lâm Sơn Hải, Ngô Bá Nhương về quyển sách “Tôi giết Nguyễn Bình” của Tham mưu trưởng trung đoàn 25 Bình Xuyên Trần Kim Trúc.
Câu chuyện xoay quanh thời kháng Pháp của các lực lượng yêu nước. Khi Nguyễn Bình hay chính danh là Nguyễn Thông Thảo hoặc Nguyễn Phương Thảo, theo lệnh từ Bắc bộ vào Nam, ông đã nhận chức vụ Khu Trưởng Khu 7, khu phó là Bảy Viễn. Từ những đụng chạm trong hành xử với những kháng chiến quân Nam Bộ, tới ảnh hưởng của đệ tam quốc tế cộng sản, lấn sân vào phía Nam, Việt Minh đã dần dà hiện hình giữa những tháng năm lực lượng Bình Xuyên kháng Pháp. Mâu thuẫn nãy sinh từ việc tham quyền cố vị, thanh toán, ám sát Bùi Hữu Phiệt trung đoàn trưởng trung đoàn 25 Bình Xuyên. Nguyễn Bình đã mua cái đầu của Bùi Hữu Phiệt với giá 20.000 tiền Đông Dương, lực lượng Bình Xuyên phối hợp với tướng Trình Minh Thế của Cao Đài tương kế tựu kế phục kích Nguyễn Bình bằng 6 phát đạn, Nguyễn Bình được các cận vệ đưa xuống ghe tháo chạy, nể anh hùng nên Bùi Hữu Phiệt đã không cho bắn bồi khi ghe của Nguyễn Bình lọt ổ phục kích ở bến Lò Đường. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bộ trưởng y tế của Khu Ủy Nam Bộ đã giải phẩu cứu sống Nguyễn Bình. Ân oán này làm Nguyễn Bình căm hận thề phải tiêu diệt Bình Xuyên. Cho đến khi quân đội Nhật bị giải giáp, Việt Minh cho ra đời danh sách trung ương đảng. Với chức vụ Khu trưởng nắm toàn bộ cuộc kháng chiến Nam bộ mà cuối cùng danh sách này không có tên trung tướng Nguyễn Bình.
Để diệt Nguyễn Bình, Lê Duẫn gởi mật thư triệu hồi Nguyễn Bình về Bắc theo hành lang biên giới để gia nhập đảng, nhưng cùng lúc lại thông báo hành trình về Bắc của Nguyễn Bình. Phòng nhì Pháp, Đặc Cảnh Miền Đông và tất cả những ai có ân oán với Nguyễn Bình đều biết rõ ông ta sẽ tới đâu, đang ở đâu. Âm mưu của Việt Minh rõ ràng muốn Nguyễn Bình với danh nghĩa Khu trưởng Khu 7, thống lĩnh toàn phần lực lượng niềm Nam phải chết. Tham mưu trưởng trung đoàn 25 Bình Xuyên Trần Kim Trúc đã bí mật theo chân Nguyễn Bình và mở phiên tòa dưới gốc cây đa tại Phum Sre Pock. Ngày 27-10-1951, giết Nguyễn Bình rửa hận cho tất cả những chiến binh Bình Xuyên nhất là toàn bộ ban tham mưu của Trung đoàn 25 đã bị Nguyễn Bình tiêu diệt, trong cuộc trả thù đẫm máu nhiều hào kiệt Bình Xuyên. Giai đoạn nhiễu nhương nhất của tình trạng đa sứ quân ở miền Nam. Nhưng tin tức trên báo và đài thì Nguyễn Bình bị bắn do lực lượng biên phòng của Pháp ngộ nhận.
Tôi đọc quyển này hàng trăm lần nên nhớ từng chi tiết của nó, dĩ nhiên tôi có chủ đích riêng khi kể chuyện cho đồng bào ta nghe, chắc chắn một điều lúc đó tôi hoàn toàn không nằm gác chân chữ ngủ mà hỏi “đồng bào có nghe rõ không?”
Động trời cái nữa là tôi phải câu giờ cho nó dài như xe lửa để đồng bào quanh khu vực cơm cháo, chè chén cung phụng xứng đáng với một kẻ sĩ cùng đường và đang bị khai thác trí tuệ chứ. Khi tôi cù cưa xong câu chuyện thì Lâm Sơn Hải con trai tướng Lâm Thành Nguyên ý kiến ý cò đầu tiên:

- Xét ra ông Bảy Viễn là khu phó mà vẫn một mực theo tinh thần giang hồ của dân miền Tây khi cư xử với ông Mười Trí. Cái tinh thần đó vẫn tồn tại sau 1975. Biết bao người của giáo phái Hòa Hảo một lòng sống chết theo di nguyện của giáo chủ mà hy sinh.
Tôi biết là họ Lâm đã kính cẩn nghiêng mình trước cái vụ:
Khi Bảy Viễn đăng quang làm khu phó, Mười Trí là chỗ anh em sống chết có nhau tới nhà Bảy Viễn chúc mừng. Ra đón Mười Trí là cô vợ bé xinh như mộng của chú Bảy. Mười Trí chào bằng câu:
- Thưa chị có thằng Bảy ở nhà không?
Khu phó phu nhân hất hàm rất ư là bề trên:
- Chú là ai mà dám hỗn láo gọi khu phó như vậy?
Mười Trí không nói câu gì từ biệt đi về khi biết Bảy Viễn chẳng có ở nhà.
Khi thầy Bảy về nghe đầu đuôi câu chuyện mới hết hồn chạy đi tìm anh Mười phân bua. Mười Trí chẳng những không trả lời trả vốn mà còn sai lâu la, bắt khu phó phu nhân đem ra bờ kinh bắn bỏ. Thầy Bảy im re không dám hở môi khi nghe anh Mười phán một câu:
- Đàn bà xách mé sẽ mất lòng anh em, anh em đã không thuận thì chuyện lớn không xong.
Buổi tối hai anh em Mười Trí và Bảy Viễn nằm trên phản gỗ, thầy Bảy vắt tay trên trán thở dài não nuột, tiếc cho cái của hiếm vừa mất đi. Mười Trí quay sang hỏi:
- Bảy, bộ mày tiếc lắm sao hả?
Bảy Viễn xem ra nhịn hết nỗi chơi một câu rất chi là tính khí anh hùng Bình Xuyên:
- ĐM mày đem nó đi bắn, tao không nói một tiếng, bây giờ thở dài mày cũng không cho.
Cao Hữu Vốn nằm tầng trên xem ra không chịu nổi nên tuột xuống:
- Tao tức cái là sao không bắn Nguyễn Bình cho chết mẹ nó luôn tại bến Lò Đường năm 1947 khi biết Nguyễn Bình muốn lấy đầu Bùi Hữu Phiệt với giá 20.000 bạc Đông Dương. Tại cái tật anh hùng đối anh hùng mà ra nông nỗi.
Tụi mày có biết sau 1975 đầu năm 78 gì đó, một tay có tiếng ở Thốt Nốt bị sư đoàn Tây Đô phơi xác trên lộ 3 ngày không? Dân Hòa Hảo thứ thiệt đó. Cũng kiểu anh hùng nên thiệt thân, không chịu vô cha nó trong Thất Sơn hay Đồng Bà Chiêu, chết oan uổng, cha này là thủ lĩnh đầu tiên của Hòa Hảo tử trận đó, tao nghe vụ này khi nằm ở khám lớn Long Xuyên.
Nghe tới đây tôi nín khe, chuyện này chỉ có tôi và Dũng con trai của ông Bảy Đởm biết mà sao cha nội này rành như vậy?
Huỳnh Phát Đạt chen vào một câu:
- Cuộc chiến hồi đó đâu như bây giờ, tao nhớ lúc đó tao cũng đủ trí khôn đi theo ông Mười Trí hành quân vùng An Điền, Rạch Rít. Cái cách cư xử cùa các tướng lãnh ngày trước đâu có như ngày nay.
Ông thở dài
- Tá với tướng vô tù còn hống hách, ăn trên mặc trước, còn bày đặt có người hầu nữa
Vừa nói ông vừa hất hàm chỉ về phía đại tá Cao Văn Khanh đang nhờ người nằm kề bên giăng mùng dùm.
Từ sau câu chuyện kể cho đồng bào ta nghe, tôi được anh em Hòa Hảo nhìn dưới ánh mắt thân thiện hơn. Tôi thăm hỏi bằng nhiều ngóc ngách để tìm biết ngày xưa tôi lang thang trước làn tên mũi đạn đi ‘cứu lấy quê hương” đó có thực là danh chính ngôn thuận không. Và tôi có một đáp số, đủ mỉm cười một mình không cho ai biết.
Có những tương phản trong vài khuôn mặt của cái xã hội bé con con nhưng qui tụ toàn thành phần mà nhà nước quyết tâm giam cho tới chết. Nhiều khi tôi cũng có chút ngạc nhiên, chắc do một nhận định sai lầm nào chăng? Hoặc giả là theo kiểu bắt lầm hơn tha lầm mà đám công an từng coi như châm ngôn.
Ở đây dĩ nhiên có nhiều lắm những quan to, nhưng nhìn chung chẳng có tầm vóc để mang cái cấp, cái bậc đó. Mà không chừng nền Đệ Nhị Cộng Hòa cũng tìm hết rồi đành phải chấp nhận một sự chọn lựa tương đối trong guồng máy nhân sự vốn đã bị trà trộn nhiều thành phần từ tôn giáo, đảng phái chính trị và thậm chí cả nội gián từ cao xuống thấp. Cho dù không quan tâm điều đó gì lắm, nhưng nó cũng làm đám trẻ chúng tôi nhất là những thằng cả tin vào các đàn anh của mình, mà trót bỏ một tuổi xuân vô tù chỉ vì muốn gom đống tro tàn cũ, làm một chút chuyện cho vong hồn tuổi trẻ khi mất nước. Chẳng phải để tranh giành quyền bính, chẳng phải nhằm tìm một cơ may để mang lon mang lá ngạo với đời. Tội nghiệp cho người trẻ, ngây thơ dễ dụ, bị bắt sống chung trong một hoàn cảnh đáng thương, bỗng một ngày nhận ra mình không nên đặt hết miền tin vào quá khứ để dấn thân.
Rất nhiều những anh ba, anh tư chỉ là một chiến binh bình thường từ hàng ngũ địa phương quân, nghĩa quân. Sau 1975, họ chiêu mộ, qui tập vài anh em cùng chí hướng đứng lên thành lập lực lượng xưng danh ông này ông nọ. Trong cộng đồng này họ bị miệt thị là hám danh, là đầu cơ chính trị, cái nhìn khó chịu từ các anh sĩ quan sống chung nhà, chung đội làm họ bị vây bủa trong cô đơn. Đâu ai thèm biết họ nghĩ gì, cứ căn cứ vào lý lịch cá nhân của họ mà phán xét. Tại đây không thấy bóng dáng dù là mờ mờ của câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, thứ này không có chỗ đứng trong cái nhìn gần như khinh miệt của những người từng có lúc vất súng quăng gươm, sau khi đã “một đời đi giữ nước”. 
Mâu thuẫn sinh ra từ đó, tụi chèo khai thác triệt để mấy thứ này, chúng tìm cách đào sâu cái hố đó. Chỉ cần một tay nào bất kể là ai, bị đám cán gọi lên làm việc là trăm con mắt dò xét nhìn khi họ về nhà về đội, một lần thì chả sao, nhưng nếu 2 hoặc 3 lần nữa thì chắc chắn nhân vật tế thần đó bị dán cho cái nhãn anten. Chuyện như vầy đâu chỉ xảy ra cho vài người mà hình như trại nào cũng có. Nhân vật bị tế thần thường là những tay máu mặt một chút, trình độ một chút, mục tiêu đã được chấm thì chắc chắn lễ tế không sớm thì muộn sẽ bắt đầu.
Lúc còn ở Z30D, đại úy Cao Hữu Vốn là cây đinh của anh em trẻ Hòa Hảo. Khi tới A20, anh cũng bị làm vật tế thần, tụi cán cứ mời anh lên vài lần thì cây đinh Cao Hữu Vốn trở thành cây đinh sét, tụi chèo biết chiêu này chúng sẽ hạ bệ bất cứ ai, đối với cái cộng đồng tù luôn nghi ngờ bất kể trắng hay đen. Thương thay ai cũng biết là vậy, mà nó vẫn có hiệu lực nhất là về lâu về dài, thiệt là đòn thù đáng sợ.
Tai nạn kiểu này cũng đổ xuống đại úy Nguyễn Khắc Quang (Quang què) của Nhảy Dù, hình như anh bị thương ở An Lộc rồi ra khỏi con Diều Hâu. Quang cũng bị tụi chèo ra tay để anh em nghi ngờ cho đến nỗi vài tay trẻ ở nhà 3 phân trại E có lần thượng cẳng chân hạ cẳng tay với anh, chỉ có một tội là giọng nói của anh không rõ ràng thường bị vấp chữ, do thương tật anh đi hơi khập khiễng, với cái dáng đi chấm phết, một bàn tay của anh không nắm lại được, do một mảnh phá còn nguyên phía dưới ngón cái, qua nhân tướng đó anh dễ bị hiểu lầm. Về cá nhân của Quang què tôi không rõ lắm, dù là anh ở chung đội với tôi mấy năm từ E vào B.
 Mà hình như cái hiểu lầm cố ý này nó có từ khi có cái trại tập trung và bành trướng lan từ trại này sang trại khác, chưa chắc A20 là chỗ chấm dứt của nó, cho dù là thời điểm người sĩ quan án tập trung cải tạo cuối cùng đã ra về. Mà biết đâu nó là thật chứ chẳng phải hiểu lầm, bởi tù tội thường khó phán xét qua hành động của một cá nhân trừ phi mình có thiên lý nhãn.
Ngô Văn Ly thì hình như có nhiều ân oán với anh em nhất là lúc ở biệt giam, tôi không rõ ràng lắm những ca thiếu úy Ngô Văn Ly đánh sau lưng người nhà. Nhưng Hải Bầu, Ngọc Đen từng nhắc nhở tôi “Mày nên né tay này”, Vũ Mạnh Dũng cũng từng nhắn nhủ tôi như vậy, nhiều người quan tâm nên tôi rất e dè khi tiếp xúc Ly, vả lại cái tướng mặt thỏ tai chuột, nước da xám ngoét của anh ta cũng dễ làm người khác tránh né. Ly bị thằng Lý lé an ninh kết dính như keo, cứ vài tuần là nó mời anh lên nếu anh không ở trong biệt giam và đeo cái cùm, chẳng biết là uống café không đường hay café sữa, nhưng hậu quả thì khỏi chê. Tôi cho là tụi chèo đem anh tế sống, phe ta nghi ngờ, khoảng cách dần dà xa ra, chính thái độ cư xử của phe ta đẩy Ly đi càng xa đến độ hết thuốc chửa, dĩ nhiên chắc chắn thằng Lý lé sẽ mĩm cười, bởi trong đời công an của nó, nó có biết làm gì hơn ngoài chiêu này. Nghe đâu về sau này, Lý lé lem nhem gì đó bị văng ra khỏi ngành, có anh em ở trại cũ gặp nó lang thang làm thuê ở chợ cầu Ông Lãnh.

2. Hành trang theo mãi phận người
Những anh em bè bạn của tôi ơi ! Một ngày nóng toát mồ hôi giữa Sài Gòn, nhìn bóng nắng chầm chậm bước xuống hàng hiên, chợt nhớ đến những khuôn mặt từng cùng mình đi qua nhục vinh trong hoạn nạn, biết bây giờ người còn là mấy, kẻ chết là bao?

Mấy mươi năm qua còn ai nhớ ai? Tự dưng thấy mắt cay cay, tự dưng thèm có ai đó kề bên để thăm hỏi, để nhắc lại ngày nào giữa đồi đá sỏi, tiếng cuốc gõ vang một vùng rừng núi giữa cái nắng nóng hạ Lào bừng bừng trên thịt da. Có phải chỉ có những người từng đi qua địa ngục mới biết nhớ và đau, như vết cùm vẫn để sẹo một đời không?

Mong một cơn mưa xuống, xua đi những ký ức thập thò làm buồn thêm trong tuổi về chiều, mong một ai đó ngồi với mình trong im lặng nhìn về phía thật xa có những cái không thể nào quên trong phận làm người lỡ đã đi qua tận cùng địa ngục.

Làm sao không nhớ cho được, khi còn ở trại E, trong mùa mưa bão thê lương, Đại úy Nguyễn Thanh Bình may cho tôi cái áo trấn thủ, đại úy BĐQ Nguyễn Văn Học đứng nhìn tôi mặc cái áo lần đầu, anh bảo tôi xoay một vòng cho anh xem tài nghệ của anh Bình Huế, tôi quờ quạng xỏ đôi dép mòn như lưỡi cạo vá bằng dây kẽm, dây bao cát chằng chịt, anh buột mồm “Trời đôi dép của mày đó hả”?

Rồi một hôm, anh kéo tôi ra nhà ăn đưa cho tôi đôi guốc gỗ do đích thân anh lén đóng trong trại mộc, anh đã lựa loại gỗ nhẹ và bền, đôi quai anh may bằng vải áo giáp gấp đôi, anh cẩn thận chơi thêm cái đế bằng cao su bánh xe. Thứ tình đó làm sao quên cho được, đôi guốc tôi mang tới ngày ra về, thằng Phóng giáo dục bắt tôi phải bỏ lại khi hắn trao giấy ra trại cho tôi. Mấy mươi năm sau, anh em tôi liên lạc với nhau, tôi nhắc đôi guốc gỗ anh làm cho, anh chỉ cười. Bây giờ anh Học đã ra đi. Ngày anh mất, tôi cách anh nửa vòng trái đất, tôi chỉ biết gọi tên anh mà thở dài Nếu quay lại sống trong cái tình xưa của mấy mươi năm về trước trong tận cùng khó khăn chắc tình anh em chúng tôi cũng như ngày cũ.

Phó tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng Nguyễn Chí Thiệp, vác bị từ Z30A ra trại Xuân Phước trước tôi mấy ngày, anh nằm ở nhà 3 phân trại E, chung nhà với tôi. Lúc đó tôi nhóc nhi nhưng có đàn anh Vũ Hùng Cương nằm kế bên anh Thiệp, tôi biết và hay lân la học hỏi ở anh từ đó. Nguyễn Chí Thiệp trong cái nhìn của tôi là một người rất đặc biệt, một bộ nhớ kinh thiên động địa, anh có thể nhớ từng ngày tháng của một vấn đề mà anh đang đề cập tới dù nó rất lâu có khi đã hàng chục năm, như vụ Võ Văn Hải chánh văn phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, anh còn biết tường tận thân sinh ông Hải là bạn đồng liêu với ông Diệm, lúc ông Diệm ở Mỹ thì ông Võ Văn Hải ở Pháp và tốt nghiệp kinh tế, cho nên khi cả hai về Việt Nam ông Diệm xem ông Hải như người trong nhà. Tôi học ở anh rất nhiều thứ, từ con người, lịch sử đến cả địa lý, tôi đâm ra sợ cái đầu của cha nội này.
Có lần nghe đại úy Nguyễn Văn Mùi nói về cái xứ chó ăn đá gà ăn muối này, đại úy nhà ta thao thao bất tuyệt từ La Hai, Đồng Tre, Chí Thạnh có bao nhiêu ngóc ngách, anh có thể vẻ bản đồ như một chuyên viên đồ bản thứ thiệt, hóa ra đại úy nhà ta là dân tác chiến 3 niên tại cái xứ trời ơi đất hỡi này, anh ngó sang anh Thiệp:
- Cha nội này hồi đó là Phó Quận Đồng Xuân lúc tui đem quân càn quét khu này, chính anh Thiệp yểm trợ tối đa cho đơn vị tui đó.
Ở chung một nhà với anh được chẳng bao lâu thì ì xèo vụ tờ báo “Hợp Đoàn”. Lý lé đưa anh và một số các đấng máu mặt vào phân trại C, cùng đi với anh nào là Vũ Văn Ánh, Phạm Chí Thành, Linh mục Nguyễn Văn Vàng của vụ Vinh Sơn mà em ông là thiếu tá Nguyễn Văn Viên bị kết án tử hình và một lô văn võ bá quan của nhà 3 lên đường, khiến cho nhà 3 bỗng chốc vắng vẻ từ con số 128 chỉ còn mỗi 80 mạng.
Cho đến năm 1983 tôi từ E vào B thì mấy ông tướng này lại từ C trồi ngược ra B.
Trần Quí Phong ông chủ Hotel Catinat nằm tầng trên, thứ kế là luật sư Trần Danh San, rồi luật sư Nguyễn Hữu Giao, anh Thiệp lại nằm sàn dưới, kế anh là tay bệnh kinh niên ốm như con ma Đoàn Phan Trí, Khổng Hữu Diệu vua bao tử khìa, kế nữa là Vũ Hùng Cương (Cương Còm). Tôi thấy anh nặng nề tình bạn với họ Đoàn và họ Khổng hơn là với hai ông luật sư và dân biểu ở trên.
Trần Danh San khi đọc bản tuyên ngôn nhân quyền trước nhà thờ Đức Bà và bị bắt, vụ này dính dáng ít nhiều tới anh Thiệp, xém chút xíu là anh Thiệp bị còng chung anh San lúc đó rồi. Lúc đầu tôi vẫn tưởng bản tuyên ngôn này là do luật sư Triệu Bá Thiệp nắn nót viết ra, ai có ngờ đâu cha nội Nguyễn Chí Thiệp mới là tác giả phác thảo đầu tiên rồi sau đó anh San mới san định lại. Suốt thời gian sống chung ở trại theo tôi biết con người anh là vậy không so bì với ai và cũng chẳng tâng bốc tên nào hay đè đầu cưỡi cổ một ai.
Anh luôn tìm cách hướng dẫn đám trẻ tụi tôi qua những câu chuyện của một thời Đệ Nhị Cộng Hòa mà anh từng giữ những chức vụ khả dĩ có một hiểu biết tường tận. Đặc biệt với đám trẻ anh luôn san sẻ những gì anh có, từ một cái bánh, một viên kẹo dù đó là lúc cực kỳ đói khát.
Mấy mươi năm sau ngày chia tay ở A20, tôi liên lạc được với anh, anh lại như ông giáo của ngày xưa, dạy tôi từng chút một. Anh trách tôi đã mất công bỏ 6 năm lên thế giới mạng tìm anh em ở chung những trại cũ, rồi lu bu tâm sự cà kê dê ngỗng với tay này tay nọ, mà không dành thời gian viết lách, dù không cho ai thì cũng cho riêng mình. Anh gửi cho tôi cuốn “Trại Kiên Giam”, nhờ một người bạn cầm về trao tận tay tôi, cùng mấy tác phẩm khác, cha nội còn ký tên ghi rõ “bản của em”. Phải nói là Nguyễn Chí Thiệp đối với tôi như ông anh ruột.
Nhớ năm 2010, sau mấy lần bị từ chối visa về Việt Nam, anh được cho phép về một lần thăm cha anh đang đau nặng gần chết. Dĩ nhiên ai cũng biết khi anh viết cuốn “Trại Kiên Giam” một bản án dầy 400 trang là đủ cho việt cộng cắt đường về của anh rồi. Xuống đến Tân Sơn Nhất anh gọi tôi. Nghe tiếng anh, tôi hí hửng:
- Em ra đón anh nghen, có anh Trần Mạnh Tôn mới về nữa.
- Em có khùng không vậy? Lần này tụi nó cấp visa cho anh chắc là có gì đây, không biết chừng nó theo anh khi xuống máy bay rồi, thôi hai đứa tìm cách ra Đà Nẵng gặp anh thì an toàn hơn?
Tôi và lão trung úy Tôn kéo nhau ra Đà Nẵng thăm anh. Nhìn cách anh đón làm tụi tôi ứa nước mắt, nhất là khi nghe tôi và anh Tôn bàn nhau lên đỉnh Bà Nà một chuyến.
- “Hai đứa có đi thì cho anh theo với”
 Trời đàn anh của tụi tôi lại đi xin xỏ đám em, năn nỉ xin theo như một em bé ngay trên chính quê nhà của anh. Rồi anh cứ bộ đồ đang mặc trong nhà như vậy mà đi với bọn tôi, đến nỗi anh Tôn phải năn nỉ anh chờ tụi tôi ghé chợ mua cho anh đôi dép coi cho được một chút, anh chỉ cười “Tụi bay làm gì dữ vậy, có sao đâu” . Trần Mạnh Tôn kéo tay tôi ra nói nhỏ:
- Trời đất cha Thiệp này bình dân đến nỗi tao lạy chả luôn, ở đất địa này ai hỏng biết ổng từng là phó tỉnh, chả mà ăn bận như vầy cùng đi ra đường chắc tao đội vải quá.
- Kệ, tính anh Thiệp xưa nay là vậy, anh đừng làm anh ấy khó chịu.
Nghe tôi bàn ra Trần Mạnh Tôn đành lắc đầu.
Với anh Thiệp, kính anh là người hiểu biết, tôi nể anh thêm khi biết lúc Phật Giáo khiêng bàn thờ xuống đường ở Quảng Nam Đà Nẵng năm 1966, lúc đó anh là phụ tá tỉnh trưởng, quan đầu tỉnh bị nhóm nổi loạn bắt giữ, phó tỉnh thì theo phe nổi loạn. Cả tỉnh như rắn mất đầu. Một mình anh gánh trách nhiệm cho toàn cái xứ Quảng Nam, anh phải đơn thương độc mã dàn xếp với phe làm loạn, để ổn định cho Đà Nẵng. Sau khi tướng Nguyễn Ngọc Loan dẹp xong hỗn loạn Miền Trung, chiến công của người tuổi trẻ mới hơn 30, lọt vào mắt xanh của “phủ đầu rồng”. Từ 1973-1975 anh là Chánh Văn Phòng của Bộ Nội Vụ, tất cả các tờ trình về An Ninh Nội Chính một tay anh soạn thảo qua phê duyệt của Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ trước khi trình lên Tổng Thống. Một bộ quan trọng gần như nắm tất cả quyền lực về nhân sự của cả nước đâu phải đơn giản, nhất là trong giai đoạn đất nước lâm nguy. Vậy mà chuyện này các cha ở tù cùng thời anh không ông nào biết, bởi Nguyễn Chí Thiệp lúc còn trong trại không bao giờ nói về mình, anh là loại người không khoái khoe thành tích. Lần lên Bà Nà tôi và Trần Mạnh Tôn mới thấy hoàn toàn một Nguyễn Chí Thiệp xương thịt ngoài đời và đầy tình nghĩa.
Cái tình nghĩa mà tôi nghĩ chắc anh em bè bạn ở tù chung khó ai bì được. Thiếu tá Koksorl Biên là bạn tù nằm kế anh, khi rời trại anh Biên không đi định cư, anh Thiệp phải nhờ Lê Hữu Ích người mà anh Biên coi như em trai trong tù, liên lạc với anh Biên, khi biết thiếu tá nhà ta đang ở trong một cái chòi tại một đảo nhỏ ở vùng Rạch Giá, anh Thiệp gởi tiền về kêu Lê Hữu Ích ra đảo gấp và bằng cách nào đó cất ngay một căn nhà cho anh Biên, rồi thuốc men các cái gởi về qua họ Lê, bởi cha nội Biên không muốn liên lạc với ai, anh này sống ẩn cư từ ngày rời trại. Đùng một cái anh Thiệp mất liên lạc với Lê Hữu Ích, anh lại nhờ tôi đi một phát xuống Long Xuyên kiếm cho ra thằng Ích, tôi bỏ cả hai năm trời mà thằng dịch vật này không thấy tăm hơi đâu. Có chút xíu tình nghĩa bạn tù mà anh còn như vậy hà huống chi tôi, ngày liên lạc được với tôi qua điện thoại, tôi nghe giọng anh như muốn khóc. Đúng là cha Nguyễn Chí Thiệp.
Mấy năm sau này sức khỏe anh xuống, tai không nghe rõ, trăm thứ bệnh dồn dập, anh bảo tôi thư cho anh thường để anh đọc, đừng bắt anh hồi âm, cho đến gõ bàn phím cũng là một trở ngại với sức khỏe của anh. Anh nói với tôi đừng giận anh nếu thấy anh chỉ trả lời dăm chữ ngắn gọn.
Động trời không? Ông anh của tôi nằm ở vạch 80, may mà tôi còn ngó thấy anh, còn nghe được dăm câu từ anh đã là quí rồi. Tôi cũng không biết ân tình của anh tôi làm cách chi mà trả nữa, tôi mà dám giận anh thì trời sập mẹ xuống rồi.

Trần Mạnh Tôn, cha này có một cái nick name nghe oải chè đậu, cái tên này có từ Suối Máu, khi anh vác balô về A20 thì nó đã dán chần dần trên túi áo của anh rồi Tôn (Lò). Nhưng anh ấy là ông nhà binh mà tôi quí nhất. Ngày đầu tiên gặp lại các anh cựu binh Trại Trừng Giới ở tại nhà anh sau 20 năm lạc nhau, anh ép tôi uống rượu viễn liên, rồi hai anh em cà kê dê ngỗng miết cho tới ngày anh về Việt Nam, anh gom bi từ các đấng đưa tôi xấp quà và rề rề một câu:
-         Tụi anh bàn với nhau cả buổi, mà không biết phải mua cái gì cho thằng ÚT, cha thì nói thôi mua cái chi đặc biệt làm quà cho nó, cha thì kêu hỏi út thích chi thì mua cho nó, bắt tao phải đích thân mang về, mấy cha còn nói nếu thằng út có muốn mang mấy chai rượu thì tao cũng cõng về bằng được. Rồi sau cùng các cha bảo tao, thôi cứ về đi với nó, nó thích mua gì thì nó chọn. Vậy thằng út mày nhớ nghen, sứ mạng cao cả của tao là thay mặt cả gia đình A20 họ ngoại, về đây mang quà của các anh mày. Đó là ân tình của mấy anh luôn nghĩ đến mày đã bỏ mấy năm trời chạy đôn đáo đi kiếm anh em, lại còn cất cái Quán Lá cho anh em có chỗ cà kê nữa.
Đùng một cái anh Nguyễn Chí Thiệp về, sau anh mấy bữa. Anh em tụi tôi ra Đà Nẵng gặp nhau. Kéo qua Lăng Cô cho ông Phó Quảng Nam nhìn biển, Rồi trèo lên Bà Nà những bức hình kỷ niệm đó cha Tôn còn bắt thằng cháu đóng dĩa DVD làm của hồi môn nữa chứ. Nhưng thật sự những thứ đó quá quí hiếm. Bây giờ anh Thiệp, anh Tôn, các anh ông nào cũng già chát, đến tôi còn phải chống gậy huống hồ gì mấy đấng dàn anh.
Với Trần Mạnh Tôn, khi anh em tụi tôi nằm chung từ nhà 3 trại E, là những kỷ niệm không phai, những buổi trưa lúc chờ đi làm, anh em thường thức sớm Tống Phước Hiến (Hiến Huế) là tay nấu nước cho đội 21, đội trưởng là Trung Tá Lương Văn Ngọ của BĐQ, anh Hiến thường lấy đầy cái lò than từ nhà bếp trại chứa trong phần đầu cái vỏ đạn 105 cắt ra, cột ba sợi dây kẽm có quai xách đàng hoàng và treo tòn ten theo thùng nước uống của đội khi ra trại, bởi khi đi lao động không ai được mang theo hột quẹt, Công việc hằng ngày này thiếu úy Cảnh Sát Tống Phước Hiến rất chu đáo, anh xách cái lò than đó bỏ ngay bên cửa ra vào, cho anh em điếu đóm trước buổi đi làm chiều. Cha Tôn là tay pha trò thuộc hạng có cựa nhất, Đỗ Trọng Thư thì nằm tầng trên ngay cửa ra vào, Thư (béo) này cũng là đội trưởng một đội.
 Một trưa, Thư (béo)  làm biếng nằm dài ra đó thò cái đầu xuống cửa ra vào gọi cha Tôn

- Ê Lò mang tới quan cái đóm coi
Tôn nhà ta vác luôn cái bếp di động của lão Hiến bỏ cái rầm lên chỗ Thư béo, phát một câu
- Lò đây thưa quan.
Cái nick name của anh bị Thư béo gọi, anh bèn chơi nguyên lò lửa lên chỗ nằm của chàng béo xém chút xíu cháy cha nó chiếc chiếu. Phải nói là các anh ở Suối Máu về trụ tại nhà 3 làm căn nhà sinh động hơn, Từ Đỗ Văn Trình, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Ngọc Tiên (Tư rè), Phạm Khắc Hiện (Cu Tý) cho tới Bùi Đạt Trung (Điên), Đỗ Đình Hoàng (Xi Cà Que) Nguyễn Sĩ Trí (Sáu Vãnh)… là những nhân vật làm cho cái nhà này có những trận cười bể bụng
Liên tục mấy năm trời lần nào về Việt Nam anh Tôn cũng bắt tôi phải đi với anh chỗ này, chỗ nọ, hết café tới bia, gọi cho mấy lão cựu A20 tới nhà hay ra đâu đó ngồi nhắc chuyện xưa, Nghe thiếu tá Bửu Chí hay Cái Trọng Ty về anh cũng đòi mò tới, kéo Trần Ngọc Ánh (Ánh Huế) , hú Trí Ghẻ tới nhà anh. Nhiều khi tôi ngồi yên nhìn cha nội đón tiếp anh em bè bạn xưa mà ngạc nhiên. Chả sinh hoạt với anh em bình dân giáo dục như chưa hề thay đổi, áo thun, quần tà lỏn, ngồi chồm hổm uống rượu với anh em, chơi tay khỏi cần đũa y chang như hồi còn ở trại cũ.
Cho tới hôm nay nguyên bộ “bản sao hồ sơ binh nghiệp” của anh tôi còn giữ, từ những bức ảnh khi anh mới mang lon trung úy, tới những tài liệu vàng ố đóng trong tập hồ sơ anh đưa hết cho tôi.
- Út à, đây là cuộc đời anh Tôn, anh gởi mày giữ cho anh.
Cha nội làm như sắp đi luôn không về nữa. Đã vậy cha Tôn còn chơi một câu làm tôi thấy thẹn:
Mỗi khi thấy ai ghi cái tên mà trước đó có con chữ A20 là anh nhớ tới út, mày là thằng khai sinh cái này, mày là thằng tạo một sân qui tụ các anh lại, không có thằng út, tụi anh rất khó mà tìm gặp anh em đang khắp nơi trên thế giới. Anh Tôn nói thiệt, tao trân trọng cám ơn mày, đã chơi hết tình với các anh.
Thiệt là hết nói nổi cha nội này. Mấy năm nay chắc anh Tôn mệt mỏi lắm rồi, bôn ba quá nhiều, anh lại là tay xông xáo luôn lo cho anh em.
Nhớ ngày phu nhân của A20 Trần Kim Hải qua đời. Cả đại gia đình Trại Trừng Giới tổ chức tang lễ. Trần Mạnh Tôn lại tới ngày lên phi cơ về Việt Nam. Anh gọi tôi trước khi ra phi trường
- Út à, trước khi đi, anh đã liên lạc với mấy tên bè bạn của anh. tụi nó sẽ thay mặt số đông các anh đến nhang khói tiễn vợ Hải Bầu, em giúp anh vụ này nghen, rồi báo cho anh kết quả khi anh tới Việt Nam.
Đúng là thằng cha lo cái gì cũng tới nơi tới chốn. Xuống tới Tân Sơn Nhất anh gọi tôi tới nhà anh ngay, mang báo cáo tình hình tang lễ của vợ Hải Bầu cho anh xem.
Trời! tôi ở Việt Nam, cái đám tang tuốt mẹ bên Mỹ, tôi chỉ online ghi nhận các cái mà chả làm như tôi là tang chủ không bằng.
Tôi với anh Trần Mạnh Tôn có quá nhiều thứ để nhớ. ngày ở Sa Huỳnh ngồi với anh trên bãi biển, nhắc tới Cái Trọng Ty, đêm trên Mỹ Khê dầm mưa ra quán uống café trong cái lạnh. Rồi gặp lại Trương Văn Giàu là dân kinh 5 mới từ Seattle xách gói về, Anh Giàu lên Trại Trừng Giới năm 1984 trong đợt 112 con nhạn cuốn chiếu từ vườn khóm kinh 5 lên A20, đi chung toán của anh còn có cả Nguyễn Nhung, người tù thế kỷ 32 năm chưa ra khỏi ngục từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, trong vụ cướp ở Caric từ 1952, cho tới ngày tôi rời A20 Tư Nhung vẫn còn ở đó. Anh Tôn, tôi, cha Giàu, có thêm Nguyễn Toại Chí, Nguyễn Văn Trung (Trung lai) từ xóm rẫy Daksong mới về, cả đám anh em đi “kinh lý” khu Bình Thạnh. Đó là những kỷ niệm không sao quên trong những tháng năm sau ngày tù tội với những cựu tù A20, trong một tình cờ như chiêm bao.
Ngày tôi và anh đi với Nguyễn Toại Chí tới thăm thiếu tá Trịnh Tùng. Anh ngồi kể từng cái tên có mặt ở nhà 3 phân trại E, làm quan tư (bà già trầu) chưng hửng
-Trời mày ăn thứ gì mà nhớ dai dữ vậy Tôn?
- Quan tư à, tui còn nhớ thằng Khiết nó nằm chỗ nào trong căn nhà đó. Cái nón vải của anh rách chỗ nào tui vẫn còn nhớ nữa, đừng tưởng bở, tui được đẻ ra để ghi lại những ngày tháng sống chung với các cha mà.
Tôi quá sợ cha nội này, anh Phùng Văn Triển cũng công nhận“Tôn là cái máy thu số một”

Vũ Văn Ánh như con chuột bạch mỏng dính, đứng dựa tường nhà 3 phân trại B, anh mới vừa ra khỏi biệt giam sau một thời gian dài hết biết và bị cùm dã man trong trận đánh không cân sức để bảo vệ anh em qua vụ tờ báo “Hợp Đoàn”.

Tụi tôi, mấy tên khai bệnh nghỉ ở nhà, chạy ra đỡ anh vào, Alpha (danh gọi dành cho anh) ngồi bệt xuống nền xi măng của nhà 4, anh kiệt sức hoàn toàn, nhưng vẫn cố cười trấn an bọn tôi:
- Anh không sao, thiệt tình anh không sao, các cậu yên chí đi.
Đoàn Bá Phụ leo xuống cầu thang, chạy lại sờ tay nắn chân anh:
- Trời tụi nó chơi mày te tua như vầy sao Ánh?
Alpha cười:
- Mày mà không ra cái biệt giam đó trước tao thì cũng te tua như vậy thôi.
Hai cha nội này là những tay bị Lý lé cùm không cần văn bản từ nhiều tháng. Đoàn Bá Phụ ra biệt giam trước. Nhưng theo Vũ Văn Ánh thì tương lai sẽ có một loạt anh em nữa ra khỏi biệt giam, vì anh khăng khăng trước Lý lé tờ “Hợp Đoàn” chỉ mình anh làm, không liên can tới ai, từ A tới Z có mình anh viết bài. Thằng Lý biết anh xạo, Ngô Văn Ly chắc đã khai gì đó nên nó mới hốt một loạt vô biệt giam, nhưng hết cách rồi, tụi nó cùm anh gần 2 năm mà không thêm bớt được lời khai nào nữa.
Tôi không có cơ hội để gần gũi Alpha nhiều, bởi anh cứ ra vô biệt giam như cơm bữa, mỗi lần đi như vậy thì đơn vị tính là vài tháng chứ không như mấy cha khác tính bằng tuần. Tôi biết anh rất dữ dằn trong tranh đấu. Là trung úy quân đội, biệt phái sang ngành truyền thông, anh từng là chủ sự phòng phát thanh và truyền hình đài số 9, chuyên trách bản tin nước ngoài, đi học nhảy dù, làm phóng viên lăn lộn biết bao chiến trường, cả Tổng Thống Thiệu cũng cắt cử anh phải có mặt trong phái đoàn truyền thông cùng ông qua Mỹ năm 1974.
Tôi quí anh qua sự can trường cá nhân của người lính không cầm súng. Anh là người sai phái những chuyên viên mang xe của đài tới Dinh Độc Lập thu hình bản tuyên bố cuối cùng của chính quyền Miền Nam qua lệnh buông súng của Dương Văn Minh. Anh là người rời đài phát thanh sau cùng với chị Yến Tuyết sau khi thiêu hủy một số tài liệu quan trọng. Sự can đảm của người chiến binh không tấc sắt trong tay vào giờ phút mà quan to quan bé đổ xô tìm đường bỏ chạy, đã cho thấy tính cách của anh, trong khi anh có đủ thứ phương tiện của một người cầm nắm vận mệnh một đài phát thanh, một đài truyền hình quốc gia, anh có hàng tỷ cách để ra đi.
Những khi anh có mặt ở đội, tôi thường ngồi nghe anh kể chuyện những ngày anh theo anh em vào rừng, anh lặn lội tìm nơi này chỗ nọ quyết chí làm lại, khi dứt khoát không ra trình diện. Anh đối với đám trẻ tụi tôi như anh em ruột thịt và cư xử rất chi là người lớn.
Hai mươi năm sau ngày chia tay tại A20, lúc tìm nhau trên thế giới mạng tôi liên lạc được với anh, nghĩ là với vị trí của nhà truyền thông như vậy anh có thể giúp chúng tôi tạo một góc nhỏ trên mạng làm nơi qui tụ anh em đã thất lạc sau mấy chục năm, anh thư cho tôi:
“Tao mà làm được, thì có gì phải nói, ba cái vụ internet mấy cậu gánh đi, anh lu bu chết mẹ, thằng nào làm anh hứa sẽ hoan hô hai tay hai chân”
Anh gởi cho tôi một lô số điện thoại của anh em mà anh gặp được ở xứ người. Cha nội Thiết Giáp Trần Kim Hải (Hải bầu) là ông ở gần anh Ánh nhất, mấy ông bắt đầu ò í e với tôi.
Mấy mươi năm rồi, anh vẫn y chang như hồi còn trong trại giam, vẫn cái kiểu cư xử chí tình với anh em, không màu mè hoa lá cành, luôn thẳng thắn, chơi tới bến với đám trẻ tụi tôi.
Hải bầu có lần mắng vốn với tôi:
“Mày coi cha nội Ánh, gặp tao giữa đường, Alpha hỏi tao lúc này ra sao, tao tình thiệt nói là đang thất nghiệp. Alpha móc trong túi ra còn được 70 chục bạc, cha nội cho tao 50 rồi nói, tao hết tiền rồi, gặp mày cứ rách hoài, lần này thôi nghen, đừng có xin tao nữa. Mày coi tao có xin chả đâu, tại chả thấy tao đói mới móc túi cho, còn làm bộ làm tịch nói là cho lần cuối. Mấy tuần sau gặp tao, cũng y chang vậy, cho tiền rồi dặn tao… lần này thôi nghen.”
Lúc đó Vũ Ánh phụ trách tờ Việt Herald, anh ghi lại mấy bài thơ tôi viết cho anh em đăng lên tờ báo đó, còn ca cẩm mùi mẫn nữa chứ. Tôi biết anh thương tôi, không như mấy cha khác, anh vẫn gọi tôi là “Khiết ròm” như ngày còn trong trại.
Đó là lúc Vũ Trọng Khải từ Úc sang Mỹ rồi bày trận nhậu ở nhà Trần Mạnh Tôn (Tôn lò). Anh em tụi tôi nâng ly viễn liên một trận. Ai mà ngờ mấy ông biết tôi online nên kêu cha Tôn gọi đâu gần 20 mạng cựu A20 kéo về chật cứng nhà anh, nào là Trung tá BĐQ Lương Văn Ngọ, Nguyễn Ngọc Tiên (Tư rè) Trương Văn Tám (Tám chùa), L19 Ngô Quốc Việt, Bùi Đạt Trung (Trung điên), ông quận Đôn Luân Đặng Vũ Khoái, khóa 14 BB Hoàng Vũ Duyên…. Còn đèo thêm ông bệnh kinh niên Đoàn Phan Trí nữa chứ. Mấy cha ép tôi uống cho tới khi các ông xỉn hết, còn tôi tỉnh queo, bởi tôi ở Việt Nam chỉ cầm ly trà thay rượu.
Alpha vẫn nặng tình trọng nghĩa, nhớ những thằng em từng đi với anh qua đỗi đường cùng khổ. Anh giải thích với các bạn anh, cái hình tôi đứng chụp trên Hải Vân Quan bên cạnh cái tháp canh xưa, mà một tay phóng lớn cho anh xem.
“Thằng em tao đó, tụi mày coi nó đếch thèm giải ngũ, dù chưa tốt nghiệp trường bộ binh, mấy chục năm mà nó còn đứng được như vầy có đáng nể không? Cái thằng nhỏ nhất trong đám anh em tù của tao, nó là Khiết ròm đó”
Tháng 10-1986 Alpha, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Danh San, Trần Bửu Ngọc, Ngô Văn Ly, Nguyễn Tú Cường, cùng vài đấng máu mặt bị quăng lên xe đưa về trại T20 (Thành Gia Định). Bọn chèo dứt khoát muốn đào tận gốc rễ tờ báo “Hợp Đoàn”. Chính vì thế tại trại giam này, một số các anh được thả từ 1981-82 cũng bị hốt lại, trong đó có mặt những hào kiệt từng làm điêu đứng bọn cai tù ở trại A20, Phạm Đức Nhì, Trần Đức Long, Bùi Đạt Trung, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Chí Thành, Biệt giam khu C1, khu C2 là nơi các đấng bước trên can đảm nhận chịu những đòn thù dã man nhất, vẫn nhất quyết không khai, dù Ngô Văn Ly đã phản phé tìm mọi cách hạ gục những anh em từng cùng hắn bao năm ở Thung Lũng Tử Thần. Tại đây Vũ Ánh đã chứng tỏ sự can đảm và trách nhiệm trước các anh em của mình lúc đương đầu cùng tụi chấp pháp điều tra tại trại này. Đó là chuyện hậu A20, mà chắc chắn nếu còn sống sót và có cơ may, tôi phải viết từng chi tiết qua “khẩu cung” của Trần Kim Hải, người từng một đao một kiếm vào tù lần thứ nhì, sau khi ra khỏi Thung Lũng Tử Thần, anh bị Ngô Văn Ly gài một cú nữa để phải nằm ấp hơn hai niên, chính vụ này ông già Nguyễn Văn Của một chiến binh Hòa Hảo phải bỏ mạng trong trại T20 do bàn tay nhuộm máu của Ngô Văn Ly. Cua sắt Trần Kim Hải (Hải Bầu) lại gặp Alpha tại trại T20, chính anh đã chứng kiến cái lẫm liệt của người tù Vũ Ánh trên gông cùm.
Ngày Alpha đi, tôi nhận tin trên báo Người Việt, tôi buồn lắm, biết bao thăng trầm đã qua, cái tình anh em như cũ, mỗi khi tôi gặp một vấn nạn gì trong quan hệ với anh em bạn tù A20 tôi đều thư vấn kế anh và lão Nguyễn Chí Thiệp, tôi biết Alpha rất quí lão Thiệp hai cha cùng lứa tuổi nhau, cùng nằm biệt giam từ C rồi ra B, chung nhau một thanh thép xỏ cùm, và hai ông đều coi tôi là “thằng út” còn lạc loài nơi cố xứ.

Vĩnh biệt Vũ Ánh

Anh từng hứa về thăm trại cũ
lên đồi vĩnh biệt đốt một nén nhang
sao đành đi lúc chiều chưa tàn
mà khăn gói vẫn đầy nguyên kiếp nạn

Nhớ xưa
dưới cái nóng hạ Lào cháy khô thung lũng
cùm chữ U máu mủ ứa cổ chân
anh hiên ngang gõ sắt mà ca
trên xiềng xích đọc vang bài Bắc Tiến

Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
bây giờ
tờ Hợp Đoàn để lại cho ai?

Vũ Ánh ơi!
trên sàn tù lạnh lẽo
áo lính sờn vai
hơi thuốc thổi bay qua đồi vĩnh biệt
anh khóc cho thằng nằm lại bơ vơ
đã lỡ không được chết dưới cờ
lủi thủi như anh - lên đường ra trận
mười ba năm - nằm gai nếm mật
bây giờ - thôi đã trắng tay thua

Tiễn anh đi
      - mười ba năm tù
      - sáu năm biệt giam
      - ba lát khoai khô
      - cõng mấy hạt cơm gạo mốc
một thời lẫm liệt
trước gông cùm kìm kẹp
còn ai ngồi nhắc, có ai thương ?

Vũ Ánh ơi!
con tằm già chết ở cuối đường tơ
Chí Hoà, T 20, Z30A, A20
những trại thù anh từng qua
lổn ngổn sau lưng
vẫn còn đây bầy xiềng xích
ôi! Trường Sơn có nghe chăng
giữa khuya đau lòng tiếng anh than
chí cả năm xưa - theo tới ngày tàn
trong thiên hạ ai chia bùi xẻ ngọt?

Và lớp lớp người đi - người đi trước
nợ nần gom đầy - chỉ một anh mang
lũ bọ dòi rút rỉa tan hoang
anh vẫn lồm cồm
một thân đứng dậy
mà thôi
hãy quên đi những gì không đáng nhớ
cầm trên tay thanh kiếm gãy năm nào
về lại đây - trở lại đèo cao
đồi vĩnh biệt bạn bè vẫn đợi
cứ múa bút
         - cho ngày đang tới
         - cho Trường Sơn rung lá như xưa
         - cho Trà Bương lúc mưa là mưa
         - cho bút pháp đi vào thiên cổ
nhớ mà chi
một lần qua sông Dịch
lưỡi gươm cùn bỏ lại dưới trăng tan

Vũ Ánh ơi!
bài thơ xưa gởi anh ngày bóng xế
còn trên tay dù đã ố vàng
cứ cầm như - như một nén nhang
tiễn anh đi - dù xa ngàn dặm

A20 nguyễn thanh khiết
15-03-2014
(ngày A20 Vũ Văn Ánh ra đi)

Alpha chết rồi, vậy mà anh vẫn nặng lòng với anh em một thời ở A20. Anh di chúc cho chị Yến Tuyết, (người cộng sự 40 năm trước đã nắm tay anh rời đài phát Thanh Sài Gòn cuối cùng, sau này là vợ anh). Xuất bản quyển “Thung Lũng Tử Thần”, tác phẩm cuối anh viết lúc sinh tiền làm quỹ giúp cho mấy thằng em của anh còn lận đận tại quê nhà. Vũ Ánh đã lấy đi biết bao nước mắt của anh em cựu tù A20, Vũ Ánh chính là "Thằng Chết lo cho Thằng Sống".
Luật sư Vũ Hùng Cương nữa, anh Cương còm của tôi nhận cái trách nhiệm động trời này từ chị Yến Tuyết, lo thu thập tên tuổi mấy thằng te tua, em út của Vũ Ánh và anh, làm cái chuyện thay người chết cúng tế thằng sống, và cứ mỗi năm vào ngày mất của Vũ Ánh anh lại tới trước chân dung Alpha cùng tôi thắp nén nhang online.

Cha nội Vũ Trọng Khải thì khỏi nói, ông này ở chung với tôi từ ngày đầu ra trại Xuân Phước, rồi cùng tôi vác bao, khiêng bị vô phân trại B năm 1983. Anh là người đầu tiên tôi liên lạc được trong số các anh em bè bạn cựu tù, trên một trang mạng nào đó tôi thấy một bức thư của anh gởi trong một diễn đàn có ghi email của anh. Tôi tức tốc thư cho anh, 3 phút sau ông tướng đăng đàn lên Skype gọi tôi, anh em tôi từ ngày đó hết ca cẩm chuyện xưa tích cũ, ôn và tập những liệu pháp để sống còn ở Thung Lũng Tử Thần, tới ba cái linh tinh lang tang của đời sống.
Ở trại cũ anh là tay năng nổ trong đám người khả dĩ gọi là lớn tuổi, nhưng tinh thần thì khỏi chê. Ngày đi với Nguyễn Quang Trình vác đàn hát tù ca trong trại, anh ở tuyến đầu, đốp chát với mấy thằng chèo anh đếch biết sợ là gì, anh có cái nick name mà cựu tù A20 nhắc đến ai cũng nhớ kể cả mấy tay bên đội có án: “Khải Ống Vố”.
Luôn chơi cái pipe thở khói như khói tàu, vậy mà giọng hát của anh thật là tuyệt vời, mấy chục năm sau vẫn truyền cảm không thay đổi, thậm chí còn hay hơn lúc ở tù .
Anh có thằng em kề cận, Lâm Tấn Hoàng, thằng này chung đội với tôi, nó nhỏ hơn tôi và luôn được cha Khải nhắc tới, kể cả lúc anh sống ở Úc, thằng Hoàng nhóc này lại không biết gì về internet, nên mọi thượng vàng hạ cám anh đều sai tôi đi hành quân tới nó. Có lần anh hỏi tôi cặn kẻ về đời sống của Lâm Tấn Hoàng, tôi đành thưa thiệt: “Cùng ra trại với em một ngày 6 tháng sau nó chơi một trận vô rừng nữa, bị hốt thêm 2 năm”. Cha Khải nghe xong chỉ nói một câu “Tụi bây đó, cứ cái tật không nhịn được bộ tui bây tưởng tụi bây còn đủ sức như xưa sao, làm ơn giữ cái thân cho tao nhờ”. Vài ba hôm thì cha Khải lại réo tôi, tôi nhỏ hơn anh ấy mười mấy tuổi mà cha cứ sợ tôi đi trước nên canh kỹ lắm.

Khác với Khải ống vố, Nguyễn Đại Thuật là tay an ninh quân đội mang tới cấp đại úy mà thằng chả vẫn bị anh em gọi là “bà Đầm”. Qua cái tính nhỏ nhẹ rất chi là “Đầm”, lịch sự từng chút, anh ở đội 20 lúc nằm nhà 3 phân trại E, kế bên ông là lão Đoàn Bá Phụ, hai tay sống với nhau như huynh đệ. Cặp ba Khải, Phụ và Thuật còn có Trình nhào vô, thêm thằng Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn sún), bộ năm nhân sự này cũng là một trong những trung tâm bài trừ thẳng tay những thứ phát nguồn từ đám chèo, là một trong những trung tâm vấn kế của đám trẻ tụi tôi, nhất là những thời điểm sóng gió. Trận càn quét của Lý lé làm anh Thuật nằm ấp một dạo, rách như cái mềm, mà “bà Đầm” vẫn tỉnh rụi.
Rồi tan hàng ở A20, anh qua Pháp sống cu ki một mình và làm việc thiện nguyện của Red Cross hay mấy cơ quan quốc tế gì đó, anh đi khắp mọi miền thế giới và chuyên đổ quân những chỗ khỉ ho cò gáy nhất. Vũ Trọng Khải cùng Nguyễn Hưng Đạo, Hoàng Ngọc Thủy (ông tướng này đến Úc đổi tên Hoàng Lập Chí và hiện nay là một trong số những luật sư có tiếng ở Sydney và tham gia nhiều trong cộng đồng người Việt) về Úc định cư. Vậy mà ngày anh Phụ qua đời, anh kéo ông Khải đi từ Úc sang Mỹ dự đám tang, cái chân tình anh em cựu tù với nhau của mấy cha làm đám nhỏ quá nể.
Lúc tôi viết bài thơ “Chia tay giang hồ”, anh thư cho tôi: “Đây là lần đầu tiên trong đời anh Thuật khóc. Trên xe lửa đi về Paris, khi anh đọc bài thơ của em lúc em rời quán lá”
Tôi biết “bà Đầm” rất thương tôi, làm cái chi tôi cũng nói với anh, anh là một trong những lão đại mà tôi quí, cái tình của anh dành cho tôi thể hiện qua những săn sóc nhỏ nhặt nhất, hình như anh vẫn luôn coi tôi bé chút xíu như ngày nào.
Coi, cha nội đi qua Trung Đông thư cho tôi “Anh Thuật biết em thích uống café, ở đây anh thấy có cái lọc café rất đẹp, anh đã mua cho em rồi, mai mốt về Pháp anh sẽ tìm cách gởi cho em”. Động trời cái nữa anh từng nhờ cô cháu đóng chai rượu vang thượng hạng xách tay từ Tây về cho tôi, kèm theo mấy hộp kẹo thượng đẳng. Ai mà không biết thà vác tiền mua mắc một chút chứ qưỡn đâu cầm tay ba thứ này vừa nặng vừa không an toàn. Nhưng tôi biết anh thương tôi đến nỗi chính tay anh mua đồ cho tôi, rồi phải có người cầm tay mang tới cho tôi anh mới vừa lòng. Vậy có chịu nổi không, thiệt là “bà Đầm”.
Nói tới cái vụ quà cáp, cha Khải cũng rứa. Chị Lan vợ anh về Việt Nam, ông tướng đi kiếm mua chục hộp xì gà cho tôi, còn dặn bà vợ cất kỹ đưa cho thằng Út, hành lý đã hết chỗ chứa mà còn bắt bà phải bỏ trong xách tay nữa chứ. Tôi thiệt tình chào thua mấy lão già lẩm cẩm này rồi.
Đâu phải “bà Đầm” chỉ thương mình tôi, mấy tên cựu binh Trại Trừng Giới còn ở lại xứ sở này có bất cứ chuyện chi gay cấn mà “bà Đầm” biết được thì dứt khoát phải để “bà Đầm” giải quyết. Cách đây mấy năm Trí ghẻ chán đời đen bạc, sau khi làm một phát nữa vì nổi máu giang hồ nựng một thằng công an gốc bự, nướng thêm hai năm nằm ấp, Trí nhà ta hết ly tới chén rồi cầm cả chai, uống bất kể sống chết, bất kể hồn thiêng sông núi đang vẫy gọi, uống đến nổi banh ta lông bộ ruột. Ngày tôi lên thăm hắn, Trí ốm nhom như con tép, hắn được cho về mấy bữa thì vết thương bị nhiễm trùng sau khi mổ máu mủ tèm lem, thấy tình hình bệnh nhân te tua quá đỗi bệnh viện bèn yêu cầu mổ lại lần thứ hai. Tôi điếng hồn gọi cho “bà Đầm”, Thuật đại ca đăng đàn gọi viện binh và bảo tôi tức tốc chở Trí vô bệnh viện. Mấy cựu binh đàn em được “bà Đầm” lo lắng nhiều lắm làm sao nhớ hết. từ những tên mang án tập trung hay trọng án ở nhà 1, nhà 2 phân trại E, nhắc anh Thuật thì còn bóp trán cố nhớ, nhưng danh gọi “bà Đầm” thì dứt khoát là một hình bóng không thể quên.
“Bà Đầm” cũng từng kêu tôi qua Tây ở với anh vài tháng, nghe xong tôi lạnh cả ót. Cha nội, thằng em khoái đi giang hồ vặt, qua Tây mà đi với “Bà Đầm” mấy tháng thì tiêu đời thằng nhỏ, mấy đứa bồ bịch của em đâu để em đi xa như vậy. Anh giận tôi khi tôi cứ cù cưa không chịu để anh đưa sang Mỹ dự đại hội thế giới của cựu tù A20, rồi lại hứa với hẹn sang Tây.
Thử nghĩ mà xem, tôi dế chó nhất, khi cùng các anh sống trong những trại tù thê thảm như vậy, cho tới cuối đời mình, đã già muốn chống gậy mà tình các anh vẫn thương và coi tôi như con nít của ngày nào. Làm sao tôi không nhớ, không tiếc , không trân trọng những ngày tháng đã qua sao được.
Mà cũng lạ, những lão tướng đàn anh của tôi, đa số là sĩ quan, nhưng mấy cha đều là những tay từ chối không trình diện sau 30-04-75, cha nào cũng lội vô rừng, đi tiếp con đường mới một nửa của ngày xưa. Có lẽ vì vậy mà mấy anh thương tôi, “thằng nhóc, dế chó nhất, cũng bày đặt vô rừng theo tụi tao”.

Cộng đồng tù nhân ở A20 có đủ binh chủng, có đủ những lực lượng chuyên biệt từ Biệt Cách 81 cho tới Lực Lượng Đặc Biệt, có các B trưởng từng hét ra lửa, một trong những khuôn mặt đó là Thiếu tá Trịnh Tùng, B trưởng B15. Trịnh Tùng (Bà Già Trầu) nhỏ con nhất trong những quan mang cấp thiếu tá ở trại này, nhưng nghe các ông bạn vàng của lão Tùng thì con người chút xíu đó thường mang súng trước ngực và móc súng nhanh như cắt, từng lẫy cò bắn vào chân cố vấn Mỹ, khi hắn tỏ vẻ coi thường lính trong B của ông. Nghe đâu gốc gác Trịnh Tùng chẳng phải vừa, nhưng ông vẫn không đi theo diện H.O sau ngày ra khỏi trại.
Trịnh Tùng sống cà tàng ở quận 3 gần bản doanh Vovinam. Khi Lê Sáng chưởng môn qua đời, ông là người đại diện cho Trại Trừng Giới đến viếng tang chưởng môn Lê Sáng. Lúc quan tư nhà ta đi cùng mấy tên đàn em tới đó, các môn sinh của chưởng môn vừa tạ thế hỏi Trịnh Tùng:
- Xin cho biết các ngài đại diện đơn vị nào của nhà nước đến viếng tang?
Trịnh Tùng ngó quanh thấy nguyên dàn công an sắp hàng trên lối vào, trước mặt là bàn ghi danh các đoàn thể đến viếng, Thiếu tá nhà ta tỉnh như không, xoay qua mấy tên đồng hành:
- Mấy đứa viết dùm anh vào thiệp viếng tang như vầy:
Trại Trừng Giới A20 - đại diện: cựu Thiếu Tá Trịnh Tùng, B trưởng B15 - đến chào vĩnh biệt A20 Lê Sáng
Nghe xong cả quần thần bu quanh trố mắt nhìn quan tư. Có lẽ đám nhóc có mặt ở đây cũng chẳng biết A20 là cái chi, Trại Trừng Giới là chỗ nào, Lê Sáng chưởng môn dính dáng gì cái danh gọi A20 đó. cả bọn cứ nhìn tràng hoa đi điếu ghi mấy chữ chần dần “Gia Đình A20 - Vô Cùng Thương Tiếc” do chính quan tư trịnh trọng mang vào chính điện. Đốt nhang, bái tế xong, quan tư cùng mấy thằng em của quan là những cựu binh của Trại Trừng Giới tà tà đi ra dưới con mắt dò xét của một bầy âm binh trá hình.

Nguyễn Quang Trình “cô Ba”. Chẳng biết ai đặt nick name này cho Trình nhưng quả là đúng y chang. Trình lớn hơn tôi một tuổi, hắn nhỏ nhẹ như giọng con gái, chưa hề mích lòng ai, là Tây Ban Cầm thủ của những lần hát tù ca, Trình không cho tôi gần Ngô Văn Ly, tôi hỏi tại sao, hắn chỉ cười “để mày khỏi bị cùm như tao
Từ trong con người nhỏ nhẹ đó là một ý chí sắt đá, bị cùm te tua, khi về đội hắn như con chuột bạch mà vẫn với nụ cười y chang con gái. Nhưng nếu ai biết về hắn sẽ rất ngạc nhiên, với dáng người như “cô Ba” đó, Trình là võ sư Không Thủ Đạo lừng danh ở Đông Nam Á. Tôi quí hắn với cái tình những thằng trẻ bất chấp hiểm nguy. Định cư ở Úc, Trình mở võ đường cùng vợ, nghe đâu vợ Trình cũng là bậc cao thủ không còn đai nào nữa để lên cấp. Cả hai vợ chồng là giám khảo cho những cuộc thi lên đai bậc cao của khu vực Á Châu. Vì thế Trình có mấy lần nhân chuyến đi làm ông lớn đó, hắn ghé về Việt Nam, lần nào cũng vậy xuống phi trường là hắn gọi tôi. Những ngày tôi chống gậy xuống đường hắn từ Úc điện thoại cho tôi dặn dò các thứ.
- Trời mày tưởng tao nhóc nhi sao Trình?
- À tại tao vẫn nhớ mày nhỏ xíu như hồi đó nên quên, nhưng làm ơn giữ cái mạng mày dùm tao.
Dạo sau này Trình bệnh rất nặng, vậy mà hắn cứ đi đi về về, những lần như thế hắn ghé tôi, hẹn hò với mấy anh em cựu tù ra cái quán nào đó nhắc chuyện xưa. Tôi ở trên tầng 1 vừa là phòng ngủ, vừa làm việc vừa tiếp bè bạn năm châu bốn biển, tôi nhớ Trình phải đứng nghỉ và thở dốc khi leo mới nửa cầu thang. Hắn mệt và đưa tay tôi để tôi dìu lên, hình ảnh nó như sắp ngất đi đã làm tôi sợ hãi, tôi sợ mất nó. Lần cuối hắn hẹn tụi tôi lên thăm người bạn, chưa kịp thực hiện thì hắn trở bệnh lập tức quay về Úc. Nửa tháng sau, anh Vũ Trọng Khải báo tin cho tôi “Trình vào bệnh viện, tình trạng nguy cấp”, hai hôm trước lúc Trình mất, tôi còn liên lạc nhờ anh ấy tới thăm Trình online cho tôi nhìn hắn lần cuối. Bạn bè tôi như vậy bảo sao không nhớ, không thương. Nó là bạn tù, rồi về đời lại là thứ bạn cùng tiếp tục chinh chiến dù đã chống gậy. Nguyễn Quang Trình chết, tôi buồn rơi lệ, một thứ quí hiếm vuột khỏi tầm tay. Với tất cả cựu A20 đã ra đi, tôi có buồn, có nhớ. Nhưng với Trình thì khác, có lẽ trong đời đây là lần đầu tôi rơi nước mắt cho một thằng bạn. Khi chết Trình còn nợ tôi một lời hứa phổ nhạc bài thơ tháng tư của tôi mà hắn thích. Tôi không dám đòi món nợ thiên thu đó, tôi coi như một nén nhang kèm theo bài thơ vĩnh biệt, tôi tiễn Trình đi.   
Vĩnh biệt “Cô Ba”

Bỏ hết mày đi ! mày đã đi !
chưa nói câu nào đã biệt ly
cà phê hẹn hò ! mình tao uống !
tiếc thương mày tao biết nói chi ?

Lứa tụi mình đâu còn mấy mạng
mày tha hương vẫn muốn về đây
gánh sơn hà – cái nợ gió sương
trả hết, trong một lần đứng dậy

Hôm tao xuống đường – từ xa xôi
mày gọi về dặn dò trăm thứ
lâm trận – đã có mày nung chí
tao hiên ngang giữa đám giặc thù

Mày mong một lần cùng tuổi trẻ
chống gậy với tao đi biểu tình
hát vang bài ca ngợi quê hương
bằng trái tim thằng từng ở lính

Mày mong đi thăm lom bằng hữu
một lần để trút hết tình xưa
mày về chi tháng tư – trời nắng?
sao lai đi tháng năm – ngày mưa?

Trình ơi! làm sao quên tù ngục
Phú Khánh nóng ran giữa xà lim
Đồng Xuân lũ về, đêm ướt mưa
cây đàn vỡ – còn ai so phím?

Chỗ này, mày ngồi đọc thơ tao
bàn tay gõ cố tìm cung bậc
Trình ơi! nhắc chi làm thêm nhớ
âm điệu đau mang theo vào đất?

Vĩnh biệt “Cô Ba” ! thôi vĩnh biệt !
ngủ yên đi chí cả bằng không
nhục vinh, thân thế mày đâu cần
cứ coi như vừa qua giấc mộng

Trình hỡi ! Trình ơi! thôi vĩnh biệt
đường trần, thui thủi một mình tao
hận nước, thù nhà đợi kiếp sau
tao, mày lại cùng nhau một dạo

“Cô Ba” ơi ! lệ lăn trên má
tiễn mày đi ! tao tiễn mày đi!

A20 nguyễn thanh khiết
Đêm 06-05-2017
(ngày Nguyễn Quang Trình ra đi)


Ngày tôi ra khỏi trại giam, Vũ Mạnh Dũng đang nằm liệt giường trong bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở Sài Gòn. Tôi tới thăm Dũng, nó cầm tay tôi:
- Tao tiêu rồi, thật sự tiêu rồi.
- Tao chẳng biết phải nói thế nào ngoài một câu, dù gì mày cũng cố giữ sức khỏe.
Nó khóc, những giọt nước mắt tiếc một thời son trẻ đã cùng tôi qua những trại giam, cùng gánh một thứ nạn, cùng mang tuổi xuân dập vùi, nhỏ hơn tôi một tuổi, mà sau lần tai nạn ở trại, nó già đi không thể ngờ. Lúc nó làm đội trưởng một đội xây dựng, cái nhà vách đất mà đội nó đang phá bỏ, còn một mảng tường đứng trơ vơ, lúc nó lùa cả đội chạy ra khi cái tường bắt đầu nghiêng xuống, cây xà ngang đập vào cột sống, nó tàn phế nửa người, trại phát lệnh tha nó về, chấm dứt một đời hảo hán từng vươn vai đứng cùng anh em suốt bao năm hoạn nạn. Tôi nắm tay nó, chỉ biết nắm tay nó không nói được câu nào hơn. Khi tôi về lại Tây Ninh, nó chết, nghe tin tôi chỉ biết cúi đầu.
Tôi có quá nhiều cái để nhớ, nỗi nhớ lộn xộn không theo một thứ tự nào, có khi trời nắng nhớ ngày đứng giữa đỉnh đồi, đội cái nóng hạ Lào chín đỏ hai vai, có lúc ngày mưa thương cho những khuôn mặt chết bụi chết bờ từng cùng mình chịu cái rét căm căm, đói mờ con mắt. Những tình cảm thoáng mất thoáng còn cứ lượn lờ qua năm này tháng nọ. Tôi cũng biết trong anh em, bè bạn có thể có người cũng rớt vào cái nhớ khốn nạn đó, nó đi theo những vết sẹo ở cổ chân, như một thứ chứng nhận từng bị cùm kẹp, từng bị sĩ nhục, từng cắn răng nuốt hận để sống còn.
Tôi căm thù cái nhớ dai của mình, nó làm tôi khó chịu, thậm chí trong giấc ngủ nó cũng mò tới, tiếng cái cùm nghiến trên thanh thép, cơn đau buốt tới đầu khi cái cùm cứa trên vết thương mưng mủ, cái khát chết người trong biệt giam, cả tiếng mớ ngủ của thằng bạn nào đó dưới cơn mưa triền miên đói lả giữa Trường Sơn.
Tôi hận mình nhớ chi những thằng quá tệ, từng sống chung nhiều năm và sống dai như đĩa, nó chiếm ít nhiều khoảng trống trong đầu, lý ra phải dành cho những thằng bè bạn trang lứa ngạo mạn với đời như tôi dám vất cha cái tuổi trẻ làm một cú trái khoái cho mình sau buổi tan quân. Cái nhớ dai khốn nạn đó hành tôi chắc hết cả đời.

Những dòng cuối

Từ 1985 trở đi, sau nhiều đợt thả tù, qua sự can thiệp của các lực lượng nhân quyền trên thế giới đã gây áp lực quá lớn cho cộng sản Việt Nam. Kinh tế xuống trầm trọng, với 10 năm sống chung, dân Việt Nam đặc biệt là miền Nam đã thấy rõ bộ mặt của cộng sản, chuyện ngoài đời làm ảnh hưởng cực lớn trong tù, dù cai ngục cố bằng mọi cách ngăn chận tin tức, nhưng nó vẫn lọt vào bằng trăm vạn cách, trong khó khăn người ta tìm ra cách đưa tin, có khi thấy nó cực kỳ đơn giản mà hiệu quả không ngờ.

Một ngày luật sư Trần Danh San được thăm nuôi, anh bất ngờ nhận được một cục xà bông Camay, thời này loại xà bông như vậy là hàng hiếm rồi, gia đình nói “Thằng Tintin gởi cho ông cục xà bông tắm”

Luật sư nhà ta mang đồ vào trại, cứ lục trong đầu cái tên lạ hoắc trong họ hàng, người quen vẫn không thể nhớ hắn là ai. Sau cùng anh hiểu vấn đề, cắt cục xà bông ra, một lá thư của gia đình cuộn thật nhỏ, mỏng dính đặt sát phần đầu cục xà bông. Lá thư ghi thật tường tận.

 Chính phủ Mỹ can thiệp đưa các Quân Cán Chính của VNCH ra khỏi Việt Nam, có hai chọn lựa. Thả tất cả Tù Chính Trị thì quá nhiều trong số đó nhiều nhất là người từng người ra tòa và có án, phía Việt Nam sẽ lựa chọn án Tập Trung Cải Tạo”.

Vậy là Trần Danh San cùng anh em phe ta xúm lại phần tích bức thư:

Tại Miền Nam con số người bị kết án có thể lên hàng triệu, trong đó chỉ số ít quân, cán, chính tham gia và bị ra tòa có án 5, 10 hay 15 năm , Tất cả sĩ quan trình diện , kể cả những sĩ quan tham gia vào các lực lượng nổi dậy đều mang án tập trung cải tạo, con số dân sự vướng cái án Tập Trung không bao nhiêu. Bứng cái án tập trung cải tạo khỏi “khung hình phạt” tại Việt nam thì sẽ giải quyết vấn đề này.
Với mấy chục triệu dân cộng sản coi như là cải tổ tư pháp, hủy bỏ án tập trung, với thế giới, cộng sản Việt Nam tiến bộ, nhân đạo hơn. Về bang giao với Mỹ, bỏ án Tập Trung thì tự khắc ai mang án này coi như đương nhiên chấm dứt hình phạt, Mỹ sẽ đạt được ý nguyện cứu tất cả quân dân cán chính VNCH ra khỏi tù. Việc phân loại thì hạ hồi phân giải.
Một mũi tên trúng hai con nhạn, một quyết định đạt hai điều kiện.
Và những năm từ 1983-87 có những đợt tha ra khỏi trại, càng về khuya danh sách thả càng nhiều. Và chỉ thả về những người bị kết án Tập Trung Cải Tạo.

Vậy là xong, tôi là chính trị phạm bị kết án Tập trung cải tạo, sớm hay muộn tôi cũng sẽ ra khỏi nhà tù. Nhưng buồn một nỗi tôi lại không muốn BỊ THẢ lúc này.

Về sau này phía chính quyền Mỹ đưa ra một khung lọc lựa, Những quân cán chính, có thể đưa đi định cư tại Mỹ hay một nước thứ ba nào đó phải có đủ các điều kiện:

        - Quân nhân phải là sĩ quan, đang tại nhiệm.
        - Viên chức hành chánh từ cấp quận trở lên và đang tại nhiệm cho tới    30-04-75.
        - Dân chính phải tốt nghiệp hay đang thụ huấn một lớp học hoặc một chương trình do chính phủ Mỹ tài trợ
        - Tất cả phải có thời gian bị việt cộng giam cầm tối thiểu 3 năm

Về sau nữa Mỹ còn bổ sung nhận hồ sơ đi định cư cho gia đình quân cán chính đã chết trong tại tù miễn có 3 năm bị giam tính tới ngày chết, và đương nhiên phải có giấy xác nhận tử vong của trại giam.
               
Diện H.O (Humanitarian Operation) như đã biết, nếu không hội đủ điều kiện đã nêu thì dứt khoát hồ sơ bị loại. Bạn bè tôi biết bao tay mang cấp bậc Chuẩn úy. Khóa 3/73 ra trường Thủ Đức 1974, chưa đủ 18 tháng để tự động lên cấp thiếu úy.

Chuẩn úy thì đi tù không quá 2 năm, đa số tại các thành phố lớn ở miền Nam là 7 ngày hay 15 ngày. Vài tỉnh ở xa, do thời đó chính quyền cộng sản chưa quản lý hết,  mỗi vùng một vua. Thí dụ ở Quảng Trị bạn cùng khóa tôi có khoảng chục anh em bị tù gần hai năm, Tây Ninh thì 10 ngày.
 
Đối với thế giới cấp Chuẩn úy chỉ là “Hạ sĩ quan cao cấp” tụi việt cộng cũng coi là vậy. Bên cạnh đó một số anh em cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, Nghĩa quân, không được xếp vào phân loại này.

Cú này tôi được đu dây ra khỏi tù vì mang án tập trung. Nhưng về các mặt khác thì không dính dáng tới tôi.

Anh em bắt đầu bàn kế hoạch riêng khi ra khỏi tù, chuẩn bị tinh thần đón nhận một ngày mai tươi sáng của mình, đó là cuộc vượt thoát chính thức lần thứ nhì của quân cán chính VNCH sau hơn 10 năm mất nước.

Riêng phần tôi, ở đây là nhà tù nhỏ, bên ngoài là nhà tù lớn, cái chuyện bỏ Án Tập Trung chỉ là chúng đối phó với Mỹ, trong kế hoạch MUA lại những quân cán chính bị giam giữ, về phương diện an ninh tôi vẫn là tù chế độ, ở tù nhỏ hay tù lớn cũng rứa. Tôi không quan tâm đến tiền đồ tương lai, mà tính chuyện ra khỏi đây mình có cơ hội nào nữa không? Hổng lẽ khơi khơi nằm ấp 10 niên rồi về sao?

Ngày 10-10-1987 trại A20, phân trại B, bất ngờ công bố một danh sách phóng thích khỏi trại gần 200 người, gồm 150 sĩ quan trình diện và gần 50 chính trị phạm

Toàn bộ trong cái danh sách đó đều mang án Tập Trung Cải Tạo, tôi có tên trong bảng phong thần này.

Tất cả thu dọn hành trang đi bộ ra phân trại A, vào trung tâm quản lý trại, nhận cái “Giấy Ra Trại”. Trại phát cho mỗi em 40 đồng làm lộ phí, cùng hoàn trả tư trang vật dụng đã giữ lúc đương sự bị bắt giam.

Tôi và một số anh em lần mò ra tới ga Chí Thạnh đón chuyến xe lửa Bắc Nam về Sài Gòn.

Mà trời đất, chuyện trong tù là nơi dễ làm người ta hư hao nhất. Là con bà phước mà tôi giữ 10 niên không phạm một sai lầm nào với tư cách một thằng tù chính trị vậy là quá ngon lành rồi. Cái này phải ngẩng cao mặt cám ơn ba hồn chín vía những anh em đã bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm trong thời gian ở tù chung với tôi, họ đã giúp tôi vượt trên khó khăn tột cùng đó, để bây giờ, mấy mươi năm sau ngày tan hàng ở T 20, Z30D hay A20, tôi vẫn còn được anh em thương và gọi cái tên “Út Khiết”, thằng em nhỏ nhất trong gia đình các cựu tù của hơn 40 năm trước. Còn gì bằng nữa, trong khi có biết bao người đã thân bại danh liệt trong những ngày đi tù, khi về đời gặp lại anh em bị coi như cùi hủi. Hoặc không bao giờ dám ló mặt ra trong những lần có cơ hội nhìn nhau trước khi về đất. Tôi cũng cám ơn tôi đã biết nhẫn nhịn, học được cái hay cái dở của đàn anh, giúp mình ngoi lên và tự nói với mình dù không làm được trò trống chi, nhưng tôi đã có những ngày sống rất hào khí và tự hứa sẽ giữ hào khí đó tới phút cuối đời.

                                                                              A20 Nguyễn Thanh Khiết.
                                                                                                  tháng 5-2020



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét