A20 Trần
Đình Trụ
CHUYỂN TRẠI
Xe chuyển bánh, tấm bạt
phía sau xe đã hạ xuống, chúng tôi chẳng khác gì những người bị bịt mắt được dẫn
đi. Ở trong xe, mọi người vẫn nhìn thấy mặt nhau, nhưng hoàn toàn không quan
sát gì được ở bên ngoài. Trên xe có một tên công an trang bị vũ khí đạn dược ngồi
cạnh tài xế. Chúng tôi ngồi xếp lớp chật ních, không khí trở nên ngột ngạt.
Trong xe có một cái sô để cho chúng tôi tiểu tiện. Ai muốn đi tiểu trong lúc xe
chạy, chỉ cần đứng dậy mượn cái sô chuyền nhau. Người còng chung dù không bị
mót tiểu cũng phải đứng lên khi người kia muốn. Có nghĩa là một người buồn đái
hai người phải đi. Tôi còng chung với một anh mà tôi chua hề biết mặt biết tên,
nhưng anh ta chắc chắn đã biết tôi.
- Tôi với anh không biết
có duyên nợ gì với nhau, mà lại cùng nhau xỏ chung một cái còng như vậy ? Tôi
nhìn anh bạn và nói.
- Tôi hân hạnh được
còng chung với trung tá, anh bạn trả lời.
- Tại sao anh lại nói vậy ? Làm gì còn có trung tá ở chỗ này ? Hay là anh có ý mỉa mai tôi ?
- Vậy tôi xin phép được
gọi bằng anh, thưa anh. Xin anh đừng hiểu lầm , chúng tôi vẫn kính trọng anh
nên xưng hô như vậy, cho dù ở hoàn cảnh nào, mong anh đừng nghĩ lầm về cách
xưng hô của tôi.
- Được vậy tôi cũng ấm lòng, chúng ta đều vì
vợ con mà cùng nhau chịu cảnh ngộ này. Chúng nó không giết mình là được, còn sống
là còn có ngày gặp lại vợ con. Trước đây anh làm việc ở đâu ?
- Tôi là cảnh sát, thẩm sát viên, làm ở Bộ tư
lệnh cảnh sát Saigon. Ở đây tất cả mọi người đều bàn tán về anh và ngưỡng mộ
anh. Anh mang chiếc tầu lớn như vậy về, ai cũng nghĩ là anh có công, thế mà anh
cũng bị như chúng tôi.
- Đối với cộng sản, chúng ta làm sao có công
được, nhất là trước đây chúng ta đã chống cộng, tôi về vì vợ con, chứ đâu phải
về để nghĩ đến việc lập công ?
Chúng tôi nói chuyện trong lúc xe chạy, nhiều
anh em đã ngủ gà ngủ gật vì thấm mệt. Khi mệt mỏi rồi thì ngồi cũng ngủ được.
Xe chòng chành vì đường sóc, thùng nước tiểu được truyền tay qua nhiều người
cũng muốn đầy rồi, thỉnh thoảng gặp cơn sóc, lại tràn ra sàn xe, chúng tôi đã
bắt đầu nếm được mùi vị hôi thối của đời sống với cộng sản.
Đoàn xe chạy đến chiều
thì ngừng bánh, cửa bít bùng được mở, còng được tháo ra. Chúng tôi được lệnh xuống
xe. Đoàn công an mặc quân phục đã đứng dàn dọc theo bên đường, tay mang súng AK, mặt nào cũng nghiêm trang sát khí đằng đằng. Quan sát chung quanh thấy đây
là vùng rừng núi, từng dẫy nhà lá sơ sài hiện ra trước mắt, vị trí nằm trong một
thung lũng, được bao bọc chung quanh là núi.
Trước khi di chuyển
chúng tôi vào những dẫy nhà này, người cán bộ công an giới thiệu:
- Đây là trường học, trường cải tạo lao động
dành cho các anh.
Thật là mỉa mai, và buồn
cười ! Trại tù mà họ gọi là trường học, đi tù gọi là đi học, họ nói một cách tự
nhiên không biết ngượng miệng, không cần biết đến cảm nghĩ của người nghe. Có lẽ
chỉ có Cộng sản mới biết sử dụng ngôn ngữ như vậy, một thứ ngôn ngữ hết sức
quái đản..
Đây là trại tập trung cải tạo Xuân Phước, tức
là trại tù Xuân Phước, thuộc tỉnh
Tuy Hoà.
Trước kia, đây là mật
khu Việt cộng. Dân địa phương sống rải rác xa xa cách trại chừng vài cây số, cô
lập hẳn với chúng tôi. Ở đây chỉ có chúng tôi và bọn công an cai tù. Trại
này mới được thành lập hay nói đúng hơn là chưa chuẩn bị xong, nên nhà còn lợp
bằng lá, vách tường cũng bằng lá luôn, cửa đóng sơ sài không có khoá. Chung
quanh có một lớp hàng rào kẽm gai, bốn vọng gác được dựng lên ở bốn góc để người
gác có thể quan sát được sát hàng rào của trại bên ngoài là các dẫy nhà công an
ở bao bọc chung quanh.
Chúng tôi là những người
mới mẻ, lại đang ở trong thời kỳ chờ đợi chưa biết những gì sẽ xẩy đến, hơn nữa
ai cũng ngây thơ nghĩ là đang thời kỳ học tập, nén chưa ai có ý định trốn trại,
do đó họ đã để cho chúng tôi ở như vậy. Ngay cả cửa phòng giam cũng không cần
khoá, nói đúng hơn, họ chưa có đủ điều kiện để thiết lập những trại giam giữ
kiên cố. Khi Cộng sản mới chiếm được miền Nam, họ chỉ nói đến trường học, chứ
chưa nói đến trại giam. Người miền Nam ngây thơ thật thà nên bị tù rồi mà cứ tưởng
là đi học. Cộng sản gian manh xảo quyệt đã dùng đủ mọi thủ đoạn để lừa bịp người
dân miền Nam.
Tất cả mọi người được
lùa vào những dẫy nhà, hai bên có hai dẫy giường bằng tre ghép lại giống như một
cái sạp dài, mỗi người được phát một chiếc chiếu trải trên sạp, nối tiếp nhau,
mỗi dẫy sạp có 30 chiếc chiếu cho 30 người nằm, trên đầu giường cũng có một dẫy
kệ bằng tre dùng để hành lý cá nhân, giày kẽm gai được giăng dài từ đầu nhà đến
cuối nhà và ở hai bên, dùng để mắc mùng. Chúng tôi mỗi người như nhau, giang
sơn mỗi người chỉ trong phạm vị một chiếc chiếu. Cuộc sống bắt đầu với nếp sống
mới mà Cộng sản đã dành cho chúng tôi mà chúng gọi là NẾP SỐNG VĂN HOÁ MỚI.
Điều cần thiết đối với
tôi là phải quên đi tất cả để đối diện với thực tế trước mắt. Con người ta dù ở
trong hoàn cảnh nào cũng phải biết thích nghi, mới có thể tồn tại được. Chẳng
có gì làm cho tôi hoảng sợ và lo lắng nữa.. Chúng tôi dọn dẹp hành trang gọn
gàng trên kệ tre, sau đó hầu hết đều đã thấm mệt, nằm vật trên sạp ngủ, sau một
cuộc hành trình khá mệt mỏi, tiếng sạp tre kêu kẽo kẹt, một người trở mình nhẹ
cũng làm làm ảnh hưởng đến những người nằm bên cạnh, tuy nhiên chẳng có ai kêu
than gì.
Sáng hôm sau, mọi người
tập trung đông đủ ở hội trường để nghe cán bộ trưởng trại thuyết trình về
chương trình lao động cải tạo. Lại cũng cái băng cassette cũ mở ra , nhưng một
con vẹt khác hót, nội dung y trang cuốn băng trước. Chương trình không nói đến
thời gian, mà chỉ đề cập đến ba bài học tập căn bản về chính trị như ở trại
giam Nha Trang. Trại nào cũng chỉ có ba bài thôi, ở đây có khác là có thực tập
lao động gọi là lao động cải tạo, tên cán bộ trưởng trại nói:
- Chúng tôi có trách
nhiệm giáo dục các anh trong việc học tập cải tạo. Hôm nay bắt đầu, tôi muốn
nói đến nội quy của trại. Gồm có 36 điều nội quy và 20 điều lệnh nếp sống văn
hoá mới. Học xong bài này, các anh phải triệt để tuân theo mệnh lệnh của cán bộ,
chấp hành mọi nội quy quy định của trại, học tập tốt, lao động tốt, rồi sẽ được
về xum họp với gia đình, giản dị chỉ có thế thôi, mong các anh chấp hành tốt.
Điều quan trọng nữa là các anh phải an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối
và chính sách của cách mạng. Chúng tôi có trách nhiệm giáo dục, các anh có
trách nhiệm học tập, chúng ta cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ do cách mạng giao
phó. Trại chúng ta được tổ chức thành ba khu: khu A, khu B và khu C. Cả 3 khu đều
dành cho những người trở về trên chiếc tầu Việt Nam Thương Tín.
Bây giờ tôi mới biết,
khi về đến Nha Trang, chúng tôi được phản tán đi nhiều trại khác nhau để điều
tra, sau đó tất cả đều tập trung ở trại Xuân Phước này. Khu A dành cho những
người có cấp bậc sĩ quan, an ninh tình báo, và nhân viên cảnh sát. Khu B gồm
các Hạ sĩ quan thuộc đủ các quân binh chủng. Và khu C chỉ có các anh em binh sĩ
Hải lục không quân. Mỗi khu được tổ chức thành nhiều đội, chúng gọi là đội lao
động. Mỗi đội có khoảng 30 đến 40 người. Có một tên cán bộ công an phụ trách
trông coi mà chúng gọi là Cán bộ quản giáo.
Sau khi nói tổng quát về
tổ chức nội bộ, tên trưởng trại tiếp tục nói , cũng luận điệu giống y trang những
tên cán bộ ở trại Nha Trang đã nói, Lao động là vinh quang, là làm ra của cải vật
chất, làm giầu cho xã hội v.v. Cuộc sống của chúng tôi bắt đầu được đóng khung
trong kỷ luật thép, từ cách ăn ở, nói năng, xưng hô, lao động v.v. Xưng hô với
công an phải nói: thưa cán bộ, tự xưng là tôi. Thưa cán bộ, tôi làm việc này,
thưa cán bộ tôi làm việc kia v.v. Ăn uống có tiêu chuẩn, có thời khoá biểu hàng
tuần, mỗi ngày thức dậy, đánh răng rửa mặt, tập thể thao, ăn điểm tâm rồi tập họp
đi lao động, trưa về ăn trưa, ăn xong, lao động tiếp, chiều về ăn chiều, tối tập
họp vào phòng. Ở trong phòng phải sinh hoạt kiểm điểm đến khuya, chủ nhật được
nghỉ. Mỗi đội có đội trưởng do chúng lựa chọn trong số các anh em, mà chúng gọi
là Tự quản, có nghĩa là tự mình quản trị lấy mình, chúng đứng sau lưng kiểm
soát và giao mọi công tác lao động và sinh hoạt kiểm điểm cho đội trưởng phụ trách. Giờ kiểm điểm, chúng
thường đứng núp ở ngoài cửa để nghe lén xem chúng tôi sinh hoạt ra làm sao,
phát biểu ý kiến gì ? Ngoài ra chúng còn sử dụng một vài người ở mỗi đội để
giao công tác theo dõi anh em, tình hình sinh hoạt ở trong đội xem có gì phương
hại đến an ninh của trại, chống đối cách mạng v.v. Tổ chức như vậy, chỉ một thời
gian ngắn, chúng đã hoàn toàn nắm vững được tình hình trong trại, từ tư tưởng của
từng người đến hành động, tất cả không qua được mắt họ. Mọi người bắt đầu nghi
kỵ lẫn nhau, không ai dám sống thật với mình, suy nghĩ một đàng, nhưng phải làm
theo đường khác, tất cả trở nên kịch cỡm, sống giả đối, không ai tin ai. Có người
đóng kịch để tránh cho bản thân phải gặp những phiền phức, cũng có người đóng kịch
để mong được khoan hồng sớm trở về với gia đình hoặc có thêm chút đặc quyền đặc
lợi. Tóm lại mọi người đều khoác cho mình một chiếc mặt nạ, chẳng ai có thể hiểu
ai. Cộng sản đã hoàn toàn thành công trong cái mà chúng gọi là giáo dục cải tạo,
bước đầu đã biến con người thật thành người giả chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, dù có nhiều
khó khăn gian khổ, nhưng với ý chí, con người đều có thể vượt qua được. Chúng
tôi đã phải nín thở qua sông, thích ứng với cuộc sống mà chúng gọi là nếp sống
văn hoá mới. Chỗ ở dơ bẩn ngoài sức tưởng tượng, ăn uống theo tiêu chuẩn vô
cùng tồi tệ, sáng một củ khoai, trưa hai củ khoai hoặc vài trái bắp hay củ
khoai mì. Bữa ăn chiều cũng vậy. Thịt thà cá mắm rau cỏ không cần thiết cho bữa
ăn. Hàng ngày ăn uống như vậy rồi thời gian cũng đã quen với chúng tôi. Ăn uống
đói khổ, nhưng mỗi ngày vẫn phải vác cuốc ra đồng ra ruộng để lao động vinh
quang, lao động làm ra của cải vật chất, lao động có chỉ tiêu, có công an vác
súng canh chừng, nên mọi người vẫn phải tích cực lao động, không còn cách nào
khác. Có nghĩa là cộng sản, ngoài việc đã biến chúng tôi thành con người giả, chúng
còn biến chúng tôi thành con vật nữa. Thực vậy, người nông dân mỗi ngày dắt
trâu ra đồng cầy ruộng, khi thấy trâu mệt, người nông dân còn cho nghỉ ngơi, cầy
xong trở về, trâu còn được cho ăn no, dù chỉ là ăn cỏ. Trâu có no, mới có sức để
cầy cho những ngày kế tiếp. Chúng tôi có khác gì đàn trâu, mỗi ngày cũng ra đồng
lao động, nhưng còn khác trâu ở chỗ chỉ được ăn cầm hơi, chứ không được ăn no.
Thời gian rồi những chất bổ dưỡng tích tụ lâu năm trong cơ thể cũng tiêu tan hết.
Làm việc nặng nhọc mà ngày ngày chỉ có củ khoai củ sắn, không ai còn có đủ sức
để nghĩ đến chuyện gì khác ngoài việc nghĩ đến miếng ăn, tất cả trở nên thuần
thục, không ai có thể còn có khả năng chống đối. Đi lao động về, mỗi người chỉ
còn biết nằm vật ra trên chiếc chiếu hôi hám, mùi hôi cũng đã trở nên quen thuộc.
Nằm dài để suy tư, ngay cả hơi sức dùng để nói chuyện với nhau cũng không còn nữa,
bởi vì một lời nói phát ra cũng đòi hỏi phải hao tốn calorie ở trong người.
Cuộc sống như vậy kéo
dài đã được ba tháng, có nghĩa là đã 6 tháng kể từ ngày con tầu thả neo tại Nha
Trang. Sinh hoạt ở trong trại vẫn một ngày như mọi ngày. Trại bắt đầu cho chúng
tôi viết thư liên lạc với gia đình. Bởi vì thời gian thử thách đã qua, điều tra
bằng đủ mọi hình thức cho đến lao động khổ sai, nhưng chúng vẫn chưa tìm được dấu
hiệu nào chứng tỏ có người hay âm mưu của CIA. Thư được viết một tháng một lần,
thư viết phải bỏ ngỏ để chúng đọc trước khi gửi đi, nội dung chỉ được báo tin
khỏe mạnh, an tâm học tập cải tạo, không được nói sự thật với thực tế cuộc sống.
Muốn thư chắc chắn được chuyển về đến gia đình, phải đóng kịch ca tụng cách mạng,
phải viết những gì không đụng chạm đến chúng, phải nói ăn uống no đủ, lao động
thoải mái, chỗ ở sạch sẽ, vui chơi giải trí lành mạnh, sức khỏe dồi dào v.v.
Chúng tôi cũng chỉ mong báo tin cho gia đình biết là mình còn tồn tại để vợ con
yên tâm, can đảm chịu đựng, đối diện với cuộc sống hiện tai. Đó là nghịch cảnh.
Sau lá thư đầu tiên được
gửi đi, tiếp theo là thư hồi đáp, mọi người tạm yên tâm vì đã biết được tin tức
gia đình. Sau đó chúng bắt đầu cho phép gia đình gửi đồ tiếp tế . Có lẽ chúng
đã thấy được với mức độ ăn uống của chúng tôi lại phải lao động nặng nhọc,
chúng tôi sẽ mất khả năng lao động, ảnh hưởng đến mức sản xuất của trại. Nên mới
cho phép tiếp tế để tiếp sức cho chúng tôi có khả năng lao động làm ra của cải
cho trại. Thân nhân được phép gửi 3 ký trong 3 tháng, chưa được phép gặp mặt. 3
ký lô trong 3 tháng tuy ít ỏi, nhưng đa số gia đình cũng đã kiệt quệ, không còn
khả năng tiếp tế, vợ con ở nhà đã không làm ra tiền để nuôi sống bản thân, còn
lấy đâu ra mà tiếp tế.. Do đó chỉ có một số ít nhận được quà tượng trưng. Nhìn
những gói quà giản dị, gói ghém đầy tình nghĩa, chúng tôi đã hiểu được phần nào
cuộc sống của gia đình ở ngoài xã hội hiện tại. Đời sống vật chất đã vậy, tự do
không còn nữa, quyền con người bị tước đoạt, tất cả đã mất hết.
Một năm trôi qua, chúng
tôi cũng đã quen với cảnh sống cùng cực này. Học tập tốt, lao động tốt, hay lao
động lười biếng cũng đều giống nhau. Chúng luôn mở miệng nói học tập tốt, lao động
tốt để sớm được trở về sum họp với gia đình. Nhưng chưa hề có dấu hiệu sum họp
nào. Chương trình lao động vẫn tiếp diễn, đất đai vẫn mỗi ngày một mở mang do
những bàn tay cuốc của chúng tôi, vùng rừng núi hoang vu, dần dần đã biến thành
những cánh đồng khoai lang khoai mỳ bát ngát. Những chiếc bánh vẽ mà chúng đã vẽ
cho chúng tôi ăn, ít nhiều cũng đem đến cho chúng tôi những tia hy vọng, dù chỉ
le lói… Chờ đợi và hy vọng vẫn là lẽ sống để tồn tại. Nhiều người tin tưởng,
đem hết sức lực ra làm việc quên mình để hy vọng được về sớm. Nhưng vẫn chẳng
có tin tức, dấu hiệu chứng tỏ chúng sẽ thả. Tập trung cải tạo có nghĩa là cứ tập
trung ở trong trại giam, thời gian không cần biết, tự trồng ngô khoai để tự
nuôi sống mình, nhà nước cộng sản không hề tốn phí đồng nào. Chúng tôi còn sản
xuất dư thừa để nuôi sống những người cán bộ công an nữa. chúng tôi có làm nhiều
bao nhiêu, nhưng mức ăn vẫn chỉ có tiêu chuẩn nhất định, không phải làm nhiều
mà được ăn no. Ngoài việc lao động sản xuất, chúng còn tổ chức các đội lâm sản,
đội mộc, đội xây dựng, đội gạch, đội chăn nuôi v.v. Hàng ngày đội lâm sản vào rừng
chặt cây, đội gạch xây lò nung gạch ngói, đội mộc làm cửa, đóng bàn ghế, đội
xây dựng xây cất doanh trại. Tất cả chúng tôi mới đây là những chiến sĩ đủ mọi
cấp bậc, đủ mọi quân binh chủng, từ các sĩ quan chỉ huy đến binh sĩ đang cầm
súng diệt cộng, ngày nay bỗng dưng trở thành những người cầm cuốc cầm giao dưới
họng súng của những tên công an cai tù, chúng tôi đã phải tự xây dựng trại để ở,
tự sản xuất để ăn, từ những dẫy nhà lá mong manh lúc đầu, những người tù đã trở
thành những tay thợ chuyên môn để xây cất lên những dẫy nhà khang trang với tường
xây mái ngói,. Thời gian càng lâu, nhà tù càng trở nên kiên cố. Cuộc sống kéo
dài đã được 18 tháng, vẫn chưa có ai được thả… tới một buổi sáng như thường lệ,
chúng tôi sắp hàng lên nhà ăn, ăn điểm tâm trước khi đi lao động. Nói là nhà
ăn, thực ra đây chỉ là một mái tranh che trên một khoảng đất rộng, bên trong kê
những chiếc sạp tre làm bàn, trên đó để mấy thúng khoai lang, khoai mì hay bắp
để chia cho mỗi người một hai củ ăn cầm hơi trước khi vác cuốc ra đồng làm ruộng...
Tại đây nhìn về phía cổng trại, tôi thấy một đoàn xe bít bùng đậu sẵn khoảng 10
chiếc. Tôi hình dung ngay là sắp có đi chuyển nữa. Ăn uống xong, chúng toi trở
về phòng , chuẩn bị túi bị để đi lao động. Đi lao động, thường mỗi người có một
cái túi đeo vai, túi tự may lấy bằng những miếng vải cũ, đủ mầu sắc, mỗi người
may một kiểu, trong đựng cái khăn lau, cục xà bông, chiếc quần lót v.v để sau
khi lao động ra suối tắm rửa giặt giũ trước khi về trại, chẳng khác gì một đám
cái bang ăn mày trong chuyện chưởng của Kim Dung.
Một tên công an bước
vào phòng đọc danh sách những người được chuyển trại, trong đó có tên tôi. Khoảng
120 người gồm các thành phần sĩ quan cấp tá, cấp uý. Sĩ quan thuộc ngành an
ninh tình báo, cảnh sát đặc biệt. Chúng tôi sắp hàng lên xe, những người còn lại
tiếp tục ra sân tập họp để đi lao động.
Lại một đoàn xe bít
bùng. Lại tái diễn cảnh hai người còng chung một cái còng ngồi trên xe. Hình ảnh
này mới xẩy ra lần thứ hai, nhưng cũng đã quen thuộc với tôi. Đoàn xe chuyển
bánh, chẳng ai biết là đi đâu. Cuộc hành trình khá dài. Suốt ngày tay còng, ngồi
xếp lớp, chỉ có đứng lên và ngồi xuống. Buổi trưa xe ngừng ở dưới chân núi,
chúng tôi được xuống xe, mỗi người một ổ bánh mì, ăn xong, tiêu tiểu rồi lên xe
đi tiếp.
Tới tối, xe ngừng ở một
trại giam tại Đà Nẵng. Ăn tối, nghỉ ngơi một đêm ở đây, sáng dậy sớm lên xe chạy
tiếp. Cho đến khi xe chạy qua cầu Hiền Lương, sông Bến Hải tại vĩ tuyến 17, vĩ
tuyến chia đôi hai miền Nam Bắc, đi được một khoảng cách nữa, đoàn xe ngừng
bánh. Chúng tôi lại được xuống xe ăn trưa và tiêu tiểu. Tên trưởng đoàn tập
trung chúng tôi ở bên đường, xa xa có đoàn công an bảo vệ đứng bao quanh. Tên
trưởng đoàn nói:
- Đây là phần đất thuộc
về miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Các anh tạm nghỉ ở đây dùng cơm trưa, vệ sinh cá
nhân, sau đó chúng ta tiếp tục lên đường. Các anh yên tâm. Các anh sẽ được đi
chuyển đến một trại ở miền Bắc để tiếp tục học tập lao động. Ở đó sẽ có nhiều
điều kiện tốt và thuận lợi hơn cho các anh học tập. Sở dĩ các anh phải đi ra miền
Bắc vì Đảng quan tâm đến các anh, vì các anh là những kẻ có tội với nhân dân, sợ
nhân dân trả thù. Ngoài ra trước khi thả các anh về với nhân dân, Đảng cũng phải
giáo dục nhân dân để lòng căm thù nguôi đi, sau đó các anh mới có thể sống với
nhân dân một cách an toàn. Các anh cần phải hiểu điều đó và tiếp tục an tâm cải
tạo.
Thực không thể hiểu được
luận điệu của tên này ! Đúng là luận điệu của kẻ vừa đánh trống vừa ăn cướp. Nhốt
chúng tôi mà nói là bảo vệ, giữ an ninh cho chúng tôi. Mới ở có hai trại, trại
nào cũng có một luận điệu. Một lò đã đào tạo ra những cái máy nói này. Nói cho
cùng, ở hoàn cảnh này, chỉ có nghe mà giả điếc, chúng nói ngang nói ngược, nói
sao cũng được, chân phải họ nói là chân trái cũng đúng có sao đâu ?những điều
vô lý trở thành có lý, những điều khó tin mà lại có thật. Ăn uống xong, chúng
tôi tiếp tục lên xe di chuyển tiếp. Đặc biệt lần này, tay không còn bị còng nữa,
tấm màn bít bùng phía sau xe cũng được vén lên, không khí ngột ngạt trên xe
cũng giảm bớt nhiều. Mọi người có thể nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài. Cảnh xác xơ
tiêu điều dọc theo hai bên đường lộ của miền Bắc và dọc theo các sườn núi cũng
chỉ thấy những nương khoai đồi săn, nhà cửa phố xá, người qua lại cũng như xe cộ
di chuyển gần như không có. Sở dĩ chúng tôi không bị còng , vì miền Bắc họ đã
kiểm soát được, dân miền Bắc được học tập nhồi sọ từ nhỏ đến lớn, từ già đến trẻ,
tất cả mọi người đều trở thành mật báo viên, mỗi khi có người lạ xuất hiện
trong vùng. Họ không sợ chúng tôi trốn, vì biết có trốn cũng khó mà thoát khỏi
mạng lưới của nhân dân, mạng lưới mà chúng gọi là "thiên la địa võng".
Chúng tôi được đưa đến một trại thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, tỉnh mà người cha đẻ của Cộng sản Việt Nam là
Hồ chí Minh ra đời. Trại nằm sâu trong rừng rậm, cách biên giới Lào khoảng 30
cây số, nằm trong một thung lũng bao bọc chung quanh bởi những dẫy núi cao vút,
đưa đến đây để bảo vệ chúng tôi quả thật là an toàn ! Không thể có nơi nào an
toàn hơn được.
A20 Trần Đình Trụ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét