31/3/13

Bái Biệt Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng


Bác sĩ Nguyễn Ý Đức 

Ngày 27 tháng 9 vừa qua, tổ quốc Việt Nam đã mất đi một người con văn võ song toàn. Môn sinh Vovinam Việt võ đạo sẽ muôn đời vắng bóng một người thầy, một đàn anh gương mẫu đáng kính trọng, đáng noi gương.

Thưa quý vị, đó là Võ sư Chưởng môn Vovinam Việt Võ Đạo Lê Sáng. Ông thanh thản không một chút ngậm ngùi ra đi ở tuổi 91.



Võ sư Lê Sáng chào đời tại Hà Nội, trong một căn nhà nhỏ bên bờ Hồ Trúc Bạch vào mùa Thu năm 1920. Lớn lên ông theo học tại các trường công lập quanh vùng. Tới năm 19 tuổi, đang khỏe mạnh thì ông bị bạo bệnh mà khi hồi phục thì đi lại khó khăn. Thân mẫu khuyên ông nên tìm thầy học võ để rèn luyện tâm thân. Cơ may đưa ông tới với Võ sư Nguyễn Lộc, người đang phát triển một môn phái võ thuật riêng kết tinh từ các môn võ, vật Việt Nam mang nhiều nét dân tộc lấy tên là Võ Việt Nam, với tôn chỉ “Học võ không phải để ỷ sức đánh người – mà học võ Việt Nam cốt là để giữ mình, giữ làng và giữ nước.”


27/3/13

Mau Tỉnh Dậy



Cùng một trái tim cùng một giống nòi
Sao chúng tôi không thể cất cao lời phản đối
Khi chúng đến như một bấy lang sói
Bắt anh đi giữa những tiếng reo cười

Cùng một màu da cùng dòng máu đỏ
Sao chúng tôi không hề phẫn nộ
Khi nhìn anh máu đỏ loang dần
Môi nhợt nhạt vẫn buông lời man rợ

Ôi ! Tổ Quốc đã qua bao thống khổ
Vẫn còn đây niềm phẫn hận chưa nguôi
Lửa căm hờn vẫn còn sục sôi
Gieo thảm hoạ xương phơi máu đổ

Mau tỉnh dậy hỡi toàn dân Việt
Hãy cùng nhau xoá hết căm hờn
Cùng nhau dựng lại giang sơn
Cho nòi giống Việt thoát cơn khổ này 

A20 Đoàn Viết Hoạt
06-1977
4C1 – Phan Đăng Lưu
 (Trích tập thơ “Đoá Từ Tâm” xb tại Hoa Kỳ 1999)


24/3/13

CHIẾN-SĨ VÔ DANH.



(Tùy bút chiến trường)

·       Trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam trước họa xâm lăng của Cộng-sản phương Bắc, Quân-Lực VNCH đã có biết bao Anh-Hùng, Liệt-Nữ vị quốc vong thân. Bên cạnh đó… có những sự hy sinh không kém hào hùng ít được nhắc tới, tôi muốn nói đến những người lính không có số quân: “Vợ lính” !
 Lê phi Ô.

   Đúng 02:00 giờ sáng ngày 09 tháng 12 năm 1974, Lính vừa đổi phiên gác thì một ánh chớp cùng tiếng nổ long trời phát ra tại hàng rào hướng tây của Chi-khu, nơi tuyến phòng thủ của một trung đội thuộc Đại-đội chỉ-huy, một trung đội của Đại-đội 3 và tiểu đội thám-báo Tiểu-đoàn. Khói lửa, cát bụi mịt mùng, đặc-công việt cộng đã chui vào hàng rào phòng thủ đặt chất nổ phá hủy nhiều lớp kẻm gai. Lập tức, tổ thám báo của tiểu-đoàn tung nhiều quả lựu đạn vào vùng khói lửa nơi vừa xảy ra tiếng nổ để ngăn chận bọn đặc-công cảm tử địch xông vào.

   Trong ánh chớp kèm tiếng nổ của lựu đạn bóng vài tên VC  chạy ngược trở ra nhưng đã bị khẩu đại-liên trên vọng gác đốn ngã. Những trái sáng tay và của súng cối 81 ly được phóng lên sáng rực bầu trời, tôi gọi Trung-úy Lưu-đức-Thắng (khóa 24/VBĐL) đại-đội trưởng ĐĐ3/344 cẩn thận mặt Bắc, nơi có một ngôi chùa nhỏ sát cạnh hàng rào phòng thủ… đây là đường tiến sát rất thuận lợi cho VC  vì bọn chúng biết lính không bao giờ dám mang súng đạn vào gần chùa dù chỉ để phục kích đêm.  Trung-úy thắng báo đã bắn hạ hai 2 tên địch ngay khi chúng vào tới hàng rào phòng thủ trong cùng… mười phút sau, Thắng cho biết hàng rào đã bị cắt đứt nhiều chổ, lập tức tôi lịnh cho Trung-úy Thời đại- đội trưởng Đại-đội 2/344 đang bố trí quân  tại trại cưa bên ngoài Chi-khu về hướng đông cách Chi-khu 500 thước đưa ngay một trung-đội vào chiếm giữ ngôi chùa nhỏ, trung-đội nầy chạm súng nhẹ và địch bỏ chạy, đây chỉ  là tổ cảnh giới của địch.

20/3/13

Ta vẫn ở lại đây


Ta vẫn ở lại đây
Giữa núi rừng Thanh Hoá
Nơi sông Mã cuồn cuộn chảy về xuôi
Nơi những con muỗi cao cẳng
Vẫn vờn bay trong nắng
Nơi nước uống đục ngầu bùn đất
Và ngô khoai
Vẫn là lương thực cho người

Ta vẫn ở lại đây
Cô lập giữa những người tù hình sự
Không một ai được quyền giúp đỡ
Dù cùng chung cảnh khổ đọa đày.

Họ muốn ta phải hoàn toàn tách biệt
Khỏi thế giới bên ngoài
Không bạn bè không ai thân thích
Không một người cùng chí hướng chung vui
Không sách báo không một nguồn tin tức
Không ngay cả niềm vui nhỏ nhất
Được ăn bát canh nóng mỗi ngày


17/3/13

Vài suy nghĩ về vụ đánh tư sản …



Vài suy nghĩ về vụ đánh tư sản mại bản
trong “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức


A20 Vũ Ánh

Trong trại tù A-20 Xuân Phước, tôi bị nhốt chung với những thành phần bị nhà cầm quyền tiếp quản gọi là tư sản mại bản người Hoa có tầm cỡ như Lý Sen, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên. Trước đó, khi còn bị tập trung ở trại Z-30C Hàm Tân, tôi cũng lại có sống gần một bạn đồng tù mà anh em chúng tôi thường gọi đùa là ông “rùa vàng”, tức cựu thượng nghị sĩ VNCH Hoàng Kim Quy, một thượng nghị sĩ thân chính phủ, nổi tiếng vì hai chuyện: mỗi lần ông Nguyễn Văn Thiệu gặp khủng hoảng chính trị thì phủ Tổng Thống lại lôi ông cùng với những thượng nghị sĩ thân chính phủ khác lên đài truyền thanh và truyền hình để ông nói vài lời bênh vực, thứ đến ông có một người con trai khét tiếng vung tiền trong những chốn ăn chơi tại Saigon.

Bấy lâu nay, báo chí hay sách báo Việt ngữ tại quận Cam ít đề cập gì đến một sự kiện từng làm náo loạn đời sống của toàn bộ dân chúng Miền Nam Việt Nam là chiến dịch X-2 đánh tư sản mại bản, gian thương và cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Phần lớn những bài báo hay những cuốn hồi ký chỉ chú trọng tới chuyện tù cải tạo và vượt biển. Khi tìm nguyên nhân khiến chính quyền VNCH thất bại, phần đông các tác giả chỉ có một lập luận: Miền Nam Việt Nam là một vùng đất tự do, dân chủ, quân đội VNCH là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến, đánh đâu thắng đó nhưng cuối cùng VNCH thua trận vì bị Mỹ bỏ rơi, Dương Văn Minh lên nắm quyền có một ngày rưỡi và “dâng” Miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản nên chúng ta mất phần đất từ vĩ tuyến 17 trở vào. Thật là giản dị và mọi người đều ngủ yên trên những lập luận này trong nhiều thập niên sau chiến tranh.

15/3/13

Một thời lính trận…



Ta từng có một thời làm lính trận
Súng đạn, ba-lô trĩu nặng đôi vai
Tuổi đôi mươi sá gì đời sương gió
Mộng sông hồ cho thỏa chí làm trai

Chắc tay súng nơi tuyến đầu lửa đạn
Ngăn bước thù gieo tang tóc đau thương
Cho quê hương nhà nhà vang tiếng hát
Cho mẹ già, em gái bớt lệ vương.

Rồi từ đấy đi vào miền gió cát
Mảnh chinh y thấm máu bạn, máu thù
Có những lúc dừng quân nơi lũng thấp
Tiễn bạn mình vào chốn nghỉ thiên thu !

Đêm từng đêm dừng quân trên đất địch
Dưới chiến hào đợi giặc lúc trăng lên
Chợt một thoáng mơ về nơi phố thị
Nhớ người yêu ta thầm khẻ gọi tên !

Nhưng quê cũ vẫn một màu tang tóc
Súng đạn quân thù xé nát làng quê
Đất nước đau thương ngập tràn tiếng khóc
Lính trận ra đi mãi bước không về.

Tháng tư đến trong nghẹn ngào uất hận
Em lạc quê người, ta tận rừng sâu
Mình mất nhau khi tàn cơn binh lửa
Lặng cúi đầu… che dấu nỗi thương đau !

A20 Lê phi Ô



CHIẾN-SĨ CA…!



Âm vang tiếng vọng thời trai trẻ,
Bẻ súng lòng đau hận ngất trời.
Quảng-Trị, Bình-Long dòng thác lũ,
Đêm ngủ chập chờn vận nước trôi.

Núi biếc hành quân săn lùng địch,
Rừng sâu vực thẳm vượt Trường-Sơn.
Ghìm súng mắt trừng đêm xung kích,
Chiến lũy, hào sâu xác địch phơi.

Biên trấn hùm thiêng riêng một cõi,
Khe-Sanh sạn đạo diệt tà ma.
Mỗi bước giày saut sông núi gọi,
Đêm kích mơ về phố thị xa.

Em nhớ chờ ta cài mái tóc,
Hoa rừng hái vội lúc dừng quân.
Quà tặng chiến trường hoa Lan ngọc,
Thoảng hương mùa cưới nặng tình xuân.

Lương khô gạo sấy ba-lô nặng,
Poncho nón sắt áo sờn vai.
Xung phong diệt địch trăm trận thắng,
Ngang dọc một thời thỏa chí trai.

Xưa nay chinh chiến mấy ai về…!*
Ngạo nghễ bên trời chiến-sĩ ca.
Nợ nước thù nhà thiên cổ hận,
Một ngày phục quốc chẳng còn xa.

A20 Lê phi Ô
(*Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi)

11/2/13

Những ngày đầu nghiệp lính & Tết Mậu Thân




A20 Kiều Công Cự


Thật ra, Trường Võ bị Đà lạt, từ ngày thành lập tại Mang Cá, Huế (1948) cho đến ngày “tan hàng” (30/4/1975), đã huấn luyện được 35 khóa với 31 khóa chính thức và 3 khóa phụ là:

- Khóa 9 (khóa Đống Đa) : 1/9/1953 – 16/3/1954 với 120 SVSQ.
- Khóa 10 (khóa Cương Quyết) : 19/3/1954 – 1/10/1954 với 360 SVSQ.
- Khóa 11 (khóa Vương Xuân Sĩ) : 1/11/1954 – 11/11/1955 với 200 SVSQ

Ba khóa này không cùng ngày khai giảng và mãn khóa với khóa chính với lý do duy nhất là họ được Trường Võ khoa Thủ Đức gởi lên thụ huấn và ở trong qui chế là Sĩ quan trừ bị.

Riêng khóa 22 là chính khóa nhưng lại là một khóa đặc biệt. Đến cuối năm học thứ nhất, khóa 22 được chia làm 2: 173 SVSQ theo học 2 năm (22 A), chương trình như các khóa trước và 92 SVSQ theo học 4 năm (22 B), cũng như các khoá tiếp theo (23, 24…), được huấn luyện theo chương trình của trường Võ Bị West Point (Hoa Kỳ) và khi mãn khóa được cấp phát văn bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng.

Tôi theo học khóa 2 năm.

Sau khi học khóa 32 Rừng-Núi-Sình-Lầy ở Trung tâm huấn luyện BĐQ/Dục Mỹ về, chúng tôi được các binh chủng, (không có Quân chủng), lên thuyết trình tại nhà H và chọn người. Phải “chen chân” lắm, tôi mới được “lọt” vào danh sách 15/73 người được chọn về cái binh chủng mà người ta vẫn “hù” là “sống hùng, sống mạnh nhưng sống không lâu”. Nhằm nhò gì “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Sợ gì, cứ thế mà tiến lên đi Tám !


10/2/13

Trần Tư, Người tù thầm lặng, bất khuất



Trong khi chúng ta đang chuẩn bị đón xuân sang thì trong nhà tù Việt Cộng có một người tù thầm lặng, hiện đang mang bản án chung thân, phải chuẩn bị đón cái Tết thứ 20 trong ngục tù.

Ông là Trần Tư, nay đã 72 tuổi, một người tù chính trị thuộc Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, bị bắt năm 1993 với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” và nhận bản án chung thân.

Trường hợp của ông Trần tư là một trường hợp khá đặc biệt. Cũng giống như ông Lý Tống, ông Trần Tư đã vượt biên, định cư tại Mỹ nhưng sau đó lại về Việt Nam hoạt động và bị cầm tù. Tuy nhiên có sự khác biệt và kém may mắn ở chỗ là ông Trần Tư chỉ có thẻ thường trú chứ chưa là công dân Hoa Kỳ, cho nên không nhận được sự giúp đỡ của lãnh sự Hoa Kỳ.


THƯ KHÁNG NGHỊ VỀ CHẾ ĐỘ GIAM GIỮ PHẠM NHÂN HIỆN NAY



Trại Nam Hà, ngày 1.4.1994

Kính gửi: Thủ Tướng Chính Phủ
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Đồng Kính Gửi:
– Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
– Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ
(Nhờ Ban Giám Thị Trại Ba Sao, Nam Hà, chuyển giao)

Thưa Quí Vị,

Chúng tôi ký tên dười đây là Đoàn Viết Hoạt, Trần Tư, Lý Tống và Trần Mạnh Quỳnh hiện đang bị giam giữ tại trại giam Ba Sao, Nam Hà. Sau khi đã trải qua nhiều trại giam khác nhau từ Nam ra Bắc (Chí Hòa, Thủ Đức Z30D, Xuân Phước, Nam Hà) chúng tôi nhận thấy chế độ giam giữ phạm nhân hiện nay có nhiều điều không phù hợp các công ước quốc tế về quyền con người, các công pháp và tập tục luật pháp quốc tế, và ngay cả luật pháp Việt Nam hiện nay. Chúng tôi xin gửi đến Quí Vị kháng thư này liên quan đến những vi phạm mà chúng tôi đã thực tế trải qua hoặc trực tiếp biết được.


8/2/13

Chết Tập-Thể Trong Tù Cải-Tạo



A20 Chế-Văn-Thức

Lời nói đầu: Khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) non trẻ của Miền Nam Việt Nam bị sụp đổ bởi sự phản bội của nước bạn đồng minh. Quân cộng miền Bắc tiến chiếm Miền Nam, trên thế giới đã có một nhận định cho rằng: sẽ có cuộc tắm máu xảy ra.

Nhưng không, rút kinh nghiệm của các nước cộng sản anh em và của chính Cộng Sản Việt Nam (CSVN) qua những lần tắm máu, sau khi cướp được chính quyền, bị thế giới lên án nặng nề. Lần này, sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, CSVN không áp dụng thủ đoạn tắm máu mà thi hành chính sách KHÔ MÁU! Đối với Quân Dân Cán Chính VNCH.

Bài viết sau đây, tôi kể lại một chuyện thật, không hư cấu, một trong trăm ngàn sự thật về chính sách đối xử tàn độc của chế độ CSVN với nhân dân Miền Nam Việt Nam! Đề tài khô khan, mong người đọc thông cảm.


Phản Kháng Của Tù Cải Tạo Trong Đêm Noel 1978.

Sau ba năm lao động khổ sai trên vùng rừng núi cao nguyên Lambiang (Lâm Viên) cuối dãy Trường Sơn. Những sĩ quan QLVNCH, người tù chính trị không án, được ngụy trang dưới mỹ từ “cải tạo”, do các đơn vị bộ đội quản lý từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nay vì nhu cầu cuộc chiến xâm chiếm nước láng giềng Cambodia vào cuối năm 1978, bộ đội đã chuyễn chúng tôi trở về trại Suối Máu, Biên Hòa, giao qua ngành công an quản lý.

Tùy tình thân giữa bạn tù với nhau, trong các ngày lễ lớn của bất cứ tôn giáo nào, hay những ngày lễ Quốc Gia, ngày tết Dương Lịch, tết Nguyên Đán, chúng tôi từng nhóm tụ năm tụ bảy hàn huyên tâm sự. Chiều hôm 24 tháng 12 năm 1978, từng nhóm bạn gom góp mỗi người một ít đường, gạo nếp, đốt lửa đó đây dọc theo hè nhà, nấu chè lạc để có bửa ăn chung đón mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Trên vọng gác, công an trông thấy dấu hiệu lạ trong các khu giam tù từ K1, đên các khu K2, K3. Khoảng 7 giờ tối, từng toán công an võ trang vào bên trong tuần tra, hỏi chúng tôi chuyện gì mà tụ tập, chúng tôi giải thích. Toán tuần tra rảo quanh một vòng rồi trở ra ngoài.


7/2/13

Câu chuyện một Ðặc Công hồi chánh



A20 Vũ Ánh

Phải thật là khó khăn và qua khá nhiều thủ tục, tôi mới được gặp người bộ đội Biệt Ðộng Thành tên là Mừng, một trong những người thuộc toán biệt động thành có nhiệm vụ đánh chiếm đài phát thanh Saigon, tức đài phát thanh trung ương của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, vào Ðêm Giao Thừa Tết Mậu Thân 1968.

 Lý do là vì lúc đó anh ta đang bị giam giữ tại căn cứ 40, một trong những chi nhánh khai thác các tù binh phiến cộng của Hoa Kỳ tại gần trường đua Phú Thọ vào ngày mồng 3 Tết.

Trụ sở Ðài Phát Thanh Saigon tại số 3 đường Phan Ðình Phùng, góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Ðình Phùng, bị sập 2/3 sau đêm giao tranh giữa lực lượng Nhảy Dù và lực lượng Biệt Ðộng Thành do Mừng chỉ huy, chỉ còn lại văn phòng tổng giám đốc và thư viện. Chúng tôi, những phóng viên và biên tập viên cần thiết được di tản lên làm việc tại Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre, nơi có một đài phát thanh phòng hờ khi đài trung ương bị nguy hiểm, do bị sập bởi Việt Cộng tấn công hay đảo chánh.


2/2/13

NỤ CƯỜI CỦA TĂNG NGỌC HIẾU (*)


A20 Phạm Đức Nhì

Lúc mới đến Trại Trừng Giới A20 tôi với anh Tăng Ngọc Hiếu tuy khác đội nhưng cùng ở nhà 3. Cả hai đều ở tầng trên; tôi nằm cách anh 5, 6 người; tuy gần…mà xa. Cả tháng chỉ nhìn nhau chứ không ai nói với ai câu nào. Sau khi điểm danh đóng cửa phòng anh Hiếu ngồi ra mép ngoài tầng trên, chân xếp bằng, mắt đeo kính cận, thả hồn về một cõi xa xăm. Mặt anh lúc nào cũng nghiêm và buồn, lại thêm đôi kính cận dầy cộm nên trông khó đăm đăm. Tôi có cảm tưởng như anh đang bị bệnh táo bón kinh niên. (Sau này mới biết hoàn cảnh gia đình anh thật đáng…lo đến táo bón. Năm 1975 lúc anh đi tù gia cảnh một vợ 6 đứa con, 3 trai, 3 gái; đứa con gái lớn nhất sinh năm 1968, mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới tượng hình còn nằm trong bụng mẹ, mãi đầu năm 1976 mới chào đời)

7/11/12

Trại Kiên Giam - Phần cuối




Những nhận xét về
Hồi Ký
TRẠI KIÊN GIAM
của
Nguyễn Chí Thiệp


Trại Kiên Giam có giọng văn điềm tĩnh, không căm thù, nhiều tính ghi nhận về các sự kiện trong đời ông và xã hội giai đoạn này, trong đó có nhiều hoàn cảnh tan vỡ và cảm động khi nhiều người trong gia đình và bạn thời Trung Học của ông hoạt động cho Cộng sản. Có nhiều suy nghĩ và phê phán chính xác về các chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Cộng sản. Có những nhận xét sâu sắc về các nguyên nhân sụp đổ của chế độ Sài Gòn và hướng suy tàn tất nhiên của chủ nghĩa Cộng sản …
Đây là tác phẩm xuất sắc, cần được trân trọng trong mọi tủ sách gia đình.
(Giao Điểm số 91)

Tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, nhân viên cao cấp VNCH, tù nhân cải tạo - Nguyễn Chí Thiệp thật đủ điều kiện để viết hồi ký cải tạo với cái nhìn rộng hơn nhiều người khác …
… theo ghi nhận của nhiều người đây là một tập hồi ký cải tạo giá trị, không giống với nhiều tập chỉ kể khổ và sự tôn vinh đã từng xuất hiện.
(Văn Học số 75)

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 20



 
Chương Hai Mươi

Tình cờ trước khi đi, tôi gặp một số bạn của thời trung học. Đặng Thao đến thăm tôi tận nhà. Cha của Thao là một giáo sư Việt văn của một trường trung học tư thục. Thao ngồi sát tôi, Thao làm thơ và đưa cho tôi đọc. Tôi không làm được thơ nhưng rất thích đọc thơ. Tôi khâm phục và yêu mến thi sĩ, họ là người được Thượng Đế ưu đãi cho một tâm hồn nhậy bén, phong phú và khả năng diễn tả làm rung động lòng người. Từ chỗ thơ, tôi được Thao cho mượn nhiều truyện đọc và có hôm Thao đưa cho tôi đọc cuốn ”Bàn Về Vấn Đề Thanh Niên” của Lénine, một số bài thơ của Tố Hữu và thỉnh thoảng lại một tác phẩm khác của các nhà lãnh đạo Cộng sản, một tuyển tập của Mao Trạch Đông. Thuở còn bé được đọc lén những tác phẩm của Cộng sản quả là thích thú và nhiều xúc cảm. Sau khi đưa tôi đọc. Thao hỏi ý kiến tôi về những vấn đề liên hệ trong sách, tôi trả lời Thao là tôi thấy điều Lénine và Mao Trạch Đông viết đáng suy nghĩ nhưng với tôi, Cộng sản luôn có một giới hạn mà tôi không vượt qua được. Cái giới hạn đó hình thành trong tôi không phải bằng lý trí mà bằng tình cảm, bằng những kỷ niệm ăn sâu vào ký ức của tôi lúc còn thật bé chưa cắp sách đến trường ở quê tôi làng Thanh Quít. Tôi kể cho Đặng Thao nghe về những điều tôi thấy lúc bé và tôi thù người Pháp, khinh người Việt Nam theo Pháp và ghét Việt Minh. Từ đó, giữa tôi và Thao có giới hạn- Thao không thuyết phục tôi nữa. Năm 1966, tôi được tin Đặng Thao vào khu khi đang học Sư Phạm Huế. Đầu năm 1976, Thao đến thăm tôi tại nhà, lúc đó, Thao là Trưởng Ban Chấp Pháp Quận Gò-Vấp, biết tôi trốn trình diện, Thao khuyên tôi cố tránh đừng để bị bắt, và theo Thao thời gian qua rồi mọi việc sẽ xóa hết và tôi có thể trở lại đời sống bình thường. Tôi biết Thao đến thăm tôi để hàm ý xác nhận với tôi là Thao đúng và tôi sai, hoặc Thao là kẻ chiến thắng và tôi là kẻ chiến bại. Ngay lúc đó tôi biết Thao là cán bộ Cộng sản nhưng chưa hiểu biết hết chế độ vì đối với Cộng sản không có việc thời gian sẽ xóa hết, vì theo lý thuyết Cộng sản, họ đấu tranh không khoan nhượng đối với kẻ thù, đã là kẻ thù của họ, họ sẽ đuổi tận giết tuyệt hay câu thúc mãi mãi trong nhà tù cải tạo, chỉ có khi nào chế độ đó bị loại bỏ thì mới xóa được.