21/1/11

Những Cơn Mưa Đầu Hạ !


A20 Nguyễn Tú Cường

( * Cho tất cả những người thương yêu của tôi !)

  Thân mến đến quí anh Tiên Tư Rè, còn có bí danh là 6 doights nữa ạ ! làm sao TC có thể quên được anh với Victor /TVL được ạ???

 Xin chân thành vô vàn cám ơn 2 anh đã nhắc lại những đoạn đường mang nhiều hình ảnh sót sa, mà mình đã có với nhau trong những năm tháng thư hùng với bão tố....!!! Tất cả giờ đây chỉ còn là những dấu vết kỷ niệm của vui buồn để mình biết trân quí với nhau hôm nay !!!! Cho phép TC được kính gửi lời chào làm quen đến qúi gia đình 2 anh. Thân chúc qúi anh luôn được vui mạnh và an lành, cùng chân cứng đá mềm với cuộc chiến mới còn vô vàn khó khăn! 

 TC thật sự đã nhập cuộc - làm chim tung cánh, bay khắp trời từ hơn 10 năm nay, không một lúc nào ngừng nghỉ, có lẽ anh Nguyễn Ngọc Chuyên ở Seattle cũng đã nghe từ Hồng Bơ dưới San Diego mấy năm nay? Không ngoài 1 khát vọng là phải tìm ra con đường nào có được cái "găng tay bằng sắt " để mà bẻ nanh con sói giặc Hồ. Do sự thôi thúc từ lời thề đối với tất cả các hương linh Anh Hùng đã nằm xuống cho mình còn sống đến ngày hôm nay. Dù rằng tuổi đời của TC nay cũng đã gần 6 bó rưỡi rồi, có mệt mỏi đến đâu đi nữa, thì cũng phải " Cố Gắng - Cố Gắng, Tìm Vũ Khí Sát Cộng" cho đến lúc nào được gục ngã quị xuống thì mới tròn lời thề với Tổ Quốc mà thôi !!! 

 Cám ơn anh Tiên thật nhiều đã nhắc lại hết tất cả những đoạn đường khổ sai của chúng ta đã không hề hẹn mà luôn luôn lại cứ gặp gỡ nhau - nhân đây, nhằm để đặc biệt tặng riêng đến anh Tiên Tư Rè và bạn Victor TVL cùng tất cả qúi chiến hữu A.20XP 1 câu truyện ngắn của Trường Giang NTC đã ghi lại được lần chót gặp anh Tiên Tư Rè và Bùi Đạt Trung tại LT. 4 Phan Đăng Lưu....vào năm 1987. Đã cách nay đúng 23 năm:


 Đúng vào lúc khi tôi vừa mới mở hộp thư ra đọc được những dòng thư của người em tinh thần kết nghĩa trên con đường viễn xứ đấu tranh, thì bên ngoài trời cũng vừa bắt đầu đổ ập cơn mưa đầu mùa hạ xuống,  nó đã thật vô tình lôi tôi trở về với quá khứ xa xưa nữa........ dù thật ra tôi đang cố muốn vùi quên, muốn vùi quên đi tất cả vào dĩ vãng....! Nhưng giờ đây khổ thay, làm sao tôi có thể quên được  khi đọc đến những dòng chữ này:     ".....Lạ thật đó anh, thế giới nầy thật là nhỏ. Nhà của anh ở đường Lam Sơn bây giờ là khách sạn Lam Sơn. Trước "giải phóng" em nhớ không lầm là tại đường Lam Sơn có ông bác sĩ Lâm Văn Thạch.  Ông ấy ở xéo đầu ngõ nhà anh. Đầu đường Lam Sơn có ông bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhuận nữa.  Cách con hẻm nhà anh là nhà của ông Phúc. Ở trước nhà ông ấy hình như có trồng 3 cây dừa thì phải?  Trường Đạt Đức nằm bên kia đường Lam Sơn. Ái cha, còn nhiều nữa anh có muốn biết không?  Em đã sống suốt 26 năm ở nơi ấy cho đến ngày em vượt biên đi Mỹ.  Em ở tuốt phía trong nên chỉ biết rất ít về những người ở Lam Sơn. Có lẻ hỏi lần ra thì mới nhớ.  Vì lúc đó em còn quá nhỏ nên không biết nhiều.  Sau giải phóng nhà anh bị tịch thu giao lại cho ông chủ tịch phường nào đó thì phải. Thì ra là ở VN anh và em không cách xa nhau là mấy....!!"      

KHÓC ANH NGUYỄN HỮU NGHỀ



Nhận  được tin anh vừa nằm xuống
Nghe lòng tê dại nhói cơn đau
Kỷ niệm xưa vụt về trí tưởng
Của một thời khốn khố cùng nhau

A.20 toàn quỉ khát máu
Chốn đọa đày còn nhớ rõ anh
Dù chúng có cố tình lấp dấu
Cũng không bịt miệng được dân lành

Thương anh năm tháng nào nhẫn nhục
Cùng bạn bè dãi nắng dầm sương
Đã chia nhau từng muỗng mắm đục
Đến lát khoai đói lả đoạn trường

Anh lặng lẽ bên tình chiến hữu
Không một lần phản bội quay lưng
Như lũ thú nô hèn ngọ sửu
Vì tham sống phải vẫy đuôi mừng

Nghĩa khí đó vô vàn trân quí
Để hôm nay bè bạn khóc anh
Chồng oán hận lên bầy ác quỉ
Đã cướp đi bao tuổi mộng xanh

Chừ anh đã nghìn thu an giấc
Trả áo bào lại nợ núi sông
Có nghe chăng đây ngàn tiếng nấc
Chúng tôi còn thương tiếc trong lòng

Anh Nguyễn Hữu Nghề ngủ yên nhé
Xin đừng quên phù hộ chúng tôi
Phải tìm ra ẩn số Đất Mẹ
Để Quê Hương mới được phục hồi

Ngàn năm ôi thôi đành vĩnh biệt
Thay súng chào bằng những vần thơ
Kính cẩn phân ưu cùng thân thiết
Để tiễn anh về cõi xa mờ

Ngủ yên nha anh – ngủ đi anh !
Ngủ đi anh ! Vâng, ngủ đi anh !


Trường Giang – Nguyễn Tú Cường
8/8/2010 


Bài viết của Võ Sư Lê Sáng


Võ sư Lê Sáng



ÐƯA VÕ ÐẠO VÀO HỌC ÐƯỜNG


Vấn đề đưa võ đạo vào học đường được coi như một vấn đề mới lạ, đối với sinh hoạt học đường.

Sự cảm nhận tiên khởi này, chính là do thói quen thành kiến lâu đời của chúng ta: Văn, Võ phải biệt lập, và được coi như là hai ngành sinh hoạt khác nhau. Tỉ dụ như thời Nguyễn, những khoa thi Võ Tiến Sĩ không có điều kiện ràng buộc nào cho các thí sinh vể điểm có biết chử hay không; cũng như những khoa thi trường (thi Hương, thi Hội, thi Ðình) đều không có ràng buộc nào cho các thí sinh về điểm có biết võ hay không. Ngoại trừ thời Trần và thời Lê. Thời Trần, sự cưỡng bách võ học được áp dụng chung cho cả công chúa, phi tần và văn quan, và thời Lê áp dụng chung cho các chức quan cai trị cả văn lẫn võ từ tứ phẩm trở xuống phải học thi Minh Kinh Khoa gồm cả kinh sử và võ thuật.
Như vậy, vấn đề đưa võ đạo vào học đường, nếu có mới lạ, chỉ là do thói quen và thành kiến từ thời hậu Nguyễn đến nay, chớ không phải là thói quen lâu đời suốt trong mọi thời của Việt Sử.
VIỆT VÕ ÐẠO VÀ TIỀN VIỆT VÕ ÐẠO


Nguyễn Tú Cường



Kính Chào Quí Anh Em Cựu Tù A.20 Xuân Phước,

Vừa mới nhận biết từ anh Nguyễn Đại Thuật bên Pháp cho hay là đã có 1 trang blog của Thung Lũng Tử Thần Xuân Phước - Nên, Trường Giang Nguyễn Tú Cường, vội xin mạn phép được vào để có lời kính chào đến tất cả quí niên trưởng, và tất cả quí chiến hữu đồng cảnh, đã có 1 thời mang đầy những dấu tích kỷ niệm sống và chết cho bản bi hùng ca mất nước ngày ấy của chúng ta - bằng 1 bài thơ mà Trường Giang Nguyễn Tú Cường đã vẫn còn  trăn trở thao thức hơn 19 năm qua, để kính tặng đến tất cả qúi anh em A.20 Xuân Phước, và coi như  là 1 thủ tục để ra mắt chào lại sân chơi kỷ niệm với quí anh em chiến hữu bằng tất cả tấm lòng trân quí nhất của Nguyễn Tú Cường hôm nay:

 
TA ĐI
 
Ta đi xách nặng hành trang quá!
Mang cả một đời nợ nước non.
Công cha nghiã mẹ chưa đền trả.
Ơn thầy, bạn cũ cũng không còn,
 
Ta đi ôm hết mảng hờn tủi
Của cả đất trời thuở rụng rơi,
Để mong khép lại ngàn tăm tối,
Dẫu biết tim mình chẳng hề vui.
 
Ta đi vuốt mặt thẹn thùng lắm,
Thanh kiếm gãy còn dấu đem theo,
Lửa thù còn cháy mầu đỏ thắm,
Miệng cố héo cười với sói beo !
 
Ta đi vội vã như chạy trốn
Một cuộc cờ chơi lắm lọc lừa
Biết bao xương máu vào hao tổn
Gồm đứa thắng cười lẫn kẻ thua.
 
Ta đi chẳng biết về đâu nữa.
Phó mặc theo dòng đời viễn du
Sót sa thương mẹ hiền tựa cửa
Đếm hết lá vàng rụng cuối thu.
 
Ta đi tựa cánh buồm gặp gió,
Căng phồng trái mộng thật tròn no,
Mà nghe kỷ niệm từng ngọn cỏ,
Ướt sũng sương rơi chẳng hẹn hò.
 
Ta đi bỏ lại thời niên thiếu,
Vô vàn công đức biển thương yêu,
Nào đâu cả dám đành bất hiếu !
Dẫu bố mẹ chừ đã tịch liêu,
 
Ta đi có hứa cùng bè bạn,
Nhất định quay về một sớm mai,
Khó nguy đến mấy tầng ngao ngán
Cũng phải ra tay lật ván bài.
 
Ta đi viết lại giòng sử mới
Hát bản trường ca Tổ Quốc ơi !
Biên cương ngả bóng hoàng hôn đợi
Vó ngựa chập chùng nhớ trăng soi.
 
Ta đi lặng lẽ tìm hào kiệt.
Để biết  vàng thau, ở thị trường
Gian nan thử lửa đều rõ nét !
Thật, giả, đâu cần đến huy chương!
 
Ta đi gặp gỡ người với thú !
Lẫn lộn trắng đen giữa bạn, thù.
Nhờ đêm mới thấy ngàn tinh tú !
Thắp sáng niềm tin khỏi mộng du! 
 
Ta đi chất nghẹn bầu tâm sự
Chẳng có rượu đào lúc tiễn đưa
Vẫn  say khướt mướt đầy tình tự !
Khiến những vần thơ chan chứa mưa !
 
Ta đi mới đó mà thoáng chốc !
Râu bạc phong trần, kiếp lênh đênh !
Dọc ngang bương trải từng ngõ hốc.
Mười chín  năm thật quá vô tình !
 
Ta đi gánh nặng tình sông nước !
Nên chẳng khát thèm những lợi danh,
Hồn thiêng có thấu thì soi bước:
Dẫn lối cho mưu đại nghĩa thành.
 
Ta đi khập khễnh, sầu vô tận,
Nếm đủ vị mùi chốn phù vân,
Vẫn chưa đo hết cơn địa chấn
Mấy độ rung rinh thế cuộc vần?
 
Ta đi - đi mãi thành lạc lõng,
Chẳng thấy đồng hành ở cuối sông,
Vẫy tay chỉ dấu cùng chung bóng
Nối gót cha ông gõ trống đồng!
 
Ta đi giữa chợ đời nô lệ,
Tìm chuộc lại người em gái quê,
Chẳng hay ai bán tàn nhẫn thế ?
Thượng Đế giả vờ ngủ, chán ghê !
 
Ta đi rảo hết vào tứ hướng
Tận sức vá hàn vết đau thương.
Để xem nhân thế còn lý tưởng.
Ai muốn quay về cứu quê hương?
 
Ta đi gõ cửa từng chiến hữu,
Ước vọng một lần bước chung đôi
Khát khao cạn cốc bầu thi tửu
Bởi lẽ thương thay một kiếp người.
 
Ta đi hẹn nữa, ngày mai sáng,
Mai sáng chớ ngồi hứng hoa rơi !
Mặc cho cơn sốt đời mê sảng !
Tổ Quốc đâu rồi, Tổ Quốc ơi !??!
 
Trường Giang - Nguyễn Tú Cường



Huế trong tranh Dương Phước Luyến



Bình phong Long Mã*
màu hoàng thổ
trường cũ bóng chiều nhịp thở trong tranh
thu phai sắc Huế vàng Ấn tượng
vàng một Vương Triều
nhạc ngựa phiêu diêu
màu nước kiêu sa nắng vàng thuở ấy
góc Khiêm Lăng nét cọ phôi pha
màu nắng chiều xưa
tảng màu tương phản
mắt Huế diệu kỳ**
ẩn một trời giông
những trái ngô đồng một thời trẻ dại
những tượng đài nâu màu lịch sử u sầu
ngược giòng cố thổ đêm trăng núi
Em với trăng đầy một bến sông
trong tranh chuyển một thời luân lạc
Em ngắm đời trôi Phượng Hoàng thành
Hạc vàng đổi sắc
trăng Công Chúa
nàng về trong tranh
người Họa Sĩ lưu vong
hôm kia khoát nước lên cầu cũ
ướt vạt áo dài lạnh nhũ hoa
thức trắng tìm Em mờ biển phố
gió Kỳ Đài áo lụa ai bay
gió bay làm nón che nghiêng mắt
Trời vào Thu Phượng ngủ trong tranh
tiêu điều sông lạnh xanh bờ vắng
giọt lệ vàng khô lem hạt màu
những ai giày mỏi chưa về kịp
vọng tiếng đàn
Nhị-Nguyệt hương trầm
khúc Trường Lưu Thuỷ
khúc Trăng Oán
rớt xuống gam màu hạt Luyến sương

Cái Trọng Ty


*** tên một bức họa của DPL



Hợp Ðoàn: tờ báo chui trong tại tù Xuân Phước


A20 Vũ Ánh

(Kỳ I)
Friday, May 12, 2006

Trong tác phẩm Trại Kiên Giam, tác giả Nguyễn Chí Thiệp có viết đến việc hình thành và thực hiện tờ báo “chui” đầu tiên trại Kiên Giam Xuân Phước A-20 là tờ Hợp Ðoàn vào năm 1981. Tuy nhiên, vì khi tác giả viết tác phẩm này thì còn nhiều anh em cộng tác vẫn còn kẹt ở Việt Nam nên ông không thể nói ra được nhiều chi tiết. Nay đã đến lúc cần công bố những chi tiết liên quan đến tờ Hợp Ðoàn. Thật ra, tôi cũng không có ý định nhắc lại những kỷ niệm này, những kỷ niệm mà thời gian đó nếu bị phát giác, chúng tôi sẽ phải trả giá bằng cái đầu của mình. Nhưng gần đây khi xem Phòng Triển Lãm Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa, nhìn thấy trưng bày những bộ quần áo tù mà có một thời gian khá dài chúng tôi từng phải mặc, nên chợt nhớ lại và muốn viết lại kỷ niệm này.

Nguyễn Hưng Ðạo: cựu tù, nhà tranh đấu và chủ tiệm fish chip


A20 Vũ Ánh

Tuesday, November 07, 2006

An Pha


Tôi đến thủ đô Ba Lan để tường thuật Hội Nghị Warszawa 2006 về Quyền Công Nhân và yểm trợ Công Ðoàn Ðộc Lập mới thành lập trong nước sớm hơn nhiều người khác. Do đó, tôi có dịp theo Ðinh Trung Nghệ, một thổ công của đất Ba Lan và là thành viên trong ban tổ chức, ra phi trường vào buổi tối Thứ Ba để đón các anh em đến từ Úc. Họ phải vượt qua 25 giờ bay để đến “điểm hẹn”. Nhìn vào danh sách tôi thấy phái đoàn Úc có ba người: Bùi Trọng Cường, Nguyễn Hưng Ðạo Nguyễn Ðình Hùng. Tôi ngờ ngợ đối với người có tên Nguyễn Hưng Ðạo trong danh sách, vì trong nhóm anh em chúng tôi hoạt động bí mật cho việc hình thành tờ Hợp Ðoàn trong trại giam A-20, có một Nguyễn Hưng Ðạo, cựu Hải Quân Trung Úy. Ðạo bị đưa về trại trừng giới A-20 vì anh cũng bị liệt vào danh sách những người “không thể cải tạo” được cùng với rất nhiều anh em cựu sĩ quan thuộc nhiều binh chủng khác nhau.


Tuy còn trẻ, nhưng Nguyễn Hưng Ðạo là người trầm mặc ít nói, ít có những hành động chống đối vặt vãnh. Thời gian những năm đầu thập niên 1980, trại A-20 là một địa ngục trần gian đối với những người tù cải tạo, thứ nhất vì bài bản đàn áp tinh thần một cách thâm độc của những cán bộ an ninh vừa đi học ở Liên Xô về, và thứ hai là cái đói. Cái đói ở trại A-20 Xuân Phước là một trạng thái vật chất khiến cho người tù nằm giữa sự sống và cái chết. Người tù có thể nhìn thấy những thớ thịt của mình teo dần đi mỗi ngày. Trong hoàn cảnh đó, Ðạo bình thản, thong dong và ít khi thấy anh quơ quào rau rác ngoài bãi lao động. Anh truyền bá cách ngồi thiền và điều tức hơi thở cho anh em vì theo anh ngồi thiền có thể giúp chúng ta vượt qua được cơn khốn quẫn. Khi tôi chuẩn bị ra tờ Hợp Ðoàn, tôi dự định mời anh cộng tác, nhưng nghĩ tôi và anh chưa đủ thân nên lại thôi. Thế rồi một buổi tối, chúng tôi ngồi hút thuốc lào với nhau, Nguyễn Hưng Ðạo nói: “Ông cẩn thận, bọn ăng ten ngầm trong này không phải loại vừa đâu. Tôi sẽ gởi bài qua Nhì”. Bài gởi đều không có tên tác giả và chỉ dùng mật mã nên cho tới nay tôi cũng không nhớ bài nào trong tất cả 5 số báo Hợp Ðoàn là bài của Nguyễn Hưng Ðạo.


Tôi và Ðinh Trung Nghệ chờ Bùi Trọng Cường và Nguyễn Hưng Ðạo khá lâu, có lẽ vì việc kiểm tra di trú và chuyển hành lý từ máy bay vào trong dây chuyền hành lý tại Phi Trường Quốc Tế Warszawa luộm thuộm, nhân viên di trú và thuế quan lại không thông thạo Anh ngữ. Nhưng khi thấy hai người Việt Nam đẩy hành lý ra khỏi cổng ngoài, tôi nhận ra ngay Nguyễn Hưng Ðạo. Ðạo không già đi bao nhiêu, tóc chỉ hơi nhuốm bạc. Khi Ðạo bắt tay tôi, tôi hiểu anh chưa mường tượng ra người bạn tù của mình cho đến khi chúng tôi ngồi trên xe để về khách sạn. Nguyễn Hưng Ðạo nói: “Hình như ông là An Pha phải không. Xin lỗi tôi không nhận ra ông, chỉ ngờ ngợ nên chưa dám nhận”. Cái bắt tay lần này chặt hơn, lâu hơn. Ðạo nói: “Tôi đọc bài trên Người Việt Online thấy ký tên ông nhưng vẫn ngờ ngợ, vì người trùng tên nhau là thường, cho đến khi tôi đọc được một bài ông đề cập đến trại A-20 mới chắc ông là An Pha”.


Sau bữa cơm tối, chúng tôi gặp nhau để hàn huyên. Nguyễn Hưng Ðạo cho biết sau khi được thả ra khỏi trại vào cuối 1982, anh chỉ sống ở ngoài cái xã hội tan nát của Sài Gòn một thời gian ngắn thì vượt biển và đến được bến bờ. Nguyễn Hưng Ðạo vượt biên không tốn một đồng xu vì lúc đó khả năng của một cựu Hải Quân Trung Úy đã trở thành “vàng” đối với những chủ tàu tổ chức đưa người ra nước ngoài. Nguyễn Hưng Ðạo đã đưa con tàu nhỏ với hơn một trăm người đến được Galang an toàn. Tôi hỏi: “Sao không đến Mỹ mà chọn Úc”. Ðạo nói: “Chọn mẹ gì được. Tôi sống ở trại tị nạn trong sự nôn nóng. Thấy phái đoàn Úc nhận là tôi đi ngay. Vả lại tôi có người thân bên Úc”.


Nguyễn Hưng Ðạo định cư tại Brisbane, lập gia đình và sinh sống bằng công việc bán fish chip, một món ăn thông dụng ở Úc, cho những tiệm của người Úc. Cuộc sống cũng dễ thở, dù công việc rất vất vả. Khi cả hai vợ chồng anh dành dụm được một số tiền và nhân biết một tiệm fish chip của người bản xứ đóng cửa, hai vợ chồng anh sang lại và gây dựng thành một tiệm fish-chip khá nổi tiếng hiện nay ở thành phố này. Ðạo nói: “Tiệm cũ đóng cửa vì bán buôn ế ẩm. Tôi đánh liều, sang lại. Tôi hiểu rằng món fish chip ở Úc cũng như ở Anh làm khá thô sơ, không gia vị. Tôi nghiên cứu, pha chế thêm gia vị Á Châu vào khiến fish chip thơm hơn và hợp khẩu vị hơn. Do đó khách hàng cả Úc lẫn Việt đến tiệm tôi ngày một đông. Sau đó vợ chồng tôi đưa thêm món phở, cơm tấm, gỏi cuốn, chả giò. Người Úc rất thích gỏi cuốn, chả giò. Nhưng điểm chính khiến quán tôi thu hút được nhiều khách Úc là vì tôi làm đúng tiêu chuẩn vệ sinh, kể cả cách trình bày món ăn, bàn ghế, trang hoàng nội thất. Nghĩa là quán bán món ăn truyền thống Việt-Úc nhưng theo tiêu chuẩn dòng chính”. “Như vậy là ông giàu rồi phải không”. Ðạo cười: “Tụi tôi chỉ có một con nên đời sống tương đối dễ thở, làm gì có chuyện giàu có. Nước Úc là nơi chế độ trợ cấp xã hội khá cao, nhưng nếu chỉ sống với chế độ đó, chúng ta sẽ không làm gì hơn được ngoài tiêu chuẩn sống đã được định sẵn. Cho nên, tôi chọn con đường khác khi mới tới Úc, đó là làm việc tự lực cánh sinh”.


Ngoài công việc ở tiệm fish chip, Nguyễn Hưng Ðạo quan tâm tới những hoạt động cho việc đòi hỏi nhân quyền và tự do cho Việt Nam, nhưng không phải với một thái độ cực đoan. Anh cho rằng, khi đã cực đoan, người ta sẽ đánh mất sự thuần lý, một điều kiện rất cần thiết cho bất cứ cuộc tranh đấu nào. Ngoài ra, sự cực đoan theo quan điểm của anh, sẽ làm cho một người tranh đấu mất đi sự rung động của trái tim. Không có sự rung động của con tim, nhà tranh đấu sẽ không có chất liệu nuôi dưỡng sự kiên trì và niềm tin lâu dài.


Chuyến đi Ba Lan, với tôi là một chuyến đi vất vả vì những bất ngờ xảy ra trong việc gởi tin, hình ảnh vì mạng lưới Internet của Ba Lan vẫn còn trong tình trạng chậm tiến. Tuy nhiên, cũng tại Ba Lan, tôi gặp lại được nhiều bạn tù và lớp đàn anh trong các trại tù Cộng Sản trước đây ở Việt Nam, làm quen được với lớp trẻ, từng một thời là con cưng của chế độ Cộng Sản nhưng đã từ bỏ thẻ đảng và đứng lên, cùng nhau ngồi giữa đại sảnh của Quốc Hội Ba Lan để tìm một đường lối trợ giúp Công Ðoàn Ðộc Lập ở trong nước. Tôi không phải là thành viên của hội nghị mà chỉ là người đến để tìm hiểu và tường thuật hội nghị. Ðiều quan trọng mà tôi nhìn thấy là mọi phương tiện di chuyển và ăn ở đều do các thành viên tự túc, hội nghị không được bảo trợ bởi bất cứ tổ chức nào. Vé máy bay từ Mỹ đi Ba Lan cũng gần một ngàn đô la, khách sạn hạng bét giá cũng từ 40 đến 60 đô la một ngày. Mọi người từ đại biểu cho tới báo chí đều cơm hộp, chỉ một hai ngày là cơm tiệm.


Như thế chuyến đi của mỗi thành viên đều tốn kém đấy, nhưng vui vì củng cố được thêm niềm tin và được trực tiếp nghe những kinh nghiệm của các bạn Ba Lan trong Công Ðoàn Ðoàn Kết. (An Pha)

A20 Vũ Ánh




RFA phỏng vấn Vũ Ánh

 
 2006-04-30

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

30 Tháng Tư 1975, cách đây 31 năm tổng thống Dương Văn Minh, nhà lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng quân cộng sản Bắc Việt. Quyết định vừa nói được mô tả là để Saigon khỏi trở thành một biển máu.
Tổng thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông trên thực tế chỉ tồn tại 36 giờ, nhưng là những thời khắc đầy cam go trăn trở. Giờ phút sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã diễn ra như thế nào, các sử gia cho rằng sự thật quan trọng hơn sự kiện, và muốn tìm hiểu sự thật thì hãy ghi nhận từ các nhân chứng.

Trong tinh thần mỗi chế độ mỗi chính phủ gắn liền với tiếng nói chính thức của mình, Nam Nguyên phỏng vấn ông Vũ Ánh, người chứng kiến cảnh ông Dương Văn Minh bị áp giải tới Đài Phát Thanh Saigon để đọc văn kiện đầu hàng. Từ California ông Vũ Ánh phát biểu.

Đêm uống rượu nghe Biên cương hành


(gửi Phạm Ngọc Lư)

Biên cương hành
chí ngươi hồ thỉ
ngôn ngữ trong Thơ di lụy một đời
ngươi về một cõi nhà tan nát
tâm tư ưu uất tháng năm trôi
ngồi đây mời bạn chung rượu đắng
kẻ sĩ Biên cương giày cỏ qua sông
đã bao năm một ngày thoáng gặp
gió phi trường Bình Định cát bay bay
vội vàng tay vẫy không hẹn lại
thuở ấy bụi đường lấm tai ương
tôi theo trận mạc về An Phú
thời Xuân Thu
sớm biển chiều rừng
bước đi lửa tình như muốn cạn
nhìn lại bóng mình rách rưới tang thương
Bạn tôi chí lớn như gươm bén
chảy máu đời Thơ buổi chợ tàn
ai hiểu cho ngươi đời thất chí
chén rượu này đối ẩm cùng ai
đêm xưa gác trọ vài ba đứa
vui một phùa sảng khoái tan hàng
nay hong bếp cũ lò than lạnh
nhìn đăm đăm vách lá chơ vơ
chỉ thấy tháng ngày trôi lớp lớp
thấy đời mình quạnh quẽ vào ra
thấy bóng mình đen
đêm không sao mọc
nhớ bạn đêm về đau như cắt
vết thương xưa dao nhọn cứa vào tim
ta qua cầu nhìn lại sông khập khiểng
máu theo sông chảy nhịp luân hồi
đêm nay ngâm lại giòng Biên trấn
ngôn ngữ trong Thơ mọc ở Phương Đông
Thơ tràn trên những đồng hoang hóa
hoa Quỳ cô đơn nở giữa núi ngàn
mây thành kìn kịt từ đất khổ
vó ngựa Biên cương bốc bụi mù
cung đàn xưa ai người tri kỷ
trên chiếu bạc đời
nỗi đắng cay
buồn bã đêm xuân đành rơi bút bạc
giông bão đời xoay
tâm muốn sụm
trang Thơ khép vội
khúc oan tình
hình như gió thổi qua liếp cửa
vi vu nghe tiếng gọi trùng khơi
gọi ai nơi tận cùng sơn thủy
ai người khách lạ gió muôn phương
ta về bạn hỏi từ đâu lại
thấy khói tàn tro phủ tượng đài
thấy rơi giọt lệ sôi trên bếp
dấu giày thô đời ở trọ quê nhà

Cái Trọng Ty
tháng Bảy, 2010



Những ngày cuối cùng của Vùng I và miền Nam


 Duy Lam

Lời giới thiệu:
Duy Lam, cháu của nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, trong nhóm bút Tự Lực Văn Đoàn, một nhân chứng lịch sử viết rất trung thực về những ngày cuối cùng của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 29-4-1975, tôi gặp anh mới từ Đà Nẳng di chuyển vào Sài Gòn. Chúng tôi, Bảy Bốp Phạm Thái và kỹ sư Đỗ Hữu Cảnh, có mặt đứa con gái lớn của Duy Lam, ngồi quán Cà phê đối diện Trụ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến trên đường Phan đình Phùng, bàn thế bối thủy, và ai đi ai ở, rốt cuộc cả bốn đều ở lại. Tôi qua Mỹ trước, Duy Lam qua sau 14 năm tù đày, có lúc bị cùm chân đến thúi thịt . Phạm Thái bị tù đến gần chết mới được thả. Đỗ Hữu Cảnh bị bắt đi bắt lại mấy lần. Ngày gặp lại Duy Lam tại Virginia, tôi có dẩn anh đến bàn thờ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy vừa mất cách đó 3 tháng, anh đã làm tất cả anh em hiện diện hôm đó cảm động khi anh khóc sướt mướt và độc thoại những lời tâm huyết với di ảnh Giáo Sư Huy. Bài viết của anh làm tôi liên tưởng đến anh chàng Pierre, triết gia cô đơn trong tác phẫm War and Peace của Léon Tolstoy ...
(Thái Thuỵ Vy)

Phải nói là những ngày cuối cùng của Vùng I và Miền Nam, mỗi khi tôi ôn lại trong những năm tháng tù đầy, hoặc viết lại trong cuốn hồi ký nầy, luôn luôn lại làm tôi xúc động một cách mạnh mẽ và có phần khó hiểu.Trở lại những tháng đầu năm 1975, tôi nhớ lại cái không khí lo âu, mơ hồ cứ lẩn quẩn thấm vào tâm trí mọi người, những lo âu sợ hải hình như không có nguyên cớ rõ rệt.


Trời Hương Phấn Cũ


Khi giông tố loạn cuồng thung lũng nhỏ,
Giữa đêm sâu.bừng nở đoá hoa thần.
Ta bàng hoàng rung động cả châu thân
Như cánh bướm phân vân muà hợp tấu.

Từng đêm vắng, ta gọi người yêu dấu
Lời dịu êm như gió nhẹ thì thầm,
Cả ngàn lần, ta gọi khẽ, bâng khuâng
Nghe dĩ vãng lâng lâng niềm thương nhớ:
Ơi Ly Cơ! ơi Tình Yêu Lầm Lỡ!
Đêm mê cuồng bỡ ngỡ gọi tên em
Mây bay cao, ngờ xiêm áo vương thềm,
Nhìn sao nhớ mắt em ngời lóng lánh.
ƠI Ly Cơ! ơi Thiên Thần Gẫy Cánh!
Khát vọng ngàn xưa sống dậy chập chờn
Sâu vô cùng trong tiềm thức cô đơn.
Son phấn cũ ngát thơm hương ngự uyển.
Thưở em về, cả núi đồi rung chuyển
Sao trời đêm ngời sáng ngọc lưu ly
Dạ lai hương ngào ngạt lối ta đi
Dìu em bước dưới khung trời sương khói
Vào Mê Cung .. ..Nhạc tiêu thiều nhẹ trổi,
Đêm huyền hồ ảo giác lạnh xương da.
Đón em. về, sông nước gợn âm ba,
Ôi giây phút trao nhau tình bỡ ngỡ,
Dung quang em, sao cực kỳ rang rỡ,
Ta nghiêng mình cúi xuống nụ hôn thơm
Ngan ngát hương lan, rời rụng linh hồn
Trôi lãng đãng ngàn trùng khơi viễn xứ.
Ta đưa em vào thiên thu tình sử,
Rồi nghẹn ngào thương nhớ bóng giai nhân.
Hờn chia phôi chất ngất đến lạc thần,
Đau choáng váng đáy mộ phần tâm thức
Hương phấn cũ khơi sâu niềm ray rứt,
Ta gục đầu lệ ướt đẫm xiêm y.
Ảnh hình xưa đài các đến kiêu kỳ
Chợt thoáng hiện rỡ ràng trong tiếc nuối:

Khoé hạnh đong đưa, mây trời chết đuối,
(Mây soi mình trong dòng suối long lanh).
Ngón tay thon mềm, tháp bút mong manh,
Từng mơn trớn dỗ dành ta hờn giận.
Tóc buông lơi, cho liễu dài ngơ ngẩn
Gót chân son tha thướt gấm hài thêu
Trong Mê Cung bừng rực dáng tiên kiều
Làm lịm tắt cả nắng chiều chang chói.
Ta si dại ngước nhìn em, bối rối,
Tự đáy hồn buốt nhói dậy chiêm bao.
Linh hồn ta vụt chắp cánh bay cao
Bay lên cõi trăng sao, miền quên lãng..
Nhớ thương rồi, ta mơ về dĩ vãng:
Lối cỏ mòn vương ánh nắng hoàng hôn,
Vườn đào nghiêng nghiêng lũng thấp cô thôn
Nghe ríu rít tiếng chim non rộn rã.

Trời vần vũ, tình gọi tình vật vã,
Ta bàng hoàng từ giã mộng Liêu Trai
Mà khôn nguôi thương nhớ gái Dao đài.
Rèm chao động, mái hiên ngoài thoáng hiện.
Thắp nén hương lòng rưng rưng ước nguyện
Đợi em về, xao xuyến gót kiêu sa.
Phấn trầm vương lưu luyến bước ngọc ngà.
Toàn thân ta vỡ oà như tê dại.
Thoảng trong gió, mùi hoắc hương thần thoại,
Gió lay màn, mê mải ngắm dung nhan.
Phải em từ Quần Ngọc xuống trần gian?
Rồi vào hư vô, biến tan bằn bặt?

Như dòng thác bạc thủy ngân trong vắt
Đổ xuống tràn vào Vô Thức lãng quên.
Ta say sưa, ôm ghì chặt Ưu Phiền,
Ròi kiêu hãnh phá lên cười ngạo nghễ.
Ném cả bình sinh vào lòng Hưng Phế,
Ngẩng mặt nhìn đời, thách đố Thương Đau .
Xa em rồi, tình ta biết về đâu?
Thương em nghẹn lời, nước mắt chìm sâu!

Vũ Đức Nghiêm
Trại Tù Long Giao, Tháng 11-75




Tưởng niệm cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát


A20 Nguyễn Tú

Ký giả Nguyễn Tú

Nguyễn Tú
Thursday, April 24, 2008

LTS: Nhân ngày giỗ thứ 28 (27 Tháng Tư, 2008) của Bác Sĩ Phan Huy Quát (1908-1979), cựu thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa (1965), nhật báo Người Việt xin đăng tải bài viết của Nguyễn Tú, trích từ nguyệt san Khởi Hành số 138, Tháng Tư 2008, để tưởng niệm vị cựu thủ tướng miền Nam tự do đã bỏ mình trong lao tù Cộng Sản sau ngày 30 Tháng Tư 1975.
Bác Sĩ Phan Huy Quát sinh năm 1908 tại Nghệ Tĩnh, tham chính nhiều lần, từng làm Tổng Trưởng Giáo Dục, Tổng Trưởng Quốc Phòng, lần cuối cùng giữ chức vụ Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1965. Ông cũng là Chủ tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng, phân bộ Việt Nam, và là chủ nhiệm tuần báo Diễn Ðàn, Sài gòn, 1972. Ngày 16 Tháng Tám 1975 Bác Sĩ Quát bị Cộng Sản bắt do nội phản trên đường vượt biên; và chưa đầy bốn năm sau ông từ trần trong nhà tù Chí Hòa. Bài dưới đây do ký giả kỳ cựu Nguyễn Tú, bạn ông, và cũng là bạn tù (người đã sống bên cạnh Bác Sĩ Quát trong những ngày tháng và giờ phút cuối cùng tại khám Chí Hòa), kể lại “như một nén hương chiêu niệm chung.”

Về nhà báo Nguyễn Tú vừa qua đời



A20 Vũ Ánh 
VietHerald (07/14/2010)

Dường như mỗi khi nghe tin một nhà báo ở vào thế hệ tôi ra đi, tôi vẫn cảm thấy mất đi một điều gì đó trong đời. Và khi đã ở vào tuổi 70 như tôi, mất mát ấy càng lớn lao hơn. Phải chăng những nhà báo ấy, có khi suốt trong cuộc chiến cũ chưa bao giờ tôi nói chuyện hay uống với nhau một ly cà phê, đều là những mắt xích từng một thời tiếp tay nhau tạo nên một đời sống báo chí đầy mầu sắc tại miền Nam Việt Nam, dù rằng nhà cầm quyền, trong rất nhiều trường hợp, không thích chúng tôi như thế. Nhưng chính đời sống ấy đã tạo cho lớp người viết báo trẻ chúng tôi, vào giai đoạn đó, cũng như sau này, niềm say mê báo chí, rất khó bỏ, rất khó về hưu cho dù đã luống tuổi như bây giờ.

Vì thế, khi nghe tin nhà báo Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận trước 30 tháng 4, 1975 qua đời ngày 11 tháng 7, 2010 ở tuổi 86, tôi không ngạc nhiên lắm. Chỉ đến khi về tới nhà báo tin cho nhà tôi, người đã đọc và ngưỡng mộ thiên phóng sự “Ngày Chủ Nhật buồn” của ông tường thuật cuộc triệt thoái gây tổn thất nặng nề cho quân và dân Cao Nguyên Trung Phần mà nay vẫn còn gây tranh luận, tôi mới nhận ra khoảng trống trong lòng mình mênh mông quá. Nhà tôi nói: “Tội nghiệp bác Tú.” Yến Tuyết là lớp phóng viên ra trường vào những năm cuối của cuộc chiến, chưa một lần gặp nhà báo Nguyễn Tú nhưng lại là độc giả những ký sự của ông về cuộc chiến.

Chân dung những chúa ngục

A20 nguyễn thanh-khiết



Vũ Mạnh Dũng chết rồi. Nó chết khi ra khỏi trại Trừng Giới A 20 và còn rất trẻ. Nó bị đè gãy đôi cột sống, khi đang làm đội trưởng một đội xây dựng. Trong một buổi lao động phá sập một căn nhà, nó đã vấp ngã vì cố gắng chạy vào khu nguy hiểm để thét gọi anh em thoát thân khi căn nhà đang ập xuống. Nó bị nằm liệt vào lúc các đàn anh và bè bạn nó tan hàng tại trại A 20, từng đợt, từng đợt cho tới khi trại như trống trơn, danh sách những người tù chính trị với cái án tập trung vô thời hạn chỉ nằm đâu đó trên bàn mặc cả xóa trại tập trung mà người ta đang thực hiện ráo riết

1987, cái mốc của cảnh tan hàng. Nhưng những hình ảnh bi tráng vẫn còn và không bao giờ phai trong lòng những con người vẫn từng ngày vươn dậy dù trong nghiệt ngã, dưới cái đau buốt của cùm chữ U . Dưới cái dã man vô tiền khoáng hậu của những tên cai tù được liệt vào hàng hung tợn nhất trong lịch sử loài người. Cho đến bây giờ chân dung những con người một lòng chung thủy dưới màu cờ mà họ từng chiến đấu vẫn còn đó.

Dòng Sông Chia Cắt



Kỷ niệm 55 năm ngày Quốc Hận (20-7-1954 – 20-7-2010)

A20 Đỗ Văn Phúc

Trong đời người, ít ra ai cũng có một dòng sông kỷ niệm. Thời ấu thơ thì đó là dòng sông nơi ta thường bơi lội nhỡn nhơ vui đùa vô tư cùng các bạn. Tuổi đôi mươi thì đó là dòng sông nơi hò hẹn lần đầu với người yêu trong những chiều tà hay đêm trăng. Sông ngòi Việt Nam nhiều đến nỗi có đủ để ban phát cho mỗi người ít nhiều kỷ niệm êm đềm, nên thơ hay đắng cay hờn tủi, có khi cả kỷ niệm chia ly, đau buồn. Ðối với cả dân tộc thì hai con sông Gianh và Bến Hải là chứa chan bao kỷ niệm chia lìa, nhục nhã của sự phân tranh Nam Bắc. Hai trăm năm trước đây, hai họ Trịnh, Nguyễn cắt đôi núi sông vì tranh giành quyền bính trước một cơ đồ nhà Lê đã đến thời suy mạt. Hai trăm năm sau, thực dân và cộng sản lại nỡ đang tâm phân rẽ đại gia đình Việt Nam vì những giấc mộng ngông cuồng của chủ nghĩa đại đồng Cộng Sản. Chinh chiến điêu linh kéo dài hai mươi năm đã hủy diệt mầm sống của dân tộc: hàng triệu thanh niên ưu tú của hai miền gục ngã trên con đường Trường Sơn, trong rừng già Tây nguyên, sình lầy Ðồng Tháp... Tài nguyên thiên nhiên bị hủy diệt, thành phố, nông thôn tiêu điều; gia đình ly tán, niềm tin mai một. Cũng chỉ vì một dòng sông, cũng chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai phi nhân bản, cũng chỉ vì một loại người vô lương...