21/1/11

Những ngày cuối cùng của Vùng I và miền Nam


 Duy Lam

Lời giới thiệu:
Duy Lam, cháu của nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, trong nhóm bút Tự Lực Văn Đoàn, một nhân chứng lịch sử viết rất trung thực về những ngày cuối cùng của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 29-4-1975, tôi gặp anh mới từ Đà Nẳng di chuyển vào Sài Gòn. Chúng tôi, Bảy Bốp Phạm Thái và kỹ sư Đỗ Hữu Cảnh, có mặt đứa con gái lớn của Duy Lam, ngồi quán Cà phê đối diện Trụ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến trên đường Phan đình Phùng, bàn thế bối thủy, và ai đi ai ở, rốt cuộc cả bốn đều ở lại. Tôi qua Mỹ trước, Duy Lam qua sau 14 năm tù đày, có lúc bị cùm chân đến thúi thịt . Phạm Thái bị tù đến gần chết mới được thả. Đỗ Hữu Cảnh bị bắt đi bắt lại mấy lần. Ngày gặp lại Duy Lam tại Virginia, tôi có dẩn anh đến bàn thờ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy vừa mất cách đó 3 tháng, anh đã làm tất cả anh em hiện diện hôm đó cảm động khi anh khóc sướt mướt và độc thoại những lời tâm huyết với di ảnh Giáo Sư Huy. Bài viết của anh làm tôi liên tưởng đến anh chàng Pierre, triết gia cô đơn trong tác phẫm War and Peace của Léon Tolstoy ...
(Thái Thuỵ Vy)

Phải nói là những ngày cuối cùng của Vùng I và Miền Nam, mỗi khi tôi ôn lại trong những năm tháng tù đầy, hoặc viết lại trong cuốn hồi ký nầy, luôn luôn lại làm tôi xúc động một cách mạnh mẽ và có phần khó hiểu.Trở lại những tháng đầu năm 1975, tôi nhớ lại cái không khí lo âu, mơ hồ cứ lẩn quẩn thấm vào tâm trí mọi người, những lo âu sợ hải hình như không có nguyên cớ rõ rệt.


Sau cái lần Trung tướng Ngô Quang Trưởng đi phó hội với CINPAC về, trong bữa uống rượu ở vườn buổi chiều trước tư dinh của ông, khi được tôi hỏi ông đã thở dài nói chậm rải:" Anh biết đấy, kỳ nầy mà địch tổng tấn công vào Vùng I, Hoa Kỳ sẽ chẳng còn có thể yểm trợ mình về hải pháo hay phi cơ của hạm đội. Khi đó đương nhiên mình phải tự lực cánh sinh chiến đấu với những gì mình có và với tình trạng tiếp vận giảm sút đến gần 80% so với thời kỳ chưa ký hiệp định Paris". Sau đó chúng tôi đã ngồi lẳng lặng uống rượu tiếp và cũng chẳng trao đổi với nhau lời nào cả nửa tiếng đồng hồ.

Khi Đại tướng Trần Thiện Khiêm kiêm Thủ tướng tới họp tại Tiểu khu Quảng Trị, ông đã quay sang nói một câu ngắn ngủi với Đại Tá Kỳ, Tỉnh trưởng Quảng Trị;" Anh Kỳ hãy lo đưa Tòa Hành Chánh và dân Quãng Trị di tản vào Huế". Một quyết định đã có sẵn và được ban bố không một lời giải thích về nguyên nhân chiến lược xâu kín và áp lực của địch, đã nổ ra như một tiếng sấm động trong một ngày trời đang quang đãng. Cả một hội trường, từ cấp cao đến cấp thấp đều ngồi lặng đi, trước viễn tượng của một thảm họa, vì trong thâm tâm, ai cũng có một ý nghĩ thế là đúng rồi: Trung Ương đã quyết định rút quân ra khỏi Vùng I và như vậy là bỏ Vùng I.

Trước đó Tướng Ngô Quang Trưởng có tiết lộ với tôi biết trước là Tướng Nguyễn Văn Thiệu có liên lạc với ông và ra lệnh cho ông phải rút lực lượng Tổng trừ bị đã được tăng cường cũng như các sư đoàn vào Nam để thu hẹp lãnh thổ phòng thủ chiến lược giới hạn bởi Quân Khu III. Tướng Trưởng đã trả lời thẳng với vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội:" Tôi là tướng cầm quân ở tiền tuyến, nên không thể ra lệnh rút quân, và nếu Tổng Thống muốn rút quân, chính Tổng Thống phải ban hành lệnh đó. Thay vì đích thân ra vùng I, ông đã cử Thủ tướng Khiêm thay mặt ông để chính thức ban hành lệnh rút quân.

(Tôi xin mở ngoặc ở đây để các bạn muốn theo dõi chi tiết cuộc rút quân hãi hùng thiếu kế hoạch và thiếu trật tự từ miền Trung, xin hãy đón đọc cuốn hồi ký cả ngàn trang của Duy Lam sắp xuất bản).
Sau khi tướng Ngô Quang Trưởng cáo ốm nằm tại Bịnh viện Cộng Hòa, rồi về nghỉ ngơi tại biệt thự của ông tại cư xá sĩ quan Chí Hòa, tôi có ghé đến thăm anh và bàn qua về diễn tiến của tình hình và những giải pháp chính trị quốc tế khả hữu có thể đưa tới một cuộc điều đình giữa miền Nam và Cộng sản. Anh cũng cho tôi biết riêng theo những tin tức thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sắp từ chức, để nhường lại cho ông Trần Văn Hương. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ về sự từ chức quá muộn màng như vậy, và e rằng các chính phủ chuyển tiếp cũng khó lòng đòi hỏi những điều kiện thuận lợi khi miền Nam tiếp tục rã ra từng mảng lớn, và quả thật khó nói đến chuyện điều đình mà cả quốc tế, khi quân lực và lãnh thổ càng ngày càng thâu nhỏ lại.
Tôi cũng ghé lại trụ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, gặp lại anh Nguyễn Ngọc Huy và một số anh em trong Ban Chấp Hành Trung Ương. Sau một buổi họp khẩn cấp tại trụ sở Cấp Tiến, một buổi ký cam kết quyết tử được tổ chức công khai với sự hiện diện của các báo chí Sài Gòn.

Vì tôi là một người đã chứng kiến sự cam kết quyết tử và bảo vệ lãnh thổ Đà Nẳng đã được công bố bởi các vị lãnh đạo các cấp quân sự vào những ngày cuối của thành phố nầy, đã chỉ đưa đến kết quả là các lực lượng chính quy lẳng lặng rút lui đi bằng đường thủy, để các khối quần chúng hoảng loạn tự lo liệu lấy sự đào thoát, nên tôi cũng không mấy tin tưởng vào tất cả những cam kết quyết tử, nhất là của một đảng chính trị không có dù một lực lượng quân sự nhỏ bé để tự bảo vệ.

Tôi cũng tiến lên ký vào bản cam kết chung cùng với các đại diện của Ban Chấp Hành Trung Ương, và thực sự tôi cũng không hiểu cam kết nầy sẽ được thực hiện như thế nào, hay đó chỉ là một sự biểu lộ muộn màng của tinh thần chống Cộng cố hữu của những người quốc gia. Quyết định chung cuộc là trên chiến trường và những biến chuyển trên mặt trận quân sự và những tin đồn đại về những giải pháp điều đình với phía bên kia, với sự bảo đảm của các đại cường ký trong Hiệp Định Paris thực ra rất khó thực hiện. Đơn giản, khi bên kia đang trên đà thắng thế và với đà tiến quân và tương quan lực lượng hiện nay, họ cũng khó mà bị áp lực phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị.

Sau hai lần từ chối không đi Mỹ, một lần ông Scott và một lần Trung tướng Ngô Quang Trưởng, vào tuần lể cuối cùng của tháng tư, tôi ghé thăm anh Nguyễn Ngọc Huy tại công thự khiêm nhường của anh ở đầu đường Cao Thắng, chúng tôi bàn thảo về các biến cố chính trị đang diễn tiến và thái độ thích hợp phải có của chính chúng tôi, về chuyện đi hay ở. Anh có nhắc tôi giải pháp do Pháp trung gian của Mereillon , và theo tôi anh có vẻ đặt hi vọng nào đó vào giải pháp nầy sẽ cứu được miền Nam.

Tôi đã nói thẳng với anh, theo tôi tôi không tin Mỹ sau khi bỏ Việt Nam lại chịu để Pháp và Trung Quốc tạo được ảnh hưởng với Việt Nam chung cả hai miền Nam Bắc theo như thỏa thuận Mao Trạch Đông-Nixon năm 1972. Tôi cũng cho anh biết thuần túy trên lãnh vực quân sự, Cộng Sản sẽ tiến thẳng vào Sài Gòn chiếm gọn miền Nam và tạo một sự đã rồi, fait accompli, cả về quân sự lẫn chính trị. Tôi hỏi anh những nhà lãnh đạo miền Bắc đang đà thắng thế quân sự có chịu ngừng lại để điều đình hay không? Theo tôi chắc là không và miền Nam sẽ mất trong một tương lai rất gần.

Anh Huy có vẻ suy nghĩ nhận định nặng về quân sự của tôi và rồi anh thở dài khi tôi lên tiếng hỏi anh liệu anh tính ra đi hay ở lại? Vì tôi đã nói qua cho anh biết hai lần từ chối không đi Mỹ của tôi, nên anh nhìn thẳng vào mắt tôi và nói cả quyết:" Như vậy là chúng ta cũng phải ở lại với anh em mà thôi". Tôi thầm khâm phục cái thái độ cương quyết của anh, như là một nhà lãnh đạo chính trị trong một tình huống cực kỳ khó khăn. Tôi nhìn anh rồi chậm rãi trình bày những gì tôi biết về chính sách của người Cộng Sản đối với những người thuộc chế độ cũ thời sau năm 1954. Tôi nói nếu chúng ta ở lại chắc sẽ bị đưa đi đến các trại tập trung và cứ nhiều lần ba năm cho đến chẳng biết là khi nào mới được tự do. Theo tôi cái chết của một kẻ sĩ nhẹ tợ lông hồng nhưng trong một số trường hợp lại nặng như núi Thái Sơn, nhất là đối với những người có trách vụ lớn phải gánh vác. Anh sức khỏe yếu như vậy, tôi sợ dù anh chọn ở lại thời chắc cũng khó sống qua vài tháng tù. Anh có uy tín đối với quốc tế, anh xuất ngoại hoạt động có lợi nhiều hơn cho người Quốc Gia, tôi trẻ hơn anh mười tuổi nên chúng ta phân công, một mình tôi ở lại đủ rồi, còn anh nên đi. Tôi hẹn anh một này nào đó nếu tôi còn sống sau thời gian bị Cộng Sản tù đầy, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nợi chốn nào đó ở hải ngoại để tiếp tục hoạt động và sát cánh với nhau. Đấy chỉ là một sự phân công suy tính căn cứ trên cái lợi cái hại của sự ra đi hay ở lại và chẳng phải đi là tham sống sợ chết hay ở lại là can đảm.

Anh Huy rất buồn khi bắt tay từ biệt tôi và tôi nghĩ khi anh không còn nhắc đến chuyện ở lại với tôi, thời có nghĩa anh đã chọn ra đi. Tôi cũng đâu ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp anh Huy và sự chia tay đã không phải là tạm biệt mà là vĩnh biệt.

Thôi, thế là xong. Tôi nhìn những chiếc xe Jeep cắm cờ Mặt trận Giải phóng với những thanh niên hò hét, phất cờ và giơ cao vũ khí, tay mang băng đỏ, những nhà sư ba mươi đi phát cờ Giải Phóng và ôm các bà nhảy tửng tửng hô: "Phe ta thắng! Phe ta thắng!". Họ là ai vậy? Cộng sản nằm vùng hay những kẻ theo thời? Cách mạng giờ thứ hai mươi lăm? Tôi thoáng nghĩ không chừng có kẻ thấy tôi mặc quân phục đeo vũ khí, sẽ có thể bóp cò súng nhắm vào tôi? Tuy nhiên tôi vẫn lặng lẽ đi và tính về nhà sẽ tìm cách trút bỏ quân phục và vứt bỏ khẩu súng Colt. Quạ từ đâu bay về nhiều quá, đen cả bầu trời. Lại có cả tơ trời nữa, đó là điềm lạ hay điềm gở của miền Nam. Mùa nầy bông cây dầu nồng nàn thơm mùi nam tử. Bây giờ trộn lẫn với hương đêm và mùi khói súng bắn chỉ thiên, loạn xạ. Tin dử đồn tự tử tập thể ở trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám và vài đơn vị lẻ tẻ. Tất cả những cái đó giờ đây đâu còn mang một ý nghĩa nào dù nhỏ nhất. Tại sao chỉ qua vài phút ngắn ngủi mà tôi thấy quang cảnh ngoại vật đột nhiên mất hết các ý nghĩa thông thường quen thuộc, nhà cửa, con người và ngay cả đến lời nói từ ngữ và cách xưng hô với nhau, liên hệ cố hữu giữa người và người và người và vật. Tiếng Trung tá mà vị Thiếu tá vừa gọi tôi chắc cũng chỉ một thói quen lâu đời. Trung tá Thiếu tá Đại tướng Thiếu tướng cũng như là tiếng người ta xưng tụng những kẻ đã nằm dưới mồ. Tôi vốn là một người viết văn quá nửa đời người nên từ ngữ vốn mang nặng những ý nghĩa xâu xa với cái ma lực riêng của nó. Tôi bây giờ là ai? Một cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa? Một kẻ thất trận? Một tù binh chiến tranh? Chắc tôi chỉ còn cái danh hiệu là nhà văn với những tác phẩm cụ thể đóng góp cho văn chương? Thực sự đọc nhiều về chính sách của kẻ địch, tôi hiểu trước sau họ sẽ tự bỏ luôn cái danh hiệu cuối cùng đó của tôi, nếu tôi từ chối không cộng tác với họ. Tôi tin dù họ bỏ tù được thân xác tôi, nhưng họ khó có thể tha hoá được tôi, biến đổi tôi thành một bộ máy vô hồn. Tôi nghĩ tôi đang mỉm cười, hơi một chút chua chát, hơi một chút ngạo nghễ. Cuối cùng ai sẽ thắng? Điều đó thời phải năm mươi năm nữa, tôi mới có câu trả lời chính xác, đúng theo phương pháp luận của sử học. Hiện thời tôi chỉ có thể bình tĩnh và đầy đủ tự tin đón chờ số phận của tôi, cũng như tất cả các người sống trên mảnh đất miền Nam nầy. Nói cho cùng chẳng phải nhà quân sự hay nhà chính trị trong tôi đã đưa ra những lý luận thuần lý để biện minh cho việc tôi đã ba lần từ chối xuất ngoại, để ở lại. Xâu xa hơn nữa, trong con người tôi, chính cái con người nhà văn dấn thân trong tôi, đã chi phối sự chọn lựa nầy của tôi. Cái lòng tò mò ghê gớm đã thúc đẩy tôi từ trước đến nay, là luôn chọn đi vào trung tâm các cơn bão lốc của thời thế, để có thể đích thân sống qua và chứng kiến các xúc cảm, về những gì các hoàn cảnh sống mang lại cho tâm hồn của một người cầm bút. Tôi sợ nếu tôi đã ra đi một ngày nào đó lưu vong ở một đất nước xa xôi và xa lạ nào đó, tôi sẽ tiếc là không có dịp ở lại, để bị tù đày hành hạ, vì như vậy tôi sẽ thành một người ngoại cuộc, đối với nỗi thống khổ mà dân tộc tôi phải chịu. Chắc lúc đó tôi sẽ khổ tâm và ân hận, điều mà tôi sợ nhất trong đời. Tâm trạng tôi lúc đó giống như một người nhảy xuống vực sâu, chỉ mong chạm đáy vực dầu thịt nát xương rơi, nhưng không bao giờ tới đáy. Mãi đến gần 20 năm sau những hoạt cảnh của ngày 30/4 mới tuần tự xuất hiện trong bài thơ Tháng Tư Đen. Điều đó vào giây phút mọi sự diễn biến trước mắt tôi, tôi chỉ tỉnh táo quan sát, mà chưa ý thức được rõ rệt là rồi chúng sẽ được thể hiện trong văn hay thơ của tôi vào lúc nào, cách nào trong đời của một người cầm bút.

DUY LAM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét