6/10/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 18




Chương Mười Tám

Tôi được thả ra khỏi trại cải tạo Long Khánh ngày 13 tháng 2 năm 1988 tức là 26 tháng chạp năm Đinh Mão. Lần thả tù này được quảng cáo rầm rộ để chứng tỏ với dư luận trong và ngoài nước chính sách cởi mở của Nguyễn Văn Linh. Chúng tôi được xe đưa đến tận Ty Công An Quận Hai để nghe Phó Giám đốc Công An Thành Phố nói chuyện. Ngoài nội dung tuyên truyền về chính sách cởi mở, y lưu ý chúng tôi hai điểm, thứ nhất là đừng quá ngạc nhiên về sự thay đổi của xã hội và ngay cả gia đình chúng tôi, thứ hai đừng lo lắng về cán bộ công an phường quận, cán bộ những đoàn thể nhân dân sẽ thường xuyên thăm viếng chúng tôi tại nhà. Chúng tôi sẽ không bị quản chế và được nhập hộ khẩu tại thành phố ngay sau dịp nghỉ Tết. Không bị quản chế và được nhập hộ khẩu là những thay đổi rất quan trọng đối với người tù cải tạo được về. Trước đây một người tù về địa phương phải chịu chế độ quản thúc rất chặt chẽ, mỗi người phải giữ một quyển sổ ghi công việc hàng ngày và sự quan hệ tiếp xúc với người khác trong ngày, cuối mỗi tuần phải đưa lên công an phường để đóng dấu chứng nhận. Muốn đi khỏi địa phương phải xin phép, và chỉ được cho đi trong thời gian vài ba ngày. Người bị quản chế thường bị huy động đi làm những công việc lao động nặng nhọc và bị nhục nhiều hay ít tùy tính tình của những tên công an phường, xã, luôn luôn muốn chứng tỏ quyền uy trên người chiến bại. Có được hộ khẩu tại Sài Gòn không phải là điều dễ; trước đây người tù cải tạo về bị bắt buộc phải đi kinh tế mới, nếu nấn ná sống ở Sài Gòn là tạm trú và tùy vào khả năng xoay xở đút lót của gia đình cho trưởng công an phường xã và công an khu vực.

5/10/12

Trở lại Sài Gòn và Tây Nguyên



Đã 22 năm rồi bây giờ mới trở lại Saigon và Tây nguyên.


Sau khi đám cưới của Thục Vy diễn ra thật tốt đẹp vì được bảo vệ bằng tình thương yêu và trân quý của thân hữu và các bậc trưởng thượng, tôi từ biệt đất Saigon với rất nhiều bịn rịn vì những tình cảm bạn bè nồng ấm, những cái bắt tay còn lưu luyến, những câu chuyện chưa kịp nói hết, những khuôn mặt thân thương chưa kịp nhìn trọn, những cuộc hẹn chưa thành, những ân tình chưa một lần đền đáp…

Rời Saigon lúc 7 giờ tối, sau khi chiếc xe “trung chuyển” chật vật luồn lách trên những đường phố đông đúc người để ra đến quốc lộ 1.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi được “xa” Saigon, vì tôi không thích nghi được với cái sinh hoạt quá náo nhiệt và bất hợp lý nơi này.

Đường phố Saigon quá nhiều người và xe cộ chen nhau, nó cũng giống với cuộc sống bon chen tại đây, không khí ngột ngạt vì khói bụi, những con kênh, những dòng sông chết bốc mùi hôi thối kinh khủng.

15/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 17




 Chương Mười Bảy

Về trở lại trại Z-30A, bị cùm trong xà lim không gì đáng kể, một phần đã quá quen, một phần sự kiểm soát ở trại tù không còn quá khắt khe. Mở, đóng cửa xà lim, đưa cơm, đều do trật tự cũng là tù nhân. Đó là anh Ngọc, cựu trung tá Dù, trưởng ban trật tự, giúp đỡ tận tình, cho đem đủ tiêu chuẩn ăn và thức uống. Ngoài ra, thuốc hút và thức ăn thêm do người bạn trẻ từ trại Xuân Phước là Phạm Văn Đồng gửi lén vào. Chỉ có ban đêm thì muỗi từ rừng ra quá nhiều và bị lắc còng kiểm soát không ngủ được. Cùm ở xà lim như vậy xem như tạm nghỉ dưỡng sức khỏi phải lao động.

Ra khỏi xà lim, Ánh, San, Ngọc và tôi được biên chế về đội 15, khu tù có án. Phân trại chia hai khu vực, khu các sĩ quan trình diện và khu tù có án, khu có án thêm một vòng rào kẽm gai, buổi trưa bị đóng cửa từ nhà một; khu trình diện, trong giờ nghỉ tù có thể đi lại với nhau tương đối thoải mái hơn.

10/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 16




Chương Mười Sáu

Phải trải qua một giai đoạn khó khăn hơn nữa trong đời tù nhưng tôi thật dửng dưng - không còn lo lắng như những lần chuyển trại khác, cũng không còn sợ gì nữa, đã hơn 11 năm trong tù, bẩy năm hai tháng ở trại Kiên Giam Xuân Phước. Trong đời tôi chưa bao giờ ở một nơi lâu như vậy; di chuyển đến một nơi khác cũng là một sự thay đổi cần thiết. Tôi cố nhìn tất cả cảnh vật hai bên đường đi qua, lần đi đến trại năm 1979 ngồi trong xe bít bùng không thấy gì. Con đường này trước đây tôi đã từng đi lại lúc làm Phó Quận trưởng Đồng Xuân này. Dân chúng làm nhà ở san sát hai bên lộ, xen lẫn đám nhà tranh lụp xụp là những ngôi nhà ngói kiểu bánh ích hai mái ngói và hai chái gần bằng nhau, đó là nhà của những cán bộ Cộng sản địa phương, được đãi ngộ ưu tiên mua vật liệu để làm nhà ngói; ngói và gạch mua của trại cải tạo do chúng tôi làm ra. Cộng sản đãi ngộ đảng viên và cán bộ của họ tận tình, dành mọi ưu tiên nên mức sống cán bộ và đảng viên cách biệt với nếp sống của dân chúng rất xa. Họ chủ trương làm cách mạng để xóa bỏ giai cấp, nhưng thật sự là tiêu diệt thành phần đối lập và tạo nên một giai cấp đảng viên, giai cấp của người cầm quyền, bất công hơn bất cứ xã hội nào khác trong lịch sử từ trước đến nay, kể cả chế độ phong kiến.

Trước kia con đường từ Chí Thạnh lên quận lỵ La Hai và con đường từ quận lỵ La Hai lên đến trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Tre thường mất an ninh, mỗi lần di chuyển vào trong các ấp chiến lược mới cảm thấy được an toàn.

8/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 15


Chương Mười Lăm

Trại cải tạo có nhiều tù các nơi chuyển đến thì những hoạt động của các tổ chức chính trị ồn ào nhộn nhịp và hậu quả không tránh khỏi sự khám phá của an ninh qua sự báo cáo của hệ thống tù nhân làm tay sai vẫn lén lút cung cấp tin tức. An ninh biên chế những tù nhân bị liệt vào thành phần cứng đầu vào phân trại B, để thi hành chế độ cải tạo nặng nề và đồng thời chuyển một số người chúng nghi là có ảnh hưởng đến đám đông vào phân trại C để giam vào xà lim và cách ly. Tôi theo toán người vào phân trại B, ở vài ngày chưa yên chỗ thì được lệnh chuyển trại vào C. Phân trại C nằm trong một thung lũng hẹp cách phân trại B khoảng 3 km, theo đường núi ngoằn ngoèo vào xã Xuân Định, đa số là đồng bào sắc dân H’Roi, một sắc dân thiểu số chưa được khai hóa vì từ chiến tranh chống Pháp đến nay vùng rừng núi này thuộc Việt Cộng kiểm soát. Cán bộ chế độ Cộng Hòa chỉ hoạt động từ năm 1956 đến đầu năm 1958 rồi rút từ khi Việt Cộng bắt đầu có những hoạt động ám sát.

Qua một con suối cạn, một cánh rừng nhỏ, đến trảng tranh đầu thung lũng, nhìn lại tứ bề vách núi dựng đứng. Thung lũng trở thành như cái giếng cạn khổng lồ. Bề mặt thung lũng được san bằng phẳng, khu trại được xây hai bên con đường băng ngang, bên tay phải là trại tù, bốn bề có dây kẽm gai, hào sâu trồng cây xương rồng dầy đặc, bên tay trái cách cái ao nuôi cá là dãy nhà chỉ huy và nhà ở của cán bộ. Bấy nhiêu đó đã nói lên bao công trình của tù đã để lại, bao nhiêu mồ hôi đã đổ ra, và bao nhiêu tuổi trẻ đã nằm xuống, còn ghi lại bởi những nấm mồ nằm chi chít trên một ngọn đồi đầy cỏ tranh đất khô cằn không trồng được cả loại khoai mì H-34. Sau tù tàu Việt Nam Thương Tín xây dựng trại A, tù hình sự đến Xuân Phước xây dựng trại B, trại C và trại D. Họ phải chống lại nước độc và sương lam chướng khí và phải đẵn cây, san đất, xẻ đường với dụng cụ thật thô sơ và sức con người còm cõi vì thiếu ăn.

5/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 14






Chương mười bốn

Lần nói chuyện với Tích thấy sự rạn nứt trong nội bộ các lãnh tụ đảng Cộng sản là có thực, và trong hàng ngũ đảng viên không còn tình trạng bưng bít và nói theo một chiều như những năm đầu nữa; bây giờ cán bộ có thể phát biểu những ý nghĩ riêng tư của họ, tôi nghĩ đó là một sự tiến bộ nếu nhìn chung trên quyền lợi đất nước, đối với đảng Cộng sản đó là một sự suy thoái đến độ trầm trọng. Một lời nói của một cán bộ cấp thấp chưa phải có giá trị hoàn toàn đúng nhưng nó phản ảnh một hiện tượng, về sự đồn đãi bàn bạc giữa cán bộ với nhau về các sự tranh chấp nội bộ, điều này trước kia không hề có trong nội bộ của một đảng Cộng sản. Tính chất của những đảng độc tài, cán bộ được huấn luyện có niềm tin tuyệt đối vào lãnh tụ và những điều lãnh tụ nói ra, đảng độc tài dùng động lực căm thù làm phương tiện đấu tranh và củng cố nội bộ nếu còn đối tượng tranh đấu, còn đối tượng căm thù tức là còn kẻ địch thì tất cả họ hướng về kẻ địch để tiêu diệt. Nhưng khi không còn địch thủ thì sự tranh đấu đó không thể nào hết đi được nên nó hướng vào bên trong tức là hướng vào sự tranh chấp nội bộ. Tôi hiểu thêm được một khía cạnh của vấn đề, những nhà lãnh tụ độc tài họ luôn luôn tìm ra đối tượng căm thù một phần để giữ vững tổ chức. Trường hợp Trung Hoa sau khi tiêu diệt hết kẻ thù giai cấp, không còn đối tượng cho đám đảng viên và đoàn viên trẻ tuổi đã được dạy tư tưởng Mao Trạch Đông, ông ta phải tạo ra cuộc Cách mạng Văn hóa để hướng tuổi trẻ Trung Hoa đấu tranh tiêu diệt những đồng chí thân thiết của ông đã trở thành những đối thủ, đó là những nguyên soái Tư lệnh các Quân khu và những người đang nắm giữ các chức vụ có thể tranh chấp quyền hành với Mao. Như vậy có thể tin tưởng được rằng sau khi Cộng sản hết kẻ thù trong nước và mối đe dọa từ bên ngoài, thì những cuộc đấu tranh nội bộ sẽ xảy ra và có thể làm đổ vỡ tổ chức Đảng. Một điều ghi nhận nữa là dù cho Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản cố tiêu diệt tính người trong cán bộ của họ, muốn đào tạo nên “con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”, họ dùng lối tuyên truyền bịp bợm để đánh lừa đảng viên, biến đảng viên thành ra cái máy chỉ biết căm thù. Họ đã thành công khi bưng bít tất cả sự thật, nhưng khi sự thật bị phơi bày, thì tính người của đảng viên Cộng sản lâu nay bị che khuất sẽ trỗi dậy và trong trường hợp có điều kiện nó sẽ gây nên những phản ứng có thể làm đổ vỡ tổ chức Đảng.

4/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 13




Chương Mười Ba

Dùng biện pháp phân biệt thức ăn tùy thành tích cải tạo, hạn chế nhận quà và thăm gặp gia đình để buộc tù nhân trại E tăng năng suất không thành công. Đem các đội tù Việt Nam Thương Tín, tù hình sự từ các phân trại A, B, C đến đào ao để phát động cuộc thi đua, tù nhân trại E vẫn tiếp tục giữ vững thái độ. Ra đến bãi lao động anh em đồng lòng làm thật chậm, năng suất dưới mức chỉ tiêu ấn định, thà bị phạt cả đội về trễ hay làm thêm buổi sáng chủ nhật.

Anh em toàn trại không ai chỉ huy ai, nhưng sống đồng lòng, vì cùng có kinh nghiệm, cố gắng duy trì các hành động tập thể, không chống đối cá nhân để riêng rẽ bị kỷ luật.

2/9/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 12 - Xuân Phước





Chương Mười Hai


Tôi được ra khỏi xà lim. Thời điểm này ở trại có nhiều tin đồn sẽ đưa tù nhân cải tạo đi ngoại quốc do kết quả Hội Nghị Quốc Tế Nhân Quyền Genève năm 1979.
Sau buổi lao động, bạn bè đến mừng, cho thức ăn để bồi dưỡng. Anh em giữ được tình cảm với nhau, dù ở trong điều kiện khó khăn về vật chất, anh em vẫn thương người bị giam cầm trong kỷ luật. Bất cứ ai từ trong xà lim được thả ra, ít nhiều anh em cũng tìm cách giúp đỡ thức ăn và thuốc men.

Có nhiều anh em quá lạc quan, họ suy đoán chúng tôi là nhóm đầu tiên được chuyển ra nước ngoài.

Tôi đã được trại trưởng thông báo chuyển trại, và hắn còn nói rõ là sẽ đưa đến nơi có điều kiện cải tạo hơn, tức là điều kiện giam giữ và lao động sẽ khắt khe hơn. Tôi nói điều đó nhưng nhiều bạn vẫn không tin. Họ vẫn đoan chắc là chúng tôi được tống xuất.

1/9/12

19/6, Kính nhớ cậu và ngoại




Huỳnh Ngọc Tuấn


Gia đình của ngoại tôi là một gia đình khá “đặc biệt”. Ông ngoại tôi mất sớm, lúc chỉ mới 40 tuổi, để lại một người vợ trẻ và năm đứa con dại.

Mẹ tôi là con gái đầu và duy nhất. Sau mẹ là bốn người em  trai. Ông ngoại mất được một thời gian thì bà ngoại bị bệnh và mù cả hai mắt. Mẹ tôi tần tảo buôn bán nuôi bốn người em trai. Một năm sau, cậu Ba của tôi đi quân dịch.Vì là một ngư dân trẻ, thành thạo việc đi biển nên cậu Ba tôi vào Hải quân. Từ đó cậu lênh đênh trên biển cả một đời.

Từ ngày cậu Ba vào Hải quân, mẹ tôi cùng đỡ vất vả hơn. Tiền lương ít ỏi cậu gởi về cho ngoại  ăn trầu, cho mẹ tôi nuôi ba người em còn lại.

Một năm sau, cậu Năm cũng vào quân đội (người con thứ tư của ngoại tôi bị chết  khi còn trong bụng mẹ nên không biết là trai hay gái).

29/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 11



Chương Mười Một


Đối với tù ở trại cải tạo lao động thì giờ qua nhanh lắm, quần quật suốt ngày ngoài đồng, buổi tối còn phải ngồi sinh hoạt hai giờ trước khi ngủ, chương trình đều đặn ngày nào cũng giống như ngày nào, cuối tuần chỉ trông mong được nghỉ trọn ngày chủ nhật mà không được vì cứ hai tuần một lần, buổi sáng chủ nhật làm lao động xã hội chủ nghĩa. Chỉ có những ngày mưa là được nghỉ, nhưng miền đông mưa ít, mà chỉ có mưa ban đêm, hoặc mưa ngoài giờ hành chính.

Trông mong một ngày nghỉ, trông mong một ngày mưa, người tù chỉ mong đợi chừng đó, còn thì ngoài tầm tay. Biết quên càng khỏe, còn dễ sống. Nếu cứ ân hận, tiếc nuối, bực tức chỉ thêm khổ thân. Mới hơn 30 tuổi nhiều người tóc đã bạc, trán đã hằn ngang những nếp nhăn. Gặp gia đình cũng lại đếm thời gian ở nếp nhăn trên khóe mắt vợ. Gạt hết tất cả để an tâm mà sống chờ ngày về, dặn dò nhau và dặn chính mình, nhưng đâu phải ai cũng làm được, hoặc là lúc nào cũng quên được. Cứ mỗi lần gặp gia đình là thêm bao đêm không ngủ được. Thời gian qua mau quá, vợ đã khắc khoải mỏi mòn trông chờ - con lớn lên không có người dạy dỗ. Giá như chết được thì đã giải quyết hết mọi chuyện cho người chết lẫn người sống; chết chỉ làm cho người thân buồn khổ một lần, rồi thời gian làm họ quên đi. Chết thì 3 năm vợ đã mãn tang, có thể lập gia đình khác mà không sợ bị dị nghị. Người tù không chết, vẫn sống mà lại không có ngày về, người tù như người đã chết mà chưa chôn, nên mọi việc cứ dùng dằng không giải quyết. Trở thành gánh nặng cho gia đình. Vợ phải chờ đợi, con cái, người thân phải trông mong... Không nỡ dứt tình, một người khổ kéo theo hàng chục người đau khổ - ân hận biết bao, sao không chiến đấu đến phút cuối cùng rồi chết, chết là hết. Tại sao đã không dám chết mà không chạy ra ngoại quốc. Chạy là hèn nhưng còn giúp được cho kinh tế gia đình. Ray rứt từ ngày đầu tiên vào tù, cứ xoáy đi xoáy lại trong đầu làm cho cằn cỗi đi, sự hành hạ đó còn khổ hơn là sự hành hạ thân thể, sự sỉ nhục của bọn cán bộ.

21/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 10



Chương Mười

Sáu mươi bảy người tập trung một phòng dưới ô để làm các thủ tục cần thiết để đi trại lao cải. Mọi người lo âu, băn khoăn vì sắp bước qua một giai đoạn mới trong cuộc đời tù tội. Căn phòng chật chội vẫn yên lặng, mỗi người ngồi thừ ra bên cạnh gói hành trang gồm ít áo quần và thức ăn còn lại của đợt thăm nuôi vừa qua.

Cơm chiều xong đa số đã đi nằm, chỉ có những người hút thuốc lào tụm lại với nhau thay phiên kéo chiếc điếu cầy, tiếng nước sôi sùng sục nghe rõ mồn một. Tôi lại nghĩ đến gia đình tôi, không biết thân nhân của tôi sống bằng cách nào trong hoàn cảnh càng lúc càng khó khăn. Qua gói quà gửi tôi hiểu gia đình đã sa sút lắm. Tôi không xin quà, để gia đình gửi cho tùy ý theo khả năng, đỡ cảm tưởng mình là gánh nặng cho thân nhân, vừa để có thể đo lường mức độ sinh sống ở nhà. Đã hơn mười sáu tháng rồi, tôi chưa gặp mặt vợ con. Nhớ lắm.

16/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 9



Chương Chín


Tổ chức phục quốc những năm 1975, 1976, 1977 thu hút nhóm học sinh, sinh viên ở các tỉnh miền Nam, nhất là tại Sài Gòn, đa số các anh em ở các khu Công Giáo như Bùi Phát, Chí Linh, Tân Sa Châu, Tân Hiệp, Tân Phú, Tam Hà, Cái Sắn. Các em bị loại ra khỏi trường học vì lý lịch có cha anh đi cải tạo. Vì những khuyết điểm trong khi móc nối tổ chức, các em bị bắt rất nhiều và rất sớm, tổ chức mới hình thành đã bị trinh sát chính trị xâm nhập. Do đó hầu hết các tổ chức đều chưa có tài liệu học tập hoặc rèn luyện cho các em ý thức chống cộng, sự hiểu biết chính trị căn bản.

Chúng tôi được khích lệ để làm việc nguy hiểm đó trong nhà tù, vì quả tình các em thấy thích thú và hăng say trong khi được giải thích các điểm các em cần hiểu.
Chúng tôi quan niệm giúp đỡ các em có được sự hiểu biết chừng nào tốt chừng đó để rồi trong nhà tù và trong cuộc đời các em học hỏi thêm và tùy khả năng và lý tưởng các em sẽ đóng góp hữu ích cho xã hội mai sau.

15/8/12

Hồi ức tháng Ba


Tháng 3 lại về với nắng vàng rực rỡ lấp lánh trên những vòm cây xanh, khí trời trong veo và dịu mát, gió mơn man chạy như đuổi nhau trên cánh đồng sắp vào mùa gặt. Ngoài kia biển đã vào mùa cá chuồn, những con cá chuồn biết bay phóng mình rào rào trên mặt biển đã dịu sóng.

Vậy mà đã 37 năm trôi qua rồi kể từ những ngày tháng 3 năm 1975, lúc đó tôi chỉ là một chàng trai vừa mới lớn. Tôi 16 tuổi, tuổi của một thời hoa mộng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống yên ả ở cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Tín. Một ngày của tôi đi qua với một buổi đến trường, một buổi rong chơi cùng bè bạn. Chúng tôi rủ nhau về vùng nông thôn để ăn những trái mít chín đầu mùa hoặc “đổ bộ” vào vườn nhà ai đó để mua ổi, vú sữa, mận. Là những thằng “quỷ con” phá làng phá xóm, chúng tôi tha hồ hái vú sữa, ổi, mít mặc cho bà chủ vườn vừa la mắng vừa cười. Bà vui vì chúng tôi trả tiền sòng phẳng, vừa đỡ buồn vì có chúng tôi nên khu vườn yên tĩnh và hơi quạnh quẽ của bà vang lên những tiếng nói cười đùa nghịch.


11/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 8



Chương Tám

Cuối tháng 3 năm 1977 được chuyển qua phòng tập thể A Trại Trần Hưng Đạo, tức Nha Cảnh Sát Đô Thành cũ, có 5 phòng tập thể, phòng A, phòng B, phòng I, phòng II, phòng phụ nữ và một khu xà lim 26 phòng. Từ giã xà lim, thấm thoát đã sáu tháng. Người ta nói nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, tôi lại thấy thời gian đi quá nhanh. Có lẽ tôi kém cảm xúc. Tôi thèm nói chuyện và thèm ăn.
Cửa phòng tập thể vừa mở ra, tự nhiên phải lùi một bước, hơi nóng và mùi khói nồng nặc từ bên trong tỏa ra đủ thứ mùi, mùi thuốc lào, mùi thuốc rê khét lẹt, mùi mồ hôi người tanh tanh muốn lợm giọng. Hành lang hẹp chưa tới một thước bề ngang nằm giữa hai tường nhà cao, gió không thông dù cái quạt nhỏ gắn trên tường chạy suốt ngày để hút hơi ra. Cái cửa ra vào bị che kín một nửa bằng tấm tôle. Chiếc đèn néon một thước hai không đủ chiếu sáng cho căn phòng dài gần 10 thước nên ánh sáng lờ mờ, bệnh hoạn.

9/8/12

A20 Lê Phi Ô trên đài Vietoday television



Lê phi Ô
Tiểu-đoàn trưởng TĐ344/ĐP
Tiểu-khu Bình-Tuy (cựu tù A20)