20/6/12

NĂM RỰA



Tặng mười tám người tù chung thân tại Xuân Phước.
Gửi bà Trần thị Sự chợ Tam Quan, Bình Định


Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

Khi đoàn tù hai mươi người từ Kim Sơn đưa vào Phú yên trại Xuân Phước riêng mình tôi bị đưa vào nhà nhốt riêng cùng mười tám người tù có án nặng. “Trâu già không sợ dao phay” nên tôi dửng dưng từ giã anh em, trong khi đó anh em có vẻ lo cho tôi. Vào phòng đặc biệt này, được cái là khỏi đi lao động, tức khỏi bị hạch sách của người dẫn toán tù đi làm việc. Khi bị cấm cố thì mong được đi lao động, nhưng lao động riết rồi lại muốn vào cấm cố cho khỏe tấm thân tù tội. Nhưng thực ra không phải là cấm cố mà chỉ ở riêng trong một khu vườn nhà chung quanh thành cao, cổng đóng kín, không thấy cái xã hội tù bên ngoài. Nói theo cách lập dị kiểu cách “đó là một nhà tù trong nhà tù”. Trong khu đó có cái giếng, tha hồ tắm giặt, nhưng người tù cấm cố ít khi tắm và cũng không có cái gì để giặt. Mười tám người này gần như đồng một tội là tội giết người trong đó có hai người thọ án tử, nhưng sau được giảm thành án chung thân.

Không ai chú ý đến tôi, khác với những phòng giam khác khi có “lính mới” vào thì bu lại hỏi đủ thứ chuyện như đám ký giả bao vây một nhân vật quan trọng để phỏng vấn. Người lính gác tù dẫn tôi vào chỉ chỗ tôi nằm. Thấy lính vào những người tù đặc biệt này không chào hỏi, không tỏ vẻ sợ như các phòng giam thường thường tôi đã trải qua lâu nay. Gần như lạnh lùng, vô cảm, không ai nói chuyện với ai. Trong phòng vài cặp đang đánh cờ tướng, một vài người ngồi xem nhưng cũng như các bức tượng được đặt sẵn. Im lặng, rất im lặng. Một vài người nằm tại chỗ nhìn trần nhà, một số ngồi ngoài hè nhà nhìn trời, một vài người đi chầm chậm như đếm bước trong sân.

Nhưng có những điểm rất giá trị mà người tù nào lâu năm di chuyển nhiều nơi thì thấy rõ. Yên tịnh, yên tịnh một cách tuyệt đối. Rộng rãi, nhất là chỗ nằm, mỗi người chiếm một chỗ lớn hơn chiếc chiếu, tha hồ ngang dọc (có những nơi mỗi người tù phải nằm nghiêng, có nơi chật quá phải chia từng nhóm để có chỗ nằm, nhóm ngủ, nhóm ngồi, nhóm đứng rồi thay phiên, nhất là các trại giam loại tù chưa hoàn tất hồ sơ). Tôi hay đi vòng vòng ở sân trước hoặc ngồi ở hè nhà nhìn khoảng trời hạn hẹp, rồi cũng đi, rồi cũng ngồi.

Tôi hút thuốc lá, có lẽ vì là người tù mới, nên họ chỉ nhìn tôi không ai tới xin tôi thuốc để hút, điểm này cực kỳ khác các trại giam đông đúc bên ngoài. Một người đang hút, tức thì có vài ba người đến gần xin một điếu, hoặc cho kéo một hơi, hoặc chờ lượm cái tàn thuốc.

Cũng nhờ tôi có thuốc lá, tôi mời anh em hút, nên tôi nói chuyện và tìm hiểu qua qua tất cả mười bảy anh em cùng phòng đặc biệt này. Thật sự họ là những kẻ giết người và đang thi hành bản án. Tôi nói mười bảy người vì còn một người tôi không có cách gì để biết anh như những anh em khác. Anh em gọi anh ta là Năm Rựa, nhưng cũng không hiểu tại sao gọi là Năm Rựa. Phần đông nghĩ rằng anh tên Rựa thứ năm trong gia đình nên gọi là Năm Rựa. Có lẽ ở anh khá đặc biệt nên rất nhiều chuyện về anh, có những chuyện trái ngược mâu thuẩn với nhau. Nghe thì nghe vậy nhưng vẫn không ai biết thật sự anh tên gì, họ gì, ở đâu đến, tội trạng gì, tại sao, vì sao v..v.. Tóm lại, ở anh, hoàn toàn bí mật. Đã ở chung ba năm nhưng không ai biết gì về anh chàng kỳ lạ này.

Sở dĩ người ta không biết về anh bởi vì anh câm, không bao giờ hé răng. Nghe nói người hỏi cung đánh anh đủ cách đủ kiểu, anh chết đi sống lại, máu đầu chảy gần như cạn, nhưng cũng không biết tên anh là gì để ghi vào đầu bản cung ở mục “Tên họ bị can”. Lại nghe kể người ta tức quá đánh anh đến chết vứt ra góc sân chờ sáng mai đem chôn. Sáng hôm sau toán chung sự, toán chôn xác chết trong tù, được lệnh đến đưa xác anh ra “nghĩa địa tù”, nhưng thấy xác chết cựa cựa, xem kỹ lại còn thở nhẹ nhẹ có lẽ qua đêm sương làm cho xác chết hồi sinh chăng. Đánh riết rồi mệt, rồi ngán, hết muốn đánh nữa, bọn tù làm tạp dịch khiêng anh vào phòng bỏ nằm chờ chết, nhưng không chết. Nhiều tay chuyên đánh đến “đá cũng phải nói”, thế mà đành chịu thua ở trường hợp này. Nghe những chuyện anh em mỗi người kể một cách về nhân vật quá kỳ lạ này, tuy khó tin, nhiều chỗ vô lý, nhưng hay hay, nghe lý thú, nên tôi tìm cách khám phá nhân vật hãn hữu này.

Thì ra anh nằm gần tôi. Nói gần nhưng cũng cách nhau ba bốn chiếc chiếu. Tôi cứ tưởng anh tù bịnh đang nằm nên không để ý. Anh thường nằm ngữa nhìn trần nhà, không nằm nghiêng, không trở mình. Chỉ khi đi cầu đi tiểu anh mới đứng dậy, nhưng cũng rất hiếm khi làm việc này. Tôi phì phà điếu thuốc, cầm sẵn điếu đã quấn đến gần anh “Ê, mời anh điếu thuốc. Hút thuốc cho vui !” Không biết làm sao nói hết cái giá trị của điếu thuốc trong tù. Một niềm vui quá lớn khi có người cho điếu thuốc trong tù. Tôi mời lớn như vậy nhưng không thấy anh động tịnh gì hết, nghĩa là anh không cần để ý đến lời mời. Vũ khí thuốc lá của tôi hết công hiệu. Tôi chịu thua. Anh vẫn là người bí mật như dưới cõi âm ty, đành thua.

Tướng người cao to. Đi nghiêng nghiêng như muốn chúi ngã về phía trước. Cái vai trái gãy cúp xuống, cánh tay trái buông xuôi như cánh tay chết, không cử động. Mắt lừ đừ ngó xuống đất yếu ớt không còn thần sắc. Tóc lờm xờm ngang dọc phủ gần đến vai. Anh mặc chồng hai cái áo tù rách, cái quần dài, bộ đồ tù màu xanh lợt đã cũ. Khi mời thuốc không được, tôi mới tin anh em nói ‘ai cho cái gì không bao giờ anh đụng tới,’ cũng không dọn, người cho phải đến lấy lại đem đổ, vì để lâu hóa hư thối. Chắc chắn là bịnh tâm thần rồi nên bọn canh gác tù, trông coi trại tù, như dành cho anh một qui chế đặc biệt, xem anh như loài thực vật cây cỏ, hoặc như một xác chết bỏ quên không ai chôn cất. Trước cái thái độ vô cảm ứng, cái thái độ hoàn toàn khép kín không một kẻ hở của người tù kỳ lạ này, tôi chịu thua, không tìm hiểu anh ta nữa và gần như không để ý đến nữa.

Hơn một năm sau, một buổi chiều nóng bức. Cái nóng của rừng núi làm cho đám tù ra ngoài hè nhà, để may ra dễ chịu hơn, để hứng những chút gió lạc. Tôi trở vào phòng bỗng thấy người tù câm này đưa tay vẫy tôi như nhờ tôi giúp đỡ điều gì. Quá ngạc nhiên, tôi đi nhanh đến anh, cúi xuống gần sát mặt anh, nghe anh thì thào:

Mai bọn nó đưa cháu đi bịnh viện, chắc không trở lại nữa, nhờ chú khi chú được tha về ghé mẹ cháu….” Anh nói nhỏ khó nghe quá, tôi định bảo anh lặp lại nhưng bên ngoài anh em bắt đầu vào phòng sắp tới giờ ăn tối, nên tôi lại thôi chờ dịp khác hỏi kỹ hơn, vì chúng tôi còn nhiều năm tháng để nói. Điều làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt là người tù câm này bắt đầu nói. Một hiện tượng kỳ lạ làm tôi nôn nao như sắp khám phá ra con người kín đáo, tưởng không bao giờ nói một lời. Ý nghĩ đó làm cho tôi quá khuya mới ngủ được.

Trong phòng bỗng la lớn như có đánh lộn, như nhà cháy ban đêm, làm tôi thức dậy hoảng hốt chưa biết xảy ra việc gì. Lính canh tù súng hằm hằm mở cửa tiến vào lệnh cho chúng tôi ở tại chỗ không ai được động đậy. Thì ra người tù đi tiểu trong phòng cầu thấy một người lửng lơ như ma, anh ta la lớn té xỉu, rồi cả phòng hoảng hốt la theo làm lính canh tù báo động, đạp cửa chạy vào phòng. Điện bật sáng, thì ra một xác người tù treo trên cây xà ngang chân hỏng trên mặt đất. Anh dùng dây lưng quần thắt cổ chết trong phòng cầu.

Khi xác chết được đưa ra ngoài, đám tù nhao nhao bàn tán ồn ào về người tù tự vận này. Người thì bảo trong mấy ngày nay thấy anh ta buồn, người bảo thấy anh ta vui hơn lúc trước. Rồi những chuyện về anh vừa mâu thuẩn trái ngược được nhắc đến trong toàn trại. Riêng tôi hối tiếc vì không nghe hết câu nói của anh, nên không hiểu anh nói gì chỉ nhận được mấy chữ ‘chú về gặp mẹ cháu…’

Thường thường mỗi tuần ít nhất một lần đem chiếu ra ngoài nắng giũ mạnh và phơi cho rệp chết. Hàng trăm con rệp rơi xuống sân nắng gắt canh trưa không phải là việc hiếm có đối với tù. Tôi vừa cuốn chiếc chiếu bắt gặp cuốn vở cỡ hai trăm trang dưới chiếu, phản ứng tự nhiên tôi lại trải chiếu ra che lấp cuốn vở. Tôi run run hồi hộp, xấp giấy gì đây, hay là ai vu khống để buộc tội mình vì mình chưa có án mà phải vào ở trong nhà này. Tôi nhìn quanh có lẽ không ai thấy xấp giấy nguy hiểm này, và thái độ bối rối của tôi.

Tôi đem tập giấy vào cầu tiêu đọc. Nếu là tài liệu vu cáo để buộc tội cho tôi thì xem xong tôi sẽ cho xuống lỗ cầu, mất dạng. Có lẽ cầu tiêu là nơi tốt cho việc đọc tài liệu kín đáo. Tôi ngạc nhiên suýt la lớn lên, vì đây là tập ghi chép của Năm Rựa, và như vậy là anh cố ý gửi cho tôi tập vở kín đáo này. Tôi run run dở từng trang đọc ngấu nghiến.


Thì ra tên anh là Trần Văn Thao ở An Lão Bình Định, không biết cha là ai khi lớn lên anh mới hiểu mẹ anh là người con gái đẹp nổi tiếng ở vùng núi rừng An Lão, năm mười chín tuổi bị hãm hiếp. Ông ngoại bà ngoại cũng như các cậu dì đều khuyên nên phá thai vì làm nhục đến gia phong. Mẹ anh chống đối những đề nghị đó và bảo thà bà tự tử không thể giết đứa con mới vài tháng mà bà đã thương xót xa. Bà còn nói: “Các người đủ chồng đủ vợ, sinh con ra thương tới mức đó, nhưng các người đâu có biết trường hợp nghiệt ngã như tôi, thương con gấp bội phần, làm sao tôi có thể giết con tôi được. Nếu các người nhân danh đạo đức thì hai mẹ con tôi đều chết, hoặc cho tôi sinh ra các người nuôi nó, và tôi sẽ chết ngay sau khi sinh, để bảo vệ danh thế gia phong các người. Như vậy các người đã chịu chưa, các người cũng ác tới cái mức nào thôi chứ.” Lời nói quyết liệt của người đẹp An Lão làm cho ông bà ngoại, bà con lặng lẽ nuốt nhục. Thao viết:

 “ Tôi có người mẹ vĩ đại thật, tôi không xứng đáng là con của bà, vì tôi thiếu can đảm thiếu ý chí và nhất là thiếu chịu đựng như bà. Nhưng cũng như bà, bà làm bà ngoại tôi nát ruột nát gan và tôi làm cho bà cũng như vậy. Có phải là một quả báo luân hồi không ?

Còn một năm nữa thi bằng tú tài rồi lên đại học được hoản dịch nhưng Thao chán học tình nguyện đi lính. Thao viết: “Ngồi trong lớp nghe thầy nói lảm nhảm chán quá. Thì ra học ở trung học là để biết những cái, những điều đã chết từ lâu, những ý nghĩ đã cũ rích chết từ bao giờ. Rồi người nhân danh nhà giáo là đem cái hiểu lờ mờ không chắc đúng, truyền cho học trò, với vẻ cao ngạo là người thông kim quán cổ. Buồn cười dị hợm thật, ta đã hối hận chôn tuổi trẻ nơi chốn này. Ta đoạn tuyệt nó…”

Đoạn anh viết về đi lính. “Tôi phải minh xác một trăm lần tôi đi lính không phải vì yêu nước không phải vì nghĩa vụ cũng không phải vì hận thù. Tôi đi lính vì trước hết tôi đang chán cuộc sống hiện tại, không có gì đổi mới, ngày nào cũng như ngày nào. Tôi đi lính để tôi trực tiếp sống với chiến tranh, trực tiếp trước cái chết. Tôi tìm những cảm giác mạnh có lẽ lý thú nhiều hơn cuộc sống buồn tẻ của thằng học trò.”. Rồi anh nói lý do tại sao anh bỏ bộ binh để qua binh chủng dù. Một lý do đơn giản là anh muốn tìm những cảm giác mạnh hơn, lý thú hơn, sôi nổi hơn.
Anh ghi lại một đoạn thư anh gửi về cho mẹ khi anh đang ở chiến trường hạ Lào.

“ ……Mẹ ơi, con đang ở Lào, miền rừng núi của Lào thì đúng hơn. Chiến trận ác liệt nhiều lúc con tưởng không còn viết thư cho mẹ nữa. Chết sống trong gang tấc, gần hơn gang tấc nữa, thật là lý thú con thấy hết được cái cảm giác của sự chết. Giản dị và có lẽ cũng lý thú đấy mẹ. Bây giờ ở khu rừng âm u này chỉ còn chém giết để kéo dài cuộc sống chừng nào hay chừng ấy, và hưởng thụ. Nhưng không có gì để hưởng thụ. Rừng núi lúc nào cũng dửng dưng và vô tình. Về khuya cảnh rừng rậm che khuất ánh trăng mờ, con có những cảm giác đang ở cõi chết, cõi âm ty. Sương khuya lạnh, đồng đội ngủ li bì sau những ngày hành quân mệt mỏi. Mình con xách súng đi sâu vào xóm người thượng. Xóm thượng tiêu điều xơ xác, dân chúng bỏ nhà chạy giặc.Thấy túp lều còn có đèn le lói, con bước vào, không có ai trong nhà con định đi ra, nghe tiếng động ở ngoài vườn phía sau, thì ra còn một cô gái, thấy bóng con bỏ trốn. Không chống cự được, cô gái đành buông chiều theo ý con. Nước mắt cô càng chảy, cô càng giẩy giụa phản đối, con lại càng khoái cảm cao độ. Trời chưa sáng con phải vội bỏ con bé đáng thương, để về đơn vị di chuyển gấp. Tiếp tục cuộc chém giết. Sáng hôm đó, vừa men theo bìa rừng di chuyển, con luôn nghĩ đến mẹ. Đúng hai mươi hai năm trước, mẹ cũng như cô gái khi hôm, vì không đủ sức chống lại một con thú đực, nên suốt cuộc đời mẹ chịu đựng biết bao cảnh đoạn trường. Con thương mẹ vô cùng. Khi lớn lên, khi con trưởng thành, có lần mẹ nói với con mẹ không bao giờ quên được cái khoái cảm của người đàn ông tàn bạo đêm đó, người cha của con, và mãi mãi cha con không bao giờ gặp nhau, biết nhau. Khi biết mẹ có người bạn trai, con mừng quá, có như thế mẹ bớt những ngày buồn tẻ, những ngày đơn côi. Tuổi bốn mươi mẹ còn trẻ lắm, còn tạo lại cuộc đời vui vẻ hạnh phúc. ….”

Thế rồi mẹ anh có chồng, về ở Tam Quan vì chồng làm nghề dạy học ở đó. Anh nghỉ phép về Tam Quan thăm mẹ, yêu cô gái thợ may xứ dừa này. Cô thợ may tên Dung, ba mất sớm chỉ còn mẹ, nên hai mẹ con nâng niu đầm ấm qua ngày trong cái tiệm may đơn sơ này. Mẹ anh rất mừng muốn mượn người đẹp cột chân ngăn bước giang hồ anh lại. Đoạn này anh viết :

“…Nếu bỏ súng quỳ trước tiệm may của Dung mãi cho đến khi ngã gục mà được Dung yêu, thì kẻ si cuồng này sẵn sàng hành động vì Dung đẹp quá. Tôi nghĩ Tây Thi Thúy kiều cộng lại cũng không bằng nhan sắc của Dung “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm. Nàng là hương hay nhan sắc mộng lên hương.” (Hai câu thơ của Bích Khê anh ghi lộn của Hàn mạc Tử ). Đúng như điều mẹ anh dự đoán, chuyến nghỉ phép đó chấm dứt đời lính giang hồ của anh. Mẹ anh mừng quá xin làm đám cưới ngay sau đó. Dung hai mươi ba tuổi, cùng tuổi với anh, mẹ anh thường nói: “Vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi cũng no”

Anh dành nhiều trang viết về cuộc sống rất hạnh phúc của anh với Dung, và anh luôn luôn cao ngạo, không có cuộc tình nào đầm ấm, dù là những bậc vua chúa, chưa chắc bằng mối tình tuyệt đẹp của Dung với anh. Sau đó Dung không còn là cô thợ may nữa mà biến thành cô chủ quán nhậu “Bóng Dừa” ở Tam Quan. Theo anh, quán nhậu của anh phát triển ngoài dự đoán của anh, một phần nhờ cô chủ quán sắc nước khuynh thành, nhờ sự vui vẻ trẻ trung của anh và nhất là anh quí tửu khách, nhất là anh không “chặt đẹp”, trái lại người nào thiếu tiền thì khi có dịp trả, không thành vấn đề. Vì châm ngôn của anh là “tửu lượng cao, thái độ uống hào sảng, đẹp. Còn tiền là chuyện nhỏ”. Anh viết: “Tôi thường mặc,  hoặc cái áo lính dù, cái quần tây xi-vinh, hoặc cái quần lính dù áo T shirt. Đầu cạo trọc, tướng to lớn thô bạo, làm đám “du đảng vườn” thấy tôi nể tôn là đại ca, vì thế quán tôi rất an toàn. Đám nhóc học sinh thường ra quán tập tành uống bia, hoặc uống coke, để nhìn thần tượng, mê điếng cô chủ quán….”.

Quán kéo dài đúng ba năm thì tan hàng. Đoạn này anh viết: “Thật tôi không ngờ hận thù ngút ngàn. Người ta chơi với nhau thiếu tinh thần mã thượng. Kẻ thắng huyênh hoang kiêu hãnh hành hạ không nương tay kẻ thất trận. Nhiều người bị giết trong hòa bình, và quá oan cho họ, vì họ là kẻ thừa hành thứ một trăm, một nghìn, còn bọn đầu sỏ thì cao bay xa chạy rồi. Còn số đông bị đưa an trí trên núi cao trên rừng sâu nước độc. Đúng là một cuộc chơi không sòng phẳng, không đúng luật giang hồ. Nghe nói ngày xưa ông Quan Công bất sát kẻ hạ mã, không giết người xuống ngựa. Cái gương sáng đó ngày nay sao không bắt chước, ngày nay chơi không sòng phẳng…

Dung, mấy ngày nay mừng vì ba cô còn sống, chứ không chết như cô nghe nói hồi còn hai ba tuổi. Thì ra mẹ cô không cho cô biết ba cô tập kết ra Bắc năm 1954. Mình tưởng không có cha vợ, bây giờ có cha vợ là điều đáng vui mừng. Không có cha đẻ, thì ít ra cũng còn có cha vợ….”

Ba tháng sau bố của Dung trở về, sau hai mươi mốt năm. Nhưng ông không về Tam Quan, ông viện cớ công tác ở Qui nhơn. Cả nhà đều vui mừng, cả giòng họ vui mừng, rủ nhau ào ào kéo đến Qui nhơn. Trong căn phòng rộng trong một biệt thự chủ bỏ trốn ra nước ngoài, bà con vui vẻ nói cười, vỏ chai bia bỏ ngổn ngang như xác chết ở chiến trường. Ba Dung, ông Thành, người trạc năm mươi, hơi gầy, đen, gương mặt quắc thước cặp mắt rất sáng. Ông hỏi thăm từng người một. Đến đứa con gái ông khi ông ra đi mới có hai tuổi nay có chồng. Ông liền hỏi “Chồng nó ngụy hay cách mạng?” Mọi người đang vui, im lặng không ai trả lời. Ông nhắc lại câu hỏi lần nữa, má Dung sợ sệt đứng dậy thưa “Chồng nó ngụy mà cũng như không ngụy, vì nó không ưa chiến tranh, nó đào ngũ, về sống đời sống dân sự, mới cưới con gái mình.” Nét mặt ông Thành đỏ như gấc rồi tái dần dần xám xịt, đập ly bia đang cầm trên tay, quát: “Thế là bà bán con cho bọn phản quốc bọn ngụy, tội bà đáng chết, bà chỉ biết cơm thừa canh cặn của bọn Việt gian của bọn đế quốc không nghĩ gì đến tổ quốc đến đảng vĩ đại đến nhân dân anh hùng. Bà ra khỏi nơi đây, con Dung cút khỏi nơi đây”. Cuộc tiệc hội ngộ đang vui vẻ bỗng tối sầm. Mọi người sửng sốt tản dần, chỉ còn má Dung và mấy người thân tín ở lại thanh minh, giải thích, xoa dịu ông. Uống hết một ly nước đá lạnh,  người ông dịu lại, ông nói có vẻ có suy nghĩ: “Lỡ dại rồi, nhưng còn nước còn tát, con Dung ở lại đây, không được về Tam Quan, nếu không có ý kiến của tôi. Xóa bỏ đám cưới, đó là một tàng tích nhớp nhúa. Cũng may là chưa có con. Thằng lính ngụy ác ôn chồng cũ của nó đó, tôi sẽ đưa đi cải tạo, đó là theo chính sách khoan hồng của cách mạng, nếu không tôi bắn bỏ rồi…”

Sáng hôm sau mẹ Dung về lại Tam Quan để thu xếp đồ đạt dọn về Qui nhơn, vì ba Dung đã chiếm được một villa hạng sang đường Độc lập. Bà về thuật lại đầu đuôi cho anh và mẹ anh nghe chuyện đã xảy ra trong bữa tiệc sum họp. Bà vừa khóc vừa kể và đi tới kết luận, dù chồng bà nói gì nói, bà vẫn xem anh là người rể của gia đình bà. Trước mẹ anh, bà còn khuyên anh nên tìm cách dẫn con Dung đi khỏi xứ sở khó chịu dễ ghét này, nên vào miền Nam lục tỉnh làm ăn, tránh càng xa ông ta càng tốt. Anh viết: “Mẹ vợ tôi kể lại câu chuyện cha Dung mạt sát chúng tôi, nhưng vấn đề đó không quan trọng bằng ý định của Dung như thế nào. Tôi tin chắc Dung không bao giờ thay đổi đạp đổ hạnh phúc của chúng tôi. Thấy tôi bình tĩnh, không nóng nảy, mẹ tôi có vẻ yên tâm đề nghị với mẹ Dung, hai người nên xuống Qui Nhơn gặp cha Dung, để trình bày thực tế, và xin ông vui lòng chấp nhận cho vợ chồng tôi được tiếp tục xây dựng tương lai.”

Mẹ anh mua ít lễ vật để kính biếu ông sui vì hoàn cảnh chiến tranh bây giờ mới được gặp. Vừa vào đến nhà mẹ Dung giới thiệu:

“Mình, đây là chị sui mẹ chồng con Dung, người đã nâng đỡ xem con dâu quí như con gái, hôm nay xuống thăm kính biếu mình chút quà, gọi là kính mến mình, gia đình mình.”

“ Tôi đã nói mà, bà không hiểu gì tôi, bà vẫn muốn ăn cơm thừa canh cặn của Mỹ ngụy à. Con Dung là con tôi, không phải con bà, tôi sẽ kéo nó ra vũng lầy dơ nhớp miền Nam, tôi sẽ dẫn nó ra Hà nội cho nó học hành và có gia đình đàng hoàng lành mạnh. Bà đừng nói nhiều”

“ Thưa mình, hai mươi năm nay, tôi thắt lưng buộc bụng nuôi con, tôi nhịn nhục chờ mình, tôi nguyện không kiếp này thì chờ kiếp sau để đoàn tụ với mình . Trong khi đó mình quên tôi, quên con, ngoài Bắc mình có vợ có con, nhưng tôi có dám nói gì đâu. Bây giờ tôi chỉ xin mình một việc là đừng phá hoại hạnh phúc tụi nó tội nghiệp”

“ Tôi không thèm nói chuyện với bà, với lũ ngụy”. Nói xong ông vào phòng trong, đóng ầm cửa tỏ vẻ quá bực bội.

Đoạn này là đoạn chính, có lẽ, anh viết thận trọng dễ đọc: “Nghe mẹ tôi thuật lại có vẻ tủi nhục thất vọng, tôi tự nhiên cười. Cái cười rùng rợn, chính tôi nghe cũng khiếp. Như mẹ tôi linh cảm điều gì, nên bà bảo đừng nóng nảy từ từ rồi giải quyết. Tất cả đều có số mạng. Khi giải quyết yên rồi chúng ta nên đi khỏi xứ sở này, nên vào miền Nam xa mút, hay lên núi rừng cô quạnh, chúng ta sống tuy cực nhưng yên thân, bớt nhức cái đầu. Lời nói thiệt thà của mẹ tôi làm tôi càng thất vọng, và tôi cảm thương mẹ tôi vô cùng. Bỗng dưng tôi khóc. Mẹ tôi cũng khóc. …

Từ ngày đó, quán tôi đóng cửa. Tôi đóng cửa, âm thầm uống rượu, chờ Dung trốn cha trở về “Bóng Dừa”, nơi đầm ấm thơ mộng hạnh phúc nhất của chúng tôi. Nhưng Dung không về… tức hạnh phúc chúng tôi trở thành địa ngục……
Trời chiều nay buồn quá. Tôi biết sắp bước vào giai đoạn cực kỳ thê thảm của đời tôi. Thiếu Dung tôi thiếu tất cả.! 

Tôi vẫn mặc cái quần lính dù, mang ruột nghé đựng gạo như mọi người, khoác chiếc áo jacket nhà binh, gọi chiếc xe thồ ra đi. Tôi không biết lúc đó mẹ tôi đang làm gì có lẽ bà đang nằm khóc cho tôi, và cho sự sỉ nhục của bà.

Trước toà nhà đồ sộ cổng đóng kín, không thể nhìn thấy bên trong. Hút hết điếu thuốc vì biết đâu đây là điếu thuốc cuối cùng của đời tôi. Nghĩ đến cuối cùng tôi rùng mình. Mỉm cười. Tôi lấy lại bình tĩnh. Tôi nghĩ thầm sao hèn nhát vậy, đã nhiều lần mình chạy dưới làn đạn để lấy xác đồng đội không một chút sợ hãi, thế mà chuyện nhỏ này lại hơi sợ, vô lý thật. Tôi gõ mạnh cửa. Đứng chờ. Mấy lần như vậy, cái ô vuông cánh cửa hé mở.. Mặt một bà già nhăn nheo hỏi : “ Hỏi ai có chuyện gì ?” Tôi lễ phép, dù hơi bực mình nghĩ người ở mướn mà cũng dựa hơi chủ hách dịch: “Thưa bà có cụ Thanh trong nhà”. Nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi bà trả lời: “Không có, cả nhà đi xem hát ở rạp Trần hưng Đạo, có gì mai ông lại” Nói xong bà gài miếng sắt kín, đi vào.

Tôi gọi chiếc cyclo: “Em cho anh tới rạp hát Trần hưng Đạo”. Thằng nhỏ nhanh nhẹn vừa quay xe đổi hướng, nói: “Rạp hát nay đông lắm, cháu mới ở đó lại đây, tối nay có chiếu phim “Giòng sông Trạnh” có múa rối, và các ca sĩ từ Hà nội vào. Vé bán hết sạch người ta phải mua vé chợ đen”. Khoảng chín giờ tối mà Qui nhơn vắng tanh, ít người qua lại. Một vài cyclo chầm chậm dọc đường kiếm khách. Đèn đường yếu ớt, nhiều bóng không cháy hoặc chớp chớp như đèn hiệu. Phố xá đóng cửa, mệt mõi. Một vài quán ăn còn đèn nhưng không có khách. Bên cột đèn đường, đèn dầu nhỏ ngọn của người thợ vá xe đạp, đang ngồi chờ khách sau cái thau nước đục. Một vài cái lốp xe hư treo ở chân cột đèn báo hiệu nơi vá xe hai bánh. Bầu trời tối đen, đầy sao, bí hiểm. Có thể đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy màn đêm buồn thảm ở Qui Nhơn. Rồi hình ảnh trường Mai Xuân Thưởng tôi học trung học, những buổi chiều thơ mộng trên bãi biển Qui nhơn, tiệm kem Hoà Bình… các quán rượu dọc biển… các hình ảnh chen nhau hiện lên lần cuối như nhắc nhở tôi nhớ đừng quên nó. Nhưng hình ảnh Dung luôn ám ảnh tôi. Dung ra Bắc, Dung đi học lấy chồng Bắc, ông Thanh ba cô hãnh diện cải tạo lại đời Dung…

“Đến rồi chú nhưng họ chiếu được nửa rồi chú đến trễ quá” thằng nhỏ vui vẻ nói.

Tôi vào quán rượu đối diện rạp hát. Tôi quá quen các rạp chiếu phim ở đây. Rạp hát được quét vôi sửa soạn sạch sẽ, trên cao treo tấm hình chủ tịch Hồ chí Minh thật lớn tôi chưa thấy tấm hình nào lớn đến như vậy. Tôi lại khâm phục anh thợ vẽ nào giỏi thật vẽ lớn như vậy mà hình giống như đúc, y như tấm hình chụp. Tôi mua một bình đông rượu đế hạng cắt hớt, bỏ vào ruột nghé, và ngồi hút thuốc uống rượu đế. Chờ đợi. Chất men rượu ngấm vào người làm cho tôi tỉnh táo không suy nghĩ mung lung. Vâng, tôi phải ra tay. Phải dứt khoát ra tay. Khói thuốc bao phủ cả chỗ tôi ngồi. Qua màn khói thuốc dày đặc, cảnh vật bên ngoài như sương mù. Trẻ con đông quá chạy nhảy nô đùa trước cửa rạp. Không thấy người lớn qua lại. Người chủ quán hạ lần các cửa, sắp các ghế lên bàn chuẩn bị đóng cửa.

“Cậu cứ tự nhiên, tôi dọn lần. Hôm nay mấy người làm về sớm, cậu cứ tự nhiên” người đàn ông vừa nói vừa đưa các ghế úp lên mặt bàn chổng chân lên trời. Tôi lẩm nhẩm :

“ Thanh toán, không ở đây thì ở ngõ nhà, dứt khoát cho bài học, phen này ..”

Như một lệnh, trẻ con đang nô đùa ví bắt la ó bỗng im bặt ùa chạy vào cửa rạp. Người chủ quán: “Gần vãn hát rồi thả cửa cho trẻ con vào xem, tội nghiệp trẻ con nhà nghèo được vào xem thì người lớn sắp ra, nghèo cũng khổ”. Tôi vụt đứng dậy trả tiền theo đám con nít vào cửa rạp.

“Trên sân khấu đèn màu rọi chiếu vào cô ca sĩ mặc bộ đồ lính đang hát. Cô cúi đầu chào pháo tay vang rạp yêu cầu cô hát lại, có xen những tiếng la “bis ! bis ! ”. Cô ca sĩ bắt đầu hát lại, tôi theo đám trẻ con lên gần các ghế trên cùng. Tiếng ghế nghe kêu lợp cợp một số người đứng dậy ra về. Từ xa tôi đã thấy Dung. Áo chemise trắng, mái tóc dài đen nhánh phủ vai. Dung đứng dậy rồi lại ngồi xuống. Hàng ghế đầu bỏ trống chừng vài ba người ngồi. Dung ngồi ngay giữa hàng ghế thứ hai. Tôi sát gần Dung chừng năm thước tây trong bóng tối mờ mờ. Đèn nhiều màu chiếu trên sân khấu làm cho chỗ tôi đứng mờ tối hơn. Bọn trẻ con bị tôi đứng che khuất liền nhoi qua tôi tiến lên để nhìn rõ sân khấu. Thì ra mẹ Dung, rồi đến người đàn ông trạc trên năm mươi, rồi đến Dung. Tôi rờ tay vào ruột nghé, cái lưỡi rựa lạnh ngắt làm tôi giật mình. Cặp mắt tôi trừng trừng theo dõi như con chó săn bám sát con mồi. Người ca sĩ hết bài hát cúi chào, tiếng vỗ tay vang dội. Dung vỗ tay sơ sài, mẹ Dung ngồi yên như bức tượng, người đàn ông tôi theo dõi vỗ tay tán thưởng, say sưa… kéo dài. Ban tổ chức ra cảm tạ, mọi người không chờ đợi, đứng dậy ra về. Đèn bật sáng như ban ngày. Có những người đã bật máy lửa đốt thuốc. Người ta chen lấn ra về. Tôi lui vào trong sợ Dung thấy. Dung đi trước đám trẻ nhỏ chen theo sau, rồi đến mẹ Dung. Vì thả cửa nên trẻ con ùa lên sát sân khấu bây giờ chúng chen lấn chạy về trước, nên đường đi kẹt cứng. Tôi cúi xuống đất rút cái rựa trong ruột nghé cầm chắt trong tay, dấu dưới chiếc aó jacket không gài nút. Tôi sẵn sàng. Trẻ con la ó ồn quá. Không nghe được gì hết, người ta kêu tên người quen, bảo ra ngoài rạp chờ. Tôi gọi lớn: “ÔngThanh, ông Thanh,” Ông dừng lại ngó lức láo. Tôi quả quyết con mồi đây rồi. Tôi bước theo sau ông, để chắc chắn khỏi nhầm, tôi gọi lần nữa “Bác Thanh ơi, Bác Thanh !”

Ông già bực mình quanh lại “Cái gì mà réo lên thế !”. Hai tay nắm chặt cán rựa đưa lên cao toàn sức sả vào đầu mục tiêu, con mồi. Một tiếng ré kinh hoàng thân ông qụy ngay tại chỗ tôi tiếp tục bằm nát cơ thể con mồi, máu tung toé như vòi nước bị bể. Những tiếng la lớn: “Giết người ! Giết người !..” Mạnh ai nấy chạy đạp lên nhau mà chạy tán loạn. Một cảnh hổn loạn chưa từng có. Máu phun đầy lên mặt lên người tôi. Máu nhuộm cả một hành lang. Dưới ánh đèn sáng choang choang, máu phun như giếng phun. Rựa dính đầy máu nhơn nhớt. Tôi dứt một nhát, đầu lìa cổ, nắm nhúm tóc đưa lên cao, tôi bỗng cười sặt sụa, đá mạnh vào như đá quả banh. Cái đầu bay vút lên cao tán vào trần nhà rơi vào đám ghế bỏ trống gần sân khấu. Trong nháy mắt, không còn bóng người trong rạp. Đèn vẫn sáng lạnh. Im lặng. Chỉ còn tiếng la ó bên ngoài dội vào. Đốt điếu thuốc, rút bình đông rượu tôi uống liên hồi. Ngồi trên thành ghế, gần cái xác không đầu, nhầy nhụa máu….Tôi chờ.”


Nguyễn Liệu
(Trích trong tập truyện ngắn “Bên Kia Đèo” do Amazon xuất bản)









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét