15/6/12

Vĩnh biệt anh Trương Văn Sương


Anh Trương Văn Sương

Mấy hôm nay, kể từ ngày anh Trương Văn Sương về cõi vĩnh hằng, có rất nhiều người thương tiếc anh, viết về anh trong đó có bài của luật sư Nguyễn Văn Đài và anh Nguyễn Ngọc Quang rất cảm động. Nhưng tôi vẫn bâng khuâng hình như thiếu vắng một cái gì đó.

Tôi thầm đếm lại thời gian, từ khi chúng tôi chia tay nhau ở trại giam Nam Hà. Đó là ngày 27 tháng 10 năm 2002 - ngày cuối cùng trong mười năm tù khổ sai của tôi. Từ đó đến khi anh Sương được tạm rời nhà tù nhỏ về chữa bệnh là ngày 12/7 năm 2010 như vậy là tám năm, có nghĩa là kể từ 2002 đến năm 2010, anh đã trải qua một thời gian gần bằng bản án của tôi !

Khi tôi gặp anh ở trại giam A20 Phú Yên vào năm 1994 thì anh đã ở trong nhà tù Cộng sản tổng cộng gần 18 năm - một thời gian làm cho bất cứ ai nghe cũng thấy choáng váng mặt mày.

Tôi viết bài này để tưởng nhớ anh như một người bạn cũ và cũng với tư cách là một người ngưỡng mộ anh. Vì anh là một tù nhân chính trị vô cùng đặc biệt: một tù nhân chính trị có thâm niên lâu nhất (hơn hẳn người tù chính trị trước đây được cả thế giới tôn vinh là Nelson Mandela), là một tù nhân chính trị bị biệt giam nhiều nhất và lâu nhất. Nhưng còn có một cái “nhất” nữa không thể không nhắc đến: anh là tù nhân gian khổ nhất, bất hạnh nhất.

Trong suốt cả quãng đời tù đày hơn 30 năm anh không hề có thăm nuôi, tiếp tế gì. Cả một lá thư cũng không. Nếu ai đã trải qua một thời gian nào đó trong tù sẽ cảm nhận được nỗi buồn này. Cứ tưởng tượng những ngày sắp Tết là những ngày tù nhân được gia đình viếng thăm hoặc gởi quà, gởi tiền, gởi thư. Ai ai cũng vui mừng vì được tiếp tế, được gặp người thân, được đọc thư của con, của vợ. Những điều này vô cùng quan trọng với người tù vì họ được an ủi, được tiếp sức. Anh Trương Văn Sương không có được những điều đó. Anh phải chịu đựng sự thiếu thốn đến cùng cực cả vật chất lẫn tinh thần.

Năm 2001 và 2002 trước sự o ép, đàn áp của Ban giám thị trại giam Nam Hà, chúng tôi - những người quyết liệt đấu tranh để cải thiện đời sống của tù nhân phải ngồi chung lại với nhau, để bảo vệ và chia sẻ cho nhau. Cho nên, tôi, anh Trương Văn Sương và anh Lê Văn Tiến quây quần bên nhau trong một mâm ăn, vì chúng tôi có cùng quan điểm (tạm gọi là “phe cứng rắn” trong tập thế “ôn hòa”).

Chính những ngày tháng sẻ chia này mà tôi đã được nghe anh Sương và anh Tiến kể về những gian khổ, thiếu thốn họ đã trải qua. Câu chuyện thương tâm các anh kể mà tôi không bao giờ quên được là thời điểm của những năm 1980 - cái đói đã làm cho hai anh suy kiệt đến tận cùng, chỉ còn da bọc xương, bước đi loạng choạng, mắt mờ, nằm xuống là ngủ và luôn chiêm bao thấy được ăn uống thỏa thích. Khi đi làm theo đội hoặc lúc ở biệt giam họ ăn tất cả những con gì có thể ăn được như chuột, rắn, dế và cả thằn lằn. Họ nướng chúng bằng lá cây, bằng giấy vụn một cách sơ sài. Theo lời của anh Trương Văn Sương và Lê Văn Tiến kể thì lúc đó “đói đến nỗi mấy con thằn lằn nướng sơ sài ăn sao mà ngọt, mà ngon vô cùng!”.

Tôi không biết khi nhắc đến điều này có xúc phạm vong linh của anh Sương không? Tôi mong anh tha thứ, nhưng tôi phải nói lên điều này để nhân loại văn minh hiểu được  sự “ưu việt”, chính sách “nhân đạo” của chế độ cộng sản và bản lĩnh phi thường của những tù nhân chính trị Việt Nam.

Kể từ sau năm 1975, khi Việt nam Cộng Hòa sụp đổ, đã có hàng triệu người con của mẹ Việt nam vì lý tưởng Tự do đã phải sống trong hoàn cảnh tù ngục như thế. Tôi được biết không chỉ có một Trương Văn Sương hay Lê Văn Tiến (đảng Việt Tân) mà còn có những người cùng cảnh ngộ như Nguyễn Văn Trung (một anh hùng thực sự của nhà tù mà tôi đã đi qua) Trần Nam Phương, Dương văn Sỹ (cả 3 người này đều mang án chung thân) Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Đình Oai và 2 người nữa trong tổ chức của ông Hoàng Cơ Minh là Nguyễn Văn SạchDanh Bảo… Họ là những con người mà sức chịu đựng làm cho chúng ta kinh ngạc, nhưng họ đã sống và đã ngẩng cao đầu trong suốt cuộc trường chinh trong nhà tù Cộng sản..

Tôi viết bài này để vĩnh biệt anh Trương văn Sương và cũng để vinh danh những người tù chính trị Việt Nam.

A20 Huỳnh Ngọc Tuấn.
18/9/2011




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét