18/11/13

NÉN NHANG CHO MỘT ANH HÙNG


A20 Phạm Đức Nhì

(Luật sư Trần Danh San, người đọc Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng tại Vương Cung Thánh Đường năm 1977, đã ra đi.)
  
Giữa Trần Danh SanVũ Văn Ánh, do vị trí chỗ nằm ở nhà 3 lúc mới đến phân trại E, A20 Xuân Phước, tôi gần và thân Vũ Văn Ánh hơn. Với Vũ Văn Ánh, tôi có thể đặt câu hỏi trực tiếp về những điều mình muốn biết và được anh trả lời đầy đủ, cặn kẽ. Với Trần Danh San, tôi phải rình những lúc anh trò chuyện với mọi người để len lén đến ngồi nghe ké. Nguyễn Hữu Hồng, một sĩ quan trẻ và cũng hay ngồi nghe ké như tôi, có lần phát biểu: “Tay này đúng là trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, cái con mẹ gì hắn cũng biết. Đáng nể thật.” Nhờ những lần nghe ké như vậy sự hiểu biết của tôi được mở mang rất nhiều.


Nhưng điều làm tôi khoái Trần Danh San là lý do anh bước vào tù. Lúc ấy, ngoài những sĩ quan trình diện cải tạo như tôi, còn rất nhiều người khác bị bắt vì đã lãnh đạo hoặc tham gia các tổ chức chống lại bạo quyền cộng sản. Bấy giờ họ đã vào tù. Nhưng trước đó, khi nhập cuộc với hoài bão đòi lại quê hương, đất nước, giành lại tự do cho dân tộc, ai chẳng ít nhiều hy vọng, ước mơ có ngày công thành danh toại.

       “Ai đã từng chiến đấu, đã hy sinh
       Mà chẳng có vì một chút mình trong đó.”

Việc Kinh Kha nhận lời Thái Tử Đan đi ám sát Tần Thủy Hoàng “diệt hôn quân, trừ bạo chúa cứu muôn triệu dân lành” rõ ràng là một hành vi anh hùng, vì đại nghĩa. Chuyến đi qua sông Dịch của ông lành ít dữ nhiều; canh bạc 8, 9 phần thua, chỉ có 1, 2 phần thắng. Nhưng 1, 2 phần ấy vẫn là có hy vọng: hy vọng giết được Tần Thủy Hoàng để thỏa mãn mộng công hầu khanh tuớng.

Trần Danh San thì khác. Sau khi cùng luật sư Triệu Bá Thiệp soạn thảo bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng”, cả hai đã hẹn nhau đem loa phóng thanh đến Vương Cung Thánh Đường trịnh trọng tuyên bố trước bàng dân thiên hạ rồi tươi cười bước lên xe công an, đến số 4 Phan Đăng Lưu…ngồi tù. Kinh Kha còn có 1, 2 phần hy vọng chứ Trần Danh San thì chuyện vào tù là chắc như đinh đóng cột; 10 phần thì vào tù hết cả 11. Kinh Kha và Trần Danh San đều đáng gọi là anh hùng; tuy cái giá mà Trần Danh San phải trả để được gọi là anh hùng nhẹ hơn, nhưng cái anh hùng của Trần Danh San lãng mạn hơn, đẹp hơn, nhân bản hơn và dễ thương hơn nhiều.

Có nhiều người ở ngoài đời thường, ở ngoài xã hội thì ra vẻ rất anh hùng, nhưng bước vào nhà tù cộng sản (dù chưa khắc nghiệt, hắc ám như A20) đã phải giơ tay phân bua với cai tù, với bè bạn là “Tôi, Nguyễn Văn A ngày xưa đã chết, bây giờ là một con người mới…”, hoặc luồn lọt, làm ăng ten, chỉ điểm cho bọn cai tù đến độ đồng đội, đồng nghiệp của họ đã phải thốt lên “Phạm Văn B đã chết”. Trần Danh San không chết dễ dàng như vậy. Giữa không khí ngột ngạt của một nhà tù hắc ắm, khắc nghiệt như A20, anh đã cùng Vũ Văn Ánh, Nguyễn Chí Thiệp khởi xướng tờ báo Hợp Đoàn. Anh đã chấp nhận đánh đu với tử thần để vừa cung cấp cho mọi người những thông tin cập nhật, những bài viết giúp họ mở mang kiến thức, kiên định lập trường, vừa giữ vai trò điều hợp một số hoạt động đấu tranh ở trong trại.

Sau khi Vũ Văn Ánh bị cùm trong xà lim rồi bị tuyên phạt “biệt giam vô thời hạn”, tôi được chỉ định làm “thư ký tòa soạn” cho tờ báo. Nhiệm vụ của tôi là tuyển chọn bài, sửa chữa chút đỉnh chính tả, văn phạm rồi giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen lên khuôn; sau đó tôi kiểm soát lại lần cuối và phát hành. Trần Danh San kín đáo giao cho tôi một bài viết rất hay: “Vì Sao Chúng Ta Tranh Đấu”. Tôi đã giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen đăng trong Hợp Đoàn số 4. Bài viết được nhiều anh em tù, đặc biệt là những anh em tù chính trị có án, ưa thích.

Tết Nhâm Tuất 1982, tôi đã nghe lời 3 thằng điên: Vũ Mạnh Dũng, Hải Bầu, Ngọc Đen chơi 5 buổi văn nghệ chống bạo quyền cộng sản, sau này được anh em gọi là “Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20”. Ngay khi buổi chơi đầu tiên ở nhà 3 kết thúc, anh San đã chờ mọi người giải tán hết, đến trước mặt tôi nói “Anh Nhì! Tôi xin phép anh được dành trọn một chương trong quyển sách mới của tôi viết về những gì các anh đã làm ngày hôm nay.” Rồi rất tình cảm, anh nhỏ nhẹ nói tiếp “Phải cho thế hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường chúng ta đi.” Lời khích lệ của anh đã cho chúng tôi thêm can đảm để chơi 4 buổi văn nghệ kế tiếp. Năm 2011, gặp lại anh ở Cali, tôi vừa cười vừa nói “Anh San! Anh còn thiếu bọn tôi một món nợ đó nghe!” Anh vỗ vai tôi cười cười nói lảng sang chuyện khác.

Nói đòi nợ là nói vui với anh vậy thôi. Cũng từng chơi cái trò viết lách, lẽ nào tôi không biết văn chương thì phải có dịp thuận tiện, phải có hứng mới viết được. Anh chẳng phải nợ nần gì với bọn tôi cả. Với “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng”, với tờ báo Hợp Đoàn ở A20 Xuân Phước, với “Vì Sao Chúng Ta Tranh Đấu”, với giọng nói sang sảng, lối kể chuyện gọn gàng, mạch lạc, nụ cười tươi, và với thái độ khiêm tốn, nhã nhặn, vui vẻ với mọi người của anh, chúng tôi, những người tù A20 Xuân Phước, và cả lớp trẻ sau này ở trong nước và hải ngoại, đều thiếu anh một món nợ. Món nợ ấy chỉ có thể trả bằng việc tiếp tục con đường của anh, dấn thân đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.

Có lẽ tôi sẽ không có mặt ở Cali để đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Xin mượn mấy lời chân tình, xem như một nén nhang, để vĩnh biệt một người bạn, một người anh, một anh hùng với tất cả những ý nghĩa cao đẹp của nó.

Galveston ngày 13 tháng 11 năm 2013

A20 Phạm Đức Nhì




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét