22/9/19

TƯỜNG VI



 A20 Lê Phi Ô

   Buổi sáng mùa hạ thành phố Baltimore đầy sương mù và se se lạnh. Hôm nay tôi sẽ vào Home Depot để mua một số hoa về trồng, trong đó có loại hoa mà mấy anh bạn Bắc Kỳ của tôi gọi là Tường Vi, cái tên nghe như tên con gái, sắc hoa màu hồng phấn pha nhụy vàng tuyệt đẹp.

   Đang ngồi nghỉ mệt thì cô cháu tôi đi chợ về đến, theo sau là một cô bạn người… tôi không hiểu cô bé ấy là người thuộc quốc gia nào, gương mặt, nước da và vóc dáng nhỏ nhắn giống Á châu hơn là Mỹ. Cô ấy đến gần chào tôi (dĩ nhiên là bằng tiếng Anh), đôi mắt to đen trên gương mặt thật xinh, tôi buộc miệng: - “Đẹp quá !”(nói bằng tiếng Việt), cô bé một thoáng ngơ ngác không hiểu tôi nói cái gì, chợt nhớ ra… tôi xin lỗi và giải thích bằng tiếng Anh, cô bé cười… càng làm cho gương mặt đẹp thêm !

Cô cháu tôi chen vào:

- Thưa chú, đây là bạn cùng lớp với con.

Quay qua cô bé:

- Ê, Sh. đây là chú Phi của tao.

Cô cháu giải thích với tôi:

- Nó là người Iran nhưng sanh đẻ tại Mỹ, hôm nay con mời nó về nhà làm bánh xèo đãi nó. Lát nữa chú ăn với tụi con nha.

   Cháu tôi nói với bạn bằng tiếng Anh, nói với tôi bằng tiếng Việt… cứ tiếng Anh rồi tiếng Việt làm cô bé ngơ ngơ ngác ngác nửa hiểu nửa không mà miệng thì cứ cười tươi như hoa… rồi cả hai dắt nhau vào nhà chuẩn bị bếp núc.

   Suốt buổi ăn chuyện trò rất vui vẻ, điều bất ngờ là Sh. nói được một số câu tiếng Việt ngắn âm điệu ngộ nghĩnh nghe thật dễ thương. Cô bé tỏ ý muốn học tiếng Việt vì vùng Baltimore nầy người Việt Nam cũng nhiều, trong mỗi lớp học đều có học sinh người Việt chiếm khoảng 15%. Cô cháu tôi đề nghị tôi dạy tiếng Việt cho Sh. tôi thấy mình cũng rảnh nên nhận lời.

   Tôi quen Sh. trong trường hợp như thế, cứ mỗi buổi chiều sau khi tan học và trên đường về nhà Sh. ghé tôi để học thêm tiếng Việt.  
    
   Năm đó cô bé vừa tròn 16 tuổi, tuy cha mẹ là người Iran nhưng theo đạo Tin Lành, cô bé được sanh ra tại Mỹ nên cách sinh hoạt không còn gì là Iran ngoại trừ nét mặt. Càng gần gủi tôi thấy tánh tình, nết na cô bé gần giống như những cô gái người Việt Nam chúng ta, nhỏ nhẹ từ tốn, đôi khi cũng biết e thẹn khi làm sai hoặc nói sai điều gì đó và thường nói “xin lỗi” bằng tiếng Việt !

   Sáng Chủ Nhật tôi đang hì hục đào lổ để trồng mấy cây Tường Vi thì Sh. đến, cô bé xuống xe và chạy ngay đến nói một câu tiếng Việt làm tôi ngạc nhiên không ít:

- Con biết hôm nay Chú trồng hoa, con đến để giúp Chú…!

Nói xong, cô bé lăng xăng khiêng những cây Tường Vi đặt chỗ nầy để chỗ nọ, kéo những bao đất, bao phân rồi tưới nước lên những cây mới vừa trồng làm tôi hoa cả mắt. Ông bà mình thường nói tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, cách cô bé làm việc tôi cố gắng theo mà vẫn không kịp, tôi thở phì phò mà Sh. thì cứ tự nhiên như không, cô ta còn bảo tôi cứ ngồi nghỉ để cô ta làm một mình cho, vừa nói vừa cười trông thật “chết người…” !

   Thời gian trôi nhanh thật, tuần trước cô Cháu tôi và Sh. tổ chức Sinh Nhật mừng Sh. 17 tuổi tại nhà tôi tất nhiên là có một số bạn bè chung lớp của hai cô bé và cả tôi. Buổi tiệc tuy đơn sơ nhưng thật náo nhiệt, bọn trẻ ca hát, kể chuyện vui… thỉnh thoảng Sh. lại nói vài câu tiếng Việt và cô Cháu tôi dịch lại bằng tiếng Anh khiến cả bọn vỗ tay hoan hô ầm ỉ. Nhân buổi tiệc vui, tôi đề nghị với bọn trẻ là tôi sẽ đặt tên bằng tiếng Việt cho Sh. rồi tôi quay sang cô “học trò của tôi” như ngầm hỏi ý kiến. Bất ngờ, Sh. đứng yên giây lát rồi cô bé quay lại bước đến trước mặt tôi với gương mặt trang nghiêm, Sh. nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh:

- Thưa thầy, đã từ lâu… em cũng muốn nói ý nghĩ nầy với thầy nhưng… em chưa dám !, ngưng giây lát… -Từ đây, Thầy cho phép em gọi Thầy như vậy và xưng… Em với Thầy…!”

   Tôi quá đỗi ngạc nhiên, Sh. đã khiến tôi lúng túng và xúc động trước cử chỉ chân thành của em. Tôi thấy trước mặt tôi là một “người lớn” chứ không còn là “cô học trò bé nhỏ” của một năm về trước nữa.

Một người lính với 12 năm chiến trận, với gần 8 năm tù cs, sau khi ra tù làm cu-li bốc vác muối và khiêng cá thuê ở các bãi biển, rồi vượt biển… rồi qua Mỹ tiếp tục làm thuê… bỗng nhiên có người đứng trước mặt vòng tay qua ngực, cúi đầu nước mắt rưng rưng nói với tôi: ...“Thưa…Thầy…!” . Tôi cố kềm để cảm xúc mình khỏi dâng trào, tôi nói một câu với em mà tưởng như ai đó nói chứ không phải tôi: 

“Tôi…đồng ý, ngoài giờ học em có thể gọi tôi bằng anh…nha…em !”


   Sau hôm đó, mỗi khi gặp nhau, tôi gọi em là Tường Vi. Em đẹp và lung linh như cánh hoa Tường Vi trong nắng sớm. Vườn hoa Tường Vi nhà tôi do em và tôi trồng nở hoa rực rỡ đến nỗi mỗi khi có người đi qua đều ghé lại xin chụp hình. Tường Vi rất chăm học, gần hai năm mà em đã nói và hiểu tiếng Việt thông thường rất thành thạo ngoại trừ những thành ngữ. Chủ Nhật nào tôi cũng rủ em đi ăn ở các nhà hàng Việt Nam và thỉnh thoảng tôi cũng theo em vào Denny’s Restaurance, tôi thích nhất là món Salad ở đây.

   Có lần Tường Vi cho tôi biết, sỡ dĩ em muốn học tiếng Việt là vì trong trường rất nhiều học sinh người Việt và bạn người Việt của em cũng nhiều. Tường Vi nghe những người bạn Việt Nam nói về chiến tranh VN nhưng khi em đọc sách vở về chiến tranh VN thì các bạn nói và sách vở trong thư viện viết đều khác nhau rất nhiều. Quê hương Iran của em cũng có chiến tranh, năm 1979 trước khi em được sanh ra đã xảy ra biến loạn. Cuộc cách mạng Hồi Giáo do bọn Muslim Student Followers of the Imam’s Line hổ trợ đã đánh chiếm Tòa Đại Sứ Mỹ tại Tehran, Thủ Đô nước Iran, chúng bắt giữ 56 con tin người Mỹ trong 444 ngày vào thời Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter. Ba của Tường Vi làm việc cho Mỹ nên đã phải mang gia đình trốn thoát khỏi Iran và sau đó được định cư tại Mỹ. Năm 1983 nghĩa là 4 năm sau ngày trốn thoát cuộc Cách Mạng Hồi Giáo Iran thì Tường Vi được sanh ra trên đất Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

   Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn cũng bởi chủ nghĩa cộng sản muốn nhuộm đỏ cả Đông Nam Á, cho nên những người Việt Nam yêu chuộng tự do đã phải đứng lên cầm súng ngăn chận làn sóng đỏ. Khi Tường Vi biết cô cháu tôi có một người Chú là cựu quân nhân QLVNCH (là tôi) Tường Vi tìm cách làm quen bằng cách nhờ dạy kèm tiếng Việt cho cô ấy, và rồi nhân lúc thuận tiện sẽ nhờ tôi nói về chiến tranh VN.

   Đây cũng là dịp may cho tôi để đả phá luận điệu tuyên truyền sai sự thật của cộng sản VN, chúng đã in sách báo và qua chương trình Văn Hóa Vận của cái gọi là “Giao Lưu Văn Hóa” với Hoa Kỳ, sách báo loại nầy đã nằm đầy trong các thư viện của Mỹ để đầu độc con em chúng ta.

   Mỗi ngày một ít, suốt 2 năm nay tôi đã giải thích cho Tường Vi của tôi nghe và cũng không quên kể ra những tội ác của cộng sản từ thời “Cải cách ruộng đất 1953 – 1956 tại miền Bắc”, “Tết Mậu Thân 1968”, “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” trên khắp 4 Quân Khu của VNCH và vì sao có ngày “Quốc Hận 30/04/75”.

   Có những lúc đang nói hăng say, tôi quay qua nhìn thấy Tường Vi khóc, những giọt nước mắt âm thầm lăn xuống má của một người con gái không phải là người Việt Nam đã xót thương cho một dân tộc sao quá đọa đầy ! Những lúc như vậy tôi thương em vô kể, ôm chặc hai vai em mà lòng tôi cũng thấy… rưng rưng !   

                                                        -----o-----

   Nguyên ngày thứ bảy Tường Vi bận rộn với gia đình vì Sinh Nhật 18 tuổi của em, một Sinh Nhật rất quan trọng vì em đã trở thành “người lớn”. Hôm nay Chủ Nhật, cô cháu tôi cho biết Tường Vi và một số bạn thân cùng lớp sẽ tổ chúc Sinh Nhật Tường Vi tại nhà tôi, Tường Vi ngỏ ý nhờ tôi làm “chủ tọa” cho buổi Birthday nầy. Tôi bảo cô cháu lo dọn dẹp nhà cửa và cho tôi biết thiếu vật dụng gì như chén dĩa, bông hoa trang trí để tôi đi mua, và tôi cũng cần mua một món quà gì đó mừng Sinh Nhật Tường Vi nữa.

   Một điều bất ngờ xảy ra, vào giữa buổi party… Tường Vi xin phép bạn bè rồi giới thiệu tôi là một cựu quân nhân của QLVNCH. Tường Vi nói qua về tôi với những ngày chiến tranh máu lửa, những ngày ở tù cộng sản cho đến khi tôi vượt qua mọi hiểm nguy để đến được bến bờ tự do. Thao thao bất tuyệt nhưng ngắn gọn và xúc tính, Tường Vi nói qua những gì đã học được, nghe được từ tôi về chiến tranh VN suốt gần 3 năm em theo tôi học tiếng Việt. Tường Vi cũng cho biết, Năm nay vào Đại Học em sẽ chọn một lúc hai môn học Criminal Justic và Social Science, sau 4 năm em sẽ học tiếp để trở thành Luật Sư… với khả năng như vậy may ra mình mới có đủ năng lực giúp người, giúp đời. Sau một cuộc chiến không thiếu gì những kẻ bị chấn thương tâm lý, bi thảm hơn nữa là có người trở nên điên loạn… chuyện gì sẽ xảy ra khi xã hội có quá nhiều người như vậy !!!

   Trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của bạn bè, Tường Vi lặng lẽ bước đến ôm tôi, những tiếng nấc tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho tôi nghe thấy và những giọt nước mắt nóng hổi của em rớt xuống vai tôi… Tôi đang ôm trong tay một con người nhỏ bé, trong hình hài của một người con gái yếu đuối nhưng với cả một tấm lòng nhân ái. Tôi yêu em, không hẳn là tình yêu đối với người khác phái mà là yêu nơi em một cái gì đó thiêng liêng, cao cả đã và đang hình thành trong em không biết tự bao giờ !  

A20 Lê Phi Ô




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét