A20 nguyễn thanh khiết
II. Tuổi
trẻ điêu linh
Đất nước chiến
tranh, những bậc đàn anh ra đi và nằm xuống nhan nhản ngày một. Trong cái nhìn
của chúng tôi thời đó, cái chết treo trên đầu như sợi dây thòng lọng, nó sẽ thắt
lại.
Vào một ngày nào đó
khi rời bỏ trường học, vĩnh biệt tuổi thơ, ưỡn ngực về thăm nhà trong bộ đồ
lính. Nằm xuống, có thể chỉ còn một cái xác mang về cho cha mẹ, cũng có khi mất
hẳn không dấu vết trên một chiến trường đang ném binh như vãi đậu ngoài kia,
hay mất một chân, một tay, lăn xe về trong thân phận người phế binh của một trận
chiến nghe hoài đến nhức nhối. Cuộc chiến chống cộng mỏi mòn.
Quả thực chúng tôi, cụ thể là tôi có làm gì được đâu, khi bắt đầu biết suy nghĩ. Cái thuở học đòi làm người lớn, điếu thuốc trên tay, quán café để la cà, biết ngó con gái đẹp, biết chăm chăm nhìn vào cái chữ V ngược, chỗ thắt lưng của cái áo dài Mini, Raglan và cái quần ống rộng láng bóng nỗi lên những thứ mời gọi đầy dục vọng. Mode của miền Nam thập niên 70.
Tôi tự nhiên đâm ra khác đám bạn học này. Những
gã học trò tối ngày chỉ biết ăn học, nhất là ở tỉnh lẻ, tôi phải khác hơn chứ,
đại loại giống một thứ dị hợm nào đó, khác hoàn toàn khác.
Chắc tôi vẫn mang
trong người cái di truyền của ba tôi. Ông nội tôi từng nói:
- Ba con hồi trẻ đào hoa lắm.
Câu phán của một ông
già nho giáo rặc ri, viết chữ Hán, làm thơ chữ Hán, có một bồ chữ toàn là tứ
thư ngũ kinh nghe mà phát sợ. Ông ấy mà phán như vậy, chắc ba tôi hồi trẻ dễ nể
lắm. Tôi không rõ ràng lắm về cái thành tích ngoại hạng thời đó của ba tôi,
nhưng nghe nhiều lần, má tôi kể lại:
-
Ba mày từng theo theo bè bạn, nửa đêm bị Việt Minh phục kích phải nhảy
sông Ngã Bảy đội lục bình về nhà, chứ đâu phải vừa.
Khi tôi chưa ra đời, ông chính là ông Cò xứ Phụng
Hiệp, Cần Thơ thời quân đội Cao Đài có mặt tại miền Nam. Ông đi lính, nghe đâu
là khoá 13 sĩ quan do Pháp đào tạo.
Suốt thời tiểu học
tôi là loại giỏi, có máu mặt ở tỉnh, từng được học bổng của Tỉnh từ lớp ba tới
lớp nhất. Cái học bổng mỗi năm lãnh hai lần, một lần 900 đồng thời đó thì đâu
phải nhỏ.
Vậy mà bước sang
trung học, những tinh hoa đó rớt đâu mất, tôi học hành bết bát, tới trường là để
vui chơi nhiều hơn.
Hóa ra tôi tự biết mình thuộc hạng tương đối
thông minh, đọc đâu nhớ đó. Trường Trung Học Tây Ninh, trai gái học chung và là
loại trường công lập phải thi tuyển, thi rớt vào đệ thất là ra tư thục.
Người đủng đỉnh thi đâu đậu đó, có học bổng từ bé thì phải đương nhiên vào trường này.
Người đủng đỉnh thi đâu đậu đó, có học bổng từ bé thì phải đương nhiên vào trường này.
Đùng một cái, máu
văn nghệ nổi lên cuồn cuộn trong lòng trai mới lớn của nước Việt hiên ngang có
cái di truyền đào hoa của ông cha. Tôi bắt đầu làm thơ, mở “thi văn đoàn” vào
những năm 1969-1970 lúc mới học đệ ngũ, đệ tứ trường làng.
Sóng gió dậy lên từ
đó. Tôi còn nhớ mình đã hiên ngang thiết lập một hộp thơ lưu trữ tại bưu điện tỉnh
mang số 21 làm một trung tâm liên lạc bốn phương. Mỗi ngày trên chiếc xe gắn
máy trước khi tới trường, quẹo ngang, ra vẻ người lớn trịnh trọng lấy chìa khoá
mở hộp thư, lôi ra một chồng, từ các nơi gởi về cho thi văn đoàn lá cải của
mình. Vậy là viết thư trả lời. Tôi viết rất nhanh, một cái rẹt là xong, trả lời
10, 15, 20 cái thơ trong một ngày dễ như lấy đồ trong túi. Một chút hãnh diện về
cái thiên phú không biết do ai cho của mình.
Bài vở trong trường,
các cái thuộc loại văn chương, chữ nghĩa, sử địa là tôi khỏi cần học, những giờ
đó là tôi có mặt ở cái quán nước trước cửa trường. Nơi đó có những bậc đàn anh
lớp trên, thuộc loại dân chơi tỉnh lẻ, anh hùng xa lộ Kim Sơn với chiếc Suzuki
M12, bô treo, mới cáu cạnh màu xanh nước biển hay Nguyễn Tấn Cọp, con người quá
khổ cao và to, có thể ăn liền tù tì ba nải chuối già lớn, uống thêm ly cối trà
đá, từng cá độ về sức chứa của cái bao tử và chưa lần nào thua cuộc. Tôi theo
các anh ấy học đòi làm người lớn. Hậu quả là tôi bắt đầu biết trai gái từ cái
thuở đó.
Trần Thanh Bạch học
trên tôi một lớp, Nguyễn Văn Dũng con ông Đại uý Nguyễn Văn Mới Quận trưởng Quận
Phú Khương, Tây Ninh, lại chung năm, cùng trường với Bạch. Nguyễn Anh Tuấn con
thiếu tá Nguyễn Văn Mách Quận trưởng cho tới ngày sập tiệm. Cả hai ông quận này
đều là bè bạn của ba tôi thuở còn niên thiếu. Tuấn học một lớp với tôi từ lớp đệ
thất. Chúng tôi thân nhau qua thế hệ trước, thế hệ của sĩ quan khóa 13 giáo
phái thời Tây.
Nhắc tới ông Quận Mới
này thì khỏi chê vào đâu được. Năm 65-70, Miền Nam có mode quần ống túm, tóc
dài theo kiểu Hippy mới du nhập. Ông Quận thì thuộc phe bảo thủ, cựu sĩ quan
giáo phái Cao Đài, đức trọng tài vừa đủ cao, ông chúa ghét đám thanh niên thời
thượng.
Ông Quận cho lập mấy
chốt chận xét giấy tờ tùy thân, không phải một mà gần như tất cả con đường
trong quận, nơi ông làm thủ lĩnh. Tên nào mà lính của ông nhét chai nước ngọt
không lọt vào ống quần thì sẽ bị rọc một đoạn cả hai ống. Tóc dài tới cổ hả? Cắt
ngang một phát liền. Động trời một cái, toàn dân, mà không, chỉ mấy bô lão, nhà
làng tích cực ủng hộ ông thủ lĩnh một đao chém chết phong trào Hippy, quyết triệt
hạ các cuộc đua xe, hút chích và đặc biệt là quần ống túm, tóc dài, áo cánh
dơi.
Một hôm tôi đi học về,
bị chận lại. Lính của ông đang xét giấy, may sao ông Quận lù lù bước tới hất
hàm hỏi tôi:
- Mày đi học sao tới giờ mới về hả?
- Dạ con phải ghé qua chỗ ba con một
chút
- Ba mày sao rồi, nhắn lại anh ấy mai
mốt chú vô nhà thăm. Còn mày đó, quần với áo, tóc tai nữa, bữa nay tao tha cho
một lần, lần sao mày coi chừng đó.
Ôi trời đất, xém
chút nữa, hai cái ống quần của tôi bị rọc rồi. Tay lính nhận ra người nhà của
quan, nên trả giấy tờ cho tôi, hú vía.
Ông nhớ mặt tôi, vì
có mấy lần ông thăm ba tôi theo kiểu tình thời chinh chiến của mấy lão, và tôi
bị làm thằng hầu bưng bê nước uống.
Về sau này, tôi
thình lình hiểu ra rằng. Không phải ông khó khăn hay ra cái vẻ uy quyền tại địa
phương, hình như ông đang cố gắng kìm hãm sự buông thả của tuổi trẻ, suy cho
cùng trong đám lão làng ngày trước cũng còn có dăm người muốn bảo vệ cho bằng
đươc cái thuần khiết của văn hóa nước nhà. Kèm theo đó là cái phong tục cổ truyền
sở hữu ngàn năm nay truyền qua thời mấy lão.
Những khuôn mặt đó,
những hình ảnh như vậy, có khi mờ mờ ẩn hiện trong một cơn say ngủ nào đó, hoặc
một buổi hoàng hôn bất thần dậy lên một chút nhớ nhà, nhớ quê. Cái xứ nhỏ nhoi
nằm sát biên giới Campuchia, tràn ngập việt cộng, Chỗ nào cũng có, kể cả trong
tòa thánh Cao Đài mà người dân ở đó coi như một nơi tôn nghiêm, bất khả xâm phạm.
Nhiều khi tôi tự hỏi
việt cộng ở đâu mà lắm thế. Sao không ném mẹ xuống mấy trái bom, tiêu tùng cả
lũ cho rồi.
Kẹt một nỗi, nơi đó
có ông nội tôi, một chức sắc thuộc loại kha khá, trong vài chục mạng là nhân tố
thời khai sáng giáo phái Cao Đài, có ba tôi và một lô bè bạn của ông, còn thêm
mấy tấm hình để đời lúc các ông mặc quần sóc, áo ka ki vàng đeo túi da, chụp
chung tại sân quân trường, mấy tấm hình vàng khè màu thời gian, như một thông
báo cho nhiều đời chống cộng. Cũng có thể đó là kỷ niệm thời trai trẻ hay biểu
hiện tinh thần một lòng đi giữ nước theo kiểu của mấy lão.
Tôi làm báo với Bạch,
anh ta ký một bút hiệu đầy kiêu hãnh và trữ tình “Trần Duyên Tưởng”. Cái bút hiệu
liên quan đến người con gái tên Duyên gì đó, mối tình đầu thủy chung cho tới chết
của hắn. Nói là làm báo cho oai, cho hách. Thật ra là dăm bài thơ, vài chuyện
ngắn học trò, một cái máy đánh chữ, một chồng giấy carbon, gõ và lăn rulô, xong
cắt xén bằng tay, bấm kim. Không cần ai kiểm duyệt, cứ thế mang vào các trường
trung học trong tỉnh, xin phép giám học cho giới thiệu ấn phẩm và rao bán từng
lớp, dưới sự khích lệ và cổ động của các giáo sư, thường là giáo sư hướng dẫn.
Đám chúng tôi, bỗng
chốc trở thành cây đinh trong lớp thanh niên nam nữ cỡ tuổi của mình vào thời
gian đó, tại cái đất địa có cái núi Bà nằm chình ình, có thể nhìn thấy từ chân
tới đỉnh dù là ở tại tỉnh lỵ, có thể thấy những tảng đá trắng mốc đầy dấu đạn
bom, và nơi đó việt cộng ở hang đông như kiến, mà không tài nào diệt hết được.
Nơi phát tiếng kích hỏa của hỏa tiễn 122 ly vào trung tâm tỉnh hay một đơn vị
hành quân nào đó trong khu vực, mà chuyện này lâu lâu lại xảy ra.
Tôi có cung mệnh thuộc
Sa trung kim, cho nên. Trên mảnh đất rộng của gia đình, tôi được một khoảng
không gian riêng, gần như cách ly, trừ hai bữa cơm với gia đình, tôi ở căn
phòng đó, kề sát ngôi chính đường. Bè bạn liền đặt cho nó cái tên rất chi là
văn nghệ “Kim Sa Các”. Đó là nơi tụ tập bè bạn của tôi, nơi tôi thơ nhạc ò í e
cùng bằng hữu bốn phương, nếu có một mạng quen biết của bè bạn từ xa về thăm,
thì đó là nơi lý tưởng.
Ôi! một tuổi trẻ hừng
hừng, nở như một đoá hoa giữa mùa chinh chiến, chớp chớp dưới ánh sáng của
thiên đàng văn học. Bàn tay đang vươn ra hứng hàng tá ngợi khen, báo chí sẽ ầm ầm,
tên tuổi sẽ bay xa, một trời rộng mở cho con chim bé nhỏ... đang tập bay.
Rồi nó lụi tàn, tắt
cái rụp khi ánh sáng kinh đô chiếu vào lớp sương mù mơ mộng của xứ đèo heo hút
gió, ngay khi tôi bước chân về Sài Gòn chuẩn bị cho năm học thi tú tài phần
hai. Cộng thêm mùi tử khí tràn về từ bốn vùng chiến thuật. Tất cả cái trăm hoa
đua nở đó rớt mất tiêu. Cái Kim Sa Các từ đó cũng tàn lụi.
Những ký ức đẹp như
trang giấy, thơ tình màu xanh xanh viết bằng màu mực tím, Quán lều, những hội
ngộ, những va chạm thịt da, những đua đòi sống kiểu hiện sinh. Tất cả trở thành
quá khứ đáng thương.
Một ảnh hưởng không
gì ngăn giữ được từ phong trào sách dịch, từ những thước phim phương tây, ma
tuý, chất gây nghiện đã dập vùi tuổi trẻ Việt Nam vào cái thời tôi mới lớn.
Nghe nhạc Trịnh Công
Sơn, hút xì ke, uống Nubarelle, Valium và các thứ tây dược loại trấn kinh có
tên trong danh sách độc bản A. Uống tới ngật ngừ, ngả nghiêng, rồi sinh ra những
chuyện phá phách, do những kích động không tự chủ được của thuốc. Cái mode café
đen, hút Bastos Luxe, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, trên tay cầm một quyển sách của
Phạm Công Thiện, Jean Paul Sartre, Erich
Maria Remarque, Hemingway, Maxim Gorky, hay he hé cái bìa của Anna Karenina...
Thời tuổi trẻ đua đòi. Những thứ này không chỉ có ở trung tâm Sài Gòn mà nó lan
về cả nơi hang cùng ngõ hẽm, chui tới tỉnh lẽ miền quê.
Tôi đã qua giai đoạn
đó, đã sống trong bối cảnh tào lao thiên binh thiên địa đó. Trong cái thời loạn
lạc, kè kè bên mình cuộc chạy đua không võ trang với cái giấy hoãn dịch học vấn
từng năm, cùng cái chán nản từ đâu đó, tiềm tàng trong ẩn ức, tự nó bùng lên
theo nhịp sống hối hả. Tuổi trẻ của tôi, lúc bấy giờ. Trên sách báo, theo thế
giới văn minh nở rộ ngày một, là thế, nó là thế.
Những chiến binh từng
đi lính một thời của tôi, thời của những năm 70 cho đến ngày tan trận. Chắc đôi
khi cũng nhìn lại, không cần một can đảm phi thường nào, để nhớ, để thấy trong
quá khứ đã từng có vấn nạn này, một vấn nạn mà có lẽ tới bây giờ ít ai chịu nhận,
hoặc không muốn nhận một thực trạng đau lòng như vậy dù nó từng xuất hiện ở miền
Nam.
Suy nghĩ của tuổi trẻ
thì sao? Dấn thân, đi chiến đấu cho tự do của quê hương ư? Ôi! ngày tháng đó có
được bao người? Trong chiến tranh trùng trùng, chiến trường càng ngày càng nhân
rộng ra, vũ khí có tầm sát hại nhiều hơn. Cái sợ chết, cái tránh né “bổn phận sự,
trách nhiệm vụ” của một công dân là chuyện thường ngày ở huyện. Ai cũng sợ, theo bản năng sinh tồn. Họa hoằn
lắm trong đám bạn bè trang lứa của tôi mới có thằng can đảm bỏ học đi vào quân
đội, dù nó có đủ điều kiện để được ở nhà, đi học. Những kẻ từ chối ân sủng của
tử thần này hiếm hoi lắm.
Bên cạnh đó cũng nhiều
tay bán trời không mời thiên lôi, giận gia đình hay thất tình một em nào đó,
đâm đầu vào lính, theo kiểu đi cho quên quá khứ, trên tay xăm nguyên hàng chữ
“hận kẻ bạc tình”. Đùng một cái, sập trời, một con người không ra chi ngày trước
bỗng chốc trở thành một anh hùng bỏ cả thanh xuân lên đường cứu nước, nhất là
tiểu sử của người được thay đổi một ít để trở thành một ngôi sao, sau ngày tan
trận.
Tôi cũng vậy. Đùng một cái vào Quang Trung, không phải theo
tiếng gọi núi sông, mà theo luật định, theo cái hết hạn hoãn dịch của mình. Góp
mặt của đoàn hùng binh này gồm các thành phần sinh viên, học sinh, giáo chức,
biệt phái. Nhiều, rất nhiều trong tập hợp bị ảnh hưởng do lệnh đôn quân. Lúc
chiến trường trở nên khốc liệt, con số thương vong ngày một nhiều hơn, ta đành
phải lên đường.
Những trận chiến đổi
màu không như kiểu du kích, nó thành thứ chiến tranh diện địa. Quân đội phải trải
mỏng ra từ rừng sâu núi thẳm, tới tận hóc hẻm buôn làng, quân số phải được nhân
lên. Tuổi thi hành quân dịch thay vì là 18, nay là 17. Đó là lệnh Tổng Động
Viên toàn phần nhân lực của năm 1972.
Chính cái đợt đôn
quân này, tôi mới hân hạnh được trần truồng ra, cho cô y tá ở quân trường Quang
Trung, dùng cây thước nâng “cái quí phái” của mình lên và phán một chữ tàn nhẫn
“Tốt !”.
Vậy là từ giữa năm
1972. Tân binh ùn ùn về như trẩy hội. Quân trường không đủ chỗ chưa, tinh thần
ra đi cứu nước tràn ngập phố phường, tràn qua các đại học, leo xuống bậc trung
học, chạy ào ào tới các đơn vị biệt phái, chuyên viên. Các khoá được đôn lên,
khi quân trường chật cứng.
Cùng vào Quang Trung
một lúc với chúng tôi, nào là khoá 8/72,
khoá 9/72, rồi 1/73, cho tới 4/73… Và tôi là chiến binh nhóc của khoá
3/73. Đơn vị đầu đời mang con số C3A của
trại Nguyễn Huệ.
Cùng một đại đội tân binh với tôi có đám bạn
cùng quê Trần Thanh Bạch, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Hữu Lộc, 3 thằng gốc Tây
Ninh. Có thêm Tưởng Năng Tiến, Chương Còm bên Văn Khoa, Quang kỹ sư cơ khí,
Hùng, Trần Mộng Hằng “con kiến càng của năm 1971-72”, thêm một lô tuổi đời đủ cỡ
nằm chung một lều, Lũ chúng tôi như cá hộp trong các lều vải đó, lúc các sam,
trại cố định đã quá tải.
Đám bạn cùng lớp với
tôi cũng rời trường học, vào lính, tụi nó vào nhập khóa trước hoặc kẹt quân trường
phải vác quân trang ra Đồng Đế, học ké quân trường dành cho hạ sĩ quan. Một
giai đoạn rối ren nhân lực và tài nguyên quốc phòng.
Hết chỗ, khóa 3/73
chúng tôi đi phép dài hạn một tháng, đợi… quân trường trống để thực hiện cái mộng
yên cương, vó ngựa sa trường, như người ta vẫn thường vẽ tấm tranh màu sắc như
vậy.
Tôi nhớ Bạch và Dũng
thuê một căn phòng nhỏ ở đường Trần Bình Trọng, đối diện Hồng Tá hotel, căn
phòng nằm sâu trong một vườn cây rất đẹp giữa lòng thành phố chật chội, vào năm
thứ nhất Đại Học Khoa Học, chắc cũng mưu đồ nhảy vào Y Khoa. Tôi cũng đôi lần qua
chỗ đó, nơi thi sĩ mày mò trau chuốt từng con chữ, từng câu thơ và Dũng thả hồn
trên cây guitar viết nhạc.
Cái thời đẹp biết
bao. Ôi! Những ngày mà thi sĩ Trần Duyên Tưởng của đất Tây Ninh, của bạn bè tôi
đang đợi tin vui, mong Phạm Duy phổ nhạc cho một bài thơ của hắn đã được đăng tải
trên báo Văn và Khởi hành. Ôi mơ ước của chàng hiệp sĩ bất đắc chí không thành
hiện thực. Có lẽ ước mơ đó cũng theo anh ta vào lính, trong những buổi sáng chà
láng mấy cái giao thông hào ở trại Nguyễn Huệ, hay trên bãi bắn số 10, chạy mỏi
chân, nhất là những ngày ra bãi học đêm, tôi vẫn thường nghe hắn nhắc đi nhắc lại…
như một tình khúc buồn.
Tôi đã cày mướt mồ
hôi trên đoạn đường chiến binh, chạy đua với tân binh Nhảy Dù khi ra bãi bắn.
Khổ thân cho tụi tôi. Trại Nguyễn Huệ sát nách Vương Mộng Hồng, là một trại
chuyên biệt của tân binh Nhảy Dù thời đó. Tay huấn luyện viên mang trên vai hai
chữ V cứ hét theo chúng tôi:
- Mai mốt các anh là chỉ huy của họ, phải
vượt lên, chạy không nổi thì bò, nghe rõ chưa?
Tôi cũng từng vượt
con kinh Tham Lương đen ngòm, bốc mùi hôi vào những ngày cuối giai đoạn 1 của
khóa.
- Tao xuống trước mày ở sau nghen.
Tôi nói với Lộc
(con) khi chúng tôi cuộn tất cả quân trang của cả hai vào cái poncho. Cứ từng cặp
một làm bè vượt sông.
- Trời
sao hôi quá vậy?
Tôi nhìn Lộc:
- Nhảy xuống đi, cha huấn luyện viên tới
kìa.
Tay trung sĩ nhất huấn
luyện viên đếch cần biết nước hôi hám cỡ nào, hắn tà tà cầm cây thước gõ đầu trẻ,
đi dọc bờ kinh, mặc tụi tôi bì bõm trong dòng nước ngửi không vô đó.
Trung đội dầm mình lội
dọc con kinh nước đen. Đó là chuyến thao dợt cuối cho giai đoạn huấn luyện cơ bản
để nay mai có mặt ở Thủ Đức đi nốt giai đoạn thứ hai, ra trường làm một sĩ
quan, lỡ mà thi rớt thì mang cánh gà ra đơn vị.
Rồi cũng đùng một cái.
Tôi quay về trường Luật, với cái lệnh xuất ngũ của trung tâm ba tuyển mộ nhập
ngũ, tham chiếu một lô văn kiện, chi chít nào số nào chữ đính kèm.
Trình diện ở phòng
quân vụ thị trấn. Sau hơn ba tháng “quân
trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Tôi cầm cái giấy hoãn dịch vì
lý do học vấn một lần nữa.
********
Nhớ ngày tôi rời
Quang Trung, bạn bè có đứa trúng tuyển vào Hải Quân, Không Quân cũng trả quân
trang cầm sự vụ lệnh đổi thay cuộc đời như tôi, trong đó Nguyễn Văn Dũng sang
Không Quân. Một số đông những anh chàng biệt phái cũng đu theo sự can thiệp của
quốc hội, chống lại lệnh đôn quân. Từ hàng tá kiến nghị được công bố, một cuộc
đấu tranh ầm ĩ, nó kéo dài từ khi hành pháp ban lệnh đôn quân tới cuối cùng là
kết quả cho năm sau 1973. Hạn tuổi động viên quay lại với con số 18 tuổi.
Bạch nói với tôi vào
buổi học chiến thuật cuối:
- Mày quyết định về là đúng, chí ít
cũng làm xong cái đại học rồi tính gì thì tính, còn tao hả? ra trường xong coi
tình hình ra sao tao mới tính tiếp.
- Mày có định nhờ ba mày chạy về Tiểu
Khu Tây Ninh không? Hay mày về sư đoàn 25 đi.
- Dễ gì? Tới đâu hay tới đó.
Dũng danh số 030, là
trung đội trưởng khóa sinh, hắn đang lui cui phụ kéo thùng cơm từ trên xe xuống,
đại đội chuẩn bị cơm chiều tại bãi.
Tưởng Năng Tiến gõ
cà mèm từ xa lừ đừ bước tới, dáng hắn cao lều khều, pha chút hom hem, in trên nền
trời sắp xuống hoàng hôn.
Mấy đứa tôi ngồi
quanh, Bạch mở lon guigoz đựng thức ăn của má hắn làm cho vào chủ nhật trước,
khi về phép. Tiến bỏ cái muỗng nhôm có hàng chữ QLVNCH xuống, hắn nói:
- Nuốt không vô, cái mùi cá chiên mỡ
cừu khó nuốt bỏ mẹ.
- Mày làm như công tử, đi lính mà
còn bày đặt kén cá chọn canh. Cuối tuần đi phép về Đà Lạt hả Tiến? Nói xong một câu chẳng ra tích sự gì, Bạch hỏi
khơi khơi.
- Còn chưa biết có đủ tiền ra tới
Sài Gòn không nói chi là Đà Lạt.
Dũng chen vào:
- Tao có kết quả bên Không Quân rồi,
nay mai đếch ngồi chung tụi mày nữa, tao lên trời ngồi ăn. Mai mốt ra trường
uýnh đấm gọi tao yểm trợ cho nghen.
Đó là buổi chiều cuối
tôi ở Quang Trung.
Lúc tôi lên trình diện
tiểu đoàn khóa sinh, Trần Thanh Bạch và Tưởng Năng Tiến đang la cà ở câu lạc bộ,
bọn hắn là chuyên viên ăn uống trước rồi ký sổ và trả tiền sau. Tôi rời quân
trường đếch có thằng bạn nào tiễn đưa.
Cầm cái thẻ hoãn dịch
trên tay, tôi có một chút bồi hồi, không tiếc nhưng nhớ, không bận bịu nhưng vẫn
nghĩ hoài trong đầu, và nghĩ lung tung. Hình ảnh bạn bè lính lác thoáng mất
thoáng còn qua nhanh trong cái chạy đua kiếm sống theo kiểu sinh viên tỉnh lẻ về
thành. Tôi làm đủ thứ nghề, dạy kèm, tạp dịch, phục vụ trong quán ăn...
Quên đi nhà bàn với
con cá chiên tanh mùi khó nuốt, quên đi những ca bị phạt dã chiến, quên tuốt cú
chào tay 100 cái vì nhắm mắt đụng đầu huynh trưởng, quên đi… quên đi.
Có lúc tôi theo chuyến
xe bus chở công nhân lên tận Biên Hòa để dạy kèm cho mấy đứa con em của một gia
đình công nhân của Công Ty Đường, mà cư xá của họ nằm bên cầu Đồng Nai. Cũng có
lúc kè kè theo chồng sách Luật ở lì trên đó, chạy ăn nên khỏi tới giảng đường.
Tôi là dân Tây Ninh
nên cứ tỉnh bơ chui vào số 55 đường Trương Minh Giảng, nơi đó là tư dinh của
thiếu tướng Trình Minh Thế sĩ quan cao cấp của Cao Đài, người bị bắn rớt đài
trên cầu Tân Thuận trong hoàn cảnh tranh sáng trang tối của quân đội thống nhất,
loại trừ các phe phái tại miền Nam. Người là chỉ huy trưởng của ba tôi ngày
tôi… chưa chào đời.
Căn biệt thự cổ to lớn
vậy mà chỉ có điện, không có nước, có lẽ Thủy Cục Sài Gòn đã khoá đồng hồ từ
lâu lắm trước khi tôi tới, nó cũng đã hoang tàn từng ngày, khi chủ nhân nó
không còn và những người thừa kế chính thức không có. Nó làm nơi tá túc cho
sinh viên từ Tây Ninh xuống trọ học một cách không lấy gì minh bạch lắm, dưới sự
cho phép và quản lý của hội thánh Cao Đài.
Quả là cuộc đời tôi,
đi tới đâu cũng toàn gặp trắc trở. Cái giấy hoãn dịch, được cẩn thận ép nhựa vì
thường lấy ra. Thời nhiễu nhương, thiếu lính, Cảnh Sát, Quân Cảnh thường hay
hành quân kiểm soát, nhất là thành phần đào binh. Nó không là gì, chỉ có con dấu
đỏ, mang tên và chữ ký của thiếu tướng Bùi Đình Đạm, nó là bùa hộ mệnh cho
chúng tôi những người trẻ tuổi buổi đao binh. Một thứ an toàn thân thể, được
ban phát.
Tôi cũng có biết những
tay mánh mung mà thậm chí còn có một hệ thống làm các loại giấy hoãn dịch này,
theo nhu cầu, theo giá trị tính bằng tiền, và tùy bộ hồ sơ đi kèm để có một cái
giấy lộn lưng là hoãn dịch vì học vấn hay vì sức khoẻ, gia cảnh hoặc tôn giáo.
Lại có cái thứ hoãn
dịch vì tôn giáo, nó là thứ tai ương không hiểu nổi, từ thành phần chức sắc của
các giáo phái vận động, viện một lý do có trời mới biết được, Quyền Đi Tu, mà
đi tu thì đứng ngoài vòng chiến, đã đứng ngoài thì khỏi nói tới nhiệm vụ công
dân - Thi hành quân dịch. Thêm vào dịch vụ này là những mánh khóe hoán đổi đơn
vị, các hồ sơ lính ma, lính kiểng. Dĩ nhiên chỉ có những kẻ lắm tiền thuộc loại
con ông cháu cha mới có thể sờ mó vào mấy thứ này. Xã hội nào cũng vậy, có mặt
trái của nó, như một đứa con vô thừa nhận, có đó mà làm như chẳng biết. Tôi lớn
lên và trưởng thành đúng vào cái giai đoạn khó chịu đó, một giai đoạn mà người
trẻ cảm thấy mình bị dẫm đạp tàn nhẫn.
Thêm nữa là đám nội
thành của cộng sản trà trộn trong lực lượng sinh viên, học sinh, tranh thủ tìm
kiếm nhân sự, để quấy rối hậu phương. Các nhà sư, chóp bu phật giáo nhảy ra chính
trường, không chịu ăn chay niệm phật theo như lời dạy thông thường, mà cổ xuý
cho cái việc vạch lá tìm sâu, bắt chẹt chính quyền, kết bè đảng cùng việt cộng
phá tan tành từ nhỏ đến lớn ở hậu phương. Một giai đoạn mà tuổi trẻ mới lớn dễ
lầm lạc nhất.
Đã đi qua, sống và từng
bị cuốn vào cái rối rắm như một thứ bùi nhùi không mối gỡ ra đó. Tôi có những
lúc ngồi một mình nghĩ ngợi, hay tâm sự nhỏ to với lũ bạn cùng lứa. Chúng tôi lớp
trẻ vào giai đoạn này, như người mù bị lôi đi, cột cứng bằng những sợi dây
quanh mình, mỗi đầu dây là một hướng.
Bản thân tôi, ý thức
chống cộng vốn dĩ cha truyền con nối. Những ngày thăm đơn vị của ba tôi, ở một
tiền đồn trên quốc lộ 22. Cũng có khi, nằm trong đồn chờ ba tôi dẫn đại đội 277
địa phương, đi hành quân hay quan sát những buổi rà mìn trên quốc lộ. Những cảnh
việt cộng đấp mô, gài mìn giết dân, những chuyến xe đò tan nát. Xác dân thường sau tiếng nổ, thịt xương vương
trên hàng cây bụi cỏ bên đường, tôi đã tận mắt chứng kiến những thứ đau chết được
này từ khi còn để chỏm, những ngày hớt ha, hớt hãi chờ tin ba tôi dẫn quân đi
và chạm địch. Tôi làm quen đời lính từ khi ba tôi trấn thủ đồn Bàu Nâu, cũng có
khi tôi ở trong đồn với ông cả ngày, chưa nói tới mấy ông lính trẻ dạy tôi tháo
ráp từ Colt 45 tới Carbin M2, Garant M1. Tôi biết lính và đồ chơi của lính từ
lúc đó.
Cái sống chết của
người thân, những tiếng nguyện cầu tuyệt vọng khi người ta không còn nơi nào để
vịn níu, tôi từng có qua.
Những cuộc xuống đường
thời đó dứt khoát không có mặt tôi. Tôi biết rõ một triệu phần trăm là đúng. Chỉ
dăm ba tay trà trộn, chỉ một hai ông trọc đầu, hò hét vận động. Nó như một mồi
lửa cháy lan, sinh viên học sinh được mấy đứa gọi là có ý thức đấu tranh đâu,
chỉ là theo tiếng gọi của đám đông, hay hè nhau vui chơi một chuyến, ra cái điều
mình cũng xuống đường và chẳng cần biết nó là cái gì, do đâu và để làm gì. Một
cái biểu ngữ căng ra vội vàng do một ai đó nhét vào tay mình, đám đông cổ vũ,
mình làm theo tiếng vỗ tay đó, đơn giản thế mà nó thành lớn chuyện, đại khái
như là toàn thể sinh viên cùng âm thầm tổ chức và xuống đường… Chó chết thật,
cái tuổi trẻ bị lợi dụng dã man, từ những trò chơi chính trị, từ những thiểu số
quá ít oi của thành phần đối lập, hay kẻ thù dấu mặt trong cuộc chiến du kích,
đánh phá trị an.
Tuổi trẻ lao đao, bị
chiến tranh đè bẹp tương lai, bị xách động, bị ảnh hưởng từ những tệ đoan xã hội.
Chính quyền lo phải chiến đấu, việc bình định trị an tự khắc trở thành thứ yếu,
do đó rối ren xã hội làm bất an. Một khi đã bất an thì rất dễ chết, chết trong
cuộc chạy đua thảm khốc sống còn, chết trong sự dung nạp tiến bộ và thác loạn vừa
du nhập theo bước chân của quân đội đồng minh, thêm một thứ độc dược có từ những
chán nản sợ hãi, hay phong trào phản chiến, những bài thơ, bài nhạc làm mềm
lòng chiến đấu, ru ngủ tuổi trẻ. Và kết quả của những loạt tấn công này là một
xã hội mà thời đó, các nhà trí thức mô tả nó bằng hai chữ: “băng hoại”.
Tôi mang một chút
máu say mê văn nghệ, văn gừng (nói như bạn bè tôi thời đó) rất bén nhạy với những
thứ mơ mộng, tình cảm lăng nhăng. Tôi chẳng biết mình có từng yêu chưa hay những
người con gái đi ngang qua đời chỉ là thứ tình trai gái, bình thường, một chút
nhớ rồi quên, một thời hẹn hò, rồi xa. Một vài lá thư mùi mẫn ra cái vẻ yêu người
quên ăn thiếu ngủ, lâm ly bi đát rồi chẳng để lại chút vấn vương nào. Nói vậy
cũng không phải vậy. Tôi vẫn nhớ hoài tên người con gái đầu tiên mà mình lò dò
chạy theo, chạy theo cho cái gọi là có chút tình trai gái cầm trên tay.
Ngoài ra thì nhiều,
rất nhiều người đã qua trong đời và qua rồi là đi tuốt, có khi moi óc để nhớ
cái tên gọi mà không thể. Chuyện phải thế thôi, lúc còn làm mấy cái thi văn
đoàn tỉnh lẻ, có bao nhiêu là thư, đâu nhớ cái nào mình trả lời nghe thật là
mùi mẫn và đã viết như vậy cho ai? Bao nhiêu lần?
Tàn nhẫn thay, khi
tôi về Sài gòn, những thứ đó biến mất, biến trong chớp nhoáng, tan tành trong
ký ức. Có thể do tôi bị cuốn vào cái xã hội mới, nhịp sống thành phố, hối hả và
chìm trong cái lu bu vô phương đào thoát. Chạy ăn và đi học, thỉnh thoảng mới về
quê, nhận tiếp trợ của gia đình, dựa trên đồng lương lính của ba tôi trong hoàn
cảnh phải nuôi một lúc 5 đứa con, còn đi học. Tôi lồng lộn, chạy hụt hơi, tuyệt
vọng nhìn tương lai mờ mịt của mình, tương lai con mẹ gì.
Tôi theo trường Luật
vì không đủ điểu kiện chạy đua vào các phân khoa Y, Dược, tôi chán văn chương,
nên không đâm đầu vào Văn Khoa, tôi không khoái chùa chiền nên không vô Vạn Hạnh
hay đại học Cao Đài. Nói chung tôi lầm lủi đi, thu thập những tài liệu từ khắp
nơi cho cái môn tôi đang học. Cũng đôi khi tới giảng đường, nói cho oai, cho ra
vẻ mình là dân đại học một chút. Cái thời của tôi, năm thứ nhất có hàng tỷ sinh
viên chỗ đâu mà chứa. Trường Luật đang đập ra xây lại, nhà trường bèn mượn cái
rạp Thống Nhất, nằm trên con đường cùng tên, xéo xéo toà đại sứ Mỹ làm giảng đường
tạm. Vậy mà không đủ ghế ngồi, sinh viên phải đến sớm, chen nhau kiếm một chỗ.
Thế cho nên, tôi là
thằng lười, may mắn tôi có một cô bạn, cô ta tới trước ném vài quyển sách lên
cái ghế bên cạnh. Tôi đủng đỉnh, cà phê, cà pháo cho đã rồi vào sau. Vậy mà Hồng
Đức, cô bạn gốc Long Hoa, Tây Ninh cũng chìu tôi gần hết năm học. Sau ngày sập
trời, nghe đâu cô đã bỏ nước ra đi và hình như chưa lần về thăm quê nhà.
Cái vụ xây trường mới
làm tôi tiếc hùi hụi. Ngày đầu quân về trường Luật ở cái cổng số 17 đường Duy
tân. Tôi nhớ hoài khi đi vào bên trong, tôi hay đứng ở tấm biển đồng có ghi
hàng chữ: “Nơi đây Lê Khắc Sinh Nhật đã nằm xuống”.
Tôi mường tượng cái
cảnh anh bị bắn ở chỗ này. Ai bắn anh. Một sinh viên chủ chốt của đại diện sinh
viên Sài Gòn phụ trách ngoại vụ, có tiếng không khoái cộng sản, chắc là một cuộc
dàn dựng cho anh đi tàu suốt để dễ bề thao túng. Tôi nghe bén mùi chính trị,
chính em trên ghế học đường từ đó, từ ngày đầu vào Luật Khoa Sài Gòn tôi đã
nhìn thấy các bậc đàn anh của mình bị sát hại thê thảm, dấu tích còn kia.
*******
*******
Luật Khoa là một trường,
tự điển cầm tay, học chí chết, học thuộc lòng, nhất là những bốn năm liền tù tì
môn Cổ Luật, cái môn học chán như cơm nếp, phải nhớ từng con số, đạo dụ số mấy,
năm nào, Minh Mạng thứ mấy, tu chính ra sao. Mệt, thêm nữa. Người ta coi Luật
Khoa là một trường tự do, không thi tuyển.
Thiệt là lãng xẹt.
Cái trường tôi học gần như nổi tiếng với họ Vũ. Thời tôi vào đó, giáo sư Vũ Quốc
Thông là khoa trưởng, giáo sư Vũ Văn Mẫu dạy Cổ Luật, con gái của ông, bà Vũ Thị
Việt Hương dạy Luật Đối Chiếu. Giáo sư Vũ Quốc Thúc dậy môn Kinh Tế Học.
Ông Mẫu ra đề rất
chi là khó (nhận định từ các anh chị đi trước). Ôm chồng sách cao ngập mặt, mỗi
cuốn dầy cui tối thiểu cũng 300 trang, học thuộc lòng. Ông cho đề thi với một câu
hỏi trời ơi, đất hỡi. Một đạo luật nào đó, Hồng Đức hay Gia Long, câu trả lời vỏn
vẹn hai dòng. Rồi thêm cái thi tuyển bất thành văn, năm thứ nhất vài trăm ngàn
sinh viên, một số ít anh em trong quân đội ghi danh, Sinh viên thuần tuý là đa
số, dĩ nhiên trong đó phải kể những tay ghi danh một lúc vừa Văn Khoa vừa Luật.
Lên năm hai còn khoảng 3 ngàn. Chơi một phát năm ba, mỏng chút nữa, để cuối
cùng ra trường là khoản 300 cái cử nhân cho học trình 4 năm với từng ban Kinh Tế,
Tư Pháp, Công pháp, mỗi ban tròm trèm 100. Một lối thi tuyển một chọi vài ngàn,
mệt ngất ngư. Ý là chưa nói tới 2 năm
Cao Học, nếu hên mà qua được 4 năm cử nhân.
Được mỗi cái là ban
đại diện sinh viên, cứ mỗi năm ra một tuyển tập gồm tất cả những đề thi từ 10
năm trước. Thế cho nên, lúc tôi nhảy vào Luật Khoa, chuyện học tủ là đương
nhiên đối với chồng sách ngập mặt đó. Hơn thế nữa, năm thứ nhất, thứ nhì với số
sinh viên quá đông giáo sư không tài nào chấm bài thi hết được, việc này được
san sẻ bởi các anh chị ở Cao học. Cũng có thể, hay không bằng hên hoặc học tài
thi phận…. Mà chắc những năm ở trường Luật tôi rớt vào loại may mắn này.
Qua hết rồi tuổi trẻ
của tôi ơi - những ngày trú trọ kiếm sống trên thành phố phồn hoa đô hội, chạy
đua với nha động viên, chạy thục mạng vì “vận động viên lão thành Bùi Đình Đạm”
đang theo sát nút sau lưng.
Đứt phim, 30-04-1975
tôi ngả xuống cùng tan hoang trời đất, tôi tiếc hùi hụi những ngày ở quân trường,
sao tôi không bậm mội xé cha nó cái lệnh xuất ngũ chó chết đó, để có những ngày
biên cương áo trận đối diện kẻ thù trước mặt, thứ kẻ thù của tự do. Biết đâu chừng,
máu giang hồ vặt làm nên chuyện lớn, tôi sẽ hách xì xằng được thăng cấp ngoài mặt
trận. Quan trọng nhất là vỗ ngực tự vinh danh mình “từng đi chiến đấu bảo vệ
quê hương” hay “bỏ hết xuân xanh lên đường giữ nước”, như các bạn cùng khoá
3/73 của tôi, đã nói thế sau ngày tan trận.
Tháng 8 năm 1975.
Tôi bị xách cổ vào các lớp chính trị theo lệnh của chính quyền mới chiếm đóng.
Cũng như hàng ngàn sinh viên khác ở tất cả phân khoa từ cử nhân cho tới cao học
phải chịu cái cảnh, một thằng nhóc nhi, nón tai bèo, băng đỏ đặc trưng của bọn
a dua, thời cuộc, nói dai nói dài, nói dóc trên diễn đàn trong một rạp hát nào
đó ở thành phố, làm nơi học tập. Cái khóa học chính trị này luôn mở đầu và kết
thúc bằng những hát bài hát “như có bác..”, “dưới bóng cây Kơnia” hay “Trường
Sơn đông, Trường Sơn tây” gì đó mà tôi ghét cay ghét đắng.
Sau ngày đó, tôi giận
dữ cuộc đời, không muốn sống chung lũ người ngượm không ra chi, tôi bỏ về Tây
Ninh. Đánh dấu một khúc quanh đời mình.
Qua hết rồi tháng
ngày của tuổi mới lớn, với một tuổi trẻ đáng thương. Tôi thỉnh thoảng nhớ nó
như một ký ức đã quên lãng.
Cú tan hàng thê thảm,
nó làm cả miền Nam rưng nước mắt. Thành phố Sài Sòn, mà không là người miền Nam
khóc như cha chết, tiếng khóc không phát ra từ cửa miệng, không nghe được tiếng
nấc, chẳng tiếng thút thít hay vật vã kêu than. Người miền Nam khóc, khóc nghẹn
ngào, tức tưởi trong cổ họng, khóc với những tan hoang, dưới dấu chân loài thú
đi hai chân từ đâu đó ở Trường Sơn, kéo nhau về làm banh ta lông cái hòn ngọc
viễn đông.
Ngoài đường rầm rập
tiếng dép râu, nón tai bèo, băng đỏ trên tay, súng AK lăm lăm. Từng con phố, từng
hẻm hóc, những trận đòn thù diễn ra thô bạo trên chính đồng bào ruột thịt của
mình, như một hành quân tảo thanh sau ngày chiến thắng.
Lộ quân Bắc Việt vào
miền Nam, chân ướt chân ráo, thấy cảnh phồn hoa đô hội của Sài Gòn. Bật té ngửa,
khi bên tai còn vang vang khẩu lệnh của bác. “Giải phóng miền nam, giải phóng
cho đồng bào đang bị nô lệ, đói khổ, không có cái ăn, bị Mỹ Nguỵ kìm kẹp”.
Bộ đội Bắc quân té
ngửa trên những đồng hồ hai cửa sổ, automatic, cái đài rẹt rẹt đeo trên vai. Họ
ngỡ ngàng với cái túi chứa ít gạo mục đem cứu đói cho bà con ruột thịt, khi
theo quân về giải phóng Sài Gòn, bổ ngữa khi thấy chung quanh toàn là vàng son
nhung lụa. Bộ đội té ngửa, khi không biết làm sao với con cá lóc mới mua, trong
một cao ốc vừa chiếm đóng, nhốt con cá trong bồn cầu, chờ buổi đánh chén canh
chua lúc cơm chiều, giựt nước con cá chui mất, bữa cơm quay về với chút muối hột
mang theo từ Trường Sơn.
Bộ đội Bắc quân mù tịt
trên thành phố thừa mứa đồ tiêu dùng mang đủ nhãn, đủ mác. Chúng cố gắng vơ vét
đem về Bắc, bằng mọi cách để gọi là làm quà sau chinh chiến. Cái ngu ngơ đó được
đám Giải Phóng Miền Nam, một công cụ với lá cờ nửa xanh nửa đỏ giúp một tay.
Tất cả những quân
dân cán chính đang tránh né không chịu ra ghi danh để lên đường học tập, bị đám
này lùng sục. Một cuộc trả thù tàn bạo, sau khi Sài Gòn thất thủ và khởi từ
tháng 6 năm 1975. Tháng sáu trời mưa ướt nhem thành phố, đoàn quân bại trận đi
trong mưa, đi trong tối thẳm cuộc đời. Tới những điểm tập trung theo lời dỗ ngọt
của cái gọi là Uỷ Ban Quân Quản.
Tiêu tùng. Chuyến đi
của hơn 500 ngàn người vào chỗ chết. Chết bờ, chết bụi trên xứ Bắc trong một trại
giam nào đó có thể là Cổng trời, Nam Hà, Tân Lập, Vĩnh Phú hay một chỗ kín đáo ở
miền Trung, dưới những cái tên A20, A30, hoặc Z30C, Z30D…
Lũ băng tay đỏ này
chính là đám ngày xưa trà trộn trong cộng đồng sinh viên, học sinh, trong xóm
thôn, công tác thành, trong chiến tranh du kích. Lũ mọi rợ đã cống nạp dưới
chân lãnh tụ biết bao nhiêu xương máu dân miền Nam.
Hết, cú sập tiệm dẫn
đến không biết cơ man nào để nói ngoài hai chữ tóc tang. Thôi thì cứ để nguyên
cho nước mắt chảy, thôi thì cứ rũ rượi, nhìn cái tan tành, tan từng nóc nhà, bờ
giậu, vườn cây, tan tành ngọn lúa, con trâu, tan tành một cuộc đời tươi đẹp của
hơn hai chục triệu dân yêu tha thiết tự do. Qua bao triều đại và hai nền Cộng
Hoà cố công gìn giữ.
Từ cái tiêu tùng đó,
Sài Gòn mang tất cả của cải, cái muỗng có nhãn US, đến cái bình hoa bằng vỏ đạn
đồng, tới bộ ly chén bằng sứ, cái đồng hồ ODO tòng teng, lắc qua lắc lại làm mê
mẫn trong ánh mắt nhìn của người vốn dĩ quen sống như thời mọi rợ. Bán hết, bán lấy tiền đổi gạo, bán lấy tiền đi
nuôi thân nhân đang ở trong các trại tù thiếu ăn, bệnh tật và đang chờ chết.
Sạch sành sanh. Bỗng
chốc Sài Gòn trống trơn, buồn như một đám ma, cái đám ma không kèn không trống,
im re và chôn sâu trong lòng mỗi người, tất cả chỉ còn biết đổ thừa cho vận mạng
của nước non.
Tôi bị cuốn trong
cái lùng bùng tan hoang rồi sạch sành sanh đó. Làm một cú quay về Tây Ninh, từ
đồng bằng ta lên ở núi.
Sau này những ngày nằm
trong biệt giam ở C2 rồi C hay những đêm thao thức trong thời chưa ra trại lao
động. Tôi có nhiều thời gian để nhớ cái thời oanh liệt nay còn đâu của mình, nhớ
từng cái li ti theo bám một đời, một đời tưởng như quên tuốt. Không may mắn
chút nào nó lù lù quay lại, xuyên thủng cái bóng tối mờ mờ, xuyên qua khe hở
cái lỗ gió và ập xuống làm tôi nhiều đêm bỏ ngủ.
A20 nguyễn thanh khiết
A20 nguyễn thanh khiết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét