29/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 11



Chương Mười Một


Đối với tù ở trại cải tạo lao động thì giờ qua nhanh lắm, quần quật suốt ngày ngoài đồng, buổi tối còn phải ngồi sinh hoạt hai giờ trước khi ngủ, chương trình đều đặn ngày nào cũng giống như ngày nào, cuối tuần chỉ trông mong được nghỉ trọn ngày chủ nhật mà không được vì cứ hai tuần một lần, buổi sáng chủ nhật làm lao động xã hội chủ nghĩa. Chỉ có những ngày mưa là được nghỉ, nhưng miền đông mưa ít, mà chỉ có mưa ban đêm, hoặc mưa ngoài giờ hành chính.

Trông mong một ngày nghỉ, trông mong một ngày mưa, người tù chỉ mong đợi chừng đó, còn thì ngoài tầm tay. Biết quên càng khỏe, còn dễ sống. Nếu cứ ân hận, tiếc nuối, bực tức chỉ thêm khổ thân. Mới hơn 30 tuổi nhiều người tóc đã bạc, trán đã hằn ngang những nếp nhăn. Gặp gia đình cũng lại đếm thời gian ở nếp nhăn trên khóe mắt vợ. Gạt hết tất cả để an tâm mà sống chờ ngày về, dặn dò nhau và dặn chính mình, nhưng đâu phải ai cũng làm được, hoặc là lúc nào cũng quên được. Cứ mỗi lần gặp gia đình là thêm bao đêm không ngủ được. Thời gian qua mau quá, vợ đã khắc khoải mỏi mòn trông chờ - con lớn lên không có người dạy dỗ. Giá như chết được thì đã giải quyết hết mọi chuyện cho người chết lẫn người sống; chết chỉ làm cho người thân buồn khổ một lần, rồi thời gian làm họ quên đi. Chết thì 3 năm vợ đã mãn tang, có thể lập gia đình khác mà không sợ bị dị nghị. Người tù không chết, vẫn sống mà lại không có ngày về, người tù như người đã chết mà chưa chôn, nên mọi việc cứ dùng dằng không giải quyết. Trở thành gánh nặng cho gia đình. Vợ phải chờ đợi, con cái, người thân phải trông mong... Không nỡ dứt tình, một người khổ kéo theo hàng chục người đau khổ - ân hận biết bao, sao không chiến đấu đến phút cuối cùng rồi chết, chết là hết. Tại sao đã không dám chết mà không chạy ra ngoại quốc. Chạy là hèn nhưng còn giúp được cho kinh tế gia đình. Ray rứt từ ngày đầu tiên vào tù, cứ xoáy đi xoáy lại trong đầu làm cho cằn cỗi đi, sự hành hạ đó còn khổ hơn là sự hành hạ thân thể, sự sỉ nhục của bọn cán bộ.

21/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 10



Chương Mười

Sáu mươi bảy người tập trung một phòng dưới ô để làm các thủ tục cần thiết để đi trại lao cải. Mọi người lo âu, băn khoăn vì sắp bước qua một giai đoạn mới trong cuộc đời tù tội. Căn phòng chật chội vẫn yên lặng, mỗi người ngồi thừ ra bên cạnh gói hành trang gồm ít áo quần và thức ăn còn lại của đợt thăm nuôi vừa qua.

Cơm chiều xong đa số đã đi nằm, chỉ có những người hút thuốc lào tụm lại với nhau thay phiên kéo chiếc điếu cầy, tiếng nước sôi sùng sục nghe rõ mồn một. Tôi lại nghĩ đến gia đình tôi, không biết thân nhân của tôi sống bằng cách nào trong hoàn cảnh càng lúc càng khó khăn. Qua gói quà gửi tôi hiểu gia đình đã sa sút lắm. Tôi không xin quà, để gia đình gửi cho tùy ý theo khả năng, đỡ cảm tưởng mình là gánh nặng cho thân nhân, vừa để có thể đo lường mức độ sinh sống ở nhà. Đã hơn mười sáu tháng rồi, tôi chưa gặp mặt vợ con. Nhớ lắm.

16/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 9



Chương Chín


Tổ chức phục quốc những năm 1975, 1976, 1977 thu hút nhóm học sinh, sinh viên ở các tỉnh miền Nam, nhất là tại Sài Gòn, đa số các anh em ở các khu Công Giáo như Bùi Phát, Chí Linh, Tân Sa Châu, Tân Hiệp, Tân Phú, Tam Hà, Cái Sắn. Các em bị loại ra khỏi trường học vì lý lịch có cha anh đi cải tạo. Vì những khuyết điểm trong khi móc nối tổ chức, các em bị bắt rất nhiều và rất sớm, tổ chức mới hình thành đã bị trinh sát chính trị xâm nhập. Do đó hầu hết các tổ chức đều chưa có tài liệu học tập hoặc rèn luyện cho các em ý thức chống cộng, sự hiểu biết chính trị căn bản.

Chúng tôi được khích lệ để làm việc nguy hiểm đó trong nhà tù, vì quả tình các em thấy thích thú và hăng say trong khi được giải thích các điểm các em cần hiểu.
Chúng tôi quan niệm giúp đỡ các em có được sự hiểu biết chừng nào tốt chừng đó để rồi trong nhà tù và trong cuộc đời các em học hỏi thêm và tùy khả năng và lý tưởng các em sẽ đóng góp hữu ích cho xã hội mai sau.

15/8/12

Hồi ức tháng Ba


Tháng 3 lại về với nắng vàng rực rỡ lấp lánh trên những vòm cây xanh, khí trời trong veo và dịu mát, gió mơn man chạy như đuổi nhau trên cánh đồng sắp vào mùa gặt. Ngoài kia biển đã vào mùa cá chuồn, những con cá chuồn biết bay phóng mình rào rào trên mặt biển đã dịu sóng.

Vậy mà đã 37 năm trôi qua rồi kể từ những ngày tháng 3 năm 1975, lúc đó tôi chỉ là một chàng trai vừa mới lớn. Tôi 16 tuổi, tuổi của một thời hoa mộng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống yên ả ở cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Tín. Một ngày của tôi đi qua với một buổi đến trường, một buổi rong chơi cùng bè bạn. Chúng tôi rủ nhau về vùng nông thôn để ăn những trái mít chín đầu mùa hoặc “đổ bộ” vào vườn nhà ai đó để mua ổi, vú sữa, mận. Là những thằng “quỷ con” phá làng phá xóm, chúng tôi tha hồ hái vú sữa, ổi, mít mặc cho bà chủ vườn vừa la mắng vừa cười. Bà vui vì chúng tôi trả tiền sòng phẳng, vừa đỡ buồn vì có chúng tôi nên khu vườn yên tĩnh và hơi quạnh quẽ của bà vang lên những tiếng nói cười đùa nghịch.


11/8/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 8



Chương Tám

Cuối tháng 3 năm 1977 được chuyển qua phòng tập thể A Trại Trần Hưng Đạo, tức Nha Cảnh Sát Đô Thành cũ, có 5 phòng tập thể, phòng A, phòng B, phòng I, phòng II, phòng phụ nữ và một khu xà lim 26 phòng. Từ giã xà lim, thấm thoát đã sáu tháng. Người ta nói nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, tôi lại thấy thời gian đi quá nhanh. Có lẽ tôi kém cảm xúc. Tôi thèm nói chuyện và thèm ăn.
Cửa phòng tập thể vừa mở ra, tự nhiên phải lùi một bước, hơi nóng và mùi khói nồng nặc từ bên trong tỏa ra đủ thứ mùi, mùi thuốc lào, mùi thuốc rê khét lẹt, mùi mồ hôi người tanh tanh muốn lợm giọng. Hành lang hẹp chưa tới một thước bề ngang nằm giữa hai tường nhà cao, gió không thông dù cái quạt nhỏ gắn trên tường chạy suốt ngày để hút hơi ra. Cái cửa ra vào bị che kín một nửa bằng tấm tôle. Chiếc đèn néon một thước hai không đủ chiếu sáng cho căn phòng dài gần 10 thước nên ánh sáng lờ mờ, bệnh hoạn.

9/8/12

A20 Lê Phi Ô trên đài Vietoday television



Lê phi Ô
Tiểu-đoàn trưởng TĐ344/ĐP
Tiểu-khu Bình-Tuy (cựu tù A20)


 


 

31/7/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 7



Chương bảy

Tôi đã thèm ăn từ 1âu, khởi đầu là thêm đường, rồi thèm mỡ, giờ thèm đủ thứ, chén com hẩm với nước muối bây giờ quá ngon, không đủ no, ăn vào lưng lửng nhưng ngày nào cũng mong tới giờ ăn cơm, mỗi bữa ăn tôi cố ngồi nhai từng muỗng, nhai thật kỹ, miếng cơm thành ngọt hơn, phải chú ý và kềm để cái lưỡi không cuốn nuốt miếng cơm xuống, lơ đãng một tí là miếng cơm mới đưa vào mồm đã chạy tuột xuống cuống họng một cách tự nhiên và nhanh chóng.

27/7/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 6




Chương Sáu

Đang ngồi uống cà phê ở quán ngay dưới nhà tôi trú ngụ. Nhìn quanh thấy nhiều khách lạ, tôi thấy không yên, đứng dậy định đi ngay ra đường Trương Minh Giảng nơi chợ trời đông đảo để thoát qua bên khu Kiến Thiết. Tôi trả tiền dượm bước đi thì ngay sau lưng tôi có tiếng gọi:

-          Anh Nguyễn Chí Thiệp đứng lại, nếu chạy tôi bắn.

Chưa kịp có phản ứng thì đã thấy chung quanh có bốn năm người chĩa K-54 vào tôi. Ngay cổng vào nhà hai tên xuất hiện với hai khẩu AK-47, và sau nhà tôi đi ra hai tên khác với hai khẩu AK-47. Một tên bước đến bên tôi móc còng khóa hai tay tôi về sau lưng, tôi biết hắn là Đỗ Hữu Cảnh, Luật sư.

26/7/12

Vượn trả thù Người


                                  
                                             A20 Tống Phước Hiến

          Sau vụ “văn nghệ đột xuất mừng xuân 78”, vì cai tù kết luận đó là hình thức của bạo loạn, nên không khí trại giam Z.30.D tăng thêm ngột ngạt nặng nề. Tên Thượng úy Thới tức Sáu La là cán bộ Trực trại cho thiết lập thêm những hàng rào nhằm cô lập, chia cắt mỗi nhà tù một khu riêng biệt; biến mỗi nhà tù thành những cù lao bị vây bọc ngăn cách. Vật liệu làm hàng rào mới này vẫn là những cây tre nguyên, rắn chắc, đan theo hình mắt cáo và buộc kết bằng dây song (một loại mây rừng) rất “có chất lượng”. Giữa các hàng rào cô lập mỗi nhà là con đường đi rộng chừng 4 mét. Con đường này cai tù và “tù thống trị” tức bọn Thi đua, Trật tự dùng để đi tuần tiểu, quan sát. Tù chỉ được dùng để đi lãnh cơm nước, tập họp. Nếu không có cai tù hay Trật tự, Thi đua đi kèm áp giải thì mọi sự di chuyển của tù trên đường này dù bất cứ lý do gì cũng đều bị tuyệt đối cấm, sẽ bị kết tội vi phạm nội quy trại giam và dĩ  nhiên có thể bị bắn chết nếu cai tù muốn.

22/7/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 5




Chương Năm

Tuần lễ đầu tiên ngay sau khi chiếm miền Nam Việt Nam, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam được nhiều quốc gia công nhận. Khởi đầu là Tây Đức đến Anh Quốc và đa số các nước Tây phương, các nước công nhận chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lên đến 76 nước, nhiều hơn số quốc gia công nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và dĩ nhiên hơn số quốc gia công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sự kiện ngoại giao này làm cho những người lãnh đạo Hà Nội lúng túng, vì Phạm Văn Đồng đã tuyên bố hai miền Nam Bắc Việt Nam chưa thống nhất. Miền Bắc tiếp tục cách mạng xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa và miền Nam Cách Mạng Dân Chủ Nhân Dân - cụ thể là về kinh tế miền Bắc có hai thành phần kinh tế và miền Nam năm thành phần kinh tế, còn công nhận hợp doanh, cá thể và tư sản dân tộc. Thời gian chuyển tiếp dự trù 5 năm . Chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam không hiện diện tại Saigon, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát chỉ xuất hiện với tính cách cá nhân trong Ủy Ban Quân Quản thành phố Saigon-Gia Định (đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh). Không có trụ sở văn phòng của chính phủ này. Bàn giấy của Huỳnh Tấn Phát đặt tại phủ Thủ Tướng cũ, cùng với Văn phòng đại diện của Đảng tại miền Nam. Có thể người lãnh đạo Hà Nội sợ chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam xuất hiện công khai tại Saigon, rồi với việc 76 quốc gia thừa nhận sẽ đưa tới việc bang giao, lập Tòa Đại Sứ sẽ trở thành một thực tế chính trị, biến miền Nam trở lại thành một nước ngoài sự kiểm soát của họ.

20/7/12

Chung quanh cuộc Hội Ngộ A-20 tại thung lũng Hoa Vàng



                                                                  Vũ Ánh


Nguyễn Đức Thành vẫn thư sinh, trắng trẻo, nhưng nghiêm túc, nói năng gãy gọn đâu ra đó. Bùi Đạt Trung một cựu sĩ quan BĐQ mà chúng tôi gọi thân mật là Trung “điên” lần này không điên tí nào cả. Anh duyên dáng trong một bài tù ca soạn theo thể kích động và đồng thời là một “quản ca” điệu nghệ như thời gian còn trong quân trường để điều khiển những bản nhạc hát chung được anh em A-20 hoan nghênh đặc biệt. Phạm Kim Minh lúc nào cũng lặng lẽ, ít nói, nhưng khi nói ra đều là những lời lẽ thẳng thắn nhiều khi làm người đối thoại phật lòng nhưng không thể bảo anh nói sai hay không thành thật chí tình được. Sự chính xác, ngắn gọn trong mỗi nhận xét của Minh là do được đào tạo trong các khóa học liên quan đến an ninh trong quân đội. Anh Thành đã cùng một số anh em khác làm việc trong một thời gian kỷ lục để tổ chức cuộc họp mặt lần thứ hai cho những anh em cựu tù cải tạo của trại A-20 Xuân Phước mà chúng tôi quen gọi là trại kiên giam, một từ ngữ khác của loại trại trừng giới. Sở dĩ phải gọi là trại kiên giam hay trại trừng giới là vì trại này là một trong những trại có những cách trừng phạt với mục đích trả thù tàn bạo đối với với những tù cải tạo được “tuyển lựa” từ những trại tù khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những người mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam gọi là những thành phần “chỉ có lấy rìu bửa đầu ra chứ không còn có thể cải tạo được nữa” (Nhóm từ mà Lê Đồng Vũ một trung tá công an, trại trưởng trại kiên giam A-20 sử dụng khi nói với chúng tôi). Trên giấy tờ thì đám công an gọi những thành phần bị đưa lên trại A-20 Xuân Phước là những “đối tượng của Phương Án 4” theo cách phân loại đối tượng bắt chước kiểu cách của Liên Xô thời gian còn trại tập trung ở Tây Bá Lợi Á hay những trại lao cải của Trung Cộng.

18/7/12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 4



Chương Bốn

Có giấy chứng nhận học tập ba ngày, tôi cần phải tránh xa Saigon một thời gian, nhất là tránh sự truy tìm của Công An Liên Khu 5 vào Sài Gòn bắt những người thuộc đảng phái chính trị và nhân viên chính quyền cũ. Toán Công An Liên Khu 5 đóng ở nhà số 101 đường Trần Quốc Toản (tức Nguyễn Đình Chiểu cũ). Chúng đã bắt rất nhiều người, có người chúng nhốt vào con-nết, chở về tới Đà Nẵng thì ngất xỉu.

Tôi lên vùng Đức Lập tỉnh Quảng Đức, nơi đó một người bạn tôi có ông bố là dân Pháp làm quản lý cho một đồn điền cà phê. Ở Đức Lập tôi còn mục đích dò đường để nếu có thể sẽ vượt biên giới bằng đường bộ qua Thái Lan. 

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 3



Chương Ba

Chính sách học tập cải tạo ban hành cho binh sĩ và nhân viên chính quyền từ Chủ sự trở xuống là ba ngày, tổ chức ngay tại mỗi Phường, sau bài học học viên viết lý lịch, làm thu hoạch được cấp giấy chứng nhận học tập đóng dấu chữ ký của Cao Đăng Chiếm, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ đặc trách miền Nam.

Nhiều người thở phào như trút được gánh nặng nghìn cân. Nhân viên, binh sĩ học tập xong thoải mái đã đành. Sĩ quan và các cấp chỉ huy cũng cảm thấy nhẹ gánh. “Cách mạng” đối với lính như vậy thì sĩ quan có thể cần học tập nhiều hơn, gấp 10 lần cũng không sao.

Do đó, khi thông báo học tập 1 tháng cho cấp chỉ huy từ Giám đốc trở lên đối với nhân viên trung ương và từ Phó quận trưởng, Trưởng ty các cấp chỉ huy địa phương, quân nhân từ cấp Tá trở lên, mọi người đều đi trình diện đông đủ. Sau đợt cấp Tá 1 tháng, tiếp theo sĩ quan cấp Úy, thời gian học tập là 10 ngày.

Thật là nhịp nhàng, hợp lý; Lính 3 ngày, Úy 10 ngày, Tá và Tướng 1 tháng. Thật là “nhân đạo đúng chính sách hòa hợp hòa giải, theo qui định của Hiệp Định Paris không trả thù”.

12/7/12

TÌNH YÊU VÀ CHIẾN-TRANH



Tiễn anh một chén rượu tàn,
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau.
Cuộc cờ thế sự binh đao,
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn !

                       (thơ Cao thị Vạn-Giã)


      Qua một đêm yên tỉnh... rừng núi vẫn còn bao phủ một màn sương, một sự yên tỉnh hiếm hoi cho những người lính nơi tiền đồn heo hút Gia-Huynh ranh giới của Tỉnh Long-khánh và Bình-Tuy, nơi đây vắng vẻ... một chiếc cầu ván dài 20 thước, bên kia cầu là xóm nhà lá độ mươi căn của những người thợ rừng. Hằng đêm bọn Cộng phỉ thường đột nhập vào những thôn xóm nhỏ vài chục nóc gia nằm rải rác hai bên tỉnh-lộ để cướp phá các quán bán tạp-hóa mong tìm thức ăn như mì gói, cá hộp, cá khô, đường và thuốc hút để bổ-sung cho những thiếu hụt lương-thực của bọn chúng và thường chạm súng với những tổ phục-kích của ta.

10/7/12

Những trại tù cuối cùng


A20 Kiều công Cự

Trên đường về Nam (12/1980)

Sau Giáng Sinh, 300 người chúng tôi từ trại Nam Hà B được chuyển về Nam đợt 2, trong đó có tôi. Thật là một điều vui mừng và hạnh phúc (!)

Chúng tôi lên xe từ trại B (Nam Hà), đi ngang qua trại A, qua trại C rồi men theo con đường đất đỏ, nham nhở, vùng Chi Nê, Thanh Liêm, qua thị trấn Phủ Lý rồi đoàn xe dừng lại ở nhà ga Bình Lục. Bấy giờ là nửa đêm và đoàn tàu đã chờ sẵn ở đấy. Chúng tôi lần lượt gồng gánh lên tàu. Một số ngồi dưới sàn, một số ngồi trên ghế. Toa tàu như một phòng giam lưu động. Cửa đóng kín và cài then từ bên ngoài. Theo thủ tục của công an thì bất cứ cuộc di chuyển nào cũng phải còng tay hai người làm một. Không phải còng inox của Mỹ mà là còng nội hóa nhiều cái đã rỉ, không co giãn theo cổ tay lớn nhỏ mà chỉ có một cỡ. Người nào cổ tay lớn thì bị còng siết chặt đau điếng. Tuy thế chúng tôi cũng tìm cách mở ra cho được thoải mái. Khi nào tàu dừng ở đâu, bọn chèo lên kiểm soát thì chúng tôi đưa tay vào còng.

Đoàn tàu bắt đầu khởi hành sau nửa đêm. Ai nấy cũng đều vui mừng, quây quần hút thuốc lào và kể lại chuyện ngày xưa. Chỉ có những anh chàng Bắc kỳ di cư, mới để ý theo dõi phong cảnh chung quanh để tìm lại những nơi chốn cũ. Nhiều người vẫn còn nhớ những nhà ga chính như là Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới...