24/3/14

Lễ an táng nhà báo Vũ Ánh


Buổi tiễn đưa nhà báo Vũ Ánh tại nhà quàn Peek Family Funeral, Westminster, CA.
Chiều Chủ Nhật 23-3-2014. 







(Nguồn: www.nguoi-viet.com/)

20/3/14

Thư viết cho chồng






1975-1992

Anh, “Dựa lưng nỗi chết”*
Vẫn còn giữ nụ cười.
Em, trôi giòng đời bạc
Nước mắt lúc đầy vơi.
Hồn bạt ngàn gió núi,
Tình ngỡ tan mù sương...
Trong mộng ảo và thực,
Em nhìn Anh , rưng rưng.
Trên còn đường ta đi
Mùa xuân qua rất chậm
Thôi không còn chia ly
Dù muộn màng số phận.

1992-2014
Anh, tấm lòng bao dung
Em, cảm ơn hạnh phúc
Những niềm đau lắng xuống
Trong khu vườn tình yêu.
Từ quá khứ nghiệt ngã
Anh bước ra nhẹ nhàng
Viết và yêu chữ nghĩa
Đến hơi thở cuối cùng.
Đêm mùa xuân trăng sáng
Em nhớ nụ cười anh
Tha thứ và ấm áp
Ôm mãi hoài đời em.

Yến Tuyết
(A20 Vũ Văn Ánh phu nhân)




* Đề tài 1 cuốn sách của Phan Nhật Nam.





15/3/14

Vĩnh biệt Vũ Ánh




Anh từng hứa về thăm trại cũ
lên đồi vĩnh biệt đốt một nén nhang
sao đành đi lúc chiều chưa tàn
mà khăn gói vẫn đầy nguyên kiếp nạn

Nhớ xưa
dưới cái nóng hạ Lào cháy khô thung lũng
cùm chữ U máu mủ ứa cổ chân
anh hiên ngang gõ sắt mà ca
trên xiềng xích đọc vang bài Bắc Tiến

Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
bây giờ
tờ Hợp Đoàn để lại cho ai?

Vũ Ánh ơi!
trên sàn tù lạnh lẽo
áo lính sờn vai 
hơi thuốc thổi bay qua đồi vĩnh biệt
anh khóc cho thằng nằm lại bơ vơ
đã lỡ không được chết dưới cờ
lủi thủi như anh - lên đường ra trận
mười ba năm - nằm gai nếm mật
bây giờ - thôi đã trắng tay thua

Tiễn anh đi 
      - mười ba năm tù
          - sáu năm biệt giam
      - ba lát khoai khô
                         - cõng mấy hạt cơm gạo mốc
một thời lẫm liệt
trước gông cùm kìm kẹp
còn ai ngồi nhắc, có ai thương ?

Vũ Ánh ơi!
con tằm già chết ở cuối đường tơ
Chí Hoà, T 20, Z30A, A20
những trại thù anh từng qua
lổn ngổn sau lưng 
vẫn còn đây bầy xiềng xích 
ôi! Trường Sơn có nghe chăng
giữa khuya đau lòng tiếng anh than
chí cả năm xưa - theo tới ngày tàn
trong thiên hạ ai chia bùi xẻ ngọt?

Và lớp lớp người đi - người đi trước
nợ nần gom đầy - chỉ một anh mang
lũ bọ dòi rút rỉa tan hoang
anh vẫn lồm cồm
một thân đứng dậy
mà thôi 
hãy quên đi những gì không đáng nhớ
cầm trên tay thanh kiếm gãy năm nào
về lại đây - trở lại đèo cao
đồi vĩnh biệt bạn bè vẫn đợi
cứ múa bút
                                           - cho ngày đang tới
                                           - cho Trường Sơn rung lá như xưa
                                           - cho Trà Bương lúc mưa là mưa
                                           - cho bút pháp đi vào thiên cổ
nhớ mà chi
một lần qua sông Dịch
lưỡi gươm cùn bỏ lại dưới trăng tan

Vũ Ánh ơi!
bài thơ xưa gởi anh ngày bóng xế
còn trên tay dù đã ố vàng
cứ cầm như - như một nén nhang
tiễn anh đi - dù xa ngàn dặm

A20 nguyễn thanh khiết
15-03-2014





Trả lời thư Vũ Ánh


đọc thư anh thằng em buồn thúi ruột
cũng muốn xẻ chia như thuở tù đày
biết anh một thời lừng lẫy, đắng cay
bị cùm mút chỉ, sống còn vì bạn

đại ca – anh là thằng ưa gánh nạn
nên suốt đời bị trù dập thẳng tay
tưởng ra đi đã vứt nợ trần ai
cái nghiệp dĩ trói anh thêm lần nữa

đọc thư anh – trả lời như đã hứa
tội cho anh làm kỷ niệm tháng tư
chỉ với khoai mì, muối ớt, khư khư
thì chắc chắn chẳng ma nào tới dự

lần đầu tiên mười lăm thằng – quá dữ
lần thứ hai chỉ vỏn vẹn còn ba
lần tới nầy sẽ không một bóng ma
kéo ghế ngồi với anh cùng mặc niệm

đại ca ơi! phải chi anh ra quán
café Bolsa – mấy em phục vụ ở truồng
hoặc ở nhà hàng, cờ quạt bốn phương
may ra bạn bè ngày xưa xúm lại

cái thói xứ người mồm loa mép giải
ngày tan hàng đã vất mẹ nước non
mấy mươi năm cứ chửi rủa, om sòm
rủ về nước mặt xanh như tàu lá

súng đạn quăng bừa đạp nhau chạy trốn
miệng la làng vì chống cộng mà đi
đại ca – anh nhắc chi, làm mẹ gì ?
cái đám đó bây giờ đông như kiến

cám ơn anh đã một lời thành thực
biết thẹn mình, vì đã lỡ buông tay
còn tưởng nhớ mười năm hơn ăn khoai
trong lúc nhiều thằng cố tình quên nó

nhục theo anh gần bốn mươi năm dài
mà có kẻ cứ vinh danh hoài mới chết
thôi đại ca, anh tuổi già mỏi mệt
đã một đời, hãy để đám đàn em

nguyễn thanh khiết
03-2011




Thung lũng tử thần - Phần 1


A20 Vũ Ánh


LTG - Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng cũ: đàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.


Ðặt tên cho một lòng chảo

Cái tên này được các tù cải tạo vốn là những sĩ quan quân đội và các cấp chỉ huy trong công chức VNCH từ trưởng phòng trở lên và tù chính trị án nặng kể cả tử hình đặt cho một cái lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước thuộc quận Ðồng Xuân thuộc tỉnh Phú Khánh (tên gọi mới của tỉnh Phú Yên), nơi có trại cải tạo A-20. Từ ga xe lửa La Hai trên Quốc Lộ 1 muốn vào đến lòng chảo này phải vượt qua 60 cây số đường rừng, tức là phải vượt qua trạm cuối cùng nơi có một trại Lực Lượng Ðặc Biệt cũ thời chiến tranh cách A-20 khoảng 10 cây số, vượt qua một vòng đai gồm khu kinh tế mới và một vòng đai gồm gia đình công an và dân làng do Việt Cộng kiểm soát thời chiến tranh. Từ ga xe lửa La Hai vào đến trại, thân nhân các tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối vào mùa mưa, trong đó nguy hiểm nhất là suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ và chảy xiết. Về vị trí thì theo nhiều tù cải tạo rành về địa thế cho biết trại A-20 nằm trong một khu rừng già bên cạnh con đường mòn mới mà người Cộng sản gọi là Trường Sơn Tây bên này dãy Trường Sơn.


Thung lũng tử thần - Phần 2



A20 Vũ Ánh


Tờ Hợp Ðoàn ra đời trong bí mật ở A-20 Xuân Phước trong hoàn cảnh nào?

Chọn lựa ở xã hội bên ngoài sau khi người tù cải tạo được thả ra từ sau những cánh cổng nhà tù đã là một khó khăn huống hồ là những chọn lựa trong tù, nghĩa là trong một môi trường không thể có chọn lựa. Nhưng nếu bảo ở sau cánh cổng nhà tù, người tù không còn lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận thì không đúng. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy chắc chắn sẽ là một quyết định khó khăn giữa hai thái độ: hoặc là thà chết để đứng thẳng lưng, hai là cứ cong lưng để sống. Tôi có thể nêu ra một điển hình mà chắc bạn nào từng sống ở cái địa ngục A-20 Xuân Phước trong thời kỳ từ 1979 cho đến 1984 chưa quên. Ðó là khi trưởng trại giam Thân Yên, người mà hôm “đón tiếp” chúng tôi khi chúng tôi bị giải giao đến trại đã ngồi vỗ tay rất hăng hái khi PÐN cựu sĩ quan Chính Huấn quân lực VNCH điều khiển anh em hát ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Ðức Quang, đã ra lệnh thành lập đội Văn Thể, tức Văn Nghệ và Thể Thao tại Phân trại E. 

Thung lũng tử thần - Phần 3



A20 Vũ Ánh


Cái giá của những ngộ nhận!

Khi đã bị đẩy vào sau cánh cổng nhà tù cộng sản, chỉ có một số rất nhỏ ở một trại từ đầu cho đến cuối mùa, còn phần đông đều bị chuyển trại cứ khoảng một đến hai năm một lần đi các trại khác, ngoại trừ tù cải tạo bị “tuyển lựa” lên các trại A-20, A-30 và A-10. Khi phải đi qua nhiều trại cải tạo như vậy, các bạn tù khi gặp lại nhau ở trại mới thường hay hỏi thăm nhau tình hình sinh sống ở các trại khác. Có người nói trại này sống “thoải mái” hay “dễ thở” hơn, trại nọ “khắt khe, thù hận” nặng hơn vì các cán bộ quản trại đều là từ quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh hay Ðồng Hới. Nhưng theo tôi, khi đã bị buộc phải sống trong các trại cải tạo thì chẳng có trại nào dễ thở hơn trại nào. Dễ thở, thoải mái hay không là tự mình. Anh sợ sệt đủ thứ kỷ luật khắt khe mà cai tù đặt ra thì ở trại cải tạo nào cũng nghẹt thở cả. Còn nếu anh tự cho anh là người tự do thì trại nào cũng dễ thở cả!


Thung lũng tử thần - Phần 4


A20 Vũ Ánh


Tết Nguyên Ðán 1984 đánh dấu sự thay đổi chế độ lao tù tại Việt Nam?

Tết Nguyên Ðán năm 1984, chúng tôi lại trải qua một cuộc “xóa bài làm lại” trong khu biệt giam của Phân trại E thuộc A-20 Xuân Phước, nghĩa là phải thay đổi chỗ ở sau một màn tất cả lần lượt “bị” lùa ra giếng nước ngay bên cạnh ao thả cá rô phi sau khu biệt giam. Trời Tháng Giêng ở thung lũng tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại. Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời. Chân tay anh em chúng tôi gần như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số 5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam. Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai.


21/12/13

Trả lại sự thật cho chiến sử VNCH


Một Chiến Công Bị Quên Lãng


A20 Đỗ Văn Phúc



Trận tử thủ An Lộc được xem là một trong ba trận đánh lừng danh nhất trong quân sử Việt Nam Cộng Hoà vào mùa hè năm 1972, mà sau này được nhà văn Dù Phan Nhật Nam đặt tên là “Mùa Hè Đỏ Lửa”.

Bốn mươi mốt năm về trước, đúng vào 7 tháng 4, 1972, Cộng quân đã tung ba sư đoàn bộ binh (5, 7, và 9) cùng thiết giáp ồ ạt tấn công vào thị trấn bé nhỏ An Lộc, nơi đang là tỉnh lị của tỉnh Bình Long, chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng một trăm cây số. Mục tiêu tối hậu của Cộng Sản Hà Nội là chiếm bằng được An Lộc để làm thủ đô cho cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu chính trị của Hà Nội là tạo một uy thế cho đám bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng để có tiếng nói tại Hội Nghị Paris.

Nhưng sau ba tháng bao vây tấn công một thị trấn nhỏ bé có diện tích chỉ khoảng 4 cây số vuông, sử dụng đến hàng chục ngàn binh sĩ, hàng trăm xe tăng tối tân, bắn hàng trăm ngàn viên đại pháo, hoả tiễn, Cộng Quân đã chuốc lấy thảm bại và rút lui sau khi để lại trên 10000 xác chết cộng với khoảng 25 ngàn khác bị thương.
Trận tử thủ được xem là chấm dứt vào ngày 7 tháng 7, 1972 khi các đơn vị tăng viện của Quân Lực VNCH tiến vào An Lộc, bắt tay với các đơn vị phòng thủ và tiếng súng địch đã ngưng hẳn.

Đã có nhiều bài viết về trận An Lộc với nhiều chi tiết và nêu danh các quân nhân anh hùng đã tham gia trận đánh. Gần đây, Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh cho ra mắt cuốn sách Chiến Thắng An Lộc 1972 dày 418 trang vớí nhiều sử liệu đáng giá.
Nhưng không rõ lý do gì, trong hơn 400 trang giấy, một trong những người anh hùng có công đầu trong trận đánh đã bị bỏ quên, hoặc chỉ được nhắc qua một cách mờ nhạt trong vài câu như chỉ là một trong những chiến binh có mặt, tham gia trận chiến. Trong các trang 181-183, Phần 1, Chương 11 ghi công trận các vị chỉ huy từ các Tướng Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Hưng, đến các Đại Tá Lê Quang Lưỡng (Nhảy Dù), Trần Văn Nhật (TQLC), Mạch Văn Trường (Trung Đoàn 8 BB), Lý Đức Quân (Trung Đoàn 9 BB), Nguyễn Văn Biếc (BĐQ), Phan Văn Huấn (Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù), tuyệt đối không có một câu nào cho Đại Tá Lê Nguyên Vỹ. Chỉ đến gần cuối, ở trang 188, mới thấy ghi qua loa như sau:


28/11/13

Tự Do và Tôi


Tiếng hát A20 Vũ Trọng Khải trên sân khấu Úc Châu với nhạc phẩm "Tự Do và Tôi" của Hà Thúc Sinh.




23/11/13

Quán xưa một bóng ta về


Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trong Quán Lá
đếm tuổi tên kẻ rách áo đi xa
khấn vong linh người chết xác thành ma
thần hồn tụ lại nhắc thời chinh chiến

Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trong quán vắng
tình bao năm sót lại mấy tờ thư
hận một thời cùm kẹp giữ khư khư
đợi ai? chờ ai? thăm lom, mai một

Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trơ ra đó
tóc phai màu cặm cụi tiếc ngày xanh
mấy mươi năm cùng trôi dạt đã đành
gặp lại chỉ dăm hôm đành đưa tiễn

Thở dài mà chi ! trần gian ơi hỡi !
thân thế tả tơi sông núi hoang tàn
cùng gánh gồng thuở nước mất nhà tan
cùng tắm máu xương một thời tù ngục

Hận mà chi ! bầy đàn bay bốn hướng
còn lại quán này mái dột tường xiêu
trời đổ bóng nghiêng ngày đã xế chiều
đêm sẽ xuống soi lên tàn phai cũ

Lặng lẽ ta ngồi, ngồi trong Quán Lá
đau theo từng tiếng tắc lưỡi thạch sùng
biết bao năm kéo dài phút lâm chung
có lẽ đã tới giờ chôn quá khứ

Lặng lẽ ta ngồi, nhớ thương đủ thứ
với nỗi buồn đeo bám mấy mươi năm
ôi ! quán xưa một thuở tình còn thắm
chiều đã xuống đầy - Quán Lá lạnh căm

nguyễn thanh khiết
13-11-2013
(viết cho những A20 đã nằm xuống)




18/11/13

NÉN NHANG CHO MỘT ANH HÙNG


A20 Phạm Đức Nhì

(Luật sư Trần Danh San, người đọc Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng tại Vương Cung Thánh Đường năm 1977, đã ra đi.)
  
Giữa Trần Danh SanVũ Văn Ánh, do vị trí chỗ nằm ở nhà 3 lúc mới đến phân trại E, A20 Xuân Phước, tôi gần và thân Vũ Văn Ánh hơn. Với Vũ Văn Ánh, tôi có thể đặt câu hỏi trực tiếp về những điều mình muốn biết và được anh trả lời đầy đủ, cặn kẽ. Với Trần Danh San, tôi phải rình những lúc anh trò chuyện với mọi người để len lén đến ngồi nghe ké. Nguyễn Hữu Hồng, một sĩ quan trẻ và cũng hay ngồi nghe ké như tôi, có lần phát biểu: “Tay này đúng là trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, cái con mẹ gì hắn cũng biết. Đáng nể thật.” Nhờ những lần nghe ké như vậy sự hiểu biết của tôi được mở mang rất nhiều.

“THÁC LÀ THỂ PHÁCH, CÒN LÀ TINH ANH”





Luật sư Trần Danh San đã ra đi, nhưng thanh danh luật sư Trần Danh San  đời đời lưu lại trong lịch sử.

*Luật sư Trần Danh San, người đầu tiên viết nên bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền” của những người Việt Nam khốn cùng.” (The Declaration of Human Rights of Disgraceful Vietnameses).

15/11/13

Long Rồng


A20 tháng 9, 1993 

Bên bờ giếng hai người đàn ông mặc quần xa lỏn chụm đầu vào nhau. Bốn cái đầu gối lồi lên hai bên bả vai. Con mèo nằm nhe răng, mặc cho bốn bàn tay vò vọc, nhổ từng nắm lông. Nó đã chết từ đêm hôm qua, ngay dưới vuông cửa trực của người tù gác đêm Đào Đăng Nhẫn.

Gã tù Việt kiều tay cầm đóa hoa vạn thọ, ngô nghê bước sát lại gần hai người tù đang nhổ lông con mèo. Con mèo bé tí, vừa bằng cổ tay người tù khổ sai ! Cả ba rơi vào những giây thời gian im lặng khó diễn tả ! Một tay chỉ huy giang hồ khét tiếng. Một tay thơ phú dạt dào và một tên lưu vong quay về từ bên kia quả đất sau mười năm lang bạt. Ba người đàn ông trọng án cùng nhìn vào một con mèo trắng ởn đã chết đang bị vặt lông. Con mèo bé bỏng, gầy guộc, cái đầu chỉ nhỉnh hơn quả chanh.