12/6/15

Trại Tù A-20, Xuân Phước


A20 Đỗ Văn Phúc
Trại A-20 được thế giới biết đến nhiều như một trại giam man rợ nhất. Ngay cả trong danh sách những tù nhân mà các chính phủ, hội đoàn đã và đang tranh đấu với Cộng Sản Việt Nam để được trả tự do, trại A-20 vẫn chiếm hàng ưu tiên một. Trại A-20 từng giam giữ những chiến sĩ Ðoàn Viết Hoạt, Phạm Trần Anh , các vị thượng tọa, đại đức, linh mục tranh đấu cho nhân quyền như Thích Thiện Minh, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Quang Minh. Ðây là một trại tù trừng giới ở miền Nam nơi giam giữ lâu dài những anh em quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà được chúng liệt vào thành phần bất trị, các bạn chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ sau ngày 30-4, và đám tù hình sự mang án chung thân hoặc tử hình. Ðã đến đây thì chẳng ai nghĩ đến ngày về nữa. Ngay cả trong giấc ngủ, cũng chẳng mơ được chuyện thoát ra khỏi trại. Muốn biết thêm về trại A-20, quý vị có thể tìm đọc trong “Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày” của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam; “Trại Kiên Giam” của Nguyễn Chí Thiệp; “Đoạn Trường Bất Khuất” của Phạm Trần Anh; và nhiều bài của Vũ Ánh đăng trên nhật báo Người Việt hay nguyệt báo KBC Hải Ngoại.

Chúng tôi từ các trại Z-30C, Z-30D (Hàm Tân) được chuyển ra đó cuối năm 1979. Từ ngã ba Chí Thạnh, khoảng 40 cây số phía Bắc thị xã Tuy Hoà, đoàn xe rời quốc lộ 1, rẽ về hướng tây, chạy trên một con lộ nhỏ đất đá lởm chởm xuyên qua những vùng đất khô cằn, những xóm nhà tiêu điều đói khổ. Ði sâu vào lòng chảo vùng Kỳ lộ, nơi những dãy núi tiếp nối nhau bao lấy một thung lũng nhỏ hẹp mà ngày xưa là quận lỵ Ðồng Xuân thuộc tỉnh Tuy Hoà. Trong những năm chiến tranh, nơi đây là địa bàn du kích rất mạnh của giặc. Có thể nói gần 100 phần trăm dân số ở đây là thân cộng. Ðiều này chẳng lạ, vì trước đây, Xuân Phước là căn cứ địa kháng chiến chống Pháp và sau 1954, qua hàng chục năm trời xa cách ánh sáng văn minh tự do, người dân chỉ biết có Cộng Sản mà thôi. Họ gắn bó với phong trào Cộng Sản vì gia đình nào cũng có người thân trong hàng ngũ du kích. Xuân Phước, cũng như Củ Chi ở miền Nam là chỗ dựa vững chắc cho bọn du kích, nơi cung cấp chỗ ẩn náu, tài lực, nhân lực cho Cộng Sản. Việt Nam Cộng Hoà chỉ bình định được vùng này từ khi có sự tăng viện của quân đội Ðại Hàn, với lối chiến tranh cứng rắn và đôi khi tàn khốc mà quân ta không nỡ thi hành đối với đồng bào mình (dù rằng đồng bào này cũng cầm súng cho kẻ địch!).
Thượng Toạ Thích Thiện Minh đã mô tả trại tù Xuân Phước qua các câu thơ sau:
Trại Xuân Phước miền Trung Phú Khánh
Nhà giam tù nơi Chí Thạnh, Đồng Xuân
Được nổi danh là thung lũng tử thần
Tù giải đến khắp xa gần trong nước
Trại trừng giới tập trung miền sơn cước
Rừng núi đồi liên tiếp phủ vây quanh
…..
Dãy Trường Sơn không bóng một căn nhà
Đồng cỏ cháy xa cách dòng suối biếc
Nơi nắng lửa mưa dầm thảm thiết
Thú rừng thiêng trông ghê xiết chốn hoang vu
Trên mây giăng phủ rừng núi âm u
Dưới thung lũng ba trại tù khá rộng 
Hàng ngàn người khổ sai trong lao lý
Còn biệt giam đầy những bóng cùm gông
Thủ tục nhập trại đầu tiên là một màn kiểm soát tư trang rất chặt chẽ. Dù đã được các anh em đến trước tìm cách ra hiệu cho biết là chúng sẽ vét sạch những tài sản, thực phẩm, thuốc men…. chúng tôi vẫn không sao tìm cách giấu giếm được. Trong khi ngồi chờ đến phiên mình, ai có thứ gì có thể ăn thì cho vào miệng, nhai nuốt ngấu nghiến. Thứ không ăn ngay được như nước mắm, mỡ, … thì tìm cách đổ đi với tâm niệm “tao không ăn được, thì cũng không để cho chúng mày dùng.” Sau màn khám xét, người tù khi đi ra khỏi căn phòng chỉ còn trơ lại vài bộ áo quần tù rách rưới đóng thêm nhiều dấu “Cải Tạo” nham nhở trên lưng, trước ngực. Chúng thu tất cả, từ chiếc chén, đôi đũa, sách vở, giấy tờ, cái võng, toàn bộ lương thực, thuốc men. Chúng nắn bóp rất kỹ từng ngăn túi, vạch cả mồm miệng, hậu môn ra tìm xem còn giấu giếm gì không. Sau đó, khi được đưa về phòng giam, chúng mới dẫn lần lượt từng anh ra đống rác, cho nhặt những bình nhựa dẻo (được làm ra để dùng đựng nước mắm, tương chao) về cắt miệng để làm chén ăn cơm (xin lỗi quen miệng, nơi đây chỉ ăn khoai mì H-34 thôi). Tên trưởng trại là Thân Như Yên, trung tá công an, một người địa phương Phú Yên, gầy còm, khô khan, khát máu mà chúng tôi đặt hỗn danh là Cốm dẹp. Ngay từ phút đầu mới đến trại, y đã có mặt lúc nhận tù, gọi tên những người có tiếng là chống đối cứng đầu đứng dậy nhìn tận mặt thật lâu và lên giọng răn đe:
– Liệu hồn, các anh sẽ bỏ xương nơi đây…
Trại có 5 phân trại, gọi tên theo vần A, B, C, D, và E. Phân trại A dành cho tù Việt Nam Thương Tín, là những người đã thoát khỏi Việt Nam những ngày cuối tháng tư 75 trên con tàu Việt Nam Thương Tín. Họ đã chạy tới đảo Guam thuộc Mỹ, và tranh đấu đòi trở về. Họ được bọn Việt Cộng tổ chức tiếp đón, ca ngợi rồi sau đó, đưa tuốt vào trại tù sau khi đã tước đoạt toàn bộ tiền bạc, tư trang. Những người tù VNTT tương đối ngoan ngoãn, nên được chúng cho nhiều đặc ân như đi lao động tự giác, thì giờ ít gò bó, được thăm nuôi thường xuyên…. Phân trại B, cách đó chừng 5 cây số, giam tù hình sự có trọng án (thường từ 20 năm đến chung thân và tử hình). Bọn này thuộc loại giết người cướp của hiếp dâm. Tại đây có một số cán bộ chiến sĩ VNCH, lãnh tụ tôn giáo biệt giam trong một cấm thành nằm lọt giữa trại với những bức tường cao. Phân trại C và D nằm xa hơn, nhốt tù hình sự. Anh em chúng tôi được đưa vào phân trại E, gồm 3 dãy nhà gạch kiên cố, có hàng rào kẽm gai cách biệt. Mỗi dãy dài khoảng 40 mét, chia làm hai căn cũng ngăn bằng hàng rào kẽm gai cao quá đầu. Mỗi căn có hai tầng giuờng đúc xi măng, chứa từ 100 đến 120 người, mỗi người chỉ được bề ngang chừng bốn tấc, không đủ trải tấm chiếu. Chúng tôi phải nằm nghiêng hoặc xoay ngược đầu với bạn để có thể tạm ngủ được qua đêm.
Ba tháng đầu tiên trong trại, chúng tôi không ngừng bị khủng bố, không được phép viết thư cho gia đình, tối nào cũng phải sinh hoạt học nội quy, kiểm điểm bản thân và phê bình nhau. Bọn cán bộ thay phiên đi qua đi lại suốt đêm bên ngoài phòng giam để theo dõi xem có ai tụm năm tụm ba bàn tán gì không. Mạng lưới thi đua trật tự gồm những tên tù hình sự hiếp dâm giết người xuất hiện thường xuyên, giương đôi mắt cú vọ nhìn tận sinh hoạt từng anh em chúng tôi.
Chế độ ăn uống nơi đây tồi tệ nhất so với các trại tù chúng tôi đã đi qua, có thể nói tồi tệ nhất trên thế gian. Mỗi bữa ăn chúng tôi được một vài lát khoai mì khô, trên đó cõng vài hạt cơm, với vài muỗng nước mắm thối. Gọi là nước mắm vì không biết phải gọi là gì. Thực ra đó là loại nước nấu từ xác cá mắm hạng bét thải ra mà nông dân chỉ dùng để làm phân. Bọn chỉ huy trại mua về từng tấn cho vào các bồn chứa đầy rác rưởi, dòi bọ; đậy sơ sài bằng tấm tôn mục gỉ. Mỗi bữa ăn, chúng múc ra vài gáo, cho vào chảo, đổ thêm muối hột, nấu lấy nước phát cho tù nhân. Của đáng tội, mục tiêu phấn đấu của đảng Cộng Sản trong Ðại hội 4 là đến cuối năm 1980 mới có nước chấm cho nhân dân (không hiểu nước chấm là nước mắm, xì dầu hay chỉ là thứ nước mằn mặn…). Xin mở ngoặc nói qua về khoai mì H-34. Trước đây nông dân ta thường ăn khoai mì gòn, là loại có cọng lá màu tím, vỏ lụa cũng màu tím, ăn ngọt và bở. Khoai mì H-34 nhập cảng từ Ấn độ, còn gọi là mì công nghiệp, vì nó dùng để lấy nhựa làm bao bì nylon chứ không ăn được. Tinh bột khoai mì H-34 này được trại dùng làm bánh tráng. Tuy mỏng, nhưng nó cứng như mica; ngâm vào nuớc cả ngày chưa mềm ra được. Mì H-34 có hàm lượng chất độc Acid Cyanhydric rất cao, tích tụ nhiều nhất ở hai đầu củ mì, trong dây tim và ngoài lớp vỏ. Cây mì có cọng lá màu trắng, lớp vỏ lụa cũng màu trắng, và cho năng suất cao gấp 5, 6 lần mì gòn lại dễ trồng trên bất cứ đất đai nào. Việt Cộng sử dụng mì H-34 cho chúng tôi ăn với hai mục đích: vừa dễ trồng vừa để đầu độc cho chết dần những người chúng không dám đem ra pháp trường vì sợ dư luận quốc tế. Ăn mì H-34 lúc còn tươi (hàm lượng chất độc cao nhất) dẫn đến cái chết tức thời, hay ít ra cũng nôn ói đến tận mật xanh. Năm 1979, một đội gồm 30 anh em tù hình sự vì đói, nhổ mì luộc ăn, đã có bốn anh chết tại chỗ, số còn lại nhờ cho uống nước đường đã thoát chết. Ăn mì H-34 hàng ngày, chúng tôi nhớ lại những câu chuyện võ hiệp Kim Dung. Khi người ta cho vào cơ thể các chất độc một cách tiệm tiến, cơ thể sẽ dần tạo nên sức đề kháng hoá giải chất độc với dung lượng cao hơn. Nhưng hậu quả thì vẫn kinh khủng: cơ thể bệu rệu, khuôn mặt phù thủng, méo mó. Bởi sống cùng nhau hàng năm trời, nhìn nhau hàng ngày, không ai thấy được sự đổi thay này. Mãi cho đến khi được thả về, gia đình, thân quyến mới phát giác ra khuôn mặt mập mạp một cách dị dạng của người tù.
Thời gian này, vì phân trại mới thành lập, họ bắt chúng tôi thi đua đào mương quanh trại, nói rằng “đào ao bác Hồ, nuôi cá để cải thiện đời sống trại viên.” Thực ra là đào hệ thống mương sâu quanh trại để phòng ngừa anh em tù trốn trại. Cũng có những dự án đào ao hồ rất lớn bên ngoài để nuôi cá thực. Nhưng sau này số cá thu được là để cung cấp cho cán bộ mà thôi. Chúng tôi đã biết quá nhiều về sự lừa bịp của bọn cán bộ Việt cộng, nên bàn nhau làm việc theo phong cách riêng của mình. Chúng tôi chia ra nhóm 3 người. Một người đào và hai người khiêng đất đi đổ. Làm suốt ngày chỉ đào vỏn vẹn mấy tấc khối đất. Chúng tôi thường gọi đùa hai người khiêng ky đất là hai ông từ đi tế đền. Quý vị cao niên chắc còn nhớ. Ngày xưa, trong buổi tế ở các đền, hai ông từ phụ lễ, tay bưng khay trầu rượu giơ cao từng bước chân và chờ tiếng trống “Bùm” mới hạ chân xuống đi một buớc. Chúng tôi cũng đi như thế, dù rằng trên chiếc ky đan bằng tre chỉ vỏn vẹn có một xuổng đất. Bọn cán bộ theo dõi tra vấn, chúng tôi chỉ trả lời ngắn gọn:
– Đói quá, không làm nổi.
Nhìn anh bạn cuốc đất, tên cán bộ nói mỉa:
– Anh này “nao” động hay nhỉ, sáng anh giơ cuốc “nên”, chiều mới hạ cuốc xuống!
Cho đến khi chúng phải chịu cho gia đình ra thăm, nhưng cũng kể ơn:
– Khoan hồng “rân” đạo của cách mạng ”nà” để các anh có thêm bồi “rưỡng”, động viên các anh cải tạo tốt, sớm được tha.
Một chiều nọ, sắp hết giờ lao động, tên cán bộ bước đến bên chúng tôi. Anh Duy Trác và tôi đang diễn trò ông từ vào đền. Nó hỏi:
– Các anh có “nàm” cho xong chỉ tiêu không?
Tôi trả lời:
– Chúng tôi cố hết sức, nhưng làm đến đâu thì làm thôi, chỉ tiêu cao quá, không làm nổi.
Nó chỉ lườm rồi bỏ đi. Sau khi nhập trại, tôi được gọi lên nhà bếp. Nơi đây, có tên Minh, cán bộ giáo dục phụ trách thăm nuôi, và một tên hình sự là trật tự viên. Dưới nền đất chỏng chơ hai túi xách nhỏ. Tên cán bộ nhìn tôi soi mói rồi cất tiếng hỏi:
– Hôm “lay” anh “nao” động thế “lào”?
Tôi không rõ hậu ý, chỉ nói:
– Anh em làm sao, tôi làm vậy.
Nó chỉ vào hai túi xách:
– Vợ anh “nên” thăm anh, “nẽ” ra trại phạt không cho thăm và nhận quà, vì anh bướng bỉnh, ngoan cố, chống đối “nao” động, chống đối cán bộ. Nhưng “nượng” khoan hồng của cách mạng, cho phép anh nhận 3 “kinô” quà, còn gặp mặt thì “nần” sau, khi “lào” anh chứng tỏ sự tiến bộ.
Liếc qua hai túi quà, chứa đựng bao tình thương yêu và hy sinh của gia đình, lại nghĩ đến công khó của vợ hiền lặn lội hàng trăm cây số ra thăm mà không được gặp. Uất hận dâng trào trong tim, tôi đứng thẳng nhìn chằm chằm vào mặt tên cán bộ không thèm nói một lời. Thấy không ổn và ngại phản ứng bất tử của tôi sẽ làm nó bẽ mặt, tên cán bộ ra lệnh cho trật tự khám xét túi quà và cho tôi mang về.
Có hai thành phần trong phân trại E: tù chính trị và tù quân nhân chế độ cũ. Tù chính trị là số anh em bị bắt vì tổ chức hoạt động chống đối sau 30-4-1975. Số này có những người thực tình đấu tranh, và có thực lực, đường lối, có những hoạt động cụ thể gây tiếng vang như nhóm Vinh sơn, phong trào nhân quyền, Fulro; ngoài ra cũng có những thành phần phức tạp gồm những người tổ chức ma để tống tiền, tống tình. Họ cũng tự xưng nào là chủ tịch, tổng bí thư, tư lệnh, toàn là giới chức chóp bu của hàng chục tổ chức hữu danh vô thực. Nhưng khi vào đây, được mang danh tù chính trị, đa số họ cũng hòa mình vào nếp sinh hoạt chung với anh em chúng tôi. Chỉ có một số nhỏ lén lút làm bậy. Tù quân nhân thì cao nhất là cấp đại tá, xuống đến tận cấp binh nhì. Chúng tôi đã thực sự đoàn kết và giúp nhau giữ vững tinh thần đấu tranh qua bao lần bị khủng bố tàn nhẫn. Số anh em tinh thần cao nhất là những người bị tuyển lựa từ các trại tù Hàm Tân, các anh trong phong trào nổi dậy đêm Giáng sinh 1978 ở Suối Máu. Nhưng cũng không phải không có một số nhỏ những người được phân loại cải tạo tốt nhờ lao động hăng say và ngoan ngoãn chấp hành nội quy từ các trại khác đưa đến. Sở dĩ có sự pha trộn như thế, là để mỗi kỳ có dịp lễ, tha tù, sẽ có vài anh được thả ra, và bọn cán bộ sẽ có cơ hội rêu rao về “nượng” khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà “lước”.”
Hoạt động chống đối trong tù cũng có lúc cao trào, lúc thoái trào. Càng bị khủng bố, anh em càng đoàn kết và tinh thần lên rất cao. Những lúc đó bọn ăng ten nín khe, không dám hó hé; ngay cả bọn cán bộ cũng không dám bước qua cổng để vào sân phòng giam. Nhóm anh em trẻ như Nguyễn Tú Cường, Phạm Ðức Nhì, Bùi Đạt Trung, Hoàng Trọng Thủy, Phạm Chí Thành thì tổ chức ca hát các bài ca chiến đấu, chuyền tay các bản tin, các bài viết giáo dục chính trị. Nhóm trung niên như Nguyễn Chí Thiệp, Vũ Ánh, Trần Danh San, Tăng Ngọc Hiếu…. thì động viên, cổ vũ truyền đạt những kinh nghiệm. Họ đã thực hiện một tờ báo chui trong trại giam để phổ biến tin tức. Việc này rất nguy hiểm, nhưng ban chỉ huy trại dò la mãi mà không bắt được quả tang. Anh em chia nhau canh phòng, thông tin, chia xẻ miếng ăn, một lòng đoàn kết nhất trí. Trong những lúc cao trào như thế, chúng lùa vào xà lim hàng loạt những người chúng nghi ngờ và cho là nguy hiểm. Không đủ phòng nhốt ở trại E, chúng đưa vào gửi nhốt ở các phân trại khác, và thời gian nhốt xà lim có khi lên tới hàng nửa năm, không hề đọc lệnh biệt giam. Lúc thoái trào là lúc bọn ăng ten làm việc đình đám rộn ràng nhất; những tên như Dương Ð. M. (cựu Trung tá BĐQ), Cao H. V. (cựu Đại úy Bộ binh vùng 4), René Nguyễn V. H. (dân du thủ du thực), Quang què (Cựu Đại úy Dù) ra mặt công khai.
Trong trại, cứ vài ba tuần, bọn cán bộ bày trò khám xét tư trang. Mục đích là tịch thu những thứ đồ dùng mà gia đình tiếp tế cho tù. Sống hàng chục năm xã hội chủ nghĩa ngoài miền bắc, đói khổ và thiếu thốn; thứ gì trong miền nam cũng làm cho bọn cán bộ thèm khát. Chiếc muỗng inox, cái cắt móng tay, cây bút máy… đều thuộc loại sản phẩm cao cấp mà chúng chưa hề biết tới. Vì thế mỗi lần khám đồ là chúng tha hồ vơ vét. Chúng moi móc các bao đồ ăn gửi theo đường bưu điện, ăn cắp đồ hộp, tôm khô, bột ngọt, thuốc lá đầu lọc. Có lần chúng lấy một hộp bơ margarine loại 1 gallon, ăn thử không hợp khẩu vị, bèn vứt bừa bãi ra ven đường. Một lần trong năm 1981, chúng chuyển từ bưu điện Ðồng Xuân về trại gần hai ngàn gói bưu phẩm. Chúng để miết trong kho để ăn cắp dần. Cho đến khi đọc tên phát quà, chỉ còn hơn hai trăm gói mà thức ăn bên trong đã mục rữa.
Bọn cán bộ đói khát đến độ đáng thương hại. Lần đó, khi có tù trốn trại, hai tên được cử ra tỉnh lỵ Phú yên đi rình ở các bến xe, chợ… Tôi thấy chúng sửa soạn lương thực đem theo gồm khoai mì khô, hai lon muối hột và mấy bó rau muống.
Một tên giải thích:
– Rau muống ban đêm đem phơi sương cho tươi để ăn được lâu. Ra ngoài đó thấy thanh niên đi ăn tiệm mà tủi thân. Chúng tôi chỉ dám bày ra ăn uống khi trời tối không để ai thấy.
Tôi hỏi:
– Thế cán bộ không lãnh lương khô à?
Anh ta đáp một cách chua chát:
– Cứt khô thì có!”
A20 Đỗ Văn Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét