A20 Vũ Ánh
“Dù có mất đi đôi chân”
Không
phải những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nào cũng phải sống trên lề đường
cả. Nhiều người cũng vẫn còn may mắn có được sự thông cảm và thương mến của vợ
con chăm sóc. Một số không nhỏ có vợ hay có con vượt biển sang được Hoa Kỳ hay
các quốc gia khác gởi tiền về trợ giúp. Trong những trường hợp như thế, những
đau khổ vì khiếm khuyết những phần thân thể của họ còn được an ủi phần nào.
Nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn họ, những nỗi đau có thể chẳng bao
giờ nguôi ngoai. Một người bạn của tôi nằm vào một trong số những trường hợp
này. Nguyễn Ngọc Thuấn, chuẩn úy khóa 2/68 trường Bộ Binh, ra trường về phục vụ
tại Tiểu Khu Long An, được chuyển sang làm việc tại Ủy Ban Bình Ðịnh Và Phát
Triển. Trong chuyến đi thanh sát tại một xã thuộc quận Thủ Thừa, chiếc xe jeep
của anh bị trúng mìn Việt Cộng đầu năm 1969. Thuấn bị thương nặng phải cưa cả
hai chân.
Trường
hợp của Thuấn khá đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật năm 1965, Thuấn
không đi tập sự để ra luật sư. Anh xin vào làm việc ở Bộ Nội Vụ cho mãi đến sau
Tết Mậu Thân thì bị gọi động viên. Trong suốt quãng đời công chức, Thuấn quen
một người con gái. Mối tình kéo dài khá lâu. Nhưng khi Thuấn mặc áo lính, ý
định thành hôn giữa hai người bị đình lại, do ý của Thuấn. Tôi hỏi Thuấn lý do
đình hoãn, được anh trả lời: “Mày lăn lộn chốn giặc giã chắc cũng hiểu là khi đã
lính tráng rồi, sống nay chết mai đâu biết được. Lấy nhau, nếu tao có mệnh hệ
nào thì cũng tội nghiệp cho L.”
Mười
mấy năm sau, khi từ trại cải tạo về, tôi đến thăm Thuấn. Anh vẫn còn ở căn nhà
nhỏ cũ trong con hẻm ở gần cuối đường Nguyễn Văn Học, Gia Ðịnh, nhưng căn nhà
đã hết sức tiều tụy. Thuấn rất mừng khi gặp lại tôi. Anh nói ngay:
-
Tao tưởng mày tiêu trong trại cải tạo rồi. Thỉnh thoảng tao cũng cố lết tới
thăm bác (mẹ tôi) để hỏi thăm tin tức về mày, nhưng chính cụ cũng không biết.
Cụ nói mười mấy năm mày chẳng thư từ gì về nhà. Mày về tao mừng lắm. Bấy lâu
nay tao không có bạn, thời thế đổi thay, nhân tình thế thái cũng chỉ như da tắc
kè, chỉ sợ có thêm bạn lại gặp phải thằng cà chớn thêm buồn mà thôi.
-
Không thư từ gì về cũng là phương pháp tránh phiền phức trong trại mà lại đỡ
gánh nặng cho gia đình. Còn vợ con mày ra sao, thư từ gì về không?
-
Vẫn thư từ đều đặn và gởi tiền để nuôi tao. Lá thư nào cũng đẫm nước mắt. Cách
đây vài tháng tao được tin là bà ấy đã có chồng khác. Tao có viết thư nói cho
L. hiểu là tao thông cảm hoàn toàn. Khi gia đình L. ra đi, tao không muốn đi
cùng là vì không muốn L. phải mang theo một gánh nặng. Thằng em vợ thương tao
viết thư cho biết chị nó sống với người chồng mới mà không thể làm giấy kết hôn
vì không có án lệnh ly dị từ Việt Nam của tao. Nhận được thư, tao làm
đơn xin ly dị và đã gởi giấy sang cho bả ấy cách đây mấy ngày. Trong lá thư kèm
theo, tao nói bà ấy đừng gởi tiền nữa sợ có thể phiền. Vả lại tao cũng dành dụm
được ít tiền mua được cái quầy bán thuốc lá cũng sống tạm được rồi. Vấn đề là
làm sao nuôi con đàng hoàng, chứ không nhất thiết phải lo cho tao nữa. Mất hai
chân nhưng vẫn còn có xe lăn để ngồi bán thuốc lá thoải mái mà. Tao còn hạnh
phúc hơn nhiều đứa khác trong bọn mình, có điều tao còn thương L. nên chắc còn
phải chịu đựng lâu dài sự mất mát này.
-
Mày quyết định như thế có đúng không, tao sợ có thể làm thương tổn tự ái của vợ
mày?
-
Không đâu, nhưng dù L. có trách, tao vẫn phải hành động như thế. Khi L. chưa
lập một gia đình khác thì sao cũng xong, nhưng nay nàng đã có một gia đình mới,
mình không thể như thế được. Quân tử tàu? Tốt, thời buổi này có khi quân tử tàu
là đường lối tốt nhất để còn quí trọng nhau.
Thuấn
bán thuốc lá kiếm sống qua ngày. Vì còn mái nhà, nên cuộc sống của Thuấn có lẽ
cũng dễ chịu và thanh thản. Trước khi tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào năm 1992. Năm
1996, tôi nhận được một lá thư của Thuấn cho biết L. từ Mỹ mang con trở về Việt
Nam
thăm nhà năm 1995. Hai người có gặp lại nhau. Tuy lúc đó, chỉ còn là tình bạn,
nhưng cuộc gặp gỡ cũng rất xúc động, nhất là đối với đứa con của Thuấn lúc đó
đã 22 tuổi. Một măm sau, đứa con trai Thuấn về một mình, ở lại với bố một
tháng, lo toan cho bố một cửa tiệm nhỏ bán đồ chơi cho con nít ở Tân Ðịnh rồi
mới trở lại Mỹ. Cuộc sống của người thương binh này từ đó cũng đỡ vất vả.
Năm
2000, con trai Thuấn đứng ra bảo lãnh bố sang Hoa Kỳ, vì nó sợ bố tuổi đã cao,
ở một mình không ai săn sóc, nhưng Thuấn viết thư cho con nói rõ lý do tại sao
anh không sang với nó. Tôi nhận được một là thư khá dài của Thuấn, trong đó có
đoạn anh nhấn mạnh về chuyện này:
“...Tao
có lý do để từ chối việc sang Hoa Kỳ, không phải vì sang bên đó có được lãnh
trợ cấp tàn phế cũng khó sống, ở bên này con nó gởi về 200 đô la là tiên rồi
như nhiều người suy nghĩ. Không, tao không muốn sống mà trở thành mối quan tâm
của mọi người. Với cửa hàng bán đồ chơi, tao vẫn kiếm sống được, vẫn có cảm
tưởng là mình tàn mà không phế. Vả lại với một thằng mất hai chân như tao, sống
ở Hoa Kỳ chưa hẳn đã hạnh phúc bằng rau cháo qua ngày ở đây.
Khi
tao mất đôi chân, tao tưởng rằng sẽ mất tất cả, nhưng ngày nay tao vẫn có được
cuộc sống như thế này đúng là phúc đức ông bà để lại cho tao cũng còn lớn”.
Năm
2001, tôi có gặp lại con trai của Thuấn nhân chuyến đi Seattle . Chúng tôi đi ăn cơm tối với nhau.
Cháu nói tới tôi rằng cháu trở về thăm bố bất cứ khi nào nghỉ phép thường niên.
Tôi hỏi David Nguyễn, con trai của Thuấn, xem là cháu nghĩ thế nào về bố, nó
trả lời: “Bố có sức sống rất mãnh liệt”.
(Còn tiếp)
An Pha
(A20 Vũ Ánh)
(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt
ngày thứ Ba 31-03-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=28350)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét