12/11/19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ (Kỳ 1 & 2)


A20 Vũ Ánh

Khi người lính trở về mất cả hai chân, họ sống như thế nào?

Cuốc xe chở một người và hàng hóa từ chợ Bà Chiểu về đến cuối đường Huỳnh Văn Bánh (tức Trương Tấn Bửu cũ nối dài) là 800 đồng. Người khách là một bạn hàng tại chợ Bà Chiểu chất lên xe 6 súc vải cộng thêm với thân hình cũng khá phốp pháp của bà. Tám trăm vào thời điểm ấy cũng đã có được một tô phở kha khá hoặc tương đương với một bữa cơm đạm bạc. Hơn nữa, đây là cuốc xe chiều, định bụng sau cuốc này sẽ về nghỉ, nên cũng chẳng cần hơn thiệt bao nhiêu. Nhưng có lẽ vì đây là chuyến xe đầu tiên tôi chạy con đường này nên không mường tượng được chiều dài của nó. Khi thắng xe trước nhà của bà khách, mắt như muốn nổ đom đóm. Kể từ ngày ra trại mới được gần bốn tháng, sức khỏe chưa phục hồi hẳn, ra nghề này, tôi chưa dám chạy những cuốc xe quá xa. Lau mồ xong, tôi tính giúp bà mang vải vào nhà, nhưng bà khách vội nói:
- Thôi ông để tôi gọi các cháu nó mang vào cho.
Sau đó bà rút ví đưa tôi hai tờ giấy một ngàn đồng, cười và nói:
- Tôi biết ông mới ra nghề và cũng đoán mới cải tạo về làm nghề này nên ngơ ngáo chưa định được đường chạy và giá cả. Thường tôi thuê người khác thì phải trả từ một ngàn hai đến một ngàn rưỡi. Nhưng ông cầm lấy số tiền này, biếu ông thêm năm trăm.
Tôi cám ơn bà khách, rồi quay xe. Trên đường trở về, tôi suy nghĩ mãi về lòng tốt của người khách. Số tiền một ngàn hai trăm đồng thêm vào tiền công cuốc xe như thỏa thuận tuy lớn nhưng không mấy quan trọng mà quan trọng là lòng tốt và sự tử tế vẫn còn nơi nhiều người trong cái xã hội tha hóa và tan nát mà tôi đang sống lúc đó. Tôi chợt giật mình khi nhận ra rằng sau những năm tháng dài cải tạo, niềm tin của tôi vào con người gần như bị phá hủy mà tôi không ý thức được. Cuốc xe đã làm cho tôi gượng dậy. Ngày hôm trước tôi giúp người lính thất thế và thương tật. Ngày hôm sau tôi được đáp lại bằng một tấm lòng thật tử tế. Không biết có phải là kết qủa nhãn tiền không thì tôi không biết, nhưng lòng bỗng thấy vui hơn.
Tôi đạp xe trở về nhà, lo cơm nước cho mẹ tôi xong rồi đạp xe tà tà đến rạp Cao Ðồng Hưng, định bụng gặp lại Tính xem tình trạng của anh ra sao. Say rượu, lại gặp mưa ngày hôm trước, anh ta có thể bịnh được. Hình ảnh của người thương binh này đã gây cho tôi một hình ảnh mạnh mẽ về thân phận của chúng tôi lúc đó. Thân phận giống nhau, chỉ khác là tôi còn đủ chân tay và mắt để kiếm kế sinh nhai, cực nhưng đỡ nhọc nhằn hơn Tính. Còn Tính, hai chân đã mất, anh làm gì để sống?
Rạp Cao Ðồng Hưng thời đó là rạp chiếu phim thuộc một công ty quốc doanh của nhà nước. Họ vẫn còn chiếu những phim đại loại như “Ðến Hẹn Lại Lên”. Khách mua vé vào xem hầu hết là những cặp thanh niên thiếu nữ. Họ mua vé không phải là vào để xem những cuốn phim loại ấy mà là vào rạp để mượn cái bóng tối cần thiết cho những cuộc tình vụng trộm. Phía ngoài rạp, nơi hàng hiên là thế giới của những người tàn phế do chiến tranh hoặc do tai nạn xe cộ. Nhưng trong thế giới đó, người ta vẫn nhận ra người nào là thương phế binh của chế độ miền Nam, người nào là thương phế binh của chế độ miền Bắc. Họ cùng để lại những phần thân thể ngoài mặt trận cho hai thứ chủ nghĩa khác nhau, nhưng cả hai bên cũng có không ít những người cùng nhận chịu những thân phận của người phải sống trên đường phố. Chẳng hạn như Tính, một cựu trung sĩ Trung Ðoàn 10 Sư Ðoàn 7 Bộ Binh, cụt hai chân, ngồi trên một cái đòn có bánh xe (mà Tính thường đùa là chiếc Jeep lùn), nhưng trên người vẫn là chiếc áo lính còn hằn dấu của cái bảng tên và lon trung sĩ bị lột ra. Những cựu binh Cộng Sản giải ngũ vì tàn phế cũng vậy. Như Hoàn mà sau này tôi quen, cựu binh nhất của Sư Ðoàn 325 cụt một chân, cánh tay phải và mất một mắt, một bên mặt cháy sém còn đầy vết thẹo thì luôn luôn mặc chiếc áo bộ đội màu cỏ úa. Hoàn chỉ “sang” hơn Tính là ở chỗ anh ta còn có cặp nạng. Giới thương binh ngồi xe lăn lúc đó (1989) được coi như ngồi xe Cadillac vậy, nhưng giới này rất hiếm thấy trong các bạn thương phế binh mà tôi quen biết.
Khi cặp chiếc xe vào lề đường trước rạp hát, tôi đã nhận ngay ra Tính. Ngồi trên chiếc đòn có bánh xe, thân mình cuốn chiếc chăn bằng vải nylon màu ngụy trang của quân đội Mỹ đã cũ mèm với những vết bẩn đã bóng láng chứng tỏ lâu ngày chiếc mền không được giặt.
Thấy tôi, Tính chào kiểu nhà binh và nói ngay:
- Cả đêm qua em lên cơn sốt có lẽ vì uống rượu say trúng mưa. Ông anh bỏ qua cho. Em không phải là thằng nát vì bia bọt đâu. Chả là khi bán nhang tại đình Phú Hòa gặp thằng lính cũ làm ăn khá nên bao chầu bia. Quá chén thôi.
Tôi nói:
- Cậu thương tật như thế này mà dầm mưa có ngày đi đứt.
- Ông anh biết đấy, mấy thằng say có khi nào nhận mình là say đâu. Thằng lính em nó đòi đưa về nhưng em đâu có chịu. Hai thầy trò giằng co mãi, cuối cùng nó để cho em về một mình. Nếu không có ông anh tử tế vác em về đây, có thể đi đứt lắm chứ.
- Thuốc thang gì chưa?
Tính đáp:
- Rồi. Em làm một hơi hai gói “thoái nhiệt tán”, ngủ một giấc, bây giờ khỏe rồi. Em lại hợp loại thuốc bắc này nên lúc nào cũng dự trữ.
Tôi nói với Tính:
- Mẹ kiếp, trụ sinh còn chả đi tới đâu nữa là “thối nhiệt tán”. Nó đâu có khác gì xuyên tâm liên bọn nó phát cho chúng tôi khi còn ở cải tạo. Bệnh chó gì cũng xuyên tâm liên. Ngày mai nếu cậu không bớt tôi dẫn đến thằng em tôi đang là tu bíp làm ở Nguyễn Văn Học đây thôi. Cải tạo về nó bị trưng dụng vào làm việc cho bệnh viện. Thiếu bác sĩ quá. Nó có thể khám và cho cậu thuốc Tây được.
Tính đáp lại cho qua chuyện:
- Vâng, cám ơn anh, nếu mai em không bớt.
- Hút thuốc lào không, tôi có điếu và thuốc Cái Sắn thứ thiệt!
Tính vui vẻ:
- Cái gì chứ thứ đó thì nào dám chê mặc dù em chỉ chơi “bốc lăn xe” (thuốc rê).
Tôi cười:
- Thế liệu có khi nào chơi cái trắng trắng không?
Tính nhăn mặt:
- Ông anh lại hoài nghi em. Thật tình, bọn phế binh chúng em cũng nhiều đứa dính vào của quỉ ấy, nhưng em thì không.
Miếng trầu là đầu câu chuyện. Thời đó, chúng tôi thường dùng thuốc lào để khởi sự cho việc làm quen với nhau. Tôi chạy sang quán cà phê lề đường để kêu cà phê và ghé xe lấy chiếc điếu cày cùng hộp thuốc lào. Cái điếu cày này làm theo kiểu của người Mường, nghĩa là bằng một loại tre vỏ mỏng, ngâm bùn lâu ngày, dài nửa thước, nõ điếu bằng loại rễ cây gáo, một loại cây mọc ở bờ ao hay bờ hồ. Một người bạn tù đã cho tôi chiếc điếu này để trả công tôi lén dạy Anh văn cho anh ta lúc chúng tôi còn ở trại Xuân Phước A-20. Chiếc điếu rất đẹp vì phía ngoài thân điếu có chạm trổ và đánh bóng như sừng. Khi hút điếu kêu rất giòn. Tôi quí chiếc điếu, nên ngày được thả tôi không để lại được chiếc điếu cho các bạn còn ở lại. Tác giả của nó đã qua đời. Anh và sáu sĩ quan khác cướp súng trốn trại. Năm người bị Thượng Cộng đuổi theo bắn chết hết và anh là một trong 5 người bạn đồng tù can đảm nhưng kém may mắn đó.
Tôi đưa chiếc điếu cày cho Tính và nói:
- Cậu chuẩn bị. Một bi chỉ bằng hột đậu đen, hút vào để điếu xuống rồi mới cảm thấy phê. Coi chừng đập mặt xuống đường đấy.
Tính hút xong điếu thuốc là sùi bọt mép, tay bắt chuồn chuồn. Tôi vội đỡ Tính không cho anh chúi đầu xuống. Mấy bạn đồng cảnh với Tính xúm lại đòi hút. Cảnh này làm tôi nhớ lại những năm tháng cũ trong trại cải tạo, những buổi sáng Mùa Ðông thức dậy sớm trong buồng giam, chờ giờ mở cửa điểm số, châm một điếu thuốc lào. Ánh lửa lóe lên, tiếng điếu kêu sòng sọc, thở khói ra từ từ để cho tâm hồn bay bổng, thênh thang, kéo lại được một chút kỷ niệm cũ những lần hút điếu thuốc là đầu tiên trong ngày ở Cùa, Ba Lòng, Cửa Việt, Ðông Hà... Những ngày lang thang ấy đã xa xưa, nhưng nhớ biết bao cho vừa.
Nhâm nhi cà phê và hút thuốc lào, Tính nói về cuộc đời của mình không bằng cái giọng khinh bạc. Trái lại anh rất tha thiết với cuộc sống:
- Lẽ ra em cũng không phải sống ngoài đường phố như vầy. Ngày trước còn có chút trợ cấp và kiếm thêm bằng cách đi bán vé số cũng tạm sống, cũng có mái nhà che mưa, che nắng. Gia đình em đi kinh tế mới ở Chơn Thành. Nhưng ở dưới đến người lành lặn còn không sống được huống chi thương tật như em. Thế là phải trốn về đây thôi. Bán nhang kiếm chút cháo sống qua ngày. Lúc nào em cũng nghĩ mình ở hiền thì sẽ gặp lành. Thật ra bán nhang như em cũng chỉ là sống nhờ lòng thương của những người còn thương những người lính cũ mà thôi. Em biết nhiều người chẳng có nhu cầu gì về nhang khói, nhưng họ vẫn mua để giúp mình và để tránh cho bọn em cái mặc cảm là đi ăn xin. Trong số bọn em có nhiều đứa bị em chửi hoài. Ði bán nhang mà cứ nhè những tiệm ăn đông khách rồi khua nạng bước vào, để mỗi bàn một thẻ, làm như thu tiền xâu. Em không muốn bị đồng hóa với đám ấy nên thường đến mấy đình chùa hay nhà quàn để bán. Ðỡ quê hơn và tránh được ngộ nhận.
An Pha  (A20 Vũ Ánh)
(Còn tiếp)

(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 15-03-2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét