13/11/19

Anh trở về trên đôi nạng gỗ: (Kỳ 7)



A20 Vũ Ánh

Cái hậu của một cuộc chiến

Sau cuộc gặp gỡ qua bữa nhậu đó, tôi có thêm một người bạn. Tuy là thương phế binh thuộc về một phe là đối phương của chúng tôi trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng trong cuộc sống Hoàn có những suy nghĩ tiến bộ và cởi mở. Hoàn nói: “Cả anh lẫn bọn em đều là những người thất bại cả. Nói chung là như vậy, chỉ bọn cầm quyền bòn rút của công là những kẻ thắng lợi. Cứ suy cho rộng hơn thì cả dân tộc này đều thua hết, chỉ vài trăm ngàn đứa nắm quyền mới không ở phe thua như chúng ta”.
Năm 1992, một tháng sau khi tôi đi định cư tại Hoa Kỳ, Hoàn bị bắt trong vụ tranh chấp giữa Câu Lạc Bộ Kháng Chiến và Quân Khu 7. Tính có viết thư cho tôi biết tin Hoàn bị bắt, nhưng anh không thể nói rõ chi tiết được và sau đó tôi bặt tin Tính.
Phải nói rằng, trong suốt 3 năm kể từ khi ra khỏi trại cải tạo cho đến lúc bước lên chiếc TU-134 của Hàng Không Việt Nam để sang Thái Lan, những người bạn thương phế binh của tôi, thuộc cả hai phe, đã trở thành những hình ảnh trong sáng về tình bạn mà tôi không bao giờ quên được. Ðành rằng trong số những người sống cầu bơ cầu bất như họ, không thiếu chi những kể sống thiếu nhân cách, nhưng nói chung thì đều do hoàn cảnh cả và việc giữ gìn nhân cách trong giai đoạn ấy là một việc làm khó khăn vô cùng.
Năm 1991, Tính và Thuận thỏ dẫn tôi lên khu Thoại Ngọc Hầu mà chính quyền Cộng Sản đã đổi tên thành đường Phạm Văn Hai và giới thiệu tôi với một số bạn mới của anh. Chợ Phạm Văn Hai mới được xây cất trên nền của chợ Thoại Ngọc Hầu trước đây. Tôi đã có dịp nói đến khu chợ này trong ký sự “Lính Làng” số báo Xuân vừa rồi. Trước khi chợ được khánh thành và phân lô, đây là một lãnh địa của các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, những người sống trên đường phố thường xuyên. Họ kiếm sống bằng những công việc không cần phải dùng sức nhiều: Bán vé số, bán quần áo cũ lưu động, bán nhang, bán trái cây, bán đồ chơi bằng nhựa cho trẻ nhỏ, kẹo kéo, rau quả... Tóm lại, họ sống bằng những “nghề” mọn nhất.
Trong toàn phần bài viết, tôi chỉ nói tới những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sống trên đường phố. Nhưng còn có biết bao nhiêu thương phế còn sống với gia đình, nhưng cũng đau khổ và không kém cay đắng vì quá nghèo khó. Vì thời đại đã đổi thay nên nhiều khi lòng người cũng đổi thay: Vợ khinh chồng, con khinh bố. Luân lý gia đình vào những năm sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 bị lung lay đến tận gốc rễ. Và khi truyền thống bị chính quyền tiếp quản phá vỡ, thì hậu quả cũng có nhiều điều ai oán. Cái khổ ải theo chân những kẻ chiến thắng đổ sập trên đầu người dân. Những người lành lặn mưu sinh đã khó huống chi với những người thiếu những bộ phận quan trọng cho việc làm lụng kiếm ăn hàng ngày.
Tại chợ Phạm Văn Hai, tôi quen với khoảng trên một chục thương phế binh lấy nhà lồng chợ làm nhà và lấy vùng chung quanh khu chợ này làm “thị trường” kiếm sống. Ðặc biệt những thương phế binh ở đây sống thành “bè” với nhau. Họ có những mối liên hệ và tương trợ nhau khi ốm khi đau. Ðã là thương phế binh thì do bối cảnh sống và những hậu quả của thương tật nên cơ thể rất yếu. Khi trái gió trở trời vết thương cũ lại tấy lên, hành hạ họ. Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, mỗi lần đau yếu, Tổng Y Viện Cộng Hòa hay những bệnh viện dân chính còn dành ưu tiên cho họ trong việc săn sóc thuốc thang miễn phí. Nhưng sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, họ không còn bấu víu vào đâu được. Những năm sau này, chính quyền Cộng Sản bắt đầu cho các bác sĩ có thể hành nghề bằng các phòng mạch tư, nhưng đối với những thương phế binh như Tính, Thuận thỏ, thì tiền ăn hàng ngày không có huống chi tiền thuốc thang lúc đau ốm.
Một thương phế binh trong “bè” Thoại Ngọc Hầu tên là Thủ coi là trưởng bè này. Thủ nguyên là thượng sĩ nhất trước phục vụ tại Trung Ðoàn 49 Sư Ðoàn 25 Bộ Binh, sau biệt phái về phục vụ tại tiểu khu Tây Ninh. Thủ bị thương đúng ngày công bố Bản Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973. Chiếc xe của Thủ di chuyển từ Tây Ninh về Sài Gòn để chờ lấy những cuốn sách in toàn văn bản hiệp định do nhà in Tổng Tham Mưu ấn hành thì bị giật mìn khi gần tới tỉnh Hậu Nghĩa. Thủ bị thương nặng cùng với bốn quân nhân khác. Anh bị cưa chân phải và cánh tay phải. Sau khi xuất viện và giải ngũ, anh trở về sống với gia đình gồm vợ và hai con ở Ðức Hòa. Ba năm sống với gia đình của Thủ là ba năm sống trống trong khắc khoải dằn vặt vì thương tật, vì biến đổi về tâm lý, vì những sự kém chịu đựng của vợ con. Năm 1976, Thủ bỏ nhà lên Sài Gòn đi bụi đời. Nhờ bạn bè, anh có được một số vốn mở một quán cà phê lề đường trên đường Lê Văn Duyệt, đoạn gần Bệnh Viện Vì Dân, nhưng không bao lâu Thủ đành bỏ cuộc và nhập “bè” với nhóm thương phế binh tá túc dưới lồng chợ Phạm Văn Hai để đi bán quần áo cũ.
Với một tấm vải nylon và vài chục bộ quần áo cũ, Thủ chiếm dụng một phần lề đường của một tiệm cà phê để tìm phương tiện sinh sống. Thấy Thủ là một thương phế binh, mọi người đều tận tình giúp đỡ anh. Loại quần áo mà Thủ bán là quần áo “SIDA” (bệnh AIDS), nghĩa là những quần áo cũ từ các trại tị nạn Thái Lan được buôn lậu qua ngả biên giới Thái-Cambodia, vượt qua đất Miên để vào vùng biên giới Cambodia-Việt Nam. Dân buôn lậu mua lại những loại quần áo này bán lại cho các vựa tại Sài Gòn. Thủ mua lại từ các vựa rồi bày bán lề đường. Nhờ quen biết với chủ vựa nên họ cho anh được lựa những loại tương đối còn tốt. Do đó, cuộc sống của Thủ cũng dễ chịu hơn những người đồng cảnh khác trong nhóm.
Thủ sống xứng đáng là đàn anh trong bè của anh. Là người vốn bao dung, Thủ thường giúp đỡ những bạn đồng cảnh khốn khó. Lâu lâu, trúng mối, Thủ còn gởi tiền về giúp các con dù rằng chúng đối xử với anh chẳng ra gì
(Còn tiếp)

An Pha  (A20 Vũ Ánh)

(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt ngày thứ Ba 19-04-2005)
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=37560)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét