A20 Vũ Ánh
“Què
cụt rồi thì còn sợ gì nữa?”
Trong
suốt bữa ăn, Hoàn uống nhiều và cũng nói khá nhiều, nhưng vẫn tỉnh táo. Dường
như anh ta không say. Anh nói về một số bạn bè anh đã chết trên đường vượt
Trường Sơn, tới những lần bị máy bay Mỹ tấn công, tới những đồng đội của anh bị
sốt rét chết giữa đường, tới gia đình anh ở ngoài Bắc:
-
Em có 6 anh chị em, nhưng chỉ có hai thằng phải vào bộ đội thôi. Một thằng anh
của em không phải đi “B” (xâm nhập Tây Nguyên) vì ông ấy lấy được cô vợ con nhà
có thần thế ở Hải Phòng. Còn lại mấy chị gái đều đã có gia đình, có con, trước
khi chế độ mở chiến dịch đi “B”. Vào đến Tây Nguyên là em bị thương và trở
thành phế nhân ngay.
-
Khi cậu bị thương đem về quân y viện vùng Tam Biên (ngã ba biên giới giữa Cao
Nguyên Trung Phần Việt Nam, Lào và Căm Bốt), sau khi lành vết thương làm sao mà
lặn lội về Bắc được?
-
Về rồi có được đãi ngộ gì không?
-
Thì cũng được xếp vào diện chính sách với số tiền trợ cấp đủ để ăn cháo trong
một tuần lễ. Thỉnh thoảng được trợ giúp thêm vài cân gạo. Em chưa cụt hai chân
nên chưa thuộc diện được cấp xe lăn. Chỉ tội cho mẹ em thôi. Chắc anh cũng hiểu
là một thương binh khi từ chiến trường trở lại, họ là gánh nặng một phần cho bộ
đội thì sẽ trở thành gánh nặng mười phần cho gia đình. Lý do: Khi một nhà nước
đẩy người dân vào một cuộc chiến tranh, bộ đội chết thì đã là một chuyện rồi.
Liệt sĩ nhẹ gánh hơn người còn sống mất một phần cơ năng trên người. Khi cuộc
chiến càng sâu, thương binh càng nhiều, nhà nước chỉ còn cách làm lơ trước
nhưng nhu cầu cần thiết của một phế nhân, những hậu quả xã hội mà họ không thể
ngờ tới. Tiền đâu mà khắc phục hậu quả đó chứ? Thành thử trong cuộc chiến, nếu
căn cứ vào số người chết để luận thành bại em thấy không đúng đâu.
Những
suy nghĩ của Hoàn làm tôi ngạc nhiên. Cả một lớp thanh niên bị đầu độc bởi
những hoang tưởng “thiên đường của xã hội chủ nghĩa” và “giải phóng” như Hoàn,
chắc chắn phải đối mặt với những thực tế ghê gớm lắm thì Hoàn mới có được những
chiêm nghiệm ấy. Tôi hỏi Hoàn:
-
Những thương phế binh như cậu khi bị thương trở về không được nhà nước đối xử
đàng hoàng, cậu có thành kiêu binh không?
-
Phần lớn những đứa như bọn em trừ những đứa thần thế lắm thì mới không có tư
tưởng này. Anh nghĩ mà xem, trong cái xã hội lúc đó, tuy phải đối phó vối chiến
tranh, cũng không thiếu những điều tiêu cực. Chẳng hạn anh có nghe nói con các
ông lớn ở trong bộ đội không. Có đấy nhưng đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn thời
kỳ chiến tranh họ trốn nghĩa vụ bằng cách cho con đi du học Liên Xô, Ba Lan,
Ðông Ðức, Tiệp. Họ không có nghĩa vụ phải giải phóng ai hết, chỉ có những thằng
dân đen như chúng em mới bị giao cho nghĩa vụ ấy thôi. Thoát chết trở về, sống
chật vật, thiệt thòi đủ thứ thì bảo sao họ không có tư tưởng làm loạn. Một lần,
do trợ cấp đột nhiên bị cắt, em phang cho thằng cha trưởng phòng thương binh và
xã hội tỉnh một cây nạng. Em bị tù mấy tháng.
-
Thế có gì khác giữa một thương binh của hai quân đội Miền Nam và Miền Bắc
trong đời sống hiện nay không?
-
Bản thân em thì em thấy chẳng có gì khác nhau cả. Bên nào thì cũng cố kéo cái
phần lý về phía mình khi nổ súng vào nhau. Nhưng em và anh cùng là dân Hải
Phòng nước mặn đồng chua cả, mà cũng không có gì thù nhau thì tại sao lại phải
đối kháng nhau? Vậy nên em cho rằng chuyện chúng ta đánh nhau không phải là do
chúng ta muốn mà là do “chính trị chính em” muốn.
Tính
chen vào giữa câu chuyện:
-
Tớ với cậu là cùng tuổi đấy, nhưng trước đây mà tớ gặp cậu thì đâu có ngồi nhậu
như bây giờ. Nhưng xin chuyển đề tài. Nói tới chính trị chán bỏ mẹ. Bọn mình là
những người đang bị bỏ quên rồi, nhưng tớ nghĩ họ bỏ quên mình là điều may cho
mình. Kiếm ăn vặt rồi chờ ngày xuống lỗ, nhưng ít nhất nhờ cụt chân cụt cẳng mà
mình được sống tương đối tự do nếu không gặp mấy thằng công an ưa sinh chuyện.
Cái
cay đắng của Tính nhuốm một chút tích cực. Trong cái xã hội khắt khe ở các nhà
tù cộng sản, chúng tôi chiêm nghiệm ra một điều: Khi chấp nhận phần xấu nhất về
cho mình, chúng tôi cảm thấy không còn sợ hãi và tự tìm được cho mình chút tự
do. Khi đã chấp nhận phải ra ngoài “đồi thông hai mộ” (vùng đất trong trại dùng
để chôn vùi thi thể tù cải tạo khi chết trong trại) thì còn sợ gì nữa. Khi
không sợ gì nữa ở trong trại thì, người tù cải tạo có thêm nhiều tự do cho
mình. Trong trại, một số người không liên lạc gì với gia đình, không thư từ,
không thăm nuôi... tất chẳng sợ bọn cán bộ giáo dục hay an ninh dùng để làm áp lực.
Trường hợp của những người như Hoàn hơi khác một chút xíu: Khi đã khiếm khuyết
nhiều cơ phận trên thân thể vì cuộc chiến vừa qua trở thành nỗi đau lớn rồi thì
có một quyền lực nào làm cho anh ta đau khổ hơn được nữa. Khi không sợ một
quyền lực nào, Hoàn “bựa” hơn và tự do làm được những điều theo ý thích của
mình, dù rằng những hành động đó đôi khi phạm pháp. Hoàn thường nói: “Ði với
bụt mặc áo cà sa, đi với mà mặc áo giấy, thượng bất chính thì hạ tắc loạn
thôi”.
(Còn tiếp)
An Pha
(A20 Vũ Ánh)
(Bài viết đăng trong mục “Sổ tay Cựu Chiến Binh” trên báo Người Việt
ngày thứ Ba 12-04-2005)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét