20/1/11

Anh Hùng Tử Sĩ Nguyễn Ngọc Bửu


                                     
  

Anh Hùng Tử Sĩ Nguyễn Ngọc Bửu


Nguyễn Ngọc Bửu, SVSQ/Đại Đội A/K25/TVBQGVN. Là một SVSQ hiền lành cương trực, sống yêu đời với nụ cười thân mật luôn nở trên môi. Bạn bè khóa 25, ai cũng đều thương mến.
Ngày mãn khóa, anh "không cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao nắng mưa cùng nguy hiểm", anh chọn binh chủng lừng danh của QLVNCN, binh chủng TQLC.
Ngoài đơn vị, anh là một cấp chỉ huy tài ba và đức độ, thương đồng đội, thương thuộc cấp hơn chính bản thân mình. Chiều 30 Tết đơn vị đang bận hành quân nơi hỏa đầu giới tuyến, cảm thương người lính xa nhà trong những ngày thiêng liêng đó anh đã quyết định có một món quà nhỏ để làm ấm lòng binh sĩ. Hãy nghe trích dẫn một đoạn ngắn mà Cựu SVSQ Nguyễn Hữu Xương K26, một đại đội phó của Bửu đã ghi lại kỷ niệm một buổi chiều cuối năm:

"Ngày 30 Tết khoảng 3 giờ chiều, anh đến gặp tôi và nói :
- Xương à, nhờ Xương một chút nghe !
- Chuyện gì đó niên trưởng
- Xương đi ngay ra Mỹ Chánh bây giờ để mua một ít mứt và hai chai rượu đế ngày mai cho binh sĩ họ đón Xuân....
- Được tôi đi...Nhưng...tiền đâu niên trưởng??
Nghe tôi hỏi, anh mừng lộ trên nét mặt :
- Có đây
Miệng nói tay móc từ túi áo ra một xấp bạc khá cộm trong phong bì:
- Đây tiền lương của tôi đây Xương!  Không phải tiền của lính đâu đâu à nghen. Tôi đãi anh em. Xương cũng đừng bỏ vô đồng nào hết để tiền gởi về cho vợ con. Tôi còn độc thân không sao hết. Đây, Xương mua hết cho tôi hai thứ mứt và rượu, được ông già đi bộ càng tốt...."
Đơn vị cuối cùng của Nguyễn Ngọc Bửu là Đại đội Trưởng ĐĐ1 /TĐ18/TQLC do niên Trưởng Trần Ngọc Toàn K16 làm Tiểu đoàn trưởng.
Sau ngày 30/4/75 nghe lời rêu rao của CS đang cưỡng chiếm miền nam Việt Nam,10 ngày ra đi học tập cải tạo tư tưởng. Cũng như hằng vạn quân dân cán chính VNCH đã bị lừa qua lời láo khoét này, anh cũng ra đi. Nào ngờ, thời gian biền biệt, đói khát khổ cực trăm bề trong trại tù CS. Trên thế gian này, không có một trại tù nào đầy đủ tính chất dã man tàn bạo như các trại tù CS tại VN trong thập niên 1975-1985. Trại anh đang chịu nhục hình là trại tù Xuân Phước thuộc Sơn Hòa.
Một ngày, không còn có thể chấp nhận cuộc sống dưới sự đối xử tàn tệ dã man của kẻ thù trong trại tù, anh đã quyết định một kế hoạch vượt thoát , anh quyết định đi tìm Tự Do dù phải đánh đổi bằng mạng sống .. Chuyến đi được thực hiện vào một buổi sập tối mùa đông,  cùng 6 bạn tù khác, anh lên đường vượt trại. Trước khi đi, các anh khống chế được 2 vệ binh CS, lấy được một AK mang theo, tha chết cho 2 vệ binh chỉ trói  lại và nhốt trong một bụi rậm để trì hoãn thời gian bọn chúng khám phá đã có tù nhân vượt trại.
Ngày nghỉ đêm đi, nơi dừng chân ban ngày là các bụi cây rậm rạp,  các anh qua được một tuần thoát hiểm môi sinh. Tự Do đã đến rất gần, một tuần, ngày nghỉ đêm di hành, vượt bao nhiêu rừng, qua bao nhiêu suối. Nhưng chuyến đi định mệnh đầy bi hùng ấy đã chấm dứt với một kết cục tang thương. Ôi, ngọn đồi nhỏ ở buôn làng Ma Hóa,  những tưởng là ranh  giới của sựTự Do các anh đang với tới được  nào ngờ là mồ chôn vùi thân xác các anh. Chuyến đi vẫn có vài sơ hở trong vấn đề ẩn nấp, kẻ địch đã tình cờ trông thấy chúng bám sát, tập trung quân bao vây rồi bất ngờ bắi xối xả vào các anh. 7 người ra đi, 6 người bỏ xác trên ngọn đồi Ma Hóa
Đó là mùa đông năm 1980, bầu trời Xuân Phước nhuốm màu tang tóc, mây che kín bầu trời xám xịt, chim rừng không vang tiếng hót, những giòng suối róc rách như thương tiếc khóc cho thân phận các anh, người chiến sĩ vô danh. Các anh nằm xuống không ai biết... không ai hay ... chỉ có những giọt nước mắt thầm của những người bạn tù trại Xuân Phước khi hay tin các anh đã gục ngã bên kia đồi. Các anh nằm xuống, thân xác tan tành, chúng tôi gồm gia đình anh Bửu và các bạn khóa 25 tại VN có ra tận ngọn đồi xưa cũ mong tìm được nắm xương tàn của các anh đem về chôn cất nhưng giờ đây chỉ còn  là cát bụi.
Nguyễn Ngọc Bửu, anh đã sống trong cơn khát vọng về một Tổ Quốc Việt Nam Tự Do, anh đã đánh đổi mạng sống để đi tìm bầu trời Tự Do ấy và tiếc thay anh đã không níu với được sự Tư Do cho ngay chính bản thân anh trong tận cùng khao khát.
Anh đã ra đi về vùng miên viễn, mãi mãi vẫn còn để lại những tiếc thương cho gia đình, người yêu, bạn hữu. Nghe tin sắp đến ngày giỗ anh một người bạn K25 có viết bài thơ tặng anh, bài thơ có tựa đề là: Nghiệt Ngả

                                           Thân xác bạn giờ đang ở đâu?
                                           Hồn miên viễn xứ ? chốn giang đầu ?
                                           Có về bên lối xưa nghiệt ngả ?
                                           Hồi lại thời gian đã bể dâu
                                           Nhớ bạn, kiếm cung có một thời,
                                           Mà sao con tạo khéo trêu người
                                           Heo rừng hổ báo nào chi biết,
                                           Rải rác xương tan, nấc giữa đời.
                                           Nhớ bạn hồn thiêng, nỗi hận căm,
                                           Rẫy hoang dõi dõi bóng trăng rằm
                                           Buôn cao gió hú, khèn man điệu,
                                           Cồng vẳng âm u, uất kiếp tằm.
                                           Chôn kiếm ai đang ngủ bên trời ,
                                           Mây thành, núi trụ, gió chơi vơi
                                           Khóc lên ba tiếng thương người bạn,
                                           Đã có lần chung một nút đời
                                                              (Nguyễn trung Khánh  K25)

 Lại sắp đến kỳ tưởng nhớ ngày giỗ anh và 5 người bạn tù của anh đã hy sinh bên đồi buôn Ma Hóa, chúng tôi những người bạn đồng khóa 25/TVBQGVN của anh, xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ, và xin cầu nguyện cho linh hồn anh và 5 người bạn được hoàn toàn siêu thoát về một chốn đời đời bình yên hoa thắm.
Xin được nghiêng mình kính cẩn trước linh hồn anh và các bạn tù vượt thoát của anh, những người Anh Hùng không tên tuổi.

     Nguyên Hàm K25

************

 * Vài hình ảnh Nguyễn Ngọc Bửu:


 Bửu, thời SVSQ năm thứ 4 vẫn một mình, lang thanh trong  ngày Chủ Nhật. 


 Những chiếc nón màu của K25 trong ngày mãn khóa: Nguyễn Phùng Dzoanh TQLC, Trần Việt Doanh BĐQ, Nguyễn Văn Bảo ND và Nguyễn Ngọc Bửu TQLC. Trong 4 người thì 3 người đã hy sinh ngoài chiến trận chỉ còn Nguyễn Phùng Dzoanh sống sót đang cư ngụ tại Stockton, California.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét